Wednesday, September 4, 2019

TIÊU CHUẨN YÊU ĐƯƠNG CỦA NGƯỜI ĐÀN BÀ QUA THI CA DÂN GIAN

Tranh - Hiền Huỳnh

TIÊU CHUẨN YÊU ĐƯƠNG CỦA NGƯỜI ĐÀN BÀ QUA THI CA DÂN GIAN

Người đàn bà Việt Nam trong dòng sinh mệnh của dân tộc

Tình yêu lứa đôi là một thể tính quan trọng trong đời sống con người, nhất là đối với người phụ nữ Việt Nam. Người đàn ông có thể có thái độ hời hợt về tình yêu, nhưng người đàn bà thì không. Người đàn bà không đùa giỡn với tình yêu; khía cạnh này sẽ được khai triển trong một bài khác. Bài này chỉ tập trung vào chủ điểm tình yêu -- qua ca dao, tục ngữ -- là một hiện tượng mà người đàn bà hết sức trân quý.  Mà vì trân quý tình yêu cho nên người đàn bà thường không yêu bừa bãi mà nhất quyết chỉ “muốn yêu” người đàn ông hội đủ những tiêu chuẩn mà người đàn bà cho là quan trọng trong liên hệ lứa đôi. Cụm từ “muốn yêu” được dùng có chủ ý, bởi vì hôn nhân, trong văn hoá Việt Nam, nhiều khi vượt khỏi tự do lựa chọn của người con gái. 

Vậy người ta tự hỏi người đàn bà muốn người mình yêu có những đặc tính nào? Dưới chế độ cộng sản miền Bắc với lý thuyết duy vật biện chứng được nhồi nhét suốt mấy chục năm trời cùng với sự nghèo khổ cùng cực của nhân dân miền Bắc, cộng thêm sự đột biến của nền kinh tế chỉ huy thành chính sách kinh tế thị trường trên toàn cõi đất nước từ thập niên 80 trong thế kỷ trước cho đến nay, con người -- nhất là những người hời hợt -- sẽ nhanh chóng trả lời một cách không do dự là tiêu chuẩn quan trọng nhất là TIỀN. Thực sự câu trả lời này không khẩn thiết là sai. Có thể tâm trạng của những người đua tranh về kinh tế, tiếp cận với đời sống đô thị và thế giới trên lãnh vực kinh tế đã biến họ thành những người bắt chước, nhưng chỉ bắt chước được cái vỏ bên ngoài mà không thấu hiểu được cái cốt lõi bên trong của những nền văn hóa dân chủ.

Sự biến chất của một số người hời hợt này -- và chính quyền cộng sản độc tài hiện tại cũng đang muốn biến tất cả nhân dân, nhất là giới trí thức, thành những người như thế -- sẽ không làm thay đổi được tâm trạng của những người mà ưu tư đã thấm nhuần nền tảng giá trị của dân tộc. Nỗ lực bồi dưỡng nền tảng giá trị này đã từng có sự đóng góp của giới trí thức, học giả trên toàn quốc. Nhưng văn học dân gian, đặc biệt là ca dao, tục ngữ xuyên suốt mấy ngàn năm lịch sử cũng đã đặt những viên đá gốc cho một hệ thống giá trị tiêu biểu của dân tộc. 

Sau đây là những câu trả lời về những tiêu chuẩn mà ca dao, tục ngữ xác định như là những yêu cầu thiết yếu cho tình yêu của người phụ nữ dân dã Việt Nam.

Một trong những tiêu chuẩn thiết yếu là nhân nghĩa.

Tìm vàng, tìm bạc dễ tìm,

Tìm câu nhân nghĩa khó tìm bạn ơi!


Đối với người phụ nữ Việt Nam, thước đo tình yêu đôi lứa là nhân nghĩa:
Đứa ở xét công, vợ chồng xét nhân nghĩa.

