Friday, June 28, 2013

Chút Cảm Nghĩ về Đêm nhạc Tác Giả và Tác Phẩm 2 và Cuộc Hội Ngộ cùng anh Ngô Tín


Tất cả ca nhạc sỹ hát bài Hãy Thắm Sáng Niềm Tin của NS Lê Minh Hiền
Tác giả và anh Tín - ảnh NVQ.
GS âm nhạc - anh Quảng, anh Tín, Hoàng Lan và anh Quang
Anh Tín, Phẻ, anh Nhàn và chị Nga - ảnh NVQ
Anh Vinh, chú Hoà, anh Quang, anh Hiền, và anh Tín
Anh Tín say sưa trong tiếng đàn tại phòng khách.
Chút Cảm Nghĩ về Đêm nhạc Tác Giả và Tác Phẩm 2
và Cuộc Hội Ngộ cùng anh Ngô Tín

Tuần rồi, vợ chồng anh Tín Ngô và chị Liên Hoa lái xe lên miền Bắc California để tham gia trong chương trình giới thiệu Tác Giả và Tác Phẩm 2 (TGTP2) tại Santa Clara Convention Center vào lúc 2 giờ chiều Chủ Nhật 23/6/2013. Tuy nhiên anh chị đã lái thẳng về Sacramento thăm chúng tôi vào tối thứ Bảy trước đó.
          Mặc dù đã biết anh là một nhạc sỹ chơi nhạc Flamenco classical guitar từ lâu, nhưng mãi đến gần đây thì chúng tôi mới có dịp làm quen qua sự giới thiệu của anh Nguyên Lương, chị Xuân Thi và chị Tuyết Đào của Hương Xưa. Là người Bình Định với nhau, nên chúng tôi đã thưởng thức bánh tráng của xứ Nẫu ngay trong đêm đầu gặp gỡ. Sau 3 đêm hàn huyên tâm sự và đàn hát cho nhau nghe, gia đình tôi, gia đình anh chị Quang Khuê, và gia đình anh chị Tín Hoa càng gần gủi nhau hơn.
            Trở lại đêm nhạc Tác Giả và Tác Phẩm 2 tại Santa Clara Convention Center, đó là một buổi hòa nhạc hội tụ 15 nhạc sỹ với những ca khúc mới nhất của mình. Trong số đó, chúng tôi quen biết 3 anh, nên đi để ủng hộ. Ngoài anh Ngô Tín ra, anh Lê Minh Hiền là một người nhạc sỹ có tâm đạo và luôn cố gắng để đưa Đạo vào đời; rồi anh Nguyễn Quang Nhàn, cũng là người con xứ Nẫu mà chúng tôi quen từ những năm trước. Nhạc của anh lắng đọng, nồng nàn và sâu sắc.
            Có thể nói, TGTP2 là một sân chơi lành mạnh và đáng khích lệ. Nó chính là một cầu nối giúp các nhạc sỹ chuyên chở những tác phẩm của mình đến với khán thính giả ở miền Bắc California. Trong lần tham gia này có những nhạc sỹ như sau:
Cúc Trần, Duy Hải, Hoàng Huy Duy, Công Dũng, Quang Nhàn, Đào Nguyên, Lê Minh Hiền, Thảo Trang, Thiên Phương, Ngô Tín, Duy Văn, Dự Nguyễn, Quốc Dũng, và Sơn Hoàng. Đặc biệt, chúng tôi đánh giá cao vai trò của nhạc sỹ Lê Huy, người đã chịu trách nhiệm chính trong việc hòa âm, phối khí cho chương trình Tác Giả và Tác Phẩm lần này.
            Với tôi, các nhạc sỹ đã có một buổi ra mắt khá thành công. Mỗi nhạc sỹ đều có những nỗi niềm ray rức và những phong thái viết nhạc khác nhau, tạo nên một một sự đa dạng trong từng thể loại. Có thể nói mỗi người mỗi vẻ đã góp phần làm phong phú thêm cho nền âm nhạc Việt Nam nói chung và âm nhạc Việt ở hải ngoại nói riêng. Với 
tôi, hai anh nhạc sỹ khá dày dạn kinh nghiệm Ngô Tín và Lê Minh Hiền, sự tham gia của họ dường như không ngoài những mong muốn thổi thêm luồng sinh khí và cảm hứng cho các đồng nghiệp.
