Wednesday, March 25, 2020

Đọc Thơ Vĩnh Hảo - Gã Cùng Tử An Nhiên "Phiêu Bồng"


Đọc Thơ Vĩnh Hảo - Gã Cùng Tử An Nhiên "Phiêu Bồng" 

Vĩnh Hảo, vốn dĩ là một nhà văn đa tài, từ cuối thập niên 1980's với những những tác phẩm mà chúng tôi ưa thích như: Thiên Thần Quét Lá (tập truyện), Núi Xanh Mây Hồng (truyện dài), Cởi Trói tập I & II (truyện dài), và Mẹ, Quê Hương và Nước Mắt (tập truyện), v.v... Ngoài ra, ông là một nhà báo, nhà thơ và hơn hết là một hành giả Đạo Phật nghiêm túc, từ tốn và chuẩn mực. Chúng tôi may mắn được xem ông như là một pháp hữu thân tín. Những gì cần nói, ông nói; những gì cần làm ông làm; thậm chí những gì im lặng, ông lại im lặng cũng vì lợi ích chung và cho số đông. Ông vốn nhẹ nhàng, thầm lặng nhưng nổi bật trong những gì ông để ý đến từ văn hoá, nghệ thuật, Phật giáo đến công cuộc hoằng pháp, và kể cả việc làm từ thiện ở miền sâu, miền xa tại Việt Nam.

Lần đầu khi tôi đọc tác phẩm Mẹ, Quê Hương và Nước Mắt của ông, tôi đã quý mến ông. Và khi tôi bắt gặp những tuyển tập khác của Vĩnh Hảo, tôi càng thương cho người tu sỹ và Phật giáo Việt Nam nói riêng và cho Quê hương Việt Nam nói chung. Có người nói xã hội Việt Nam trước thời kỳ "Đổi mới, 1986" là thêm một vết đen trong lịch sử, nhưng âu đó cũng là hạt mầm cho những áng văn và thơ hay của Vĩnh Hảo. Trong nhà Phật, trong phiền não vốn đã có hạt giống Bồ Đề. Ở đây, tôi chỉ muốn nói về dòng thơ của Vĩnh Hảo qua thời gian của một con người tầm thường, như bao người người Việt Nam khác để hiểu về lịch sử, con người và một kẻ “cùng tử lưu vong” xa quê hương, nhưng quan trọng hơn là một cái nhìn rất thoáng, một tư tưởng rất trong, và sự dấn thân vô giá của một hành giả Phật giáo trong suốt những thập niên qua.


 Vậy chúng ta hãy cùng tác giả thong dong trong bụi đường, quán trọ trần thế này nhé; hãy vừa đi, vừa thở, vừa cười và quán chiếu các bạn nhé.  Chúng tôi bắt đầu từ hai bài thơ không ghi thời gian, nhưng chúng tôi biết ở một giai đoạn tác giả còn trẻ, ở cái tuổi trưởng thành, 18. Một thời, ông cũng đã:

Bụi đường
(Một trong vài bài thơ của tuổi 18 còn nhớ được)

Mắt biếc như sao rung trời quạnh
Tóc huyền như suối động sông êm
Chuếnh choáng ta về cô phong đảnh
Bụi đường lãng đãng cuốn theo tim.

Quán trọ
Chiều ngang quán trọ mưa tầm tã
Bụi đường theo nước cuốn lao xao
Người xuôi kẻ ngược rộn trăm ngả...
Không xóa nổi bóng dáng kiều nga
Chiều bên nay mưa rơi lã chã
Mắt kiếng mờ nhớ một người xa
Tình yêu sao chia sầu đôi ngả
Ðể mưa về lạnh ướt hồn ta...

Chỉ 3 bài thơ đầu, chúng ta có thể hiểu rằng những cảm xúc, cảm thọ… cái nghèo khó, gian truân, hay thậm chí là sự tù đày, và nói rộng hơn là cuộc đời này, rồi cũng sẽ trôi qua… Ở Vĩnh Hảo, cũng vậy, nhưng tư tưởng và  hành động ở ông đều mang tinh thần nhập thể. Mọi sự rồi cũng trôi qua như nước qua cầu, nhưng ông nhẹ bước an lạc vào đời, ung dung thõng tay vào chợ, những con đường cát bụi, đầy chông gai, trắc trở, nhưng ông không từ nan mà bước vào để làm đời thêm đẹp, đạo thêm thơm.   

Vào đời và tu tập, ông lại nhận chân tất cả đều là phù du huyễn hóa, cái mong manh của sự đời, của thay đổi của nhân tình thế thái, của chế độ. Rồi sau đó, ông cũng đã khước từ đành chia biệt người mình thương yêu; trong đó, có lẽ là người tình của mình nữa, để tìm đường vượt biển và đến bến bờ tự do. Chúng tôi chép lại đây những bài thơ tiêu biểu theo dòng thời gian để quý vị độc giả và có cảm nhận riêng mình theo chuỗi thời gian của nhà văn Vĩnh Hảo. Qua đó, hầu hiểu được giai thoại của một con người mà tôi quý kính. 

Hãy trôi qua

Mây phiêu bồng hãy trôi qua
Ðàn dây sáu sợi phím nhòa thời gian
Tóc tiên gửi lại thiên đàng
Con đường bụi đỏ trần gian tôi vào.
(1979)

Vầy cuộc phù du

- Về rừng có nhớ gì không?
Chiều đi để lại một khung trời hồng.

- Em đi qua phố người đông
Tâm tư khép lại còn trông một người.

- Thôi em đời tợ sương rơi
Hôn nhau rồi tiễn ngàn khơi đôi bờ.

- Dù mong manh giọt sương mơ
Cũng trên huyễn mộng cũng trơ trầm phù.

