Showing posts with label Giới thiệu tác phẩm. Show all posts
Showing posts with label Giới thiệu tác phẩm. Show all posts

Thursday, December 10, 2020

HẠNH VIÊN: NỐI GÓT THIÊN LÝ ĐỘC HÀNH



NỐI GÓT THIÊN LÝ ĐỘC HÀNH

 HẠNH VIÊN

Một buổi sáng cuối thu năm 2011, đang ngồi trong quán cà-phê sách ở Đà Lạt tôi nhận được mẩu tin của thầy gởi qua email, chỉ ngắn gọn mấy dòng:
… Tôi đi lang thang theo đám mây trôi, phương trời vô định. Bờ sông, hốc núi, đâu cũng là chỗ vùi thây. Một chút duyên còn ràng buộc thì còn có cơ hội ngộ, đời này hoặc đời sau ~ Thị ngạn am vô trụ xứ.

Thư được gởi đi từ chiều hôm trước, nghĩa là tối đó ông đã lang thang đâu đó ngoài bến xe, tìm một chuyến xe nào bất cứ, đi đến một nơi nào khả dĩ, không hẹn trước. Chuyến đi của ông thầy tu không chùa, không đệ tử, không cần nơi đến. Ra đi như vậy, ngoài những ẩn tình riêng chung, nhưng kỳ cùng nó là một thôi thúc, một bó buộc đã sẵn có tự bao giờ. Và trở về, cũng là một thôi thúc, bó buộc khác.

Gởi lại tình yêu ngọn cỏ rừng
Ta về phố thị bởi tình chung
Trao đời hương nhụy phơi hồn đá
Thăm thẳm mù khơi sương mấy tầng

Thiên Lý Độc Hành, chuỗi thơ 13 bài, hình thành sau chuyến đi ấy. Nó mở đầu bằng sự trở về, và kết thúc bằng lời gởi gắm một bước chân khác lên đường. Đi cho hết con đường thăm thẳm nhân sinh trường mộng. Hai câu kết để ta đóng lại tập thơ mà không đóng lại được những tâm tình khắc khoải, tương điệu trước một vệt nắng chiều hay một ánh sao xa lay lắt cuối trời. Lời nhắn nhủ ân cần không phải là sự êm đềm khép lại cánh cổng vườn nhà sau khi người con đã trở về, nó mở ra lối sau chỉ về một phương trời miên man cô tịch…

Mưa lạnh
đèo cao
không cõi người.

Phương trời mờ ảo với ánh sao đêm làm đèn soi lối, lấy ánh trăng trên cỏ làm chiếu mà nằm, để sáng ra tiếp tục cuộc đi mà không biết đêm nay sẽ ở đâu, có “may mắn” tìm được một chỗ ngủ kín gió không. Có khi chỗ đó là cái miếu cô hồn bên đèo vắng, có khi là phía sau cái bệ con sư tử đá khổng lồ trước cổng tam quan một ngôi chùa, nơi có một hốc nhỏ đủ cho một người nằm khuất tầm nhìn khách qua đường. Nghỉ chân và chợp mắt, để ba giờ sáng thức dậy thu vén đi tiếp trước khi nhịp sống đô thị trở lại nơi này cho một ngày mới.

Thân tiếp theo thân ngày tiếp ngày
Mù trong dư ảnh lá rừng bay…

Cái mùi hoang liêu dặm trường nó huyễn hoặc, hấp dẫn như mùi trái cây chín dại ven đường khi đói, như mấy gói lạc rang của một thanh niên tốt bụng đưa cho, để chiều lên đèo, “vì ở đó trong tầm bán kính mười cây số không có nhà ai”, anh ta nói. Mấy gói lạc rang, đủ cho một ngày đi qua cái đèo hoang vu này.

Sau này họa hoằn được nghe kể về chuyến đi, tôi thấy thật khó viết được gì chân xác về những bài thơ này; đó là những con đường nắng chát, bụi bặm, những bầu trời tối sầm trĩu nặng mây đen, những chiều bụng đói, những đêm hun hút ngó về một quê hương nào đã mất. Đó không phải là trang giấy trắng để ta cặm cụi ghi chú vài ý tưởng mộng mơ. Tập thơ này với tôi không phải để đọc, để hiểu hay để viết về; chỉ cần nhìn, cảm, và tưởng tượng. Tôi không lo khi đọc mà không hiểu thơ nói gì, nhưng đáng buồn nếu không tưởng tượng được khung trời nào trong những câu

Từ ta trải áo đường mưa bụi
Tưởng thấy tiền thân trên bến không

Mưa, nắng, gió, bụi, những bước chân miệt mài đi qua rừng, qua phố, để làm gì, để tìm gì? Tìm gì trong màu hoàng hôn phơi trên hồn đá, cái bóng người xiêu đổ bên bờ lau sậy phất phơ nỗi buồn viễn xứ? Xứ sở nào của người, của đá, của những bông lau theo gió bay trắng bốn phương ngàn…

Nắng, bụi, gió, mưa. Thiên nhai hà xứ vô phương thảo(*). Cuối trời vạn nẻo nơi nào mà không có cỏ thơm. Một đứa bé chạy theo dúi vào tay ông một cái bánh ngọt, chỉ tay về ngôi nhà lụp xụp bên vệ đường: má con biểu đưa cho ông. Cái tình người nó tự nhiên như cỏ non xanh tận chân trời. Cỏ xanh và hoa lau trắng, màu trắng hoang mang cả trời cô lữ. Giữa dòng ngựa xe phố thị hay trước thảo nguyên xanh ngút ngàn, ở đâu cũng có lúc bất chợt cảm thấy lạc loài, thấy tháng ngày hư ảo, ta muốn đi tìm một cái gì đó khác, đo đếm xem khoảng cách bao xa giữa hai bờ mộng thực; có người đi trong chiều nắng quái, kẻ khác đi trong những giấc mộng khẽ khàng. Nhìn đám bụi mờ dưới bước chân đi, ta không biết đó là tha hương hay là cố quận.

