Monday, April 30, 2018

Giới Thiệu Cuộc Nghiên Cứu về Tái Sanh: “Rebirth in Early Buddhism & Current Research”


Giới Thiệu Cuộc Nghiên Cứu về Tái Sanh:
“Rebirth in Early Buddhism & Current Research”
Nguyên Giác

Có nhiều câu hỏi về tái sanh thường được nêu ra đối với các Phật tử. Có tái sanh không? Nếu có, có thể nhớ chuyện kiếp trước không? Cái gì tái sanh? Có thân trung ấm hay không? Nếu có, có thể tu trong thân trung ấm hay không? Bên cạnh kinh điển Phật giáo, các nhà khoa học nói gì về tái sanh, và các nghiên cứu  đang tới đâu rồi?
Đã có nhiều nhà sư dựa vào Kinh Tạng để trả lời các câu hỏi trên, cũng như nhiều nhà khoa học đã khảo sát về một số trường hợp được hiểu là có tái sanh khi các thiếu niên nhớ lại ba mẹ kiếp trước. Tuy nhiên, nhiều ngờ vực vẫn không ngừng nêu ra, vì cơ duyên để phỏng vấn hay nghiên cứu các trường hợp lạ vẫn rất hiếm, hoặc bất toàn.
Trong các tác phẩm biên khảo về đề tài tái sanh, cuốn “Rebirth in Early Buddhism and Current Research” của Bhikkhu Analayo có một tầm quan trọng đặc biệt, cần có trong tủ sách các thư viện Phật giáo. Tác phẩm này do NXB Wisdom Publications phát hành trên Amazon ngày 24/4/2018, tức là mới vài ngày qua, chưa tới một tuần. Sách này có hai lời nói đầu. Lời đầu sách là của Đức Đạt Lai Lạt Ma. Lời giới thiệu thứ nhì là của nhà sư Bhante Gunaratana.
Nhiều nhà nghiên cứu Phật học có theo dõi cuộc nghiên cứu của tác giả Bhikkhu Analayo đã đặt mua cuốn này từ một năm trước. Ít có tác phẩm biên khảo nào được chú ý như thế trong giới học Phật. Nơi đây xin nêu ý riêng: trân trọng mời gọi các học giả Việt Nam giỏi tiếng Anh (và sẽ có lợi thêm nếu biết một chút về các ngôn ngữ như tiếng Hán, Pali, Sanskrit) nên tìm mua tác phẩm này. Hãy vào Amazon.com và gõ nhóm chữ  “Bhikkhu Analayo” sẽ thấy sách này.
Tác phẩm viết bằng tiếng Anh, và vì sách mới ấn hành, nếu các nhà nghiên cứu trong GHPGVN muốn dịch ra tiếng Việt có lẽ sẽ khó xin phép chuyển ngữ vô điều kiện, phần cũng vì sách này là một trong các quan tâm lớn của giới học Phật toàn cầu. Tuy nhiên, hãy suy nghĩ, chúng ta xây những tượng Phật lớn nhất Đông Nam Á, xây các ngôi chùa tốn kém hàng chục triệu đôla, trong khi nếu ký hợp đồng để xin dịch sách này sang tiếng Anh, cho cao nhất là vài ngàn đôla là cùng. GHPGVN nên quan tâm để xin dịch sang tiếng Việt các sách tương tự, để làm sách tham khảo cho các Phật học viện, có lợi hơn xây chùa vô cùng tận. Bởi vì Nhật Bản có rất nhiều chùa đẹp, nổi tiếng về kiến trúc quốc tế, cũng không ngăn nổi sự suy thoái của Phật giáo ở quốc gia này.
.
Trước tiên, để nói sơ lược về tác giả. Bhikkhu Anālayo là một nhà sư, một học giả, và là người dạy thiền. Ông sinh tại Đức năm 1962, xuất gia năm 1995 tại Sri Lanka, nổi tiếng với các công trình tỷ giảo về Kinh Văn Phật Giáo Sơ Thời (Early Buddhist Texts) được lưu giữ từ nhiều truyền thống Phật Giáo. Bhikkhu Anālayo ban đầu xuất gia tạm năm 1990 tại Thái Lan, sau một khóa thiền ở chùa Wat Suan Mokkh, tự viện thiết lập bởi nhà sư Thái Lan Ajahn Buddhadasa. Năm 1994, đại sư tới Sri Lanka, và năm 1995 thọ đại giới. Năm 2000, hoàn tất đề tài Tiến sĩ về Kinh Niệm Xứ (Satipatthana-sutta) tại đại học University of Peradeniya (ấn hành bởi NXB Windhorse tại Anh quốc). Trong năm 2007, đại sư hoàn tất một cuộc nghiên cứu bổ túc tại đại học University of Marburg, trong đó đại sư đối chiếu các kinh Trung Bộ trong Tạng Pali với các kinh tương tự trong tiếng Trung Hoa, tiếng Sanskrit, và tiếng Tây Tạng. Hiện nay đại sư là một thành viên của viện nghiên cứu Numata Center for Buddhist Studies (thuộc University of Hamburg) trong cương vị Giáo sư, và làm việc với cương vị nhà nghiên cứu tại đại học Dharma Drum Buddhist College tại Đài Loan. Ngoài thời giờ cho nghiên cứu, đại sư thường xuyên hướng dẫn các khóa thiền.
Bhikkhu Anālayo là nhà nghiên cứu có thẩm quyền về nhiều hệ kinh văn cổ. Hiện nay đang là nhà biên tập chính và là một trong các dịch giả cho bản dịch Anh văn đầu tiên từ bản tiếng Trung Hoa của Trung A Hàm [Madhyama-āgama (Taishō 26)], và đang thực hiện bản dịch tiếng Anh từ bản tiếng Trung Hoa của Tạp A Hàm [Saṃyukta-āgama (Taishō 99)]. Nhóm Kinh Tạp A Hàm là song song với nhóm Kinh Tương Ưng trong tiếng Pali.