          Nhạc sỹ Ngô Tín thì đã viết hơn 200 Ca khúc; nhạc của anh cũng như Trịnh Công Sơn, nói về tình yêu, thân phận và quê hương.  Anh đã bắt đầu học nhạc từ lúc 7 tuổi và sáng tác từ tuổi 18 vào năm 1973. Còn nhạc sỹ Lê Minh Hiền thì đã phổ nhạc gần 100 ca khúc. Thuở xưa anh viết Tình ca, về sau anh viết Thiền Ca.  Anh và vợ, ca sỹ Thu Nga, cùng nhóm Tuệ Đăng rất có tâm đạo và phục vụ rất nhiều cho cộng đồng ở Miền Bắc California, nhất là làm thiện nguyện cho các chùa trong vùng.
          Đặc biệt những tác phẩm của anh Ngô Tín gần đây đã được thể hiện rất thành công qua các giọng ca gạo cội như Tuấn Ngọc (Một Thuở Yêu Người) và Ý Lan (Trên Sợi Tình). Ngoài ra, một trong những ấn tượng nhất của đêm TGTP2 là bài độc tấu Flamenco – Bão Trên Đỉnh Núi - của anh Ngô Tín.  Anh đã làm cho khán giả đi từ ngạc nhiên này đến ngạc nhiên khác bằng những ngón tay biết khiêu vũ trên phím đàn. Chúng tôi thật sự đã chứng kiến những cảm xúc rất thú vị và hết sức sảng khoái khi xem anh biểu diễn.  Về lại Sacramento, anh lại một lần nữa cho chúng tôi chiêm ngưỡng những ngón đàn quá thuần thục đến mê hoặc lòng người của anh. 
            Ngày kế tiếp chúng tôi đi chơi, tham quan và tối về nhà anh Nguyễn Văn Quang người mà chúng tôi luôn trân quý.  Đêm đó có thể nói là một đêm hội ngộ đầy thú vị giữa anh em chúng tôi cùng bạn bè của chúng tôi tại Sacramento. Có vợ chồng anh chị Thu Tỵ, những người bạn quý và gương mẫu mà chúng tôi đang sinh hoạt cùng trong tổ chức Gia Đình Phật Tử.  Ngoài ra còn có vợ chồng anh Sơn, người bạn học 40 năm về trước của anh Tín hiện cũng đang sống tại Sacramento.  Bằng những tình cảm nồng nàn và thân thiết như quen nhau tự thuở nào, chúng tôi hát cho nhau nghe cho đến quá nữa đêm, nào là gọng ca và ngâm thơ mượt mà của anh Lê Chương Andy, nào là giọng hát say sưa từ con tim của chị Ngô Thị Thu, đến giọng ca truyền cảm và tiếng đàn êm dịu của anh Nguyễn Văn Quang, nhưng độc đáo và trên hết vẫn là tiếng đàn và tiếng hát của anh Ngô Tín. Không gian càng về khuya càng lắng đọng chừng nào thì anh càng hát và đàn hay chừng đó. Không biết có ai nhập hay không, mà xuất thần lắm!
            Trời đã quá khuya, chúng tôi lại phải chia tay trong quyến luyến vì ngày mai mọi người phải đi làm, vả lại anh chị Tín Hoa cũng phải về lại LA vào sáng sớm hôm sau. Trước khi chia tay từ biệt, chúng tôi không quên cảm ơn anh chị Quang Khuê đã tiếp đãi ân cần và nồng hậu. Rồi tôi có bài thơ làm trong đêm trước và đã nhờ anh Chương ngâm như một lời cảm tác đối với anh chị Tín Hoa cho lần hội ngộ này tại Sacramento 2013.

KHIÊU VŨ TRÊN PHÍM ĐÀN
       Thân tặng nhạc sỹ Ngô Tín

Trăng khuya thẹn thùng quá
Chưa thổ lộ đôi điều
Nhưng cung đàn muôn điệu
Nói vạn lời thay ta

Như bão táp phong ba
Tiết tấu nào sấm sét
Có mưa dông trống thét
Có tiếng sóng nỉ non

Nhạc Ngô Tín sắc son
Thanh âm nào đa dạng
Và bao lời lãng mạn
Rót vào cuộc bể dâu

Nhạc anh có chiều sâu
Nhẹ nhàng và lai láng
Như tơ trời lãng đãng
Bồng bềnh trong mắt ai

Mong manh như sương mai
Nồng nàn và da diết
Và một điều ai biết
Quyến rũ nhạc Ngô gia

Sacramento, June 24th, 2013.

