Saturday, July 4, 2020

Suy Nghĩ Về Ngài Tuệ Trung Thượng Sỹ

Ngài Tuệ Trung Thương Sỹ: Photo: https://sakya-vietnam.org/tue-trung-thuong-si/

Suy Nghĩ Về Ngài Tuệ Trung Thượng Sỹ
Nguyên Giác

Bài viết này để bổ túc cho một băng video chủ đề Tuệ Trung Thượng Sỹ trên YouTube (1) do nhóm Wisdom Today thực hiện, trong đó Tiến sĩ Phật học Nguyễn Thúy Loan đã phỏng vấn Hòa Thượng Thích Phước Tịnh và bản thân người viết là Cư sĩ Nguyên Giác. Lý do bổ túc vì lời nói của người viết vốn vụng về, không có khả năng diễn ý minh bạch như chữ viết.
Câu hỏi gửi qua email trước khi trực tiếp phỏng vấn là (thơ sẽ viết xuôi một dòng cho dễ đọc trong tầm mắt):
Mọi người đều biết anh Nguyên Giác nghiên cứu và viết nhiều về Thiền Tông, một trong những bản dịch của anh là Tuệ Trung Thượng Sĩ (TTTS) và Trần Nhân Tông. Xin anh cho biết:
1/ Những điểm nổi bật Thiền của Tuệ Trung Thượng Sĩ;
2/ Bài Thơ của Trần Nhân Tông nói về Thiền của  TTTSĩ trong bài Tán Tuệ Trung Thượng Sĩ:
‘Vọng chí di cao / Toàn chi di kiên / Hốt nhiên tại hậu / Chiêm chi tại tiền / Phu thị chi vị / Thượng sĩ chi thiền.’
Bản dịch của Lý Việt Dũng như sau, một trong bản dịch theo Laura là gần và dễ hiểu:
‘Càng nhắm càng cao / Càng dùi càng cứng / Bỗng nhiên vừa phía hậu / Nhìn lại đã mặt tiền / Ôi đó mới thật là / Thiền của Thượng sĩ!’
Xin anh cho biết ý của anh về Thiền của ngài TTTS trong bài thơ diễn tả của Trần Nhân Tông.
Rất cám ơn anh,
Thúy Loan.” (Hết câu hỏi)
Trước tiên, xin phép nói rằng tôi chỉ là một người học Thiền, không phải chuyên gia về sử học hay Phật học. Cổ ngữ lại kém, do vậy vốn học không sâu. Ngay cả khi dịch các tài liệu về Tuệ Trung Thượng Sỹ (1230-1291) và Trần Nhân Tông (1258–1308) sang tiếng Anh, bản thân tự biết cũng sẽ có nhiều bất toàn; y hệt như một anh Tây Ba Lô sang Việt Nam sống 20 năm hay 30 năm, rồi viết tiếng Việt thì sẽ lộ ra văn phong tiếng Việt không giống ai. Tôi viết tiếng Anh cũng bất toàn như thế, chủ yếu chỉ dùng phần mềm văn phạm miễn phí trên mạng để kiểm tra tiếng Anh, chớ không đưa cho các book editor sửa văn, phần vì sợ tốn tiền, phần vì muốn giữ văn phong kiểu đường phố giang hồ để thế hệ trẻ sẽ thấy rằng có một ông già viết tiếng Anh nhà quê lắm, nhưng cũng ráng viết về Thiền Tông VN, vì có điều muốn nói… Cũng xin nhấn mạnh, những gì tôi nói và viết đều không có thẩm quyền nào hết. Xin sám hối trước như thế.
Trước tiên, tôi sống với Thiền Tông nói chung, với tác phẩm Tuệ Trung Thượng Sỹ nói riêng, hầu hết bằng “tâm không biết” – nghĩa là, bằng một tâm rất đơn sơ như trẻ em, nghĩa là tôi sống với từng khoảnh khắc trong đời bằng trực diện với cái hiện tiền, cái bây giờ và ở đây, cái trôi chảy trước mắt và bên tai, sống với cái chưa từng được biết, còn gọi là “sơ tâm” hay tâm người mới học, rất mực rỗng rang, hay là vô tâm, bởi vì các Thiền sư ngày xưa dạy như thế, thì mình sống như thế. Nếu phải sống theo phương pháp nào hay kỹ thuật nào, các cụ nói như thế là sống với tâm quá khứ, là hỏng, là mất cái hiện tiền trôi chảy vô thường. Với tâm như thế, tôi tiếp cận với ngài Tuệ Trung Thượng Sỹ.
Bạn hỏi về những điểm nổi bật về Thiền của Tuệ Trung Thượng Sỹ, thì xin trả lời rằng rất là mênh mông, đọc hoài về ngài vẫn chưa hết ý. Cứ mỗi bài thơ của ngài là mình có thể nói chuyện cả ngày. Cũng không thể viết kiểu thống kê gạch đầu dòng rồi viết, rồi xuống hàng… Bởi vì học ngài theo kiểu với “tâm không biết” thì mỗi lần đọc lại, là mỗi lần thấy mới ra. Bởi vì khi thân tâm tỉnh thức thọ nhận dòng chảy vô thường, tức là sống cái hiện tiền, là cái “the unknown” --- và cái đó là cái không tên, cái không hình tướng, cái chưa từng được biết, dù có gọi là cái không hay cái vô tướng cũng chỉ là miễn cưỡng gọi --- hiển nhiên là vô lượng, không dò hết được, hễ ngó tới là thấy lại xuất hiện như mới. Do vậy, nơi đây chỉ nói vài điểm cụ thể, có thể dùng làm pháp hành.
Một lần, Trần Nhân Tông hỏi làm sao để chúng sanh hết tội báo, Tuệ Trung Thượng Sỹ đọc hai bài kệ như sau, bản dịch của HT Thích Thanh Từ:
Vô thường các pháp hạnh / Tâm nghi tội liền sanh / Xưa nay không một vật / Chẳng giống cũng chẳng mầm.
Ngày ngày khi đối cảnh / Cảnh cảnh từ tâm sanh / Tâm cảnh xưa nay không / Chốn chốn ba-la-mật.” (2)
Trong dòng chảy vô thường này, hễ ai sống được tận lực với dòng chảy xiết đó trên toàn thân tâm, sẽ thấy rằng không hề có gì nắm giữ được. Tức là tâm nào cũng là “bất khả đắc” vì hễ nghĩ  tới hay mở miệng là tức khắc tâm đó biến mất liền. Nhưng hễ khởi tâm nghi, tức tâm dao động về có/không, lành/dữ, đẹp/xấu, ưa/ghét… thì chúng ta mất liền cái hiện tiền, mất cái khoảnh khắc “ở đây và bây giờ” và như thế là tác ý đưa nghiệp dấy lên. Khi nhìn thân tâm chảy xiết vô thường như thế, sẽ thấy toàn bộ thân tâm vốn thực là không, vì là không nên mới chảy xiết như thế. Trong tâm rỗng rang như thế, những gì hiện lên cũng chảy xiết và thực tánh chỉ là vô tự tánh. Gọi là vật này, vật kia chỉ là tạm gọi, nhưng trong dòng sông vô thường, khi vật hiện lên trước mắt và bên tai, lúc đó là hiển lộ trong gương tâm sẽ thấy tưởng như có vật hay có tướng, nhưng thực ra không hề có vật hay có tướng nào. Thực tướng chính là vô tướng. Trong gương tâm, không hề có giống hay có mầm nào hết, vì chẳng gì lưu ảnh được.
