Sunday, January 31, 2021

Nguyễn Xuân Thu | Hồi Ký: Hành Trình Từ Trường Làng Đến Đại Học Quốc tế RMIT Việt Nam | Chương 1: Đứa Trẻ Mồ Côi

 

Nguyễn Xuân Thu | Hồi Ký: Hành Trình Từ Trường Làng Đến Đại Học Quốc tế RMIT Việt Nam | Chương 1: Đứa Trẻ Mồ Côi

GS Nguyễn Xuân Thu | Ảnh: FB Thu Nguyen

Đứa trẻ mồ côi

Ba tôi mất lúc tôi còn rất bé, có lẽ chưa tới năm tuổi, vì thế tôi không có nhiều kỷ niệm về ông. Ký ức đầu tiên mỗi lần nhớ đến ba tôi là lúc ông bị một người chú trong họ đuổi chạy quanh gốc một cây mít trước nhà và lần sau cùng là lúc ba tôi mất khi ấy tôi được mặc áo tang vui vẻ ngồi nhìn mọi người khóc bên quan tài. Tôi không còn nhớ khuôn mặt của ba nhưng nghe người ta nói rằng tôi rất giống ông. Người ta còn nói ông là người rất giỏi chữ Hán và đặc biệt là ông viết thứ chữ này rất đẹp. Sau khi ông mất trong nhà còn rất nhiều sách chữ Hán bằng giấy dó[1] và những người hàng xóm thỉnh thoảng đến xin một vài quyển để làm giấy vấn thuốc hút. Tôi cũng được nghe nói ông thường hay uống rượu, đánh bạc và ngao du với bạn bè trong nhiều làng lân cận. Ông kiếm sống bằng nghề dạy học tại nhà và chữa bệnh cho người trong làng. Ngoài ra tôi không biết gì thêm về ông, kể cả tên tuổi của ông bà nội tôi.

Ba tôi có hai người vợ. Người vợ đầu có với ba tôi hai người con, một gái là chị Liễu và một anh trai tên Chút[2]. Sau khi bà mất một thời gian thì ba tôi cưới mẹ tôi, người quê ở Ba Đồn, phần đất ở phía bắc của tỉnh Quảng Bình giáp giới với tỉnh Hà Tĩnh. Đến bây giờ tôi vẫn không biết duyên nợ nào họ gặp nhau. Mẹ tôi sinh ra được bốn người con. Chị cả tên Em, chị thứ hai là Luyến[3], tôi và một đứa em trai tôi không nhớ tên. Lúc được một hai tuổi gì đó thì em tôi mất vì bị bệnh.

Ít lâu sau khi ba tôi mất, mẹ tôi cho tôi đi học với một thầy giáo làng tên Huy. Trong làng tôi thời ấy có ít trẻ con thuộc lứa tuổi của tôi được đến trường. Mẹ cho tôi đi học vì bà không muốn lớn lên tôi sẽ phải bị bắt làm “xâu”, một lớp dân cùng đinh phải phục dịch mọi chức sắc trong làng và còn bị đánh đập, chửi mắng thậm tệ. Phần khác bà muốn tôi đến trường để bà còn rảnh rang làm lụng trong vườn nuôi ba chị em chúng tôi.

Nhà tôi không có ruộng, chỉ có khoảng bốn sào đất vườn trồng khoai, môn, sắn. Trong vườn còn có cau, trầu, chè, mít, ổi, bưởi và có hai cái ao nhỏ. Công việc làm vườn chỉ có mẹ tôi và chị đầu của tôi lúc ấy khoảng 10 tuổi phụ giúp. Chị Liễu và anh Chút con của bà vợ đầu của ba tôi đi ở đợ cho những người trong làng và thỉnh thoảng năm ba tháng mới ghé về nhà thăm và chỉ ở lại một đêm rồi đi. Chẳng biết sao mẹ tôi có ác cảm rất lớn đối với hai anh chị cùng cha khác mẹ của tôi. Ngược lại tôi rất thương họ, đặc biệt là anh Chút. Mẹ tôi không hề nói cho tôi biết bất cứ một điều gì về ba tôi cũng như về quá khứ của bà. Từ lúc bà mất, mấy chị em chúng tôi hoàn toàn mất liên lạc với gia đình bên ngoại.

Mẹ tôi có bề ngoài khá duyên dáng. Nhiều người trong làng rất quý bà, thường gọi bà là bác “Phó”, có lẽ vì ba tôi lúc còn sống có làm phó cho một chức sắc nào đó trong làng. Mỗi lần đi chợ hoặc đi thăm bà con, mẹ tôi thường mặc áo dài nhuộm nâu và có mảnh vá ở vai bằng vải màu trắng. Trong những đêm mùa hè oi ả, mẹ tôi thường ngồi ăn trầu và quạt cho tôi ngủ. Trong một thời gian dài của tuổi thơ, tôi được yên giấc trong vòng che chở của mẹ. Thời thanh bình ấy kéo dài không lâu.

Làng tôi gần đường quốc lộ số 1. Địa thế gồm phần đất thấp ở dưới dốc và vùng đất cao ở trên dốc. Khoảng giữa năm 1947, lúc lính Pháp đến đóng đồn ở Hồ Xá, cán bộ Việt Minh vận động dân trong làng xây “Hàng rào Chiến đấu”[4]. Nhà tôi ở dưới dốc, ngoài Hàng rào Chiến đấu nên ban ngày do “địch” kiểm soát. Còn phần phía sau Hàng rào Chiến đấu có dân quân du kích canh gác cẩn mật. Nếu có lính Tây đi vào làng là có báo động để dân làng kịp thời trốn chạy vào các làng ở vùng sâu. Dân chúng sống trong vùng ngoài hàng rào chiến đấu chịu ách một cổ hai tròng. Ban ngày thì lính Tây đi lùng, bắt người khả nghi, hãm hiếp đàn bà con gái. Còn ban đêm thì do du kích và cán bộ Việt Minh kiểm soát, hạch hỏi, thu thuế, thủ tiêu những người họ nghi ngờ.

Mẹ tôi qua đời lúc tôi lên 13 tuổi sau gần một tuần lâm bệnh. Tôi trở thành đứa bé mồ côi cả cha lẫn mẹ. Người chị cả của tôi tên Em lúc này là một thiếu nữ 18 tuổi, khá xinh xắn. Nếu ở vào thời buổi bình yên thì chị có thể đi làm thuê hay buôn bán kiếm đủ tiền nuôi tôi và chị Luyến của tôi. Nhưng lúc ấy là thời chiến tranh đang rất khốc liệt. Thành thử chị phải đi lánh vào các làng trong vùng xa đồn Tây và năm mười hôm mới về nhà thăm chúng tôi một lần vào buổi tối và mang về cho chúng tôi một ít khoai, sắn. Ở nhà còn lại chỉ có chị kế tôi và tôi. Quá đói, người tôi tiều tụy, gầy nhom. Tôi thèm từng hạt cơm rơi, từng miếng vỏ khoai lang cho heo ăn của hàng xóm. Đây là thời gian tôi và chị kế của tôi đói và bệnh triền miên. Trước mắt, tương lai hai chị em tối mịt.

Những kỷ niệm thời tuổi thơ

Kỷ niệm còn để lại dấu ấn sâu đậm nhất trong tôi là cuộc cắm trại do trường tổ chức tại một địa điểm trong làng không xa nhà tôi bao nhiêu. Lúc đó tôi mới lên 7, 8 tuổi gì đó, nên chị tôi phải dắt tôi đi bộ đến địa điểm cắm trại. Tuy nhà thuộc loại nghèo nhưng mẹ tôi đã cố dành dụm khá lâu để có thể mua cho tôi các thứ thức ăn tươm tất hơn ngày thường và các thứ cần thiết cho ba ngày cắm trại. Hôm đầu tiên thật tuyệt vời, tôi thỏa thích vui chơi với chúng bạn. Nhưng đến tối tôi nhớ nhà quá sức và cứ khóc mãi cho đến lúc chìm vào giấc ngủ. Sáng hôm sau trong lúc tôi đang ngồi ủ rũ thì thấy chị tôi đến xin cho tôi về nhà vì mẹ tôi nhớ tôi quá. Gặp lại nhau chỉ sau một đêm và chưa đến hai ngày, thế mà cả hai mẹ con đều khóc nức nở. Đó là lần đầu tiên trong đời tôi xa nhà.

