Showing posts with label Đạo Sinh. Show all posts
Showing posts with label Đạo Sinh. Show all posts

Tuesday, June 30, 2020

Thảo Luận Kỷ Năng Học-Hành-Thuyết (Pháp) của Thầy Đạo Sinh

Designed by Htr. Quảng Pháp

Thay lời dẫn của Quảng Hạo:

Hoằng pháp cực kỳ khó. Vì thế công thức tu học chỉ có Văn - Tư - Tu chớ không phải Văn - Tư - Tu - Thuyết.

Một vấn đề quan trọng nữa là thuyết cho ai? Fây sư - ai cũng có thể nói là post Pháp của Đức Phật đến cho người chưa biết khắp cõi fây... Điều đó đáng quý! Nhưng trước khi thuyết/ post, thì cũng nên nhìn lại bản thân mình đã đủ ''Pháp'' (bao gồm cả phương pháp) để thuyết chưa?

Dưới đây là clip Thảo luận kỹ năng Học - Hành - Thuyết từ Ngoạ Tùng Am, bần nhân share về đây, biết đâu các fây sư sẽ cần... 


Monday, April 20, 2020

Nghịch Duyên


Nghịch Duyên

Dilgo Khyentse Rinpoche /Đạo Sinh dịch


Dilgo Khyentse Rinpoche
Nếu có người sỉ nhục và làm cho quý vị mất mặt thì đó chỉ là quả của việc quý vị đã chỉ trích và hạ nhục người khác, nhất là các Bồ-tát, trong quá khứ. Thay vì nổi giận với những người như thế, quý vị nên cám ơn họ đã cho quý vị cơ hội thanh lọc những lỗi lầm trong quá khứ. Trong tất cả các trường hợp, hành động đúng Pháp thì rất quan trọng, nhất là vào những lúc như thế. Nếu không ứng dụng được Pháp thì quý vị thọ nhận để làm gì? Nghịch duyên là cơ hội tốt nhất quý vị có để đưa giáo pháp vào thực hành. 
Dilgo Khyentse Rinpoche
————
If someone defames and disgraces you, that is simply the result of having criticized and dishonored others in the past, especially bodhisattvas. Instead of feeling angry with such people, you should feel grateful to them for giving you the opportunity to purify your past misdeeds. In all circumstances, it is important to act in accordance with the teachings – but especially at such moments. What is the point of having received teachings if you do not apply them? Unfavorable circumstances are the best opportunity you will have to put the teachings into practice. 
Dilgo Khyentse Rinpoche
From “The Heart of Compassion: The Thirty-seven Verses on the Practice of a Bodhisattva”

Tuesday, April 7, 2020

Luyện Tâm Từ Bi - Dilgo Khyentse Rinpoche / Đạo Sinh dịch:

Dilgo Khyentse Rinpoche/Đạo Sinh dịch: Luyện Tâm Từ Bi

The practice of compassion
The practice of compassion begins at home. We have our parents, our children, and our brothers and sisters, who perhaps irritate us the most, and we begin our practice of loving-kindness and compassion with them. Then gradually we extend our compassion out into our greater community, our country, neighboring countries, the world, and finally to all sentient beings equally without exception.
Extending compassion in this way makes it evident that it is not very easy to instantly have compassion for “all sentient beings.” Theoretically it may be comfortable to have compassion for “all sentient beings,” but through our practice we realize that “all sentient beings” is a collection of individuals. When we actually try to generate compassion for each and every individual, it becomes much more challenging. But if we cannot work with one individual, then how can we work with all sentient beings? Therefore it is important for us to reflect more practically, to work with compassion for individuals and then extend that compassion further.
~ Dilgo Khyentse Rinpoche
Luyện Tâm Từ Bi
Việc luyện tâm từ bi bắt đầu từ trong gia đình. Chúng ta có cha mẹ, con cái, và anh chị em–những người có lẽ làm cho chúng ta phiền não nhiều nhất. Vì thế chúng ta hãy bắt đầu tập tâm từ và tâm bi đối với họ. Sau đó chúng ta trải rộng dần tâm này ra ngoài cộng đồng đông đảo hơn, rồi khắp cả nước, rồi sang các nước láng giềng, rồi ra khắp thế giới, và cuối cùng là tất cả chúng sinh, bình đẳng không loại trừ một ai.
Việc trải rộng tâm từ bi như thế cho thấy rằng không dễ gì trong một sớm một chiều mà chúng ta có thể có lòng từ bi đối với “tất cả chúng sinh.” Về lý thuyết, việc phát tâm từ bi đối với “tất cả chúng sinh” có thể rất thoải mái; tuy nhiên, trong hành động, chúng ta cần ý thức rằng “tất cả chúng sinh” là chỉ cho một tập hợp các cá thể. Khi thật sự phát tâm từ bi đối với từng cá thể, chúng ta mới thấy việc làm này có nhiều thử thách hơn. Thế nhưng, nếu không thể hợp tác với một cá thể thì làm sao chúng ta có thể hợp tác với tất cả chúng sinh. Vì thế, chúng ta phải suy nghĩ một cách thực tế hơn, phải hành động vì tâm từ bi đối với mọi cá thể, và phải làm cho tâm đó tăng trưởng rộng lớn hơn.
Đạo Sinh dịch

Saturday, April 4, 2020

THÂN CÁCH LY (1) Ajahn Chah & THÂN CÁCH LY (2) Dilgo Khyentse Rinpoche / Đạo Sinh dịch

