Sunday, February 14, 2021

THE LOVE OF OUR PARENTS - Chuyện Tình Ba Mẹ



Ba đi Lễ Phật đầu năm


THE LOVE OF OUR PARENTS

Between life and death
Love is still perfect—
A lifetime of faithfulness.


Chuyện Tình Ba Mẹ

Giữa âm và dương
Tình yêu trọn vẹn
Suốt đời thuỷ chung.

Saturday, February 13, 2021

Tâm Huy Huỳnh Kim Quang: Đọc Thơ Trần Nhân Tông Qua Bản Dịch Của Nguyễn Lương Vỵ

 


Dịch thơ vốn là chuyện khó. Dịch thơ chữ Hán của một đại thiền sư khai sáng dòng Thiền Trúc Lâm Yên Tử tại Việt Nam là Tổ Sư Trần Nhân Tông (1258-1308) lại còn vô vàn khó khăn hơn nữa, bởi vì thơ chữ Hán của Thiền Sư Trần Nhân Tông ngoài phẩm chất văn chương trác việt còn chứa đựng nội dung uyên áo của Thiền, của Phật Pháp.

Nhưng nhà thơ Nguyễn Lương Vỵ đã làm được chuyện khó khăn này một cách rất tuyệt diệu trong tác phẩm “Thơ Trần Nhân Tông” vừa được nhà sách Amazon phát hành vào đầu tháng 5 năm 2017.

Không ngờ nhà thơ Nguyễn Lương Vỵ lại rành chữ Hán đến thế! Trước giờ chỉ biết anh làm thơ hay và dĩ nhiên rành từ Hán Việt, nhưng không biết anh giỏi chữ Hán. Nhân đọc tác phẩm “Thơ Trần Nhân Tông,” mới tò mò dọ hỏi về duyên do vốn liếng chữ Hán mà anh có. Anh kể cho nghe thời thơ ấu sống với ông nội là một nhà Nho nên được ông cụ dạy chữ Hán từ nhỏ. Rồi khi lớn lên vào Đại Học Văn Khoa Sài Gòn trước năm 75 lại có dịp văn ôn võ luyện nên mới thành thạo.

Nhà thơ Nguyễn Lương Vỵ cho biết từ lâu anh rất hâm mộ nhân cách siêu việt và cũng rất mê thơ của Thiền Sư Trần Nhân Tông cho nên, không những dịch 36 bài thơ chữ Hán của ngài, anh còn viết một bài giới thiệu dài gần 60 trang sách về những bài thơ, phú của ngài.

Trong tác phẩm “Thơ Trần Nhân Tông,” nhà thơ Nguyễn Lương Vỵ làm việc rất công phu và khoa học. Mỗi bài thơ của Thiền Sư Trần Nhân Tông anh đều có phần nguyên văn chữ Hán, dịch âm sang Hán Việt, dịch nghĩa bài thơ, phỏng dịch thơ theo thể loại từng bài thơ, và còn có phần ghi chú công phu về điển tích và thuật ngữ để giúp người đọc hiểu rõ hơn.

Khi dịch thơ của Thiền Sư Trần Nhân Tông sang tiếng Việt, nhà thơ Nguyễn Lương Vỵ đã làm được điều hiếm có là anh đã dịch sang chữ Việt hiện đại hoàn toàn chứ không còn giữ nhiều từ Hán Việt, trừ vài trường hợp là những thuật ngữ Phật Học đã thông dụng, cho nên làm người đọc rất dễ hiểu nội dung của bài thơ. Điều này phù hợp với nhu cầu thực tế hiện nay khi mà ngày càng có ít người Việt có thể đọc và hiểu được chữ Hán để thẩm thấu được tinh hoa của nền văn hóa và văn học cổ nước nhà.

Nhờ vốn là nhà thơ đã xuất bản hàng chục thi phẩm, nhà thơ Nguyễn Lương Vỵ đã dịch thơ và lột tả được ý nghĩa trọn vẹn của nó từ bố cục, âm luật cho đến tứ thơ theo từng thể loại của nguyên tác, gồm những bài thơ “ngũ ngôn tứ tuyệt (năm chữ bốn câu),” “thất ngôn tứ tuyệt (bảy chữ bốn câu),” hay “thất ngôn bát cú (bảy chữ tám câu).”

Xin đọc vài bài thơ trong tác phẩm “Thơ Trần Nhân Tông” để cống hiến cho độc giả thưởng lãm văn chương của Trần Nhân Tông và tài dịch thơ của nhà thơ Nguyễn Lương Vỵ.

Trước hết là bài “Lạng Châu Vãn Cảnh”. Bài này được Vua Trần Nhân Tông cảm tác khi đến thăm một ngôi chùa cổ tại Lạng Châu ở tỉnh Lạng Sơn thuộc miền Bắc Việt Nam. Nguyên tác chữ Hán của bài thơ như thế này:
Cổ tự thê lương thu ái ngoại,
Ngư thuyền tiêu sắt mộ chung sơ.
Thủy minh sơn tĩnh bạch âu quá,
Phong định vân nhàn hồng thụ sơ.

Nguyễn Lương Vỵ dịch nghĩa:
Cảnh Chiều Ở Châu Lạng
Ngôi chùa xưa sầu hiu hắt sau lớp mây khói mùa thu,
Chiếc thuyền câu cá buồn bã hiu quạnh, tiếng chuông chùa buổi chiều bắt đầu vang lên.
Nước trong veo, núi yên tĩnh, chim âu trắng bay qua, Gió lặng yên, mây nhàn nhã, cây lơ thơ sắc lá đỏ.

Dịch thơ:
Chùa xưa sầu ngất, mây thu nhuốm,
Thuyền cá buồn tênh, chuông chiều rơi.
Núi tạnh nước trong, âu trắng lượn,
Gió lặng mây nhàn, lá đỏ phơi.

Thiền Sư Trần Nhân Tông đến thăm chùa vào một buổi chiều vắng vẻ chỉ có tiếng chuông chùa len lén ngân vang trong gió lặng, mặt nước sông yên tĩnh và đàn chim trắng bay lượn, với những chiếc lá thay màu đỏ rực. Phong cảnh thật là đẹp! Bản dịch Việt của Nguyễn Lương Vỵ dùng chữ rất giản dị nhưng trong đó có màu sắc của họa, có âm giai của nhạc, và có cả cõi lòng sâu thẳm của khách viếng chùa. Tuyệt diệu nhất là hai câu đầu:
Chùa xưa sầu ngất, mây thu nhuốm
Thuyền cá buồn tênh, chuông chiều rơi.

Ở câu đầu, nhà thơ Nguyễn Lương Vỵ dùng vần trắc “ngất,” “nhuốm” để miêu tả nỗi quạnh hiu cao chất ngất của chốn sơn môn tịch mịch. Rồi câu kế, khi nghe tiếng chuông chùa ngân lên thì dịch giả lại dùng chữ vần bằng “tênh,” “rơi” để diễn tả tâm trạng trầm buồn theo tiếng chuông chùa rơi.

Bài thơ dài nhất trong cuốn “Thơ Trần Nhân Tông” là bài “Hữu Cú Vô Cú” (Câu Có Câu Không), với 9 đoạn và mỗi đoạn 4 câu, mỗi câu 4 chữ, tổng cộng 36 câu. Bài thơ, đúng ra là bài kệ, vì chứa đựng lời dạy khai thị bản chất duyên sinh vô tánh của ngôn ngữ và tất cả các pháp để giúp người siêu việt đối đãi nhị nguyên và vọng chấp có không.

Nhà thơ Nguyễn Lương Vỵ rất tâm đắc bài kệ “Hữu Cú Vô Cú” này vì ông cho rằng đây là bài kệ quan trọng trong các bài thơ của Trần Nhân Tông. Bởi thế ông đã dành gần chục trang trong bài giới thiệu về thơ của Thiền Sư Trần Nhân Tông để nói về bài kệ này. Đặc biệt là 2 đoạn kệ sau đây:
Hữu cú vô cú,
Tự cổ tự kim.
Chấp chỉ vong nguyệt,
Bình địa lục trầm.
Hữu cú vô cú,

Như thị như thị.
Bát tự đả khai,
Toàn vô ba tị.

