Tuesday, November 28, 2017

Những lời Thầy dạy!

Nhiếp pháp - ảnh Uyên Nguyên

Những lời Thầy dạy!
               Kính tiễn Ôn Già Lam


1.
Xiển dương lý tưởng
Sứ giả áo lam
Dĩ thân tác chứng!

2.
Duy trì truyền thống
Làm đúng chức năng
Hợp Tình, Lý và Sự.

3.
Khắc phục khó khăn
Củng cố nội lực
Tinh tấn siêng năng.

ST và NP sưu Lục: PHÁP NHŨ THÂM ÂN (Ðạo từ của Hòa Thượng Thích Ðức Chơn, Hội Ðồng Cố Vấn Giáo Hạnh GÐPVN, nhân Ðại Hội GÐPTVNTG 2008, 2012 và 2016)

“Ta đến đây để dựng dậy những gì đã sụp đổ, chứ không phải phá sập những gì đang đứng vững.

ĐẠO TỪ CỦA HỘI ĐỒNG CỐ VẤN GIÁO HẠNH GĐPT VIỆT NAM 

Phật lịch 2552
Quảng Hương Già lam, ngày 2 tháng 10, 2008
Kính gởi các Anh Chị trưởng Gia Đình Phật Tử Việt Nam tham dự lễ hội Gia Đình Phật Tử Việt Nam tại Thái Lan,
Các Anh Chị thân quý,
Thay mặt Chư Tôn đức Cố vấn Giáo hạnh Gia Đình Phật Tử Việt Nam, tôi gởi lời chào mừng đến các Anh Chị trưởng các Ban Hướng Dẫn Trung ương Gia Đình Phật Tử Việt Nam trên thế giới, cùng tất cả thành viên và thân hữu Gia Đình Phật Tử Việt Nam tham dự Đại hội Gia Đình Phật Tử Việt Nam trên thế giới, họp mặt lần thứ 2 tại Thái Lan.
Đến được đây, tôi biết các Anh Chị đã vượt không biết bao nhiêu gian nan hiểm trở, những phản trắc bất thường của thế đạo nhân tâm. Đến được nơi đây là các Anh Chị đã thêm một bước quyết định trong hướng đi lên cao dần theo Chánh đạo. Xin tán thán tâm Bồ đề kiên cố, ý nguyện kiên cường của các thế trẻ Gia Đình Phật Tử Việt Nam.
Các bạn trẻ Việt Nam sinh trưởng tại Hải ngoại có nhiều cơ hội tốt đẹp để nhìn và hiểu xu hướng phát triển Phật giáo trong thế giới hiện đại, đồng thời cũng chứng kiến hoặc tham dự nhiều hình thái sinh hoạt phong phú của nhiều cộng đồng trẻ của nhiều quốc gia và dân tộc khác nhau. Cuộc họp mặt lần này của các Anh Chị trưởng tại Thái Lan là cơ hội tốt để các thế hệ Gia Đình Phật Tử Việt Nam trong nước và ngoài nước, cùng chia xẻ những kinh nghiệm về sự tương giao và hội nhập của các các truyền thống tín ngưỡng và tư duy dị biệt, để từ đó thẩm định hướng đi của bản thân trong bước tiến chung của các cộng đồng nhân loại, để vừa bảo lưu các giá trị truyền thống cá biệt của Dân tộc và đồng thời thâu thái các giá trị phổ quát, thể nghiệm Phật Pháp từ những khám phá trong các sinh hoạt đa dạng của thời đại.
Trong một thời đại như thế, Phật tử Việt Nam, trong nước hay sinh trưởng hải ngoại, thường xuyên bị thôi thúc bởi ước muốn tìm hiểu một thế giới đang mở rộng, bị hấp dẫn bởi mạng lưới thông tin toàn cầu, và cũng bởi đó mà nhiều khi hoang mang mất hướng trước những mâu thuẫn quyền lợi trên quy mô quốc tế thường dẫn đến những xung đột đẩm máu tàn bạo. Vậy nên, quán chiếu thời đại thẩm định hướng đi là các đề mục cần được lưu ý trong các lần họp bạn để trao đổi kinh nghiệm và nhận thức.
Trên một nửa thế kỷ qua, trong những ngày đen tối nhất của lịch sử Phật giáo Việt Nam, bản thân tôi là chứng nhân của trang sử bi hùng của các thế hệ Gia Đình Phật Tử Việt Nam, vốn đã cống hiến cả sinh mạng của mình để giữ tròn khí tiết của người Phật tử, đã lâm vào cảnh khốn cùng vì không chịu khuất phục cường quyền mà từ bỏ lý tưởng của mình. Máu và nước mắt của các thế hệ đã qua, và cũng của chính những người đang sống hiện tại mà thường trực đối diện với mối đe dọa an ninh và nghề nghiệp; đó là chính nghĩa tồn tại của Gia Đình Phật Tử Việt Nam.
