Friday, November 13, 2020

Giới thiệu: BỘ NÃO CỦA PHẬT (Rick Hanson; Richard Mendius)




BỘ NÃO CỦA PHẬT
Tác giả: Tiến sĩ y khoa Rick Hanson - Tiến sĩ y khoa Richard Mendius
Dịch giả: Nguyễn Hà Phương, Lê Thị Minh Hà
Phát hành: 05-2019
NXB: Hồng Đức
Số trang: 356

Cuốn sách là sự gặp gỡ giữa khoa học thần kinh hiện đại phương Tây và truyền thống thực hành tâm linh cổ xưa của Đạo Phật phương Đông, không chỉ mang đến cho chúng ta những cách thức hiệu quả để phát triển hạnh phúc thật sự trong cuộc sống, mà còn giải thích một cách tâm lý về việc những cách thức đó hoạt động như thế nào và vì sao chúng lại hoạt động như vậy. Chính thông qua những điều như vậy mà “Lịch sử khoa học trở nên phong phú nhờ thành công trong việc giao thoa giữa hai xu hướng kĩ thuật, hai chiều hướng tư tưởng được phát triển ở những bối cảnh khác nhau trong việc theo đuổi chân lý mới.” (J. Robert Oppenheimer).

"Bộ não của Phật" giúp bạn hiểu rõ hơn cách thức hoạt động của bộ não (một trong những bộ phận quan trọng nhất của cơ thể), lý giải vì sao con người có xu hướng chú ý đến những điều tiêu cực, theo cơ chế của bộ não đã từng giúp loài người sống sót qua các thời kì khó khăn trong quá khứ nhưng lại tạo nên những thói quen xấu gây ra khổ như thế nào, cùng cách chuyển hóa những thói quen đó để có cuộc sống hạnh phúc, tình thương và trí tuệ thông qua các thực hành của Đạo Phật (bố thí, trì giới và những thực hành thiền cơ bản: thiền hơi thở – anapanasati, chánh niệm – vipassana và thiền phát triển tình yêu thương – metta bhavana).

Thông qua cuốn sách, ngoài cơ hội tiếp cận với những kiến thức mới, hữu ích về khoa học thần kinh – một ngành khoa học khá mới mẻ, nhất là ở Việt Nam, bạn đọc còn có thêm những cái nhìn mới về cuộc sống, về hạnh phúc và cả việc thực hành thiền, tâm linh của chính mình bằng các bài hướng dẫn thực hành hữu ích được giới thiệu ngắn gọn trong cuốn sách.
___________________________

CÁCH SỬ DỤNG CUỐN SÁCH

Để sử dụng cuốn sách này, các bạn không cần phải có bất cứ nền tảng kiến thức nào về khoa học thần kinh, tâm lý học hoặc thiền tập. Cuốn sách đã dệt thông tin và các phương pháp lại với nhau – giống như một cuốn cẩm nang vận hành về bộ não được kết hợp với một bộ đồ nghề – và các bạn sẽ tìm thấy những công cụ hoạt động tốt nhất cho mình trong đó.

Vì bộ não hết sức thú vị nên chúng tôi đã trình bày khá nhiều nghiên cứu khoa học mới nhất về bộ não, gồm cả những tài liệu tham khảo trong trường hợp các bạn muốn tìm đọc chúng để tự tìm hiểu. (Nhưng để tránh việc này khiến cho cuốn sách trở thành một cuốn giáo trình y khoa, chúng tôi đã đơn giản hóa các mô tả về những hoạt động thần kinh nhằm mục đích chỉ tập trung vào các đặc tính thiết yếu của chúng.) Mặt khác, nếu các bạn cảm thấy lôi cuốn hơn trong các phương pháp thực hành, các bạn hoàn toàn có thể lướt qua những phần trình bày về khoa học thần kinh. Lẽ dĩ nhiên, tâm lý học và thần kinh học, cả hai đều là những ngành khoa học non trẻ mà có rất nhiều điều chúng ta vẫn chưa hiểu hết về chúng. Cho nên chúng ta không phải cố gắng lĩnh hội tất cả. Trên thực tế, chúng ta đã có được cơ hội và đang tập trung vào các phương pháp để có một lời giải thích mang tính khoa học đáng tin cậy về việc tâm lý học và thần kinh học thúc đẩy các mạng thần kinh của sự mãn nguyện, lòng tốt và bình an như thế nào.

