Sunday, November 19, 2017

Vị Ni Sư Giữa Trời Đông-Tây

Photo: http://www.emmaslade.com

Vị Ni Sư Giữa Trời Đông-Tây
Nguyên Giác

Khó hình dung rằng một phụ nữ Anh đang phụ trách về kế toán trong một công ty quản trị quỹ đầu tư đa quốc bỗng nhiên trở thành một vị ni sư theo truyền thống Tây Tạng, và rồi lên những rặng núi Hy Mã Lạp Sơn để giúp cho trẻ em nghèo và khuyết tật xứ Bhutan.
Cơ duyên vào đạo của vị Ni sư cũng độc đáo: ngay từ khi chưa tới với Phật giáo, khi rơi vào cương vị nạn nhân của một tay súng, bị bắt cóc, bị cướp, nhưng lòng không hề dấy lên căm thù mà chỉ ý thức về một nỗi khổ trần gian sâu thẳm của đời này để rồi rời bỏ lĩnh vực ngân hàng, để sống bằng nghề dạy yoga và Thiền bên trời Tây phương, cho tới khi sang thăm Bhutan và gặp một vị Lạt ma, được khuyến khích xuất gia.
Khi xuất gia xong, mới nhận ra rằng nếu bà sinh tại xứ Bhutan, hẳn là đã trở thành ni cô từ thuở bé... nhưng vì sinh tại Anh quốc, nên mới trở thành một chuyên gia ngành kế toán ngân hàng để đi khắp thế giới cho công ty và rồi say mê sưu tập các bộ trang phục thời trang cho giới nữ trí thức của khắp trời Tây phương.
Vị ni sư có thế danh là Emma Slade đã không quay nhìn trở lại những ngày tháng cũ của cuộc sống sang trọng từ khi buông hết để chọn lấy nếp sống đơn sơ và an lạc, theo lời bà nói với báo The Independent khi kể về khoảnh khắc biến đổi cuộc đời của bà.
Vào tháng 9/1997, bà Emma Slade hoàn toàn tự biến đổi cuộc đời. Là một kế toán tài chánh tại một công ty quản trị đầu tư làm việc ở Hong Kong – và trước đó là làm việc ở New York và London – thế rồi một chuyến đi công việc cho công ty ở Jakarta đã làm đời bà biến đổi.
Trong khi nghỉ ngơi giữa hai buổi họp tại một khách sạn 4 sao, bà Slade mở cửa phòng ra, bỗng trực diện với một người đàn ông cầm súng. Hung thủ dí súng vào ngực bà, đẩy bà vào phòng, rồi lục soát khắp đồ đạc và nữ trang của bà. Bà trở thành con tin, suốt  ba giờ ở chung phòng với một hung thủ vũ trang, và nghĩ rằng cuộc đời kể như là xong. Cuối cùng, cảnh sát vũ trang xông vào cứu bà. Từ đó, mọi chuyện thay đổi.
Bà kể với báo The Independent rằng từ đó bà bị hội chứng tâm thần hậu chấn, lẫn lộn quá khứ và hiện tại, không phân biệt gì ra được. Bà nói, “Nhưng phần chính lại là, tôi cảm thấy lòng mình từ bi và buồn cho người đàn ông đã bắt tôi làm con tin, bởi vì y đã sống trong một hoàn cảnh tệ hại hơn tôi nhiều, thực thế… ảnh hưởng lớn nhất chính là cảm giác về quan tâm và từ bi đối với hung thủ.”
Sau vụ cướp đó, cảnh sát Indonesia đưa cho bà xem một tấm ảnh chụp hình hung thủ, một phần áo quần xốc xếch nằm giữa một vũng máu lớn, và hình ảnh này khắc sâu vào tâm bà nhiều năm sau đó.
Bà nói, “Tôi không thấy giận dữ hay căm ghét nào đối với y. Tôi chỉ cảm thấy một nỗi buồn lớn cho sự khổ đau trong hoàn cảnh này.”
Báo South China Morning Post (SCMP) hôm 10 tháng 11/2017 cũng viết về bà qua bản tin nhan đề “Một chuyên gia ngân hàng Hong Kong trở thành ni sư, kể về chuyện bị chĩa súng bắt giữ ở Indonesia đã biến đổi cuộc đời của bà.”
SCMP nói rằng bà sinh năm 1966 tại thành phố Whitstable, phía đông nam Anh quốc, là chị cả với hai em. Thời thơ ấu trôi qua bình lặng, với cha đi làm và mẹ nội trợ ở nhà. Năm 16 tuổi, bà chuyển vào trường nội trú. Cuối năm thứ ba ngành mỹ thuật ở đại học Goldsmiths tại London, bà được mẹ báo tin là cha bị chẩn đoán ung thư phổi.
Bà cảm thấy khủng hoảng. Cú chấn động đầu tiên là cái chết của thân phụ khi bà 26 tuổi.  Bà nhớ là hồi mới 10 hay 11 tuổi, thân phụ có nói rằng ông thấy rằng bà có thể nên vào làm trong ngành ngân hàng đầu tư. Cho tới khi thân phụ bệnh, bà vẫn nghĩ là bà sẽ là một họa sĩ hay người giám định nghệ thuật. Nhưng vì thân phụ từ trần, bà nghĩ rằng bà phải thực tế và không dựa vào thân mẫu. Do vậy, bà lần đầu tới Hong Kong là năm 1995, một phần của chương trình hậu cử nhân của một ngân hàng quốc tế.