Rồi ngã xuống nghe suối tràn ngập máu
Thân là thân cỏ lá gập ghềnh xuôi
Chờ mưa tạnh ta trải trăng làm chiếu
Nghìn năm sau hoa trắng trổ trên đồi

Ánh trăng sau cơn mưa hiện ra lấp lánh trên cỏ, như trải ra tấm chiếu hoa gấm ngọc ngà.

Nghìn năm sau… kể chuyện Thiên Lý Độc Hành, có người ngay thẳng và thực tế sẽ hỏi: Đi như vậy, tự đọa đày như vậy để làm gì? Những bước chân vô định kia có để lại chút dấu vết nào nơi đá cuội ven đường? Có lẽ không, hoặc có để lại một giấc mơ bên hiên nhà tạm trú đêm qua, không biết mưa lũ cao nguyên rồi sẽ cuốn phăng nó về đâu. Mà Thiên Lý Độc Hành là gì? Đâu phải chỉ là một chuyến đi. Cuộc đi không có lúc khởi hành, không có nơi đến thì làm sao có sự kết thúc trở về.

Khi về anh nhớ cài quai nón
Mưa lạnh đèo cao không cõi người…

Hạnh Viên
Mùa Hạ Canh Tý, P.L. 2564
––––––––––
(*) 天涯何處無芳草 Thơ Tô Đông Pha.
__________________________
THIÊN LÝ ĐỘC HÀNH
13 bài thơ với thủ bút chữ Thảo của Thầy Tuệ Sỹ
Được dịch sang bốn ngôn ngữ: Anh, Pháp, Nhật, và Hán-Nôm.
Dịch giả:
Nguyễn Phước Nguyên (Anh ngữ)
Dominique de Miscault (Pháp ngữ)
Bùi Chí Trung (Nhật ngữ và Hán Nôm)
Biên tập, thiết kế sách & bìa: Đào Nguyên Dạ Thảo
Văn Học Press liên kết với
Culture Art Education Exchange Resource
xuất bản tháng 12 năm 2020
150 trang, 7.5” x 9.25”, sách in màu
Có phát hành trên BARNES & NOBLE.

Sách mua ở đây: Tìm mua trên BARNES & NOBLE.

Xin bấm vào đường dẫn sau (key word: TUE SY):

 

THIEN LY DOC HANH (Viet, Anh, Phap, Nhat, Han-Nom)

Link for hardcover / premium color - price 35 usd (free shipping)

Link for paperback / standard color - price 18 usd

Friday, November 13, 2020

Giới thiệu: BỘ NÃO CỦA PHẬT (Rick Hanson; Richard Mendius)




BỘ NÃO CỦA PHẬT
Tác giả: Tiến sĩ y khoa Rick Hanson - Tiến sĩ y khoa Richard Mendius
Dịch giả: Nguyễn Hà Phương, Lê Thị Minh Hà
Phát hành: 05-2019
NXB: Hồng Đức
Số trang: 356

Cuốn sách là sự gặp gỡ giữa khoa học thần kinh hiện đại phương Tây và truyền thống thực hành tâm linh cổ xưa của Đạo Phật phương Đông, không chỉ mang đến cho chúng ta những cách thức hiệu quả để phát triển hạnh phúc thật sự trong cuộc sống, mà còn giải thích một cách tâm lý về việc những cách thức đó hoạt động như thế nào và vì sao chúng lại hoạt động như vậy. Chính thông qua những điều như vậy mà “Lịch sử khoa học trở nên phong phú nhờ thành công trong việc giao thoa giữa hai xu hướng kĩ thuật, hai chiều hướng tư tưởng được phát triển ở những bối cảnh khác nhau trong việc theo đuổi chân lý mới.” (J. Robert Oppenheimer).

"Bộ não của Phật" giúp bạn hiểu rõ hơn cách thức hoạt động của bộ não (một trong những bộ phận quan trọng nhất của cơ thể), lý giải vì sao con người có xu hướng chú ý đến những điều tiêu cực, theo cơ chế của bộ não đã từng giúp loài người sống sót qua các thời kì khó khăn trong quá khứ nhưng lại tạo nên những thói quen xấu gây ra khổ như thế nào, cùng cách chuyển hóa những thói quen đó để có cuộc sống hạnh phúc, tình thương và trí tuệ thông qua các thực hành của Đạo Phật (bố thí, trì giới và những thực hành thiền cơ bản: thiền hơi thở – anapanasati, chánh niệm – vipassana và thiền phát triển tình yêu thương – metta bhavana).

Thông qua cuốn sách, ngoài cơ hội tiếp cận với những kiến thức mới, hữu ích về khoa học thần kinh – một ngành khoa học khá mới mẻ, nhất là ở Việt Nam, bạn đọc còn có thêm những cái nhìn mới về cuộc sống, về hạnh phúc và cả việc thực hành thiền, tâm linh của chính mình bằng các bài hướng dẫn thực hành hữu ích được giới thiệu ngắn gọn trong cuốn sách.
___________________________

CÁCH SỬ DỤNG CUỐN SÁCH

Để sử dụng cuốn sách này, các bạn không cần phải có bất cứ nền tảng kiến thức nào về khoa học thần kinh, tâm lý học hoặc thiền tập. Cuốn sách đã dệt thông tin và các phương pháp lại với nhau – giống như một cuốn cẩm nang vận hành về bộ não được kết hợp với một bộ đồ nghề – và các bạn sẽ tìm thấy những công cụ hoạt động tốt nhất cho mình trong đó.

Vì bộ não hết sức thú vị nên chúng tôi đã trình bày khá nhiều nghiên cứu khoa học mới nhất về bộ não, gồm cả những tài liệu tham khảo trong trường hợp các bạn muốn tìm đọc chúng để tự tìm hiểu. (Nhưng để tránh việc này khiến cho cuốn sách trở thành một cuốn giáo trình y khoa, chúng tôi đã đơn giản hóa các mô tả về những hoạt động thần kinh nhằm mục đích chỉ tập trung vào các đặc tính thiết yếu của chúng.) Mặt khác, nếu các bạn cảm thấy lôi cuốn hơn trong các phương pháp thực hành, các bạn hoàn toàn có thể lướt qua những phần trình bày về khoa học thần kinh. Lẽ dĩ nhiên, tâm lý học và thần kinh học, cả hai đều là những ngành khoa học non trẻ mà có rất nhiều điều chúng ta vẫn chưa hiểu hết về chúng. Cho nên chúng ta không phải cố gắng lĩnh hội tất cả. Trên thực tế, chúng ta đã có được cơ hội và đang tập trung vào các phương pháp để có một lời giải thích mang tính khoa học đáng tin cậy về việc tâm lý học và thần kinh học thúc đẩy các mạng thần kinh của sự mãn nguyện, lòng tốt và bình an như thế nào.

