Thiền Tông và Thi Ca
Nguyên Giác
(LGT. Bài chuẩn bị cho buổi ra mắt CD và tập nhạc Thiền ca Hoa Bay Khắp Trời -- nhạc Trần Chí Phúc phổ thơ Phan Tấn Hải -- tại hội trường Franklin McKinley School District, 645 Wool Creek Dr., San Jose, CA 95112, chiều Thứ Bảy 24-9-2016. Bài nói chuyện thực tế sẽ rút ngắn từ bài viết này, để phù hợp thời lượng.)
Kính bạch chư Tôn Đức Tăng Ni
Kính thưa quý vị dân cử, quý bạn văn nghệ sĩ, quý bạn thiện hữu tri thức, và tất cả khán thính giả
Hôm nay, tôi có duyên lành nói chuyện về đề tài Thiền Tông và Thi Ca. Bài này được soạn trước, vì tôi không thể ứng khẩu, khi lòng đầy cảm xúc bước vào hội trường này. Hôm nay là lần đầu tiên tôi đứng trong một hội trường để trình bày về Thiền Tông, một đề tài rất phức tạp nhưng cũng cực kỳ thơ mộng. Trước giờ, tôi luôn luôn là người vô hình, ẩn mình sau những dòng chữ và trang giấy. Và bây giờ lần đầu ra đứng nói trước công chúng, tuy là sở học bất toàn, tôi sẽ cố gắng trình bày cốt tủy của Thiền Tông, hy vọng bằng những lời rất đơn giản, sao cho dễ hiểu, và thực dụng. Và chúng ta có thể ứng dụng ngay tức khắc, trong buổi này.
Hôm nay, đứng trước tất cả quý vị, quý bạn, tôi cũng tiết lộ một bí mật sâu thẳm trong tim mình. Trước khi nói về Thiền Tông và Thi Ca, tôi xin nói về mối tình đầu của tôi. Vâng, mối tình đầu cực kỳ say đắm. Khi từ đảo Galang tới, khi toàn thân còn ướt sũng nước biển Indonesia, bước chân lên một thị trấn nhỏ ở tiểu bang Virginia vào giữa năm 1984, vài ngày sau, nhờ bà dì chở ra xem các tiệm sách báo, đọc qua một lượt, tôi thấy ngay rằng mình phải dọn về San Jose. Truyện ngắn đầu tiên viết tại Hoa Kỳ, tôi gửi về tạp chí Nhân Văn ở San Jose. Hồi đó là viết bằng bút nguyên tử trên giấy, bỏ vào phong bì, dán tem và gửi qua bưu điện. Nhận được thư trả lời của nhà văn Tưởng Năng Tiến thay mặt ban biên tập Nhân Văn, lòng tôi vui như mở hội, nghĩ rằng mình làm được chút gì cho đồng bào. Thế đó, San Jose là mối tình đầu của tôi. Từ bờ Đông, nhìn về bờ Tây Hoa Kỳ, theo dõi tin tức về cộng đồng mình, tôi nghĩ rằng tim mình đã đập theo nhịp của San Jose. Nhiều năm sau, tôi về Quận Cam cư ngụ, nhưng hình ảnh đẹp trong tim tôi vẫn là nơi đây, San Jose. Và bây giờ, hình ảnh các bạn vẫn đẹp rực rỡ trong tôi. Bạn văn, bạn một thời học chung ở Đại Học Văn Khoa và ở Chùa Tây Tạng Bình Dương, nơi đây có nhà thơ Phan Nhật Tân, nhà văn Biện Thị Thanh Liêm… bạn của Sài Gòn một thời gian nan như Trần Việt Long, Đàm Đình Ninh, Biện Quý… hay bạn báo chí như Lê Bình, Nguyễn Xuân Nam… hay các nhà nghiên cứu Phật học rất mực tôn kính như Vũ Thế Ngọc, Đào Văn Bình… và cùng với rất nhiều bạn khác.
Một trong những khoảnh khắc tuyệt vời trong đời tôi là khi nhạc sĩ Trần Chí Phúc, người nhiều thập niên ở San Jose trước khi dọn về Quận Cam, một đêm điện thoại và hỏi, rằng Hải có bài thơ nào để cúng Phật đản không. Đó là khởi đầu nhân duyên để hình thành CD Thiền Ca Hoa Bay Khắp Trời này. Và lòng tôi rất mực biết ơn người nhạc sĩ đã làm cho những dòng chữ này biết bay xa hơn, đẹp hơn.
Hãy hình dung rằng, thơ lúc nào cũng có một vẻ đẹp riêng, vì chữ là cảm xúc của thi sĩ trải lên trang giấy. Nhưng khi nhạc sĩ phổ nhạc, chữ được cất cánh, bay ra khỏi trang giấy, hiện thân giữa không gian lung linh. Và khi những nốt nhạc lung linh trong không gian đó được ca sĩ hát lên, chữ và nốt nhạc không còn là những gì trừu tượng nữa, chữ tức khắc bay theo gió, ngấm vào người nghe, lúc đó các âm thanh Thiền ca trở thành diệu nghĩa, để như Kinh Phật nói, là Văn, Tư, Tu… Tức là, hãy nghe, hãy nghiền ngẫm ý nghĩa, và hãy theo đó để tu.
