Sunday, July 5, 2020

Thái Ðạo Thành (1924-2002): Tuệ Kiếm, Phương Pháp Tranh Ðấu của Phật Giáo


Tuệ Kiếm,  Phương Pháp Tranh Ðấu 

của Phật Giáo

Thái Ðạo Thành (1924-2002)

XAY DUNG NHAN SINH QUAN PHAT GIAO.jpg
XÂY DỰNG NHÂN SINH QUAN PHẬT GIÁO, tác giả Thái Ðạo Thành,
tức Cố Hòa Thượng Thích Ðức Nhuận (Cố vấn Ban Chỉ Đạo Viên Hóa Đạo, GHPGVNTN),
Vạn Hạnh xuất bản, 1969. Lotus tái bản, 2016)
– Nhóm Hoa Ðàm chủ trương
thichducnhuanNgười ta thường nói: “Tranh đấu để bảo vệ sự sống,” nhưng nếu ta quan niệm rằng: “sống tức là tranh đấu,” thì con người bất cứ ở thời đại nào, ở hoàn cảnh nào cũng phải tranh đấu hết. Vì người nào không tranh đấu tức là người đó đã chết, tổ chức nào không tranh đấu, tổ chức đó không thể tồn tại được. Có điều phương pháp tranh đấu của mỗi cá nhân hay đoàn thể thường khác biệt nhau do hoàn cảnh, kĩ thuật và phương châm chỉ đạo mà thôi. Cho nên không phải chỉ những người mang danh chiến sĩ ngoài tiền tuyến mới là tranh đấu, còn những người ở hậu tuyến hay tu sĩ ở chùa, đều không làm nghĩa vụ của một chiến sĩ.
“Sức mạnh của tư tưởng Phật, được phối hợp với tình thương dân tộc, hợp thành một phương pháp tranh đấu để bảo tồn sự sống còn của Đạo pháp và Dân tộc xưa nay.
Phương pháp tranh đấu đó, có thể tóm tắt qua 4 nguyên tắc, gọi là “TỨ DIỆU PHÁP”:
1. TAM KIẾM PHÁP,
2. ĐỐI TƯỢNG TRANH ĐẤU PHÁP,
3. HÓA ĐỊCH PHÁP,
4. VẠN THẮNG PHÁP.
I. TAM KIẾM PHÁP
Tam Kiếm Pháp gồm có: Tuệ Kiếm, Khí Kiếm và Bảo Kiếm.
A. TUỆ KIẾM: Nguyên là bó đuốc sáng của nhà Phật dùng để soi đường cho chúng sinh tìm về chân lí. Nhưng khi áp dụng vào tranh đấu nó là một thứ kiếm để giác ngộ tư tưởng thấp kém của đối phương khiến cho đối phương phải bỏ nẻo tà theo đường chính, chứ không cần phải giết chết mạng sống của chúng. Nã Phá Luân, anh hùng của nước Pháp xưa, cũng đã cảm thấy sức mạnh của tuệ kiếm, nên ông ta mới than: “Giết người có nhiều thứ: súng gươm, giáo mác, nhưng giết tư tưởng người mới đáng sợ.”
Ngoài nhận định trên, Nã Phá Luân còn nói: “Một ngòi bút có sức mạnh bằng trăm ngàn quân” cốt để chứng minh: tư tưởng mạnh hơn vũ khí nhiều.
Tuệ kiếm còn được diễn tả qua nhiều hình thức như: “Mang thân mình làm gương cho người; dùng lời nói, ngòi bút giác ngộ người để cho người tự quay về theo chính nghĩa.”
Do đó Tuệ kiếm có một giá trị về chính trị và chiến lược tuyệt đối.
1. MANG THÂN MÌNH LÀM GƯƠNG CHO KẺ KHÁC PHẢI NOI THEO
Khổng Tử có nêu mẫu mực người “Quân Tử” khi nói ra là thành phép tắc cho thiên hạ tuân theo như khuôn vàng, thước ngọc, khiến cho kẻ ở xa tìm đến và kẻ ở gần không biết chán (quân tử ngôn vì thiên pháp, hành vì thiên hạ tắc, viễn nhi tắc cận, cận nhi bất yếm.)
Người Việt ta có mẫu người “anh hùng” cứu khốn phò nguy, thích can thiệp vào việc ngang trái, tôn trọng lẽ phải, hi sinh mình vì sống còn của đất nước. Nên ta thường nói:
Anh hùng tiến đã gọi rằng,
Giữa đường thấy sự bất bằng mà tha.
Hoặc:
Làm trai cho đáng nên trai,
Xuống Đông, Đông tỉnh, lên Đoài, Đoàn tan.
