Viết và gởi về tất cả Anh-Chị-Em ở ở hai bờ thương, nhớ
Nhân kỳ họp gần nhất của hai Ban Điều Nghiên GĐPT Việt Nam tại Hoa Kỳ ở chùa Phổ Từ, Hayward, dưới sự chứng minh của Thượng Tọa Thích Từ Lực, tôi được anh Đồng Duy Lê Ngọc Luôn kể mấy điều dặn dò của anh Phúc Thiện Ngũ Duy Thành trước khi về gặp gỡ với anh chị em, cần nhất là nói và làm những việc đừng gây tổn thương cho nhau, nó đồng thời là tổn thương tập thể tổ chức. Anh Luôn nhấn mạnh, “anh Thành nhắc nhở hoài điều này với tụi anh”. Qua đó anh Luôn cũng dặn dò chúng tôi trong Ban Điều Nghiên, mặc dù thì với các anh, những đứa em như chúng tôi những lần về gặp gỡ các anh chị, đâu còn biên giới của Ban này, hay Ban kia. Toàn bộ ý nghĩa và nhiệm vụ của Hai Ban Điều Nghiên, cũng chỉ mong góp phần xóa mờ những khái niệm phân biệt đối đãi mà thôi. Quả thực di giáo của Đức Thế Tôn vẫn được Cố Đại Lão Hòa Thượng Quảng Độ thâm thiết trùng tuyên có gợi lên cho chúng ta bài học thiết thực nào trong hoàn cảnh phân hóa của thực thể GĐPT trong nhiều năm qua không: “… mỗi thành viên trong Tăng, hoặc gián tiếp hoặc trực tiếp, đều có thể là sơ duyên hoặc thân duyên cho tình trạng bản thể thanh tịnh của Tăng bị hoen ố bởi khách trần phiền não, bản thể thanh tịnh bị phá hoại bởi dị giới, dị kiến, dị oai nghi. Quy lỗi cho các đồng phạm hạnh khác và tự khẳng định không lỗi, dù đúng hay sai, thảy đều là nhân duyên cho Tăng-già không hòa hiệp”. Và nữa, trong pháp Yết Ma, để thiện pháp được duy trì và tăng trưởng tăng ích trong cộng đồng đệ tử Phật, “khí phấn tảo chỉ tranh luật”, hay “Như thảo phú địa”, nghĩa là chấm dứt đấu tranh như quăng bỏ giẻ rách, hay như rải cỏ che lấp chỗ đất dơ… Anh-Chị-Em mình, đã đến lúc nên chăng?
Này A Nan, như vậy gọi là Ưng dữ như khí phấn tảo chỉ tránh luật. Này A Nan! Sự đấu tranh ấy phải được đoạn trừ như vậy. Tức do luật chấm dứt đấu tranh như quăng bỏ dẻ rách.
Này A Nan! Nay ta nói cho thầy sáu pháp ủy lao, hãy lắng nghe kỹ, hãy khéo suy nghĩ kỹ. Tôn giả A Nan bạch rằng: Kính vâng, con xin vâng lời lắng nghe. Ðức Phật dạy:
Thế nào là sáu: Thần nghiệp từ hòa hướng đến các vị đồng phạm hạnh, pháp ấy gọi là pháp ủy lao. Ðó là pháp khả ái, là pháp khả lạc, khiến cho ái niệm, khiến cho tôn trọng, khiến cho phụng sự, khiến cho cung kính, khiến cho tu tập, khiến cho hòa thuận, được là sa môn, được sự nhất tâm, được sự tinh cần, chứng đắc Niết Bàn.Khẩu nghiệp nói năng từ hòa, ý nghiệp từ hòa, có lợi lộc nào đúng pháp mà được, cho đến miếng cơm ở chính trong bình bát của mình, với phần lợi như vậy, mang chia xẻ cho các vị đồng phạm hạnh, pháp đó gọi là pháp ủy lao, là pháp khả ái, pháp khả lạc, khiến cho ái niệm khiến cho tôn trọng, khiến cho phụng sự, khiến cho cung kính, khiến cho tu tập, khiến cho hòa thuận, được là sa môn, được sự nhất tâm, được sự tinh cần, chứng đắc Niết Bàn.