Tới đây, xin nói về tác phẩm biên khảo “Rebirth in Early Buddhism & Current Research.” Trong tiếng Việt, có thể dịch là “Tái Sanh trong Phật Giáo Sơ Kỳ & Nghiên Cứu Hiện Nay.” Sách chia làm 4 phần. Chương đầu tiên khảo sát về lý thuyết tái sanh trong các nguồn kinh điển Phật Giáo xưa cổ nhất. Chương thứ nhì duyệt về các cuộc tranh luận về tái sanh trong lịch sử Phật Giáo và tới thời hiện đại, ghi nhận vai trò của sự thiên lệch khi đánh giá các chứng cớ. Chương thứ ba duyệt lại các nghiên cứu hiện nay về tái sanh, kể cả kinh nghiệm cận tử, ký ức về kiếp trước, và về trẻ em nhớ lại các kiếp trước; chương này bao gồm cả việc khảo sát năng lực xenoglossy, tức là khả năng nói các ngôn ngữ không hề học trong kiếp này. Chương 4 khảo sát trường hợp của Dhammaruwan, một cậu bé người Sri Lanka tụng đọc các kinh văn tiếng Pali mà cậu không hề học trong kiếp này. Tác phẩm chỉ khảo sát về các chứng cớ, và để độc giả tự kết luận.
Chương thứ 4, từ trang 119 tới trang 162, nhan đề là “Case Study in Pali Xenoglossy,” khảo sát về cậu bé Dhammaruwan ở Sri Lanka, trong đó khảo sát chia làm 4 phần: thứ nhất, viết tổng quát về trường hợp cậu bé đọc tụng kinh văn Pali mà chưa từng được học; thứ nhì là đối chiếu, đại sư yêu cầu cậu bé dọc 13 bản kinh Pali, trong đó có 3 kinh trong Trường Bộ Kinh, 5 kinh trong Tương Ưng Bộ Kinh, nhận ra rằng cậu bé đọc ra là văn khẩu truyền, trong khi chúng ta đọc Tạng Pali hiện nay là văn đã viết xuống giấy; thứ ba là tìm sai sót và dị bản, giữa kinh văn cậu bé đọc và kinh văn trên chữ viết hiện nay; thứ tư là xem những phần cậu bé đọc tụng thiếu sót những gì và có thêm hơn những gì, khi so với các kinh văn Pali hiện nay.
Ngắn gọn, tác phẩm nghiên cứu này cần cho các thư viện trong các Phật Học Viện.
Tới đây, xin dịch Lời nói đầu của Đức Đạt Lai Lạt Ma trong tác phẩm “Rebirth in Early Buddhism & Current Research” của Bhikkhu Analayo. Bản Việt dịch của Nguyên Giác sẽ cố gắng dịch sát nghĩa, vì  Đức Đạt Lai Lạt Ma cũng kể về các kinh nghiệm riêng, khảo sát riêng về tái sanh, kể cả một số trường hợp các nhà sư Phật giáo Tây Tạng khi còn thơ ấu đã nhớ về kiếp trước và tìm về tu viện cũ.
.
Lời nói đầu của Đức Đạt Lai Lạt Ma trong sách này ở trang ix tới trang xi. Việt dịch như sau.
“Tôi đón mừng việc ấn hành sách này trong khảo sát về tái sanh, một khái niệm được hầu hết Phật tử chấp nhận rằng cuộc đời chúng ta không có khởi đầu và rằng chúng ta đi từ một đời này sang đời kế tiếp. Bởi vì Phật tử tất cả các truyền thống chấp nhận rằng kinh điển trong tiếng Pali là các bản văn sớm nhất ghi lời Đức Phật dạy, sự xác nhận của Bhikkhu Analayo rằng tái sanh được giải thích rõ ràng trong Kinh Pali qua văn mạch về duyên khởi và nghiệp là công trình giá trị. Tác giả cũng nêu bật các trường hợp thường được chấp nhận rằng có một điểm sinh động trong kinh nghiệm giác ngộ của Đức Phật là nhớ lại các kiếp trước của chính Đức Phật và [nhớ lại] kiếp của các người khác.
Dignaga, nhà luận sư Ấn Độ vĩ đại của thế kỷ thứ 5 và thứ 6, đã khảo sát tận tường khái niệm tái sanh. Vị này chỉ ra rằng khi chúng ta nói về các thứ vật chất, chúng ta phải khảo sát về các nguyên nhân chính yếu và các điều kiện cùng vận hành. Thí dụ, cơ thể vật chất của chúng ta là tổng hợp các vi hạt. Mỗi vi hạt có một nguyên nhân chính yếu, và chúng ta có thể, một cách lý thuyết, dò ngược tới trận nổ Big Bang và ngay cả xa hơn trước đó nữa. Do vậy, chúng ta kết luận rằng các vi hạt làm thành thế giới vật chất không có khởi đầu.
Y hệt như vật chất không có khởi đầu, thức cũng không có khởi đầu. Dignaga lý luận rằng nguyên nhân chính yếu của thức phải cùng bản chất như thức. Luận sư này khẳng định rằng, trong khi vật chất có thể tạo ra điều kiện cùng vận hành khi nói về các căn, não bộ và hệ thần kinh của chúng ta, vật chất không có thể là nguyên nhân chính yếu cho thức. Nguyên nhân chính yếu cho thức phải cùng bản chất như thức. Nói cách khác, từng khoảnh khắc của thức là theo sau một khoảnh khắc trước đó của thức; do vậy chúng ta nói rằng thức không có khởi đầu – và trên căn bản đó, chúng ta mô tả về lý thuyết tái sanh.
