Văn Lan/Người Việt
GARDEN GROVE, California (NV) – Tiến Sĩ Bạch Xuân Phẻ và cô Chơn Nguyên vừa chia sẻ cách hướng dẫn các em tuổi teen thực hành chánh niệm tỉnh thức tại Trung Tâm Thực Tập Chánh Niệm Nam California (MPC), 12221 Brookhurst St., #240, Garden Grove, CA 92683.
Tiến Sĩ Bạch Xuân Phẻ (Tâm Thường Định) dạy môn Hóa Học tại trường trung học Mira Loma High School ở Sacramento, miền Bắc California. Ông cũng là người giảng dạy và thực hành về “Sự Tỉnh Thức,” là thành viên của Instructional Leadership Corps – một chương trình huấn luyện giáo viên, ông hướng dẫn chương trình phát triển giảng viên lãnh đạo chuyên nghiệp hợp tác giữa Hiệp Hội Giáo Viên California (CTA), Trung Tâm Chính Sách Cơ Hội Giáo Dục Stanford (SCOPE) và Trung Tâm Tài Nguyên Hội Đồng Quốc Gia Tại Trường Đại Học Stanford (NBRC).
Cô Chơn Nguyên là y tá Học Khu Centralia ở Buena Park, miền Nam California.
Trong buổi chia sẻ, Tiến Sĩ Phẻ và cô Chơn Nguyên đã trình bày một số nét chính về lý do nên thực hành chánh niệm trong đời thường, cùng với một số hình thức thực hành phù hợp với tuổi teen, và cách truyền thông giữa cha mẹ và con em.
Theo đó, thực hành chánh niệm để giảm căng thẳng trong cuộc sống và điều trị một số triệu chứng bệnh tâm lý hoặc tăng khả năng tư duy trong học tập, đã ngày càng phổ biến tại Hoa Kỳ trong hơn thập niên qua. Và cách nhận biết những vấn đề tâm lý của các em, làm sao hiểu được con cái đang tuổi mới lớn thường thay đổi rất nhiều về tâm sinh lý ngày càng được quan tâm, làm thế nào để gia đình ngày càng vui vẻ tốt đẹp hơn.
Tâm lý trẻ vị thành niên ở Mỹ bị chấn thương là một vấn nạn lớn trong xã hội Mỹ hiện nay nói chung và trong cộng đồng Việt ở hải ngoại nói riêng, khi các em chứng kiến những tai nạn giao thông, hỏa hoạn, thiên tai, bắn súng chết người bừa bãi, hay chuyện tự tử của một người bạn, chứng kiến bạo lực trong nhà hay hàng xóm, gia đình cha mẹ bất hòa thường xuyên cãi nhau hoặc chia tay…
Thống kê hiện nay cho thấy số trẻ bị chấn thương tâm lý có khai báo là khoảng 3 triệu em nhưng Bộ Y Tế phỏng đoán là có tới 5 triệu vì không có sự báo cáo từ gia đình, hoặc do không hiểu biết hoặc do giấu giếm của gia đình. Đây là một con số rất đáng quan ngại. Và sau khi con em trong gia đình mắc phải những vấn đề về tâm lý, cha mẹ phải như thế nào.
Cả hai diễn giả đều cho rằng khoa học ngày nay đã chứng minh thực tập chánh niệm là một phương cách tích cực và hữu hiệu để giảm stress, giảm thiểu những căng thẳng trong quan hệ gia đình, việc làm, xã hội. Khoa học cũng đã chứng minh những lợi ích của chánh niệm đối với não bộ của con người, thiền định cũng giúp “bộ não trên” phát triển mạnh hơn, tạo thêm các hóa chất tích cực cần thiết giúp cuộc sống lạc quan hơn.
Tại buổi hội thảo, Tiến Sĩ Bạch Xuân Phẻ xúc động kể câu chuyện một người học trò của ông đã tự tử vì cha em không chấp nhận sự thật rằng em là người đồng tính.
Trong cuộc đời đi dạy, ông cũng đã gặp nhiều trường hợp các em học sinh tự tử vì không thể kiểm soát được những cảm xúc trong cuộc đời mình. Chính vì những điều này đã thôi thúc ông hướng dẫn các em thực hành chánh niệm trong lớp học, bởi vì khi kiểm soát được những nỗi tuyệt vọng, sự căng thẳng khi gặp phải nghịch cảnh, các em sẽ không chọn cái chết.