Khí phách đó của dân tộc ta hiện được giác ngộ tới cao độ bởi lí tưởng Phật, nên từ chủ trương bất bạo động kiểu Thánh Cam Địa bên Ấn Độ, đã thăng hoa đến độ mang thân mình làm bó đuốc đốt lên để cảnh giác địch nhân, và soi sáng cho Phật tử bước lên đường tranh đấu.
Hòa thượng Thích Quảng Đức đã thành công bằng Tuệ kiếm phi thường đó cho nên bó đuốc sáng ngời ở Người đã làm cho các nhà khoa học thế giới phải ngỡ ngàng khi thấy tính phản xạ không còn khiến nổi ý thức nữa. Thân xác Người không vì sức nóng của lửa mà làm mất thế tĩnh tọa cho tận tới lúc chết đi. Lý tưởng Người soi sáng cả cõi vô minh đầy tội lỗi khiến cho những kẻ lầm đường quay về nẻo chính. Người đã vào lịch sử đấu tranh không phải riêng trong việc bảo vệ Phật giáo mà Người lại còn là của cả dân tộc khi hãm chế độ pháp trị nhà Ngô lâm cảnh bị ngọn tuệ kiếm thiêu thành tro bụi, để mở lối thoát cho cách mạng dân tộc tiến lên!
Lý tưởng nào, tôn giáo nào, không vì mục đích chung của dân tộc mà chỉ biết đến có quyền lợi riêng của cá nhân hay đoàn thể, sẽ đi tới thất bại. Hòa thượng Thích Quảng Đức không bao giờ có ý tưởng hẹp hòi như vậy. Cho nên chớ mong bóp méo hay thu hẹp sự nghiệp của Người lại. Có thế sức mạnh của Tuệ kiếm mới còn mãi mãi soi đường cho hậu thế.
2. DÙNG LỜI NÓI VÀ NGÒI BÚT GIÁC NGỘ NGƯỜI TỪ CHỖ VÔ MINH ĐẾN CHÂN NHƯ
Nói điều phải, viết điều hay, để tuyên truyền giác ngộ người vô minh đến chân như, khiến họ không làm điều tội lỗi, gây thành nghiệp chướng về sau, thế cũng là một hình thức của Tuệ kiếm.
a) Nói, là một nghệ thuật tác động quần chúng vô cùng mãnh liệt. Người cộng sản cho rằng: “Không có lý luận cách mạng thì không có hành động cách mạng.” Nên họ nhờ vào miệng lưỡi để sống còn từ 50 năm qua.
Tiếc rằng họ đã nói sai sự thật, sai bước đi của lịch sử, nên mới làm cho đất nước ta chia rẽ tan hoang như ngày nay. Muốn thắng cộng sản chỉ có thứ thần thánh vũ khí bằng những lời nói đúng, nói phải, nói thực, mới xua đuổi được những lời nói sai lạc kia để có thể đưa dân tộc thoát cảnh chia rẽ hiện tại.
Một trong những khuyết điểm của người quốc gia nói chung và của người chiến sĩ Phật tử nói riêng là: “Không chịu khai thác lý luận Phật giáo ở địa hạt Nhân sinh quan hầu giải quyết việc đời.” Nên mới cứ buông thả cho cán bộ CS mê hoặc dân chúng mãi không thôi. Ai dám bảo Phật giáo không có lý luận để giải quyết đời sống con người, khi Phật giáo có cả một kho triết học cao hơn hết tất cả các học thuyết của xã hội đương thời.
Duy Tâm là gì? Duy vật là gì? Những lý lẽ mơ hồ đó, sao bằng được Duy Ngã của Đức Phật. Nếu ta biết khai thác Duy Ngã, từ Tiểu Ngã đến Đại Ngã, tất phải tạo nổi một thế đứng vững mạnh cho một Triết lý Duy Nhân, lấy con người làm căn bản xây dựng xã hội nhân tính hoàn toàn căn cứ trên tinh thần Nhân chủ.
Ai đảm bảo Phật giáo không có xã hội tính và thiếu thực tế, khi chưa giác ngộ loài người qua Thập Pháp giới, từ thấp lên cao, từ dãn man tới văn minh, từ chỗ bất bình đẳng đến chỗ bình đẳng về mọi phương diện. Hãy nói và phải nói, phải viết tất cả những cái gì về phần đời ở Đạo Phật để giải quyết việc đời.
b) Viết, là điều quan hệ không kém gì Nói. Vì Nói với Viết chỉ là một. Nói thế nào Viết cũng phải đúng như thế ấy. Nói để truyền bá tư tưởng qua miệng lưỡi và vào sâu tâm trí người nghe. Còn viết để ghi thành văn trên sách vở lưu truyền sâu rộng mãi về sau…, Nói có nghệ thuật hấp dẫn quần chúng khiến quần chúng phải nghe, phải làm theo ý mình, thì Viết cũng có nghệ thuật làm cho người đọc nhận thức được vấn để rất bền bỉ và mau chóng, nhờ dễ hiểu dễ đọc và không chán.