THÂN CÁCH LY (1)
~ Ajahn Chah
Đạo Sinh dịch

Trong thời gian đầu tu tập, việc cách ly thân thì cực kỳ quan trọng. Khi sống một mình nơi cô tịch, quý vị sẽ nhớ đến những lời dạy của Tôn giả Xá-lợi-phất: "Thân cách ly là nhân duyên sinh khởi tâm xả ly, tức các trạng thái thiền định sâu xa, vượt ra ngoài sự tiếp xúc của các giác quan với ngoại giới. Rồi tâm xả ly này lại là nhân duyên dẫn khởi sự đoạn trừ các phiền não nhiễm ô, tức giác ngộ."
Thế nhưng, vẫn có người cho rằng thân xả ly thì không quan trọng: "Nếu tâm an tịnh thì ở đâu cũng không thành vấn đề." Điều này không có sai; tuy nhiên chúng ta nên nhớ rằng trong thời gian đầu sống một mình trong một môi trường thích hợp vẫn là điều kiện tiên quyết.
~ Ajahn Chah
----------
"In the beginning stages of Dhamma practice, physical seclusion is of vital importance. When you live alone in isolation you will recall the words of Venerable Sāriputta: ‘Physical seclusion is a cause and condition for the arising of mental seclusion, states of profound samādhi free from external sense contact. This seclusion of the mind is in turn a cause and condition for seclusion from mental defilements, enlightenment.’ And yet some people still say that seclusion is not important: ‘If your heart is peaceful, it doesn’t matter where you are.’ It’s true, but in the beginning stages we should remember that physical seclusion in a suitable environment comes first."
From "Food for the Heart: The Collected Teachings of Ajahn Chah"

Dilgo Khyentse Rinpoche / Đạo Sinh dịch: Thân Cách Ly (2)

“Vội vàng đi đến chỗ này chỗ kia chỉ làm cho quý vị mệt mỏi mà chẳng được việc gì cả. Lúc nào chúng ta cũng vội vàng, chạy đi xem chuyện gì xảy ra ở đâu đó và rồi bị cuốn theo đủ mọi thứ trên đời. Thật ra thì trong suốt thời gian đó, tự thân chúng ta cũng đã có rất nhiều điều để xem xét, ngay trong chuỗi vận hành các ý tưởng của chúng ta, rồi còn nhiều việc phải làm để nắm được các ý tưởng này, v.v.
Cho đến giờ này thì quý vị vẫn đang còn mãi ‘lang thang’, vẫn đắm chìm trong các cảnh giới luân hồi khác nhau, nơi chỉ có khổ đau chứ chẳng có gì khác. Khi tích tụ các nghiệp và chịu khổ từ nghiệp quả thì quý vị, càng ngày đã càng xa rời Pháp. Vậy thì giờ đây việc ở yên một nơi tĩnh lặng, thuận tiện cho thiền tập, chẳng phải lợi lạc hơn cho quý vị sao?
Quán tưởng về người Thầy cao cả của mình, về giáo pháp vô thượng mình đang theo, cho đến khi tinh nghĩa của Pháp hoàn toàn thấm đẫm tâm tư quý vị, là phương thức duy nhất để quý vị chuyển hoá thân người hiếm có và quý giá này trở thành xứng đáng với giá trị thật của nó. Nếu quý vị có thể làm được như thế, cho dù chỉ trong giây lát, thì đó đã là một ân phước lớn lao rồi vậy!”
~ Dilgo Khyentse Rinpoche
—————
Racing around, hither and thither, only tires us out for no reason. We are always rushing off to see what is happening somewhere else and getting involved in all sorts of events in the world outside. But all this time there is actually more than enough to look at inwardly, in the movement of our thoughts, and plenty to be done to master them.

Until now you have been wandering around, lost in the different realms of saṃsāra where there is little else but suffering. Gathering karma and experiencing the pain of its fruition, you have strayed further and further away from the Dharma. Would it not now be better to stay by yourself in a quiet place conducive to meditation?
To meditate on the sublime teacher and the sublime teachings until the true meaning of Dharma completely suffuses your mind is the only way to render this rare and precious human life truly worthwhile. If you are able to do that, even for a short while, it is a great blessing.
From The Heart Treasure of the Enlightened Ones, Shambhala Publications.

Thursday, March 12, 2020

THÔNG ĐIỆP và SỨ GIẢ

THÔNG ĐIỆP và SỨ GIẢZen Fables for Today / Đạo Sinh dịch

Trong một lớp huấn luyện giảng sư Thiền tông, một vị Thiền sư lỗi lạc đã cho lời khuyên như thế này:
“Các thầy hãy xăm lời nhắc nhở này vào trong mí mắt mình: ‘Tôi là người Hoằng Pháp, chứ không phải Pháp. Tôi chỉ như mọi người khác’.”
Các thiền sinh hỏi: “Thưa, để làm gì ạ?”
Thiền sư nói: Tôi sẽ bắt đầu bằng câu chuyện về một thành phố bị bao vây. Quân địch sẽ giết hết cư dân nếu không được cứu viện. Ngay khi mọi thứ đều tỏ ra vô vọng thì một sứ giả lọt được qua hàng rào địch, với thông điệp là quân đội của Shogun sẽ tấn công vào sớm mai để đánh đuổi quân xâm lăng. Tin tức này khiến dân chúng vui mừng đến độ xem sứ giả như một người hùng. Sau khi quân đội của Shogun rời thành, dân chúng đã bầu sứ giả làm người cai quản thành phố. Mặc dù rất được lòng người, nhưng vị sứ giả đã tỏ ra quá kém cỏi trong công việc điều hành, và chẳng bao lâu đã bị đuổi đi không luyến tiếc.
Bài học ở đây là đừng bao giờ nhầm lẫn Chánh Pháp—vốn là quà tặng quý giá của đức Phật—với người hoằng truyền Chánh Pháp. Các thầy chỉ là người hoằng Pháp. Khi các thầy khiến cho thính chúng phải kinh ngạc trước nội hàm đầy trí tuệ của một bài Pháp, khi đệ tử của các thầy giao phó cho các thầy công việc hình thành tâm thức của họ, khi các thầy được đối đãi như một người đặc biệt, các thầy hãy tập trung vào thông điệp bên trong mí mắt:
“Tôi là người Hoằng Pháp, chứ không phải Pháp. Tôi chỉ như mọi người khác.”
Zen Fables for Today
————-

“Tattoo inside your eyelids this reminder: ‘you are the messenger, not the message. You are just like everyone else.’ ”
This was the advice given by a charismatic Zen teacher to a class of Zen teachers-in-training.
“What do you mean?” they asked her.
“I’ll begin with a story about a besieged town that was surrounded by enemies who would slaughter all the inhabitants if help didn’t arrive. Just when things looked hopeless, a messenger slipped through enemy lines with the message that the army of the Shogun would attack in the morning and drive off the invaders.
“The townspeople were so enraptured with this news that they treated the messenger like a hero. And after the Shogun’s army left, they elected the messenger mayor.
Though a pleasant fellow, the messenger turned out to be a thoroughly inept leader and was soon sent away in disgrace.
The lesson here is never confuse the message–which is the precious gift of Buddha–with the messenger. You are only a messenger.
“When you stun an audience with the wisdom of a lecture, when your students cede to you the molding of their minds, when you are treated as someone special, focus on the message inside your eyelids: You are the messenger, not the message. You are just like everyone else.”

