Lắng Nghe Bờ Bên Kia
Nguyên Giác
Nhan đề bài viết -- Lắng Nghe Bờ Bên Kia -- là một cách viết thơ mộng, dựa theo Kinh Lăng Nghiêm, và cũng mượn ẩn dụ Đức Phật thường nói, rằng hãy nương vào bè pháp để vượt qua dòng sông sinh tử. Bè pháp là Bát Chánh Đạo, dòng sông sinh tử còn gọi là bể khổ. Thấy khổ nơi cõi này là dễ, nhưng thấy thân tâm mình đang bị khổ tan hoại thường trực gặm nhấm là khó. Sinh già bệnh chết là khổ. Chiến tranh, nghèo khó, đại dịch, bão lụt là khổ. Phải có kinh nghiệm sâu thẳm về khổ, không phải là chữ nghĩa trừu tượng, không phải là suy luận mơ hồ, mà là cái gì rất thực y hệt như khắp trời sương mù đang ngấm ướt toàn thân, mới biết sợ để tinh tấn lo tu. Bài viết này, phần lớn, sẽ nhìn từ Kinh Lăng Nghiêm, tập trung vào pháp viên thông; viên là tròn đầy, thông là không ngăn ngại. Người viết không có thẩm quyền nào; sai sót tất nhiên sẽ có, xin được sám hối với Tam Bảo.
Thực tế, không dễ có duyên lành tu học, vì cõi này quá nhiều ràng buộc. Cứ nhìn quanh là cũng thấy. Nhiều người trong ngày phải làm hai việc ở hai nơi, hết việc này xong là chạy sang việc kia, tới cuối tháng là phải lo tiền gửi về cho ba mẹ, anh em ở quê nhà; do vậy, cũng không còn bao nhiêu thì giờ đi chùa, dự khóa tu, hay đọc kinh sách. Giới trẻ cũng bận theo cách khác, mất 1/3 cuộc đời để học ngày học đêm, ra trường lại ganh đua tìm sự nghiệp, trong khi tiếng Việt thì kém, không mấy cơ duyên thân cận với tăng ni để học pháp. Nhưng không lo tu học thì biết tới bao giờ giải thoát. Thấy vậy, phải luôn luôn nhớ lời Phật dạy là phải tinh tấn y hệt như lửa cháy trên đầu.
Thêm nữa, tu giải thoát là khó, không dễ. Nhưng đã có duyên lành tin Phật, tin Pháp, tin Tăng, nếu kiếp này không tinh tấn tu học thì kiếp sau đã chắc gì được thân người. Đức Phật đã cảnh giác trong Kinh MN 41 rằng chúng sinh sau khi từ trần sẽ có người đọa xuống cõi dữ, và có người sinh lên cõi lành, trích bản dịch của Thầy Minh Châu: “...một số loài hữu tình, sau khi thân hoại mạng chung phải sanh vào cõi dữ, ác thú, đọa xứ, địa ngục... một số loài hữu tình sau khi thân hoại mạng chung được sanh vào thiện thú, Thiên giới, đời này...” (1)
Câu hỏi là, có thể tìm một pháp tu nào đơn giản, thích hợp với những người rất mực bận rộn, hoàn toàn không có thì giờ để hàng ngày tụng kinh hay ngồi thiền? Đức Phật có dạy pháp tu nào thích nghi cho những người hàng ngày làm việc không nghỉ, về nhà là mệt tới mức lăn ra ngủ? Không thể trả lời đơn giản là có hay không. Vì bước đầu tiên tu là cần phải học nhiều, phải đọc nhiều, và phải có một số kinh nghiệm thực chứng mới có được niềm tin bất động vào Đức Phật.
Trong Kinh AN 10.64, qua bản dịch Thầy Minh Châu, Đức Phật dạy rằng chỉ cần niềm tin kiên cố, niềm tin bất động vào Đức Phật là được vào dòng Pháp, ít nhất là chứng quả Nhập lưu, tức là 7 lần trở về cõi này tu học nữa là hoàn toàn giải thoát, trích:
"Này các Tỷ-kheo, những ai có lòng tịnh tín bất động ở nơi Ta, tất cả những vị ấy là những bậc Dự lưu. Với những bậc Dự lưu ấy, năm hạng người đạt được cứu cánh ngay ở nơi đây. Năm hạng người, sau khi từ bỏ đời này, đạt được cứu cánh. Và năm hạng người nào, đạt được cứu cánh, ngay ở nơi đây? Hạng trở lui nhiều nhất là bảy lần (Thất lai)..." (2)
Bản kinh vừa dẫn nên hiểu ngầm rằng, những vị đó là đã quy y và thọ ngũ giới, và niềm tin dẫn tới thánh quả Thất Lai (còn gọi là: Tư Đà Hoàn, Nhập Lưu) phải là niềm tin bất động vào Phật, Pháp, Tăng. Nghĩa là, song song niềm tin là giữ ngũ giới (không giết, không tà hạnh, không trộm, không nói dối, không rượu hay chất gây nghiện). Có vài chục kinh nói rõ 4 chi phần như thế: chỉ cần kiên cố tin Phật, tin Pháp, tin Tăng và giữ giới là đắc quả Thất Lai. Xin đọc lời giới thiệu tiếng Anh nơi nhóm 10 kinh SN 55.1-55.10 ở link số (3).