Các phương pháp này bao gồm một số bài hướng dẫn hành thiền. Tuy nhiên những bài hướng dẫn thiền đó mang chủ đích không gò ép, được viết với từ ngữ có tính liên tưởng và nên thơ hơn là chuyên biệt và chặt chẽ. Các bạn có thể tiếp cận các bài hướng dẫn này theo những cách khác nhau như: có thể chỉ đọc và suy nghĩ về chúng; có thể kết hợp một số phần trong chúng với bất cứ sự hành thiền nào mà các bạn vẫn đang thực hành; có thể rủ bạn bè cùng tập chúng; hoặc các bạn có thể thu âm những bài hướng dẫn này và tự mình thực hành. Những bài hướng dẫn này chỉ là những gợi ý và bạn có thể tạm dừng chừng nào bạn thích. Không có cách thức sai để hành thiền, còn cách thức đúng chính là cảm thấy đúng những gì đến với bạn.

Và chúng tôi cũng đưa ra lời cảnh báo rằng: Cuốn sách này không phải là một liệu pháp thay thế cho việc chăm sóc sức khỏe theo chuyên môn, cũng như không phải là cách thức chữa trị cho bất cứ căn bệnh nào về tâm thần hoặc thể chất. Những điều khác nhau luôn được dành cho những người khác nhau. Đôi khi một phương pháp có thể gây ra những cảm giác không thoải mái, nhất là khi bạn có tiền sử về tổn thương tinh thần. Bạn nên gạt bỏ một phương pháp như vậy, bàn bạc với bạn bè (hoặc nhà tư vấn), thay đổi hoặc loại bỏ nó hoàn toàn. Hãy đối xử tử tế với chính mình.

Cuối cùng, nếu tôi biết một điều gì chắc chắn, thì đó chính là các bạn có thể thực hiện những điều nhỏ bé ngay bên trong tâm mà sẽ dẫn tới những thay đổi lớn trong bộ não và kinh nghiệm sống của các bạn. Tôi đã chứng kiến điều này xảy ra nhiều lần với những người tôi biết trên phương diện là một nhà tâm lý học hoặc một giảng viên dạy thiền [thiền sư], mà tôi cũng đã chứng kiến điều đó trong suy nghĩ và cảm giác của chính mình. Các bạn thực sự có thể đạt được trọn vẹn điều đó của mình theo hướng đi tốt hơn mỗi ngày.

Khi các bạn thay đổi bộ não của mình, các bạn thay đổi cuộc sống của mình.
___________________________

LỜI NÓI ĐẦU

Cuốn sách “Bộ não của Phật” là một lời khích lệ bạn nên sử dụng sự tập trung của tâm để khai thác sức mạnh của sự chú tâm nhằm nâng cao cuộc sống và các mối quan hệ xã hội của bạn. Bằng việc kết hợp những tuệ giác cổ xưa về hành thiền theo truyền thống Phật Giáo với những khám phá hiện đại trong lĩnh vực khoa học thần kinh, hai tiến sĩ y khoa Rick Hanson và Richard Mendius đã tổng hợp nên sự hướng dẫn đáng suy ngẫm và thiết thực này giúp đưa bạn từng bước đi trên con đường tỉnh thức tâm của bạn.