Như thế, cảnh hiện ra là trong tâm, và không gọi được là có (hiện hữu) hay không (hiện hữu) vì ngay trong khoảnh khắc vừa sinh là biến diệt liền. Do vậy, hễ thấy như thế là thấy tâm và cảnh trước giờ là không. Và ngay khi đó, nơi nào cũng là giải thoát, cũng là ba la mật, cũng là qua bờ kia. Nhóm Kinh Nhật Tụng Sơ Thời (3) có Kinh Sn 5.14 (Các Câu Hỏi Của Posala), Đức Phật nói rằng ai thấy cả trong và ngoài đều là không thì sẽ giải thoát. Trong và ngoài, tức là tâm và cảnh. Hễ thấy cảnh tức thấy tâm, và nhận ra tâm cảnh đều là không, còn gọi là Thấy Tánh. Vì thực tánh chính là vô tự tánh, và thực tướng chính là vô tướng. Từ đó trở về sau, chỉ cần giữ cái nhìn này. Thấy như thế, còn được Đức Phật giải thích trong Kinh SN 35.246, rằng tiếng đàn được một nhạc sĩ tài năng trình tấu rất tuyệt vời, nhưng chẻ cây đàn làm trăm mảnh hay ngàn mảnh cũng chẳng thể dò ra tiếng đàn – đó là cái nhìn trực nhận pháp ấn vô ngã, và như thế là giải thoát.
Như thế, là không có cửa vào, tức là cửa không cửa, hay Vô Môn Quan. Bởi vì cửa Không lúc nào cũng khó. Dĩ nhiên là rất khó.
Ngài Trần Nhân Tông mới viết tiếp (theo bản dịch của Hòa Thượng Thích Thanh Từ), trích:
"Một hôm tôi xin hỏi Ngài về “bổn phận tông chỉ”, Thượng Sĩ đáp:
“Soi sáng lại chính mình là phận sự gốc, chẳng từ nơi khác mà được.” (Phản quan tự kỷ bổn phận sự, bất tùng tha đắc.) Nghe xong, tôi thông suốt được đường vào, bèn vén áo thờ Ngài làm thầy." (ngưng trích)   
Như thế, Tuệ Trung Thượng Sỹ sau khi nói về pháp môn không cửa vào, liền nói tiếp tới pháp thiền tự quán sát mình, có thể hiểu câu “soi sáng lại chính mình” chính là Niệm Thân hay NIệm Tâm trong Tứ Niệm Xứ. Cũng có thể hiểu bao gồm cả Niệm Thọ, và cả Niệm Pháp. Mình chỉ đoán thôi, vì bốn chữ “phản quan tự kỷ” rộng nghĩa, có thể hiểu là bao gồm cả thân và tâm.
Tuy nhiên, hầu hết các lời dạy của Tuệ Trung Thượng Sỹ là Thiền Đốn Ngộ, tức là không mượn phương tiện nào hết, dù là chỉ hay quán, dù là niệm hay định hay tuệ. Cho nên mới thấy Thiền nhà Trần rất khó truyền dạy, rất khó vào cửa.
Thí dụ, như đoạn đối thoại trong phần Đối Cơ 4, bản dịch HT Thanh Từ trích như sau.
Hỏi: “Không thể dùng trí biết, không thể dùng thức hiểu” thì thế nào? Thượng Sĩ đáp: “Người gỗ vào biển hát vô sanh, gái đá xuyên mây thổi tất lật.” [Kèn của một giống dân xưa, thổi nghe rất buồn.]” 
Trí và thức là những gì chúng ta suy nghĩ biện biệt. Tương tự với mắt và cái được thấy, với tai và cái được nghe… trí và thức cũng như thế. Nếu chưa thấy Tánh Không của các pháp, thì trí và thức (cũng như mắt và cái được thấy, cũng như tai và cái được nghe…) sẽ buộc mình vào sinh tử luân hồi; nhưng khi đã trực nhận Tánh Không thấu đáo, trí và thức trở thành công cụ để mình ứng phó trong đời mà không bị ràng buộc. Do vậy, nói rằng cốt tủy của Thiền, tức là trải qua trực nhận kinh nghiệm về Tánh Không, thì trí và thức tự thân đã rỗng rang, không từ đâu tới và không đi về đâu --- khó chỉ là nhận ra Tánh Không đó. Dùng tư lường biện biệt có thể giải ngộ được phần nào, nhưng kinh nghiệm trực tiếp để sống rỗng rang giải thoát thì sẽ còn xa. Vậy thì, cách nào để vào cửa, khi trí và thức còn gây rối?
Tuệ Trung Thượng Sỹ trả lời rằng, hãy sống như người gỗ vào biển sinh tử, thì đó là hát điệu vô sanh (vô sanh là: giải thoát). Người gỗ là người sống tuyệt đối với Nhẫn Ba La Mật, không khởi tâm gì hết, cũng gọi là vô tâm, tức là không sanh tâm lành/dữ, có/không, ưa/ghét gì hết. Còn như cô gái đá, nghĩa là cô này tuyệt nòi giống rồi, không để lưu lại những gì từ thân tâm của cô, chỉ như thế mới xuyên mây để vào cõi không. Cô gái đá còn có nghĩa là Bố Thí Ba La Mật, buông xả hoàn toàn rồi, không sinh con đẻ cháu, hiểu là không sinh tâm khởi nghiệp gì nữa; tương tự hình ảnh Bồ Tát bố thí cả ba mẹ (ba là vô minh; mẹ là tham ái), bố thí cả vợ con (vợ là cái của tôi; con là hiện thân hình ảnh tôi xây dựng), cũng được giải thích bố thí là cắt đứt chuỗi dây duyên khởi (hữu ái), cũng có nghĩa là buông bỏ cả ba thời (ba mẹ là quá khứ, vợ là hiện tại, con là tương lai) --- nghĩa là, không hề nắm gì trong tâm. Lúc đó hiển lộ trước mắt và bên tai chính là các pháp ấn vô thường, vô ngã và niết bàn, sẽ không còn thấy có ta hay có người nữa. Tỉnh thức với tâm rỗng rang, thấy tâm không có chút gì để nắm giữ thì một phút tu là một phút an lạc, một giờ tu là một giờ an lạc, cũng gọi là bố thí sạch hết trong tâm.
Thi dụ nữa, một đoạn khác, được Thầy Thanh Từ dịch trong sách Tuệ Trung Thượng Sĩ Ngữ Lục Giảng Giải, trích như sau:
Hỏi: “Thấy sắc liền biết tâm, ý chỉ thế nào?” 
Thượng Sĩ đáp: “Vào nước lõa thể nên cởi khố, chớ học Hàm Đan quên ngọc đào.” Hàm Đan là kinh đô nước Triệu, người dân ở đây đi bộ rất tài. Những người tuổi trẻ ở nước Yên muốn học đi bộ phải qua Hàm Đan học. Nhiều người nước Yên qua Hàm Đan học đi bộ chưa giỏi, mà đã quên nước Yên nên nói quên ngọc đào.” (ngưng trích) 
Đoạn đối thoại vừa dẫn cũng nói là hãy trở về gốc của tâm mà tu. Thấy sắc liền biết tâm? Thấy gió mát, liền nhận ra tâm, vì nếu không có tâm sẽ không có chuyện mát hay nóng. Thấy hoa vàng ngoài hiên, cũng nhận ra tâm, vì nhận ra hình dáng hoa và màu sắc hoa, và cũng nhận ra khoảng cách không gian ngoài hiên; tất cả đều hiển lộ trong tâm. Đức Phật nói rằng tất cả thế giới này là 12 xứ gồm 6 nội xứ và 6 ngoại xứ (Kinh Iti 1.7 – The All Sutta), như vậy thế giới chính là cái được thấy, cái được nghe, vân vân.
Như thế, giải thoát ở đâu? Giải thoát nằm nơi đâu trong lộ trình tâm?
Giải thoát nằm nơi “cởi khố, chớ quên ngọc đào”… Ngọc đào nơi đây là nước Yên, là quê cũ (bản tâm), rằng chớ lạc mãi ở xứ Hàm Đan. Và “cởi khố” có nghĩa là sống trong thế giới này, hãy “giữ tâm trần trụi” để tiếp cận và đó là giải thoát. Nói “cởi khố” có nghĩa là buông bỏ tất cả ngũ uẩn (sắc, thọ, tưởng, hành, thức), buông bỏ cả ba thời (quá khứ, hiện tại, vị lai), buông bỏ cả 12 xứ (6 nội xứ, 6 ngoại xứ), buông bỏ cả toàn thể 18 giới (6 căn, 6 trần, 6 thức)… 