Làm thế nào để tin Phật, tin Pháp, tin Tăng? Phải tin bất động, tin kiên cố, tin chắc thật, chứ không phải tin sơ sơ, tin lờ mờ. Muốn tin như thế, phải đọc kinh nhiều, phải lên mạng YouTube nghe giảng kinh sách (dù vậy, không phải thầy nào cũng giảng đúng ý Phật). Còn giữ giới nữa, làm sao giữ cho toàn vẹn thật là khó. Trong thân khẩu ý, chúng ta có thể giữ thân và lời nói cho trong sạch tương đối dễ, nhưng các ý niệm đột khởi trong tâm sẽ cần nhiều năm mới thuần thục. Bởi vì, mở TV lên xem phim, hay vào YouTube nghe nhạc hay xem đủ thứ chuyện trên thế giới, dễ có cơ nguy bị cuốn trôi theo vui buồn hờn giận từ các nhân vật và tình tiết trong thế giới ảo.
Như thế, nghĩa là, đối với hai thánh quả đầu tiên, không cần phải hàng ngày tụng kinh hay ngồi Thiền: để đắc quả Tu Đà Hoàn, cần tịnh tín bất động với Tam Bảo và giữ ngũ giới; để đắc quả Tư Đà Hàm, cũng như thế, thêm một điều là cần làm mỏng bớt tham, sân. Đặc biệt có Kinh SN 55.53 kể rằng cư sĩ Dhammadinna cùng với 500 cư sĩ tới gặp Đức Phật tại vườn nai gần Benares, khi nhóm cư sĩ này nói rằng họ có niềm tin bất động và Phật, Pháp, Tăng và có giữ ngũ giới, Đức Phật nói rằng cư sĩ Dhammadinna cùng với 500 cư sĩ đó đều đã đắc quả Tu Đà Hoàn. Do vậy, niềm tin và giới hạnh có sức mạnh như thế.
Thoạt nghe tin Phật, tin Pháp, tin Tăng là đơn giản, nhưng nghĩ kỹ thì rất mực gian nan. Cũng cần phải nắm vững giáo lý. Nếu tin rằng Đức Phật là một dạng ông Trời, ông Tiên hay như ông Bụt kiểu truyện cổ tích Việt Nam thì sẽ hỏng. Còn tin Pháp cho đúng cũng cần phải có chánh kiến. Vì Pháp không phải là chuyện trên trời hay dưới đất, không phải chuyện hôm qua hay ngày sau, mà Pháp là ngay trước mắt, ngay bên tai, và ngay trong những gì chúng ta hít thở và thâm cảm. Do vậy, muốn tin Pháp kiên cố cũng cần trải qua một số kinh nghiệm thực chứng, nếu không thì chỉ là tin lờ mờ, tin qua loa thì chỉ được phước hữu lậu và sẽ chẳng đi xa tới đâu.
__ () __
Kinh MN 7 giải thích về lòng tin kiên cố với Pháp: "Vị ấy thành tựu lòng tin tuyệt đối đối với Pháp: Pháp được Thế Tôn khéo thuyết giảng, thiết thực hiện tại, không có thời gian, đến để mà thấy, có khả năng hướng thượng, được người có trí chứng hiểu." (4)
Trong lòng tin vào Pháp, nhóm chữ "thiết thực hiện tại, không có thời gian" nơi các bản dịch tiếng Anh như sau:
-- Horner dịch: self-realised, it is timeless (tự thực chứng, phi thời gian).
-- Bodhi dịch: visible here and now, immediately effective (thấy ngay ở đây và bây giờ, hiệu quả tức khắc).
-- Sujato dịch: visible in this very life, immediately effective (thấy ngay lúc này, hiệu quả tức khắc).
-- Nyanaponika dịch: realizable here and now, possessed of immediate result (thực chứng nơi đây và bây giờ, có kết quả tức khắc).
Chúng ta thấy 2 cách dịch khác nhau: hai ngài Minh Châu và Horner dịch là “phi thời gian” trong khi ba ngài Bodhi, Sujato, Nyanaponika dịch là “ngay đây, tức là còn trong thời gian”… Như thế, các vị đã dịch bất đồng nhau. Chính ngay chữ “không có thời gian” (timeless) cho một ý nghĩa khác hơn chữ “hiệu quả tức khắc” (immediately effective) vì cái phi thời gian là cốt tủy của Kinh Kim Cương, rằng Kinh Kim Cương viết: "...không nên trụ nơi sắc sanh tâm, không nên trụ thanh, hương, vị, xúc, pháp sanh tâm, nên không có chỗ trụ mà sanh tâm kia..." Phi thời gian là pháp viên thông, vì không còn có thể dựa vào đâu để suy lường.
Tại sao nói câu vừa dẫn của Kinh Kim Cương là cốt tủy của Pháp, của cái phi thời gian? Bởi vì tất cả những gì được thấy (sắc), được nghe (thanh), được ngửi (hương), được nếm (vị), được sờ chạm (xúc), được ý thức tư lường (pháp) đều nằm trong thời gian. Nhưng Pháp là phi thời gian, vì Pháp chính là giải thoát, là Niết Bàn. Vì chúng ta đang sống trong cõi của thời gian, sẽ rất gian nan để thực chứng, dù trong khoảnh khắc, được cái phi thời gian của Pháp.