Tôi chia sẻ mục tiêu của Bhikkhu Analayo khi tìm cách hiểu về những chuyện như chúng thực sự xảy ra, do vậy tôi hạnh phúc thấy rằng tác giả duyệt lại trong sách này các cuộc tranh luận về tái sanh trước khi nhìn vào các chứng cớ khác. Trong các cuộc thảo luận tôi tham dự với các nhà khoa học hiện đại trong hơn ba mươi năm qua, tôi ghi nhận sự chuyển biến từ giả thuyết ban đầu của họ rằng thức không vượt hơn một chức năng của não bộ sang tới  một xác nhận về neuroplasticity -- tạm dịch: chức năng tái phục hoạt của hệ thần kinh, xem chi tiết ở (1) – và công nhận rằng liên hệ giữa tâm và não bộ có thể tương thuộc nhiều hơn là trước kia họ nghĩ. Tôi cũng đã hỏi rằng, có phải hay không, khi một tinh trùng hoàn hảo gặp một trứng hoàn hảo trong một tử cung hoàn hảo, việc khai sinh ra một chúng sinh hữu thức sẽ tự động xảy ra. Các nhà khoa học nhìn nhận rằng không có chuyện đó, nhưng không có thể giải thích tại sao. Phật giáo giải thích rằng cần thêm một yếu tố để xem xét, đó là sự có mặt của thức.
Bhikkhu Analayo gợi chú ý về các phúc trình về các trẻ em nhớ kiếp trước. Chính tôi cũng đã gặp nhiều trẻ em như thế. Trong đầu thập niên 1980s, tôi gặp hai bé gái, một từ Patiala và một từ Kanpur ở Ấn Độ, cả hai đều nhớ rất rõ ràng về kiếp trước của họ. Một cách rõ ràng và một cách thuyết phục, hai bé gái nhận ra ba mẹ kiếp trước của họ, cũng như nơi cả hai đã sống trong kiếp trước. Mới gần đây, tôi gặp một bé trai, cậu này sinh ở Lhasa, Tây Tạng. Trước tiên, người ta mang cậu bé tới Dharamsala, nơi tôi cư ngụ, nhưng cậu bé cứ nói, “Tôi không đến từ nơi này; nơi của tôi là phía Nam Ấn Độ.” Sau đó, cậu dẫn ba mẹ cậu [kiếp này] tới tu viện Gaden Monastery (2), tìm ra căn nhà trước kia của cậu này, và chỉ vào căn phòng trước kia của cậu. Khi họ bước vào phòng, cậu bé nói, “Nếu nhìn vào trong cái hộp này, mọi người sẽ thấy cặp mắt kính của tôi,” và đúng là họ thấy như thế.
Một chuyện tương tự liên hệ tới cháu trai của một người bạn Tây Tạng sống ở Hoa Kỳ. Tôi đã công nhận cậu bé này là tái sanh của một lạt ma mà bạn tôi trước đó đã quen biết. Tuy nhiên, cha của cậu bé không muốn con trai mình được công nhận và tu học như một lạt ma tái sanh, và do vậy đưa cậu vào trường học đời thường. Người ông (nội/ngoại) của cậu bé kể với tôi rằng chính cậu bé tự kể về cậu, nói, “Đây không phải là nơi con nên ở. Con nên ở tại Ấn Độ, trong tu viện Drepung Loseling Monastery.” Sau cùng, người cha chấp nhận, và cho cậu bé vào tu viện.
Mẹ tôi thường nói với tôi rằng khi tôi còn nhỏ, tôi đã có ký ức rõ ràng về kiếp trước của tôi. Những ký ức đó mờ dần khi tôi lớn, và bây giờ tôi không có thể nhớ cả những gì đã xảy ra hôm qua. Khi tôi mới đây gặp một cậu bé tới từ Lhasa để vào tu viện của cậu, tôi hỏi cậu bé rằng có còn nhớ gì kiếp trước không, và cậu bé trả lời rằng không nhớ. Tôi hài lòng biết rằng bản thân tôi không phải là người duy nhất mà ký ức về kiếp trước tan biến.
Trường hợp mà Bhikkhu Analayo dẫn ra [trong sách này], một cậu bé có thể đọc tụng tiếng Pali từ một thời đại xa xưa, rằng cậu này không có cách nào gặp được ngôn ngữ [Pali xưa cổ] này trong cách nào khác, cũng phù hợp với kinh nghiệm của tôi. Tôi có nghe về những người có thể đọc tụng các bản văn và các bài kệ mà họ không hề học [trong kiếp này], và dĩ nhiên, có nhiều người có thể học thuộc các bản văn rất dễ dàng, như dường họ đã biết chúng. Như thế, họ có kiến thức từ các kiếp trước như dường là một giải thích phù hợp. Những chuyện như  thế đã xảy ra, nhưng tới giờ, khoa học chưa có giải thích về những gì xảy ra. Tuy nhiên, tôi biết nhiều nhà khoa học đang quan tâm về chuyện này.
Tôi đồng ý với Bhikkhu Analayo rằng mục đích của việc khảo sát ghi lại trên các trang giấy này không nhằm áp đặt một quan điểm đặc biệt, nhưng để cung cấp một cơ hội để hiểu rõ hơn dựa vào các phân tích và thảo luận. Nhiều người tiên đoán rằng thế kỷ 21 này sẽ là lúc chúng ta sẽ thực sự hiểu về cách não bộ hoạt động. Nếu đúng như thế, sẽ cần tới một lúc khi chúng ta cũng khai triển ra một hiểu biết tốt hơn về vận hành của tâm thức. Tôi tin rằng các trường hợp như thế sẽ chiếu sáng vào câu hỏi về tái sanh. Khoa học có thể chưa khám phá ra chứng cớ thuyết phục rằng tái sanh không có thể xảy ra. Trong thời gian này, tôi đề nghị các độc giả quan tâm hãy nhận lời dạy của Đức Phật khi Ngài thúc giục các vị sư theo Ngài  hãy khảo sát và điều tra những gì Ngài đã nói như một người thợ vàng thử nghiệm vàng bằng cách nung nóng, cắt ra, và chà xát nó. Hãy đọc các chứng cớ nơi đây, hãy suy nghĩ về chúng, cân nhắc chúng so với kinh nghiệm riêng của quý vị, và tự quyết định [về vấn đề này].
Ký tên: Đức Đạt Lai Lạt Ma.”