Hễ tâm buông bỏ được như thế, tức là giải thoát, vì lúc đó, như Kinh DN 11 nói, khi thức sẽ không có đặc tướng (consciousness without feature) và không dính gì vào tứ đại (đất, nước, gió, lửa), tức là vô sở trụ (không chỗ trụ), và lúc đó danh-sắc sẽ kết thúc: "Khi thức diệt, ở đây mọi thứ đều diệt tận.(4)
Điều khó chỉ là “cởi khố” vì chúng ta ai cũng mang theo gánh nặng quá khứ nhiều triệu kiếp của tham sân si… Nói buông bỏ thân tâm thì dễ, nhưng thực hiện được là chặng đường phải mất nhiều năm. Duy có điều hạnh phúc là, bước vào đường đạo là những ngày hạnh phúc tột cùng, một giờ tu là một giờ an lạc, một phút tu là một phút an lạc… 
Nói cởi khố, hay giữ tâm trần trụi, cũng là ý chỉ của Kinh Bahiya, khi nghe chỉ hiển lộ cái được nghe, khi thấy chỉ hiển lộ cái được… và lúc đó sẽ nhận ra không có ai đang nghe hay đang thấy, lúc đó pháp ấn vô ngã hiển lộ trước mắt và bên tai, và ngay đó là không có chỗ cho tham sân si và ngay đó là giải thoát. 
Cũng như khi mình nghe nhạc, hãy giữ hạnh nghe đơn giản trong thực tướng, hãy thấy nhạc chỉ là âm thanh như các tiếng động khác trong đời, như tiếng xe máy nổ, như tiếng chiên xào trong bếp hay như tiếng người ngủ mớ, thì lúc đó mình biết tất cả, nghe tất cả, phân biệt được tất cả, nhưng không rơi vào sinh tử luân hồi vì tất cả âm thanh sẽ trôi tuột đi tức khắc ngay trong từng khoảnh khắc. Nhưng cũng nên giữ các tương tác hữu vi trong đời, vì nếu mình nói rằng các cô ca sĩ hát nghe như tiếng chiên xào trong bếp thì họ sẽ giận và mình sẽ mất cơ duyên hoằng pháp.
Lời dạy "cởi khố" của Tuệ Trung Thượng Sỹ cũng được dạy trong Kinh SN 22.53 (Upaya Sutta), trích bản dịch của HT Thích Minh Châu:
“…Không có chỗ y chỉ ấy, thức không tăng thịnh, không có hành động, được giải thoát. Do giải thoát nên được kiên trú; do kiên trú nên được tri túc; do tri túc nên không có ưu não; do không có ưu não nên tự mình cảm thấy tịch tịnh hoàn toàn.” (5)
Bản dịch Bhikkhu Bodhi: When that consciousness is unestablished, not coming to growth, nongenerative, it is liberated. By being liberated, it is steady; by being steady, it is content; by being content, he is not agitated. Being unagitated, he personally attains Nibbāna.)
Nói ngắn gọn, khi tâm vô sở trụ, tức là thức không có chỗ y chỉ, không có chỗ bám víu… tức là Niết Bàn hiển lộ ngay trước mắt, ngay trong cõi này.
Nhắc lại, ý chỉ ngài Tuệ Trung Thượng Sỹ là dạy pháp Thiền Đốn Ngộ, chủ yếu không sử dụng phương pháp nào hết, cũng không bận tâm chuyện tập thiền hay tu định với tu huệ. Bởi vì, ý ngài nói rằng, trước mắt và bên tai đã là giải thoát rồi, vì Niết bàn không lìa ba cõi, trích từ Đối Cơ 10:
“- Bồ-đề, phiền não đồng khác thế nào?
 Thầy đáp:  Vị muối trong nước,  Trong sắc màu keo.” (ngưng trích)
Vấn đề khó chỉ là, làm sao nhận ra Niết Bàn trong cõi phiền não này. Tức là, nói Niết Bàn là phiền não cũng có phần đúng, nói không phải phiền não cũng có phần đúng. 
Tuệ Trung Thượng Sỹ nhấn mạnh rằng không cần tu định hay tu huệ (hiểu là: Thấy Tánh, hay nhận ra tánh vô tự tánh, thì tự khắc thấy tâm vốn đã có sẵn định và huệ, vì mài gạch không thể làm ra gương). Cũng trích từ Đối Cơ 10:
Lại hỏi: Ngài Dật-đa (Di-lặc) không tu định tuệ, vì sao thành Phật không nghi?
 Thầy đáp: Đào đỏ trên cây đúng thời tiết / Cúc vàng bên dậu nào phải xuân.
 Lại hỏi: Tọa thiền tập định thì thế nào?
 Thầy đáp: Vua chúa xuống xe chọi ếch nhái.” (ngưng trích)
Khi nhận ra bản tâm vốn đã giải thoát, mà còn tu này hay tập nọ, cũng y hệt ông vua xuống xe chơi trò nhà quê ếch nhái. Vì khi đã thấy cái rỗng rang tỉnh thức của gương tâm, thì lấy gì mà tu nữa, chỉ còn giữ mỗi việc chớ để con trâu bước chệch đạp nhằm lúa mạ. 
Chỗ này Đức Phật cũng nói trong Kinh SN 35.191 (Kotthita Sutta), bản Anh dịch của Thanissaro là, trích:
The eye is not the fetter of forms, nor are forms the fetter of the eye. Whatever desire & passion arises in dependence on the two of them: That is the fetter there. The ear is not the fetter of sounds... The nose is not the fetter of aromas... The tongue is not the fetter of flavors... The body is not the fetter of tactile sensations... The intellect is not the fetter of ideas, nor are ideas the fetter of the intellect. Whatever desire & passion arises in dependence on the two of them: That is the fetter there.” (6)
Xin dịch như sau: “Mắt không phải là xiềng xích của sắc (cái được thấy), sắc cũng không phải là xiềng xích của mắt. Bất cứ tham và luyến nào khởi lên dựa vào hai thứ đó (mắt và cái được thấy): chính xiềng xích là đó. Tai không phải xiềng xích của âm thanh… Mũi không phải là xiềng xích của mùi hương… Lưỡi không phải xiềng xích của vị nếm… Thân không phải xiềng xích của cảm thọ sờ chạm… Ý không phải xiềng xích của niệm, và niệm cũng không phải xiềng xích của ý. Bất cứ tham và luyến nào khởi lên dựa vào hai thứ đó: Đó chính là xiềng xích đó.” 
Nghĩa rất là đơn giản, như đầu bài này đã nói: thấy tâm và cảnh đều không, tức là giải thoát. Tự thân, cõi trước mắt và bên tai chính là Niết bàn, mà không cần tu gì hết. Chỉ khi tâm tham luyến khởi lên là hỏng. Tự thân đã không bị xiềng xích, nếu bị xiềng xích chính là tự mình khởi tâm buộc mình thôi.
Trong Bài Ca Tâm Phật, Tuệ Trung Thượng Sỹ nói rất minh bạch, trích:
Muốn tìm tâm, đừng tìm ngoài
Bản thể như nhiên tự rỗng lặng.
Niết-bàn sanh tử buộc ràng suông
Phiền não Bồ-đề đối địch rỗng.

