Thủ tướng Anh Boris Johnson nhận liều vắc-xin AstraZeneca đầu tiên
do y tá kiêm Trưởng nhóm khám lâm sàng, Lily Harrington tiêm tại Bệnh viện St.Thomas
ở London, Thứ Sáu, ngày 19 tháng 3 năm 2021. (Ảnh AP / Frank Augstein, Pool)
Giới khoa học toàn cầu đã có sự đồng thuận rộng rãi rằng, cách hiệu quả nhất để đánh bại đại dịch COVID-19 phụ thuộc vào chính sách tiêm chủng hàng loạt tại các cộng đồng quốc gia trên thế giới. Sự phát triển vắc-xin COVID-19 là minh chứng hùng hồn cho thấy các nguồn đầu tư và tài trợ công đáng kể, cũng như sự tập trung cao độ và mức hợp tác khoa học chưa từng có nhằm thúc đẩy việc cải tiến kịp thời trước nhu cầu của cộng đồng thế giới chỉ trong một thời gian rất ngắn.
Tuy nhiên, việc phê duyệt và triển khai các loại vắc-xin này vẫn không thể chận đứng đại dịch ngay lập tức, nó đòi hỏi phải tiến hành tiêm phòng cho một tỷ lệ dân số rất đông. Đây là một thách thức vô cùng to tát. Làm sao để thành công trong nỗ lực tiêm chủng toàn cầu cho hàng tỷ người càng nhanh càng tốt, trước hết các chính phủ cần ưu tiên giải quyết những vấn đề về lòng tin. Sự tin tưởng vào vắc-xin, đồng thời tin tưởng các tổ chức chịu trách nhiệm trong nỗ lực tiêm chủng. Chính phủ cần thúc đẩy niềm tin của công chúng về tính hiệu quả và an toàn của vắc-xin, cũng như năng lực của chính phủ trong việc quản lý, dự phòng thành thục.
Ngay sau khi đại dịch bùng phát, các làn sóng biểu tình đã nổi lên, nhiều quốc gia nhận thấy mức độ mất lòng tin của quần chúng vào năng lực của chính phủ trong việc xử lý khủng hoảng và thực hiện các chính sách ngày càng gia tăng. Điều này làm giảm thiểu sự tuân thủ các quy tắc liên quan đến sức khỏe cộng đồng, từ đó cũng gia tăng mối hoài nghi về viễn cảnh phục hồi kinh tế xa vời. Mặt khác, giữa trận đại dịch phát sinh các luồng thông tin sai lệch, lan tràn, khiến giới hạn sự hiểu biết và ủng hộ các bước tiến khoa học đã đạt được cũng như những chính sách công, dẫn đến thái độ khước từ vắc-xin, dẫu đại dịch COVID-19 thật sự là một vấn đề nghiêm trọng cho tất cả mọi người trên toàn cầu.
Thử khảo sát một số dữ kiện, vào tháng 2 năm 2021, trung bình 76% dân số trên 11 quốc gia cho biết sẵn sàng tiêm chủng, tăng từ mức chỉ 66% vào tháng 12 năm 2020. Tuy nhiên, dữ liệu gần đây từ bảy quốc gia cho thấy một phần tư dân số ở Pháp, Đức và Hoa Kỳ có thể từ chối tiêm chủng COVID-19 và tỷ lệ này thậm chí còn cao hơn trong các nhóm dân số trẻ hơn. Hơn 50% người Pháp từ 25 đến 34 tuổi và một phần ba người Hà Lan từ 25 đến 34 tuổi cho biết họ có thể hoặc chắc chắn sẽ không tiêm chủng.
Cũng không có gì đáng ngạc nhiên khi sự tin tưởng về tính an toàn của vắc-xin đã được kiểm tra nghiêm ngặt bằng các báo cáo mới nhất về các tác dụng ngoại ý, mặc dù rất hiếm nhưng thật sự là mối lo ngoại nghiêm trọng như đối với vắc-xin Oxford/AstraZeneca. Cũng từ đó mà chỉ dấu an toàn và các phản ứng bất nhất của các cơ quan quản lý trên toàn thế giới, phần nào là nguyên do làm suy giảm lòng tin của công chúng. Tuy nhiên cũng cùng thực tế khảo sát, đang có nhiều bằng chứng cho thấy người được tiêm chủng ngày nhiều hơn, có nghĩa là xu hướng đón nhận tiêm chủng đã và đang tăng cao. Ở một mức độ nào đó, điều này có thể cho thấy những lo ngại ban đầu về sự an toàn của vắc-xin mới dần dần được xua tan, nó phản ánh việc tiêm vắc-xin trở thành quy chuẩn và từng lúc được chấp nhận như một lối thoát ra khỏi sự vây khổ của trận đại dịch chí ít trong giai đoạn này.