Nếu có giới nào không bị sứt mẽ, không bị hư thủng, không bị dơ, không bị đen, vững vàng như mặt đất được thánh khen ngợi, đầy đủ cẩn thận, thọ trì. Với giới phần như vậy, cùng chia xẻ với các vị đồng phạm hạnh, pháp đó là pháp ủy lao, là pháp khả ái, là pháp khả lạc, khiến cho ái niệm, khiến cho tôn trọng, khiến cho phụng sự, khiến cho cung kính, khiến cho tu tập, khiến cho hòa thuận, được là sa môn, được sự nhất tâm, được sự tinh cần, chứng đắc Niết Bàn.
Nếu có kiến giải của thánh có sự xuất yếu, có sự thấy rõ, có sự thấu triệt, đưa đến sự chân chánh diệt khổ, với kiến phần như vậy, cùng chia xẻ với các vị đồng phạm hạnh, pháp đó là pháp ủy lao là pháp khả ái, là pháp khả lạc, khiến cho ái niệm, khiến cho tôn trọng, khiến cho phụng sự, khiến cho cung kính, khiến cho tu tập, khiến cho hòa thuận, được là sa môn, được sự nhất tâm, được sự tinh cần, chứng đắc Niết Bàn.
Này A Nan! Ta vừa nói sáu pháp ủy lạo, vì vậy mà ta giảng giải. Này A Nan! Nếu các thầy đối với sáu gốc rễ của đấu tranh mà đoạn tuyệt hoàn toàn, và với bảy pháp chấm dứt đấu tranh, khi trong tăng chúng khởi lên đấu tranh, thì chấm dứt bằng luật chấm dứt đấu tranh như quăng bỏ dẻ rách, rồi lại thực hành sáu pháp ủy lạo ấy, thì này A Nan! Như vậy sau khi Ta khuất bóng, các con sống cộng đồng hòa hợp hoan hỷ không tranh chấp, cùng đồng nhất trong một tâm, cùng đồng nhất trong một giáo pháp, hòa hợp như nước với sữa, khoái lạc du hành như lúc Ta còn tại thế. | Kinh Trung A Hàm, Phẩm Đại | Hán Dịch: Phật Ðà Da Xá & Trúc Phật Niệm, Việt Dịch & Hiệu Chú: Thích Tuệ Sỹ.
Niên trưởng Phúc Thiện Ngũ Duy Thành | Ảnh: Sen Trắng
Trở lại lời dặn của anh Phúc Thiện, có xa khác gì mấy điều mà anh Quang Ngộ Đào Duy Hữu và Nguyên Từ Nguyễn Quốc Hưng đã nhắc tôi khi xe bắt đầu chuyển bánh về Phổ Từ. Tâm tình của các anh bây giờ ví là sự “trở về” thì đã là sao. “Để hợp nhất được, mình không đòi hỏi bất cứ một điều kiện gì hết”.
Sự cẩn mật chính đáng của các Anh Chị hai BHD, rồi hai Ban Điều Nghiên Hợp Nhất dường như là kinh nghiệm của bài học quá khứ, khi mà hoàn cảnh “Đưa tay ta vẫy ngoài vô tận. Chẳng biết xa lòng có những ai?” (Phạm Hầu). Bởi hoàn cảnh còn xa lòng ấy nên nhất cử nhất động, từng lời nói các Anh đều cẩn trọng đến nhiều lúc ta nghe lặng yên như tờ. Cho nên, có hiện tượng nhiều anh chị em không hiểu nhiệm vụ của hai Ban Điều Nghiên phải làm những gì, và đã tạo được những gì trong thời gian vừa qua, nhưng là tiền đề tươi sáng sắp tới.
Thảo luận bấy giờ là một nghệ thuật để dần đưa anh chị em đến mảnh đất tăng trưởng sự hiểu biết và tình thương. Song, im lặng lại là một công án trên tất cả đỉnh cao của sự quán chiếu, chứng nghiệm.