Đặc biệt, có thể dùng chú giải cho lời thơ Tuệ Trung Thượng Sỹ là Kinh SN 22.64, là chớ nên suy tưởng gì với sắc thọ tưởng hành thức, thì tức khắc là Niết Bản. Trích bản dịch  HT Thích Minh Châu là:
“— Ai suy tưởng, này Tỷ-kheo, người ấy bị Ma trói buộc. Ai không suy tưởng, người ấy được giải thoát khỏi Ác ma.” (7)
Nghĩa là, “không suy tưởng” còn hiểu là vô tâm hay vô niệm, còn có nghĩa là khi mình hồn nhiên sống với tâm “không biết” tỉnh thức ngay ở nơi đây và bây giờ, là tức khắc sống được cái Đức Phật thường gọi là “Dhamma is visible in the here-&-now, timeless…” (Pháp thấy được ngay ở đây và bây giờ, vượt thời gian…) Đó cũng là ngôn ngữ của Tuệ Trung, của Trần Nhân Tông. Nghĩa là, trong cái vô thường (trước mắt và bên tai) đã có sẵn cái vượt thời gian, dùng theo ngôn ngữ luận sư Bắc Tông là cái thường lạc ngã tịnh (nhưng, nếu nhầm cái vô thường là thường thì sẽ hỏng). 
Cái thường lạc ngã tịnh đó – tức là cái “pháp thấy [trực nhận] được ở đây và bây giờ, phi thời gian” dịch theo Thanissaro Bhikkhu là “Dhamma visible here-&-now, timeless...” dịch theo Bhikkhu Sujato là “the teaching is visible in this very life, immediately effective...”  dịch theo Horner là “this Dhamma is self-realised, timeless...”
Cũng phải ghi nhận rằng mặc dù Trần Nhân Tông chủ trương tu gần như khổ hạnh và tận lực tinh tấn tới mức gian nan, Tuệ Trung Thượng Sỹ cho rằng mài gạch làm gương là sai, là không cần thiết, vì có khi tu học say mê với thiền, với định lại là chướng ngại, không giải thoát nổi --- nghĩa là, khởi tâm chấp là hỏng.
Chỗ này chúng ta có thể dẫn ra Kinh Trung A Hàm MA 75, trích bản dịch của Thầy Tuệ Sỹ:
Này A-nan, Tỳ-kheo nào hành như vầy, ‘Không có ta, không có sở hữu của ta; ta sẽ không tồn tại, sở hữu của ta sẽ không tồn tại; những gì có trước kia,’ hoàn toàn xả ly như vậy. Nhưng này A-nan, nếu Tỳ-kheo ấy vui thích với sự xả ấy, đắm trước nơi sự xả ấy, an trú nơi xả ấy, Tỳ-kheo như thế chắc chắn không chứng đắc Niết-bàn...
... “Này A-nan, Tỳ-kheo nào hành như vầy, ‘Không có ta, không có sở hữu của ta; ta sẽ không tồn tại, sở hữu của ta sẽ không tồn tại; những gì có trước kia,’ hoàn toàn xả ly như vậy. Và này A-nan, nếu Tỳ-kheo ấy không ưa thích với xả ấy, không đắm trước xả ấy, không an trú nơi xả ấy, thì này A-nan, Tỳ-kheo thực hành như thế, chắc chắn chứng đắc Niết-bàn...” (8)
Cần ghi nhận, pháp yếu giải thoát theo Tuệ Trung là:
Tâm cảnh xưa nay không / Chốn chốn ba-la-mật.
Hay theo Trần Nhân Tông là: 
Đối cảnh vô tâm chớ hỏi Thiền...
Vậy thì tại sao các ngài nhà Trần nghiên cứu rất uyên bác, như ngài Trần Thái Tông viết nhiều chú giải về Khóa Hư Lục, Pháp Hoa, Bát Nhã, Kim Cang, Sám Hối, Niêm Tụng Kệ (43 Công Án), Niệm Phật, Tọa Thiền, Phát Bồ Đề Tâm, vân vân. Học nhiều thành ra có vẻ dư thừa... Thực ra, không phải thế. Nếu quý ngài thuần túy ngồi góc rừng, thì giữ tâm lìa tham sân si là đủ, không cần nghiên cứu cho mệt. Nhưng lý luận Đại Thừa cần thiết khi phải dung hóa các tín ngưỡng khác, thí dụ như khi gặp đồng bào say mê Đạo Mẫu, các thế hệ nhà sư đầu tiên tại VN phải nghĩ ra bốn vị Đại Bồ Tát: Vân - Vũ - Lôi - Điện (mây, mưa, sấm, chớp), gọi là Tứ Pháp. Cũng như phải nghĩ ra truyền thuyết về Phật Mẫu Man Nương để ông bà tổ tiên mình nghe tích mà ngộ lý. Tương tự, trong thế kỷ 20 và 21, các sư mà kém lý luận thì sẽ bị tà thuyết ngoại giáo chiêu dụ hay đè bẹp. Do vậy, khi vào đời, cần lý luận, nghĩa là phải uyên bác.
Còn câu hỏi số 2, về bài thơ của Trần Nhân Tông nói về Thiền của  Tuệ Trung Thượng Sỹ trong bài Tán Tuệ Trung Thượng Sỹ:
Vọng chí di cao / Toàn chi di kiên / Hốt nhiên tại hậu /Chiêm chi tại tiền /Phu thị chi vị / Thượng sĩ chi thiền.”
Bản dịch của Lý Việt Dũng:  “Càng nhắm càng cao / Càng dùi càng cứng / Bỗng nhiên vừa phía hậu / Nhìn lại đã mặt tiền / Ôi đó mới thật là / Thiền của Thượng sĩ!”
Đó là bài thơ ca ngợi ngài Tuệ Trung Thượng Sỹ. Chúng ta không có nhiều tài liệu để biết hoạt động thường ngày của các vị trong thời kỳ chỉ huy quân Việt ba đợt ra trận đánh bại quân phương Bắc xâm lăng. Tuệ Trung và Trần Nhân Tông đều là võ tướng, hiển nhiên hàng ngày là luyện quân, phải thể dục, chạy nhảy, phi ngựa, lội sông, vân vân. Nhưng bài ca ngợi này có lẽ chỉ nói về Thiền, không nói chuyện khác.
Nội dung bài ca ngợi là càng ngó tới, càng thấy ngài Tuệ Trung ở vị trí rất cao. Càng đọc và ngẫm nghĩ, càng thấy lời dạy của Tuệ Trung tinh vi, kiên cố, như tường đồng vách sắt. Hậu (phía sau lưng mình) là quá khứ, tiền (phía trước) là tương lai. Nghĩ rằng Tuệ Trung là chuyện quá khứ rồi, tưởng rằng mình (Trần Nhân Tông) đã học xong hết, đã học đầy đủ rồi, nhưng càng nghĩ cho kỹ, càng tu cho sâu thì mới thấy rằng Tuệ Trung vẫn còn là kho tàng để mình (Trần Nhân Tông) cần phải học thêm nữa trong tương lai.
Trong Kinh Xuất Diệu có câu: "Xả tiền, xả hậu, xả gian việt hữu, nhất thiết tận xả, bất thọ sanh lão." Nghĩa là, "Buông xả quá khứ, vị lai, hiện tại, buông xả tất cả hoàn toàn, sẽ không sinh già nữa.” (Thực ra, cũng gốc từ nhóm Kinh Nhật Tụng Sơ Thời, với Kinh Sn 4.10 và Kinh Sn 4.15: đừng dính mắc gì tới quá, hiện, vị lai.)
Như thế, chữ tiền trong Kinh Xuất Diệu là quá khứ, là chuyện đã xảy ra, và hậu là vị lai chưa xảy ra. Ngược lại, chữ tiền trong bài ca ngợi Tuệ Trung là không gian trước mặt, là chỉ cho tương lai, và hậu là không gian sau lưng, là chuyện đã xảy ra. Quý ngài Thiền sư có tự điển riêng của họ, nên dựa vào ngữ cảnh mà hiểu. Ngắn gọn bốn câu ca ngợi: ngài Trần Nhân Tông tự nhận được vây phủ bởi ảnh hưởng Tuệ Trung Thượng Sỹ.
Xin nhắc rằng, những ý kiến của người viết không có thẩm quyền gì hết. Xin viết cho rõ ý để mọi người tham khảo thôi. Cảm ơn các bạn Wisdom Today, cảm ơn Tiến sĩ Phật học Nguyễn Thúy Loan.
GHI CHÚ:
(1) Video song ngữ Tuệ Trung Thượng Sỹ: https://youtu.be/L0i6h_8zifM 
(2) Tuệ Trung Thượng Sỹ Ngữ Lục Giảng Giải: https://thuvienhoasen.org/images/file/OlR9p51G0QgQAFN1/tuetrungthuongsi.pdf
(3)  Kinh Nhật Tụng Sơ Thời: https://thuvienhoasen.org/a30590/kinh-nhat-tung-so-thoi 