Không biết quý anh chị ở Phila hay những ai gặp gỡ anh Ngô Tín và nghe bài nhạc này, có cùng cảm xúc hay cảm nhận như chúng tôi chăng? 
Ra về, những chú ốc sên cũng thong thả về theo.
Đêm khuya
trời se lạnh
trời se lạnh
long lanh 
vô thường.
NS Ngô Tín đang biểu diễn - ảnh Công Mai.


Tuesday, June 25, 2013

BỤI TRẦN - A Dew of Dust


Cười Thôi - Tu Viện Diệu Nhân
BỤI TRẦN

Bụi tình hun hút cuốn trôi
Bên dòng sinh tử luân hồi miên man
Bờ môi vỡ mộng mơ màng
Biển xanh lồng lộng hai hàng dừa reo

Buông tha tình cảm cheo leo
Buồng khuê hương sắc cheo veo ngọc ngà
Bay vèo lãng tử trong ta
Bụi hồng chưa thoát la đà sắc không

A Dew of Dust

Love is like dust, just swept away
along with the endless cycle of rebirth
Disillusioned lips - still dreaming
With the immense blue sea, the coconut trees are singing

Your beauty is pure, essence and treasure
Emotional disengagement just like standing on a cliffs pleasure
As a romantic wander just letting things go
Love as a dust just have yet escaped its form and formless  

Friday, June 21, 2013

THE NIGHT BUTTERFLIES, THE SHELL, AND HUMAN

Sunset on Oakland Hills - Photo BXK.
THE NIGHT BUTTERFLIES, THE SHELL, AND HUMAN *
   For QT - membering our trolling along the Oakland hills

Should I be an ephemera
attracting this frenzied world
who want to stuck the light
before ending its life
at least a moment of the glorious night.

Incandescent make we lost our way
as well as direction in life
and in endless struggling
in this realm of death and rebirth.

Should I be a shell/scallop
living in the deep ocean
quietly evolved
minding / plying our distant realms

The shell has its sound
mellow as waves as the ocean
when we're fully paying attention
we can hear the ocean's echoing

May I be the human
roaming this beautiful earth
Helping life whenever we can
Compassion is the merit

May I be the human
even though there are hardships
just sharing our loves and haves
a legacy of oneself--
the state of being of the mind and heart.


Oakland Hills, CA
June 2nd, 2013.

* This is the summarization of our conversation.

Thursday, June 20, 2013

Đọc Thơ Tù Chữ Hán của Thầy Tuệ Sỹ


Đọc Thơ Tù Chữ Hán của Thầy Tuệ Sỹ 
Huỳnh Kim Quang

Trong nền thi văn Việt nam hiện nay số người làm thơ bằng chữ Hán thật là ít ỏi. Có lẽ vì thời đại của chữ Thánh Hiền đã qua rồi. Bây giờ ít có người chịu học chữ Nho ngoại trừ những nhà Nho học còn sót lại, hay một số học giả chuyên về Hán văn, hoặc các vị tu sĩ đạo Phật học chữ Nho để đọc kinh Phật. Thật ra đây cũng là vấn đề đáng lo cho tiền đồ của Nho học ở nước ta, nhưng đây là một vấn đề khác không phải là chủ đích của bài viết này nên không bàn đến. Trong giới Phật học không ai lạ gì tài năng ưu việt của Thầy Tuệ Sỹ về chữ Hán. Mấy bài thơ chữ Hán mà người viết đề cập trong bài viết này được Thầy sáng tác hầu hết ở trong tù từ 1979-1980 và từ 1984 đến nay. Rất tiếc là người viết không có đầy đủ tất cả thơ chữ Hán của Thầy. Chắc chắn là Thầy còn làm nhiều thơ chữ Hán hơn nữa nhưng ở đây người viết không thể sưu tập được. Thôi thì cứ viết theo những gì đã có trong tay của mình để góp phần vào việc xưng tụng công đức vô lượng của Thầy đối với dân tộc, đạo pháp và văn học nước nhà.