Wednesday, February 12, 2020

Tu học Phật Pháp [1]

Đạo Sinh: Tu học Phật Pháp [1]

Chữ Phạn “siddhārtha” (siddhattha; don grub; 悉達多) có nghĩa là “Người thành tựu mục đích của mình” (He who achieves his goal). Bồ-tát Siddhārtha, sau khi từ cõi trời Đâu-suất hạ sinh vào thế giới này, đã thành tựu mục đích tối hậu trên con đường tu tập của mình là “Vô Thượng Chánh Đẳng Giác” dưới cội cây bồ-đề. Đây cũng là thời điểm ngài nhập “Hữu dư y niết-bàn”, là loại niết-bàn trong đó mọi dấu vết của vô minh và phiền não đã được đoạn tận, nhưng vẫn còn lưu giữ sắc thân để giáo hóa chúng sinh. Từ đó, giác ngộ (bodhi) hay niết-bàn được xem như điểm đến cuối cùng của con đường tu học.
CỨU CÁNH TU HỌC: Niết-bàn là loại cảnh giới vô vi (unconditioned realm), tức không được lập thành bởi các điều kiện, hay nhân-duyên. Vì không có sự hội tụ của nhân-duyên nên niết-bàn không sinh; và vì không có sự tan rã của nhân-duyên nên niết-bàn không diệt. Nếu niết-bàn có diệt, thì khi nhân duyên tan rã, chư Phật sẽ phải trở lại luân hồi. Sự chuyển y từ cảnh giới sinh diệt của luân hồi sang cảnh giới bất sinh bất diệt của niết-bàn được đánh dấu bằng 3 cánh cửa mà bất kỳ người học nào muốn đạt được mục đích cuối cùng này đều phải đi qua:
(1) Không Môn: cánh cửa của tánh Không, mở ra một sự thật là niết-bàn trống vắng mọi thứ tương ưng với một ý thức về Ngã.
(2) Vô Tướng Môn: cánh cửa của sự trống rỗng bất kỳ dấu hiệu, hình thái nào; hiển bày một sự thật là niết-bàn chẳng có gì cho người học nương vào để nhận biết.
(3) Vô Nguyện Môn: cánh cửa của sự trống rỗng bất kỳ thệ nguyện nào, hàm nghĩa niết-bàn chỉ có thể được thể nhập khi người học không còn bất kỳ mong muốn hay đeo bám nào đối với niết-bàn.
Ý NGHĨA TU HỌC: Luận Câu-xá mô tả cấu trúc thân-tâm của Bồ-tát Siddhārtha sau khi giác ngộ và thể nhập niết-bàn như thế là “tịnh ngũ uẩn”, để phân biệt với “thủ ngũ uẩn” của người học. “Thủ” là tự thân phiền não, đồng thời cũng là nhân và quả của phiền não; vì thế “thủ ngũ uẩn” có nghĩa là “năm uẩn nhiễm ô, bất tịnh”. Trên bình diện chuyển y, tu học là tiến trình chuyển dịch từ “nhiễm ô” sang “thanh tịnh”. Đây chính là ý nghĩa của chữ Phạn “bhāvanā” được sử dụng trong nhóm từ “văn-tư-tu”. “Bhāvanā”—được dịch nghĩa trong Hán tạng là 修 (tu)—xuất phát từ động từ căn √bhū, có nghĩa là “trở thành” (to become). Như vậy, tu học trong Phật pháp là hành động trở thành: từ “nhiễm ô” trở thành “thanh tịnh”, từ “phiền não” trở thành “giải thoát”, từ “vô minh” trở thành “giác ngộ”, từ “phàm phu” trở thành “thánh giả”, v.v.
CHƯỚNG NGẠI TU HỌC: Trong quá trình trở thành này, để đạt được mục đích cuối cùng là giác ngộ, người học sẽ phải vượt qua hai chướng ngại chính là phiền não và sở tri. Phiền não chướng là các trạng thái tâm tiêu cực như tham, sân, si, phóng dật, hôn trầm, vô tàm, vô quý, v.v. Sở tri chướng là các kiến thức, nhận thức, quan niệm sai lầm về thực tại, như hữu thân kiến, biên kiến, thường kiến, đoạn kiến, v.v.; trong đó hai loại tà kiến dưới đây được xem như nguồn gốc phát sinh tất cả các chướng ngại nói trên, đồng thời là nguyên nhân của luân hồi sinh tử:
(1) Nhân ngã kiến (pudgalātmagraha, 人我執): là quan niệm cho rằng trong cấu trúc thân-tâm của mỗi người đều có một cái “ta” làm chủ tể, chịu trách nhiệm phát sinh và điều động tất cả các hoạt động của một con người. Theo quan niệm của Ấn giáo, cái “ta” này vốn thanh tịnh, thường hằng, bất biến, nhưng vì bị phiền não và vô minh trói buộc nên mới chịu đau khổ. Vì thế, tu học có nghĩa là nỗ lực làm thế nào cho cái “ta” này ngày càng được thanh tịnh, an lạc, giải thoát, v.v.
(2) Pháp ngã kiến (dharmātmagraha, 法 我執): là quan niệm cho rằng tất cả các hiện tượng con người có thể nhận biết đều có tự tánh riêng của nó, tức tự nó hiện hữu như chính nó, chứ không phải giả hợp, do nhân duyên tạo thành theo cái nhìn của Phật pháp.
Hai loại kiến chấp này nằm trong số các điều kiện hình thành vòng sinh tử luân hồi của người học. Từ sự tham luyến cái “ta” dẫn khởi sự tham đắm, đeo bám, chấp thủ “những gì thuộc về cái ta” (ngã sở). Vì đeo bám, chấp thủ như thế nên người học đã hiện hữu liên tục trong vòng quay của sống-chết từ đời này qua đời khác. ….