Rồi những đêm mùa hè nóng nực, mẹ tôi ngồi miệng ăn trầu còn tay thì cầm chiếc mo cau quạt cho tôi ngủ, những giấc ngủ thật an lành và hạnh phúc khiến cho tôi hơn mấy chục năm sau vẫn không thể nào quên được hình ảnh của mẹ. Hồi ấy vì còn quá nhỏ, chưa bao giờ tôi dám hỏi điều gì về mẹ, nhưng tôi có cảm giác bà có một quá khứ không mấy vui vì giữa hai giấc ngủ tôi thấy mẹ thường ngồi tư lự, ánh mắt xa vắng và buồn rầu. Mẹ tôi có một đời chồng và có một người con trai trước khi bà lấy ba tôi. Tất cả quá khứ ấy đều đã xảy ra tại quê của mẹ, ở tận ngoài sông Gianh, nơi tôi chỉ có một lần theo bà về thăm lúc tôi còn rất bé và quê tôi còn thanh bình. Có lẽ chị Em của tôi có biết đôi chút về gia đình của mẹ, nhưng cho đến ngày chị mất, tôi chưa bao giờ có dịp để hỏi chị.

Tôi biết mẹ tôi rất thương tôi vì tôi là đứa con trai duy nhất của mẹ. Mẹ tôi thương tôi đến nỗi trong lúc hấp hối bà vẫn còn trối trăn rằng bà sợ rồi sẽ không còn có ai để chăm lo cho tôi, tôi sẽ đói và khổ. Thế rồi bà ra đi vĩnh viễn vào một đêm giữa mùa đông, để lại trong tôi quá nhiều nhớ thương và đau khổ đến tận cùng.

Thời đi học của tôi cũng không được êm đềm. Đó là khoảng thời gian đất nước Việt Nam có nhiều biến cố nhất. Khởi đầu là sự hiện diện của quân Nhật. Rồi máy bay Đồng minh bắn phá hàng ngày. Người bị bắn chết trên đồng ruộng, kẻ bị cháy lúc đang ngồi trong xe ôtô, có người bị bắn chết ngay tại dốc sau nhà tôi. Có lúc đang ngồi học trong lớp, nghe tiếng máy bay, chúng tôi phải vội vã chạy xuống hầm trốn. Rồi nạn đói xảy ra, người chết như rạ. Tận mắt tôi thấy xác chết mỗi buổi sáng. Chiến tranh cũng ảnh hưởng rất lớn đến việc học tập của tôi. Một ngày học, năm ba ngày nghỉ. Sau khi mẹ tôi mất, tôi vĩnh viễn giã từ học đường. Năm ấy tôi mới lên 12, 13 tuổi, vừa mới bắt đầu học lớp nhì (lớp 4 bây giờ).

Có một ký ức về chiến tranh cứ ám ảnh tôi mãi cho đến bây giờ. Đó là cái chết và bị thương của năm người dân trong làng do quân đội Tây bắn trong lúc họ thắp đuốc đi bắt nhái ban đêm. Bốn người chết rất thảm thương còn người bị thương sáng hôm sau được cáng vào điều trị tại bệnh viện Quảng Trị. Trên đường về lại làng, một trong số mấy người tải thương bị cán bộ Việt Minh bắt và mãi mấy tháng sau anh mới được tha về. Thế rồi một hôm, lính Tây đến bắt anh và đem ra bắn trước mặt dân làng. Lính Tây bảo rằng họ có bằng chứng là anh ấy đã vẽ sơ đồ của đồn Châu Thị và trao cho Việt Minh để Việt Minh chuẩn bị tấn công. Như vậy là một đêm đi bắt nhái làng tôi mất năm mạng người. Đó là một mảng trong số vô vàn ký ức đen tối trong cuộc chiến trên quê hương tôi.

Trong nhà tù

Đến năm tôi lên gần 14 tuổi, chỉ vài hôm sau Tết Nguyên đán, tôi được tin chị Em của tôi bị lính Tây bắn bị thương và đem về nhốt trong trại tù Hồ Xá. Đồn Tây tại Hồ Xá là đồn lớn nhất tại huyện Vĩnh Linh, chỉ cách làng tôi khoảng 3 cây số. Thời gian này nhiều thanh niên và những đứa trẻ ở trạc tuổi của tôi trong làng bị lính Tây đi lùng bắn chết dần. Hôm trước nghe tin người này bị bắt hôm sau lại được tin kẻ khác bị giết.

Một hôm, lúc tôi và một đứa bạn đang đứng tại một ngã tư ở chốt gác đầu làng chiến đấu thì bị lính Tây bắn, thằng bạn đứng cạnh tôi chết ngay tại chỗ còn tôi thì thoát được. Nhưng rồi chỉ ít ngày sau tôi cũng bị lính Tây bắt tại nhà và đưa về nhốt tại đồn Hồ Xá. Chúng nghi tôi làm liên lạc cho du kích Việt Minh.

Lúc đưa về đến đồn, tôi bị hai người lính Việt Nam làm việc cho Tây thay nhau điều tra. Một người lấy dây điện thoại E8 cột vào hai ngón tay cái của tôi và người kia quay máy điện thoại. Bị điện giật, tôi khóc toáng lên vì đau đớn và sợ hãi. Họ tiếp tục quay máy điện thoại nhiều lần nhưng tôi trả lời là tôi còn nhỏ không hề làm gì cho ai cả. Tiếp đến, họ tháo dây điện thoại từ hai ngón tay của tôi ra và bỏ vào trong miệng tôi và người kia tiếp tục quay máy điện thoại. Lần này tôi té bật xuống sàn nhà và bất tỉnh. Sau nhiều lần tra tấn như thế, tôi vẫn nhất quyết nói là tôi không làm gì cho ai cả. Thực tế đúng là như thế. Không khai thác được gì, họ vẫn đưa tôi vào trại tù. Không ngờ tôi lại gặp chị tôi cũng đang bị giam tại đây.

Trại tù là một ngôi nhà chật chội, hôi hám, giam tù nhân cả nam lẫn nữ, người già lẫn trẻ em như tôi. Chung quanh nhà tù được bao bọc bằng dây thép gai và có hai vọng gác thường xuyên canh chừng tù nhân.

Cứ vài hôm có một số tù nhân mới được đưa vào và cũng cứ vài hôm có một số tù nhân được đưa ra khỏi nhà tù và không bao giờ thấy trở lại. Trong thời gian mới nhập trại, các tù nhân thường xuyên bị tra tấn, đánh đập, nhiều người bị đem ra bắn công khai trước mặt tù nhân và sau đó bị kéo xác xuống mấy cái hố đào sẵn ngay phía sau trại. Ghê sợ nhất là có những đêm khi bị lính Việt Minh bắn vào đồn, lính gác trong đồn Tây cứ chỉa súng bắn vào hướng nhà tù nơi các tù nhân chúng tôi đang bị giam giữ.

Tù nhân được cho ăn mỗi ngày ba bữa. Bữa sáng có khoai sắn. Bữa trưa và tối, được ăn cơm nấu từ gạo cũ và cá khô mặn được chuyển từ trong Nam ra. Dĩ nhiên không bao giờ đủ no. Rất nhiều tù nhân bị bệnh và có người chết vì bệnh hoặc thiếu dinh dưỡng.

Hàng ngày tù nhân phải đi lao động, trừ những người bị liệt vào diện nguy hiểm, đợi điều tra thêm hoặc đợi đem đi bắn. Người khoẻ mạnh thì được đưa đi lấp đường do Việt Minh đào, phá ban đêm. Người già và trẻ con thì bị đưa đi quét dọn và làm các công việc tạp dịch trong trại. Tôi nhờ có biết một ít tiếng Pháp nên được đưa vào quét dọn và phục vụ trong câu lạc bộ hạ sĩ quan có cả nhà ăn và quầy bán rượu. Lúc đầu tôi được phân công lau chùi và rửa chén bát. Về sau  họ cho tôi phụ bán rượu (bartender) trong câu lạc bộ. Công việc khá nhẹ nhàng. Nhiệm vụ chính của tôi là bán rượu và ghi chép sổ sách những người chưa trả tiền. Tù nhân làm trong câu lạc bộ này, kể cả tôi, được phép ăn những thứ dư thừa. Tôi làm việc ở đó đến ngày được tha. Tổng cộng thời gian ở tù là trên tám tháng.

Suốt thời gian ấy, chỉ có một số ít người bệnh nặng và già cả được tha về nhà. Có một số thanh niên và trẻ em từ 16 tuổi trở lên được đưa đi vào làm việc cho các đồn điền cao su ở miền Nam. Lúc ấy tôi chưa đến 16 tuổi nên có muốn đi vào Nam cũng không được.