Một số người thắc mắc rằng sao lại thơ. Sao lại phải cần tới thơ. Phải lo tu chứ, thì giờ đâu mà làm thơ.
Vâng, phải lo tu. Nhưng, rất nhiều người quên rằng Đức Phật là một nhà thơ tuyệt vời. Ngay khi chứng đạo, thành Phật quả, Ngài ứng khẩu 2 bài thơ, được ghi lại trong Kinh Pháp Cú Kệ 153 và Kệ 154. Tóm lược ý nghĩa như sau.
153. Vô số kiếp, lang thang hoài
tìm miệt mài sao chẳng gặp,
chưa thấy kẻ xây nhà này,
nên chịu khổ, tái sanh hoài.
154. Hỡi người thợ làm nhà ơi
Bây giờ Như Lai đã thấy
ngươi xây nhà hết nổi rồi
sườn nhà, khung dựng đều gãy
đòn dong, kèo cột tan rời
tâm ta tận diệt tham ái
chứng quả vô sanh sáng ngời.
Và như thế, là khởi đầu những dòng thơ tuyệt vời của Kinh Phật. Toàn Bộ Kinh Pháp Cú là thơ. Tất cả Trưởng Lão Tăng Kệ, Trưởng Lão Ni Kệ đều là thơ. Nếu chúng ta để ý, sẽ thấy tất cả, hay gần như tất cả, các Thiền sư khi ngộ đạo đều đột khởi thành thơ.
Tại sao phải là thơ? Nơi đây, thử đưa ra một suy đoán. Rằng thơ là chữ nghĩa, là sản phẩm của ý thức, và ý thức là ký hiệu ghi lại kinh nghiệm, và do vậy, thơ là dạng cô đọng của ngôn ngữ để truyền thông, để trình bày những kinh nghiệm, để người nghe dễ nhớ, và khi có chữ viết thì ghi xuống giấy cho người sau đọc. Tu Thiền là quan sát tâm mình, là phải nhìn thấy ngọn nguồn ý thức, và do vậy, thấy được sản phẩm ý thức là chữ, là thơ… Y như tiền trong túi, gặp chuyện là xài. Tương tự, khi người tu đã thấy ngọn nguồn ý thức, thấy nơi sinh khởi chữ, gặp chuyện là có thơ. Đó là tôi suy đoán thôi, không dám khẳng định, vì tự mình chỉ là người hậu học đơn sơ, người tu chưa tới đâu lại dám nói về những đỉnh cao nhất của nhà Phật.
Tuy nhiên, không có nghĩa rằng tất cả các Thiền sư chứng ngộ đều làm thơ. Không phải thế, tùy người thôi. Không tạo nhân duyên với chữ, sẽ không thấy cần làm thơ. Hay vì một đại sự nhân duyên nào, sẽ như Đức Phật nói, rằng trong 49 năm hoằng pháp, ta chưa từng nói một lời. Chúng ta tí nữa sẽ thấy chỗ này, rằng tự tánh của ngôn ngữ chính là vô ngôn, rằng thực tướng của lời phải là không lời. Tôi sẽ xin mời tất cả cùng thực tập, để nhìn thấy nơi lặng lẽ đó.
Bây giờ nói tới nhạc. Tại sao nói chuyện tu Thiền, lại liên hệ tới âm nhạc? Đức Phật là nhà thơ lớn, và trong thơ đã sẵn tính nhạc. Nhưng Ngài cũng có thể đã biết nhạc, vì Kinh Bốn Mươi Hai Chương ghi lời Đức Phật khuyên, rằng tu học phải trung dung, như dây đàn chớ để căng, chớ để chùng.
Trong một kiếp quá khứ, Đức Phật là một nhạc sĩ thành Benares. Bộ sách Jataka, truyện 243, ghi lời Đức Phật kể về một kiếp quá khứ. Kinh gọi tiền kiếp Đức Phật bằng danh xưng Bồ Tát. Ngài sinh trong một gia đình nhạc sĩ. Người ta gọi Ngài là Nhạc sư Guttila. Khi trưởng thành, Ngài giỏi tất cả mọi ngành âm nhạc, và trở thành nhạc sĩ xuất sắc nhất Ấn Độ.
Thời đó, Musila là nhạc sĩ giỏi nhất thành Ujjeni. Musila là tiền thân của Đề Bà Đạt Đa. Một số thương gia thành Benares khi tới Ujjeni, mới chê rằng Musila chơi nhạc thua xa Ngài Guttila. Musila mới tới Benares, xin học nhạc từ Ngài Guttila. Khi Musila học thành thạo xong, nghĩ rằng tài âm nhạc đã bằng vị thầy, nên sinh kiêu ngạo, nên thách đấu nhạc với Thầy trước cung điện nhà vua. Nhà vua hẹn 7 ngày sau, hai thầy trò âm nhạc sẽ tranh tài nhạc.