- ... Ừ, ta vầy cuộc phù du
Tử sinh âu cũng sương mù mà thôi...
(1982)

Đường ta và đường em (I)

Đèn chong, giấy trắng, mực đầy
Mà không ghi nổi một ngày xa nhau
Rừng im lẻ bóng đêm sâu
Cố quên em để tình sầu phôi pha
Anh theo tiếng gọi sơn hà
Thôi em ở lại quê nhà đừng trông.
(1982)

Ngộ

Nắng lên ngọn lá tàn sương
Thiền sư chống gậy lên đường tìm hoa
Nụ hoa đã héo chiều qua
Thiền sư bẻ gậy ngồi ca trên rừng.
(1982)

Tịnh khẩu

Cười hay khóc thì đời cũng nhạt tẻ
Kiếp cuồng điên tôi đi tìm chính tôi
Quanh quẩn mãi rồi về đây nín lặng
Nói hay không thì ngày cũng qua rồi.
(1983)

Trà khuya

Phật điện không cài cửa
Tha hồ ánh trăng len
Sư vào xin tí lửa
Nhúm một bình trà sen
(1984)

Buông

Mưa về trên thiền thất
Buông giọt xuống mái tranh
Con cú trên cây tràm
Buông tiếng xuống ruộng xanh

Sư ngồi lật trang kinh
Chẳng buông một âm thanh
Lặng nghe
rồi chợt nghe
Buông hết ngàn Phật danh.
Long Thành 1984

Mong

Em bé cười
Cười ngây thơ
Mơ khoảnh trời
Trời xanh lơ...

Ngoài thép rào
Người tỉnh bơ
Trong thép rào
Bé mong chờ

Mây qua đầu
Bay, bay, bay
Bé cúi đầu
Mắt cay, cay...
1987 (trại tị nạn Songkhla, Thái Lan)

Trong sương khuya

Chìm trong phố thị mù sương
Mắt cay vận nước
sầu vương một hồn
Đâu người còn nhớ non sông
Cùng ta uống cạn một dòng tâm can.
(Virginia 1988)

Ðêm ở lại Kim Sơn

Sao xuống nửa trời
Người nửa mộng
Ðầu tùng lặng lẽ bóng đêm loang
Sớm mai thức dậy
Nghe
Chim động
Nửa thềm sương trắng
Mộng đời tan.
(1993)

Nhớ Thầy

Ngày Xuân, lang thang trên phố
Tìm cái chi?
Mắt đỏ - bụi mờ
Tôi đứng lại bên đường, lau mắt kiếng
Rồi đi, đi theo chiều cuốn của dòng người
Chen chúc nam thanh nữ tú
Lao xao tiếng nói giọng cười
Đôi mắt vẫn đau rát
Dừng lại, dừng lại ở một góc vắng
Lau mắt kiếng
Lau mãi vẫn còn đau

Người ta kêu gọi những gì?
Thương yêu - khoan thứ - tỉnh thức...
Nhưng chỉ thương yêu những người ấm no
Khoan thứ cho những kẻ tội ác tiếp tục tội ác
Tỉnh thức để mở mắt nhìn nhau
trong trái tim đồng nhịp hưởng thụ…

Thương yêu - Khoan thứ - Tỉnh thức!
Ôi chỉ là những ngụy ngôn, xảo ngữ
Con người thời nay chỉ giỏi trò hóa trang
Tiếp xử với nhau qua những mặt nạ
Ông thành bà, bà thành ôn
Tên cướp được khen: nhà đạo đức
Ma vương tự xưng: đã thành Phật
Thi sĩ cuối mùa tủm tỉm làm thiền sư...

Tôi đứng lại bên đường, lau mắt kiếng
Nhớ dáng Thầy gầy guộc
ẩn nhẫn thiền tọa trong ngục tù quê hương.
(1997)

Hóa sinh

Người từ phương trời mây trắng bay
Dừng bước cô phong nở hoa đầy
Nửa đời cùng tử về ca hát
Tấu khúc tri âm rung chốn này.

Cỏ thơm tuệ giác, mây vô tướng
Cao vút non ngàn đá trổ hoa
Suối reo chim hót hằng tự tại
Bên trời cười vỡ tiếng hoan ca.
(Rằm tháng Tư, năm 2010)

Tri ân

Giọt sương rơi trên lá đêm
Giọt buồn buông xuống hồn im cuối mùa
Lặng nhìn thế sự hơn-thua
Đau cơn bão lốc thổi qua phận người...
Thương em vai nhỏ chơi vơi
Ân tình nặng gánh một đời gian nan
Theo anh một chuyến đi hoang
Hai mươi năm biệt vẫn tròn thủy chung...
Thương em nói sao cho cùng,
Lẳng lặng ghi xuống mấy dòng tri ân.
(05.05.2010)

Tìm Phật, Tìm Em

Tìm Phật, chỉ thấy em
Hương sắc tỏa, bên thềm
Bâng khuâng đường hai nẻo
Tựa cửa
Lòng buồn thêm.

Tìm em, chỉ thấy Phật
Môi cười nụ an nhiên
Buông một đời tất bật
Mở cửa
Đâu cũng thiền.
(15/5/2014)

Trước thềm xuân mới

Mưa rơi, mưa rơi, ngập nước những con đường
Lá vàng trải thảm trên sân, ướt đẫm ngày cuối đông
Nắng trưa xiên qua những nhánh cây trơ xương khi mưa tạnh
Nơi góc cửa sổ, con nhện nằm ủ một cuộn tơ
Con tàu ký ức thuở thiếu thời xồng xộc lăn bánh quay về, kéo còi, nhả khói
Những chuyến phiêu du không bao giờ có thực
Cánh buồm lộng gió xa khuất sóng trùng khơi.
Hồn vô tư gửi cửa thiền thanh vắng
Sáng quét lá, chiều nghe kinh, cất cao mật ngôn Phạn ngữ
Đáy tâm sâu hun hút, chơi vơi những bóng hình, bồng bềnh những ẩn điệu
Mộng ban sơ, lặng lẽ, trôi đi những tháng ngày…
Bình minh xe hoa đi qua, sắc hương diễm lệ reo vui theo nắng
Hoàng hôn xe tang trở về, mắt buồn đượm một trời không
Hí trường lao xao giọng cười tiếng hát
Những tên hề đeo mặt nạ trắng, với những vòng mắt đen thui, nhào lộn nhảy nhót
Khóe miệng luôn kéo lên những nụ cười tươi mãi không phai
Lãnh tụ, lãnh đạo, chưa bao giờ lãnh hội được cùng đích của số đông
Rêu rao những chương trình, những chính sách ưu việt không bao giờ thực hiện nổi
Bán đất, bán biển, bán cả linh hồn cho tham vọng ngôi cao
Bầy tiểu yêu xúm xít nịnh nọt những kẻ mị dân, giả dối
Đẩy dân lành vào thảm cảnh đau thương
Thoáng chốc bể dâu, nhà đẹp vườn xinh trở thành bình địa
Xuân Tết về biết chào đón nơi đâu!
Chiều tha hương, bỗng nhớ con tàu năm ấy
Đưa viễn mộng hun hút chân mây
Xuân đến, xuân đi, bao lần trùng lặp
Mộng ban đầu u uẩn mắt xanh xưa
Mục đồng cưỡi trâu vi vu cánh diều vương khói nhạt
Bướm vàng chui ngược vào kén, rụng đôi cánh mỏng phiêu du,
mơ làm con sâu trong giấc ngủ yên lành
Vườn xanh hoa nở trắng như mây
Gió lay chiếc phong linh hiên ngoài
Chim non giật mình quay cổ ngóng
Tiếng hót đầu mùa vọng mãi những xuân sau
Lật trang kinh, lòng an hòa
Thương nhân sinh thống khổ bao đời kiếp
Điểm nhẹ tiếng chuông khi mặt trời rực rỡ trên đại dương xanh
Xuân sang, mùa đã sang
Nghe sâu sóng vỗ chơn thường.
(18/01/2019)