GHI CHÚ:
(1) Tự điển Oxford giải thích về neuroplasticity: Khả năng của não bộ để hình thành và tái tổ chức các nối kết giữa các tế bào não bộ, đặc biệt khi đáp ứng tới việc học hỏi, hay khi kinh nghiệm, hay sau khi bị thương tích. (The ability of the brain to form and reorganize synaptic connections, especially in response to learning or experience or following injury.)
(2) Gaden Monastery là một tu viện lớn của dòng Gelug tại thị trấn Karnataka, trong khu định cư Mundgod của người Tây Tạng lưu vong, tại Ấn Độ. Từ tu viện này, một đại học Phật giáo được thiết lập có tên là Gaden Jangtse Monastic College, trung bình thường có 2,000 học tăng nội trú.

Saturday, April 28, 2018

Chùa Phước Sa Nhơn Lý Duyên Khởi Khai Sơn và Qua Mấy Đời Tái Kiến Thiết

Chùa Phước Sa Nhơn Lý Duyên Khởi Khai Sơn và Qua Mấy Đời Tái Kiến Thiết

DUYÊN KHỞI : PHẬT LỒI HIỂN LỘ

Năm Kỷ Mùi 1919 bão tố mất mùa đói kém khắp nơi, gạo không có ăn, chết đói rất nhiều phải lên rừng núi đào củ mài, hái rau trái ăn thay cơm bữa. 
Tháng 9 năm ấy vừa qua cơn bão biển, ông Thước ở xóm mới (nay Lý Hòa) đi đào còng và phát hiện đầu Phật lồi lên gần với hố nước (sau lưng chùa Giác Hải bây giờ) bà con đào lên sau đó đem lên trên trảng đất ruộng bằng trên núi Cấm thường gọi rẫy ông Tín che mái Am tranh thờ Phật Bà Quan Âm. Tự dưng năm đó và những năm sau yên bình mùa màng thuận lợi. Bà con xa hương lại quay về nhà cửa nhiều thêm. 
Năm 1922 Đình Xương Lý sửa chữa lợp lại mái tranh bà con lên kẻ đánh tranh, người chẻ lạt. Bỗng nhiên chiếc rựa ông Biện Đình xổ cán bay thẳng xuống lùm phía sau nhà ông Bộ Phán, ông chui xuống lùm cây rậm rạp tìm và phát hiện cái bao mở ra thấy Đức Phật Quan Âm. Ông la lên và vác lên sân Đình...thì ra ăn trộm mang vác chưa ra khỏi làng và bỏ lại đây. 
Thời ấy tiếng đồn lan xa Phật lồi ở xứ Vũng Cát Xương linh hiển nên bị ăn trộm khiêng đi nhưng không biết tại vì sao bỏ lại. 
Cuối cùng quý cụ bàn bạc lên trên triền núi phía trước biển phía trên Đền Thánh và Lăng ông Nam Hải xây chùa thờ tự. Từ đó phá dỡ núi xây chùa gỗ mái chái lợp tranh năm 1924 khánh thành thỉnh tượng Phật Quan Âm thờ nên tục gọi Chùa Bà.

** XÂY DỰNG & NHỮNG ĐỜI TRỤ TRÌ
Đến năm 1947 sửa chữa lợp ngói nhân có Ngài Hòa Thượng Thiên Bình - Thích Tâm Đạt về là tế độ cứu bạt nịch tử và mở đàn truyền giới quy y rất đông. Mời ngài quang lâm chứng minh và khai sơn lấy tên Phước Sa Tự từ đó. 
- Ngài Thích Thiện Giai ( trung niên xuất gia thường gọi thầy Cả) chính thức trụ trì khi đã thọ đại giới tỳ kheo tại Tổ Đình Thiên Bình và là Trụ trì đời thứ nhất, tháp ngài ở trước cổng chùa. 
- Năm 1954 chùa Ông phía dưới bị chiến tranh phá sập nên bà con hiến cúng dời chùa Phước Sa đã xuống cấp từ bên trên ( nay là đất Tháp chuông) xuống Tái thiết mới là Chùa Phước Sa ngày nay. Thầy Cả mất năm 1968 tháp tôn trí trước cổng chùa. 
- Đệ tử là Thầy Thích Đồng Nhiên trụ trì đời thứ 2. Năm 1973 tái thiết Chùa Phước Sa mới và xây trường Bồ Đề để con em ở xã nhà có nơi ăn học. 
Năm 1977 thầy giao chùa Phước Sa lại cho Thầy Đồng Lực sư đệ trụ trì thầy vào xây chùa Giác Hải ở khi đồi Miếu Bà xóm mới. 
Năm 1978 bão số 3 tháng 5 làm chết nhiều người, mùa đông năm đó lại bị mất thể Phật lồi... Nhưng cuối cùng tìm lại được tại dốc chùa Thiên Long ngõ đò khe đá. 
- Năm 1989 Xây dựng nhà Tổ, những năm sau đó nới rộng chùa, xây cổng ngõ, tượng Quan Âm lộ thiên trước sân chùa. 
- Cuối năm 1999 thỉnh thầy Thích Đồng Tín trụ trì đời thứ tư. 
- Năm 2000 - 2001 nâng đường xây trụ cổng. 
- Năm 2002 Xây giảng đường công trình phụ. 
- Tháng 25/8/2009 âm lịch triệt hạ toàn bộ chánh điện, nhà Tổ. 
Tháng 10/2009 đặt đá xây dựng và hoàn thiện Chánh điện, Tượng Phật Di Lăc, Tượng Phật lộ thiên Quan Thế Âm cao 12m trên triền núi do nữ thí chủ Sài Gòn Phật Bà báo mộng tìm về vận động hiến cúng. 
Ngày 19/2/2015 Âm Lịch Lễ Đúc Chuông 1tấn diễn ra và hoàn thiện Tháp chuông cuối năm đó. 
Trải qua bao nhiêu thời kỳ từ khó khăn vật chất cho đến ngày nay. Sự linh ứng nhiệm màu của Bồ Tát Quan Thế Âm mới có chùa Phước Sa và đạo Phật lan tỏa khắp xã nhà. Thật tự hào một vùng quê biên địa hạ tiện, cập miệt lệ sa mà có đến 4 chùa, 1tịnh xá, 1tịnh thất và 2 thất Cao Đài. Lành thay vui thay... 

