Bản sách LÝ HẠ - Bàn Tay Của Quỷ | Tuệ Sỹ | Hương Tích xuất bản 2024
Kể từ cảo bản may mắn còn để lại trong ngăn kéo phòng văn mờ bụi phủ, đã gần nửa thế kỷ trôi qua ngọn đồi Hải Đức. Bên này xóm Dừa vẫn nép mình lặng lẽ, xao xác tiếng gà trưa. Bên kia đỉnh đá này và hạt muối đó chưa tan. Sư xuống núi, xếp lại những trang kinh cổ, đóng cửa tàng thư, đi theo vận mệnh nổi trôi, thầm hẹn ngày sẽ mở lại trang Thơ.
Kể từ tác phẩm đầu tay, Đại cương Thiền quán, do Liên Hoa ấn quán xuất bản 1967[*] mà Đại lão Hòa thượng Thích Đôn Hậu lúc bấy giờ giới thiệu tác giả là “chú” Tuệ Sỹ, một học tăng vừa 22 tuổi. Tiếp theo là Triết học về Tánh Không, An Tiêm xuất bản 1970, và tiếp theo nữa, người tu sĩ tuổi hai mươi mà cuộc đời tưởng chừng êm ả bình an dưới mái hiên chùa, trong điện Phật u trầm mênh mang mỗi sáng khuya vẫn nghe ra đâu đó những tiếng sấm rền cuối trời phương ngoại. Bên những ngôi Bắc đẩu trên vòm trời thi ca Trung nguyên buổi thịnh triều như Lý Bạch, Đỗ Phủ, Tô Đông Pha, Bạch Cư Dị…, ông lại chọn Tô Đông Pha, với sự đồng cảm sâu lắng của một thanh niên và một ông già 60 còn lận đận nơi đất trích, kẻ phương Nam người đất Bắc, và cách nhau trong thoáng chốc 1000 năm văn học sử. Sau này có nhà phê bình văn học nhận xét: “Tuệ Sỹ viết về Tô Đông Pha, mà nghe như viết cho chính mình!” Mới hay câu chuyện Tô Đông Pha, là của Tô Đông Pha, nhưng những đọa đày lao viễn mộng là của chung cho mọi người dưới Trời thơ, giữa ba đào lịch sử. Sực nhớ, Phạm Công Thiện có viết một câu như rút từ gan ruột mà ra: “Triết lý là sự nghiệp tàn nhẫn của cả một đời người. Thi ca lại càng tàn nhẫn hơn nữa.” Tác phẩm Tô Đông Pha những phương trời viễn mộng đã ra đời như thế, Ca Dao xuất bản 1973.
Và tiếp theo, là bản thảo này, về Lý Hạ một thi tài yểu mệnh. Thi tài đó được tác giả gọi là Quỷ tài, bên cạnh Tiên tài Lý Bạch. Trong một chương, ông viết: “Cũng có thể, quỷ tài được hiểu như là một thiên tài quái dị, mà ngôn ngữ được sử dụng trên mức độ ma thuật, ngụy quyệt. Đó là tư chất thiên phú, với những tưởng tượng đầy tính siêu thực. Sử dụng thi ca y như thủ pháp ma thuật không phải chỉ là một kỹ xảo. Đằng sau từ điệu huyễn hoặc còn ẩn chứa một thế giới huyễn hoặc; thế giới của thần mộng và cô liêu, có thể gọi như vậy. Trong tận cùng sâu thẳm đó là gì; có lẽ chúng ta không thể tìm đến chỉ do sự thúc đẩy của bản tính hiếu kỳ, mà phải đến bằng tất cả những lời kêu gọi thống thiết của định mệnh nhân sinh.”
Lý Hạ sống trọn vẹn được 27 năm đời thì chết, như một ngôi sao băng qua trời. Bọn văn nhân ở lại thương tiếc mà rằng: “… giả sử Hạ chưa chết để thêm vào một chút Lý cho thi ca của mình, thì bọn chúng ta có thể gọi thơ của Hạ là Ly tao được vậy.”
Sách viết về một thi tài độc đáo thuở thịnh Đường, chết yểu; có lẽ vì thế mà bản thảo cũng yểu mệnh long đong. Hoàn thành đầu năm 1975; sách viết theo ngẫu hứng, dạng tùy bút, không phân chương tiết như các sách truyền thống về tiểu sử danh nhân. Bản thảo đã nằm yên đâu đó gần nửa thế kỷ, may chưa thất lạc, nay tìm lại được thì tác giả đã gần 80, thân luy lão bệnh, việc còn mất đã coi như sự thường. Hương Tích xin phục hồi nguyên bản, chỉ hiệu chỉnh bổ sung vài chữ hoặc âm Hán do phương tiện nhập liệu lúc ấy còn thô sơ, và chua thêm vài cước chú cần thiết, được đánh dấu HT, bên cạnh các cước chú của tác giả; để lưu giữ một tác phẩm, và tri ân một đời người đã tận hiến cho học thuật và văn chương.
Một ước hẹn đã chôn vùi tang tóc
Cánh chim trời xa mãi giữa lòng sâu
Nghe một nỗi hao mòn trong thoáng chốc
Một mùa thu một vạn tiếng kêu gào.[**]
Hạnh Thiên Thị Ngạn Am,
Tiết lập đông Quý Mão.
[*] Hương Tích sẽ tái bản quý I/ 2024.
[**] Thơ Tuệ Sỹ, Giấc mơ Trường sơn.
Nguồn: Thư Viện Phật Việt
No comments:
Post a Comment