Thơ khởi đi từ trong sự nhập thể nhiệm mầu của tâm và cảnh, là âm ba vang động theo bước chân của người lịch nghiệm cuộc tồn sinh. Vì thế, trong lời thơ có muôn ngàn hình thái linh hoạt của cuộc sống. Trong vận thơ có tiết tấu của những cung bậc là tiết điệu của lòng, của cảnh, của đất trời khi trầm, khi bổng, lúc vội vàng, lúc khoan thai. Cho nên, đọc thơ là bước vào thế giới kỳ diệu của thực tại mà kẻ dẫn đường chính là ngôn ngữ uyên nguyên của thơ. Nhà thơ mở cửa tâm hồn không biên giới của mình ra để đón thực tại vào lòng. Khi sự phối ngẫu đạt đến giai kỳ viên mãn, cảm thức trào ra cuồng cuộn như ba đào và lưu lộ trên từng nét chữ. Ở đó chúng ta thấy được tất cả cái vẻ thiên hình vạn trạng của cuộc sống từ sự an lạc đến sự thống khổ triền miên.

Phụng thử ngục tù phạn
Cúng dường Tối Thắng Tôn
Thế gian trường huyết hận
Bỉnh bát lệ vô ngôn
(Cúng Dường)

Tạm dịch:
Dâng chén cơm tù này
Cúng dường lên đức Thế Tôn Tối Thắng
Nghĩ đến thế gian máu lửa hận thù triền miên
Nên vừa bưng chén cơm mà nghẹn ngào đẫm lệ
(Cúng Dường)

Thương cho thế gian, thương cho dân tộc, thương cho đạo pháp đang trong cảnh lầm thang, điêu linh và thống khổ mà bậc đại sỹ phải rơi lệ. Và cũng chính vì muốn giải trừ sự khổ đau và nghiệt ngã cho thế gian, cho dân tộc và đạo pháp mà bậc đại sỹ đã không ngần ngại hy sinh dù là lao tù hay tánh mạng. Đó chính là tâm nguyện đại từ bi. Với tâm đại từ bi thì hễ thấy chúng sanh đau khổ là thị hiện cứu khổ, không phải suy tính thiệt hơn, giống như bà mẹ thấy con lâm nạn thì xông tới cứu cấp dù là phải nhảy vào lò lửa, hay hang hùm miệng cọp. Tình thương của mẹ đối với con cái khởi phát không phải qua sự tính toán so đo, mà phát xuất một cách tự nhiên vô công dụng hạnh. Tâm đại từ bi của đại sỹ đối với chúng sanh cũng vậy, hiển phát một cách vô công dụng hạnh.

Tâm đại từ bi không nói rằng điều ấy có lợi hay không rồi mới làm vì, khi khởi niệm phân biệt lợi hại hơn thua là lúc đánh mất đại từ bi tâm của mình rồi vậy.

Giải trừ sự khổ đau cho nhân quần xã hội giống như việc giải trừ khổ đau cho chính mình không phải thấy có lợi rồi mới làm, cũng không thể định hạn kỳ đạt đến thành công. Gốc của khổ đau là vô minh và phiền não. Trừ diệt vô minh và phiền não đừng nói đến chuyện hạn kỳ lâu mau hay thành đạt lợi ích trước mắt. Còn khởi niệm mong cầu thành đạt lợi ích là còn tạo cơ duyên cho vô minh và phiền não tiếp tục hiện hữu.

Qua bài thơ, chúng ta thấy được cái bi kịch thống thiết nhất của dân tộc đã phơi bày ra đó với những máu và nước mắt. Máu và nước mắt của đại khối dân nghèo hay của những bậc đại sỹ, những người trên tay không có tấc sắt, và trong tâm không một ý niệm hận thù, hay đấu tranh vì bất cứ quyền lợi tư kỷ nào!

Thảm trạng của đất nước suốt hơn hai mươi năm qua đã xô đẩy người dân Việt vào chỗ điêu linh tột cùng. Chế độ đương quyền đã áp đặt chính sách hà khắc bất công lên đầu lên cổ người dân. Họ hô hào và chủ trương đấu tranh giai cấp, mạnh được yếu thua biến đất nước thành bãi chiến trường mà kẻ thủ lợi là tập đoàn lãnh đạo ăn trên ngồi trước. Người dân được nhà nước tôn vinh bằng khẩu hiệu là người làm chủ đất nước nhưng thật ra đã trở thành kẻ bị thống trị không nương tay. Các tôn giáo, các nhà trí thức chân chánh đều bị coi như là thành phần đối nghịch với chế độ mặc dù họ chỉ muốn được sống bình đẳng và có cơ hội góp phần vào việc xây dựng nước nhà. Chế độ đương quyền đã gieo rắc hận thù và phân hóa sâu đậm trong lòng dân tộc, đã phá nát di sản tâm linh, văn hóa, đạo đức quý giá của giống nòi mà trải qua bao nhiêu thế hệ mới gầy dựng được.