*** XÂY DỰNG NHÀ TỔ
Hiện nay Thầy Thích Đồng Tín cùng Ban Đốc Công Xây Dựng kêu gọi bà con bổn đạo Phật tử xa gần phát tâm hỷ cúng để xây dựng Tổ Đường & Tăng Phòng. Mong quý bà con hỷ cúng để công trình Tái Thiết Chùa Phước Sa thập phần viên mãn. 
NAM MÔ CÔNG ĐỨC LÂM BỒ TÁT MA HA TÁT

Liên lạc: Thầy Thích Đồng Tín 
chủ TK số ĐT: 01628630529 - 01692410840.
Hoặc PT Vạn Thi (anh Hai Thí) Tr BXD ĐT: 01676717135
Pt Vạn Tuệ (A. Trí) TK BXD : 0981427211
Pt Đồng Tuyên (A. Nha) KTXD : 0914221820
Pt Vạn Minh (A. Tuấn) thủ quỹ 1: 0914570263
Pt Vạn Mỹ ( E. Sáu ) thủ quỹ 2 : 01682341113
Pt Vạn Lịch (E.Thanh) Hậu cần 01663847472

Vạn Tuệ thông tin.

Friday, April 27, 2018

Ta Thấy Em




Hình ảnh ở Xứ Ấn - Photos: BXK


Ta Thấy Em

Kẻ du thủ rong chơi trên xứ lạ
Sau thuyết trình mang chánh niệm vào đời
Ai chở mộng đi về miền đất hứa
Thấy xanh xao thân xác lũ em thơ

Thấy mẹ gầy, chị đen thủi trơ vơ
Ôi bụi bặm với người xe đông đúc
Ta cứ ngỡ người như sông có khúc
Ai bơ vơ xô dạt bến sông Hằng


Ta thấy thần thấy thánh cũng bất năng
Theo gót Phật thấy trần gian mộng mị
Bao trầm luân bao đau khổ lâm li
Thì mới ngộ ra con đường Trung Đạo


Ta thấy Phật trong em qua diện mạo
Ta thấy ta qua mưa gió cuộc đời
Ta thấy người có Phật tánh muôn nơi
Ta thấy cả hư vô trong khoe mắt.

Bạch Xuân Phẻ

Wednesday, April 25, 2018

VỀ THĂM LỊCH SỬ - Trần Trung Đạo

Sách mới nhất của nhà văn Trần Trung Đạo. Thiết kế - Uyên Nguyên

VỀ THĂM LỊCH SỬ  

Anh sẽ đưa em về thăm Hà Nội 
Cả đời anh chưa được một lần qua 
Mộng Hồ Gươm vằng vặc bóng trăng tà 
Sâu thăm thẳm như lòng anh nhớ nước 

Hỡi chiếc cọc Bạch Đằng Giang thuở trước 
Hãy chờ tôi đừng vội cuốn ra khơi 
Những rong rêu thành quách của muôn đời 
Xin cố đứng dù trời đang nổi gió 

Ta sẽ tới thăm khu Trường Giảng Võ 
Tìm chiếc nỏ thần lưu lạc của Thục Vương 
Đâu Mỵ Châu lông ngỗng trắng ven đường 
Đâu Trọng Thủy tìm người thương muôn dặm 

Ta sẽ ghé bến Bình Than một bận 
Nơi ngày xưa ai bóp nát quả cam vàng 
Trần Khánh Dư xuôi ngược chiếc thuyền than 
Trần Thủ Độ đầu chưa rơi xuống đất 

Em sẽ nhớ bao nhiêu người đã khuất 
Nhớ Chương Dương mơ Vạn Kiếp, Thiên Trường 
Có phải nơi nầy Trần Bình Trọng đầu rơi 
Thà làm quỉ hơn làm vương đất bắc 

Ta sẽ đợi bên bờ sông Thiên Mạc 
Nhìn xa xa lửa dậy đất Thăng Long 
Hưng Đạo Vương vung kiếm chỉ vào sông: 
"Dẫu thịt nát thây phơi ngoài nội cỏ" 

Em sẽ thấy gò Đống Đa còn đó 
Nấm mồ hoang của hàng vạn quân Thanh 
Vua Quang Trung oai dũng tiến vào thành 
Chiếc áo ngự còn vương mùi khói súng 

Ta sẽ đến Lam Sơn tìm dấu chứng 
Nơi ngày xưa Nguyễn Trãi viết Bình Ngô 
Rừng Chí Linh ai giả mặc long bào 
Để được chết thay vua và thay nước 

