Bài Thuyết Trình cho Trại Vạn Hạnh:
Đạo Phật và Tuổi Trẻ
Tâm Thường Định
Dẫn nhập:
Nam Mô Phật Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni
Kính thưa quý trưởng,
Chúng em, một học viên bậc Lực, người luôn thao thức về giáo dục tuổi trẻ, khi thấy đề tài Đạo Phật và Tuổi trẻ mà Ban Tổ Chức đề ra, mừng quá và góp ý là được chia sẻ trong khả năng của mình. Chúng em hân hạnh được anh Phó TB NCHL Thiện Hải Đoàn Mãn mời như là một nhà giáo dục, một học giả Phật giáo cùng thuyết trình với Giáo Sư Trần Kiêm Đoàn. Nhưng GS Đoàn bảo với chúng em rằng, “Chúng ta thuyết trình hai mặt của một vấn đề, Chú nói về thế hệ trước và bên nhà, cháu nói về thế hệ sau, bên này. Cháu cứ trình bày quan điểm của cháu, nói thẳng nói thật và chúng ta cùng hội thảo với nhau”. Với sự thương yêu và quan tâm đó, chúng em xin được góp sức trong khả năng của mình – một hành giả đạo Phật.
Phật Giáo và Tuổi Trẻ, xin được nhấn mạnh chỉ nói về Phật giáo và Tuổi trẻ Việt Nam mà thôi (Xin được mở ngoặc, theo thiển ý tuổi trẻ—tuổi dưới 40—và Việt Nam ở đây là tuổi trẻ Việt Mỹ, có hình hài người Việt, nhưng tư tưởng và cách tiếp thu là nền giáo dục Tây phương hay là người Mỹ gốc Âu Châu. Hay nói chính xác hơn là người Hoa Kỳ gốc Việt Nam). Xin được trình bày 2 quan điểm khách quan chính. 1) Thực trạng đang xảy ra, 2) Giải pháp thực thi. Còn nói về nguyên nhân thì ai trong chúng ta cũng điều biết rồi. Quý vị có thể tham khảo thêm bài “Tại Sao Giới Trẻ Ít Đến Với Đạo Phật?” *
Trong khi chia sẻ nếu có những vụng về hay ‘va chạm’, xin quý trưởng và quý vị hoan hỷ và niệm tình tha thứ cho.
I. THỰC TRẠNG ĐANG XẢY RA
Ngày nay, nhân loại nói chung, tuổi trẻ và người Tây Phương nói riêng đang tìm đến với Đạo Phật ngày càng nhiều. Theo thống kê năm 2010 Đạo Phật là tôn giáo lớn, đứng hàng thứ 4 trên thế giới với ước tính 488 triệu, 495 triệu, hoặc 535 triệu người, chiếm khoảng 7% đến 8% dân số thế giới. Ngay cả Trung Hoa, mặc dù chỉ có 18.2% dân số theo đạo Phật, nhưng có đến 244.130.000 triệu người—chiếm 50.1% toàn dân số theo Đạo Phật trên thế giới. Giới trẻ các nơi như Âu Châu, Úc Châu, và một số nước Á Châu như Thailand, Trung Quốc ngày càng tìm đến Phật Giáo.Riêng ở Việt Nam ta, thử nhìn vào thực trạng số lượng Huynh trưởng và đoàn sinh trong tổ chức GĐPT. Thống kê cho hay vào năm 2015, trong nước tính luôn cả mọi tổ chức trong GĐPT, ‘truyền thống’, ‘phân ban’ và ‘thống nhất’, chỉ có trên (120.000 Htr. và đoàn sinh), trong số này có 2/3 là thuộc về ‘Phân ban’, số còn lại là ‘truyền thống’ hay ‘thống nhất’. Còn tại Hoa Kỳ thì sao, chúng ta chỉ còn khoảng 5.000 Htr. và đoàn sinh.
Nguồn: (http://www.hoadamnews.com/2016/02/gia-inh-phat-tu-tai-viet-nam-qua-nhung.html).