Những gì là hận thù, tranh chấp, những gì là vu khống đảo điên, là những điều không thể chấp nhận giữa những người con Phật. Vậy thì, người Phật tử cần có nhận thức chân chính rằng nền tảng để ta học đạo, hành đạo và hóa đạo là Sự thật; và trên nền tảng Sự Thật là sự hoà hiệp. Không còn có đạo lý hay pháp lý nào khác cho lý do tồn tại của Gia Đình Phật Tử Việt Nam, và cũng không còn có nền tảng nào khác ngoài sự thật và hòa hiệp để chấp nhận hay không chấp nhận sự hiện diện của Gia Đình Phật Tử Việt Nam. Gia Đình Phật Tử Việt Nam được khai sinh bằng tâm nguyện học Đạo và hành Đạo, với lý tưởng phụng sự dân tộc và đạo pháp. Không học Đạo mà học đòi giả dối, không hành Đạo mà tâm hành hiểm độc, thì không còn gì để nói là lý tưởng và phụng sự. Như vậy cũng không còn gì xứng đáng để được gọi là Gia Đình Phật Tử Việt Nam.
Ngày nay, màu áo Lam của Gia Đình Phật Tử Việt Nam hiện diện trên nhiều châu lục; tất nhiên các sinh hoạt cũng thường xuyên bị tác động bởi phong tục tập quán và luật pháp tại từng quốc gia khác biệt. Gia Đình Phật Tử Việt Nam tuy trước sau vẫn là nhất thể bất khả phân, nhưng lại sinh hoạt trong nhiều thể chế xã hội khác nhau dưới nhiều hình thái bất đồng, nên thực tế phân hóa vẫn là mối đe dọa thường trực, mà tình trạng phân hóa đã bị đẩy lên đến mức độ gây cấn. Vậy, vấn đề cần được đặt ra ở đây là làm sao để được những người con Phật sống hòa thuận với nhau. Điều tất yếu là cần có nhận thức đầy đủ về ý nghĩa phát triển của Phật giáo trong thế giới hiện đại, và từ đó thẩm định vị trí của mình trong các quốc gia và các cộng đồng, để có thể học Đạo và hành Đạo vừa khế lý vừa khế cơ. Từ đó, tiến đến bước cụ thể là hình thành cơ cấu sinh hoạt mang tầm quy mô thế giới, tạo điều kiện cho các thế hệ gia đình khác nhau đang sống tại các quốc gia khác nhau cùng học cùng tu trong một thế giới đa nguyên và đa dạng. Có thể hình dung đó là một cơ cấu mà trong đó dù đang sinh hoạt tại bất cứ quốc gia nào, chịu chi phối bởi bất cứ hệ thống pháp luật và định chế xã hội khác nhau như thế nào, người Phật tử đều có thể phát huy giá trị phổ quát của Phật pháp đồng thời góp phần mang lại sự phồn vinh và an lạc cho cộng đồng xã hội mình đang sống.
Bằng cơ cấu sinh hoạt như vậy Gia Đình Phật Tử Việt Nam tất thể nghiệm được một cách sâu sắc lời dạy của Đức Phật rằng:
“Ta đến đây để dựng dậy những gì đã sụp đổ, chứ không phải phá sập những gì đang đứng vững.”
Trong ý nghĩ đó, thay mặt cho Chư Tôn Đức trong hội đồng cố vấn Giáo Hạnh, tôi nhất tâm cẩu nguyện toàn thể gia đình Phật tử Việt Nam trong nước cũng như Hải Ngoại, tâm Bồ Đề kiên cố, chí tu học vững bền. Các Anh Chị Trưởng luôn luôn xứng đáng với tin tưởng của Chư Tôn Đức trong sứ mệnh giáo dục các thế hệ trẻ sống phù hợp chánh tín. Các Anh Chị Trưởng cũng xứng đáng với lòng tin yêu và kính trọng của các thế hệ hiện tại và tương lai.
Xin kính chào tất cả trong nụ cười hoan hỷ của mười phương Chư Phật và Thánh chúng.
Sa Môn Thích Đức Chơn,
Chủ Tịch Hội Đồng Cố vấn Giáo Hạnh Gia Đình Phật Tử Việt Nam.
Phật lịch 2552
Quảng Hương Già lam, ngày 2 tháng 10, 2008