Thích Giác Chinh: Official Press of Journal of Buddhist studies/Tạp chí nghiên cứu Phật học

Official Press of Journal of Buddhist studies -

Tạp chí nghiên cứu Phật học

Thích Giác Chinh

Official Press of Journal of Buddhist studies
Tạp chí nghiên cứu Phật học
Tạp chí đã được Thư Viện Quốc Hội Mỹ cấp phép và trao cho Bản quyền ISSN.

Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật,
Nam Mô Phật Pháp Tăng Tam Bảo Thường Trụ Trong Mười Phương,

Kính bạch Chư Tôn Đức Tăng Đoàn,
Kính thưa quý Phật tử, thân hữu Thiền sinh, quý Mạnh thường quân xa gần,

Hôm nay là một ngày an vui khi Nhà Xuất Bản: Dharma Mountain Publishing và Tăng đoàn đã nhận được sự chấp thuận từ Thư Viện Quốc Hội Mỹ cấp phép và trao cho Bản qyền ISSN cho Tạp chí nghiên cứu Phật học – Journal of Buddhist studies:
  • Ấn bản in Journal of Buddhist studies (Print) ISSN 2692-7357
  • Ấn bản online Journal of Buddhist studies (Online) ISSN 2692-739X
Chúng con – Chúng tôi thành kính niệm ơn Tam Bảo, thành kính thông tri đến Chư tôn đức Tăng đoàn và Cộng đồng xa gần.
Cung kính,
An vui!

Official Press of Journal of Buddhist Studies 
Namo tassa Bhagavato arahato Sammā-sambuddhassa
Homage to the Blessed One, the Perfected One, the Completely Selfawakened One
The Honorable venerable in the Sangha, the Journal of Buddhist studies, a journal of the US Sangha for Buddhist studies has a patronage/auspices and is copyrighted from the Library of Congress.
  • Journal of Buddhist studies (Print)
    ISSN 2692-7357
  • Journal of Buddhist studies (Online)
    ISSN 2692-739X
In the Buddhist tradition, the wise instructions from the enlightened teachings of the Buddha have contributed to the peaceful, prosperous life, humanity and morality for society. With gratitude to the Three Jewels for blessing and protecting our faith, we would like to inform and share the press of news of Journal of Buddhist Studies.
The Buddha in our hearts,
Sincerely
Thich Giac Chinh
Founder – CEO
of Dharma Mountain Publishing – Journal of Buddhist studies

Friday, July 3, 2020

THAY LỜI KẾT (THƠ VÀ ĐÁ)

Chân dung thi sĩ Nguyễn Đức Sơn (Tranh Hs Dạ Thảo)
Văn Học Press xuất bản, 12/2019
(Ba ngôn ngữ: Việt – Anh – Nhật.
Dịch sang tiếng Anh: Nguyễn Phước Nguyên;
Dịch sang tiếng Nhật: G/s Bùi Chí Trung;
Biên tập: Đào Nguyên Dạ Thảo