Anh sẽ đưa em đi dọc bờ sông Hát 
Nơi nào đây Trưng Trắc đã trầm thân 
Vẫn thấy lòng đau dù đã mấy nghìn năm 
Vẫn tha thiết như nhớ người chị cả 

Anh sẽ đưa em về qua Hưng Hóa 
Ghé Phong Châu quì trước điện Vua Hùng 
Dẫu lạc loài nơi cuối bể đầu non 
Hồn con vẫn là hồn muôn năm cũ 

Mỗi chiếc lá như còn nghe hơi thở 
Mỗi cành cây như có một linh hồn 
Ta sẽ về sống lại một lần thôi 
Em sẽ khóc như chưa hề được khóc 

Ta sẽ viếng đường Cổ Ngư bóng mát 
Những chuyện tình đẹp nhất khởi từ đây 
Nắng dịu dàng soi mặt nước Hồ Tây 
Xin một chút hong khô màu mắt biếc 

Ôi Lịch sử, một vầng trăng diễm tuyệt 
Sáng trong anh nét đẹp của muôn đời.

Trần Trung Đạo


Monday, April 23, 2018

Khi Con Chim Thôi Hót - When The Birds Stop Singing

Ảnh Internet

Khi Con Chim Thôi Hót
Khi con chim thôi hót.
Khi con bướm, con ong không còn nữa.
Khi núi rừng trơ trụi.
Khi ao hồ khô cạn.
Khi cá chết nổi lều bều.
Khi không khí đen ngòm lá phổi.
Thì bạn có ngồi trong cung vàng điện ngọc.
Bên cạnh một đống đô-la.
Thì cũng chỉ ngồi trong địa ngục.
Vậy tôi xin bạn,
Bỏ bớt đô-la để lo cho trái đất này trong sạch.
Khi con chim thôi hót.
Khi vợ chồng không còn nói với nhau những lời dịu ngọt.
Mà bằng tranh luận chợ đời.
Khi bạn bè không còn nhìn nhau bằng tấm lòng huynh đệ.
Mà bằng nhãn quan chính trị.
Khi quần chúng gặp nhau,
Phải dò xét xem có cùng chính kiến.
Thì thế giới này sẽ là bãi chiến trường.
Khi bạn bênh Ô. Trump, 
Coi chừng mất việc và là người kỳ thị. 
Khi bạn ủng hộ Clinton, Obama,
Coi chừng người ta sẽ nói bạn là quân bán nước hay khuynh tả.
Ôi  sự chia rẽ thật kinh hoàng, kỳ lạ! 
Khi con chim thôi hót.
Rồi chỉ còn tranh giành quyền lực.
Vì quyền lực đẻ ra hạnh phúc,
Và đẻ ra vô số bạc tiền.
Khi con chim thôi hót,
Khi bé thơ không còn thích đuổi chuồn chuồn, bắt bướm.
Mà chỉ thích chơi games.
Những trò chơi chém giết rất hồn nhiên,
Rồi có thể đánh bom tự sát.  
Khi con chim thôi hót.
Con nai không nước uống.
Con suối nhỏ cũng u buồn.
Thì mạng sống của suối cũng có ngày chấm dứt.
Khi con chim thôi hót. 
Thế giới này chỉ còn nhạc Rock , Football và Sex
Những cô gái hở hang có thân hình gợi dục,
Được tôn thờ như  “thánh nữ” thời xưa.
Hình ảnh gửi đi được triệu triệu người thèm khát. 
Đó là thứ “tôn giáo” của thời kỳ điện tử.
Loại  “tôn giáo” hái ra tiền bạc.
Đạo đức, tâm linh rồi thành món hàng xa xỉ.
Là đồ trưng ở viện bảo tàng.
Khi con chim thôi hót.
Thì software  là bộ óc tinh khôn.
Con người ra, chỉ những xác không hồn. 
Như chiếc máy và chỉ cần bấm nút. 
Khi con chim thôi hót,
Tất cả vũ khí rồi sẽ phải tàng hình.
Những robot rồi sẽ thay người lái.
Để bom đạn dội xuống  mà không ai hay biết. 
Lúc đó bạn và tôi sẽ chết,
Chết như mơ và chết thật tình cờ! (1)
Khi con chim thôi hót,
Những đóa hồng rồi cũng héo tàn.
Hoa hướng dương cũng chẳng buồn than khóc.
Xe vận tải kia rồi thành phương tiện giết người. 
Khi con chim thôi hót.
Sống cho mình và chẳng biết có ai.
Con người ra rồi sẽ thành cỗ máy. 
Máy làm tình và máy giết người thôi.
Khi con chim thôi hót,
Mà bạn nói ra những lời đạo đức.
Coi chừng người ta sẽ nói bạn là quân đạo đức giả.
Cho nên tốt hơn chúng ta im lặng. 
Khi con chim thôi hót,
Thì nguyện cầu cũng chỉ là vô ích.
Vì nguyện cầu xong rồi ra ngồi ăn nhậu.
Thêm hung hăng, thêm can đảm giết người.
Khi con chim thôi hót.
Đồng bằng Sông Cửu Long sẽ mất đi một nửa. 
Nhiều thành phố sẽ chìm sâu xuống biển.
Như Jakarta, New Delhi, Florida và nhiều nơi khác.
Những ông bà tỷ phú đâu chịu thiệt? 
Sẽ mua nhà, xây dinh thự ở Hỏa Tinh.
Để kẻ nghèo sống ở đây chờ chết.
Khi con chim thôi hót,
Dù tỉ tỉ người cầu xin tha thiết.
Và cho dù “Đấng Cứu Thế” xuống đây. 
Thì trái đất cũng chỉ là địa ngục.

