Saturday, March 7, 2020

Sứ mạng Huynh trưởng

Sứ mạng Huynh trưởng

Thích Nhất Hạnh

Bảo vệ nơi trú ẩn cuối cùng

Xã hội mà ta đang sống ngày hôm nay đầy dẫy những chất liệu độc hại, căm thù, bạo động, cám dỗ, thèm khát, và tuyệt vọng. Có rất nhiều gia đình tan nát bởi nhiều lý do khác nhau. Có thể là vì rượu, vì ma túy, có thể vì sắc dục, vì danh lợi, danh vọng hão huyền, có thể vì ganh ghét, vì nghi ngờ. Trong học đường cũng có rất nhiều độc tố: độc tố của bạo động, của căm thù. Vì vậy khi ta gởi con ta đi vào trường hay gởi con ta đi vào xã hội thì ta rất lo lắng. Lo lắng là phải! Tại vì con ta đi học về, đi chơi với các bạn về, đi sinh hoạt trong xã hội về thì con ta mang theo những cái mà ta không nhận ra trong nếp sống và truyền thống của văn hóa mình. Chúng ta lo lắng, muốn gởi con mình vào một môi trường tốt, và khi nhìn quanh thì chỉ thấy còn có chùa, có Gia Đình Phật Tử thôi. Do đó nhiều bậc phụ huynh rất muốn gởi gắm con cho chùa và cho Gia Đình Phật Tử. Nhiều khi các em không muốn tới chùa, không muốn tới với Gia Đình Phật Tử nhưng mà bị cha mẹ bắt ép thành ra phải tới, và tới một cách gượng gạo, không có hạnh phúc mấy. Có nhiều em nói rằng: “Ba má con bắt con đi chùa, nhưng mà tới chùa con thấy thầy hút thuốc thì con chán vô cùng!” Các em chán là phải! Tại vì khi tới chùa thì ta ao ước thấy một cái gì trong sáng, lành và đẹp. Mà nếu ta chỉ gặp vị thầy không biết sử dụng ngôn ngữ từ ái, thầy cứ la mắng, thầy hút thuốc, thầy uống bia, thì làm sao ta có thể có hạnh phúc được? Còn các Huynh Trưởng của Gia Đình Phật Tử, nếu họ cứ làm khổ nhau, nếu họ không hiểu nhau, không sống với nhau có hòa điệu, có hạnh phúc thì làm sao ta có niềm tin được? Do đó trú địa cuối cùng, chỗ ẩn náu cuối cùng của ta là chùa, là Gia Đình Phật Tử mà mất đi thì ta rất bơ vơ. Mà các bậc cha mẹ không biết rằng chùa hay Gia Đình Phật Tử cũng là công trình xây dựng của mình. Nếu ta không góp công, góp sức vào để xây dựng ngôi chùa của ta, để xây dựng Gia Đình Phật Tử của ta thì làm sao ta mong mỏi có một ngôi chùa chỉnh đốn, có một Gia Đình Phật Tử chỉnh đốn? Ta cứ nghĩ rằng gởi con cho chùa, cho Gia Đình Phật Tử là đủ thì đâu được. Ta đã không có sức bảo vệ cho con, nuôi dưỡng con về phương diện tinh thần và đạo đức nên ta mới gởi con vô chùa, gởi con cho Gia Đình Phật Tử. Nhưng mà chùa và Gia Đình Phật Tử rất cần sự yểm trợ của ta để có thể làm tròn sứ mạng mà Đức Thế Tôn giao phó và ta mong đợi. Khi ta giao phó con ta cho chùa, cho Gia Đình Phật Tử tức là ta có niềm tin vào đó, nhưng nếu ta không góp sức yểm trợ thì chùa và Gia Đình Phật Tử có thể không đạt được phẩm chất mà ta ước mong. Cho nên bổn phận của các phụ huynh là phải lưu tâm, phải có lòng ưu ái đối với chùa, với thầy, với Gia Đình Phật Tử, và phải làm tất cả những gì mà ta có thể làm để yểm trợ cho nơi trú ẩn cuối cùng đó. Bởi vì khi trú địa cuối cùng bị mất đi thì không còn chỗ nào cho ta và cho con cháu ta nương tựa nữa.

Đừng phó mặc các em!

Tôi xin đọc lại vài câu: “Học đường và xã hội ngày nay có quá nhiều chất liệu cám dỗ, bạo động, căm thù, nghi kỵ và thèm khát”. Tình trạng đó là tình trạng chung của tất cả chứ không phải chỉ là tình trạng riêng của những em bé Việt Nam sống tại hải ngoại. Trẻ em Hoa Kỳ, trẻ em Canada cũng như trẻ em của chúng ta cũng đang sống trong hoàn cảnh đó. Tất cả những độc tố mỗi ngày đều đi vào trong các em. Khi các em coi vô tuyến truyền hình thì độc tố của sự thèm khát, sợ hãi, kỳ thị, tuyệt vọng, căm thù cũng đi vào tâm hồn của các em. Có thể là ban đêm các em bị những cơn ác mộng, các em la, các em hét, các em khóc; nhưng vì ta bận bịu quá, có khi không lo được cho chính ta thì làm sao có thì giờ và cơ hội để lo cho các con của ta. Nên chúng ta cứ phó mặc các em cho xã hội, cho máy truyền hình và cho chốn học đường đầy dẫy những thành phần chất chứa bạo động căm thù. Con nít bây giờ, khi giận lên mà có súng thì có thể cầm súng bóp cò rất dễ dàng. Ở đất nước này người ta có quyền mua súng tự do và vì coi TV thấy cảnh đó quen rồi, khi nào bất như ý là con nít rút súng ra hành xử như các chàng cao bồi trong phim vậy. Các cháu học quá nhiều trong trường học, học không kịp thở, không kịp ăn. Nhưng tại trường học các cháu chưa bao giờ được học các phương pháp để chăm sóc và quản lý cái buồn, cái lo, cái khổ đau, cái giận của mình. Vì vậy, mỗi khi đi vào một hoàn cảnh bất như ý thì em bé phản ứng lại rất bạo động. Nếu không có súng thì dùng gậy, nếu không có gậy thì dùng đá, nếu không có đá thì dùng tay chân và dùng những lời nói rất tục tĩu, rất bạo động. Sự kiện này không phản chiếu được một chút nào nếp sống văn hóa tâm linh của cha ông chúng ta ngày trước, khi các chất liệu sợ hãi và bạo động có đầy trong tâm rồi thì phản ứng của em bé chỉ có thể là bạo động mà thôi. Và ta cũng không thể trách con ta tại sao lại bạo động như vậy được. Nếu có súng ở đó, nó sẽ cầm súng lên. Nếu có gậy ở đó, nó sẽ cầm gậy lên. Nếu có cục đá ở đó, nó sẽ cầm cục đá lên. Tại vì nó cần những cái đó để biểu lộ sự giận hờn của nó. Và cũng tại vì chưa có ai, kể cả cha mẹ, từng dạy cho cháu biết mỗi khi giận phải làm gì để có thể quản lý cái giận của mình, để mình có thể tiếp tục cư xử như một người có văn minh và đừng để gây đổ vỡ, tù tội.