Ra khỏi tù, bỏ làng ra đi

Đầu năm 1949, sáng ngày 30 Tết âm lịch, tôi được tha và đi thẳng đến làng Châu Thị rất gần làng tôi vì không dám về và ở lại làng ban đêm. Đến chiều cùng ngày chị Em tôi được tha về. Đêm Giao thừa ấy hai chị em chúng tôi ở nhờ nhà một người bà con trong Đồn Hương vệ[5] tại làng Châu Thị. Sáng ngày mồng một Tết, chúng tôi mới dắt nhau về nhà trong làng. Lúc ấy, chị Luyến của tôi đang bị bệnh nằm rên hừ hừ trên giường. Trong nhà hoàn toàn không có lấy một thức ăn gì, kể cả gạo hay khoai sắn. Đói và buồn, cả ba chị em chúng tôi chỉ biết ngồi khóc gần hết buổi sáng. Đến chiều, chị Em và tôi về lại đồn Châu Thị.  Làng của chúng tôi lúc này bao trùm không khí chiến tranh. Một làng ở vùng “tề” thời ấy gặp rất nhiều nguy hiểm. Ban ngày thì họa lính Tây còn ban đêm thì cán bộ Việt Minh dò xét, tra hỏi, bắt bớ. Người dân là nạn nhân của cả hai bên. Người trong làng bảo nhỏ với tôi rằng tôi không thể ở lại trong làng được.

Trở lại đồn Châu Thị, tôi ở với chị Em của tôi được ba hôm, đến ngày mồng bốn Tết, tôi bỏ làng ra đi. Mãi đến nửa thế kỷ sau, cuối năm 1991, tôi mới có dịp về lại thăm làng.

____________________________

[1] Giấy rất mỏng nhưng bền, làm bằng vỏ cây dó, dùng để vẽ tranh mỹ thuật dân gian Việt Nam.
[2] Nguyễn Thị Liễu bị bệnh mất năm 1947 và Nguyễn Xuân Chút chết tại làng vì bom B 52 của Mỹ năm 1968.
[3] Nguyễn Thị Em đã mất năm 2000 lúc đó tôi đang ở Úc và Nguyễn Thị Luyến mới mất năm 2011, có tôi dự đám tang.
[4] “Hàng rào chiến đấu” do Việt Minh và dân trong làng dựng lên bằng tre để ngăn không cho lính Pháp vào làng đốt phá và hãm hiếp đàn bà con gái. Dọc Hàng rào chiến đấu có nhiều chốt gác, mỗi chốt có dân quân du kích túc trực canh gác ngày đêm.
[5] Hương vệ là một loại lính không chính quy được chính phủ Nam triều thành lập để bảo vệ hương chức trong làng và những ai không sống được trong vùng “tề”.

Saturday, January 30, 2021

Nguyễn Xuân Thu | Hồi Ký: Hành Trình Từ Trường Làng Đến Đại Học Quốc tế RMIT Việt Nam | Kỳ 1: Lời Giới Thiệu của Nguyễn Hưng Quốc

 Nguyễn Xuân Thu | Hồi Ký: Hành Trình Từ Trường Làng Đến Đại Học Quốc tế RMIT Việt Nam | Kỳ 1: Lời Giới Thiệu của Nguyễn Hưng Quốc

GS Nguyễn Hưng Quốc | Ảnh: Uyên Nguyên

_____________________________

Lời giới thiệu

Nguyễn Xuân Thu và tầm của cái tâm

Nguyễn Hưng Quốc

Sinh ra trong một gia đình nghèo khổ, ở một làng quê nghèo khổ thuộc một địa phương nổi tiếng nghèo khổ nhất nước (Vĩnh Linh, Quảng Trị), lớn lên trong một giai đoạn khó khăn và cùng khổ nhất thời hiện đại: hết Pháp thuộc đến Nhật thuộc với cả triệu người chết đói và, sau đó, chiến tranh Việt Pháp kéo dài và đầy khốc liệt, Nguyễn Xuân Thu rõ ràng không phải là người may mắn. Chưa hết.  Mồ côi bố từ năm năm tuổi, mồ côi mẹ từ năm 13 tuổi; không có bà con nội ngoại gì cả, phải bỏ nhà ra đi lang thang kiếm sống bằng vô số các nghề lặt vặt và bần cùng từ năm 14 tuổi, có thể nói Nguyễn Xuân Thu thuộc loại kém may mắn nhất trong những người kém may mắn. Vậy mà, bằng nghị lực, chỉ thuần bằng nghị lực, không có gì khác, Nguyễn Xuân Thu đã học hành đến nơi đến chốn, không những xong trung học và đại học mà còn tốt nghiệp tiến sĩ tại Mỹ, sau đó, trở thành giám đốc Nha Sưu tầm và Nghiên cứu thuộc Bộ giáo dục ở miền Nam và là một trong những người Việt khá hiếm hoi được phong hàm giáo sư thực thụ tại một đại học lớn ở Úc.

GS Nguyễn Xuân Thu và đồng nghiệp | Ảnh FB Thu Nguyen

Chỉ với riêng cái nghị lực phi thường của ông thôi, đã đáng phục. Nhưng tôi phục Nguyễn Xuân Thu hơn là ở cái tâm của ông. Bình thường, sau khi vượt biên và định cư ở nước ngoài, sau khi đã có một công việc thích hợp và đời sống kinh tế ổn định, sau khi con cái đã thành đạt và có gia đình êm ấm hết, mọi người có thể, nói theo Nguyễn Công Trứ, “thảnh thơi thơ túi rượu bầu”, an hưởng tuổi già bằng cách dung dăng dung dẻ đi du lịch đây đó, hết nước này sang nước khác, thử hết món ăn lạ này đến món ăn lạ khác. Nhưng Nguyễn Xuân Thu thì không. Dường như lúc nào ông cũng đau đáu muốn làm một cái gì đó cho đất nước. Đang là giáo sư ở một đại học lớn tại Úc (trường RMIT), ông bỗng quyết định từ chức, rút tiền hưu trí ra sớm để trả hết tiền nhà, và mang số còn lại về Việt Nam sống và làm tư vấn không lương cho Bộ giáo dục và nhiều trường đại học ở Hà Nội, nơi ông phải chịu đựng rất nhiều sự nghi ngờ và kỳ thị từ chính quyền. Gia đình ông bất ngờ. Bạn bè ông càng bất ngờ. Cuối cùng, mấy năm sau, người ta nhìn thấy kết quả của những việc ông làm: trường đại học RMIT, một trường đại học quốc tế, với chất lượng và văn bằng quốc tế, đầu tiên được thành lập ở Việt Nam, trở thành một cơ sở giáo dục có uy tín nhất trong cả nước.

Nhưng, oái oăm thay, ngay sau khi các thủ tục thành lập chi nhánh trường đại học RMIT tại Việt Nam vừa hoàn tất, Nguyễn Xuân Thu lại bị trục xuất khỏi Việt Nam và bị cấm nhập cảnh vào Việt Nam trong vòng bốn năm vì bị nghi ngờ là… CIA. Khi cái hạn bốn năm ấy trôi qua, đã đến tuổi về hưu, đáng lẽ nghỉ ngơi, Nguyễn Xuân Thu lại quay về Việt Nam. Không một chút thù hận, ông vẫn nhiệt tình giúp đỡ nhiều trường đại học ở Việt Nam trong việc liên kết với thế giới bên ngoài để nâng cao chất lượng giáo dục tại Việt Nam. Với những việc làm như thế, không ít người ở hải ngoại cho là ông… thân Cộng.

Đứng giữa hai làn đạn, bị hiểu lầm từ nhiều phía, Nguyễn Xuân Thu vẫn không nguôi tha thiết làm một cái gì đó cho đất nước và cho người khác. Bây giờ, về già, gần 80 tuổi, vì đã rút hết tiền hưu trí trước khi về làm việc thiện nguyện ở Việt Nam năm 1994, ông chỉ sống bằng tiền trợ cấp ít ỏi dành cho người già. Nghèo, nhưng ông vẫn vui. Mỗi khi có ai cần gì, ông cũng lại nhiệt tình giúp đỡ. Quen thân với ông đã trên 20 năm, nhưng những lúc nhìn ông tận tụy giúp hết người này đến người khác, bày hết dự án này đến dự án khác cho người khác, tôi vẫn cứ ngạc nhiên về tầm của cái tâm của ông.

Ở đời, rất nhiều người có tâm. Nhưng tâm lớn như Nguyễn Xuân Thu có lẽ là hiếm. Tôi viết lời giới thiệu này, cho cuốn hồi ký không-dính-dáng-gì-đến-văn-chương của ông, với tất cả sự ngưỡng mộ trước cái tâm của ông. Một cái tâm rất có tầm.