Song, niềm tin vào sản phẩm vắc-xin là một lẽ, bên cạnh đó còn phải được củng cố bằng sự tin tưởng vào các cơ quan chịu trách nhiệm tiêm chủng. Trong rất nhiều trường hợp, việc không chấp nhận tiêm chủng có thể xuất phát từ những thất bại trước đây hoặc đang mắc phải của hệ thống y tế và các tổ chức công.
Nói chung, niềm tin vào các thể chế rất quan trọng đối với sự vận hành hiệu quả của xã hội và sự chấp nhận các chính sách an sinh xã hội, đặc biệt trong thời kỳ khủng hoảng hiện tại. Bấy giờ, niềm tin được định nghĩa là niềm tin của một người đặt vào một cá nhân hay tổ chức sẽ hành động phù hợp với kỳ vọng của họ và, lòng tin vào thể chế, được công nhận là thước đo chính yếu ở tính hiệu quả.
OECD (The Organisation for Economic Co-operation and Development – Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế), là một tổ chức quốc tế hoạt động nhằm xây dựng các chính sách tốt hơn, nhằm tạo dựng đời sống tốt đẹp hơn qua quá trình thu thập dữ liệu, khảo sát, nghiên cứu đã đưa ra khung hướng dẫn cho các chính phủ trong việc phát triển các chính sách cụ thể, nhằm củng cố lòng tin công chúng, xác định trên năm yếu tố: (1) Khả năng đáp ứng, (2) độ tin cậy, (3) tính liêm chính, (4) tính cởi mở và (5) công bằng.
Năm yếu tố này tương ứng với các nhiệm vụ của chính phủ chẳng hạn như cung cấp dịch vụ công, bảo vệ công dân, sử dụng quyền lực và tài nguyên một cách hợp lý,…v.v. Mức độ phù hợp thực nghiệm của khung hướng dẫn này đã được áp dụng ở nhiều quốc gia và kết quả cho thấy cả hai, năng lực cộng với giá trị của chính phủ đều là những yếu tố quyết định tạo dựng và nâng cao lòng tin công chúng.
Bởi lẽ, chỉ số quan trọng về năng lực của chính phủ là khả năng đáp ứng nhu cầu của người dân, thể hiện qua việc cung cấp sản phẩm và dịch vụ chất lượng cao theo yêu cầu của người dân. Nên để thúc đẩy và củng cố sự tin tưởng của công chúng đối với các sản phẩm vac-xin, điều cần thiết là các chính phủ phải chứng minh rằng không có tiêu chuẩn chất lượng hoặc an toàn nào bị xâm phạm vì các thành phần của những phe nhóm lợi ích trong quá trình phát triển và phê duyệt.
(Kỳ tới: Vai trò của chính quyền và lòng tin công chúng đối với tiêm chủng COVID-19 | Phần II: 4 Hành Động)
* Tâm Quảng Nhuận | Tu thư Sen Trắng phỏng và lược dịch theo tài liệu OECD, viết tắt của tên tiếng Anh “The Organisation for Economic Co-operation and Development. OECD – “Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế” là một tổ chức quốc tế có trên 60 năm kinh nghiệm hoạt động nhằm xây dựng các chính sách tốt hơn cho cuộc sống tốt đẹp hơn. Mục tiêu của tổ chức này là định hình các chính sách thúc đẩy sự thịnh vượng, bình đẳng, cơ hội và phúc lạc cho tất cả mọi người. OECD cùng với các chính phủ, các nhà hoạch định chính sách và người dân, nỗ lực thiết lập các tiêu chuẩn quốc tế dựa trên bằng chứng và tìm ra giải pháp cho một loạt các thách thức xã hội, kinh tế và môi trường. Từ việc cải thiện hiệu quả kinh tế và tạo việc làm cho đến thúc đẩy nền giáo dục mạnh mẽ cũng như chống trốn thuế quốc tế, tổ chức này cung cấp một diễn đàn và là trung tâm kiến thức để phân tích, trao đổi kinh nghiệm, tư vấn các chính sách công trên bình diện toàn cầu… v.v.
No comments:
Post a Comment