Thursday, January 16, 2020

CÂU CHUYỆN THẦY TRÒ - Đạo Sinh

CÂU CHUYỆN THẦY TRÒ 
(NGOẠI TRUYỆN)
Đạo Sinh
Tu Viện Lộc Uyển - BXK

Hôm trước chúng ta có bàn sơ qua về 3 trạng thái tâm Niệm-Định-Tuệ. Hôm nay, dựa vào các khái niệm có được đó, chúng ta tìm hiểu thêm về 3 môn học Giới-Định-Tuệ để tránh sự hiểu lầm không nên có giữa 2 nhóm thuật ngữ này.

Như quý vị đã biết, khi giảng về Đạo đế, đức Phật có đề cập đến một pháp hành, nhằm hỗ trợ cho Phật tử chúng ta trên con đường dẫn tới giác ngộ. Pháp hành đó có tên là "Thánh Đạo Tám Nhánh". "Thánh đạo" là con đường của bậc Thánh; có nghĩa rằng khi một phàm phu đã phát tâm chọn Pháp làm nơi "trú ẩn", thì xem như đã đặt bước chân đầu tiên vào Thánh Đạo.
"Tôi đi đến Pháp, Pháp là nơi trú ẩn, là nơi nương tựa của cả cuộc đời tôi". Đó là nội hàm của phát biểu "dharmaṃ śaraṇaṃ gacchāmi", được tự thân chúng ta nói ra trước sự chứng minh của chư Tăng Ni và Phật tử. Chúng ta đã tự mình phát tâm và phát ngôn như thế; bây giờ nếu vì lý do nào đó mà tự phủ nhận con đường của Pháp, chẳng lẽ chúng ta lại chọn con đường của ma quỷ sao!
Trong luận Câu-xá, Bồ-tát Thế Thân đã dạy: (1) "Quy y Phật là quy y các Pháp làm thành một bậc Giác Ngộ; đó là Tận trí, Vô sinh trí, Chánh Kiến, Tịnh ngũ uẩn, v.v. Phật tử không quy y sắc thân Phật vì mặc dù đã đạt ngộ, nhưng Ngài vẫn mang sắc thân của một bồ-tát." Về sau các Thiền sư còn dạy thêm: Không quy y Tượng Phật; vì tượng gỗ nếu đốt sẽ cháy, tượng đá qua sông sẽ chìm; tượng đất nếu rơi sẽ vỡ; tượng sáp nắng nóng sẽ tan; v.v. (2) Quy y Pháp là quy y Pháp Niết-bàn. Niết-bàn là lối thoát duy nhất của chúng sinh trước vô lượng vô biên phiền não và vô minh do chính con người tạo ra trong vô số kiếp. Đức Phật minh chứng không bao giờ có cái gọi là hạnh phúc thật sự dành cho loài người trừ khi con người quyết tâm bước đi theo con đường của Pháp. (3) Quy y Tăng là quy y các pháp Hữu học và Vô học--các pháp giúp hình thành một nhân cách siêu việt có khả năng mang lại một cuộc sống an vui cho chính mình cũng như người khác.
Với một nội hàm như thế, nếu xét trên bình diện học thuật thế gian, thì khi phát tâm quy y Tam Bảo là chúng ta quyết định GHI DANH vào một trường học dạy LÀM NGƯỜI, làm một con người hoàn chỉnh với tất cả ý nghĩa tốt đẹp và cao quý nhất của nó. Đức Phật xuất hiện chỉ vì con người; và toàn bộ "giáo trình" ngài để lại cho chúng ta cũng chỉ có mục đích duy nhất là PHỤC VỤ CON NGƯỜI. Sau khi ghi danh vào một trường như thế, chúng ta sẽ được học 3 môn: Giới học, Định học, và Tuệ học.
(1) GIỚI HỌC: bao gồm 4 chủ đề Chánh Ngữ, Chánh Nghiệp, Chánh Mạng, và Chánh Tinh Tấn.
Một sinh viên tốt nghiệp từ một trường như thế, khi vào đời sẽ trở thành một công dân góp phần vào sự chấn hưng ngôn ngữ đang trên đà phá sản của xã hội loài người, góp phần vào sự phát triển cộng động bằng những hoạt động chân chính từ nhận thức cho đến hành động , góp phần triệt tiêu các phương cách làm giàu bất chính bằng buôn bán vũ khí, ma túy, hóa chất độc hại, sức lao động của con người, v.v.; biết những nỗ lực nào mang lại an vui cho thế giới, và những nỗ lực nào dẫn con người đến chỗ diệt vong, v.v.