Người Việt nam yêu nước chân chính nào thấy thảm trạng đó mà không xót xa đau đớn! Đây chính là động lực làm cho những vị đại sỹ có tâm từ bi không thể ngồi đó khoanh tay mà không làm gì trước sự khổ đau và điêu đứng của dân tộc, của đồng đạo. Nhưng oái oăm thay, dưới chế độ độc tài đảng trị, hễ người dân nào lên tiếng dù là tiếng nói của lương tâm, của sự thật đều là hành động chống lại chế độ. Và cuối cùng đều bị vào tù hay bị thảm sát!

Bài thơ diễn tả một hình ảnh thật thiêng liêng và cảm động: một vị tu sĩ ở trong tù đến giờ ăn trưa vẫn cử hành nghi thức thọ trai một cách nghiêm cẩn. Hai tay nâng bát cơm lên để cúng dường đức Phật trước khi vị ấy thọ thực. Vừa nâng bát cơm lên vừa quán tưởng đến sự khổ đau của chúng sanh, của dân tộc mà bậc đại sỹ cảm nghe thương xót ngậm ngùi! Bậc đại sỹ đau xót vì chúng sanh đau khổ. Khi chúng sanh hết khổ đau thì bậc đại sỹ mới hết đau xót.

Đó là tấm lòng từ bi của Bồ Tát vậy.

Bậc đại sỹ chỉ vì dân, vì đạo và vì sự thật. Người có làm gì đâu mà sao nên tội đọa đày? Chính vì vậy, có lúc Thầy cũng đã tự hỏi:
Hoàng Vấn dư hà cố tọa lao lung
Dư chỉ khinh yên bán ngục khung
Tâm cảnh tương trì kinh lữ mộng
Cố giao gia tỏa diện hư ngung
(Tự Vấn)

Tạm dịch:
Hỏi mình vì sao phải ngồi trong lao tù
Ta bảo rằng làn khói mỏng bị giam trong ngục thất
Tâm và cảnh quyện lấy nhau trong cơn mộng lữ thứ kinh
Lời dạy ngày trước dù bị giam cầm, mặt vẫn ngước nhìn trời
(Tự Hỏi)

Đối với bậc đại sỹ vì đại bi mà nhập thế giải trừ khổ nạn cho chúng sanh, cho nên không bao giờ khởi niệm hận thù tàn độc đối với bất cứ ai. Chính vì thế, tâm của bậc đại sỹ không có chỗ cho phiền não tham sân trú ngụ. Người lúc nào cũng thong dong tự tại như áng mây, như làn khói. Với phong thái như vậy thì tù ngục không còn là chỗ trói buộc thân tâm. Bậc đại sỹ xem cuộc đời như cơn mộng, nhìn cuộc lữ như trò chơi thoáng chốc. Cho nên, chỉ còn lại trong người giáo nghĩa giải thoát và giác ngộ nhiệm mầu. Lấy giáo nghĩa ấy mà làm đuốc soi đường đi lên. Còn sợ gì những chướng nạn của ma quân giả dối. Ngước mặt thẳng lên trời không hổ thẹn với lương tâm, với hạnh nguyện, với đất trời, với chúng sanh.

Bài thơ âm vận nghe hùng khí ngất trời. Câu cuối cùng từng chữ gieo xuống như thái sơn trụ địa, hiên ngang kiêu bạc như kiếm kim cương vừa tuốt ra khỏi vỏ!

Đã xem cuộc đời là mộng, cuộc lữ như trò chơi, nhìn lao tù như ngục thất giam giữ làn khói mỏng, cho nên bậc đại sỹ lúc nào cũng tự tại ung dung. Xin nghe mấy bài thơ sau đây:
Trách lung do tự tại
Tán bộ nhược nhàn du
Tiếu thoại độc ảnh hưởng
Không tiêu vĩnh nhật tù
(Trách Lung)

Tạm dịch:
Ở trong lồng chật hẹp mà vẫn tự tại
Đi bách bộ thật là nhàn hạ
Cười nói một mình mình nghe
Cũng qua đi một ngày tù dài
(Lồng Chật Hẹp)

