Friday, March 13, 2020

Ngô Thế Vinh: Năm Nay 2015 Không Có Mùa Nước Nổi

Design by Uyên Nguyên of Lotus Media 


Năm Nay 2015 Không Có Mùa Nước Nổi

Ngô Thế Vinh



Cửu Long giang mở chín lần cửa rộng
Dòng sông dài dữ dội bản trường ca
Nguyên Sa
Gửi Nhóm Bạn Cửu Long
MÙA NƯỚC NỔI NƠI ĐBSCL
Như nhịp điệu ngàn năm của con sông Mekong, hệ sinh thái vùng châu thổ sông Cửu Long được cân bằng một cách tự nhiên với “mùa nước nổi” và “mùa nước giựt”. Theo anh Dohamide Đỗ Hải Minh, một học giả gốc người Chăm, một cây bút quen thuộc của báo Bách Khoa trước 1975, sinh ra và lớn lên ở miệt Hậu Giang Châu Đốc rất am tường về hệ sinh thái của Đồng Bằng Sông Cửu Long, thì trong bao thập niên qua, người dân Miền Tây đã quen sống với nạn ngập lụt hàng năm, hay còn gọi là mùa nước nổi, như là một hiện tượng thiên nhiên đến đều đặn theo chu kỳ. [2]
Ngày xưa, cũng chỉ cách đây hơn 300 năm thôi, các thế hệ tiền nhân thời kỳ Nam Tiến, khi mới đến khai phá vùng ĐBSCL thường chọn sống lập nghiệp trên các khu đất caohay còn gọi là “đất giồng”nên đến mùa nước nổi, cho dù những cánh đồng thẳng cánh cò bay biến thành biển nước mênh mông, nhưng các khu đất giồng này vẫn là vùng cư trú an toàn cho người dân và cả vô số các loài rắn. Sau này do dân số gia tăng, không còn đủ các khu “đất giồng” nên những di dân mới tới phải chọn định cư ngay trên những vùng đất mà họ có thể canh tác. Và để thích nghi, nhà cửa dọc hai bên sông rạch được cất theo kiểu nhà sàn, với chiều cao của các cây cột sàn được tính toán sao cho đến Mùa Nước Nổi, con nước đổ về không ngập lụt đến sàn nhà.
Mùa Nước Nổi hay còn gọi là Mùa Nước Lên thường rất hiền hoà khác hẳn với các mùa lũ lụt tàn phá dữ dội như ở miền Bắc hoặc miền Trung. Dấu hiệu “mùa nước nổi” tại vùng ĐBSCL chủ yếu là vào khoảng tháng tám Âm lịch [tháng 9 tháng 10 Dương lịch], thường được báo trước bằng những “giề” hay bè lục bình từ các cánh đồng trên đất Cam Bốt bị nước ngập, cuốn bật rễ nối đuôi nhau trôi theo dòng xuống đến phần đất Nam Việt Nam. [2]
Mực nước hai con sông Tiền sông Hậu trong “mùa nước nổi” có đặc tính dâng cao lên từ từ rồi tràn qua các bờ sông rạch, làm ngập các cánh đồng. Nước lũ có công dụng không chỉ rửa đất rửa phèn mà còn thêm lượng phù sa như một thứ phân bón thiên nhiên “trời cho” khiến đất đai thêm phần màu mỡ, biến ĐBSCL thành vựa lúa của cả nước và Việt Nam đã từng đứng thứ hai trên thế giới về xuất cảng lúa gạo chỉ đứng sau Thái Lan. Trước đây vùng ĐBSCL còn có một loại lúa thiên nhiên có tên là lúa mù/ lúa sạ hay người Pháp gọi là lúa nổi/ riz  flottant, có đặc tính “phóng ống” mọc rất nhanh theo mực nước dâng cao có khi đến 7, 8 mét, và khi đến mùa nước giựt thì thân cây lúa nằm rạp mình trên đất chờ gặt. Từ ngày có giống lúa Thần Nông/ HYV với năng xuất cao, lúa nổi không còn được nông dân quan tâm tới nữa.
Thông thường, đến “mùa nước nổi”, người dân Miền Tây vẫn phải canh chừng đo mực nước lên từng giờ để phản ứng kịp thời trong trường hợp con nước vượt cao quá mức bình thường hơn các năm trước. Khi áp lực nước từ thượng nguồn bớt đi, thì mực nước liền đứng lại và rồi hạ xuống rất nhanh và giới bình dân gọi là “nước giựt”. Người ta nói nước giựt, vì mực nước hạ xuống trông thấy rõ từng giờ.
Cũng vẫn theo anh Dohamide thì hiện tượng nước nổi và nước giựt không diễn ra đồng đều cùng một lúc trên toàn vùng sông nước Cửu Long. Trên dòng nước cuồn cuộn chảy ra các cửa biển, hễ ở vùng Tân Châu, Châu Đốc nước giựt xuống thì vùng Cần Thơ, Vĩnh Long ở hạ lưu nước lại bắt đầu dâng lên, ngập tràn bờ, tràn đồng, rồi cũng lại hạ xuống, giống như hiện tượng xảy ra trong bình thông nhau. [2]
Cùng với con nước đỏ ngầu mang đẫm phù sa, là các loại cá lội theo vào ruộng đồng đẻ trứng, cho đến thời kỳ nước giựt thì loại nước cỏ vàng xậm từ trong các đồng ruộng chảy ra, cùng với vô số cá lúc nhúc từng đàn, nhất là loại cá linh, ùa theo nhau tràn vào các kinh rạch để ra sông lớn. Cho nên đến mùa nước giựt, chưa bận mùa cấy trồng, người nông dân đóng đáy bắt cá suốt dọc theo các kinh rạch này, có thời điểm trong mấy thập niên trước đây cá nhiều tới mức lưới không chịu nổi phải giở lên thả cá cho đi bớt; bằng không thì sẽ bị rách lưới. [Hình I]
D67D99DB-6AAD-47BF-B345-A87B09C1B376_w640_r1_sSinh hoạt trong Mùa Nước Nổi 2000. (Photo: Ngô Thế Vinh)
Nhưng rồi hiện tượng cân bằng sinh thái tự nhiên đó hầu như không còn nữa. Và “mùa nước nổi” nếu chưa hoàn toàn biến mất thì cũng đã giảm rất nhiều cả về tần suất lẫn cường độ. Hiện tượng đó không phải do thiên tai mà là “nhân tai” một thứ thảm hoạ môi sinh/ ecological disaster do chính con người gây ra.
NĂM NAY KHÔNG CÓ MÙA NƯỚC NỔI