Có thể thí dụ thế này: chúng ta lấy tờ giấy ra làm toán cộng, đó là chú tâm vào hiện tại với những cái được thấy (bài toán trên giấy) và những gì được tư lường (gợi nhớ lại ký ức về toán cộng, tư lường về kết quả, phân biệt đúng/sai, sợ không đủ điểm để thi đậu…). Đó là tâm của hiện tại, ngay cả khi chánh niệm tỉnh giác với hiện tại như thế cũng là còn trong vòng thời gian (của cái sợ, cái lo lắng, cái ước muốn), chưa chạm tới cái phi thời gian. Vậy thì, làm sao sống được với tâm vượt thời gian, lìa cả ba thời quá, hiện, vị lai? Trong khi đó, hễ còn nghĩ ngợi tư lường là còn trong vòng ký ức, còn trong thời gian. Nhưng không nghĩ ngợi tư lường là mất một công cụ của trạch pháp, của nhận biết đúng với sai.
Trong khi đó, cái tâm vượt ngoài thời gian đó (tức là xa lìa cả sắc thanh hương vị xúc pháp, trong cả ba thời) từng được Đức Phật nói trong Kinh Sn 5.11 rằng: “1099. Hãy để khô héo tất cả những gì của quá khứ, và chớ hề có chút gì dính tới tương lai. Nếu con không nắm giữ gì trong chặng giữa (hiện tại), con sẽ sống trong bình an." (5)
Thiền Trúc Lâm của ngài Trần Nhân Tông dạy cách sống với tâm vô tâm (vô tâm đối cảnh hỏi chi Thiền), và đây là tâm vượt thời gian vì không dính gì với cảnh (cả nội xứ và ngoại xứ -- tức xa lìa sắc thanh hương vị xúc pháp). Cũng ngài Trần Nhân Tông nói kệ: “Tất cả pháp chẳng sanh / Tất cả pháp chẳng diệt / Nếu hay hiểu như thế / Chư Phật thường hiện tiền.” Đó là đi đứng nằm ngồi trong tánh Không chiếu diệu, tức là bản tánh của gương tâm, lúc đó thấy nghe hay biết sẽ không vướng chút gì nơi tất cả ảnh hiện. Nơi đó, ảnh hiện (sắc thanh hương vị xúc pháp) nhưng tánh của gương tâm (rỗng rang và chiếu sáng) vẫn lìa sanh diệt, tức là phi thời gian, là timeless. Tức là, phải ngộ trước, rồi mới tiệm tu.
Do vậy, muốn tin Pháp kiên cố, tin bất động, tin tuyệt đối là phải có một vài kinh nghiệm thực chứng. Ngài Hoàng Bá có thơ rằng, "Nếu chẳng một phen sương thấm lạnh / Hoa mai đâu dễ tỏa mùi hương."
Thực tế, tất cả, hay gần như tất cả, các kinh Bắc Tông đều nhìn và lý giải Pháp theo phẩm tính “phi thời gian” và đây là Chân Đế nằm hòa hài trong Tục Đế, cũng như gương không lìa ảnh và nước không lìa sóng. Chỉ khi nhìn Pháp trong phẩm tính phi thời gian, và vì thời gian chỉ có thể hiển lộ trong không gian (sắc thanh hương vị xúc pháp) nên mới có thể hiểu được vì sao Kinh Pháp Hoa nói rằng Đức Phật Thích Ca đã thành Phật từ vô lượng kiếp, và có thể hiểu được vì sao Bắc Tông nói rằng Bồ Tát Quán Tự Tại (trí viên thông, tròn đầy và không ngăn ngại) có một hiện thể khác có tên là Bồ Tát Quán Thế Âm với nghìn mắt và nghìn tay, tức là từ Trí hiển lộ Bi. Và chỉ nhìn Pháp trong phẩm tính phi thời gian mới hiểu được vì sao Đức Phật nói trong Tương Ưng Bộ của Tạng Pali, nơi Kinh SN 12.64 về tánh viên thông của một thức phi thời gian và cũng là phi không gian (xa lìa sắc thanh hương vị xúc pháp), rằng "Chỗ nào không có thức an trú, chỗ ấy không có danh sắc sanh. Chỗ nào không có danh sắc sanh, chỗ ấy không có các hành tăng trưởng. Chỗ nào không có các hành tăng trưởng, chỗ ấy không có hữu tái sanh trong tương lai…" và như thế là giải thoát.
Không hề dính gì tới đất nước gió lửa, có phải là phi thời gian và phi không gian? Chúng ta đọc thấy trong Kinh DN 11, bản dịch Thầy Minh Châu: “Thức là không thể thấy, vô biên, biến thông hết thảy xứ. Ở đây, địa đại, thủy đại, hỏa đại, phong đại không có chân đứng. Ở đây, cũng vậy dài, ngắn, tế, thô, tịnh và bất tịnh. Ở đây danh và sắc tiêu diệt hoàn toàn. Khi thức diệt, ở đây mọi thứ đều diệt tận." Nói thức diệt, là cái thức còn sinh diệt trong tứ đại và ngũ uẩn. Nói thức không thể thấy và vô biên phải chăng là pháp vô sinh diệt, và là một pháp viên thông?