Đọc những vần thơ trên, chúng tôi tin chắc rằng quý bạn đọc có thể hiểu được một phần nào về Vĩnh Hảo. Một con người sống trọn vẹn với đạo, với đời, với quốc gia và dân tộc. Cũng xin được nói thêm, Vĩnh Hảo vốn là dòng hoàng tộc, nguyên quán của ông là thôn Vĩ Dạ, nội thành Huế, trong gia tộc Nguyễn-Phước. Ông sinh ở thành phố Nha Trang và đã xuất gia năm 1970 tại Chùa Hải Đức tại thành phố biển thơ mộng này. Năm 1987, ông vượt biển đến Songkhla, Thái Lan;  sau đó, chuyển qua trại chuyển tiếp tại Bataan, Philippines vào tháng 12, 1987 và định cư vào Mỹ vào tháng 8, 1988. Ông chính thức rời bỏ chiếc áo tăng sĩ, làm cư sĩ tại gia năm 1990. Ông cũng từng là Tổng Thư Ký, kiêm Phụ tá Chủ Bút tạp chí Chân Nguyên (1992 - 2002); Tổng Thư Ký tạp chí Phật Giáo Hải Ngoại, Hoa Kỳ (1994); Chủ nhiệm kiêm Chủ bút tạp chí Phương Trời Cao Rộng (2006 - 2008); Chủ bút nguyệt san Chánh Pháp (từ 2009 đến nay).

Ngoài ra, ông còn cộng tác với các báo chí văn học hải ngoại như Văn Học, Khởi Hành, Thế Kỷ 21, Gió Văn, Người Việt, Việt Báo, Hợp Lưu, Đi Tới, v.v…; có nhiều bài đăng trên các báo và các trang lưới Phật giáo trong nước và ngoài nước. Xin trân trọng giới thiệu thêm những tác phẩm của Ông trong những năm qua.

Tác phẩm đã xuất bản:
-  Mẹ, Quê Hương và Nước Mắt – truyện ngắn, 1989
-  Núi Xanh Mây Hồng – truyện vừa, 1991
-  Biển Đời Muôn Thuở – truyện ngắn, 1992
-  Thiên Thần Quét Lá – truyện ngắn, 1993
-  Phương Trời Cao Rộng – truyện dài, 1993
-  Sân Trước Cành Mai – tùy bút, 1994
-  Bụi Đường – truyện dài, 1995
-  Chạnh Lòng Tiếng Thơ Rơi – thơ, 1996
-  Ngõ Thoát – truyện dài, 1996
-  Cởi Trói – truyện dài, tập 1, 1997
-  Cởi Trói – truyện dài, tập 2, 1997
-  Con Đường Ngược Dòng – tùy bút, 1998
-  Giấc Mơ và Huyền Thoại – truyện ngắn, 2001.
 Trong Những Thoáng Chốc – tùy bút và tạp ghi, 2014.
- Lời Ca Của Gã Cùng Tử – Tuyển tập 100 Lá Thư Tòa Soạn Nguyệt San Chánh Pháp, 2020.

Thôi thì trước nhưng trầm luân của thế tục và cõi Ta Bà này, chúng ta hãy phiêu bồng lãng du theo sự tuần hoàn của xuân-hạ-thu-đông trong quán trọ cuộc đời vậy… Và có chút thời gian và năng lượng, xin hãy yêu thương cuộc đời này hơn nữa và tô thắm cuộc sống này ngày càng tươi đẹp để cho chúng ta và những thế hệ mai sau càng đến gần bến bờ Chân-Thiện-Mỹ.

Trầm tư trước bình minh
(tặng cây phong trước cửa sổ bàn viết)

Sáng mùa Xuân
Em đứng giữa trời mờ
Ươm những nụ lơ thơ
Yêu em qua mộng ảo
Ngày xuân vui không ngờ

Sáng mùa Hạ
Tóc đã dài hơn xưa
Em phơi ngực ơ hờ
Ngất ngây hồn đi lạc
Ta vấp giữa vú thơ

Sáng mùa Thu
Một tách trà thơm hương
Ngắm em nhớ vô thường
Tóc xanh nay vàng úa
Ngực đầy giờ trơ xương

Sáng mùa Ðông
Ngoài cửa một trời sương
Chân ai vội bên đường
Lá khô khua niềm nhớ
Nhớ một trời đông phương.

Xin trân trọng giới thiệu những tác phẩm và tác giả, Vĩnh Hảo, với lòng trân trọng nhất. Cầu chúc bình an và thanh thản.

Tâm Thường Định,
Sacramento, CA.
Đầu Xuân Canh Tý, 2020.

Hy Sinh Người Già Để Cứu Vãn Kinh Tế?


Hy Sinh Người Già Để Cứu Vãn Kinh Tế?

Lệnh “Cách Ly Tại Nhà” của Tổng Thống Donald Trump nhằm kiềm chế sự lan tràn của dịch cúm Corona tại Hoa Kỳ…dĩ nhiên là phải trả giá về kinh tế. Nạn thất nghiệp gia tăng, sự thiệt hại về kinh tế có thế ước lượng cả chục ngàn tỉ Mỹ Kim. Và nếu tình trạng khẩn trương kéo dài trong ba tháng có thể đưa đến kinh tế suy xụp. Hầu hết các quốc gia trên thế giới đều chấp nhận hy sinh kinh tế để cứu mạng người.