Hợp tác với Huynh trưởng

Xin quý vị trong Ban Hướng Dẫn Trung Ương cũng như Huynh Trưởng nam nữ của đơn vị gia đình pháp đàm thật sâu sắc và đi tới một văn bản đầy đủ, không cần dài. Ta có thể chỉ cần một trang thôi, nhưng trong nội bộ chúng ta cần nắm thật vững để rồi chúng ta có thể đối thoại với giới phụ huynh. Trong này có nhiều câu mà chúng ta có thể suy nghĩ thêm: “Các Huynh Trưởng tuy đạo hạnh và tài năng chưa toàn bích, chưa hoàn hảo”, đó là sự khiêm nhượng của mình, có phải không? Nhưng sự thật là vậy, sự thực là chúng ta chưa được hoàn hảo. Các thầy, các sư cô cũng vậy, không có ai hoàn hảo hết; “nhưng ai cũng đã được huấn luyện và tu học liên tục để càng ngày càng có thêm khả năng bảo vệ và nuôi dưỡng đoàn sinh của mình.” Đây là điều mà khi đọc lên là một lời phát nguyện cho chính ta. “Huynh trưởng Gia Đình Phật Tử cố tâm thực tập cho bản thân và trong gia đình mình; bồi đắp chất liệu hòa thuận, tin yêu và hạnh phúc cho gia đình mình trong khi dạy dỗ và hướng dẫn các em tại đoàn quán.” Cái đó là tự lợi và lợi tha đi đôi cùng một lúc, và khi đọc câu này thì ta ý thức rằng ta không thể không thực tập trong gia đình của mình. “… để rồi các em cũng học được các phương thức ấy”, tại vì học trực tiếp bằng thân giáo từ anh, từ chị, bằng cái hạnh của anh và của chị chứ không phải học bằng lời nói từ các anh, các chị. Khi các em học được những điều đó thì các em sẽ đem về nhà để áp dụng. Nhưng khi đem về nhà mà không có sự yểm trợ và đồng ý của phụ huynh thì các em sẽ thất bại. Vì vậy sự hợp tác giữa phụ huynh và giới Huynh Trưởng trong Gia Đình Phật Tử rất thiết yếu cho sự thành công.
Chúng ta biết rằng Gia Đình Phật Tử không phải chỉ dùng để làm văn nghệ cho chùa, dù chúng ta sẵn sàng làm văn nghệ, cũng như chúng ta sẵn sàng yểm trợ cho chùa, cho thầy. Mục đích của chúng ta không phải chỉ có chừng đó, mục đích của chúng ta lớn hơn nhiều. Mục đích chúng ta là phải chuyển hóa xã hội này cho bớt bạo động, bớt căm thù, bớt nghi kỵ, bớt chia rẽ. Quý vị có biết rằng đồng bào mình đã ra nước ngoài mấy chục năm rồi mà cũng còn rất nhiều người ôm ấp lấy cái quá khứ thù hận không buông ra được; và do đó không sống được trong giờ phút hiện tại để có niềm vui mà nuôi dưỡng các con. Nếu ta không có tình thương và niềm vui, ta cứ sống bằng chất liệu hận thù hoài thì làm sao các con ta có chất liệu bổ dưỡng? Làm cho người ta buông bỏ được quá khứ, buông bỏ được hận thù để có thể sống an lạc trong hiện tại, đó là một trong những sứ mạng của người Huynh Trưởng Gia Đình Phật Tử. Quý vị cần phải được nâng đỡ, được khuyến khích, được vỗ về và nhiều khi các thầy không thấy được nỗi khổ đau, khổ tâm của quý vị. Quý vị không được hạnh phúc lắm, nhưng mà ít nhất cũng có những người hiểu thấu được những khó khăn, hoàn cảnh của quý vị và luôn luôn yểm trợ cho quý vị trong công trình thực tập và xây dựng này. Chúng tôi, các thầy và các sư cô ở Làng Mai luôn luôn lưu tâm và theo dõi những hành động và những khó khăn của quý vị để có thể yểm trợ cho quý vị.
Đây có thể gọi là một bức tâm thư của Gia Đình Phật Tử gởi tới gia đình các em và nói rất rõ rằng nếu quý vị không giúp chúng tôi thì chúng tôi cũng chịu thôi, không thể nào chăm sóc được em bé hoàn toàn mà quý vị gởi tới. Trước hết ta phải nói tới hoàn cảnh rất xấu của em bé trong hoàn cảnh phức tạp của xã hội. Em bé bị bao quanh bởi nhiều độc tố: độc tố của cám dỗ, của bạo động, của căm thù, của nghi kỵ, của thèm khát và em bé có thể đã bị thương tích trầm trọng trong tâm hồn. Có thể em bé đang có vấn đề với ba, với chị, với mẹ. Có thể em bé đã có những chất liệu của bạo động, của thèm khát, của hận thù, của sự nghiện ngập. Do đó, tại trường em bé không có khả năng học; em học không vô nữa vì những khổ đau tiếp nhận trong gia đình hơi nhiều rồi mà khi tới trường lại tiếp nhận thêm nhiều yếu tố tiêu cực nữa. Thành ra tình trạng của em bé có thể là đang rất khó khăn, rất nguy ngập. Mỗi tuần em bé đến sinh hoạt với đoàn của ta được vài ba giờ đồng hồ thì có thấm gì đâu. Đó là trong trường hợp ta có thì giờ, có sự vững chãi, có sự thương yêu, có phương pháp cụ thể. Còn nếu trong trường hợp ta cũng không có thì giờ, cũng chưa được huấn luyện và tu tập đàng hoàng thì cơ hội đó còn bé nhỏ hơn nữa. Chúng ta không tự hào rằng chúng ta là những Huynh Trưởng đã được huấn luyện chu đáo, đã được huấn luyện tới mức độ toàn hảo, có đủ đạo đức, có đủ phương pháp để bảo vệ, nuôi dưỡng và chữa trị cho các em. Ta không dám nói như vậy vì thật ra ta cũng bị thương tích như các em một phần nào đó. Ta cũng có những đau khổ của ta, ta cũng có những khó khăn của ta. Và đôi khi, ta cũng không biết những biện pháp để hóa giải, để chuyển hóa những đau khổ cũng như sợ hãi, những tuyệt vọng của ta nữa thì làm thế nào ta có thể giúp được các em? Hai chị em hay hai anh em cùng mặc đồng phục của GĐPT nhưng không có nghĩa là cả hai đang cùng có chất liệu yêu thương, có sự hòa thuận, có sự tin yêu, có sự vui vẻ, có sự vững chãi, hoặc có sự thanh thản như nhau. Vì vậy cho nên hình thức không đủ bảo đảm. Do đó, nếu không có sự yểm trợ của quý vị, chúng tôi không thể làm được những việc mà quý vị giao phó.

Tâm thư cho phụ huynh

Sáng nay, trong khi đại chúng ngồi thiền tôi có soạn thảo ra một vài tiêu đề cho Ban Hướng Dẫn Gia Đình Phật Tử, có thể làm ra một tờ bướm nhỏ nói về mục đích, đường lối, phương pháp của Gia Đình Phật Tử và kêu gọi giới phụ huynh yểm trợ để Gia Đình Phật Tử có thể làm được nhiệm vụ mà Tam Bảo và phụ huynh giao phó. Tôi đã ngồi xuống với tất cả trái tim của tôi. Tôi đã ngồi viết để giúp quý vị nói về mục đích và phương pháp của Gia Đình Phật Tử với lời kêu gọi sự yểm trợ từ phía gia đình các em để mình có thể làm được phận sự mà mình đã được Đức Thế Tôn, đã được các gia đình các em giao phó. Tôi viết xuống rất đơn giản. Đây chỉ là một vài ý sơ lược, các vị trong Ban Hướng Dẫn, với tài năng của quý vị sẽ phát triển những ý đó và trình bày khéo léo để tài liệu này có thể được sử dụng như một tài liệu căn bản của Gia Đình Phật Tử. Tài liệu này có thể được sử dụng để thiết lập quan hệ tốt giữa ta và giới phụ huynh vì nếu giới phụ huynh không yểm trợ ta thì không thể nào chúng ta có thể thành công được.
“Gia Đình Phật Tử là một tổ chức nuôi dưỡng và giáo dục thanh thiếu niên theo tinh thần và đường hướng Phật giáo. Các Huynh Trưởng của Gia Đình Phật Tử đã được huấn luyện và đào tạo để hướng dẫn các đoàn sinh sống theo nếp sống hiếu thuận, từ hòa, hiểu biết và thương yêu của truyền thống đạo Bụt. Học đường và xã hội ngày nay có quá nhiều chất liệu cám dỗ, bạo động, căm thù, nghi kỵ và thèm khát. Phụ huynh vì lo sợ con em bị nhiễm độc bởi những chất liệu ấy nên thao thức muốn con em được nương tựa vào một nếp sống tâm linh để được bảo vệ và nuôi dưỡng bằng những chất liệu lành mạnh của nền đạo lý dân tộc. Vì vậy quý vị đã gởi con em mình vào Gia Đình Phật Tử. Các Huynh Trưởng Gia Đình Phật Tử tuy đạo hạnh và tài năng chưa thật toàn hảo nhưng ai cũng đã được huấn luyện và tu học liên tục để càng ngày càng có thêm khả năng bảo vệ và nuôi dưỡng đoàn sinh của mình. Huynh Trưởng Gia Đình Phật Tử cố tâm thực tập cho bản thân và cho gia đình mình; bồi đắp chất liệu hòa thuận, tin yêu và hạnh phúc cho gia đình mình trong khi dạy dỗ và hướng dẫn các em tại đoàn quán để rồi các em cũng học được các phương thức ấy mà làm tăng tiến chất liệu hòa thuận, tin yêu và hạnh phúc trong gia đình của chính các em. Phụ huynh đã gởi con em cho tổ chức Gia Đình Phật Tử thì xin yểm trợ cho đoàn và cho con em mình trong việc áp dụng những pháp thực tập ấy trong gia đình mình. Nếu phụ huynh thực tập Năm Giới vững vàng, cố gắng dành thì giờ để tham dự vào những buổi sinh hoạt, tụng giới và những ngày quán niệm do Gia Đình Phật Tử tổ chức và cộng tác với các em trong việc tổ chức tu học tại nhà thì đó là một yểm trợ rất lớn cho Gia Đình Phật Tử. Có thế thì các Huynh Trưởng của Gia Đình Phật Tử mới làm tròn được bổn phận nuôi dưỡng và bảo vệ các em trong môi trường độc hại của xã hội hiện giờ. Các Huynh Trưởng của Gia Đình Phật Tử mong mỏi quý vị phụ huynh cùng đi với các em trên con đường tu học. Bởi vì nếu không có quý vị tán đồng và yểm trợ thì chúng tôi không thể nào làm tròn được sứ mạng mà quý vị giao phó. Mỗi đoàn sinh có thể có những khổ đau và khó khăn tại học đường, tại gia đình và ngoài xã hội. Chúng tôi mong được cộng tác với quý vị phụ huynh để nhận diện được những khổ đau và khó khăn ấy của các em mà tìm ra những biện pháp hữu hiệu để giúp các em và gỡ rối cho các em. Gia Đình Phật Tử rất cần những lưu tâm và yểm trợ của quý vị.”
Đây là những ý chính, Ban Hướng Dẫn cũng như các Huynh Trưởng có thể tổ chức pháp đàm để làm ra một văn bản chính thức, được Đại Hội chấp thuận và đem ra thực hành. Đó là một trong các món quà tặng cho tổ chức Gia Đình Phật Tử.