Có thể đối chiếu lời của ngài Hoàng Bá về “đạo nhân vô tâm” với Kinh MN 7, Kinh Sn 5.11, Kinh SN 12.64 và Kinh DN 11 vừa dẫn trên. Trong sách Luận Tối Thượng Thừa, bản dịch của Thầy Thích Thanh Từ về lời của Thiền sư Hoàng Bá, trích: "Chỉ một tâm này, trọn không có pháp bằng hạt bụi nhỏ có thể được, tức tâm là Phật. Như nay người học đạo không ngộ tâm thể này bèn ở trên tâm sanh tâm, hướng ra ngoài cầu Phật, chấp tướng tu hành đều là pháp ác, chẳng phải đạo Bồ đề. Cúng dường chư Phật mười phương không bằng cúng dường một đạo nhân vô tâm. Tại sao ? Vì người vô tâm là không tất cả tâm, thể như như, trong như cây đá không động không lay, ngoài như hư không chẳng bít chẳng ngại, không năng sở, không chỗ nơi, không tướng mạo, không được mất, người thú hướng mà không dám vào pháp này, sợ lạc vào không, không có chỗ nơi nương tựa, trông thấy mé rồi thối lui."
Nhưng khi dịch rằng Pháp có một phẩm tính là “phi thời gian” (timeless) có phải là phản khoa học hay không? Bây giờ, khoa học đã đồng ý với Phật Giáo. Chỉ riêng Phật Giáo mới nhấn mạnh yếu tố Pháp là phi thời gian. Nhà khoa học vĩ đại Albert Einstein từng viết: Những người như chúng ta, những người tin vào vật lý biết rằng sự phân biệt giữa quá khứ, hiện tại và tương lai chỉ là một ảo giác thường trực khó đổi. Thời gian, nói cách khác, Einstein viết rằng, là một ảo giác. Nhiều nhà vật lý từ đó chia sẻ quan điểm này, rằng thực tại chân thực là phi thời gian. (Albert Einstein once wrote: People like us who believe in physics know that the distinction between past, present and future is only a stubbornly persistent illusion. Time, in other words, he said, is an illusion. Many physicists since have shared this view, that true reality is timeless.) --- có thể đọc theo nhiều nguồn: xin vào Google.com và gõ các chữ "einstein time illusion".
Trong khi đó, khoa học lại chứng minh quan điểm “nhất thiết pháp vô ngã” của Phật Giáo là một chân lý. Chúng ta Thiền tập, sẽ tới một lúc nhìn thấy thân tâm mình y hệt như các khối lung linh di động, không hề có cái gì là ngã. Khoa học bây giờ đã công nhận “vô ngã” rồi. Nhà khoa học vĩ đại Stephen Hawking đưa ra lý thuyết cuối cùng trong đời ông: vũ trụ chính là một hình hologram lung linh, và tất cả chúng ta đang sống trong cái hologram rỗng rang, chiếu diệu, lung linh này. (xin vào Google, gõ chữ "hawking hologram" sẽ thấy nhiều bài về lý thuyết này.)
Không có nghĩa rằng nhờ khoa học mà Phật pháp đúng. Chỉ muốn nói rằng, các bài toán tuyệt vời của vật lý đã dẫn tới các pháp ấn nhà Phật, trong khi nhiều khoa học gia có thể chưa từng đọc gì về Kinh Phật. Đây cũng là một phương tiện để chúng ta nói chuyện với giới trẻ có quan tâm về Phật pháp và khoa học. Nghĩa là, chúng ta chỉ là những hình phóng chiếu hologram từ các ánh sáng năng lượng nào đó (theo Kinh Phật, là từ ngũ uẩn; và theo Bắc Tông, ngũ uẩn vẫn không rời Tánh Không chiếu diệu, rỗng sáng và tịch lặng). Để hiểu thêm về khái niệm hologram, có thể xem video này -- https://youtu.be/IuNj_rqx04o -- khi ban nhạc đứng ở London (Anh quốc) và tia sáng phóng hologram làm cho khán giả ở Florida (Hoa Kỳ) nhìn cứ tưởng trước mắt là thật. So sánh nơi đây, không có nghĩa là dám khẳng định chúng sanh cõi này chỉ là ánh sáng hologram. Chỉ là nêu một đối chiếu để các bạn trẻ dễ hình dung và khảo sát thêm (trong khi bản thân người viết rất lờ mờ về khoa học).
Như thế, Einstein và Hawking sau một đời làm toán đã khám phá rằng thế giới này như huyễn, như mộng, như hoa đốm hư không lung linh trước mắt, không hề sanh diệt (vì là thực tướng phi thời gian) và trong sạch vô tướng – đó là 2 vị đã lặp lại, đúng từng câu từng chữ, y hệt lời Đức Phật nói trong Quyển I Kinh Lăng Già, theo bản dịch của Thầy Duy Lực: “Thế gian lìa sanh diệt / Như hoa đốm trên không. / Trí chẳng trụ hữu, vô, / Mà khởi tâm đại bi./ Tất cả pháp như huyễn,/ Xa lìa nơi tâm thức./ Trí chẳng trụ hữu, vô,/ Mà khởi tâm đại bi./ Xa lìa chấp đoạn thường,/ Pháp thế gian như mộng./ Trí chẳng trụ hữu, vô,/ Mà khởi tâm đại bi./ Biết nhơn pháp Vô ngã / Phiền não và nhĩ diệm / Thường trong sạch vô tướng,/ Mà khởi tâm đại bi."