THAY LỜI KẾT
Trong khi ngồi đánh máy lại từng bài thơ trong nhật ký của Nguyễn Đức Sơn, nhìn lại ngày ghi 18/11/69 (trùng ngày Sinh của ông 18/11/1937 tròn 82 tuổi), và so lại ngày trên bản thảo chuẩn bị gửi cho nhà xuất bản in sách.
Tính cho đến ngày hôm nay, 18/11/2019 là đúng 50 năm. Hay nói cách khác là nửa thế kỷ đã trôi qua, những kỳ nhân như Nguyễn Đức Sơn của thế kỷ 20 còn sót lại qua đến thế kỷ 21 này còn có được bao nhiêu người?  
Là thế hệ ở giữa các bậc tiền bối và thế hệ trẻ đi sau, tôi cảm thấy mình có nhiệm vụ ghi chép lại để lưu giữ và phổ biến những thi phẩm, văn chương quý giá của nhà thơ Nguyễn Đức Sơn để lại cho hậu thế.  Mặc dầu quen biết vợ chồng ông từ năm 2000,  mười chín năm rồi, nhưng mãi đến bây giờ mới thuận duyên để làm tập thơ Nguyễn Đức Sơn  này.  Đây chỉ mới là một phần trong nhật ký chưa từng công bố của ông đã được cất giữ hơn 50 năm qua.
Bẵng đi một thời gian hơn 10 năm không liên lạc, tình cờ tôi đọc một bản tin online: “(27/07/2019) Nhà thơ Nguyễn Đức Sơn hiện vừa nhập viện với nghi vấn xuất huyết não, do lúc sức khỏe suy yếu, bị té. Tình trạng được coi là nguy hiểm.  Gia đình đã chuyển từ bệnh viện ở Bảo Lộc qua Đà Lạt. Xin thông báo cho quý thân hữu văn nghệ gần xa được hay.”  Ngay lúc đang ở Đà Lạt, tôi vội vàng chạy đến bệnh viện vào thẳng phòng cấp cứu hồi sức thăm ông, nhìn thấy ông nằm mê man đang thở bằng bình dưỡng khí và có một đường khâu vết thương còn chỉ trên trán. Cầm tay ông, tôi cảm được cái bắt tay choàng vai thân mật mỗi khi ông gặp tôi thay cho câu hỏi thăm sức khỏe nhau.  
Một tuần sau quay trở lại thăm ông, gặp Nguyễn Đức Yên, Phương Bối, và Tiểu Khê.  Trên đường Yên tiễn tôi đi ra từ giường bệnh đến cổng bệnh viện, Yên đã nhắc đến tác phẩm Cái Chuồng Khỉ  của Nguyễn Đức Sơn đã được tái bản ở Mỹ.  Chỉ có thế thôi mà trên suốt chặng đường bay dài về đến Houston, trong đầu tôi cứ lảng vảng ý nghĩ  làm sao đây để có thể in được tập thơ cho Sơn Núi, làm món quà cuối tặng ông khi ông còn có thể nghe và cầm được quyển sách của ông, là đứa con tinh thần mà ông đã ước nguyện làm từ 50 năm trước.
Chỉ bằng linh cảm tôi thấy mình có thể xuất bản và phát hành tập thơ Nguyễn Đức Sơn.
Sau khi trăn trở, suy nghĩ và xác định sẽ làm gì, và phải làm như thế nào, tôi gọi điện thoại về cho Nguyễn Đức Lão nói ý định, thì Lão cho biết khi cha còn mạnh khỏe, Nguyễn Đức Sơn đã viết di chúc và ủy quyền lại toàn bộ những tác phẩm bao gồm thơ văn và nhật ký, cũng như số tác phẩm được công bố hay chưa từng công bố cho con gái là Nguyễn Đức Phương Bối rồi.  Tôi liền gọi ngay cho Phương Bối.  Sau khi cùng bàn thảo và định hướng về hình thức nội dung sẽ in trong nhật ký của ông, qua hôm sau Phương Bối gửi cho tôi lá thư viết tay.
Đọc xong những dòng thư này của Phương Bối, tôi muốn làm ngay tập thơ Nguyễn Đức Sơn như một món quà tặng ông khi còn có thể, để sau này mình không hối tiếc nói:  “Phải chi hồi đó !”
Phương Bối cũng gửi cho tôi xem di chúc và giấy ủy quyền có người làm chứng, có chữ ký cũng như dấu tay của Nguyễn Đức Sơn.  Thế là tôi và Phương Bối bắt tay làm việc ngay đúng vào ngày 11/09/2019.
Đầu tiên là Dạ Thảo nhận được ngay hơn 600 files ảnh, Phương Bối chụp từ nhật ký thơ của Nguyễn Đức Sơn bằng điện thoại gửi qua tin nhắn.  Phải mất hơn 3 ngày tải hình xuống, phải chỉnh sửa lại vì cái lộn ngược cái lộn xuôi rồi mới đọc được.  Thêm hơn 1 tuần ngồi đánh máy lại, mà Phương Bối dặn rất kỹ là cha không cho 
phép sửa bất kỳ một câu, một chữ nào, dầu là một dấu phẩy, dấu chấm, chữ viết hoa hay không viết hoa trong thơ của ông; mà chỉ được phép sửa lỗi chính tả thôi, cũng như bài nào đọc không rõ hay không phù hợp thì không in.
Nếu như bên nớ, mấy quyển nhật ký thơ của Sơn Núi, Phương Bối đóng lại thành một túi thơ thì bên ni Dạ Thảo đánh máy xong in ra cũng đựng đầy một cái hồ lô.  Phải đọc thơ Sơn Núi như thế nào đây để cảm được tình tiết, thời gian, không gian mà phân loại, sắp xếp chia dàn bài có trình tự để in một tập thơ theo đúng tiêu chuẩn quy định.  Đến đây xin thưa là lần đầu tiên Dạ Thảo in sách.  Nên Dạ Thảo phải áp dụng phương pháp vẽ một bức tranh bằng thơ Nguyễn Đức Sơn
Cứ tưởng tượng trước mặt là khung bố trống không vô hình hay là quyển sách chỉ có những trang giấy trắng. Bố cục tổng thể của bức tranh được phác thảo bằng bút chì như thế nào thì tập thơ hiện ra dàn bài của từng chương như thế ấy.  Chi tiết và sử dụng gam màu sao cho hài hòa phù hợp với nội dung thể hiện biểu cảm từng nhân vật trong tranh, chính là những chuỗi thơ, bài thơ, câu thơ, mẫu chữ, cỡ chữ, sẽ được dàn dựng sắp đặt ra sao lên trang giấy.  Với tính cách khác người của Sơn Núi thì Dạ Thảo cũng có những ý tưởng thiết kế trình bày để không nằm trong những khuôn mẫu bình thường.
Vừa nhìn thoáng qua thủ bút những bài thơ của Nguyễn Đức Sơn, lối viết một câu hai ba chữ rồi xuống hàng, Dạ Thảo đã liên tưởng ngay đến thể loại thơ Haiku.  Vậy là nảy ra ý dịch thơ của Nguyễn Đức Sơn sang tiếng Nhật. Chia sẻ ý tưởng và hội ý với giáo sư Bùi Chí Trung, hiện anh đang là trưởng Phân khoa Cao học Giao Lưu Văn Hóa Quốc Tế tại trường Đại học Aichi Shukutoku thành phố Nagoya, Nhật Bản.  Ngoài ra anh cũng thường xuyên tham gia những buổi đọc thơ của Câu lạc bộ thơ Quốc tế ở Nagoya.
Anh Bùi Chí Trung đã ở Nhật 50 năm (18/11/1969, cũng là ngày anh lên máy bay sang Nhật du học) nên thật tình anh cũng chưa được đọc thơ của Nguyễn Đức Sơn, nhưng sau khi đọc xong bản đánh máy mà Dạ Thảo gửi sang, anh đã nhận lời dịch ngay và còn nói:  “Nếu thơ của Nguyễn Đức Sơn được tự do phổ biến trong thời gian 50 năm qua thì ông đã đóng góp giá trị rất lớn cho nền thi ca văn học của Việt Nam.  Nhưng ngược lại, với cách sống tự cô lập mình với xã hội, nên thơ của ông không bị ảnh hưởng vào trào lưu thế giới bên ngoài mà vẫn giữ được chất thơ nguyên thủy của Sơn Núi từ xưa đến giờ.”
Khi dịch thơ, để đưa qua gần giống thể loại Haiku là những vần thơ có 17 âm tiết nối kết.  Anh Bùi Chí Trung đã cố tìm chữ áp theo 5 âm, 7 âm, rồi 5 âm để bài thơ khi đọc có âm điệu nghe quen thuộc với ngôn ngữ Nhật trong thơ Haiku, giống như vần thơ lục bát trong ca dao Việt Nam, mà vẫn giữ được hồn thơ của Sơn Núi toát ra.  Có những câu chữ anh phải chuyển qua nghĩa chữ Hán rồi từ đó mới dịch sang tiếng Nhật, mà còn thêm phần phiên âm ra chữ Latin để người ngoại quốc có thể phát âm được tiếng Nhật.
Phần của Dạ Thảo chỉ có mỗi việc là cắt dán font chữ Nhật vào thôi, vậy mà vẫn có những sai sót, anh đã xem lại chỉnh sửa từng lỗi nhỏ, cũng như thay đổi những câu chữ để rõ và sát nghĩa hơn.  Cám ơn giáo sư Bùi Chí Trung đã tham gia và giới thiệu thơ của Nguyễn Đức Sơn ra cho sinh viên Nhật và người thích Thơ ở Nhật.
