Wednesday, September 30, 2020

Thích Phước An: Lời Giới Thiệu Thi Phẩm Khói Chiều Quê Ngoại

Tranh: Đinh Trường Chinh dành cho Bìa sách

Lời Giới Thiệu Thi Phẩm

Khói Chiều Quê Ngoại 

Trong tác phẩm  Thong dong khắp mọi nẻo đường xuất bản tại Mỹ (2018), tác giả Bạch Xuân Phẻ (Tâm Thường Định) có một đoạn ngắn viết về quê mẹ như thế này: “Mẹ sinh ra và lớn lên ở thôn Vĩnh Hội, xã Cát Hải, huyện Phù Cát, Tỉnh Bình Định. Nơi đó đẹp và thơ mộng. Nơi hương đồng cỏ nội, nắng cát với trăng thanh, bạt ngàn cánh đồng xanh, ở vùng quê ven biển miền trung”.

Đúng là như vậy, xã Cát Hải chẳng những đẹp mà còn hùng vĩ nữa nhất là khi vượt lên dốc cao nhìn vào rặng núi Bà phía tây thì thấy vách đá núi Bà đứng sừng sững, còn nhìn về phía đông là biển cả mênh mông.

Mỗi lần có dịp về thăm quê, tôi vẫn thích đi lên con dốc Cát Hải này, nhất là vào buổi chiều để nhìn nắng vàng còn đọng lại trên các tảng đá hay trên cánh đồng xanh dưới chân núi. Trong khói chiều quê ngoại, Bạch Xuân Phẻ có hai câu:

Em ơi sỏi đá bên đường

Có còn yêu mãi ánh dương chiều tà.

Đọc hai câu thơ trên, tôi cứ tưởng tượng rằng, chắc hồi nhỏ mỗi lần về thăm quê ngoại, anh cũng nhiều lần đứng nhìn những vạt nắng mênh mông ấy. Rồi lớn lên dù phiêu dạt nơi chân trời góc bể nào những vạt nắng thuở còn tuổi thơ nơi quê ngoại ấy vẫn còn đọng lại nơi sâu thẳm của lòng anh?

Trên đỉnh núi bà có ngôi chùa, dù chùa có tên là chùa Linh Phong, nhưng người dân sống bao đời nay dưới chân núi vẫn thường gọi là chùa Ông Núi. Đây cũng là ngôi chùa mà mẹ của Bạch Xuân Phẻ và cả bên ngoại của anh đã được Hòa thượng chùa Ông Núi trao truyền tam quy ngũ giới.  Nhưng vì sao gọi là chùa Ông Núi?

Quách Tấn nhà thơ nổi tiếng của Bình Định có viết trong tác phẩm Nước non Bình Định của ông như thế này:

“Người địa phương gọi là Ông Núi vì thấy nhà sư ở tu trên núi suốt năm, truyền rằng, Ông Núi dùng vỏ cây làm y phục, và ít khi xuống đồng bằng. Thỉnh thoảng cần lương thực thì gánh một gánh củi xuống chân núi để nơi ngã ba đường rồi trở lên, người dân trong vùng đem muối gạo đến để đó rồi gánh củi đem về chụm. Hôm sau nhà sư ở trên núi xuống nhận gạo muối, nhiều ít không biết, mất còn không bận tâm. Nhưng khi trong vùng có bệnh dịch, thì nhà sư lập tức đem thuốc xuống cứu chữa, chữa xong là đi lên núi ngay, một cái vái chào cũng không nhận”. 

Quách Tấn đến thăm chùa vào những năm đầu thập niên thế kỷ 20, nghĩa là khoảng 300 năm sau Ông Núi viên tịch. Thế nhưng, trong Nước non Bình Định ông viết lại rằng, lúc đến cũng như lúc về nhà thơ vẫn còn nghe các em mục đồng, các chàng ngư phủ, những người nông dân sống dưới chân núi Bà vẫn còn ngâm nga:

Ông Núi đi đâu

Bỏ bầu sơn thủy

Đủ nhân đủ trí

Thêm vĩ thêm kỳ

Chùa xưa nhạt bóng tà huy

Xui lòng non nước 

Nặng vì nước non.