Thấy thế, mới thực là tin Pháp. Một mặt khác, muốn giữ giới cho kiên cố, cần phải tin vào luật nhân quả. Bất kỳ hành động nào của chúng ta, qua thân khẩu ý, đều gây nghiệp lực, sẽ dẫn tới quả lành hay dữ, tùy theo việc làm đó, lời nói đó, hay suy nghĩ đó là thiện nghiệp hay ác nghiệp. Nếu không tin vào nghiệp quả, sẽ không kiên trì giữ giới được. Làm thế nào để tin sâu nhân quả? Cũng cần phải thường xuyên đọc nhiều sách, hay vào YouTube nghe các truyện nhà Phật về nhân quả báo ứng. Phải sợ nghiệp mới lo tinh tấn tu học. Không thường trực tự khuyến tấn tu giải thoát, thế nào rồi cũng sẽ lui sụt, trễ nải.
__ () __
Một nỗi lo lớn: làm thế nào có thể giải bớt nghiệp? Vì nếu nặng nghiệp, sẽ khó tu. Làm thế nào để hóa giải, làm nghiệp nặng trở thành nghiệp nhẹ hay là xóa sổ nghiệp luôn? Nếu không tin sâu nhân quả, không hiểu giáo lý nghiệp, e là có lúc sẽ chệch hướng.
Nơi đây, chúng ta tóm lược một số ý chánh về nghiệp từ bài viết nhan đề “Nghiệp và Giải Nghiệp theo Chánh Pháp” (6) để sẽ thảo luận thêm:
-- Kinh AN 6.63 viết: Tác ý, ta nói với chư tỳ kheo, chính là nghiệp. Khi tác ý, là gây nghiệp cho thân, khẩu và ý.
-- Kinh AN 5.43 viết: Nghiệp lành, phước đức không thể tới từ kinh cầu nguyện hay ước muốn.
-- Kinh SN 12.46 viết về câu hỏi rằng, người gây ra nghiệp và người thừa tự nghiệp có phải là một người, hay hai người khác nhau? Đức Phật bác bỏ cả hai trường hợp, nói rằng hễ đáp thế nào cũng sẽ là cực đoan; và ngài chủ trương trung đạo.
-- Kinh SN 35.142 viết: Thế nào là nghiệp cũ? Mắt, tai, mũi, lưỡi, thân, ý đều là nghiệp cũ. Thế nào là nghiệp mới? Việc mình làm bây giờ với thân, khẩu, ý là nghiệp mới. Thế nào là nghiệp đoạn diệt? Sự đoạn diệt thân nghiệp, ngữ nghiệp, ý nghiệp, nhờ vậy cảm thấy giải thoát. Bát Thánh Đạo là con đường đưa đến nghiệp đoạn diệt.
-- Kinh AN 3.99 viết: Cũng như hạt muối bỏ vào ly nước sẽ làm người uống thấy mặn, nhưng hạt muối bỏ vào Sông Hằng sẽ không tác dụng mặn được. Do vậy, Đức Phật nói rằng một nghiệp ác nhỏ có thể đẩy chúng ta xuống địa ngục, trong khi với người biết tu, nghiệp nhỏ như thế sẽ gần như không tác dụng, “này các Tỷ-kheo, có làm nghiệp ác nhỏ mọn tương trợ, và nghiệp ác ấy đưa người ấy đến cảm thọ ngay trong hiện tại, cho đến chút ít cũng không thấy được (trong đời sau), nói gì là nhiều.”
-- Kinh AN 9.20 viết: cách giải nghiệp tốt nhất là tu hạnh từ bi, và quán niệm vô thường; dù chỉ trong một khoảnh khắc cũng có công đức hơn cúng dường vô lượng chư Phật.
__ () __
Tâm chúng ta sẽ dẫn chúng ta về thế giới tương ưng. Đức Phật nói trong Kinh MN 57 rằng những người tu hạnh con chó hay hạnh loài bò, khi thân hoại mạng chung sẽ tái sanh trong loài chó hay loài bò, trở thành quyến thuộc loài chó hay loài bò. Thêm nữa, Đức Phật trong Kinh này cũng nói rằng có nghiệp trắng (chúng ta thường nói là thiện nghiệp, sẽ dẫn chúng ta tới cõi lành sau khi mạng chung), có nghiệp đen (chúng ta thường nói là ác nghiệp, sẽ kéo chúng ta xuống cõi dữ sau khi mạng chung), có nghiệp không trắng và không đen (sẽ dứt nghiệp, tới giải thoát). Như thế, nghiệp không đen và không trắng chính là pháp viên thông.
Trong Kinh MN 57, Đức Phật nói: "Và này Puñña, thế nào là nghiệp không đen trắng, đưa đến quả báo không đen trắng, nghiệp đưa đến sự đoạn tận các nghiệp? Ở đây, này Puñña chỗ nào có ý chí (Cetana: Tư tâm sở) đoạn trừ nghiệp đen đưa đến quả báo đen, chỗ nào có ý chí đoạn trừ nghiệp trắng đưa đến quả báo trắng, chỗ nào có ý chí đoạn trừ nghiệp đen trắng đưa đến quả báo đen trắng. Ở đây, này Puñña, chỗ nào có ý chí như vậy, này Puñña, được gọi là nghiệp không đen trắng đưa đến quả báo không đen trắng, nghiệp đưa đến sự đoạn tận các nghiệp." (7)
Như thế, Kinh vừa dẫn cho chúng ta hiểu rõ thêm về các bài kệ trong Kinh Pháp Cú nói rằng người trí sẽ vượt qua thiện ác. Người làm thiện nghiệp sẽ lên trời, làm ác sẽ xuống địa ngục, nhưng người bất nhiễm thiện ác sẽ vào Niết Bàn. Như thế, nghiệp không đen trắng chính là pháp viên thông. Sau đây là trích từ Pháp Cú, bản dịch HT Thích Minh Châu, về tâm lìa thiện ác.