Nguyễn Lương Vỵ đã dịch rằng:
Câu Có câu Không.
Xưa nay vậy đó.
Nhớ ngón quên trăng,
Vùi thây đất nọ.
Câu Có câu Không,

Vậy đó vậy đó.
Tám chữ mở tung,
Còn gì để nói?!

Bài kệ đầu đề cập đến tích nhà Phật ngón tay chỉ mặt trăng. Ngón tay là phương tiện là Phật Pháp. Mặt trăng là chân tâm, là niết bàn. Nếu cứ dán mắt vào ngón tay thì sẽ không thể nào thấy được mặt trăng. Cũng vậy nếu chấp vào có và không thì sẽ không thể nào buông xả mọi pháp để đắc đạo. Bài kệ kế tiếp có nói đến tích tám chữ mở tung (bát tự đả khai – sanh diệt diệt dĩ, tịch diệt vi lạc – sinh diệt hết rồi, vắng lặng là vui) để nói đến sự vượt thoát sinh diệt để chứng nhập niết bàn tịch diệt. Dùng chữ “mở tung” để diễn tả trạng thái bùng vỡ và siêu thoát lên mọi thứ sinh diệt, thì thật là hay.

Bài thơ số 36 cũng là bài thơ cuối cùng trong tập sách “Thơ Trần Nhân Tông” mà nhà thơ Nguyễn Lương Vỵ trích dịch là một bài thi kệ trích từ bài phú nổi tiếng “Cư Trần Lạc Đạo” của Thiền Sư Trần Nhân Tông. Bài thi kệ này cũng là pháp ấn tâm yếu của Thiền Phái Trúc Lâm Yên Tử.

Cư trần lạc đạo thả tùy duyên,
Cơ tắc xan hề khốn tắc miên.
Gia trung hữu bảo hưu tầm mịch,
Đối cảnh vô tâm mạc vấn thiền.

Nhà thơ Nguyễn Lương Vỵ dịch rằng:
Ở đời vui đạo, cứ tùy duyên,
Đói phải ăn thôi, mệt ngủ liền.
Của quý trong nhà, tìm đâu nữa,
Vô tâm đối cảnh, hỏi chi thiền?!

Bản dịch Việt lời lẽ rất bình dân giản dị đọc qua ai cũng hiểu, nhưng vẫn không đánh mất ý chỉ cốt lõi của Thiền Sư Trần Nhân Tông muốn dạy người tu. Cốt tủy ở đây chính là “đối cảnh vô tâm.”

Chữ “vô tâm” rất khó dịch. Nên xưa nay các nhà dịch đều để nguyên như vậy. Hơn nữa chữ này cũng đã Việt hóa rồi. Đọc qua ai cũng hiểu được phần nào ý nghĩa của nó. Chữ này có thể dịch là “tâm không,” tức là tâm rỗng lặng, không vướng mắc thứ gì, dù rất tỉnh giác, chứ không mơ hồ, mông muội. Vô tâm ở đây chính là tâm không dính mắc vào trần cảnh lúc tiếp xúc, giống như gió thổi qua nhà trống, mây bay thong dong trên bầu trời. Mọi trói buộc đều bắt đầu từ chỗ dính mắc, chấp trước. Cho nên, đức Phật dạy trong Kinh Kim Cang Bát Nhã rằng, “Ưng vô sở trụ nhi sanh kỳ tâm.” Tức là tâm không trụ trước, không dính mắc đối với tất cả pháp. Có thể đạt được vậy bởi vì nhờ trí tuệ Bát Nhã quán chiếu tất cả pháp đều do duyên sinh, không có tự tánh, không có ngã, không có chủ thể. Tâm cũng thế, cũng rỗng rang không tự tánh, không có ngã. Tu được như vậy thì sống ở đâu cũng an lạc, không khổ. Ở đâu cũng là niết bàn. Đó chính là của quý trong nhà rồi còn gì. Đi tìm đâu cho xa. Nhưng làm được thì không dễ!

Giữa thời đại mọi người đang chạy theo những tiện nghi của nền văn minh vật chất hiện đại, hầu như, ít có người còn nhớ tới di sản văn hóa, văn học vô giá của tiền nhân, nhà thơ Nguyễn Lương Vỵ đã tận tụy ngồi dịch từng bài thơ của Thiền Sư Trần Nhân Tông là một việc làm nhiều ý nghĩa, lợi lạc và đáng tán dương.

Một dân tộc mà di sản văn hóa, văn học và tư tưởng bị lãng quên thì dân tộc đó có thể đánh mất quá khứ, đánh mất ký ức, đánh mất truyền thống cao đẹp nghìn năm của mình! Nhất là di sản đó của một vị minh quân của dân tộc đã từng 2 lần đánh bại quân Nguyên Mông xâm lăng Nước Đại Việt thời Nhà Trần như Vua Trần Nhân Tông. Xin cùng nhau giữ gìn di sản vô giá của tiền nhân.

Tri ân Thiền Sư Trần Nhân Tông.

Cảm ơn nhà thơ Nguyễn Lương Vỵ.

Bài này chỉ giới thiệu sơ sài đôi nét độc đáo của bản dịch Việt thơ chữ Hán của Trần Nhân Tông. Độc giả muốn thưởng thức trọn vẹn bản dịch Việt thì nên đặt mua sách “Thơ Trần Nhân Tông” của nhà thơ Nguyễn Lương Vỵ ở địa chỉ nhà sách Amazon: http://www.amazon.com

Friday, February 12, 2021

Uyên Nguyên: Khề khà, ngất ngưởng nắng trưa…

 Uyên Nguyên: Khề khà, ngất ngưởng nắng trưa…

nguyen-luong-vyThi sĩ Nguyễn Lương Vỵ (Ảnh: Uyên Nguyên)

Bóng sinh linh ai nườm nượp lướt qua
Ngồi bệt xuống trước hiên nhà vũ trụ
(thơ Nguyễn Lương Vỵ)

 

1.
Buổi trưa trời đầy nắng, bước vào quán cà phê nghệ sĩ ở góc phố Catinat, tôi chợt nhận ra ông, ngồi giữa mấy người bạn văn chương, háo hức trao nhau vài món quà nhỏ, là những tập thơ cũ, mới…

Chừng ba năm trước, nhân lúc nhạc sĩ Nguyễn Quang Vui từ San Jose về Nam Cali chơi, rủ đến, tôi gặp ông lần đầu tại quán nhậu Song Thủy, dáng vẻ lếch thếch, râu tóc trắng toát, xõa dài dưới chiếc nón bere đội nghiêng, lụp xụp. Ông ngồi ngất ngưởng, khề khà.

Đêm đó, tôi chẳng nghe ông nói gì về thơ, kể cả thơ ông. Mọi người ngồi quanh nghe nhạc, nghe anh Vui thổi saxo bản Phôi Pha của Trịnh Công Sơn, và tôi hát. Tuyệt nhiên, đêm đó tôi lại không hề biết người ngồi cạnh mình, đích thực, là một Thi Sĩ.

Dạo trước, tôi biết có một bài thơ hay từng đăng trên nguyệt san Khởi Hành của Chú Viên Linh, và tạp chí văn chương mạng Da Màu, có tựa: “nhân đọc huyền thoại Duy Ma Cật”. Âm điệu bài thơ rêm rêm, thâm âm thâm u, vang vang, bay. Nghe huyễn hoặc, ma quái, đến một lúc thình lình, ngôn ngữ của mỗi bài thơ như chính tác giả nói, bỗng, ‘mút hết tủy, tự hủy…

Tên tác giả của bài thơ này là Nguyễn Lương Vỵ, nhưng tuyệt, lúc này tôi vẫn không liên tưởng, nhớ ra, nhà thơ này lại là con người lếch thếch, râu tóc trắng toát, khề khà ngất ngưởng ngồi cạnh mình dưới ánh đèn mờ tối hôm nào.

2.
Trưa nay, tôi nhận ra nhà thơ Nguyễn Lương Vỵ, nhờ hồi đó có dịp nhìn được tấm ảnh ông quàng vai thân mật với tác giả “huyền thoại Duy Ma Cật”, thầy Tuệ Sỹ, chụp tại am Thị Ngạn. Ông đang ngồi giữa trưa lún phún nắng, bên chiếc bàn tròn. Tôi tạt ngang chào rồi gởi ông quyển sách vừa mới xuất bản, kèm thêm số báo Hoa Ðàm do mình chủ trương, có đăng lại bài thơ kể trên. Ông thân mật đề tặng cho một quyển thơ vừa trình làng, “Huyết Âm”.