Mới đây thôi, từ eMail một người bạn gửi cho, khi anh ấy đọc thấy trên facebook của nhà văn Nguyễn Đình Bổn, ghi nhận năm nay không có “mùa nước nổi” khiến những ai từng theo dõi con sông Mekong không thể không quan tâm. Nguyễn Đình Bổn không phải gốc gác dân ĐBSCL mà sinh quán tại Quảng Nam, sau 1975 từ tuổi nhỏ 13 theo gia đình vào sống tại một vùng quê của Miền Tây ngót 20 năm và đã nảy sinh bao nhiêu tình cảm gắn bó với vùng đất mới này. Mới đây trên trang facebook cá nhân anh viết:
“Gần hết tháng 8 âm lịch, cậu em vợ lên chơi, hỏi nước có ngập không, lắc đầu. Vậy là năm nay miền Tây không có mùa nước nổi! Mưa giữa chiều. Nhớ một nơi không phải là quê hương nhưng thương như thương người thân thiết. Nhớ gần 40 năm trước, lần đầu biết mùa nước nổi là gì. Nước phù sa miệt Hậu Giang bỗng trong xanh, dòng chảy trên các kinh lững lờ, không có nước ròng. Và đủ loại cá tràn về, cá linh, cá thiểu, cá vồ… và đặc biệt là cá trê trắng, nấu canh chua bông súng hay bông so đũa ngon lạ lùng… Miền Tây còn đó nhưng môi trường đã quá nhiều thay đổi theo chiều hướng xấu. Hết Tàu đến Thái Lan, Lào, Miên thay nhau xây đập trên dòng Mekong. Và thực tế nghiệt ngã mất mùa nước nổi đã hiện tiền. Không có mùa nước nổi, miền Tây mất phân nửa bản sắc của mình, đáng sợ hơn không có lũ tràn về, ruộng đồng sẽ nhanh chóng bị nước biển xâm nhập, và vựa lúa sẽ còn không? ”  Hết trích dẫn.
Ngày hôm sau, người viết nhận được thêm một eMail của một bạn trẻ từ vùng Thất Sơn Châu Đốc cho biết: “mùa nước năm nay nhỏ đến thất thường”, rồi anh ấy tự hỏi: “phải chăng các con đập thượng nguồn sông Mekong đang tích nước?”
NHỮNG GỐC RỄ  “NHÂN TAI”
Từ Nạn Phá Rừng:
Những khu rừng mưa / rainforest từ xa xưa vẫn mang chức năng điều hợp, giữ lại trong lòng đất một lượng nước mưa quan trọng từ thượng nguồn thì nay không còn nữa, khi cơn mưa đổ xuống thì không những nước mưa sói mòn làm trơ đất và nước mưa thì cứ thẳng chảy ra ngoài dòng sông, tức thời làm tăng khối lượng nước và trong ngắn hạn mực nước sông đột ngột dâng cao khi có mưa nhiều ở thượng nguồn.
Những năm gần đây do ảnh hưởng nạn phá rừng tự sát –suicidal deforestation, của các quốc gia lưu vực sông Mekong: của người Tàu trên Vân Nam, của người Lào người Cam Bốt ở vùng Hạ Lưu Sông Mekong với hai đồng lõa dấu mặt là Thái Lan và Việt Nam, khiến cho người dân Việt nơi ĐBSCL càng thêm khốn khổ: tới mùa mưa lũ đổ về sớm hơn, nhanh hơn lại lớn hơn khiến nhà nông trở tay không kịp gây tổn hại nặng mùa màng và cả về nhân mạng. Và tiếp đến mùa khô do không còn những khu rừng mưa như những tấm bọt biển khổng lồ giữ nước nên hậu quả tất yếu là hạn hán.
Tin Reuters gửi đi từ Nam Vang, “Nhóm Môi Sinh Anh – Global Witness tố cáo các nhà lãnh đạo quân sự Việt Nam đã dính líu đến vụ đốn rừng lậu đại quy mô, đe dọa hủy hoại các khu rừng cấm của Cam Bốt. Những cây gỗ quý bị đốn bừa bãi ấy được đưa qua ngả Gia Lai, Sông Bé để chuyển xuống cảng Quy Nhơn hay Sài Gòn trước khi xuất cảng.” Bản tin ấy viết tiếp, “Một vụ làm ăn buôn bán lớn lao như thế, bất chấp luật pháp phải là kết quả của sự tham ô và đồng lõa ở cấp chánh quyền cao nhất của hai nước.” Một tình huống tương tự không kém nguy hại cũng đã diễn ra trong các khu rừng mưa trên đất nước Lào. [3]
Đồng lõa phá rừng mưa, nhà cầm quyền Cộng Sản Việt Nam đã và đang trực tiếp “tự gây ra một thảm họa môi sinh – self-inflicted ecological disaster,” với hậu quả lâu dài không chỉ ở đồng bằng châu thổ mà trên khắp ngả sông rạch và nguồn nước của cả một quốc gia.
Đến Những Hồ Chứa Đập Thuỷ Điện:
Với những hồ chứa khổng lồ từ chuỗi các con đập bậc thềm Vân Nam / Mekong Cascades mà Tàu đã và đang xây trên thượng nguồn sông MK, cộng thêm những con đập Lào và Cam Bốt đang xây thì “mùa nước nổi” ở ĐBSCL có thể rồi ra sẽ hoàn toàn biến mất.
Chức năng của những hồ chứa thủy điện khổng lồ — trên lý thuyết là tích trữ nước trong mùa mưa lũ để xử dụng trong mùa khô. Nhưng khi các hồ chứa ở thượng lưu tích nước thì lưu lượng lũ đổ về hạ nguồn sẽ ít hơn. Không còn lũ đổ về có nghĩa là không còn “mùa nước nổi”. Với hậu quả là Biển Hồ Tonle Sap trên Cam Bốt sẽ không được làm đầy, và vào mùa khô nước từ Biển Hồ chảy về ĐBSCL ít đi và đồng thời với mực nước biển ngày một dâng cao/ Sea Level Rise thì nạn nhiễm mặn ngày càng gia tăng trầm trọng.
Untitled-1Hình II: Diện tích Biển Hồ Tonle Sap co giãn với hai mùa Mưa Nắng IIa (trái) Mùa Khô;
IIb(phải) Mùa Mưa [nguồn: Tom Fawthrop]
Để tự bào chữa cho các con đập thuỷ điện Vân Nam, các công trình sư thuỷ điện Tàu đã lý luận rằng các hồ chứa đập thuỷ điện ở thượng lưu mang chức năng điều hoà dòng chảy con sông Mekong: giữ nước trong Mùa Lũ làm giảm lũ lụt hạ nguồn và rồi trong mùa khô cũng vẫn những con đập ấy xả nước xuống hạ lưu nhiều hơn lưu lượng tự nhiên do có sẵn lượng nước ở những hồ chứa tích từ mùa lũ năm trước, nhưng hiện thực thì không đơn giản như vậy.
