Sunday, January 14, 2018

TẤT CẢ CHÚNG TA ĐỀU LÀ ĐỨA CON CỦA HUYỄN HÓA? - Thích Phước An

Cõi Không - ảnh lấy từ Đồi Trại Thuỷ's fb. 

TẤT CẢ CHÚNG TA 
ĐỀU LÀ ĐỨA CON CỦA HUYỄN HÓA?


Trong tác phẩm Tạng Thư sống chết của Thiền sư Tây Tạng có tên là Sogyal Rinpoche tác phẩm này được cố ni trưởng Trí Hải chuyển ngữ. Tác phẩm mà mỗi lần đọc tôi đều được nhắc nhở rằng, tôi phải nhìn vào bên trong (nội quán) thay vì cứ nhìn ra ngoài như Thiền Sư Sogyal Rinpoche đã cảnh giác: "Chúng ta đã quá ghiền nhìn ra ngoài đến nỗi ta hầu như hoàn toàn mất liên lạc với bản thể sâu xa của chính chúng ta."


Mở đầu tác phẩm, tác giả nhớ lại cái chết của những người thân thiết, lúc tác giả khoảng chừng 7, 8 tuổi từ cái chết của Samten, một cái chết "không dễ dàng cho lắm" đến cái chết của Lạt Ma Tsenten" chết một cách phi phàm, và Thiền Sư Sogyal Rinpoche cũng còn nhắc đến cái chết trong nghĩa bóng của chính đời mình nữa: "Thế là tôi đã khởi sự giáp mặt với cái chết và những hàm ẩn của nó khi tuổi còn rất nhỏ. Lúc ấy tôi không bao giờ tưởng tượng được rằng, phải trải qua biết bao nhiêu là cái chết dồn dập, hết cái chết này đến cái chết khác. Cái chết mất nước Tây Tạng sau khi bị ngoại xâm chiếm đóng. Cái chết bị lưu đày. Cái chết mất mọi thứ mà gia đình tôi đã sở hữu.


Rồi tác giả còn ghi lại những lời đầy cảm động tại một tu viện ở Nepal, Thiền sư Dilgo Khientse Rinpoche, vị Thiền sư mà theo tác giả, "Tất cả chúng tôi đều ngước lên mà chiêm ngưỡng con người vĩ đại như Núi Tuyết ấy, một bậc học giả, thi sĩ, và hành giả Mật Tông đã trải qua hơn 25 năm trong đời để nhập thất ẩn cư". Ngài dừng lại và đưa mắt nhìn xa xăm, rồi Ngài dạy rằng:

"Ta nay đã già 78 tuổi, đã trông thấy quá nhiều việc trong đời. Bao nhiêu người trẻ tuổi đã chết, bao nhiêu người già đã chết. Nhiều người ở trên cao đã tụt xuống thấp, nhiều người ở dưới thấp đã vượt lên cao, nhiều xứ sở đã biến đổi. Đã có bao nhiêu biến động đau thương. bao nhiêu chiến tranh, tật dịch, bao nhiêu tàn phá trên khắp thế giới. Tuy thế tất cả những biến chuyển kia không thực gì hơn là một giấc mộng chiêm bao. Khi ta nhìn thật sâu xa, ta nhận ra rằng không có một cái gì trường cửu miên viễn, không có một cái gì cả đến một sợi lông măng trên thân thể ta. Và đây không là một lý thuyết, mà điều bạn có thể thực sự chứng nghiệm, thấy biết bằng chính mắt bạn".

Có lẽ nhờ chứng kiến nhiều cái chết từ thỏa ấu thơ, đến những lời giảng dạy của các bậc Thầy về những cái chết ấy, nên thay vì sợ hãi, tác giả Tạng Thư Sống Chết lại thấy rằng sự vô thường chống qua của cuộc đời, tự nó cũng thơ mộng và đẹp đẽ làm sao: "Mỗi khi tôi nghe tiếng Thác đổ hay tiếng sóng vỗ vào bờ, hay tiếng tim tôi đập, tôi lại nghe tiếng của Vô Thường. Những thay đổi ấy, những cái chết nhỏ ấy là những móc nối sống động giữa ta và cái chết. Đó là mạch nhảy của Thần Chết, là nhịp Tim của Thần Chết, nhắc ta buông bỏ mọi sự mà ta đang bám víu.

