Sunday, February 28, 2021

Nguyễn Hưng Quốc: Việc dạy tiếng Việt như một ngôn ngữ thứ hai trên thế giới

 

GS Nguyễn Hưng Quốc trong buổi hội thảo “20 năm Văn Học Việt Nam Hải Ngoại” | Ảnh: Uyên Nguyên

GS NGUYỄN HƯNG QUỐC: Nhà phê bình văn học, nguyên chủ bút tạp chí Việt (1998-2001) và đồng chủ bút tờ báo mạng Tiền Vệ (http://tienve.org). Hiện là chủ nhiệm Ban Việt Học tại trường Đại Học Victoria, Úc. Đã xuất bản trên mười cuốn sách về văn học Việt Nam.

Việc dạy và học tiếng Việt như một ngôn ngữ thứ nhất đã có từ lâu, ít nhất cũng lâu bằng lịch sử tiếng Việt: cha mẹ dạy cho con cái, anh chị em dạy cho nhau, người này dạy cho người khác. Cứ thế, tiếng Việt được lưu truyền và mở rộng như một phương tiện giao tiếp chính của cộng đồng, trước là bộ tộc, sau là quốc gia. Nhưng việc dạy và học tiếng Việt như một ngôn ngữ thứ hai, tức đối với những người thuộc một nền văn hoá khác, thì sao? Không có tài liệu, nhưng tôi đoán hẳn là phải có. Ngay từ xưa, thật xa xưa, người Việt Nam đã phải giao tiếp với nhiều sắc dân khác. Để giao tiếp, không thể không học ngôn ngữ của nhau. Có thể nêu trường hợp của Trần Nhật Duật (1255-1330) làm ví dụ.

Sách Đại Việt sử ký toàn thư kể:

Nhật Duật rất thông hiểu ngôn ngữ các phiên bang. [1] Đối với khách nước Tống, ông có thể ngồi đàm luận suốt ngày. Người Chiêm hay người các xứ Man và sứ của nước Sách Mã Tích[2] đến, ông đều theo quốc tục của họ mà tiếp đãi và nói chuyện với họ. Vua Nhân Tông thường khen Nhật Duật là kiếp sau của các bộ lạc người Phiên.

Khi tiếp sứ nhà Nguyên thì Nhật Duật không cần người phiên dịch, dắt tay nhau vào quán cùng ngồi uống rượu vui vẻ như bình thường. Sứ nhà Nguyên nói: ‘Ngài là người Chân Định[3] đến làm quan nơi đây chứ gì?’ Nhật Duật bác lại, nhưng họ vẫn không tin.[4]

Người Việt có nhu cầu học các ngôn ngữ khác để giao tiếp. Có lẽ các dân tộc khác, nhất là những dân tộc láng giềng nhỏ và yếu hơn Việt Nam, cũng có nhu cầu tương tự. Tiếc, chúng ta chưa tìm thấy tài liệu gì liên quan đến vấn đề này.

Tài liệu sớm và rõ nhất về việc dạy và học tiếng Việt như một ngôn ngữ thứ hai là của các giáo sĩ Tây phương vào thế kỷ 17. Tiêu biểu nhất là trường hợp của Alexandre de Rhodes (1591-1660). Ông đến Việt Nam vào tháng 3 năm 1626 và bắt đầu học tiếng Việt. Thoạt đầu, ông rất lo lắng: “Thú thật là khi tôi đến Nam Kỳ và nghe tiếng nói của người bản địa, đặc biệt là phụ nữ, tôi cảm thấy như nghe tiếng chim hót líu lo và tôi mất hết hy vọng có ngày học được thứ tiếng ấy.” Tuy vậy, với một năng khiếu học ngoại ngữ “dễ dàng một cách thần kỳ” như lời nhận xét của Léopold Cadière (1869-1955), chỉ trong một thời gian ngắn, ông đã có thể làm chủ được cái ngôn ngữ như tiếng chim hót líu lo ấy. Ông kể trong cuốn hồi ký Voyages et Missions xuất bản năm 1854: “Tôi học hàng ngày chăm chỉ hệt như trước đây học thần học ở Roma, và ý Chúa là sau bốn tháng, tôi đã có thể nghe hiểu những lời xưng tội, sau sáu tháng, tôi có thể giảng đạo bằng tiếng Nam Kỳ.” Sau đó, năm 1645, trước khi về lại Roma, Alexandre de Rhodes nhận lãnh trách nhiệm dạy tiếng Việt cho hai giáo sĩ Carlo della Roca và Metello Sacano.[5] Xin lưu ý: từ năm 1615 đến năm 1788, có 145 linh mục dòng Tên đến truyền giáo tại Việt Nam.[6] Hẳn họ cũng học tiếng Việt như thế.

Tuy nhiên, việc dạy và học tiếng Việt như một ngôn ngữ thứ hai có lẽ chỉ bắt đầu được tiến hành một cách tự giác và có hệ thống từ cuối thế kỷ 19, khi Pháp bắt đầu cai trị Việt Nam. Để cai trị, thực dân có nhu cầu tìm hiểu ngôn ngữ người bản xứ bên cạnh việc sử dụng các thông dịch viên như một tầng lớp trung gian. Số người Pháp, từ giới học giả đến giới quan lại, biết tiếng Việt khá nhiều. Có điều hầu hết đều học tiếng Việt ở Việt Nam. Chủ yếu là học trực tiếp. Việc học tiếng Việt như một ngoại ngữ ở ngoài Việt Nam có lẽ xuất hiện muộn hơn, trong thời kỳ chiến tranh thế giới lần thứ hai, và đặc biệt nở rộ trong thời kỳ chiến tranh Việt Nam (1954-75), khi vấn đề Việt Nam, lần đầu tiên được quốc tế hoá. Ngoài Pháp, nhiều quốc gia khác cũng đưa tiếng Việt vào chương trình đại học hoặc các trung tâm sinh ngữ lớn. Ở Nga, cuốn sách dạy tiếng Việt đầu tiên do Ju. Shutsky soạn thảo được xuất bản từ năm 1934; ba năm sau, 1937, thêm một cuốn khác được ra đời dưới tên tác giả là Minin, một biệt hiệu của Nguyễn Khánh Toàn, sau này trở thành Chủ nhiệm Uỷ ban Khoa học Xã hội Việt Nam.[7] Tuy nhiên, sau cái “thuở ban đầu” ấy, dường như không mấy ai còn tha thiết học tiếng Việt nữa. Đầu thập niên 1950, thời kháng chiến chống Pháp, có lần Hồ Chí Minh gửi sang Nga một bức điện văn toàn bằng tiếng Việt. Bộ Ngoại giao Nga không đọc được. Tìm quanh ở thành phố Moscow: cũng không ai biết tiếng Việt. Một người duy nhất còn nhớ lõm bõm chút tiếng Việt học được từ thập niên 1930 thì lại ở xa. Rất xa. Cuối cùng, Bộ Ngoại giao Nga phải chuyển bức điện văn ấy sang Toà Đại sứ của họ ở Paris để nhân viên ở đó tìm người đọc và dịch giùm sang tiếng Nga. Mấy năm sau, đặc biệt từ 1954, Nga mới bắt đầu chú ý đến việc mở các lớp tiếng Việt.[8]

Ở Mỹ, lớp tiếng Việt được tổ chức lần đầu tiên vào niên khoá 1943-44 dưới sự hướng dẫn của giáo sư Murray B. Emeneau, tác giả cuốn sách nghiên cứu về tiếng Việt đầu tiên bằng tiếng Anh được xuất bản vào năm 1951: Studies in Vietnamese (Annamese) Grammar. Từ thập niên 1950, các đại học như Cornell, Georgetown, Yale và Columbia; và từ giữa thập niên 1960, thêm Đại học Washington và Đại học Hawaii ở Manoa, lần lượt mở các lớp tiếng Việt, từ đó, nổi lên tên tuổi của một số nhà Việt ngữ và Việt học nổi tiếng như Huỳnh Sanh Thông, Nguyễn Đình Hoà, Nguyễn Đăng Liêm, Stephen O’Harrow và L.C. Thompson, tác giả cuốn A Vietnamese Reference Grammar (1965). Năm 1969, trường Đại học Southern Illinois thành lập Trung tâm Việt học (Center for Vietnamese Studies).[9] Năm 1971, Đại học Havard bắt đầu mở các lớp Việt ngữ. Sau năm 1975, một số trường đại học khác như Đại học California ở Berkeley, Los Angeles và San Diego cũng như Đại học California State ở San Francisco, Đại học Arizona State, Đại học Michigan ở Ann Arbor và Đại học Texas ở Lubbock cũng lần lượt mở các lớp tiếng Việt.[10]