Thế nhưng tại Hoa Kỳ có khác. Trước nhu cầu tái tranh cử vào Tháng 11 tới đây. Nếu kinh tế cứ như thế này thì hy vọng tái cử rất mong manh. Do đó Ô. Trump gợi ý có thể hủy bỏ sắc lệnh phong tỏa vào 12/4 tới đây, tức sinh hoạt sẽ trở lại bình thường. Khi đó, hai tình huống có thể xảy ra. Thứ nhất: Khi lệnh cách ly hủy bỏ, dịch cúm Corona sẽ lan nhanh và lúc đó vô phương cứu chữa, người ta sẽ chết hàng loạt. Thứ hai: Có thể dịch cúm cũng sẽ lan tràn nhưng ở tốc độ vừa phải. Người trẻ có sức chịu đựng sẽ không chết. Còn người già nếu có chết vài ngàn cũng không sao nhưng kinh tế hồi phục.

Ô. Dan Patrick - Phó Thống Đốc Tiểu Bang Texas – 69 tuổi, một đồng minh của Ô. Trump trong một cuộc hội thoại trên Fox News nói rằng các cụ ông cụ bà (grandparents) Hoa Kỳ sẵn sàng chết vì dịch cúm Corona để cứu vãn nền kinh tế. Ông lên án việc phong tỏa và đóng cửa các cơ sở không cần thiết. Nếu việc phong tỏa kéo dài ba tháng thì nền kinh tế Mỹ sẽ xụp đổ và ông không muốn cả quốc gia phải hy sinh. Ông còn nói rằng ông sẵn sàng hy sinh tính mạng mình cho nền kinh tế.

Trong khi đó Ô. Andrew Cuomo- Thống Đốc Tiểu Bang New York lại có quan điểm ngược lại. Là tiểu bang chịu ảnh hưởng nặng nề bởi dịch cúm Corona với 20,875 người nhiễm bệnh và 157 người chết, Ô. Cuomo nói rằng, “Mẹ tôi không thể bị hy sinh, mẹ của bạn cũng không thể bị hy sinh và các anh chị em của chúng ta cũng không thể bị hy sinh và chúng ta sẽ không chấp nhận tiền đề cho rằng mạng người có thể bỏ đi  và chúng ta chũng không đặt đồng đô-la lên sinh mạng của con người.” (New York Gov. Andrew Cuomo took issue with the ethical choices implied by Trump’s priorities, saying, “My mother is not expendable and your mother is not expendable and our brothers and sisters are not expendable, and we’re not going to accept a premise that human life is disposable, and we’re not going to put a dollar figure on human life.”)

Chúng ta nghĩ gì về chủ trương “hy sinh người già để cứu vãn kinh tế”? Là một Phật tử với tinh thần Từ Bi và “Khẩu hòa vô tránh”, tôi không dám tranh luận về vấn đề này mà chỉ đưa ra ý nghĩ là: Nhân đạo là gì? Nhân đạo là tôn trọng mạng người, bảo vệ mạng người, cứu người mà không phân biệt, tuổi tác, màu da, chủng tộc và không thể có bất cứ lý do gì để hy sinh mạng người. Nếu vì lý do kinh tế mà chúng ta phải hy sinh người già tức là chúng ta theo “Chủ nghĩa nhân đạo có điều kiện”. Xin nhớ, ngoài nhân đạo chúng ta còn có tình đồng loại theo câu nói, “Một con ngựa đau cả tàu không ăn cỏ” và “Máu chảy ruột mềm”. Khi gặp khốn khó chúng ta phải chung sức, chung lòng, chia ngọt xẻ bùi và chia xẻ trách nhiệm chứ không phải ích kỷ chỉ nghĩ tới mình. Chúng ta không thể hy sinh một tầng lớp nào đó cho phúc lợi của một tầng lớp nào đó.

Trong lịch sử nhân loại có một thời kỳ bi thảm đó là chủ trương thanh lọc chủng tộc của Hitler. Theo Biên Niên Sử Thế Kỷ XX (Chronicle of the 20th Century), vào ngày 26/7/1933, bằng một loạt các sắc lệnh, Hitler ra lệnh lành mạnh hóa chủng tộc để không còn người mù, câm, điếc, thân thể méo mó, di truyền, khờ dại, động kinh…ngăn cấm lai giống để chỉ đẻ ra giống Aryan thuần chủng thông minh, đẹp đẽ, thân hình cao lớn, tóc vàng. Bằng ý tưởng điên rồ và man rợ, Hitler vì muốn có một giống Đức thuần chủng và đẹp đẽ, đã giết chết biết bao nhiêu người vô tội. Ai cũng có quyền sống dù đó mà người già nua, tàn tật, dui mù, câm điếc. Đó là lòng nhân đạo hay lý tưởng nhân đạo. Là lãnh đạo đất nước chúng ta phải có trách nhiệm bảo vệ mạng sống của toàn dân chứ không phải hy sinh lớp người này để cứu lớp người kia.

Là người Phật tử, hành động cần thiết trong cơn đại nạn là không kinh hoảng, không kỳ thị, nhẫn nại chịu đựng, cầu nguyện và phát triển tâm lành, đồng thời tin tưởng vào các nhà khoa học, bác sĩ, dược sĩ và những quyết định đúng đắn của chính quyền.

