Monday, May 17, 2021

Thích Viên Giáo: Vài Góp Ý về Việc Trang Nghiêm Tăng Đoàn

Vài Góp Ý về Việc Trang Nghiêm Tăng Đoàn

Thích Viên Giáo

 

LỜI THƯA: Những ngày này, từ trong nước, mặc dù chỉ do một vài chư vị Tu sĩ, cư sĩ, cá nhân nhân danh, ẩn danh hoặc danh ảo trên mạng đã tung ra những thông tin, qua đó ít nhiều tạo thành một “cơn địa chấn” cho những người chưa từng tiếp cận sự kiện một cách toàn cảnh. Ngược lại, với những người từng trải, hiểu việc hiểu người và trên hết hiểu cái gì là đại cuộc-chính nghĩa, thì chỉ là một “cơn bão trong tách trà.” Bảo vệ Phật Giáo, không thể hiểu cục bộ là việc bảo vệ Xá Lợi, xương cốt của Đức Tăng Thống, bảo vệ Pháp, càng không thể là thái độ bất tận vung bút, rải chữ trên những diễn đàn chợ đời hỗn độn. Chữ nghĩa định mặc cho nhân cách, thiệt hơn phơi bày tâm địa thâm, sân và, si.

Nếu tha thiết muốn muôn dân Việt Nam biết hơn, hiểu hơn để từ đó “không sợ nữa” mà hợp sức tung phá bức tường ác bá cường quyền hiện tại thì lẽ nào can tâm gieo vào mắt, rót vào tai đồ chúng những điều hoang mang khủng hoảng như cách mà kẻ bá quyền đã và đang làm. Há đó không phải là tâm địa bá đạo hay sao!?

Từ tâm địa bá đạo này, còn nguyên bài học đắt giá mà cho đến tận hôm nay, tiền đồ Phật giáo Việt Nam như ngọn lửa bập bùng không đủ sức cháy phực lên trong lòng đồ chúng nhân dân, đã làm hủy hoại một cơ nghiệp Giáo Hội chưa kịp dựng lại, tuy đó chỉ là những hình tướng bên ngoài, vẫn chịu lẽ biến thiên theo những định luật vô thường.

Tôi tin, bao đời Tăng Thống, nếu tâm nguyện thiết thiết tha tha gởi lại cho hậu thế hậu nhân, thiết cốt, cũng không phải là việc khuyên bảo thất chúng đệ tử khư khư bảo vệ Xá Lợi hay tro cốt của mình, mà chính là bảo vệ cái toàn thể làm nên ý nghĩa miên tục nhuận thắm dân gian của nguồn đạo Từ Bi-Giải Thoát. Không có việc táng hay lưu giữ, điều nào là chính đáng ngay tức thì, là bất di bất dịch không linh động, khi mà đạo Phật thường nhắc chúng ta lẽ khế lý và khế cơ. Thời gian là yếu tố thuận lẽ nhân tâm cho những điều vi tế. Nên những bậc cao nhân chẳng biết hay sao mà hàng sơ cơ mượn cớ nhốn nháo, khuếch đại chướng nghịch cho nhau, cho tự thân?

Chi bằng ngoái đầu thấy bờ, nhìn nhận thái độ bảo vệ Đạo Pháp, bảo vệ Tôn Tăng (Xá lợi), chẳng bằng hộ trì chư Thầy nghiêm mật giới bổn, đồ chúng phát lồ tận diệt tham-sân-si, từ đó muôn dân nhìn đến mà hòa nhập vào sự nghiệp Hộ Quốc.

Bài tiểu luận của Thầy Thích Viên Giáo, là tâm huyết xây dựng đúng nghĩa giữa một giai kỳ hỗn độn chẳng khác của Giáo Hội trước đây, mà trong bối cảnh hiện tại, vẫn còn nguyên giá trị để chúng ta chiêm nghiệm, từ trong nước. Cũng từ cơ sở này, đồng thời sẽ giúp chúng ta nhìn nhận được nếp tu tập tinh chuyên của những giáo đoàn, mỗi cá thể giữa tăng đoàn đang hành hoạt.

__________________

VÀI GÓP Ý VỀ VIỆC TRANG NGHIÊM TĂNG ĐOÀN

Những năm gần đây, do sự lủng củng trong nội bộ Phật giáo cũng như sự cố tình quấy phá của ngoại đạo, ác đảng, người Phật tử Việt tại hải ngoại, đặc biệt là chư vị Tăng Ni, thường nêu vấn đề củng cố nội lực giáo hội, trang nghiêm bản thể Tăng già.

Ý nguyện này thật cao cả, cấp thiết. Nhưng cũng đã nhiều năm trôi qua rồi, ý nguyện vẫn là ý nguyện, chưa bước được vào hành động cụ thể; dù nói một cách lạc quan đi nữa thì cũng chỉ là những bước khập khiểng, lừng khừng, chưa quyết liệt.

Hành động cụ thể thế nào để làm trang nghiêm Tăng đoàn? – Nhiều lắm. Không phải chỉ một vài hành hoạt, không phải chỉ vài tháng, vài năm; nên dù Tăng Ni chúng ta tổ chức bao nhiêu đại hội, bao nhiêu cuộc hội luận, cũng không thể nói hết. Nhưng một vài điều căn bản mà ai cũng biết, và chúng ta cũng đã có nhiều lần đề nghị trước đây, thì có thể vắn tắt như sau:

  1. Bố tát – Thuyết giới:

Theo luật tạng, các tỳ-kheo cần có ngày bố-tát (posadha) định kỳ nửa tháng một lần với cộng đồng Tăng. Truyền thống này được thiết lập từ khi đức Phật còn tại thế. Tăng đoàn và cá nhân tăng sĩ không thể bỏ sót trong sinh hoạt chung.

Những năm cuối thập niên 1970, tăng sĩ Việt Nam không nhiều, lại sống rải rác, việc bố-tát thuyết giới không thể thực hiện. Nay tăng sĩ khá đông đảo, chùa chiền dựng nên khắp nơi; riêng tại Hoa Kỳ, tại tiểu bang California, có nhiều thành phố tập trung đến vài chục ngôi chùa và hàng trăm Tăng Ni, thì việc bố-tát thuyết giới chung của cộng đồng Tăng không có lý do gì mà bỏ qua.

Trong khi cộng đồng Tăng Ni ở Bắc California tổ chức bố-tát thuyết giới mỗi tháng một lần, đều đặn từ nhiều năm qua thì cộng đồng Tăng Ni ở Nam California, vào những năm giữa thập niên 1990 cũng có tổ chức, nhưng sau đó, lại vì lý do này, lý do khác, đã ngưng. Đến cuối năm 2008, Tăng Ni ở quận San Diego, California, đã nỗ lực gây dựng lại việc bố-tát thuyết giới, với tinh thần hòa hợp, rất đáng trân trọng, nhưng rồi cuối cùng cũng bỏ ngang.

Bố-tát thuyết giới là phận sự quan trọng của tỳ-kheo, không phải chỉ nhằm ôn lại giới pháp mình thọ trì, kiểm điểm và sám hối những lỗi lầm đã phạm, mà còn là phương thức để cộng đồng Tăng-già biểu hiện tinh thần hòa hợp thanh tịnh, chung sức duy trì thọ mạng của Phật Pháp; bởi vì “giới luật là thọ mạng của Phật Pháp.” Về mặt tương giao, ngày bố-tát thuyết giới cũng là dịp để những cá nhân Tăng Ni được gặp gỡ, giữ thân tình, trao đổi Phật sự, khuyến tấn và cảm thông nhau. Ngoài ra, đây còn là cơ hội để các tân tỳ kheo, các sa-di, cho đến các cư sĩ tại gia được thân cận, tiếp xúc, học hỏi bằng ngôn thuyết hay bằng thân giáo từ các bậc đạo cao đức trọng và những vị đi trước.