Các phương pháp này bao gồm một số bài hướng dẫn hành thiền. Tuy nhiên những bài hướng dẫn thiền đó mang chủ đích không gò ép, được viết với từ ngữ có tính liên tưởng và nên thơ hơn là chuyên biệt và chặt chẽ. Các bạn có thể tiếp cận các bài hướng dẫn này theo những cách khác nhau như: có thể chỉ đọc và suy nghĩ về chúng; có thể kết hợp một số phần trong chúng với bất cứ sự hành thiền nào mà các bạn vẫn đang thực hành; có thể rủ bạn bè cùng tập chúng; hoặc các bạn có thể thu âm những bài hướng dẫn này và tự mình thực hành. Những bài hướng dẫn này chỉ là những gợi ý và bạn có thể tạm dừng chừng nào bạn thích. Không có cách thức sai để hành thiền, còn cách thức đúng chính là cảm thấy đúng những gì đến với bạn.

Và chúng tôi cũng đưa ra lời cảnh báo rằng: Cuốn sách này không phải là một liệu pháp thay thế cho việc chăm sóc sức khỏe theo chuyên môn, cũng như không phải là cách thức chữa trị cho bất cứ căn bệnh nào về tâm thần hoặc thể chất. Những điều khác nhau luôn được dành cho những người khác nhau. Đôi khi một phương pháp có thể gây ra những cảm giác không thoải mái, nhất là khi bạn có tiền sử về tổn thương tinh thần. Bạn nên gạt bỏ một phương pháp như vậy, bàn bạc với bạn bè (hoặc nhà tư vấn), thay đổi hoặc loại bỏ nó hoàn toàn. Hãy đối xử tử tế với chính mình.

Cuối cùng, nếu tôi biết một điều gì chắc chắn, thì đó chính là các bạn có thể thực hiện những điều nhỏ bé ngay bên trong tâm mà sẽ dẫn tới những thay đổi lớn trong bộ não và kinh nghiệm sống của các bạn. Tôi đã chứng kiến điều này xảy ra nhiều lần với những người tôi biết trên phương diện là một nhà tâm lý học hoặc một giảng viên dạy thiền [thiền sư], mà tôi cũng đã chứng kiến điều đó trong suy nghĩ và cảm giác của chính mình. Các bạn thực sự có thể đạt được trọn vẹn điều đó của mình theo hướng đi tốt hơn mỗi ngày.

Khi các bạn thay đổi bộ não của mình, các bạn thay đổi cuộc sống của mình.
___________________________

LỜI NÓI ĐẦU

Cuốn sách “Bộ não của Phật” là một lời khích lệ bạn nên sử dụng sự tập trung của tâm để khai thác sức mạnh của sự chú tâm nhằm nâng cao cuộc sống và các mối quan hệ xã hội của bạn. Bằng việc kết hợp những tuệ giác cổ xưa về hành thiền theo truyền thống Phật Giáo với những khám phá hiện đại trong lĩnh vực khoa học thần kinh, hai tiến sĩ y khoa Rick Hanson và Richard Mendius đã tổng hợp nên sự hướng dẫn đáng suy ngẫm và thiết thực này giúp đưa bạn từng bước đi trên con đường tỉnh thức tâm của bạn.

Gần đây, cuộc cách mạng trong khoa học đã phát hiện thấy bộ não ở người trưởng thành vẫn không ngừng thay đổi theo tuổi thọ của con người. Mặc dù nhiều nhà khoa học nghiên cứu về bộ não trước đây đã giải thích rằng tâm chỉ là hoạt động của bộ não, nhưng giờ đây chúng ta có thể nhận thấy sự kết nối giữa hai phương diện này [tâm và bộ não] trong cuộc sống theo một cách nhìn khác. Khi chúng ta xem tâm như một quá trình được biểu thị và mang tính liên hệ nhằm kiểm soát luồng năng lượng và thông tin, chúng ta đều nhận thấy rằng chúng ta có thể thực sự sử dụng tâm để thay đổi bộ não. Chân lý đơn giản chính là cách chúng ta tập trung sự chú tâm, cách chúng ta định hướng có chủ đích luồng năng lượng và thông tin xuyên suốt các mạch thần kinh của mình như thế nào để có thể thay đổi được hoạt động của bộ não và cấu trúc của nó một cách trực tiếp. Bí quyết là để biết cách sử dụng sự nhận biết của chúng ta trong việc làm gia tăng hạnh phúc.

Khi biết tâm mang tính liên hệ và bộ não là cơ quan xã hội của cơ thể, chúng ta còn có một quan điểm mới khác nữa. Đó là: các mối quan hệ của chúng ta với người khác không phải là một sự tình cờ trong cuộc sống; chúng là cơ sở cho tâm của chúng ta thực hiện chức năng ra sao và là một khía cạnh then chốt của sức khỏe bộ não. Các kết nối xã hội của chúng ta với người khác định hướng những kết nối về thần kinh của chúng ta để hình thành cấu trúc của bộ não. Điều này có nghĩa rằng cách chúng ta giao tiếp thay đổi thực sự hệ thống mạch thần kinh của bộ não, đặc biệt theo những cách giúp duy trì sự cân bằng cho cuộc sống của chúng ta. Hơn nữa, khoa học cũng đã xác minh rằng khi chúng ta nuôi dưỡng lòng trắc ẩn và sự nhận biết có chánh niệm trong cuộc sống – khi chúng ta buông bỏ sự chỉ trích và chú tâm hoàn toàn vào hiện tại – là chúng ta đang kiểm soát các mạch thần kinh về xã hội của bộ não nhằm cho phép chúng ta chuyển hóa ngay cả mối quan hệ lẫn bản thân chúng ta.