Bởi vì chính những con đập thuỷ điện thượng nguồn đã phá huỷ chu kỳ điều hợp thiên nhiên vô cùng kỳ diệu của con sông Mekong. Khi mà các hồ thuỷ điện ngăn chặn nguồn nước lũ trong Mùa Mưa từ thượng nguồn cũng chính là nguyên nhân triệt tiêu “mùa nước nổi” nơi ĐBSCL. Để rồi sang Mùa Khô, nguồn nước ấy lại bị chính Trung Quốc, Thái Lan, Lào và Cam Bốt cùng chuyển dòng/ diversion lấy nước từ con sông Mekong cho nhu cầu nông nghiệp nên Cửu Long càng thêm cạn dòng. Nhà nông học Võ Tòng Xuân đã từng ghi nhận:
“Chúng tôi đã chứng kiến những cánh đồng lúa lan rộng trong mùa khô trên khắp các vùng Đông Bắc Thái, Nam Lào và Cam Bốt, đã rút đi một lượng nước sông rất đáng kể trong vùng. Nhiều năm qua, nguồn nước cung cấp cho các vụ lúa mùa khô nơi ĐBSCL đã bị sút giảm nghiêm trọng, hậu quả là nạn nhiễm mặn tiến sâu vào đất liền xa tới 80 km và gây tổn hại cho mùa màng.” [26-10-2013]
Và như vậy, theo kỹ sư thuỷ học Đỗ Văn Tùng từ Canada thì ĐBSCL đã và đang chịu “tai họa kép” thiếu nước cả trong mùa lũ lẫn mùa khô! Cũng vẫn theo anh, thì bắt đầu từ giữa tháng 8/2015 mực nước ở Biển Hồ trụt khoảng 1.3 mét trong vòng 10 ngày là một điều bất thường. Đối với một Biển Hồ lớn như Tonle Sap thì ngay cả khi không có nước chảy vào hồ thì mực nước hồ cũng thay đổi rất ít vì chỉ bị mất nước do bốc hơi, nên phải kể thêm yếu tố chuyển dòng/ diversion, lấy nước ra khỏi hồ tiêu tưới cho những cánh đồng lúa lan rộng trong mùa khô trên Cam Bốt, như vậy đã rút đi một lượng nước sông rất đáng kể nơi cuối nguồn là ĐBSCL.
Theo KS Phạm Phan Long Viet Ecology Foundation, tình trạng mực nước Biển Hồ Tonle Sap, theo đồ biểu của Uỷ Hội Sông Mekong / MRC, thì hai tháng nay mực nước xuống thấp dưới cả mức thấp kỷ lục năm hạn hán 1992. Mưa ngày càng ít đi, mà hồ chứa đập thuỷ điện với trữ lượng ngày càng lớn hơn và nhiều thêm, hậu quả là Biển Hồ Tonle Sap tránh sao cho khỏi trơ đáy và ĐBSCL làm sao còn “mùa nước nổi”.  Tình trạng tai họa kép đã xảy ra vào cả hai Mùa Mưa lẫn Mùa Khô, và còn là “tai họa kép” của nhân tai lẫn thiên tai. [1] http://ffw.mrcmekong.org/stations/pre.htm
3Hình III: mực nước Biển Hồ Tonle Sap, theo đồ biểu của Uỷ Hội Sông Mekong thì hai tháng nay [9 & 10]
mực nước xuống thấp dưới cả mức thấp kỷ lục năm hạn hán 1992 [nguồn: MRC]
ĐBSCL VÀ HỘI CHỨNG LUỘC ẾCH
Trên báo chí truyền thông, người ta hay dùng “giai thoại luộc ếch” như một ẩn dụ/ metaphor. Đó là nếu ta bỏ một con ếch vào nồi nước nóng, thì con ếch sẽ có phản ứng và nhẩy ngay ra khỏi nồi nước. Nhưng nếu ta đặt ếch vào một nồi nước lạnh, để ếch ngồi trong đó, rồi từ từ nâng nhiệt độ lên, một cách rất chậm thì con ếch vẫn thoải mái ngồi trong đó và không nhúc nhích, cho đến khi con ếch bị luộc chín từ lúc nào mà chính nó cũng không biết.
Trên thực tế, thì con ếch sẽ nhẩy ra khi nước bắt đầu nóng. Nhưng không sao, “Hội chứng Luộc ếch/ Boiling Frog Syndrome” vẫn có một ý nghĩa ẩn dụ rất hữu ích khi muốn nói tới tình trạng con người bị “mất khả năng phản ứng” đối với những mối hiểm nguy đến rất từ từ / gradual threats.
Al Gore nguyên Phó Tổng Thống Mỹ, đồng chia giải Nobel Hoà Bình 2007 do nỗ lực phổ biến kiến thức về biến đổi khí hậu do con người gây ra/ man-made climate change và xây dựng nền móng cho những biện pháp chống lại sự biến đổi ấy. Trong cuốn phim An Inconvenient Truth (2006) Al Gore cũng đã dùng ẩn dụ “con ếch luộc” để nói tới sự “vô minh” của con người trước hiện tượng “hâm nóng toàn cầu/ global warming” nhưng trong cuốn phim ấy, con ếch đã được cứu sống. [4]
Cũng không phải là quá đáng nếu đem ví Đồng Bằng Sông Cửu Long đang trở thành một “con ếch luộc”, đang đi dần vào một “Cái Chết Tiệm Tiến của Thế Kỷ” với hơn 20 triệu cư dân thì vẫn cứ đang sống lặng lẽ trong đó, không có phản ứng gì trước một thảm hoạ đến rất từ từ và không thể thấy ngay một cách “nhãn tiền” cho đến khi tất cả một Vùng Châu Thổ cùng với một Nền Văn Minh Miệt Vườn đã bị chìm sâu trong một biển mặn.
NGÔ THẾ VINH
California, Oct 12, 2015
Tham Khảo:
1/ Prek Kdam (Tonle Sap), Water Level. Mekong River Commissionhttp://ffw.mrcmekong.org/stations/pre.htm
2/ Đọc tác phẩm Cửu Long Cạn Dòng, Biển Đông Dậy Sóng. Đỗ Hải Minh, Tập san Thế Kỷ 21, Số 139, 11/ 2000.
3/ Cửu Long Cạn Dòng, Biển Đông Dậy Sóng, Ngô Thế Vinh, Nxb Văn Nghệ 2000.
4/ An Inconvenient Truth: The Crisis of Global Warming. Al Gore. Viking Books, 1st Edition, April 2007.
* Các bài viết được đăng tải với sự đồng ý của Ðài VOA nhưng không phản ánh quan điểm hay lập trường của Chính phủ Hoa Kỳ.

