Thursday, August 3, 2017

CÕI TRỐNG NHÀ THIỀN - MINH ĐỨC TRIỀU TÂM ẢNH


Huyền Không Sơn Thượng  from: http://margbangtam.blogspot.com/

CÕI TRỐNG NHÀ THIỀN - MINH ĐỨC TRIỀU TÂM ẢNH


Minh Đức Triều Tâm Ảnh* là một tu sỹ Phật giáo, pháp hiệu là Giới Đức. Theo truyền thống Nguyên Thuỷ, tu sỹ Phật giáo Nam Tông thường gọi là Sư. Bên cạnh là một nhà thư pháp nổi tiếng của Việt Nam, văn thơ và mỹ thuật của Người phải nói là “có một không hai”. Ở đây, chúng tôi chỉ muốn cung kính giới thiệu đa phần là những bài thơ kết thúc bằng dấu chấm thang của nhà Sư mà thôi. Cõi thơ của Minh Đức Triều Tâm Ảnh đặc thù, tĩnh lặng, mênh mông và thanh thoát. Không gian thơ của Sư là sự trải nghiệm, chứng ngộ, tỉnh giác và huyễn không. 

Tuy chưa đến Huyền Không Sơn Thượng lần nào, nhưng chúng tôi cũng thấy được cõi thanh tịnh phiêu bồng đó qua hình ảnh và thi ca của người. Chúng tôi cũng được cơ duyên gặp và hầu trà với Sư và Hoà thượng Viên Minh tại Thiền Viện Diệu Nhân, Rescue, CA và tại chùa Kim Quang, thủ phủ Sacramento. Con người Sư bình dị, ung dung tự tại, với nụ cười hiền lành và đôi mắt tinh anh. Sư là bậc thạch trụ già lam của Phật giáo Nguyên Thủy Việt Nam hiện thời, chỉ nghe bài Hạnh Tu của Sư thôi là chúng ta biết con người của Ngài.
Hạnh tu
nói ít, làm nhiều
Ở ăn biết đủ,
sớm chiều nhẹ thân
Công phu
giác niệm, tinh cần
Hoa hương cửa Phật,
thơm gần, thoảng xa (Đá, rác và cỏ thơm. Tập 3, trang 8).
Âu đây cũng chính là lời dạy dỗ và nhắc nhở của Sư dành cho hàng đệ tử tại gia. Chúng ta hãy lắng nghe nhà thơ Tâm Nhiên viết ở đây để biết thêm con người và cõi tịnh - Huyền Không Sơn Thượng, “Minh Đức Triều Tâm Ảnh lên núi cao, vào tận rừng sâu heo hút Hòn Vượn, chọn một khu đất hoang sơ rộng rãi có triền đồi, hồ nước, lập nên phong cảnh Huyền Không Sơn Thượng. Bằng con mắt thẩm mỹ, dưới bàn tay nghệ sĩ sắp đặt tài tình đã biến nơi hoang dã, thiên nhiên thành cảnh trí thanh nhã đẹp lạ lùng. Giữa khung cảnh núi rừng tịch mịch, tĩnh lặng, thấp thoáng vài mái thảo am, ẩn hiện mấy nhịp cầu ván gỗ qua hồ nước xanh ngần, phất phơ trúc biếc, thảo hoa và có lẽ đó cũng là một tác phẩm nghệ thuật tuyệt vời, ấn tượng nhất ở nơi sơn cùng thủy tận này. Hồn thơ, hồn nhạc hòa quyện cùng hồn thiêng sông núi mỹ lệ, để thi sĩ tiêu dao ngày tháng từ thuở nọ cho đến bây giờ. Thơ và hơi thở cùng chan chứa giữa lòng núi trầm sâu tĩnh lặng…” mà chính nhà thơ Tâm Nhiên cũng thốt.
‘Bước chiều phiêu lãng ngàn mây trắng
Lặng cảm điều chi quá diệu thường.’
           Sự diệu thường ở cõi thơ của Sư là sự trải nghiệm và chứng đắc; là sự ‘Hóa Ra'.
Hóa ra chỉ thở và cười
Là trăm niềm nỗi
Một đời xa bay
Hóa ra
Tỉnh thức phút giây
Là ta thấy rõ
Mặt mày chưa sinh!