Lịch sử tranh đấu của Phật giáo, trong những năm qua, đã chứng minh rằng chỉ có nghệ thuật Nói và Viết mới xoay chuyển lại được thời cuộc, một khi đã làm cho người nghe, người đọc phải tin tưởng và bắt tay vào việc, theo lý tưởng xã hội loài người.
3. ĐỂ CHO NGƯỜI TỰ GIÁC THEO MÌNH
Phải lãnh đạo lịch sử nghĩa là phải dùng Tuệ kiếm nhìn xa thấy trước những việc sẽ xảy tới thì mới định rõ được kế hoạch công tác, hoặc giác ngộ người trước khi người lâm nạn, hoặc đợi cho người lâm nạn rồi tự giác tìm về lẽ phải.
a) Với những người có óc tiên phong tiền tiến trông thấy trước ta thì chưa cần giác ngộ, họ đã tự giác rồi; dĩ nhiên là không cần phải nói nhiều.
b) Với những phần tử học cũng không hiểu, nói cũng không nghe, thì chỉ còn có cách chờ cho họ thất bại đến nơi mới giác ngộ được. Với những người “khốn nhi tri chi” đó, Tuệ kiếm vừa phải giác ngộ trước để cho họ biết nẻo tà, chính và cũng là để giác ngộ sau khi họ bị thất bại rồi buộc lòng phải quay về để tìm lối thoát.
Phương thức này, các nhà quân sự xưa nay thường áp dụng bằng cách tạo thế cô lập đối phương, buộc đối phương phải đầu hàng, nếu không muốn bị tiêu diệt. Bởi vì khi đối phương còn tin ở sức mạnh của họ tất không khi nào chịu nhận lẽ phải. Cho nên Tuệ kiếm không thể áp dụng hữu hiệu khi nguy cơ chưa đến trước mắt kẻ ngoan cố và chậm hiểu.
Cái chết của loại này tuy chẳng ích gì cho ai, ngoài sự thỏa mãn tự ái cá nhân cho riêng họ, nhưng không vì thế mà ta không mang Tuệ kiếm ra làm công việc Đại bi, Đại giác để tiết kiệm bớt xương máu của nhân loại mặc dù họ là kẻ không cùng một lý tưởng.
B. KHÍ KIẾM: Khi kiếm hun đúc bởi tinh thần bất khuất của dân tộc đã khiến cho đối phương phải khiếp sợ dân mình xưa nay.
Trong chiến tranh thế giới vừa qua, người ta ca tụng tinh thần yêu nước và lòng hi sinh của dân tộc Nhật Bản “Thà chết chứ không chịu nhục.” Đó là thứ tinh thần đã được bộc lộ qua trận tử chiến tại đảo Xung Thắng, từ kẻ được chết ngoài chiến trận đến kẻ còn sống sót cũng mổ bụng tự sát. Thậm chí đến đàn bà con nít cũng tự tử dần hết. Như thế để nói lên cái tinh thần bất khuất của dân tộc họ hầu tạo thành một “Khí kiếm” mà chính kẻ thắng cũng phải nể sợ. Đem so sánh về Khí kiếm giữa ta và Nhật thì Khí kiếm của ta nào có kém gì dân Nhật, trong bất cứ hoàn cảnh nào. Một Trần Bình Trọng trả lời quân Nguyên: “Thà làm quỷ nước Nam hơn làm vua đất Bắc” cũng đủ làm cho đội quân bách chiến của Hốt Tất Liệt phải rụng hồn. Một Lê Lai chịu chết thay chúa cũng đủ hun đúc lòng dân nổi dậy lật đổ chế độ cai trị tàn ác của nhà Minh.
Rồi đến hiện nay, cái dân tộc nhỏ bé này, chỉ với hai bàn tay và bộ óc đã đánh bại đế quốc Pháp sau chín năm kháng chiến, dù hậu quả của kháng chiến chỉ là một thảm cảnh chia đôi đất nước, Quốc Cộng phân tranh. Như thế nào đã hết, Việt cộng còn bắt một nửa dân tộc miền Bắc, tiếp tục hi sinh chống nhau với Mỹ quốc và cả Thế giới tự do, mục đích không  phải vì độc lập quốc gia, mà chỉ vì một chủ nghĩa ngoại lai vô ý thức. Đến thế mà dân Việt vẫn còn đủ sức chịu đựng để chờ cơ thoát gỡ những lầm lẫn của mình.