Nhạc sư Guttla suy nghĩ, “Cậu Musila này trẻ, còn mình già rồi. Nếu học trò mình thua mình, chẳng có gì đáng nói. Nhưng nếu mình thua học trò mình, thà chết trong rừng còn êm ái hơn là xấu hổ như thế.” Nhạc sư Guttila, tức tiền thân Đức Phật, đi đi lại lại trong khu rừng, lòng đầy do dự. Thế rồi 6 ngày trôi qua, nơi nào bước chân Ngài giẫm lên, cỏ chết tới đó, và thành một lối đi.
Lúc đó, Vua Trời Sakka thấy ngai trời nóng lên, mới thiền định, hiểu mọi chuyện, thấy rằng Nhạc sư Guttila đang buồn vì bị học trò thách đấu nhạc, nên mới xuống, tới trước mặt Nhạc sư Guttila và nói sẽ giúp. Nhạc sư Guttila nói, làm sao mà Vua Trời giúp được, vì kỹ năng đàn 7 dây của Musila đã học từ thầy hết rồi.
Vua Trời Sakka mới nói, Nhạc sư an tâm, hãy cứ đấu nhạc, rồi Nhạc sư hãy bứt từng dây đàn trên cây đàn 7 dây, Musila sẽ thua, tới tận cùng âm thanh của đàn không dây sẽ tràn ngập khắp không gian 12 cõi. Vua Trời Sakka trao cho Nhạc sư Guttila 3 hạt xúc xắc, và nói, khi âm thanh đàn không dây bao trùm hết không gian, Nhạc sư hãy ném viên xúc xắc đầu tiên vào không gian, sẽ thấy 300 thiên nữ hiện ra, múa trước mắt; rồi Nhạc sư hãy ném viên xúc xắc thứ nhì, sẽ thấy thêm 300 thiên nữ hiện ra, múa phía trước cây đàn; và Nhạc sư hãy ném viên xúc xắc thứ ba, sẽ có thêm 300 thiên nữ nữa hiện ra, múa trong hội trường.
Tới ngày thi đấu nhạc, vua, quan triều đình và nhiều ngàn người tham dự… Đây là cuộc thi đấu nhạc của 2 nhạc sĩ xuất sắc nhất. Nhạc sư Guttila và học trò Musila thi đàn 7 dây. Tiếng nhạc cả 2 thầy trò đều tuyệt vời. Tất cả khán thính giả đều tán thưởng. Thế rồi, Nhạc sư Guttila bứt một dây đàn, tiếng đàn 6 dây nghe tuyệt vời hơn, kỳ lạ như thế. Musila bắt chước, bứt một dây đàn, nhưng tức khắc, cây đàn của Musila không lên tiếng nhạc được nữa.
Thế rồi Nhạc sư Guttila bứt thêm một dây đàn, tiếng nhạc của đàn 5 dây nghe còn hay hơn nữa; rồi bứt thêm một dây, và tương tự, tới khi đàn không còn sợi dây nào, tiếng đàn không dây nghe tuyệt vời chưa từng có. Vua, quan triều đình, nhiều ngàn người đứng lên hoan hô, chứng kiến những điều chưa từng có. Thế rồi, Nhạc sư Guttila ném lên một hạt xúc xắc, 300 cô thiên nữ hiện ra múa; ném thêm hạt xúc xắc thứ nhì, 300 cô thiên nữ khác hiện ra; và ném hạt thứ ba, 300 cô khác hiện ra. Cả 900 cô thiên nữ đứng múa giữa trời. Nhà vua hoan hô Nhạc sư Guttila, và mắng Musila rằng ngươi là học trò sao lại hỗn, dám thách thức Thầy ngươi là Nhạc sư Guttila.
.
Nơi đây, chúng ta phải dặn nhau trước, rằng xin nhạc sĩ Trần Chí Phúc đừng bứt dây đàn nào hết. Cây đàn 7 dây tượng trưng cho Thất Giác Chi, còn gọi là Bảy Bồ Đề Phần, tức là 7 nhánh để tới giác ngộ, có thể tu thứ lớp, nhưng cũng có thể tu độc lập từng chi phần. Bảy dây đàn là tượng trưng: Trạch pháp, Tinh tấn, Hỷ, Khinh an, Niệm, Định, Xả.
Bứt từng dây đàn là quăng bỏ dần các pháp, để rồi tận cùng là đàn không dây, tức là, theo Kinh Tứ Thập Nhị Chương, nơi Chương 18, viết là: “Đức Phật nói: Pháp của ta là niệm vô niệm niệm, hành vô hành hạnh, ngôn vô ngôn ngôn, tu vô tu tu…”
Nghĩa là, suy nghĩ nhưng thực sự là suy nghĩ cái không suy nghĩ, làm nhưng thực sự là không làm, nói nhưng thực sự là không lời, tu nhưng thực sự là không tu… Đây là pháp khó tin, khó hiểu, khó vào. Tí nữa, chúng ta sẽ có một phút đồng hồ để thực tập pháp tu này.