Sở dĩ tôi có hơi dài dòng về chuyện Ông Núi như vậy, vì tôi nhớ trong tự truyện của mình, thánh Gandhi có viết một câu đại khái như thế này: “Cái gì mà tuổi thơ chúng ta đã sống thì cái đó sẽ điều động ta suốt cả cuộc đời”.

Mẹ và cả phía ngoại của Bạch Xuân Phẻ đều là đệ tử của chùa Ông Núi, nên tôi nghĩ rằng, trong những lần về thăm ngoại, chắc chắn ông ngoại, bà ngoại của anh đều có kể cho anh nghe chuyện Ông Núi tu Thiền trong hang đá nhưng vẫn lắng nghe được tiếng kêu la thống khổ từ dưới chân núi vọng lên.

Trong tác phẩm Thong dong khắp mọi nẻo đường của Bạch Xuân Phẻ, ta nhận ra anh là một thanh niên trí thức, một phật tử thuần thành, đầy nhiệt huyết đã đề cập đến nhiều vấn đề, từ thiền định, chánh niệm, thi ca đến sinh hoạt Gia đình Phật tử, cả đến vấn đề hiếu thảo với cha mẹ, nghĩa là lĩnh vực nào anh cũng tỏ ra là người đã từng thực hành và trải nghiệm chứ không phải anh viết lý thuyết suông. Đúng như bốn câu thơ mà nhà nghiên cứu Nguyên Giác Phan Tấn Hải đã viết trong lời giới thiệu:

Miệt mài từng năm tháng

Tu trí tuệ, từ bi

Khắp trời tấm gương sáng

Vin chánh niệm mà đi.

Từ khi đọc và sau đó là được quen biết anh, tôi thường suy diễn một cách thi vị rằng, có lẽ hình bóng vị thiền sư chùa Ông Núi dù tu hành trên núi cao nhưng vẫn lắng nghe được tiếng kêu cứu đau khổ của con người dưới chân núi, mà mỗi lần về thăm quê ngoại anh vẫn thường nghe bà ngoại kể lại đã nuôi dưỡng tâm hồn tuổi thơ của anh, để ngày nay anh đã trở thành một phật tử hoạt động tích cực nhằm xoa dịu bớt sự đau khổ cho con người chăng?

Quê ngoại của Bạch Xuân Phẻ cũng là quê nội của bậc anh hùng đánh Pháp ở cuối thế kỷ 19. Wikipedia tiếng việt chép: 

“Nguyên quán gốc Nguyễn Trung Trực ở xóm Lưới, thôn Vĩnh Hội, xã Cát Hải, tỉnh Bình Định. Ông nội là Nguyễn Văn Đạo, cha là Nguyễn Văn Phụng (tục danh là Thắng hoặc Trường), mẹ là bà Lê Kim Hồng”

Một nhà thơ trẻ ở xã Cát Hải là Khổng Vĩnh Nguyên đã lặn lội vào các tỉnh miền nam để nghiên cứu những nơi mà Nguyễn Trung Trực đã dựng cờ đánh Pháp, đặc biệt là dòng sông mà Nguyễn Trung Trực đã đốt cháy tàu Espérance (Hy vọng). Khi về lại quê, anh đã cho xuất bản tập thơ Lửa gầm Nhật Tảo với những câu thơ đầy hào khí:

Lửa gần ngàn lưỡi cọp, liếm ngang tàu giặc

Nhật Tảo gầm vang sóng mặt trời

Tàu “Hy vọng” xâm lăng lò quay bầy bạch quỷ

Trận cuồng phong truy kích lũ mã tà

Lửa thiêng! Lửa thiêng! Đem tình yêu về lại quê nhà.