Nguyễn Hưng Quốc
Chủ nhiệm Ban Việt ngữ và Việt học
Victoria University
Melbourne, Australia

Hành trình từ trường làng
đến Đại học Quốc tế RMIT Việt Nam (Hồi ký)
Tác giả: Nguyễn Xuân Thu
Người Việt Book xuất bản lần thứ nhất tại Hoa Kỳ, 2014
Bìa: Uyên Nguyên Trần Minh Triết
ISBN: 978-1-62988-338-0
© 2014 Nguyen Xuan Thu. All right reserved

_____________________________

Acknowledgements

For having this small memoir published I am indebted to many friends.

First I would like to thank Dr Nguyễn Ngọc Tuấn of Victoria University for his insightful input and editing of my manuscript. My sincere thanks go to my colleagues Ms Nguyễn Thị Kim Quý and Dr Ngô Lê Thông for their translation, and to my friend Mr John Drennan for his English editing.

I would also like to show my deep gratitude to Dr Bùi Võ Minh Thanh, Ms Phạm Thị Minh Nguyệt and Ms Trần Bảo Ngân for reading my Vietnamese manuscript and correcting orthographic errors.

Finally I would like to express my immense gratitude to my partner Lê Thị Ánh Hồng for her strong support. Without her help these memoirs in both editions would not exist.

_____________________________

Foreword

Nguyễn Xuân Thu
and the Dimension of a Heart

Nguyễn Hưng Quốc

Born into a poor family in a poor village in one of the poorest districts in the country (Vĩnh Linh, Quảng Trị), where he grew up during the hardest stage of the modern era-from French colonialism to Japanese colonialism, with millions of deaths from famine, and then the prolonged and violent Franco-Vietnamese war-Nguyễn Xuân Thu was evidently not a lucky man. Even worse, becoming an orphan early, for his father died when he was 5 and then his mother when he was 13, and without any relatives, having to leave home to survive through numerous lowly jobs since the age of 14, Nguyễn Xuân Thu was clearly the least lucky of all the unlucky. And yet, by his own efforts and with no other means, Thu achieved highly in his academic journey, finishing a high school certificate, continuing to higher education and gaining a Doctor of Education degree (Ed.D.) in the US before becoming the Director of the Documentation and Research Department in the Ministry of Education in South Vietnam and later being one of the few Vietnamese to be given a professorship at a renowned university in Australia.

His extraordinary efforts alone are striking enough. Yet what is even more impressive to me is his heart. For many other asylum seekers, after settling down in a foreign country with a career and grown up sons and daughter, a familiar ideal life would be, in the Vietnamese poet Nguyễn Công Trứ’s expression, ‘to leisurely enjoy beautiful poems and good wine’, to enjoy old age by travelling to different countries or to try different delicacies around the world. But Nguyễn Xuân Thu is different. He seems never to run out of desire to do something for his country. While working as a senior lecturer at a university in Australia (RMIT), he suddenly decided to quit his job and withdraw his early superannuation to pay off in full his housing loan and use the rest to return to Vietnam to work voluntarily as a consultant for the Ministry of Education and several universities in Hanoi, where he suffered from substantial scepticism and discrimination from the government. His family was at a loss to comprehend this move, and even more so his friends and colleagues. At last, some years later, they could see the fruits of his deeds: RMIT, an international university of high quality and with qualifications internationally recognized, was the first such university to be established in Vietnam, and soon came to be recognised as one of the most prestigious universities in that country.

Ironically, however, after finishing all the procedures for establishing the RMIT International University Vietnam, Nguyễn Xuân Thu was deported from the country and prohibited from returning within 4 years because of a suspicion that he was working for the CIA. Then, when that 4 year limit expired, he had reached his retiring age. But instead of ceasing from work, Nguyễn Xuân Thu returned to Vietnam. Without any hatred, he was still dedicated to helping many universities in their cooperation with the outside world to improve higher education in Vietnam. Viewing all these efforts, quite a few people have thought that he was a supporter of the Vietnamese communists.

Caught between two lines of fire and subjected to misunderstandings from different sides, Nguyễn Xuân Thu never lost his aspiration to do something for his country and for others. Now aged above 80 years, with all his superannuation spent on voluntary work in Vietnam since 1994, he now lives only on the small age pension from the government. Despite this, he is happy. Whenever others need help, he is willing to lend them a hand. Knowing him for over 20 years, I have been constantly impressed both by his heart and by his vision in his unceasing willingness to help others and to conceptualise and initiate project after project for others.

In life, many people have a good heart. Yet a heart as great as that of Nguyễn Xuân Thu is rare.

I am writing this foreword to his book-which is an autobiography and in no way a work of fiction-with all my admiration for his heart: a great heart and a great vision.

Nguyễn Hưng Quốc
Coordinator of Vietnamese Studies Program
Victoria University
Melbourne, Australia

Journey from a Village School
to the RMIT International University Vietnam: A Memoir
(2nd edition)

Published by Người Việt Books
14771-14772 Moran Street
Westminster CA 92683
USA
Phone: + (1)714 892 9414
Homepage: http://www.nguoivietshop.com/

Cover design by Trần Minh Triết
ISBN: 13: 978-1545306390

@ 2017 by Nguyen Xuan Thu
All right reserved

Một Năm, Tạp Chí Văn Học Nghệ Thuật “Ngôn Ngữ”

 Một Năm, Tạp Chí Văn Học Nghệ Thuật “Ngôn Ngữ”

TẠP CHÍ VĂN HỌC NGHỆ THUẬT

NGÔN NGỮ

NHÓM CHỦ TRƯƠNG:
Luân Hoán – Song Thao – Nguyễn Vy Khanh – Hồ Đình Nghiêm – Lê Hân

 

Theo quyết định của nhóm chủ trương, Ngôn Ngữ khởi hành vào đầu tháng 5-2019. Bìa số thứ nhất với tranh của họa sĩ Nguyễn Trọng Khôi do Trần Triết trình bày. Trên bìa có huy hiệu của tạp chí do Hồ Đình Nghiêm thực hiện.

Phần nội dung, chúng tôi hoan hỉ đón nhận khá đông cây bút thành danh góp tay, với đầy đủ bộ môn Thơ, Truyện, Nhận định, Biên khảo…

Việc mới cũ của bài viết là một vấn đề chúng tôi thận trọng quyết định. Chúng tôi không kêu gọi những sáng tác phải hoàn toàn mới, chưa phổ biến bao giờ. Nhưng chúng tôi cũng mong quí bạn chọn gởi cho những bài mới nhất, hoặc vừa viết riêng cho Ngôn Ngữ càng quí.

Riêng với Thơ, chúng tôi xin phép chỉ nhận những sáng tác chưa phổ biến trên bất cứ sân chơi nào. Điều thiếu tế nhị này chỉ là giải pháp dành chỗ cho các bài thơ mới có mặt. Dĩ nhiên trong tương lai, rất có thể trên Ngôn Ngữ xuất hiện những bài thơ cũ do chúng tôi xin phép giới thiệu lại.

Chúng tôi xin lỗi các tác giả đã gửi bài nhưng chúng tôi không kịp lên bài trong số ra mắt này. Lý do đơn giản, sự yêu thương một tờ báo giấy tiếng Việt hãy còn rất đậm đà trong lòng nhiều người; với đông đảo nhiệt tình góp tay, chúng tôi phải vịn vào việc nhận sớm hay muộn để đưa đường trong số trang đã dự định. Các bài đến sau xin phép lần lượt giới thiệu trong các số tới.

Chúng tôi không dám hứa hẹn những ngoạn mục, nhưng quyết tâm sẽ làm được những gì nên làm thật tốt đẹp.

Cám ơn các bạn.

Trong lúc chúng tôi đang ngon trớn thực hiện Ngôn Ngữ số thứ 2. Nhà văn Hoàng Ngọc Biên cùng nhà thơ Tô Thùy Yên đột ngột qua đời. Cả hai ông đều sinh hoạt trong nhiều bộ môn nghệ thuật, nhưng ở đây, chúng tôi xin chọn ghi gọn trước danh xưng phần việc với tay nghề tài hoa nhất.

Trước tin buồn của hai tác giả có sức thu hút bạn đọc, thoạt đầu chúng tôi có ý định sẽ dành mươi trang trong Ngôn Ngữ số hai, để tiễn đưa, chia buồn. Một vài bài thơ, ít đoạn văn của nhóm chủ trương, hy vọng thay mươi ngọn hương khói. Nhưng rồi bài viết của bạn văn về chủ đề này gởi cho Ngôn Ngữ khá dồi dào. Chúng tôi thấy cần cố gắng thực hiện một số đặc biệt, để ý nghĩa tưởng niệm rộng rãi và đậm đà hơn.

Chúng tôi làm báo không chỉ hoài niệm người đã ra đi mà còn hướng đến những người thương tiếc ở lại. Tài liệu của hai văn tài khá nhiều, đang được phổ biến tràn đầy những trang sinh hoạt công cộng. Nhưng để giữ chung những kỷ niệm, thấy chung, thấy nhiều những thành công của mỗi cá nhân, báo giấy hẳn có chút công dụng.