Riêng tất cả các châu lục khác như Canada, Âu Châu và Ú Châu, chúng ta có khoảng 2.000 Htr. và đoàn sinh. Vậy tổng số tất cả trong và ngoài nước có khoảng 130.000 Huynh trưởng và đoàn sinh, trong khi Dân số người Việt trong và ngoài nước khoảng (97 triệu) 97.000.000 người. Vì thế Số lượng Huynh trưởng và đoàn sinh trong tổ chức GĐPT quá ít ỏi, vậy xin hãy đoàn kết, tương thân tương ái, giúp đỡ, đùm đọc, tin tưởng và yêu thương nhau. Vì thế, chúng ta cần hỗ trợ và hợp tác để cùng nhau tiến bước và nếu chúng ta không thể làm gì cho tốt hơn, thì ít nhất là đừng làm gì hết.
Một ví dụ khác, ở Miền Liễu Quán tại Bắc California, trên giấy tờ thì có tất cả 559 Huynh trưởng và Đoàn sinh, nhưng trên thực tế số lượng đi sinh hoạt thường xuyên chỉ khoảng 65%. Mà đa số là ngành Oanh Vũ (7 đến 12 tuổi), số lượng ngành Thanh (18 tuổi trở lên) chỉ có 17/559 và ngành Thiếu (13-17) thì có 222/559. Ngoài ra, đa số đoàn sinh của tổ chức GĐPT là nữ giới. Số lượng đoàn sinh nữ chiếm hơn 60% trong khi đa phần thì là Huynh trưởng nam.
Vì thế những sinh hoạt của chúng ta phải đặt mạnh vào việc huấn luyện, huân tập và giáo dưỡng các em hãy còn non trẻ (Oanh Vũ) và nữ giới. Ngoài ra, chúng ta phải thấy rằng: Đến tuổi 17 là các em đã phải đi làm, lo việc ở trường và chuẩn bị vào Đại học và như vậy chúng ta đang ‘mất’ các em. Vì thế những sinh hoạt, chúng ta cần biện pháp giáo dưỡng kịp thời, có tính khoa học đúng kế lý kế cho các em, nhất là các em đoàn sinh nữ vì các em sẽ là phụ huynh sau này. Các em đến và đi trong tổ chức áo lam trong một thời gian rất ngắn, nên chúng ta cần phải đặt câu hỏi quan trọng là, “Chúng ta cần/nên/phải dạy các em những gì?” và “làm sao mình biết”. Nói như thế là để biết rằng số lượng tuổi trẻ Việt Nam (trong đó có cả Huynh trưởng và đoàn sinh) tại Hoa Kỳ đi sinh hoạt hay đến với Phật giáo nói chung và tổ chức GĐPT Việt Nam nói riêng ngày càng ít dần. Tổ chức chúng ta vẫn còn trình trạng ‘giữ lửa’, duy trì và đình trệ chưa phát triển đúng với phong cách và lối giáo dục Tây Phương cũng như tinh thần khế ly khê cơ của Đạo Phật.
II. GIẢI PHÁP
1. Cần truyền đạt một Ý thức dân tộc Việt Nam
Từ ngàn xưa, dân tộc Việt Nam có những tập tục thích ứng với môi trường sống thiên nhiên, rất hữu hiệu trong thời đại cổ xưa như nhuộm răng, ăn trầu cau. Dân tộc Việt Nam lấy Đạo Hiếu làm đầu, khác với người Trung Quốc từ thời xưa, mà quan niệm đạo hiếu của người Việt rất gần với đạo Phật. Văn hóa Việt Nam có trình độ rất cao và lâu đời so với các nước lân bang như văn minh Đông Sơn, văn minh Hòa Bình, v.v... Phật Giáo Việt Nam có triết lý và phương thức hành xử rất cao, bình đẳng và siêu việt, như triết lý sống “Cư trần lạc đạo,” của Tổ Sư Trần Nhân Tông, một triết lý có thể áp dụng hữu hiệu cho cả giới xuất gia và tại gia Phật tử để vừa giữ được đạo vừa giữ được đất nước, vân vân và vân vân...
Tuy nhiên, hiện nay, ý thức dân tộc của Việt Nam vẫn còn chạy theo, vay mượn nhiều nơi từ Đông sang Tây, nhưng không truyền bá những đặc thù riêng của dân tộc. Tư tưởng Việt Nam vẫn còn chưa được thống nhất hay định nghĩa một cách rõ ràng và chính xác vì thế chúng ta chưa có một ý thức hay tư tưởng mang tính cách thuần tuý dân tộc. Thôi thì, chúng ta hãy thảo luận những gì nhỏ nhất và chúng ta có thể làm được, đó là sự chuyển hoá từ những hệ ý thức rất nhỏ và văn hoá người Việt Nam. Ví dụ: Những tư tưởng, văn hoá, ý thức của người Việt Nam như ‘đi trễ / giờ giây thun’, ‘sinh hoạt ồn ào’, ‘xả xác bừa bãi / không giữ gìn vệ sinh chung’ v.v… cần được chuyển hoá.