Ngoài Bắc thì như vậy, trong Nam này thì trái lại khí kiếm tuy không tụ thành một khối và nhằm vào một mục tiêu tranh đấu, nó tản mát khắp đó đây, tạo thành những mâu thuẫn cá nhân, cá đảng, khiến cho Khí kiếm của dân tộc càng bị suy nhược không đủ sức tạo nổi uy quyền cho một quốc gia độc lập thực sự, lỗi đó chẳng là do sự thiếu giác ngộ của Tuệ kiếm!
Thiết tưởng không thể để mãi như thế được nữa. Khí kiếm của dân tộc không có mục đích và tự hủy mình, như ở ngoài Bắc cứ vùng lên rồi điên cuồng tự đánh mình, đánh bạn, giúp quân thù. Khí kiếm của dân tộc cũng không thể để tản mát quá hóa ra suy yếu như tại miền Nam. Khí kiếm của dân tộc phải được tập trung và đúc lại bằng ánh sáng giác ngộ của Tuệ kiếm, khiến người Việt thoát khỏi vô minh, đã hãm ta và cảnh nhận kẻ xâm lăng truyền kiếp là bạn rồi để tự hủy hoại mình mãi cho đến khi bị tiêu diệt hẳn!
Thiết tưởng không thể để rối ren như vậy được. Ánh sáng của Tuệ kiếm, từ cửa Phật, từ đáy lòng, đáy hồn dân tộc sẽ phản chiếu lên cho người Việt tìm thấy chân lý tự mình và hi sinh đúng chỗ.
Nòi giống Việt đã có cả ngàn năm kinh nghiệm lịch sử tất không mãi vô minh như thế được. Đã đến lúc người Việt phải tập trung Khí kiếm để phụng sự chính nghĩa dân tộc.
Phụng sự bằng cách nào?
Bao năm tranh đấu đã dạy ta rằng: phải phụng sự bằng sự giác ngộ ở tự mình tức là vận dụng Khí kiếm để phát minh chiến lược mới, thực hiện bằng chiến thuật mới như tổ tiên Việt chúng ta đã từng làm. Trong “Binh Thư Yếu Lược” khi Trần Hưng Đạo đánh quân Nguyên. Trong “Bình Ngô Đại Cáo” khi Lê Lợi làm khiếp đảm quân địch, vì “Khí kiếm” trên hành động, đã là tinh thần bất khuất của dân tộc… “Thà chết hơn chịu nhục” thì, trên kế hoạch tranh đấu, Khí kiếm phải là tất cả mọi thủ đoạn đấu tranh bằng sáng tác ra mọi thứ vũ khí tinh thần và vật chất. Có thế mới khỏi phí sức dân một cách oan uổng. Sức mạnh của sự hi sinh của thể xác chỉ có hạn. Sức mạnh của tinh thần phát minh cùng nghệ thuật điều khiển Khí kiếm mới thực là vô tận và quan trọng. Người biết vận dụng cả hai sức mạnh đó tất sẽ nắm phần thành công chắc chắn trong tay.
C. BẢO KIẾM: Sự tích thanh gươm thần của vua Lê Lợi bắt được, dùng trong việc tiểu trừ giặc Minh và trả lại cho thần Kim quy ở Hồ Hoàn Kiếm Hà Nội chứng tỏ thanh thần kiếm tượng trưng ấy chỉ có mục đích đề cao giá trị của tất cả mọi thứ vũ khí vật chất khác, như súng gươm, dáo mác, của toàn dân trong khi chống kẻ xâm lăng mà thôi. Dân Việt lấy đầu Liễu Thăng đuổi Mộc Thạnh về nước, buộc Vương Thông bỏ dáo qui hàng, đâu phải bằng thanh gươm đó, nhưng đích là bằng sức mạnh tinh thần của thanh gươm đó mà đích ra là không bằng tinh thần chiến đấu của toàn dân.
Luận về giá trị của Bảo kiếm trong việc trừ giặc, tuy không hợp với giáo lý nhà Phật, vì phạm luật “giới sát,” nhưng “giới sát” không có nghĩa là ngăn cấm hẳn không cho người Phật tử chống kẻ ngoại xâm để bảo vệ quyền tự do sống còn của dân tộc mình. Không cần bàn chuyện xa xôi, chỉ nhìn thẳng vào cửa chùa chiền tất sẽ thấy “ÔNG THIỆN” lẫn “ÔNG ÁC” đều được đặt ngang nhau. Như thế đủ rõ: Ông Ác cũng có công việc phải làm như Ông Thiện. Ông Ác cầm bảo kiếm để làm gì? Để răn đe ác quay về nẻo thiện. Nhưng cũng có thể Ông Ác sẽ diệt kẻ làm điều ác để cứu người thiện, như người làm vườn bắt sâu bọ đi, hay cắt cành hoa hồng tàn úa, để cho mầm hồng non nảy nở. Điều khó nhất trong việt làm của Ông Ác là phải sáng suốt đừng diệt lầm người Thiện và phò lầm kẻ Ác. Như thế mới là làm đúng nhiệm vụ của mình.