(2) ĐỊNH HỌC: Với Chánh Niệm và Chánh Định, sinh viên trở thành những người làm chủ chính bản thân mình ngay giữa đời sống cộng đồng, là những con người luôn luôn tỉnh táo, thông minh, không bị cuốn theo bất kỳ loại hình sinh hoạt sa đọa nào, cũng như không tiếp tay hay chịu làm nô lệ cho bất cứ loại tà thuyết nào hay bất cứ hình thức định chế xã hội nào đi ngược lại khát vọng tự do và hạnh phúc muôn thưở của con người.
(3) TUỆ HỌC: Hai chủ đề Chánh Kiến và Chánh Tư Duy hình thành môn học quan trọng nhất của một người Phật tử. Với sự hiểu biết uyên bác, mênh mông về sự sống và trật tự vận hành của con người cũng như thế giới tự nhiên; cộng với một tư duy tích cực lành mạnh, luôn luôn ý thức tồn tại của chính mình không thể tách rời với tồn tại của tất cả công dân của đất nước, ý thức rằng sự sống chết của toàn thể loài người trên trái đất cũng chính là sự sống chết của bản thân mình, người sinh viên có thừa bản lãnh để trở thành một nhà lãnh đạo chân chính của loài người và cho loài người.
Lịch sử Việt Nam đã chứng kiến sự đóng góp to lớn của không biết bao nhiêu sinh viên đã tốt nghiệp từ một trường như thế. Điển hình là "sinh viên thiền sư" Vạn Hạnh, là vị cố vấn quốc gia tối cao dưới thời vua Lý Thái Tổ, và chính bản thân nhà vua cũng đã được đào tạo từ một trường như thế để trở thành một trong những nhà lãnh đạo tài ba nhất của đất nước; sinh viên bồ-tát Trần Nhân Tông, một chiến binh điển hình của Bồ-tát đạo, dũng mãnh mang khôi giáp Đại thừa đánh đuổi quân cướp nước để mang lại đời sống ấm no cho dân lành; v.v.
Một thư sinh yếu ớt "trói gà không chặt" của Nho gia còn biết hổ thẹn khi tiếng tăm của dòng tộc bị điếm nhục ngay trong chính đời mình, chẳng lẽ mang danh "đệ tử Phật gia" với tinh thần "bỉ ký trượng phu ngã diệc nhĩ", lại có thể hèn nhát ngồi nhìn mạng mạch của Phật Pháp bị đứt đoạn trong chính tay mình. Tôi chỉ mạo muội nhắc lại đôi lời của chư Phật chư Tổ. Quyết định vươn lên trên con đường đầy ánh sáng hay cam chịu chôn mình trong bóng tối hoàn toàn tùy vào mỗi người trong quý vị.

CÂU CHUYỆN THẦY TRÒ 
(NGOẠI TRUYỆN)

Chúng ta đã bàn về TƯỚNG, về TƯỞNG, và về TU. Sau khi học xong, chúng ta có được một số kiến thức nhất định nào đó về 3 pháp này. Những kiến thức này gọi là "khái niệm". Chiếu theo công thức về tiến trình tu học Văn-Tư-Tu, thì chúng ta tạm thời xem như đã xong được 2 bước đầu là Văn&Tư. Khi nào ứng dụng được các kiến thức đó vào cuộc sống thực tế thì mới gọi là Tu, tức "trở thành". Tôi sẽ công thức hóa bước thứ 3 này. Các vị xem như 1 slogan, dán ở đâu đó để có thể ghi nhớ hàng ngày:
KHÁI NIỆM TRỞ THÀNH KINH NGHIỆM
Minh họa:
(1) Chúng ta nghe/đọc một bài giảng về cách làm bánh. Sau khi nghe/đọc, chúng ta có một số khái niệm. Các điều kiện cần và đủ là bột, đường, nước, hương liệu, thông số nhiệt độ lò hấp, thông số nhiệt độ lò nướng, kiến thức & kinh nghiệm của người làm.
Quý vị lưu ý: Không có một cái Tôi (ego) nào làm ra cái bánh cả. "Kiến thức & kỹ thuật của người làm" chỉ là một trong các điều kiện cần và đủ thôi. Có điều kiện này mà không có "bột","đường", v.v. các thứ thì cũng sẽ không có cái bánh nào đâu. Trong Phật học, sự kiện này gọi là Vô Ngã. Hay nói một cách văn chương là "Không có người làm bánh (doer of action) mà chỉ có việc làm bánh (action)"; hoặc "Không có người đau răng mà chỉ có cái răng đau". Vì thế nếu làm xong mà quý vị cao rao là "TÔI đã làm một cái bánh rất ngon. TÔI là một NGƯỜI làm bánh tuyệt vời" là các vị rơi vào tà kiến đấy. Tuy nhiên chúng ta đang sống trong thế giới quy ước cho nên quý vị cứ thoải mái, thích nói gì thì nói, miễn sao luôn luôn biết rằng đó là "giả" thì không gọi là "thất niệm" (quên Pháp).
(2) Sau khi có được các khái niệm như thế rồi, quý vị mới bắt đầu tính toán: trong nhà mình đã có sẵn những thứ nào rồi; cần phải mua thêm gì; mua ở siêu thị nào cho có chất lượng, v.v.
Cả 2 bước này cũng chỉ là khái niệm thôi, tức mới chỉ là những IDEAS trong đầu quý vị thôi.
(3) Bây giớ quý vị bắt đầu thực hành bước thứ 3: kiểm lại các thứ trong nhà bếp xem có đúng là mình đã có sẵn không; ra siêu thị mua các thứ còn thiếu; về nhà, xăn tay áo vào bếp. Nhớ là quý vị không được sai con cái, hoặc ai đó làm thế. Phải tự tay quý vị làm thì mới gọi là kinh nghiệm. Vì làm lần đầu nên chắc chắn cái bánh sẽ không giống như "cái bánh" trong khái niệm. Nhưng quý vị đừng sợ. Ở chỗ này tôi nhắc quý vị một sự thật: "Trong lần bắn trúng của mũi tên thứ 100 có sự hiện hữu của 99 lần bắn trật trước đó."
Khi quý vị lấy cái bánh ra khỏi lò rồi thì lúc đó quý vị mới có thể nói là "TU" một cách không hổ thẹn, vì sự thật là các thứ "bột, đường, v.v." đã TRỞ THÀNH cái bánh ăn được.


CÂU CHUYỆN THẦY TRÒ 2

Vì Tướng (nimitta) là một trong những Cảnh được Tưởng nắm bắt nên sau khi đã biết được Tướng là gì rồi thì ta học luôn về Tưởng.