Vẫn tuyệt, lúc bấy giờ tôi cũng chưa thể nhớ hết chuyện cũ.

Trong lúc hí hoáy viết mấy lời đề tặng, ông nhắc: “hồi đó ngồi với Vui ở quán Song Thủy, nhớ không?”. Tôi giật mình, thì ra nhà thơ, và ông già sọm râu tóc bạc phơ đội chiếc nón bere lụp sụp là một, là Nguyễn Lương Vỵ, thế thì đọc thơ ông khoái thật! Như lúc ngồi nhậu dù chưa biết ông là ai, say ngất ngưởng, vẫn đã như thường!

“Mần thơ mần chi? A ha ha…” – (NLV)

3.
Trong vô tận, thơ ông là những ‘hạt máu nóng cất tiếng nóiồn ào thiên cao, mỗi kiếp chữ cháy rừng rựcrợn buốt xương tủy,’ mà lúc ngồi cạnh, thì nom là một ông già tóc, râu trắng bệch bạc, ngất ngưởng khề khà… khề khà… khề khà…!

*

Bài thơ:

Nhân đọc huyền thoại Duy Ma Cật (*)
của Nguyễn Lương Vỵ, gửi Tuệ Sỹ


(Phải đâu huyền thoại?!
Tĩnh tịch sấm rền
Trời cuối Thu nghe một thời kinh trong giọt nắng
Hỏi thăm chùa Già Lam: Thầy ở đâu?
Dáng gầy rạng rỡ hiện ra
Chiều âm bản dưới lầu
Bướm gáy rất xanh trong lòng tay
Mắt chớp rất xanh trong bể dâu)

Sở thuyết búng huyết nở trắng hết
Ngàn thâu mưa tràn bâu y nâu
Mỗi giọt mỗi kiếp sống nhớ chết
Đi chơi về chơi gò bông lau

Sở thuyết búp tuyết đỏ đáy vực
Rêm rêm âm âm vang vang bay
Mỗi chữ mỗi kiếp cháy sáng rực
Thâm âm thâm u từ lâu nay

Sở thuyết dấu nguyệt biếc đỉnh núi
Bông mây bông trời trôi mênh mang
Tịnh xứ tịnh xá lạy hạt bụi
Nhìn lâu nghe lâu chuông hoàng lan

Sở thuyết cửa huyệt gió chín cõi
Không đầu không đuôi trôi và trôi
Tủy buốt máu nóng cất tiếng nói
La thầm: Mồ-Ma-Người rồi thôi!!!

(Phải đâu huyền thoại?!
Chớp tắt thinh không
Đầu lưỡi vẫn còn tê câu thơ Lý Hạ(**)
Thầy rù rì kể chuyện Duy Ma Cật
Moi hết ruột gan vũ trụ
Đêm nhương sao ươm hạt
Nhạc nhú mầm trong những đốt xương)…

Kính cẩn tái bút:
Ngồi đây kinh âm đầy trong tai
Tịch mặc mắt ráo hoảnh lặng ngắt
Người quên? Ta quên? Ai quên ai?!
Chỉ thấy gió nở vạn thuở …tắt

Ngồi đây mà sao như chiêm bao
Huyễn hoặc giếng cạn gọi biển lớn
Huyền thi huyền ngôn ồn thiên cao
Cớ sự? Sống nhớ chết phải…rống

Ngồi đây ôm vai ma mà ca
Chẳng hối chẳng tiếc chỉ tự hỏi
Mần thơ mần chi? A ha ha
Chữ nghĩa mút hết tủy tự hủy!!!

Ngồi đây ngay lưng nhìn xưa sau
Nín bặt búng huyết tuyết lịch kiếp
Quên chưa? Mưa hoa người đi đâu?!
Chưa quên. Hương Già Lam dài lâu…

Nguyễn Lương Vỵ
Sài Gòn – Quận Cam, 11.2007

(*) Tác phẩm của Tuệ Sỹ
(**) Thi sỹ Trung quốc, đời nhà Đường, được xưng tụng là Quỷ Thi

 TUYẾT TRẦM ÐÀN
Thơ: Nguyễn Lương Vỵ – Nhạc: Lại Tôn Dũng

Tuesday, February 2, 2021

Nguyên Giác: Đọc “Phật Điển Phổ Thông: Dẫn Vào Tuệ Giác Phật”

 Đọc “Phật Điển Phổ Thông: Dẫn Vào Tuệ Giác Phật”

Nguyên Giác

Bìa sách “Dẫn Vào Tuệ Giác Phật” (Photo: sachhuongtich.com)


Ấn phẩm “Phật Điển Phổ Thông: Dẫn Vào Tuệ Giác Phật” (DVTGP) là tuyển tập Kinh và luận ghi từ 3 truyền thống: Thượng Tọa Bộ, Đại Thừa, Kim Cang Thừa. Sách dày 850 trang, chữ nhỏ. Do vậy, khi viết bài này, dù nói là “đọc sách” hay nói là “giới thiệu sách” cũng chỉ là mạo phạm. Cũng y hệt như vào một thư viện Phật học khổng lồ, và tự biết rằng sức người chỉ có thể đọc một phần rất nhỏ, nơi một góc các kệ sách thư viện. Người viết tự biết là không dễ để viết về ấn phẩm này, dù là với nhiệt tâm muốn mời gọi độc giả tìm đọc, để thỉnh ấn phẩm này. Đúng ra, những dòng chữ này xin là “vài suy nghĩ rời” về một ấn phẩm rất cần thiết cho người học Phật.

Phản ứng đầu tiên là giựt mình, khi nhìn thấy tác phẩm quý giá này chỉ “in 1000 cuốn, khổ 12X20 cm tại Xí nghiệp In Fahasa” – tại sao in quá ít như thế, đó là điều rất khó hiểu. Người viết ước mơ rằng sách này nên in vài chục triệu ấn bản, trao tặng tất cả Phật Tử và những người quan tâm về Phật học. Tuyển tập Phật Điển này để đọc một đời, không chỉ để đọc trong một tuần, một tháng hay một năm.

Một điểm nữa, nói “đọc” hay “giới thiệu” sách Phật Điển chỉ là nói theo kiểu ngôn ngữ phàm trần. Bản thân mình có tư cách gì mà làm như thế. Nơi đây, chỉ là lạm dụng ngôn ngữ thôi. Bởi vì Kinh là Lời của Phật, làm sao mình dám làm như khi gặp các tác phẩm truyện hay thơ trong đời thường. Tuy nhiên, nếu lặng lẽ chắp tay, đặt bộ Phật Điển này lên bàn thờ thì lại có lỗi khác, vì không quảng diễn một vài điểm có thể lợi ích cho một số độc giả.

Thêm nữa, đâu có phải chỉ đọc một tuần hay một tháng là xong. Kinh Phật đôi khi có những kinh rất ngắn, mà phải đọc trọn đời. Đó là chưa kể, có những kinh hướng dẫn tu tập, ngay cả các kinh quen thuộc, tu vẫn là cả một đời, như Từ và Bi nơi trang 486, như Chỉ và Quán nơi trang 527, như Bốn Niệm Trụ (thường dịch là Tứ Niệm Xứ) nơi trang 531, Niệm Hơi Thở nơi trang 538, hay Quán Vô Ngã nơi trang 660 là pháp tu trọn đời --- không chỉ để đọc hay để tụng, vì đọc tụng thì không vào sâu được. Nói chung, ấn phẩm DVTGP là cuốn sách với trang nào cũng cần đọc, với dòng chữ nào cũng cần trân trọng.