Để trang nghiêm Tăng đoàn, củng cố nội lực của cộng đồng Phật giáo vốn bị phân rã, suy đồi trong nhiều năm qua, việc tái lập và duy trì truyền thống bố-tát thuyết giới định kỳ phải là ưu tiên hàng đầu, kính mong chư tôn đức Tăng Ni trưởng thượng nêu gương và thúc đẩy hàng hậu học mau chóng thực hiện sớm chừng nào hay chừng đó.

  1. An cư – Tự tứ:

An cư ba tháng (hạ hay đông) mỗi năm là điều qui định phải có của hàng tỳ-kheo, tỳ-kheo ni. Sau ba tháng an cư, có ngày Tự tứ, trước ngày Tự tứ, cần sám hối.

An cư để có thời gian cấm túc, giảm bớt ngoại duyên, tự nguyện gia nhập và sinh hoạt cùng cộng đồng Tăng lữ để trước nhất biểu hiện tinh thần sẵn sàng hòa hợp thanh tịnh cùng các tỳ kheo/tỳ kheo ni từ các trụ xứ và tự viện khác; thứ nữa, nhưng rất quan trọng, là quyết tâm dành thời gian nghiêm cẩn hành trì giới luật, tu tập thiền định, sách tấn, truyền dạy hoặc học hỏi nhau để có được sự tiến triển tốt đẹp trong hành trình tu chứng.

Tự tứ là ngày công khai thỉnh cầu các tỳ kheo/tỳ kheo ni khác vạch ra những tội lỗi hay khuyết điểm mình đã sai phạm để sám hối cho thanh tịnh. Tự tứ chỉ xảy ra một lần duy nhất trong năm, sau ba tháng an cư, và trong ngày Tự tứ, không có tụng/thuyết giới như ngày Bố-tát.

Theo ý nghĩa từ luật tạng ở trên, an cư 10 ngày, 12 ngày, 15 ngày, cho đến một tháng đều không đúng truyền thống. Tôi từng nghe một bậc tăng trưởng có thẩm quyền về giới luật ở trong nước, phát biểu rằng “An cư ba tháng là ba tháng, không có an cư một tháng hay mười ngày!” Nhưng phải sống ở ngoài nước mới cảm thông được tại sao không thể áp dụng an cư ba tháng như luật định. Nhiều năm qua, Tăng Ni hải ngoại đã cố gắng rất nhiều để tổ chức an cư, ngắn nhất là mười ngày, dài nhất là một tháng, không thể nhiều hơn được. Ngắn quá thì trong lòng cảm thấy lợn cợn, không thông suốt; nhưng cũng có cái hay là vì ngắn nên sức tập trung, nỗ lực hành trì rất cao. Lâu dần, tâm lý lợn cợn bị xóa nhòa, và từ đó, an cư mười ngày cũng là an cư, khi giải hạ Tự tứ thì lòng cũng hoan hỷ như an cư ba tháng. Tuy vậy, chúng ta cũng nên vận động tổ chức một đại hội Tăng Ni Việt Nam hải ngoại để tác pháp yết ma, chế định lại một số truyền thống, qui tắc (không phải giới bổn) như an cư, bố-tát, để áp dụng hợp pháp, hợp luật, cho sinh hoạt Tăng đoàn ở ngoài nước. Được như vậy, tâm lý của Tăng Ni sẽ ổn định, và an cư bao nhiêu ngày cũng là an cư, bố-tát một tháng một lần hay ba tháng một lần cũng là bố-tát. 

  1. Các góp ý để điều chỉnh một số sơ sót và khuyết điểm:

Với một số ý kiến lắng nghe từ các Tăng Ni, pháp lữ, xin được đề nghị như sau:

– Trong các khóa an cư ngắn hạn, nên tổ chức một ngày (hoặc vài giờ đồng hồ) cho việc bố-tát tụng giới. Điều này rất nên, vì một năm chỉ có một lần an cư mà lại ngắn hạn, các sa di và tân tỳ kheo/tỳ kheo ni, không có cơ hội học giới và học các oai nghi tế hạnh cần thiết. Quanh năm suốt tháng không thấy ở đâu tổ chức bố-tát tụng giới, vậy tại sao không tổ chức bố-tát tụng giới trong mỗi khóa an cư, dù không đúng ngày rằm hay ba mươi âm lịch? Chương trình giảng dạy trong các khóa an cư cũng nên lưu tâm việc giảng dạy giới luật và hướng dẫn các qui tắc sinh hoạt trong tự viện hay Tăng đoàn, nhất là đối với những vị tân xuất gia sau này.

– Sau các khóa tu học Phật Pháp dành cho cư sĩ, cũng như các khóa an cư dành cho Tăng Ni, thường có tổ chức các buổi văn nghệ vào đêm cuối cùng trước khi hoàn mãn. Các buổi văn nghệ này chỉ có một vài tiết mục tạm cho là hay, còn đa phần thì rất kém về nội dung lẫn hình thức. Có những bài ca mượn nhạc của người để đưa lời của mình vào, vừa vi phạm tác quyền vừa gượng gạo, cứng ngắt. Có những màn hài kịch thô kệch, nhớp nhúa, không mang ý đạo, cũng chẳng chuyên chở ý nghĩa tốt đẹp nào của nghệ thuật thế gian. Văn nghệ như thế phá hỏng cả tinh thần tu học trang nghiêm, thanh tịnh của khóa tu hoặc khóa an cư, dù rằng được tổ chức vào ngày cuối cùng. Đề nghị không tổ chức văn nghệ có tính cách đại chúng nữa mà thay vào đó là đêm thiền trà nhẹ nhàng, đạo vị, để thưởng thức các thi kệ, các bài thơ hay, những câu chuyện đạo, hoặc những bản nhạc thâm trầm và sâu lắng thiền ý, để người tham dự có thể mang theo dư hưởng thanh thoát, an lạc của khóa tu trở về với trú xứ của riêng mình. Còn nếu như cần phải tổ chức văn nghệ để đáp ứng nhu cầu thư giãn của Phật tử, nên có những vị có thẩm quyền về văn hóa, về Phật Pháp, và về âm nhạc, duyệt xét nội dung trước khi tập dượt và trình diễn.

– Xin nghiêm cẩn trao truyền giới pháp. Giới luật không thể khinh truyền, nhất là đại giới. Một vài vị tăng trưởng, hoặc theo quan điểm riêng của hệ phái mình, hoặc cho rằng nên “tùy duyên” tạo cơ hội cho người được khoác mặc tăng y, đã không cẩn trọng trong việc nhận người xuất gia cũng như trao truyền giới pháp. Kết quả là có rất nhiều Tăng Ni bán thế xuất gia, hoặc “mãn thế” xuất gia, mà những vị này không có trình độ Phật Pháp, cũng không hiểu biết gì về giới pháp mà họ thọ nhận; có người xuất gia mới có hai tuần, đã thọ đại giới (mà không thuộc giới, chưa được nghe giới); có vị đã trở thành tỳ kheo/tỳ kheo ni mà thời gian ở chùa còn ít hơn thời gian sống với gia đình con/cháu vì gia duyên vẫn còn đa đoan chưa cắt đứt được; có “bà cụ” tỳ kheo ni nọ, tuổi gần 80, không biết cách đắp y, loay hoay mãi trễ giờ hành lễ mà vẫn không xong; có vị đã xuất gia, hoàn tục từ lâu, nay một sớm một chiều tự động xuất gia, cạo tóc, khoác y tỳ kheo 25 điều, tự xưng thượng tọa, nghênh ngang giành chỗ đứng chỗ ngồi trước và trên các vị Tăng trẻ tuổi nhưng có hạ lạp cao hơn mình; có nhiều vị đã là tỳ kheo/tỳ kheo ni từ lâu mà không phân biệt được thế nào là y ngũ, y thất, y cửu… chứ đừng nói là hiểu biết hay thực hành kinh, luật, luận…