Thế rồi, trong chuyến đi tới Jakarta vì công việc cho sở hồi tháng 9/1997. Lúc đó, hung thủ xuất hiện, bắt cóc bà. Khi thoát ra, bà bị khủng hoảng hậu chấn (còn gọi là hội chứng PTSD).  Suốt ba tháng sau đó, bà vẫn sống trong cảm giác như đang bị bắt cóc. Thế rồi bà dọn về Anh, và rồi từ nhiệm.
Bà du lịch tới Hy Lạp, nơi đây khám phá ra yoga và Thiền tập. Và rồi bà khám phá ra Phật pháp, chính thức trở thành Phật tử ở Scotland vào năm 2003. Lần đầu tiên bà tới thăm Bhutan là năm 2011, và trở thành phụ nữ Tây phương đầu tiên thọ giới tỳ kheo ni. Như thế (tính tới 2017) bà đã trở thành ni sư được 5 năm.
Trang web của bà, kể rằng từ khi rời ngành tài chánh và say mê với yoga và Thiền, bà đã dạy yoga và Thiền trong hơn 15 năm và say mê nghiên cứu về Phật giáo. Trong chuyến đi đầu tiên tới Bhutan năm 2011, bà gặp một vị sư trong thuyền thống PG Tây Tạng và sau một thời gian học đạo, bà được thọ giới Tỳ kheo ni với pháp danh Pema Deki – có nghĩa là Hoa Sen An Lạc.
Năm 2015, bà thiết lập hội từ thiện có trụ sở bản doanh ở Anh quốc, với tên là “Opening Your Heart to Bhutan” (OYHB)  với mục tiêu giúp trẻ em miền núi hẻo lánh và trẻ em khuyết tật ở Bhutan. Bà tiếp tục tới Bhutan thường xuyên để thực hiện các dự án từ thiện  và để tiếp tục học về Phật giáo.
Cuốn sách đầu tiên bà viết có nhan đề “Set Free: A Life-Changing Journey from Banking to Buddhism in Bhutan” (Giải Thoát: Một Chuyến Đi Đổi Đời từ Ngành Ngân Hàng Tới Phật Giáo tại Bhutan) – kể về những bước đi tới Phật giáo của bà, xuất bản tháng 4/2017, để giúp lợi tức cho hội; sách có thể mua qua mạng Amazon UK.
Bà nói với báo SCMP rằng bà thấy chuyện đi tu rất là tự nhiên: nếu bà sinh ra tại Bhutan, bà tin chắc chắn rằng bà sẽ là ni cô từ thời rất trẻ. Nhưng vì sinh ra tại Anh quốc, nên chuyện cầu kinh y hệt như nghe giọng thân phụ đang hát.  Bà nói, bây giờ ở tuổi 51, bà tin rằng cầu kinh là việc hữu ích nên làm, không hề xưa cổ hay phi lý gì.
Lúc đầu bà do dự: là mẹ đơn thân, có một đứa con chưa trưởng thành, còn cần chăm sóc, làm sao bà có thể xuất gia làm ni được. Tuy nhiên, chính vị Lạt ma khuyến khích bà nên xuất gia. Bà nói, người ta thường nghĩ rằng tu sĩ là phải ở trong tu viện, không gia đình, không tài sản vật chất gì, không liên hệ gì với đời thường. Bà nói như thế không thiệt sự đúng. Bà nói, có nhiều tu sĩ có con, nhưng thường là đàn ông, họ xuất gia, vào tu viện và để con lại cho quý bà mẹ của các đứa trẻ chăm sóc.
Bà kể, bà còn phải chăm sóc đứa con trai tên là Oscar, phải lo giặt đồng phục nhà trường cho cậu nhóc, cũng như phải làm món điểm tâm Weetabix buổi sáng cho cậu nhóc ăn. Bà có cảm giác là nếu làm song song được cả vai trò ni sư, đồng thời là bà mẹ đơn thân như thế, bà mới trở thành một người thực sự tu tập tuyệt vời.
Bà kể, sẽ không có lợi cho Bhutan nếu bà ở toàn thời gian nơi đó; bà phải sống một cuộc đời hai phương trời, đứng một chân ở Tây phương, và đứng một chân ở Đông phương. Bởi vì bà đang sống trong một kiểu đa phương: vừa điều hành một hội từ thiện quốc tế, vừa dạy yoga, vừa nuôi con nhỏ, và vừa là nữ tu sĩ Phật giáo. Rồi còn phải làm việc trên mạng xã hội nữa, đâu có phải như thời 100 năm về trước đâu.
Bà nói, có lẽ cuối cùng rồi cũng sẽ về luôn ở Bhutan. Con trai bà đã tới Bhutan ba lần, và cậu nhóc ưa thích vùng núi này; nhưng thực sự cậu bé vẫn là một cậu bé, và cứ ưa thích phóng chạy, tập dợt với quả bóng đá.
Hiển nhiên, Ni sư Pema Deki là một trường hợp cực kỳ độc đáo trong hàng ni giới thế giới.
Các bản tường trình, hình ảnh và các dự án từ thiện của ni sư hiện lưu trên hai trang web sau:

Phật Giáo đang có những bước đi nhập thế trong thời đại toàn cầu hóa, và Ni sư Pema Deki là một trong các hiện thân như thế.

Friday, November 17, 2017

NỖI BUỒN VẪN MÃI KHÔNG TÊN

Ảnh mượn trên facebook.

NỖI BUỒN VẪN MÃI KHÔNG TÊN
Truyện ngắn Cát Sương

Lại thêm một cái nhắn tin cá nhân (personal message), “Chú Lưu ơi… cháu gọi chú được không?”
Chắc là Lan lại có nỗi buồn Lưu thầm nghĩ. “Chuyện gì vậy cháu? Ừ được”. Cháu gọi đi. Lưu trả lời.
Lan gọi và sau khi lời chào hỏi như thường lệ. Nàng đi thẳng vào vấn đề.
"Dạ, hôm nay cháu đang buồn man mác, lang thang vào mạng và vớ trúng bài thơ cùng tâm trạng ở trang nhà Tương Tri. Bài thơ hay mà lạ, có những điều gắng liền với lịch sử lịch Việt Nam, úp úp mở mở, mà cháu chưa hiểu. Chú giải thích giùm cháu nhé, nhất là đoạn lông ngỗng đến lo âu". Rồi nàng đọc bài thơ như sau:

TÔI ĐÃ ĐÁNH MẤT NƯỚC VIỆT BUỒN ÔNG Ạ!