Sách “Phật Điển Phổ Thông: Dẫn Vào Tuệ Giác Phật” thực hiện với Chủ biên bản dịch Việt là Lê Mạnh Thát và Tuệ Sỹ, ấn hành do Hương Tích và NXB Hồng Đức. Sách này là một dự án của Hội Đồng Vesak Quốc Tế, đặt tại Đại Học MCU của Thái Lan. Kết tập và soạn tập sách này là nhiều Biên tập viên và dịch giả quốc tế. Trong đó, phía người Việt có Hòa Thượng Thích Tuệ Sỹ, GS TS Lê Mạnh Thát, và GSTS Thích Nhật Từ. Biên tập viên và dịch giả tiếng Việt, với Tổng biên tập là Thầy Thích Tuệ Sỹ, và các vị phiên dịch là: Thích Hạnh Viên, Thích Nữ Khánh Năng, Thích Thanh Hòa, Pháp Hiền Cư sỹ, Nguyễn Quốc Bình.

Duyên khởi sách này là từ Hội nghị lần thứ nhất của Hội Đồng Tăng già Thế Giới tại Colombo năm 1967, một số khoảng 20 học giả Phật Giáo tuyển chọn từ ba truyền thống Phật Giáo đảm trách dự án này. Trưởng Biên tập là Hòa Thượng GS TS Phra Brahmapundit viết, “Trong suốt bảy năm, ủy ban biên soạn đã tổ chức không dưới 20 hội thảo chuyên đề tại MCU để phát huy nhận thức và triển khai phương án cụ thể. Khoảng 490 trích đoạn từ các kinh điển và các luận thư hậu kỳ cùng với các sở thích của ba truyền thống Phật giáo được tuyển dịch trong tác phẩm này hợp đồng giới thiệu những gì Đức Phật đã thuyết…” (DVTGP, trang 10)

Như thế, sách này có thể gọi là đầy đủ các cốt tủy của Phật Học. Độc giả có thể thỉnh sách này ở:

Thư Quán Hương Tích,

308/12 Nguyễn Thượng Hiền,

P.5, Quận Phú Nhuận, TP.HCM.

Phone: (28) 35500339 hay email: huongtichbooks@gmail.com

Cuốn sách này mênh mông như thế, biết làm sao viết một bài mà giới thiệu được? Do vậy, nơi đây sẽ chỉ nêu lên một truyền thuyết thường được nhắc tới trong Thiền Tông, và in lại trong sách DVTGP ở trang 749. Đề mục này trong sách là “M.165 Ca-diếp ngộ chỉ niêm hoa vi tiếu, thành Sơ tổ Thiền tông.”

Chữ M.165 là viết tắt chữ “Mahayana.165” tức là, “Kinh hay luận trong truyền thống Đại thừa, thứ tự mục số 165.” Tương tự, Th. là viết tắt Theravada, tức là Thượng Tọa Bộ, có khi quen gọi là Nam Tông. Trong sách này truyền thống Kim Cang Thừa viết tắt là V., nhiều Phật tử còn quen gọi là Phật Giáo Tây Tạng. 

Trong M.165 kể về một thiền thoại như sau:

Đức Thế Tôn niêm hoa: Một lần, trên đỉnh Linh Thứu, đức Thế Tôn đưa lên một cành hoa trước đại chúng. Mọi người bấy giờ đều im lặng, chỉ có tôn giả Ca-diếp mỉm cười. Đức Thế Tôn bảo: “Ta có pháp môn vi diệu, là kho tàng con mắt Chánh Pháp (Chánh Pháp nhãn tạng), tâm vi diệu Niết-bàn (Niết-bàn diệu tâm), vô tướng của thật tướng (thật tướng vô tướng), không lập văn tự, truyền riêng ngoài giáo, nay đem giao phó cho Đại Ca-diếp.” (DVTGP, trang 749) 

Đoạn văn trên cũng là trích dịch từ Vô Môn Quan, một tác phẩm của Thiền Tông Trung Hoa, được nhiều người dịch sang tiếng Việt.

Như vậy, Đức Phật truyền cái gì cho ngài Ca-diếp? Pháp môn vi diệu này là gì? Bông hoa đưa lên là có tướng bông hoa, sao gọi là vô tướng của thật tướng và sao lại liên hệ gì tới “Chánh pháp nhãn tạng, Niết-bàn diệu tâm”? Có ai thấy ngài Ca-diếp  thò tay ra để nhận pháp hay nhận y bát gì đâu, mà chỉ được kể là mỉm cười thôi?

Hình như (xin dè dặt nói là, hình như) thiền thoại này không được ghi lại trong Tạng Pali, và hình như cũng không ghi trong Tạng A Hàm. Như thế, nghĩa thực của thiền thoại “niêm hoa vi tiếu” là gì.

Trong cương vị của một người hoàn toàn không có thẩm quyền gì, nơi đây xin mạn phép trả lời rằng: ngay ở cái ngó thấy hoa đó, tự thân đã là Niết-bàn, đã lìa tham sân si. Ngay ở cái “thấy hoa” đã là cảnh giới mà Kinh Tứ Thập Nhị Chương gọi là “vô tu, vô chứng” --- nghĩa là, nếu ở cái thấy đó, mà còn tu hay còn mài giũa thì là hỏng, hay nơi cái thấy đó mà còn vin vào chỗ nào gọi là chứng thì cũng hỏng.  Bởi vì ngay ở cái thấy đó, tự thân là giải thoát rồi. Chính ngay khi đó, nói bằng ngôn ngữ khái quát hóa, thì ngài Ca-diếp đã “thấy cái vô tướng và nghe cái vô thanh.”   Bởi vì ngài “thấy cái vô tướng” nên “tướng hoa” mới hiện lên, và vì “nghe cái vô thanh” nên “lời Đức Phật” mới vọng tới. Chính ngay đó là giải thoát. Hễ làm gì khác cho cái thấy đó, cho cái nghe đó đều là hỏng.

Có rất nhiều nhân duyên để hình thành ra một cái “thấy hoa”  và “nghe lời Đức Phật” như thế. Có ngọn núi Linh Thứu, có Đức Phật đưa tay cầm hoa lên, có hội chúng vân tập trong đó ngài Ca-diếp tới nghe lời Đức Phật thuyết kinh, có cái được thấy và có cái được nghe, nhưng thực sự không có ai thấy và không có ai nghe, vì tìm hoài, tìm khắp cả ngoại xứ (khắp núi đồi cây cỏ chúng hội…) và nội xứ (khắp thân tâm, gan tim phèo phổi…) cũng  không tìm ra cái gì là chủ thể của cái thấy và nghe. Trong khi đó, ngọn gió vô thường chảy xiết, tất cả những hình ảnh (được thấy) và những âm thanh (được nghe) liên tục biến đổi. Trong những hình ảnh được thấy (như thấy hoa, thấy tay Đức Phật đưa hoa lên) và những âm thanh (như nghe giọng Đức Phật nói) hễ ngài Ca-diếp nghĩ là phải mài giũa, phải tu gì nữa, thì sẽ là hỏng, vì chỉ là “bám víu cái niệm của quá khứ” hay chỉ là “mơ tưởng cái niệm của tương lai” hay chỉ là “níu kéo cảm thọ khoan khoái khi nghe Đức Phật khen” đều là hỏng. Ngài nhận ra ngay trong “cái thấy, cái nghe” tự thân đã lìa thủ với xả, vì hễ cố ý thủ với xả là tức khắc không còn là “cái thấy, cái nghe” mà nó đã hiện ra “cái tôi muốn hay cái tôi không muốn” --  và là tham sân hiện ra.

Nghĩa là, khi pháp hiện lên rồi biến mất, tất cả những cái thấy (và cái được thấy) và tất cả những cái nghe (và cái được nghe) đều không hề có gì là “tôi” và “của tôi.” Đó là chỗ trong Thiền sử, khi một bà cụ hỏi sư Đức Sơn rằng: “Kinh Kim Cang nói quá khứ tâm bất khả đắc, hiện tại tâm bất khả đắc, vị lai tâm bất khả đắc, xin hỏi Thượng tọa điểm tâm nào?” Thế là nhà sư trả lời không được. Thế nhưng, nụ cười của ngài Ca-diếp được Đức Phật khen ngợi, vì thấy được và sống được với “tâm không chỗ nào để trụ.”

