Thursday, April 30, 2015

Quẩy Gánh Non Sông (Cô gái chăn trâu) - Truyện Nguyễn Xuân Thiên Tường

Ảnh Minh hoạ - from http://www.hungsuviet.us


Xin được trân trọng giới thiệu truyện như chút tâm tình và ước vọng của nhiều người dành cho 
Quê Hương và Tổ Quốc Việt Nam.

Quẩy Gánh Non Sông
(Cô gái chăn trâu)

                                Kính dâng Anh-Linh Sông Núi 

   Mặt trời đã lên cao. Ánh nắng đổ xuống giòng sông làm chóa mắt cô gái chăn trâu.

Cô giục-giã lũ vật:

   - Đi mau, đi mau!

   Chú nghé con nghiêng đầu, cúi xuống uống thêm vài ngụm nước rồi vùng chạy theo đàn. Lũ trâu chậm rãi bước qua sườn đồi. Cô nhẩy xuống lưng con vật lớn nhất, bước về phía cái miếu hoang.

   - Cho chúng mày tự-do.

   Mấy con sáo đen đậu trên cây gạo hoa đỏ thấy người ríu-rít bay xa. Tới của miếu cô dừng lại… Bên này sông, dưới chân ngọn núi là làng Sơn-Việt. Bên kia sông, gần cuối chân mây là làng Thượng-Hà… Cô trầm-ngâm một lúc rồi thì-thầm:

   - Mẹ ơi! Con sẽ cố-gắng.

   Cô cúi xuống đứng tấn rồi bước theo một đồ hình trong trí tưởng-tượng; miệng đếm, tay múa thế võ chưa thuần-thục:

   - Một trái, ba phải, lùi năm.

   Chân dẫm lên một hòn đá sắc, cô lò-cò xuýt-xoa:

   - Đau quá! Vào miếu nghỉ đã.

   Bỗng cô dừng lại. Một gã đàn ông gầy-gò đang ngồi dựa vào tường, hai mắt nhắm nghiền, mặt xanh-xao.

   Cô hỏi:

   - Sao ông ngồi đây?

   Người đàn ông không trả lời, cô bé chăn châu gặng hỏi:

   - Sao ông không trả lời tôi?

   Gã mệt-mỏi:

   - Chỗ này của cô sao?

   Cô gái cong môi:

   - Đây là miếu hoang nhưng ông không thấy dấu quét dọn à?

   Gã đàn ông vịn tường đứng dậy. Mặt hơi nhăn khi cử-động. Giọng từ-tốn:

   - Thôi, để tôi đi vậy.

   Người con gái đổi ý:

   - Ông bị đau à? Xin ông đừng bận tâm.

   Người đàn ông nói:

   - Cám... ơn.

   Gã nói xong thì thấy đầu óc choáng-váng. Hình-ảnh của cô gái trước mặt nhòe đi, bức tường của tòa miếu nhỏ chao nghiêng. Gã mơ-hồ nghe tiếng êm-đềm bên tai:

   - Ông ngồi xuống đã.

   Người đàn ông ngồi xuống điều khí. Cơn đau như xé ngực. Gã lẩm-bẩm được vài tiếng rồi gục xuống.

   Khi gã tỉnh dậy, trời chiều đã muộn. Gã lấy tay sờ chiếc khăn nhỏ sũng nước đắp trên trán.

   Gã nói:

   - Cám ơn cô.

   Cô gái điềm-nhiên:

   - Không có gì.

   - Chiều muộn rồi, cô nên về đi.

   - Tôi ở lại đây giúp ông chống kẻ thù.

   Người đàn ông mỉm cười:

   - Tôi quên cô biết võ.

   - Sao ông biết?

   Gã trả lời:

   - Tôi nghe tiếng chân cô học võ ở ngoài.

   - Ông tò-mò quá.

   Gã đàn ông hiền-từ ngước lên. Cô gái lúng-túng:

   - Xin lỗi ông. Tôi lỡ lời. Thôi ông đừng nói nữa kẻo mệt.

   Người đàn ông giục cô gái:

   - Trời đã muộn!

   Người con gái nghĩ tới ông Bá Hạc phì-nộn khó tính. Ông sẽ giận-dữ nếu nàng không dẫn đàn trâu về đúng lúc.

   Cô đứng dậy cầm cái bầu nậm ở góc miếu lên để bên người lạ. Gã hỏi:

   - Rượu hả?

   Cô bẽn-lẽn:

   - Tôi là con gái không uống rượu. Đây là bình nước. Mai tôi trở lại.

   Gã hỏi:

   - Tên cô là gì?

   Nàng cười:

   - Gọi tôi là Mít. Hồi bố mẹ tôi còn sống, tôi thích ăn mít lắm.

   - Bây giờ thì sao?

   Nhớ tới những ngày hai mẹ con khổ-cực, nàng chép miệng:

   - Vẫn còn thích nhưng ai cho ăn. Ông là ai?

   Thấy người đàn ông ngần-ngừ, nàng vui-vẻ:

   - Tốt lắm. Ít nhất ông không muốn nói dối. Chào ông.

   Sáng hôm sau Mít trở lại. Gã đàn ông đang ngồi nhắm mắt dưỡng thần. Nàng ân-cần:

   - Ông còn đau không?

   Gã yếu-ớt nói:

   - Đỡ rồi.

   Cô đặt gói lá chuối xuống, nhặt bầu nước nhắc nhắc vài cái.

   - Cơm của ông đây. Hết nước rồi để tôi đi lấy.

   Gã cảm-động:

   - Cám ơn cô.

   Bốn ngày trôi qua. Người đàn ông đã gượng đứng dậy được. Buổi sáng Mít ghé thăm rồi dắt trâu đi. Buổi trưa, nàng trở lại nói chuyện, học võ. Xế chiều, nàng dẫn lũ trâu về phía hạ-lưu của giòng sông.



   Một buổi sáng nàng ghé qua, người đàn ông không còn ở đó. Tự dưng nàng buồn muốn khóc. Chả lẽ gã bỏ đi không một lời từ-biệt? Nàng ngồi bên cửa miếu thừ người. Mới hôm qua, những hôm trước nữa gã chăm-chú nghe nàng nói chuyện. Những lời an-ủi của gã làm Mít vơi nỗi buồn rầu. Mít chưa bao giờ được ai đối-xử như vậy.

   Cô gái mím môi đứng dậy:

   - Trên đời này có ai cần mình đâu?

   Cô bước xuống dốc. Người đàn ông đang ngồi dưới gốc cây bên đường nhìn mây trắng. Bên cạnh gã là một trái mít lớn tỏa mùi thơm ngào-ngạt. Nhìn thấy mồ hôi lấm-tấm trên vầng trán rộng, cô vội-vã hỏi:

   - Ông chưa khỏi mà đi đâu?

   Gã nhìn nàng trả lời.

   - Đi kiếm mít cho cô.

   - Ai bảo ông làm vậy? Vết thương đã lành hẳn đâu.

   Gã hiền-hòa:

   - Tôi đỡ rồi. Nếu không hái sớm trái mít rụng mất.

   - Thế ra ông thấy từ trước. Cây mít ở đâu thế ông?

Gã chỉ tay về phía ngọn đồi cuối chân trời. Cô gái ái-ngại:

   - Trời ơi, xa thế cơ à?

   - Thôi mình lên miếu, tôi muốn bổ mít mời cô.

   Cô gái dặn:

   - Ông gọi tôi là Ngọc-Kiều.

   Gã buột miệng:

   - Tên hay quá. Còn tôi là Vĩnh. Trần Xuân Vĩnh.

   Cô gái reo vui:

   - Thế là tôi biết tên ông.

   Gã cúi xuống bưng quả mít lên. Ngọc-Kiều vội-vã:

   - Để tôi.

   Nàng ngồi bên cửa miếu chăm-chú nhìn gã xẻ quả mít. Không có dao, gã lấy tay thọc nhẹ. Ngón tay ngập qua vỏ quả mít chín… Khi những múi dài, óng-ả ló ra, cô xuýt-xoa:

   - Trời ơi, mít ống.

   - Đúng đấy. Những múi dài này có nước ngọt. Cô ăn đi.

   Ngọc-Kiều sung-sướng:

   - Tôi ăn mà.

   Thấy gã ngồi im, nàng hỏi:

   - Sao ông không ăn?

   Vĩnh từ-tốn:

   - Cô cứ tự-nhiên. Thấy cô vui là tôi thích lắm rồi.

   - Ông không ăn. Tôi cũng không ăn nữa.

   Gã hiền-từ lắc đầu:

   - Cô không nên ép-buộc người khác.

   Cô gái gật nhẹ đầu:

   - Thôi được. Tôi xin nghe lời ông.

   Lúc sau, gã đàn ông hỏi:

   - Cô nghĩ gì thế?

   Cô gái tâm-sự:

   - Tôi không dám ép-buộc ông đâu. Nhưng có ngày giỏi võ, tôi sẽ ép-buộc kẻ khác.

   - Ai đấy?

   Ngọc-Kiếu thở dài, mơ-màng nhìn vào khoảng không trước mặt. Giọng nàng đấy u-uất:

   - Kẻ thù giết mẹ.

   Rồi nàng buồn-bã tiếp:

   - Võ-nghệ của tôi yếu quá. Tôi không bao giờ theo kịp bố tôi, học mãi vẫn không tiến-bộ. Nhiều khi tôi nản-chí vô cùng.

   Nhìn hình-dáng gầy-gò của Vĩnh, nàng cười:

   - Tôi làm như tâm-sự với người thích võ không bằng.

   Hình như gã có điều gì muốn hỏi. Thấy vậy nàng bảo:

   - Ông cứ nói.

   - Bố cô giỏi võ lắm nhỉ?

   - Giỏi lắm. Tiếc rằng ông chết quá sớm. Ông bị lũ quỷ ngoại-xâm phục-kích giết chết với bẩy người khác. Bố sửa-soạn trước nên đã dặn mẹ nhỡ có chuyện gì thì về nhờ vả người anh em kết-nghĩa. Đó là ông Bá. Ông ấy còn là bà con xa với bố tôi.

   Gã gật đầu:

   - À, ra thế.

   - Ông Bá không phải là người tốt nhưng không tệ-hại. Ông cho mẹ con tôi ở cái nhà nhỏ góc vườn. Mẹ hết sức làm nhừng việc của lũ gia-nhân. Mẹ không muốn phiền-lụy người khác.

   Ngọc-Kiều nhìn về phía bờ sông lấp-lánh ánh mặt trời kể lể:

   - Khi mẹ con tôi về được ít tháng thì cuối năm ấy vào tháng mười ông già đưa đò trên giòng sông Giáng-Vân này bị chết. Ông bơi lội giỏi và còn tráng-kiện. Mọi người tưởng ông bị gió độc nhưng nửa tuần trăng sau hai người khác chết, xác trôi vào ghềnh đá cuối sông. Trên người không thấy một dấu đánh đập nào. Kể từ đó, thỉnh-thoảng có người thiệt-mạng.

   Dân hai làng Thượng-Hà và Sơn-Việt cho là nạn hà-bá. Họ cúng-kiếng đủ thứ nhưng chẳng ăn thua gì.

   Có người đưa ý-kiến làm một cây cầu qua sông. Dân hai làng nhiệt-liệt tán-thành. Họ cho người lên thượng-du chặt gỗ tốt chở tới sông rồi thả theo giòng. Mọi người hăm-hở lắm. Mỗi làng bắc nửa cây cầu. Họ bắc từ bờ sông phía làng mình ra giữa. Ban đêm, họ thắp đuốc thay phiên.

   Được vài tháng thì mấy ông nhà giầu làng Sơn-Việt xót của không chịu đóng góp như lúc đầu. Trai tráng trong làng ngoài việc bỏ sức ra, họ còn phải nuôi gia-đình. Làng Sơn-Việt nghèo lắm. Họ rút bớt nhân-công mới chịu nổi. Bên Thượng-Hà e-ngại nhỡ làm xong phần mình mà làng Sơn-Việt không hoàn-tất phần họ được thì sao.

   Cô gái chỉ cho người đàn ông những cây cột đóng xuống hai bên giòng sông:

   - Thế rồi lời qua tiếng lại. Họ giận nhau, đình chỉ việc làm cầu. Từ khi không có người làm việc trên sông nữa, khách qua sông lại bắt đầu bị chết. Các kỳ-lão hai làng ngồi xuống với nhau. Công-cuộc tiếp-tục được vài tháng thì người bên Thượng-Hà khám-phá ra chân cầu của họ cao hơn chân cầu của bên Sơn-Việt gần nửa thước. Họ đòi làng Sơn-Việt phải làm cao hơn. Bên Sơn-Việt không chịu. Cuộc võ mồm biến thành cuộc võ chân tay. Mỗi bên cử một đại-diện. Cuộc đấu khốc-liệt lắm, không phân-biệt được hơn thua. Cả hai đại-diện đều bị thương nặng gần chết.

   Cô gái tâm-sự:

   - Mỗi lúc nhìn thấy những cây cột bơ-vơ, tôi lại buồn. Bao nhiêu người chết vì chiếc cầu chưa hoàn-tất mà người ta vẫn không bảo được nhau. Không hợp-quần sao làm nên sức mạnh? Trong khi đó lũ ngoại-xâm cưỡi lên đầu lên cổ chúng ta.

   Giọng cô gái hiền-thục trở nên cương-quyết. Mắt cô long-lanh ánh lửa:

   - Súng ống dù mạnh nhưng không thể đè-bẹp lòng người. Đó là nói về lòng người không ly-tán. Tiếc rằng tôi chỉ là đứa chăn trâu nói không ai nghe.

   Những lời của cô gái làm người đàn ông xúc-động. Ngọc-Kiều không tầm-thường như gã tưởng.

   - Mong cô nối được chí cha.

   Cô bé than:

   - Tôi muốn lắm nhưng không đủ sức. Nhìn thấy kẻ thù giết mẹ hàng ngày mà không làm gì được. Tôi chỉ là người vô-dụng.

   Người đàn ông nghiêm mặt hỏi. Âm-thanh rõ-ràng và sắc như lưỡi dao chém xuống:

   - Ai là thủ-phạm giết mẹ cô?

   - Tên võ-sư nhà ông Bá.

   - Gã từ đâu tới, cô biết không?

   Cô gái buồn-bã thở dài:

   - Để tôi kể ông nghe. Khi khách qua sông bị giết càng ngày càng nhiều. Mọi người đều hoang-mang thì một đứa bé chăn trâu tình-cờ nhìn thấy kẻ giết người. Nó ỏ xa nên không rõ mặt, chỉ biết gã cầm vật gì như cái quạt đâm vào nạn-nhân. Người lạ mặt đá xác chết xuống sông rồi bỏ đi mất. Khi khám-nghiệm tử-thi của người xấu số, quả thật có một chấm đen trên vai. Ngày hôm sau đứa bé chăn trâu bị giết chết, xác vứt xuống sông. Bấy giờ người ta biết thủ-phạm là người chứ không phải hà-bá, thủy-thần gì cả. Nó giết nhân-chứng.

   Ông Bá là nhà giầu nhất vùng nên càng lo sợ. Ông mời được hai võ-sư từ phương xa tới. Họ là hai anh em học cùng thầy. Người anh thâm-trầm, lạnh-lùng. Người em hay uống rượu. Các thầy võ vùng này nói rằng võ-nghệ của người anh giỏi không thể tưởng-tượng. Tên ông là Mai-Hạ. Người em háo-sắc, tên hắn là Tôn Cầu. Thấy mẹ đẹp, hắn nói ra những lời bậy-bạ. Mẹ buồn lắm nên dặn-dò tôi nhiều điều. Rồi một ngày hắn bắt cóc mẹ định giở trò càn-rở. Mẹ cắn lưỡi chết chứ không chịu nhục. Nó vứt xác mẹ ra bụi tre. Gia-nhân trông thấy nhưng ông Bá cứ lờ như không biết. Ông còn bỏ tiền đút lót quan trên che-chở cho hắn.

   Cô bé nói đến đây nước mắt trào ra:

   - Tội-nghiệp mẹ vô cùng.

   Người đàn ông thở dài:

   - Cô muốn trả thù thì phải học võ thật giỏi.

   - Mẹ trao cho tôi cuốn võ học của bố. Tôi cố-gắng mà không tiến-bộ đáng kể. Trời ơi, tại sao tôi ngu-dốt quá chừng.

   - Không phải đâu. Cô cần người giỏi chỉ-dẫn lúc đầu.

   Cô gái than:

   - Thầy giỏi nào muốn nhận tôi. Tôi chỉ là đứa con gái bất-hạnh.

   Người đàn ông tư-lự nhìn vào khoảng không trước mặt. Cả hai đều im-lặng. Một lúc thật lâu sau, gã xót-xa hỏi:

   - Cô thực-sự muốn học võ không?

   Cô gái không do-dự trả lời:

   - Tôi muốn lắm.

   Gã gặng hỏi:

   - Cô có tự-nguyện ép mình trong khuôn-khổ của những quy-luật chặt-chẽ không?

   - Tôi tự-nguyện. Ông quen thầy võ nào giỏi ư?

   Gã lặng-lẽ bảo:

   - Tôi nhận cô làm học trò.

   Ngọc-Kiều ngạc-nhiên:

   - Ông nói gì? Ông muốn dậy tôi võ sao?

   Người đàn ông gật đầu:

   - Phải.

   - Làm sao tôi biết ông giỏi võ.

   Gã mỉm cười:

   - Thử thì biết. Cô đánh tôi đi.

   Cô gái đứng tấn, định vung tay đánh xuống người đàn ông đang ngồi nhưng rồi nàng lắc đầu.

   - Không được, tôi đánh gẫy xương ông mất.

   Nhìn bàn tay búp măng xinh-xắn của người thiếu nữ, gã cười:

   - Cứ thử đi.

   Nàng chạy ra ngoài khệ-nệ bưng bấy, tám cục gạch xếp trước cửa miếu khẽ nói:

   - Ông coi đây!

   Ngọc-Kiều bước tới vung tay. Chồng gạch bị sức chấn-động vỡ làm hai. Người đàn ông kêu lên:

   - Trời ơi!

   Cô gái thành-thật:

   - Tôi không dám đấm ông. Nhỡ ông bị thương, tôi đâu có thể chăm-sóc được.

   Thấy gã im-lặng, nàng hỏi

   - Ông nghĩ gì đấy.

   - Tôi làm được hơn thế. Cô nhận tôi làm thầy không?

   Cô gái lắc đầu:

   - Không hơn được đâu.

   Gã vặn hỏi:

   - Nhỡ hơn thì sao?

   Cô tự tin:

   - Ông đã sợ thì làm sao hơn được. Nào đánh cuộc đi.

   Người đàn ông ra ngoài nhặt một viên gạch rồi quay lại. Cô gái cười khúc-khích:

   - Giỏi quá! Ông muốn đánh bể một viên gạch đấy à?

   Gã gật đầu:

   - Đúng vậy.

   Xuân-Vĩnh không đặt viên gạch dưới đất mà tung lên trời. Tay phải chàng như lười dao chém tới. Viên gạch đứt làm hai.

   Ngọc-Kiều tròn mắt kinh-ngạc:

   - Ông làm được vậy sao?

   - Làm được. Bây giờ cô nhận tôi làm thầy chưa?

   Ngọc-Kiều cắn môi. Người đàn ông và nàng trong những ngày qua thân ái như bạn. Bây giờ phải tôn gã làm thầy. Ngẫm-nghĩ một lúc, nàng lắc đầu:

   - Không được đâu.

   Gã đàn ông bảo nàng:

   - Người quân-tử không được nuốt lời.