Nam Mô Cứu Khổ Cứu Nạn Linh Cảm Quán Thế Âm Bồ Tát,

Thiện Quả Đào Văn Bình

(California ngày 25/3/2020)





Huyền Học Đạo Phật và Thiên Chúa Của D. T. Suzuki

Nhân đọc: Huyền Học Đạo Phật và Thiên Chúa Của D. T. Suzuki
Thích Phước An


MEISTER Eckhart, sinh tại nước Đức, là nhà thần bí vĩ đại của Thiên Chúa Giáo thời Trung Cổ. Sự xuất hiện của Eckhart đã làm đảo lộn những người đi trước ông, D. T. Suzuki trong Mysticism; Christian and Buddhist (xin xem Huyền Học: đạo Phật và Thiên Chúa, bản dịch của Như Hạnh, Kinh Thi 1974) đã nói rằng, lần đầu tiên khi đọc Eckhart, ông đã xúc động tràn trề, và D. T. Suzuki cho rằng, Eckhart đúng là “một tín đồ Thiên Chúa Giáo phi thường” và Thiên Chúa Giáo của Eckhart, D. T. Suzuki nghĩ là “thật độc đáo và có nhiều điểm khiến chúng ta do dự không muốn xếp ông thuộc vào loại mà ta thường phối hợp với chủ nghĩa hiện đại duy lý hóa hay chủ nghĩa truyền thống bảo thủ. Ông đứng trên những kinh nghiệm của riêng mình, một kinh nghiệm phát sinh từ một tư cách phong phú, thâm trầm, và đạo hạnh”. Và như vậy D. T. Suzuki, viết tiếp về Eckhart: “Ông cố hóa giải những kinh nghiệm ấy với cái loại Thiên Chúa Giáo lịch sử rập khuôn theo những truyền ký và huyền thoại. Ông cố đem cho chúng một ý nghĩa “bí truyền” hay “ nội tại” và như thế ông bước vào những địa vực mà đa số những tiền nhân lịch sử của ông không chạm đến”.
M. Eckhart nỗ lực giải thích Thánh Kinh trong một ánh sáng khác. Ví dụ vấn đề thời gian đối với Chúa không hề là thời gian theo quan niệm toán học:
“Ngày của linh hồn và ngày của Chúa khác nhau. Trong ngày tự nhiên của nó linh hồn biết tất cả vạn vật trên thời gian và không gian; chẳng có gì xa hay gần. Và chính vì thế mà tôi nói, ngày hôm ấy vạn hữu bình đẳng. Nói về thời gian như là được sáng tạo bởi Chúa ngày mai, hôm qua, hẳn là nói điều phi lý; Chúa tạo ra thế gian và vạn vật trong cái bây giờ hiện tại. Thời gian trôi một ngàn năm qua đối với bây giờ cũng hiện tại và gần gũi đối với Chúa như chính giây phút này. Cái linh hồn ở trong cái bây giờ hiện tại này, trong đó đấng Cha sinh ra đấng Con duy nhất và cũng trong sự sinh ấy linh hồn được hồi sinh trong Chúa, đó là sự sinh; cũng nhanh như linh hồn được tái sinh trong đấng Cha đang sinh đấng Con duy nhất của Ngài trong nó”.
Và như vậy M. Eckhart cho chúng ta thấy rằng, thời gian là vô thủy và vô chung:
“Chúa Đấng Cha và Đấng Con không liên hệ gì với thời gian. Sinh không ở thời gian, nhưng ở tận cùng và giới hạn của thời gian. Trong những vận hành quá khứ và vị lai của sự vật, trái tim ta lướt qua; nỗ lực để biết những sự vật vĩnh cửu thì thật là vô ích, phải để tâm trí vào những sự vật thiêng liêng”.
Cách giải thích Thánh Kinh như trên thì thật khó mà người Thiên Chúa Giáo chấp nhận, nhất là Thiên Chúa Giáo thời Trung Cổ. D. T. Suzuki nhận xét đoạn văn của Eckhart: “Từ những đoạn văn này, chúng ta thấy rằng câu chuyện sáng tạo trong Thánh Kinh hoàn toàn mâu thuẫn; nó không có được ngay cả một biểu tượng trong Eckhart, và hơn nữa, Chúa của ông cũng chẳng hề giống đức Chúa mà hầu hết người Thiên Chúa Giáo quan niệm. Chúa không ở trong thời gian có thể liệt kê được theo toán học. Sáng tạo tính của Ngài không có tính cách lịch sử, không có tính cách ngẫu nhiên, và không tài nào đo lường được. Nó diễn biến liên tục, không khởi thủy, không chung cục. Đó không phải là một biến cố của hôm qua hay hôm nay hay ngày mai, nó phát sinh từ vô cùng, từ hư vô, hay từ không tuyệt đối.” Và chúng ta có thể đọc thêm câu nói này của Augustin: “Chúa đang làm hôm nay tất cả những gì sẽ được làm trong ngàn năm vị lai nếu như thế gian tồn tại được lâu dài như thế và Chúa vẫn đang làm hôm nay tất cả những gì Ngài đã làm trong nhiều ngàn năm dĩ vãng”.
Nhưng nếu chúng ta đọc đoạn trên của Eckhart trong tinh thần của Phật Giáo, nhất là Phật Giáo Đại Thừa thì cách giải thích trên chẳng lạ gì đối với Phật Giáo. Trong kinh Pháp Hoa (Saddharmapundarika Sutra) phẩm “Vô Lượng Thọ” Đức Phật đã không hề bảo Ngài đã thành Đạo trong một thời gian nhất định nào.
“Này, Thiện Nam Tử, Ta thành Phật đến nay đã lâu đến vô số trăm ngàn vạn ức vô lượng vô biên kiếp rồi. Giả tỉ như có người nghiền nát vô số trăm ngàn vạn ức thế giới ba ngàn này thành hạt bụi, giả tỉ người ấy đi qua Phương Đông đặt hạt bụi ấy ở một nước, và cứ thế đặt khắp Phương Đông tất cả hạt bụi trong khắp vô số trăm ngàn vạn ức vô lượng vô biên nước. Này, Thiện Nam Tử, các ông nghĩ thế nào? Có ai suy nghĩ, tính toán, ước lượng được con số của toàn thể thế giới ấy không?
Bồ Tát Di Lặc cùng chúng hội Bồ Tát bạch Phật: “Thế Tôn, không ai tính biết số thế giới vô lượng vô biên ấy được, sức người không đương nổi, tất cả Thanh Văn, Duyên Giác đã chứng trí vô lậu cũng không thể nghĩ, đếm biết con số ấy được, cả đến chúng tôi, được quả bất thối vẫn không lường được vì lẽ, bạch Thế Tôn, những thế giới ấy vốn vô lượng vô biên vậy”.