Trong cái thấy, cái nghe đó, toàn bộ quá khứ, vị lai và hiện tại đều bất khả đắc. Hễ đắc gì đều là trật nhịp ra ngoài Niết-bàn diệu tâm. Vì trong Pháp tánh Duyên khởi, tất cả đều là rỗng rang, là Tánh không. Nơi đây, để lấy cái “thấy hoa” ra đối chiếu, trong mục “M.16 Pháp siêu việt ngôn ngữ” ở sách DVTGP trang 268, trích như sau: 

Pháp không dao động, vì không y chỉ sáu xứ. Pháp không đến, không đi, vì không sở trụ. Pháp thuận hợp Không, tùy hiện Vô tướng, ứng hợp Vô nguyện, vì viễn ly tăng giảm. Pháp không thủ xả vì viễn ly sanh diệt…”

Tương tự, có thể đối chiếu “cái thấy, cái nghe” của ngài Ca-diếp với mục “M.63 Duyên khởi và trung đạo II” nơi trang 423, trích: 

Này Vô Biên Trang Nghiêm, các ông, những bậc trí giả, nên biết như vầy, tướng chân thật của tất cả pháp là không đến, không đi, không phân chia, không gián đoạn, không đồng nhất tánh, không dị biệt tánh, đến bờ kia cao nhất của hết thảy pháp. Không có bất cứ pháp nào mà không đến bờ kia. Đến bờ kia chính là Niết-bàn. Chân thật tướng của các pháp là Niết-bàn. Vì vậy, nên biết, là bất khả thuyết.”

 Chúng ta cũng có thể níu áo ngài Ca-diếp bằng một số kinh khác. Thí dụ, như Kinh Bahiya, khi Đức Phật dạy rằng hãy để cái được thấy, được nghe, được tri giác… là cái được thấy, được nghe, được tri giác… thì ngay nơi đó, không còn sinh tử luân hồi nào trói buộc nửa.  Nghĩa là, tự thân, thấy nghe hay biết đã là giải thoát. 

Ngài Huệ Năng cũng dạy cho ngài Huệ Minh y hệt như thế: “Đừng nghĩ thiện, đừng nghĩ ác, chính khi ấy cái gì là Bản lai diện mục của Thượng tọa Minh?” Nghĩa là, khi bông hoa của Đức Phật đưa lên, nếu ngài Ca-diếp (và chúng ta) còn nghĩ ngợi bất cứ gì thì ngay khi đó, hoa không còn là hoa đang hiển lộ trong cái gương tâm tinh khôi của ngài Ca-diếp (và của chúng ta). Ngay khi hoa đưa lên, nếu chợt khởi tâm muốn hoa phải thế này, phải thế kia… thì không còn là “cái hoa đang là” mà là đã, đang và sẽ biến thành một “cái hoa trong ý chí ảo tưởng” của người đối diện.

Có thể dẫn một kinh khác để thấy hoa. Kinh ghi rằng một Thiên nữ hiện ra, hỏi Đức Phật rằng làm cách nào vượt khỏi bộc lưu. Ý là, làm sao thoát dòng sông của nghiệp lực. Chúng ta sống trên đời, sinh già bệnh chết, đi đứng nằm ngồi đều là do nghiệp thúc đẩy. Bấy giờ, Đức Phật trả lời: “Này Hiền giả, không đứng lại, không bước tới, Ta vượt khỏi bộc lưu. Này Hiền giả, khi Ta đứng lại, thời Ta chìm xuống. Này Hiền giả, khi Ta bước tới, thời Ta trôi giạt; do vậy, này Hiền giả, không đứng lại, không bước tới, Ta vượt khỏi bộc lưu.”

Hình ảnh trên dòng sông nghiệp có thể giải thích về cái nhìn “thấy hoa” của ngài Ca-diếp. Nếu khởi tâm “thấy không phải là thấy” hay khởi tâm “nghe không phải là nghe” mà là muốn bước tới,  tức là muốn nắm giữ hay muốn kình chống, tức là “thấy hoa phải là cái gì khác” thì sẽ chìm. Nhưng nếu nói rằng cứ đứng lại thì là sẽ bị dòng sông nghiệp kéo chìm (vì chúng ta luôn luôn bị nghiệp thúc đẩy, cho tới khi bức màn vô minh, tức là nghiệp si vén lên). Do vậy, “không đứng lại, không bước tới” là cái tỉnh thức của thấy nghe hay biết, và là xa lìa cả tâm ba thời quá khứ, vị lai, hiện tại, tức là cái nhìn của tâm vô tâm, hoàn toàn vô sở trụ, không trụ vào ba thời, không trụ vào năm uẩn… 

Đó mới đúng là cái “thấy hoa” của ngài Ca-diếp. Trong cái thấy đó, hiển lộ trong gương tâm không hơn và không kém, không tới và không lùi, một vị bình đẳng; hễ ai thấy và nghe mà cứ khởi dị tâm thì tức khắc gương tâm không còn “thấy hoa” mà chỉ là “thấy cái tâm mình muốn hoa phải là, hay thấy cái tâm mình muốn hoa không là” và thế là sẽ hiện ra sáu cõi mịt mù phiền não. Như vậy, chỉ trong một “cái thấy” và “cái nghe” là có thể thấy tận Khổ Tập Diệt Đạo.  

Sách DVTGP nơi mục M.66, trang 426 ghi: “…đối với thế gian vô thường bịnh hoạn mà chứng đắc thường trụ Niết-bàn; đối với thế gian không được che chở, không nương tựa mà che chở và làm nơi nương tựa. Vì sao? Vì pháp không có hơn kém mà chứng đắc Niết-bàn; vì trí tuệ bình đẳng mà chứng đắc Niết-bàn; vì giải thoát bình đẳng mà chứng đắc  Niết-bàn; vì thanh tịnh bình đẳng mà chứng đắc Niết-bàn. Cho nên Niết-bàn chỉ có một vị, vị bình đẳng, gọi là vị giải thoát.”

Khi đã hiểu đạo, sẽ thấy tất cả các tông phái xuyên suốt nhau, không ngăn ngại, dù là Nam Tông hay Bắc Tông, dù là Thiền Tông hay Bát Nhã, dù là Duy Thức hay Hoa Nghiêm, và vân vân. Cách nói khác nhau, nhưng đều chỉ về một vị giải thoát.

Thí dụ, nơi đây, chúng ta thử nói chuyện “thấy hoa” (như thiền thoại Đức Phật đưa hoa lên và ngài Ca Diếp mỉm cười) hay chuyện “nghe tiếng đàn” (như Kinh Lăng Nghiêm, nói về cội nguồn cái nghe) qua phân tích của Tông Hoa Nghiêm. Trong sách DVTGP, nơi mục “M.150 Kim sư tử chương” ở các trang 652-654) viết về luận này của ngài Pháp Tạng (643-7 12), nhìn thực tại như là pho tượng sư tử vàng hiện lên như “cái được thấy” và chất “vàng” là tánh của các pháp, tức là tướng (sư tử) dựa vào tánh (vàng) để hiển lộ. Không có “tánh vàng” thì không có “tướng sư tử” và  ngược lại. 

Như vậy, hình ảnh hoa là cái được thấy, tiếng đàn là cái được nghe. Do vậy, hoa và nhạc là “tướng” và dựa vào “tánh” là duyên khởi trùng trùng đưa tới “hoa ảnh” và “tiếng đàn.” 

Trong Tạng A Hàm, Kinh SA 1169, Đức Phật dạy về cội gốc của những gì được thấy nghe hay biết đều là do duyên khởi, là rỗng rang, là cạm bẫy sinh tử, chớ nên níu kéo gì hết. Như tiếng đàn, Kinh này viết:

"Này các Tỳ-kheo, thời quá khứ có ông vua nghe tiếng đàn hay chưa từng có được, nên sanh yêu thích, say mê, chìm đắm. Vua hỏi các vị đại thần rằng: ‘Đó là những âm thanh gì mà nghe khả ái quá vậy?’ Đại thần tâu: ‘Tâu bệ hạ, đó là những tiếng đàn.’ Vua nói với đại thần: ‘Khanh hãy đem những âm thanh đó đến đây.’ Đại thần vâng lời, liền đem cây đàn đến tâu: ‘Tâu đại vương, đây chính là cây đàn đã tạo ra âm thanh hay.’ Vua nói đại thần: ‘Ta không cần cây đàn, mà chỉ cần đem những âm thanh khả ái đã nghe lần trước đến.’ Đại thần tâu: ‘Cây đàn này cần phải có nhiều thứ, là phải có cán, có máng, có thùng, có dây, có da và người đàn giỏi. Cần phải hội đủ những nhân duyên này mới thành âm thanh. Nếu thiếu đi những dụng cụ này thì sẽ không có được âm thanh. Âm thanh mà bệ hạ đã nghe trước đây đã qua lâu rồi, chúng đã biến chuyển và cũng đã diệt mất rồi, không thể đem đến được.’..." (Kinh SA 1169. Bản dịch Tuệ Sỹ, Đức Thắng)

Trở lại chuyện sư tử và vàng của Hoa Nghiêm Tông. Như thế, ảnh hoa và tiếng đàn là ví như sư tử, tánh không là ví như vàng. 