Pháp Cú bài kệ 39: Tâm không đầy tràn dục, Tâm không (hận) công phá, Đoạn tuyệt mọi thiện ác, Kẻ tỉnh không sợ hãi.
Pháp Cú bài kệ 126: Một số sinh bào thai, Kẻ ác sinh địa ngục, Người thiện lên cõi trời, Vô lậu chứng Niết Bàn.
Pháp Cú bài kệ 267: Ai vượt qua thiện ác, Chuyên sống đời Phạm Hạnh, Sống thẩm sát ở đời, Mới xứng danh tỷ kheo.
Pháp Cú bài kệ 412: Người sống ở đời này, Không nhiễm cả thiện ác, Không sầu, sạch không bụi, Ta gọi Bà-la-môn.
Tại sao như thế? Tại sao lìa thiện ác là Niết Bàn? Bởi vì thiện và ác là ảnh hiện của tâm ba cõi sáu đường, nhưng lìa thiện ác là tương ưng với bản tánh của gương tâm vốn tịch lặng, rỗng chiếu. Bởi vì, tâm của người trong ba cõi sáu đường là tâm của sắc/không, của Có/Không, của thiện/ác, của sanh/diệt. Trong khi đó, tâm lìa sanh diệt là giải thoát. Y hệt như chúng ta lấy bút chì, vẽ lên giấy hình cái bàn hay cái bình, tức là làm cho Có hình; và lấy gôm tẩy xóa, thì dò theo đường lằn tẩy xóa là không bàn, không bình, là Không (còn dựa theo Có mà hiển lộ). Nhưng tờ giấy bao trùm cả có hình và cả không hình chính là tâm ban sơ bất động, cũng như tánh gương bao trùm cả có ảnh và cả không ảnh, mới thực sự là Tánh Không rốt ráo.
Trong Kinh Thủ Lăng Nghiêm Tông Thông, Quyển 2, Chương Lựa Riêng Trần Cảnh Để Nêu Ra Tánh Thấy, trong phần Thông, có đoạn ghi lời Thiền sư Vân Cư Trí giải thích về Thấy Tánh:
"Ngài Vân Cư Trí nói rằng : “Cái Tánh Trong Sạch xưa nay trong lặng, chẳng có một chút động lay, không thuộc Hữu, Vô, lìa ngoài Nắm, Bỏ, Tánh Thể làu làu, vốn tự như nhiên. Thấy rõ ràng như vậy, mới gọi là Thấy Tánh (Kiến Tánh). Tánh tức Phật, Phật tức Tánh nên nói là “Kiến Tánh thành Phật...
Tính toán hư vọng mà cho là Có, liền có năng, sở: bèn mang tiếng là mê. Theo cái Thấy hư vọng đó sanh chuyện hiểu biết, liền đọa sanh tử. Người thấy biết rõ ràng thì chẳng có vậy. Suốt ngày thấy mà chưa hề thấy. Tìm cầu danh, xứ, thể, tướng bèn chẳng có được. Năng, sở đều dứt tuyệt, gọi là Thấy Tánh”. (8)
.
Trong ba nghiệp thân, khẩu và ý, Đức Phật nói rằng nghiêm trọng nhất là ý nghiệp. Trong Kinh MN 56, Đức Phật có đoạn vấn đáp với Tapassi, theo bản dịch của Thầy Minh Châu:
“Hiền giả Gotama, ba loại nghiệp này, được chia chẻ như vậy, được phân biệt như vậy, Hiền giả chủ trương loại nghiệp nào tối trọng để tác thành ác nghiệp, để diễn tiến ác nghiệp? Thân nghiệp chăng, khẩu nghiệp chăng, ý nghiệp chăng?
—Này Tapassi, ba loại nghiệp này, được chia chẻ như vậy, được phân biệt như vậy, Ta chủ trương ý nghiệp là tối trọng, để tác thành ác ý, để diễn tiến ác nghiệp, thân nghiệp không bằng được, khẩu nghiệp không bằng được.” (9)
Một điều có thể làm chúng ta an tâm là cho dù nghiệp nặng thế nào, người có chánh kiến có thể lãnh thiện nghiệp ngay trong hiện tại, theo Kinh MN 136: “...có chánh kiến, người ấy phải lãnh thọ quả báo được khởi lên ngay hiện tại hay trong một đời khác.” (10)
Và không nên lo ngại, vì biết tu thì nghiệp cực nặng cũng chuyển thành nhẹ... vì biết tu là có tài sản vô lượng, có trả nợ khi nghiệp tới thì chỉ nhẹ nhàng, không bị bắt trói. Đức Phật nói trong Kinh MA 11, bản dịch Thầy Minh Châu:
“Lại nữa, có người tạo nghiệp bất thiện tất phải thọ quả khổ là quả báo trong đời hiện tại. Thế nào là có người tạo nghiệp bất thiện tất phải thọ quả khổ là quả báo trong đời hiện tại? Ở đây, có một người tu thân, tu giới, tu tâm, tu tuệ, thọ mạng rất dài; người ấy tạo nghiệp bất thiện tất phải thọ quả khổ là quả báo trong đời hiện tại.