Ngoài Pháp, Nga và Mỹ, tiếng Việt cũng được giảng dạy tại một số quốc gia khác, như Đức (ở Đại học Humboldt, Passau, Hamburg, và Freiburg), Đan Mạch (Viện Nordic Institute of Asian Studies), Anh (School of Oriental and African Studies thuộc Đại học London), Trung Quốc (Đại học Beijing, Yannan và Viện Qansi), Nhật Bản (Tokyo University of Foreign Studies, Kyoto University of Foreign Studies và Osaka University of Foreign Studies), ở Hàn Quốc (Hankuk University of Foreign Studies of South Korea, Seoul National University và Korea University), ở Singapore (National University of Singapore).[11]

Riêng tại Úc, tiếng Việt được bắt đầu giảng dạy từ đầu thập niên 1960 tại Trường Sinh ngữ Quân đội (thoạt đầu mang tên là RAAF – Royal Australian Air Force – School of Languages; sau, từ năm 1993, đổi lại thành ADF – Australian Defence Force – School of Languages). Ngoài tiếng Việt, trường còn dạy khoảng gần 20 ngôn ngữ khác. Tất cả các lớp ngôn ngữ này đều có hai đặc điểm giống nhau: một, ngắn hạn và cấp tốc; và hai, nhằm chủ yếu đào tạo các nhân viên trong quân đội, ngoại giao và tình báo. Tiếng Việt chỉ được thực sự giảng dạy trong hệ thống giáo dục Úc từ đầu thập niên 1980, lúc làn sóng người Việt tị nạn đến Úc càng ngày càng nhiều và lúc Úc đã định hình được một chính sách ngôn ngữ quốc gia hoàn chỉnh.

Nói chung, ở ngoại quốc, tiếng Việt chỉ được chú ý từ giữa thế kỷ 20 dưới ảnh hưởng của chiến tranh, của xu hướng toàn cầu hoá, và đặc biệt, của sự xuất hiện của cộng đồng người Việt ở hải ngoại từ sau năm 1975. Số người học tiếng Việt, như vậy, bao gồm hai thành phần chính: người ngoại quốc và người gốc Việt. Trình độ, nhu cầu và cách thức học tiếng Việt của hai thành phần này khác hẳn nhau. Với thành phần thứ nhất, tiếng Việt là một ngoại ngữ. Hoàn toàn là một ngoại ngữ. Với thành phần thứ hai, tiếng Việt là một trong hai ngôn ngữ chính họ thụ đắc và sử dụng (bilingualism), thường được gọi là ngôn ngữ cộng đồng (community language) hoặc ngôn ngữ di sản (heritage language). Học tiếng Việt như một ngoại ngữ, người ngoại quốc phải bắt đầu từ đầu: học cách phát âm từng vần, từng chữ; học quy tắc tạo câu từ những điểm căn bản nhất; và phải sử dụng lớp học như một môi trường duy nhất để học tập. Học tiếng Việt như một song ngữ, người gốc Việt có nhiều lợi thế hơn: họ tiếp tục hơn là bắt đầu. Hầu hết trẻ em gốc Việt, khi bước vào các lớp tiếng Việt, dù ở mẫu giáo, cũng đã ít nhiều biết tiếng Việt, ít nhất ở hai kỹ năng nghe và nói. Rời lớp học, các em tiếp tục học và thực hành tiếng Việt trong gia đình. Với bố mẹ và ông bà. Hay, có khi, với cả cộng đồng chung quanh (trong các sinh hoạt tôn giáo, xã hội hoặc thương mại).

Trong hai thành phần học tiếng Việt kể trên, thành phần thứ hai đông hơn hẳn thành phần thứ nhất.

Giới hạn trong thành phần thứ hai, nghĩa là giới hạn trong việc học tiếng Việt như một ngôn ngữ cộng đồng/di sản, dường như không ở đâu trên thế giới, tiếng Việt lại phát triển mạnh mẽ như là tại Úc, ít nhất ở bậc tiểu học và trung học.

Trong số gần bốn triệu người Việt Nam đang sống ở nước ngoài, gần một nửa (theo cuộc điều tra dân số năm 2010 là đúng 1.548.449 người) định cư tại Mỹ (trong đó khoảng một nửa sống tại hai tiểu bang California – gần 600.000 – và Texas – hơn 200.000 người).[12] Nước kế tiếp là Cambodia (khoảng 600.000) và Pháp (khoảng 300.000). Sau đó là Canada và Úc; mỗi nơi có trên 200.000 người.

Cộng đồng người Việt tại Úc, như vậy, chỉ đứng hàng thứ tư trên thế giới, sau Mỹ, Cambodia và Pháp, đồng hạng với Canada. Tuy nhiên, về phương diện bảo tồn và giảng dạy tiếng Việt, không chừng Úc là quốc gia dẫn đầu.

Dẫn đầu trên ba phương diện.

Thứ nhất, về pháp lý, tiếng Việt được chính thức công nhận là một ngôn ngữ ngoài tiếng Anh (LOTE, Language Other Than English) như mọi ngôn ngữ khác trong hệ thống giáo dục các cấp. Từ tiểu học và trung học đến đại học, học sinh và sinh viên đều có thể học tiếng Việt; và giá trị của môn tiếng Việt được xem tương đương với mọi ngôn ngữ hay mọi môn học khác. Ví dụ, trong các cấp tiểu học và trung học, học sinh có thể chọn học tiếng Việt như một ngoại ngữ; trong các kỳ thi tốt nghiệp, học sinh có thể chọn thi môn tiếng Việt; ở bậc đại học, sinh viên có thể chọn tiếng Việt và Việt học làm một chuyên ngành (specialisation; hoặc còn gọi là một ngành học chính, major) trong suốt chương trình Cử nhân kéo dài ba hay bốn năm.

Thứ hai, về tổ chức, khi tiếng Việt đã được công nhận ngang hàng với mọi ngôn ngữ khác, việc giảng dạy tiếng Việt cũng được thừa nhận trong mọi cấp học. Ở các quốc gia khác, trẻ em cũng có thể học tiếng Việt. Nhưng hầu hết đều học vào cuối tuần và ở các trung tâm Việt ngữ do hội đoàn, chùa chiền hoặc nhà thờ tổ chức. Đó là những sinh hoạt hoàn toàn có tính cộng đồng, thuộc trách nhiệm của cộng đồng và chỉ có ý nghĩa với /và trong cộng đồng. Ở Úc thì khác. Môn tiếng Việt được đưa hẳn vào chính mạch, được giảng dạy ngay trong các lớp chính quy. Như các ngôn ngữ khác. Ngay cả khi nó được giảng dạy trong các trường ngôn ngữ hay các trường trường sắc tộc vào cuối tuần thì, thứ nhất, nó cũng nhận được sự tài trợ của chính phủ; và thứ hai, kết quả học tập cũng được ghi vào học bạ của học sinh ở trường chính. Về tài chính, tất cả các trường dạy tiếng Việt chính thức đăng ký với Bộ giáo dục đều nhận được trợ cấp của chính phủ (190 đô/một năm cho mỗi học sinh).[13] Thường, các trường thu học phí thêm khoảng từ 80 đến 100 đô một năm (tuỳ theo cấp lớp). Như vậy, nhà trường sẽ có tổng cộng khoảng trên 260 đô cho mỗi em. Số tiền ấy đủ để trả mọi chi phí điều hành lớp học, như thuê mướn phòng ốc, sao chép tài liệu và trả lương cho giáo viên.