Sách DVTGP, trang 653 viết về “1. Minh duyên khởi”: “Cái ta gọi là vàng vốn không có tự tánh, tùy theo duyên thợ công xảo, thời tướng sư tử hiện khởi. Khởi chỉ do duyên, nên nói là duyên khởi.” Như thế, chúng ta thấy, tiếng đàn và ảnh hoa không có tự tánh, tùy duyên khởi mới có tướng là cái được nghe và cái được thấy.

Phần “2. Biện sắc không” nơi cùng trang trên, viết: “Cái ta gọi là ‘sư tử’, tướng của nó là hư, vàng mới là thật. Sư tử không phải có, chất vàng không phải không, do đó nói là sắc (vàng) và không (sư tử). Lại nữa, Không không có tướng riêng, nhưng nó không chướng ngại (sắc) huyễn có. Đây gọi là sắc và không.” Như thế, tướng là hư, tức là ảnh hoa và tiếng đàn (cái được thấy và cái được nghe) là hư, vàng mới là thật, tức là Không tánh, hay Pháp Tánh Duyên khởi tánh mới là thực.

 Tương tự Hiển vô tướng nói, “ngoài vàng không có tướng nào của sư tử mà bắt nắm được. Do đó, nói là vô tướng.” Chúng ta cũng nói, ngoài hoa ảnh và tiếng đàn thì không có tướng nào của Không tánh hiện ra, nên có tướng nhưng thực tướng là vô tướng. 

Tương tự Thuyết vô sanh nói, “Ngay khi thấy sư tử sanh, đó chỉ là vãng sanh. Ngoài vàng, không có một vật gì. Sư tử tuy có sanh diệt, nhưng vàng không có tăng giảm. Đây gọi là vô sanh.” Do vậy, hoa ảnh được thấy, tiếng đàn được nghe, chính là Không tánh sanh khởi. Hoa ảnh và tiếng đàn có sanh diệt, nhưng Không tánh không tăng giảm, nên gọi là vô sanh.

Tận cùng là “10. Nhập Niết bàn” (DVTGP, trang 654) viết: “Khi thấy sư tử và vàng, cả hai tướng (sư tử và vàng) đều dứt hết, thì phiền não không sanh. Đẹp xấu hiện tiền nhưng tâm an bình như biển lặng. Vọng tưởng dứt sạch, không còn bức bách, thoát triền phược, lìa chướng ngại, vĩnh viễn bỏ xa nguồn khổ. Đây gọi là nhập Niết-bàn.” Tuyệt vời là như thế, thấy cả hai tướng “tiếng đàn và Pháp Tánh duyên khởi” đều dứt hết, tâm an bình như biển lặng… 

Không chỉ cái được thấy (hoa) và cái được nghe (tiếng đàn), độc giả cũng có thể mở sách “Phật Điển Phổ Thông: Dẫn Vào Tuệ Giác Phật” và nghiệm về cái được ngửi. Bạn thắp nhang lên, thấy mùi hương trầm, sẽ thấy “mùi hương” này là “sư tử” và hiển lộ ra với bạn qua Pháp tánh Duyên khởi tức là “Không” hay là “vàng” và bạn có thể tự xét nghiệm từng dòng kinh luận như thế. Tuyệt vời là hạnh phúc, khi sống được từng lời Đức Phật dạy. Trân trọng ghi lại vài suy nghĩ rời nơi đây, và chân thành mời gọi độc giả tìm đọc tuyển tập Kinh luận này.

PHOTO:

Hai vị Chủ biên Việt dịch sách DVTGP: Lê Mạnh Thát – Tuệ Sỹ 

GHI CHÚ: Cội Nguồn Tổ Việt, ấn tống được 500 cuốn (200 Anh; 300 Việt) và đã đem về Mỹ để tặng và nhường lại cho những ai hữu duyên. Nếu quý vị nào muốn ủng hộ cho thư viện thành phố địa phương, hoặc có nhu cầu thỉnh về đọc, xin liên lạc cư sĩ Tâm Thường Định Phe X. Bach: tamthuongdinh@gmail.com .

Sunday, January 31, 2021

Nguyễn Xuân Thu | Hồi Ký: Hành Trình Từ Trường Làng Đến Đại Học Quốc tế RMIT Việt Nam | Chương 1: Đứa Trẻ Mồ Côi

 

Nguyễn Xuân Thu | Hồi Ký: Hành Trình Từ Trường Làng Đến Đại Học Quốc tế RMIT Việt Nam | Chương 1: Đứa Trẻ Mồ Côi

GS Nguyễn Xuân Thu | Ảnh: FB Thu Nguyen

Đứa trẻ mồ côi

Ba tôi mất lúc tôi còn rất bé, có lẽ chưa tới năm tuổi, vì thế tôi không có nhiều kỷ niệm về ông. Ký ức đầu tiên mỗi lần nhớ đến ba tôi là lúc ông bị một người chú trong họ đuổi chạy quanh gốc một cây mít trước nhà và lần sau cùng là lúc ba tôi mất khi ấy tôi được mặc áo tang vui vẻ ngồi nhìn mọi người khóc bên quan tài. Tôi không còn nhớ khuôn mặt của ba nhưng nghe người ta nói rằng tôi rất giống ông. Người ta còn nói ông là người rất giỏi chữ Hán và đặc biệt là ông viết thứ chữ này rất đẹp. Sau khi ông mất trong nhà còn rất nhiều sách chữ Hán bằng giấy dó[1] và những người hàng xóm thỉnh thoảng đến xin một vài quyển để làm giấy vấn thuốc hút. Tôi cũng được nghe nói ông thường hay uống rượu, đánh bạc và ngao du với bạn bè trong nhiều làng lân cận. Ông kiếm sống bằng nghề dạy học tại nhà và chữa bệnh cho người trong làng. Ngoài ra tôi không biết gì thêm về ông, kể cả tên tuổi của ông bà nội tôi.

Ba tôi có hai người vợ. Người vợ đầu có với ba tôi hai người con, một gái là chị Liễu và một anh trai tên Chút[2]. Sau khi bà mất một thời gian thì ba tôi cưới mẹ tôi, người quê ở Ba Đồn, phần đất ở phía bắc của tỉnh Quảng Bình giáp giới với tỉnh Hà Tĩnh. Đến bây giờ tôi vẫn không biết duyên nợ nào họ gặp nhau. Mẹ tôi sinh ra được bốn người con. Chị cả tên Em, chị thứ hai là Luyến[3], tôi và một đứa em trai tôi không nhớ tên. Lúc được một hai tuổi gì đó thì em tôi mất vì bị bệnh.

Ít lâu sau khi ba tôi mất, mẹ tôi cho tôi đi học với một thầy giáo làng tên Huy. Trong làng tôi thời ấy có ít trẻ con thuộc lứa tuổi của tôi được đến trường. Mẹ cho tôi đi học vì bà không muốn lớn lên tôi sẽ phải bị bắt làm “xâu”, một lớp dân cùng đinh phải phục dịch mọi chức sắc trong làng và còn bị đánh đập, chửi mắng thậm tệ. Phần khác bà muốn tôi đến trường để bà còn rảnh rang làm lụng trong vườn nuôi ba chị em chúng tôi.