ĐẠO TỪcủa Hòa Thượng Thích Đức Chơn
Thượng Thủ Hội Đồng Tăng Già Chứng Minh
ban trong lễ Khai mạc Đại Hội Huynh Trưởng GĐPTVN trên Thế Giới

Nhiệm kỳ 2012 – 2016tại thủ đô Bangkok, Thái Lan – Ngày 28/10/2012.

Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật,
Kính bạch Chư Tôn Đức,
Kính thưa Quý vị Quan Khách,
Thưa toàn thể Đại Biểu Đại Hội quý mến!
Đại Hội Gia Đình Phật Tử Việt Nam Trên Thế Giới lần thứ nhất đã diễn ra tại Bồ Đề Đạo Tràng Ấn Độ năm 2004, mở lớn con đường hành hoạt lý tưởng của người Phật Tử Áo Lam; Đại Hội lần thứ hai tại Thủ đô Bangkok, Thái lan năm 2008, lại khẳng định hướng đi mang tính toàn cầu hóa của Tổ chức Gia Đình Phật Tử Việt Nam và nay Đại Hội Gia Đình Phật Tử Việt Nam Trên Thế Giới lần thứ ba, cũng tại Thủ đô Bangkok, Thái lan nhằm mở ra những phương pháp giáo dục ứng dụng cho những Thanh, Thiếu, Đồng niên mang tính toàn cầu, thích ứng với thời đại, nhưng không lệch với khế lý; thích ứng với căn cơ, nhưng không lệch với Phật đạo.
Nên, trong Đại Hội này tôi yêu cầu Đại Biểu tham dự Đại Hội lưu ý đến 5 điểm sau đây:
  1. Dĩ thân tác chứng: Mỗi Đại Biểu về tham dự Đại Hội, phải đem ba nghiệp thanh tịnh của mình để trang nghiêm Đại Hội và Tổ Chức. Vì vậy, không làm, không nói, và không nghĩ những gì theo cá tính mà phải nói, phải làm và phải nghĩ những gì lợi ích thiết thực cho Tổ Chức theo hướng phát triển toàn cầu, dựa trên nền tảng của Bồ Đề tâm có đầy đủ ba chất liệu là Bi – Trí – Dũng.
  2. Làm đúng chức năng và vị trí: Gia Đình Phật Tử Quốc nội và các Châu lục, phải làm đúng vị trí và chức năng của mình đã phát nguyện trước Tam Bảo, phải biết hoàn cảnh thuận lợi và khó khăn của nhau để hỗ trợ cho nhau mà không giẫm đạp lên vị trí và chức năng của nhau.
  3. Tình, Lý và Sự: Tổ chức Gia Đình Phật Tử trên Thế Giới, Tình và Lý thì chung, nhưng hành sự thì phải tùy theo từng quốc độ mà linh động hành hoạt. Nghĩa là lý tưởng và tình cảm của Người Áo Lam dù ở đâu, lúc nào cũng chỉ là một, và không bị biến thiên, nhưng hành sự phải biết vận dụng giáo lý nhân duyên để đạt tới mục đích hay lý tưởng của Tổ chức.
  4. Tạo thành gốc rễ: Gia Đình Phật Tử đang hành hoạt ở quốc gia nào, thì phải làm thế nào để bén rễ ở quốc gia đó và thực sự có lợi ích ngay trong xã hội đó. Và phải biết vận dụng thế nào để cho những người dân bản xứ hiểu được lợi ích và ý nghĩa của Gia Đình Phật Tử, và tạo cơ duyên để cho những thế hệ Thanh Thiếu Đồng niên của xứ sở đó trở thành những Phật Tử chân chánh, góp phần xây dựng xã hội tốt đẹp theo tinh thần Phật giáo.
  5. Những sứ giả Áo Lam: Các nước Châu Á như Lào, Thái Lan, Campuchia, Miến Điện, Nhật Bản, Triều Tiên, Đài Loan, v.v… ngay cả Ấn Độ, những người Sứ giả Áo Lam phải biết vận dụng và tìm cách liên kết để có Gia Đình Phật Tử sinh hoạt trên các quốc gia này.
Thưa Đại hội,
Với năm điều trên, các Đại Biểu Đại Hội phải bàn thảo kỹ lưỡng và bầu một Tân Ban Hướng Dẫn có đầy đủ Trí tuệ, Từ bi và đảm lực, để có khả năng đi theo những định hướng này, để phát triển Gia Đình Phật Tử trên toàn cầu một cách đúng ý nghĩa, để báo đáp ơn Tam Bảo, ơn Thầy tổ, ơn của các Bậc tiền bối hữu công, ơn của chư anh linh Thánh Tử Đạo và lòng mong mỏi của toàn thể Huynh Trưởng, Đoàn sinh Gia Đình Phật Tử trên thế giới đối với Đại Hội của chúng ta hôm nay.
Kính chúc Đại Hội thành công viên mãn. Trân trọng kính chào liệt quý vị.