Chúng ta phải dạy các em những tập tục tốt của người Việt Nam và người Tây phương; những thuần phong mỹ tục của đa văn hoá sẽ giúp các em về lâu về dài. Tuổi trẻ Việt Nam tại Hải ngoại có cơ hội hấp thụ 2 nền văn hoá đặc thù, và hãy truyền đạt cho các em một ý thức hệ văn minh--có cả hai nền văn hoá rất riêng biệt, Đông Tây và Mới Cũ. Tại sao chúng ta không phát huy những văn hoá tuyệt đẹp của Đạo Phật, như Tinh thần Bồ Tát Đạo, Đạo hiếu làm con hay những cái nhỏ nhặt hơn, như ‘no mất ngon, giận mất khôn’; ‘đi thưa về trình’ v.v… Nhưng trên thực tế nhất là chúng ta hãy thay đổi những điều rất nhỏ trong phạm vi của tổ chức mình trước, rồi những thành đạt lớn bắt nguồn từ những thành đạt cỏn con. Vậy chúng ta xin hãy…
Sinh hoạt phải đúng giờ
Không lề mề, không xả rác.
Cách ứng xử tươi-mát
Tôn trọng, bảo bọc nhau.
Xa hơn nữa, chúng ta phải dạy các em bỏ những gì có tính cách riêng tư, nhỏ nhoi để lo cho cái chung. Quyền lợi tập thể, tổ chức hay cộng đồng phải lớn hơn quyền lợi các nhân, gia đình và phe nhóm. Những gì đang xảy ra quanh ta, quanh các em rất nhỏ so với Đạo pháp và Dân tộc, sao chúng ta không nghĩ đến những việc lớn hơn, như những bậc tiền bối, trong đó có những vị tử sỹ yêu nước, Phan Bội Châu, Phan Châu Trinh, v.v.... là những người “thấy rõ nhất những nhược điểm của xã hội và con người Việt Nam. Ông chủ trương phải thay đổi từ gốc rễ bằng cách nâng cao trình độ trí tuệ và đạo đức của người Việt, phát triển kinh tế - văn hóa, học những tư tưởng tiến bộ của Phương Tây, từ bỏ phong tục tập quán lạc hậu... Ông cho rằng Việt Nam phải phát triển kinh tế và giáo dục để tự lực tự cường, hội nhập vào thế giới văn minh rồi mưu cầu độc lập chứ không cầu viện ngoại bang dùng bạo lực giành độc lập. Chỉ như vậy mới bảo đảm Việt Nam sẽ có một nền độc lập chân chính, lâu bền về chính trị lẫn kinh tế trong quan hệ với ngoại bang cũng như nhân dân sẽ được hưởng độc lập và tự do cá nhân trong quan hệ với nhà nước."
2. Chuyển hóa / Thay đổi cái nhìn (perception) của mình / Transformation - A shift of Mind
Chúng ta phải có lối nhìn mạch lạc rằng Phật giáo là một lẽ sống, một lối sống lành mạnh an hoà. Sinh hoạt GĐPT cũng là một cách sống. Ví dụ như đại gia đình của Huynh trưởng Nguyên Túc, gia đình anh đi sinh hoạt chung từ Bà Ngoại đến các cháu rất thuần thục. Anh an nhiên vui vẻ hát bài “Ngày Chủ Nhật, ngày của riêng mình”; ôi một thứ xa xỉ, một niềm mà ít có gia đình nào có được. Nếp sống lành mạnh, dung hoà và đầy tâm linh như thế là nhựa sống cho mình, cho người và cho đời. Những sinh hoạt của tổ chức là Đồng-lợi, Lợi người lợi mình (Mutual Respect/Benefit). Tất cả các việc làm đều đặc trên nền tảng từ bi, trí tuệ, dũng mãnh và kiên trì để lợi người lợi mình. Nếu chúng ta ý thức được sự thành công của kẻ khác chính là của mình. Sự đau khổ hay thất bại của kẻ khác là của ta. Thì mình đã tạo được sự cảm thông, đùm bọc và tương thân tương ái lẫn nhau. Đi xa hơn, chúng ta nên ý thức rằng: Lợi ích và quyền lợi của mình là lợi ích và quyền lợi của ta, của tổ chức ta, của giáo hội ta, của đất nước ta. Hay nói một cách khác, nếu tất cả cán bộ các cấp hay nhân sự của các tổ chức đặc quyền lợi chung trên quyền lợi cá nhân thì nơi đó đều được phát triển tốt một cách nhanh chóng.