   Ngọc-Kiều cãi:

   - Tôi có phải đàn ông đâu mà là người quân tử?

   Xuân-Vĩnh nghiêm-giọng:

   - Không được đùa-cợt. Cúi xuống lạy ta mau.

   Cô gái bĩu môi nói:

   - Không lạy, không lạy. Ông vừa vô-tình, vô nghĩa vừa đánh lừa tôi. Ông là ngụy quân-tử, làm thầy tôi sao được.

   Gã có vẻ giận:

   - Hừ, cô hãy cắt nghĩa đi.

   - Này nhé, chuyện gi tôi cũng kể ông nghe mà ông thì chuyện gì cũng giấú-diếm. Đó là thiếu chân-tình. Ông biết chắc mình thắng cuộc mà còn bẫy tôi vào đó là thiếu thẳng-thắn. Ông là người khôn-ngoan, tôi là kẻ khờ-khạo. Ông làm vậy mà hãnh-diện được sao? Nếu không cho là đúng, ông cứ đánh tôi chết đi. Kẻ “không trượng-phu” này chẳng hề sợ hãi.

   Người đàn ông bật cười:

   - Cô lý-lắt quá lắm. Muốn trả được thù thì phải học võ. Cô chạy đằng nào cho khỏi?

   - Học võ thì được. Nhận làm thầy thì không. Hay chúng ta kết-nghĩa anh em đi.

   Người đàn ông đang vui-vẻ đột nhiên đổi sắc. Làn da mặt co lại. Gã quát to:

   - Tôi cấm cô không được nói hai chữ anh em. Cô đi mau ra khỏi chỗ này …Cô làm ơn đi mau.

   Ngọc-Kiều nước mắt lưng tròng bước xuống đồi. Thế là hết! Cô sẽ không bao giờ gặp con người tàn-nhẫn này nữa. Người đàn ông đã trấn-tĩnh được cơn thịnh-nộ, gã thở dài nhìn theo Ngọc-Kiều.

Ngày hôm sau, cô gái không tới. Gã chờ đợi sốt ruột. Ba ngày kế tiếp gã cũng không thấy mặt nàng. Lòng cô-đơn, gã lẩm-bẩm:

   - Tội-nghiệp! Cô ta có lỗi gì đâu?

   Trưa hôm sau nữa, cô bé bước vào cửa miếu. Không thấy Vĩnh ở đó. Cô lặng người nhìn thềm miếu tần-ngần.

   Bỗng có tiếng nói đằng sau:

   - Cô trở lại. Tôi đã chờ cô mấy ngày.

   Lời nói dịu-dàng đó làm cô muốn trào nước mắt.

   - Tôi .,,tôi quay lại để hỏi ông tôi có lỗi gì? Mấy ngày nay tôi buồn quá!

   Vĩnh ôn-tồn:

   - Cô đừng lo-ngại nữa. Tôi đang định tìm cô đấy. Tôi cũng ân-hận.

   Ngọc-Kiều quay lại. Dáng-điệu ủ-dột biến mất.

   - Ông nhân-từ đúng như tôi nghĩ.

   Vĩnh lắc đầu:

   - Tôi có lỗi chứ nhân-từ cái gì. Cô muốn học võ không?

   Nàng lưỡng-lự:

   - Muốn lắm nhưng …

   - Cô không cần nhận tôi làm thầy. Tôi dậy võ của bố cô.

   Ngọc-Kiều ngạc-nhiên:

   - Ông là ai mà hiểu được võ của bố tôi?

   - Khi lên tới một trình-độ võ học nào đó, người ta hiểu được võ của người khác dù chỉ nhìn thoáng qua. Vả lại, tôi đã thấy cô luyện võ trong nhiều ngày.

   Vĩnh bước ra phía sau miếu nơi có hàng cây lớn. Chàng ra dấu cho Ngọc-Kiều ngồi trên tảng đá.

   - Qua những thế võ cô tập, tôi biết bố cô là người anh-hùng, đường đường, chính chính. Ông có sức mạnh khó người bì kịp.

   Nhừng lời dễ nghe của Vĩnh làm Ngọc-Kiều mát lòng:

   - Ông nói đúng. Bố tôi là người rất đáng kính.

   Chàng giải-thích thêm:

   - Những thế võ mà ông dùng thích-hợp với người có thể-chất to lớn. Cô là người mảnh-dẻ, nhanh-nhẹn. Đừng cố bắt-chước giống hệt như ông. Hãy tận-dụng ưu-điểm của mình. Quyển võ thuật của bố cô chỉ là gợi ý.

   Cô gái thắc-mắc:

   - Sao ông không dậy tôi võ thuật khác.

   Vĩnh lắc đầu:

   - Tôi kính-phục võ-đạo của ông. Khí-phách cao-cả lộ rõ trong những đường quyền, bước chân. Hãy thấm-nhuần tinh-thần đó trước rồi tính sau. Võ-đạo quan-trọng hơn võ-thuật.

   - Thấm-nhuần võ-đạo lâu lắm. Tôi muốn trả thù cho mẹ.

   Vĩnh thở dài:

   - Hễ học tắt thì dễ khiếm-khuyết. Cô biết thế không?

   Ngọc-Kiều nhu-mì hỏi:

   - Tôi làm ông thất-vọng phải không?

   - Không đâu. Cô dễ mến, thẳng-thắn.

   Nàng hỏi lại:

   - Ông nói thật không?

   - Tôi chưa nói dối bao giờ.

   - Cám ơn ông.

   - Thôi, cô nên học võ. Cô cần ngẫm-nghĩ những thế võ của bố cô. Cô khai-triển theo ưu-điểm của mình. Cùng một thế võ, người mạnh hơn dễ thắng. Cô phải nhanh hơn họ nhiều mới khống-chế họ được. Cô cần thuần-thục từng thế võ.

   Ngọc-Kiều hỏi:

   - Còn chuyện gì quan-trọng nữa không?

   Vĩnh đáp:

   - Cô hãy lấy ưu-điểm của mình để chống lại khuyết-điểm của địch thủ. Cô nhớ lời tôi dặn chứ.

   - Dạ nhớ.

   Vĩnh gật đầu:

   - Lúc khác tôi dậy tiếp.

   - Ông không dậy tôi nữa thật sao?

   Vĩnh mỉm cười:

   - Hôm nay tôi nói nhiều quá rồi. Cô học đi.

   Chàng bước đi không đợi Ngọc-Kiều trả lời. Cô gái ngồi ngẫm-nghĩ những thế võ đã tập một lúc thật lâu. Nàng đứng dậy thực-hành. Trước chậm, sau mau. Cùng những bước chân ấy, cùng những cái vung tay ấy nhưng bài võ trở nên linh-động hơn nhiều.

   Nàng sung-sướng gọi chàng:

   - Ông Vĩnh!

Không có tiếng trả lời. Nàng chạy đi kiếm chàng. Người đàn ông đang ngồi nướng con gà trên đống than hồng. Ngọc-Kiều nhếch miệng nói:

   - Thơm quá! Ông Vĩnh, tôi tiến-bộ ngày hôm nay.

   Vĩnh điềm-đạm:

   - Ngày mai, ngày mốt, năm bẩy ngày nữa cô không cần tôi đâu. Cứ thế học đi.

   - Sao vậy? Tôi muốn ông dậy nữa.

   Vĩnh cười:

   - Cô tham-lam quá. Gặp người khác có lẽ tôi khỏi dậy vài tháng là ít. Thôi để tôi xé gà ra ăn.

   Ngọc-Kiều buột miệng:

   - Ông bắt gà ở đâu?

   Thấy Vĩnh nhìn, nàng tự trách:

   - Mồm với miệng. Tôi nói không suy-nghĩ gì cả. Ông bỏ qua cho tôi.

   Vĩnh hỏi:

   - Chắc cô giống mẹ. Có lẽ ngày xưa bà thuộc một gia-đình dòng-dõi.

   Ngọc-Kiều gật đầu:

   - Sao ông biết? Không có gì giấu được ông.

   - Qua những thế võ, bố cô là người bộc-trực, đơn-giản. Bởi vậy tôi nghĩ tính-tình của cô giống mẹ. Thôi cô ăn đi.

   Ngọc-Kiều đỡ lấy miếng thịt gà:

   - Ông ăn với tôi chứ?

   Vĩnh cười:

   - Được, chúng ta cùng ăn.

   Cô gái nói:

   - Ông thật tốt với tôi.

   - Cô mới tốt. Cô nhịn đói nhiều ngày vì tôi.

   Ngọc-Kiều dịu-dàng:

   - Có gì đâu.

   Những ngày sau, Ngọc-Kiều mê-mải học võ. Đôi lúc Vĩnh bỏ đi đâu mà nàng vẫn không biết. Nhiều lần nàng xua đàn trâu lên đồi rồi ôn luyện cho tới chiều. Một hôm đang mê-mải học, nàng lẩm-bẩm:

   - Bậy quá!

***
Quẩy Gánh Non Sông (2)

(tiếp theo)(Cô gái chăn trâu)    

   Nàng xua lũ trâu trở lại phía cái miếu tìm Vĩnh. Thấy chàng đang đắm mình trong suy-tưởng, nàng gọi nhỏ: 

   - Ông Vĩnh!

   Vĩnh quay lại:

   - Chuyện gì đấy cô Ngọc-Kiều?

   Ngọc-Kiều dịu-dàng tiến lại gần.

   - Mấy hôm nay tôi sơ-ý quá. Ông đừng buồn tôi nhé.

   - Buồn chuyện gì?

   - Tôi mê-mải học võ không để ý gì tới ông cả.

   Vĩnh cười, che-giấu sự cảm-động:

   - Cô nghĩ tôi là đứa bé hay sao?

   Ngọc-Kiều trở nên lúng-túng:

   - Không phải … nhưng … nhưng tôi cảm thấy không chu-đáo với ông.

   - Trước khi gặp cô, tôi lo-liệu lấy được. Một ngày gần đây…

   Người con gái biến sắc:

   - Ông tính … bỏ đi hay sao? Đừng giận tôi. Tôi… tôi không có ý để ông ở đây một mình.

   Thấy Ngọc-Kiều săn-sóc mình, Vĩnh nhớ tới Lệ-Nhu. Năm ấy nàng được thầy cứu về.

Gia-đình nàng bị cướp giết chết hết. Thầy của chàng đã có ba học trò. Người anh đầu của chàng là Đại-Minh lúc ấy 25 tuổi, Vĩnh 16 tuổi và Ngọc-Đại 14 tuổi. Lệ-Nhu mới 12 tuổi.

   Đại-Minh tính-tình tận-tụy, cẩn thận. Ngọc-Đại nhanh-nhẹn, nóng nẩy. Lần đầu tiên nhìn thấy Lệ-Nhu, Vĩnh đã thích nàng. Sống với các anh vài tháng, Lệ-Nhu gần-gũi Ngọc-Đại nhất. Hai người cùng học võ, đi chơi với nhau. Vĩnh cảm thấy mất-mát, cô-độc. Chàng âm-thầm không nói gì.

   Đại-Minh giao cho mỗi em chăm-sóc một mảnh vườn nhỏ. Lệ-Nhu cuốc sới chậm. Buổi sáng nàng thường dậy trễ lại hay đi bắt bướm với Ngọc-Đại. Một hôm thầy bắt gặp Vĩnh ngủ gật trong lúc nghe giảng. Ông nghiêm-khắc mắng Vĩnh. Vĩnh quỳ suốt sáng để tỏ lòng hối-lỗi.

   Sợ bị phạt, Lệ-Nhu ra vườn chăm-sóc những luống rau của mình. Nàng nhận ra việc làm cao đẹp của Vĩnh. Người anh thứ hai mỗi ngày dậy sớm để lo cho em.

   Nước mắt đầm-đìa, nàng chạy vào quỳ bên cạnh anh.

   - Anh hai tốt với em quá!

   Thầy biết chuyện gọi Vĩnh vào bảo:

   - Ta hồi nhỏ giống con.

   Từ đó hai anh em thân nhau. Lệ-Nhu vẫn đuổi bướm, hái hoa với Ngọc-Đại nhưng chỉ với Vĩnh nàng mới thích tâm-sự. Có lần thầy cho Lệ-Nhu một trái cam. Nàng tìm Vĩnh nói:

   - Của anh đấy!

   Vĩnh cảm-động:

   - Em ăn đi.

   - Em để dành cho anh. Em không thích cam.

   Vĩnh cao-thượng:

   - Hay em mang cho anh Ngọc-Đại.

   Lệ-Nhu nói nhỏ:

   - Anh ba là người tốt nhưng anh ba không thể so-sánh với anh được. Em quý anh hơn nhiều.

   Lần khác Vĩnh đang vá áo thì nàng giằng lấy.

   - Tại sao anh không bảo em? Anh cả, anh ba đều nhờ em hết.

   Vĩnh mơ-màng trong kỷ-niệm cũ. Tiếng nói của Ngọc-Kiều làm Vĩnh trở về với thực-tại.

   - Ông Vĩnh nghĩ gì thế?

   Chàng mở túi ra lấy một miếng vải:

   - Tôi biếu cô cái này may áo.

   Ngọc-Kiều ngập-ngừng:

   - Cám ơn ông.

   Nàng nghĩ ra điều bất-tiện, đưa miếng vải lại cho Vĩnh:

   - Tôi chỉ là đứa chăn trâu. Mặc áo mới người ta..

   Vĩnh xót-xa nói:

   - Tôi vô ý quá!

   Ngọc-Kiều mỉm cười, nàng lấy lại miếng vải trong tay Vĩnh.

   - Tôi đổi ý. Ông kiếm kim chỉ nhé.

   - Có phải cô định may áo cho người khác không?

   Ngọc-Kiều gật đầu:

   - Phải, cho ông.

   Vĩnh trầm-ngâm như đang đắn-đo việc gì. Chàng với cái que nhỏ dưới đất lên, bẻ làm hai đưa cho nàng.

   - Cô thử dùng que. Tay phải vẽ vòng tròn. Tay trái vẽ hình vuông được không?

   - Được chứ. Lúc nhỏ mẹ đố tôi rồi. Tôi chơi như vậy hàng ngàn lần. Mỗi lần nhớ mẹ, tôi thường làm như thế.

   - Cô cho tôi xem.

   Ngọc-Kiều mỉm cười, đôi má lúm đồng tiền duyên-dáng lũng xuống. Tay phải nàng thay đổi từ hình ba góc đến hình vuông rồi chuyển qua hình tròn. Tay trái vẽ một hình khác tay phải. Hai tay nàng chuyển-động mỗi lúc một nhanh. Những đường vẽ liên-tục bất-tận.

   Vĩnh kinh-ngạc:

   - Lạ thực!

   Ngọc-Kiều không hiểu, nàng hỏi:

   - Ông nói gì?

   - Cô có thể là một cao-thủ trong thời-gian ngắn. Bây giờ tôi dậy cô những thế võ khác nhé.

   Ngọc-Kiều mừng rỡ:

   - Học võ khác? Ông bằng lòng với những tiến-bộ của tôi phải không?

   Vĩnh dè-dặt lời khen:

   - Bằng lòng. Tuy nhiên cô nên luôn ôn-tập khi rảnh. Đừng khinh thường thế võ nào cả. Bất cứ một thế võ nào dưới tay người giỏi đều trở thành tuyệt chiêu được. Văn ôn, vũ luyện.

   Chàng tận-tình chỉ dậy cho Ngọc-Kiều. Nàng có trí nhớ tốt, học rất nhanh. Ngọc-Kiều chưa thấy lúc nào chàng vui-vẻ như hôm nay.

   - Cô tập mỗi ngày những điều đã học. Tôi dậy tiếp sau. Mai là ngày có phiên chợ. Cô muốn mua gì không?

   Ngọc-Kiều reo lên:

   - Ông đi chợ sao? Tôi không cần gì. Ông định mua gì đấy?

   - Tôi cần một con dao. Con dao cũ mất rồi.

   - Ông đánh mất ở đâu?

   Chàng chỉ xuống giòng sông âm-thầm chở nước về phía trời xa. Mùa này, nước chưa rút hẳn. Những làn sóng xô nhau che-giấu cái bí-mặt làm dân làng sợ-hãi.

   - Chỗ kia.

   Ngọc-Kiều nói với chàng:

   - Ông đi với tôi. Tôi tìm lại con dao cho ông.

   Nàng bước nhanh xuống sườn dốc, Vĩnh theo sau. Tới bờ sông, Ngọc-Kiều hỏi chàng:

   - Chỗ kia phải không?

Vĩnh cản:

   - Không cần-thiết lắm đâu. Dưới lòng sông có đá ngầm. Nguy-hiểm lắm.

   Ngọc-Kiều cười:

   - Không sao đâu.

   Nàng rảo bước thì Vĩnh gọi giật lại:

   - Con dao sắc, cô nên thận-trọng.

   Ngọc-Kiều sung-sướng thấy Vĩnh quan-tâm đến mình. Thoắt một cái nàng đã bơi tới chỗ chàng chỉ. Nàng lặn xuống một lúc thật lâu. Khi trồi lên nàng lắc đầu, giơ tay lên cao vẫy Vình. Trước khi chàng kịp nói, nàng biến mất trong nước. Cứ như thế vài lần mà không có kết-quả gì. Lần cuối Vĩnh lo-ngại. Nàng lặn xuống lâu quá. Rồi đầu nàng nhô lên trên những đợt sóng...Nàng thoăn-thoắt bơi vào.

   Vĩnh bước tới đón:

   - Cô làm tôi lo-ngại.

   Nàng đưa con dao cho Vĩnh:

   - Con dao của ông đây.

   Ngọc-Kiều bước lên tảng đá. Vĩnh thấy nàng thật đẹp. Khuôn mặt không còn nhọ-nhem. Nụ cười tươi. Hai hàm răng đều-đặn.

   Chàng phê-bình:

   - Cô trông khác quá.

   - Khác gì ông Vĩnh.

   Người đàn ông nói lảng:

   - Hôm nay tôi biết một bí-mật. Hàng ngày cô cố-tình làm mặt nhọ-nhem cho xấu-xí đi.

   Ngọc-Kiều nhăn mặt trêu Vĩnh. Ánh nắng rực-rỡ của buổi chiều chiếu xuống làm nàng càng thêm duyên-dáng.

   Ngọc-Kiều nói:

   - Tôi cũng biết một bí-mật. Ông Vĩnh tài kinh trời đất, biết cả việc giết người nữa. Ông giết tên Mai-Hạ, võ sư của nhà ông Bá Hạc. Hắn mất tích lúc ông bị thương.

   - Cô chỉ giỏi đoán mò.

   Ngọc-Kiều giải-thích:

   - Con dao của ông chuôi bằng ngà, sắc lắm. Có lẽ là một kỷ-vật. Người như ông làm sao đánh rơi dao giữa sông được… Ông bị thương…Hắn bị chết. Trận đấu khốc-liệt lắm phải không?

   Vĩnh không giấu-diếm:

   - Nhờ may-mắn tôi mới thắng. Hắn bị đấm vào thái-dương ngã xuống. Lúc sắp chết, hắn nhờ tôi chuyển cỗ tràng hạt trên cổ cho người em gái. Mặt hắn tái đi. Giọng hắn nhỏ dần. Tôi cúi xuống để nghe cho rõ thì hắn dồn hết sức đánh tôi một chưởng. Tôi đấm hắn tung xuống nước rồi ngất đi. Lúc tỉnh dậy thuyền dạt vào bờ. Tay hắn còn bám vào cuối thuyền. Hắn kiệt-sức không leo lên được. Tôi vùi tạm hắn bên bờ sậy xong lết lên miếu.