Thứ ba, về phương diện quy mô, do hai đặc điểm vừa nêu, số lượng người học tiếng Việt tại Úc rất cao. Nếu tính theo tỉ lệ dân số của cộng đồng Việt Nam, tôi ngờ là cao hơn bất cứ quốc gia nào khác ngoài Việt Nam, kể cả Mỹ. Ví dụ, theo Anh Trần, vào năm 1998,[14] tại California, có 55 trường Tiếng Việt với khoảng 8.000 học sinh,[15] trong đó trường lớn nhất là trường Văn Lang ở San Jose với hơn 1.000 học sinh được chia thành 35 lớp, từ lớp 1 đến lớp 12.[16] Dân số người Việt tại tiểu bang California, theo cuộc điều tra dân số Mỹ vào năm 2010, là 581.946 người.[17] Trong khi đó, tại tiểu bang Victoria, nơi có 58.873 người Việt sinh sống, [18] số lượng học sinh học tiếng Việt từ lớp 1 đến lớp 12 ở cả ba hệ: trường chính mạch (mainstream school), trường ngôn ngữ (Victorian School of Languages -VSL) và trường sắc tộc (ethnic school) là khoảng 11.000 em.[19] Nói cách khác, số học sinh học tiếng Việt ở Victoria nhiều hơn ở California trong khi dân số người Việt ở Victoria thì chỉ bằng một phần mười ở California mà thôi.

Ở đây, có hai điều cần được nhấn mạnh để tránh hiểu lầm:

Một, tôi chỉ bàn đến số lượng học sinh chính thức trong trường Việt ngữ chứ không có ý nói việc bảo tồn tiếng Việt trong cộng đồng người Việt ở Mỹ kém hơn ở Úc. Năm 1999, R. Young và M. Tran phỏng vấn 100 phụ huynh về việc sử dụng ngôn ngữ trong nhà; kết quả cho thấy, 84.6% trẻ em chỉ nói tiếng Việt; 15.4% vừa nói tiếng Việt vừa nói tiếng Anh; không có gia đình nào trẻ em chỉ nói tiếng Anh mà thôi. Năm 2001, Nguyen A., F. Sin và S. Krashen phỏng vấn trên 500 học sinh tiểu học gốc Việt tại Mỹ; kết quả cho thấy có đến 67% tự nhận là nói tiếng Việt giỏi, dù chỉ có 23% là giỏi cả nói lẫn đọc và viết.[20] Theo quan sát của tôi, khả năng nói tiếng Việt của trẻ em gốc Việt, thuộc thế hệ một rưỡi hoặc thứ hai ở Mỹ, đặc biệt ở các tiểu bang có đông người Việt, như California và Texas, rất tốt. Có lẽ các em chủ yếu học trong gia đình, với bố mẹ và ông bà.

Hai, chúng ta cũng chỉ bàn đến số học sinh học tiếng Việt ở cấp tiểu học và trung học. Ở bậc đại học, tổng số sinh viên học tiếng Việt ở Mỹ thường nhiều hơn ở Úc. Ví dụ, theo Elizabeth B. Wells, trong bài “Foreign language enrollments in United States institutions of higher education, fall 2002” đăng trên tạp chí Profession năm 2004, số sinh viên ghi danh học tiếng Việt trong các đại học cộng đồng (hệ 2 năm) vào năm 1998 là 385, năm 2002 là 1.185; ở đại học (hệ 4 năm), năm 1998 là 491, năm 2002 là 1.003. Tổng cộng cả hai hệ cùng với hệ hậu đại học (graduate levels), năm 1998 là 899; năm 2002 là 2.236, tăng 148.7% trong vòng bốn năm (tr. 144 & 149). Ở Úc, tổng số sinh viên học tiếng Việt ở các đại học, ngay trong thời cực thịnh, cũng chỉ khoảng vài ba trăm mỗi năm, [21] chủ yếu tập trung ở trường Victoria University. [22]

(Trích từ cuốn “Phương pháp dạy tiếng Việt như một ngôn ngữ thứ hai”. Buổi ra mắt sách sẽ được tổ chức từ 2 đến 4 giờ rưỡi chiều Chủ nhật 6/5 tại giảng đường L114, trường Victoria University, Ballarat Road, Footscray, Melbourne, Úc với phần văn nghệ của Hoàng Ngọc-Tuấn. Xin mời quý đồng hương ở địa phương đến tham dự. Vào cửa tự do.)

Nguyễn Hưng Quốc

[1] Tên gọi chung các nước láng giềng của Việt Nam, trừ Trung Quốc.
[2] Có lẽ là nước Tumasik, tên cổ của nước Singapore hiện nay.
[3] Chân Định: Một huyện thuộc tỉnh Hà Bắc, Trung Quốc.
[4] Đại Việt sử ký toàn thưtiền biên, Viện Nghiên cứu Hán Nôm dịch, nxb Khoa Học Xã Hội, Hà Nội, 1997, tr. 430-1.
[5] Các trích dẫn liên quan đến Alexandre de Rhodes đều lấy từ bài “Alexandre de Rhodes có phát minh ra chữ quốc ngữ?” của Alain Guillemin do Ngô Tự Lập dịch và đăng trên http://viet-studies.info/AlainGuillemin_DeRhodes.htm
[6] Như trên.
[7] Anatoli Solokov, “Vietnamese Studies in the Soviet Union”, in trên Journal of Vietnamese Studies số 5 (January 1992), tr. 4-13.
[8] N.I. Niculin (2000), Văn học Việt Nam và giao lưu quốc tế (Nguyễn Hữu Sơn tuyển chọn và giới thiệu), Hà Nội: nxb Giáo dục, tr. 643-7.
[9] Xem cuốn A History of the Center for Vietnamese Studies at Southern Illinois University, 1969-1976 của Larry D. Lagow, Southern Illinois University ở Carbondale xuất bản năm, 1977; bài “Universities and the Vietnam War: a Case Study of a Successful Struggle” của Douglas Allen trên Bulletin of Concerned Asian Scholars, Vol. 8, 1976. Một số phản ứng chung quanh Trung tâm này có thể xem trên trên http://www.dailyegyptian.com/riot/riotvcenter.html
[10] Theo Ngô Như Bình trong bài “The Vietnamese Language Learning Framework” http://www.seasite.niu.edu/jsealt/past%20issues/volume%2010/VN%20LLF%20Part%20I.pdf
[11] Đây chỉ một số nước và một số đại học tiêu biểu, chứ không phải là một danh sách đầy đủ những nơi có môn tiếng Việt.
[12] Xem http://www.nguoi-viet.com/absolutenm2/templates/?a=135439&z=1
[13] Xem thông tin trên trang web của Bộ giáo dục tiểu bang Victoria: http://www.education.vic.gov.au/studentlearning/teachingresources/lote/clsforschools.htm
[14] Tôi không tìm ra con số nào cập nhật hơn năm 1998, tuy nhiên, tôi tin số học sinh học tiếng Việt từ đó đến nay nếu không giảm thì thôi chứ khó có thể tăng thêm được.
[15] Anh Tran (2008), “Vietnamese Language Education in the United States”, Language, Culture and Curriculum, vol 21, No 3, 2008.
[16] http://www.vanlangsj.org/view.php?pg=vl_introduction.
[17] http://en.wikipedia.org/wiki/Demographics_of_California
[18] Đây chỉ là số người sinh ra ở Việt Nam. Cũng theo cuộc điều tra dân số năm 2006, số người nói tiếng Việt tại tiểu bang là 72.170 người, gồm cả người Việt thuộc thế hệ thứ hai. Xem: http://www.multicultural.vic.gov.au/images/stories/pdf/vietnam-born-2006%20census.pdf
[19] Trong số này, riêng trường Lạc Hồng (Hiệu trưởng: Thái Đắc Nhương) ở Melbourne, Úc, đã có trên 2.500 học sinh ghi danh, từ lớp mẫu giáo đến lớp 12, học ở năm trung tâm khác nhau trong thành phố. Có lẽ đây cũng là trường Việt ngữ có đông học sinh nhất thế giới (ngoài Việt Nam).
[20] Theo Ha Lam, “Vietnamese Immigrants and Language in the USA” trên www.globo-portal.com/…/2/6/…/vietnamese_research_paper_for_matt.doc
[21] Xem Nguyễn Xuân Thu, 1995, Profiles of Languages in Australia: Vietnamese, ACT: National Languages and Literacy Institute of Australia Limited, tr. 21-3.)
[22] Về chương trình Tiếng Việt tại Victoria University, có thể xem trên trang http://www.vu.edu.au/unitsets/ASPVIE

Vĩnh Hội Quê Tôi - Thơ Bạch Xuân Phẻ. Nhạc Việt Cường


Vĩnh Hội Quê Tôi - 

Thơ Bạch Xuân Phẻ. Nhạc: Việt Cường

Ca Sĩ Tuyết Mai

https://www.youtube.com/watch?v=iQrKsc9Sqp0


Vĩnh Hội Quê Tôi - Video KARAOKE - Thơ Bạch Xuân Phẻ. Nhạc Việt Cường

https://www.youtube.com/watch?v=1PnyyyxzP5w


VĨNH HỘI, CÁT HẢI, PHÙ CÁT, BÌNH ĐỊNH
            Viết thương Vĩnh Hội - quê ngoại khi nghe tin
dân làng sẽ bị “đuổi đi” nơi khác để lấy đất làm khu du lịch.