Khi biết thực hành chánh niệm sẽ đem lại một cảm giác, một sự nhận thức rõ rệt trong từng hành động. Nói đơn giản, chánh niệm không phải cố gắng làm cho tâm trí dứt sạch mọi sự suy nghĩ, ngược lại, việc thực hành chánh niệm chỉ với mục đích chú ý đến khoảnh khắc hiện tại, đặc biệt là những suy nghĩ, cảm xúc mà không phán xét, bất kể điều gì đang xảy ra.
Để thực hành chánh niệm tỉnh thức một cách sinh động hơn, cô Chơn Nguyên cho mọi người thực tập ăn một trái quýt trong chánh niệm bằng cách ăn chậm rãi. Lúc đó trái quýt được cảm nhận qua nhiều giác quan, như mắt nhận thấy được màu sắc, hình dạng trái quýt. Tay bóc vỏ cảm nhận được sự trơn láng của vỏ cùng những múi quýt mềm mại, mũi ngửi được hương thơm của vỏ quýt. Khi cắn vào múi quýt, những vị chua ngọt chảy vào miệng. Ăn quýt như vậy còn cho ta thấy được công sức của người nông dân, để biết ơn người, ơn đời.
Tiến Sĩ Phẻ cũng hướng dẫn một số phương pháp theo dõi hơi thở có thể áp dụng cho các em học sinh. Ngồi thẳng lưng nhưng buông lỏng trên ghế, theo dõi hơi thở vào ra để làm tâm lắng đọng. Việc theo dõi hơi thở có thể được kết hợp với nuôi dưỡng lòng yêu thương, từ bi với người khác. Và người đầu tiên mà mình cần thực tập thương yêu đó chính là bản thân mình. Thực tập khi bắt đầu ngồi theo dõi hơi thở với lời cầu nguyện: “Thở vào, tôi nguyện cho tôi được bình an. Thở ra, tôi nguyện cho tôi được bình an…,” “Thở vào, tôi nguyện cho cha mẹ tôi được bình an…,” “Thở vào, tôi nguyện cho những người chung quanh tôi được bình an…”
Nhiều phụ huynh gốc Việt biết lợi ích của chánh niệm, nhưng không biết làm sao để thuyết phục con em ở tuổi teen chịu thực hành tại nhà. Các em nên bắt đầu thực hành như thế nào là phù hợp?
Theo Tiến Sĩ Phẻ, theo dõi hơi thở là một hình thức đơn giản nhưng vô cùng hiệu quả để bắt đầu. Hơi thở giống như cái neo để buộc tâm trí dừng lại trong giây phút hiện tại. Theo dõi được hơi thở vào ra một cách nhẹ nhàng, tâm trí sẽ có được những giây phút tĩnh lặng hết sức cần thiết.
Buổi hội thảo cũng nêu ra cách cha mẹ nên sử dụng cách thức đối thoại thế nào để khuyên bảo con em mình thực hành chánh niệm? Tiến Sĩ Phẻ cho biết nhiều em học sinh tâm sự rằng không thể nói chuyện được với cha mẹ, thường xuyên xung khắc với cha mẹ vì không có sự cảm thông. Vì vậy, cha mẹ hãy nói với các em bằng lòng yêu thương và sự cảm thông.
Trong giờ thực hành chánh niệm cũng có những động tác của thân, khi mọi người được hướng dẫn những động tác nhẹ nhàng trong hít thở để hoàn tất buổi thực hành chánh niệm.
Tiến Sĩ Bạch Xuân Phẻ kể, từ năm 2014, ông cùng CTA tổ chức những khóa huấn luyện “Tỉnh Thức” cho khoảng trên 3,000 giáo viên thuộc nhiều học khu ở California thuộc mọi sắc tộc, tôn giáo khác nhau.
Cô Chơn Nguyên cũng thành công trong việc đưa thực tập chánh niệm tỉnh thức đến với một số trường học tại học khu của mình. Cô chia sẻ kinh nghiệm cá nhân rằng, cô nhận ra ngay các học sinh tiểu học cũng có những dấu hiệu của căn bệnh căng thẳng lâu dài về tâm lý. Kết quả là phương pháp thực hành chánh niệm đơn giản của cô đã được các trường chấp nhận.
Kết thúc buổi hội thảo, Tiến Sĩ Bạch Xuân Phẻ kêu gọi mọi người cùng tham gia phổ biến cách thực hành chánh niệm đến với các em tuổi teen. Những buổi hướng dẫn tuổi teen thực hành chánh niệm tại MPC là một dự án trong tương lai, cần có sự góp sức của nhiều người.
Muốn biết thêm chi tiết và tham dự các buổi sinh hoạt của MPC, xin liên lạc email: chanhuyen@gmail.com hoặc nguoivietnam06@gmail.com. [qd]
Nguồn: Người Việt
No comments:
Post a Comment