Saturday, January 27, 2024

HÀNH TRẠNG CỦA ĐẠI LÃO HÒA-THƯỢNG THÍCH-THẮNG-HOA

HÀNH TRẠNG CỦA ĐẠI LÃO HÒA-THƯỢNG THÍCH-THẮNG-HOAN



THÂN THẾ:


Hòa Thượng Thích-Thắng-Hoan, thế danh là Nguyễn-văn-Đồng, sanh năm Kỷ Tị (1928) tại thành phố Cần-Thơ, miền Nam Việt-Nam. Thân phụ là ông Nguyễn-văn-Ngô, một nhà Nho và cũng là một nhạc sĩ Cổ nhạc. Thân mẫu là cụ bà Nguyễn-thị-Ngô, Tỳ-kheo-ni Như Quả, thọ giới Cụ-túc năm 1968 tại Đại-giới-đàn chùa Từ Nghiêm. Gia đình có hai anh em, người em trai thế danh là Nguyễn-thanh-Vân hiện cư ngụ tại Sàigòn.

THỜI KỲ XUẤT GIA TU HỌC:

Khi Ngài vừa lên tám tuổi được cha mẹ gởi vào chùa Hội Thắng, làng Châu Điền, quận Cầu Kè, tỉnh Vĩnh Bình cho Hòa Thượng Đắc Ngộ, huý là Tường Ninh, thế danh là Hồ-Trinh-Tường để thế phát và thọ Tam quy với Pháp danh Thắng-Hoan.

Tại chùa Hội Thắng, Ngài vừa học nội điển do Sư Phụ hết lòng truyền dạy, vừa học ngoại điển tại trường Phong Phú ở địa phương, nếp sống rau dưa đạm bạc đã nuôi chí lớn xuất trần. 

Năm 18 tuổi (1946), Ngài thọ Sa-Di phương trượng với Hòa Thượng Thích-Hoàn-Thông tại chùa Hội Thắng và được Hòa Thượng ban Pháp hiệu là Long Hoan, truyền thừa đời 48 Lâm Tế Chánh Tông, thế hệ 24 dòng kệ Trí Bản – Đột Không, hệ phái Tổ Sư Bích Phong. Ngài tiếp tục cuộc đời tu học tại chùa Hội Thắng cho đến năm 1950.

Cũng trong năm ấy, nhân chuyến đi thăm Sư Bác là Hòa Thượng Thích-Thiện-Hoa tại chùa Phước Hậu Trà Ôn và trong chuyến đi nầy, Ngài được Hòa Thượng Thích-Hoàn-Thông giới thiệu đến Y-chỉ với Hòa Thượng Thích-Thiện-Hoa hiện là Đốc giáo Phật-Học-Đường Nam Việt Ấn Quang tại Chợ Lớn, Sàigòn. Nhờ hội đủ duyên lành, Ngài được chấp nhận và sau đó được nhập chúng tu học tại Phật-Học-Đường nầy. 

Để thành tựu tam Đàn-giới Pháp, chánh thức vào ngôi Tam Bảo làm Trưởng-tử của Như-Lai, năm 1953, Ngài được Hòa Thượng Y-chỉ Sư cho đăng đàn thọ Đại-giới tại Phật-Học-Đường Nam Việt Ấn Quang, Sàigòn. 

Đến năm 1957, Ngài tốt nghiệp chương trình Trung Đẳng tại Phật-Học-Đường nầy. Cuối năm 1957, Ngài được Ban Giám-đốc Phật-Học-Đường Nam Việt Ấn Quang gởi ra Phật-Học-Viện Trung-phần Nha-Trang tham học chương trình Cao Trung. 

Đến năm 1960, để hoàn tất chương trình Cao Đẳng Phật Học, Ngài trở về Phật-Học-Đường Nam Việt Ấn Quang, Sàigòn. 