– Giới phẩm cũng không thể coi thường. Giới phẩm Hòa thượng, Thượng tọa, Đại đức, Ni trưởng, Ni sư, Sư cô… không phải là chức vị của quân đội hay các tổ chức khác được xét theo “thâm niên công vụ”, cũng không phải vì thấy già trên 60 tuổi mà suy tôn Hòa thượng, vì trên 40 tuổi mà tấn phong Thượng tọa. Giới phẩm của Phật giáo Việt Nam dựa trên đức hạnh, và chiếu theo hạ lạp kể từ khi thọ đại giới. Một người bán thế mới xuất gia, mới thọ đại giới vài năm, không nên vội vàng tấn phong. Các tân tỳ kheo/tỳ kheo ni phải biết tự lượng phẩm hạnh, hạ lạp và trình độ Phật Pháp của mình, không nên vì bổn sư hay tổ chức giáo hội nào đó tấn phong mà mừng vui nhận liền; phải biết khiêm cung từ chối. Các vị trưởng thượng cũng không nên quá dễ dãi lập danh sách tấn phong người này người kia mà không tìm hiểu giới đức, hành trạng tu tập, thời gian xuất gia, và thời gian thọ giới của họ.

Ở trên là vài góp ý thu thập được từ nhiều Tăng Ni và cư sĩ quan tâm đến uy đức và phẩm giá của Tăng già. Thiết nghĩ, đây là những điều cụ thể có thể thực hiện và điều chỉnh được; nếu không, Phật giáo hải ngoại càng lúc càng lún sâu vào tình trạng mà Tổ Qui Sơn trong Văn Cảnh Sách gọi là “bà-la-môn tụ hội vô thù.”

Giữa bối cảnh đổ nát, suy vi, phân tán, mất hướng và mất niềm tin trong Phật giáo hải ngoại ngày nay, muốn có một Tăng đoàn thanh tịnh, hòa hợp, không phải điều dễ. Chúng ta đã phung phí quá nhiều thời gian cho sự hướng ngoại, và tâm lý xem nhẹ giới luật, coi thường các truyền thống sinh hoạt của thiền môn; nay muốn củng cố gầy dựng lại, cũng phải cần thời gian khá dài; nhưng quan trọng là mỗi cá nhân Tăng sĩ phải có ý thức và tâm nguyện tha thiết đối với sự hưng thịnh của Phật Pháp.

Trang nghiêm Tăng đoàn phải bắt đầu bằng những qui tắc, những truyền thống cao đẹp mà lịch đại tổ sư và các tập thể Tăng già các nước, hơn hai ngàn năm trăm năm đã đi qua. Bố-tát thuyết giới, An cư Tự tứ, tác pháp yết-ma, học tập và hành trì giới luật… những điều này đều rất cụ thể và gần gũi trong sinh hoạt của tất cả Tăng Ni chúng ta, không lẽ bây giờ lại trở nên những điều xa vời không thể thực hiện?

Xin thành kính đảnh lễ chư hiện tiền Tăng Ni, cúi mong được chỉ giáo, trao đổi; và xin nhất tâm sám hối nếu những điều trình bày trên có phật ý tôn đức nào.

California, June 30, 2010

Sunday, May 16, 2021

Thích Đức Chơn: Cảm Niệm Phật Đản, PL. 2551

 

CẢM NIỆM PHẬT ĐẢN PL. 2551

Nam mô Bổn sư Thích ca Mâu ni Phật
Nam mô Lâm tỳ ni viên, vô ưu thọ hạ, thị hiện đản sanh Bổn sư Thích ca Mâu ni Phật

Kính bạch Chư tôn Đại đức Tăng;
Kinh thưa tòan thể tứ chúng,
Chư Phật tử thân cận,
Chư thiện hữu tri thức.
Kính thưa liệt quý vị,

Trong giây phút thiêng liêng cao quý này, trước khi đại lễ Phật đản 2551 chính thức cử hành, thay mặt toàn thể chư tăng trong tu viện Quảng Hương Già-lam tôi kính gởi đến chư Phật tử, các chúng đệ tử thân cận và các thiện tri thức xa gần, lời chúc mừng an lạc trong mùa Phật đản, trong ánh bình minh rực rỡ của Giải thoát và Giác ngộ.

Vũ trụ tuần hoàn đang quay lại khoảnh khắc thiêng liêng bất khả tư nghì, khoảnh khắc mà, gót chân đại hùng ghi dấu ấn đầu tiên của đức Bồ tát tối hậu thân lên mặt đất, được vun bồi bởi thiện nghiệp của chúng sinh, mà cũng thường trực bị dày vò bức bách bởi ái dục, tà kiến, thù hận, khoảnh khắc cả đại thiên vũ trụ trong dòng xoáy huyễn mộng chợt biến chợt hiện, gây bởi cuồng phong nghiệp cảm, bỗng ngưng đọng để lắng nghe nhịp đập của trái tim đại bi, vì tiếng kêu khóc của vô vàn chúng sinh trong ngục tối hãi hùng. Trong khoảnh khắc thiêng liêng đó, hết thảy chúng ta, những người con Phật đang hiện diện tại lễ đài Phật đản hôm nay, bấy giờ không biết đang lang thang vô định trong cõi u tối nào, đang lặn chìm trong khổ lụy, bị giam hãm trong ngục tù năm uẩn, bị trùm kín bới vô minh, không hề hay biết một đóa hoa vô ưu đang nở rộ.

Nay, nơi đây, trong không gian khiêm tốn, hạn hẹp, của Tăng viện, bốn chúng đệ tử cùng thành kính lắng đọng tâm tư, chiêm ngưỡng hình tượng cao vời của đấng Chí Tôn trong ba cõi, nghe đồng vọng trong quãng hư không vô biên, khúc nhạc trời hân hoan truyền tín hiệu lan khắp mười phương thế giới: Hạnh phúc thay, chư Phật xuất hiện. Hạnh phúc thay, Chánh pháp giảng truyền. Hạnh phúc thay, Tăng già hòa hiệp. Hạnh phúc thay, hòa hiệp đồng tu.

Vì sao vậy?

Hết thảy mọi loài chúng sinh đều mong cầu an lạc, mong tìm được nơi an ổn chí thiện; nhưng bị lôi cuốn bởi cuồng vọng, tham, sân, bị khống chế bởi quy luật cạnh tranh sinh tồn, nên sinh tâm tật đố, ganh tị, hư cuống, dẫn đến, tranh đoạt, tương tàn. Xã hội càng lúc càng bành trướng với nhiều hình thái dị biệt, mâu thuẫn càng lúc càng gay gắt; áp bức, bất công là hậu quả của tiến bộ xã hội y cứ trên tâm thức tham ái, vị ngã. Sự xuất hiện của chư Phật là ánh sáng đánh thức nhân tâm, tìm nẻo quay về y tựa trên pháp tánh bình đẳng, nhìn thấy và biết ta là ai, đang ở đâu. Chánh pháp giảng thuyết, phô diễn chân lý cứu cánh của vũ trụ nhân sinh, để chúng sinh có thức tánh có thể thấy và biết bản chất của thế giới, đâu là hư vọng, đâu là chân thật, để biết định hướng cho cứu cánh của mình trong dòng thác lũ sống chết xoay vần này. Chúng Tăng hòa hiệp, bốn chúng đệ tử cùng hòa hiệp, cùng giác ngộ, sách tấn lẫn nhau để cùng tu tập, phát triển tâm tư càng lúc càng cao thượng, sáng suốt; và đó là nguồn an lạc chân chính cho từng cá nhân trong toàn xã hội.