Các tác giả đã kết hợp những thực hành Phật Giáo được phát triển qua hơn hai nghìn năm trăm năm với những tuệ giác mới mẻ về các hoạt động của bộ não để mang đến cho chúng ta sự hướng dẫn này nhằm mục đích giúp chúng ta tạo ra những thay đổi tích cực ngay trong chính bản thân chúng ta. Kỉ nguyên hiện đại ngày nay liên tục phát triển các chương trình tự động, không ngừng làm cho chúng ta trở nên bận rộn hơn và tất bật thực hiện những công việc đa nhiệm kĩ thuật số, với lượng thông tin quá tải cùng các lịch trình dày đặc gây căng thẳng cho bộ não và lấn át cuộc sống của chúng ta. Việc tìm được khoảng thời gian để tạm ngừng giữa mớ hỗn loạn này đã trở thành một nhu cầu cấp bách mà rất ít người trong chúng ta có thể đáp ứng được. Vì vậy, với “Bộ não của Phật”, chúng ta được khuyến khích chỉ cần thực hiện một hơi thở sâu và xem xét những lý do về thần kinh vì sao chúng ta nên sống chậm lại, cân bằng bộ não và cải thiện các mối quan hệ cũng như chính bản thân mình.

Những bài luyện tập được đưa ra trong cuốn sách đều dựa trên sự thực hành đã được minh chứng một cách khoa học để có những tác dụng tích cực trong việc định hình thế giới nội tại của chúng ta bằng cách làm cho chúng ta trở nên tập trung, nhẫn nại và linh hoạt hơn. Những bước thành công này không chỉ nâng cao sự đồng cảm của chúng ta đối với người khác, mà còn mở rộng phạm vi của lòng trắc ẩn và sự quan tâm chăm sóc của mỗi chúng ta đối với chính thế giới mà chúng ta đang sống ở đó, nơi luôn tồn tại những mối liên hệ với nhau. Sự hứa hẹn của việc khai thác tâm để thay đổi bộ não của chúng ta thông qua những sự thực hành này là nhằm mục đích xây dựng nên mạch thần kinh của bộ não về lòng tốt và hạnh phúc trong từng phút giây, ở mỗi con người, cho từng mối quan hệ tại mọi thời điểm. Vậy chúng ta có thể yêu cầu điều gì hơn thế? Và thời điểm nào để bắt đầu điều đó tốt hơn ngay chính lúc này?

Tiến sĩ y khoa Daniel J. Siegel
Tác giả của các cuốn sách “Mindsight: The New Science of Personal Transformation” và “The Mindful Brain: Reflection and Attunement in the Cultivation of Well-Being”.
Viện Mindsight và Trung tâm nghiên cứu nhận biết chánh niệm UCLA
Los Angeles, California
Tháng Sáu năm 2009
___________________________

LỜI TỰA

Trong cuốn sách “Bộ não của Phật”, hai tiến sĩ y khoa Rick Hanson và Richard Mendius đã mang đến cho độc giả một sự kết nối rõ ràng và thiết thực thật tốt đẹp với những lời dạy trí tuệ quan trọng và cần thiết của Đức Phật. Sử dụng ngôn ngữ hiện đại của nghiên cứu khoa học, các tác giả đã khuyến khích độc giả khai mở sự huyền bí của tâm, mang lại một sự hiểu biết hiện đại đối với những lời dạy cổ xưa và uyên thâm về sự hành thiền nội tại. Cuốn sách “Bộ não của Phật” đã kết hợp khéo léo những lời dạy cổ xưa kia với những phát hiện mang tính cách mạng của khoa học thần kinh, vốn đã bắt đầu chứng thực các khả năng của con người về chánh niệm, lòng trắc ẩn và sự tự điều chỉnh là những trọng tâm đối với đào tạo thiền quán.

Qua cuốn sách này, độc giả sẽ học được những cách thức nội tại thực hành và khoa học về bộ não để nâng cao trạng thái hạnh phúc, phát triển sự thanh thản [tâm Xả] và lòng trắc ẩn [tâm Bi], đồng thời giảm bớt khổ. Độc giả sẽ được giới thiệu để giác ngộ những cái nhìn mới mẻ về cuộc sống và những cơ sở mang tính sinh học cho việc thúc đẩy sự phát triển trí tuệ này. Các chương sách sẽ giúp độc giả hiểu rõ hơn về hoạt động của tâm và gốc rễ thần kinh của hạnh phúc, sự đồng cảm và sự tương hỗ.

Những lời dạy làm nền tảng của mỗi chương – các chân lý cao quý [Tứ Diệu Đế], nền tảng của chánh niệm [Tứ Niệm Xứ] và sự phát triển đức hạnh, tình yêu thương [tâm Từ], tha thứ và bình an nội tại – đều dễ hiểu và gần gũi, được thể hiện trong lời mời gọi của Đức Phật khích lệ mọi người tự mình chứng nghiệm. Sự thực hành theo những lời dạy này cũng rõ ràng và đáng tin cậy. Về cơ bản, đó là những thực hành giống như những gì bạn sẽ học được ở một thiền viện.

Tôi đã chứng kiến Rick cùng Richard hướng dẫn thực hành cho người khác theo những lời dạy này và tôi đánh giá cao điều đó tác động tích cực như thế nào tới tâm trí của những người đã tới thực hành cùng họ.

Hơn bao giờ hết, thế giới loài người cần tìm ra những cách thức xây dựng được tình yêu thương, sự hiểu biết và bình an, trong phạm vi mỗi cá nhân và trên toàn cầu.