Đến năm 1962, Ngài tốt nghiệp Cao Đẳng Phật-học tại đây. Song song với Phật học, Ngài chú tâm đến thế học và đã tốt nghiệp Cử Nhân Văn Khoa năm 1970 tại Đại-học Vạn Hạnh.


THỜI KỲ HÀNH ĐẠO:

Đầu năm 1963: Ngài làm Đốc Học tại Phật-Học-Viện Biên-Hòa kiêm giảng Sư trường Trí-Đức Biên-Hòa.

Đầu năm 1964 đến 1975:

–  Giảng sư Viện-Hóa-Đạo, Sàigòn

–  Chánh đại diện Giáo-Hội Phật-Giáo Việt-Nam Thống- Nhất tại Quận 5 và Quận 10.

–  Tổng-vụ-Trưởng Tổng-vụ Tài Chánh GHPGVNTN

–  Giảng sư các trường Trung Học Bồ-Đề: Nguyễn-văn-Khuê, Giác Ngộ và các trường Trung Đẳng chuyên khoa Phật Học tại các chùa như: Dược Sư, Từ Nghiêm, Hoa Quang, Huê Lâm, Từ Thiền, Giác Sanh (Sàigòn), Phổ Đức, Phật Ân (Mỹ Tho).

Năm 1980: Để phục vụ và yểm trợ GH.PG.VN.TN dưới sự chỉ đạo của các Hòa Thượng Huyền Quang và Quảng Độ, Ngài đã mở các lớp Trung Đẳng Phật Học tại các chùa Giác Sanh, chùa Giác Ngộ, chùa Bồ-Đề Lan-Nhã. Ngoài ra, Ngài còn mở các khóa đặc biệt huấn luyện về môn Duy Thức Học cho các sinh viên trường Bách Khoa Phú Thọ và Sư Phạm Vạn Hạnh.

Năm 1982: Với ý chí tìm tự do để góp sức xây dựng phong trào Phật Giáo Hải Ngoại, Ngài đã từ giã quê hương ra nước ngoài bằng con đường vượt biên mong được cùng các pháp hữu cứu nguy pháp nạn tại quê nhà.

Năm 1983: Ngài đến định cư tại Hoa-Kỳ và trú ngụ tại Chùa Việt Nam của Hòa Thượng Thích-Mãn-Giác ở Los Angeles, Ngài được cung cử chức vụ Phó Hội Chủ, kiêm Tổng-vụ-Trưởng Tổng-vụ Hoằng Pháp Tổng Hội Phật Giáo Việt Nam tại Hoa-Kỳ.

Năm 1984: Lãnh đạo tinh thần Chùa Việt Nam Arizona.

Năm 1985: Tổ chức Đại Hội Hoằng Pháp tại Denver, Colorado.

Năm 1988: Nhận chức vụ Giáo Thọ tại Tu viện Kim Sơn và hoằng pháp tại nhiều Tiểu bang ở Hoa-Kỳ chẳng hạn như xây dựng học phái Duy Thức tại các nơi như: Santa Ana, San Jose, San Diego và Tu viện Kim Sơn v.v...

Năm 1992: Đại Hội Thống Nhất đầu tiên của GHPGVNTN tại Hoa-Kỳ được tổ chức tại San Jose và Ngài được đề cử chức vụ Phó Chủ Tịch đặc trách liên lạc các Châu.

– Vận động thành lập GHPGVNTN tại Canada và được Đại Hội tấn phong lên ngôi vị Hòa Thượng tại đây, đồng thời Giáo Hội PGVNTN tại Hoa-Kỳ cũng tấn phong Ngài lên ngôi vị Hòa Thượng tại Hoa-Kỳ.

Năm 1993: Ngài về ẩn cư tại Hải Ngạn tịnh thất bên bờ biển Thái-Bình-Dương để chuyên viết sách và dịch kinh.