Quê ngoại tôi miền thuỳ dương cát trắng
Nơi hoa đồng cỏ nội, biển và trăng
Nhưng ở đây sinh sống với cày bừa
Ngày một nắng hai sương bao vất vả
Nhưng tình người là những gì khó tả
Đất mẹ 'nghèo cho sạch rách cho thơm'
Đất mẹ dạy tôi: "Nhân Lễ Nghĩa cho tròn
Nam phải lấy Trí Tín cho phải đạo".
Quê ngoại tôi, thiên nhiên đẹp biết bao
Trước biển cát ngút ngàn với gió
Sau là dãy núi Bà hiện rõ
Hòn Vọng Phu yêu dấu chờ chồng
Mùa lúa vàng hát với suối trong
Khoai và sắn thì thầm với biển
Đêm trăng rằm, hồn ai xao xuyến
Tiếng ve kêu theo gió la đà
Đập Đá Bàng véo von với lá
Hòn Đá Heo nằm chình ình mới lạ
Im lìm hay nuối tiếc ông Hét* ơi
Chiều tịch mịch, ánh tà dương vời vợi
Núi rừng thiêng hùng vĩ ngàn đời
Vĩnh Hội ơi! Năm chờ tháng đợi
Một lần về trăm nhớ ngàn thương.
                                 Tháng 5, 2008






                                   Những hình ảnh quê Ngoại tôi lấy từ trang Blog Nguyễn Xuân Diện. Photo Vinh Hy.

                                                                       Đường về Vĩnh Hội - ảnh Trần Quang Độ












                                                                                                      Ảnh: Trang Trần



GS Cao Huy Thuần: Bonjour Bác Thám!

 

GS Cao Huy Thuần (em của Cố Niên Trưởng Tâm Huệ Cao Chánh Hựu) là người Pháp gốc Việt, hiện là giáo sư về ngành chính trị học tại đại học Picardie, Pháp. Ông sinh tại Huế, học đại học Luật Sài Gòn (1955-1960), dạy đại học Huế (1962-1964), xuất bản tờ báo Lập Trường (1964) trước khi qua Pháp du học. Đầu năm 1969, ông bảo vệ luận án tiến sĩ tại Đại học Paris và sau đó là Giám đốc Trung tâm nghiên cứu về Cộng đồng châu Âu tại Đại học Picardie. Hiện nay ông là giáo sư giảng dạy tại Đại học Picardie, Pháp. Cũng như một số trí thức Việt kiều khác, ông cũng thường xuyên về Việt Nam tham dự các cuộc hội thảo về các lĩnh vực chính trị, xã hội. Ông đã in rất nhiều tác phẩm bằng tiếng Pháp về khoa học chính trị và quan hệ quốc tế. Với tiếng Việt, ông cũng đã in và viết rất nhiều bài báo tại Việt Nam và được đánh giá là các tác phẩm văn chương chính trị.

Bác Lê Đình Thám có viết một bài rất ý nhị trong “Viên Âm” dưới nhan đề “Bonjour đức Phật”[1]. Đó là một trong những bài rất ngắn viết với giọng kể chuyện hóm hỉnh, đặt ngay từ đầu trong mỗi số báo. Mở “Viên Âm”, nghe được một tiếng cười như thế của Bác là vui rồi. Và quả là lạ lùng: Bác là bậc thầy trong “Viên Âm”, là tác giả của những bài viết bác học trong đó, là bậc đại cư sĩ luôn luôn một mực khăn đóng áo dài cung kính mỗi khi giảng dạy học tăng, vậy mà Bác lại cũng biết cười, mà còn dám cười với cả đức Phật, e bác Duy Ma Cật cũng phải né. Trong bài phát biểu này, tôi không dám nói những chuyện triết lý bác học cao xa của Bác, xin nhường cho các bậc tôn túc và học giả, chỉ xin được bonjour Bác Thám trong vài bài cực ngắn mà tôi sẽ đọc ở phần cuối. Bây giờ thì tôi xin góp vài ba nhận xét nhỏ về phong trào Chấn hưng Phật Học, trên ba điểm nổi bật: bối cảnh lịch sử; Phật học và Phật giáo; Phật học và khoa học.

I. Bối cảnh lịch sử

Nguyễn Lang, trong Việt Nam Phật giáo sử lược, đã nói rất rõ đâu là những nguyên nhân từ bên ngoài và từ nội bộ đã làm phát khởi và thúc đẩy phong trào chấn hưng Phật giáo. Ở đây, tôi không lặp lại những gì đã nói và đã biết, chỉ xin bổ túc thêm vài điểm.

1. Nguyên nhân từ bên ngoài

Từ bên ngoài, Nguyễn Lang có nêu ra, nhưng để bác bỏ, một “nghi ngờ” đến từ một phần dư luận cho rằng phong trào chấn hưng Phật giáo nằm trong kế hoạch của chính phủ bảo bộ. Hai yếu tố, theo tác giả, có thể đưa đến nghi ngờ đó: một, là nhà nước bảo hộ đã ký giấy cho phép thành lập các Hội Phật học một cách tương đối dễ dàng và mau chóng; hai, là sự có mặt của một số người được nhận định như là “người của chính quyền” trong lòng một số hội Phật học. Để giải thích rằng nghi ngờ đó không phải là dư luận của trí thức, Nguyễn Lang viện dẫn Phan Khôi, Huỳnh Thúc Kháng, là những người ở ngoài phong trào, lại cũng không ở trong nhà Phật, nhưng cực lực tán dương chấn hưng đạo Phật.

Tôi xin thêm một chút lập luận nữa để phản bác cùng với Nguyễn Lang. Vấn đề sẽ rõ hơn khi ta đi sâu vào hai thực trạng trong chính sách thuộc địa áp dụng cho cả  ba Kỳ, nhất là ở Trung Kỳ, nơi Pháp còn giữ Vua và triều đình An Nam, tuy chẳng có chút thực quyền gì, nhưng cái vỏ quân chủ vàng son vẫn còn dựa trên một nền văn hóa truyền thống chưa mất hẳn. Thực trạng thứ nhất là sự lúng túng bất khả giải quyết của Pháp giữa hai chính sách đồng hóa hay hợp tác. Thực trạng thứ hai là áp lực của hai thế lực chính trị cực kỳ mạnh ở thuộc địa, thế lực của phe thực dân bản địa, và thế lực của phe Gia Tô, cả hai hợp tác với nhau để kéo chính quyền bảo hộ vào con đường đồng hóa mà ai cũng thuộc câu đầu của bài học lịch sử như thuộc bùa chú: “tổ tiên chúng ta là dân Gô Loa”.

Nói chung, chính sách áp chế, đồng hóa, thường là thắng thế, nhưng không thành công. Ông Tàu đồng hóa chúng ta cả ngàn năm mà không được, sức mấy mà ông Tây Gô Loa-hóa dân An Nam trong vòng vài chục năm! Cho nên khi thất bại thì Tây thử lách qua con đường hợp tác xem sao. Viễn vông! Ông Toàn Quyền nào thử chơi con bài đó thì lập tức hai thế lực kia gây áp lực tại thuộc địa và tại chính quốc để triệu ông về mẫu quốc.