Mong cho những lời này góp phần vào sự nỗ lực hết sức này.
Mong cho tất cả đều an vui,
Tiến sĩ Jack Kornfield
Trung tâm Spirit Rock
Woodacre, California
Tháng Sáu năm 2009
____________
Độc giả xem chi tiết tại:

Wednesday, September 30, 2020

Thích Phước An: Lời Giới Thiệu Thi Phẩm Khói Chiều Quê Ngoại

Tranh: Đinh Trường Chinh dành cho Bìa sách

Lời Giới Thiệu Thi Phẩm

Khói Chiều Quê Ngoại 

Trong tác phẩm  Thong dong khắp mọi nẻo đường xuất bản tại Mỹ (2018), tác giả Bạch Xuân Phẻ (Tâm Thường Định) có một đoạn ngắn viết về quê mẹ như thế này: “Mẹ sinh ra và lớn lên ở thôn Vĩnh Hội, xã Cát Hải, huyện Phù Cát, Tỉnh Bình Định. Nơi đó đẹp và thơ mộng. Nơi hương đồng cỏ nội, nắng cát với trăng thanh, bạt ngàn cánh đồng xanh, ở vùng quê ven biển miền trung”.

Đúng là như vậy, xã Cát Hải chẳng những đẹp mà còn hùng vĩ nữa nhất là khi vượt lên dốc cao nhìn vào rặng núi Bà phía tây thì thấy vách đá núi Bà đứng sừng sững, còn nhìn về phía đông là biển cả mênh mông.

Mỗi lần có dịp về thăm quê, tôi vẫn thích đi lên con dốc Cát Hải này, nhất là vào buổi chiều để nhìn nắng vàng còn đọng lại trên các tảng đá hay trên cánh đồng xanh dưới chân núi. Trong khói chiều quê ngoại, Bạch Xuân Phẻ có hai câu:

Em ơi sỏi đá bên đường

Có còn yêu mãi ánh dương chiều tà.

Đọc hai câu thơ trên, tôi cứ tưởng tượng rằng, chắc hồi nhỏ mỗi lần về thăm quê ngoại, anh cũng nhiều lần đứng nhìn những vạt nắng mênh mông ấy. Rồi lớn lên dù phiêu dạt nơi chân trời góc bể nào những vạt nắng thuở còn tuổi thơ nơi quê ngoại ấy vẫn còn đọng lại nơi sâu thẳm của lòng anh?

Trên đỉnh núi bà có ngôi chùa, dù chùa có tên là chùa Linh Phong, nhưng người dân sống bao đời nay dưới chân núi vẫn thường gọi là chùa Ông Núi. Đây cũng là ngôi chùa mà mẹ của Bạch Xuân Phẻ và cả bên ngoại của anh đã được Hòa thượng chùa Ông Núi trao truyền tam quy ngũ giới.  Nhưng vì sao gọi là chùa Ông Núi?

Quách Tấn nhà thơ nổi tiếng của Bình Định có viết trong tác phẩm Nước non Bình Định của ông như thế này:

“Người địa phương gọi là Ông Núi vì thấy nhà sư ở tu trên núi suốt năm, truyền rằng, Ông Núi dùng vỏ cây làm y phục, và ít khi xuống đồng bằng. Thỉnh thoảng cần lương thực thì gánh một gánh củi xuống chân núi để nơi ngã ba đường rồi trở lên, người dân trong vùng đem muối gạo đến để đó rồi gánh củi đem về chụm. Hôm sau nhà sư ở trên núi xuống nhận gạo muối, nhiều ít không biết, mất còn không bận tâm. Nhưng khi trong vùng có bệnh dịch, thì nhà sư lập tức đem thuốc xuống cứu chữa, chữa xong là đi lên núi ngay, một cái vái chào cũng không nhận”. 

Quách Tấn đến thăm chùa vào những năm đầu thập niên thế kỷ 20, nghĩa là khoảng 300 năm sau Ông Núi viên tịch. Thế nhưng, trong Nước non Bình Định ông viết lại rằng, lúc đến cũng như lúc về nhà thơ vẫn còn nghe các em mục đồng, các chàng ngư phủ, những người nông dân sống dưới chân núi Bà vẫn còn ngâm nga:

Ông Núi đi đâu

Bỏ bầu sơn thủy

Đủ nhân đủ trí

Thêm vĩ thêm kỳ

Chùa xưa nhạt bóng tà huy

Xui lòng non nước 

Nặng vì nước non.

Sở dĩ tôi có hơi dài dòng về chuyện Ông Núi như vậy, vì tôi nhớ trong tự truyện của mình, thánh Gandhi có viết một câu đại khái như thế này: “Cái gì mà tuổi thơ chúng ta đã sống thì cái đó sẽ điều động ta suốt cả cuộc đời”.

Mẹ và cả phía ngoại của Bạch Xuân Phẻ đều là đệ tử của chùa Ông Núi, nên tôi nghĩ rằng, trong những lần về thăm ngoại, chắc chắn ông ngoại, bà ngoại của anh đều có kể cho anh nghe chuyện Ông Núi tu Thiền trong hang đá nhưng vẫn lắng nghe được tiếng kêu la thống khổ từ dưới chân núi vọng lên.

Trong tác phẩm Thong dong khắp mọi nẻo đường của Bạch Xuân Phẻ, ta nhận ra anh là một thanh niên trí thức, một phật tử thuần thành, đầy nhiệt huyết đã đề cập đến nhiều vấn đề, từ thiền định, chánh niệm, thi ca đến sinh hoạt Gia đình Phật tử, cả đến vấn đề hiếu thảo với cha mẹ, nghĩa là lĩnh vực nào anh cũng tỏ ra là người đã từng thực hành và trải nghiệm chứ không phải anh viết lý thuyết suông. Đúng như bốn câu thơ mà nhà nghiên cứu Nguyên Giác Phan Tấn Hải đã viết trong lời giới thiệu:

Miệt mài từng năm tháng

Tu trí tuệ, từ bi

Khắp trời tấm gương sáng

Vin chánh niệm mà đi.

Từ khi đọc và sau đó là được quen biết anh, tôi thường suy diễn một cách thi vị rằng, có lẽ hình bóng vị thiền sư chùa Ông Núi dù tu hành trên núi cao nhưng vẫn lắng nghe được tiếng kêu cứu đau khổ của con người dưới chân núi, mà mỗi lần về thăm quê ngoại anh vẫn thường nghe bà ngoại kể lại đã nuôi dưỡng tâm hồn tuổi thơ của anh, để ngày nay anh đã trở thành một phật tử hoạt động tích cực nhằm xoa dịu bớt sự đau khổ cho con người chăng?