Đọc lịch sử Việt ta thấy thời Lý, thời Tần biết bao nhà sư cầm gươm, lên ngựa, chống ngoại xâm, bảo vệ bờ cõi, biết bao các vị cao tăng như Thầy Vạn Hạnh giúp nhà Lý xây dựng lại xã hội điêu tàn Việt trở thành quốc gia hùng mạnh.
Như vậy, trực tiếp hay gián tiếp, các nhà Sư đó đã có lần cầm “Bảo kiếm” làm nghĩa vụ công dân Việt, bảo vệ nòi giống Việt. Chứ không phải cứ đi tu là bỏ hết việc xã hội hoặc làm ngơ phó mặc cho kẻ ác giết người Thiện, kẻ xâm lược dày xéo đất nước mình; cứ đi là phải tự tiêu hủy sức mạnh của bản thân đi, không cần học võ như các tăng ni chùa Thiếu lâm bên Tàu xưa.
Người Phật tử chúng ta cần phân biệt Lẽ Đạo của thời bình và Lẽ Đạo trong khi biến, như vị giáo chủ Phật giáo Hòa Hảo đã nói:
“Đền xong nợ nước thù nhà,Thiền môn trở gót, Phật đà nam mô.”
Và như nhà chính trị đạo đức X.Y. Lý Đông A có ghi:
“Làm tròn giấc mộng tiền sinh ấy,Trở lại hang sâu nhập Niết Bàn.”
Tuy nhiên người chiến sĩ Phật giáo cũng cần phải luôn luôn nhớ lời răn của Phật là “giới sát”, đừng như những kẻ khát máu điên cuồng giết người không một chút tình thương dân tộc, giết người không vì chính nghĩa để rồi hối hận về sau. Và luôn luôn tâm niệm:
  • Hãy giác ngộ đối phương bằng Tuệ kiếm để hóa địch thành bạn.
  • Hãy tâm phục đối phương bằng Khí kiếm của dân tộc để xua đuổi chúng khỏi đất nước này, như ông cha ta đã làm.
  • Hãy chống trả đối phương bằng Bảo kiếm nếu cả hai kiếm pháp trên không còn hiệu nghiệm nữa.
Người chiến sĩ Phật giáo nên nhớ thêm rằng: “Cầm súng gươm ra trận và kháng địch là một việc làm bất đắc dĩ.” Vì giết người bằng Bảo kiếm chỉ là hạ sách. Các vị Thánh Hiền, cũng như chính trị gia thường nói: “Những thắng lợi trên chiến thuật và chiến đấu ngoài chiến trường không thể giải quyết nổi chiến tranh, nếu không có sự thắng lợi của Tuệ kiếm và Khí kiếm.”
Người chiến sĩ Phật giáo phải thông suốt cả “TAM KIẾM PHÁP” mới xứng đáng là chiến sĩ của thời đại, mới đủ tư cách của một chiến sĩ tranh đấu có lý tưởng.
Chiến tranh này là chiến tranh xâm lược, đội lốt tư tưởng, nên không thắng lợi về tư tưởng, và không động viên nổi tinh thần dân tộc tất không thắng nổi đối phương.
II. ÐỐI TƯỢNG ÐẤU TRANH PHÁP
Ðạo Phật đã căn cứ vào tinh thần Nhân Chủ bổ xung cho Ðịnh Mệnh thuyết (luân hồi) để giải quyết cho con người khỏi bị tự nhiên chi phối. Rồi đưa con người từ địa vị thấp kém của loài súc sinh lên địa vị Con Người chân chính, thành lập xã hội loài người.
Muốn thực hiện xã hội lý tưởng Người ấy, đối tượng đấu tranh của con người vẫn gồm có hai mặt:
– Ðấu tranh với vũ trụ tự nhiên để chế tạo kỹ thuật;
– Ðấu tranh giữa người với người để thành lập một xã hội người tốt đẹp.
a) Phương pháp tranh đấu với vũ trụ gồm hai phần:
1) nhật định về vũ trụ quan: cái khổ trước tiên của con người từ trước tới nay không phải là do chế độ Xã hội loài người gây ra, mà do cõi Tự nhiên đè nén:
Nào ngoại cảnh nắng mưa, gió rét đã tạo ra bao nhiêu tai ương như đại hạn, làm cho đồng ruộng khô; nước lũ mưa dầm làm cho hoa mầu hư thối; giông bão sập cửa nhà… Và còn biết bao oan trái khác, phần lớn do tự nhiên gây nên, bắt con người phải gánh chịu.