Năm 1996: Ngài nhận lãnh chức vụ Chủ Tịch GHPGVNTN tại Canada và giữ chức vụ này đến năm 2000. Sau khi từ nhiệm chức Chủ Tịch, Ngài giữ chức vụ Hội Đồng Chứng Minh GHPGVNTN Canada.

Từ năm 2000 đến 2005, Ngài thường xuyên đến giảng dạy về môn Duy-Thức-Học cho các Tăng sinh tại Phật-Học-Viện Quốc-Tế, và những năm gần đây Ngài thường đến Âu Châu để giảng dạy về môn Duy-Thức-Học cho các lớp học hằng năm do GHPGVNTN Âu Châu tổ chức.

Năm 2004: Ngài nhận lãnh chức vụ Thành Viên Hội Đồng Trưởng Lão Viện-Tăng-Thống Quốc Nội và Chánh-Văn-Phòng Hội Đồng Giáo Phẩm GHPGVNTNHN tại Hoa-Kỳ Văn Phòng II Viện-Hóa-Đạo. (VP-II-VHĐ).

Năm 2005: Ngài về ẩn dật nơi tịnh thất Viên Hạnh, toạ lạc tại thành phố Baker, thuộc Thủ Phủ Baton Rouge, Tiểu bang Louisiana, trong một khuôn viên vắng vẻ thanh lịch có tên là Tiểu Hồ (Little Lake).

Năm 2008: Ngày 12 tháng 1-DL, GHPGVNTN Hoa-Kỳ được thành lập, Ngài được Đại-Hội suy cử làm Chánh-Văn-Phòng Hội Đồng Giáo Phẩm.

Ngày 28 tháng 12 DL, Ngài được cung thỉnh vào Hội Đồng Chứng Minh của Văn Phòng Điều Hợp Liên Châu.

Vào cuối năm 2008: Vì nhu cầu Phật sự của Giáo Hội, Ngài di chuyển về Tiểu bang California, trụ tại Thủ Phủ Sacramento. 

Năm 2013: Nhân Ngày-Về-Nguồn lần thứ 7 tại Chùa Cổ Lâm (Seattle) Ngài được suy cử vào chức vụ Trưởng Ban Điều Hợp Tăng Ni Hải Ngoại.

Từ năm 2008 đến năm 2013: Ngài đã chu toàn tốt đẹp trong ba chức vụ được giao phó. Mặc dù tuổi hạc đã cao, Ngài vẫn tỏ ra sáng suốt, minh mẫn trong mọi Phật sự quan trọng mà Giáo Hội giao phó cho đến ngày nay.

Tháng 02 năm 2023, Ngài được chư Trưởng lão Hội Đồng Giáo Phẩm Trung Ương Viện Tăng Thống Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất cung thỉnh lên ngôi vị Tăng Trưởng, là ngôi vị lãnh đạo cao nhất, biểu tượng tinh thần thanh tịnh hòa hiệp Tăng-già của Phật Giáo Việt Nam hiện nay.

Đại lão Hòa Thượng Thích-Thắng-Hoan tự Long Hoan truyền thừa đời 48 Lâm Tế Chánh Tông, thế hệ 24 dòng kệ Trí Bản – Đột Không, hệ phái Tổ Sư Bích Phong, hiệu Duy Thức Đại Sư, biệt xuất một bài kệ:

Long Chủng Tâm Nguyên Tại

Huệ Nhựt Đạt Dung Thông

Thường Trụ Như-Lai Tánh

Tùy Thuận Ứng Hóa Thân

Hàm Linh Năng Đắc Độ

Lý Pháp Diễn Diệu Ngôn

Giải Minh Phi Nhị Đạo

Tức Liễu Ngộ Chơn Không.


Bài kệ truyền cho đệ tử:

Chủng tánh Bồ-đề sẳn ở tâm

Niết-bàn giác ngạn khắc ghi lòng

Sáng soi trí tuệ khơi nguồn thể

Biển giác Chân-như hiển lộ trong.