Thế nhưng, cả thế giới xung quanh Đông Dương đã biến động rồi vào những năm trước 1930. Nào Trung Hoa thức tỉnh với Tôn Dật Tiên, nào Lương Khải Siêu, Khang Hữu Vi, nào chiến thắng của nước Nhật da vàng trên nước Nga da trắng, nào ý thức độc lập âm ỉ như một ngòi súng sắp nổ ở Á châu, nào ảnh hưởng của tất cả những biến động đó trên tầng lớp sĩ phu ở Việt Nam, nào những rối loạn, nổi dậy, phản kháng bung ra khắp nơi trong nước, chống thuế, chống rượu, chống bất công, chống áp chế, nào Phan Bội Châu, Phan Châu Trinh, Trần Quý Cáp, Nguyễn Thái Học, Yên Bái… bao nhiêu biến động buộc chính quyền bảo hộ đặt lại một lần nữa, dưới áp lực của Quốc Hội Pháp, câu hỏi xưa như hồi thất thủ kinh đô: phải chăng chính sách thống trị, đồng hóa là không thể áp dụng được ở cái xứ An Nam này? Là bất lực như lấy thúng úp voi?

Trước đó lâu rồi, từ 1889, Tổng Khâm sứ Chavassieux đã than thở trong một văn thư gởi Toàn Quyền ở Hà Nội: “Văn minh và tôn giáo của ta không tương cận với văn minh và tôn giáo của họ; tất cả đều ngăn cách chúng ta, và truyền thống của quá khứ cũng như nền giáo dục dân tộc đã dựng lên trước mặt chúng ta một bức tường nghìn đời không sao vượt qua được. Chúng ta đã chọn con đường đúng chăng? Ngày nay mọi người đều đồng thanh trả lời là không”. Nhưng Toàn Quyền nào dám đổi chính sách? Toàn Quyền Paul Beau (1902-1907) thử đổi, chưa được gì đã bị triệu hồi vĩnh viễn, tội nghiệp trường đại học Hà Nội mới mở vài khoa đã bị đóng cửa. Cứ thế mà lúng túng cho đến khi tình trạng biến động khiến Quốc Hội Pháp phải chất vấn chính phủ để buộc phải thay đổi chính sách ở thuộc địa An Nam.

Người được đề cử để thực hiện chính sách hợp tác là Albert Sarraut, nhậm chức Toàn Quyền với hai lần qua Đông Dương: 1911-1914 và 1917-1919. Làm thế nào để, một mặt, ngăn ngừa sức dội của cách mạng dân quốc ở Trung Hoa; một mặt, để đối phó với những biến động ở trong nước? Chỉ có một cách thôi, theo Albert Sarraut: nắm lấy phong trào duy tân, chỉ đạo nó, dồn nó vào một hướng: “Ngay bây giờ chúng ta có thể tiên liệu được cách mạng Trung Hoa sẽ tăng cường tại Đông Dương tư tưởng dân tộc cùng các hoài bão của dân chúng về tiến bộ. Điều quan trọng là quá trình này phải được chúng ta điều khiển, vì nếu nó diễn ra ngoài sự kiểm soát của chúng ta, nền đô hộ của chúng ta sẽ bị đe dọa… Nam Kỳ, đã rất tiến bộ, có vẻ đã đến một tình trạng quân bình tương đối ổn định… Trung và Bắc Kỳ chính là nơi chúng ta phải cố lèo lái trào lưu các tư tưởng mớỉ”. Thế nhưng, một lần nữa, chính sách của Sarraut trong nhiệm kỳ đầu (1911-1914) không phải là hợp tác! Vẫn là đồng hóa, tuy rằng bây giờ, thời đại mới, không phải đồng hóa bằng tôn giáo như trước, mà đồng hóa bằng giáo dục. Đổi đầu óc của người An Nam bằng ngôn ngữ và văn chương Pháp, tẩy ảnh hưởng Khổng Mạnh ra khỏi trường ốc, rước vào bằng những tư tưởng mới của nước Pháp cách mạng 1789: “Trung Quốc đã chiếm và giữ được một ảnh hưởng to lớn tại xứ này bằng cách phổ biến ngôn ngữ và văn chương của nó. Vậy cũng chính bằng ngôn ngữ và văn chương Pháp mà chúng ta sẽ thực hiện cuộc chinh phục tinh thần tại Đế Quốc An Nam”. Thế là chết! Sarraut tự đưa thân vào cửa tử. Không phải chỉ vì phái bộ Gia Tô chống ông kịch liệt, mà vì người trí thức An Nam sẽ dùng roi của ông để quất ông. Những tư tưởng cách mạng, dân chủ cao đẹp của Pháp, thay vì được ông lèo lái, đã lèo lái trí thức Việt Nam vào con đường chống lại nô lệ thuộc địa.

Do đó, một lần nữa, chính sách hợp tác lại được cải biên và tên tuổi Sarraut được gắn liền với khẩu hiệu “Pháp-Nam đề huề” mà ông thực hiện trong nhiệm kỳ thứ hai. Lần này, để chận đứng lại, kiểm soát, dồn vào một phía những tư tưởng mới, ông thấy không có biện pháp nào hữu hiệu hơn là trở về “truyền thống ngàn đời” của dân tộc An Nam. Những bài diễn văn nổi tiếng nhất của tay Toàn Quyền thông minh này nhắm vào một trọng điểm: tán dương văn hóa Khổng giáo và hô hào hợp tác giữa hai văn minh Đông Tây. Từ đó mà có tờ Nam Phong với Phạm Quỳnh là đầu não[2].

Tôi nhấn mạnh điểm này vì đây là chìa khóa để tôi trả lời nghi vấn mà Nguyễn Lang đã nêu ra từ đầu. Tôi nhấn mạnh: “truyền thống ngàn đời” mà Sarraut nói là Khổng giáo. Người phà hơi, thổi sinh khí vào cho nó sống lại để làm đầy tớ cho ông. Quốc văn giáo khoa thư mà tôi học lúc nhỏ là luân lý Khổng Mạnh. Không thấy bóng dáng chùa chiền gì trong đó. Nam Phong là con bài của Sarraut, lấy thúng cũ úp voi mới, đặt dưới sự sắp đặt của bàn tay phù thủy Marty, chánh văn phòng chính trị của phủ Toàn Quyền, còn các sơn môn rần rộ học Phật, bắt đầu từ Nam Kỳ rồi lan ra Huế, trước khi các Hội Phật học ra đời, là tự phát, chẳng ai dắt dẫn. Tất nhiên, thời đại cũng tạo ra chút duyên thuận lợi, nhưng nguyên nhân phải tìm ở nơi khác: nơi cái ý thức không thể để cho Phật giáo suy đồi dần dần rồi tự diệt. Tôi trích một câu của Hòa Thượng Trí Quang: “Chí nguyện chấn hưng nền tôn giáo của dân tộc hết sức mạnh mẽ trong thời kỳ mà chỉ có những tổ chức gì của ngoại quốc đem đến mới được thực dân ngoại quốc bảo hộ”[3].

Chính cái ý chí ấy là nguyên nhân nội bộ của phong trào chấn hưng.

2. Nguyên nhân từ bên trong

Đạo Phật đã suy đồi từ lâu. Chỉ cần đọc một sắc Dụ của vua Gia Long ban  hành sau khi lên ngôi hai năm cũng đủ thấy tình trạng bi thảm trước đó và sau đó: ngay cả vua cũng chẳng biết Phật là gì, đạo Phật và “đạo” đồng bóng chắc cũng hao hao anh em ruột thịt với nhau trong mắt vua. Hòa Thượng Trí Quang tóm tắt trong bốn chữ tình trạng đối nội và đối ngoại của Phật giáo lúc 16 vị sáng lập Hội An Nam Phật Học nộp đơn xin thành lập: “pháp nhược ma cường”. Nguyễn Lang cũng đã nói nhiều, tôi khỏi lặp lại, chỉ xin trích thêm vài câu trong Viên Âm: “Phật học cách mấy trăm năm trở lại đây như đã bị cái trào lưu Nho học làm mai một đâu rồi; đến nay cái trào lưu Nho học đã nhược bại, Phật giáo mới có cơ xuất hiện, thì ôi thôi Tăng đồ đã lâu ngày thất học và tín đồ cũng ngẩn ngơ không biết đâu là chánh pháp, vì thế mà có nhiều tạp chí tuy là lấy tên truyền bá đạo Phật, mà tựu trung chứa đầy cả lý thuyết xằng xiên. Đối với người có con mắt trạch pháp thì không hại, nhưng đối với sự tín ngưỡng của số đông thì chẳng khác gì một con trùng độc ở trong máu người ta làm cho sức người này thêm kém sút. Bệnh tình ấy nguy cấp như thế, ai có phương thuốc gì điều trị không?”[4].