   Ngọc-Kiều thân-mật trách:

   - Tại ông dễ tin người.

   Vĩnh cười:

- Đa-tạ trời đất! Nếu không bị thương thì làm sao tôi biết được cô Ngọc-Kiều tốt bụng? Cô ngồi xuống đây đi.

   Ngọc-Kiều nghe lời chàng. Vình dặn:

   - Cô đừng hỏi gì nữa. Hãy nhớ lấy những lời tôi sắp dậy. Cố mà nhớ chứ không cần hiểu ngay.

   Ngọc-Kiều tròn mắt:

   - Tại sao?

   Vĩnh lắc đầu:

   - Đừng hỏi. Bây giờ tôi dậy cô bài võ này. Cô nên chú-tâm kẻo tôi đổi ý.

   Đọc xong vài lần, Vĩnh hỏi Ngọc-Kiều:

   - Cô nhớ hết không?

   - Nhớ hết.

   Vĩnh xúc-động ân-cần dặn:

   - Cô chú-tâm học nhé. Bài võ vừa rồi tên là Việt Nữ Kinh.

   Nói xong Vĩnh bước đi. Nét mặt phảng-phất nỗi buồn câm nín.

   Ngọc-Kiều gọi theo:

   - Ông Vĩnh!

   - Cô cần gì nữa không?

   Nàng lắc đầu:

   - Không. Tôi đã làm điều gì khiến ông buồn?

   Vĩnh nhìn Ngọc-Kiều:

   - Không phải đâu.

   Ngọc-Kiều nhận thấy mỗi khi Vĩnh thân-thiện với nàng, chàng lại buồn-bã, ray-rứt ngay sau đó.

   Nàng cắn ngón tay:

   - Tại tôi vụng-về, xấu-xí, quê mùa, ăn nói vô duyên phải không?

   Vĩnh cười buồn:

   - Cô thông-minh, xinh đẹp. Cô như… như…

   Ngọc-Kiều chăm-chú nhìn chàng.

   - Như gì?

   Giọng Vĩnh là làn gió thoảng:

   - …một vị phúc-thần.

   Ngọc-Kiều bẽn-lẽn:

   - Ông khéo nói quá!

   Vĩnh lảng sang chuyện khác:

   - Tôi muốn nhờ cô một việc.

   Ngọc-Kiều sốt-sắng:

   - Tôi sẵn-sàng.

Vĩnh chỉ về phía phải. Bờ sông nơi đó hẹp, hai bên um-tùm những cây cổ-thụ.

   - Tôi muốn bắc một chiếc cầu dây qua sông. Mong cô giúp tôi một tay. Tôi đã tìm ra được vài dây song thật lớn, to bằng cố tay dùng làm dây chính. Tôi kiếm được khá nhiều dây mây nhưng vẫn chưa đủ. Hiện nay, tôi ngâm cả dưới sông.

   - Ông muốn tôi kiếm thêm phải không?

   - Đó chỉ là một phần. Tôi muốn cô giúp tôi buộc các sợi dây mây từ miếng gỗ làm cầu lên dây song lớn bắc ngang hai bên để đỡ cầu.

   Ngọc-Kiều đùa:

   - Mai này tôi ngồi thu tiền kẻ nào qua cầu cho ông nữa chứ.

   - Nếu thích thì cô làm. Tiền thu được biếu cô nhé.

   Ngọc-Kiều tươi cười:

   - Đâu dám. Dạo này khách miền xuôi từ phía Nam lên hay người buôn-bán từ phía bắc xuống thưa dần vì vụ hà-bá giết người. Họ đi qua ngả Đại-Bình cách đây hai mươi dặm. Nếu ở đây có cầu, một số sẽ quay trở lại. Dân hai làng sẽ hồi-tâm mà tiếp-tục bắc nốt cái cầu làm dở phải không?

Vĩnh ngạc-nhiên sự nhận-xét của nàng đúng y như trong ý-nghĩ của mình. Chàng khen:

   - Cô thông-minh lắm.

   Nhiều tuần sau, việc làm chiếc cầu dây tiến-triển trông thấy. Ngọc-Kiều miệt-mài trong công việc. Mỗi ngày, Vĩnh đều dậy nàng học võ. Chàng không ngờ nàng có khả-năng tiếp-nhận vượt bực.

   Một hôm ngồi nghỉ, Ngọc-Kiều gọi nhỏ:

   - Ông Vĩnh!

   - Chuyện gì đấy cô Ngọc-Kiều?

   Nàng lo-âu thở dài:

   - Mấy hôm nay có người theo dõi tôi. Tôi cảm thấy mơ-hồ chứ không dám chắc.

   Vĩnh đưa nàng con dao ngắn:

   - Cô giữ lấy nhỡ khi cần dùng.

   Ngọc-Kiều từ-chối:

   - Tôi không dám nhận. Con dao này quý lắm.

   Vĩnh ân-cần:

   - Cô giữ cho tôi yên lòng.

   Người con gái cảm-động:

   - Cám ơn ông.

   Lúc sau, Ngọc-Kiều gọi:

   - Ông Vĩnh!

   Chàng nhìn nàng:

   - Cô cần chuyện gì nữa không?

   - Sao không lúc nào ông vui-vẻ?

   Vĩnh cười gượng:

   - Cô thấy tôi buồn lắm à?

   Ngọc-Kiều trả lời. Âm-thanh ngọt-ngào:

   - Vâng. Nhiều lúc tôi muốn hỏi chuyện mà sợ phiền ông.

   Vĩnh ngẫm-nghĩ rôi công-nhận:

   - Cô trách cũng đúng. Từ nay tôi không còn là kẻ “thiếu chân-tình” nữa.

   Ngọc-Kiều ngượng-nghịu:

   - Xin ông bỏ qua lời nói không ý-thức của tôi lúc trước.



   …Vĩnh bắt đầu câu chuyện. Giọng chàng chĩu nặng buồn rầu:

   - Chúng tôi có bốn anh em học cùng thầy. Mỗi người được thầy thu-nhận trong những hoàn-cảnh khác nhau. Tôi không rõ gia-thế của người anh lớn. Hừ, đến bây giờ tôi không biết anh là bậc chí-tình, đại-nghĩa hay kẻ dơ-bẩn, hèn-hạ. Tôi không biết nên gọi là anh em sống chết hay kẻ thù cần tận-diệt. Sẽ có ngày tôi tìm ra sự thật. Tôi là người thứ nhì trong bốn anh em. Kế tiếp là Ngọc-Đại. Người em út là Lệ-Nhu. Lệ-Nhu gặp hoàn-cảnh bất-hạnh được thầy chúng tôi cứu về.

   Vĩnh mơ-màng:

   - Năm ấy Lệ-Nhu còn nhỏ. Mắt nàng to và đen. Nàng không thích học võ. Anh Đại-Minh không hiểu nên có phần nghiêm-khắc với nàng. Một lần, tôi thấy Lệ-Nhu ngồi khóc bên bờ rừng. Tôi an-ủi nàng, lúc đó mới biết nàng thích thơ văn hơn võ-thuật. Cha mẹ nàng bị giết bởi lũ người biết võ. Chuyện nàng không thích là lẽ dĩ-nhiên. Tôi biết chút ít thơ văn. Nàng nhờ tôi chỉ bảo. Sau mỗi lần anh Đại-Minh cằn-nhằn, nàng phải nhờ Ngọc-Đại dậy thêm xong kiếm tôi tâm-sự. Tôi cắt nghĩa cho nàng rằng học võ không có nghĩa là giết người mà để giữ-gìn cho thân-thể khỏe-mạnh, lại có thể tự-vệ nữa. Tôi nói với nàng nếu võ lên tới trình-độ cao thì cũng thành Kinh như trong thơ văn vậy. Nàng lắng nghe thích-thú. Kể từ đó, Lệ-Nhu học võ nhanh hơn nhiều. Càng lớn Lệ-Nhu càng đẹp và dễ thương. Anh cả chúng tôi thấy nàng chịu khó nên hết sức dậy thêm.

   Ngọc-Kiều khẽ hỏi:

   - Ông cũng dậy nàng chứ?

   - Tôi không có giờ. Thầy đích-thân dậy tôi về thơ văn và đôi khi còn khảo-sát võ-thuật. Tôi còn phải học võ cùng với Ngọc-Đại, Lệ-Nhu nên không nhiều dịp gặp riêng nàng.

   Ngọc-Kiều nhìn xuống đất nhưng rồi cũng hỏi:

   - Ông thích chị Lệ-Nhu lắm phải không?

   - Nàng thật tội-nghiệp.

   Ngọc-Kiều che-giấu cảm-xúc:

   - Bây giờ chị ấy ở đâu?

   Giọng Vĩnh lạnh-lẽo như băng:

   - Chết rồi.

   Ngọc-Kiều bứt một sợi cỏ. Cả hai im-lặng. Nàng an-ủi Vĩnh:

   - Chị Lệ-Nhu ở dưới suối vàng chắc-chắn vẫn giữ mãi mối tình không phai với ông.

   Giọng Vĩnh khô-khan:

   - Nàng không được nghĩ đến tôi.

   Ngọc-Kiều đang ngạc-nhiên thì Vĩnh tiếp:

   - Lệ-Nhu là vợ của Ngọc-Đại.

   Vĩnh đứng dậy cười… Tiếng chàng vừa u-uất vừa ngạo-nghễ bay xuống giòng sông tan vào sóng nước.

   - Thôi ta về!

   Ngọc-Kiều ngơ-ngẩn nhìn chàng bước về phía cái miếu hoang. Trên không một cánh diều no gió chao đi mấy vòng rồi vút lên cao. Nàng thì-thầm trong nỗi xót-xa:

   - Ông Vĩnh, tôi phảI làm gì đây?



                                                            *     *

                                                               *

   Vĩnh bàng-hoàng giữa đêm. Chàng gặp Lệ-Nhu ngồi bên rừng thuở trước. Vĩnh mừng rỡ tiến tới.

   Lệ-Nhu hỏi:

   - Anh đi đâu?

   - Anh kiếm em khắp nơi.

   Lệ-Nhu trách:

   - Đừng kiếm em. Kiếm Ngọc-Kiều. Tại sao anh bỏ nàng một mình?

   Vĩnh khẽ nói:

   - Em đừng lo. Nàng biết võ.

   Lệ-Nhu lắc đầu:

   - Anh biết người muốn hãm-hại nàng là ai không? Đừng nghĩ tới em. Hãy săn-sóc Ngọc-Kiều.

   Nói xong, Lệ-Nhu biến thành một giải sương mờ từ từ tan vào khoảng không.

   Vĩnh gọi lớn:

   - Lệ-Nhu!

   Chàng tỉnh dậy buồn-bã bước ra ngoài. Ánh sáng lờ-mờ của vầng trăng sắp mọc chỉ đủ để bầu trời không tối đen. Đột nhiên, một bóng người từ xa chạy tới. Khi dến gần miếu, bóng đen chậm lại. Vĩnh nhận ra Ngọc-Kiều. Hai tay nàng run-rẩy nắm chặt cánh tay Vĩnh.

   - Ông Vĩnh!

   - Ngọc-Kiều, chuyện gì thế?

   Ngọc-Kiều không nói. Nàng khóc nức-nở. Vĩnh trấn-an:

   - Bình-tĩnh lại đi, đừng sợ.

   Ngọc-Kiều buông tay chàng. Vĩnh thấy vai áo nàng rách một mảnh lớn.

   Nàng nói:

   - Nó…nó… định bắt tôi.

   - Nó là ai?

   Ngọc-Kiều trả lời:

   - Là tên võ-sư Tôn-Cầu.

   - Ở đâu?

   - Chỗ tôi ngủ. Nó nắm được vai áo. May tôi vùng ra được.

   Ngọc-Kiều kể:

   - Gần đây hắn cứ nhìn tôi. Tôi sợ lắm mà không dám nói với ai. Đêm đêm tôi để bó rơm chỗ thường nằm. Tôi ngủ gần đó với cành chanh bên cạnh. Hắn chụp trúng bó rơm. Tôi đâm cành chanh đầy gai vào mặt hắn. Trời tối đen nên hắn không tránh được.

Hắn nắm được vai áo. May mà tôi thoát được.

   Vĩnh cảm thấy nhẹ-nhõm:

   - Cảm-tạ trời đất!

   Ngọc-Kiều hỏi:

   - Ông nói gì?

   - Cô không phải sợ gì nữa.

   Chàng quay vào lấy cái áo đưa cho Ngọc-Kiều khoác. Lúc đó chàng mới biết nàng đang cầm chắc con dao. Vĩnh liên-tưởng tới sự cương-quyết của mẹ nàng. Chàng rùng mình hứa:

   - Kể từ nay, tôi che-chở cô.

   Ngọc-Kiều òa lên khóc:

   - Tôi không sợ chết. Chỉ sợ ông…ông không có người săn-sóc.

   Những ngày qua, Ngọc-Kiều thường thổi cơm cho chàng. Vĩnh bắt cá ở dưới sông, gài bẫy bắt chim làm thức ăn. Bên đống lửa đợi chờ cơm chín, hai người nói chuyện thật vui-vẻ tương-đắc.

   Vĩnh ân-cần:

   - Cô đừng buồn nữa. Đợi trăng lên, chúng ta đi kiếm nó.

   Thấy nàng mất hồn, Vĩnh gọi khẽ:

   - Ngọc-Kiều!

   Người con gái trả lời:

   - Dạ.

   Vĩnh đề-nghị:

   - Chúng ta kết-nghĩa anh em. Cô nghĩ sao?

   - Đừng…nhắc tới chuyện này nữa.

   Vĩnh ngạc-nhiên hỏi:

   - Tại sao?

   Ngọc-Kiều thở dài:

   - Tôi chỉ là đứa chăn trâu. Lúc trước tôi tưởng ông là người tầm-thường nên mới…

   Vĩnh ngắt lời:

   - Tôi luôn luôn là người tầm thường.

   - Tôi không tài-giỏi như chị Lệ-Nhu.

   Vĩnh trả lời:

   - Lệ-Nhu mộc-mạc, vui-vẻ. Cô tận-tình, khả-ái. Cả hai cùng tốt với tôi.

   Ngọc-Kiều êm-ái hỏi:

   - Có phải đúng như thế không?

   Vĩnh mỉm cười:

- Đúng. Tuy nhiên nếu bằng lòng, cô phải hứa ba điều.

   Ngọc-Kiều mạnh-dạn:

   - Bất cứ điều gì cũng hứa. Ừ, ừ…mà không được đâu.

   - Sao thế?

   Ngọc-Kiều trả lời:

   - Nhỡ ông bảo tôi phải tha-thứ cho kẻ thù giết mẹ thì sao?

   Vĩnh nói:

   - Điều tôi muốn cô làm là chính-đáng. Kể cả cha mẹ cô nếu còn sống cũng mong-ước mơ-tưởng.

   - Thế thì được.

   Vĩnh đọc lời thề trước. Tới phiên Ngọc-Kiều nàng dõng-dạc lên tiếng:

   - Trên có Trời, dưới có Đất. Tôi, Ngọc-Kiều, sẽ là người em tốt của anh Trần Xuân Vĩnh. Tôi hứa luôn luôn trung-thành với anh.

   Vĩnh nhăn mặt:

   - Không được. Thề lại đi.

   Ngọc-Kiều lặng-lẽ:

   - Sao vậy anh?

   Vĩnh nghiêm-nghị:

   - Em thề lại. Trên có Trời. Dưới có Đất. Tôi, Ngọc-Kiều, cùng anh Xuân-Vĩnh kết-làm anh em. Tôi thề sẽ hết lòng giúp-đỡ khi anh dấn-thân cho Nghĩa Lớn và diệt-trừ khi anh xấu-xa, đê-tiện.

   Ngọc-Kiều từ-chối:

   - Xưa nay có ai thề quái gở như vậy. Em không muốn.

   Vĩnh lạnh-lùng:

   - Em không nghe lời anh!

   Ngọc-Kiều mấp-máy môi:

   - Thôi, em thề.

   Sau lời thề, nàng cúi xuống quỳ lạy anh. Mặt Vĩnh rạng-rỡ:

   - Anh vui mừng được kết-nghĩa với em.

   Ngọc-Kiều bảo chàng:

   - Nếu anh không tốt thì cả hai chúng ta cùng chết vậy.

   Thấy nàng có tình ý sâu nặng như vậy, Vĩnh giảng-giải:

   - Không bao giờ xẩy ra chuyện đó. Anh chỉ muốn em biết rõ con đường anh phải đi.

   Nàng cắn môi hỏi nhỏ:

   - Tại sao anh còn bắt em hứa ba điều.

   - Sau này em sẽ hiểu.

   Ngọc-Kiều nói:

   - Anh nói thì em làm. Việc gì phải như vậy?

   Vĩnh không trả lời. Chàng bước về phía trước mấy bước:

   - Thôi, bây giờ chúng ta sửa-soạn tìm gã Tôn-Cầu.

   Vĩnh mang theo thanh sắt tròn và một cây gậy. Khi tới gần dinh-cơ của ông Bá, chàng bảo:

   - Em núp trong bụi cây để anh dụ nó ra.

   Vĩnh nhẩy qua bức tường cao, quay lại mở cánh cổng nhưng cổng không cài then. Chàng tiến tới căn nhà nhỏ gần sân phơi lúa.

   Chàng nhặt mấy viên gạch vỡ ném vào nhà tên võ-sư. Một người đẩy cửa bước ra, tay lăm-lăm cầm thanh kiếm.

   Gã quát:

   - Ai?

   Vĩnh ném thêm một hòn đá lớn. Gã giận dữ chạy đến. Chàng phóng ra ngoài dụ gã đuổi theo. Tới gần chỗ Ngọc-Kiều núp, chàng đứng chờ. Gã võ-sư nhào tới. Chàng chống cây gậy xuống đất không xử-dụng, dùng thành sắt làm kiếm.

   Ngọc-Kiều thốt lên:

   - Ủa!

   Thì ra chàng xử-dụng võ của bố nàng. Đường quyền hóa thành thế kiếm nom oai-dũng vô-cùng. Đánh được một lúc khá lâu, chàng không xử-dụng thanh sắt, dùng tay trái cầm gậy đánh với gã. Được vài thế, gã nhẩy ra la lớn:

   - Ngươi… ngươi

   Gã ngạc-nhiên vì Vĩnh xử-dụng võ của môn phái hắn. Hai bên không phân-biệt thắng bại. Chàng nói to:

   - Tròn, vuông, ba góc.

   Ngọc-Kiều hiểu ngay là Vĩnh nhắc nàng để ý chàng sắp dùng hai tay tấn-công địch-thủ. Tay trái chàng dùng võ của hắn, tay phải dùng những thế võ của bố nàng. Gã chưa đỡ được thế này, thế kia đã tới. Bỗng dưng, tay phải chàng xử-dụng võ của môn phái hắn, tay trái chàng xử-dụng những thế đầu của Việt Nữ Kinh. Gã nhẩy ra ngoài định chạy. Vĩnh quát lên một tiếng, thanh kiếm của gã bay xa cùng với vài ngón tay. Chàng rút trong áo ra cái quạt giấy của tên Mai Hạ ném xuống đất:

   - Ngươi biết cái quạt này không?

   Gã không trả lời. Vĩnh quát:

   - Đi ngay! Ngươi còn dở trò chó má nữa ta sẽ không tha.

   Tên võ-sư nhịn đau chạy mất. Ngọc-Kiều bước tới vui-vẻ.

   - Đa-tạ anh dậy em thật tỷ-mỷ.