“Cũng như có người dù mắc nợ một trăm tiền nhưng không bị chủ nợ bắt trói; cho đến nợ ngàn vạn tiền cũng không bị chủ nợ bắt trói? Nghĩa là người mắc nợ có vô lượng tài sản và thế lực rất lớn. Người ấy nhờ vậy dù mắc nợ trăm ngàn tiền vẫn không bị chủ nợ bắt trói. Đó là người mặc dù mắc nợ trăm tiền vẫn không bị chủ nợ bắt trói, cho đến nợ ngàn vạn tiền cũng không bị chủ nợ bắt trói. Cũng vậy, có người tạo nghiệp bất thiện, tất phải thọ quả khổ là quả báo trong đời hiện tại. Thế nào là có người tạo nghiệp bất thiện tất phải thọ quả khổ là quả báo trong đời hiện tại? Nghĩa là, có một người tu thân, tu giới, tu tâm, tu tuệ, thọ mạng rất dài; người ấy tạo nghiệp bất thiện tất phải thọ quả khổ là quả báo trong đời hiện tại. Người ấy ở trong đời hiện tại giả sử có thọ báo của thiện hay ác nhưng chỉ nhẹ nhàng, chút ít thôi”. (10)
Nhưng thế nào là biết tu? Thế nào là tu với tâm lìa cả ba thời, lìa cả ngũ uẩn (sắc thọ tưởng hành thức)? Có nhiều pháp, một trong đó là pháp niệm vô thường. Trong Kinh AN 9.20, Đức Phật ca ngợi pháp quán niệm vô thường, chỉ trong khoảnh khắc là có oai lực gấp nhiều lần so với người bố thí Đức Phật và chúng Tỳ kheo. Kinh này viết, bản dịch của Thầy Minh Châu:
“…và có ai bố thí chúng Tỷ-kheo với đức Phật là vị cầm đầu, và có ai cho xây dựng một tinh xá cho chúng Tăng trong bốn phương... và có ai với tâm tịnh tín qui y Phật, Pháp và chúng Tăng... và có ai tâm tịnh tín chấp nhận học pháp, từ bỏ sát sanh... từ bỏ đắm say rượu men, rượu nấu... và có ai dầu chỉ trong một khoảnh khắc vắt sữa bò, tu tập từ tâm, và có ai dầu chỉ trong một khoảnh khắc búng ngón tay, tu tập tưởng vô thường, bố thí này quả lớn hơn bố thí kia.” (11)
Pháp quán niệm vô thường cũng là một pháp viên thông. Vì trong khi niệm vô thường, sẽ không thấy có bất kỳ pháp nào trong ba cõi níu lại trong tâm, dù đó là sắc thanh hương vị xúc pháp hay là bất cứ gì của đất nước gió lửa. Trong khi niệm vô thường, cũng là niệm vô sinh diệt, vì không có gì sanh và không có gì diệt trong người đang cảm thọ dòng sông vô thường chảy xiết trong toàn thân tâm mình. Một cách khác, bất cứ pháp nào thấy là sinh, liền thấy ngay là diệt. Đó cũng là một pháp niệm sự chết trên toàn thân tâm mình.
Trong Kinh EA 2.10, bản dịch quý Thầy Tuệ Sỹ & Đức Thắng, Đức Phật dạy: “Hãy tu hành một pháp. Hãy quảng bá một pháp. Các ngươi sẽ thành tựu thần thông, loại bỏ các loạn tưởng, đạt được quả Sa-môn, tự thân đạt đến Niết-bàn. Một pháp ấy là gì? Đó là niệm sự chết. Hãy khéo tu hành. Hãy quảng bá. Các ngươi sẽ thành tựu thần thông, loại bỏ các loạn tưởng, đạt được quả Sa-môn, tự thân đạt đến Niết-bàn. Cho nên, các Tỳ-kheo, hãy tu hành một pháp, hãy quảng bá một pháp. Vì vậy, này các Tỳ-kheo, hãy học điều này.” (11)
.
Trong khi đó, Kinh Lăng Nghiêm Tông Thông (KLNTT), Quyển 6 [xin dò theo link (8) ở trên], ghi rằng trong các pháp tu, nương vào Tánh Nghe là thù thắng nhất: pháp lắng nghe của ngài Quán Thế Âm là viên thông nhất, là lìa thời gian quá hiện vị lại, là lìa cả sắc hương vị xúc pháp và lìa cả thanh (vì trong cái nghe, các pháp đều bất khả đắc).
Trước tiên, nói về giới. Trong cái nghe, chỉ thuần nghe, tự thân đã là giới. Khi bạn nghe và không níu kéo bất kỳ cái được nghe nào, khi nghe đúng pháp (không vướng bận quá, hiện, vị lai) tự thân là đã Vô Tâm, tự thân đã xa dục ái. Thí dụ, bạn ngồi trong hội trường nghe hòa tấu nhạc, các âm thanh đàn, sáo, trống xen nhau, Bạn sẽ thấy dục ái rất khó khởi lên khi nghe thực nghe, vì tánh nghe tự thân đã lìa thiên vị, tự thân đã lìa năng sở -- vả năng (người nghe) và sở (cái được nghe) chỉ hiện lên nếu bạn lìa Vô Tâm, nếu bạn khởi tâm so đo về cái được nghe. Do vậy, trong cái nghe đã lìa dục ái, vì dục ái là cái so đo níu kéo của ký ức, của cảm thọ quá khứ. Thêm nữa, căn (tai) và cảnh (cái được nghe) không chướng ngại, không cản nhau, nên tự các pháp khi lắng nghe đã tròn được giới (trừ phi, khi ý thức xen tạp so đo, chọn lựa…).