Thực tập với các em

Trong văn kiện này có một vài ý quan trọng. Câu: “Các Huynh Trưởng của Gia Đình Phật Tử mong mỏi quý vị phụ huynh cùng đi với các em trên con đường tu học. Bởi vì nếu không có quý vị tán đồng và yểm trợ thì chúng tôi không thể nào làm tròn được sứ mạng mà quý vị giao phó.” Có nghĩa là quý vị đừng có khoán trắng con em quí vị cho chúng tôi, quý vị phải đóng góp một phần trách nhiệm. Nếu các em thực tập Năm Giới, không uống rượu, không sử dụng ma túy, không nói lời ác ngữ, mà quý vị không thực tập những điều đó thì làm sao các em thành công được! Chúng tôi sẽ hoàn toàn thất bại. Và vì vậy nếu muốn các em nên người, nếu muốn các em được nuôi dưỡng bởi những chất liệu từ hòa và an lạc của đạo Bụt thì quý vị cũng phải thực tập với các em. Nếu quý vị không thực tập thì các em sẽ đau khổ, các em sẽ nói: “Ở nhà, ba má em không có thực tập, vậy thì làm thế nào mà em thực tập được?” Như tiếng chuông chẳng hạn, nếu ba má không thực tập thì làm sao em có thể thực tập tiếng chuông chánh niệm hay là phòng thở được. Cho nên phải có sự liên minh rất chặt chẽ giữa Huynh Trưởng và phụ huynh thì ta mới làm tròn được sứ mạng của Tam Bảo giao phó. Một cuộc vận động phải được khởi ra để có sự đối thoại với phụ huynh và để mời phụ huynh tham dự. Đó là vì tương lai của các em chứ không phải vì ta muốn quyên tiền để làm đoàn quán hay làm gì khác. Vấn đề là chính vì con em của ta mà ta phải đóng góp phần của ta, chứ nếu quý vị bỏ luống và khoán trắng cho chúng tôi thì chắc chắn là chúng tôi sẽ thất bại. Chúng tôi là cá, chúng tôi cần phải có nước thì mới bơi được.

Yểm trợ Gia đình phật tử là yểm trợ con em mình

Chúng ta đâu có nghĩ là khi qua đất nước này những người trẻ của chúng ta sẽ đi vào tù. Nhưng mà con số người trẻ Việt Nam đã vào tù không phải là ít và đã đi theo băng đảng rất nhiều. Gia Đình Phật Tử chúng ta đã làm được gì để ngăn chặn cái đà phá sản của văn hóa và đạo đức dân tộc? Chùa, thầy đã giúp cho chúng ta được tới mức nào để ta làm được những việc đó? Phụ huynh ở các gia đình đã yểm trợ tới mức nào để ta có thể làm những công việc thiên nan, vạn nan đó? Vấn đề của ta là nếu ta không tới với nhau trong một khung cảnh thanh tịnh, tập thở, tập đi, tập ăn cơm trong chánh niệm thì làm sao ta có đủ sự trầm tĩnh trong hiện tại để tìm ra một hướng đi, tìm ra được biện pháp thực tập chung để đưa ta và con em ta ra khỏi tình trạng này. Làm thế nào để ta có những biện pháp hữu hiệu bảo vệ thân và tâm của ta, bảo vệ thân và tâm của em bé? Sứ mạng của Gia Đình Phật Tử rất lớn, sứ mạng của các anh chị Huynh Trưởng rất lớn!
Xin quý vị phụ huynh cộng tác với chúng tôi, yểm trợ cho Gia Đình Phật Tử mà trong ấy có con em mình, và yểm trợ cho con em mình áp dụng phương pháp thực tập ấy trong phạm vi gia đình. Nghĩa là thưa quý bác, quý bác cũng thực tập như cháu, quý bác cũng thực tập như em, đều phải lựa lời nói dịu dàng, đều phải lựa lời nói thanh nhã. Đó là nhiệm vụ của tất cả chúng ta. Gia Đình Phật Tử phải đưa cả hai tay, một tay ôm lấy gia đình em bé, một tay ôm lấy cái xã hội và học đường của em bé. Sứ mạng của Gia Đình Phật Tử rất nặng. Vì vậy xin các bác yểm trợ cho Gia Đình Phật Tử, yểm trợ cho con em của mình trong việc áp dụng những phương pháp thực tập ấy trong gia đình mình. Nói rõ hơn nữa, nếu quý vị phụ huynh thực tập Năm Giới cho vững vàng, cố gắng dành thì giờ để tham dự vào những buổi tụng giới, tham dự vào những ngày quán niệm, những khóa tu do Gia Đình Phật Tử tổ chức và cộng tác với các em trong việc tu học tại nhà thì đó là sự yểm trợ rất lớn cho Gia Đình Phật Tử. Có phải là ta muốn kéo gia đình các em vào các sự thực tập hay không? Làm sao em có thể thành công nếu trong gia đình không có sự thực tập? Nếu không có sự yểm trợ của gia đình thì hành động của ta, công tác của ta như nước đổ lá khoai, ta chữa trị được một chút, ta nuôi dưỡng được một chút thì khi về nhà, các em lại bị làm hư như cũ và công việc của chúng ta là công việc dã tràng xe cát biển Đông.
Dã tràng xe cát biển Đông,Nhọc lòng mà chẳng nên công cán gì.
Cho nên ta đừng có ao ước viển vông là có thể nuôi dưỡng được em bé nếu gia đình của em bé không cộng tác với ta. Đây là lời kêu gọi bằng nước mắt, bằng máu, bằng tâm huyết. Xin quý vị phụ huynh yểm trợ cho chúng tôi, nếu không chúng tôi không thể làm được công việc chăm sóc các em bé. Phải nói câu đó lên bằng trái tim mình. Phải nói một lần, hai lần, mười lần, một trăm lần, một ngàn lần cho đến khi nào gia đình của em bé hiểu được sự thật rằng ta không thể làm gì được nếu không có sự yểm trợ của gia đình và nếu ta có sự yểm trợ của gia đình thì không những ta giúp được cho em bé mà ta giúp luôn cho cả học đường.
Quý vị là con cháu của đạo Phật, một tôn giáo mà truyền thống tâm linh đã có mặt tại đất nước mình trên 2000 năm rồi. Quý vị có khả năng, có thể làm được chuyện đó để giúp các Huynh Trưởng bảo vệ, nuôi dưỡng con em mình, và nuôi dưỡng luôn gia đình các em; chữa trị cho con em mình và chữa trị luôn cho gia đình các em nữa. Có như vậy, chúng ta mới có thể cứu chữa tình trạng xã hội. Đó là lời yêu cầu để giúp cho sự tu học của các em, chứ không thì những điều em học được ở chùa về nhà em chẳng thực tập được. Nếu quý vị phụ huynh làm được những việc đó thì đó là một sự yểm trợ rất lớn cho Gia Đình Phật Tử và có như thế, các Huynh Trưởng Gia Đình Phật Tử mới làm tròn được bổn phận nuôi dưỡng và bảo vệ các em trong môi trường rất xấu của xã hội hiện tại. Nhiều phụ huynh hay quên là môi trường của các em rất xấu, phần lớn các em sau khi tiếp xúc với môi trường đó rồi trở về mang đầy thương tích, rác rến thì họ chỉ biết la rầy thôi. Ai làm cho các em vướng vào những rác rến, những xấu xa đó? Có phải chính ta làm không? Ta đã gởi các em ra môi trường đó rồi đến khi các em bị thương tích trở về thì ta không nhìn, lại la mắng. Các Huynh Trưởng của Gia Đình Phật Tử mong quý vị đi cùng với các em trên con đường tu học. Thông điệp này rất rõ ràng, ta không thể để các em đi một mình trên con đường tu học. Quý vị phải cùng tu học chung với các em. Chúng tôi, những người Huynh Trưởng của Gia Đình Phật Tử sẵn sàng tiếp tay với quý vị để quý vị có thể đi được với các em. Bởi vì không có quý vị tán đồng và yểm trợ thì chúng tôi không thể làm tròn được sứ mạng mà quý vị giao phó. Đây không phải là lời dọa nạt mà là một sự thật. Ở Làng Mai, có nhiều em về tu học được chuyển hóa và tiếng đồn đưa về thành phố, rồi có nhiều bậc phụ huynh thấy con em mình hư quá trời, họ gởi lại cho Làng Mai nhưng họ không chịu về tu học. Họ làm như Làng Mai là một cái máy, nhét em bé vào đầu này rồi cái máy quay quay một số vòng thì sang đầu bên kia thành một em bé ngoan và gởi về lại cho họ. Họ nghĩ như vậy đấy. Và chúng tôi luôn luôn nhắc họ rằng, nếu quý vị không về tu học chung với các em thì những cố gắng của chúng tôi không có kết quả bền bỉ. Quý vị phải về Làng với các em, phải tham dự các khóa tu mỗi năm, chứ để đến khi nào có vấn đề, hoặc con hư không chịu nổi thì mới chịu cho con về và nhiều khi mình cũng không chịu về với con, khoán trắng cho các thầy, các sư cô và các anh, các chị ở lại thì trong trường hợp đó chúng tôi không có trách nhiệm. Chúng tôi nói là nếu quý vị không về tu học thì chúng tôi chịu thôi, chứ chúng tôi không thể nào chữa trị và nuôi dưỡng em bé. Tại vì nuôi dưỡng, chữa trị được, gởi về môi trường cũ là em bị hư hỏng lại lập tức. Tại vì quý vị không có sự cộng tác trong sự tu học. Nếu quý vị không tán đồng và yểm trợ thì chúng tôi không thể làm tròn sứ mạng mà quý vị giao phó. Quý vị cũng không thể nói rằng Huynh Trưởng không làm được những việc mình trông cậy họ làm bởi vì mỗi đoàn sinh có thể có những khổ đau và khó khăn tại học đường, trong gia đình và ngoài xã hội. Sự thực là dù các em mới có năm hay sáu tuổi thì cũng bắt đầu có những khổ đau và khó khăn rồi. Người Huynh Trưởng, giống như một người bác sĩ, phải có hồ sơ của từng em, phải biết bối cảnh gia đình, bối cảnh xã hội của từng em. Phải thấy rõ ta mới có thể chữa trị được và nuôi dưỡng em được. Làm sao anh có thể dạy em, có thể làm cho em hết khổ, có thể trị liệu được cho em nếu anh không biết gì về quá khứ của em, không biết gì về cha mẹ, về đời sống xã hội, tâm linh, và gia đình của em chứ. Người Huynh Trưởng phải biết quá khứ của người đoàn sinh của mình và phải cộng tác với bố mẹ của em, với thầy giáo của em và những người khác nữa mới có thể hiểu em một cách tường tận. Và sự hiểu biết đó giúp ta đưa ra những phương pháp thực tập để chữa trị và nuôi dưỡng các em. Một lần nữa, sứ mạng của người Huynh Trưởng rất lớn nhưng họ không làm được nhiều nếu không có sự hỗ trợ và cộng tác của gia đình, phụ huynh và những người khác.
Chúng tôi mong quý vị phụ huynh hiểu rõ để có thể cộng tác với chúng tôi trong việc nhận diện khổ đau và trị liệu cho các em.