Nào nội tâm đau khổ vì sinh, lão, bệnh, tử tiếp diễn như bánh xe luân hồi không dứt. Tất cả những sự việc không hay cho loài người đó chẳng phải do con người muốn có, mà đều bởi “lẽ trời” gây nên. Vậy Tạo hóa vô tình hay bất nhân chăng? Tạo ra loài người như vậy sao?
Tất cả những thắc mắc đó ngày nay đã được nêu ra để tìm câu trả lời bằng hành động của bàn tay và khối óc con người: con người luôn luôn tìm cách cải tạo lại thiên nhiên.
Loài người không sợ hãi tự nhiên nữa; không van xin đấng Tạo hóa nào đó tha tội cho mình, đừng gieo tai họa cho mình nữa. Ði xa hơn “con tim” của loài người còn giác ngộ cái chân lý của Ðạo để giải thoát cho mìn khỏi mọi rang buộc của kiếp sống, mong vươn lên cõi Phật thoát ách luân hồi, còn cố công làm chủ cả vũ trụ ở nơi thượng giới vô hình vô sắc kia nữa.
Con người đã thực sự có ý thức làm chủ đời sống của họ. Nên đối tượng tranh đấu trước tiên của họ là vũ trụ vậy.
2) giải thoát về nhân sinh quan: Như ở phần Nhận Ðịnh trên, đối tượng đấu tranh thứ nhất của con người là vũ trụ, cốt tìm cách giải thoát cho mình khỏi những khổ não của tự nhiên hầu tự tạo cho mình một đời sống hòa bình và hạnh phúc trên cõi thế gian này. Nếu không ý thức rõ điều đó thì đạo Phật sẽ trở thành một thứ tôn giáo ngu dân, đưa loài người tới chỗ thoát hóa: coi cuộc sống là phi lý để rồi biến xã hội loài người thành một xã hội chết.
b) tranh đấu để thành lập xã hội:
Sau hoặc trong khi tranh đấu với tự nhiên, ở phần hình nhi thượng thì con người vẫn miên tục “trở về với mình” để mang bộ óc, bàn tay ra kiến lập xã hội loài người, ở phần hình nhi hạ, theo quan niệm của con người. rồi qua mỗi thời đại, mỗi bước tiến của lịch sử mà vượt từ thấp lên cao, từ dã man đến văn minh tiếng hóa.
Ðối tượng đấu tranh thứ nhì này của Phật giáo cũng không có gì khác biệt lắm so với chủ trương của nhà xã hội học xưa rầy. Vì nó cùng chia ra hai ngả: là chân như và vô minh, hay nói theo thực tế, là: Phật lành và Ma ác.
Người Phật tử chủ trương làm theo điều lành, tránh xa điều ác, đúng như người quân tử trong đạo Nho cố bỏ điều tà làm điều chính.
Tuy vậy, điều đặc biệt của Phật giáo về phương pháp đấu tranh xây dựng xã hội có hơi khác: với mọi chủ trương cách mạng xã hội là ở chỗ “giới sát” nên về mặt tranh đấu thực tiễn thường đi tới “bất bạo động.” Do đó, đói ngoại Phật giáo thường dùng Tuệ kiếm để giác ngộ người, hơn là dùng khí hay bảo kiếm để tiêu diệt đối phương. Ðối nội, Phật giáo: lấy việc giác ngộ mình hiểu thấu chân lý của sự sống, lẽ sống và cách sống của con người để khi vào hành động không phạm tới nhân đạo, không trái với nhân luân cho khỏi tạo ra những nghiệp quả không hay từ đời này qua đời khác.
Sự thực đã chứng minh, xã hội loài người rối loạn là do con người thiếu giác ngộ chân lý nên mới để thú tính và Atula tính gây ra thảm họa chiến tranh. Chiến tranh càng ngày càng bộc phát một cách quy mô rộng hơn mãi. Chiến tranh có thể hủy diệt loài người, mà lại do chính ngay những tiến bộ về khoa học mà con người đã khổ công bao nhiêu mới đạt tới được. Chúng ta thử hỏi: nhân loại liệu có tuyệt diệt vì chiến tranh nguyên tử đang đe dọa kia chăng? Không thể như thế được! Vì con người còn có Phật tính trong tâm để chế ngự thú tính và ma quỷ tính, nên con người phải giác ngộ ấy đã thể hiện trong bản “Hiến Chương Liên Hiệp Quốc” sau bản “Tuyên ngôn Quốc tế Nhân quyền” công bố sau hai cuộc thế chiến. Lý tưởng Nhân quyền mặc dù còn bị tham vọng của những phần tử chưa giác ngộ, của những thế lực nhất thời ngăn cản, nhưng nhất định nó phải sang tỏ và tiến tới chỗ toàn thiện, theo tinh thần Phật. Có thế nhân loại mới có hòa bình hạnh phúc chung được. Mà đó là tất cả những điều chúng ta từng giác ngộ thấy ở ngay trong mỗi nội tâm mỗi nguời: những điều mà Phật hằng phán dạy từ mấy ngàn năm trước. Chỉ tội nghiệp cho những cường quốc nào thiếu giác ngộ còn mắc bệnh tham sân si trói buộc nên mới tạo nghiệp chướng mãi để rồi phải lãnh lấy những hậu quả không hay. Mà cũng tội nghiệp thay cho cả dân Việt, đã bị chia cắt làm đôi mà vẫn chưa chịu giác ngộ ánh sang Phật để bước theo đà chuyển biến của lịch sử nhân loại và lịch sử dân tộc.