Tại sao là tiếng nhạc bao trùm không gian 12 cõi? Đó là 12 nhân duyên. Là tất cả hiện tượng tâm lý và vật lý đều tương quan phụ thuộc nhau. Nói ngắn gọn là: cái này có, nên cái kia có; cái này diệt, thì cái kia diệt. Do vậy, tất cả các pháp không gọi là có, không gọi là không, vì nương dựa vào nhau để xuất hiện, chuyển biến và biến mất. Thí dụ về lý duyên khởi là thế này, như khi nghe giọng ca một ca sĩ. Bạn ngồi nhìn lên sân khấu, trực tiếp nhìn và nghe ca sĩ hát, những âm thanh vang trong không gian đó có gọi được là có, hay gọi là không? Có ai chụp bắt được những âm thanh hát lên hay không? Không ai chỉ ra được phương xứ của những âm thanh được hát lên. Không ai chỉ ra tánh của những âm vang hát ra. Tất cả đều từ nhân duyên khởi lên, phảỉ có một ca sĩ rèn luyện nhiều thập niên cộng với tài năng bẩm sinh, có ca khúc, có trống đàn, có luyện tập… nhưng ca khúc trước vẫn khác ca khúc sau, từng giây phút vẫn độc đáo, không hề giống giây phút nào, và tất cả đều vô tự tánh, đều không thực tánh, đều vô ngã, đều không có người ca, không có lời được ca, cũng không có người nghe mà chỉ có cái được nghe…
Không ai chụp bắt được bất cứ gì hết. Vì nốt nhạc này khởi lên, chúng ta nghe là có; và nốt nhạc đó biến mất để chỗ cho nốt khác, lúc đó chúng ta nghe là không. Nếu bạn níu theo nốt nhạc cũ, bạn sẽ mất cái khoảnh khắc âm vang bây giờ. Các pháp khởi lên, là tức khắc biến mất. Đó là vô thường, và tất cả đều là duyên khởi. Nếu bạn giữ tâm cho thật lặng lẽ và rỗng rang, bạn sẽ cảm nhận tức khắc như thế. Cảm nhận bằng toàn thân của bạn. Không qua lý luận gì, vì lý luận là sản phẩm ý thức, luôn luôn là cái tới sau. Ý thức là sản phẩm của quá khứ. Nhưng cảm xúc là cái tinh khôi, là cái không so đo. Từng âm vang chính là tâm của bạn hiển lộ ra qua cái được nghe. Do vậy, không thể nói gì về cảnh ca sĩ đứng hát, bởi vì chỉ là do nhân duyên hiện ra. Khi màn hạ, khi đèn tắt, khi nhạc sĩ rút dây đàn, khi ca sĩ rời sân khấu… cảnh cũ là duyên hợp, nên không thực tướng, và là không hề đi, vì cũng chẳng hề tới. Cảnh đó cũng là tới và đi trong Tánh Không của gương tâm rỗng sáng. Chính cái toàn thể đó đã hiển hiện ra, vận hành bởi Lý Duyên Khởi.
Tại sao 3 hạt xúc xắc? Tức là 3 cõi: Dục, Sắc và Vô Sắc. Khi đã bứt hết 7 dây đàn, người tu thấy được các biến hóa của ba cõi. Cả 3 cõi này đều trong tâm mình. Cõi trời cũng là tâm, cõi địa ngục cũng là tâm.
Tại sao mỗi hạt xúc xắc là hiện ra 300 cô thiên nữ? Chỗ này, phải dẫn Kinh Tương Ưng Bộ -- Kinh SN 12.63 -- Puttamansa Sutta, trong đó Đức Phật nói về chúng sinh có 4 loại thức ăn, trong đó loại thứ tư là ăn bằng ý thức. Kinh ghi lời Đức Phật nói rằng, đối với chúng sinh cõi này, ý thức là tên trộm, ý thức là kẻ tội hình sự, ý thức hiện ra như mũi giáo gây sinh tử luân hồi, rằng khi một người bị 300 mũi giáo đâm mỗi ngày, làm sao chịu nổi. Đức Phật nói, chỉ khi nào hiểu tận tường danh sắc, tức hiểu tận tường thân và tâm, là xong, không còn gì để tu.
Do vậy, 900 cô thiên nữ hiện ra là khởi từ ý thức. Quý vị thử nhìn lại ý thức mình xem, có ngày trong ý thức hiện ra không chỉ 300 cô, mà có khi cả ba ngàn cô hiện ra múa trong ý thức của mình.
Do vậy, trong Kinh Satta Sutta, Đức Phật dạy: “…Con hãy đập vỡ, hãy quăng tứ tán và hãy hủy diệt thức, và làm cho nó không cựa quậy gì nữa. Hãy xóa sổ khát ái với thức – vì xóa sổ thức xong, hỡi sư Radha, là Giải thoát.”