   Vĩnh gật đầu:

   - Khi hắn khỏi, em trả thù cho mẹ.

***

Quẩy Gánh Non Sông (3)

(tiếp theo)(Cô gái chăn trâu)     

   Chiếc cầu bắc ngang sông im-lìm trong bóng cây. Hai người ngồi nghỉ trên bờ cỏ. Bóng trăng vàng như nắng. Ngọc-Kiều chăm-chú nghe Vĩnh nói: 

   - Năm ấy, thầy sai anh làm một việc. Sau đó anh ghé qua Hà-Đông. Ở đây, anh kết-giao với hai người bạn mới. Một người là học trò nghèo và người kia quét chợ. Ba người mua thức ăn đánh chén. Bọn anh say túy-lúy ra sông tắm, khi về uống rượu thi. Vui không thể tưởng! Anh không biết uống rượu nên đến canh ba đã gục. Gã quét chợ được cuộc. Gã bắt người học trò nghèo đánh đàn bầu cho hắn nghe. Gã ra lệnh cho anh đi xin chữ ông đồ Tiếp-Dư làng Bạch-Hạc về treo trong căn chòi rách nát. Ông đồ là người khó tính. Xin được chữ của ông không phải dễ.

   Ngọc-Kiêu chăm-chú hỏi:

   - Anh xin được không?

   - Lúc đầu người nhà nói ông đi vắng. Anh mượn cây bút lông viết vài chữ xin tiếp-kiến, hẹn sẽ quay trở lại. Trưa hôm sau, ông đồ tiếp anh rất niềm-nở. Ông khen chữ anh có thần. Tưởng tới ông một lúc, ai ngờ anh ở đó hơn một tháng trời.

   - Sao lâu thế anh?

   - Ông đồ và anh luận về các loại trà rồi lại nói chuyện về hoa. Lúc bấy giờ trời sắp sang xuân. Ông giữ anh lại để gọt thủy-tiên. Ông gọt một giò và anh gọt một giò. Anh không từ-chối vì thầy lúc đó đã cùng anh Đại-Minh, Ngọc-Đại và Lệ-Nhu đi thăm một vị sư trên núi Yên-Tử.

   - Hoa của ai nở đúng hẹn?

   - Lấy giao-thừa làm thời-điểm thì thủy-tiên của anh nở sớm hai giờ, hoa của ông nở muộn khoảng hai giờ.

   Ngọc-Kiều lý-luận:

   - Anh hơn ông đồ. Người ta gọt thủy-tiên để đón xuân. Như thế có nghĩa là hoa phải nở trước giao-thừa chứ. Anh kể tiếp cho em nghe đi.

   Vĩnh nói:

   - Không nên nói chuyện hơn kém làm gì. Hai tâm-hồn tài-tử mang chút nghề mọn làm vui người tri-kỷ chả thích hơn sao? Ông đồ và anh chơi cờ. Một hôm ông đang chơi thì có người mời đi thăm một bệnh nhân bị ngã từ nóc nhà xuống. Ở nhà lúc đó có ông em ruột. Ông này ngẫm-nghĩ nước cờ thật lâu, lắc đầu gọi cô cháu ra. Bàn đó anh thua.

Cô ta giỏi lắm. Trong mấy ngày cô ta và anh đánh tất cả năm ván. Ông chú ngồi bên ủng-hộ người cháu hay giám-sát thì không biết.

   - Ai được hả anh?

   Chàng trầm-ngâm:

   - Anh thắng ba. Cô ta thắng hai. Thật ra anh thua. Bàn cuối, có lẽ cô ta nhường anh.

   Ngọc-Kiều hỏi:

   - Cô ta đẹp lắm phải không?

   Chàng thở dài:  

   - Cô ta đẹp. Lúc đó anh không để ý vì mải tập-trung vào những thế cờ mà thôi. Khi anh về, Lệ-Nhu đòi anh kể chuyện chuyến đi. Nàng thích trí cười luôn miệng. Đến lúc nói về người con gái ông đồ, nàng không cười nữa.

   Ngọc-Kiều nhìn chàng:

   - Chị Lệ-Nhu muốn biết người con gái nói gì với anh phải không?

   - Phải.

   Tiếng Ngọc-Kiều như cơn gió thoảng:

   - Nàng nói gì?

   - Cô ấy mong một ngày hầu-tiếp gỡ bàn thua.

   Ngọc-Kiều nhận-xét:

   - Cô ta để ý tới anh rồi. Chị Lệ-Nhu bực mình là phải.

   Vĩnh buồn rầu:

   - Nửa năm sau thầy sai anh mang thư cho ông đồ Tiếp-Dư. Anh không ngờ thầy là bạn thân của ông. Thầy dặn nếu ông đồ đi vắng thì đợi thư trả lời. Thầy cho anh được tự-do một thời-gian để học hỏi. Buổi sáng hôm khởi-hành bất-ngờ thầy giục anh đi sớm. Anh không kịp giã-từ Lệ-Nhu. Mọi chuyện là số mệnh. Ông đồ đi hái thuốc trên Ba-Vì mãi chưa về. Anh ghé qua người bà con ở Yên-Lãng, Phúc-Yên. Yên-Lãng là quê của Hai Bà Trưng, em biết không? Tại đây anh sáng-tạo nốt cuốn Việt Nữ Kinh tặng Lệ-Nhu.

   Ngọc-Kiều hỏi:

   - Chị ấy chắc thích lắm.

   Vĩnh im-lặng một lúc lâu, nhìn về phía trước mặt nhưng hình như không còn thấy gì rồi chàng ngậm-ngùi kể-tiếp:

   - “Khi anh về thì Lệ-Nhu đã nhận lời lấy Ngọc-Đại. Nghe anh Đại-Minh nói, anh gượng vui-vẻ bề ngoài. Những lúc thụ-huấn với thầy, anh đặt nhiều câu hỏi hơn. Anh về phòng đóng cửa lấy cớ cần nghiên-cứu lời giảng-huấn. Lệ-Nhu đến bên cửa sổ gọi khẽ anh hai lần. Giọng nàng khổ-sở lắm. Anh không trả lời. Được một tháng, anh xin phép thầy đi xa. Đêm ấy anh lang-thang thì thấy ánh lửa đốt bên rừng. Anh bắt gặp anh Đại-Minh đang buồn-bã đến nỗi khi bỏ đi quên cả bầu rượu. Thì ra anh Cả yêu Lệ-Nhu…

Anh đến ngồi đó cho đến sáng. Lúc đứng dậy anh ném cuốn Việt Nữ Kinh vào lửa, bước ra đường cái. Lệ-Nhu đang ngồi đợi. Nàng hỏi anh:

   - Em muốn nói với anh.

   - Anh có việc bận phải đi ngay. Để lúc khác được không?

   Lệ-Nhu lắp-bắp. Mặt nàng trắng bệch:

   - Anh… anh không chúc mừng em sao?

   - Chúc em và Ngọc-Đại ý-hợp tâm-đầu, trăm năm hạnh-phúc.

   Lệ-Nhu nhìn anh không chớp. Thật lâu sau nàng mới lên tiếng:

   - Em chúc anh và chị Tuyết-Minh vạn sự như ý. Thầy khen chị ấy mấy lần.

   Tuyết-Minh là người con gái chơi cờ với anh. Anh chợt hiểu. Lệ-Nhu nhận lời lấy Ngọc-Đại vì bực-tức tưởng anh bỏ-bê nàng. Nếu Lệ-Nhu biết anh luôn luôn nghĩ tới nàng thì đâu đến nỗi như ngày hôm nay”.

   Ngọc-Kiều an-ủi:

   - Tội-nghiệp anh! Bây giờ chị ấy đã biết.

   Vĩnh đau-đớn:

   - Không bao giờ anh gặp lại nàng nữa! Hạnh-phúc cuộc đời này sao mong-manh quá.

   Vĩnh nhìn Ngọc-Kiều nói:

   - Thôi… chúng ta còn nhiều việc phải làm.

   - Em giúp được gì không?

   - Những việc sắp làm gần đây, anh phải tự tay giải-quyết. Anh đi về bất-thường, em đừng buồn.

   Ngọc-Kiều nhẫn-nại:

   - Em đâu dám.

   Vĩnh dặn:

   - Cây cầu gần xong, em cứ việc làm tiếp nhé.

   - Vâng.

   Vĩnh lấy từ trong người một túi vải đỏ. Chàng trịnh-trọng rút ra một cuốn sách. Bằng một giọng thân ái, chàng bảo:

   - Anh tặng em cuốn Việt Đạo Tâm-Pháp này. Đây là tác-phẩm anh mang hết tâm-huyết ra để sáng-tạo. Anh đã nghĩ nhiều tới em.

   Ngọc-Kiều mỉm cười. Nước mắt cảm-động chạy dài trên gò má. Nàng khẽ nói:

   - Cám ơn anh. Chưa bao giờ em sung-sướng như lúc này.

   Vĩnh giảng-giải:

   - Việt Đạo Tâm Pháp không phải chỉ là cuốn sách võ. Quyển sách này gồm ba phần. Phần đầu gọi là Chính Kinh dựa trên cốt tủy của Đạo Việt mà soạn ra để kính nhớ ơn sâu nghĩa nặng của thầy anh. Chính Kinh là căn-bản võ-thuật để tập-luyện hai phần sau. Phần thứ hai là Kinh Dân-Gian. Phần thứ ba là Kinh Sử. Anh sáng-tạo hai cuốn kinh này khi bị thương được em giúp-đỡ. Phần sau cùng là Kinh Ca-Dao thì anh chưa nghiên-cứu xong.

   Ngọc-Kiều ngạc-nhiên:

   - Mới vài tháng mà anh đã hoàn-tất được hai cuốn kinh sao? Anh đúng là bậc thầy của võ-đạo.

   Vĩnh khiêm-tốn:

   - Nền-tảng của Việt Đạo Tâm-Pháp được thành-hình từ lâu rồi. Việt-Đạo Tâm-Pháp không phải do mình anh hoàn-thành. Trong đó phảng-phất tư-tưởng của người thầy khả-kính của anh, của bạn-bè kết-giao khắp thiên-hạ và của cả em nữa.

   Ngọc-Kiều trìu-mến nhìn Vĩnh. Chàng luôn ca-tụng người, chưa bao giờ nàng nghe Vĩnh chỉ-trích, chê-bai một ai.

   - Em làm gì trong đó?

   Vĩnh giảng-giải:

   - Lý-luận của em làm anh mở rộng tầm mắt. Khi mới dậy võ cho em, anh bảo: Sông Núi này bền-vững là do hùng-tâm của kẻ trượng-phu. Vị cô-nương bên tòa miếu hoang cãi lại: ông nói sai rồi. Trưng Nữ Vương là kẻ trượng-phu sao? Hai Bà đứng lên dẹp quân bạo-tàn đấy. Trong khoảng 200 năm sau khi Hai Bà tuẫn-tiết, có đấng tu-mi nam-tử nào đứng lên hay phải đợi người con gái họ Triệu tuốt gươm đuổi giặc? A ha,.. Tôi muốn cưỡi con gió mạnh, đạp đường sóng dữ, chém cá tràng-kình ở bể Đông, quét sạch bờ cõi để cứu dân ra khỏi nơi đắm-đuối. Câu nói khí-phách đó còn vang vang trong chính sử. Sao ông dám coi thường phụ-nữ Việt?

   Ngọc-Kiều nhăn mặt nũng-nịu:

   - Sao anh nhớ dai đến thế?

   Vĩnh thẳng-thắn:

   - Không có em làm gì có những bài Mê-Linh Phẫn-Nộ, Đạp Đường Sóng Dữ, Ỷ-Lan Trị Nước trong Kinh Sử. Làm gì có bài Quẩy Gánh Non Sông trong phần Chính Kinh?

   Ngọc-Kiều hỏi:

   - Còn Kinh Dân-Gian?

   - Kinh Dân-Gian là những bài võ cảm-hứng từ cổ-tích từ thuở dựng nước hoặc những truyền-thuyết trong dân-gian. Ba thế võ Vuông Tròn Hiếu Đạo, Làng Gióng Mây Bay, Lên Núi Trông Chồng được thêm vào là nhờ em cả.

   Ngọc-Kiều say đắm nhìn Vĩnh. Người đàn ông tưởng như gỗ đá, lạnh-lùng lại có tình-cảm nồng-nàn tới vậy.

   Vĩnh nói tiếp:

   - Khi hoàng-tử Tiết-Liêu làm bánh dầy, bánh chưng dâng lên vua cha, cậu chỉ có tấm lòng thành và thực-phẩm thông-thường của nhân-gian biến-chế ra. Mẹ chết, cậu không có các sơn-hào, hải-vị như các anh em. Tròn là bánh dầy, vuông là bánh chưng. Tròn là Trời, vuông là Đất. Mộng của Tiết-Liêu là làm vừa lòng vua cha bằng phẩm-vật nhân-gian. Mộng của chúng ta là đuổi quân bạo-tàn ra khỏi bờ-cõi cho non-nước thanh-bình. Thế võ Vuông Tròn Hiếu-Đạo này đánh ra, địch-thủ có cảm-giác như bị hai người tấn-công. Thật ra, Trời Đất là hai mà khi kết-hợp lại là một. Cha Mẹ hoặc Vua Dân cũng thế. Hiểu thấu được lẽ này thì mới phát-huy được uy-lực trọn-vẹn.

   Ngọc-Kiều kính cẩn:

   - Em xin ghi nhớ.

   - Thế Làng Gióng Mây Bay là do câu chuyện Phù-Đổng Thiên-Vương. Từ một đứa bé con, cậu vươn vai đứng dậy nhờ cơm gạo của người dân. Ngựa và kiếm sắt là của vua ban. Lúc đuổi giặc, kiếm bị gẫy. Cậu nhổ bụi tre làm khí-giới. Tre tượng-trưng cho văn-hóa dân-tộc. Thế võ này chỉ ảo-diệu khi biết phối-hợp giữa Chính Kinh, khối óc và chân tay. Cậu bé thắng địch là nhờ sự phối-hợp của giới cai-trị, nhân-dân và văn-hóa truyền-thống.

   Vĩnh ngừng lời. Chàng bảo Ngọc-Kiều:

   - Trời muộn rồi. Thôi để hôm khác anh tiếp-tục.

   Ngọc-Kiều như bị mê-hoặc. Nàng năn-nỉ:

   - Chưa muộn đâu. Em muốn nghe nữa. Anh luận thêm về Văn-Hóa Truyền-Thống đi.

   Vĩnh thiết-tha:

   - Trong một nước, người dân là chủ-yếu. Truyền-thống là những gì tốt đẹp người dân cưu-mang từ đời này sang đời khác. Tách rời Văn-Hóa Truyền-Thống là xa rời lòng người. Dòng-dõi nhà Nguyễn sợ ảnh-hưởng của vua Quang-Trung nên mang luật-lệ, phong-tục ngoại-bang áp-đặt trên muôn dân. Thậm chí buộc cả người đàn bà bỏ váy mặc quần như người Mãn-Thanh. Hừ, tổ-tiên nhà Nguyễn vất-vả mở rộng cõi bờ, công-nghiệp to lớn biết bao nhiêu sao con cháu lại thiếu sáng suốt như thế?

   Giới quan-lại chẳng hơn gì. Lúc nào cũng nghĩ nho giáo là nhất, không biết cái tinh-túy của dân-tộc Việt. Hừ, tại sao người phụ-nữ phải theo tam-tòng của nho giáo?

   Người phụ-nữ Việt ra ngoài góp phần thua gì người đàn ông, sách Tầu còn ghi. Hàng ngàn năm qua, vai-trò của người phụ-nữ trong gia-đình, ngoài xã-hội khác hẳn với quan-niệm của mấy người khoa-bảng nghĩ. Vô số phụ-nữ Việt đã đứng lên tranh-đấu cho giống nòi: Bà Lạc-Tướng Trương-Quán, Đông-Cung Tướng-Quân Hoàng Thiệu Hoa, Nữ Tướng Phùng Thị Chính, Lê-Chân, Cao-Nhự, Đoan-Trang Công-Chúa…Đâu có phải chỉ có các bà Trưng, Triệu. Phụ-nữ Việt không bị buộc vải bó chân, giữ ở trong nhà để chiều theo cái ích-kỷ của nam giới.

   Ngọc-Kiều nói:

   - Nếu anh làm vua…

   Vĩnh mỉm cười:

   - Anh không nuôi mộng đế-vương, chỉ mong sau này thanh-bình làm một gã lang-thang chia sẻ vui buồn cùng thiên-hạ.

   Chàng hạ thấp giọng hỏi:

   - Ngọc-Kiều, em có ngạc-nhiên không?

   Ngọc-Kiều tình-tứ:

   - Không. Em chỉ ước-mơ là cô gái chăn trâu học theo chàng lãng-tử.



                                                    *       *

                                                        *



   Nhà sư từ xa tiến lại. Tay ông chống chiếc gậy sắt. Bộ áo nâu khoác trên người đã bạc mầu. Trên khuôn mặt khắc-khổ chỉ còn cặp mắt tinh-anh.

   Vĩnh đứng dậy:

   - Xin kính chào chưởng môn.

   Nhà sư trầm-trầm:

   - Chào em. Gọi nhau là anh em tốt hơn. Hơn một năm chúng ta mới lại gặp nhau. Ta tìm em từ nhiều tháng nay.

   Vĩnh giấu sự lạnh-nhạt:

   - Thưa anh Cả, có chuyện gì cần không?

   Giọng nhà sư buồn rầu:

   - Anh muốn biết lý-do em bỏ đi.

   - Em đã kính thưa anh, em có việc quan-trọng phải giải-quyết.

   Nhà sư lau mồ hôi mệt-nhọc. Ông chậm rãi nói:

   - Anh hiểu rồi.

   - Thưa anh Cả, anh vẫn bình-thường chứ?

   Nhà sư lắc đầu:

   - Tình-trạng nghiêm-trọng. Vì nghĩa lớn, anh tới để yêu-cầu em.

   Vĩnh khẳng-khái:

   - Nếu liên-quan tới nghĩa lớn, em không chối-từ.

   Nhà sư tha-thiết:

   - Em phải trở về trước khi nghĩa-quân tan-rã. Anh biết em đang điều-tra cái chết của Ngọc-Đại. Em hồ-nghi anh mà chưa có bằng chứng phải không?

   Vĩnh nhìn Đại-Minh. Nhà sư đau-đớn nói tiếp:

   - Cả tháng nay anh điều-tra mà vô-vọng. Anh không bao giờ chứng-minh được mình vô-tội nữa.

   Vĩnh chậm rãi nói:

   - Người ta nghi-ngờ anh nhưng không ai có quyền kết-án anh cả cho tới khi mọi chuyện rõ-ràng.

   Đại-Minh trả lời:

   - Lý-lẽ là thế, thực-tế thì khác. Em đi không từ-biệt anh chị em. Ta bị nghi-ngờ đã giết em.

   Nhà sư cười cay-đắng:

   - A ha! Ta giết Lệ-Nhu! Ta giết Ngọc-Đại! Ta giết Xuân-Vĩnh! Toàn tội to lớn cả. Một buổi tối, giữa lúc mấy chục anh chị em họp mặt. Cai Kim đứng dậy nói: chủ-tướng, tôi phải đi kiếm Xuân-Vĩnh! Anh ấy không khéo chết rồi. Cai Kim là người ngay thẳng, nghĩ gì nói đấy. Cây bút chì của hắn nhiều lần nhuộm máu quân Pháp. Bút chì là loại vũ-khí tấn-công từ xa cho nên lợi-hại vô cùng. Không ai muốn Cai Kim đi. Chúng ta có thể rèn trăm thanh sắt cứng nhưng chúng ta không có người nào xử-dụng được một thanh sắt như Cai Kim. Ta vô-tình nhấn mạnh tới lời thề sống chết thì Cai Kim tức giận trả lời: tôi tới đây vì người họ Trần. Tôi thề chết sống và trung-thành với anh ấy. Chỉ có Xuân-Vĩnh mới có quyền với tôi. Ai nói tôi lỗi đạo hãy đứng lên mà xử Kim này! Ta không chết vì giặc Pháp mà chết vì anh chị em mình sao?.