Cả nhân loại đang hướng tâm về mảnh đất này. Lại bao nhiêu thiện chí của các bạn đồng minh đang lo cứu giúp ta nữa. Nhưng nếu tự người Việt không giác ngộ trở về mình, mà còn theo đuổi ánh hoàng hôn của những chân trời xa lạ thì làm sao có thể đem vinh quang xán lạn được lại cho mình.
II. HÓA ÐỊCH PHÁP
Hoá địch là một phương pháp rất cao của Phật giáo. Vì chủ trương hoá địch đòi hỏi ở nơi ta làm sao phải có những điểm hơn địch về lý luận, về kỹ thuật, về đức độ. Khiến địch phải “tâm phục.” Chứ không thể dùng sức mạnh uy hiếp người, bắt buộc người theo mình, hoặc dùng tiền bạc mua chuộc người. Ngược lại, nếu cứ chủ trương hoá địch mà chính ta lại không có ưu điểm gì hơn người thì tất nhiên là sẽ bị người hoá lại mình.
Việc mình hoá địch hay bị địch hoá mình ngụ cả ở chỗ đó. Nếu địch hoá nổi mình, tức là địch đã thắng mình vì địch đúng hơn, phải hơn mình. Lúc đó thì mình không còn có lý do nào mà không để cho địch hoá mình theo lẽ phải? Còn dĩ nhiên là nếu mình hoá nổi được địch thì tức là mình đã đúng hơn, phải hơn địch rồi đó. Phương pháp tranh đấu rất nhân đạo này của Phật Giáo đã làm đảo lộn tất cả mọi trận thế. Vì không còn phân biệt được đâu là ta đâu là địch: Có khi địch ở trong ta và có khi ta lại ở trong địch nữa. Để cho phương pháp hoá địch được thêm phần rõ ràng hơn, có thể chia phương pháp đó ra hai phần:
a) Phần tìm địch: gồm có hai nguyên tắc chính là:
– Địch ở trong hàng ngũ ta.
– Ta ở trong hàng ngũ địch.
Khi bàn về vấn đề tìm địch ở trong hàng ngũ ta, có người đã vội nghĩ ngay đến những tên “địch đội lốt nằm vùng”: như thủ đoạn tranh đấu của gián điệp chờ cơ phá hoại. Đôi khi họ lại chính là những người ở trong hàng ngũ của ta mà đã bị địch dùng danh lợi mua chuộc rồi phản bội lại ta. Tuy vậy, quan niệm xét địch một cách nông cạn như thế chỉ có giá trị ở những tổ chức chính trị tầm thường thôi. Còn đối với Phật giáo nó hoàn toàn vô giá trị. Vì Phật giáo vốn rất tin ở lý tưởng của mình để giác ngộ địch tìm về chân lý. Phật giáo có phương pháp và phương thức để dạy người – dù là kẻ địch – tự tìm tới chân lý.Nhược bằng kẻ địch đó không có lý tưởng, không nhận thấy chân lý, hay không muốn giác ngộ thì đó là điều không cho i chứ không thiệt hại gì cho ta cả. Bởi lẽ “Phật giáo chỉ có cái có, do con người tự giác ngộ mà có thôi” chứ không hề nhằm tới cái gì mà con người ngu tối không sao nhận ra thấy được, không thành đạt tới được. Do đó mà đạo Phật không bao giờ sợ kẻ địch ở trong hàng ngũ mình khi biết mình đã đủ lý do để hoá địch thành bạn. Giả thử có những kẻ giả dối dùng thủ đoạn len lỏi vào hàng ngũ Phật giáo để phá hoại thì chỉ ít lâu sau chính những kẻ đó lại cải tà qui chính cũng quay về nẻo Đạo. Vì thế mà đạo Phật bất chấp cả mọi sự thịnh, suy, hưng, phế của thế cuộc và của cả thời gian nữa.
Bàn về vấn đề ta ở trong hàng ngũ địch.