Quê ngoại của Bạch Xuân Phẻ cũng là quê nội của bậc anh hùng đánh Pháp ở cuối thế kỷ 19. Wikipedia tiếng việt chép: 

“Nguyên quán gốc Nguyễn Trung Trực ở xóm Lưới, thôn Vĩnh Hội, xã Cát Hải, tỉnh Bình Định. Ông nội là Nguyễn Văn Đạo, cha là Nguyễn Văn Phụng (tục danh là Thắng hoặc Trường), mẹ là bà Lê Kim Hồng”

Một nhà thơ trẻ ở xã Cát Hải là Khổng Vĩnh Nguyên đã lặn lội vào các tỉnh miền nam để nghiên cứu những nơi mà Nguyễn Trung Trực đã dựng cờ đánh Pháp, đặc biệt là dòng sông mà Nguyễn Trung Trực đã đốt cháy tàu Espérance (Hy vọng). Khi về lại quê, anh đã cho xuất bản tập thơ Lửa gầm Nhật Tảo với những câu thơ đầy hào khí:

Lửa gần ngàn lưỡi cọp, liếm ngang tàu giặc

Nhật Tảo gầm vang sóng mặt trời

Tàu “Hy vọng” xâm lăng lò quay bầy bạch quỷ

Trận cuồng phong truy kích lũ mã tà

Lửa thiêng! Lửa thiêng! Đem tình yêu về lại quê nhà.


Nếu người cháu nội của làng Vĩnh Hội ở Bình Định là Nguyễn Trung Trực vào cuối thế kỷ thứ 19 qua lời thơ của Khổng Vĩnh Nguyên, chỉ có một khát vọng duy nhất là độc lập và tự do cho Tổ quốc, thì ở cuối thế kỷ 20 và những năm đầu thế kỷ 21 không chỉ khát vọng riêng cho Tổ quốc mình thôi, mà còn khát vọng những giá trị có tính phổ quát cho toàn thể nhân loại nữa, Irwin Keller có một bài thơ mà Bạch Xuân Phẻ, người cháu ngoại của làng Vĩnh Hội đã dịch sang tiếng việt có đầu đề là người Do Thái bất trung.

Trước hết, tác giả cho biết vì sao mình bất trung, và bất trung về những vấn đề nào?

Tôi không trung thành với một Đảng chính trị

Tôi cũng không trung thành với những kẻ độc tài

hay những vị vua điên cuồng kỳ thị

Tôi không trung thành với những bức tường

hoặc những cái chuồng siết chặt

Còn trung thành?

Tôi trung thành với giấc mơ công lý cho bao thế hệ,

tôi trung thành với Trái Đất chịu nhiều khổ đau.

Tôi trung thành với tự do và cởi mở

Sự thánh thiện, tình yêu và hy vọng.

Sở dĩ, tôi trích bài thơ dịch này vì nghĩ rằng đó cũng là khát vọng của tác giả Khói chiều quê ngoại, nên anh mới ngồi cặm cụi mà dịch như vậy. 

Mặc dù đây là tập thơ Bạch Xuân Phẻ viết về quê ngoại, nhưng trong tập thơ này còn có bài thơ anh viết về quê cha. Nếu đọc hai bài thơ ta sẽ nhận ra rằng, bài thơ anh viết về quê ngoại hết sức dịu dàng, lại còn lãng mạn nữa, ví dụ bốn câu sau đây:

Ngày về thăm ngỡ em còn trong mộng

Ngàn lung linh ánh mắt đợi chờ nhau

Gặp người xưa đến đi như cơn mộng

Thì tiếc gì lận đận một vần thơ.

Trong khi đó bài Nhơn Lý, tức là bài viết về quê cha thì anh đã trở về đúng vị trí của anh, một thầy giáo đứng trên bảng đen nhìn xuống học trò đầy nghiêm khắc:

Nên chúng ta phải luôn ý thức

Nhơn Lý này là nhịp sống chung

Quê hương ta thì phải chung lòng

Xây dựng, yêu thương cho đến khi nhắm mắt.

Cuối cùng xin được trích hai câu thơ nữa trong thi phẩm Khói chiều quê ngoại của Bạch Xuân Phẻ:

Núi Bà xưa kiên trung ngàn năm đợi

Chào bình minh chim hót lộng trời mây.

Vậy là Bạch Xuân Phẻ dù đang lưu lạc chân trời góc bể nào đi nữa, thì anh vẫn tự hứa với lòng mình là sẽ kiên trung như rặng núi Bà hùng vĩ, vẫn đứng sừng sững tự ngàn năm ở quê nhà.

Riêng tôi cũng đã sinh ra và lớn lên dưới chân núi Bà này, nên dĩ nhiên tôi rất lấy làm vinh hạnh khi được tác giả nhờ viết lời giới thiệu.

Những ngày tôi đọc bản thảo Khói chiều quê ngoại là những ngày tôi được dịp sống lại những nơi như chùa Ông Núi, Phù Cát, Vĩnh Hội, Cát Hải, Nhơn Lý…Những địa danh mà một thời tuổi thơ tôi đã từng đi qua.

Xin cảm ơn tác giả. Và xin được giới thiệu thi phẩm này đến tất cả bạn đọc, đặc biệt là những người yêu thi ca.