Rồi Sư vẫn thong dong thẳng tay vào chợ.
Lỡ tay
Rớt xuống cuộc đời
Loay hoay số phận
Khóc cười đìu hiu
Bến sông
Còn chiếc đò chiều
Bạt ngàn sương nước
Liêu xiêu bóng người!

Kế đó thì Sư dùng tất cả các pháp làm phương tiện để giáo hóa chúng sanh, giúp tam đồ thoát khỏi khổ đau chồng chất. Sư ‘Mượn chữ’ làm phương tiện, như con đò đưa khách qua sông hay ngón tay chỉ mặt trăng vậy.
Rong chơi miền bụi trắng
Tờ trăng vàng
Pha lẫn khói sương xanh
Tay muốn hái
Thơ xưa rơi biển lặng
Nghe nỗi buồn
Ngôn ngữ vỡ lanh canh!
Như bao nhiêu vị cao tăng thạc đức khác, Sư luôn là những kẻ lữ hành đơn độc---đi ngược dòng để hoá độ chúng sanh trong cõi u minh--mà tâm không hề nhiễm, vẫn thong dong tự tại quá giang làm trọn bổn phận của bậc ‘Tác như lai xứ, hành như lai sự’ trong cõi tạm này.
Bóng ta
Đi lộn ngược đầu
Chân dài theo vết
Qua cầu cắt đôi
Nửa này
Cát bụi rã rời
Nửa kia
Đón chiếc mây trời
Quá giang! (Bóng Ngược)
Và Sư vẫn lạc quan, tích cực trên con đường hoằng dương chánh pháp, để rồi, Sư thấy sự huyền diệu của Bất Nhị, như bài thơ ‘Chiếc lá và giọt nước’:
Xanh xanh
Chiếc lá nhân sinh
Hôm qua giọt nước
hữu tình đến chơi
Vì thương
sa mạc lòng đời
hóa văn
tình lọc
chữ đời nguồn trong!
Nguồn trong vắc đó, cái tâm trong sáng, cái tâm bồ đề bất thối chuyển đó là động lực để Sư tiếp tục thong dong hành đạo trong cuộc đời. Rồi Sư cũng nhận ra, như Kiba--nhà thơ Nhật, rằng:
My old body:
A drop of dew grown
Heavy at the leaf tip.

Thân già
Rồi cũng vô thường
Phù du
Như một giọt sương
Đầu cành (Toại Khanh dịch).
Hay qua bài “Dặm không” mà Sư đã lãnh ngộ và bảo rằng:
Mải mê
Giữa chốn chợ chiều
Vai đau, tóc lấm
Đã nhiều gian truân
Ta bèn
Rũ áo, phủi chân
Dặm không đủng đỉnh
Chiếc thân nhẹ hều!
Trong chuỗi dài năm tháng của quán trọ trần gian, Sư chợt nhận ra rằng vạn pháp vốn là “Như"
Như mây
Lãng đãng sông dài
Và như hoa nắng
Trên vai ửng màu
Và như
Tóc trắng trên đầu
Hạo nhiên gót lữ
Qua cầu nhân sinh!

để rồi “Tình không”

Trần gian
Trăm việc tạm quên
Thơ đề góc núi
Đầy hiên nắng vàng
Gió trăng
Thế sự không bàn
Giấc thiền lặng lẽ
Nhẹ nhàng tình không!
Tự nhiên, chúng tôi lại nhớ “Một chữ Như" của ngài Phước Hậu. Không biết chúng tôi có trùng hợp ý nghĩ về bài Thi kệ cuối cùng của Tổ không?
Nguyên văn bài Thi kệ Ngài dạy:
"Kinh điển lưu truyền tám vạn tư,
Học hành không thiếu cũng không dư,
Đến nay nghĩ lại chừng quên hết,
Chỉ nhớ trên đầu một chữ NHƯ."
            Mà chữ Như này có lẽ là tinh thần, “Tác Như Lai Sứ, Hành Như Lai Sự”, là một chữ chiết trong danh hiệu Như Lai, vô cùng thâm thúy và mầu nhiệm. Mà danh hiệu Như Lai của Phật có đến Mười hiệu. Đó là: Như lai, Ứng cúng, Chánh biến tri, Minh hành tục, Thiện thệ, Thế gian giải, Vô thượng sĩ, Điều ngự trượng phu, Thiên nhơn sư, Phật (Thế tôn).
            Cõi thơ của Sư đó như “Giấc thiền lặng lẽ / Nhẹ nhàng tình không!” như chính Sư đã và đang trải qua vô lượng kiếp:
“Hôm qua mộng thấy tụng kinh
Tỉnh ra mới biết chính mình là trăng
Bao nhiêu cát của sông Hằng.
Là bấy nhiêu kiếp đã từng tử sinh”

Vậy Sư cũng đã chứng ngộ rồi còn gì?

