TẤT CẢ CHÚNG TA
ĐỀU LÀ ĐỨA CON CỦA HUYỄN HÓA?
Trong tác phẩm Tạng Thư sống chết của Thiền sư Tây Tạng có tên là Sogyal Rinpoche tác phẩm này được cố ni trưởng Trí Hải chuyển ngữ. Tác phẩm mà mỗi lần đọc tôi đều được nhắc nhở rằng, tôi phải nhìn vào bên trong (nội quán) thay vì cứ nhìn ra ngoài như Thiền Sư Sogyal Rinpoche đã cảnh giác: "Chúng ta đã quá ghiền nhìn ra ngoài đến nỗi ta hầu như hoàn toàn mất liên lạc với bản thể sâu xa của chính chúng ta."
Mở đầu tác phẩm, tác giả nhớ lại cái chết của những người thân thiết, lúc tác giả khoảng chừng 7, 8 tuổi từ cái chết của Samten, một cái chết "không dễ dàng cho lắm" đến cái chết của Lạt Ma Tsenten" chết một cách phi phàm, và Thiền Sư Sogyal Rinpoche cũng còn nhắc đến cái chết trong nghĩa bóng của chính đời mình nữa: "Thế là tôi đã khởi sự giáp mặt với cái chết và những hàm ẩn của nó khi tuổi còn rất nhỏ. Lúc ấy tôi không bao giờ tưởng tượng được rằng, phải trải qua biết bao nhiêu là cái chết dồn dập, hết cái chết này đến cái chết khác. Cái chết mất nước Tây Tạng sau khi bị ngoại xâm chiếm đóng. Cái chết bị lưu đày. Cái chết mất mọi thứ mà gia đình tôi đã sở hữu.
Rồi tác giả còn ghi lại những lời đầy cảm động tại một tu viện ở Nepal, Thiền sư Dilgo Khientse Rinpoche, vị Thiền sư mà theo tác giả, "Tất cả chúng tôi đều ngước lên mà chiêm ngưỡng con người vĩ đại như Núi Tuyết ấy, một bậc học giả, thi sĩ, và hành giả Mật Tông đã trải qua hơn 25 năm trong đời để nhập thất ẩn cư". Ngài dừng lại và đưa mắt nhìn xa xăm, rồi Ngài dạy rằng:
"Ta nay đã già 78 tuổi, đã trông thấy quá nhiều việc trong đời. Bao nhiêu người trẻ tuổi đã chết, bao nhiêu người già đã chết. Nhiều người ở trên cao đã tụt xuống thấp, nhiều người ở dưới thấp đã vượt lên cao, nhiều xứ sở đã biến đổi. Đã có bao nhiêu biến động đau thương. bao nhiêu chiến tranh, tật dịch, bao nhiêu tàn phá trên khắp thế giới. Tuy thế tất cả những biến chuyển kia không thực gì hơn là một giấc mộng chiêm bao. Khi ta nhìn thật sâu xa, ta nhận ra rằng không có một cái gì trường cửu miên viễn, không có một cái gì cả đến một sợi lông măng trên thân thể ta. Và đây không là một lý thuyết, mà điều bạn có thể thực sự chứng nghiệm, thấy biết bằng chính mắt bạn".
Có lẽ nhờ chứng kiến nhiều cái chết từ thỏa ấu thơ, đến những lời giảng dạy của các bậc Thầy về những cái chết ấy, nên thay vì sợ hãi, tác giả Tạng Thư Sống Chết lại thấy rằng sự vô thường chống qua của cuộc đời, tự nó cũng thơ mộng và đẹp đẽ làm sao: "Mỗi khi tôi nghe tiếng Thác đổ hay tiếng sóng vỗ vào bờ, hay tiếng tim tôi đập, tôi lại nghe tiếng của Vô Thường. Những thay đổi ấy, những cái chết nhỏ ấy là những móc nối sống động giữa ta và cái chết. Đó là mạch nhảy của Thần Chết, là nhịp Tim của Thần Chết, nhắc ta buông bỏ mọi sự mà ta đang bám víu.
Bởi vậy, tất cả những nỗ lực của Thiền, theo tác giả cũng không gì hơn là: "Khơi dậy trong bạn cái nhận thức Vạn Pháp đều Hiển Hóa, như mộng, bạn hãy duy trì nhận thấy ấy trong vòng Sinh Tử."
Một bậc Thầy vĩ đại đã từng nói: "Sau khi thực tập Thiền định, người ta phải trở thành đứa con của Huyễn Hóa."
Thích Phước An
No comments:
Post a Comment