Cái lồng chật tức là ngục thất nhỏ bé tối tăm trong lao tù dưới chế độ Cộng sản. Cũng có thể là phòng biệt giam chật hẹp chỉ vừa đủ cho một người nằm không thoải mái. Ở trong thế giới chật hẹp và tù túng ấy, dễ mấy ai có cảm giác giải thoát tự tại. Vậy mà bậc đại sỹ đạt được trạng thái ấy một cách dễ dàng, bởi vì bậc đại sỹ vốn đã an lạc tự tâm và thâm liễu rằng ba cõi là tù ngục, là nhà lửa đang rực cháy, có chỗ nào trên thế gian này không là hỏa ngục!

Hoặc là:
Tảo khởi xuất tẩy tịnh
Thung dung lập phiến thì
Tự hữu thần tiên thái
Hà tu sơn thủy vi
(Tảo Thượng Tẩy Tịnh)

Tạm dịch:
Sáng sớm ra rửa mặt
Ung dung ngay trong khoảnh khắc
Vốn đã có phong thái thần tiên
Cần gì phải là miền sơn thủy!
(Sáng Sớm Rửa Mặt)

Phong thái thần tiên là phong thái phiêu diêu tự tại không một chút phiền muộn và khổ đau. Bậc đại sỹ dù ở trong hoàn cảnh nào tâm vẫn an nhiên tự tại vì nhận thức rằng các pháp hữu vi giả dối không thật như mộng mị, như quáng nắng, như bọt nước, như bóng chớp! Khi tâm đã được tự tại như vậy rồi bậc đại sỹ cần gì phải tìm đến thâm sơn cùng cốc mới có thể an nhàn. Tâm bình thì thế giới bình vậy.

Phong thái tự tại siêu thoát kia đã đạt đến mức tuyệt cùng qua ý chỉ của bài thơ “Biệt Cấm Phòng” dưới đây:
Ngã cư không xứ nhất trùng thiên
Ngã giới hư vô chân cá thiền
Vô vật vô nhơn vô thậm sự
Tọa quan thiên nữ tán hoa miên
(Biệt Cấm Phòng)

Tạm dịch:
Tôi cư trú ở từng trời Không Vô Biên Xứ
Thế giới tịch lặng ấy của tôi đúng thật là cõi thiền Không vật, không người, không lắm chuyện
Ngồi mà chiêm quan thiên nữ rải bông hoa
(Phòng Biệt Giam)

Không Vô Biên Xứ Thiên là cõi trời thứ nhất trong bốn cõi trời Tứ Không (Không Vô Biên Xứ, Thức Vô Biên Xứ, Vô Sở Hữu Xứ và Phi Tưởng Phi Phi Tưởng Xứ mà một hành giả khi nhập định Tứ Không Xứ an trụ trong đó. Định Không Vô Biên Xứ là trạng thái mà người nhập định đã xả bỏ tất cả niệm về giới hạn của không gian và thời gian để nhập thể vào cõi vô biên vô hạn. Tất nhiên, trong trạng thái định đó thiền giả không còn ý niệm về vật, về người và về muôn ngàn ý tưởng điên đảo khác. Cõi ấy không đúng là thiền thì là gì! Bậc đại sỹ ngồi trong phòng biệt giam tối tăm và chật hẹp không tưởng tượng nổi mà vẫn an nhiên tọa thiền nhập định. Cho nên, đối với Thầy đó là đạo tràng thanh tịnh có các thiên nữ rải bông hoa cúng dường. Thế mới biết đạo lực của bậc đại sỹ không thể nào đem trí đức thô lậu của phàm phu mà so sánh được. Bài thơ dệt nên cái phong cảnh thanh tịnh siêu thoát tỏa ra từ đạo lực cao dày của vị tu sĩ khiến cho người đọc quên rằng tác giả đang diễn tả sinh hoạt của mình trong một phòng tù biệt giam!

Tất cả đạo lực tự tại và siêu thoát ấy đều là kết quả tất yếu của một quá trình tu chứng mà Thầy đã lịch nghiệm từ giáo nghĩa Khổ Không đến thực tại đời sống sinh động trong đó bao hàm những ngày lao tù khổ nhọc. Kinh nghiệm ấy như là những tôi luyện tinh ròng từng bước từng bước dẫn Thầy đến vực thẳm, chỗ tận cùng của mê và ngộ, để rồi một mai khi bước chân vừa khởi đi là hốt nhiên rơi xuống vực thẳm.