Đào Văn Bình
(Trích trong Kinh Hạnh Phúc sắp xuất bản)
(1)   Lời của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn
 When The Birds Stop Singing

(Translated by Nguyên Giác)

When the birds stop singing
When the butterflies and the bees disappear
When the mountains and forests became barren
When the lakes and ponds dry up
When the dead fish float about  
When the air blackens the lungs
you will see you are sitting in a hell
despite you are sitting next to piles of dollars
in a golden palace or a jewel castle
Hence I ask you
to give some dollars to help clean the earth    
When the birds stop singing
When the husband and wife bicker at each other
with abusive words, not sweet words.
When the friends start seeing at one another
through the political eyes, not with brotherly kindness
and when the people gather
and have to guard against other political views
the world becomes a battleground.     
When you defend Trump
you would lose your job and be called a racist.
When you support Clinton and Obama
You would be called a traitor or a leftist.
Oh, the political division of people is so weird and terrible. 
When the birds stop singing
people begin to compete to win the power
that will give them happiness
and lots and lots of money.  
When the birds stop singing
then the kids hate to run after dragonflies and butterflies
Instead, they will addict to play the games
whose scenes are full of innocent killings
where they could wear suicide-bomb vests.
When the birds stop singing
and the deer have no water to drink
the small creek turns sad
 its life is going to end.   
When the birds stop singing
the world still has only the Rock music, Football and Sex.
With skimpy clothing and sexy bodies
the girls are worshipped as the ancient “holy ladies.”
Millions of people are hungry for their images.
That is the religion in the electronic age,
a kind of religion that makes lots of money.     
Becoming unneeded goods
morality and spirituality will be exhibited only in museums.
When the birds stop singing
the software will be the smart brains
and humans will be lifeless corpses
- just like the machines that will move when the buttons are pressed.  
When the birds stop singing
all weapons have to be invisible
and the robots will replaces the pilots
- thus, nobody would see the dropping bombs
Then you and I will die
just like dying in a dream, very abruptly.  
When the birds stop singing
the roses will wither soon
the sunflowers won’t bother to cry
the trucks will become the killing machine.
When the birds stop singing
people live for themselves, care not for others
and become the machines
- the machines that fulfill their sexual fantasies and kill enemies.
When the birds stop singing
you will want to be silent
Beware that you will be called a hypocrite
if you say moral words.
When the birds stop singing
prayers are useless
After the praying sessions, people get drunk
and will be more aggressive for the next killing action.
When the birds stop singing
half of the Mekong River will disappear
many cities will dip in the ocean water
- Jakarta, New Delhi, parts of Florida, and many others.
Moving to a safe place
the billionaires will buy mansions in Mars
The poor have to live here, waiting for death.
When the birds stop singing
despite billions of humans pray intensely
and even if the Savior comes here
the Earth will be just a hell.


(Excerpt from ‘The Discourse of Happiness’  to be published soon.)

Sunday, April 22, 2018

Tiếng Việt Ở Đâu Mà Ra? - Nguyễn Hy Vọng

Tiếng Việt Ở Đâu Mà Ra?

Nhà ngữ học Logan đã tìm gia phả cho tiếng Việt từ năm 1859 và viết rằng: "The vernacular Annamese language, though full of Chinese idioms, belonged to thế same family as the Mon in Burma" (Mon-Annam formation, pp 152-183, Journal of the Indian Archipelago N.S / vol. iii, 1859).
Vậy thì Mon là gì? Họ còn có tên là Môn, Mòn, Rmon, Rman. Mon là tiếng nói của dân Mòn bên Miến Điện. Chừng hơn 1 triệu người Mòn ở vùng miền biển và núi phía Dông Nam Rangoon cách 150 km. Từ ngàn xưa dân này ở khắp nước Miến Điện khi người Miến xưa đang còn ở miền Tây Nam đất Tàu bây giờ.