Nguồn: VOA

Sang Chấn Tâm Lý: Hiểu để chữa lành - The Body Keeps the Score: Brain, Mind, and Body in the Healing of Trauma


Sang Chấn Tâm Lý: Hiểu để chữa lành
The Body Keeps the Score: Brain, Mind, and Body in the Healing of Trauma 
Bác sỹ tâm thần Bessel van der Kolk
Dịch giả Lê Phan Như Quỳnh 
BS Lâm Hiếu Minh hiệu đính 
Công ty sách SaigonBooks xuất bản

Giới thiệu sách bên dưới - Tiến sĩ Lê Nguyên Phương

Hai nghìn bản bán chỉ trong hai tuần không phải là một con số kỷ lục cho một cuốn tiểu thuyết đáp ứng thị hiếu và trào lưu của đám đông nhưng lại là một con số đáng kinh ngạc nhưng mừng rỡ cho một cuốn sách học thuật dày trên 500 trang về một đề tài đang dần được xã hội Việt Nam quan tâm: cuốn Sang Chấn Tâm Lý: Hiểu để chữa lành [The Body Keeps the Score: Brain, Mind, and Body in the Healing of Trauma] của bác sỹ tâm thần Bessel van der Kolk.
Đây là một cuốn sách gối đầu giường không chỉ cho chuyên gia tâm lý chuyên về chấn thương tâm lý mà còn cho cả những sinh viên tâm lý học, kết tinh của hơn ba thập niên nghiên cứu và trải ngiệm cùng những nạn nhân chấn thương của tác giả. Đây là tác phẩm kinh điển vừa là sách gối đầu giường cho những ai quan tâm đến vấn nạn sức khỏe tâm thần này. Việc một cuốn sách không dễ đọc mặc dù công ty sách SaigonBooks đã bỏ bớt một số đoạn khá nặng về học thuật nhưng được sự đón nhận nồng nhiệt của độc giả là một dấu hiệu đáng mừng cho thấy xã hội Việt Nam đã bắt đầu chú ý đến vấn đề sức khỏe tâm thần nói chung và chứng chấn thương tâm lý nói riêng.
Trong tác phẩm này, BS Van der Kolk đã lần lượt trình bày hậu quả nghiêm trọng của chấn thương tâm lý trên thân thể và đặc biệt não bộ của chúng ta, những phần não bộ dành cho lạc thú, nối kết, kiểm soát, và tin tưởng. Vì là một bác sỹ tâm thần, tác phẩm của Van Der Kolk đã trích dẫn nhiều nghiên cứu của chính tác giả và đồng nghiệp về những thay đổi về chức năng và cấu trúc cũa não bộ dưới ánh sáng của khoa học thần kinh.
Mặc dù là một tác phẩm mang tính học thuật, cuốn Sang Chấn Tâm Lý còn thể hiện tinh thần nhân bản của tác giả. Tác giả chống lại việc dán nhãn như “ngang ngạnh chống đối” [oppositional defiance] với những cáo buộc như căm thù, bốc đồng, liều lính cho những trẻ là nạn nhân chấn thương trong quá khứ. Việc thiếu hiểu biết về những ảnh hưởng của chấn thương đối với tâm trạng của một số trẻ vị thành niên từng trải nghiệm chấn thương khiến giới tâm lý và giáo dục dễ dàng quy chụp hay đưa ra một chẩn đoán hời hợt “hành vi lệch chuẩn.” Một tâm hồn run rẩy bị giam cầm trong một thể xác đau đớn sẽ thường xuyên bị kích hoạt gây ra ảo tưởng rằng cả thế giới đang sẵn sàng bạo hành tấn công khiến nạn nhân sẽ dễ dàng có những hành vi chống đối, ẩu đả, v.v… với những người chung quanh đặc biệt là những người trẻ xem là có khả năng áp đặt quyền lực vào bạo hành chúng.
Nhận diện mối tương quan giữa quá khứ bị bạo hành trong gia đình với những biểu hiệu rối loạn căng thẳng, tác giả cổ võ cho việc đưa chẩn đoán Rối loạn Chấn thương Phát triển vào cuốn Cẩm nang Chẩn đoán và Thống kê Rối loạn Tâm thần [Diagnostic and Statistical Manual of Mental Disorders, 5th Edition] của Hiệp Hội Tâm Lý Học Hoa Kỳ để tạo điều kiện cho việc chẩn đoán chính xác qua việc thăm dò tiền sử bị bạo hành của thân chủ lẫn kích thích các nghiên cứu về rối loạn này.
Trong những chương cuối của cuốn sách, Van Der Kolk đã đề ra định hướng và một số phương pháp chữa trị chứng rối loạn này. Tác giả cho rằng chúng ta không thể trực tiếp chữa chấn thương nhưng có thể giúp cho nạn nhân chú tâm chấp nhận một cách bình yên với những dư chấn của nó như hồi tưởng, ác mộng, ly cách, mất kiểm soát, v.v…khi chúng nổi lên. Để làm được điều này khả năng tự ý thức [self-awareness] và khả năng tự điều hòa cảm xúc [emotional regulation] nhằm phục hồi sự quân bình trong hệ viền [limbic system].
