Dù đã 65 tuổi, thi sĩ Khổng Vĩnh Nguyên vẫn miệt mài “cày cuốc” trên cánh đồng thơ ca. |
Rong ruổi kiếp thơ
“Khổng Vĩnh Nguyên là một nhà thơ nông dân thứ thiệt. Không chỉ vì anh sinh ra và lớn lên ở nông thôn (hầu hết các nhà thơ Việt Nam đều sinh ra và lớn lên ở nông thôn) mà vì anh đã từng là một trai cày. Người như thế mà làm thơ, mà làm thơ hay thì quý lắm!”. Xin trích vài dòng của nhà thơ Thanh Thảo khi ông nhắc đến người thợ cày làm thơ Khổng Vĩnh Nguyên.
Nhà thơ đi…
Cứ hết ý tưởng và chất liệu làm thơ là ông lại khăn gói ra đi. Ông đi bất cứ nơi nào, cả tháng trời. Nhiều khi trong túi “khô xu” cũng đánh liều để đi. Có lúc bạn bè gặp ông ăn vận rách mướp, râu tóc rối mù như người rừng bộ hành giữa phố. Cứ đi là ra thơ, thơ ông tuôn chảy như dòng thác, như hơi thở cần cho người đang sống. Bài thơ nào cũng thấm đẫm tình yêu quê hương, đất nước, ruộng đồng, cây cỏ... “Con gà trống thiến đã già/Cất lên tiếng gáy sao mà trẻ thơ” hay “Bẻ lau phất một ngọn cờ/Chạy theo mây trắng làm thơ thuộc lòng”… Cái tiếng “khất thực”, điền dã của ông đã khiến cho giới thi nhân ở Nam Trung Bộ, Tây Nguyên và cả Nam Bộ kiêng nể. Thi sĩ họ Khổng quan niệm, làm thơ thì dễ nhưng để làm một nhà thơ “tử vì đạo” thì rất khó vô cùng. “Để thơ hay, chuyển tải được tình yêu của người thi sĩ vào cuộc sống buộc anh ta len lỏi giữa đời thường, lắng nghe hơi thở đất trời, vạn vật để cảm thán về nó”, ông nói.
Trong “túi thơ” của thi sĩ họ Khổng hiện đã in được 9 tập thơ với hàng trăm bài thơ. Do ông nghèo nên đa phần thơ làm ra đều do bạn bè, bằng hữu giúp đỡ để xuất bản, hỗ trợ tiền in. Từ những năm 15 tuổi ông đã bắt đầu làm thơ, đến năm lên 17 thì đã cho ra hai tập thơ đầu tay. Quen biết với Khổng Vĩnh Nguyên từ những năm 80 của thế kỷ trước, nhà thơ Nguyễn Thanh Mừng (đang sinh sống tại Bình Định) có duyên giúp tập thơ “Cỏ đầu truông” và nhiều tập thơ của thi sĩ họ Khổng về giấy phép xuất bản. “Nhớ hồi năm 1997, chúng tôi ra thăm nhà Khổng Vĩnh Nguyên. Lúc này, mẹ của anh vẫn chưa mất, bà bị mù. Cậu con trai của Nguyên khi ấy còn nhỏ đang hái sim và trái rừng để bán kiếm tiền đi học. Thấy hoàn cảnh của Nguyên quá khó khăn, tôi mang các bản thảo thơ của anh về rồi thi thoảng chọn lọc cho đăng trên tạp chí Văn nghệ Bình Định, lấy tiền nhuận bút gửi ra cho cha con anh”, ông Mừng kể lại.