Nhà tôi không có ruộng, chỉ có khoảng bốn sào đất vườn trồng khoai, môn, sắn. Trong vườn còn có cau, trầu, chè, mít, ổi, bưởi và có hai cái ao nhỏ. Công việc làm vườn chỉ có mẹ tôi và chị đầu của tôi lúc ấy khoảng 10 tuổi phụ giúp. Chị Liễu và anh Chút con của bà vợ đầu của ba tôi đi ở đợ cho những người trong làng và thỉnh thoảng năm ba tháng mới ghé về nhà thăm và chỉ ở lại một đêm rồi đi. Chẳng biết sao mẹ tôi có ác cảm rất lớn đối với hai anh chị cùng cha khác mẹ của tôi. Ngược lại tôi rất thương họ, đặc biệt là anh Chút. Mẹ tôi không hề nói cho tôi biết bất cứ một điều gì về ba tôi cũng như về quá khứ của bà. Từ lúc bà mất, mấy chị em chúng tôi hoàn toàn mất liên lạc với gia đình bên ngoại.

Mẹ tôi có bề ngoài khá duyên dáng. Nhiều người trong làng rất quý bà, thường gọi bà là bác “Phó”, có lẽ vì ba tôi lúc còn sống có làm phó cho một chức sắc nào đó trong làng. Mỗi lần đi chợ hoặc đi thăm bà con, mẹ tôi thường mặc áo dài nhuộm nâu và có mảnh vá ở vai bằng vải màu trắng. Trong những đêm mùa hè oi ả, mẹ tôi thường ngồi ăn trầu và quạt cho tôi ngủ. Trong một thời gian dài của tuổi thơ, tôi được yên giấc trong vòng che chở của mẹ. Thời thanh bình ấy kéo dài không lâu.

Làng tôi gần đường quốc lộ số 1. Địa thế gồm phần đất thấp ở dưới dốc và vùng đất cao ở trên dốc. Khoảng giữa năm 1947, lúc lính Pháp đến đóng đồn ở Hồ Xá, cán bộ Việt Minh vận động dân trong làng xây “Hàng rào Chiến đấu”[4]. Nhà tôi ở dưới dốc, ngoài Hàng rào Chiến đấu nên ban ngày do “địch” kiểm soát. Còn phần phía sau Hàng rào Chiến đấu có dân quân du kích canh gác cẩn mật. Nếu có lính Tây đi vào làng là có báo động để dân làng kịp thời trốn chạy vào các làng ở vùng sâu. Dân chúng sống trong vùng ngoài hàng rào chiến đấu chịu ách một cổ hai tròng. Ban ngày thì lính Tây đi lùng, bắt người khả nghi, hãm hiếp đàn bà con gái. Còn ban đêm thì do du kích và cán bộ Việt Minh kiểm soát, hạch hỏi, thu thuế, thủ tiêu những người họ nghi ngờ.

Mẹ tôi qua đời lúc tôi lên 13 tuổi sau gần một tuần lâm bệnh. Tôi trở thành đứa bé mồ côi cả cha lẫn mẹ. Người chị cả của tôi tên Em lúc này là một thiếu nữ 18 tuổi, khá xinh xắn. Nếu ở vào thời buổi bình yên thì chị có thể đi làm thuê hay buôn bán kiếm đủ tiền nuôi tôi và chị Luyến của tôi. Nhưng lúc ấy là thời chiến tranh đang rất khốc liệt. Thành thử chị phải đi lánh vào các làng trong vùng xa đồn Tây và năm mười hôm mới về nhà thăm chúng tôi một lần vào buổi tối và mang về cho chúng tôi một ít khoai, sắn. Ở nhà còn lại chỉ có chị kế tôi và tôi. Quá đói, người tôi tiều tụy, gầy nhom. Tôi thèm từng hạt cơm rơi, từng miếng vỏ khoai lang cho heo ăn của hàng xóm. Đây là thời gian tôi và chị kế của tôi đói và bệnh triền miên. Trước mắt, tương lai hai chị em tối mịt.

Những kỷ niệm thời tuổi thơ

Kỷ niệm còn để lại dấu ấn sâu đậm nhất trong tôi là cuộc cắm trại do trường tổ chức tại một địa điểm trong làng không xa nhà tôi bao nhiêu. Lúc đó tôi mới lên 7, 8 tuổi gì đó, nên chị tôi phải dắt tôi đi bộ đến địa điểm cắm trại. Tuy nhà thuộc loại nghèo nhưng mẹ tôi đã cố dành dụm khá lâu để có thể mua cho tôi các thứ thức ăn tươm tất hơn ngày thường và các thứ cần thiết cho ba ngày cắm trại. Hôm đầu tiên thật tuyệt vời, tôi thỏa thích vui chơi với chúng bạn. Nhưng đến tối tôi nhớ nhà quá sức và cứ khóc mãi cho đến lúc chìm vào giấc ngủ. Sáng hôm sau trong lúc tôi đang ngồi ủ rũ thì thấy chị tôi đến xin cho tôi về nhà vì mẹ tôi nhớ tôi quá. Gặp lại nhau chỉ sau một đêm và chưa đến hai ngày, thế mà cả hai mẹ con đều khóc nức nở. Đó là lần đầu tiên trong đời tôi xa nhà.

Rồi những đêm mùa hè nóng nực, mẹ tôi ngồi miệng ăn trầu còn tay thì cầm chiếc mo cau quạt cho tôi ngủ, những giấc ngủ thật an lành và hạnh phúc khiến cho tôi hơn mấy chục năm sau vẫn không thể nào quên được hình ảnh của mẹ. Hồi ấy vì còn quá nhỏ, chưa bao giờ tôi dám hỏi điều gì về mẹ, nhưng tôi có cảm giác bà có một quá khứ không mấy vui vì giữa hai giấc ngủ tôi thấy mẹ thường ngồi tư lự, ánh mắt xa vắng và buồn rầu. Mẹ tôi có một đời chồng và có một người con trai trước khi bà lấy ba tôi. Tất cả quá khứ ấy đều đã xảy ra tại quê của mẹ, ở tận ngoài sông Gianh, nơi tôi chỉ có một lần theo bà về thăm lúc tôi còn rất bé và quê tôi còn thanh bình. Có lẽ chị Em của tôi có biết đôi chút về gia đình của mẹ, nhưng cho đến ngày chị mất, tôi chưa bao giờ có dịp để hỏi chị.

Tôi biết mẹ tôi rất thương tôi vì tôi là đứa con trai duy nhất của mẹ. Mẹ tôi thương tôi đến nỗi trong lúc hấp hối bà vẫn còn trối trăn rằng bà sợ rồi sẽ không còn có ai để chăm lo cho tôi, tôi sẽ đói và khổ. Thế rồi bà ra đi vĩnh viễn vào một đêm giữa mùa đông, để lại trong tôi quá nhiều nhớ thương và đau khổ đến tận cùng.

Thời đi học của tôi cũng không được êm đềm. Đó là khoảng thời gian đất nước Việt Nam có nhiều biến cố nhất. Khởi đầu là sự hiện diện của quân Nhật. Rồi máy bay Đồng minh bắn phá hàng ngày. Người bị bắn chết trên đồng ruộng, kẻ bị cháy lúc đang ngồi trong xe ôtô, có người bị bắn chết ngay tại dốc sau nhà tôi. Có lúc đang ngồi học trong lớp, nghe tiếng máy bay, chúng tôi phải vội vã chạy xuống hầm trốn. Rồi nạn đói xảy ra, người chết như rạ. Tận mắt tôi thấy xác chết mỗi buổi sáng. Chiến tranh cũng ảnh hưởng rất lớn đến việc học tập của tôi. Một ngày học, năm ba ngày nghỉ. Sau khi mẹ tôi mất, tôi vĩnh viễn giã từ học đường. Năm ấy tôi mới lên 12, 13 tuổi, vừa mới bắt đầu học lớp nhì (lớp 4 bây giờ).