Tại sao nói rằng ý thức hiển lộ tượng trưng cho 300 mũi giáo, thực sự tôi không rõ, vì mình không dám nói chệch ra ngoài kinh. Chỉ đọc thấy Kinh Tương Ưng Bộ nói như thế. Nhưng rồi quý bạn sẽ thấy, khi nghe nhạc, mà thấu được giáo lý Duyên Khởi, lúc đó mới thấy tuyệt vời. Lúc đó, nghe mà như không nghe, vì thấy không có ai ngồi nghe, nhưng thực sự vẫn là có cái được nghe. Chúng ta sẽ khảo sát chỗ này. Khảo sát, suy nghĩ, nghiền ngẫm… là phương pháp Thiền Phân Tích; sách của chư tăng Tây Tạng gọi đó là Analytical Meditation.
Không hề có một ai, nghĩa này là vô ngã. Từ nhỏ tới lớn, thân này có cả triệu thân, tâm mình có cả tỷ tâm… Chúng ta vui, buồn, mừng, giận… đếm tâm hoài không hết. Đức Phật đầu tiên là dạy vô ngã, tức là không có cái gì gọi là ta, tôi, của ta, của tôi… Vì cái tôi, cái ta cũng là duyên khởi, hệt như chiếc xe, không ai chỉ ra cái xe ở đâu. Bánh xe, máy xe, khung xe… đều không phải. Nó duyên khởi, dựa vào nhau mà thành chiếc xe, đổ xăng vào, có người vào lái, là chạy được. Cho nên, thực sự không có cái gì là xe. Cũng như giọng ca của ca sĩ, đủ duyên sẽ có, thiếu một duyên, thí dụ, cúp điện, là không nghe được. Tất cả là ảo, nhưng không phải không có.
Thấy vô ngã, là sẽ hết đau, hết buồn, không thấy gì cần phải nắm giữ. Đó là giáo lý Tứ Đế, hay Tứ Diệu Đế, tức là Bốn Sự Thật. Thứ nhất là Khổ Đế, tức là bất như ý; bạn bảo mình đừng già, đừng bệnh… là không được. Thứ nhì là Tập Đế, là tham ái, sẽ dẫn tới hữu; ngay khi trong tâm mình khởi lên một cái ước muốn nào, lập tức cả thế giới trùng trùng hiện ra theo. Thứ ba là Diệt Đế, khi tham ái diệt, tất nhiên khổ biến mất. Thứ tư là Đạo Đế, là con đường giải thoát, là Bát Chánh Đạo.
Nãy giờ nghe giáo pháp có vẻ khô khan, nhưng khi ứng dụng các bạn sẽ thấy tuyệt vời. Khi nói không có tôi, không có ta… nhưng trong thời kỳ đầu giáo pháp, vẫn nói có khổ, và dạy pháp thoát khổ; nói không có tôi, không có ta, nhưng vẫn nói có chúng sanh thọ khổ, và cần phải nghiêm cẩn đối trị tham ái để xa lìa hữu, để khỏi luân hồi. Chư tổ gọi đó là giáo lý Sinh Diệt Tứ Đế, dạy rằng thực sự có khổ để phải xa lìa.
Bước thêm một bước, chúng ta tới Giáo lý Trung Luận, còn gọi là Bát Nhã, hay giáo lý Tánh Không. Trong giáo lý Tánh Không, Đức Phật dạy rằng thực ra không hề có khổ, không hề có chúng sinh thọ khổ. Vì tất cả các pháp chỉ như huyễn, như mộng, như bọt sóng trên mặt biển. Và do vậy, trong cái thấy Tự Tánh Rỗng Rang Vô Tánh này, không hề có cái gì là khổ, không hề có cái gì gọi là thoát khổ. Giáo lý này còn gọi là Vô Sanh Tứ Đế, rằng các pháp vốn thực là vô sanh, chẳng hề có khổ, tập, diệt, đạo nào… Bát Nhã Tâm Kinh nói như thế: Vô khổ tập diệt đạo.
Làm sao để thấy thân mình rỗng rang vô tánh như thế? Hãy hình dung thế này, tiểu bang California có rất nhiều lối đi trong sa mạc. Hình ảnh này ai cũng từng thấy: một chiếc xe chạy vút qua, bánh xe sẽ thổi lên một đám bụi sa mạc. Mỗi người chúng ta là một đám bụi sa mạc. Không hề có thực thể, tuy là các đám bụi sa mạc vẫn vui, buồn, mừng, giận… nhưng chuyển biến từng khoảnh khắc. Nói như thế, không có nghĩa là không có. Đạo Phật không hề quan niệm có hư vô. Chỉ có nghĩa là, có mà như không có, có là do duyên khởi, hết duyên là đám bụi sa mạc tan đi. Trong hội trường này, chúng ta đang có mấy trăm đám bụi sa mạc như thế. Trước mặt tôi là những đám bụi sa mạc tài năng tuyệt vời… thí dụ như các ca sĩ sắp hát nơi đây: Diệu Linh, Thanh Vũ, Thu Nga, Hồng Nga, Phương Thúy, Huy An, Nguyên Đán, Mai Phi Long….