Họ khá văn mình và đã có chữ viết từ 1400 năm qua. Tiếng Mon và chữ Mon đã góp phần xây dựng lên tiếng Miến và chữ Miến nên đã ảnh hưởng nhiều và lâu bền vào văn hoá và ngôn ngữ của Miến Điện, Kampuchia và Thái Lan nữa. Nhưng người Mon hiện nay đã bị mất nước! 
Hồi xưa họ ở khắp cả Miến Điện và cả một phần đất Thái Lan. Sau hơn ngàn năm kèn cựa với Miến và Thái, họ đã mất hết đất nhưng họ vẫn hơn về phương diện văn hoá và ngôn ngữ và cả hai dân tộc Thái và Miến đều phải công nhận phần đóng góp lớn của dân Mòn cho tiếng nói của họ, và họ không ngớt nhắc nhở đến trong các sáng tác văn hoá. 
Nếu bạn có sang thăm Thái Lan hay Miến Điện, bạn sẽ thấy hàng trăm đền đài xưa của người Mon lập ra mà được người Thái và Miến tu bổ để tiếp tục thờ, cũng như di tích hàng trăm bia đá có khắc chữ Mòn xưa, bằng chứng hùng hồn về nét chung cùng văn hoá và nếp sống văn tự và ngôn ngữ giữa ba dân tộc Mon-Miến-Thái.
Về phần Khmer và Mon thì hai dân ấy quá giống nhau về tiếng nói nên xem như hai anh em, các nhà ngữ học gọi chung là Mon Khmer, không tách rời ra được, cũng như giữa Mường và Việt vậy đó.
Viêt Nam ta bị Tàu lấn lướt đã trên 2000 năm nên dấu vết ảnh hưởng của Mon gần như khó thấy, nhưng thật ra tiếng Việt, qua tiếng Mường, quá giống với tiếng Mon Khmer, nên các nhà ngữ học nhất quyết ghép nó vào gia đình Mon Khmer dù cho phần đông người Việt không biết Mon Khmer là cái quái gì? Mặc dù hiện nay tiếng Mòn được xem như là tiếng gốc gác của vùng ngôn ngữ Đông Nam Á, không một dân tộc, sắc dân hay bộ lạc nào mà tiếng nói lại không có pha trộn ít nhiều tiếng Mon vào!
Việt Nam nằm trong vùng trái độn là bán đảo Indo-China giữa hai khối người khổng lồ là Tàu và Ấn Độ nên từ rất xưa đã chịu ảnh hưởng của cả hai nền văn hoá và ngôn ngữ ấy. Nhưng chúng ta ít biết đến ảnh hưởng của Mon và Ấn Độ trên ngôn ngữ và văn hoá của ta. 
Tiếng Việt xa tiếng Mòn cả 1000 cây số, chứng tỏ tính cách vượt thời gian và xuyên không gian của hai ngôn ngữ xưa Mòn và Việt. 
Tiếng Mòn rất giống tiếng miền Bắc Trung Việt hơn vì qua mấy ngàn năm, người Việt miền Trung gìn giữ được nhiều tiếng xưa của ông bà trong khi người miền Bắc liên miên gánh chịu tới tấp sóng gió văn hoá từ Tàu tràn xuống nên đã quên đi nhiều tiếng nói xưa của ông bà.
Tiếng Khmer rất giống tiếng Mon, như hai anh em ruột, nên các nhà ngữ học không tách rời chúng ra được và tiếng Việt lại rất giống cả hai.
Cả ba tiếng nói Mòn-Khmer-Việt như là ba nhánh của một cây ngôn ngữ khổng lồ. Nay ta và họ không nhìn ra nhau nhưng xưa đã là anh em cật ruột, cùng gốc gác, chung tiếng nói từ khi ta chưa hề biết ta là Giao Chỉ mà họ cũng chưa hề biết họ là Mon hay Khmer nữa, vào cái thời thôi nôi lúc đầu của mọi tiếng nói con người. 
Dòng Mon Khmer đã lai tiếng với giòng Taic từ mấy ngàn năm về trước. Taic là gốc sinh ra các thứ tiếng Thái, Lào, Shan giữa Miến Điện và Tháí Lan, và tiếng Zhuang/Choang bên Hoa Nam, nơi mà hồi xưa chưa phải là của dân Tàu.
Vấn đề lai tiếng nói đang còn bàn cãi nhưng càng ngày càng rõ là muốn phân biệt nguồn gốc khác nhau thì khó, mà nhận xét về lai tiếng thì quá rõ. Trong toàn thể tiếng Việt có 45% tiếng cùng một gốc với Thái và 28% tiếng cùng một gốc với Mòn Khmer.

BS Nguyễn Hy Vọng

Ảnh Hưởng Các Tiếng Nói Nam Á Vào Tiếng Việt

Dòng tiếng nói Nam Á gồm có nhánh Munda và nhánh Mon Khmer. Nhánh Mon Khmer gồm có nhóm Mường Việt và nhiều nhóm nhỏ khác (Mường Việt là con lai của nàng Tai và chàng Khmer) (vùng nói tiếng Mường trải dài từ Ninh Bình xuống đèo Mụ Giạ). Mường Việt trở thành Mường và Việt. Việt chia ra Việt Bắc (châu thổ sông Cái), Việt Trung (châu thổ sông Mạ, sông Cả).
Người Tàu, với 7 thứ tiếng và một thứ chữ hình vẽ, đã lấn xuống từ 2500 năm qua cho nên dùi cui đánh đục thì đục đánh săng, các dân tộc Bách Việt nhào xuống miền Nam và cuộc di cư hàng hàng lớp lớp, đa bộ lạc, đa dân tộc, đa văn hoá, đa ngôn ngữ và đa văn tự vẫn đang tiếp tục và làm cho các nhà ngữ học điên cái đầu. Họ không chịu công nhận những tiếng nói ấy là mixed (pha trộn), trong khi chính họ (các tiếng nói bên Âu Châu) cũng là mixed như điên giữa Latinum, old Greek, Etruscan và gì gì nữa.
Chỉ mới gần đây, cuộc nam tiến bất đắc dĩ mà rất địa phương và rất hạn hẹp của tiếng miền Trung đã sinh ra cái phát âm miền Nam từ cái phát âm Huế và cái giọng miền Nam từ cái nhấn giọng Quảng Nam. Đó là hai cái bản lề âm thanh và giọng nói mà Alexandro để Rhodes không ngờ đến nên ông ta chỉ viết từ điển cho âm và giọng của người Bắc mà thôi và làm sinh ra cái hiểu lầm tiếng Bắc là tiếng chuẩn và phát sinh ra cái thổi phồng quan trọng của hỏi ngã về sau này.
Hai mẫu chữ khoa đẩu, một ở Bắc Sơn và một ở ngay trong lòng đất xưa Thăng Long, cho biết là không riêng gì tiếng nói, các tuồng chữ viết ở Đông Nam Á cũng chung đụng, chung chạ, chung nét và chung ý nghĩa khi lăm le mặc áo cho các lời nói va` tiếng nói ở Nam Á vốn đã chia xẻ chung một cái nôi từ ngàn đời trước đây.
Cái văn hoá Tàu, mà ngọn giáo đi trước thầy giáo đi sau, đã ép dạy cho dân Giao Chỉ một bài học để đời trong khi cái văn hoá Ấn độ xưa, mà bài kinh bài kệ đi theo cánh buồm lộng gió của các thuyền buôn bán, đã ảnh hưởng ngàn đời vào toàn thể vùng mênh mông Đông Nam Á, trừ ra vùng Giao Chỉ, nên đã xảy ra cảnh đau buồn của những người anh em họ chung một nôi ngôn ngữ mà đã không còn nhận ra nhau sau 2500 năm khi đã đi theo hai ông thầy văn hoá khác nhau.
BS Nguyễn Hy Vọng