Đạt Lai Lạt Ma: Suy tư về bệnh tật

 Suy tư về bệnh tật

Đạt Lai Lạt Ma


Trích
365 LỜI KHUYÊN TÂM HUYẾT của ĐỨC ĐẠT-LAI LẠT-MA 
Cẩm nang cho cuộc sống ngày nay
Đức Đạt-lai Lạt-ma / Matthieu Ricard ghi chép và sắp đặt bản gốc / Hoang Phong chuyển ngữ
II
SUY TƯ VỀ CÁC BỐI CẢNH TRONG CUỘC SỐNG
98
Ngày nay ngành y khoa đã đạt được nhiều tiến bộ khả quanTuy nhiên trong lãnh vực phòng ngừa kể cả việc chữa trị thì sức mạnh tâm thần vẫn luôn giữ một vai trò chủ yếu. Điều này thật hết sức hiển nhiên.
Thân xác và tâm thức liên hệ và tương tác với nhau thật chặt chẽ. Chính vì thế nên bệnh tình của mình dù trầm trọng đến đâu đi nữa thì cũng không nên tuyệt vọng. Hãy tự nhủ rằng luôn luôn có một phương thuốc chữa trị (phương thuốc đó nằm thật sâu bên trong tâm thức mình, không những nó có thể góp phần làm giảm bớt sự đau đớn trên thân xác mà cả những thứ bấn loạn khuấy động bên trong tâm thức mình. Nếu thân xác và tâm thức liên hệ và tương tác với nhau thì phải điều trị cả hai cùng một lúc).
99
Dù bệnh trạng biến chuyển như thế nào thì cũng phải hiểu rằng có hốt hoảng cũng chẳng giải quyết được gì cả mà cũng chỉ là cách ghép thêm khổ đau vào đau khổ mà thôi (hốt hoảng cũng là một thể dạng khổ đau). Tôi vẫn thường nhắc đến lời khuyên rất thiết thực của nhà hiền triết Ấn-độ Shantideva/Tịch Thiên, đại khái như sau: “Nếu đã có một giải pháp thì lo lắng để mà làm gì, cứ mang giải pháp ấy ra mà áp dụngNếu không còn một giải pháp nào nữa thì lo lắng cũng chỉ là vô ích, chỉ làm cho sự đau đớn gay gắt thêm mà thôi”.
100
Phòng ngừa là phương thuốc chữa trị hiệu nghiệm nhất. Phương thuốc đó liên hệ đến ẩm thực và phong cách hành xử trong cuộc sống thường nhật của minh. Nhiều người lạm dụng rượu chè và thuốc lá. Họ tự hủy hại sức khỏe của mình chỉ vì một chút thích thú nhỏ nhoi và tạm bợ, tạo ra bởi mùi vị và sự kích thích của các thứ ấy. Nhiều người khác thì ăn quá nhiều mà mang bệnh. Tôi được biết nhiều người tu hành trong khi ẩn cư nơi rừng núi trong các chiếc am hẻo lánh thì có sức khỏe tốt. Thế nhưng mỗi khi về thăm gia đình hay bè bạn vào các dịp Tết hay lễ lạc, thì họ không sao kềm hãm được sự tham ăn và đã ngã bệnh (Ngài bật cười).
101
Đức Phật nói với các tỳ kheo (các đệ tử) rằng nếu ăn uống không đầy đủ thì cơ thể sẽ bạc nhược, đó là một sự sai lầm, thế nhưng Ngài cũng cho biết thêm là nếp sống phủ phê cũng là một cách làm tiêu hao công đức (1) của mình mà thôi. Đấy là cách mà Ngài khuyên chúng ta hãy giảm bớt các sự thèm khát và biết an phận với những gì mình có, hầu giúp mình thăng tiến nhanh chóng hơn trên đường tu tập và mang lại cho mình một sức khỏe tốt. Ăn uống quá nhiều hay quá ít đều khiến mình mang bệnh. Trong cuộc sống thường nhật tốt hơn nên tránh mọi hình thức thái quá.