Ngôn Ngữ chưa quen tay cắt và dán nên thật sự có phần vất vả. Anh em phải chia nhau xin bài. Tứ phương bạn viết ai cũng có lòng nhưng phải nói đa số đều xài chung chữ với nhà phê bình văn học Đặng Tiến “bài cũ cơ bản”.

Thật tình những số báo tưởng niệm như thế này, cần nhiều bài nặng trọng lượng trong việc nhận định đánh giá cả quá trình sinh hoạt của mỗi tác giả. Và với cả hai nhân kiệt Tô Thùy Yên lẫn Hoàng Ngọc Biên đều có bề dày thành tích đáng ngưỡng mộ, nên không thiếu những bài tận tình mổ xẻ ca ngợi. Cụ thể như tác giả Thắp Tạ không sót những danh tài như Võ Phiến, Trần Hữu Thục, Thi Vũ, Thụy Khuê, Nguyễn Hưng Quốc, Du Tử Lê… đến với thơ ông. Chính vì thế, nhiều nhà văn ít tuổi đời hơn chợt khó viết, chợt ngần ngại, một số tài hoa mới đã cho Ngôn Ngữ biết như vậy. Nhưng thật đáng vui trong số báo đặc biệt này các bạn sẽ đọc, sẽ hiểu những nhận định văn học thật xuất sắc của những Thảo Dân, một ngòi bút nữ từ Hải Phòng, một Nguyễn Hữu Hồng Minh, thành danh đang sinh hoạt văn học tại Sài Gòn, một cây bút nữ khác, giàu kiến thức, Minh Ngọc, hiện ở tại New York, Hoa Kỳ. Bên cạnh họ những tác giả thành danh khác, tại hải ngoại cũng như trong nước đóng góp những bài viết thật giàu tình người, ấm áp tình bạn.
Với những gì có được trong tạp chí này, chúng tôi chỉ mong được gọi là những trang tưởng niệm, chưa là một tài liệu văn học.

Một điểm nhỏ cần thưa thêm, chúng tôi căn cứ vào ngày giã từ cuộc chơi của hai tác giả Hoàng Ngọc Biên và Tô Thùy Yên để sắp chỗ giới thiệu, không vì một lý do gì khác. Chân thành cảm ơn thân nhân hai gia đình. Nhân đây chúng tôi cũng như tất cả bạn đọc xin thành tâm gởi lời chia buồn đến quý vị. Kính chúc những tháng ngày an bình tiếp tục đến cùng chúng ta.
Thành kính,

Luân Hoán
thay mặt nhóm chủ trương

Không còn chuyện tình cờ mà có, bất ngờ mà thành như số ra mắt, Ngôn Ngữ số 2 đến với các bạn chậm rãi, thư thả trong việc kêu gọi, gom bài; cùng lúc chúng tôi nghe ngóng những đánh giá, cảm tình từ bạn đọc, bạn văn. Lời thưa nhanh nhất không có gì lạ hơn việc chân thành cảm tạ tất cả.

Sinh hoạt văn học nghệ thuật là trò chơi đa dạng. Việc thực hiện một tạp chí nằm trong lãnh vực này. Chúng ta mừng có nhiều khuynh hướng, nhóm viết cùng hoạt động. Điều chúng tôi chưa thể và thật khó để làm được là mời gọi đông đảo người sáng tác chung sức với nhau.

Sau số thứ nhất, Ngôn Ngữ nhận ra còn hơi nghèo những cây bút thành danh có uy tín, nhiệt tình khuyến khích bằng cách vui vẻ góp bài trực tiếp. Có chăng sự nghi ngờ đường hướng, lẫn khả năng của nhóm chủ trương cũng là nguyên nhân? Chúng tôi xin lặp lại. Tinh thần văn học nghệ thuật là yếu tố căn bản của Ngôn Ngữ. Làm báo tại quê người vào thời điểm này, không còn mục đích thương mại, mà là nghiêng về chuyện tiêu pha thời gian, trong giai đoạn hưởng nhàn của người có tuổi. Chúng tôi chọn việc này để chơi trong thích thú. Tuy gặp không ít khó khăn, nhưng tin tưởng vào sự tiếp tay, cùng tấm lòng yêu văn chương nghệ thuật của bạn đọc, bạn văn. Hết lòng với chữ nghĩa tiếng Việt hẳn không phải riêng ai.

Ngôn Ngữ số 3 vừa phát hành đầu tháng 9, và như vậy chúng ta đã có 4 số báo, khởi đi từ tháng 5. Mỗi số trung bình 300 trang, đông vui người viết trong ngoài nước Việt. Nội dung bài viết vẫn nằm trong lãnh vực văn học, diễn đạt qua nhiều bộ môn quen thuộc. Thành công khiêm nhường nhưng là niềm vui không nhỏ cho nhóm thực hiện vốn được hỗ trợ khuyến khích tích cực từ bạn đọc, bạn viết. Chúng tôi xin thể hiện lòng biết ơn bằng cách cố gắng giữ tờ báo lâu bền và tốt hơn qua từng số sắp tới.

Trước 1975, những người làm báo tài tử như chúng tôi thường phải chuẩn bị bài vở, nhất là tài chánh cho vài ba kỳ tiếp theo, mong lưu được một đôi nét kỷ niệm. Ngôn Ngữ không có được sự chuẩn bị này. Tuy vậy, phần bài vở nhờ sự rộng lòng của anh chị cầm bút, nên chúng tôi khá vững tâm. Vấn đề tài chánh vẫn đang là sự lo nghĩ, bởi chúng tôi muốn tiến tới việc gởi báo tặng đến những người cộng tác. Cước phí bưu điện tại Hoa Kỳ là một trở ngại lớn. Mong tất cả quý anh chị cho chúng tôi thời gian.

Ngay số này và những số tiếp theo, chúng tôi hy vọng sẽ có phương cách phát hành trong nước với giá nhẹ nhàng dễ đưa báo đến tay bạn đọc hơn. Mở rộng việc phổ biến thơ, văn, biên khảo… cũng như đón nhận, mời gọi giới sáng tác vui vẻ tham gia là công việc chúng tôi mong làm, mong luôn cải tiến.

Trong bất cứ sinh hoạt nào cũng cần có hướng đi tới. Có tích cực tiến mới mong phát triển. Tạp chí Ngôn Ngữ tuy thực hiện cho vui là chính. Nhưng dĩ nhiên chúng tôi cũng mong được phát triển, theo chiều hướng rủ rê những bạn đồng hành, cùng đưa ra những lạ lạ, mới mới trong sáng tác.

Qua bốn số báo, an tâm có sự phong phú bài vở, nhưng cảm tưởng của chúng tôi vẫn chỉ đạt được động tác nhúc nhích, chưa có gì mới lạ. Ngay ở thành phần phải nỗ lực chính vẫn là những bàn tay có tuổi. Sự mỏi mệt và cùn mòn không thể không có. Những nhà văn nhà thơ có lòng khuyến khích bằng cách góp bài đa số cũng không trẻ trung hơn. Sự có mặt của lớp trẻ quá ít.

Trong mùa hè vừa qua, chúng tôi có được gặp một số bạn văn. Trong đó có họa sĩ kiêm nhà thơ Phan Nguyên từ quê nhà qua thăm Montréal. Ngồi cạnh nhau, anh có hỏi về sinh hoạt văn học nghệ thuật của anh em Việt Nam, đang là thị dân của thành phố này. Chúng tôi khó chối bỏ sự thiếu hào hứng, nếu so với các thập niên tám mươi, chín mươi. Buồn hơn khi phải trả lời anh Nguyên là không có cây bút, cây cọ nào mới, thuần túy sinh hoạt văn học nghệ thuật bằng Việt ngữ.

Tạp chí Ngôn Ngữ, bốn trên năm người chủ trương, mang quốc tịch Canada; người còn lại quốc tịch Mỹ nhưng vẫn còn giữ quốc tịch Canada. Do đó tờ báo được các bạn văn ở các quốc gia khác gọi là báo ở Canada. Thật tình chúng tôi không muốn co cụm như thế. Nhất là nơi in lẫn “tòa soạn”, vẫn ở trên đất Hoa Kỳ. Nguồn tiền sinh hoạt cũng ở đấy.