Trong kinh Pháp Cú có dạy: “Tâm dẫn đầu các pháp, Tâm tạo tác...”, ngày nay các nhà nghiên cứu về giáo dục như Peter Senge nhấn mạnh: “Sự phát triển trong việc giáo dục bắt nguồn từ sự chuyển hóa tâm thức” (Senge 2000). Ngài Dalai Lama trong cuốn sách Nghệ Thuật của Hạnh phúc (The Art of Happiness) có chia sẻ “chỉ đổi cách nhìn của mình không thôi cũng đủ làm cuộc sống nhẹ nhàng và an vui hơn”.
Tuổi trẻ như một tờ giấy trắng, nên phải tạo cơ hội và huân tập tuổi trẻ những cách nhìn đúng đắng nhằm chuyển hóa cách nhìn, cách suy nghĩ và hành động của giới trẻ. Albert Einstein có nói: “Only a life lived for others is a life worthwhile”. Cuộc sống vì người khác là cuộc sống xứng đáng nhất. “Mình phải chuyển đổi các em từ lối suy nghĩ vị kỷ đến vị tha, từ cái hẹp hòi, chỉ biết cho chính mình trong cái “tôi, cái của tôi”, v.v... thành cái của “chung, cái của chúng ta và của tất cả”. Dạy các em phải nhận thức rằng, tự lợi lợi tha. Tự giác và giác tha để cuối cùng được giác hạnh viên mãn.” (trích trong tập Tâm Bút của Trần Trung Đạo, trang 11). Thêm vào đó, trong thuyết Đầy tớ Lãnh đạo (Servant Leadership), phục vụ nhân sinh là nền tảng của lãnh đạo (Greenleaf, 1977). Trong Phật giáo đức Phật dạy: “Phụng sự chúng sanh là cúng dường Chư Phật” tạm dịch “service to all sentient beings is honoring to the Buddhas”. Chư Tổ lại dạy: “Nhất nhật bất tác, nhất nhật bất thực” nghĩa là “Một ngày không làm, một ngày không ăn”. Vì thế, ai trong chúng ta cũng phải tự chuyển hóa chính mình trước qua tư tưởng, suy nghĩ, lời nói và hành động của chính mình. Có thể là những việc làm thiết thực trong việc phục vụ nhân sinh và xã hội như giúp đỡ những người bệnh tật, giúp giảm các nạn nghèo đói, làm giảm đi bất công xã hội, giảm bớt ô nhiễm môi sinh, chăm lo người già, hướng dẫn thiếu nhi học tập đạo đức v.v... đó là sắc thái của sự lãnh đạo và giáo dục thực tiễn có hiệu quả.
3. Cần phát triển nhân sự (Talent management), nội lực và khả năng
Hiện nay tổ chức của chúng ta đang thiếu nhân sự, và những nơi có tạm đủ nhân sự thì khả năng song ngữ và kỷ năng cũng chưa đạt. Thêm vào đó, hàng lãnh đạo nòng cốt thì già cỗi, mà lớp trẻ, nói chung, đa phần vẫn còn thiếu nội lực tu học và khả năng sinh hoạt linh động trong môi trường mới. Vì thế, sự phát triển nhân sự là sự cần thiết và trên hết. Xin nhớ cho rằng, phát triển nhân sự không phải là quản lý huynh trưởng hay đoàn và là phát huy tiềm năng của huynh trưởng và đoàn sinh đó.
4. Cần phải Hoà hợp và không làm khổ cho nhau
a. Chúng ta thực sự chưa có hoà hợp vì nhiều lý do chung khách quan. Nhìn chung là có nhiều thế lực bên ngoài, nhiều nội ma và ngoại chướng. Có lẽ vì chúng ta thiếu nội lực và khả năng để đối phó những thế lực đó. Thêm vào đó, những sinh hoạt trong tổ chức chúng ta có tính nội bộ, chưa mở rộng đến quần chúng. Việc đầu tiên để hoá giải việc này, mà nhận chân và chấp nhận chúng ta đang có vấn đề và đang cố gắng tìm mọi cách để khắc phục và thay đổi những việc liên quan đó.