______________________________
1) Công đức trong Phật giáo có nghĩa là các hành động tốt lành mà mình đã thực hiện được, nhưng cũng có nghĩa là các luồng khí lực tích cực tạo ra bởi các hành động đó, chúng ăn sâu vào “dòng luân lưu của tri thức” một cá thể.  Các luồng khí lực đó sẽ tạo ra các xu hướng tâm thần thuận lợi mang lại hạnh phúc cho mình. Sớm muộn gì thì các tác động đó sẽ xảy ra với mình, tất cả tùy vào các luồng khí lực đó có được kết hợp hay không với các luồng khí lực khác mang tính cách tích cực, hoặc cũng có thể là tiêu cực. Hơn nữa dưới tác động của nguyên lý tương liên/lý duyên khởi các luồng khí lực đó còn có thể tạo ra cho mình các điều kiện thuận lợi về mặt vật chất, chẳng hạn như sức khỏe tốt, sự giàu có, v.v.  (ghi chú trong sách của dịch giả Christian Bruyat – gcts).
Công đức (merit, virtue) còn gọi là đạo hạnh hay các điều xứng đáng, tiếng Pa-li là punna, tiếng Phạn là punya, hoặc vừa tiếng Phạn và tiếng Pa-li là kusala, là một khái niệm mang ý nghĩa rất rộng và rất quan trọng trong Phật giáophản ảnh các hành động đạo đức của người tu hànhđồng thời cũng nói lên một phép tu căn bản và tiên khởi nhất trên đường tu tập gọi là “tu giới”. Các “năng lực” hay “xúc cảm” tạo ra bởi các hành động tốt lành – gọi chung là công đức – sẽ lưu lại các dấu vết in đậm trên dòng tri thức một cá thể . Các dấu vết này sẽ hiển hiện trở lại và trở thành các xu hướng tâm thần hay các xúc cảm, khi chúng tiếp xúc với các bối cảnh và các điều kiện của môi trường bên ngoài – xuyên qua các sự cảm nhận của ngũ giác – phù hợp và thích nghi với chúng.
Những xu hướng và xúc cảm đó sẽ tạo ra cho cá thể ấy các cảm nhận hạnh phúc, hoặc cũng có thể là các thúc đẩy tâm thần khiến cá thể ấy thực hiện thêm các hành động tích cực khác để tiếp tục tạo ra các công đức khác. Dưới tác động của quy luật nguyên-nhân-hậu-quả, các hành động đó sẽ mang lại các điều tốt lành cho cá thể ấy. Các điều tốt lành này sẽ xảy ra với cá thể ấy, chỉ sớm hay muộn mà thôi, tất cả đều tùy thuộc vào tác động gây ra bởi các hành động khác, có thể là tích cực hay tiêu cực. Dầu sao thì sự vận hành mang lại “công đức” hay các điều “tệ hại” rất phức tạp vì không những trực tiếp liên hệ với nghiệp quá khứ ghi khắc bên trong tâm thức cùng các các cơ duyên bên ngoài mà còn tùy thuộc vào ý chí và quyết tâm thúc đẩy bên trong tâm thức của cá thể ấy. Khi mình được đầy đủ, sống phủ phê thì đấy là nhờ vào công đức của mình từ trước, thế nhưng nếu mình cứ tiếp tục thừa hưởng một cách vô tâm thì đến một lúc nào đó các công đức ấy sẽ khô cạn, vì thế tốt hơn hết là khi mình đang được đầy đủ thì nên nghĩ đến những người nghèo khó và chia sẻ với họ, hầu làm gia tăng thêm công đức sẵn có của mình. Đấy là một trong các khía cạnh tu giới đơn giản và hiệu quả nhất – gccncnt. 