Vai trò của hệ thần kinh đối giao cảm [parasympathetic nervous system] cũng được nhắc đến như một phương tiện làm nạn nhân tìm được sự bình yên, thông qua những bài tập hô hấp, phản hồi thần kinh [neurofeedback], chánh niệm, và việc xây dựng một hệ thống người thân hỗ trợ tâm lý. Không chỉ giới hạn trong những phương pháp chính thống như phục dược hay tham vấn, tác giả còn hào phóng đề cập đến những tiếp cận khác như Yoga, EMDR, tự lãnh đạo bản thân, xây dựng cấu trúc, phản hồi thần kinh, nhịp điệu cộng đồng và kịch nghệ, mát-xa, v.v…
Điều thú vị nhất là tác giả tỏ ý nghi ngờ về hiệu quả của liệu pháp tâm lý phổ cập nhất là Nhận thức và Hành vi [Cognitive Behavioral Therapy] và Phân tâm học [Psychoanalysis]. Tác giả cho rằng việc tổng hợp những thông tin chấn thương là bất khả khi nhiều khu vực quan trọng của não hoàn toàn bị phân ly khi những thông tin chấn thương bị tái kích hoạt. Ngoài ra, theo tác giả, những khuyến cáo của các chuyên gia tâm lý tâm thần về việc sử dụng liệu pháp CBT như là phương pháp duy nhất để điều trị chấn thương tâm lý không hẳn là hoàn toàn khả tín khi các chuyên gia đề ra khuyến cáo đều có sự liên hệ với hai trường phái điều trị tâm lý này và các nghiên cứu về các phương pháp khác như Yoga hay EMDR còn ít ỏi mặc dù các nạn nhân của chấn thương đã liệt kê chúng như là các liệu pháp có hiệu quả.
Vì là một cuốn sách học thuật nhưng viết cho công chúng, độc giả có thể tiếp cận với cuốn sách một cách dễ dàng với những câu chuyện kể về hành trình nghiên cứu chấn thương của tác giả cũng như các câu chuyện về quá khứ bị bạo hành của nạn nhân. Độc giả gặp khó khăn với các nội dung khoa học có thể dễ dàng lướt qua những đoạn này để chỉ tập trung vào các câu chuyện, những phân tích, và khuyến cáo của tác giả. Độc giả cũng có thể tìm thấy và đồng tình những đoạn văn mang tính triết lý lẫn luân lý trong tác phẩm:
“Có lẽ việc cảm thấy an toàn với người khác chính là điều quan trọng nhất cho sức khỏe tinh thần của chúng ta. Những mối liên hệ an toàn là nền tảng để ta có được một cuộc sống ý nghĩa và hài lòng. Rất nhiều nghiên cứu về phản ứng của con người trước thiên tai trên khắp thế giới đã cho thấy sự hỗ trợ xã hội là lớp bảo vệ mạnh mẽ nhất giúp chúng ta chống lại những căng thẳng và sang chấn.” (trang 117 bản in)

Một số đoạn khác không ít thì nhiều có thể khiến cho độc giả nhớ lại những đau khổ của tuổi thơ mình:
“. . . phản ứng phổ biến nhất khi ta đang đau khổ chính là tìm đến những người ta thích và tin cậy để những người này giúp đỡ và cho ta dũng khí để tiếp tục tiến lên. Chúng ta cũng có thể bình tĩnh lại bằng cách tham gia vào hoạt động thể dục thể thao như chạy xe đạp hoặc tập thể dục. Chúng ta bắt đầu học những cách này để điều khiển cảm xúc của mình ngay từ giây phút đầu tiên ai đó cho chúng ta ăn khi đói, che chắn cho ta khi lạnh, hoặc đong đưa ta trong vòng tay khi chúng ta bị tổn thương hoặc sợ hãi.
Nhưng nếu không có ai dành cho bạn ánh mắt yêu thương, không ai nở nụ cười khi nhìn thấy bạn, không ai vội vã đến giúp bạn, thay vào đó họ chỉ nói: “Nín ngay, nếu không tao sẽ cho mày lý do thực sự để khóc bây giờ!”, thì sau đó bạn cần phải tìm ra những cách khác để chăm sóc bản thân. Bạn có xu hướng thử mọi cách để khiến mình thấy đỡ hơn phần nào, từ xài ma túy, uống rượu bia, ăn không ngừng, hay tự cắt người mình.”