Quê của thi sĩ họ Khổng là ngôi làng “cõng lên lưng ba đèo gió cát” Tân Thanh, thuộc xã Cát Hải, huyện Phù Cát (tỉnh Bình Định). Tân Thanh là ngôi làng gần biển, nhưng cư dân lại sống bám lấy ruộng đồng, nương rẫy. Trong thơ ông, hình ảnh làng quê, đồng ruộng hiện lên thường nhật, như: “Nắng nung rẫy cát khoai sùng/Con ăn lót dạ một vùng quê hương”, “Từ đèo Tó Mọ gió hú về Cát Hải/Gió già nua gầm bới cát đòi chồng/Làng cõng trên lưng ba đèo gió cát…” hay “Em về Chánh Thắng rừng sương xuống/Đồng ruộng Tân Thanh buổi chiều tà/Đá Tượng nằm thương đèo Tó Mọ/Mây khói rừng già lạc hướng bay”…
Tìm trường ca anh hùng
Một đêm mùa thu năm 2003, Khổng Vĩnh Nguyên đang nghe đài, tình cờ biết được mẩu tin về gia thế, xuất thân của vị Anh hùng dân tộc Nguyễn Trung Trực, thủ lĩnh phong trào khởi nghĩa chống Pháp vào nửa cuối thế kỷ 19 ở Nam Bộ. Họ Khổng ấn tượng khi nghe về gia thế của Nguyễn Trung Trực quê gốc ở xóm Lưới (thôn Vĩnh Hội, xã Cát Hải), một xóm vạn nằm sát bên làng Tân Thanh của ông. Trằn trọc nhiều đêm, thi sĩ quyết định khăn gói điền dã về miền Tây.
Ngày ấy ông Văn Trọng Hùng còn làm Giám đốc Sở Văn hóa - Thông tin Bình Định nghe ý tưởng của thi sĩ họ Khổng liền rút tiền túi 200 nghìn đồng cho ông đò xe. Cầm tiền, họ Khổng đón xe đò, quá giang bằng các phương tiện, như: đò, xe thồ, xe ôm, đi bộ… lần đường vào huyện Bến Lức (tỉnh Long An) rồi ghé qua Kiên Giang, Cà Mau để lần tìm gia phả, hậu duệ và những câu chuyện, tư liệu điền dã lưu truyền trong dân gian về Nguyễn Trung Trực. Đi đến đâu ông liên hệ, ghé nhà các bằng hữu cùng làm thi ca để xin tá túc, ở nhờ. Bằng hữu cho ông ăn, chỗ ngủ, còn ông thì chẳng có gì ngoài tặng thơ…
Khổng Vĩnh Nguyên lang bạt kỳ hồ, bám trụ ở đất miền Tây trong nhiều tháng trời, đợi đến ngày giỗ của thống soái Nguyễn Trung Trực (các ngày 26, 27, 28 tháng 8 Âm lịch). “Đến ngày giỗ, Phật giáo Hòa Hảo đứng ra chủ trì, tổ chức tại các tỉnh Long An, Kiên Giang, An Giang, Cần Thơ… Tôi mua cây võng, bám theo các tu sĩ để được tham gia các lễ cúng, vừa được nghe kể chuyện về cụ Nguyễn Trung Trực. Khắp nơi người dân dựng rạp, đắp lò, ăn chay để giỗ vị nguyên soái lẫy lừng. Bông điên điển chất cao như núi hòa vào khói sương cung kính, tưởng nhớ”, Khổng Vĩnh Nguyên kể lại.
Trong nhiều năm lang thang ở miền Tây, Khổng Vĩnh Nguyên viết lên một trường ca về người Anh hùng Nguyễn Trung Trực. Đến cuối năm 2011, ông gom lại thành tập trường ca hai phần “Đêm phượng hoàng trở dạ” và “Lửa gầm Nhật Tảo”, với các bài thơ ca ngợi người Anh hùng áo vải cờ đào Nguyễn Huệ và Anh hùng chống Pháp Nguyễn Trung Trực. Trường ca liên hệ đến quê chài, những chiến công hiển hách và sự gan hùm của nguyên soái Nguyễn Trung Trực - “Nguyên soái chúng tôi là người dân chài/Lời Hịch lướt qua ngàn sông nước”. Lúc ông bị nhốt, đưa ra hành quyết: “Kê đầu trên đá êm như nước/Quê nghèo tô điểm máu dân đen… Hồn quê mở nắp vại cà/Nhớ bông điên điển quê nhà nước lên”.
Năm 2018, “Đêm phượng hoàng trở dạ” và “Lửa gầm Nhật Tảo” đoạt Giải Văn học nghệ thuật Đào Tấn - Xuân Diệu của tỉnh Bình Định. Cũng từ tập trường ca này, tỉnh Bình Định bắt đầu quan tâm nhiều đến quê xứ, gốc gác của vị Anh hùng dân tộc Nguyễn Trung Trực.
Nguồn: https://nhandan.vn/rong-ruoi-kiep-tho-post638625.html
No comments:
Post a Comment