Lời thưa: Một bài viết đã cũ lắm, của cố trưởng niên Tâm Hoà Ngô Mạnh Thu, nhưng “note’ vào đây để anh chị em áo lam tham khảo. Bài viết tất nhiên cần được cập nhật theo tiến trình thăng trầm của phong trào… và đang đợi anh-chị-em chúng ta cùng làm việc đó, trong thực tiễn hành động. Mong lắm thay!
Trong các sinh hoạt của Cộng Ðồng Người Việt hải ngoại, đặc biệt tại Hoa kỳ, người ta thường thấy có sự hiện diện của một đoàn thể trẻ đồng phục gần giống với tổ chức Hướng Ðạo. Ðó là Gia Ðình Phật Tử, một phong trào Thanh niên của Phật giáo Việt-nam. Ðể rõ hơn về một đoàn thể từ lâu đã có những đóng góp âm thầm trong việc hình thành một cộng đồng Việt-nam, thiết nghĩ cũng cần lược qua tiến trình hình thành của Gia Ðình Phật Tử từ những ngày khởi đầu.
Bối cảnh lịch sử:
Vào những thập niên đầu thế kỷ 20, cùng với các phong trào vận động canh tân đất nước, phong trào Chấn hưng Phật giáo Việt nam cũng sôi nổi trên cả nước từ Bắc đến Nam. Các bậc chân tu, các nhà trí thức đều lưu tâm, tham gia chấn chỉnh lại niềm tin cùng phát huy tinh thần đạo Phật như một phương cách bảo tồn truyền thống văn hóa Việt nam. Trong bối cảnh lịch sử thời đó, việc năng cao dân trí, cũng như tìm về nguồn cội, bản sắc văn hóa dân tộc là điều cấp thiết. Ðạo Phật từng gắn bó với dân tộc suốt chiều dài lịch sử từ trước khi bị Tàu cai trị, cho đến những ngày khôi phục lại quyền tự chủ. Thịnh suy của đất nước cũng là thịnh suy của Phật giáo. Chấn hưng Phật giáo không chỉ là phục hồi một sinh hoạt tín ngưỡng tôn giáo. Mà cũng là công cuộc vận động tái tạo Con Người Việt Nam có truyền thống Từ hòa Nhân ái.
Giai đoạn hình thành:
Tái tạo Con Người Việt Nam không chỉ riêng những người lớn tuổi, mà kể cả lớp con cháu cũng được lưu tâm. Ðó là tương lai, là sinh mệnh đất nước. Vì vậy, từ cuối thập niên 1930, tại Huế và Hà nội, các em bé nhi đồng cũng đã cùng cha mẹ, ông bà đến chùa. Các em được đoàn ngũ hóa một cách đơn sơ thành những ban Ðồng Ấu Phật Giáo.
Việc đoàn ngũ hóa này hoàn toàn có tính cách tự phát. Tùy sáng kiến từng địa phương mà có các cách thức sinh hoạt khác nhau. Tại Hà-nội, quý Thượng Tọa và một số cư sĩ trong ban quản trị đã lập một đoàn gồm con em của hội viên Phật tử gọi là ban Ðồng Ấu để làm lễ dâng hương hoa trong các ngày đại lễ. Các em vừa sử dụng nhạc cụ dân tộc vừa hát các bài cổ truyền bằng lời ca mới do cụ Thiều Chửu (tức là cư sĩ Nguyễn Hữu Kha) soạn. Tuy nhiên, thông thường các em được hướng dẫn lễ Phật, nghe kinh và dâng hương hoa trong những ngày lễ lớn. “Ban đồng ấu, áo dài the xanh, đeo băng vàng ghi câu Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật. Chúng tôi vừa theo xe hoa vừa hát bài điệu Ðăng Ðàn Cung… vui mừng gặp ngày nay mồng tám tháng tư, là khánh tiết Phật Thích Ca Ngài, hiện về Ca Tỳ La Vệ…). Ðầu thập niên 1940, một số cư sĩ ở Huế tập hợp con cháu trong dòng tộc, thân thuộc sinh hoạt tại nhà riêng mang tính cách gia đình. Do đó có tên gọi là Gia Ðình Phật Hóa Phổ. Ðây là tiền thân của Gia Ðình Phật Tử ngày nay.