Qua sông bèn gọi con đò
Nôn nao lá rụng hai bờ sắc không
Qua sông giữa cuộc phiêu bồng
Mới hay trăm sự trăng lồng nước xuôi.
            Riêng cá nhân chúng tôi / chúng ta, cũng chỉ là ‘hạt bụi viễn khách ly hương còn dính đâu đó ở cầu sương, điểm cỏ…’ như lời của Sư viết cho Thơ Toại Khanh. Vậy xin được mạn phép ghi lại đây bài thơ Không Đề, khi chúng tôi có cơ duyên hầu chuyện cùng Sư thay cho lời kết của bài viết CÕI TRỐNG NHÀ THIỀN - MINH ĐỨC TRIỀU TÂM ẢNH.
KHÔNG ĐỀ - WITHOUT TITLE
Kỷ niệm buổi sáng hầu chuyện cùng thầy Minh Đức Triều Tâm Ảnh

Nắng mai vàng hoe
một áng mây lành
thong dong

Huyền trúc nhẹ lay
in hình mặt đất
vô sanh

Thiền Viện Diệu Nhân
June 9th, 2013.

WITHOUT TITLE

A golden sunny ray
a fresh white cloud
freely sauntered

The leaves of bamboo
dancing with the gentle wind
their shadows reflect on the ground

No beginning and no ending.

Dieu Nhan Zen Monastery
Rescue, CA.

Kính bút
Tâm Thường Định

*Minh Đức Triều Tâm Ảnh là bút hiệu của tỳ kheo Giới Đức, là một trong những người sáng lập[1] ra chùa Huyền Không (Huế) từ mái chùa lá ở đèo Hải Vân trước năm 1978. Ông là một nhà sư giỏi thơ văn, am tường hội hoạ và trang trí mỹ thuật và là một cao thủ cờ tướng từng đánh bại một số kì thủ quốc gia. Đồng thời ông cũng là một trong những người nổi tiếng về nghệ thuật thư pháp tại Việt Nam những năm cuối thế kỷ 20 đầu thế kỷ 21(Nguồn: http://tinyurl.com/TrieuTamAnh)






Saturday, July 29, 2017

Tiểu sử HÒA THƯỢNG THÍCH THIỆN TRÌ - THE BIOGRAPHY OF THE MOST VENERABLE THICH THIEN TRI

Lời dẫn: Nhân ngày Giỗ lần thứ 14, để tưởng nhớ công đức sâu dày của Cố Hòa Thượng Thích Thiện Trì (Đệ nhất Trụ trì Chùa Kim Quang - Sacramento California), xin được đăng lại Tiểu sử của Ngài trích trong Kỷ Yếu Tượng Niệm Hoà Thượng Thích Thiện Trì mà Chùa Kim Quang đã làm 14 năm về trước. Thầy Thích Thiện Duyên, đương kim Trụ trì Chùa Kim Quang quyết định lấy ngày Chủ Nhật cuối cùng của Tháng Bảy làm Lễ Tưởng Niệm của Hoà Thượng và GĐPT Kim Quang làm Lễ Tưởng Niệm trước đó một ngày vào cuối thứ Bảy của tháng 7 để tưởng nhớ Hoà thượng Ân Sư.



Tiểu sử HÒA THƯỢNG THÍCH THIỆN TRÌ
(Feb. 19, 1934 to July 31, 2003)


Hòa Thượng Thích Thiện Trì thế danh Nguyễn Duy Hiến, Pháp danh Như Phụng, Pháp tự Thiện Trì, Pháp hiệu Ấn Đạo thuộc dòng Lâm Tế Chánh Tông đời thứ bốn mươi hai, Ngài sanh ngày 19 tháng 02 năm 1934 tại xã Nhơn Khánh, quận An Nhơn, tỉnh Bình Định.

Ngài xuất thân từ một gia đình thuần túy Phật Giáo, thân phụ của Ngài là cụ ông Nguyễn Hàn, Pháp danh Như Đà. Thân mẫu của Ngài là cụ bà Bùi Thị Thiệp, Pháp danh Như Cảnh. Ngài có tất cả 10 anh em, 5 trai và năm gái. Trong đó có 3 người con trai đã xuất gia đầu Phật, là bản thân Ngài, Thượng Tọa Thích Thiện Hữu, và Đại Đức Thích Viên Mãn.