Đã dịch sang được tiếng Nhật thì không có lý do gì mà không làm được thêm phiên bản tiếng Anh, khi xuất bản tập thơ Nguyễn Đức Sơn ở Mỹ.  Người trong tầm ngắm của Dạ Thảo là Nguyễn Phước Nguyên.  Sang Mỹ từ năm 1975 khi vừa 12 tuổi, anh là một trong những thành viên sáng lập và biên tập trang Văn Học Nghệ 
Thuật Liên Mạng vào những năm 1995, khi công nghệ thông tin ở Mỹ vừa bắt đầu có email phổ biến ra đại chúng.  Khi dịch sang tiếng Anh, Nguyễn Phước Nguyên tâm nguyện: Dịch trọn ý, nhưng phải ngoạn mục trong ngôn ngữ thơ tiếng Anh, như bài thơ gốc tiếng Việt của Nguyễn Đức Sơn.
Trở lại phần dịch sang tiếng Anh của Nguyễn Phước Nguyên trong Chương II, mà Nguyễn Đức Sơn đã đặt tựa đề “Gái Con, Con Gái.”  Đây là một chuỗi thơ gồm 18 bài thơ.  Mặc dầu 2 câu đầu của 18 bài thơ đều bắt đầu bằng 4 chữ “Gái Con, Con Gái”, với những ngôn từ tiếp theo sau 4 chữ đó, ông diễn đạt những thay đổi chuyển tiếp của người con gái qua từng thời kỳ trưởng thành - từ một Con Gái thơ ngây, đến Con Gái tuổi dậy thì sang Con Gái tuổi biết yêu, rồi Con Gái đi lấy chồng, và cuối cùng Con Gái làm vợ làm mẹ.
Nguyễn Phước Nguyên đã dùng những cụm từ như Girl Puerile, đến Girl Pubescent, sang Blossomed Maiden, rồi Young Woman và cuối cùng là Young Wife thật chính xác, và toát ý, để thể hiện trọn vẹn ý thơ “Gái Con, Con Gái” mà Nguyễn Đức Sơn đã cẩn mật diễn đạt trong chuỗi thơ này.
Đó cũng là điều mà Dạ Thảo tâm đắc nhất trong cách dùng chữ tiếng Anh của Nguyễn Phước Nguyên khi chuyển ngữ.  Viết sao cho người nước ngoài đọc hiểu và thấm được thơ của Nguyễn Đức Sơn theo văn hóa và ngôn ngữ của họ, mà vẫn giữ được ý nghĩa và cốt cách riêng của thơ Nguyễn Đức Sơn.  Cám ơn lòng ái mộ Nguyễn Đức Sơn và sự nhiệt tình hết mình của Nguyễn Phước Nguyên cho tập thơ nầy.
Để có được một bản thảo thiết kế hoàn chỉnh đúng tiêu chuẩn của nhà sách Barnes & Noble mặc định, Dạ Thảo xin cám ơn anh Trịnh Y Thư đã tận tình giải thích chỉ dẫn từng bước một.  Anh không ngại trả lời điện thoại, email, tin nhắn hay bất kỳ câu hỏi hay thắc mắc gì vào bất cứ lúc nào.  Anh Trịnh Y Thư là một nhà thơ, nhà văn, nhà dịch thuật.  Dạ Thảo vừa mới được anh gửi tặng quyển thơ Phế Tích Của Ảo Ảnh và tạp bút Chỉ Là Đồ Chơi.  Ôi! sao mà đồ chơi của Trịnh Y Thư thật hấp dẫn quá đi.  Văn Thơ Nhạc Họa, cái gì Dạ Thảo cũng muốn chơi hết vậy nè, chỉ tội là không đủ sức để chơi thôi.  Trong cuộc chơi này, anh nhận phần trách nhiệm quan trọng của nhà xuất bản Văn Học Press là xuất bản và phối hợp với nhà sách Barnes & Noble về việc in ấn phát hành tập thơ Nguyễn Đức Sơn.
Sơn Núi có hai thứ bất di bất dịch trên người ông là cái nón bê-rê (mũ nồi) màu đen; và cái túi vải màu xám, đáy hình tròn, có hai sợi dây dù thắt lại mà cũng có thể dùng sợi dây quảy túi lên vai.  Khi rút dây túi lại, miệng túi xòe ra, đặt dưới đất nhìn trông rất giống cái hồ lô đựng rượu của mấy đạo sỹ ngày xưa.  Nên Dạ Thảo đặt tên cho cái túi đựng thơ của Sơn Núi là cái hồ lô thơ, hay là cái bị cái bang.  Vì bất kỳ lúc nào trong túi đó, ông cũng có thể rút ra một xấp giấy chi chít thơ, hay bản nháp, hay bản copy thơ, tạp chí.  Chưa kể nào là áo quần, võng, đồ ăn, v.v... giống như là cái tủ di động.
Nếu có gặp Sơn Núi bất cứ lúc nào, ở đâu, cũng như xem lại ảnh chụp của ông từ hồi còn rất trẻ, đến ngay cả những bức ký họa vài nét, hay trong tranh sơn dầu của họa sỹ Đinh Cường;  Thì một trong hai vật bất ly thân này đã luôn luôn có mặt cùng với ông suốt mấy chục năm qua.  Đối với Dạ Thảo có thể nói hai hiện vật này chính là biểu tượng độc đáo nhất mỗi khi nhắc đến nhà thơ Sơn Núi, Sao Trên Rừng, hoặc Nguyễn Đức Sơn.
Qua điện thoại, vợ của Nguyễn Đức Sơn, chị Phượng nói chậm rãi: “Mình rất vui khi nghe tin cô Dạ Thảo đang chuẩn bị in tập thơ cho Sơn Núi, ổng mà biết được là mừng lắm đó, khi nào cô về Việt Nam thì lên chơi nhe.” Rồi Phương Bối đưa điện thoại qua cho Sơn Núi, “Cha ơi! cô Dạ Thảo gọi về nói chuyện với cha nè.”  Bên kia đầu dây Sơn Núi Ừmm... thật lớn.  
Phương Bối hỏi tiếp: “Cha ơi! cha còn nhớ cô Dạ Thảo không?”  Sơn Núi lại Ừmm... thêm một lần nữa.
Cám ơn những lời nói động viên chân tình và sự hỗ trợ của chị Phượng, Yên, Lão, Phương Bối, và Tiểu Khê để có thể nhanh chóng thực hiện tập thơ Nguyễn Đức Sơn.
Chỉ một tiếng Ừmm ... của Sơn Núi trên điện thoại lại chính là động lực là sự tiếp trợ cho Dạ Thảo làm việc không quản ngại bất kỳ khó khăn nào.  Mặc dầu phải chạy đua với thời gian, với sức khỏe cạn kiệt từng ngày của Sơn Núi, cũng như công việc và múi giờ trái ngược nhau nhưng cứ nhớ lại lời thách thức của Sơn Núi ngày nào với Dạ Thảo 17 năm về trước.  Lúc đó đang ở studio của họa sỹ Hồ Hữu Thủ, Sơn Núi chạy đến bằng chiếc xe mà thầy Tuệ Sỹ đặt cho cái tên là chiếc xe thổ mộ thời tiền sử.  Khi biết được Sơn Núi lái nó từ đồi Phương Bối, Bảo Lộc xuống tới Sài Gòn thì Dạ Thảo không thể tin nổi.  Đang trố mắt nhìn thì bị Sơn Núi thách “dám ngồi lên cho Sơn Núi chở đi không?” Dạ Thảo nói “dám chớ sao không” vừa mới leo lên ngồi, chân chưa kịp mang dép thì Sơn Núi rồ ga chạy một cái vèo ra cổng đi một vòng khu chợ Đa-Kao.
Vui gì đâu!  Cũng chiếc xe này Sơn Núi đã chở Phương Bối và Tiểu Khê, thêm cái bị cái bang lên Đà Lạt dự triển lãm của Dạ Thảo ở hotel Palace năm 2003.
Cám ơn Phương Bối đã tìm được trong cái hồ lô thơ của Sơn Núi bài thơ viết cho Dạ Thảo.  Còn nhớ  ngày hôm đó, viết xong Sơn Núi đưa cho đọc, vừa đọc xong thì Sơn Núi đòi lại cho bằng được còn mắng Dạ Thảo là đồ gà vịt giun dế làm gì có trình độ đọc được thơ Nguyễn Đức Sơn. Tuy miệng thì chửi nhưng vẫn đi tìm giấy làm thơ cho tiếp mà vừa kể: “Có lần ở trên núi giữa cánh rừng cháy khô, ý thơ ra mà không có giấy để viết xuống.  Sơn Núi bẻ cây viết thơ xuống đất, rồi chạy xuống núi tìm được giấy viết trở lên thì, Hỡi ôi! Gió đã xóa hết chữ rồi.  Sơn Núi chỉ còn biết đứng khóc.”
Theo lời Phương Bối kể lại, có lần thầy Tuệ Sỹ lên đồi Phương Bối thăm Sơn Núi.  Ông hào hứng đưa thầy ra chỉ lên đồi thông và nói: “Sơn Núi sẽ làm nơi này thành một bãi thơ đá chỉ để khắc thơ mà Đông Tây Kim Cổ chưa ai làm.”  Thầy Tuệ Sỹ cười cười nói: “Ông cứ làm đi. Khi nào làm nhớ cho tôi gửi vài bài thơ vào đó.”  Ý tưởng của Sơn Núi khắc Thơ trên Đá chưa thực hiện được nhưng hôm nay Sơn Núi hân hạnh được thầy Tuệ Sỹ viết lời bạt cho Thơ và Đá  trong tập thơ Nguyễn Đức Sơn với tâm tư, tình cảm thâm tình giữa thầy và Sơn Núi đã trải suốt 50 năm qua bao biến cố thăng trầm.  Tập thơ cũng đã được dịch sang tiếng Anh và tiếng Nhật để giới thiệu đến độc giả phương Đông và cả phương Tây mà sẽ còn được bày trên kệ trong các tiệm sách Barnes & Noble ở Mỹ nữa.  Giấc mơ của Sơn Núi đã trở thành hiện thực rồi.  Sơn Núi ráng chờ nhé!
Xin dành lời cám ơn trang trọng nhất đến thầy Tuệ Sỹ, thầy đã viết với một tâm thức sâu lắng, qua ngôn ngữ thầy dẫn dắt người đọc như cùng đi với Nguyễn Đức Sơn xuyên suốt cõi thơ,  cõi đời, và luôn cả một kiếp người.
Đào Nguyên Dạ Thảo