Theo tinh thần Khổng giáo, một triết lý sống thực dụng đã có ảnh hưởng sâu đậm trên nhiều tầng lớp nhân dân từ giới trí thức cho đến giai cấp dân dã, hòa hợp với ảnh hưởng của Thiên Chúa giáo và Phật giáo, thì quan niệm về nội dung của từ “nhân” gần như đồng nghĩa với cụm từ “bác ái” trong Thiên Chúa giáo và cụm từ “từ bi” trong Phật giáo. Khổng Tử trả lời cho học trò Trương Tử Vấn là nếu người nào làm được năm điều sau đây là người có “nhân”: (1) cung, (2) khoan, (3) tín, (4) mẫn, và (5) huệ. Cung [恭] có nghĩa là “kính trọng, tôn kính”. Khoan [惠] là “khoan dung, tha thứ”. Tín [信] là “sự thành thực, lòng thành”. Mẫn [敏] là “cần cù, gắng gỏi”. Huệ [惠] “là lòng thương, lòng nhân ái” (Hán Việt Tự Điển Trích Dẫn). Tóm lại, từ “nhân” có nghĩa là lòng thương người; kính trọng tha nhân; sẵn sàng giúp đỡ, an ủi những người khốn khổ hay trong hoàn cảnh khó khăn, với tất cả lòng chân thành của mình; sẵn sàng tha thứ những lỗi lầm của người khác; và phải chuyên cần học hỏi. Cũng trong bối cảnh văn hoá này, từ “nghĩa” [義] có nghĩa là “sự tình đúng với lẽ phải, thích hợp với đạo lý” (Hán Việt Tự Điển Trích Dẫn). Trong quan hệ vợ chồng, “đúng với lẽ phải, thích hợp với đạo lý” bao hàm sự biết ơn và hành động trả ơn, không phụ bạc hay phản bội. Do đó trong tình nghĩa vợ chồng, tình yêu được biểu lộ qua sự đùm bọc, giúp đỡ, hỗ trợ lẫn nhau; an ủi, vỗ về nhau trong những lúc khó khăn. Sự đùm bọc, giúp đỡ, hỗ trợ, an ủi, vỗ về không những chỉ biểu lộ tình yêu mà còn là chứng tích của sự biết ơn và trả ơn cho những công lao, chăm lo, và săn sóc mà người thương đã tận tuỵ dâng hiến cho mình.  Những hệ luận của nhân nghĩa còn bao hàm ý nghĩa tính tình hiền lành, hoà nhã, tình thương và sự quý trọng anh em, hiếu đạo đối với cha mẹ. Nhân nghĩa biểu tượng trọn vẹn giá trị người. Cho nên con người không có nhân nghĩa thì không còn là con người nữa, không còn đáng được yêu chuộng nữa.

Tiền tài như phấn thổ,

Nhân nghĩa trọng tợ thiên kim.
Con le le mấy thuở chết chìm,
Người tình bạc nghĩa kiếm tìm làm chi.

.
Do đó người đàn bà khẩn thiết phải có một lập trường dứt khoát:
Người còn thì của cũng còn,

Miễn là nhân nghĩa vuông tròn thì thôi.


Một tiêu chuẩn khác cho tình yêu của người đàn bà là học thức.  Học thức trong môi trường giáo dục Nho giáo cũ không chỉ có nghĩa là biết văn chương thi phú mà còn đồng nghĩa với đạo đức, yêu chuộng và thực hành đạo thánh hiền. Một điểm cần lưu ý là trong bối cảnh truyền thống văn hóa Việt, “học” thường đi đôi với “hạnh”. Đạo đức là hệ luận của kiến thức. Một người có học mà không có đạo đức là một hiện tượng bất bình thường. Do đó, một khi nhân nghĩa là tiêu chuẩn của yêu đương thì học thức đương nhiên cũng phải là một tiêu chuẩn. Một người đàn ông có học thường giữ được một vị thế ưu tiên trong lòng người đàn bà Việt Nam.
Chả tham ruộng cả, ao liền;

Tham về cái bút, cái nghiên anh đồ.

Ngoài giá trị đạo đức tất yếu phải có, người đàn ông hay chữ còn có cái giá trị được xã hội quý trọng. Vì hay chữ thì làm thầy mà trong xã hội cổ truyền thì trên là vua, dưới là ông thầy cho nên

Không ham bồ lúa anh đầy,

Ham ba hàng chữ làm thầy thế gian.