Giai đoạn kiện toàn:
Năm 1946, chiến tranh toàn quốc kháng chiến chống Pháp bùng nổ. Mọi sinh hoạt tạm ngưng. Năm 1948, mọi người hồi cư. Cùng với các tổ chức Phật giáo trong vùng quốc gia, tại Hà-nội và Huế vài Gia đình Phật hoá Phổ đầu tiên phục hoạt. Các sinh hoạt vẫn chỉ giới hạn trong phạm vi địa phương. Giai đoạn này, có các huynh trưởng gốc Hướng đạo (Trần Ðiền, ở Huế, Trần Trung Du ở Hà-nội) tham gia sinh hoạt. Gia đình Phật hóa Phổ vốn chưa có nền nếp, nên mô phỏng theo tổ chức Hướng đạo khá nhiều. Từ hình thức đồng phục đến phân chia chương trình huấn luyện. Nhất là kỹ thuật sinh hoạt, dường như rập khuôn Hướng đạo.
Giai đoạn phát triển:
Năm 1951 các tập đoàn Phật giáo Nam Trung Bắc thống nhất thành Tổng Hội Phật Giáo Việt Nam. Gia dình Phật hóa Phổ, một bộ phận của Tổng Hội, có danh xưng mới: Gia đình Phật tử. Năm 1954, đất nước chia đôi. Một phần Gia đình Phật tử Miền Bắc di cư vào Nam. Tiếng súng tạm ngưng nổ, dất nước tạm yên bình. Gia đình Phật tử phát triển mạnh mẽ. Nhất là từ năm 1964, khi Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất được thành lập. Ðầu thập niên 1970, toàn miền Nam có trên nửa triệu đoàn viên Gia đình Phật tử sinh hoạt thường xuyên. Việc hướng dẫn thanh, thiếu, đồng niên thành những Phật tử chân chính, không chỉ giới hạn trong khuôn viên nhà chùa mà còn tạo cho các em ý thức liên đới xã hội. Gia đình Phật tử hướng hoạt động của mình vào những công tác xã hội. cứu trợ. Trên khắp nước, người đồng phục Áo Lam, cờ Hoa Sen Trắng lăn mình vào làm công tác xã hội. Họ ước mong xoa dịu bớt thương đau của đồng bào đang phải gánh chịu trước cuộc chiến vô cùng tàn khốc.
Nổi trôi theo vận nước:
Biến cố 1975 ảnh hưởng nặng nề trên toàn thể người dân Việt nam Cộng hòa. Phật giáo cũng như Gia đình Phật tử không là ngoại lệ. Chế độ Việt nam Cộng hòa sụp đổ. Người dân hỗn loạn di tản ra khắp nơi hải ngoại. Ngay ngày đầu tiên trong các trại tạm cư trên đất Hoa Kỳ, Gia đình Phật tử đã kết hợp công tác giúp ổn định đời sống cho đồng bào. Cùng với những đợt người vượt biển tìm tự do, tại các trại tị nạn vùng Ðông và Nam AÙ, Gia đình Phật tử có mặt để tự giúp và giúp người đồng cảnh vượt khó.
Gia đình Phật tử Việt nam tại Hoa Kỳ:
Ðến năm 2000, có thể nói khắp năm châu nơi nào cũng có người Việt nam cư ngụ. Hoa kỳ là quốc gia đông người Việt nhất. Trên hơn 30 tiểu bang Hoa kỳ có chùa hay niệm phật đường.