   Anh em họ Lê, ba người cùng đứng dậy nói:”Cai Kim, chúng tôi theo anh”.

   Sự ra đi của bốn người làm nghĩa-quân xuống tinh-thần. Cứ một vài tháng lại có một, hai người lấy cớ bỏ ta. Những người còn lại viết tên em vào thẻ tre đặt trên bàn thờ của Minh Nghĩa Đường. May nhờ Cai Cơ trung-thành nên đa-số còn ở lại.



   Một hôm thơ-thẩn trong rừng, ta nghe vợ chồng Cai Cơ tranh-luận dưới suối. Người chồng giải-thích: chủ-tướng thận-trọng, anh-hùng, nguyên-tắc. Xuân-Vĩnh đa-tài, hào-hiệp, tận-tụy với mọi người. Anh chị em hướng về Xuân-Vĩnh vì họ yêu chú ấy, xa dần chủ-tướng vì ông luôn luôn mang luật ra bó-buộc mọi người. Người vợ nói: liệu chủ-tướng giết chú Xuân-Vĩnh không? Nếu quả thật ông ấy giết Ngọc-Đại, Lệ-Nhu thì ông ấy dám giết người anh em của chúng ta lắm. Cai Cơ quả-quyết: không đúng, sao em dám nói nhừng lời xúc-phạm như vậy?. Người vợ nổi nóng: anh là quân-sư cho ông Đại-Minh nên phải bênh-vực chủ-tướng; anh quên khi anh bị thương, tôi không cõng nổi anh, chỉ một mình chú Xuân-Vĩnh quay lại liều-lĩnh tấn-công giặc từ phía sau. Tụi giặc đổi hướng. Chú ấy may mà thoát về được. Không có Xuân-Vĩnh, bây giờ còn vợ chồng Cai Cơ không? Anh ở lại. Tôi đi kiếm chú ấy một mình.

   Người đàn bà ngồi xuống ôm mặt nức-nở: đêm qua, tôi nằm mơ thấy chú ấy bị thương vì có kẻ đánh lén. Chú ấy bảo chị ơi em không về nữa đâu ! Anh Cơ, tôi…tôi sợ chú ấy không còn nữa.

   Tối đó Cai Cơ gặp ta. Ông ấy bảo cha ở nhà ốm nặng nên xin về săn-sóc một thời-gian. Ta giữ mãi không được nên phải nói: ông đi, nghĩa-quân sẽ tan-rã. Tôi nghe được lời nói của vợ chồng ông. Để tôi tìm Xuân-Vĩnh. Nếu trong sáu tháng mà Xuân-Vĩnh không về, lúc đó ông hãy bỏ tôi.

   Nhà sư mỉm cười:

   - Không ngờ em tài-giỏi đến vậy. Người ta chỉ vui khi em vui, chỉ muốn tranh-đấu khi họ gần em.

   Đại-Minh đưa tay lên cổ lần vào trong áo. Ông lấy ra sợi dây có bức tượng ngọc-thạch hình con rồng. Bằng một giọng thiết-tha, ông nói:

   - Ngày hôm nay, môn phái chúng ta có chưởng môn mới. Xuân-Vĩnh, em quỳ xuống!

   Vĩnh lo-lắng:

   - Anh Đại-Minh…anh Cả…anh làm gì vậy?

   Đại-Minh cười:

   - Ta biết em sợ-hãi phải làm chưởng môn nhưng việc này hợp với Nghĩa Lớn, tốt cho môn-phái. Thầy và ta đều nhầm. Sự mực-thước của người trưởng môn chưa đủ làm cho môn-phái vẻ-vang.

   Mặt ông nghiêm-nghị:

   - Trách-nhiệm chưởng môn đời thứ bẩy của phái Hưng-Việt ta trao cho em.

   Sau nghi-lễ đơn-giản, ông đeo tượng ngọc cho Vĩnh rồi vái lạy vị chưởng môn mới.

   - Thưa chưởng môn, tôi có việc thỉnh-cầu.

   - Thưa anh Cả, xin anh cứ nói.

   Đại-Minh đứng lên thành-khẩn:

   - Em đang điều-tra vụ án Ngọc-Đại. Để ta kể thêm chi-tiết. May ra nhờ em mà việc sáng tỏ.

   Ông mơ-màng trở về quá-khứ:

   - Câu chuyện dài dòng lắm. Ta yêu Lệ-Nhu mà không biết yêu nàng từ lúc nào. Khi nghe ta ngỏ ý, nàng bảo tại sao ta không nói từ trước. Lúc đó, ta không biết nàng đã nhận lời Ngọc-Đại. Hình như em ba nghe được câu này. Sau đám cưới hai người, em đi ngao-du. Ta chỉ có cô-đơn. Ngọc-Đại yêu vợ lắm. Lệ-Nhu luôn luôn không vui. Một đêm nàng thơ-thẩn ra ngoài gặp ta ngồi ngắm trăng. Chỉ thế thôi. Ai ngờ Ngọc-Đại nghĩ rằng ta tư-tình với Lệ-Nhu… Mấy hôm sau, Ngọc-Đại tìm ta nói đi kiếm em và nhờ ta săn-sóc … Lệ-Nhu. Ngay sau khi Ngọc-Đại đi, ta cảm thấy không tiện ở nhà nên đi kiếm Ngọc-Đại giải-thích.



   Trên đường qua chợ, đang lúc không biết em ba đi đâu thì gặp hai người trung niên vào quán. Nhìn dáng-điệu, ta biết một người võ-nghệ rất cao thâm… Gà lớn tuổi hỏi gã trẻ tuổi làm sao biết được “nó” đi về hướng nào? Gã trẻ tuổi trả lời nó chạy tới nơi nào thì Tôn Cầu này vẫn kiếm ra; lần thứ nhất biết em say rượu nó rủ đánh bạc, em bị lừa nhẵn túi; lần thứ hai nó giả làm người hầu trong quán gõ cửa, em vừa ló đầu ra nó đã hắt một mâm tro vào mặt! Con mẹ nó, tức chết đi thôi…



   Ta buồn cười nhìn sang. Gã đứng dậy định gây sự nhưng người lớn tuổi hơn kéo gã ngồi xuống nói nhỏ những gì ta không nghe rõ. Ta loáng-thoáng nghe những chữ Đại-An, hồng ngọc, Giáng-Vân, Bá Hạc. Đại-An là làng của Lệ-Nhu. Gia-đình nàng bị giết vì một viên ngọc. Giáng-Vân là tên một giòng sông. Bá-Hạc là gì thì ta không biết, có lẽ là tên người.



   Ta bí-mật dò-xét chúng. Tới ngày thứ ba ta mới biết Ngọc-Đại đang theo dõi hai tên này. Ở làng Vụ-Hồi thì tên nhiều tuổi phát-hiện ra ta. Buổi sáng sớm hôm sau khi ta thức-dậy chúng đã bỏ đi…Tình-cờ ta gặp Ngọc-Đại trên đồi. Em ba mỉa-mai ta sao không ở nhà. Ta giận lắm. Ngọc-Đại còn trách ta lộ-diện làm kẻ thù giết gia-đình Lệ-Nhu trốn được. Lời qua tiếng lại, Ngọc-Đại điên-cuồng vứt gươm xuống đất thách ta giết người bịt miệng. Chuyện không muốn xẩy ra đã đến. Ta cho Ngọc-Đại cầm kiếm đánh với ta. Võ của em ba do ta dậy nên dù Ngọc-Đại có giỏi vẫn không hơn ta được. Đấu được ba chục chiêu, ta đánh bạt gươm của em ba ra khỏi tay… Ta đau-đớn vì tình anh em sứt-mẻ nên bỏ đi không nói một lời nào cả. Ngày hôm sau ta quay lại, trên chỗ đánh nhau hôm trước có thanh kiếm gẫy. Nhìn kỹ có cả dấu máu khô. Ta lo-lắng lùng khắp cả đồi vẫn không thấy Ngọc-Đại. Trong lúc ngồi dưới bụi cây thì có tiếng chân người đi tới. Một tên nói chúng ta phải rửa mối thù trên sông Giáng-Vân; chúng ta chưa biết kẻ thù là ai, thỉnh-thoảng hãy giết một người qua sông là hắn trở lại. Tên thứ hai phụ-họa: hay lắm chúng ta làm thế đi. Tên giọng ồ ồ hỏi liệu thằng nhãi điên hôm qua giết chú Xồi không? Người lớn tuổi trả lời không phải. Gã trẻ tuổi ác độc nói để em kiếm con vợ nó giết luôn cho sạch hậu-họa. Gã lớn tuổi ừ hử…

   Chúng nó nói nhỏ với nhau trước khi bỏ đi. Ta muốn nhẩy ra đánh nhau với chúng nhưng không dám chắc Ngọc-Đại bị chúng giết. Vả lại, ta không phải là đối-thủ của hai người. Ta phải dùng mưu diệt-trừ từng đứa một.

   Ta đi khắp đồi một lần nữa vẫn không thấy xác Ngọc-Đại. Có thể em ba dàn cảnh để thử ta không? Lòng ta như lửa đốt. Đột nhiên ta sợ hãi vô cùng, biết đâu bây giờ hai tên đang kiếm Lệ-Nhu. Ta vội-vã trở về báo cho nàng tin dữ. Việc hai tên định kiếm nàng thì ta không nói sợ làm nàng lo sợ. Lệ-Nhu bình-tĩnh. Nàng chỉ nói gọn “cám ơn anh cả”.

   Đêm đêm nàng mặc áo tang ngồi trước hai mảnh gươm gẫy đặt trên bàn thờ. Mắt nàng trừng trừng như kẻ mất hồn. Không khí sầu thảm vô cùng.

   Để bảo-vệ nàng, ta thường quanh-quẩn phía ngoài. Một lần Lệ-Nhu nói vọng ra lúc ta tình-cờ đi ngang qua cửa sổ: “Cám ơn anh cả canh giữ. Em muốn đi lúc nào anh không ngăn-cản được đâu”.

   Trời ơi! Nàng tưởng ta có ý ám-muội. Ta lắp-bắp không thành tiếng : “Lệ … Nhu”. Nàng chặn lời ta: “Chồng em mới chết. Xin anh đừng nói gì cả. Chuyện gì để lúc ban ngày”.

   Ta đợi nàng suốt cả buổi sáng. Gần đến trưa ta gõ cửa. Không có tiếng trả lời. Ta đẩy cửa bước vào thì nàng đang thoi-thóp. Lưỡi dao cắm sâu trên ngực. Nàng yếu-ớt lên tiếng: “Anh!”.

   Ta tưởng nàng nhận ra ta nhưng không phải. Nàng đang mê-man. Từ lúc đó cho đến khi nàng chết, Lệ-Nhu gọi tên em.

Quẩy Gánh Non Sông (4)

(tiếp theo)

(Cô gái chăn trâu)

                                                                                                      

   Trăng đã lên. Ánh vàng chan-hòa tỏa xuống đồi. Dưới sông vài con cá lớn nhẩy lên giỡn sóng. Nhìn khuôn mặt thẫn-thờ của Ngọc-Kiều, Vĩnh an-ủi:

-Bây giờ em là chưởng môn. Em không những phải trở thành bậc tôn-sư của võ-thuật mà còn phải làm rạng danh cho môn phái nữa.

Ngọc-Kiều đau-đớn:

- Em làm chưởng môn theo ý anh. Hà, điều thứ nhất là làm chưởng môn. Điều thứ hai là…đừng để võ-đạo của môn phái thất-truyền. Em phải sống để làm những điều đó. Khi em hứa với anh ba điều, em không ngờ khó-khăn tới bậc này. Em tưởng chúng ta luôn sát-cánh bên nhau. Anh vui thì em vui. Anh buồn thì em buồn. Anh chết thì em chết. Anh hiểu như thế không?

   Vĩnh thở dài:

   - Anh hiểu.

   Ngọc-Kiều u-uất:

   - Bao giờ anh đi?

   - Đêm nay.

   Nàng sững-sờ:

   - Sao vội thế anh?

   Vĩnh xót-xa. Mai đây đời của Ngọc-Kiều là nỗi buồn triền-miên. Chàng nói:

   - Anh không biết làm gì hơn. Hàng ngàn năm nay đã có bao nhiêu người mẹ đợi con, người vợ mong chồng, người em ngóng anh. Đời họ buồn-thảm nhưng họ vẫn phải sống cho gia-đình, xóm làng, dân-tộc. Em còn phải sống cho môn phái nữa. Lúc nào nhớ tới anh, hãy luyện Việt-Đạo Tâm-Pháp. Trong Chính Kinh có những bài võ như “Trời Cao Chí Tôn”, “Vai Mang Nghĩa Lớn”, “Biết, Làm Một Mối” … Chúng ta tin có Trời, có đời sống khác nối dài với đời sống hiện-tại. Cuộc đời hôm nay buồn nhưng ngày sau sẽ vui. Chúng ta lấy Nghĩa Lớn làm trọng. Chúng ta không những phải “biết” mà còn phải “làm”.

   Hà-Thành thất-thủ, tổng-đốc Hoàng-Diệu nhận trách-nhiệm của mình. Ông tuẫn-tiết. Các án-sát, đề-đốc chạy dài. Hoàng tổng-đốc bắt đầu sống trong lòng muôn người ngay khi ông chết.

   Ngọc-Kiều rung mình. Nàng nức-nở khóc. Gió từ dưới sông thổi lên tung muôn ngàn lá. Xuân-Vĩnh ngạo-nghễ như một ông tướng giữa đồi cây.

   Ngọc-Kiều nghẹn-ngào:

   - Anh! Em yếu-đuối quá phải không?

   Vĩnh đầy tin-tưởng:

   - Khi anh đi, em sẽ không còn yếu-đuối. Em là đứa con yêu của người cha anh-hùng, là con hiếu của một người mẹ trinh-liệt, là người em tri-kỷ mà anh hãnh-diện.

   Ngọc-Kiều khuyên:

   - Việc cướp súng, diệt giặc đã có người khác. Anh nên bảo-trọng để lãnh-đạo anh chị em.

   Vĩnh mỉm cười:

   - Mạng sống của ai cũng quý cả, đâu phải chỉ của anh. Dù thân anh có đổ, máu anh có chẩy; Tổ-Quốc vẫn còn những người khác đứng lên thay thế.

   Nếu mỗi ngọn đồi, mỗi con sông, mỗi ruộng lúa cần có máu người Việt đổ xuống để cứu lấy Quê-Hương, Dân-Tộc ta vẫn phải làm.

   Ngọc-Kiều nén xúc-động:

   - Em kính-phục anh. Chỉ lúc khó-khăn người ta mới thấy khí-độ của kẻ anh-hùng.

   Vĩnh an-ủi:

   - Đâu phải ai đi chống giặc đều chết nơi chiến-trường. Các anh Đại-Minh, Cai Cơ, Cai Kim…đều còn sống tới bây giờ.



   Hai người im-lặng…Có tiếng chim trong đêm trăng vọng lại. Dưới kia sóng nước xô nhau tan ngàn ánh bạc và trên cao bầu trời quang-đãng không một áng mây.

   Vĩnh nói:

   - Bẩy ngày nữa, anh Đại-Minh trở lại đây. Em chuyển lời cho anh Cả rằng anh đã tìm ra hung-thủ giết chết Ngọc-Đại.

   Ngọc-Kiều khẽ hỏi:

   - Làm sao anh tìm ra?

   - Anh Cả đã đi tìm kiếm khắp đồi mà không thấy xác. Anh đoán xác em ba bị vứt xuống nước. Anh tìm được hài cốt Ngọc-Đại dạt vào gần bờ chỗ vòm sông. Ám-khí của tên Mai-Hạ còn cắm trên xương vai. Vết gươm chém là của tên Tôn-Cầu. Con chim Việt bằng bạc anh tặng còn đeo trên cổ. Không thể nhầm được.

   Ngọc-Kiều thở dài:

   - Tội-nghiệp anh Đại-Minh. Anh ấy bị oan-ức nhiều năm. May mà anh là người thận-trọng, sáng-suốt nếu không anh ấy ôm hận suốt đời.

   Vĩnh nói:

   - Kẻ thù đều đã chết. Tên Tôn-Cầu không ngờ hèn mạt đến vậy.

   Ngọc-Kiều tiếp lời:

   - Nó đánh lén em. Việt Nữ Kinh lợi-hại thật!

   Vĩnh kể:

   - Anh Cả đoán tiền của lão Bá-Hạc là do nghĩa-quân trao cho để kinh-tài. Khi bố em và sáu người bạn bị chết, hắn muốn nuốt cả. Sau lúc em giết tên Tôn-Cầu, anh cả đặt xác hắn trên giường lão Bá-Hạc. Hắn sợ lắm. Anh Đại-Minh tới lạc-quyên cho Nghĩa Lớn, hắn hiểu ngay. Em hãy yêu-cầu anh cả xây một ngôi chùa, chiêu-mộ người tâm-phúc, giúp dân hai làng Thượng-Hà, Sơn-Việt dựng nốt cây cầu. Nếu được nhiều người từ phương bắc xuống hay người từ miền xuôi tấp-nập lên buôn-bán thì chúng ta mới giải-quyết được việc tiếp-vận. Sau khi tụ-họp nghĩa-quân, chắc anh phải đi nhiều nơi liên-kết anh chị em. Chúng ta không thể dồn hết lực-lượng về một chỗ được. Khí-giới của giặc tối-tân quá.

   Ngọc-Kiều thấy chàng định nói điều gì, nàng giục:

   - Anh muốn dặn em gì nữa không?

   - Làng Thượng-Hà có họ Đoàn là người tuấn-kiệt, văn hay, võ giỏi. Nếu kết-giao, em có thể cậy nhờ…việc lớn được đấy.

   Ngọc-Kiều lạnh-lùng gặng hỏi:

   - Đây là điều thứ ba anh muốn em làm phải không?

   Vĩnh lắc đầu;

   - Không, anh chỉ góp ý.

   Ngọc-Kiều dịu nét mặt, nàng bảo:

   - Anh đi bất ngờ quá, em không kịp chuẩn-bị gì cả. Em đưa anh bằng một đường võ mới học vậy.

   Nói vừa dứt, thân nàng đã chuyển-động như mũi tên. Tay chân nàng linh-hoạt vô-cùng. Những thế đầu ở trong bài Quẩy Gánh Non Sông, tiếp theo là bài Mê-Linh Phẫn-Nộ và sau chót là bài Lên Núi Trông Chồng… Khi xong, nàng đứng im-lìm như tượng đá. Bài võ kỳ-diệu ở chỗ liên-tục, biến-ảo và diễn-tả được tâm-sự của nàng… Mái tóc mây bị nàng cắt đứt còn bay trong gió thành những sợi tơ trăng…

   Nước mắt chẩy xuống trên khuôn mặt kiều-diễm, nàng chỉ mấp-máy môi nhưng Xuân-Vĩnh nghe rất rõ-ràng:

   - Anh lên đường bình-an.