Và tình yêu chồng chất ngang bằng với lượng kiến thức mà chàng sở hữu: Càng hay chữ, càng được yêu:
Hai tay cầm bốn trái dưa,

Trái ăn, trái để, trái đưa cho chàng.
Tay cầm cuốn sách bìa vàng,
Sách bao nhiêu chữ, dạ thương chàng bấy nhiêu.

Nhưng kiến thức của chàng phải là thứ kiến thức đích thực.  Chàng phải là người học thức thứ thiệt, chứ không thể là học giả giả hiệu.  Dù là dân dã, người đàn bà vẫn có thể nhận diện được mấy ông mang hàm học vị giả hiệu và có thể trắc nghiệm được khả năng chân chính hay giả tạo. Sự giả tạo lố lăng không lường gạt được ngay cả người dân thôn quê bình dị.

Gặp anh hay chữ em hỏi thử đôi lời,

Sao trên trời mấy cái, nhái ngoài đồng mấy con.
Chuối con mấy bẹ, chuối mẹ mấy tàu?
Anh đây đối đặng thời tôi vào kết duyên.

Trái với học thức là sự ngu đần, dốt nát.  Ngu đần, dốt nát là phản đề tất yếu của kiến thức.  Vì vậy ngu đần và dốt nát không thể nào hiện hữu trong sổ liệt kê những tiêu chuẩn yêu đương của người phụ nữ Việt Nam.

Một là em lấy chồng quan,

Hai là chồng lính, ba là chồng dân.
Nhưng em chẳng lấy chồng đần,
Về nhà mẹ chửi, ra đường chúng khinh.

Người đàn bà có một lập trường rất rõ ràng là dù cho phải làm hầu một người có học vẫn hơn là lấy một người đàn ông ngu đần làm chồng.

Chim khôn đậu nóc nhà quan;

Trai khôn tìm vợ, gái ngoan tìm chồng.
Xưa nay những khách má hồng,
Thà hầu quân tử hơn chồng đần ngu.


Một tiêu chuẩn khác là tài hoa.  Chữ tài trong bối cảnh bình dân không khẩn thiết phải là những tài năng xuất chúng mà có thể chỉ đơn giản như một giọng hát, câu hò hay.

Nước sâu sóng bủa láng sờ,

Thương anh vì bởi câu hò có duyên.

Hay là:
Ở xa nghe tiếng chàng hò,

Cách sông cũng lội, cách đò cũng qua.


Nhưng tài cũng còn đồng nghĩa với những đặc tính của người anh hùng và anh hùng hầu như cũng đồng nghĩa với tài hoa hay ít nhất tài hoa cũng phải là một đặc tính nổi bật của người anh hùng vì

Chào chàng tới cảnh đình trung,

Chào mừng sẽ hỏi anh hùng tài cao:
Rằng đây thu cúc, xuân đào,
Mơ xe mận lại gió chào trăng thu.

Hình như ý nghĩa anh hùng trong con mắt dân gian không có những đặc tính xuất chúng hay hy sinh lớn lao mà chỉ quyện trong một ý hệ đơn giản bao gồm kiến thức, đạo đức, tài hoa, lịch thiệp:

Một mai nước lớn đò trôi,

Cây khô lá rụng, bậu ngồi chờ ai?
Tôi ngồi chờ mía chờ khoai,
Chờ người quân tử, chờ trai anh hùng.

Nhác trông nhà ngói năm gian,

Thấy chàng lịch sự khôn ngoan có tài.
Cho nên em chẳng lấy ai,
Em quyết chờ đợi một vài ba đông.
Yêu anh em chẳng lấy chồng,
Em dốc một lòng chờ đợi lấy anh.


Đối với người đàn bà, ngoại hình của người đàn ông cũng là một tiêu chuẩn quan trọng. Không phải người đàn bà chỉ cần người đàn ông có đạo nghĩa, học thức, và tài hoa mà hình dáng cũng là yếu tố quyến rũ đối với giới thuyền quyên.
Nhác trông thấy bóng anh đi,

Thấy chân anh bước, dạ thì em thương.
Nhác trông thấy bóng anh qua,
Hình dung chải chuốt thật là xinh sao.
Em mong thấy mặt em chào,
Vắng anh em những khát khao đêm ngày.