Có một ký ức về chiến tranh cứ ám ảnh tôi mãi cho đến bây giờ. Đó là cái chết và bị thương của năm người dân trong làng do quân đội Tây bắn trong lúc họ thắp đuốc đi bắt nhái ban đêm. Bốn người chết rất thảm thương còn người bị thương sáng hôm sau được cáng vào điều trị tại bệnh viện Quảng Trị. Trên đường về lại làng, một trong số mấy người tải thương bị cán bộ Việt Minh bắt và mãi mấy tháng sau anh mới được tha về. Thế rồi một hôm, lính Tây đến bắt anh và đem ra bắn trước mặt dân làng. Lính Tây bảo rằng họ có bằng chứng là anh ấy đã vẽ sơ đồ của đồn Châu Thị và trao cho Việt Minh để Việt Minh chuẩn bị tấn công. Như vậy là một đêm đi bắt nhái làng tôi mất năm mạng người. Đó là một mảng trong số vô vàn ký ức đen tối trong cuộc chiến trên quê hương tôi.

Trong nhà tù

Đến năm tôi lên gần 14 tuổi, chỉ vài hôm sau Tết Nguyên đán, tôi được tin chị Em của tôi bị lính Tây bắn bị thương và đem về nhốt trong trại tù Hồ Xá. Đồn Tây tại Hồ Xá là đồn lớn nhất tại huyện Vĩnh Linh, chỉ cách làng tôi khoảng 3 cây số. Thời gian này nhiều thanh niên và những đứa trẻ ở trạc tuổi của tôi trong làng bị lính Tây đi lùng bắn chết dần. Hôm trước nghe tin người này bị bắt hôm sau lại được tin kẻ khác bị giết.

Một hôm, lúc tôi và một đứa bạn đang đứng tại một ngã tư ở chốt gác đầu làng chiến đấu thì bị lính Tây bắn, thằng bạn đứng cạnh tôi chết ngay tại chỗ còn tôi thì thoát được. Nhưng rồi chỉ ít ngày sau tôi cũng bị lính Tây bắt tại nhà và đưa về nhốt tại đồn Hồ Xá. Chúng nghi tôi làm liên lạc cho du kích Việt Minh.

Lúc đưa về đến đồn, tôi bị hai người lính Việt Nam làm việc cho Tây thay nhau điều tra. Một người lấy dây điện thoại E8 cột vào hai ngón tay cái của tôi và người kia quay máy điện thoại. Bị điện giật, tôi khóc toáng lên vì đau đớn và sợ hãi. Họ tiếp tục quay máy điện thoại nhiều lần nhưng tôi trả lời là tôi còn nhỏ không hề làm gì cho ai cả. Tiếp đến, họ tháo dây điện thoại từ hai ngón tay của tôi ra và bỏ vào trong miệng tôi và người kia tiếp tục quay máy điện thoại. Lần này tôi té bật xuống sàn nhà và bất tỉnh. Sau nhiều lần tra tấn như thế, tôi vẫn nhất quyết nói là tôi không làm gì cho ai cả. Thực tế đúng là như thế. Không khai thác được gì, họ vẫn đưa tôi vào trại tù. Không ngờ tôi lại gặp chị tôi cũng đang bị giam tại đây.

Trại tù là một ngôi nhà chật chội, hôi hám, giam tù nhân cả nam lẫn nữ, người già lẫn trẻ em như tôi. Chung quanh nhà tù được bao bọc bằng dây thép gai và có hai vọng gác thường xuyên canh chừng tù nhân.

Cứ vài hôm có một số tù nhân mới được đưa vào và cũng cứ vài hôm có một số tù nhân được đưa ra khỏi nhà tù và không bao giờ thấy trở lại. Trong thời gian mới nhập trại, các tù nhân thường xuyên bị tra tấn, đánh đập, nhiều người bị đem ra bắn công khai trước mặt tù nhân và sau đó bị kéo xác xuống mấy cái hố đào sẵn ngay phía sau trại. Ghê sợ nhất là có những đêm khi bị lính Việt Minh bắn vào đồn, lính gác trong đồn Tây cứ chỉa súng bắn vào hướng nhà tù nơi các tù nhân chúng tôi đang bị giam giữ.

Tù nhân được cho ăn mỗi ngày ba bữa. Bữa sáng có khoai sắn. Bữa trưa và tối, được ăn cơm nấu từ gạo cũ và cá khô mặn được chuyển từ trong Nam ra. Dĩ nhiên không bao giờ đủ no. Rất nhiều tù nhân bị bệnh và có người chết vì bệnh hoặc thiếu dinh dưỡng.

Hàng ngày tù nhân phải đi lao động, trừ những người bị liệt vào diện nguy hiểm, đợi điều tra thêm hoặc đợi đem đi bắn. Người khoẻ mạnh thì được đưa đi lấp đường do Việt Minh đào, phá ban đêm. Người già và trẻ con thì bị đưa đi quét dọn và làm các công việc tạp dịch trong trại. Tôi nhờ có biết một ít tiếng Pháp nên được đưa vào quét dọn và phục vụ trong câu lạc bộ hạ sĩ quan có cả nhà ăn và quầy bán rượu. Lúc đầu tôi được phân công lau chùi và rửa chén bát. Về sau  họ cho tôi phụ bán rượu (bartender) trong câu lạc bộ. Công việc khá nhẹ nhàng. Nhiệm vụ chính của tôi là bán rượu và ghi chép sổ sách những người chưa trả tiền. Tù nhân làm trong câu lạc bộ này, kể cả tôi, được phép ăn những thứ dư thừa. Tôi làm việc ở đó đến ngày được tha. Tổng cộng thời gian ở tù là trên tám tháng.

Suốt thời gian ấy, chỉ có một số ít người bệnh nặng và già cả được tha về nhà. Có một số thanh niên và trẻ em từ 16 tuổi trở lên được đưa đi vào làm việc cho các đồn điền cao su ở miền Nam. Lúc ấy tôi chưa đến 16 tuổi nên có muốn đi vào Nam cũng không được.

Ra khỏi tù, bỏ làng ra đi

Đầu năm 1949, sáng ngày 30 Tết âm lịch, tôi được tha và đi thẳng đến làng Châu Thị rất gần làng tôi vì không dám về và ở lại làng ban đêm. Đến chiều cùng ngày chị Em tôi được tha về. Đêm Giao thừa ấy hai chị em chúng tôi ở nhờ nhà một người bà con trong Đồn Hương vệ[5] tại làng Châu Thị. Sáng ngày mồng một Tết, chúng tôi mới dắt nhau về nhà trong làng. Lúc ấy, chị Luyến của tôi đang bị bệnh nằm rên hừ hừ trên giường. Trong nhà hoàn toàn không có lấy một thức ăn gì, kể cả gạo hay khoai sắn. Đói và buồn, cả ba chị em chúng tôi chỉ biết ngồi khóc gần hết buổi sáng. Đến chiều, chị Em và tôi về lại đồn Châu Thị.  Làng của chúng tôi lúc này bao trùm không khí chiến tranh. Một làng ở vùng “tề” thời ấy gặp rất nhiều nguy hiểm. Ban ngày thì họa lính Tây còn ban đêm thì cán bộ Việt Minh dò xét, tra hỏi, bắt bớ. Người dân là nạn nhân của cả hai bên. Người trong làng bảo nhỏ với tôi rằng tôi không thể ở lại trong làng được.

Trở lại đồn Châu Thị, tôi ở với chị Em của tôi được ba hôm, đến ngày mồng bốn Tết, tôi bỏ làng ra đi. Mãi đến nửa thế kỷ sau, cuối năm 1991, tôi mới có dịp về lại thăm làng.

____________________________

[1] Giấy rất mỏng nhưng bền, làm bằng vỏ cây dó, dùng để vẽ tranh mỹ thuật dân gian Việt Nam.
[2] Nguyễn Thị Liễu bị bệnh mất năm 1947 và Nguyễn Xuân Chút chết tại làng vì bom B 52 của Mỹ năm 1968.
[3] Nguyễn Thị Em đã mất năm 2000 lúc đó tôi đang ở Úc và Nguyễn Thị Luyến mới mất năm 2011, có tôi dự đám tang.
[4] “Hàng rào chiến đấu” do Việt Minh và dân trong làng dựng lên bằng tre để ngăn không cho lính Pháp vào làng đốt phá và hãm hiếp đàn bà con gái. Dọc Hàng rào chiến đấu có nhiều chốt gác, mỗi chốt có dân quân du kích túc trực canh gác ngày đêm.
[5] Hương vệ là một loại lính không chính quy được chính phủ Nam triều thành lập để bảo vệ hương chức trong làng và những ai không sống được trong vùng “tề”.