Tôi đi ngược từ miền Nam ra Bắc
Cuối Cửu Long leo lên ngọn sông Hồng
Muốn đi hết đất nước mình ông ạ
Rồi thả trôi cho mất xác ở biển Đông…

Có những bữa, miền trung du thưa vắng
Thấy mấy con trâu ngơ ngác ngóng mục đồng
Đêm Phó Bảng tiếng con mèo vong quốc
Gào thất thanh như bị chém ngang hông

Có những bữa bên đường đầy lông ngỗng
Phía xa xa mấy chú khách thập thò
Tôi không thể xóa đi bao vết dấu
Lịch sử rùng mình nghĩ vận nước, âu lo…

Có những bữa như bữa nay ông ạ
Dăm thằng hèn ngồi “ôn cố tri tân”
Rót nhè nhẹ như trong vùng tạm chiếm
Sau bữa nay biết còn gặp mấy lần?

Có những bữa đứng ngay đường biên ải
Nhìn tứ bề thấy nước Việt xa xăm… 
Dũng Trung KQD


Lưu ôn tồn bảo:
“Đúng là một bài thơ mang tâm trạng của những người còn rất tỉnh táo cháu ạ. Đất nước mình còn đó mà như đã mất đi từ rất lâu rồi. Có lẽ tác giả thật tinh tế khi nhìn những lông ngỗng trên đường, rồi nhớ đến tích xưa, qua câu chuyện Trọng Thủy (con trai Triệu Đà) - Mỵ Châu (con gái Thục An Dương Vương), vì tình yêu mù quáng mà để mất nước về tay bọn giặc:

"Có những bữa bên đường đầy lông ngỗng
Phía xa xa mấy chú khách thập thò
Tôi không thể xóa đi bao vết dấu
Lịch sử rùng mình nghĩ vận nước, âu lo…"

Ngày nay, có lẽ có rất nhiều người vì đồng tiền, địa vị, danh vọng, chính danh, quyền cai trị, cũng như những thất tình lục dục mà mở cửa cho giặc xâm lăng tự do vào ra mà không cần rắc lông ngỗng làm hiệu cho "mấy chú khách" vào xâm chiếm đó cháu.

Lan gật gù, oh thì ra là vậy. Giặc trong giặc ngoài. Buồn thật. Buồn. 

“Thôi cháu đi đây, nói thêm chắc cháu phải bỏ nơi xứ sở thiên đường này quá.” Lan buồn bã và cúp máy.

Lưu vẫn còn muốn nói thêm hay ít nhất là đọc 4 câu thơ cuối trong BÀI CA CÔ GÁI TRƯỜNG SƠN của nhà sư Tuệ Sỹ trong đầu năm 1980 cho Lan nghe, như là một lời tâm sự cùng đứa cháu gái có tâm hồn rất Việt mà Lưu luôn trân quý. Thế mà nó đã cúp điện thoại và Lưu vẫn tiếp tục ngâm nga bốn câu thơ trong đầu, không biết là cho chính mình hay cho đứa cháu phương xa.

“…Trường Sơn ơi bóng tùng quân ngạo nghễ
Phận sắn bìm lây lất với hoàng hôn
Quê hương ơi mấy nghìn năm máu lệ
Đôi vai gầy dâng trọn cả mùa xuân.” 
Tuệ Sỹ

Một ngày có mưa trên đất khách.
Cát Sương

Thursday, November 16, 2017

The Gigantic Ancient Pristine Eagle Wood*


Thong dong Mây ngàn - ảnh Internet

THE GIGANTIC ANCIENT PRISTINE EAGLE WOOD *
      For Zen Master Tue Sy

The Zen Master just sitting there
Whiling, he is thinking,
The sunshine and sunset just come and gone.
The dews just form and unform.
Greeting Thầy, the sun and moon have wandered in and out of the terrace (window)
The classic ancient pristine Eagle Wood is just

Forever not the end of thought but a new beginning.

Cây kiểng trước Mái hiên Chùa. Photo: BXK