(1) Tưởng là từ Hán-Việt của 想, được dùng trong Hán tạng để dịch nghĩa chữ Phạn saṃjñā (P. saññā; T. ’du shes). Nó là một trạng thái tâm (state of mind), có chức năng nắm bắt Tướng, chứ không phải Thể của một cảnh, vì thế nó vừa có tính tích cực, vừa tiêu cực.
Ví dụ: Khi Tưởng nhận ra chữ "SUGAR" được in trên nhãn một chiếc lọ nào đó thì nó "biết" cái được đựng trong đó là đường chứ không phải muối, chẳng hạn. Tuy nhiên, nó sẽ sai lầm nếu trong đó là muối, hoặc không có gì cả.
(2) Hôm trước chúng ta đã có khái niệm sơ qua về 5 Uẩn. Nếu xét về Thể thì lẽ ra chỉ có 3 "đống": Sắc uẩn - Hành uẩn - Thức uẩn. Tuy nhiên, 2 trạng thái tâm Thọ & Tưởng có đặc điểm riêng nên Phật tách ra làm 2 "đống" để chúng ta dễ khảo sát:
- Thọ là một trong các nhân của tái sinh, tức là một trong các điều kiện khiến cho chúng sinh trôi lăn trong vòng luân hồi.
- Tưởng là một trong các nhân của sự tranh chấp, chiến tranh. Ví dụ những người cho rằng chủ nghĩa tư bản "có tính chất xấu" đánh nhau với những người cho rằng chủ nghĩa tư bản "có tính chất tốt".
(3) Vì tính chất tiêu cực của Tưởng trong tiến trình nhận thức nên tôi sẽ trình bày vắn tắt ở đây 3 loại nhận thức điển hình trong Nhân Minh Học, một môn học về lý luận, trong PG.
(3.1) Hiện lượng: là khả năng nhận biết trực tiếp một cảnh vào đúng thực tại điểm mà cảnh đó đang vận hành. Ví dụ, khi nhãn căn tiếp xúc với một "đống lửa" thì nhãn thức sinh khởi và nhận biết Cảnh của nó là một sắc pháp, tức hình&màu, như thế như thế. Đến khi Tưởng sinh khởi thì nó nắm bắt Tướng của sắc pháp đó để đặt tên là "đống lửa", "nóng", v.v. Nếu đó là lần đầu trong đời nhìn thấy thì nó sẽ đặt tên là "cái đó", "nó", "chúng", v.v. Theo văn học Abhidharma thì chỉ có 5 thức thân là mắt-tai-mũi-lưỡi-thân là có khả năng này.
(3.2) Tỷ lượng: là khả năng nhận biết gián tiếp, bằng suy đoán. Ví dụ, nhãn thức không trực tiếp nắm bắt đống lửa đốt ở phía sau ngọn núi, mà chỉ nhìn thấy hình&màu của khói bốc lên. Và Tưởng cho rằng có một đống lửa ở phía sau. Trường hợp sai lầm là khi đó là khói của mặt nước hồ bốc lên. Cũng theo văn học Abhidharma thì Tỷ lượng là khả năng nhận biết của Ý thức.
(3.3) Thánh giáo lượng: Khi hoàn toàn không nhìn thấy trực tiếp, và vì không có kinh nghiệm của một sự nhìn thấy như thế trước đó, nên không có cơ sở để suy diễn; nhưng "biết" được nhờ dựa vào lời Phật dạy. Ví dụ, chưa đến được "thành phố" Niết-bàn, nhưng nhờ "tấm bản đồ" do Phật vẽ ra nên "biết được" Niết-bàn là như thế như thế.