Phật dạy, cùng tôn thờ một đấng Đạo Sư, cùng tu hành theo một giáo pháp, cùng hòa hiệp như nước với sữa, thì ở trong Phật pháp mới có sự tăng ích, sống an lạc. Vậy nên, các chúng đệ tử xuất gia của Phật sống y chỉ trên sáu pháp hòa kỉnh, khả hỷ khả niệm; các chúng tại gia sống y chỉ trên pháp bốn nhiếp sự, tương thân tương ái, và tương trợ. Sống hành đạo, cảm nghiệm sâu xa pháp tánh hòa hiệp ấy, để dần dần chứng nghiệm pháp tịch tĩnh Niết-bàn.

Bánh xe vương quyền biểu tượng uy lực thống nhất nhân tâm và thống trị trên cả bốn châu thiên hạ; bánh xe chánh pháp ghi dấu ấn chân thực của mọi hiện tượng, sinh thành và hủy diệt của thế gian, trên tâm thức chúng sinh. Uy lực vương quyền, và uy lực chánh pháp, cùng lúc hiển hiện trong lòng bàn chân của Bồ tát Sơ sinh. Nhưng bánh xe chánh pháp là uy lực tối thượng hướng dẫn chư thiên và nhân loại đi đến nơi an ổn, an lạc chân thường. Bước chân ghi dấu biểu tượng uy lực chánh pháp vừa chạm đến mặt đất ô trược, thế giới ô trược liền chuyển mình, hiển hiện thành những đóa sen thơm ngát. Khoảnh khắc ấy chỉ là một thoáng sát na, mà tâm thức chúng sinh bị trùm kín trong màn vô minh tà kiến không thể nhìn thấy; nhưng khoảnh khắc ấy, trong con mắt của bậc đại trí, ngưng đọng thành thời gian vĩnh cửu.

Kể từ khoảnh khắc ấy, trong một thoáng sát na ấy, thế giới lại chuyển mình lăn theo quy trình thành hoại, đại thiên vũ trụ vẫn tiếp nối hình thành và tan rã trong các chu kỳ thành, trụ, hoại, không; xã hội loài người có khi tiến đến thời kỳ xung đột hung tàn, vì dị biệt dân tộc, dị biệt tín ngưỡng; cũng có khi đạt đến một nền văn minh dung hợp và nhân ái, khiến cho tâm lượng con người được mở rộng dần.

Cho đến những năm đầu của thế kỷ 21, khúc quanh sau hai nghìn năm văn minh y trên bạo lực hoành hành, khống chế và áp bức trên cả bốn châu đại lục, và khi mà xung đột tôn giáo, dân tộc càng khốc liệt, bạo tàn; một phần nhân loại đã nhận ra thông điệp khoan dung, từ ái của đức Thích Tôn, để Liên Hiệp Quốc quyết định ngày Phật đản trở thành ngày lễ quốc tế, như là biểu tượng cho ước mơ muôn thủa con người về một thế giới thanh bình, không hận thù, không áp bức.

Trong quá khứ, từ quê hương đản sinh của đức Thích Tôn, cho đến tận cùng hải đảo xa xôi về phía đông, Phật pháp cũng trải qua nhiều đợt thăng trầm bởi áp lực biến thiên của xã hội, bởi tham vọng, và thù nghịch của tâm người; nhiều phương vực mà một thời Phật pháp thịnh hành nay đã bị xóa sạch dấu vết. Thanh gươm truyền giáo đã chém giết không tiếc thương; kinh điển bị thiêu hủy, Phật tháp, tăng viện, bị phá sập. Dù vậy, những người tu Phật vẫn kham nhẫn chịu đựng, cho đến nhiều thế kỷ sau, vẫn không hề biết đến ý tưởng hận thù, không hề móng tâm đòi lại những gì đã bị cướp mất.

Rồi theo trình độ phát triển của tri thức con người, xóa dần những hình thái mê tín dị đoan, vốn dẫn đến cuồng tín và biến thành thảm sát; xây dựng những giá trị nhân bản và phổ quát trong các cộng đồng nhân loại; đấy là lúc thông điệp từ bi, bình đẳng, giác ngộ của đức Thích Tôn được toàn thể nhân loại lắng nghe và chiêm nghiệm.

Đạo Phật Việt nam cũng không ngoài quy luật phát triển đó. Ngay từ thời dựng nước, Quốc sư Vạn Hạnh đã nói lên tinh thần tịch tĩnh trước mọi thế sự đảo điên, rằng “Xá chi suy thịnh sự đời, thịnh suy như hạt sương rơi đầu cành.”

Đấy là lời cảnh tỉnh chứa đựng trong thẳm sâu triết lý sống của Phật tử Việt nam. Không vì bị áp bức mà bành trướng thù hận để phải quyết tâm tiêu diệt những kẻ áp bức. Nhẫn nhục, và từ hòa để chiến thắng chính mình và giác ngộ những kẻ hung ác cuồng vọng nhìn rõ chân lý của lẽ sống và lẽ chết, để sống cho xứng đáng với phẩm giá con người, thức tỉnh trách nhiệm về những hành vi hung ác, mà ta đã gieo rắc đau khổ cho người.

Hôm nay, trước lễ đài Phật đản trang nghiêm, trong tinh thần hòa hiệp, bốn chúng đệ tử cùng nhất tâm chí thành tưởng niệm ân đức đại từ của Bồ tát, vì thương tưởng chúng sinh đắm chìm biển khổ, nên đã trải qua vô số a-tăng-kỳ kiếp hóa sinh trong khắp các nẻo luân hồi, hóa thân như cát bụi, khơi tỏ nguồn tâm trí tuệ như mặt trời xóa tan bóng tối tà kiến đảo điên. Do ân đức ấy, hàng Phật tử hôm nay may mắn còn chút thiện duyên để được thấm nhuần mưa pháp, tăng trưởng thiện căn, nuôi lớn hạt giống bồ đề.

Nguyện cầu phước quả này lan đến vô lượng chúng sinh, để trong nhiều đời nhiều kiếp cùng kết thiện duyên, cùng làm thiện tri thức, cùng tu tập vô lượng ba-la-mật, để cho thế giới Ta-bà ô trược này chuyển thành cõi Phật thanh tịnh trang nghiêm.

Nam mô Hoan hỷ địa Bồ tát.

Saturday, May 15, 2021

Thích Tuệ Sỹ: Thông bạch thỉnh cử Hội đồng Hoằng pháp – Viện Tăng Thống

 TueSy 12

GIÁO HỘI PHẬT GIÁO VIỆT NAM THỐNG NHẤT
VIỆN TĂNG THỐNG
Văn Phòng Viện Tăng Thống
Phật lịch: 2564
Số: 10/VTT/VP

Thông bạch 

 

Kính gởi:

Chư Tôn Trưởng lão Hội đồng Giáo phẩm Trung Ương GHPGVNTN tại các Châu lục;
Chư Hòa Thượng, Thượng Tọa, Đại Đức Tăng-già nhị bộ;
cùng bốn chúng đệ tử, xuất gia và tại gia.