Một trong những việc hoà hợp mà chúng tôi chứng kiến trong Đại hội X vừa qua của BHD Hoa Kỳ là tinh thần Tương sám, Vô chấp - Vô ngã mà Huynh trưởng Tâm Duy Phan Duy Chiêm, đã khấn lời sám hối trước Ba Ngôi Tam Bảo, trước Chư vị Tiền Bối Hữu Công, Chư Tôn Thiền Đức và tất cả quý Huynh trưởng Đại biểu có mặt và vắng mặt là: “Tôi xin nói điều này với tất cả các anh chị em có mặt ở đây và với tất cả những anh chị em vắng mặt, trong thời gian anh làm trưởng ban vừa qua, nếu có điều gì sai sót, mà làm phật lòng anh chị em, anh xin thành tâm sám hối..." Trong cuộc sống hằng ngày của chúng ta, có mấy ai“Khi sáu căn tiếp xúc sáu trần. Đem ý thức tinh chuyên phòng hộ".Hay áp dụng như lời kinh đơn giản này:"Sáng cho người thêm niềm vui, chiều giúp đời bớt khổ".Tất cả chúng ta đang có mặt ở đây là những người bời ngược dòng, đang cưu mang và hành trì Bồ Tất Hạnh, chẳng lẽ những cái ngã nhỏ nhỏi, những cái ta đã ghét, hay những chấp kiến bất lợi mà chúng ta không dẹp được?
b. Sự thật mà nói, chúng ta đã làm khổ nhau quá nhiều. Chúng ta đã thiếu chánh niệm với nhau. Chúng ta làm không những làm thế mỗi khi ngồi lại với nhau mà con qua các văn kiện hành chánh, truyền thông báo chí đến các mạng xã hội (social media). Còn nữa, chúng ta lại lạm dụng truyền thông báo chí để chuyển tải những thứ không lành mạnh cho nhiều người. Những việc này cần phải được chuyển hoá cho lợi ích của mình và của người, chúng ta có quyền lựa chọn và có thể cho mình là một nhà ký giả, một nhà truyền thông, một người huynh trưởng 24/7/365, không chỉ riêng mỗi cuối tuần sinh hoạt. Nhưng hơn thế nữa, chúng ta, hàng huynh trưởng là những nhà giáo dục.
c. Có lẽ những biện pháp kịp thời là, chúng ta cần có chương trình huấn luyện, các khoá tu dưỡng và tu học định kỳ cho các hàng Htr. Riêng các Hội đồng cấp cũng vậy, cho những buổi thực tập riêng. Thêm vào đó, tuổi trẻ cần những sinh hoạt có ấn tượng ví dụ như trại kết thân, trại họp bạn toàn quốc v.v… mà chúng ta rất lâu mới tổ chức trại họp toàn quốc. Cho nên, ít nhất là phải có 1 trại họp bạn trong mỗi một nhiệm kỳ 4 năm.
Ngoài ra, cần phải cộng tác với các tổ chức, hội đoàn có tầm nhìn xa và có giá trị cốt lõi thánh thiện để thay đổi cuộc sống của quần sinh. Các cuộc thay đổi lớn đều cần một sự đoàn kết. Sự thay đổi trong đạo Phật cũng vậy, cần sự tương thân tương trợ lẫn nhau. Sức mạnh của tổ chức không nằm ở vài huynh trưởng lãnh đạo và nằm nơi phát huy tiềm năng của tuổi trẻ. Vậy, từ việc nối kết, phát triển nhân sự và tiềm năng là cần thiết để tạo ra các thay đổi cần thiết cho bây giờ và mai sau.
Cuối cùng để sự hoà hợp được viên dung, mỗi chúng ta đều ý thức là chúng ta cần có nhau; thấy được tình lam hữu đó mà cùng nhau gắn bó, xóa đi những chấp ngã, dị biệt, những vụng về và sơ suất của nhau để chung cùng một lý tưởng cao đẹp.
5. Tam Giáo (Thân, Khẩu, Ý Giáo) - Lời nói cần phải đi cùng với hành động
Mỗi người Huynh trưởng của chúng ta là một người làm giáo dục. Hơn nữa, chúng ta phải là những người con Phật hành trì những lời dạy bảo của Đấng từ phụ Thích Ca Mâu Ni.