Nhờ túc duyên thù thắng nên khi vừa tròn 17 tuổi, ý thức được lẽ vô thường sinh diệt và thực trạng khổ đau của cuộc đời, Ngài đã phát tâm thế phát xuất gia để noi theo hạnh xuất trần thượng sĩ. Khởi đầu, Ngài xuất gia với Cố Hòa Thượng thượng Huệ hạ Chiếu trụ trì Tổ Đình Thập Tháp, Bình Định. Sau thời gian tu học tại Tổ Đình Thập Tháp, nhận thấy Ngài là bậc thông minh dĩnh duệ, nên Hòa Thượng bổn sư đã gởi Ngài đến tu học tại Tổ Đình Sơn Long, Tuy Phước. Sau khi Hòa Thượng Bổn Sư viên tịch năm 1965, Ngài cầu pháp y chỉ với Hòa Thượng thượng Kế hạ Châu là sư thúc của Ngài và được ban cho Pháp hiệu Thích Ấn Đạo. Hòa Thượng thọ Đại Giới năm 1968 tại Phật Học Viện Trung Phần Hải Đức, Nha Trang. Sau khi tốt nghiệp ưu hạng chương trình Phật Học Chuyên Khoa Liễu Quán tại Tổ Đình Linh Quang, Huế, năm 1971, Ngài được Giáo Hội bổ nhiệm làm Giảng Sư và Giáo Thọ cho nhiều Phật Học Viện tại các tỉnh miền Trung và miền Nam như Giám Thị và Giáo Thọ Phật Học Viện Trung Phần Hải Đức, Nha Trang; Giáo Thọ Phật Học Ni Trường Diệu Quang, Nha Trang; Giám Học Phật Học Viện Nguyên Hương tại Phan Thiết; Giảng Sư tại Tu Viện Quảng Hương Già Lam Sài Gòn v.v.... Do đạo hạnh khả kính, Ngài được cung thỉnh làm Trụ Trì chùa Kim Quang tại Phan Thiết. Dù Phật sự đa đoan, Hòa Thượng vẫn cố gắng đầu tư thì giờ và tâm lực để phiên dịch và trước tác.
Những kinh điển mà Ngài đã dịch gồm có:
·        Kinh Kim Quang Minh
·        Kinh Dược Sư
·        Kinh A-Di-Đà
·        Kinh Di-Lặc
·        Kinh Bát Đại Nhân Giác
·        Phật Thuyết Phân Biệt Kinh
·        Bát Nhã Tâm Kinh

Ngoài những dịch phẩm trên, Hòa Thượng còn biên soạn nhiều bài nghiên cứu lịch sử Phật Giáo hết sức giá trị. Đã từng là Chủ Nhiệm Tạp Chí Nguồn Sống và còn là một nhà thơ với những bài thơ đầy thiền vị.

Sau thời gian gặp khó khăn dưới chế độ Cộng Sản và vì chí nguyện hoằng pháp lợi sanh, Hòa Thượng đã vượt biển tìm tự do năm 1980 để tiếp tục lý tưởng phụng sự chánh pháp và dân tộc. Suốt thời gian tạm cư tại trại tỵ nạn Galang, Nam Dương, Ngài đã thành lập chùa Kim Quang, chùa Quan Âm và tận lực hướng dẫn đồ chúng tu học và đã trở thành một biểu tượng ngời sáng làm nơi quy hướng của những người con Phật đang bơ vơ lạc lõng tại xứ người. Sau khi định cư tại Hoa Kỳ năm 1981 Hòa Thượng càng nổ lực hơn nữa trong vai trò của một Trưởng Tử Như Lai, tác Như Lai sứ, thừa Như Lai sự. Những chức vụ mà Ngài đã đảm nhiệm theo thời gian là:

·        Hội Trưởng Hội Phật Giáo Việt Nam tại Sacramento và Trụ Trì Chùa Kim Quang
·        Phó Hội Chủ Tổng Hội Phật Giáo Việt Nam Tại Hoa Kỳ
·        Tổng Vụ Trưởng Tổng Vụ Tăng Sự của Tổng Hội Phật Giáo Việt Nam Tại Hoa Kỳ
·        Thành Viên Hội Đồng Đại Diện của Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất Hải Ngoại Tại Hoa Kỳ - Văn Phòng II Viện Hóa Đạo
·        Chủ Tịch Hội Đồng Giám Luật Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất Hải Ngoại Tại Hoa Kỳ - Văn Phòng II Viện Hóa Đạo
·        Tổng Vụ Trưởng Tổng Vụ Tăng Sự của Giáo Việt Nam Thống Nhất Hải Ngoại Tại Hoa Kỳ - Văn Phòng II Viện Hóa Đạo đồng thời lãnh đạo tinh thần các Hội và Chùa:
·        Chùa Vạn Hạnh, Rochester, NY.
·        Chùa Từ Hiếu, Buffalo, NY.
·        Chùa Quan Âm, Binghamton, NY.
·        Chùa Phổ Quang, Salt Lake City, UT.

Năm 1985, Hòa Thường cùng với chư tôn Thiền Đức trong Giáo Hội đã tổ chức Đại Giới Đàn Đại Nguyện tại chùa Kim Quang, Sacramento. Hòa Thượng là trưởng ban Kiến Đàn trong Giới Đàn đó.

Ngoài việc xiển dương Chánh Pháp cứu độ quần sanh, Ngài còn sát cánh với Giáo Hội tích cực vận động cho sự tự do, bình đẳng, dân chủ và nhân quyền tại Việt Nam.

Ngài là bậc Thầy đặc biệt thương yêu, hết lòng quan tâm nâng đỡ, giáo dưỡng và xây dựng tổ chức Màu Lam của Gia Đình Phật Tử Việt Nam.

Cuộc đời của Ngài là một tấm gương ngời sáng, một bài học sống vô giá qua nhiều khía cạnh nhất là thời gian Hòa Thượng thị bệnh để độ chúng. Dù trải qua thời gian dài với bệnh duyên đầy thử thách nhưng Hòa Thượng vẫn giữ được đạo phong tự tại, uy nguy, thanh thoát của mình và chứng tỏ được đạo hạnh khả kính của một bậc Tôn túc giáo phẩm thạc đức. Đây là thời gian mà đại chúng học ở Hòa Thượng những bài Pháp không lời đầy khế cơ, khế lý.

Thuận thế vô thường Hòa Thượng đã an tường xả bỏ báo thân lúc 8 giờ 20 tối ngày 31 tháng 7 năm 2003, nhằm ngày mồng 3 tháng 7 năm Quý Mùi tại thủ phủ Sacramento, California, Hoa Kỳ. Thế thọ 69, Đạo lạp 52, Hạ lạp 36. Dù xác thân tứ đại huyễn hóa của Hòa Thượng không còn nữa nhưng những lời dạy cao quý nhất là những hành hoạt đầy vị tha vô ngã của Ngài đối với Dân Tộc và hình ảnh dấn thân tận tụy hy hiến cho Đạo của Hòa Thượng vẫn còn mãi trong trái tim của hàng triệu người con Phật.

Vô thường thị thường, tịch diệt phi diệt, nhất tâm cầu nguyện giác linh Hòa Thượng thượng phẩm thượng sanh, bất vi bổn thệ, hồi nhập ta bà để Hòan thành hạnh nguyện độ sanh cao cả.

Nam Mô Tự Lâm Tế Chánh Tông Tứ Thập Nhị Thế húy thượng Như hạ Phụng, tự Thiện Trì, hiệu Ấn Đạo giác linh Hòa Thượng thùy từ chứng giám.


Chùa Kim Quang - Photo: BXK


THE BIOGRAPHY OF THE MOST VENERABLE 
THICH THIEN TRI

The Most Venerable Thich Thien Tri, named Nguyen Duy Hien, belonged to the Lam Te Chanh Tong lineage of the forty-second generation. He was born on February 19, 1934 in Nhon Khanh commune, An Nhon District, Binh Dinh Province.

He came from a purely Buddhist family. His father was Mr. Nguyen Han and his mother was Mrs. Bui Thi Thiep. He has 10 siblings, 5 brothers and 5 sisters. Of which, there were 3 sons who have dedicated their life as Buddhist monks, Himself, Venerable Thich Thien Huu, and Venerable Thich Vien Man.