Nhận xét rằng,

Chúng ta đang đứng trước một khúc quanh gấp của lịch sử nhân loại. Đại dịch Covid-19 đã khép kín mỗi cá nhân trong một không gian chật hẹp, cách ly xã hội, cô lập cá nhân, cách ly cả những người thân yêu. Nó đã tạo ra những khủng hoảng tâm lý trầm trọng trong nhiều thành phần xã hội. Một số đông bị quẫn bức, không thể tự kềm chế, bỗng chốc trở thành con người bạo lực, gieo kinh hoàng cho xã hội. Một số khác, có lẽ là số ít, mà phần lớn trong đó là thanh thiếu niên, khởi đầu cũng chất đầy oán hận trong lòng, nhưng rồi trước ngưỡng sinh tử sự đại, tự mình phấn đấu tự kềm chế, cuối cùng đã khám phá chính mình, trong trình độ nào đó, với những giá trị nhân sinh chỉ có thể tìm thấy trong những cơn tư duy thầm lặng. Giá trị nhân sinh không thể tìm thấy bằng những cao trào kích động của tuổi trẻ. Thế hệ ấy sẽ làm thay đổi hướng đi của lịch sử Đông Tây qua hai nghìn năm kỷ nguyên văn minh Cơ-đốc, khi mà tín đồ có thể liên hệ trực tiếp với đấng Chí Tôn của mình qua mạng truyền thông, không cần qua trung gian các giáo sĩ, trong các Thánh lễ phụng tự. Khi mà trẻ nhỏ, lên năm lên bảy, có thể biết rõ trên sao Hỏa có gì, lên tám lên mười, có thể biết rõ tuổi nào được tính là thế hệ X, thế hệ Y, thế hệ Z, và cá tính của các thế hệ này là gì, và tuổi nào sẽ là thế hệ Alpha. Các nhà kinh tế học, các chủ doanh nghiệp sản xuất, đang nghiên cứu sản phẩm nào thích hợp cho thế hệ này, thế hệ kia, hiện tại và tương lai.

Trong một bối cảnh xã hội có thể diễn ra, tám muôn bốn nghìn pháp uẩn mà Đức Thế Tôn đã truyền dạy cần được diễn giải như thế nào, bằng các phương tiện và kỹ thuật hiện đại như thế nào, để các thế hệ tương lai có thể tiếp thu và hành trì một cách có hiệu quả, vì lợi ích và an lạc của các cộng đồng dân tộc, trong một thế giới hòa bình, bao dung và nhân ái.

Với sứ mạng hoằng dương Chánh pháp, Chư tôn Trưởng lão lãnh đạo GHPGVNTN tại các châu lục, ngày 20/4/2021, cùng hội họp qua mạng trực tuyến viễn liên, với sự tán trợ của Viện Tăng Thống theo di chúc của Đức Đệ Ngũ Tăng Thống, đồng thanh quyết định thiết lập Hội đồng Hoằng pháp GHPGVNTN, y cứ trên hai nguyên tắc khế lý và khế cơ.

  1. Về khế lý: Thành lập Ban phiên dịch & trước tác, tiếp nối sự nghiệp phiên dịch Thánh điển của Hội đồng Phiên dịch Tam tạng dưới sự chỉ đạo của Viện Tăng Thống GHPGVNTN, được tổ chức qua hội thảo của Chư tôn Trưởng lão tại Viện Đại học Vạn Hạnh, ngày 20 – 22/10/1973 (tham khảo tài liệu đính kèm). Do hoàn cảnh chiến tranh và những chướng ngại bởi ngoại duyên, Phật sự trọng đại này bị gián đoạn. Trong tình trạng hiện tại, Việt Nam chưa có một bộ Tam tạng Việt ngữ chuẩn mực, làm sở y cho bốn chúng đệ tử tu học, đồng thời giúp các học giả, các nhà nghiên cứu trong các lĩnh vực khoa học, văn hóa, giáo dục, kinh tế, xã hội, v.v…, bằng ngôn ngữ, văn cú chuẩn mực hàn lâm qua bản dịch Việt ngữ, có thể tìm thấy những tinh hoa giáo nghĩa, gợi cảm hứng cho công trình nghiên cứu của mình, từ đó có thể để khởi những giá trị nhân sinh và đề xuất những giải pháp khả thi cho trật tự và tiến bộ của dân tộc, và đóng góp cho sự thăng tiến xã hội trong các cộng đồng dân tộc trong một thế giới hòa bình, an lạc.
  2. Về khế cơ: Thành lập a. Ban Truyền bá giáo lý (Giảng sư và Giáo thọ) b. Ban Báo chí & Xuất bảnc. Ban Bảo trợ. Các ban này, cùng với sự đóng góp của các Cư sĩ, có phận sự nghiên cứu tập quán và xu hướng tư duy của các thành phần xã hội thay đổi do ảnh hưởng bởi các biện pháp chống dịch, đồng thời đề xuất các phương tiện truyền thông, các kỹ thuật hiện đại thích hợp để quảng diễn, phổ biến sâu rộng tinh hoa giáo nghĩa trong các cộng đồng dân tộc đa dạng về truyền thống văn hóa, tín ngưỡng tôn giáo, bản sắc dân tộc; dễ tiếp thu, và dễ hành trì, vì lợi ích và an lạc của mỗi cá nhân, vì thăng tiến của các cộng đồng xã hội.

Ngày 03/05/2021, HT Thích Như Điển, phụng hành ý chỉ của Chư tôn Trưởng lão qua cuộc họp viễn liên đã dẫn trên, gởi văn thư đến Chư Hòa Thượng, Thượng Tọa, Đại Đức Tăng Ni, và chư Đạo Hữu, Thiện hữu tri thức, mời họp để thảo luận các vấn đề kiện toàn cơ cấu tổ chức, định hướng sinh hoạt.

Ngày 08/05/2021 lúc 08:50PM, tính theo giờ California, Mỹ, gồm Chư Tôn đức Tăng Ni và các cư sĩ tại các châu lục: Canada, Hoa Kỳ, châu Âu, châu Úc-Tân-Tây-lan, một số vị vắng mặt vì bệnh duyên, và các duyên sự khác, đồng tham dự phiên họp đặc biệt trực tuyến để thảo luận các vấn đề như đã được đề xuất trong thư mời. (Biên bản đính kèm).

Buổi họp kết thúc lúc 11:26PM ngày 08/05/2021 giờ California, Hoa Kỳ nhằm 8:26 AM ngày 9 tháng 5 năm 2021 giờ Âu Châu. Hội nghị đã đồng thanh thỉnh cử:

I. Hội Đồng Chứng Minh Tăng-già Hoằng Pháp: Hoa Kỳ: Trưởng lão HT Thích Thắng Hoan, HT Thích Tín Nghĩa, HT Thích Nguyên Trí. 2. Châu Âu: HT Thích Tánh Thiệt. 3. Châu Úc Tân-Tây-lan: Trưởng lão HT Thích Huyền Tôn, HT Thích Bảo Lạc. Việt Nam: HT Thích Tuệ Sỹ.

II. Hội Đồng Hoằng Pháp: Cố vấn Chỉ Đạo HT Thích Tuệ Sỹ; Chánh Thư ký HT Thích Như Điển, Phó Thư ký HT Thích Nguyên Siêu.