Nhưng chính từ trong vực thẳm ấy, cánh cửa nhiệm mầu lại mở ra, muôn pháp sáng rực dưới nhãn quang bùng vỡ của người về từ miền đất lạ. Xin hãy đọc bài Tự Thuật sau đây thì rõ:
Tam thập niên tiền học Khổ
Không Kinh hàm đôi lũy ám tây song
Xuân hoa bất cố xuân quang lão
Thúy trúc tà phi túy mộng hồn
Nhẫm nhiễm trường mi thùy hoại án
Ta đà tố phát bán tàn phong
Nhất triêu cước lạc huyền nhai hạ
Thủy bả Chân Không đối tịch hồng
(Tự Thuật)

Tạm dịch:
Ba mươi năm trước học giáo nghĩa Khổ Không của đạo Phật
Kinh đã học chứa đựng chất đống cao như tường che khuất
cả cửa sổ trời tây
Xuân tươi thắm mà không đoái hoài đến nên xuân già cỗi
Trúc xanh biếc thoáng lượn qua làm say hồn mộng mị
Thắm thoắt hàng mi dài rũ xuống chiếc bàn cũ kỹ
Ngày qua tháng lại tóc trên đầu đã bạc nối theo với tuổi già sức kiệt
Một sớm bước chân rơi xuống vách núi cheo leo
Mới lấy Chân Không mà đối trị lại đêm hồng
(Tự Thuật)

Giáo nghĩa Khổ Không của đạo Phật nếu không được nghiệm chứng thực sự trong cuộc sống trầm luân khổ lụy thì chỉ trở thành là cái kho tàng chữ nghĩa làm che khuất cả chân tâm. Vì chỉ chú trọng vào triết lý suông không thôi cho nên người tầm đạo đôi khi không có đủ đạo lực để ứng phó với những cơn say hồn lúc bước vào trận đồ vô minh phiền não. Rồi vì dong ruổi theo mê lộ của tư tưởng triết lý đạo học mà quên đi ngày tháng, đến nỗi khi chợt tỉnh ra thì mái đầu xanh đã trắng bạc tự bao giờ. Nhưng mà, quá trình lịch nghiệm cuộc sống ấy không phải là quá trình hoang phí đối với mục tiêu cứu cánh của đời người. Nó đích thực là chặng đường thử thách và tôi luyện tinh mật để sửa soạn cho một giai kỳ bí nhiệm khác. Giai kỳ ấy lộ hiện ra khi người tầm đạo vừa lao mình xuống vực thẳm uyên nguyên. Đi tìm sinh lộ ngay trong chính giữa lòng của cõi chết. Đó là phương cách thần diệu nhất, mà chỉ có những ai dám vận dụng tất cả chí khí bình sanh đương đầu một lần quyết liệt với con người vô minh điên đảo của chính mình, để cải tử hoàn sanh. Chết đi con người vô minh và phiền não để tái sanh con người giác ngộ và giải thoát. Từ sau đó, người hành đạo không còn quái ngại đối với vô minh phiền não gì cả vì trong ông ánh sáng rực ngời của trí tuệ Bát Nhã lúc nào cũng chiếu rọi tròn đầy.

“Một sớm bước chân rơi xuống vách núi cheo leo
Mới lấy Chân Không mà đối trị lại đêm hồng.”

Trí tuệ Bát Nhã liễu đạt vạn pháp là Chân Không Diệu Hữu xa lìa các vọng chấp của Có, Không hay Đoạn, Thường. Vì thực tại vạn hữu không thể nói là Có hay là Không một chiều theo quan kiến nhị biên và phân biệt lưỡng lập. Chỉ có Trí Tuệ Bát Nhã ấy mới có đầy đủ diệu lực để rọi chiếu vào tận cùng nguồn lạch vi tế của vô minh và ái nhiễm.