Một hôm, bỗng nhận được một mẫu tin nhắn điển hình như của chị Tâm Phùng dưới đây, cảm xúc như vỡ òa, như muốn khóc. Tất nhiên có rất nhiều anh chị em không có được cùng cảm xúc như vậy. Làm sao để thế hệ các em mình sau nữa, được hưởng trọn vẹn gia tài tình thương và trí huệ của tất cả các bậc Tiền Bối hiếm hoi còn lại của tổ chức trong thời điểm này, như thế hệ chúng tôi may mắn đã từng, đó là một trong những điều tôi và anh Quảng Quý đã nói với nhau buổi sáng hôm nay.
Tôi rất “lười” họp BHD, cái này anh trưởng ban Quang Ngộ Đào Duy Hữu biết, chị Nguyên Thuyết Lê Minh Thi biết, và nhiều anh chị em thân gần tôi biết. Song, lạ kỳ là tôi không từ nan họp mặt Ban Điều Nghiên, dù họp ở một nơi xa tôi vẫn cố gắng về. Ở đó tôi tìm lại được mình, đồng nghĩa được tắm gội trong nguồn suối mát của tổ chức mình… Những tranh luận, dẫu gay gắt nếu có, từ trong bản chất của lịch sử đất nước, đạo pháp và phong trào, tôi nhìn ra tình cảm của những thế hệ anh chị trưởng đáng tuổi Ông, Cha, Chú, Mẹ, Dì… của mình dắt díu nhau đi trong phong vận nghiệt ngã của một dân tộc. Sự bảo vệ tổ chức, đồng nghĩa bảo bọc đàn em, cách nào cũng có ý nghĩa tình thương tuyệt đối. Nơi thế giới tình thương đó, có khi không cần lý lẽ!
Anh Tâm Nghĩa ôm chầm Chị Trưởng Tâm Phùng trong một dịp gặp gỡ hiếm hoi | Ảnh: Sen Trắng
Hôm qua có gọi thăm Trưởng niên Quảng Quý Huỳnh Kim Lân, đầu dây giọng nói đủ nghe, nhưng không hối hả được như trước, anh thấm bịnh đã lâu. Song, mừng là vì những ngày nằm bịnh, anh em hai miền Thiện Minh-Liễu Quán và nhất là anh chị em GĐPT Kim Quang vẫn năng lui tới hỏi han, hỗ trợ khi cần. Tôi và anh lại có dịp nói với nhau nhiều về ý tưởng sinh hoạt trong GĐPT, cùng nhau nhắc lại chuyện vui buồn cũ mới. Khác với “quan niệm” của tôi về anh lúc trước, khi đề cập đến tâm tư hòa hợp, anh khuyến khích “bây giờ các em phải là người đứng ra để làm việc này”. Xa hơn, anh thúc giục tôi phải làm điều đó ngay, trong thời hạn ngắn sắp tới. Nhân duyên, anh Lân nguyên là Tổng Thư Ký nhiệm kỳ anh Tâm Kiểm làm trưởng ban; còn tôi lại là người được anh Tâm Kiểm hay gọi đùa là “thư ký thường trực của VPTBHD” bấy giờ. Đến một lúc, tôi thuộc anh như khi đọc vài dòng, đôi chữ trong một văn bản, là biết anh chấp bút hoặc dự phần soạn thảo. Hôm nay, còn được anh truyền trao, khuyến khích, và thúc đẩy là niềm vui lớn!
One year I went to Italy for a retreat, and I noticed that the olive trees were growing in small groups. I was surprised and asked: ‘Why do you plant olive trees in groups of three or four?”
Our Italian friends explained that each group of three or four is actually just one tree. Some years earlier, it had been so cold that all the olive trees had died. But deep down at the level of the roots they were still alive. After the harsh winter, when spring came, the young shoots sprouted. So instead of having one trunk, the olive trees had three or four trunks. On the surface, it appeared that there were three or four olive trees, but in fact they were one.