Đôi nét về Tác giả
  Nhà thơ Nguyễn Đức Sơn quê gốc làng Thanh Lương, huyện Hương Trà, Thừa Thiên Huế.  Ông sinh ngày 18 tháng 11 năm 1937 tại làng Dư Khánh, tỉnh Ninh Thuận.  Nguyễn Ðức Sơn bắt đầu công việc viết của mình với bút hiệu Sao Trên Rừng. Ông làm thơ rất sớm, và đã in ra nhiều tập thơ và truyện ngắn từ đầu những năm 1960 cho tới năm 73. Ông có bài viết đăng trên những tạp chí hay các tờ chuyên đề rất nổi tiếng của miền Nam như Thế Kỷ Hai Mươi, Khởi Hành, Bách Khoa, Sáng Tạo,Thời Tập, Thời Nay, Trình Bày, Đối Diện, Mai, Văn, Văn Nghệ.  
Sơn Núi là tên gọi khi nói chuyện với bạn bè. Nguyễn Đức Sơn và vợ Nguyễn Thị Phượng có 9 người con theo tên gọi của thiên nhiên như Thạch, Thảo, Thủy, Vân, Không, Yên, Lão, Phương Bối, Tiểu Khê.
Hiện vợ chồng Nguyễn Đức Sơn, sống ở đồi Phương Bối, xã Lộc Châu, thành phố Bảo Lộc.

TÁC PHẨM
Tập Truyện Ngắn:
Cát Bụi Mệt Mỏi (An Tiêm, 1968)
Cái Chuồng Khỉ (An Tiêm, 1969)
Xóm Chuồng Ngựa (An Tiêm, 1971)
Ngồi Đợi Ngoài Hành Lang (chưa in)
Thơ: Hoa Cô Độc (Mặt Đất, 1965)
Bọt Nước (Mặt Đất, 1966)
Lời Ru (Mặt Đất, 1966)
Đêm Nguyệt Động (An Tiêm, 1967)
Vọng (An Tiêm, 1972)
Mộng Du Trên Đỉnh Mùa Xuân (An Tiêm, 1972)
Tịnh Khẩu (An Tiêm, 1973)

Du Sỹ Ca (An Tiêm, 1973)