                                                             *       *

                                                                 *



   Ba người đàn ông sánh vai. Những giải sương mù còn giăng trước mặt. Người họ Nguyễn nhiều tuổi hỏi Vĩnh:

   - Cai Kim, Đội Cảnh sẽ đi sau. Cả Nễ đi từ mấy hôm trước. Chúng ta ghé qua làng Bạch-Hạc tìm Huấn Song Đao không?

   Vĩnh trả lời:

   - Chú Nghĩa báo tin đủ rồi!

   Người họ Nguyễn bước chậm lại. Gã nói đủ cho hai người đồng-hành nghe:

   - Anh Vĩnh, chú Tôn coi chừng phục-kích.

   Vĩnh nhìn kỹ. Phía trước một người dựa gốc cây đang ngủ, chiếc nón che kín mặt. Chàng bảo:

   - Cẩn-thận vẫn hơn. Nên đi cách xa nhau. Để tôi đi trước.

   Người họ Nguyễn trẻ tuổi cầm trong tay lưỡi dao nhỏ rảo bước. Gã hiên-ngang nói:

   - Không được. Anh em chúng tôi đi trước. Gặp lại anh trên đồi.

   Khi Vĩnh nhìn thấy mầu áo của kẻ đang nằm, chàng nhận ra ngay Đại-Minh. Chàng tiến lại chào. Nhà sư từ-từ ngồi dậy mỉm cười:

   - Ta đợi em đã lâu.

   - Kính thưa anh, có chuyện gì không? Ngọc-Kiều đâu?

   Đại-Minh không trả lời. Ông ngước nhìn lên một cành cây cao gần đó. Vĩnh trông theo. Ngọc-Kiều hai chân đong-đưa, mặt tươi cười, giơ tay vẫy chàng.

   Nàng nhẩy xuống nhẹ-nhàng, đến trước mặt Vĩnh:

   - Thưa anh, em đây.

   Vĩnh chưa kịp nói thì nàng nhìn Đại-Minh rồi nhắc:

   - Anh không ra mắt vị chưởng-môn mới của chúng ta sao?

   Đại-Minh cười hiền-hòa:

   - Ta chỉ hửa tạm nhận chức trưởng môn cho em một thời-gian. Mai mốt thanh-bình ta trả lại.

   Ngọc-Kiều lắc-đầu:

   - Anh Cả nhận luôn giùm em. Cái đó…cái đó…làm em nhức đầu quá.

   Đại-Minh nói với Vĩnh:

   - Ngọc-Kiều nói em đi kiếm Cai Kim nên ta mới biết em sẽ quay lại đường này. Mọi chuyện ra sao?

   Vĩnh cung kính trả lời:

   - Thưa anh đều tốt đẹp. Chúng ta kết-nạp thêm một số người mới.

   Nhà sư hỏi Vĩnh:

   - Làm sao em rủ được anh em họ Nguyễn?

   Ngọc-Kiều nhanh-nhẩu đoán:

   - Dùng Nghĩa Lớn.

   Người anh cả nghĩ đến những gì xẩy ra. Ông cảm-khái:

   - Nghĩa Lớn không chưa đủ. Còn phải làm sao cho người ta yêu mến, kính-phục mình. Mấy ngày đợi em, ta nghiền-ngẫm Việt-Đạo Tâm-Pháp. Không ngờ em không những hiểu được cái đạo của Tổ-Tiên mà còn uyên-thâm nhiều thứ võ khí đặc-thù của Dân-Tộc. Ừ, các bài võ như Cờ Lau Nuôi Mộng, Lời Thề Lũng-Nhai, Sông Bạch Anh-Dũng, Diên-Hồng Chính-Khí làm động tâm ta không ít. Hay, hay lắm, hay vô cùng!

   Ông giục hai người:

   - Các em đi kẻo người ta đợi.

   Xuân-Vĩnh và Ngọc-Kiều kính-cẩn chào ông:

   - Mong anh Cả bảo-trọng.

   Đi được một quãng xa, Ngọc-Kiều chậm lại bảo Xuân-Vĩnh:

   - Em còn nợ một lời hứa. Món nợ này làm em không yên-tâm. Hai lời hứa trước…khổ-sở quá!

   Xuân-Vĩnh dừng chân. Chàng nhìn vào mắt người con gái:

   - Lời yêu-cầu thứ ba là…

   Ngọc-Kiều hồi-hộp chờ đợi. Xuân-Vĩnh thân-mật tiếp:

   - Đường còn xa lắm, để anh mang hành-trang giúp em được không?

   Ngọc-Kiều sung-sướng. Nàng choàng cái tay nải của mình lên vai chàng.

   - Em mơ câu nói này từ lâu. Sao bây giờ anh mới hỏi?



                                                     *       *

                                                         *



   Bốn người đứng trên đỉnh đồi nhìn xuống. Bình-minh trên cao thật đẹp. Xóm làng rõ dần qua làn sương mỏng. Người họ Nguyễn nhiều tuổi tư-lự:

   - Ước gì đất nước sớm thanh-bình.

   Lời nói phảng-phất một tiếng than. Lòng của người chọc trời, khuấy nước chợt mềm đi vì chân mây dưới kia từ nay có lắm kẻ đợi chờ.

   Gã trẻ tuổi quay sang hỏi người con gái:

   - Cô ước muốn gì không?

   Ngọc-Kiều chỉ tay về phía mặt trời hồng khẳng-khái:

   - Có Trời Đất làm chứng, em chỉ khao-khát cùng anh Xuân-Vĩnh và các anh dấn-thân cho Nghĩa Lớn, đuổi lù bạo-cuồng ra khỏi Quê-Hương. Ngoài ra em không mong-mỏi gì khác.

   Anh em họ Nguyễn nhìn nhau kinh-ngạc. Người con gái chăn trâu hiên-ngang, xinh đẹp lạ thường. Hào-khí bốc lên cao, họ đồng-thanh nói:

   - Hay lắm! Chúng ta lên đường.   

HẾT

Bonus:
Anh hùng, Anh thư  Việt Nam


Tuesday, April 28, 2015

Lục Bát Ba Câu - Hương Người

Hương Người
 
Càn khôn cuộc lữ phiêu bồng
Thu ngàn mây gió nắng hong góc trời
Tay – Buông hương ngát muôn nơi

Sunday, April 26, 2015

LỤC BÁT BA CÂU - LÊN NÚI


From Nguyễn Đan's facebook

LỤC BÁT BA CÂU

  Kính tặng Ôn Tuệ Sỹ và Thầy Hạnh Viên


               Lên Núi

Cùng Thầy lên núi rong chơi

Hoa đồng cỏ nội suối ngàn rêu phong

Được vui - bớt khổ - thong dong


Monday, April 20, 2015

MỞ RỘNG LÒNG TỪ - Registering for a Potential Bone Marrow Donor!


THƯ XIN MỞ RỘNG LÒNG TỪ 

     Người xưa có truyền miệng câu “Dẫu xây chín đợt phù đồ, không bằng làm phúc cứu cho một người”
Kính thưa Quý vị Phật Tử:

           Thượng Toạ Thích Nhật Huệ, viện chủ chùa Duyên Giác San Jose California, Tổng vụ phó tổng vụ Thanh Niên GHPGVNTN, mở một cuộc vận động kêu gọi Phật tử và cộng đồng  từ 18 đến 60 tuổi giúp cho một Phật tử hiện ở Oklahoma không may mang chứng bệnh  chết người ung thư máu, eukemia,  rất cần quý vị phát tâm bồ đề hiến tuỷ để hy vọng cứu được mạng sống đang mong manh như ngàn cân treo trên sợi tóc. 

      Để tìm được tuỷ phù hợp ở người cho với bệnh nhân, bước đầu thật qúa đơn giản quý vị chỉ cần tình nguyện ghi danh điền đơn sau đó cho nhân viên y tế chuyên môn dùng bông gòn, cotton tipped applicators, lấy chút chất nhờn của nước miếng ở trong miệng mình như vậy là xong. Có thể hàng trăm hoặc hàng vạn người chưa chắc có tuỷ trùng hợp, tuỳ theo phước duyên  của người cho và người nhận nữa.  Sau khi thử nghiệm nếu  may mắn có ai đó có tuỷ trùng hợp thì Chương Trình Hiến Tủy Toàn Quốc (National Marrow Donor Program) sẽ thông báo và tiến hành thủ tục kế tiếp, được biết vi ệc hiến tuỷ không ảnh hưởng gì đến sức khỏe không đau đớn, không làm gỉam hoặc ảnh hưởng đến bạch huyết cầu hay tiểu huyết cầu và không mất thời gian,. 

     Để tiện việc cho làm hẹn nhân viên chuyên môn đến lấy mẫu DNA xin quý đơn vị ghi danh số lượng và ngày giờ địa chỉ tập trung những người tình nguyện sau đó email về cho Phật tử của Thầy là: ktdaphne@sbcglobal.netsoctrang87@yahoo.com, hoặc qu ý vị có thể đến ghi danh tại chùa Duyên Giác ở địa chỉ: 97 Foss Avenue, San Jose, CA 95116. Số điện thọai: (408) 828-5707.

      Đây là việc làm từ thiện khẩn thiết cũng như việc làm tích phước tồn đức cho mai hậu. Rất mong quý vị hưởng ứng. 
                                                              Thay Mặt Thầy Viện Chủ Duyên Giác
                                                                 Nguyên Vinh Nguyễn Ngọc Mùi

Dear Ms. Law

Thank you very much for your assistance. I'm sending my info in both Vietnamese and English for public announcements.

Em tên là Trần Thị Thuý Loan, sinh ngày 30 tháng 11 năm 1972. Trong giấy tờ tên là Loan T. Tran (DOB 11-30-1972). Em ra trường năm 1996 và làm một Social Worker cho tới giờ đã giúp đỡ rất nhiều ngưởi có lợi tức thấp. Mỗi năm Em cũng dành dụm tiền để làm từ thiện ở đây và ở VN. Em có 2 đứa con. Con gái 18 tuổi tên Sandra đang học năm Freshman đại học University of Arkansas ở Fayetteville. Ra trường Salute Dictorian. Con trai 16 tuổi tên Rick đang là Sophomore ở trường Edmond Santa Fe High School là học sinh Honor. Hai cháu rất ngoan ngoãn và lễ phép. Em bị nhức đầu 2 tuần ngày 11 tây tháng 3 vô ER, và bác sĩ nói Em bị bệnh Acute Lymphoblastic Leukemia loại B cells nếu nhập viện trễ 2 ngày là chết. Vô đợt chemo đầu Hyper CVAD chỉ tiêu diệt leukemia 25%, vẫn còn 70% leukemia trong cơ thể. Em đang vô chemo Methotrexate và Cytarabine cho tới thứ 6. Nếu thấy an toàn bác sĩ sẽ cho về nhà vài ngày rồi phải nhập viện lại để truyền chemo Hyper CVAD đợt 2. Tổng cộng 4 đợt Hyper CVAD và 4 đợt Methotrexate và Cytarabine. Em có 2 em trai cùng Cha và Mẹ, nhưng bác sĩ vừa cho biết kết quả xét nghiệm cho thấy 2 đứa em trai không hạp tủy. Em khẩn cầu người Á Đông mình đi xét nghiệm đăng ký hiến tuỷ cho Em để Em có cơ hội sống và nuôl con ăn học thành tài làm người hữu ích cho xã hội. Em chân thành cám ơn mọi người giúp đỡ Em.

Loan Tran (405) 429-9341.
Facebook LoanThanh với hình hoa sen.

My name is Loan T. Tran, born 11-30-1972. I have been working as a Social Worker since 1996 helping the low income families locate community resources for basic needs such as rent, utilities, low income or free medical and dental clinics. Since 2003 I work as Social Services Coordinator at Oklahoma Health Care Authority until I got admitted to hospital. I also saved money to donate to temple and the poor in USA and especially in Vietnam. On 03-11-15 I went to ER at Mercy Hospital in OKC, attending hemotologist/oncologist Dr. Jess Armor told me MD Anderson pathologists confirmed I have Acute Lymphoblastic Leukemia B Cells, 95% in body, but not in the brain yet. I had first round of Hyper CVAD, but body didn't respond well. Recent bone marrow biopsy shows I still have 70% leukemia in body. Started on first round of Methotrexate and Cytarabine since yesterday and will end this round of chemo on Friday night. I'm very hopeful that this round of chemo will clear all leukemia in my body. So I get to go home for a few days before being readmitted for 2nd round of Hyper CVAD. There are 4 rounds of Hyper CVAD and 4 rounds of a Methotrexate and Cytarabine. I'm inpatient for each round of chemo, expect to end chemo and be in remission by October to resume my job. 

I have a loving and caring husband and 2 children. My daughter Sandra is a Freshman at University of Arkansas in Fayetteville. She graduated Salute Dictorian from Edmond Santa Fe High School. She comes home weekend to take care of me while in hospital. My son Rick is 16 years old and an Honor Sophomore at Edmond Santa Fe High School. He takes care of me after school until my husband comes to stay overnight with me. I'm blessed to have great support from my family, relatives, friends, coworkers and medical staff.  I have 2 biological brothers, tested but Dr. Armor said results show my brothers are not marching. I have a strong desire to live longer to take care of my children and to continue my job to help others. I want to raise my kids to be helpful individuals to society. My name is not yet registered on the national transplant list because I have leukemia. But Dr. Armor said MD Anderson had a patient who didn't respond to first round of chemo but responded to second round of chemo. So I'm very hopeful that my body will respond to second round of chemo. I'm a fighter and I'll win this battle to be in remission. But in order for me to live longer I must have stem cell transplant. As soon as I have zero % leukemia I'm ready for stem cell transplant. Please please come to your local blood institute to register as donor. They provide a mouth swab kit. Make sure you tell them to fax your results with my name Loan Tran born 11-30-1972 to OU Cancer Center fax 405-271-4776

or visit website www.bethematch.org 

to request a mouth swab kit and register to be a donor. My name should be on that national list soon. I thank you for any help you can provide to me. I sincerely appreciate your assistance and kindness.

Loan Tran (405) 429-9341

image.png
http://www.aadp.org

Another Case That Needs Bone Marrow Donor and Support - An Oanh Vu at GDPT Kim Quang.

Hi! My name is Allayah Phan and I am 9 years old. I was diagnosed with Severe Aplastic Anemia in March of 2014. My immune system has attacked my bone marrow and I no longer can produce enough blood cells on my own. I have gone through two rounds of ATG treatment to see if it will reverse my immune system, but so far no luck. My final option is a bone marrow transplant and at this time we have only found an 83% match in the whole world which means it's a higher risk for rejection. Rejection can cause damages to my internal organs and negative, long term effects to the external parts of my body. Please help me find a better match by signing up and testing to be on the bone marrow registry.  If you are unable to commit to being a donor, please help support our family with a donation during this rough time.

I currently attend Matsuyama Elementary School in Sacramento, CA and am in the 4th grade. I am a very bright and lovable young girl. I enjoy reading chapter books and watching movies with my family. My hobbies are decorating and designing things with arts and crafts. I have a dog named Boo that I love to play with. My favorite colors are blue and purple and my favorite type of candy is chocolate! I love to eat fish or pasta, but not usually together. I enjoy dancing on my free time and would like to be in a jazz and hip hop dance class.  I melt everyone’s heart that I meet, and my smile can brighten up any room.


Asian American Donor Program





Wednesday, April 15, 2015

The Passing of Drexel in Sacramento


The Passing of Drexel in Sacramento

Just a matter of time
Everything will not stay the same forever.
Spring, summer, fall, and winter
Materials, thoughts, ideas, and even institutions
altering and changing as the only constant is change
With sadness, the Drexel University Sacramento is passing
but its nuances and legacy live on
in the learning, practicing,
and contributing within all of us
from our local community to the world stage
With mindfulness, wisdom and compassion for all.

Friday, April 10, 2015

CHUNG MỘT NIỀM VUI

Chung một niềm vui - Photo: Bạch S. Xoa
CHUNG MỘT NIỀM VUI

Mẹ trầm tĩnh nhẫn nại
Mắt Mẹ cõi bồng lai
Mẹ vẫn cười và thở
Con cháu có ngày mai!


A GENTLE HAPPINESS
Mother--the virtures of 
equanimity and patience
Your eyes--the realm of heaven
Whenever you are still laugh and breathe
We, your descendants and continuations, have a future!

Tuesday, April 7, 2015

Tinh Hoa và Sắc Thái Tu Viện Kim Sơn


Tinh Hoa và Sắc Thái Tu Viện Kim Sơn
THAY LỜI MỜI THAM DỰ BUỔI CƠM CHAY GÂY QUỸ TẠI CHÙA PHỔ TỪ

            Năm rồi, chúng tôi ở Chùa Kim Quang, Sacramento về đảnh lễ Thầy Viện trưởng Tu Viện Kim Sơn, Sư Ông Thích Tịnh Từ, vì có vài Phật sự.  Có lần chúng tôi đã viết bốn câu thơ ngắn, Buổi Sáng Kim Sơn:
Tỉnh giấc sương mờ giăng khắp lối
Thông già cao vút hát vi vu
Kim Quang tâm địa chung một mối
Sơn thủy hữu tình trầm cõi Tu.
            Đúng thế, Tu Viện Kim Sơn là nơi un đúc nhân sự để hoằng dương Phật pháp tại xã hội tây phương, là một ngôi Già lam thanh tịnh đào tạo nhiều vị Tăng Ni đức hạnh tại Hoa Kỳ. Sư Ông Viện trưởng cho biết Tu Viện Kim Sơn, tọa lạc trên 30 mẫu Anh trên đỉnh núi Madonna, miền Bắc California, được thành lập vào ngày 10 tháng 10 năm 1983. Ở đây phong cảnh hữu tình, thiên nhiên hùng vĩ, và thật yên tĩnh đúng như cõi Thiền trầm mặc.
            Có lần chúng tôi phỏng vấn Thầy Viện trưởng cho luận án của mình, mới biết rằng vị sáng lập Tu Viện Kim Sơn cũng như 4 cơ sở khác là Thiền sư Thích Tịnh Từ. Thầy là đệ tử của Đại sư Viên Giác, vị khai sơn tổ đình Tu Viện Giác Hải tại Nha Trang, Việt Nam. Thầy xuất gia năm 14 tuổi và đã sống ở Hoa Kỳ trên 40 năm qua. Hồi đó, lúc mới có 24 tuổi, Thầy đã làm giáo thọ và giảng sư cho các Chùa và Tự Viện trong ở trong nước rồi Thầy tốt nghiệp Cao Đẳng Phật Học vào năm 1973 và du hóa Mỹ quốc năm 1974. Qua Hoa Kỳ, Thầy trụ trì ở Chùa Từ Quang ở Cựu Kim Sơn (San Francisco), rồi thành lập Tu Viện Kim Sơn để tiếp tục con đường Hoằng dương chánh pháp, nơi đây Thầy huấn luyện và đào tạo các lớp xuất gia và mở các khóa tu thiền quán cho Phật tử mọi giới, từ tổ chức GĐPT đến những người ngoại quốc, từ tuổi trẻ đến quý vị cao niên Việt Nam. Thầy là một trong những vị Thầy lớn đang có nhiều ảnh hưởng trong vai trò giáo dục tuổi trẻ và đại chúng Phật tử tại Bắc Mỹ và hải ngoại.