Nếu người cháu nội của làng Vĩnh Hội ở Bình Định là Nguyễn Trung Trực vào cuối thế kỷ thứ 19 qua lời thơ của Khổng Vĩnh Nguyên, chỉ có một khát vọng duy nhất là độc lập và tự do cho Tổ quốc, thì ở cuối thế kỷ 20 và những năm đầu thế kỷ 21 không chỉ khát vọng riêng cho Tổ quốc mình thôi, mà còn khát vọng những giá trị có tính phổ quát cho toàn thể nhân loại nữa, Irwin Keller có một bài thơ mà Bạch Xuân Phẻ, người cháu ngoại của làng Vĩnh Hội đã dịch sang tiếng việt có đầu đề là người Do Thái bất trung.

Trước hết, tác giả cho biết vì sao mình bất trung, và bất trung về những vấn đề nào?

Tôi không trung thành với một Đảng chính trị

Tôi cũng không trung thành với những kẻ độc tài

hay những vị vua điên cuồng kỳ thị

Tôi không trung thành với những bức tường

hoặc những cái chuồng siết chặt

Còn trung thành?

Tôi trung thành với giấc mơ công lý cho bao thế hệ,

tôi trung thành với Trái Đất chịu nhiều khổ đau.

Tôi trung thành với tự do và cởi mở

Sự thánh thiện, tình yêu và hy vọng.

Sở dĩ, tôi trích bài thơ dịch này vì nghĩ rằng đó cũng là khát vọng của tác giả Khói chiều quê ngoại, nên anh mới ngồi cặm cụi mà dịch như vậy. 

Mặc dù đây là tập thơ Bạch Xuân Phẻ viết về quê ngoại, nhưng trong tập thơ này còn có bài thơ anh viết về quê cha. Nếu đọc hai bài thơ ta sẽ nhận ra rằng, bài thơ anh viết về quê ngoại hết sức dịu dàng, lại còn lãng mạn nữa, ví dụ bốn câu sau đây:

Ngày về thăm ngỡ em còn trong mộng

Ngàn lung linh ánh mắt đợi chờ nhau

Gặp người xưa đến đi như cơn mộng

Thì tiếc gì lận đận một vần thơ.

Trong khi đó bài Nhơn Lý, tức là bài viết về quê cha thì anh đã trở về đúng vị trí của anh, một thầy giáo đứng trên bảng đen nhìn xuống học trò đầy nghiêm khắc:

Nên chúng ta phải luôn ý thức

Nhơn Lý này là nhịp sống chung

Quê hương ta thì phải chung lòng

Xây dựng, yêu thương cho đến khi nhắm mắt.

Cuối cùng xin được trích hai câu thơ nữa trong thi phẩm Khói chiều quê ngoại của Bạch Xuân Phẻ:

Núi Bà xưa kiên trung ngàn năm đợi

Chào bình minh chim hót lộng trời mây.

Vậy là Bạch Xuân Phẻ dù đang lưu lạc chân trời góc bể nào đi nữa, thì anh vẫn tự hứa với lòng mình là sẽ kiên trung như rặng núi Bà hùng vĩ, vẫn đứng sừng sững tự ngàn năm ở quê nhà.

Riêng tôi cũng đã sinh ra và lớn lên dưới chân núi Bà này, nên dĩ nhiên tôi rất lấy làm vinh hạnh khi được tác giả nhờ viết lời giới thiệu.

Những ngày tôi đọc bản thảo Khói chiều quê ngoại là những ngày tôi được dịp sống lại những nơi như chùa Ông Núi, Phù Cát, Vĩnh Hội, Cát Hải, Nhơn Lý…Những địa danh mà một thời tuổi thơ tôi đã từng đi qua.

Xin cảm ơn tác giả. Và xin được giới thiệu thi phẩm này đến tất cả bạn đọc, đặc biệt là những người yêu thi ca.

       Nha Trang mùa hạ 2020

Thích Phước An 


No comments:

Post a Comment