Gần đây, cuộc cách mạng trong khoa học đã phát hiện thấy bộ não ở người trưởng thành vẫn không ngừng thay đổi theo tuổi thọ của con người. Mặc dù nhiều nhà khoa học nghiên cứu về bộ não trước đây đã giải thích rằng tâm chỉ là hoạt động của bộ não, nhưng giờ đây chúng ta có thể nhận thấy sự kết nối giữa hai phương diện này [tâm và bộ não] trong cuộc sống theo một cách nhìn khác. Khi chúng ta xem tâm như một quá trình được biểu thị và mang tính liên hệ nhằm kiểm soát luồng năng lượng và thông tin, chúng ta đều nhận thấy rằng chúng ta có thể thực sự sử dụng tâm để thay đổi bộ não. Chân lý đơn giản chính là cách chúng ta tập trung sự chú tâm, cách chúng ta định hướng có chủ đích luồng năng lượng và thông tin xuyên suốt các mạch thần kinh của mình như thế nào để có thể thay đổi được hoạt động của bộ não và cấu trúc của nó một cách trực tiếp. Bí quyết là để biết cách sử dụng sự nhận biết của chúng ta trong việc làm gia tăng hạnh phúc.

Khi biết tâm mang tính liên hệ và bộ não là cơ quan xã hội của cơ thể, chúng ta còn có một quan điểm mới khác nữa. Đó là: các mối quan hệ của chúng ta với người khác không phải là một sự tình cờ trong cuộc sống; chúng là cơ sở cho tâm của chúng ta thực hiện chức năng ra sao và là một khía cạnh then chốt của sức khỏe bộ não. Các kết nối xã hội của chúng ta với người khác định hướng những kết nối về thần kinh của chúng ta để hình thành cấu trúc của bộ não. Điều này có nghĩa rằng cách chúng ta giao tiếp thay đổi thực sự hệ thống mạch thần kinh của bộ não, đặc biệt theo những cách giúp duy trì sự cân bằng cho cuộc sống của chúng ta. Hơn nữa, khoa học cũng đã xác minh rằng khi chúng ta nuôi dưỡng lòng trắc ẩn và sự nhận biết có chánh niệm trong cuộc sống – khi chúng ta buông bỏ sự chỉ trích và chú tâm hoàn toàn vào hiện tại – là chúng ta đang kiểm soát các mạch thần kinh về xã hội của bộ não nhằm cho phép chúng ta chuyển hóa ngay cả mối quan hệ lẫn bản thân chúng ta.

Các tác giả đã kết hợp những thực hành Phật Giáo được phát triển qua hơn hai nghìn năm trăm năm với những tuệ giác mới mẻ về các hoạt động của bộ não để mang đến cho chúng ta sự hướng dẫn này nhằm mục đích giúp chúng ta tạo ra những thay đổi tích cực ngay trong chính bản thân chúng ta. Kỉ nguyên hiện đại ngày nay liên tục phát triển các chương trình tự động, không ngừng làm cho chúng ta trở nên bận rộn hơn và tất bật thực hiện những công việc đa nhiệm kĩ thuật số, với lượng thông tin quá tải cùng các lịch trình dày đặc gây căng thẳng cho bộ não và lấn át cuộc sống của chúng ta. Việc tìm được khoảng thời gian để tạm ngừng giữa mớ hỗn loạn này đã trở thành một nhu cầu cấp bách mà rất ít người trong chúng ta có thể đáp ứng được. Vì vậy, với “Bộ não của Phật”, chúng ta được khuyến khích chỉ cần thực hiện một hơi thở sâu và xem xét những lý do về thần kinh vì sao chúng ta nên sống chậm lại, cân bằng bộ não và cải thiện các mối quan hệ cũng như chính bản thân mình.

Những bài luyện tập được đưa ra trong cuốn sách đều dựa trên sự thực hành đã được minh chứng một cách khoa học để có những tác dụng tích cực trong việc định hình thế giới nội tại của chúng ta bằng cách làm cho chúng ta trở nên tập trung, nhẫn nại và linh hoạt hơn. Những bước thành công này không chỉ nâng cao sự đồng cảm của chúng ta đối với người khác, mà còn mở rộng phạm vi của lòng trắc ẩn và sự quan tâm chăm sóc của mỗi chúng ta đối với chính thế giới mà chúng ta đang sống ở đó, nơi luôn tồn tại những mối liên hệ với nhau. Sự hứa hẹn của việc khai thác tâm để thay đổi bộ não của chúng ta thông qua những sự thực hành này là nhằm mục đích xây dựng nên mạch thần kinh của bộ não về lòng tốt và hạnh phúc trong từng phút giây, ở mỗi con người, cho từng mối quan hệ tại mọi thời điểm. Vậy chúng ta có thể yêu cầu điều gì hơn thế? Và thời điểm nào để bắt đầu điều đó tốt hơn ngay chính lúc này?