Khi thấy tất cả chúng ta đều là các đám bụi sa mạc, sẽ trực nhận đó là Tánh Không, rằng tất cả thế gian đều là rỗng rang vắng lặng. Làm gì có cần phải tu nữa. Nên Chứng Đạo Ca của Ngài Huyền Giác có thơ: Giác tức liễu, bất thi công… Rằng ngộ là xong, là không cần ra sức nữa.
Tuy nhiên, nói rằng Không, không có nghĩa là không gì hết. Tí nữa, tôi sẽ mời quý bạn nhìn vào cái không, cái rỗng rang vắng lặng này. Khi chúng ta nhìn vào tâm mình, nhìn hoài không thấy cái gì là tâm hết. Chợt nghe tiếng chim kêu, mới thấy tâm hiển lộ ra. Tiếng chim kêu là tâm của bạn, nhưng tức khắc biến đi, tâm bạn trở về vắng lặng, không dò ra tung tích. Còn gọi là các pháp bất nhị, không hai, vì tiếng kêu và tâm không hai, không khác, nhưng không phải một. Ngày xưa, Ngài Huệ Khả gặp Bồ Đề Đạt Ma nói rằng con xin thầy giúp an tâm con. Bồ Đề Đạt Ma nói, ngươi đưa tâm ra cho ta an cho. Huệ Khả khựng một chặp, nói là con không thấy tâm đâu hết. Bồ Đề Đạt Ma nói, ta an tâm người rồi đó. Tức là để tâm nơi rỗng rang vắng lặng là an tâm rồi, đâu còn tâm nào quậy phá nữa.
Tới đây, chúng ta tới giáo lý về Phật Tánh. Khi nói tâm rỗng rang, không có nghĩa là hư không hay hư vô. Bầu trời trước mắt là không, là rỗng rang, nhưng bầu trời đó cũng như cục đá, chẳng hề thấy nghe hay biết. Bạn nhìn kỹ vào tâm, sẽ thấy là rỗng rang, niệm khởi rồi biến mất, vì tự tánh của niệm là vô tự tánh. Khổ cũng như thế, tham sân si cũng thế… bản tánh là rỗng rang, tịch lặng. Nhưng khác với bầu trời vật lý kia, chói ngời trong tâm chính là Phật Tánh. Đức Phật có dạy trong Aṅguttara Nikāya, chương Một Pháp viết: “Chư tăng, tâm này chói sáng, và tâm này xa lìa các bụi bên ngoài tới bám.”
Giáo lý này còn gọi là Vô Tác Tứ Đế, tức là Phật Tánh này thực sự là Vô Tự Tánh, là rỗng rang, nhưng là chói sáng. Tứ Đế không hề được tạo tác, Niết Bàn cũng không hề được tạo tác. Các pháp vắng lặng, rỗng rang, nhưng có tâm này chói sáng, nên mới có thấy nghe hay biết. Do vậy, vì có tâm này, tất cả chúng ta thực sự đã là Phật, gọi là Lý Tức Phật, nói theo Kinh Pháp Hoa. Về Lý, chúng ta có tâm chói sáng này, nên đều là Phật, trên nguyên tắc.
Nãy giờ, chúng ta đã nghe về 3 thời kỳ Chuyển Pháp Luân của Đức Phật. Thời kỳ đầu, là Sanh Diệt Tứ Đế, rằng có khổ, có diệt khổ. Thời kỳ hai là Bát Nhã, hay Tánh Không, còn gọi là Vô Sanh Tứ Đế, rằng thực tánh các pháp vốn rỗng rang vô tự tánh, thực tướng các pháp vốn không hề có tướng. Thời kỳ ba là về Phật Tánh, còn gọi là Vô Tác Tứ Đế, rằng trong cái rỗng rang vắng lặng vẫn có cái tâm chói sáng, rằng Niết Bàn không hề do tạo tác mà thành. Rằng các pháp vốn bản lai thanh tịnh.
Nói ngắn gọn, Vô Tác Tứ Đế là gì? Nghĩa là, cốt tủy của Kinh Bahiya Sutta, là trong cái nghe sẽ chỉ là cái được nghe… Nghĩa là, cốt tủy của Kinh Sandha Sutta (1), là Thiền pháp của tuấn mã, là không dựa vào những gì được thấy, nghe, cảm thọ, nhận biết…
.
Bây giờ, tôi xin mời tất cả chúng ta, những đám bụi sa mạc này, cùng thực tập Thiền, một phút thôi, để thấy Niết Bàn Diệu Tâm.
.
[Nói chậm, giọng hướng dẫn]
Tôi sẽ nói thật chậm để hướng dẫn Thiền tập, một phần là theo cách tổng hợp từ nhiều ứng dụng (các apps) hiện lưu hành trên thị trường điện thoại tinh khôn. Xin mời các bạn ngồi thẳng lưng. Trong hội trường, chỉ duy có tư thế ngồi trên ghế. Nhưng nếu ở nhà, các bạn có thể tập cả đi, đứng, nằm, ngồi. Bộ Luận Thanh Tịnh Đạo nói, cả 4 tư thế đều nên tập, không phải tư thế ngồi thích hợp với mọi người.