Phật liền nói với chúng hội Bồ Tát rằng: “Các Thiện Nam Tử, này ta nói rõ cho các ông nghe: Những thế giới ấy mà người kia đặt một hạt bụi , tất cả những hạt bụi ấy, mỗi hạt bụi ví như một kiếp, Ta thành Phật từ ấy đến nay còn nhiều hơn số trăm ngàn vạn ức vô biên kiếp ấy. Từ ấy đến nay, Ta luôn luôn ở tại thế giới Ta Bà này nói Pháp giáo hóa chúng sanh”.
Tất cả tư tưởng của Eckhart là đưa con người đi về lại suối nguồn của Thiên Thể (Gottheit) muốn đi vào Thiên thể thì phải từ bỏ mọi sự kể của Chúa, bởi vì theo Eckhart, khi mà trong lòng còn rơi rớt lại một cái gì đó thì con người không thể đạt đến tận nơi suối nguồn của Thiên Thể. Nhưng Thiên Thể là gì? Trong một bài giảng Eckhart nói về Thiên Thể:
“Trong khi tôi tồn tại trên nền tảng , trên căn đễ, trong dòng sông và nguồn nước của Thiên Thể, không ai hỏi tôi đang đi đâu hay tôi đang làm gì: không có ai để hỏi tôi. Khi tôi đang trôi chảy tất cả các tạo vật nói về Chúa. Khi người ta hỏi tôi, Eckhart này, khi nào thì ông ra khỏi nhà? Thì hẳn là tôi đã ở trong nhà. Dù vậy đi nữa tất cả những tạo vật cũng nói về Chúa và tại sao họ không nói về Thiên Thể? Tất cả mọi vật ở trong Thiên Thể đều là một, và chã có gì để nói về điều ấy. Chúa làm việc, Thiên Thể không làm gì cả, chẳng có gì để làm. Trong Thiên Thể không có tác động. Nó không bao giờ trù tính một công việc gì cả. Chúa và Thiên Thể dị biệt với nhau như là hoạt động và bất động. Khi trở về với Chúa, ở nơi mà tôi vô hình tướng, sự phá thấu của tôi hẳn sẽ cao thượng hơn sự phát xuất của tôi. Một mình tôi đem tất cả tạo vật ra khỏi ý nghĩa của chúng vào tâm trí tôi và biến chúng thành trong tôi. Khi tôi trở lại nền tảng, vào những thâm xứ, vào suối nguồn của Thiên Thể, hẳn sẽ không ai hỏi tôi từ đâu đến và đi về đâu? Không ai tiếc nhớ tôi: Chúa tịch diệt.
D. T. Suzuki cho rằng, chân trời Thiên Thể của Eckhart hoàn toàn phù hợp với giáo lý Tánh Không (Sunyata) của Phật Giáo. Nhưng D. T. Suzuki cũng không quên lưu ý chúng ta biết rằng, chữ Sunyata là chữ đã gây ra ngộ nhận nhiều nhất tại Tây Phương, nếu không muốn nói là đã làm cho các nhà học giả Tây Phương sợ hãi. Và họ vẫn không ngớt bảo Phật Giáo là hư vô thuyết (nihilism). Sự hiểu lầm này, thật ra thì quá dễ hiểu, vì người Tây Phương họ đã sống trong một bối cảnh tâm linh khác biệt với chúng ta – bởi vậy, khi ta bắt buộc những tư tưởng gia này nhảy vào một hệ thống hay không khí xa lạ thì đương nhiên học phải mất thăng bằng hay kết án nó là tiêu cực hay phá hoại. Chúng ta phải hiểu Tánh Không như thế nào? Có một câu chuyện sau đây đã xảy ra giữa Bồ Đề Đạt Ma, tổ sư của Phật Giáo Thiền Tông Trung Quốc và vua Lương Võ Đế. Bồ Đề Đạt Ma từ Ấn Độ vượt đại dương đến Trung Hoa. Lương Võ Đế mời Đạt Ma vào triều, thì câu chuyện đã xảy ra như thế này:
Lương Võ Đế vấn Đạt Ma Đại Sư. Như hà thị thánh đế đệ nhất nghĩa? Ma vân: quách nhiên vô thánh. Đế viết: Đối trẩm giả thùy?  Ma vân. Bất thức.
Đế hỏi: Thế nào là chân lý tối thượng?
Đạt Ma: Trống không, chẳng có gì là thánh trong đó cả,
Đế hỏi: Thế ai đang đứng trước mặt trẩm?
Đạt Ma: Không biết (bất thức).
Lương Võ Đế, ông vua mộ đạo đã từng lập chùa, độ tăng vô số này không hiểu nỗi đạo lý tối thượng của Bồ Đề Đạt Ma tức thì Đạt Ma liền quay về phương Bắc, ngồi nhìn vào vách đá chùa Thiếu Lâm (cửu niên diện bích) trong suốt chín năm trời.
D. T. Suzuki đã tưởng tượng một cách thú vị về cuộc diện kiến kỳ lạ này: 
“Hẳn sẽ là một biến cố sôi nổi nếu lại có Eckhart hiện diện ở buổi diện kiến này xảy ra trong cái vương quốc hoa lệ vào thế kỷ mười một trước ! Nhưng biết đâu Eckhart lại chẳng đang nhìn tôi viết những điều này ở thành Nữu Ước tân thời và cơ giới nhất?”
Trong cuộc hội kiến trên, hai tiếng “bất thức” của Bồ Đề Đạt Ma rất quan trọng. D. T. Suzuki cho là hai tiếng “bất thức” không thể hiểu theo những người theo thuyết bất khả tri (agnosticism) vì “bất thức” ở đây hoàn toàn thuộc vào một loại khác, “bất thức” thì phải hiểu theo Eckhart: “Trí thức chuyển hóa, chứ không phải sự dốt nát và thiếu hiểu biết. Chính nhờ biết mà chúng ta đạt đến cái không biết này. Bây giờ chúng ta biết rằng cái biết linh thánh, bây giờ cái dốt nát của ta mới được nâng cao và trang điểm với kiến thức siêu nhiên”.
Vì vậy, Sunyata (Emptiness) không có nghĩa là trống không. D. T. Suzuki cho rằng ngay cả những tiếng như: khiếm diện, tuyệt diệt hay trống không – thì đó không phải là ý niệm của Tánh Không. Tánh Không của Phật Giáo không ở trên bình diện tương đối siêu việt tất cả những hình thức liên hệ hỗ tương, của chủ thể và khách thể, sanh và tử, thượng đế và thế gian, có và không, xác nhận và phủ nhận. Trong Tánh Không không có thời gian, không có không gian, không có biến thành, nó là cái làm tất cả những cái này có thể có; Nó là một số không đầy những khả tính vô biên, nó là cái không với những nội dung bất tận.
Như vậy thấy được Tánh Không tức là thấy được khuôn mặt của mình trước khi mình sinh ra (bản lai diện mục) như Lục Tổ Huệ Năng, một nhà huyền học vĩ đại khác của Đông Phương đã nói vậy. Đâu đó, trong một bài giảng Eckhart, ông cũng nói tương tự: “Trước các tạo vật, trong cái bây giờ vĩnh cữu, tôi đã diễn trò trước Đức Cha trong nỗi tịch lặng thiên thu”, thấy được khuôn mặt mình trước khi mình sinh ra, tức là trở về thăm lại cố hương của mình trong trạng thái hồn nhiên nguyên thủy của nó. Ở đó, trái cây trí thức chưa bám rễ.