Mùa hè năm 1976, tại hai miền cực Ðông và Tây Hoa kỳ đã có hai đơn vị Gia đình Phật tử tiên khởi tự phát. Gia đình Giác Hoàng do các trưởng: Phúc Thiện Ngũ Duy Thành và Thiện Thanh Ðặng Ðình Khiết (nguyên Tổng Thư Ký Ban Hướng Dẫn GÐPT miền Vĩnh Nghiêm) thành lập tại chùa Giác Hoàng Washington DC. Gia đình Cựu Kim Sơn do trưởng Thuyền Vị Nguyễn Thị Ngà thành lập tại chùa Từ Quang San Francisco. Tính đến mùa hè năm 2000, trên toàn quốc Hoa kỳ có trên 60 đơn vị Gia đình Phật tử sinh hoạt đều đặn mỗi cuối tuần. Trong số đó, hai đơn vị tiên khởi Giác Hoàng và Cựu Kim Sơn vẫn còn sinh hoạt mạnh mẽ. Sĩ số mỗi đơn vị thường thường có trên dưới 100 đoàn sinh và huynh trưởng. Một số đơn vị, sĩ số đó đạt đến 3 hay 4 trăm.
Trên quê hương mới, Gia đình Phật tử phải thích nghi với tập quán, văn hóa mới. Ðồng thời vẫn phải gìn giữ truyền thống của mình. Duy trì và phát huy tín tâm đối với đạo pháp là điều tất nhiên. Hợp lực với đồng hương, cộng đồng bảo tồn truyền thống văn hóa dân tộc là trách nhiệm mới của Gia đình Phật tử hải ngoại nói chung, Gia đình Phật tử Việt-nam tại Hoa kỳ nói riêng. Hướng dẫn đoàn sinh các nghi thức tụng niệm, các sinh hoạt tu tập là công việc quen thuộc. Nhưng hợp lực với đồng hương, cộng đồng bảo tồn truyền thống văn hóa dân tộc nơi xứ người là trách nhiệm mới và lạ đối với một đoàn thể quen khép kín sau cánh cổng chùa. Ngoài nhận thức, còn cần tinh thần dấn thân tích cực. Qua thời gian đầu bỡ ngỡ, Gia đình Phật tử quen dần và tổ chức các sinh hoạt thích hợp hội nhập xã hội mới.
Năm 1978, trại huấn luyện Huynh trưởng toàn quốc đầu tiên được tổ chức tại Oaklahoma. Trại quy tụ trại sinh từ nhiều tiểu bang về dự. Từ trại huấn luyện này, một ban Liên Lạc được thành lập để vận động thống nhất sinh hoạt Gia đình Phật tử tại Hoa kỳ. Năm 1983 Ðại hội Huynh trưởng đầu tiên diễn ra tại chùa Pháp Quang tiểu bang Texas mở đầu cho sự kết hợp sinh hoạt chung của Gia đình Phật tử Việt nam tại Hoa Kỳ.
Ra khỏi cổng chùa:
Về tinh thần đã được kết hợp. Về hình thức và phương cách sinh hoạt đã đồng nhất. Nhưng tuỳ theo điều kiện địa phương và vị Thầy trụ trì cố vấn giáo hạnh mà các đơn vị có lịch trình sinh hoạt khác nhau. Sống trong một đất nước năng động, thời gian tính bằng giây, Gia đình Phật tử cũng phải chuyển mình, thích nghi để tồn tại và phát triển. Họ tích cực tham dự vào mọi sinh hoạt của cộng đồng. Là một tổ chức lấy giáo dục làm phương châm nên dù không ồn ào, họ có mặt trong hầu hết các sinh hoạt văn hóa, xã hội, giáo dục và cả đấu tranh nữa của cộng đồng. Trước nhất là giữ gìn tiếng nói và chữ viết. Mỗi đơn vị Gia điụnh Phật tử cũng là một Trung tâm Việt ngữ. Hai sinh hoạt này song hành và tương tác nhau. Hàng ngàn thanh thiếu niên, nhi đồng khắp nơi được các anh chị Trưởng cũng là thầy giáo, cô giáo dạy hát, dạy nói, dạy chữ Việt mỗi cuối tuần.