CÂU CHUYỆN THẦY TRÒ 3

Hôm nay chúng ta học về TUỆ. Tuệ cũng thuộc phạm trù "biết". Chữ "biết" trong tiếng Việt có nghĩa rất rộng. Nhưng chính cái rộng này lại làm khó cho người học, bởi vì trong Phật học có rất nhiều loại "biết" khác nhau. Đây cũng là một trong những lý do khiến người Việt học Pháp thường hay bị nhầm hoặc cãi nhau. Chúng ta thường dùng chữ "biết" để dịch các chữ Hán như 識 (thức), 想 (tưởng), 知 (tri), 智 (trí), 覺 (giác), 悟 (ngộ), 了 (liễu), 達 (đạt), v.v., trong khi các chữ này lại có nội hàm không hoàn toàn giống nhau. Sở dĩ thỉnh thoảng tôi phải chú thêm các từ Hán, Phạn, v.v. kèm theo là vì thế.
"Tuệ" hay "bát-nhã" là từ Hán-Việt, được Hán tạng dịch từ chữ Phạn prajñā (P. paññā; T. shes rab; C. 般若/慧). Trong Luận Câu-xá, ngài Huyền Trang chuyển ngữ thành "trạch pháp" (慧謂擇法). Sự sinh khởi của Tuệ vẫn thuộc về lý Duyên Khởi; vì thế, để cho dễ hiểu, chúng ta tìm hiểu thêm các pháp làm điều kiện cho sự sinh khởi của nó là Niệm & Định. Như vậy, chúng ta có 1 chuỗi các trạng thái tâm nối tiếp nhau là "niệm-định-tuệ". Quý vị đừng nhầm với "giới-định-tuệ" là 3 môn học chứ không phải tâm sở.
(1) NIỆM (smṛti) có nghĩa là "nhớ" (remember), là nhận ra (recognize) một dữ liệu nào đó đã được "nạp vào bộ nhớ" trước đó. Vì thế, trong loại trạng thái này của tâm luôn luôn có yếu tố quá khứ. Ví dụ: Chúng ta được dạy về lịch sử đức Phật, và vì thế chúng ta có những ngôn ngữ và hình ảnh nào đó về Ngài ở trong tâm. Khi tâm, nhờ những điều kiện nào đó, mà nhận ra những ngôn ngữ & hình ảnh này, thì hoạt động này gọi là "niệm".
Như vậy, chúng ta có Niệm Phật là "nhớ Phật", Niệm Pháp là "nhớ Pháp". Tuy nhiên, khi được truyền vào Trung Hoa và Việt Nam thì "smṛti" có thêm nghĩa là "đọc, tụng" (recite). Ví dụ như "niệm Phật" là đọc thành tiếng danh hiệu Phật; "niệm kinh" là đọc kinh.
(2) ĐỊNH (samādhi) có nghĩa là tập trung (concentration). Khi tâm tập trung vào một Cảnh ở ngoài, như tượng Phật chẳng hạn, hoặc một Cảnh ở trong, như hình ảnh về tượng Phật chẳng hạn, và kéo dài trong một thời gian nào đó, thì trạng thái này gọi là Định.
Quý vị lưu ý: Khi nói "kéo dài trong một thời gian nào đó", chúng ta phải hiểu rằng đó là một chuỗi tương tục các trạng thái tâm có tên là "định", sinh khởi, rồi diệt, rồi sinh, v.v., nối tiếp nhau. Trong Phật pháp, ngoài niết-bàn, giác ngộ (bodhi) ra, không có một pháp nào tồn tại qua 2 sát-na. Khi chúng ta nói rằng vị đó có Chánh Kiến, có nghĩa rằng trạng thái tâm có tên là "chánh kiến" sinh diệt nối tiếp nhau, tương tục trong tâm vị đó. Không có cái gọi là "chánh kiến" thường xuyên tồn tại trong tâm vị đó. Nếu cho rằng có một tồn tại như thế thì chúng ta bị rơi vào loại tà kiến có tên là Thường Kiến. Ví dụ, khi một hành giả niệm danh hiệu Phật A-di-đà phát biểu "Tôi luôn luôn niệm Phật" hoặc "Lúc nào tôi cũng niệm Phật" thì vị đó đã rơi vào Thường kiến, tức sự thật là tiến trình niệm Phật của vị đó đã bị câu nói trên làm cho đứt đoạn, nhưng vị đó cứ "tưởng" là tương tục.
(3) TUỆ: Sau khi đã nhận ra một Cảnh và tập trung tâm vào Cảnh đó, thì hành giả bắt đầu khảo sát thể-tướng-dụng của Cảnh. Tiến trình khảo sát này gọi là Tuệ.
(4) Minh họa:
(4.1) Chúng ta vào siêu thị. Ở trên một tầng cao của gian hàng bán sữa là một dãy dài các hộp sữa có thương hiệu (trade marks) khác nhau. Khi nhãn thức nắm bắt một thương hiệu nào đó, thì Tưởng sẽ xuất hiện liền theo để "đọc" hàng chữ in trên nhãn của thương hiệu đó là ENTRUST chẳng hạn. Nhờ Tưởng đã "xác định" được đó là chữ gì rồi, nên tâm nó "nhớ" ra đó là một thương hiệu mà Tưởng thường nắm bắt trên các biển quảng cáo hoặc vô tuyến truyền hình, v.v. Ở đây quý vị bắt đầu hiểu được tại sao trong kinh doanh người ta đầu tư rất nhiều vào quảng cáo. Khi quý vị nhận ra đó là loại sữa mình thường dùng hoặc thường thấy trên quảng cáo, thì trạng thái tâm đó gọi là NIỆM.
(4.2) Sau khi nhớ ra thì quý vị sẽ đưa tay lấy hộp sữa ENTRUST xuống, và tâm bắt đầu tập trung vào hộp sữa. Trong quá trình tập trung này, nếu tâm quý vị, dù sinh diệt tương tục, nhưng luôn luôn lấy hộp sữa làm Cảnh, thì trạng thái đó gọi là ĐỊNH.
(4.3) Nhờ luôn luôn tập trung vào Cảnh, nên tâm có thời gian khảo sát Cảnh ở điều kiện "tĩnh". Thật ra thì chẳng có Cảnh nào gọi là tĩnh cả, vì "everything constantly changes"; nhưng vì nhờ định lực, nên tâm dù sinh diệt tương tục vẫn có thể "bám sát" Cảnh từ sát-na này qua sát-na khác. Khi tâm đã có thể bám sát Cảnh như thế thì nó có đủ "thời gian" để khảo sát tường tận từng chi tiết một của hộp sữa qua 3 phạm trù thể - tướng - dụng. Ví dụ, "à, sữa này làm từ thực vật chứ không phải động vật, Entrust là thương hiệu đáng tin cậy, dùng cho những người bị tiểu đường”. Một quá trình khảo sát như thế gọi là "tuệ quán"; và kết quả của nó, tức sự hiểu biết chính xác, tường tận về Cảnh như thế gọi là "Tuệ". Nếu khảo sát như thế mà vẫn bị sai lầm thì đó cũng chỉ là Tưởng, chứ không phải Tuệ.