Điều rất may, qua bốn số, chúng ta có thể thấy người góp bài ở khá nhiều nơi trên thế giới. Đặc biệt những khuôn mặt ở quốc nội khá đông, có thể kể: Cao Thoại Châu, Mang Viên Long, Thiếu Khanh, Châu Yến Loan, Đinh Thị Thu Vân, Tiểu Nguyệt, Trương Văn Dân, Trần Dzạ Lữ, Hồ Chí Bửu, Nguyễn Hữu Hồng Minh, Đỗ Duy Ngọc, Phan Huyền Thư, Lê Vĩnh Tài, Lê Văn Trung, Nguyễn Văn Gia, Nguyễn Thành, Ngàn Thương, Nguyên Cẩn, Nguyễn An Bình, Dung Thị Vân, Nguyễn Đăng Trình, Trần Mạnh Hảo, Nguyễn Lệ Uyên, Hạt Cát Diệu Sinh, Phạm Hiền Mây, Elena Pucillo Truong, Trần Thoại Nguyên, Trần Vạn Giã, Nguyễn Vũ Sinh, Nguyễn Huy Côn, Phạm Công Luận, Như Không, Nguyễn Ngọc Hạnh, Nguyễn Nhã Tiên, Nguyễn Châu, Hồ Xoa, Phan Trang Hy, Vy Thượng Ngã, Ý Nhi… Tuy thế tài năng từ thanh xuân hình như vẫn chưa có.

Những cây bút hữu danh định cư tại Hoa Kỳ luôn đông hơn ở Gia Nã Đại: Hạ Quốc Huy, Cung Tích Biền, Trần Mộng Tú, Khánh Trường, Lữ Quỳnh, Thái Tú Hạp, Lê Giang Trần, Cái Trọng Ty, Trần Yên Hòa, Nguyễn Văn Sâm, MH Hoài Linh Phương, Minh Ngọc, Nguyễn Xuân Thiệp, Nguyễn Văn Sâm, Trần Doãn Nho, Nguyễn Minh Nữu, Đỗ Kh, Phương Tấn, Quan Dương, Trần Vấn Lệ, Chu Vương Miện, Trần Thị Nguyệt Mai, Uyên Nguyên Trần Triết, Đức Phổ, Trần Thiện Hiệp, Xuyên Trà, Nguyễn Dạ Quỳnh, Nguyễn Hàn Chung, Cao Nguyên, Dư Mỹ, Khê Kinh Kha, Hoàng Lộc, Hoài Ziang Duy, Lâm Chương, Phan Xuân Sinh, Hoàng Nga, Võ Phú, Mộng Hoa Võ Thị…

Xa chúng tôi hơn nữa, là những tác giả Đặng Tiến, Sỹ Liêm (Pháp), Phan Việt Thủy (ở Úc), Đỗ Trường, Hoàng Quân, Ngô Nguyên Dũng (ở Đức), Huy Tưởng, Hư Vô (ở Úc).

Trong đông đảo tác giả hiện diện trên Ngôn Ngữ vừa kể, chỉ có chừng vài ba người còn phảng phất thanh xuân. Chúng tôi mong đợi những cây bút trẻ hơn hoặc nằm trong thời kỳ trung niên. Sự có tuổi của các tay viết, ít nhiều có thể kéo theo sự hao mòn trẻ trung trong sáng tác.

Chuyện cũ mới, qua hình thức dễ nhận ra cụ thể, nhất là bộ môn thơ. Ở đây, chúng tôi xin thưa rõ, các bạn đừng nên có suy nghĩ Ngôn Ngữ chỉ ưu tiên thơ có vần. Với thể loại nào chúng tôi cũng hoan nghênh, nếu bài viết đủ để hiểu được, đủ dẫn đến sự đồng cảm hoặc hưởng thụ cái mới lạ qua cảm nhận.

Ngôn Ngữ số 4 hôm nay, vẫn có nội dung không thu gọn trong chủ đề nào. Nhiều đề tài cũng có vài khuyết điểm của nó, nhưng sẽ luôn dễ dàng cho các bạn góp bài. Hy vọng số tới chúng ta sẽ cùng thực hiện số chủ đề mùa xuân, một chủ đề cũ rích nhưng ít thiếu trong làng báo Việt ngữ.

Thư tòa soạn, thường không nên dài dòng. Lỡ tay khoe lực lượng mong quý bạn đọc vui vẻ thông cảm, xem như biết thêm nơi cư ngụ của một số người viết.

Luân Hoán

Ghi thêm:
Các bạn viết ở Canada, ngoài chúng tôi, góp tay cho Ngôn Ngữ, còn có các tác giả: Phan Ni Tấn, Bắc Phong, Hoàng Xuân Sơn, Võ Kỳ Điền, Nguyễn Đức Tùng, Tiểu Thu…

Thực hiện Báo Xuân hay Giai Phẩm Xuân là một sinh hoạt quen thuộc của làng báo Việt Nam, từ nhiều năm qua nhằm chào đón Tết dương lịch và Tết Nguyên Đán.

Nội dung những số báo đặc biệt này thường có các mục chính:
– Viết về con vật cầm tinh của năm. Từ kể lại sự tích, nguồn gốc đến bất kỳ điều gì liên quan đến con vật tượng trưng cho năm đó.
– Thơ mừng chúc xuân nhật, thường là ngợi ca cảnh sắc, thiếu nữ, tình yêu thương…
– Truyện viết về những mẩu sống, sinh hoạt loanh quanh trong không khí xuân ảnh, vui buồn có đủ.
– Biên khảo, gồm những bài nhận định tập tục, lễ hội… liên quan đến đất nước con người.
– Tổng kết nghiêm chỉnh tình hình thời sự thế giới, quốc nội diễn tiến suốt cả năm vừa qua.
– Tranh hí họa, tranh ảnh đẹp về mùa đầu năm
– Sớ táo quân, một hình thức tổng kết, báo cáo lẫn châm biếm những nét chính của xã hội đã xảy ra.

Ngoài những điểm trên, tùy sáng kiến của những tòa soạn giới thiệu nhiều mục mới, cụ thể như có năm một tạp chí tại hải ngoại giới thiệu chân dung của người viết, có sự cộng tác với báo mình. Chân dung này được phác họa bằng nét vẽ đơn giản đi cùng với ít dòng thơ gọn nhẹ linh động.

Báo xuân thường có hai hình thức:

Báo khổ lớn nhiều trang, chọn đăng nhiều bài viết, nhiều trang ảnh, nhiều màu. Ở hải ngoại thường giàu thêm quảng cáo. Bìa lộng lẫy màu sắc.

Báo khổ sách, vẫn giữ vóc dáng bình thường như tạp chí hàng tháng, nhưng đầy đặn vì tăng số trang, bài viết phong phú hơn.

Chủ đề Xuân, Tết tưởng như dễ thực hiện được một số dồi dào bài vở mới, thật ra khó hơn mong đợi, nhất là giá trị nội dung, ngay ở thể loại phong phú thường lệ là Thơ. Hình như nhà văn, nhà thơ ít ai muốn có sự ràng buộc trong sáng tác theo một chủ đề định sẵn. Ngôn Ngữ các bạn đang đọc vì đó cũng không có sự mới lạ nào, ngay cả mặt hình thức. Với hy vọng một nửa số bài đi sát với nội dung, phần nào sẽ được tạo chút ít không khí Tết Nhất theo chân thời tiết, giúp chúng ta tươi vui hơn, lạc quan hơn.

Chúng tôi xin chân thành gởi nơi đây, lời chúc của toàn thể nhóm chủ trương, cùng các anh chị tác giả đã cộng tác, đến bạn đọc, bạn văn, vui đón một năm mới cùng tất cả ngày tháng tiếp theo, luôn giàu có hạnh phúc.

Phần chúng tôi, tâm nguyện cố gắng chuyển tải, giới thiệu sáng tác của người viết đến bạn đọc đều đặn như ý định trong cuộc chơi nghiêm túc của chữ nghĩa.
Thành kính,

Luân Hoán

Tạp chí Ngôn Ngữ đang là số thứ 6, nhưng đã có bảy số trình diện cùng bạn đọc, bởi có số đặc biệt tưởng niệm hai tác giả Hoàng Ngọc Biên và Tô Thùy Yên. Công việc thực hiện tạp chí đã có phần quen tay. Tuy nhiên trong mười phần hứng thú đã có đôi phần sút giảm. Điều không vui này ở phía chúng tôi và có thể ở cả những người cộng tác lẫn bạn đọc. Mong rằng chúng ta sẽ sớm lấy lại cảm hứng ban đầu.
Điều kiện bài viết cần hoàn toàn mới hoặc chưa được phổ biến nơi đâu, để xuất hiện trên Ngôn Ngữ quả thật khó chu toàn. Và trong những số đã qua, số nào cũng đã vướng lỗi này.