Hòa Thượng Thích Đức ChơnThượng Thủ Hội Đồng Tăng Già Chứng minhĐẠO TỪ CỦA ĐỨC TRƯỞNG LÃO HÒA THƯỢNGTHƯỢNG THỦ HỘI ĐỒNG TĂNG GIÀ CHỨNG MINH
BAN TRONG LỄ KHAI MẠC ĐẠI HỘI HUYNH TRƯỞNG
GĐPT VIỆT NAM TRÊN THẾ GIỚI kỳ IV  Nhiệm kỳ 2016 – 2020


Nam mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật
Kính bạch chư Tôn đức hiện tiền
Kính thưa quý khách, Cùng toàn thể huynh trưởng GĐPT hiện diện trong Đại hội.
Tôi thay mặt HĐTGCM và HĐCVGHGĐPTVN, có lời tán dương BHD GĐPT các cấp Trên Thế Giới, và toàn thể Huynh trưởng đại biểu hiện diện trong Đại hội này, tất cả đã khắc phục mọi khó khăn để tổ chức Đại hội và tham dự Đại hội.Cầu nguyện Tam bảo gia hộ cho Đại hội thành công tốt đẹp trong sự hòa hợp và thanh tịnh của Tứ chúng đệ tử đức Thế Tôn.
Trong Đại hội này, tôi xin gửi đến quý vị năm điểm như sau:
  1. Phương pháp khắc phục khó khăn: Tôi biết rằng, Tổ chức GĐPT Việt Nam từ Quốc nội đến Hải ngoại, từ Tỉnh/Thị đến các Châu lục/Quốc gia, ngay cả các đơn vị Gia Đình cũng có rất nhiều khó khăn từ khách quan đến nội tại. Vì vậy, để khắc phục những khó khăn này, xin tất cả quý vị hãy thực hành ba pháp quy y, và sống đúng với tâm nguyện đã phát lập trước Tam bảo trong những kỳ Trại Huấn luyện, Thọ Cấp, có như thế thì hạnh nguyện tu học, lý tưởng phụng sự Đạo pháp, Dân tộc, Nhân loại của GĐPT Việt Nam sẽ luôn luôn trở nên sống động, mới mẻ và kiên cường, từ đó mà có thể thắng vượt mọi chướng duyên, biến lý tưởng trở thành hiện thực, biến lời nói tốt đẹp trở thành hành động từ bi vô ngã.
  2. Duy trì truyền thống: Chỉ có truyền thống mới là giá trị mà chúng ta cần nỗ lực duy trì. Khi hành hoạt đúng truyền thống thì chúng ta không lo gì phải tìm cầu pháp lý cho mình. Vốn dĩ truyền thống là chỗ đứng vững chắc cho chúng ta, nó hiện diện ngay trong lòng và đức tin của các anh chị em. Nói cụ thể hơn truyền thống của tổ chức GĐPTVN từ đơn vị nhỏ, đến đơn vị cấp tỉnh, cấp quốc gia và cấp thế giới, đều nằm gọn ở trong châm ngôn Hòa Tin Vui của ngành Oanh, Bi Trí Dũng của ngành Thiếu và năm điều luật của GĐPT Việt Nam. Trí và đức của quý vị không nằm ở nơi học vị của thế gian, mà nằm ngay nơi bốn pháp hạnh Kiên-Trì-Định-Lực, với sự quán chiếu thâm sâu đối với lý Trung đạo ở trong Bát Chánh Đạo. Tổ chức GĐPT thiếu những tố chất này, là thiếu tính truyền thống, thì dù có tìm một pháp lý nào, cũng không có thể đủ phép lạ để bảo chứng và bảo hộ cho Tổ chức GĐPT hiện hữu và phát triển đúng ý nghĩa của nó. Điều này lịch sử và thực tế hiện tại đã chứng minh cho sự tồn tại của tất cả chúng ta hôm nay.