CÂU CHUYỆN THẦY TRÒ 4
Hôm nay chúng ta học tiếp về tâm sở TƯ. "Tâm sở" là từ rút gọn của nhóm từ "tâm sở hữu pháp" (các pháp thuộc về tâm). Trong văn học Abhidharma, 6 Thức được xem như "ông vua" nên còn có tên là Tâm vương. Khi một Thức, hay Tâm vương, sinh khởi nhờ vào điều kiện "căn tiếp xúc cảnh" thì luôn luôn có những trạng thái tâm nào đó kèm theo; giống như quần thần có mặt trong một buổi thiết triều khi có nhà vua xuất hiện. Vì thế, các trạng thái tâm còn có tên là "tâm sở", tức các pháp thuộc về Tâm vương. Tiếng Anh chuyển ngữ thành "states of mind" hoặc "mental factors".
"Tư" hay "cetana" là tâm sở quan trọng nhất trong Hành uẩn, vì nó chính là nguồn gốc của 3 loại hoạt động thuộc về Ý (ý nghiệp), Ngôn ngữ (ngữ nghiệp) và Hành vi (thân nghiệp). Vì các trạng thái tâm hiện hữu trong một con người cũng như tiến trình vận hành của chúng không được trình bày thống nhất trong các "giỏ" Kinh điển khác nhau, nên ở đây tôi sẽ mượn các kiến giải của Du-già Hành Tông để trình bày.
- Tướng của Tư là tâm sở, chứ không phải tâm vương.
- Thể của Tư là thẩm quyết, tức thẩm lự và quyết định.
- Dụng của Tư là phát động ý nghiệp, ngữ nghiệp, và thân nghiệp.
(1) Với các thông tin trên, chúng ta tiếp tục tìm hiểu thêm qua các minh họa cụ thể.
(1.1) Chúng ta tưởng tượng một anh chàng "hai lúa" nào đó, một hôm đi từ quê lên tỉnh. Khi đang đi bộ trên hè phố thì tình cờ anh dẫm phải một "viên bi", suýt ngã. Khi nhìn xuống thấy đó chỉ là một "viên bi" thì anh càu nhàu tí rồi đi tiếp.
(1.2) Cũng cùng một "viên bi" đó, một phụ nữ kinh doanh vàng bạc đá quý đã đi cùng chuyến xe lên tỉnh với anh, khi dẫm phải, đã không vội bỏ đi, mà dừng lại nhìn. Với kinh nghiệm nghề nghiệp của mình, người phụ nữ này nhận ra độ sáng của "viên bi", dù có bụi bám, là loại ánh sáng tương tợ với kim cương. Vì nhận ra như thế nên bà đã cúi lượm lên và lau sạch bụi. Cuối cùng, đó đúng là một viên kim cương chứ không phải viên bi; vì thế bà bỏ vào túi rồi đi tiếp.
(1.3) Cũng cùng viên kim cương đó, khi bị một nhà sư dẫm phải, ngài cũng đứng lại quan sát. Sau khi quan sát, nhờ năng lực Tuệ quán thường xuyên được tu tập mỗi ngày, ngài biết thừa đó là kim cương chứ không phải viện bi. Nhưng ngài không cúi xuống lượm lên mà lại bỏ đi.
(2) Bây giờ tôi sẽ trình bày tiến trình vận hành của tâm trong 3 trường hợp trên, dựa vào các thông tin nhận được từ văn học Abhidharma. Trong mô tả, để quý vị bước đầu nắm được nguyên lý vận hành cơ bản của dòng tâm, tôi sẽ lược bớt một số trạng thái tâm. Chúng ta sẽ từ từ học sau.
(2.1) Khi nhãn căn (tức công năng nhìn thấy) tiếp xúc với Cảnh (tức viên bi) thì Tâm vương (tức nhãn thức) xuất hiện. Khi tâm vương xuất hiện thì một số tâm sở sau đây lần lượt xuất hiện:
- Tưởng: vì anh chàng hai lúa hoàn toàn không có khái niệm, cũng như kinh nghiệm quá khứ về cái gọi là 'kim cương", mà chỉ có khái niệm & kinh nghiệm về "viên bi" do quá trình thường hay đánh bi, đánh đáo với trẻ con hàng xóm, vì thế anh vội vàng "đặt tên" cho viên kim cương là "bi".
- Tư: loại Tưởng trên không làm điều kiện cho một tâm sở Tham xuất hiện, mà chỉ làm điều kiện cho tâm sở TƯ:
* Thẩm lự: tưởng gì hóa ra viên bi;
* Quyết định: đi tiếp
Với suy nghĩ và quyết định như thế, Tư làm điều kiện phát khởi một hoạt động của Ý (ý nghiệp): "Mẹ kiếp, tưởng gì hóa ra hòn bi, suýt làm ta ngã". Và tiếp theo là "đôi chân" của anh lại bước đi tiếp. "Đường dẫn" từ Tư sang Ý nghiệp rồi Thân nghiệp có tên là "nghiệp đạo".
(2.3) Khi nhà sư nhìn thấy "viên bi", thì các tâm sở cũng lần lượt xuất hiện:
- Tưởng: nhờ công phu tu tập nên nhà sư không vội vàng gán lên bất cứ "dấu hiệu" (nimitta) nào cho Cảnh được nhìn thấy, mà chỉ đặt tên cho nó là "cái đó".
- Định & Tuệ: một loại tưởng như thế sẽ kích khởi Định, tức sự chú tâm của nhà sư vào "cái đó". Nhờ chú tâm như thế, nhà sư biết chắc chắn rằng đó đúng là kim cương.
- Tư: Tuy nhiên, cũng nhờ vào lực của Tuệ trong công phu quán sát hàng ngày về giá trị thực của sắc pháp, mà tâm sở Tham không thể khởi. Thay vào đó là:
* Thẩm lự: "Mô Phật, tưởng cái gai, hóa ra là kim cương."
* Quyết định: đi tiếp.
(2.2) Tôi mô tả tạm trường hợp (1) & (3). Trường hợp (2) để dành cho quý vị. Lần sau tới lượt quý vị trình bày.
(3) Bây giờ dựa trên các Pháp đã học, chúng ta rút ra một số hệ luận:
- Tiến trình trên bắt đầu bằng sự tiếp xúc giữa Căn-Cảnh, và kết thúc bằng Thân nghiệp "đi tiếp". Trong tiến trình này, tất cả các pháp đều khởi và diệt theo nguyên lý Duyên Khởi, không hề có bóng dáng của một cái "Tôi" như ngôn ngữ chúng ta thường dùng. Nói cách khác, chỉ có hành động chứ không có người hành động. Đó là nguyên lý Vô Ngã.
- Tiến trình khởi đầu bằng Căn. Trừ Ý căn là tâm pháp ra, tất cả 5 căn còn lại đều thuộc về sắc pháp. Như vậy, tiến trình nhận thức khởi đầu có vai trò của "thân". Trong Phật học, không có sự tồn tại tách rời giữa thân và tâm. Vì thế, chủ trương PG là "duy tâm" hay "duy vật" đều thuộc loại tà kiến.
- Từ mô tả trên, vai trò của GIỚI cực kỳ quan trọng trong tiến trình tu tập của một Phật tử. Giới thanh tịnh có nghĩa là các Căn thanh tịnh. Các Căn thanh tịnh sẽ dẫn đến Thức, và các tâm sở khác thanh tịnh, v.v. Cái này quý vị có thể nhận biết trong thế giới thường nghiệm. Một hành giả có sắc thân thanh tịnh chắc chắn sẽ có "thị lực", "thính lực", v.v. mạnh mẽ. Chúng ta còn nhớ trong bài sám Khể Thủ: "Chư CĂN duyệt dự, chánh niệm phân minh, xả báo an tường, như nhập thiền định."