Trước thực tế những cây bút kỳ cựu viết thưa hơn và không ít những tác giả tên tuổi thiếu hứng thú vui chơi cùng Ngôn Ngữ. Chúng tôi đang nghĩ đến việc giới thiệu những sáng tác cũ có giá trị còn phù hợp và cần thiết. Nhưng vẫn giữ quyết định tối đa hạn chế những bài phổ biến cùng lúc trên các sân chơi đại chúng phổ quát hơn.

Trong số này, ngoài thơ, văn, biên khảo… như thường lệ, chúng tôi đã xin phép gia đình để được phổ biến ít sáng tác của các tác giả đã qua đời những tháng gần đây:

– Nhà văn Hồ Trường An, sinh năm 1938 tại Vĩnh Long, (em trai nhà văn Nguyễn Thị Thụy Vũ), qua đời tại Pháp vào ngày 27-01- 2020 nhằm ngày mùng 3 tết Canh Tý. Ông là một nhà văn có sức sáng tác dồi dào, lượng tác phẩm xuất bản nhiều gồm truyện ngắn, truyện dài, thơ, biên khảo, ký sự văn học…

Ngôn Ngữ số 7 giới thiệu những biên khảo và phiếm luận của các cây bút thường xuyên như Châu Yến Loan, Nguyễn Đức Tùng, Nguyễn Thiếu Dũng, Nguyễn Vy Khanh, Phạm Cao Hoàng, Song Thao… Phần truyện ngắn, ngoài các tác giả đã góp bài trước đây như Cung Tích Biền, Hiền Nguyễn, Hồ Đình Nghiêm, Hoàng Chính, Lữ Quỳnh, Mang Viên Long, Minh Ngọc, Nguyễn Nhã Tiên, Nguyễn Thị Thanh Bình, Tiểu Nguyệt, Trần Thị Trúc Hạ, Việt Dương, Võ Phú, … số này chúng ta có thêm những nhà văn Hoàng Quân, Minh Nguyễn, Nguyên Bình, Nguyễn Đình Phượng Uyển, Nguyễn Lê Hồng Hưng, Vương Hoài Uyên… Trang thơ rất phong phú với những tác giả thường xuyên như Cao Nguyên, Cao Thoại Châu, Đức Phổ, Hoàng Xuân Sơn, Huỳnh Liễu Ngạn, M.H. Hoài Linh Phương, Ngàn Thương, Ngô Nguyên Dũng, Nguyễn An Bình, Nguyễn Dạ Quỳnh, Nguyễn Hải Thảo, Nguyễn Hàn Chung, Nguyễn Văn Gia, Nguyễn Sông Trẹm, Nguyễn Thành, Nguyễn Vũ Lan Bình, Phương Tấn, Thái Tú Hạp, Trần Dzạ Lữ, Trần Hạ Vi, Trần Hoàng Vy, Trần Thị Nguyệt Mai, Trần Thoại Nguyên, Trần Vạn Giã, Trần Vấn Lệ, Vy Thượng Ngã… chúng tôi còn được đón tiếp thêm các nhà thơ không xa lạ với sinh hoạt văn học như Bùi Dũng, Hạ Quốc Huy, Hồ Xoa, Lê Hữu Minh Toán, Lê Thị Hải Hà, Lưu Diệu Vân, Nguyên Như, Nguyễn Minh Phúc, Nguyễn Nam An, Nguyễn Quốc Hưng, Võ Thạnh Văn, Quỳnh Nga, Trần Hữu Dũng, Vũ Tuyết Nhung, Y Thy …

Bên cạnh những sáng tác kể trên, chúng tôi dành một số trang giới thiệu một ít những bài viết cũ lẫn mới nhằm tiễn biệt một giọng hát luôn chiếm vị trí số một của âm nhạc Việt Nam vừa thất lộc: Nữ danh ca Thái Thanh (1934-2020).

Những ghi nhận, vinh danh này từ các tác giả tên tuổi, và hầu hết đã phổ biến trên các tạp chí văn học trước đây. Cụ thể gồm các bài của Georges E. Gauthier (nhà văn Võ Phiến chuyển ngữ dưới bút hiệu Thu Thủy), Mai Thảo, Đỗ Tiến Đức, Dzương Ngọc Hoán, Nguyễn Đình Toàn, Du Tử Lê, Trường Kỳ… và các bài mới hơn của Mạnh Kim, Orchid Lâm Quỳnh, Tuấn Khanh, Tiểu Quyên. Vì trang báo có hạn, Ngôn Ngữ tiếc không thể giới thiệu các bài viết của các cây bút uy tín Thụy Khuê, Quỳnh Giao, Khánh Ly, Hoàng Hải Thủy…

Viết về một nhân vật, ngoài những vững chãi kỹ thuật, nhiều tài liệu chính xác, còn cần những kỷ niệm có thật và chân tình, do đó chúng tôi không dám động bút theo đúng chuyện cần làm của ban biên tập. Bốn chữ “Mượn hoa kính Phật” tạm là phương cách Ngôn Ngữ cần chọn để cùng tri ân giọng ca tuyệt vời này.

*

Nhân đây chúng tôi cũng xin được cung kính tiễn đưa, chia buồn cùng gia đình, những người quen biết trong cộng đồng Việt tại hải ngoại đi xa trong tháng 3-2020 (theo thứ tự ngày mất):
– Bà Trần Mộng Chi (em nhà thơ Trần Mộng Tú), nạn nhân người Mỹ gốc Việt đầu tiên của Wuhan virus, mất ngày 16-3-2020 tại Hoa Kỳ, thọ 74 tuổi.
– Danh ca Thái Thanh (Phạm Thị Băng Thanh) qua đời ngày 17-3-2020, tại Hoa Kỳ, thọ 86 tuổi.
– Thiếu tướng Lê Minh Đảo thuộc quân lực Việt Nam Cộng Hòa, qua đời ngày 19-3-2020 tại Hoa Kỳ, thọ 87 tuổi.

Trân quý kính chào tất cả bạn đọc, mời chúng ta cùng bước vào mùa xuân của đất trời, tạm quên nỗi lo buồn từ dịch bệnh đang có mặt.

Luân Hoán

Dịch bệnh từ Vũ Hán Trung Cộng tạo ảnh hưởng xấu đều khắp thế giới. Sinh hoạt của mọi ngành nghề hầu như chia phần thảm nạn nặng nhẹ khác nhau. Tạp chí Ngôn Ngữ, nhà xuất bản Nhân Ảnh cũng chậm lại trong việc in ấn và phát hành. Điều rất may mắn đại đa số đồng bào gốc Việt chúng ta trên toàn thế giới không bị thiệt hại đáng kể về nhân mạng. Một lần nữa, nhóm chủ trương, toàn thể anh chị em góp bài, cũng như bạn đọc của Ngôn Ngữ xin gởi lời chia buồn đến số ít gia đình dính tin buồn trong đại dịch này. Đặc biệt gia đình ông Huỳnh Kỳ Phát (Trẻ Magazine) bởi sự ra đi của cháu Huỳnh Kỳ Sĩ, 35 tuổi, độc thân, với câu nói xót lòng để lại “ba hãy rút ống thở cho con”, tại California trong tháng 5 vừa qua.

Cũng ảnh hưởng nạn dịch, chúng tôi bắt tay thực hiện Ngôn Ngữ số 8 sớm hơn thường lệ để bù vào thời gian có thể chậm trễ ở nhà in. Trong số này, chúng tôi dành một số trang tiễn đưa cùng chia buồn các anh chị sinh hoạt văn học nghệ thuật như nhà văn, nhà thơ, nhạc sĩ Hoàng Hương Trang, Chân Phương, Nguyễn Dương Quang vừa xa chúng ta trong tháng qua. Riêng nhà thơ Chân Phương, bằng sự thông hiểu và thân tình, cây bút Trần Thị Nguyệt Mai của Ngôn Ngữ đã thể hiện một bài thơ dài.

Những sáng tác thơ truyện biên khảo của những cây bút từng góp tay cùng Ngôn Ngữ và của anh em chủ trương vẫn dồi dào. Đặc biệt số này, chúng ta có thêm nhà văn Như Không và sự đóng góp trở lại của nhà văn Võ Kỳ Điền, Nguyên Cẩn, Nguyễn Minh Nữu, Hoài Ziang Duy…, nhà thơ Chu Vương Miện…

Để thuận tiện trong việc đọc và sắp xếp trước khi layout, mong quý anh chị gởi bài lưu ý: xin gửi cho những sáng tác mới chưa từng đăng báo mạng hoặc báo giấy, chỉnh sửa bài ưng ý trước khi gởi và chỉ gởi một lần, cố gắng tránh thay đổi. Về thực hiện bản chữ, nên để các dấu phẩy, dấu nặng sát vào mẫu tự cuối.

thân tình,
Luân Hoán

Theo thời tiết, Ngôn Ngữ số 9 có một ít thơ, truyện về mùa Thu. Nhưng không phải là một số đặc biệt. Bởi lẽ trong những số đặc biệt, cần có hai phần ba số trang để đi những biên khảo, tìm hiểu, truyện, thơ, hình ảnh… về chủ đề đó. Thực hiện những số đặc biệt thường công kỹ hơn những số bình thường, ngoại trừ những số bê tài liệu cũ dán vào.