Xin mời để hai bàn tay trên đầu gối. Mắt nhắm lại nhẹ nhàng. Nếu bạn ở nhà, không nhất thiết nhắm mắt, có thể mở và khép nhẹ là tiện. Xin mời thẳng lưng, thẳng cổ, toàn thân thư giãn. Hãy suy nghĩ rằng, hai bàn chân mình thư giãn rồi, hai đầu gối mình thư giãn rồi, lưng và bụng thư giãn rồi, hai vai buông xuôi và thư giãn rồi, đầu mình nhẹ nhàng và thư giãn rồi.
Xin mời thở vào thật nhẹ, hãy cảm nhận hơi thở nơi mũi, hơi nhẹ nhàng vào, bụng phồng lên tự nhiên.
Rồi thở ra nhẹ nhàng, hãy cảm nhận hơi thở nơi mũi, hơi nhẹ nhàng ra, bụng xẹp tự nhiên.
Hãy thở vào, thở ra vài hơi như thế. Hãy cảm nhận làn da có nơi mát hơn, có nơi bình thường.
Không suy nghĩ gì hết trong đầu. Hãy giữ hơi thở nhẹ nhàng. Hãy thấy toàn thân và tâm của bạn chỉ còn là hơi thở, rằng không ai đang thở.
Bây giờ, xin mời nhìn vào tâm của bạn. Tâm này ở đâu? Không ở đâu hết. Tâm không ở trong thân, không ở tay, không ở chân. Nhưng ngay khi ngứa chân, thấy ngay tâm ở chỗ ngứa. Ngứa ít, thì chịu đựng; nếu ngứa nhiều, hãy gãi nhẹ nhàng. Hết ngứa, tâm đó biến mất.
Bạn hãy nghĩ, mình là đám bụi sa mạc, lung linh sống từng khoảnh khắc, mỗi ngày mỗi chậm hơn, yếu hơn, và tới gần chỗ tan hết đám bụi. Bạn hãy nghĩ, không có cái gì là tôi, là ta… ở đâu hết.
Hãy lặng lẽ, giữ tâm trong hơi thở dịu dàng, và trong cái nhìn chăm chú rằng không có gì trong tâm.
Bây giờ, hãy thốt lên trong tâm chữ a hay chữ b, hay một con số, thí dụ số 1 hay số 2. Bạn sẽ thấy niệm này khởi lên, không từ đâu hết. Khi âm vang niệm này chìm xuống, nó biến mất trong tâm bạn. Tâm bạn bây giờ là một tấm gương khổng lồ, như bầu trời, tâm bạn trong trẻo, nên hễ niệm nào khởi lên là cũng thấy. Các niệm hiện ra, rồi biến mất. Hãy giả sử, bạn cố ý khởi tâm sân, bạn nhớ tới chiếc xe bị đụng tuần trước, bạn bực tức, và bạn nhìn thấy tâm giận này cũng lặng lẽ tan vào biển tâm, tan trong bầu trời rộng như hư không của tâm. Tương tự với tâm tham, giả sử bạn nghĩ tới món ăn bạn ưa thích thời thơ ấu, nhiều năm rồi chưa gặp lại món này, và bạn thèm ăn; xin hãy nhìn lặng lẽ, tâm này sẽ biến tức khắc. Sau này, khi tập ở nhà, các bạn không cần tự khởi tâm nào làm chi. Gương tâm của bạn bao trùm hết toàn thân, toàn cảnh. Đó là, thực tướng của tham sân si là Niết Bàn. Đừng làm gì hết, chỉ chú tâm lặng lẽ thôi.
Bạn hãy thở dịu dàng, hãy nhìn lặng lẽ, hãy ngấm mình trong hạnh phúc, rỗng rang, vắng lặng. Không làm gì hết. Không thấy cần tu tâm gì hết, vì không pháp nào hiện lên trong gương tâm rỗng lặng này. Nhưng không phải là không biết, vì bạn vẫn thấy nghe hay biết, và không dính vào bất kỳ niệm nào.
Tỉnh tỉnh, lặng lặng… Hãy thở nhẹ nhàng. Hãy buông xả thân và tâm trong tỉnh thức ngời sáng, lặng lẽ…
Hãy cứ như thế… Bây giờ xong một phút rồi, bạn từ từ cử động, nhẹ nhàng, và giữ bầu không khí Thiền tập đó trong cả buổi này, mang về nhà...
[Hết Thiền tập]
.
Bây giờ, chúng ta nói về các ca khúc Thiền. Có lẽ không còn nhiều thì giờ, vì tất cả chúng ta đều muốn nghe tiếng hát từ các đám bụi sa mạc tuyệt sắc nơi đây.
Trong 10 bài thơ được nhạc sĩ Trần Chí Phúc phổ nhạc, bài nào tôi cũng thích, bài nào cũng có kỷ niệm.