  3. Xiển dương lý tưởng: Hội Đồng Cấp Dũng vừa được kiến lập, biên soạn Nội lệ tổ chức tu học, sinh hoạt cho GĐPT VN dưới sự chứng minh và phú chúc Phật sự của Hội Đồng Tăng Già, đây là một Phật sự phát triển Tổ chức có đường hướng, thể hiện sự duy trì truyền thống Vụ Trưởng GĐPT Vụ. Quý vị cần nỗ lực đem tâm sức, trí tuệ để hoàn thiện Tổ chức về nội dung, kế hoạch mang tầm tính toàn cầu, để sánh cùng và hướng dẫn giáo dục Thanh thiếu đồng niên, trở thành những Phật tử chơn chính, góp phần xây dựng xã hội trong thời đại khoa học hiện đại hôm nay.
  4. Củng cố nội lực: Quý vị phải biết củng cố nội lực để tăng trưởng Giới Định Tuệ, kiện toàn đạo đức tự thân và phát huy nội lực ấy đến với mọi thành phần xã hội. Và qua cảm tình của mọi thành phần xã hội, chúng ta củng cố được tổ chức và phát triển được GĐPT đến được với mọi thành phần xã hội và hội nhập vào mọi sinh hoạt của cộng đồngmột cách có tự chủ và có tự do.
  5. Biến hình thức thành sự tu tập: Chúng tôi mong muốn, quý vị biến châm ngôn GĐPT Hòa Tin Vui và Bi Trí Dũng trở thành hành động “Tinh tấn” một cách thực tế, mà không phải là khẩu hiệu, mỗi khi sinh hoạt đoàn hàng tuần hay mỗi khi Đại hội. Chúng tôi mong muốn quý vị luôn luôn cử bài ca chính thức trong lòng cuộc sống, để tẩy rửa những dơ bẩn chấp ngã của chính mình và tà thuyết, tà kiến của thế gian, để biến thế gian trở thành không gian của khoan hòa độ lượng và biến những tố chất ngũ trược của thế gian thành những đóa sen trắng ngát hương thơm thanh khiết cho đời.
Trong Đại hội này, tôi xin nhắn nhủ và chia sẻ năm điểm như vậy, bằng Tâm nguyện thiết tha của người Huynh trưởng, mong quý vị tiếp nhận và khai triển ngay ở trong Đại hội này và chọn những huynh trưởng có nội lực, có thực lực, có trí lực, có tín lực, có tâm nguyên hy hiến và lòng trung kiên với tổ chức, để bầu vào BHD GĐPTVN Trên Thế Giới, để vạch ra hướng đi đúng bản hoài của các bậc tiền nhân, không phụ lòng đối với những ai đã từng quan tâm hỗ trợ chúng ta và không làm cho những thế hệ tương lai thất vọng đối với chúng ta.
Cầu nguyện Tam bảo gia hộ cho Đại hội thành công.
Kính chúc quý vị vô lượng an lành.
Nam Mô Thường Tinh Tấn Bồ Tát Ma Ha Tát.
Trưởng lão Hòa thượng Thích Đức Chơn

Saturday, November 25, 2017

TƯỞNG NHỚ ANH BẠCH XUÂN THẢO

Hình anh Thảo năm nào!

TƯỞNG NHỚ ANH BẠCH XUÂN THẢO

Mây trắng ngang trời
Ung dung tự tại
Thương anh xa vời!

Thursday, November 23, 2017

Tạ Ơn Trong Ý Thiền

Lời chúc Lễ Tạ Ơn - Htr. Nguyên Từ Nguyễn Quốc Hưng.
Tạ Ơn Trong Ý Thiền
Nguyên Giác