Cũng là một điều đáng tiếc là Van Der Kolk đã không nhắc đến một tác giả đã có những trước tác cũng về chấn thương trước ông là Tâm lý gia nữ Alice Miller. Chính TS Alice Miller đã nối kết những bệnh lý chấn thương với quá khứ bị bạo hành thuở ấu thơ như bà đã viết vào năm 1985, “Đã 20 năm tôi quan sát người ta phủ nhận những chấn thương thuở ấu thời, thần tượng hóa cha mẹ, và kháng cự lại sự thật về tuổi thơ của họ.” Tên một cuốn sách của Alice Miller, “Thể Xác Chẳng Hề Dối Lừa” [The Body Never Lies, 2005] cũng có thể là niềm hứng cảm cho tên cuốn sách của Van Der Kolk, “Thể Xác Lưu Dấu Khổ Đau [The Body Keeps the Score, 2014]. Và chính TS Miller trong cuốn “Tù Nhân của Tuổi Thơ” [Prisons of Childhood, 1979] có thể cũng đã nhắc đến quan điểm nòng cốt của các liệu pháp vận dụng chánh niệm sau này như Chấp nhận và Cam kết [Acceptance and Commitment Therapy]: “Kinh nghiệm đã dạy chúng ta rằng chúng ta chỉ có một vũ khí lâu dài chống lại bệnh tâm thần: qua cảm xúc khám phá và chấp nhận sự thật trong cá nhân mình và lịch sử độc đáo của tuổi thơ chúng ta.”
Quả thật chúng ta phải cám ơn Công ty sách SaigonBooks, cũng như dịch giả Lê Phan Như Quỳnh và người hiệu đính BS Lâm Hiếu Minh đã dành công sức cho một cuốn sách không dễ dịch và kén người đọc như cuốn the Body Keeps The Score này. Hy vọng cuốn sách này sẽ mở đường cho nhiều cuốn sách và các liệu pháp điều trị chấn thương tâm lý trong những ngày sắp đến.
Chỉ có một xã hội được chữa lành chấn thương trong quá khứ mới có thể là một xã hội lành mạnh, nhẹ nhàng, và bình yên đi đến tương lai.

Lê Nguyên Phương

“Mắc kẹt trong Bảo tháp”

“Mắc kẹt trong Bảo tháp”
Thích Nhất Hạnh
Ngoc-Tram Hoang chuyển ngữ

Hơn mười năm trước, một trong những đệ tử của tôi ở Việt Nam đã xây một bảo tháp – một ngôi đền Phật giáo – để chứa tro cốt của tôi. Tôi nói với cô ấy rằng tôi đã không cần một bảo tháp cho tro cốt của tôi. Tôi không muốn bị mắc kẹt trong một bảo tháp. Tôi muốn ở khắp mọi nơi.
“Tuy nhiên”, cô ấy đã phản đối, “bảo tháp đã xây xong rồi!”
“Trong trường hợp đó”, tôi đã nói rằng, “con phải đặt một dòng chữ ở mặt trước của bảo tháp, nói rằng, ‘Tôi không có ở đây’ “. Thực sự là vậy. Tôi sẽ không ở trong bảo tháp. Ngay cả khi cơ thể của tôi được hỏa táng và tro cốt được đặt trong đó, tro đó vẫn không phải là tôi. Tôi không ở trong đó. Tại sao tôi lại muốn ở bên trong đó khi bên ngoài đẹp đến thế?
Nhưng trong trường hợp một số người hiểu lầm, tôi nói với cô ấy rằng họ có thể cần thêm một dòng chữ khác, nói rằng, “tôi cũng không ở bên ngoài kia”. Mọi người sẽ không tìm thấy tôi bên trong hoặc ngoài bảo tháp. Tuy nhiên, họ vẫn có thể hiểu lầm. Vì vậy, có thể cần phải có một dòng chữ thứ ba với nội dung, “Giả hoặc tôi được tìm thấy ở bất cứ nơi đâu, đó là trong cách thở và đi bộ yên bình của bạn”. Đó là sự tiếp nối của tôi. Mặc dù chúng ta có thể chưa bao giờ gặp nhau trực tiếp, nhưng, khi bạn hít vào, bạn thấy sự bình yên trong hơi thở của mình, tôi ở đó với bạn.
Thích Nhất Hạnh, trích trong cuốn “The art of living”
Chuyển ngữ: Ngoc-Tram Hoang
*
Over ten years ago, one of my disciples in Vietnam had a stupa – a Buddhist shrine – built for my ashes. I told her that I didn’t need a stupa for my ashes. I don’t want to be stuck in a stupa. I want to be everywhere.
“But,” she protested, “it’s already built!”
“In that case,” I said, “you’ll have to put an inscription on the front, saying, ‘I am not in here.’” It’s true. I won’t be there in the stupa. Even if my body is cremated and the ashes are put in there, they aren’t me. I won’t be in there. Why would I want to be in there when outside it is so beautiful?
But in case some people misunderstand, I told her they might need to add another inscription, saying, “I am not out there either.” People won’t find me inside or outside the stupa. Yet they may still misunderstand. So there may need to be a third inscription that reads, “If I am to be found anywhere, it is in your peaceful way of breathing and walking.” That is my continuation. Even though we may never have met in person, if, when you breathe in, you find peace in your breathing, I am there with you.
Thich Nhat Hanh, in “The Art of Living”.