Tiến sĩ y khoa Daniel J. Siegel
Tác giả của các cuốn sách “Mindsight: The New Science of Personal Transformation” và “The Mindful Brain: Reflection and Attunement in the Cultivation of Well-Being”.
Viện Mindsight và Trung tâm nghiên cứu nhận biết chánh niệm UCLA
Los Angeles, California
Tháng Sáu năm 2009
___________________________

LỜI TỰA

Trong cuốn sách “Bộ não của Phật”, hai tiến sĩ y khoa Rick Hanson và Richard Mendius đã mang đến cho độc giả một sự kết nối rõ ràng và thiết thực thật tốt đẹp với những lời dạy trí tuệ quan trọng và cần thiết của Đức Phật. Sử dụng ngôn ngữ hiện đại của nghiên cứu khoa học, các tác giả đã khuyến khích độc giả khai mở sự huyền bí của tâm, mang lại một sự hiểu biết hiện đại đối với những lời dạy cổ xưa và uyên thâm về sự hành thiền nội tại. Cuốn sách “Bộ não của Phật” đã kết hợp khéo léo những lời dạy cổ xưa kia với những phát hiện mang tính cách mạng của khoa học thần kinh, vốn đã bắt đầu chứng thực các khả năng của con người về chánh niệm, lòng trắc ẩn và sự tự điều chỉnh là những trọng tâm đối với đào tạo thiền quán.

Qua cuốn sách này, độc giả sẽ học được những cách thức nội tại thực hành và khoa học về bộ não để nâng cao trạng thái hạnh phúc, phát triển sự thanh thản [tâm Xả] và lòng trắc ẩn [tâm Bi], đồng thời giảm bớt khổ. Độc giả sẽ được giới thiệu để giác ngộ những cái nhìn mới mẻ về cuộc sống và những cơ sở mang tính sinh học cho việc thúc đẩy sự phát triển trí tuệ này. Các chương sách sẽ giúp độc giả hiểu rõ hơn về hoạt động của tâm và gốc rễ thần kinh của hạnh phúc, sự đồng cảm và sự tương hỗ.

Những lời dạy làm nền tảng của mỗi chương – các chân lý cao quý [Tứ Diệu Đế], nền tảng của chánh niệm [Tứ Niệm Xứ] và sự phát triển đức hạnh, tình yêu thương [tâm Từ], tha thứ và bình an nội tại – đều dễ hiểu và gần gũi, được thể hiện trong lời mời gọi của Đức Phật khích lệ mọi người tự mình chứng nghiệm. Sự thực hành theo những lời dạy này cũng rõ ràng và đáng tin cậy. Về cơ bản, đó là những thực hành giống như những gì bạn sẽ học được ở một thiền viện.

Tôi đã chứng kiến Rick cùng Richard hướng dẫn thực hành cho người khác theo những lời dạy này và tôi đánh giá cao điều đó tác động tích cực như thế nào tới tâm trí của những người đã tới thực hành cùng họ.

Hơn bao giờ hết, thế giới loài người cần tìm ra những cách thức xây dựng được tình yêu thương, sự hiểu biết và bình an, trong phạm vi mỗi cá nhân và trên toàn cầu.

Mong cho những lời này góp phần vào sự nỗ lực hết sức này.
Mong cho tất cả đều an vui,
Tiến sĩ Jack Kornfield
Trung tâm Spirit Rock
Woodacre, California
Tháng Sáu năm 2009
____________
Độc giả xem chi tiết tại:

No comments:

Post a Comment