Các em đoạt được nhiều phần thưởng cao của giải Khuyến Học tổ chức hàng năm cũng như các cuộc thi viết văn thơ dành cho tuổi trẻ. Tại Nam California, có trên 10 Trung tâm Việt ngữ của Gia đình Phật tử và sẽ còn gia tăng cùng với sự phát triển các đơn vị mới. Hầu hết Gia đình Phật tử đều có đội múa Lân, giúp vui trong các dịp lễ lạc của Phật giáo và các lễ hội công cộng do cộng đồng tổ chức như mừng Xuân, giỗ Quốc Tổ, tết Trung Thu & góp phần bảo tồn truyền thống văn hóa Việt. Gắn Hoa Hồng, một nghi thức không thể thiếu trong dịp lễ Vu Lan hay Lễ Hiếu. Nghi thức này do Gia đình Phật tử thực hiện và quảng bá thể hiện lòng hiếu kính đối với cha mẹ. Ðến nay Lễ hội Hoa Hồng Vu lan đã trở thành của đại chúng. Châm ngôn vui hát, vui học được tích cực ứng dụng. Vì vậy, các Gia đình Phật tử đều hướng dẫn các em sinh hoạt văn nghệ. Ðặc biệt hình thái văn nghệ dân tộc rất được chú trọng. Từ mấy chục năm nay, đoàn vũ của Gia đình Phật tử Long Hoa (chùa Việt nam Los Angeles California) dẫn đầu về thể loại vũ dân tộc. Từ những năm đầu thập niên 1990, trong khi bộ môn cải lương bị bỏ quên ngay cả tại quốc nội, Gia đình Phật tử Chánh Pháp (chùa Dược sư Orange County California) đã sáng tác, dàn dựng và công diễn tuồng cải lương. Các vở Phật Thành Ðạo, Quan Âm Diệu Thiện, Lưu Bình Dương Lễ rất được đồng hương và Phật tử tán thưởng đã được thâu băng vidéo phát hành rộng rãi khắp nơi. Chỉ vài năm trở lại đây, cải lương mới được nhắc nhở trong cộng đồng qua các cuộc thi hát Vọng cổ. Sau hai chục năm, một thế hệ huynh trưởng trẻ lớn lên và trưởng thành. Sự tham gia của lớp huynh trưởng trẻ này đã phần nào thay đổi bộ mặt sinh hoạt của Gia đình Phật tử. Họ sát cánh với các đoàn thể trẻ khác thực hiện các công tác xã hội. Ði bộ cho thuyền nhân Pallawan, Cứu trợ bão lụt miền Trung Việt nam và Trung Mỹ, Rửa xe gây quỹ tặng bữa ăn cho người vô gia cư, Xuống đường quyên góp cứu trợ thiên tai trong nước &. Ðây là những sinh hoạt hoàn toàn mới lạ với Gia đình Phật tử. Nhưng lòng nhiệt thành và tính cách năng nổ, tháo vát của tuổi trẻ giúp họ tích cực tham gia không chút bỡ ngỡ. Ý thức trách nhiệm của những người mang danh tị nạn, lòng luôn hướng về quê hương còn nhiều khổ đau, Gia đình Phật tử cũng có mặt trong những lần biểu dương sức mạnh Cộng Ðồng Người Việt như Diễn Hành Mừng Xuân, Vận động Bầu cử Hoa kỳ&. Ðặc biệt, vụ Trần Trường năm 1999, họ đã góp công không nhỏ để đạt được sự thành công hoàn toàn trong việc dẹp cờ cộng sản và hình Hồ Chí Minh trong tiệm Hi-Tech trên đường Bolsa.
Gia đình Phật tử là một phong trào tuổi trẻ mới thành lập trên 50 năm và 25 năm nơi hải ngoại. Tuy thành tựu khích lệ. Song thời gian quá ngắn để họ lớn lên vững vàng. Hướng tới, đường đi tuy rõ ràng. Mà kinh nghiệm, chắc chắn không đủ đáp ứng sự phát triển quá nhanh. Ðôi khi họ cũng bị chao đảo, phân vân. Nhưng may mắn, họ luôn luôn có Thầy bên cạnh nhắc nhở: Việt nam lên đường. Họ biết sống xứng đáng là người Việt-nam và phát huy tính cách của người con Phật. Mùa xuân này, lại thêm một dịp để họ chứng tỏ tấm lòng thiết tha với văn hóa dân tộc. Năm mới sắp về thêm thời gian cho họ kiên cố tình người hăng say phục vụ.
California, Mùa Xuân 2000
TÂM HÒA NGÔ MẠNH THU
(Trích Kỷ yếu Vĩnh Nghiêm Hải Ngoại 2000)