Vào ngày Rằm tháng Chạp năm Quý Mão, 25 tháng 01 năm 2024, vào lúc 6 giờ 50 sáng, Ngài an nhiên thị tịch trong giấc ngủ cát tường, trụ thế 97 năm, 72 hạ lạp.

Bao nhiêu năm hoạt động cho Giáo Hội tại quê nhà và trên ba mươi năm bôn ba nơi hải ngoại, Hòa Thượng luôn hướng đời mình theo con đường duy nhất là Hoằng Pháp Độ Sanh, đem giáo lý Phật Đà chia xẻ với đồng bào Phật tử, cả đến những thành phố xa xôi của các tiểu bang nhỏ bé. 

Cuộc đời của Ngài hiến thân cho Đạo pháp với hạnh Bồ-Tát: “Đạo cần ta đến, chúng sanh cần ta đi không nệ gian lao, không từ khó nhọc”. Ngài ra đi nhưng pháp âm và gương sáng của Ngài vẫn luôn soi rọi trên lộ trình tu tập của hàng hậu học nhiều thế hệ tương lai.


Nam mô Từ Lâm Tế Chánh Tông, Trí Bản Đột Không Pháp Phái Đệ Nhị Thập Tứ Thế, Việt Nam Thống Nhất Giáo Hội, Tăng Thống Viện – Trung Ương Giáo Phẩm Hội Đồng Tăng Trưởng, húy thượng THẮNG hạ HOAN, hiệu LONG HOAN, Trưởng lão Hòa thượng Giác linh thùy từ chứng giám.

Môn đồ Pháp quyến phụng soạn.


PHỤ ĐÍNH:

Những Tác Phẩm Trước Tác Và Dịch Thuật:

A.- Tác Phẩm Trước Tác:

* Bát Nhã Tâm Kinh Qua Cái Nhìn Của Duy Thức – Ban Scan DOC PDF

Thờ Cúng Và Lễ Bái – DOC PDF

Bát Thức Quy Củ Tụng – DOC PDF

* Khảo Nghiệm Duy Thức Học (quyển I DOC PDF quyển II – DOC PDF Ban Scan DOC PDF)

* Yếu Chỉ Kinh Pháp Hoa – DOC PDF

* Yếu Điểm Duy Thức – DOC PDF

* Những Đặc Điểm Của Văn Học Phật Giáo Trong Văn Học Việt Nam – DOC PDF

* Tư Tưởng Phật Giáo Trong Thi Văn Khuông Việt, Pháp Thuận – DOC PDF LINK

* Con Người Sanh Ra Từ Đâu – DOC PDF

* Nghĩa Lý Tụng Niệm – DOC PDF

* Những Điều Kiện Căn Bản Xây Dựng Hạnh Phúc Gia Đình Theo Tinh Thần Phật Giáo – DOC PDF LINK

* Bổn Phận Của Phật Tử Tại Gia – DOC PDF LINK

* Tiểu Sử Hòa Thượng Thích Thiện Hoa – DOC PDF LINK

* Vạn Pháp Qua Cái Nhìn Của Duy Thức – DOC PDF LINK

* Nguyên Tắc Để Được Thành Phật – DOC PDF LINK

* Đức Phật Nhà Đại Cách Mạng – DOC PDF LINK

* Nhận Thức Về Thiền Học – DOC PDF LINK

* Sự Hiểu Lầm Vô Ngã Của Phật Giáo – DOC PDF

* Nhân Chứng Pháp Nạn 1963 (16.8.2019) – DOC PDF LINK

* Quan Niệm Thế Giới Địa Ngục (24.09.2019) – DOC PDF LINK

* Nhận Thức Sai Lầm – DOC PDF LINK

* Cảm Nhận Đản Sanh – DOC PDF LINK

B.- Tác Phẩm Dịch Thuật:

Khái Luận Về Pháp Tướng Duy Thức Học – DOC PDF

* Quan Niệm Sử Học Của Duy Thức – DOC PDF 

* Ban Phu – DOC PDF LINK

* Quan Niệm Triết Học Của Duy Thức – DOC PDF LINK

* Máy Điện Tử Và Duy Thức – DOC PDF LINK

* Nhân Duyên Không Tánh – DOC PDF LINK

* Quán Như Mộng – DOC PDF LINK

* Sắc Tức Là Không – DOC PDF LINK

* Quán Tương Đối Sắc Không – DOC PDF LINK

* Ý Nghĩa Phật Pháp Tăng Tam Bảo – DOC PDF LINK

* Nghiên Cứu Thức Thứ Tám – DOC PDF LINK

* Duy Thức Đơn Giản – DOC PDF LINK

* Lược Thuật Không Sanh Không Diệt – DOC PDF LINK

* Không Thường Cũng Không Đoạn – DOC PDF LINK

* Thế Gian Của Giả Tướng – DOC PDF LINK

* Bất Khả Thuyết Dùng Tâm Sai Lầm – DOC PDF LINK

* Biện Trung Biện Luận Tụng Thích – DOC PDF LINK

* Phật Pháp Và Tương Đối Luận – DOC PDF LINK

* Tân Đích Duy Thức Luận – DOC PDF LINK

* Happyness - Family - Build - Up – DOC PDF LINK

* Xây Dựng Hạnh Phúc Gia Đình – DOC PDF LINK

* Nhân Minh Nhập Chánh Lý Luận Nghĩa Pháp – DOC PDF LINK

* Duy Thức Tam Thập Tụng – DOC PDF LINK

* Khéo Dùng Cái Tâm – DOC PDF LINK

* Phật Pháp Cùng Khoa Học – DOC PDF LINK

* Phật Giáo Và Nhân Sanh – DOC PDF LINK

* Học Phật Văn Tập – DOC PDF LINK

* Nhiếp Đại Thừa Luận – DOC PDF LINK

* Đại Cương Duy Thức Quán – DOC PDF LINK

* Phật Pháp Đàm Luận Chọn Lựa – DOC PDF LINK

* Ba Lớp Quán Pháp Giới – DOC PDF LINK

* Luận Về Pháp Tướng Nhất Định – DOC PDF LINK


Những Áng Thơ Thiền

* Thắng Hoan Thi Tập DOC PDF AUDIO LINK

* Những Vần Thơ Đạo DOC PDF LINK

Trang Đoc và Ngâm

Trang Video


http://thichthanghoan.com/

Các bài được đăng trong các trang Web:

https://thuvienhoasen.org/author/post/833/1/thich-thang-hoan

https://hoavouu.com/author/post/88/1/ht-thich-thang-hoan

https://quangduc.com/author/about/7029/ht-thich-thang-hoan

https://tangthuphathoc.net/tu-khoa/thich-thang-hoan/


Friday, January 26, 2024

HOÀNG NGỌC: Rong ruổi kiếp thơ (Khổng Vĩnh Nguyên )


Dù đã 65 tuổi, thi sĩ Khổng Vĩnh Nguyên vẫn miệt mài “cày cuốc” trên cánh đồng thơ ca.
Dù đã 65 tuổi, thi sĩ Khổng Vĩnh Nguyên vẫn miệt mài “cày cuốc” trên cánh đồng thơ ca.

Rong ruổi kiếp thơ

“Khổng Vĩnh Nguyên là một nhà thơ nông dân thứ thiệt. Không chỉ vì anh sinh ra và lớn lên ở nông thôn (hầu hết các nhà thơ Việt Nam đều sinh ra và lớn lên ở nông thôn) mà vì anh đã từng là một trai cày. Người như thế mà làm thơ, mà làm thơ hay thì quý lắm!”. Xin trích vài dòng của nhà thơ Thanh Thảo khi ông nhắc đến người thợ cày làm thơ Khổng Vĩnh Nguyên. 