       Nha Trang mùa hạ 2020

Thích Phước An 


Friday, August 7, 2020

Đọc Vĩnh Hảo: Lời Ca Của Gã Cùng Tử

Đọc Vĩnh Hảo: Lời Ca Của Gã Cùng Tử
Nguyên Giác
Là một nhà văn, một nhà thơ, một nhà báo, và là một người tuyên thuyết Phật pháp – trong vị trí nào, Vĩnh Hảo cũng xuất sắc, và nổi bật.
Tài hoa của Vĩnh Hảo đã hiển lộ từ các tác phẩm đầu thập niên 1990s, và sức sáng tác đó vẫn đều đặn trải dài qua hai thập niên đầu thế kỷ 21. Vĩnh Hảo viết truyện dài, truyện ngắn, làm thơ, viết tùy bút, viết tiểu luận – thể loại văn nào anh viết cũng hay, cũng nổi bật hơn người. Giữ được sức viết như thế thực là hy hữu. 
Thể hiện nơi ngòi bút rất mực văn chương, Vĩnh Hảo chính là một tấm lòng thiết tha với đất nước, với đạo pháp, với con người. Tấm lòng đó hiện rõ trong từng hàng chữ anh viết, đặc biệt là trong 100 Lá Thư Tòa Soạn của Nguyệt San Chánh Pháp, là nội dung của sách này với nhan đề Lời Ca Của Gã Cùng Tử.
Tuyển tập 100 lá thư này không chỉ thảo luận về tình hình giáo hội, về chuyện quê nhà, về những nỗi khổ của nhân loại, mà lúc nào cũng tuyên thuyết chánh pháp. Vĩnh Hảo viết về những trận cháy rừng ở California, rồi cũng nói về Khổ Đế và nêu lên Tứ Thánh Đế.  Vĩnh Hảo viết về những cánh hoa mùa xuân bắt đầu rơi xuống, để mùa xuân chuyển sang mùa hạ… rồi cũng nói về lẽ vô thường và vô ngã. Vĩnh Hảo viết về những người trong tứ chúng miệt mài ngày đêm chạy theo danh lợi, rồi cũng ngợi ca bậc hiền trí, những người có tâm nhẫn nhục như đất và bao dung như bầu trời, lặng lẽ và đơn độc đi vào nơi thâm áo kỳ tuyệt. Vĩnh Hảo viết về những gian nan trong các Phật sự hoằng pháp của người Việt tỵ nạn, và rồi ca ngợi Hòa thượng Thích Trí Chơn (1933-2011), người đã “làm tất cả việc với lòng chí thành, tận tụy, nhưng đồng thời buông bỏ tất cả, chẳng vướng mắc lưu giữ gì cho bản thân, từ vật chất đến tinh thần. Tạo dựng rất nhiều đạo tràng, hướng dẫn hàng ngàn phật tử, nhưng chỉ sống đạm bạc trong một căn phòng nhỏ chứa đầy sách báo để khảo cứu, trước tác, dịch thuật, giảng dạy. Có bằng cấp học vị mà không bao giờ phô trương; xuất bản bao nhiêu tác phẩm mà chẳng bao giờ khoe khoang, ra mắt. Âm thầm vãng lai hành đạo; lặng lẽ du phương hoằng pháp. Độc hành trì chí suốt bao năm trường cho việc văn hóa giáo dục.”
Vĩnh Hảo viết về những hỗn loạn và bất trắc của lịch sử, rồi ca ngợi những nhân vật tự nguyện hy sinh cho đạo pháp và quê hương như ngài Thích Quảng Đức, một ngọn lửa hiện thân của “tư lương và hành trang mà người con Phật đem vào cuộc đời, cứu độ chúng sanh, chính là trái tim, là lòng từ bi, là tâm bồ-đề.” Vĩnh Hảo viết về chức năng của văn hóa, giáo dục, canh tân xã hội, cải cách chính trị... rồi viết lời ca ngợi nhà văn Nhất Linh – Nguyễn Tường Tam (1906 – 1963), người quyên sinh bằng độc dược "để làm bất tử lý tưởng của mình, đồng thời cất lên nguyện vọng của quốc dân" trước cường quyền nhà Ngô.  
Vĩnh Hảo viết về những bước gập ghềnh của lịch sử quê nhà và giáo hội, và viết về các lựa chọn gian nan của những “Bậc đại sĩ gánh trọng nhiệm với đời, với đạo, nhiều khi bị đặt vào những cảnh huống khó xử, khó làm hài lòng tất cả. Cân nhắc việc lợi/hại, sinh/tử, còn/mất… có khi phải bạc trắng cả đầu trong một đêm hay nhiều đêm không ngủ...” Đó là quý ngài Trí Thủ, Huyền Quang với những “đường bay siêu tuyệt của chim bằng trên trời cao thẳm. Đường bay ấy, chim quạ nào mà hiểu nổi!”
Chất thơ trong các Lá Thư Tòa Soạn bàng bạc trong từng dòng chữ. Văn xuôi nhưng là thơ, là tiếng nói thiết tha của Vĩnh Hảo, một nhà văn cư sĩ đang mang chánh pháp vào đời. Chất thơ thường hiện rõ trong những đoạn văn đầu trong Lá Thư Tòa Soạn. Vĩnh Hảo viết thư theo kỹ thuật “Tiên tả cảnh, hậu thuyết kinh” --- nơi đó, vào đề bằng những chuyện lá mùa thu rơi với hoa mùa xuân tàn, rồi nói chuyện vô thường, vô ngã; vào đề bằng chuyện thời đại  “suy vong, nguy biến cùng cực của Phật giáo” và rồi nói về “những bậc bồ-tát hóa thân, lấy lòng từ bi mà cảm hóa nhân tâm, tỏa trí sáng mà khai mở cho kẻ lầm mê, đem đức uy dũng mà đương cự ác đảng, tà đạo” như ngài Đức Đệ tứ Tăng thống Thích Huyền Quang.
Có những lúc, ngòi bút tài hoa của Vĩnh Hảo lộ ra xúc động đặc biệt, với lối đặt câu như kiệm lời, rất mực ngập ngừng… Như khi nhớ về người cha.
Thư tòa soạn số 54, tháng 05.2016 viết, trích:
Ôi, nhớ nụ cười của Cha.