GS Dương Thiệu Tống: Giáo Dục Phục Vụ Văn Hóa Dân Tộc

Giáo Dục Phục Vụ Văn Hóa Dân Tộc 

GS Dương Thiệu Tống

GS.TS Dương Thiệu Tống sinh năm 1925 tại làng Vân Đình, Hà Tây. Ông vào nghề dạy học năm 1945, năm 1957 đỗ cử nhân Luật khoa, năm 1963 là thạc sĩ giáo dục, năm 1968 là tiến sĩ giáo dục. Từ năm 1945 đến năm 1968 ông vừa làm thầy giáo, vừa làm sinh viên. Giảng dạy môn Anh văn tại các trường Đào Duy Từ (Thanh Hóa), Ngô Quyền (Hải Phòng), Quốc Học Huế. Nguyên hiệu trưởng các trường Quốc Học Huế, Trung học kiểu mẫu Thủ Đức. Từ năm 1969 ông làm giảng sư, rồi giáo sư diễn giảng tại ĐH Sư phạm Sài Gòn, đồng thời làm Tổng thư kÝ kiêm phó khoa trường Văn khoa, ĐH Vạn Hạnh….
Những tác phẩm chính của GS.TS Dương Thiệu Tống là: Tâm trạng Dương Khê và Dương lâm, Khảo luận về nền văn hóa giáo dục Lạc Việt, Trắc nghiệm tiêu chí, Trắc nghiệm và do lường thành quả học tập, Thống kê ứng dụng trong nghiên cứu giáo dục….
Một nền giáo dục quốc gia không thể vay mượn của một quốc gia nào khác vì giáo dục phải phản ánh những biến chuyển trong môi trường xã hội và nhân bản của một dân tộc. Các dân tộc có những nếp sống khác nhau tất nhiên phải có những nếp suy tưởng, những thái độ và những mong ước khác nhau. Vì vậy văn hóa của mỗi dân tộc đều có tính chất khác biệt mặc dầu chính thể hoặc lý tưởng chính trị của các quốc gia có thể có những điểm tương đồng. Giáo dục phản ánh sự khác biệt văn hóa ấy. Sự cưỡng ép thống trị văn hóa của một quốc gia đối với một quốc gia khác cũng giống như sự xâm nhập của một vật lạ trong cơ thể con người, không chóng thì chầy thế nào cũng gặp sức kháng cự mãnh liệt, cuối cùng sẽ bị tống khứ hoặc đưa đến sự hủy hoại của toàn thể cơ thể. Nhưng văn hóa của một dân tộc không phải bất di bất dịch mà phải luôn luôn biến chuyển.
Sự biến đổi của văn hóa nhanh hay chậm tùy theo mỗi dân tộc và chính sự biến đổi ấy tạo nên một nhiệm vụ mới của giáo dục: giáo dục không phải chỉ có nhiệm vụ truyền bá nền văn hóa cổ truyền của dân tộc mà còn có bổn phận đào luyện ở con người những thái độ và ý thức giá trị mới để thích nghi với xã hội mới đồng thời góp phần vào công việc tạo dựng một nền văn hóa canh tân.
Thế nào là văn hóa dân tộc?
Cụ Trần Trọng Kim viết về những đức tính của người Việt Nam như sau:
«Đại khái thì trí tuệ minh mẫn, học chóng hiểu, có tính hiếu học, trọng sự học thức, quí sự lễ phép… Tuy vậy vẫn có tính tinh vặt, cũng có khi quỷ quyệt, hay bài bác nhạo chế. Thường thì nhút nhát hay khiếp sợ, nhưng đã đi trận mạc thì cũng có can đảm, biết giữ kỷ luật. Tâm địa thì nông nổi, hay làm liều, không kiên nhẫn, hay khoe khoang và hiếu danh, thích chơi bời, mê cờ bạc… kiêu ngạo và hay nói khoác, nhưng có lòng nhân, biết thương người, hay nhớ ơn…»[1]
Trải qua bao nhiêu thế hệ với những thăng trầm của lịch sử và sự xâm nhập của văn hóa ngoại lai, nếu những đặc tính nêu trên còn tồn tại một phần nào ở lớp người Việt Nam trong xã hội hiện tại khiến cho người Việt Nam ngày nay dù ở đâu cũng có những cá tính khác biệt với các dân tộc khác thì quả đã có một cái gì tạo nên khuôn mẫu ấy. Cái khuôn mẫu gồm những cá tính tốt và xấu ấy phải chăng là kết quả của những tương quan xã hội và cũng chính là những thành tố của văn hóa dân tộc. Nhưng thế nào là văn hóa dân tộc? Thật là khó mà định nghĩa vì tính chất bao quát của danh từ ở đây ta thử đi tìm định nghĩa của danh từ trên quan điểm của các nhà nhân chủng học. Sở dĩ ta lựa chọn quan điểm này vì khoa nhân chủng học và khoa giáo dục đều đề cập đến phương thức sống của con người, những tiêu chuẩn và ý thức giá trị liên hệ và sự truyền thụ các phương thức sống ấy cho các thế hệ kế tiếp. Tóm lại, cả hai đều chú trọng đến các giá trị căn bản của văn hóa. Vậy xét trên quan điểm của các nhà nhân chủng học thì văn hóa là một tập thể phức tạp bao gồm tất cả những gì liên hệ đến con người, từ những tư tưởng, cảm xúc đến vật chất. Nói chung, văn hóa là tất cả những gì con người thâu nhận được trong tương quan xã hội do sự tiếp xúc, bắt chước lẫn nhau. Nó tạo thành những mẫu mực chung cho thái độ, ý thức giá trị, ước vọng của một xã hội và khiến cho mỗi dân tộc có sắc thái riêng biệt so với các dân tộc khác.
Nếu đi tìm một định nghĩa chi tiết hơn thì: «Văn hóa là sự kết hợp các ý tưởng, lý tưởng, tin tưởng, khả năng, dụng cụ, sản phẩm mỹ thuật, các phương thức tư tưởng, tập quán và các định chế trong đó mỗi con người sinh trưởng. Lối sống của mỗi con người, các trò chơi họ ham thích, âm nhạc họ ưa chuộng, những câu chuyện họ kể, những danh nhân họ thờ phụng, cách nuôi dưỡng con cái, tổ chức gia đình, các phương tiện di chuyển và thông tin; tất cả những thứ ấy và muôn vàn những thứ khác không thể đếm được đều bao gồm trong nền văn hóa dân tộc».[2]
Xem như thế thì cá tính của con người Việt Nam mà cụ Trần Trong Kim đã mô tả ở trên, đề cập đến khả năng, thái độ, sự ham thích của người Việt Nam cũng là những thành tố (éléments) của văn hóa trong muôn vàn các thành tố khác được tạo lập nên qua những tiếp xúc xã hội. Phạm vi của văn hóa cũng lớn như vậy thì không phải những thành tố nào của văn hóa cũng đáng được phát huy và truyền thụ từ thế hệ này qua thế hệ khác vì nếu có những thành tố tạo nên sức mạnh của một dân tộc thì cũng có những thành tố, nếu không kịp sửa đổi, sẽ ngăn chặn bước tiến của xã hội.
Thế nào là những thành tốvăn hóa dân tộc?
Để giải thích sựbiến chuyển của văn hóa dân tộc, ta thử tìm một cách phân loại các thành tố văn hóa như sau:
1) Những thành tố phổ quát. Những thành tố phổ quát là những thành tố một phần nào có tính cách cố định, ít chịu sự thay đổi và được mọi người trong xã hội chấp nhận. Nói chung, đó là những thành tố khá vững chắc đa được thử thách qua thời gian do những sự tiếp xúc xã hội mà thành. Mọi sự thay đổi trong các thành tố này sẽ gặp sức kháng cự khó có thể thành tựu được. Trong loại thứ nhất này ta có thể kể những phong tục, tập quán, lịch sử, ngôn ngữ, tôn giáo.
2) Nhữnq thành tố đặc thù. Những thành tố đặc thù là những thành tố riêng biệt cho một nhóm người trong xã hội, là tất cả những gì mà chỉ một nhóm người trong xã hội có thể biết và làm. Một thí dụ của thành tố đặc thù ấy đã được cụ Trần Trọng Kim đề cập đến khi mô tả cá tính của phụ nữ Việt Nam như sau:
«Đàn bà thì làm lụng và đảm đang, khéo chân khéo tay, làm được đủ mọi việc mà lại biết lấy gia đạo làm trọng, biết chiều chồng nuôi con, thường giữ được các đức tính rất quý là tiết, nghĩa, cần kiệm».
Những thành tố phổ quát và đặc thù kể trên được tạo thành qua không gian và thời gian do những tiếp xúc xã hội, do giáo dục học đường và giáo dục gia đình. Do các thành tố ấy phát sinh một hệ thống tư tưởng vững chắc làm nền tảng cho ý thức giá trị của xã hội Việt Nam. Từ đó ta mới có thể minh định được những tiêu chuẩn căn bản để xác định cái «xấu» và cái «tốt» trong hành vi của mỗi con người. Những gì đi ngược lại với những tiêu chuẩn giá trị ấy sẽ bị dè bỉu, khinh khi và gặp sức chống đối mãnh liệt của xã hội.
Trong một xã hội ổn cố thì hai thành tố kể trên đủ để tạo nên nhân cách con người mà xã hội mong đợi. Nhưng trong một xã hội biến chuyển bị chi phối bởi các nền văn hóa ngoại lai như xã hội Việt Nam ngày nay thì những mẫu số chung ấy càng ngày càng hiến hoi. Nền văn hóa của một xã hội như thế lại còn bao gồm một loại thành tố thứ ba nữa mà ta tạm gọi là những thành tố xâm nhập.
Những thành tố xâm nhập. Những thành tố này xâm nhập vào nền văn hóa cổ truyền của một dân tộc do những biến cố hay những phát kiến mới trong xã hội hay do ảnh hưởng của các nền văn hóa ngoại lai. Sự hiện hữu của các thành tố này giải thích cho sự biến chuyển của văn hóa dân tộc. Chúng dần dần xen vào và tác dụng đến các thành tố phổ quát và đặc thù.