Có! Phương thuốc ấy là học Phật cho đúng với đạo của Phật. Học đúng đạo của Phật, ấy là “trừ tà hiển chánh”. Ấy là bước đầu của phong trào chấn hưng Phật giáo. A! nhưng Phật giáo hay là Phật học? Chấn hưng Phật giáo hay là chấn hưng Phật học?

II. Phật học và Phật giáo

Tại sao các Hội rần rộ tự động mọc lên ở Nam Kỳ rồi tự động lan ra Huế đều mang tên là Hội Phật Học? Chính phủ bảo hộ sợ cái chữ “Phật giáo” chăng? Hay là ở thuộc địa hồi đó chỉ có tôn giáo của Tây mới là đích thực tôn giáo thôi? Tôi hỏi câu này không phải là vớ vẩn. Tại vì tôi có chút suy nghĩ trên câu viết có chút vị đắng của Hòa thượng Trí Quang: “Từ năm 1932 đến năm 1945, Hội hoạt động dưới danh nghĩa mỉa mai là An Nam Phật Học Hội”[5]. Tôi lại càng không vớ vẩn khi tôi lại cũng có chút suy nghĩ trên cái chữ viết tắt mà chắc chắn là Bác Thám đã dịch và đã chua trong ngoặc đơn đàng sau “An Nam Phật Học Hội” trên “Viên Âm”: SEERBA. Nghĩa là: “Société d’Étude et d’Exercice de la Religion Bouddhique en Annam”. Bác quá giỏi tiếng Pháp, tại sao Bác không dịch cho đúng và cho gọn “Société d’étude et d’exercice du Bouddhisme” mà phải dùng thêm chữ “religion” làm gì cho nó luộm thuộm về  ngôn ngữ? Khó mà nghĩ rằng Bác đã không cố ý.

Huống hồ tôi lại còn có thêm chút suy nghĩ nữa: “Hội Phật học” thì chỉ cần dịch “Société d’étude bouddhique” là đủ, cần gì phải thêm “Ecercice”? “Étude” là học; “Exercice” là hành. Tôi đố ai dám nói Bác Thám không cố ý. Bác đã cố ý thêm chữ “hành” như thế vì ba lẽ: một là học mà không hành thì không phải đích thị là người học Phật; hai là học mà không hành thì không phải đích thị là “religion”; ba là… phải hiểu đàng sau tôn chỉ của Hội.

Tôn chỉ của Hội nằm ngay trong điều 2: “hoằng dương chánh pháp, lợi lạc hữu tình“. Thế nào là “hoằng dương chánh pháp”? Không ai cắt nghĩa rõ hơn Hòa thượng Trí Quang: “Hoằng dương chánh pháp là làm cho chân tinh thần được phát huy, thâm nhập vào tư tưởng và sinh hoạt của quần chúng. Nhưng hoằng dương chánh pháp bằng cách nào? Tóm tắt thì hai phương diện chánh yếu sau đây luôn luôn được chú ý đến: phần tự giác thì nghiên cứu và áp dụng chánh pháp, phần giác tha thì tận lực truyền bá chánh pháp đó bằng những phương tiện cần thiết[6]. Thế mà không phải “religion” thì là gì?

Có người hỏi “Viên Âm”: Hội có lập giới đàn không? “Viên Âm” trả lời: Có chớ! Và miêu tả cặn kẽ giới đàn sẽ được tổ chức như thế nào[7]. Thế mà không phải là “religion”?

Nhưng Hội nói rõ trong điều 3, và nói đúng sự thật, để Tây đừng lo mà cấp giấy phép: Hội không làm chính trị. Tôn chỉ ấy đúng muôn đời, xưa cũng như nay. Cho nên đừng đem chính trị hay kinh tế cơm áo gạo tiền mà suy diễn rồi đánh giá Hội. Đúng như Hòa thượng Trí Quang cắt nghĩa: “Hội dùng mọi phương tiện thiện xảo để áp dụng “tinh thần Phật học” vào đời sống cá nhân, vào tổ chức gia đình, vào hoàn cảnh xã hội, cao vọng xã hội thành xã hội Phật hóa, gia đình thành gia đình Phật hóa, cá nhân thành người bi, trí, dũng, hầu tạo thành một xã hội mới mà trình độ tinh thần ngang với trình độ vật chất, tiến bộ đều đặn”[8].

Có độc giả “Viên Âm” hỏi Bác Thám: Danh nghĩa của Hội là Phật học, thế thì phải chăng Hội đặt cái biết trên cái làm? Bác trả lời ngắn gọn, nhưng súc tích, đầy đủ, trọn vẹn: “Khi nào cũng phải biết trước rồi mới làm, nếu không biết mà làm càn thì bao giờ cũng sai lầm cả. Chẳng những Phật học, mà dầu khoa học hay các môn học thuật khác cũng vậy, thế nào cũng phải biết rồi mới làm, nhưng đến khi làm rồi thì mới có thể thiệt biết”[9].

Ngay trên cả cái biết, học và hành không bao giờ tách nhau ra được. Còn trên bình diện tôn giáo, phát triển bề sâu và phát triển bề rộng, nếu không đi đôi với nhau thì chết thôi, mà lại là chết đuối trên cạn. Xưa cũng vậy, nay cũng vậy, tiếng Bác Thám còn đó.

Một độc giả khác hỏi Bác: Hội không làm chính trị, vậy thì làm sao giải thích “tứ ân” mà các chùa tụng niệm hằng ngày? Ơn cha mẹ, đúng. Ơn thầy trò, đúng. Ơn chúng sinh, đúng. Còn cái ơn thứ tư kia mà hồi nhỏ mẹ tôi dạy tôi là ơn đối với quốc vương? Đối với vua Bảo Đại? Hồi 1932, “Viên Âm” phải nhớ ơn ông Toàn Quyền? Bác Thám trả lời thế này, quá phục: đó là ơn đối với Nhà nước. Và nói thêm: “Nhà nước chủ yếu làm cho nhân dân an cư lạc nghiệp và bảo vệ đất nước chống ngoại xâm, ơn ấy cần báo đáp bằng cách làm tròn nhiệm vụ người dân. Trong chế độ phong kiến, quốc vương tiêu biểu cho Nhà nước, nên trong các kinh dạy bảo vệ chủ quyền đất nước, hết lòng chăm lo đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân thì mới thật có ơn. Đối với Nhà nước thật sự vì dân như thế, người đạo Phật cần phải thi hành triệt để mọi chủ trương chính sách của Nhà nước, phục vụ lợi ích của nhân dân, của Tổ Quốc thì mới báo đáp được công lao ấy”[10]. Nói gì hơn? Chính trị chẳng phải là vậy sao: Nhà nước xứng đáng, nhân dân xứng đáng. Sau này, Hòa thượng Trí Quang gọi “chính trị” ấy là “lẽ phải”, và nói Phật giáo là “lực lượng”, không phải lực lượng chính trị mà là “lực lượng của lẽ phải”[11]. Trên bình diện lý thuyết, “Viên Âm” cũng nói ý ấy: Phật giáo là đạo của Sự Thật[12], bởi lẽ đơn giản Phật giáo được đức Phật định nghĩa là “đạo Như Thật”.