When he was just 17 years old, awared of the impermanence of death and the reality of suffering in his life, he began his journey to pursue ‘enlightenment’.  In the beginning, he practiced at Thap Thap Temple in Binh Dinh, and then at Son Long Temple, Tuy Phuoc. After his Venerable Master passed away in 1965, he studied at Hai Duc Buddhist Institute in Nha Trang. He graduated at a Buddhist School in Hue in 1971, after which he was appointed as Dharma Teachers for many Buddhist Schools in the Central and Southern Provinces. He taught widely in the southern part of Vietnam and because of his virtuous conduct, he was also invited to be the abbot of Kim Quang Pagoda in Phan Thiet. Even with his busy schedule, he still invested his time and energy in translating and composing.
He translated quite a few Buddhist texts in his lifetime that included:
-           Kim Quang Minh Sutra
-           Medicine Sutra
-           Amitabha Sutra
-           Maitreya Sutra
-           The Sutra of Eight Awakenings of Great Beings 
-           Prajna Heart Sutra


He was also a writer and a poet.

In 1980, after a difficult time under the Communist regime and for the sake of spreading Buddhism, the Venerable escaped Vietnam as a Boat person, to find freedom and to continue the ideal of serving the Dharma and the nation. During his stay at the Galang Refugee Camp, Indonesia, he founded Kim Quang Temple, Quan Am Pagoda and devoted himself to the cultivation of the monastic discipline and became a symbol of brightness as the direction of the people. After resettling in the United States in 1981, he was the first Abbot of our Kim Quang Temple and he held many great leadership positions. To name a few:

· President of Vietnamese Buddhist Association in Sacramento and Abbot of Kim Quang Pagoda
· Vice President of United Vietnamese Buddhist Association in the United States
· Director of the General Department of Sangha of the Unified  Buddhist Church of Vietnam in the United States.

He also found the following centers:
· Van Hanh Pagoda, Rochester, NY.
· Tu Hieu Temple, Buffalo, NY.
· Quan Âm Temple, Binghamton, NY.
· Pho Quang Pagoda, Salt Lake City, UT.

In addition to promoting the Dharma as the salvation of sentient beings, he stood side by side with the Unified  Buddhist Church and actively advocated for freedom, equality, democracy and human rights in Vietnam.

He was a special teacher in love who was devoted to supporting, educating and building the Blueprint of the Vietnamese Buddhist Youth Association in America.

His life is a shining example and a lesson that is invaluable in many respects. For example, the time the Venerable Master was ill. Despite the long period of challenging conditions, the Venerable Master retained his self-esteem, prestige and serenity, and he demonstrated the respectable virtue of a devout Buddhist monk. This was the time when the students studied in the Venerable Master's teachings which were not full of words, but experience and actions.

Venerable Thich Thien Tri passed away at 8:20 pm on July 31, 2003. He was 70 years old. Although he is no longer illuminated, his most noble teachings are his selfless acts towards the Nation and to leading by example. His devotions still live on in the hearts of many Buddhists who met him.

The lesson of impermanence is real but yet we share our sorrow and pray for his return to this earthly realm to continue his vows of spreading the Dharma.


Translated by Tâm Thường Định

Friday, July 28, 2017

NHÌN TRĂNG RẰM NHỚ MẸ


NHÌN TRĂNG RẰM NHỚ MẸ

Trăng thanh yên tĩnh núi đồi
Nhớ Mẹ nhớ cả mồ hôi của Người
Vu Lan tháng Bảy khóc cười
Mẹ cười con khóc oe oe chào đời
Con khôn lớn vẫn vui tươi
Đến khi Mẹ mất chơi vơi cõi lòng
Mẹ hiền bao cõi tâm trong
Tình thương biển cả mênh mông đất trời
Con đi giữa chốn mù khơi
Mẹ là bến giác suốt đời của con
Mẹ thương! thương Mẹ sắt son
Tình sâu nghĩa nặng chúng con đáp đền
Chúng con có thể bấp bênh
Thương yêu Cha Mẹ vững bền vô biên
Mẹ cười trên đóa hồng liên
Con cười giữa chốn triền miên não phiền.
Di Đà là chốn đoàn viên 
Thong dong tự tại hai miền sắc không!

Wednesday, July 26, 2017

THẦY NGỒI ĐÓ


THẦY NGỒI ĐÓ

Thầy ngồi đó không lời--Vô sự
Bao loài hoa đua nở an lành
Thầy ngồi đó mỉm cười tư lự
Ấn thiền sư--Ánh mắt long lanh.