Trích KLNTT: "Thông rằng : Huân tu theo Tánh Nghe ắt dục ái khô khan. Bởi do nước về căn nguồn, nên lửa chẳng thể đốt vậy. Tiếng trần đã tiêu tan, các trần khác đều thoát. Căn và Cảnh chẳng cướp lẫn nhau, nên hình sắc chẳng mê hoặc được."
Tương tự, trong cái nghe, chỉ thuần nghe, tự thân đã là định. Khi bạn nghe, và không níu kéo bất kỳ cái được nghe nào, khi nghe đúng pháp (không vướng bận quá, hiện, vị lai) tự thân là đã Vô Tâm, tự thân đã là bất động (không dao động ưa/ghét, lành/dữ, thiện/ác, tham/sân…). Vì căn và cảnh đều viên dung (tròn đầy, dung chứa nhau), nên định này là định của tự tánh, không phải định do tu tập hay do mài giũa. Bởi vì Tánh Nghe thường trụ, không phải vì không tiếng là mất nghe (diệt), cũng không phải vì có tiếng mà hiện ra nghe (sinh). Dù có tiếng, hay không tiếng, thì cái nghe vẫn còn đó. Tự thân nghe đã lìa sinh diệt, thì đây là thường định.
Kinh KLNTT viết: “Không tiếng, đã không diệt / Có tiếng, cũng chẳng sanh / Sanh diệt đều trọn lìa / Đó là Thường Chân Thật / Dầu cho trong mộng tưởng / Không nghĩ nhưng chẳng không / Tánh Nghe ngoài suy nghĩ / Thân tâm không bằng được.”
Tương tự, trong cái nghe, chỉ thuần nghe, tự thân đã là huệ. Vì trong cái nghe tự thân đã không rơi vào tâm của ba cõi sáu đường, khi toàn thể thân tâm ngộ nhập cái rỗng rang, tịch lặng, chiếu sáng của nghe.
Kinh KLNTT viết: "Thông rằng: Ban đầu, hết quán cái Âm Thanh liền được Giải Thoát là để tiếp bậc thượng thượng căn, chỉ soi thấy năm uẩn đều Không tức vượt hết thảy khổ ách. Dùng cái quán Tự Tánh, nếu chẳng phải là Quán Hạnh vi diệu thì không thể hành được vậy."
Như thế, chính ngay khi lắng nghe như thế, giới định huệ đã tròn đầy, đã viên thông. Cho nên, nói lắng nghe bờ bên kia, chỉ là một cách thơ mộng để nói lắng nghe tự thân cái nghe. Đức Phật và các vị bồ tát trong Kinh Lăng Nghiêm đều ca ngợi rằng pháp lắng nghe của Bồ Tát Quán Thế Âm là pháp Đệ Nhất Nghĩa Đế. Bởi vì không bận tâm giới định huệ mà vẫn tròn đầy giới định huệ.
Do vậy, Kinh Lăng Nghiêm Tông Thông viết:
"Thông rằng: Ở trước nói hai nghĩa quyết định. Một là xét cái Tâm Nhân Địa. Hai là lựa chọn Căn Viên Thông, trở lại cùng tột dòng căn, đến chỗ chẳng sanh diệt; thẳng đến Vô Thượng Bồ Đề, chẳng phải luận gì đến cái học Giới Định Huệ. Đây là một môn siêu xuất, con đường Xa Ma Tha nhiệm mầu của mười phương Như Lai để tiếp người thượng thượng căn vậy. Trong đó nói “Căn và Trần chẳng sánh hợp”, chưa từng không có Giới. “Như lóng nước dơ”, chưa từng không có Định. “Ở trong rực rỡ phát sáng”, chưa từng không có Huệ. Chỉ chẳng dùng Giới Định Huệ tự trói buộc, nên là Đệ Nhất Nghĩa Đế."
Đó là nghĩa của lắng nghe bờ bên kia…
GHI CHÚ:
(1) Kinh MN 41: https://suttacentral.net/mn41/vi/minh_chau
(2) Kinh AN 10.64: https://suttacentral.net/an10.64/vi/minh_chau
(3) Nhóm kinh SN 55.1-55.10: https://suttacentral.net/sn55-veludvaravagga
(4) Kinh MN 7: https://suttacentral.net/mn7/vi/minh_chau
(5) Kinh Sn 5.11: https://thuvienhoasen.org/p15a30622/sn-5-11-jatukanni-manava-puccha-cac-cau-hoi-cua-jatukanni
(6) Nghiệp và Giải Nghiệp theo Chánh Pháp: https://thuvienhoasen.org/a31624/nghiep-va-giai-nghiep-theo-chanh-phap
(7) Kinh MN 57: https://suttacentral.net/mn57/vi/minh_chau
(8) Kinh Thủ Lăng Nghiêm Tông Thông, Q2: https://thuvienhoasen.org/p17a1223/quyen-ii
(9) Kinh MN 56: https://suttacentral.net/mn56/vi/minh_chau
(10) Kinh MN 136: https://suttacentral.net/mn136/vi/minh_chau
Kinh MA 11: https://suttacentral.net/ma11/vi/tue_sy
(11) Kinh AN 9.20: https://suttacentral.net/an9.20/vi/minh_chau
Kinh EA 2.10: https://suttacentral.net/ea2.10/vi/tue_sy-thang
.
No comments:
Post a Comment