THƯ MỜI - Tham dự buổi sinh hoạt Có Mặt Cho Nhau 8 tại Phòng hội Viện Việt Học, Westminster, CA


Sacramento, ngày 8 tháng 2, 2020

THƯ MỜI
 V/v Tham dự buổi sinh hoạt Có Mặt Cho Nhau 8

NAM MÔ BỔN SƯ THÍCH CA MÂU NI PHẬT 

Kính bạch Chư Tôn Thiền Đức Tăng, Ni,
Kính thưa quý vị thiện hữu tri thức, quý cư sĩ, và quý đồng hương,
Kính thưa quý Huynh trưởng, Đoàn sinh GĐPT và giới trẻ xa gần,


Nhằm tạo một cơ hội sinh hoạt chung để tuyên dương giáo dục, văn học nghệ thuật, văn hoá cũng như truyền lửa cho nhau, và Ra Mắt Sách 20 cuốn sách quý, một buổi sinh hoạt CÓ MẶT CHO NHAU 8 sẽ được tổ chức tại Phòng hội Viện Việt Học, Địa chỉ: 15355 Brookhurst St., Suite 222; Westminster, CA vào lúc 5:30-9:00 tối, Thứ Bảy, ngày 6 tháng 06, 2020.


Buổi sinh hoạt này gồm có các tiết mục như sau:

I. Tuyên dương: Thể hiện sự trân quý và lòng biết ơn đối với một vài nhà văn, nhà thơ, hay tác giả của Cội Nguồn Tổ Việt Foundation và Ban tổ chức Có Mặt Cho Nhau.

II. Book Fair Ra Mắt Sách những cuốn sách mới nhất sau đây:
1. Enlightened Emperor Trần Nhân Tông (Giác Hoàng Trần Nhân Tông). Thích Tuệ Sỹ, Lê Mạnh Thát, Thích Phước An. Cội Nguồn Tổ Việt và Lotus Media xuất bản.
2. Du Già Bồ Tát Giới - Hoà Thượng Thích Tuệ Sỹ do Hương Tích Phật Việt xuất bản.
2. Hiu Hắt Quê Hương Bến Cỏ Hồng và Đường Về Núi Cũ Chùa Xưa của Hòa Thượng Thích Phước An do Lotus Media xuất bản.
3. Tuệ Sỹ - Đạo Sư, Thơ và Phương Trời Một tuyển tập 2, 3. Hoà Thượng Thích Nguyên Siêu biên tập do Hương Tích Phật Việt và NXB Trung Đạo tái bản.
4. Thiền Lâm Tế Nhật Bản của Thiền sư Matsubara Taidoo do Hòa Thượng Thích Như Điển dịch. Viên Giác Tùng Thư và Lotus Media xuất bản.
5. Hương Tích - Phật Học Luận Tập I, II, III, IV, and V do Hòa Thượng Tuệ Sỹ chủ trương. Thượng tọa Thích Hạnh Viên và cộng tác viên thực hiện. Hương Tích Phật Việt xuất bản.
6. Phổ Hương Tình Thầy của Thượng Tọa Thích Từ Lực, Lotus Media xuất bản.
7. Within A Tree, There Is A Flower. Within A Rock, There Is A Flame của Thượng Tọa Thích Nguyên Tạng, Úc Châu, Lotus Media xuất bản.
8.     Nghiên Cứu Triết Học Trung Quán Tập 1 của Dr. T.R.V. Murti do TT. Thích Nhuận Châu dịch, do Ananda Viet Foundation xuất bản.
9.    Chánh Niệm Trong Đời Thường – Mindfulness in Everyday Life do Cư Sĩ Tâm Diệu, Nguyên Giác và Tâm Thường Định biên tập. Do Bodhi M. Foundation, Lotus Media và Ananda Viet Foundation xuất bản.
10.     Để Ngộ Tông Chỉ Phật của cư sỹ Nguyên Giác, Ananda Việt Foundation xuất bản.
11. Viết Từ Phương Xa của Nguyên Giác Phan Tấn Hải do Bodhi Media xuất bản. 
12. Lời Ca Của Gã Cùng Tử - Vĩnh Hảo do Lotus Media và Bodhi M. Foundation xuất bản.
13.    Tìm Hiểu Thơ Thiền Việt Nam của Như Hùng do Lotus Media và Bodhi M. Foundation xuất bản.
14. Từ Mảnh Đất Tâm của Tâm Huy Huỳnh Kim Quang do Lotus Media và Bodhi M. Foundation xuất bản.
15. Only Love Can Save Us from Climate Change, Tuyển tập Hoa Đàm 7, Lotus Media xuất bản. 
16. Xuân Hoan Hỷ. Tuyển tập Hoa Đàm 10, Lotus Media xuất bản. 
17. Đêm Nghe Sông Hằng Hát, Trần Trung Đạo do Lotus Media xuất bản.
18. Thơ Thôi Có Dáng Em Ngồi của Ngô Vân Quy do Lotus Media xuất bản.
19. Tuệ Sỹ - Vị Thầy Của Bốn Chúng, Tâm Thường Định Bạch X. Phẻ do Lotus Media và Bodhi M. Foundation xuất bản lần thứ 3. 
20. Thong Dong Khắp Mọi Nẻo Về, Tâm Thường Định Bạch X. Phẻ do Lotus Media và Bodhi M. Foundation xuất bản lần thứ 2. 
3. Publishers: Giới thiệu các nhà xuất bản Phật giáo Việt Nam tại California
4. Practices: Phần thực tập Chánh niệm sẽ được xen kẽ trong chương trình. 