Sự xâm nhập này, tùy theo cường độ của nó, sẽ gây nên những xung đột giữa cũ và mới. Cuộc khủng hoảng xã hội do đó phát sinh. Cuộc khủng hoảng ấy lại càng trầm trọng trong hai trường hợp: Trường hợp thứ nhất khi hai lực lượng, một bên bao gồm những thành tố phổ quát và đặc thù, một bên là các thành tố xâm nhập, đều mạnh mẽ, chống đối nhau kịch liệt, không bên nào chấp nhận bên nào. Sự xung đột ấy tạo nên tình trạng chia rẽ, mất tin tưởng giữa lớp người này và lớp người kia. Kết quả là nền văn hóa dân tộc khó có cơ phát triển để theo kịp với những đòi hỏi của xã hội mới. Trường hợp thứ hai nguy hại hơn nữa, khi nền văn hóa diễn biến trong một tình trạng trên không chẳng dưới không rễ, các yếu tố phổ quát và đặc thù dần dần tan rã trước sự xâm nhập mạnh mẽ của những nền văn hóa ngoại lai hỗn tạp hay trước những đòi hỏi thúc bách của những biến cố xã hội nội tại. Kết quả là một tình trạng giao động xã hội trầm trọng, ý thức giá trị của xã hội cổ truyền tan biến đảo lộn. Trong một xã hội như thế, khi mà những giá trị xã hội hầu như mất hẳn, hay nói cách khác, cái «xấu», cái «tốt» của hành vi và thái độ con người không có tiêu chuẩn để xác định, thì giáo dục đã mất hẳn cái giá trị thực tại và đối tượng chân chính của nó. Do đó, minh định nhiệm vụ của giáo dục trong một xã hội, như xã hội Việt Nam ngày nay, đang bị đe doạ bởi sự tan rã dần dần các giá trị văn hóa cổ truyền và sự xâm nhập của những nền văn hóa ngoại lai, là việc làm khẩn thiết nếu muốn cho giáo dục giữ vẹn ý nghĩa của nó.
Nhiệm vụ của giáo dục.
Trước những biến chuyển của văn hóa và sự xung đột giữa những giá trị cũ và mới, giáo dục có ba đường hướng chính để lụa chọn:
Quan niệm thứ nhất: Tôn trọng và phát huy nền văn hóa cổ truyền.
Đây là quan điểm của Bộ giáo dục Việt Nam được trình bày tại Đại hội giáo dục toàn quốc năm 1964. Để giải thích nhu cầu văn hóa lồng trong nguyên tắc «Dân tộc» của nền giáo dục Việt Nam. Dự án hệ thống giáo dục đã viết:
«Nền giáo dục Việt Nam phải là một nền giáo dục dân tộc nghĩa là phải tôn trọng và phát huy những giá trị truyền thống của dân tộc. Về phương diện văn hóa tâm lý dân tộc, lịch sử, địa lý nhân văn, dân tộc ta có những sắc thái riêng biệt cần phải khảo cứu và khai triển.»
Nói cách khác, nhiệm vụ của giáo dục theo quan niệm trên là khảo cứu và khai triển các thành tố phổ quát và đặc thù của văn hóa Việt Nam hầu duy trì những đặc tính cổ truyền của dân tộc. Quan điểm trên vấp phải những khuyết điểm sau:
Quan niệm chật hẹp về văn hóa. Tâm lý dân tộc, lịch sử dân tộc, địa lý nhân văn, thành tố tách rời khỏi văn hóa dân tộc mà chính là những thành tố nằm trong văn hóa. Ta cũng có thể nói rằng đây có lẽ là khuyết điểm do sự mập mờ của lối hành văn, nhưng dù cho các thành tố ấy có được khai triển từ danh từ văn hóa chăng nữa thì cũng chưa đủ để giải thích những nhu cầu văn hóa mà giáo dục Việt Nam cần phải thỏa mãn. Sự sơ xuất này giải thích cho sự thiếu sót của các chương trình giáo dục Việt Nam từ trước đến nay. Sự hiện diện của các môn quốc văn, lịch sử, địa lý Việt Nam, trong chương trình học, việc sử dụng tiếng Việt làm chuyên ngữ, chưa đủ để chứng minh chúng ta đã có một nền giáo dục phục vụ văn hóa dân tộc, nhất là khi việc giảng dạy môn quốc văn trong các học đường Việt Nam chỉ có tính cách tầm chương trích cú và việc giảng dạy các môn sử địa chỉ chú trọng đến việc học thuộc lòng các sự kiện.
Khuynh hướng duy trì nguyên trạng của văn hóa.
Quan niệm cho rằng giáo dục chỉ có nhiệm vụ truyền thụ nền văn hóa truyền thống ngày nay không còn thích hợp cho một xã hội biến chuyển. Quan niệm ấy mặc dầu không phủ nhận sự tiến hóa của xã hội, nhưng cho rằng những sự khác biệt của xã hội trong quá trình diễn tiến ấy chỉ có tính cách phù du. Chân lý từ ngàn xưa bao giờ cũng là chân lý có giá trị vĩnh cửu, thích hợp với mọi biến chuyển xã hội. Những chân lý ấy có thể tìm thấy trong truyền thống văn hóa dân tộc mà giáo dục có nhiệm vụ truyền lại từ thế hệ này qua thế hệ khác.
Quan niệm duy trì nguyên trạng của văn hóa, như biểu lộ qua lời giải thích của Bộ giáo dục trong kỳ Đại hội 1964 phản ánh cái triết lý giáo dục ấy. Nó sai lầm ở chỗ là đề cao các thành tố phổ quát của văn hóa mà phủ nhận lực lượng của thành tố xâm nhập đang làm lung lay đến cội rễ các thành tố khác. Nó cũng nguy hiểm ở chỗ là kéo dài tình trạng chia rẽ giữa cũ và mới và tăng cường sự chống đối giữa những lực lượng đối nghịch.
Quan niệm thứ hai: Gạt bỏ những khác biệt để tạo nên một xã hội ổn cố.
Đây là quan niệm giáo dục tại các nước độc tài dù dưới hình thức nào. Để thực hiện mục tiêu ấy, nhóm thống trị cưỡng ép sự chấp nhận một hệ thống giá trị của họ để duy trì hay tạo lập một xã hội ổn cố theo ý họ muốn. Chế độ độc tài xưa và nay đều theo khuynh hướng ấy. Trong trường hợp ấy, giáo dục là công cụ của nhà nước, và chương trình giáo dục hướng đến mục tiêu là duy trì chính sách độc tài mà không chấp nhận sự thay đổi. Cố nhiên, quan niệm giáo dục như thế không thích hợp với một xã hội gọi là dân chủ, tự do.
Trước hai quan niệm cực đoan về giáo dục phục vụ văn hóa dân tộc vừa kể trên, một đàng thì cố gắng duy trì nguyên trạng, một đàng thì đạp đổ tất cả để tạo dựng một nền văn hóa mới không chấp nhận sự thay đổi và sự dị biệt về ý thức giá trị, ta nhận thấy cả hai đều không thích hợp cho xã hội Việt Nam trong giai đoạn khủng hoảng hiện tại.
Bây giờ ta thử xét qua một quan niệm thứ ba mà cũng là quan điểm của kẻ viết bài về nhiệm vụ của giáo dục trong vai trò phục vụ văn hóa dân tộc.
Quan niệm thứ ba.
Quan điểm thứ ba này gồm có 2 phần:
Giáo dục có nhiệm vụ lựa chọn và phát huy các thành tố phổ quát vá đặc thù của văn hóa dân tộc.
Như đã nói ở trên, các thành tố phổ quát và đặc thù tạo nên một mô thức văn hóa cho một dân tộc, khiến cho dân tộc này có những đặc tính khác biệt với các dân tộc khác. Thiếu các thành tố này, con người trở thành vong bản, chủ nghĩa quốc gia mất tất cả lý do tồn tại của nó. Khi con người cùng sống chung trên một giải đất, chung một lịch sử, một ngôn ngữ, những phong tục và tập quán chung, cùng chia sẻ những tư tưởng, những khát vọng chung, tất cả những yếu tố ấy tạo nên tinh thần quốc gia dân tộc và sự hãnh diện được sống chung trong tập thể của mình. Những đức tính ấy chỉ có thể có khi giáo dục thành công trong nhiệm vụ truyền bá và đề cao các truyền thống văn hóa dân tộc, khiến cho người thanh niên không phải chỉ biết học thuộc lòng một mớ dữ kiện lịch sử, địa lý, phê bình một áng văn hay mà còn phải hiểu rõ những phong tục tập quán của dân tộc Việt Nam qua không gian và thời gian, biết thưởng thức những công trình nghệ thuật cổ truyền Việt Nam để từ đó phát triển nền nghệ thuật ấy một ngày thêm tốt đẹp. Cái mô thức văn hóa được tạo dựng do các thành tố phổ quát và đặc thù ấy sẽ là căn bản trên đó chúng ta lựa chọn mẫu mực con người cần phải đào tạo qua hệ thống giáo dục quốc gia.
So với quan điểm của Bộ giáo dục vào 1964 như trình bày ở phần trên, thì hai quan điểm dường như không khác nhau bao nhiêu vì cả hai đều chú trọng đến sự đề cao các thành tố phổ quát và đặc thù của văn hóa dân tộc. Tuy nhiên, có những điểm dị biệt cần phải nêu ra ở đây. Quan điểm thứ ba này chủ trương rằng:
Sự truyền bá văn hóa cổ truyền chỉ là một giai đoạn trong quá trình phát triển văn hóa dân tộc, không phải là nhiệm vụ duy nhất của giáo dục.
Không phải tất cả những thành tố phổ quát và đặc thù của văn hóa đều đáng được khai triển và truyền thụ cho các thế hệ mai hậu. Vấn đề đặt ra cho các nhà giáo dục là lựa chọn những thành tố thích hợp với sự tiến hóa xã hội và loại bỏ những tập quán, phong tục làm trở ngại cho sự canh tân.
Quan niệm duy trì nguyên trạng của văn hóa, như trình bày ở quan điểm thứ nhất, là một quan niệm sai lầm và là nguyên nhân của sự xung đột giữa các ý thức giá trị đối nghịch và tình trạng chậm tiến của nước ta ngày nay.
Do đó, nhiệm vụ của giáo dục vừa kể còn phải được bổ túc bởi một nhiệm vụ thứ hai là:
Phát huy ở mỗi con người những thái độ và ý thức giá trị mới để tạo dựng một nền văn hóa canh tân.
Quan niệm duy trì nguyên trạng của văn hóa dựa trên giả thuyết rằng chân lý tự ngàn xưa bao giờ cũng là chân lý, có thể áp dụng trong mọi hoàn cảnh và nhu cầu của xã hội tân tiến. Quan niệm ấy đưa đến một triết lý giáo dục đặt nặng vai trò của tri thức (intel- lectualism), phủ nhận sự liên hệ giữa hoàn cảnh xã hội hiện tại và giáo dục. Ngày nay với sự «bùng nổ» của kiến thức, với tiến bộ vượt mức của khoa học kỹ thuật, với tương quan càng ngày càng rõ rệt giữa sự phát triển cá nhân và môi trường văn hóa, con người đã dần dần đi xa với tập quán cổ truyền để tạo nên những hình ảnh riêng của chân lý, của cái đẹp, cái tốt. Cơn khủng hoảng về cái gọi là Chân, Thiện, Mỹ, về ý thức giá trị nói chung, được phản ánh rõ rệt trong các xã hội tân tiến ngày nay nhất là Hoa Kỳ, và đó là vấn đề khó khăn nhất mà giáo dục Hoa Kỳ đang phải đương đầu. Cơn khủng hoảng ấy xảy ra là vì văn hóa Hoa Kỳ là một nền văn hóa hỗn tạp, cái mô thức văn hóa khó có thể tìm thấy vì những mẫu số chung hiếm hoi do sự khác biệt về địa phương, giai cấp, tôn giáo, nếp sống thôn quê và thành thị. Trạng thái thiếu một mô thức văn hóa chung ấy lại phải đương đầu với sự tiến bộ quá nhanh chóng của kỹ thuật xâm nhập vào đời sống con người qua các tiện nghi tối tân, máy móc, khiến cho sự thay đổi về các hình thái kỹ thuật của văn hóa đã vượt xa mức thay đổi về ý thức giá trị, phong tục, tập quán và các định chế xã hội. Vậy cái khó khăn của giáo dục Hoa Kỳ là vấn đề tạo nên cái mô thức văn hóa mới (problem of aculturation) nghĩa là tạo nên những thái độ và ý thức giá trị mới trong một nền văn hóa mới. Đó là mối quan tâm đặc biệt của các nhà giáo dục Hoa Kỳ hiện tại, một mối quan tâm mà các nước bị gọi là chậm tiến nhưng có một nền văn hóa lâu đời và phong phú như chúng ta, đáng lý không phải bận tâm quá nhiều. Ông cha của chúng ta qua bốn nghìn năm lịch sử, đã tạo nên cho đất nước một mô thức văn hóa khiến cho chúng ta, từ Bắc chí Nam, đã có những tập quán, những nếp sống, nếp suy tưởng và khát vọng chung mà chúng ta ngày nay tuy đã bị mất mát ít nhiều vẫn còn cảm thấy hãnh diện. Nhưng qua một thế kỷ tiếp xúc với tây phương, với sự xâm nhập không thể tránh được của các luồng tư tưởng ngoại lai, kể từ Bắc chí Nam, cái mô thức văn hóa ấy đang bị đe dọa tan biến dần dần nhường chỗ cho sự áp đảo mạnh mẽ của các thành tố xâm nhập làm lay động đến cội rễ các thành tố phổ quát và đặc thù. Nguy hại hơn nữa là trong tình trạng ấy, giáo dục Việt Nam đã thờ ơ, hầu như bất động trong việc bảo trì các mô thức văn hóa cổ truyền và phát huy các mô thức ấy theo chiều hướng thích hợp với những biến đổi xã hội. Trong khi các xã hội tây phương như Hoa Kỳ biến đổi nhanh chóng do các biến cố nội tại (sự tiến bộ của khoa học kỹ thuật) thì mối đe dọa trầm trọng cho xã hội Việt Nam là sự xâm nhập của các yếu tố ngoại lai. Sự xâm nhập này không phải là hoàn toàn bất lợi, trái lại, có thể là điều kiện cần thiết cho xã hội tiến lên theo kịp với đà tiến bộ thế giới. Nhưng nó chỉ có lợi khi ta đã có căn bản lựa chọn. Căn bản ấy chính là mô thức văn hóa thích nghi và vững chắc. Trái lại, nó trở nên vô cùng nguy hại nếu ta bó tay chịu sự xâm nhập ồ ạt mà không có căn bản để lựa chọn. Đó là một thực trạng xã hội ngày nay mà ta đành phải chấp nhận. Trong tình trạng ấy quan niệm duy trì nguyên trạng văn hóa chỉ là một cố gắng nguy hiểm và không thực tế. Nó không thực tế ở chỗ là cái mô thức văn hóa cổ truyền đang bị lung lay tận gốc rễ mà giáo dục học đường chịu một phần trách nhiệm, và xã hội cũng như giáo dục gia đình đã không góp phần cho sự bảo trì các giá trị cổ truyền mà nhiều khi đã ngược lại. Nó nguy hiểm vì sẽ tạo nên sự chống đối và chia rẽ trầm trọng giữa lớp người cũ và mới, giữa lớp trẻ và già. Nó lại càng nguy hiểm hơn nữa khi lớp thanh thiếu niên hiện tại đã thiếu những mẫu mực trong lớp đàn anh để chúng noi theo. Họ đang sống trong một môi trường văn hóa, xã hội khác hẳn với môi trường trong đó cha anh của họ đã sống và được nuôi dưỡng. Hoàn cảnh đặc biệt ấy tạo cho giáo dục một nhiệm vụ mới là chuẩn bị cho thanh thiếu niên những thái độ và ý thức giá trị mới để thích nghi với xã hội mới và góp phần vào việc tạo dựng một nền văn hóa canh tân. Nhiệm vụ này không mâu thuẫn với nhiệm vụ căn bản kể trên là lựa chọn và bảo trì các thành tố phổ quát và đặc thù của văn hóa. Trái lại, hai nhiệm vụ ấy bổ túc cho nhau để xác định vai trò của giáo dục trong sứ mạng phục vụ văn hóa dân tộc. Phối hợp hai nhiệm vụ vừa kể, quan điểm thứ ba này có những đặc điềm sau:
  • Tính cách bảo thủ của quan điểm: Quan điểm này có tính cách bảo thủ vì nó hướng đến sự bảo tồn cácgiá trị cổ truyền trong văn hóa dân tộc, phát huy các thành tố ấy để tạo nên một mô thức văn hóa vững chắc.
  • Tính cách cấp tiến của quan điểm: Quan điểm ấy cũng có tính cách cấp tiến vì nó nhằm đến sự đào luyện những thái độ và ý thức giá trị mới hầu góp phần xây dựng một nền văn hóa canh tân.
  • Tính cách xây dựng của quan điểm: Quan điểm này cũng còn có tính cách xây dựng và khách quan vì nó sẵn sàng thâu nhận những cái hay cái tốt trong cái cũ và loại bỏ những cái gì xấu, không thích hợp trong cái cũ lẫn mới.
KẾT LUẬN
Nói đến tương quan giữa văn hóa và giáo dục thì chắc chắn mọi nhà tư tưởng dù Tây phương hay đông phương đều có thể đồng ý với nhau rằng mục tiêu của giáo dục là đào luyện ở con người những kiến thức, thái độ, ý thức giá trị và kỹ thuật liên hệ đến văn hóa dân tộc. Cũng không ai phủ nhận rằng học đường là một đơn vị xã hội có nhiệm vụ đặc biệt gây ở thanh thiếu niên ý thức trách nhiệm bảo vệ sự liên tục của văn hóa để đừng bao giờ bị mất mát. Nhưng sự khác nhau trong các tư tưởng giáo dục xưa và nay là ở quan niệm căn bản về nhiệm vụ giáo dục trong vai trò phục vụ văn hóa dân tộc. Giáo dục phải chăng chỉ có nhiệm vụ bảo trì và truyền thụ di sản văn hóa dân tộc, hay ngược lại, giáo dục có nhiệm vụ cải tạo lại xã hội bằng cách phát huy những thái độ mới, hệ thống giá trị mới trong một nền văn hóa mới? Quan niệm của kẻ viết bài không thuộc về hai cực đoan ấy. Dù đặt tầm quan trọng ở nhiệm vụ phát huy những thành tố phổ quát và đặc thù của nền văn hóa dân tộc, quan niệm ấy vẫn phải chấp nhận một thực trạng xã hội đang đổi thay do sự xâm nhập của những thành tố ngoại lai. Vậy, nhiệm vụ của nhà giáo dục trong xã hội hiện tại là lựa chọn và phát huy các thành tố phổ quát và đặc thù của nền văn hóa cổ truyền. Công việc phát huy ấy không phải chỉ thực hiện bằng lời nói, bằng những giáo điều khô khan, mà phải thể hiện qua chương trình giáo dục, phương pháp giảng dạy, tổ chức học đường, các hoạt động giáo dục khác và ngay ở cả tư cách, thái độ của chính ông thầy. Nhưng như vậy vẫn chưa đủ, nhà giáo dục còn có nhiệm vụ chuẩn bị thanh thiếu niên đương đầu với những biến chuyển xã hội và văn hóa, có ý thức và biết suy tư về những đổi thay ấy. Cả hai nhiệm vụ trên đều liên hệ mật thiết với nhau vì con người không thể lựa chọn và suy tư nếu không có một khởi điểm nào đó. Khởi điểm ấy chính là cái mô thức văn hóa tạo thành do những thành tố phổ quát và đặc thù của nền văn hóa dân tộc, trong đó bao gồm cả một hệ thống giá trị cổ truyền đã giúp cho xã hội chúng ta còn tồn tại cho đến ngày nay qua bao nhiêu cuộc thăng trầm của lịch sử.
Dương Thiệu Tống
trích Tạp Chí Tư Tưởng Số, 01-09-1969. Chuyên đề về: GIÁO DỤC (Dương Thiệu Tống phụ trách)
* B. O, Smith, W. O. Stanley, J. H. Shores, Fundamentals of Curriculum Development (New York: World Book Co, 1957) tr. 4-5.
_________________________________________________________________
[1] Trần Trọng Kim Việt Nam Sử Lược (Tân Việt, 1954) tr.18
[2] Trần Trọng Kim Việt Nam Sử Lược (Tân Việt, 1954) tr.18