Ngôn Ngữ 9, bên cạnh một ít thơ văn về Thu như vừa nói, vẫn là những bài viết, những sáng tác của một số bạn văn đã quen tên với bạn đọc. Kỳ này chúng tôi có thêm một ngòi bút quý, nhà văn Đoàn Nhã Văn. Nhưng vẫn chưa được hân hạnh đi bài của nhiều tác giả thành danh khác từ mọi nơi góp tay. Từ số 9, chúng tôi bắt đầu phổ biến một truyện dài của tác giả Nguyễn Lê Hồng Hưng. Với thời gian hai tháng thực hiện một lần, việc đi một truyện dài thường ít được tác giả chấp nhận, nhưng Ngôn Ngữ đã được sự đồng ý của người viết, nên rất hoan hỉ mời quý bạn đọc từ từ theo dõi tác phẩm.

Một tin không vui, từ số này chúng ta không còn được đọc tài liệu văn học nước ngoài do nữ bác sĩ Minh Ngọc sưu tập và thực hiện trong mục Tin Văn. Thay vào đó, chúng tôi được sự tích cực góp tay của nhà thơ Nguyễn Văn Gia nhằm giới thiệu khái quát một số đầu sách mới được ấn hành tại quê nhà. Ngôn Ngữ xin chân thành cảm ơn Bác sĩ / Nhà văn Minh Ngọc, Nhà thơ Nguyễn Văn Gia.

Cuối cùng chúng tôi xin phép dành ít phút đưa tiễn, nhà văn Mang Viên Long (cộng tác với NN từ số 1 đến nay) và nữ nhà văn Túy Hồng vừa rời xa chúng ta. Mời xem phần tưởng niệm trong những trang sau).

thân tình,
Luân Hoán

Sau mười số cùng số đặc biệt (về hai tác giả Tô Thùy Yên & Hoàng Ngọc Biên), Ngôn Ngữ còn được tiếp tục nhờ sự niềm nở thương mến của quý bạn đọc, bạn viết. Chúng tôi thật khó gởi lời cảm ơn cụ thể đến quý vị, ngoài việc cố gắng duy trì việc đang làm, cùng nỗ lực giúp Ngôn Ngữ ngày một đáng tin cậy hơn.

Gần đây số người Việt cầm bút của chúng ta rời cuộc sống khá nhiều và có phần dồn dập. Với mỗi tác giả đã ra đi, đều xứng đáng thực hiện một số đặc biệt. Chúng tôi đã nghĩ đến điều này, tuy nhiên vấn đề tư liệu, bài vở đã là một trở ngại. Bởi một tạp chí văn học, hai tháng một kỳ, khó cập nhật, theo kịp những nguồn sung sức khác. Chúng tôi hy vọng trong tương lai, khi cảm xúc mất mát từ một tác giả bớt phần sôi nổi chúng tôi sẽ cố gắng thực hiện một cách bình tĩnh chín chắn.

Hiện thời Ngôn Ngữ duy trì phương cách tiễn đưa, tưởng niệm gọn nhẹ như quý vị đã thấy. Ngôn Ngữ vẫn phổ biến mọi sáng tác của bốn phương gởi về. Chúng tôi hiểu còn nhiều hoài nghi từ những người cầm bút về giá trị của tạp chí, lẫn khuynh hướng chủ trương. Chúng tôi xin thông tin, chúng tôi không phe nhóm, không hội đoàn và luôn tôn trọng giá trị nghệ thuật trong mọi sáng tác nhận được.

Ngôn Ngữ số 10, nhằm vào những tháng có đậm đà hương vị của ngày lễ Tạ Ơn và Giáng Sinh, nhưng số này rõ ràng thiếu sót. Chúng tôi hy vọng số kế tiếp, chủ đề Xuân Tân Sửu 2021, sẽ được sự tiếp tay của tất cả bốn phương văn hữu.

Kính chúc tất cả chúng ta luôn được Ơn Trên giữ cho yên lành mỗi ngày.

Luân Hoán

Tạp chí Ngôn Ngữ số 11, mở đầu cho một năm mới, năm 2021; hy vọng sẽ là một năm tốt đẹp hơn năm thế giới gặp dịch nạn Covid vừa qua.

Sự có mặt của một tờ báo nghiêng về văn học nghệ thuật rơi vào thời điểm của những ngày lễ lớn cuối và đầu năm. Tuy chúng tôi không thực hiện chuyên mục cho một chủ đề nào. Nhưng những hình ảnh đời thường có nề nếp lâu năm, chúng tôi chọn đăng những bài có nội dung ca ngợi Thánh lễ cũng như hình ảnh xuân nhật của cả hai cái Tết, Dương Lịch và Âm Lịch. Chúng tôi không giới thiệu rõ nét nội dung trong thư tòa soạn. Hy vọng khi có báo, bạn đọc sẽ gặp nhiều thích thú với những sáng tác mới khắp nơi, dành cho Ngôn Ngữ.

Cũng trong số báo này, chúng ta may mắn không phải chia buồn về một tác giả nào rời cuộc chơi chung của văn học. Chúng tôi cũng không dám trình thưa gì hơn, ngoài gởi lời chia vui cùng chúc mừng đến tất cả bạn đọc, bạn viết thật hoàn hảo niềm vui trong các ngày nghỉ lễ.

Thân tình,

Luân Hoán

Ngôn Ngữ 12 có mặt sau Tết Tân Sửu không lâu. Thời gian các tác giả sáng tác cũng như chúng tôi nhận bài, còn nằm trong hơi thở Xuân nhật, nên một số bài còn mang nội dung này.

Nếu tính về lượng, phần thi ca luôn luôn dồi dào, áp đảo những thể loại khác. Cụ thể số 12, có hơn 20 tác giả văn xuôi, và 40 nhà thơ. Báo giấy khó tiêu thụ, sinh ra quí hiếm. Nhờ đó khá nhiều tác giả vui vẻ góp tay. Mỗi kỳ báo tùy nghi số trang, nhưng thường giới hạn ở mức hơn hơn ba trăm trang. Ngoài việc chọn bài tương đối đồng đều, chúng tôi còn muốn mỗi kỳ có số lượng tác giả đông vui. Chính vì thế, phần thơ chúng tôi thường chọn những bài không quá dài, và mỗi tác giả chỉ một bài duy nhất, mong quí bạn thơ thông cảm.

Số 13 sắp tới, chúng tôi sẽ giới thiệu những bạn vừa bắt tay vào nghề trong những năm gần đây, thuộc cả hai bộ môn thơ và văn. Thường được gọi là “Những Người Viết Trẻ”. Hy vọng tất cả quí bạn trong ngoài Việt Nam hào hứng tham gia.

Theo thực hiện quen thuộc, mỗi tác giả sẽ cho chúng tôi ảnh căn cước (không dùng ảnh cảnh nhiều hơn người), vài dòng về mình tùy nghi, nhưng ghi rõ thời gian bắt đầu sinh hoạt, cũng như những gì đã thành tựu, cụ thể như tác phẩm đã in, nếu có. Kèm theo sáng tác ưng ý của mình, không cần chọn bài mới nhất. Ngôn Ngữ cũng chấp nhận bài đã phổ biến trước đây của bạn trong số đặc biệt này. Một lần nữa, nhắc quí bạn vui vẻ hưởng ứng.

Song song với số giới thiệu đặc biệt này, nhà thơ Lê Hân, hiện quản lý nhà xuất bản Nhân Ảnh, dự định nhờ ban chủ trương Ngôn Ngữ chọn những tác giả xuất sắc, để giúp cơ hội cho bạn đó được in và phát hành tác phẩm tại Hoa Kỳ cũng như Việt Nam.

Rõ hơn, Nhân Ảnh sẽ chọn in 4 tác phẩm. 2 hải ngoại và 2 trong nước cho thơ và văn. Mỗi tác giả sẽ được in miễn phí 25 cuốn đầu tiên cọng với tiền giới thiệu trên Amazon, cùng với các chi phí layout thực hiện bìa và ruột. Đây là thí nghiệm đầu tiên hy vọng sẽ thực hiện được.

Sau hết anh em chủ trương chúng tôi vui gởi đến quí bạn đọc, bạn viết, lời cảm ơn và lời chúc an bình cho mỗi ngày.

Thân tình,

Luân Hoán