Các Ban:

  1. Ban Phiên dịch & Trước tác: Trưởng ban HT Thích Tuệ Sỹ, Phó ban HT Thích Thiện Quang (Canada); Phụ tá: TT Như Tú (Thụy Sĩ), ĐĐ Hạnh Giới (Đức), Sư Bà Thích Nữ Giới Châu (Hoa kỳ), NS Thích Nữ Diệu Trạm (Pháp), Sư Cô Thích Nữ Giác Anh (Úc châu).
  2. Ban Truyền bá Giáo lý: Cố vấn: Trưởng lão HT Thích Thắng Hoan. Phó ban: HT Thích Thái Siêu (Hoa Kỳ). Phụ tá: TT Thích Tuệ Uyển (Hoa Kỳ). Thư ký TT Hạnh Tấn (Đức).
  3. Ban Báo chí & Xuất bản: Trưởng ban: TT Thích Nguyên Tạng (Úc châu). Phó ban: TT Thích Hạnh Tuệ (Hoa Kỳ), Cư sĩ Tâm Quang (Hoa Kỳ). Thư ký: Cư sĩ Tâm Thường Định (Hoa Kỳ).
  4. Ban Bảo trợ: Trưởng ban: TT Thích Tâm Hòa (Canada). Phó ban Úc châu: TT Thích Tâm Phương; Phó ban Âu châu: TT Thích Quảng Đạo (Pháp); Ni Trưởng Thích Nữ Diệu Phước (Đức); Phó ban châu Mỹ: Ni Sư Thích Nữ Nguyên Thiện (Hoa Kỳ), Ni Sư Thích Nữ Đức Nghiêm (Canada)

Phật sự trọng đại này không thể đảm trách chỉ bởi một cá nhân, hay một hội đoàn riêng lẻ, mà phải là sự nghiệp chung của bốn chúng đệ tử. Vì lợi ích an lạc và cứu cánh giải thoát của mỗi cá nhân, tự mình học hỏi, thông hiểu giáo lý, tự mình tu luyện bản thân, và đồng thời trao truyền những ích lợi thiết thực mà bản thân đã thể nghiệm qua quá trình tu học, vì lợi ích và an lạc của nhiều người, của các cộng đồng dân tộc và xã hội.

Do vậy,

Từ Văn phòng Viện Tăng Thống, tuy chỉ tồn tại trên danh nghĩa, trong phận sự bảo trì ấn tín của Viện Tăng Thống, kế thừa tâm nguyện của Đức Đệ Ngũ Tăng Thống qua phú chúc di ngôn của Ngài trước ngày thị tịch; chúng tôi trên nương tựa uy đức Tăng già và đạo lực gia trì của Chư tôn Trưởng lão, kính gởi đến Chư tôn Hòa Thượng, Chư Thượng tọa, Đại đức Tăng-già nhị bộ, cùng tất cả bốn chúng đệ tử, tâm nguyện Bồ-đề được thể hiện qua các kỳ họp đã nêu, ước mong tất cả bằng Bồ-đề nguyện và Bồ-đề hành, bằng đức lực, trí lực, và tài lực, với hằng tâm và hằng sản, đồng tâm nhất trí góp phần công đức vào sự nghiệp hoằng pháp lợi sanh mà Chư Thánh Đệ tử, Lịch đại Tổ sư, bằng hùng lực và trí tuệ, bằng từ bi và nhẫn nhục, khoan dung, trải qua vô vàn gian nan chướng duyên trở ngại, đã mang ngọn đèn chánh pháp đến những nơi tăm tối, cho những ai có mắt để thấy, dựng dậy những gì đã sụp đổ, dựng đứng những gì đang nghiêng ngả.

Ngưỡng vọng Chư tôn Trưởng lão, Chư Hòa Thượng, Thượng tọa, Đại đức Tăng-già nhị bộ, cùng tất cả bốn chúng đệ tử, chứng tri và liễu tri.

Nam-mô Công Đức Lâm Bồ-tát.

Phật lịch 2564, năm Tân Sửu;
Ngày 10 tháng 05 năm 2021
Bỉnh Pháp Tỳ-kheo Thích Tuệ Sỹ


Tuesday, May 11, 2021

Lời Thơ: KHÚC THUỴ DU Du Tử Lê



Lời Thơ: KHÚC THUỴ DU 

Du Tử Lê

1.

như con chim bói cá
trên cọc nhọn trăm năm
tôi tìm đời đánh mất
trong vụng nước cuộc đời

như con chim bói cá
tôi thường ngừng cánh bay
ngước nhìn lên huyệt lộ
bầy quạ rỉa xác người
(của tươi đời nhượng lại)
bữa ăn nào ngon hơn
làm sao tôi nói được

như con chim bói cá
tôi lặn sâu trong bùn
hoài công tìm ý nghĩa
cho cảnh tình hôm nay

trên xác người chưa rữa
trên thịt người chưa tan
trên cánh tay chó gặm
trên chiếc đầu lợn tha
tôi sống như người mù
tôi sống như người điên
tôi làm chim bói cá
lặn tìm vuông đời mình

trên mặt đất nhiên lặng
không tăm nào sủi lên

đời sống như thân nấm
mỗi ngày một lùn đi
tâm hồn ta cọc lại
ai làm người như tôi?

2.
mịn màng như nỗi chết
hoang đường như tuổi thơ
chưa một lần hé nở
trên ngọn cờ không bay
đôi mắt nàng không khép
bàn tay nàng không thưa
lọn tóc nàng đêm tối
khư khư ôm tình dài

ngực tôi đầy nắng lửa
hãy nói về cuộc đời
tôi còn gì để sống
hãy nói về cuộc đời
khi tôi không còn nữa
sẽ mang được những gì
về bên kia thế giới
thuỵ ơi và thuỵ ơi

tôi làm ma không đầu
tôi làm ma không bụng
tôi chỉ còn đôi chân
hay chỉ còn đôi tay
sờ soạng tìm thi thể
quờ quạng tìm trái tim
lẫn tan cùng vỏ đạn
dính văng cùng mảnh bom
thuỵ ơi và thuỵ ơi
đừng bao giờ em hỏi
vì sao mình yêu nhau
vì sao môi anh nóng
vì sao tay anh lạnh
vì sao thân anh rung
vì sao chân không vững
vì sao anh van em
hãy cho anh được thở
bằng ngực em rũ buồn
hãy cho anh được ôm
em, ngang bằng sự chết

tình yêu như ngọn dao
anh đâm mình, lút cán
thuỵ ơi và thuỵ ơi

không còn gì có nghĩa
ngoài tình anh tình em
đã ướt đầm thân thể

anh ru anh ngủ mùi
đợi một giờ linh hiển

(03-68)

Monday, May 10, 2021

Thích Như Điển: Điểm sách: Tác phẩm “Thong dong khắp mọi nẻo đường” của Tâm Thường Định

Điểm sách: Tác phẩm: “Thong Dong Khắp Mọi Nẻo Đường” Của Tác giả Tâm Thường Định Bạch Xuân Phẻ

 Thích Như Điển

Tâm Thường Ðịnh Bạch Xuân Phẻ thăm Ôn Tuệ Sỹ & Thầy Hạnh Viên ở Thị Ngạn Am, 2017

Đọc xong tác phẩm nầy trong một tuần lễ với 362 trang khổ A5, do Ananda Viet Foundation xuất bản năm 2017, Bodhi Media tái xuất bản tại Hoa Kỳ trong năm 2020 và tôi bắt đầu viết về Tác phẩm và Tác giả để gửi đến quý độc giả khắp nơi, nếu ai chưa có duyên đọc đến. Nhận xét chung của tôi là quá hay, quá tuyệt vời ở nhiều phương diện. Phần giới thiệu của Đạo hữu Nguyên Giác gần như là điểm sách về nhiều bài và nhiều chương quan trọng trong sách rồi, nên tôi không lặp lại nữa. Phần lời bạt của Đạo hữu Trần Kiêm Đoàn cũng đã viết rất rõ về sự hình thành của Gia Đình Phật Tử Việt Nam ở trong nước, từ khi thành lập cho đến năm 1975 và Ông Đoàn cũng đã tán dương tuổi trẻ Việt Nam cũng như tinh thần học Phật, tu Phật và vận dụng Phật Pháp đi vào đời của người thanh niên trẻ trí thức Phật Tử Tâm Thường Định, ở nhiều lãnh vực, đặc biệt là lãnh vực đem Đạo vào Đời ở trường học Hoa Kỳ. Với chừng ấy việc mà hai học giả Phật tử nầy đã giới thiệu qua, thiết tưởng tôi không cần phải lặp lại nữa, tôi sẽ điểm qua tác phẩm cũng như Tác giả dưới một khía cạnh khác của một người xuất gia.