Nhất là nụ cười. Nụ cười, nhưng chắc hẳn phải là một thứ nụ cười nào đó có một sức mạnh huyền bí đối với người đàn bà vì có lẽ phải chăng nụ cười nào đó đã gói trọn  được tất cả cái đạo nghĩa, học thức, tài hoa, và lịch thiệp của người đàn ông.

Chả tham nhà ngói rung rinh.

Tham về một nỗi anh xinh miệng cười.
Miệng cười anh đáng mấy mươi,
Chân đi đáng nén miệng cười đáng trăm.

Hay là
Thầy mẹ anh vá hay tài vá nên?

Nhác trông tấm áo có duyên,
Miệng cười hoa nở càng nhìn càng ưa.
Áo anh em mặc cũng vừa,

Ông Tơ bà Nguyệt khéo lừa đôi ta.

Nhưng dù hội đủ bao nhiêu tiêu chuẩn đi nữa, người đàn ông nhất thiết phải đáp ứng được yêu cầu cốt lõi của mọi tiêu chuẩn: Đó là tình yêu chân thật và sự chung thuỷ. Trong nhiều bối cảnh văn hoá khác biệt kể cả văn hoá Việt, quan niệm hôn nhân của người đàn ông có thể đơn giản chỉ là một sự đổi chác kinh tế qua giá trị cần lao hay giá trị tiền tài hay chỉ là một áp đặt quyền lực.  Nhưng đối với người đàn bà dân dã Việt Nam thì tiêu chuẩn chính yếu của hôn nhân phải là tình yêu và sự chung thuỷ:

Anh thương em phải thương cho trót,

Anh không bỏ sót cái nghĩa chung tình.


Đạo nghĩa dĩ nhiên là phải có, nhưng trong liên hệ lứa đôi người đàn ông không thể bỏ sót tình yêu đối với người thương.

Anh về ta chẳng cho về,

Ta nắm lấy áo ta đề câu thơ.
Câu thơ ba chữ rành rành:
Chữ Trung, chữ Hiếu, chữ Tình là ba.
Chữ Trung thì để phần cha.
Chữ Hiếu phần mẹ, đôi ta chữ Tình.

Trong bối cảnh văn hóa bác học của Nho giáo, Trung và Hiếu được nhấn mạnh và áp đặt còn Tình thì không. Cho nên để giáo huấn về chữ hiếu người ta thường nghe nói là vợ chết thì lấy vợ khác, còn cha mẹ chết đi thì không thể thay thế được. Nhưng văn hoá dân gian mang tính đối kháng những áp đặt thiếu tính nhân bản để khẳng định giá trị chính đáng về tình yêu và thuỷ chung cần được bảo tồn.

Chữ Trung chữ Hiếu, còn thiếu chữ Ân tình.

Đạo chồng nghĩa vợ, sao mình vội vong.


Và một khi đã đòi hỏi tình yêu và chung thuỷ từ người đàn ông thì người đàn bà cũng biểu dương sự công bằng qua thể hiện tình yêu của chính mình đối với chồng, con.

Gió đâu bằng gió Tu Bông.

Thương ai bằng
Thương cha, thương mẹ, thương chồng, thương con.

Hoặc là 
Chồng em áo vải em thương.

Chồng người áo gấm xông hương mặc người.


Đối với người đàn bà chỉ có tình yêu mới là quan trọng nhất.

Thương nhau ở dưới gốc đa

Còn hơn ở cả ngôi nhà trăm gian.


Và dù có bị đối đãi ngang trái, chỉ cần có được tình yêu của chồng là đủ.

Nàng dâu khôn lanh, nấu canh cho ngọt,

Canh sôi hớt bọt, thêm ớt rắc tiêu.
Mẹ chồng cay đắng đủ điều,
Mẹ ghét cứ ghét, chồng chiều cũng vui.

Và để xác định giá trị của tình yêu mà mình đã cổ võ, người đàn bà sẵn sàng đem chính bản thân mình ra làm tấm gương soi sáng:

Anh cầm cây viết, anh dứt đường nhân nghĩa,

Em cầm cây kim, em thêu chữ ân tình.