Nhà thơ đi…

Cứ hết ý tưởng và chất liệu làm thơ là ông lại khăn gói ra đi. Ông đi bất cứ nơi nào, cả tháng trời. Nhiều khi trong túi “khô xu” cũng đánh liều để đi. Có lúc bạn bè gặp ông ăn vận rách mướp, râu tóc rối mù như người rừng bộ hành giữa phố. Cứ đi là ra thơ, thơ ông tuôn chảy như dòng thác, như hơi thở cần cho người đang sống. Bài thơ nào cũng thấm đẫm tình yêu quê hương, đất nước, ruộng đồng, cây cỏ... “Con gà trống thiến đã già/Cất lên tiếng gáy sao mà trẻ thơ” hay “Bẻ lau phất một ngọn cờ/Chạy theo mây trắng làm thơ thuộc lòng”… Cái tiếng “khất thực”, điền dã của ông đã khiến cho giới thi nhân ở Nam Trung Bộ, Tây Nguyên và cả Nam Bộ kiêng nể. Thi sĩ họ Khổng quan niệm, làm thơ thì dễ nhưng để làm một nhà thơ “tử vì đạo” thì rất khó vô cùng. “Để thơ hay, chuyển tải được tình yêu của người thi sĩ vào cuộc sống buộc anh ta len lỏi giữa đời thường, lắng nghe hơi thở đất trời, vạn vật để cảm thán về nó”, ông nói.

Trong “túi thơ” của thi sĩ họ Khổng hiện đã in được 9 tập thơ với hàng trăm bài thơ. Do ông nghèo nên đa phần thơ làm ra đều do bạn bè, bằng hữu giúp đỡ để xuất bản, hỗ trợ tiền in. Từ những năm 15 tuổi ông đã bắt đầu làm thơ, đến năm lên 17 thì đã cho ra hai tập thơ đầu tay. Quen biết với Khổng Vĩnh Nguyên từ những năm 80 của thế kỷ trước, nhà thơ Nguyễn Thanh Mừng (đang sinh sống tại Bình Định) có duyên giúp tập thơ “Cỏ đầu truông” và nhiều tập thơ của thi sĩ họ Khổng về giấy phép xuất bản. “Nhớ hồi năm 1997, chúng tôi ra thăm nhà Khổng Vĩnh Nguyên. Lúc này, mẹ của anh vẫn chưa mất, bà bị mù. Cậu con trai của Nguyên khi ấy còn nhỏ đang hái sim và trái rừng để bán kiếm tiền đi học. Thấy hoàn cảnh của Nguyên quá khó khăn, tôi mang các bản thảo thơ của anh về rồi thi thoảng chọn lọc cho đăng trên tạp chí Văn nghệ Bình Định, lấy tiền nhuận bút gửi ra cho cha con anh”, ông Mừng kể lại.

Quê của thi sĩ họ Khổng là ngôi làng “cõng lên lưng ba đèo gió cát” Tân Thanh, thuộc xã Cát Hải, huyện Phù Cát (tỉnh Bình Định). Tân Thanh là ngôi làng gần biển, nhưng cư dân lại sống bám lấy ruộng đồng, nương rẫy. Trong thơ ông, hình ảnh làng quê, đồng ruộng hiện lên thường nhật, như: “Nắng nung rẫy cát khoai sùng/Con ăn lót dạ một vùng quê hương”, “Từ đèo Tó Mọ gió hú về Cát Hải/Gió già nua gầm bới cát đòi chồng/Làng cõng trên lưng ba đèo gió cát…” hay “Em về Chánh Thắng rừng sương xuống/Đồng ruộng Tân Thanh buổi chiều tà/Đá Tượng nằm thương đèo Tó Mọ/Mây khói rừng già lạc hướng bay”…

Tìm trường ca anh hùng

Một đêm mùa thu năm 2003, Khổng Vĩnh Nguyên đang nghe đài, tình cờ biết được mẩu tin về gia thế, xuất thân của vị Anh hùng dân tộc Nguyễn Trung Trực, thủ lĩnh phong trào khởi nghĩa chống Pháp vào nửa cuối thế kỷ 19 ở Nam Bộ. Họ Khổng ấn tượng khi nghe về gia thế của Nguyễn Trung Trực quê gốc ở xóm Lưới (thôn Vĩnh Hội, xã Cát Hải), một xóm vạn nằm sát bên làng Tân Thanh của ông. Trằn trọc nhiều đêm, thi sĩ quyết định khăn gói điền dã về miền Tây.