Tác phẩm chia ra 4 chương rất riêng biệt rõ ràng. Đó là: Giáo Dục - Quê Hương - Đạo Pháp - Văn Học Nghệ Thuật. Nhìn cách dàn dựng tác phẩm của Tác giả, chúng ta thấy được Tâm Thường Định muốn đặt nặng vấn đề nào trước vấn đề nào sau rồi. Thật vậy, trong 362 trang nầy, phần viết về Giáo Dục chiếm hết 143 trang, phần Quê Hương 73 trang, phần Đạo Pháp chiếm 59 trang và phần cuối cùng viết về Văn Học Nghệ Thuật chiếm 81 trang. Như vậy nếu đi lần lượt từ nhiều đến ít thì phần Giáo Dục chiếm ưu thế, kế đến là Văn Học Nghệ Thuật, thứ ba là Quê Hương và cuối cùng là Đạo Pháp. Nếu nói về lượng là như vậy, nhưng chúng ta nên hướng về phẩm như Tác Giả đã phân chia để giới thiệu thì hay hơn.


Nếu xem phần tiểu sử của Tác giả, thì ta biết rằng Anh sinh ra đời tại Nhơn Lý, Bình Định, trong một Gia Đình nông dân hay ngư dân thì đúng hơn vào năm 1976, năm ấy cũng là năm tôi sắp ra trường ở bậc Đại Học tại Nhật Bản. Mười lăm năm sau (1991) Anh sang Hoa Kỳ định cư theo diện đoàn tụ gia đình, ở tuổi 15 đã xa quê, nghĩa là học chưa xong bậc Trung học. Khi đến Mỹ, chắc rằng Tâm Thường Định phải khó khăn lắm với ngôn ngữ Anh Văn để tiếp tục vào học Trung Học của Hoa Kỳ. Thế mà sau 23 năm (1991-2014) Anh đã học xong các trường Trung học, Đại học, Cao học và Tiến sĩ về Giáo Dục Học, thì phải nói Anh là một người con dân Bình Định có nghị lực quá phi thường. Xin tán thán Tâm Thường Định về phương diện nầy. Bởi lẽ nhiều Cha Mẹ Việt Nam lo cho con cái của mình là không biết rành tiếng Việt, hay nói tiếng Việt không bỏ dấu v.v… thì khi đọc sách nầy quý vị sẽ thấy rằng khả năng tự học và trau dồi Việt ngữ của Tâm Phường Định phải nói là phi thường. Trong phần viết về Quê Hương, Anh đã điểm qua thân thế của Ba và Mẹ Anh cũng bình thường như bao nhiêu người nông dân Việt Nam khác, nhưng Anh được thành công như vậy là chính nhờ sự cố gắng vượt bực của Anh và đặc biệt là môi trường giáo dục tốt của Hoa Kỳ cũng như của hai ngôi chùa: Kim Quang tại Sacramento, nơi cố Hòa Thượng Thích Thiện Trì Trụ Trì; và ngôi chùa Quang Nghiêm ở Stockton, nơi Hòa Thượng Thích Minh Đạt đang làm Viện Chủ. Cả hai nơi nầy có hai Gia Đình Phật Tử và chính ở môi trường nầy, Anh đã thành danh chi mỹ.


Chắc quý vị trong chúng ta nhiều người cũng đã nghe nói đến Phó Thủ Tướng Đức, Ông Dr. Philipp Rösler sinh năm 1973 tại Ba Xuyên và là một cô nhi trong Cô Nhi Viện ở Sóc Trăng. Thế mà qua hoàn cảnh giáo dục của nước Đức, Ông ta đã được cha mẹ nuôi cho ăn học thành Bác sĩ Y Khoa và trở thành một chính trị gia của Đảng FDP có tiếng một thời tại xứ Đức nầy. Chỉ có một điều là Ông xa quê còn quá nhỏ, không nhớ và nói được tiếng Việt, nhưng xuất xứ vẫn là một người Việt Nam. Như vậy môi trường Giáo Dục rất là quan trọng, cộng thêm với khả năng và ý chí của một con người, chúng ta sẽ làm nên tất cả, nếu chúng ta muốn. Nhiều khi cha mẹ lo lắng cho con cái quá nhiều, nhưng nếu nó không biết tự lo cho thân nó thì kết quả cũng không đi đến đâu cả. Tục ngữ Đức nói rằng: “Trái táo rụng cách xa gốc cây táo không bao xa”; hay Việt Nam chúng ta cũng có những câu tục ngữ như: “Lá rụng về cội”, “Cóc chết 3 năm cũng sẽ quay đầu về núi” là thế. Điển hình là ở phần Quê Hương, Tâm Thường Định cũng như Phó Thủ Tướng Đức đã cho vợ con mình trở lại quê hương, nơi chôn nhau cắt rốn của mình để thăm mồ mả của Ông bà, Tổ tiên. Điều nầy đối với những bậc cha mẹ còn tại thế hay những người thân thuộc đã ra đi về với Phật với Chúa cũng rất hài lòng. Vì lẽ: “Cây có cội và nước có nguồn” là vậy.


Tâm Thường Định ảnh hưởng Như Lai Thiền của Thiền Sư Nhất Hạnh, Thiền Sư căn cứ vào An Ban Thủ Ý Kinh về Chánh Niệm của hơi thở để dạy cho người Tây Phương rất thành công. Ngoài ra Tác giả cũng ảnh hưởng Tổ Sư Thiền của Thiền Sư Thích Thanh Từ không ít. Đặc biệt là Thiền của Điều Ngự Giác Hoàng Trần Nhân Tông ở thế kỷ thứ 13 của Việt Nam mình, không phải là Thiền khán thoại đầu hay Thiền công án như của Tào Động và Lâm Tế Tông của Trung Hoa hay Nhật Bản, mà chỉ thuần túy là Thiền Nam Tông và Bắc Tông đặc biệt của Việt Nam. Qua sự truyền dạy của hai vị Thiền Sư trên cũng như Đệ tử của hai Ngài, từ đó Tâm Thường Định qua phương pháp giáo dục của mình, đã mang Thiền học vào học đường, vào nhà tù của Hoa Kỳ để hướng dẫn thực tập. Và kết quả qua các bài thuyết trình hay viết về giáo dục, Tác giả đã thành công không nhỏ ở phương diện nầy.


Ngày chúng tôi mới vào nhập học năm thứ nhất, phân khoa Giáo Dục Đại Học Teikyo Nhật Bản vào năm 1973, có một vị Giáo thọ hỏi các tân sinh viên rằng: “Các Anh chọn ngành Giáo Dục để học. Vậy Giáo Dục là gì vậy?” cả lớp sinh viên người Nhật và chúng tôi đều nhìn nhau và Thầy tiếp: “Giáo là dạy, dục là mong muốn, dưỡng nuôi để trưởng thành”, “Ồ!” Cả lớp đều la lớn lên như vậy. Điều ấy hẳn đúng, cũng giống như các vị Giảng sư hay Thầy giáo đi giảng Pháp và dạy học, có nghĩa là giảng hay dạy cái gì người học cần hiểu, chứ không phải giảng hay dạy cái điều của mình hiểu. Bởi lẽ mình hiểu khác và người nghe hiểu khác. Mà điều căn bản của Giáo Dục là làm sao cho người nghe hiểu được điều mình nói và đem áp dụng vào cuộc sống. Ấy mới là điều quan trọng và Tâm Thường Định đã thành công ở phương diện Giáo Dục học đường nầy.