            Với tôn chỉ lợi lạc chúng sanh, hoằng dương chánh pháp, nên việc tu học là hàng đầu của Tu Viện. Ban giáo thọ bao gồm những vị thiền sư và các bậc thầy lớn trong đó có Thiền sư Thích Nhất Hạnh, Cố Hoà thượng Thích Mãn Giác, Ôn Thích Thắng Hoan, Cố Hoà thượng Thích Thiện Thanh, Cố Hoà thượng Thích Thiện Trì, Ôn Thích Minh Đạt, Ôn Thích Tín Nghĩa, Ôn Thích Nguyên Hạnh, v.v…
            Tuy Tu Viện Kim Sơn đã xây hoàn tất ngôi nhà Đại Bi, nơi có đầy đủ tiện nghi cho các giới về cư trú tu học, nhưng Chánh Điện thì vẫn còn đang xây dựng và cần sự đóng góp nguyện lực và tài lực để sớm được hoàn tất viên mãn. Vì thế, trong hàng đại đệ tử của Thầy có Thượng toạ Thích Từ Lực, trụ trì Chùa Phổ Từ, người luôn thương yêu và bảo bọc tổ chức GĐPT, đã phát tâm cúng dường $100,000 Mỹ kim để phụ vào ngân quỹ xây cất. Đây là lời tâm sự thiết tha của Thầy khi kêu gọi “Huynh trưởng và Đòan sinh của 3 đơn vị Chánh Tâm, Chánh Đức và Chánh Hòa gây quỹ bằng cách rửa xe, góp nhặt lon nhôm… vào mùa hè. Với chúng Xuất gia, chúng con sẽ tổ chức bán garage sale, cơm chay gây quỹ sau lễ Thượng nguyên để cùng với Phật tử xa gần góp một chút công sức của mình trong việc xây dựng ngôi tổ đường Kim Sơn.
Nhưng trên hết, chúng con xin phát nguyện tu học chuyên cần, ngồi thiền, niệm Phật, tụng kinh Đại Bảo Tích, để hồi hướng công đức cầu nguyện hổng ân Tam Bảo gia hộ trên Sư Ông pháp thể khinh an, tuệ đăng thường chiếu, và Đại chúng ở Tu viện bền lòng vững chí, an tâm tu học, vui vẻ bên nhau.”
Vì thế, Thầy Từ Lực và Chùa Phổ Từ đứng ra tổ chức Tiệc Chay vào cuối tuần này để kêu gọi Phật tử đóng góp tịnh tài vào việc xây cất Chánh Điện của Tu Viện Kim Sơn với mục đích trước là Bày tỏ lòng Biết ơn đối với Công ơn Giáo dưỡng của Sư Ông Kim Sơn đối với đạo tràng Phổ Từ. Sau là Phụ giúp chút đỉnh tịnh tài trong công tác kiến tạo ngôi Chánh Điện làm nơi tu tập cho tứ chúng.

            Nói tóm lại, ngôi tòng lâm Kim Sơn là nơi tu học cho tứ chúng Phật tử, cho nhiều thế hệ, đem lại lợi ích Tâm Linh cho nhiều người. Tu Viện Kim Sơn luôn tổ chức những khoá tu thiền, hội thảo, an cư kiết hạ, tu học cho tổ chức GĐPT v.v… Tu Viện còn có Chương Trình Phật Pháp Ứng Dụng Trong Đời Sống do Tăng Đoàn Tu Viện Kim Sơn, Tu Viện Liên Trì tại Hoa Kỳ thực hiện bằng tiếng Việt và phát đi trên hệ thống truyền hình đài VBS (Vietnamese Broadcasting Service) qua làn sóng Satellite Galaxy 19. Frequency 12022 và Symbolrate 22000.
            Cuối cùng, chúng tôi rất mong quý vị phát tâm ủng hộ hoặc bảo trợ tôn chỉ của Tu Viên Kim Sơn để tứ chúng Phật tử có nơi tu học, tiếp tục quyết tâm thực hành, ứng dụng Phật pháp vào đời sống hằng ngày để lợi lạc cho mình và cho người. Mọi ủng hộ hay bảo trợ tài chánh, xin làm ơn gởi về hộp thư:
                        Tu Viện Kim Sơn
                        PO Box 1983
                        Morgan Hill, CA 95038
                        Điện Thoại: (408) 848-1541
                        E-mail: tvkimson@yahoo.com
                        Website: www.kimson.org
            Xin thành kính tri ân và hồi hướng công đức của quý vị. Nguyện tất cả sáu thời đều an lành.

Tâm Thường Định

p.s. đính kèm là Poster Chương trình Tiệc Chay



Thursday, April 2, 2015

Giới thiệu - Én Liệng Truông Mây của Vũ Thanh by Nguyên Lương


Kính gởi đến qúi thân hữu,
      Chương trình ra mắt tập trường thiên tiểu thuyết lịch sử của tác giả Vũ Thanh sẽ được tổ chức vào ngày 11 tháng 4 tại tư gia Nguyên Lương-Vân Các. Thư này Hoài Việt xin thông báo đến qúi vị ở xa không đến dự được. Một số ca khúc nổi tiếng của nhạc sĩ Vũ Thanh sẽ được trình bày bởi anh em văn nghệ sĩ Hoài Việt trong buổi tiệc. Nhà thơ Nguyễn Hoàng Lãng Du sẽ thay mặt Hoài Việt giới thiệu về tác giả, và một phần bài viết dưới đây sẽ được chính tác giả trình bày khi giới thiệu tác phẩm. 
Kính nhờ qúi nhà báo, những vị có phương tiện phát thanh, truyền hình cho đăng và phổ biến bài viết này rộng rãi để đưa tập sách gía trị đến người đọc và những thức giả quan tâm đến lịch sử nước nhà.
Nay kính, 
Thay mặt nhóm Hoài Việt
Nguyên Lương
Hân hạnh giới thiệu đến độc giả khắp nơi bộ trường thiên tiểu thuyết dã sử:

Én Liệng Truông Mây
tác giả Vũ Thanh

            Tham khảo hơn 20 tài liệu, viết ròng rã trong 20 tháng, mùa Xuân năm 2014 nhà văn, nhạc sĩ Vũ Thanh đã cho ra mắt một tuyệt tác phẩm đồ sộ Én Liệng Truông Mây gồm 4 tập, dài gần 2000 trang sách. Bốn tập Én Liệng Truông Mây đã được xuất bản mới chỉ là phần một trong bộ trường thiên tiểu thuyết lịch sử nhan đề Tây Sơn Tam Kiệt gồm ba phần: Én Liệng Truông Mây, Nhất Thống Sơn Hà, Gia Định Tam Hùng. Viết về một thời đại nhiễu nhương của một cung Vua Lê, hai phủ Chúa Trịnh, Chúa Nguyễn, thời nước Ðại Việt bị chia cắt Đàng Trong, Đàng Ngoài mà trong chính sử đã có rất nhiều thiếu sót hay cố tình che dấu, thật không dễ chút nào. Vũ Thanh đã phải vất vả, lặn lội đi tìm những chi tiết lâu nay chỉ được dân gian truyền miệng hay từ những tài liệu chưa từng được đưa ra ánh sáng để hoàn thành cốt chuyện cho thật khả tín và hấp dẫn người đọc. Những huyền thoại lịch sử của hơn 30 năm từ lúc khởi nghĩa đến thống nhất đất nước của triều đại Tây Sơn oanh liệt, đã bị vua quan nhà Nguyễn Gia Long che dấu, bôi nhọ hay cố tình bóp méo, bỏ quên, nay được nhà văn Vũ Thanh viết lại và làm sáng tỏ hơn dưới hình thức của một trường thiên tiểu thuyết. Cùng một phong cách viết của những bộ truyện tiểu thuyết lịch sử nổi tiếng của Trung Hoa như Hán Sở Tranh Hùng (Mộng Bình Sơn dịch) hay Thủy Hử (tác gỉa Thị Nại Am, Kim Thánh Thán dịch), tác giả đã dựa vào một số nhân vật lịch sử có thật và những biến động của thời cuộc, hư cấu thêm vào những câu chuyện theo truyền thuyết của dân gian, để đưa người đọc trở về với lịch sử hình thành xứ Ðàng Trong của Chúa Nguyễn. Tuy nhiên, Vũ Thanh đã không chỉ tiểu thuyết hoá câu chuyện lịch sử thời đó, mà bàng bạc trong 2000 trang sách, tác giả đã vẽ lại một xã hội rất linh động của thời dân tộc ta mở nước tiến vào phía Nam. Triết lý sống, phong cách, và tinh thần khai phóng của con người Ðại Việt thời chúa Nguyễn đã được phát họa rất đầy đủ cho ta thấy nhờ đâu mà dân ta đã tóm thâu hết phần phía Nam của nước Việt ngày nay từ tay người Chiêm Thành, người Miên mà không tốn một giọt máu. Và nhờ đâu mà những người Hoa gốc Minh Hương, đã đến và khai khẩn vùng Lục tỉnh trước chúng ta, đành phải chịu thuần phục làm bầy tôi và dâng đất cho chúa Nguyễn.

            Theo chính sử thì năm 1600, tướng Nguyễn Hoàng vì lo sợ ông anh rể là Trịnh Kiểm sát hại nên đã xin Vua Lê đem quân vào đóng ở Thuận Hoá, nói là tình nguyện đi làm tướng trấn biên cương giữ an ninh mặt phía Nam chống lại quân Chiêm Thành quấy nhiễu. Rời xa Thăng Long, Nguyễn Hoàng đã âm thầm xây dựng Ðàng Trong thành một thế lực độc lập, vững mạnh, từ từ mở rộng đất nước từ sông Gianh trở vào tận miền Nam với mục đích là phò nhà Lê nhưng thực chất là đối đầu với thế lực chúa Trịnh Ðàng Ngoài. Sau 50 năm đầu chia đôi đất nước, chiến tranh huynh đệ tương tàn, khốc liệt hai bên bờ sông Gianh, cuối cùng cả hai chúa Trịnh, Nguyễn đã chấp nhận đất ai người đó ở. Hơn 120 năm sống trong hòa bình, 9 đời chúa Nguyễn đã có công mở mang bờ cõi, giao tiếp buôn bán với phương Tây, tạo dựng một Ðàng Trong thịnh vượng vững vàng. Ðến đời chúa Võ Vương do nhu nhược, ham chơi, đã bị quyền thần Trương Phúc Loan lấn áp, thao túng, lũng đoạn triều đình, vơ vét của dân làm của riêng bằng sưu cao thuế nặng làm cho dân tình lầm than, ai  oán. Thuận theo lòng người, năm 1771 anh em nhà Tây Sơn nổi lên khởi nghĩa từ Qui Nhơn và 2 năm sau chiếm được thành. Năm 1774 chúa Trịnh nhân cơ hội thấy Ðàng Trong suy yếu đem quân vượt sông Gianh đánh vào Nam và chiếm được thành Phú Xuân. Quân Tây Sơn giả vờ thuần phục chúa Trịnh, dồn hết sức lực tấn công Chúa Nguyễn. Năm 1777 hai chúa Nguyễn Phúc Thuần và Nguyễn Phúc Dương lần lượt bị Tây Sơn bắt giết. Nguyễn Ánh kế vì lên ngôi vương nhưng bị Tây Sơn đánh đuổi chạy qua trốn ở Xiêm La. Cuối cùng, năm 1786 chúa Trịnh Ðàng Ngoài cũng bị Tây Sơn tiêu diệt, chấm dức tình trạng chia đôi đất nước và thống nhất sơn hà. Tính từ khi chúa Trịnh Tráng đem quân đánh chúa Nguyễn Phúc Nguyên năm 1625, đến khi nhà Tây Sơn dẹp được cả chúa Nguyễn lẫn chúa Trịnh vừa đúng 160 năm chia cắt trong ngoài.

Tại sao Vũ Thanh phải viết Én Liệng Truông Mây

            Lịch sử loài người luôn lập lại: "nơi nào có áp bức, nơi đó có đấu tranh". Trong suốt bề dày của lịch sử Ðại Việt, bất cứ triều đại nào làm mất lòng dân là thời đó có loạn biến, khởi nghĩa. Sống trong cảnh lầm than, cơ cực lại bị hiếp đáp, bóc lột, nhũng nhiễu, nhiều sĩ phu áo vải đã tập hợp nông dân chỉ với gậy gộc, tầm vông đã dám nổi lên chống lại triều đình trung ương. Nhiều cuộc khởi nghĩa bị dẹp tan, thủ lãnh bị phanh thây, nhưng ý muốn đổi đời, cứu người, thay đổi xã hội đã hun đúc bao anh hùng lớp lớp đứng lên làm lịch sử. Thời hậu bán thế kỷ 18, ở Ðàng Trong, Quốc Phó Trương Phúc Loan và bè lũ cậy quyền áp bức phủ Chúa, hà hiếp và bóc lột dân lành là cơ hội tốt cho nông dân nổi dậy. Nhiều phong trào đấu tranh của các tầng lớp nhân dân chống triều đình Chúa Nguyễn nổ ra liên tục, trong đó tiêu biểu là cuộc khởi nghĩa ở Truông Mây do Chàng Lía lãnh đạo. Cuộc khởi nghĩa chợt phát, vội tàn, nên trong chính sử, thời sử cũng như hậu sử không có ghi chép nhiều về cuộc binh biến này. Nhưng riêng với người dân Ðàng Trong, nhất là người dân xứ Qui Nhơn, Bình Ðịnh, nơi thủ lĩnh có tên là Chàng Lía đã hợp cùng anh em nổi dậy ở Truông Mây, Hoài Nhơn, thì câu chuyện về cuộc khởi nghĩa này vẫn được truyền tụng trong mãi mãi dân gian.

            Là người con được sinh ra từ vùng đất võ Bình Ðịnh, Vũ Thanh đã đem hết tâm huyết, tìm tòi, nghiên cứu viết lại những dữ kiện, làm rõ những bí ẩn, giải thích những khúc mắc của giai đoạn lịch sử hào hùng nơi quê hương mình. Sách sử của các triều đại thường được các sử gia viết với mục đích kể công, đánh bóng thành qủa của vua quan thời đại mình. Những gì thiếu tính tích cực thường bị các sử gia thời đó dấu nhẹm hay bóp méo. Hãy nhìn một triều đại Tây Sơn oai hùng, rạng rỡ, vững mạnh đã làm cho nước Xiêm La ở phía Nam bạt vía, tiêu  hồn, và nhà Thanh ở phía Bắc nể nang, kiêng dè mà vua tôi nhà Nguyễn Gia Long đã chỉ ghi lại trong sách sử như một bọn thảo khấu loạn thần, một đám "ngụy" không hơn không kém, thì với cuộc khởi nghĩa của Chàng Lía bị coi là bọn giặc cỏ, không cần nhắc tới, không có gì lạ. Nhà biên khảo Quách Tấn, người gốc Qui Nhơn, trong Non Nước Bình Ðịnh cũng chỉ nhắc đến câu chuyện Chàng Lía đã khởi nghĩa và thất bại trong vài trang sách, dựa vào hai câu ca dao truyền miệng trong dân gian:
"Chiều chiều én liệng truông mây
Cảm thương chú Lía bị vây trong thành"

            Với Vũ Thanh, câu chuyện Chàng Lía không phải đơn giản chỉ có thế. Muốn hiểu biết sâu xa về nguyên nhân cuộc khởi nghĩa đưa đến thành công vang dội của anh em nhà Tây Sơn bắt đầu từ năm 1771 chống lại Phú Xuân, trước hết phải biết rõ về cuộc khởi nghĩa và nguyên nhân thất bại của anh em Truông Mây trước đó vài năm. Theo tác giả, Chàng Lía và Nguyễn Nhạc ở đất Tây Sơn sinh ra cùng thời, chơi với nhau cùng những người bạn thơ ấu trong làng. Dù là bạn nhưng hai con người có hai nguồn gốc, tư tưởng, sở học, gia thế, hoài bão rất khác nhau nên kết cuộc thành, bại cũng khác nhau. Trong bộ  trường thiên tiểu thuyết lịch sử Tây Sơn Tam Kiệt, tác gỉa đã dành đến 4 tập sách dày viết về tình trạng xã hội, dân tình, thế thái và những điều kiện lịch sử chín mùi để sau này Tây Sơn dựng cờ khởi nghĩa được thành công. Nói cách khác, muốn biết nhờ đâu mà nhà Tây Sơn đã khởi nghĩa thành công thì phải biết đến nguyên nhân dẫn đến thất bại của cuộc khởi nghĩa Truông Mây.
            Vì mồ côi cha, phải cùng mẹ lưu lạc, sống trong nghèo đói, bị xã hội khinh rẻ, chà đạp nên Lía nuôi lòng thù ghét bọn nhà giàu, trọc phú và quan quyền. Lía nổi loạn cùng với anh em với một mục đích là cướp của nhà giàu chia cho dân nghèo, như một Robinhood của đất Ðại Việt. Tác giả đã phân tích cặn kẽ về tâm lý nhân vật, cá tính của những thủ lãnh, cũng như tất cả những chiến thuật, chiến lược mà Truông Mây đã sử dụng để chống lại triều đình, vốn đã suy yếu và mục rữa từ bên trong bởi bọn tham quan ô lại. Với thời cơ thuận lợi đó, Truông Mây đã nâng cao chí hướng, từ cướp của nhà giàu phát cho nhà nghèo, họ đã muốn đánh đổ cả triều đình mục nát để lập lại một xã hội mới, giúp người dân nghèo có được một cuộc sống ấm no. Nhưng những anh hùng, hiệp sĩ của Truông Mây đã thất bại. Vì theo tác giả thì: "anh hùng thì nhiều nhưng chơn chúa chỉ có một". Cho nên điều kiện xã hội tuy đã chín muồi để thay đổi nhưng nó vẫn phải cần một vì chơn chúa xuất hiện. Và theo cái động lực vô thức của lịch sử cùng sự phát triển xã hội, Nguyễn Nhạc, người anh cả của ba anh em Tây Sơn đã xuất hiện như một vì chơn chúa để tiếp nối tinh thần Truông Mây, dẫn đến Nhất Thống Sơn Hà.

Thông điệp của Vũ Thanh trong Én Liệng Truông Mây

            Mục đích của tác giả khi viết Én Liệng Truông Mây không đơn thuần chỉ để "mua vui cũng được một vài trống canh". Bàng bạc trong gần 2 ngàn trang sách Vũ Thanh nói đến thảm cảnh bôi mặt đá nhau của con dân nước Việt có thể sẽ đưa đất nước đến hoạ diệt vong. Trong 4 tập sách tác giả luôn nhắc nhớ đến tính đoàn kết, một yếu tố tối cần thiết để đất nước trường tồn và duy trì tinh thần bất khuất của dân tộc Ðại Việt.

            Ðể biện minh cho dũng khí của đám nghĩa binh Truông Mây nổi loạn, Vũ Thanh đã viết theo lời trần tình, biện minh của Chàng Lía cho công cuộc nổi dậy: "...Mọi người sinh ra đều có quyền được bình đẳng. Từ vật chất đến tinh thần. Sự nghèo khó của một vài cá nhân đơn lẻ còn có thể qui cho số mệnh, nhưng cả một tập thể to lớn nghèo khổ, chỉ có một số ít người quyền hành giàu có, thì đó là sự bất công chứ không còn là số mạng nữa. Sự bất công ấy được tạo ra bỡi một số ít kẻ đang nắm quyền hành trong tay..." (tr. 54, tập 4). Cái triết lý sống và dấn thân đó của sĩ phu, với thời đại nào cũng đúng, không chỉ riêng thời Trương Phúc Loan tiếm quyền chúa Nguyễn. Thượng bất chánh, hạ tất loạn, người dân chống lại hôn quân và sẵn sàng nổi loạn vì muốn đòi lại cái quyền được sống an lạc, thảnh thơi, không bị nhũng nhiễu, hà hiếp. Viết về những hiệp sĩ trong tập thể Truông Mây, tác giả nhấn mạnh: "...Cái đạo lý của giới anh em Truông Mây là trừ ác hành thiện, cứu khốn phò nguy, bênh vực người nghèo khó. Họ bất cần Vua hay Chúa, nếu Vua Chúa chỉ là bọn tàn bạo làm hại muôn dân như triều đình Phú Xuân và Thăng Long..." (tr. 35, tập 4). Một triều đại muốn cho dân thuận theo thì người đứng đầu phải là một minh quân, nói dân nghe, làm dân theo, và ngược lại.