Sự Thật ấy là của chung của nhân loại, Phật giáo đáp ứng một nhu cầu tôn giáo của nhân loại. Thế thì, lại một thắc mắc của độc giả “Viên Âm” về chuyện chính trị: thế thì Phật giáo có quốc gia xứ sở không? Câu trả lời của Bác Thám vẫn gọn nhẹ, súc tích, đầy đủ: “Đạo Phật, về mặt tùy duyên thiệt có quốc gia có xứ sở, thiệt có ích cho quốc gia và xứ sở, ai là người có lòng vì nước vì dân xin hãy nghiên cứu Phật học”[13].

Nghĩa là, Bác muốn nói, công cuộc chấn hưng Phật học không phải chỉ là để cho Phật giáo mà cho cả quốc gia xứ sở. Cái giai đoạn 1932 ấy là giai đoạn hãy còn giao thời với tất cả những nhá nhem của buổi giao thời: cái cũ đã tàn nhưng cái mới hãy còn xa lạ, tiến bộ khoa học đã mở nhưng nền tảng đạo đức đã lung lay. Hơn ai hết, Bác Thám là con người của khoa học, nhưng cũng hơn ai hết Bác thấy khoa học không thể thiếu vắng đạo đức Phật giáo. Cái tài của Bác đi đôi với cái tâm của Bác. Do đó mà đề tài khoa học và Phật học là đề tài lớn trong “Viên Âm”.

III. Phật học và khoa học

Giữa khoa học và Phật giáo có cái gì giống nhau? “Viên Âm” trả lời: cùng một mục đích là nhắm đến cái biết. Biết một cách chân thật, xác đáng. Trí thức con người được mở mang thì khoa học được mở mang mà đạo Phật cũng được mở mang. Giữa khoa học và Phật pháp còn có thêm một mục đích thứ hai giống nhau: khoa học cải tạo hoàn cảnh và mưu cầu hạnh phúc cho nhân loại, Phật pháp cũng vậy. Nhưng, về điểm này, khoa học không phải bao giờ cũng đem lại hạnh phúc, trái lại có thể đem lại đau khổ, và vì vậy đạo Phật luôn luôn cần thiết cho nhân loại để tiến bộ và hạnh phúc thật sự.

Trên hai nhận định dễ thấy đó, “Viên Âm” cắt nghĩa vì sao mà có phong trào

Chấn hưng Phật học. Vì ba nguyên nhân, xin trích nguyên văn:

  1. Vì sự tiến hóa của trí thức người xứ ta về mặt luận lý;
  2. Vì khoa học tuy đánh đổ các sự mê tín nhưng tự mình vẫn không có năng lực để tạo thành hạnh phúc cho nhân loại;
  3. Vì phải có một đạo lý vững vàng để làm cho khoa học phục tình để đào tạo đức tánh của loài người.

Về nguyên nhân thứ nhất, lại xin trích nguyên văn. “Ngày xưa, người xứ ta theo Nho học, cái Nho học của Tống nho bắt phải nhất định theo lối biện luận của thầy Châu Tử, không được dời đổi chút nào, đến nỗi ai trái với Châu-chú trong khi thi cử đều phải mắc tội, cái tội lây đến bản sư nữa. Lối học như vậy là lối học chết sửng, nó khép trí thức con người vào trong khuôn hẹp hòi, cho nên luận lý học xứ ta trong mấy trăm năm về sau đây mỗi đời mỗi suy kém. Vậy nên trong thời kỳ Nho học thạnh hành, đạo lý cao xa của Phật giáo chỉ có thể duy trì trong sơn môn, chứ không thể truyền bá trong cái xã hội không biết luận lý ấy được. […] Phật pháp ý nghĩa rõ ràng, đúng đắn, có thiệt nghiệm, chắc chắn nơi tự tâm chớ không phải tin càng theo cha, không bắt quỵ luỵ tra hỏi một đấng thiêng liêng nào, nên rất hiệp với trí não không chịu ỷ lại, không chịu mê tín của khoa học”[14].

Xin cúi đầu bái phục Bác Thám, vì cái gì “Viên Âm” nói từ những năm 1932, bây giờ vẫn còn đúng y chang.

Về nguyên nhân thứ hai, khoa học đem lại lợi ích rất nhiều, nhưng coi chừng, khoa học là con dao hai lưỡi, kết quả hay hay dở là còn tùy theo lối dùng phải hay trái, nghĩa là còn tùy theo ở nơi chính con người. Tôi lại trích nguyên văn “Viên Âm”: “Như một con dao bén ở trong tay người đầu bếp thì có thể xắc đồ ăn mà nuôi sống cho kẻ khác, còn ở trong tay thằng ăn cướp thì để cắt cổ giết người, tùy theo chỗ dùng mà lợi hại có khác. Vậy chủ động dùng khoa học là gì? Là chơn tâm. Chơn tâm độc ác tham lam, thì khoa học là những máy móc để giết người, chơn tâm hiền lành ngay thẳng thì…”

Thì phải thế nào? Khuếch trương triết học ư? Khuếch trương thần giáo ư? Âu châu đã chứng kiến sự tương khắc giữa khoa học và thần giáo. May mắn cho ta là khoa học và Phật giáo không tương phản nhau. Do đó, “Viên Âm” kết luận chắc nịch: “Duy chỉ có Phật giáo là đạo lý vững vàng đủ làm cho khoa học phục tình để đào tạo đức tánh của loài người“. Đó là nguyên nhân thứ hai.

Nguyên nhân thứ ba, như vậy, là đức dục, một trong ba nhiệm vụ của giáo dục (trí dục, thể dục, đức dục) mà Bác Thám và “Viên Âm” đặc biệt chú trọng. Tuổi trẻ và nhi đồng là quan tâm hàng đầu của Bác. Đoàn thanh niên đức dục và Ban Đồng Ấu được mở mang một cách thành công, để lại hậu thân là Gia Đình Phật tử.

Vì đức dục quan trọng như vậy, tôi xin dài dòng thêm chút nữa để nói về buổi viếng thăm Hội của ông Phạm Quỳnh, lúc đó là Thượng thư Bộ Học của Nam triều. Bác Thám đọc một bài diễn văn nội dung rất cao vì ông Phạm Quỳnh là học giả xuất chúng thời đó. Tôi chỉ trích ra đây mấy lời cám ơn mở đầu của Bác:

“Hiện thời nay, chắc Cụ Lớn đã rõ, người nước ta xu hướng về con đường vật chất hầu mong làm đổ cả nền luân lý nước nhà, nếu chúng ta không đem Phật pháp mà vãn hồi chơn tâm thì không bao lâu nữa ắt sẽ bị cái hại luân lý suy đồi, lương tâm vùi dập”.

 

Nghe lại mấy câu ngày xưa mà tưởng như ngày nay. Khen chê Phạm Quỳnh, dư luận đã nói nhiều, và tôi cũng đã nói ở trên. Ở đây, riêng về buổi viếng thăm này, tôi chưa hề thấy một ông bộ trưởng giáo dục nào nói những câu như thế này trong đáp từ:

“Xét về mặt lịch sử thì dân tộc Việt Nam có đủ luân lý, đạo đức, học thuyết, tóm lại gọi là tinh thần một dân tộc, mà sở dĩ dân tộc này không lộn với dân tộc khác là bởi do tinh thần khác nhau đó vậy. Nói về tinh thần của một dân tộc, thì không phải một ngày một lúc mà có thể đào tạo cho thành, chính là phải trải qua mấy ngàn năm. Cái tinh thần Việt Nam của chúng ta đây, tất phải nhờ các học thuyết tạo thành, mà xét về đức dục thì một phần lớn là do công nghiệp của Phật học vậy. Phật học đã có ảnh hưởng về luân lý đạo đức trong dân tộc ta như vậy thì ai là người muốn bảo tồn tinh thần dân tộc Việt Nam tất phải tán thành cho Phật học”[15].

 

“Cụ Lớn” nói như vậy thì ai dám bảo là Cụ không lớn? Xin được đùa một câu như thế vì tôi sắp bắt qua tiếng cười của Bác Thám để kính chào Bác với tất cả kính yêu ngưỡng mộ trước một bậc đại cư sĩ hiếm hoi của thế kỷ.