Với Quê hương, Mẹ già, đường xưa lối cũ v.v… Tác giả cũng đã chia sẻ cho độc giả nhiều câu chuyện rất hay, nhất là tình Mẹ. Ở trên thế gian nầy có rất nhiều loại tình, nhưng không có tình nào bằng tình Mẹ cả. Sâu hơn đại dương và cao hơn núi Thái. Trong nhiều tiểu luận Tác giả cũng đã viết về người Cha thân yêu của mình; nhưng không ý vị bằng tình Mẹ như Anh đã mô tả. Lâu nay văn sĩ nào viết về Mẹ cũng hay và tôi chưa thấy người nào viết về Cha thành công như viết về Mẹ.


Về Đạo Pháp thì Anh viết về Cố Hòa Thượng Thích Thiện Trì, Hòa Thượng Thích Minh Đạt, Hòa Thượng Thích Tịnh Từ, Cố Hòa Thượng Thích Hạnh Tuấn và đặc biệt là tư tưởng Thiền của Vua Trần Nhân Tông. Rất tiếc là phần nầy Anh viết rất ít so với những phần khác. Tuy nhiên Anh viết với tâm cảm của một người Phật tử thuần thành đối với Đạo. Bởi vì: “Ân giáo dưỡng một đời nên huệ mạng. Nghĩa ân sư muôn kiếp khó đáp đền” là vậy. Do Gia Đình Phật Tử và nhờ môi trường của Gia Đình Phật Tử mà Tác giả mới có được ngày hôm nay. Do vậy chúng ta không có gì bi quan hết, mà hãy lạc quan như người Phật Tử Nhật Bản đã nêu lên bốn điều quan trọng của Phật Giáo Việt Nam, mà Hòa Thượng Thích Thái Hòa đã lặp lại là: “Việt Nam có một vị vua sau khi chiến thắng lẫy lừng hai lần quân Nguyên Mông sang xâm chiếm vào năm 1285 và 1288, sau đó nhà vua lại xuất gia tầm đạo, trở nên Điều ngự Giác Hoàng; thứ hai là quả tim bất diệt của Hòa Thượng Thích Quảng Đức vào năm 1963; thứ ba là không có nước Phật Giáo nào trên thế giới có một Giáo Hội Phật Giáo Thống Nhất cả hai truyền thống Nam Tông và Bắc Tông như Việt Nam; và điều thứ tư rất quan trọng là chỉ Việt Nam mới có tổ chức Gia Đình Phật Tử.  Chỉ điểm qua 4 điểm nầy thôi, chúng ta cũng đủ hãnh diện là một người Phật Tử Việt Nam rồi.


Phần cuối Tác giả viết về Văn Học Nghệ Thuật. Ở đây Tác giả đã trích và bình nhiều thơ văn của Ngài Tuệ Sỹ, nhạc và đạo ca của Phạm Thiên Thư, nhạc Trịnh Công Sơn, Từ Đàm Quê Hương Tôi của Văn Giảng v.v… rồi tham dự những đêm giao hưởng của nhạc và thơ … Nói chung thì Tác giả rất giỏi về nghệ thuật viết văn, làm thơ, bình thơ, thưởng thức âm nhạc, hội họa v.v… Riêng tôi thì mù tịt về việc nầy. Trong đầu tôi chứa đến mấy trăm bài thơ, nhưng cho đến bây giờ trên 70 tuổi và gần 50 năm sống ở ngoại quốc rồi, tôi chưa làm được một bài thơ nào ra hồn, mặc dầu tôi rất thích đọc và học thơ như: Kiều, Chinh Phụ Ngâm, Cung oán ngâm khúc, thơ Bà Huyện Thanh Quan, Nguyễn Công Trứ, Tản Đà Nguyễn Khắc Hiếu, Trần Tế Xương v.v…; nếu có, thì sau nầy khi viết sách tôi dựa theo lối dịch cổ văn ra Việt ngữ, và từ đó làm thơ lục bát hay song thất lục bát nhưng không được hay lắm. Quý vị có thể tìm đọc trong tác phẩm thứ 67 của tôi: “Vua Là Phật, Phật Là Vua” hay tác phẩm thứ 68 nhan đề là “Tư Tưởng Phật Giáo Qua Thi Ca Của Nguyễn Du” thì sẽ rõ những điểm yếu của tôi. Ở đây Tác giả quyển “Thong Dong Khắp Mọi Nẻo Đường” thì khác, làm thơ tiếng Việt rất có hồn mà dịch ra tiếng Anh lại còn ăn khớp với nội dung nữa. Nhiều khi Anh dùng tục ngữ ca dao cũng nhiều và có lần tôi điện thoại để hỏi Tác giả: “Câu nầy không biết là do Anh viết hay tục ngữ của nước nào vậy?” Anh trả lời đó là tục ngữ của Phi Châu. Câu ấy như thế nầy: “Nếu bạn muốn đi nhanh thì hãy đi một mình và nếu bạn muốn đi xa thì hãy cùng đi chung”. Quả là tuyệt vời! Việc nầy tôi có thể ứng dụng vào việc Đạo cũng rất hay. Bởi lẽ theo tôi nghĩ rằng: Việc chung của Giáo Hội nó nặng như tảng đá ngàn cân, nếu một mình mình thì chắc rằng sẽ không nhích nổi tảng đá kia; nhưng nếu muốn di chuyển đi xa hơn vị trí cũ thì phải cần nhiều nhân lực mới kham nổi. “Đông tay vỗ nên kêu” là vậy.


Tôi thấy Anh say sưa nơi thơ của Ngài Tuệ Sỹ, chìm sâu vào nhạc của Phạm Duy và Đạo Ca của Phạm Thiên Thư. Nghe người khác hát còn biết được bài hát kia ở giai điệu nào v.v… tất cả những việc nầy tôi xin chịu thua. Bởi lẽ không rành về những lãnh vực nầy thì không nên múa rìu qua mắt thợ. Tôi chỉ tự hỏi rằng với tuổi đời của Tác giả chưa đến 50 mà có nhiều tài như vậy, thì chúng ta cũng đáng hãnh diện là người Việt Nam da vàng đã không hỗ danh khi đem chuông đi đánh xứ người. Bởi lẽ Tác giả đã không vị kỷ chỉ lo cho mình, cho gia đình mình mà còn lo cho tổ chức Gia Đình Phật Tử, chia sẻ những khó khăn trong cuộc sống với những tù nhân trong các trại tù và hướng họ về Chánh Niệm, giúp đỡ cho nhiều quỹ từ thiện khác nhau v.v…


Để kết luận bài điểm sách và điểm về Tác giả của quyển sách nầy, tôi xin dùng câu tục ngữ của người Nga để giới thiệu đến quý vị như sau: “Hạnh Phúc là những gì người ta đang có chứ không phải là những gì người ta đi tìm”. Vậy quý vị, nếu ai đó muốn có hạnh phúc thì cũng nên đọc sách nầy để tâm mình được an và thân được như ý.


Kính chúc tất cả Quý độc Giả có được một mùa Xuân như ý.


Viết xong lời điểm sách nầy vào lúc 16:00 ngày 8 tháng 5 năm 2021 tại thư phòng của Tổ Đình Viên Giác, Hannover, Đức Quốc.


Source: TVPV