Đối với bản thân thì bậc đại sỹ không còn bận bịu đến lẽ tử sanh sinh diệt vô thường, nhưng lòng đại bi đối với chúng sanh khổ lụy thì không bao giờ gián đoạn. Nghĩ đến sứ mệnh hoằng truyền chánh pháp phổ độ chúng sanh, bậc đại sỹ trầm tư thâu canh trước ngọn đèn leo léc trong lao tù.
Trục nhật lao tù sự cánh mang
Trung tiêu độc tọa đối hàn đăng
Không môn thiên viễn do hoài mộng
Quy lộ vô kỳ nhiệm chuyển bồng
(Dạ Tọa)

Tạm dịch:
Ngày trôi qua việc lao tù lại thêm mờ mịt
Trong phòng tù một mình ngồi đối diện với ngọn đèn lạnh lẽo
Hình ảnh chốn thiền môn xa xưa lòng vẫn hoài tưởng Đường trở về không hạn kỳ sứ mệnh thật rối rắm
(Đêm Ngồi)

Đường về của bậc đại sỹ hay đường về của cả dân tộc không còn có thể hạn kỳ được vì đất nước đang bị phủ trùm lên ngổn ngang những thảm cảnh bi thương, những bế tắc và khủng hoảng khắp các mặt xã hội từ kinh tế đến văn hóa và đạo đức. Trước cơn mạc vận của dân tộc như vậy người dân thương nước thương nòi nào mà không cảm thấy rối rắm trong lòng!

Bài thơ dệt lên cái hình ảnh thật bình dị nhưng cũng thật như thực và cảm xúc. Hình ảnh một vị tu sĩ ban đêm trong tù vì suy tư đến vận nước, vận đạo mà không an giấc. Thức dậy ngồi một mình trước ngọn đèn dầu leo léc. Ánh sáng nhạt nhòa của ngọn đèn trông lạnh lẽo và cô liêu lạ thường trong đêm khuya giữa chốn lao tù.

Trong lòng Thầy lúc nào cũng nghĩ đến chốn thiền môn cổ kính ngày nào. Phải, chỉ có đạo giải thoát mới là nhà đích thực của một tu sĩ, chỉ có Không môn mới là cánh cửa dẫn đến thế giới siêu thoát tự tại. Tất cả đều là huyển mộng như cái huyển mộng của chính kiếp người. Có gì khác hơn là cứu cánh giác ngộ đáng để bậc đại sỹ phải bận lòng, phải tham đắm dù là lợi danh mà người đời không ngớt tìm cầu. Chính vì thế, bậc đại sỹ ra tay cứu nước cứu dân không phải vì bả danh lợi thế tục mà vì hạnh nguyện cứu khổ độ sanh của Bồ Tát. Việc cứu nước cứu dân trong cơn quốc phá gia tan là việc nên làm của tất cả những người mang hạnh nguyện vị tha không luận là thuộc thành phần nào của xã hội. Nhà văn, nhà thơ, nhà tu hành, nhà chính trị, ông nông phu, bà bán hàng rong, cô học trò, em bé chăn trâu, v.v… tất cả đều có trách nhiệm trọng đại đối với quốc gia dân tộc. Cho nên, đừng nói rằng người này nên gánh vác trách nhiệm ấy người kia không nên. Người viết cho rằng sự hy sinh của Thầy cho dân tộc, cho đạo pháp quả thật xứng đáng và không uổng phí chút nào. Thầy quả là một Tuệ Trung Thượng Sỹ của thời đại hôm nay. Xin vạn lần xưng tụng công hạnh vị tha cao cả của Thầy.

Tâm Huy Huỳnh Kim Quang

CẢM ĐỨC TỪ BI
Tác giả Tâm Huy Huỳnh Kim Quang
Thư Viện Hoa Sen phát hành, 2018
Lotus Media tái bản, 2020
Bìa và trình bày: Uyên Nguyên
ISBN: 978-1-71663-320-1


Tuesday, June 18, 2013

SỢI TÓC BẠC - TÌNH TA


                                Niềm vui với con nhân ngày Mother's Day - Photos: BXK

SỢI TÓC BẠC -  TÌNH TA
      Viết tặng Em Yêu nhân ngày sinh nhật

Sợi tóc bạc đầu tiên
Trắng trinh như thuở mộng
Hương em cơn gió lộng
Lùa vào đôi mắt anh

Ta có nhau ngày xanh
Nắng ươm hồng đôi má
Sóng ru bờ ngân xa
Gió hát mãi tình ta

Sợi tóc bạc đầu tiên
Thon cong dài tha thướt
Như tình em rất mượt
Trong cõi đời phong ba

Ta thấy trong ngân hà
Một vì sao có tuổi
Nhưng em ơi đừng mủi
Ta cũng già như nhau

Ta cần nhau ngày sau
Ta có nhau trong  đời
Tình yêu ta diệu vợi
Mãi mãi là của nhau.