IV. Bonjour Bác Thám!

Làm cho triết lý cao siêu của đạo Phật thành ra rõ ràng, dễ hiểu, trẻ trung, tươi mát, là mơ ước chung của bao nhiêu thế hệ Phật tử. Bác Thám dường như là người mở đầu. Bác là người đem cái ý nhị của bông đùa vào những mẫu chuyện rất ngắn mà thâm thúy đạo vị. “Bonjour đức Phật” của Bác là đại tếu, khó có ai tếu hơn. Chuyện bắt đầu như sau:

Một buổi sáng, anh chàng có tên là Ba Láp vào chùa, thấy bác Cửu Giới lạy Phật vừa ra. Ba Láp cười… xin trích nguyên văn đoạn mào đầu:
“- Chú rõ là mê tín, Phật tức tâm, tâm tức Phật, tôi có tâm, chú lạy tôi đây không hơn sao mà phải lạy Phật? Tôi chả lạy ai cả, mỗi buổi mai cứ đến trước bàn Phật nói: “Bonjour đức Phật” thôi.

Cửu Giới cười hả hả, lên ngồi trên ngựa chỉnh chệm và bảo:
– Anh lạy Cửu Giới đi.

Ba Láp trợn mắt:
– Xỏ lá, ai thèm lạy chú!

Thế tôi không có tâm sao? Ba Láp ngơ ngẩn:
– Chú có tâm nhưng mà… tôi không lạy.”

Bác dạy gì sau câu nói đó của Ba Láp trong mẫu chuyện cực ngắn ngang nhiên nằm trên trang đầu của một “Viên Âm” rất chi là đạo mạo? Bác giải thích cho Ba Láp vì sao ta lạy Phật, lạy Phật có lợi ích gì. Cười mà học… tiên học tếu hậu học văn[16].

Tếu thêm một chuyện nữa. Đời Tự Đức, có một ông tân khoa tiến sĩ xuất thân ở chốn quê mùa. Quý nhà nghèo mà học giỏi, vua thương ông tân khoa, đặc biệt mời ông vào cung xem một tuồng hát bội trong Duyệt Thị, lại cho ông được cầm trống chầu thưởng cho con hát. Xin chép nguyên văn:
“Vở tuồng hôm ấy là vở tuồng “Tống Nhạc Phi”. Người kép hát sắm vai Tần Cối rất đúng mực, nịnh từ giọng cười tiếng nói cho đến chưn tay bộ dạng, làm cho ông tấn sĩ mới tưởng thiệt, nổi giận đùng đùng, cầm roi chầu xông vào sân khấu đập tên kép hát lổ máu óc. Các quan lên can mà ông còn hết sức dằng xé, quyết đánh cho chết thằng nịnh là thằng Tần Cối. Một hồi lâu ông mới tỉnh lại, biết là tuồng hát thì hối hận vô cùng, cất mảo đi chân đến phục tội trước Ngai rồng”.

Bác dạy gì? Vấn đề rất cao xa, mà vô cùng dễ hiểu:
“Chúng ta vì vô minh nghiệp chướng mãi mãi trong sáu đường, hết thân này đến thân sau, nào khác chi một anh kép hát đóng tuồng trên sân khấu. Khi thì làm đàn bà, khi thì làm đàn ông, khi thì làm thiên thần, khi thì làm quỉ súc, đóng vai nào thì theo vai ấy, cũng vui, cũng khổ, cũng khóc, cũng cười, mà rốt cuộc có cái thân nào chắc là thân của mình đâu. Trong đường luân hồi, chúng ta đã đóng bao nhiêu vở tuồng…”[17].

Bài phát biểu đã dài, nhưng bệnh cười là bệnh hay lây, xin lạm dụng thêm một tiếng cười nữa của Bác:
“Đời xưa, một người con gái nhà giàu khờ dại lấy được một người chồng rất khôn ngoan. Một hôm, người vợ mua về một bình trà, gặp phải trà cũ, anh chồng uống không được, mới dặn người vợ rằng: Phàm mua trà Tàu phải mua mới, chứ trà cũ để lâu ngày thì không thể uống được. Vậy từ rày sắp sau phải cho nhớ đừng mua những thứ trà cũ nữa. Người vợ nghe lời chồng dặn lại hiểu lầm rằng hễ cái gì mới cũng tốt hơn cái cũ, nên hôm sau gặp người đến nhà bán lục bình thì người vợ đem cái lục bình xưa trong nhà ra đổi một cái lục bình mới, may nhờ người chồng hay được cản ngăn mới khỏi mất một vật quý báu vô giá”.

Bác dạy gì? Thì là tất cả những chuyện ta đã nói ở trên, chuyện của thời đại “Viên Âm”, của thời đại trước đó, của thời đại chúng ta, của văn hóa muôn đời: không phải cái gì cũ cũng dở, không phải cái gì mới cũng hay; vấn đề không phải là cũ hay mới, vấn đề là hay hay dở, lấy cái hay, bỏ cái dở.

Muốn cười với Bác thêm nữa, nhưng thôi, bài phát biểu đã dài, kính chào bái biệt, au revoir bác Thám.

Cao Huy Thuần

Tài liệu tham khảo

  1. Thích Trung Hậu và Thích Hải Ấn (sưu tập và giới thiệu), Tác phẩm của Bác sĩ Tâm Minh Lê Đình Thám, tập 5,
  2. Nguyễn Lang (19940, Việt Nam Phật giáo sửlược, tập 3, Nxb Văn Học, Hà Nội.
  3. Cao Huy Thuần (2002), Giáo sĩ thừa sai và chính sách thuộc địa của Pháp tại Việt Nam, 1857-1914, Nxb Tôn giáo; Nxb Hồng Đức, Phương Nam (tái bản, 2014).
  4. Trí Quang (2009), Tâm Ảnh Lục, trọn bộ 4 cuốn, Nxb Văn hóa Sài Gòn, TP. HCM. 5. Viên Âm, số 15, 21,29

[ trích Kỷ Yếu Hội Thảo Khoa Học Cư Sĩ Tâm Minh Lê Đình Thám và Những Đóng Góp Đối Với Hội An Nam Phật Học | PHẬT LỊCH 2562 | Ngày 10 & 11/4/2019 (06 & 07/3/Kỷ Hợi) | Tại Tổ đình Từ Đàm – Huế ]

_______________________________________

[1] Thích Trung Hậu và Thích Hải Ấn (sƣu tập và giới thiệu), Tác phẩm của Bác sĩ Tâm Minh Lê Đình Thám, tập 5, Nxb. Văn hóa Sài Gòn, tr115.
[2] Xin đọc thêm để rõ hơn: Cao Huy Thuần, Giáo sĩ thừa sai và chính sách thuộc địa của Pháp tại Việt Nam, 1857-1914, Nxb Tôn giáo, 2002; nxb Hồng Đức / Phương Nam (tái bản) 2014, Chương Kết.
[3] Trí Quang (2009), Tâm Ảnh Lục, trọn bộ 4 cuốn, Nxb Văn Hóa Sài Gòn, tr 756.
[4] Thích Trung Hậu và Thích Hải Ấn (sưu tập và giới thiệu), Sđd, tập 6, tr176
[5] Trí Quang (2009), Tâm Ảnh Lục, Sđd, 755.
[6] Thích Trung Hậu và Thích Hải Ấn (sưu tập và giới thiệu), Sđd, tập 5, tr 140.
[7] Thích Trung Hậu và Thích Hải Ấn (sưu tập và giới thiệu), Sđd, tập 5, tr140.
[8] Trí Quang (2009), Tâm Ảnh Lục, Sđd, tr140.
[9] Thích Trung Hậu và Thích Hải Ấn (sưu tập và giới thiệu), Sđd, tập 5, tr 304-305.[10] Thích Trung Hậu và Thích Hải Ấn (sưu tập và giới thiệu), Sđd, tập 5, tr58
[11] Trí Quang (2009), Tâm Ảnh Lục, Sđd, tr133
[12] Viên Âm, số 15
[13] Thích Trung Hậu và Thích Hải Ấn (sƣu tập và giới thiệu), Sđd, tập 5, tr83.
[14] Viên Âm, số 15
[15] Thích Trung Hậu và Thích Hải Ấn (sưu tập và giới thiệu), Sđd, tập 5, tr207
[16] Viên Âm, số 21.
[17] Viên Âm, số 28.