            Trong câu chuyện Chàng Lía, tác giả không nhằm khai thác và lý giải tại sao người Việt chia rẽ chém giết nhau, mà đã dùng đó làm cái cớ kêu gọi người dân Nam phải đoàn kết, để cùng nhau chiến đấu chống ách thống trị phân quyền của hai phủ Chúa, có thể đưa đến họa diệt vong đến từ phương Bắc. Diệt vong không phải chỉ xảy ra khi mất chủ quyền, lãnh thổ mà đã xảy ra khi người dân quên mất văn hóa và cội nguồn của mình. Vì không biết mình là ai, cần phải làm gì để được trường tồn. Viết lại lịch sử trong thời buổi trong ngoài phân tranh, nêu những quan hệ mật thiết giữa vua quan Ðàng Trong với Thanh triều hơn là triều đình Vua Lê, Chúa Trịnh Ðàng Ngoài, tác giả đã nhắc nhở cho con dân nước Việt nhớ rằng: dầu ở Đàng Trong hay Đàng Ngoài vẫn là con dân một nước Ðại Việt, và chuyện chia cắt, phân tranh chỉ là giai đoạn.
            Trước hiểm họa lấn chiếm từ một nước lớn luôn rình rập, buộc nước nhỏ phải mở mang bờ cõi cho đủ lớn mạnh để gồng mình chống lại ngoại xâm. Người dân Việt thời ấy từ miền Bắc di cư vào miền Trung, rồi từ miền Trung vô miền Nam, khai phá mở đường, biến  những vùng đất bị hoang hóa do người Miên bỏ đi thành những cánh đồng lúa màu mỡ nuôi sống một Ðàng Trong từ sông Gianh trở vào. Một giai đoạn di dân vĩ đại nhất trong lịch sử dân tộc mà từng đoàn người, đa số là những tội nhân bị đày ải, những người hành khất không nhà, dân nghèo khổ không ruộng cày...theo thuyền buôn thuận gió bấc vào tận Giản Phố, Gia Ðịnh, Trấn Biên...rồi mở đường, mở cõi, đến tận mũi Cà Mau . Họ đã sống hòa thuận như anh em một nhà, chung lưng với người dân Miên, dân Chiêm và cả người Hoa đã đến miền Nam trước và cùng nhau biến những vùng đất mặn phù sa thành những cánh đồng bát ngát. Nơi vùng đất mới lập, thiếu phép tắc, kỷ cương, luật lệ, đã không thiếu những cuộc tranh giành quyền lợi đẫm máu của những nhóm người. Nhưng với tinh thần khai phóng, rộng mở và dĩ hoà vi qúy, dân di cư Ðại Việt đã hóa giải được hết những khác biệt về văn hóa, phong tục với các nhóm dân khác và tất cả đều quay về tuân phục triều đình trung ương Ðàng Trong.

            Nhìn lại lịch sử ta thấy trong cái rủi có cái may, sau suy vong tất đến thời hưng thịnh. Giả sử nếu đầu thế kỷ thứ 17 không có chuyện tướng Nguyễn Hoàng (Chúa Tiên) xin vào miền Trung lánh nạn, để rồi nhân cơ hội nước Chiêm Thành tự diệt và nước Cao Miên có nội loạn thì biên giới nước Ðại Việt cùng lắm cũng chỉ tới Qui Nhơn nơi vua Lê Thánh Tông đã đánh chiếm được thành Chà Bàn năm 1471 và đưa di dân từ miền Bắc vào đây khai khẩn. Nhu cầu mở cõi vào tận miền Nam để đủ mạnh chống lại vương triều Ðàng Ngoài là công trình mở rộng đất nước vĩ đại nhất của lịch sử dân Việt. Công lao mở nước của 9 đời Chúa ở Ðàng Trong, đến đời Nguyễn Phúc Thuần (Chúa Ðịnh), đã bị ô uế. Một tên Quốc Phó Trương Phúc Loan tham quyền đã làm mất lòng dân, tạo cơ hội nổi loạn của nhóm nghĩa sĩ Truông Mây Chàng Lía để mở màn cho anh em Tây Sơn khởi nghĩa liền sau đó và thống nhất sơn hà.
 
            Chàng Lía là hình ảnh của một sĩ phu phải hành động khi quốc gia suy vong. Lía là hiện thân của người nông dân thất học, nghèo hèn, nhưng làm đúng việc mà nhân dân mong đợi nên khi đứng lên đã nói dân nghe, làm dân theo. Lía không có tham vọng làm vua, Lía chỉ muốn giúp đám dân nghèo bằng một tấm lòng hiệp nghĩa, một tình thương to lớn của một người hiệp sĩ, của một kẻ đồng bệnh tương lân. Cho nên, dù sau này Truông Mây đã có một người quân sư tài ba như Trần Lâm, cuộc khởi nghĩa cuối cùng cũng đành thất bại chỉ vì lòng thương người của vị chủ tướng Lía, khi họ vừa chiến đấu chống triều đình, vừa phải chia xẻ lương thực nuôi đám dân nghèo tụ tập đến nương nhờ, những người dân mà lẽ ra triều đình phải có bổn phận nuôi nấng họ. Truông Mây không thành công, nhưng đã cho những anh hùng thời đại ấy biết nỗi khát khao muốn vùng lên của người dân, và công việc lật đổ một bạo quyền đã mục rữa, mất lòng dân, rất cần thiết và có thể thực hiện được. Thời đại nào cũng có người tài. Ðất nước càng loạn lạc, người tài xuất hiện càng nhiều. Ðất nước thái bình, người dân sống an lành, sĩ phu ra làm quan để vỗ về và chăm lo cho bá tánh. Hình ảnh những người hiệp sĩ trong Én Liệng Truông Mây là hình ảnh của những sĩ phu thời đại, ý thức được vai trò cần phải nhập thế, đi làm cách mạng. Những sĩ phu văn võ song toàn, bên những mỹ nhân sắc đẹp nghiêng thành, thế mà họ vẫn không bị sắc dục cám dỗ, coi nhẹ tình cảm gái trai, hy sinh cuộc sống riêng tư mà mưu cầu đại cuộc.
            Với một đất nước nước nhỏ bé trong tình trạng phân tranh, những anh hùng liệt nữ thời đó đã sớm ý thức: muốn cho tổ quốc trường tồn, trước hết là phải làm sạch xã hội. Bọn tham quan là cặn bã, ung nhọt cần phải bị tiêu diệt, để chấn hưng kinh tế, giúp quốc thái dân an, mới mong có được một nội lực hùng mạnh hầu giữ vững cõi bờ. Khi lòng dân đã qui về một mối, Vua của nước Ðại Việt không còn phải qùy lụy xin làm và được ban cho chức An Nam Quốc Vương từ nước lớn ban quyền, như bố thí, mà phải là một vị Hoàng Ðế toàn quyền, oai dũng, không còn phải lệ thuộc vào ai. Từ thời lập quốc, cho đến cận sử, duy nhất chỉ có thời nhà Tây Sơn, sau khi thống nhất sơn hà đã xưng Ðế (Trung Ương Hoàng Đế Nguyễn Nhạc) mà không cần sự ưng thuận hay chấp chiếu của triều đình phương Bắc. Ðó là một thời oanh liệt vẻ vang nhất của dân tộc, người dân Ðại Việt đã ngẩng cao đầu không biết sợ ngoại bang. Muốn được như thế, không phải chỉ có người cầm quyền tài giỏi mà toàn dân phải cùng chung sức, quyết tâm và đoàn kết một lòng. Rủi thay, những thời hoàng kim như thế rất hiếm, và nếu có cũng không dài, trong lịch sử hình thành nước Ðại Việt.

Một tiểu thuyết lịch sử cần phải đọc

   Người ham mê đọc sách kiếm hiệp sẽ tìm thấy trùng trùng trong Én Liệng Truông Mây những cảnh so tài, tranh phân tuyệt kỹ, giữa những cao thủ võ lâm. Những đường roi, bài quyền, khinh công, phi tiêu ... của những hiệp sĩ nước Việt khi đụng độ với những tay anh chị cát cứ trong vùng đất mới. Trên đường thiên lý từ miền Trung vào Nam, những sĩ phu thời đó phải đấu tranh liên tục và chống chọi thường xuyên với tàn dư quân Chiêm Thành còn sót, những lãnh chúa người Hoa trong nhóm phản Thanh phục Minh lánh nạn, và tham vọng lấy lại vùng đất đã mất của người Cao Miên. Những trận đấu quyền so tài cao thấp trên khán đài, những lần tập kích bọn buôn lậu, thảo khấu, quan quyền... được tác giả, với một bút pháp tài tình, diễn tả từng chi tiết như đưa ta về thời mở cõi và như người khán giả được chứng kiến tận mắt.
            Ðơn cử một cảnh "biểu diễn" võ thuật sau đây được tác gỉa mô tả giữa một bên là tráng sĩ người Việt, một bên là cao thủ người Hoa: " ...Trần Nguyên Hảo rút thanh Ô Long Ðao ra khỏi vỏ. Một tiếng ngân trầm vang lên mang theo một luồng hơi lạnh xoáy buốt màng nhĩ. Thanh đao đen tuyền một màu từ cán đến lưỡi, trông rất nặng nhưng có vẻ không sắc bén lắm, dù thế thanh đao vẫn toát lên một sự cương mãnh uy nghi. Ông rung mạnh tay đao ra chiêu tấn công tên đại ca Lãnh Diện Truy Hồn. Tên cầm đầu thấy đường đao dũng mãnh của Nguyên Hảo vội vàng thoái lui một bước né tránh rồi vung kiếm phản công..". (tr. 18, tập 1).

            Không chỉ nói chuyện đánh kiếm so tài cao thấp đời nay, tác giả đã đưa người đọc về với qúa khứ huy hoàng xa xưa với những tài sản trí tuệ bị bỏ quên, nay nhân dịp nhắc nhớ đến lịch sử của một dân tộc Bách Việt oai hùng:
"...Kỹ thuật luyện kiếm đúc gươm của dòng Bách Việt đã đạt đến trình độ rất cao như Âu Dã Tử nước Việt, Cao Lỗ nước Âu Lạc chẳng hạn. Về sau người Hán thống trị Trung Nguyên và các nước nhỏ lân bang nên đã sở hữu luôn kho tàng trí tuệ đó. Họ đã cố xóa đi hoặc bưng bít, cấm đoán các dân tộc nhỏ nhắc nhở về cội nguồn tinh hoa trí tuệ của tổ tiên mình. Cho nên lâu dần chúng ta cứ ngỡ rằng những tài năng và tài sản qúi báu kia là của người Hán..." (tr. 60, tập 2).

            Những cảnh trai tài gái sắc cùng ngắm trăng trên sông nước hữu tình cũng được thi vị hoá làm cho câu chuyện chiến tranh thù hận và chết chóc giảm bớt đi cường độ. Khi tả cảnh chia ly giữa đôi trai tài gái sắc, Vũ Thanh đã khéo léo lồng vào đó một hình ảnh dứt khoác của anh hùng Trần Lâm quyết quên mình vì thù nhà, nợ nước và một bên là tấm lòng trung trinh dâng hiến trọn vẹn cho người mình yêu một cách âm thầm của cô tiểu thư tuyệt sắc Tiểu Hồng:
"...Trăng đã nhú lên, họ ngồi im lặng ngắm trăng, không nói thêm một lời nào nữa. Cho đến lúc mặt trăng tròn vành vạnh treo cao trên đỉnh núi, họ thả ngựa chầm chậm trở về. Hôm sau, Trần Lâm gĩa từ mọi người ra đi, Tiểu Hồng bày một cuộc rượu nhỏ tiễn đưa. Ðêm đó qua màn nước mắt, dưới ánh bạch lạp nơi cô phòng, Tiểu Hồng đã gói gọn cảnh chia li ấy bằng mấy dòng thơ:
Run tay chuốc chén đăng trình
Cõi lòng nhi nữ mông mênh giọt sầu
Người đi cố bước đi mau
Người về trắng những canh thâu nhớ người
Ðường tình nay đã chia đôi
Gặp nhau chi để ngậm ngùi mất nhau..
(tr. 328, tập 3).

            Dầu đã quyết chí lên đường dấn thân trong thời đại nhiễu nhương, những hiệp sĩ thời Truông Mây khởi nghĩa không chỉ đi tìm cái sống trong cái chết, họ vẫn ung dung với bầu rượu túi thơ, đúng nghĩa với cái thú tiêu dao thi tửu, mỗi khi có dịp. Ðọc một đoạn sau đây để xem tài Vũ Thanh tả cảnh uống rượu của một dũng sĩ qua sông và ông lão lái đò trên bến My Lăng, trên dòng sông Côn thơ mộng: "Trần Lâm nâng chung rượu lên môi, một cảm giác mát lạnh truyền qua những ngón tay, một mùi hương vừa thoảng vừa nồng bốc lên mũi thật khoan khoái. Chàng nhấm môi một chút, vị nồng nàn, lăn tăn tê nơi đầu lưỡi. Uống trọn chung hơi ấm đã theo chất rượu chạy dần xuống bao tử sau đó lan tỏa khắp châu thân. Chàng "khà" lên một tiếng và đặt chung xuống bàn..." (tr. 354, tập 3).
  
            Ðể lý giải một phần sự thất bại của nghĩa sĩ Truông Mây, tác giả mượn lời của thầy giáo Hiến, thầy dạy học cho Nguyễn Huệ, một bộ não của phong trào Tây Sơn sau này, nói với Nguyễn Nhạc như để nhắc nhở: "...Làm hiệp sĩ khác với làm chiến sĩ cách mạng. Làm chiến sĩ cách mạng thì thắng lợi là trên hết, đôi khi phải đạp lên trên mọi thứ để đi tới đích. Còn hiệp sĩ thì thấy việc nghĩa dẫu chết cũng không từ. Chính cái tinh thần ấy đã đẩy Truông Mây vào thế kẹt hiện nay là phải vừa chuẩn bị đánh giặc vừa nuôi một đàn con đông, trong khi nhà lại chật và nghèo. Họ vì lòng nghĩa hiệp mà đứng ra gánh vác miếng ăn cho hàng vạn người nghèo sắp chết đói, đây là một nghĩa cử cao đẹp, nhưng chính nghĩa cử ấy sẽ đẩy họ vào chỗ chết..." (tr.. 239, tập 4).

            Về phần của thủ lãnh Truông Mây, sau khi bị quân binh triều đình đánh bại, đồng bọn bị thảm sát, chỉ còn: "Lía cõng Trần Lâm băng mình trong đêm khuya, lòng hoảng loạn tơi bời. Mới ngày nào, thành Truông Mây còn sừng sững, rực rỡ tinh kỳ, anh em đông đủ, hào khí ngất trời mà nay chỉ sau một đêm đã tan nát, vùi chôn dưới đống tro tàn. Hơn bốn ngàn nghĩa sĩ giờ chỉ còn lại một mình chàng và Trần Lâm đang im lìm trên lưng chưa biết sống chết ra sao. Bao nhiêu hình ảnh tang thương, chết chóc, cứ quay cuồng trong đầu, những cái chết thê thảm của anh em nghĩa binh, xác của người vợ mà chàng thương yêu hết mực bị giẫm nát..." (tr. 442, tập 4).

            Chàng Lía chết, Truông Mây tan rã, nhưng đó chỉ mới là sự chấm dứt của một biến cố trong trang sử Việt để chuẩn bị mở một trang sử khác mãnh liệt hơn, oai hùng hơn. Chàng Lía mất đi đã hơn 240 năm qua, nhưng âm vang và ảnh hưởng của cuộc khởi nghĩa của những anh hùng Truông Mây, trong tâm trí người dân đất Bình Ðịnh đến nay vẫn chưa phai nhạt. Vũ Thanh đã dựng lại cho ta thấy những thảm cảnh lịch sử, những sai lầm của các triều đại, những  nỗi đớn đau và chịu đựng của người dân cùng khổ thời đó để chỉ mong một điều là thời nay con dân Việt sẽ học được bài học, để vết nhơ của lịch sử không còn tái diễn.

            Với những ai có lòng thương dân, yêu nước, hãy đọc những lời chàng hiệp sĩ Trần Lâm đã khóc và thề với vong linh người thân: "... Cha mẹ và em hãy yên lòng nhắm mắt, con sẽ dùng thanh kiếm này để tiêu diệt lũ sâu dân mọt nước, đem lại thanh bình, cơm no áo ấm cho muôn dân. Con đã vĩnh viễn mất đi gia đình nhỏ thì nhất định sẽ xây dựng cho bằng được một gia đình lớn. Ðó là quốc gia, là dân tộc này..." (tr. 12, tập 4).

            Vũ Thanh đã đem tâm huyết, trí tuệ và trải lòng mình trên những con chữ, chuyên chở tâm tình, mơ ước cũng như hoài vọng, rằng: muốn luận về tương lai ta phải biết và thuộc lịch sử của qúa khứ. Những bài học lịch sử luôn đáng gía, chỉ vì không học hết để biết, hay học rồi quên, nên nhiều lãnh tụ đã thất bại chua cay. Là người đọc, bổn phận chúng ta là tiếp tay với tác giả để phổ biến tác phẩm này càng rộng, càng nhiều, càng xa, càng tốt. Ðó là một nghĩa cử không khó lắm để làm.

            Tác giả Vũ Thanh tâm sự: "Dã sử mang tính trí tuệ giống như một lối mòn, đi nhiều, đi hoài, lối mòn đó sẽ thành quan lộ dẫn tới lịch sử". Người Tàu gần đây rất thành công khi đã hoàn thành những bộ phim hấp dẫn lôi cuốn, thu hút người xem. Họ cho dựng lại những câu chuyện lịch sử, đa số là hư cấu, tuyên truyền về một nước Trung Hoa thật vĩ đại, hào hùng để quảng bá hình ảnh một nước Trung Hoa đã lớn mạnh như thế từ mấy ngàn năm trước. Phương tiện giải trí tưởng vô thưởng vô phạt này đã giúp cho người Tàu đánh bóng hình ảnh, cùng lúc biện minh cho công việc bành trướng lãnh thổ, lấn chiếm lân bang của Bắc Kinh gần đây như là việc phải làm của một nước lớn mạnh trong vùng đối với những nước nhỏ yếu kém như thời xa xưa đã làm. Qua phương tiện truyền thông, và bị ảnh hưởng bởi phim ảnh, đa số người Việt vô tình đã hiểu lịch sử Tàu còn rõ hơn lịch sử nước nhà. Đó là nỗi đau nhược tiểu! Cho nên  những đóng góp của tác giả Vũ Thanh trong tác phẩm Én Liệng Truông Mây đã thổi một luồng gió mới vào nền văn học dã sử nước nhà, giúp đẩy lùi ảnh hưởng văn hóa mang tính truyền bá ngoại lai.

 Dân Việt phải thuộc sử Việt nếu không muốn bị vong bản, mất gốc, đưa đến mất nước.

Ðó là cũng là những hành động vì đại cuộc, quốc gia, và dân tộc này vậy.

Nguyên Lương
Horsham, tháng 4, 2015