Trong tuần lễ mùa Tạ Ơn tại Hoa Kỳ, ý nghĩa ban đầu cũng đã nhạt dần. Và nhiều phần đã biến đổi. Lễ Tạ Ơn đầu tiên tại Hoa Kỳ thực hiện vào tháng 10/1621, tức là cách nay 396 năm. Lúc đó, bữa tiệc Lễ Tạ Ơn Đầu Tiên kéo dài 3 ngày, với 90 thổ dân da đỏ (chữ bây giờ, gọi lịch sự là Người Mỹ Bản Xứ, Native American) và 53 người Pilgrims (những người  Châu Âu chạy sang Hoa Kỳ tỵ nạn, thuộc một hệ phái Ky tô bị truy bức). Bây giờ, hình ảnh này đã gấp nhiều lần đảo ngược. Lúc đó, dân da đỏ trong bữa tiệc đông gấp hai lần di dân từ Châu Âu, và bây giờ có thể gọi là, chưa bị diệt chủng là may rồi. Ngày xưa, có lẽ chỉ chừng vài mươi con gà tây lên bàn tiệc. Bây giờ, trung bình 46 triệu gà tây bị làm thịt cho các bữa tiệc Lễ Tạ Ơn tại Hoa Kỳ.
Trong bài này, chúng ta sẽ nhìn về một số hình ảnh tạ ơn trong nhà Phật. Nơi đây, sẽ không có bữa tiệc nào để làm vui khẩu vị, và cũng không có chúng sinh nào bị đưa lên bàn tiệc.
Cuối một khóa Thiền thất dài một tuần lễ, Thiền sư Tuyên Hóa (1918-1995) kết luận:
“Bây giờ, chúng ta đã hoàn mãn. Mời mọi người đứng dậy, chúng ta sẽ lạy Phật ba lần để tạ ơn Ngài. Chúng ta tạ ơn Đức Phật bởi vì, ngay cả nếu chúng ta chưa có chứng ngộ lớn, chúng ta đã có được chứng ngộ nhỏ. Và nếu chúng ta không có chứng ngộ nhỏ nào, ít nhất chúng ta đã không bệnh. Vâng, nếu chúng ta bệnh, ít nhất chúng ta đã không chết. Do vậy, hãy cùng nhau tạ ơn Đức Phật.”
Khi một nhà thơ nhìn về lý vô thường, một câu hỏi có thể nêu lên: Có cách nào để thâm cảm ngày tháng trôi qua chăng?
Thiền sư Nhật Bản Ryokan (1758–1831) có một bài thơ tuyệt vời như sau:
.
Hòa vào gió,
tuyết rơi;
hòa vào tuyết,
gió thổi.
Bên lò sưởi,
duỗi thẳng cẳng,
bất động với thời gian
trong căn lều này.
Đếm ngày trôi qua,
cũng thấy rằng tháng Hai
đã tới và đi
hệt như một giấc mơ.
.
Cũng nói về giấc mơ và lòng biết ơn, một nhà thơ Phật tử Hoa Kỳ thời đương đại không nói gì về những tháng ngày tuyết rơi gió thổi, nhưng nói về ngày hè nghĩ về lời Đức Phật dạy.
Nhà văn Mary Oliver (sinh năm 1935) đã có những tác phẩm thắng giải thưởng về sách hay National Book Award và giải Pulitzer Prize. Bài thơ sau đây của bà có nhan đề là DREAMS (NHỮNG GIẤC MƠ). Khi dịch sẽ giữ y cách viết chữ hoa như bài thơ nguyên tác tiếng Anh. Câu áp chót nói về chim cú màu trắng; thực tế, chim cú thường màu đen, hoặc xám, hoặc đốm nâu. Chim cú lại sống về đêm, không liên hệ gì tới ngày hè. Có lẽ muốn nói rằng sự tỉnh giác theo lời Đức Phật dạy sẽ biến đêm và dòng sông trở thành ngày hè và cánh đồng (chỉ suy đoán thôi). Bài thơ hiển nhiên là để bày tỏ lòng biết ơn Đức Phật.
.
NHỮNG GIẤC MƠ
Lòng Biết Ơn
Tôi Muốn Viết Một Điều Gì Rất Mực Đơn Sơ
Những Dòng Được Viết trong Những Ngày Bóng Tối Lan Ra
Có Thể Là
Tỉnh Thức
Đêm và Dòng Sông
Bài Thơ
Bài Thơ Bất Cẩn
Ngày Hè
Lời Dạy Cuối của Đức Phật
Chim Cú Trắng Bay Vào và Ra Cánh Đồng
Ngỗng Trời.
.
Trong Kinh Tăng Chi Bộ, bản Việt dịch của Hòa Thượng Thích Minh Châu (Aṅguttara Nikāya, XI. Phẩm Các Hy Vọng - 1–12. Hy Vọng), ghi lời Đức Phật dạy về lòng biết ơn như sau:
Có hai hạng người này, này các Tỷ-kheo, khó tìm được ở đời. Thế nào là hai? Người thi ân trước và người biết nhớ ơn đã làm. Hai hạng người này, này các Tỷ-kheo, khó tìm được ở đời...”
Cũng trong Kinh Tăng Chi Bộ, bản Việt dịch của Hòa Thượng Thích Minh Châu (Aṅguttara Nikāya - IV. Phẩm Tâm Thăng Bằng - 1–11. Ðất), ghi lời  Đức Phật dạy về lòng biết ơn như sau:
Này các Tỷ-kheo, thế nào là địa vị bậc không phải Chân nhân? Người không phải Chân nhân, này các Tỷ-kheo, không biết ơn, không nhớ ơn. Ðối với những người độc ác, đây là đặc tánh của họ được biết đến, này các Tỷ-kheo, tức là không biết ơn, không nhớ ơn. Ðây hoàn toàn là địa vị kẻ không Chân nhân, này các Tỷ-kheo, tức là không biết ơn, không nhớ ơn. Còn bậc Chân nhân, này các Tỷ-kheo, là biết ơn, là nhớ ơn. Ðối với những thiện nhân, đây là đặc tánh của họ được biết đến, này các Tỷ-kheo, tức là biết ơn, nhớ ơn. Ðây hoàn toàn là địa vị bậc Chân nhân, này các Tỷ-kheo, tức là biết ơn, nhớ ơn.
Có hai hạng người, này các Tỷ-kheo, ta nói không thể trả ơn được. Thế nào là hai? Mẹ và Cha. Nếu một bên vai cõng mẹ, này các Tỷ-kheo, nếu một bên vai cõng cha, làm vậy suốt trăm năm, cho đến trăm tuổi; nếu đấm bóp, thoa xức, tắm rửa, xoa gội, và dầu tại đấy, mẹ cha có vãi tiểu tiện đại tiện, như vậy, này các Tỷ-kheo, cũng chưa làm đủ hay trả ơn đủ mẹ và cha. Hơn nữa, này các Tỷ-kheo, nếu có an trí cha mẹ vào quốc độ với tối thượng uy lực, trên quả đất lớn với bảy báu này, như vậy, này các Tỷ-kheo, cũng chưa làm đủ hay trả ơn đủ mẹ và cha. Vì cớ sao? Vì rằng, này các Tỷ-kheo, cha mẹ đã làm nhiều cho con cái, nuôi nấng, nuôi dưỡng chúng lớn, giới thiệu chúng vào đời này. Nhưng này các Tỷ-kheo, ai đối với cha mẹ không có lòng tin, khuyến khích, hướng dẫn an trú các vị ấy vào lòng tin; đối với mẹ cha theo ác giới, khuyến khích, hướng dẫn, an trú các vị ấy vào thiện giới; đối với mẹ cha xan tham, khuyến khích, hướng dẫn, an trú các vị ấy vào bố thí; đối với mẹ cha theo ác trí tuệ, khuyến khích, hướng dẫn, an trú các vị ấy vào trí tuệ. Cho đến như vậy, này các Tỷ-kheo, là làm đủ và trả ơn đủ mẹ và cha.”
Có một điểm độc đáo trong Phật Giáo là lòng biết ơn thiên nhiên.
Trong sách “Hành Hương Xứ Phật,” tác giả Phạm Kim Khánh kể rằng Đức Phật bày tỏ lòng biết ơn cây bồ đề đã che mưa đỡ nắng cho Ngài suốt thời gian chiến đấu để thành đạt Đạo Quả, Ngài đứng cách một khoảng xa để chăm chú nhìn cội bồ đề trọn một tuần không nháy mắt. Về sau, nơi Đức Phật đứng trọn tuần lễ để nhìn cây bồ đề, Vua Asoka (A Dục) có cho dựng lên một bảo tháp kỷ niệm gọi là Animisalocana Cetiya.
Trong một tiền kiếp, Đức Phật khi mang thân một con chim két đã bày tỏ lòng biết ơn một vườn cây.
Tích truyện Kinh Pháp Cú kệ 32 kể về trưởng lão Thera Nigamavasi Tissa.
Ngài sinh trưởng trong một thị trấn nhỏ gần thành Savatthi. Sau khi trở thành một vị sư, ngài sống rất đơn sơ, rất ít nhu cầu. Khi đi khất thực, ngài thường tới ngôi làng nơi các thân nhân của ngài cư ngụ và nhận bất cứ thứ gì họ cúng cho ngài. Ngài tránh các sự kiện lớn. Ngay cả khi Trưởng giả Cấp Cô Độc và Quốc vương Pasenadi của Kosala làm các lễ cúng dường lớn, ngài cũng không tham dự.