Và tình yêu keo sơn của người đàn bà thật là một tình yêu mang tính tha nhân, chỉ nghĩ đến hạnh phúc của người mình yêu mà không nghĩ đến chính bản thân;

Em về Bồ Địch, Giếng Vuông,

Sáo treo bốn bức, em buồn nỗi chi?
- Anh buồn em lại vui chi,
Vui thời vui gượng có khi khóc thầm.

một thứ tình yêu vô điều kiện và vô vị lợi:

Hai tay cầm bốn trái dưa,

Trái ăn, trái để, trái đưa cho chàng.
Hai tay cầm bốn lượng vàng,
Vàng thời bỏ được, nghĩa chàng em không buông.


Còn nhan nhản những vần ca dao minh họa những tiêu chuẩn của tình yêu như là một điều kiện thiết yếu đối với người đàn bà trong liên hệ lứa đôi. Không phải là không có, nhưng thật là hiếm nếu chúng ta tìm ra được những câu ca dao nêu lên vấn đề tiền tài như là một tiêu chuẩn cho tình yêu trong quan niệm của người đàn bà. Trái lại, chúng ta đã thấy những câu ca dao, tục ngữ nêu lên thái độ của người đàn bà phủ định tiền tài như là một tiêu chuẩn của yêu đương. Và còn rất nhiều dấu ấn của lập trường này trong thi ca dân gian. Sau đây là một vài dẫn chứng:

Con cá dưới sông, con lội con nhào;

Đường chông gai anh đừng có phụ,
Chỗ sang giàu em không ham.
Chim quyên ăn trái ổi tàu,

Xứng đôi mẹ gả, ham giàu mà chi.


Nói như vậy không có nghĩa là người đàn bà không tưởng, thiếu thực tế. Những xác định trên chỉ có nghĩa là tiền tài không phải là một tiêu chuẩn ưu tiên. Người đàn bà có xác định một ranh giới kinh tế, nhưng rất hợp lý:

Theo anh em cũng muốn theo,

Em sợ anh nghèo, anh bán em đi.


Chắc hẳn dù người đàn ông khó tính đến đâu cũng không thể phủ nhận tiêu chuẩn tối thiểu này. Nghèo đến mức độ đành phải bán vợ đi thì còn gì là tình yêu!

Trên đây là liệt kê của những tiêu chuẩn yêu đương của người đàn bà trong liên hệ lứa đôi: nhân nghĩa, học thức, có tài, hình dáng xinh đẹp, nụ cười quyến rũ, anh hùng, quân tử, nhưng quan trọng nhất và cũng là điều kiện “cần và đủ” là tình yêu chân thật và sự chung thuỷ. Tuy nhiên, những tiêu chuẩn này chỉ hiện hữu như là những ước mơ hơn là những yêu sách bởi vì tình yêu đối với người đàn bà dân dã Việt Nam mang tính định mệnh. 

Số em giàu, lấy khó cũng giàu;

Số em nghèo, chín đụn mười trâu cũng nghèo.
Phải duyên phải kiếp thì theo,
Thân em có quản khó nghèo làm chi!


Mà đã là định mệnh thì nhân nghĩa, học thức, xấu đẹp, tài hoa, giàu nghèo thực sự rồi cũng không quan trọng mấy đối với người đàn bà.  Nhưng đạo nghĩa và tình yêu là điều mà hình như -- nếu không tự mâu thuẫn với chính mình khi tin vào thuyết định mệnh -- người đàn bà nghĩ là mình có thể có tự do lựa chọn.

Phải duyên phải nợ thì theo,

Không phải duyên nợ, vàng đeo mặc vàng.

Dầu mà anh có nên quan,
Hiển vinh mình bạn, đây nàng cũng không.
Em kiếm nơi mô có tình nghĩa vợ chồng,
Ơn cha nghĩa mẹ đạo đồng em theo.

Mâu thuẫn hay không mâu thuẫn không quan trọng bằng ánh sáng chiếu rọi cho người đàn ông thấy rõ là đạo nghĩa và tình yêu bao gồm sự chung thuỷ là những đặc tính mà người đàn bà trân quý nhất qua các chứng tích văn học dân gian. Vả lại, định mệnh với ý nghĩa “phải duyên phải nợ thì theo” – qua phân tích cặn kẽ -- chẳng qua cũng chỉ là tình yêu.

Nguyễn văn Thái, Ph.D.
Philadelphia, Ngày 3 Tháng 9 năm 2019

No comments:

Post a Comment