Có một điều đáng lưu ý ở đây là, căn bản triết lý của Phật giáo đặt trên nền tảng nào? Hiểu được điểm này tức là thấy được sự khác biệt của Phật giáo với mọi hệ thống tư tưởng khác. D. T. Suzuki đã nói lên sự khác biệt ấy – một cách triệt để, triết lý Phật giáo được xây dựng trên kinh nghiệm giác ngộ của Đức Phật – nếu không có giác ngộ tức là không có Phật giáo. Sử chép rằng, sau sáu năm lang thang khổ hạnh và trầm tư, Đức Phật, trong một đêm kia khi sao mai mọc, Ngài đã hốt nhiên đại ngộ. Lần đầu tiên ngài khám phá ra Gahakaraka (kẻ làm nhà), chính cái Gahakaraka này đã khiến con người đắm chìm trong đêm dài sinh tử, không làm chủ lấy mình. Khám phá ra cái Gahakaraka tức là chấm dứt mọi ràng buộc nô lê thúc phược của đời sống. Khi Đức Phật khám phá ra cái nguyên nhân này, Ngài thốt lên:
Tìm kẻ dựng căn nhà này
Ta lang thang vô ích
Qua bao kiếp luân hồi
Và những kiếp luân hồi mệt mỏi thay.
Nhưng giờ đây, kẻ làm nhà kia, ta đã thấy ngươi
Ngươi sẽ không dựng lên căn nhà này nữa
Tất cả những đòn ruôi của ngươi đã gãy
Kèo cột của người đã tan tành
Đã đạt đến tịch diệt của tất cả tham ái
(Pháp cú) 
Nhưng Đức Phật đã dùng khí giới gì để khám phá ra điều này? Khoản thứ nhất của Bát Chánh Đạo là Sammadassana – Chánh Kiến. Thấy tức là thể nghiệm thực tại; và kế đến là Sammasankappa, chánh trí, nhìn thấy sự vật trong trạng thái như tính (tathata) hay hiện tính của chúng. Toàn thể triết lý Phật giáo xuất phát từ chữ “kiến” cái mà Đức Phật đã từng trầm tư:
Các hành (sankhara) là vô thường
Nhờ trí (panna) quán xét vậy,
Sẽ nhàm chán thống khổ
Chính là đạo thanh tịnh
Các hành là thống khổ
Nhờ trí quán xét vậy
Sẽ nhàm chán thống khổ
Chính là đạo thanh tịnh
Các pháp là vô ngã
Nhờ trí quán xét vậy
Sẽ nhàm chán thống khổ
Chính là đạo thanh tịnh
(Pháp cú)
Chữ “kiến” này không thể nằm trong bình diện thông thường – điều này cần một tuệ giác siêu việt. Nói theo các nhà đại thừa Phật giáo thì đó chính là cái thấy của Trí Bát Nhã – chỉ có trực giác Bát Nhã mới thấy được tất cả các pháp (sarvadharma) thì  tự ngã của chúng mới phơi bày những tinh lực xây dựng tích cực và làm tiêu tan những mây mờ của maya (ảo hóa) tức là đập tan mọi cơ cấu ảo tưởng, và một thế giới khác sẽ được thiết lập trên nền tảng của Bát Nhã (trí tuệ) và karuna (từ bi). Vì vậy, nói theo D. T. Suzuki, giác ngộ có nghĩa là vượt qua thế giới của tâm lý học, là khai mở con mắt Bát Nhã, tức là nhảy thẳng vào thực tại cứu cánh, vượt qua bờ bên kia của dòng luân hồi (Samsara). Nơi đó, tất cả các pháp được nhìn thấy từ trạng thái như thị của chúng. Bởi thế, Phật giác ngộ có nghĩa là đã đạt đến những thâm xứ uyên áo nhất của thực tại.
Chữ “kiến” đóng một vai trò quan trọng trong tri thức luận của Phật giáo, vì “kiến” nằm trên nền tảng của “tri”, không có “kiến” thì không thể “tri” được. Tất cả tri thức được khởi đầu từ “kiến” – và chính “kiến” và “tri” đã đưa thái tử Tất Đạt Đa hoàn thành tuệ giác vô thượng dưới gốc cây Bồ Đề cách đây trên hai mươi lăm thế kỷ. Một người đã đạt được trạng thái giác ngộ có nghĩa là đã đạt đến chiến thắng cuối cùng và không có một ai có thể thấy vết tích của người ấy được -  vì kẻ ấy đã đi và không để lại dấu vết, tiếng Phạn “không dấu vết” là apada.
Như vậy, giác ngộ tức là trở về lại mái nhà xưa sau bao kiếp lang thang trôi dạt. Trong một bài giảng Eckhart cũng đã nói về sự trở về này: “Trở về lòng mẹ, mà từ ấy tôi sinh ra, tôi không có Chúa mà chỉ có chính tôi: Tôi không ước muốn hay khát vọng gì cả, vì tôi là sự hiện hữu thuần túy, một kẻ biết về chính mình bởi chân lý linh thánh”. D. T. Suzuki đã nói rằng, Eckhart đã sống vào thời Trung Cổ, giữa những đầu óc hẹp hòi của người Thiên Chúa Giáo thời đó thì việc họ không chấp nhận Eckhart thì chẳng có gì lạ. Eckhart mất năm 1327. Hai năm sau (1329) Đức Giáo Hoàng Jean XXII đã khai trừ tư tưởng Eckhart.
Đọc Eckhart, ta bắt gặp một không khí hoàn toàn Đông Phương, nhất là Đông Phương của Phật giáo Đại Thừa. D. T. Suzuki đã trích lại cảm tưởng Coomaraswamy:  
“Eckhart tiêu biểu một đối chiếu gần gũi lạ lùng với những lối suy tưởng Ấn Độ. Đôi khi cả đoạn đọc giống như một bản dịch trực tiếp từ Sanskrit. Dĩ nhiên, không phải chúng ta nói rằng có những yếu tố Ấn Độ nào đó hiện diện thực sự trong văn phẩm Eckhart, mặc dù có một Đông Phương trong truyền thống Âu Châu, phát sinh từ những nguồn tân Plato hay Ả Rập. Nhưng những gì được chứng minh bằng loại suy tư không phải ảnh hưởng của một hệ thống tư tưởng đối với hệ thống khác, mà là sự nhất trí của truyền thông siêu hình học trên thế giới vào mọi thời”.
Chúng ta đồng ý với Coomaraswamy rằng Eckhart đã không ảnh hưởng Đông Phương gì cả, mà chính là “đồng thanh tương ứng” của những tâm hồn vĩ đại, những kẻ đã nhảy vào thực tại.