Một số vị sư thắc mắc vì ngài ưa gần thân nhân và vì ngài không chịu tham dự các lễ cúng dường lớn do Trưởng giả Cấp Cô Độc và Quốc vương Pasenadi tổ chức. Khi chuyện kể tới Đức Phật, mới triệu ngài Nigamavasi Tissa tới và hỏi. Trưởng lão trình với Đức Phật rằng ngài tới làng các thân nhân chỉ để khất thực, nhưng khi thấy đủ thực phẩm là thôi, không đi thêm, và rằng ngài không bận tâm chuyện thực phẩm ngon hay dở.
Đức Phật ca ngợi ngài Nigamavasi Tissa trước hội chúng, và nói rằng sống hạnh ít muốn và biết đủ là hạnh của Đức Phật và các bậc Thánh, và nói rằng  tất cả các sư phải nên như thế. Rồi Đức Phật kể chuyện tiền thân.
Một thời, vua chim két sống trong một vườn cây sung bên bờ sông Hằng, với nhiều chim két thần dân. Khi trái cây bị ăn hết, tất cả các chim két rời bỏ vườn cây, chỉ trừ vua chim két tự biết đủ với bất cứ những gì còn trên cây, cho dù là chồi, mầm, lá hay vỏ cây. Đế thiên Sakka thấy như thế, mới thử xem giới hạnh của vua chim két, dùng thần lực làm cho cây héo rụi. Kế tiếp, Đế thiên Sakka hóa thân làm một con ngỗng bay tới hỏi vua chim két là vì sao không chịu rời bỏ cây khô, trong khi các chim khác đã bay đi hết, và tại sao không tìm các cây khác mang trái. Vua chim két trả lời, “Bởi vì lòng biết ơn đối với cây này, tôi không bỏ đi, và khi nào tôi còn có thể kiếm đủ ăn để sống, tôi sẽ không  rời bỏ cây đi. Tôi cảm thấy sẽ là vô ơn khi rời bỏ cây này, mặc dù cây đã mất sức sống.”
Thán phục, Đế thiên Sakka hiện lại thân vua trời, lấy nước sông Hằng tưới vào cây héo, và tức khắc cây tươi trở lại, cành xanh trở lại và đầy trái.
Vua chim két đó là tiền thân Đức Phật. Còn tiền thân của tỳ kheo Anuruddha là Đế thiên Sakka. Kế tiếp, Đức Phật đọc lên bài kệ 32 trong Kinh Pháp Cú, bản dịch của Hòa Thượng Thích Minh Châu là:
32. “Vui thích không phóng dật,
Tỷ kheo sợ phóng dật,
Không thể bị thối đọa,
Nhất định gần Niết Bàn.”
Nghe như thế, Trưởng lão Tissa liền đắc quả A La Hán.
Trong bản chú giải ghi rằng “không bị thối đọa” (will not fall away) là vững vàng trong pháp Thièn Chỉ và Quán (Tranquillity and Insight Development).
Chúng ta nhìn thấy rằng, Đức Phật đã biết ơn một cội cây che mưa nắng cho ngài, và ngay tới một con chim cũng biết ơn một cây sung nơi chim một thời ăn trái.
Huống gì là, chúng ta đang mang bốn ơn vô cùng lớn: ơn ba mẹ, ơn thầy bạn, ơn đất nước, ơn chúng sanh…

Tuesday, November 21, 2017

Cảm Ơn Em - THANK YOU, MY DEAR




CẢM ƠN EM
Cảm ơn em một loài trang thanh khiết
Rất đơn sơ, mộc mạc và thủy chung
Cảm ơn em một đời không kể xiết
Vì hai con và nhân loại, hãy ung dung!

THANK YOU, MY DEAR
My sincerest gratitude to you, a kind of purest flower
Simple, subtle, beauty and yet loyalty
Thank you my dear, this whole life
thanking you is just not enough!
Because of our two sons and for the greater good of humanity,
We must continue engage and construct this society
mindfully, constructively and positively
with compassion, wisdom and harmony of acting in the world
Thus, I thank you for walking with path with me, in a free-willing spirit.
Your support and love is endless, invaluable and precious.

So, CẢM ƠN EM. THANK YOU.