Bởi vậy, tất cả những nỗ lực của Thiền, theo tác giả cũng không gì hơn là: "Khơi dậy trong bạn cái nhận thức Vạn Pháp đều Hiển Hóa, như mộng, bạn hãy duy trì nhận thấy ấy trong vòng Sinh Tử."
Một bậc Thầy vĩ đại đã từng nói: "Sau khi thực tập Thiền định, người ta phải trở thành đứa con của Huyễn Hóa."

Thích Phước An

Saturday, January 13, 2018

Tản Mạn Về Nước Úc - Nguyễn Minh Nhất

Lời dẫn: Xin giới thiệu bài viết của cháu trai Nguyễn Minh Nhất vừa học ở Úc về. Cháu ở Úc một thời gian ngắn và đây là cái nhìn của một thanh niên Việt Nam. Xin trân trọng giới thiệu.


Tản Mạn Về Nước Úc

Vậy là mình và cả lớp đã hoàn thành khóa chuyển giao chương trình dạy học từ Úc, sẵn sàng về Việt Nam triển khai giảng dạy. Thời gian ở Úc nếu có những việc thích thú thì rất nhiều nhưng đầu tiên chắc chắn là giao thông.


Ngay ngày đầu tiên học viên đã được phát thẻ xe đi lại, thẻ này có thể đi được Bus, Tram, Train, thậm chí cả tàu cao tốc V Line. Chỉ với 1 thẻ này mà mình có thể đi hầu như mọi nơi mình thích. Tất cả các phương tiện đều liên kết với nhau về thời gian, mọi người hầu như không phải đợi lâu khi chuyển xe hay tàu. Đặc biệt bus luôn có hệ thống thủy lực để hạ xuống khi có người già hay đi xe lăn lên xe. Mọi người lên xuống đều chào và cảm ơn, rất lịch sự và còn nhiều điều hay về giao thông nữa như chỉ sử dụng thẻ, tàu xe hầu như luôn đúng giờ, mỗi trạm tàu đều có người hướng dẫn và bảo vệ luôn vui vẻ, nhiệt tình.

Tiếp theo chắc chắn là con người ở đây thân thiện và nhiệt tình. Họ sẵn sàng giúp đỡ khi có thể, nhà mình may mắn được anh hàng xóm cho mượn máy cắt cỏ, có lúc còn qua cắt hộ. Giáo viên thì nhiệt tình hướng dẫn và giúp đỡ người học. Môi trường học tập ở đây thì thực sự theo tiêu chí Phục vụ người học. Người nhân viên thì phục vụ Khách hàng là niềm vui.

Điều thứ 3 có lẽ là về môi trường, không khí rất trong lành và hầu như không có bụi, họ trồng rất nhiều cây xanh, nền đất ở đây là cát trắng nhưng họ bón phân bằng gỗ nhỏ để tạo mùn cho đất. Đặc biệt ở đây hoa rất đẹp và nhiều, hầu như nhà nào cũng trồng hoa ở sân. Các công viên thì rất lớn, sạch và nhiều hoa. 

Và nhiều điều thích thú ở Úc nữa như du lịch, các điểm tham quan hay cách quy hoạch nhà ở, giao thông... Nhưng bên cạnh đó Úc cũng có một số điểm làm mình không thích như nguy cơ khủng bố, chưa bao giờ mình sợ bị đánh bom như ở Úc sau khi đi xem pháo hoa về. Hay tệ nạn xin đểu, ăn cắp vặt, ngoài ra người dân thường ở trong nhà sau khi đi làm về nên ít khi gặp được hàng xóm...

Và nhiều điều nữa. Cuối cùng thì chuyến đi Úc của mình cũng đã kết thúc. Cảm ơn mọi người đã cùng nhau đóng góp vào chuyến đi ý nghĩa và nhiều điều hay này.

Cảm ơn Úc, nếu có duyên thì sẽ gặp lại.
Nguyễn Minh Nhất