Thích Phước An

Tuesday, March 24, 2020

Cám Ơn Cụ Bùi Diễm… So Great!

Cám Ơn Cụ Bùi Diễm… So Great!

Uyên Nguyên

    Cụ Bùi Diễm (Ảnh: Uyên Nguyên)
Một lần khi Cụ Bùi Diễm về Cali, nhân đó anh Đinh Quát có ý định làm một loạt tư liệu “lịch sử truyền khẩu” (oral history). Cụ bảo cụ lớn tuổi rồi, viết chậm. Nên cách này có lẽ là hay nhất để lưu trữ tư liệu “Lịch Sử Việt Nam”. Tôi là một trong mấy anh em được anh Thái giao việc bấm máy trong studio. Buổi đó lợi dụng cơ hội gặp Cụ, nhân lúc nghỉ giải lao hoặc cuối giờ, tôi có hỏi mấy việc liên quan phong trào và những nhân vật liên hệ phong trào đấu tranh Phật Giáo ở Pháp.
Trở lại vấn đề Hoa Kỳ, ngoài những tình tiết liên quan Hiệp Định Gernever mà có lẽ Cụ là người am tường nhiều hơn hẳn, tôi cũng có dịp tranh thủ hỏi Cụ. Bởi đơn giản tôi cũng từng có những lúc bâng khuâng, như cách nhà thơ Vi Khuê bộc bạch:
“Con lớn lên vô cùng bở ngỡ
trước những điều tư lự của Cha Ông.”
Cái cách mà người lớn hay ví von “Khi đồng minh tháo chạy”, rồi có lúc “Khi đồng minh nhảy vào”. Hay nói một cách khác rằng chính phủ Mỹ đã từng bỏ rơi Miền Nam Việt Nam, quân đội Mỹ đã từng quay lưng với quân đội VNCH v.v… Tất nhiên ai nói thì tôi không cần phải dẫn chứng ở đây vì nếu chịu khó tìm hiểu và tìm hiểu một cách khách quan, cặn kẽ ắt sẽ có câu trả lời. Vậy thì khi nói như vậy, chẳng khác nào mình nói “nước Mỹ không vĩ đại”. Mình nói được, sao người khác nói không được?
Ở đây sẽ chẳng bao giờ có câu trả lời thỏa đáng, ngay cả công dân Hoa Kỳ còn chê tổng thống của họ, vẫn chưa vừa ý về “tính vĩ đại” của đất nước mình. Chính ở yếu tố này mà ứng cử viên tổng thống ngày nào, Donald Trump, mới giương khẩu hiệu “Make America great again!”
Ổng chê nước Mỹ không còn vĩ đại và vỗ ngực xưng tên sẽ làm cho nó vĩ đại trở lại được, sao người khác nói không được?
Cụ Bùi Diễm, một lần họp mặt tại nhà bác Ngô Nhân Dụng
ở Miền Nam California, có cả Cụ Trần Đĩnh
 (Ảnh: Uyên Nguyên)
Vậy thì, đúng là nước Mỹ (đang) không có vĩ đại, không có “great” chút nào cho nên ông Trump nói như vậy. Mà rồi ổng nói được, lại vẫn có người thích, có người không. Thậm chí có người chửi không ra làm sao nhưng chẳng ai bị đàn áp khủng bố như nhân dân Việt Nam chê Đảng và chê lãnh tụ nhà nước CSVN đâu? Cho nên cái không vĩ đại với người này thì nó lại vĩ đại với người khác. Cái vĩ đại của Vạn Lý Trường Thành mà vua Tần Thủy Hoàng bên Trung Hoa dựng lên bằng bao xương máu của bá tánh thì không thể so sánh cái vĩ đại của Chùa Một Cột ngoài Bắc Việt tuy “nhỏ như cái chuồng câu”*.
Tóm lại nếu bây giờ mà đi hỏi ông Trump, có người phê phán ông nước Mỹ của ông không có vĩ đại, ông nghĩ sao? Chắc cũng chẳng có gì mới ngoài câu: Make America Great, hãy làm cho nước Mỹ vĩ đại.
Ít ra, đừng làm cho nó hẹp lượng hơn!
Hổng chừng ổng lại nói cám ơn quý vị, vì có người đồng cảm với ông, rằng nước Mỹ tự nó có vĩ đại đâu. Vĩ đại là ở cách đối đãi, xử sự của mọi người với nhau.
Nước Mỹ vĩ đại là ở chỗ đó.
Cho nên tui thích cách trả lời rất kinh nghiệm từng trải của Cụ Bùi Diễm. Không chấp trước. Có lẽ Cụ từng trải với chính sự Thế Giới, Hoa Kỳ và cả Cộng Đồng Người Việt.
*
Thưa Cụ, Cụ nghĩ sao về Chính Phủ Mỹ đối với Việt Nam?
“Nước Mỹ là một đất nước RẤT NHÂN ĐẠO, nhưng đồng thời là một đất nước ĐẶT QUYỀN LỢI QUỐC GIA LÊN HÀNG ĐẦU!”
Great! Cám ơn Cụ Bùi Diễm.
Mặc Cốc, 24 tháng Ba, 2020
Uyên Nguyên