Hầu hết các bài đều dễ hiểu, thơ mộng. Những câu thơ mang diệu nghĩa của Kinh Phật, đều đã được giải thích nơi phần đầu bài nói chuyện này.
Thí dụ như trong bài Hoa Bay Khắp Trời, các câu:
"Nghe kìa, chỉ tiếng trong lời, không ta không người, chỉ tiếng được nghe, không ai đang nghe...
Ngồi đây, cảm nhận hơi thở, hơi vào hơi ra, chỉ là hơi thở, không ai đang thở.
Tâm kià, khắp cảnh là tâm, khắp tâm là cảnh, khắp trời gương sáng, khắp trời là tâm..."
Đó là từ Kinh Bahiya đã nói, là pháp bất nhị mà bạn vừa ngồi Thiền tập. Không gì ra ngoài kinh.
Hay là ca khúc Nam Mô Bồ Tát Quán Thế Âm, các bạn sẽ thấy có câu:
"...thiết tha niệm danh hiệu Bồ Tát Quán Thế Âm, đấng từ bi vô lượng, giữa ba cõi bất an, hiện thân đi cứu khổ.
Con niệm tên ngài, vào lửa không cháy, ra sóng không chìm, vào trận bình an, gậy đao tự gãy, gông xiềng tự rã, thú dữ tự lìa, ly tham sân si..."
Hồi nãy, các bạn đã ngồi Thiền tập rồi đó. Niệm Đức Quán Thế Âm, tức là bạn chăm chú nghe tiếng xao động trong tâm, vào lửa không cháy nghĩa là khi tâm sân giận khởi lên, bạn nhìn thấu suốt tự tánh của niệm sân là rỗng lặng, tức thời tâm sân biến mất; ra sóng không chìm nghĩa là khi tâm tham khởi lên, bạn nhìn thấu suốt tự tánh niệm tham là rỗng lặng, tức thời tâm tham biến mất vào bầu trời gương sáng của tâm. Gậy đao, gông xiềng, thú dữ… cũng là biến hiện của các tâm sở bất thiện. Ly tham sân si không có nghĩa là chạy sang cõi nào hết, vì phiền não trong tự tánh đã là Niết Bàn rồi. Chỉ Thấy Tánh là xong, là không có gì để tu hết, vì tịch diệt đã hiện tiền.
Hay là ca khúc Niệm Phật A Di Đà, với những câu thơ được phổ nhạc như:
"Niệm Phật niệm toàn thân, Phật hiện sáng ngời tâm, nhìn tâm là thấy Phật, nhìn Phật là thấy tâm, quay đầu là bờ, Nam Mô A Di Đà Phật..."
Hồi nãy, chúng ta đã ngồi niệm rồi đó, đã dùng hơi thở niệm toàn thân, thấy tánh tỉnh thức hiện sáng ngời tâm rồi đó, đã thấy tâm mình xa lìa tham sân si tức là thấy Phật rồi đó. Còn quay đầu là bờ, có nghĩa là khi bọt sóng tham sân si khởi lên, là thấy ngay tánh nước của nó, tức thì tánh của tham sân si cũng là Phật Tánh. Quay đầu là bờ có nghĩa là, khi thấy tự tánh các pháp là vô tự tánh, tức khắc sẽ thấy dòng sông tham dục khô cạn, tức khắc nhìn đâu cũng là bờ giải thoát.
Một tuyệt vời nữa, là ca khúc Phật Giáo Việt Nam Lên Đường, trong đó là tấm lòng người Phật Tử với Biển Đông, với quê nhà, như:
"Con về đây, từ núi cao, từ biển xa, với hồn thiêng rồng tiên ngàn năm quê hương Việt Nam
Con về đây, nghe chuông chùa, lời mẹ ru, giữ đời đời, nguyện quy y Phật Pháp Tăng...
Con lên đường, tới Trường Sơn, tới Biển Đông, giữ quê hương, một tấc đất không để lui
Con lên đường, lấy tình thương, bảo vệ dân, vững ngàn năm, hộ trì Phật Giáo Việt Nam."
Và cuối cùng, xin trân trọng cảm ơn chư Tôn Đức Tăng Ni, cảm ơn tất cả các bạn và quan khách. Cảm ơn San Jose, mối tình đầu của tôi. Cảm ơn nhạc sĩ Trần Chí Phúc, cảm ơn tất cả các ca sĩ, nghệ sĩ… Tất cả các bạn đều là những đám bụi sa mạc đẹp tuyệt vời, tài năng tuyệt vời.
GHI CHÚ:
PHOTOS:
Hòa Thượng Thích Tịnh Từ (giữa) ban đạo từ, nhạc sĩ Trần Chí Phúc (phải) và nhà thơ Phan Tấn Hải |
Hình lưu niệm các ca sĩ, nhạc sĩ, văn nghệ sĩ, thân hữu. (Photo: Mạc Phương Đình) |
Trong hội trường |
No comments:
Post a Comment