Ngày ấy ông Văn Trọng Hùng còn làm Giám đốc Sở Văn hóa - Thông tin Bình Định nghe ý tưởng của thi sĩ họ Khổng liền rút tiền túi 200 nghìn đồng cho ông đò xe. Cầm tiền, họ Khổng đón xe đò, quá giang bằng các phương tiện, như: đò, xe thồ, xe ôm, đi bộ… lần đường vào huyện Bến Lức (tỉnh Long An) rồi ghé qua Kiên Giang, Cà Mau để lần tìm gia phả, hậu duệ và những câu chuyện, tư liệu điền dã lưu truyền trong dân gian về Nguyễn Trung Trực. Đi đến đâu ông liên hệ, ghé nhà các bằng hữu cùng làm thi ca để xin tá túc, ở nhờ. Bằng hữu cho ông ăn, chỗ ngủ, còn ông thì chẳng có gì ngoài tặng thơ…

Khổng Vĩnh Nguyên lang bạt kỳ hồ, bám trụ ở đất miền Tây trong nhiều tháng trời, đợi đến ngày giỗ của thống soái Nguyễn Trung Trực (các ngày 26, 27, 28 tháng 8 Âm lịch). “Đến ngày giỗ, Phật giáo Hòa Hảo đứng ra chủ trì, tổ chức tại các tỉnh Long An, Kiên Giang, An Giang, Cần Thơ… Tôi mua cây võng, bám theo các tu sĩ để được tham gia các lễ cúng, vừa được nghe kể chuyện về cụ Nguyễn Trung Trực. Khắp nơi người dân dựng rạp, đắp lò, ăn chay để giỗ vị nguyên soái lẫy lừng. Bông điên điển chất cao như núi hòa vào khói sương cung kính, tưởng nhớ”, Khổng Vĩnh Nguyên kể lại. 

Trong nhiều năm lang thang ở miền Tây, Khổng Vĩnh Nguyên viết lên một trường ca về người Anh hùng Nguyễn Trung Trực. Đến cuối năm 2011, ông gom lại thành tập trường ca  hai phần “Đêm phượng hoàng trở dạ” và “Lửa gầm Nhật Tảo”, với các bài thơ ca ngợi người Anh hùng áo vải cờ đào Nguyễn Huệ và Anh hùng chống Pháp Nguyễn Trung Trực. Trường ca liên hệ đến quê chài, những chiến công hiển hách và sự gan hùm của nguyên soái Nguyễn Trung Trực - “Nguyên soái chúng tôi là người dân chài/Lời Hịch lướt qua ngàn sông nước”. Lúc ông bị nhốt, đưa ra hành quyết: “Kê đầu trên đá êm như nước/Quê nghèo tô điểm máu dân đen… Hồn quê mở nắp vại cà/Nhớ bông điên điển quê nhà nước lên”.

Năm 2018, “Đêm phượng hoàng trở dạ” và “Lửa gầm Nhật Tảo” đoạt Giải Văn học nghệ thuật Đào Tấn - Xuân Diệu của tỉnh Bình Định. Cũng từ tập trường ca này, tỉnh Bình Định bắt đầu quan tâm nhiều đến quê xứ, gốc gác của vị Anh hùng dân tộc Nguyễn Trung Trực.

Nguồn: https://nhandan.vn/rong-ruoi-kiep-tho-post638625.html