Đồng thời giới thiệu một số sách mới của Phật giáo, ngành giáo dục và khuyến khích văn hoá đọc trong cộng đồng người Việt. Dự trù có ~300 đầu sách.

Thành kính cung thỉnh Chư Tôn Thiền Đức Tăng Ni và trân trọng kính mời chư thiện tri thức, quý vị cư sĩ, và đồng hương; quý Huynh trưởng và Đoàn sinh Gia Đình Phật Tử cùng các bạn trẻ hoan hỷ dành ít thì giờ đến để CÓ MẶT CHO NHAU 8. 

       Sự hiện diện của quý Thầy Cô và quý vị là động lực lớn, là đạo tình đầm ấm, và là tấm lòng quý giá trên đời dành cho nhau. Mọi sự liên lạc, ủng hộ hay đóng góp xây dựng, xin email về Htr. tamthuongdinh@gmail.com. Cell: (916)-607-4066 hoặc Htr. Tâm Định: (619) 488-7279.  Nếu ủng hộ tịnh tài để mua sách, xin Venmo @PheBach hoặc PayPal @tamthuongdinh.


Trân trọng kính cung thỉnh và kính mời.
Thay mặt Ban Tổ Chức
Htr. Tâm Thường Định - Bạch Xuân Phẻ
Htr. Tâm Định - Nguyễn Xuân Hiệp


Chương trình này có sự bảo trợ và giúp đỡ của:

1. Chùa Kim Quang; Chùa Phổ Từ; Chùa Thiên Trúc,
2. BHD GĐPT Hoa Kỳ và Ban Hướng Dẫn Miền Quảng Đức
3. Việt Báo, Thư Viện Hoa Sen, Ananda Viet Foundation
4. Bodhi Media, Asian World Media, Liên Phật Hội
5. Cội Nguồn Tổ Việt Foundation, Nguyệt San Chánh Pháp
6. Bodhi M. Foundation, Thao Bach Foundation
7. Simplified Builders, C. Mindfulness LLC

Chương trình có thể thay đổi tuỳ theo hoàn cảnh và thuận duyên. 


Sacramento, Feb. 08th, 2020

  
Invitation
Dear Venerable Sangha, fellow Buddhist laypersons, and colleagues
Dear our beloved Vietnamese, dear friends, and members of the Vietnamese Buddhist Youth Associations 
Ladies and Gentlemen,

In order to create an opportunity for all of us to interact, learn, and discuss the work of sharing Buddhism through education, literature and arts, and the introduction of Vietnamese Buddhist publishers as well as a new book-signing event, a special gathering titled, "Presencing for Each Other 8", will be held at Viện Việt Học, at 15355 Brookhurst St., Suite 222; Westminster, CA from 5:30-9:00PM, Saturday, June 6, 2020. 
The gathering consists of the following activities:

1. Show appreciation and gratitude to a few selected writers, poets, authors 
2. Book Fair: book exhibitions, especially 20 special books listed above.
3. Introducing Vietnamese Buddhist publishers in California and as well as books released by Lotus Media, Inc., Ananda Viet Foundation, Bodhi Media, Hương Tích Phật Việt, Hoa Đàm, etc... including those by Thầy Thích Nhất Hạnh, Thích Tuệ Sỹ, Thầy Như Điển, Thầy Từ Lực, Thích Hạnh Viên, Thầy Nguyên Tạng, Thầy Thiện Long (Hàn Long Ẩn), cư sĩ Thiện Quả, Nguyên Giác, Nguyên Minh, Như Hùng, Vĩnh Hảo, Trần Kiêm Đoàn, Trần Trung Đạo, Ngô Vân Quy, Tâm Thường Định, v.v…
4. Mindfulness practices will be shared and practiced in this gathering

We humbly request your presence. We hope that all of you can join us in this meaningful gathering, including all members of the youth groups, in order to spend some quality time in the “Presence for
Each Other".

Your presence is an honor and motivation for all of us in the warming spirit of the Dharma. Any question and/or support financially to buy books, please contact/Paypal at tamthuongdinh@gmail.com or Venmo @PheBach.

Respectfully yours, 

On behalf of the organizing committee 

Phe Bach and Scottie Nguyen


Chương Trình

5:30 PM - 5:45PM --- Tiếp đón / Greetings and snacks
5:45 PM - 6:00PM --- Triển lãm sách / Book tours 
6:00 PM - 6:15PM --- Giới thiệu và những phút lắng lòng / Introduction and practice of mindfulness
6:15 PM - 7:00PM --- Giới thiệu tác giả và các nhà xuất bản Phật giáo Việt Nam tại California. / Introduction of Vietnamese Buddhist
Publishers
7:00 PM - 7:10 PM - Thư giản, chụp hình lưu niệm / Break time
7:10 PM - 7:50PM --- Nhạc Thiền do Nhóm Hương Thiền (Cư sỹ Tâm Nguyện Nghiêm Phú Phát phụ trách) / A sound of Zen.
7:50 PM - 8:50PM --- Tuyên dương và chia sẻ của những tác giả hiện tiền.
8:50 PM - 9:00PM --- Giao lưu và ký tặng sách / Book signing 
9:00PM  --- Hoàn mãn / Let it be. 


This program is sponsored and supported by the following organizations:
1. Chùa Kim Quang; Chùa Phổ Từ; Chùa Thiên Trúc,
2. BHD GĐPT Hoa Kỳ và Ban Hướng Dẫn Miền Quảng Đức
3. Việt Báo, Thư Viện Hoa Sen, Ananda Viet Foundation
4. Bodhi Media, Asian World Media, Liên Phật Hội
5. Cội Nguồn Tổ Việt Foundation, Nguyệt San Chánh Pháp
6. Bodhi M. Foundation, Thao Bach Foundation
7. Simplified Builders, C. Mindfulness LLC