If you are siblings of the same parents, you are part of the same tree. You have the same roots, the same father and mother. These three or four olive trees also have the same block of roots. They look like different trees, but they are just one. It would be odd if one tree discriminated against the other, if they were to fight and kill each other; that would be sheer ignorance. Looking deeply, they know that they are brothers and sisters; they are truly one. | Thich Nhat Hanh, Honouring Family Ties
Cũng vậy, liền sau buổi họp mặt của Ban Điều Nghiên như tôi đề cập trên ở chùa Phổ Từ, Chị Trưởng Tâm Phùng có gọi hỏi thăm ngay. Qua chị, tôi hiểu còn nhiều khó khăn, và còn cần rất nhiều thời gian. Vì cái khó chị kể, có khác gì cái khó của các em bên này. Nhưng, hiểu được cái khó của nhau, đã là một bước dài đến gần với nhau rồi vậy. Và thời gian của người này thì không phải là thời gian của người khác. Cho nên khi chia sẻ với anh chị em thuộc Ban Điều Nghiên bên mình, tôi đồng ý và đề nghị “chờ”. Chờ đợi bấy giờ mang một ý nghĩa khác không phải là chờ suông, hay thái độ thụ động hững hờ và vô tâm. Mọi thứ đang diễn ra vẫn quá tốt đẹp. Đẹp bởi từ căn để tôi tin rồi một lúc nào đó chúng ta tự điều chỉnh nhận thức về ý nghĩa “huyết thống”, hơn là “hợp nhất”. Như hình ảnh cây Ô liu trong một bài pháp thoại ngắn của Sư Ông Nhất Hạnh, Chung một cội nguồn – Honouring Family Ties”– người ta nhìn trên mặt đất có nhiều cây Ô liu mọc lên, nhưng dưới tầng sâu không ai biết chỉ có một thân rễ… Chỉ khi nào chúng ta nhìn thấy được mình chung huyết thống, có cùng một rễ như thế, thì dù biểu hiện của sự vươn lên như thế nào, chúng ta đều có thể tương thích với nhau dưới ánh mặt trời Chánh Pháp…
Cách đây chừng sáu năm, trong chuyến đi giảng dạy ở Ý, thầy có đi ngang qua một vùng đất trồng toàn cây ô liu. Ở Pháp hình như không có cây ô liu, hoặc có thể chỉ có một vài cây ở miền Nam, nhưng bên Ý thì có rất nhiều. Thầy nhận thấy những cây ô liu trong đám ruộng đó mọc rất ngộ nghĩnh, thay vì mọc từng cây riêng rẽ thì nó mọc một khóm ba bốn cây chụm lại với nhau. Những cây ô liu đó cũng còn trẻ thôi, khoảng chừng bảy đến tám tuổi. Khi hỏi lại, người ta cho biết trước đó bảy tám năm có một trận lạnh rất lớn và tất cả các cây ô liu trong vùng đó chết hết, người ta phải cắt sát gốc. Nhưng những cây ô liu đó chỉ chết phần trên thôi, phần gốc vẫn còn sống. Khi cây ô liu bị cắt sát gốc rồi thì từ một cây ô liu mẹ sanh ra ba đến bốn cây ô liu con. Cho nên, chín mười năm sau mình thấy những cây ô liu mọc lên từng khóm. Mình lầm tưởng, cứ nghĩ rằng có ba hay bốn cây ô liu riêng biệt, nhưng khi nhìn sâu thì mình thấy kỳ thực chúng cũng chỉ là một cây thôi, từ một gốc mà đi lên.
Giả dụ cây ô liu thứ nhất ganh tỵ với cây ô liu thứ hai. Cây ô liu thứ hai đánh lộn với cây ô liu thứ ba thì rất buồn cười. Như vậy là có sự phân biệt: “Tôi là cây ô liu khác, còn anh là cây ô liu khác”. Không biết các cây ô liu có ganh tỵ, có giận hờn nhau hay không. Nhưng có những em bé hay những người lớn, tuy phát xuất từ một gốc mà thỉnh thoảng họ vẫn ganh tỵ, giận hờn nhau. Họ làm giống như họ là những con người khác nhau, không dính líu gì tới nhau hết. Họ không biết rằng họ từ một gốc mà đi lên, họ bị sự phân biệt, kỳ thị làm cho chia rẽ. | Thích Nhất Hạnh, Chung một cội nguồn.