Xin hãy là một Hành giả bạn nhé - Be a Buddhist Practitioner. Trong cuộc đời của Đức Phật, bài pháp quý giá và hữu dụng nhất là thân giáo mà chính Ngài đã sống và truyền đạt. Tam giáo của Ngài, 3 nghiệp thanh thịnh của Ngài trong đời sống hằng ngày của Đức Phật là kim chỉ nam trong cuộc sống của chúng ta. Còn kinh luật luận chỉ là phương tiện. Nói rộng ra kinh điển là những gì Đức Phật muốn dạy cho chúng sinh, mà mục đích tối hậu là gì chúng ta đều đã biết. Vậy xin hãy đừng là học giả mà là hành giả xứng đáng của Người. Như Thầy Thích Đạo Quảng, một vị Tăng tài và trẻ tại hải ngoại có dạy: Mỗi người chúng ta có ba cuộc sống: cuộc sống cá nhân (private life), cuộc sống công cộng (public life), và cuộc sống tâm linh (spiritual life). Khi chúng ta có cuộc sống tâm linh, chúng ta có tất cả cả ba cuộc sống vừa kể. Vậy, chúng ta hãy cùng thực hành sự giáo dưỡng của Đấng từ phụ Thích Ca Mâu Ni bằng thân giáo, khẩu giáo và ý giáo của Ngài.
Nói tóm lại như bác sỹ Tâm Minh Lê Đình Thám, một trong những sáng lập viên tổ chức Gia Đình Phật Tử, đã nhấn mạnh, “Không có một thành tựu vĩnh cửu nào mà không nghĩ đến tuổi trẻ”. Tuổi trẻ Phật giáo Việt Nam tại Hải ngoại nói chung, và Hoa Kỳ nói riêng đang thật sự mất hướng, vậy chúng ta, đang có cơ hội tiếp cận khi các em đang sinh hoạt với GĐPT, cần xác định một hướng đi có Phật tính đầy nhân văn, nhân bản, từ bi và trí tuệ mang truyền thống tâm linh của dân tộc. Để kết bài thuyết trình này, em xin mạn phép đặc vài câu hỏi để trại sinh Vạn Hạnh I đồng suy gẫm và tự tìm câu trả lời cho chính mình và cho tổ chức GĐPT.
1. Gia tài nào quý anh chị hữu trách truyền trao cho thế hệ kế thừa?
2. Chúng ta đang truyền đạt đến huynh trưởng và đoàn sinh những gì? Làm sao chúng ta biết?
3. Chúng ta muốn/sẽ/nhìn thấy gì ở tổ chức GĐPT Việt Nam, ở Phật Giáo VN tại Hoa Kỳ trong 10 năm, 20 năm và 50 năm nữa?
Tài Liệu Tham Khảo:
1. Bach, P. X. (2014). Mindful Leadership–A Phenomenological Study of Vietnamese Buddhist Monks in America with Respect to their Spiritual Leadership Roles and Contributions to Society (Doctoral dissertation, Drexel University).
2. Harvey, Peter (2013). An Introduction to Buddhism: Teachings, History and Practices (2nd ed.). Cambridge, UK: Cambridge University Press. p. 5. ISBN 9780521676748. Retrieved 2 September 2013.
3. Johnson, Todd M.; Grim, Brian J. (2013). The World's Religions in Figures: An Introduction to International Religious Demography (PDF). Hoboken, NJ: Wiley-Blackwell. pp. 34–37. Retrieved 2 September 2013.
4. Pew Research Center, Global Religious Landscape: Buddhists.
5. Tâm Minh - Vương Thuý Nga và Nguyên Túc Nguyễn Sung, Số Lượng Đoàn Sinh tại Hải Ngoại và Hoa Kỳ. Personal communication. 2015.
6. Wikipedia.com, Buddhism by country. Retrieved 28 July 2015. https://en.wikipedia.org/wiki/Buddhism_by_country
7. Wikipedia.com, Demographics of Vietnam. Retrieved 20 June 2016. https://en.wikipedia.org/wiki/Demographics_of_Vietnam
* Đây là bài Pháp luận có Chủ đề: Tại Sao Giới Trẻ Ít Đến Với Đạo Phật? do Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất Hoa Kỳ và Canada tổ chức trong KHÓA TU HỌC PHẬT PHÁP BẮC MỸ LẦN V tại San Diego, CA từ ngày 6 đến ngày 10, tháng 8 năm 2015. Nguồn http://phebach.blogspot.com/2015/09/phap-luan-chu-e-tai-sao-gioi-tre-it-en.html