Ngày con bỏ nhà đi hoang, Cha không buồn cản lối. Lặng lẽ ngó theo. Ngón tay điểm về đầu núi biếc có vầng trăng lơ lửng tầng không. Con ương ngạnh, hãnh tiến, không quay đầu. Ngày dài tháng rộng trôi lăn dòng đời cuộn sóng. Si mê khát ái dìm con ngập ngụa sình lầy. Chới với chơi vơi cũng chỉ níu được một ngón tay suông. Dật dờ lê theo bóng mộng. Khóc tràn những giấc mơ hoa. Thoạt khi tỉnh giấc, chỉ muốn quay về nũng nịu bên Cha, vòi một cái xoa đầu. Nhưng con đường, sao dài xa hun hút.  Ôi là nhớ, mắt hiền Cha vẫn dõi theo. Không lời oán trách con hư. Nhẫn nại ngón tay điểm nguyệt.”(ngưng trích)
Trong tận thâm sâu Vĩnh Hảo cũng là một người yêu thiên nhiên. Trên các trang thư Vĩnh Hảo là những mô tả về lá vàng mùa thu, về hoa mùa xuân, về dòng suối nhỏ, về tiếng chim hót ngoài vườn, về giàn bông giấy rực đỏ, về tia nắng buổi sớm, về tách trà nóng ban khuya, về bóng đêm tịch mịch… Thói quen viết của Vĩnh Hảo là nói về chuyện nhỏ rồi nói chuyện lớn, trước là nói về những gì được thấy, được nghe, được nhớ lại và rồi sẽ nói về những diễn biến lịch sử của đời, về những bậc đại sĩ “là người thấy biết và cảm nhận sâu xa thực trạng thống khổ của con người và cuộc đời, mạnh dạn dấn vào nơi hiểm nguy, mưu cầu lối thoát cho tất cả.”
Đọc kỹ, khi đọc rất kỹ, và khi đọc  rất chậm, chúng ta sẽ thấy trong văn xuôi Vĩnh Hảo không chỉ có chất văn, chất thơ, nhưng cũng đầy những sắc màu hội họa chen vào các âm vang nhiều nhạc tính.
Thí dụ như đoạn đầu Thư tòa soạn số 90, tháng 05.2019, trích:
Khuya dậy nghe tiếng dế gáy đâu đó ở vườn sau. Trăng hạ huyền mảnh khảnh phương tây. Bầu trời không mây, trong vắt, như tấm gương ảnh hiện một góc sáng, loang dần lên từ phương đông. Gió nhẹ mơn man cành liễu rũ. Hương thơm từ nhiều loài hoa sau vườn tỏa nhẹ vào cửa sổ để hé. Hai con quạ từ đâu bay về đậu trên cây phong, không gây tiếng động. Nỗi cô liêu bất chợt trùm cả hư không.” (ngưng trích)
Hay như trong đoạn đầu của Thư tòa soạn số 12, tháng 11.2012, trích:
Trời đã vào thu. Sớm mai, gió nhẹ bên ngoài đủ đưa khí lạnh len vào cửa sổ để hé. Nhìn ra vườn có thể thấy sương mù bao phủ những thân cây trụi lá, khẳng khiu; và đâu đó trên các lối đi, lá vàng khô chưa kịp quét dọn đã dầy thêm một lớp…” (ngưng trích)
Hai đoạn văn vừa dẫn là nói về cảnh, với văn phong thơ mộng của Vĩnh Hảo. Trong khi đó, khi nói về người, Vĩnh Hảo cũng có ngôn ngữ riêng, với cách viết y hệt như ống kính máy ảnh, như khi kể về một hòa thượng trưởng lão rất mực đáng kính mới viên tịch. Trong Thư tòa soạn số 23, tháng 10.2013, trích như sau:
Từ khi hành điệu với đầu xanh để chóp cho đến khi lông mày bạc phơ rũ xuống hai gò má nhăn nheo, Sư cụ đã học Phật một cách lặng lẽ non một thế kỷ nơi ngôi chùa lớn nhất thành phố. Trong cương vị trụ trì, hiếm người sống đơn giản dung dị như Sư cụ. Một căn phòng nhỏ, chiếc giường gỗ nhỏ, một vài cuốn kinh trên kệ sách nhỏ, một ghế xích đu phủ manh chiếu rách. Sư cụ là hiện thân của một trưởng lão tỳ kheo phạm hạnh, bần hàn, ngay nơi thị thành phồn hoa nhiệt náo. Kinh qua bao nhiêu thăng trầm lịch sử của ngôi chùa, của đất nước, Sư cụ vẫn vậy, vẫn là hành giả học Phật khiêm hạ sót lại từ thế kỷ trước. Có chút tiền là mua hoa quả cúng Phật, mua thực phẩm, thuốc men, đích thân đến bệnh viện biếu tặng những người khổ bệnh, nghèo đói. Bàn tay lần chuỗi không ngơi. Mắt từ trao gửi nhân thế. Chưa từng một lần cao đăng pháp tòa thuyết kinh giảng luật, mà bóng Sư cụ đã che rợp cả bầu trời quê hương, bảo bọc bao thế hệ hậu bối. Nhìn Sư cụ là thấy con đường xả ly, thấy cả khung trời tự tại giải thoát. Nếu chưa hiểu thế nào là học Phật đúng nghĩa, chúng ta có thể chiêm nghiệm cuộc đời của vị lão tăng ấy.” (ngưng trích)
Và ngôn ngữ đẹp tận cùng là khi Vĩnh Hảo tuyên thuyết Phật pháp. Như trong Thư tòa soạn số 4, tháng 3.2012, trích:
Hành trình của một người hướng về giải thoát, giác ngộ, là hành trình của buông xả. Buông xả sự chấp chặt vào bản ngã; buông xả những gì được cho là thuộc về bản ngã; buông xả luôn cả ý niệm là mình đã buông xả hay đang buông xả… Từ nội tâm đến ngoại giới, đều phải buông xả, không vướng mắc, không trói buộc vào bất cứ điều gì.” (ngưng trích)
Tuyển tập Lời Ca Của Gã Cùng Tử là một ấn phẩm mới của Vĩnh Hảo, nhưng cũng là chặng đường 10 năm của Nguyệt San Chánh Pháp, cũng là những bước gian nan của giáo hội trong nỗ lực hoằng pháp tại các chân trời xa quê nhà. Nhiều hơn những gì chúng ta có thể đọc trong các hàng chữ, ẩn sâu trong các trang sách tuyển tập chính là tấm lòng của nhà văn Vĩnh Hảo, và hành trạng của những người con Phật được khắc họa trong sách. Trân trọng chúc mừng những trang văn cực kỳ thơ mộng và thiết tha của Vĩnh Hảo.
GHI CHÚ:

Tác phẩm "Lời Ca Của Gã Cùng Tử" đang lưu hành ở: www.amzn.com/B088SSMNK2