Thực sự ta không bao giờ đặt thành vấn đề và không bao giờ muốn gây ý nghiệp hay khẩu nghiệp với người thì còn nói gì đến việc hành động của thân nghiệp cốt để hại người nữa. Nhưng có một điều, không thể chối cãi được là chính ngay trong lòng địch nhân cũng vẫn có Phật tâm và Phật tính. Nên nếu gặp hoàn cảnh tốt làm cho những chủng tử Phật (mầm Phật) nảy nở ở trong lòng địch ra thì tự nhiên sẽ chối bỏ ác nghiệp mà quay trở lại theo ta, hoặc giúp đỡ ta chống lại những hành động dã man của loại địch nhân chưa giác ngộ.
Nói tóm lại, cả hai vấn đề “tìm địch ở trong ta” hay “ta trong hàng ngũ địch” đới với Phật giáo, đều là lẽ tự nhiên. Nên đạo Phật rộng bao la, cửa Phật luôn bỏ ngỏ. Kẻ có dã tâm và có đem theo ma quỉ vào đất Phật thì ma cũng được hóa thành Phật hết.
b) Phần hóa địch: Có thể thu tập việc Hóa địch bằng 4 nguyên tắc chính:
Trực tiếp hóa địch
Gián tiếp hóa địch
Cá nhân hóa địch
Tập thể hóa địch
Bàn về việc trực tiếp hóa địch, thì người hóa địch phải biết rõ địch có phản tỉnh và có tinh thần tiên tri tiên giác tới mức độ cnào. Rồi sau đó, mới tìm cách giúp phương tiện cho người giác ngộ một cách trực tiếp. Phương pháp này không thể áp dụng đối với những người có thành kiến bảo thủ, không có óc nhìn xa thấy rộng. Vì họ còn bị ma quỉ tính ám ảnh quá nhiều hay quyền lợi trói buộc. Ðối với hạng người này thì việc giác ngộ trực tiếp đã chẳng có ích gì mà lại còn có hại cho ta nữa. Cho nên, cần tiết kiệm thời giờ và tránh xa để chờ họ tự giác đã.
Bàn về việc gián tiếp hóa địch thì người hóa địch có thể giác ngộ địch bằng cả việc làm lẫn lời nói, và đức độ của mình, sau cho họ tự thấy là đối với chân lý của đạo pháp, họ đã tìm được từ xa tới lại gần thêm, từ chỗ tối lần lần tiến ra chỗ sáng. Nghĩa là ta không cần tìm địch mà địch tự tìm đến ta; ta không cần hóa địch mà địch sẽ tự hóa lấy mình.
Phương pháp gián tiếp hóa địch này tuy chậm chạp nhưng ít bị va chạm với địch. Vì địch không còn cớ để ngộ nhận hiểu lầm ta có ý mưu cầu gì ở họ, rồi tìm cách phá lại ta.
Bàn về việc cá nhân hóa địch, tức là việc giác ngộ giữa một người với một người theo phương pháp trưc tiếp. Người hóa địch phải phân định rõ giá trị con người mình định hóa cùng những quan hệ xã hội chung quanh họ. Nếu cá nhân đó có uy tín và nắm quyền lãnh đạo một nhóm ngườ, một đoàn thể hay một quốc gia thì việc hóa một người như vậy, sẽ lôi kéo được bao nhiêu người khác hóa theo. Cho nên trong việc cá nhân hóa địch, điều khó nhất, đối với những nhân vật quan trọng như kia là phải làm sao cho ý kiến những người lãnh đạo ấy được đa số trong tập thể của ta tán thành. Do đó, việc cá nhân hóa địch cần phải đi đôi với tập thể hóa địch, mới có hy vọng thành công tốt đẹp.
Bàn về tập thể hóa địch thì đây là một công việc vô cùng quan trọng, đối với lịch sử tiến hóa của nhân loại cũng như công cuộc hoằng đạo của chúng ta. Vì muốn hóa cả một tập thể theo mình tất cần phải giải quyết mấy vấn đề cơ bản, như:
– Nêu rõ mục đích chung của cả ta lẫn địch đang cùng nhau đi tới, tuy bằng những phương tiện riêng, kể cả lý tưởng riêng của mỗi tổ chức để cùng giải thoát sinh linh, giải phóng nhân loại và dân tộc.
– Vạch rõ nghĩa vụ, và quyền lợi chung của mỗi tổ chức cần phải làm và được phép hưởng để cùng sống và giúp tiếp lẫn nhau, trên con đường phụng sự mục đích chung.
Công việc chung này phải đi đôi với sự giác ngộ lẫn nhau, bổ xung cho nhau theo tinh thần Nhân quả biện chứng hay Hégel biện chứng tức là hai bên tuy có mâu thuẫn nhưng là để đi tới kết hợp chứ không phải mâu thuân để đi tới đào thải lẫn nhau, theo kiểu biện chứng Mác-Xít.
Có như vậy thì việc hóa địch mới tránh khỏi những lỗi lầm thiển cận, do thủ đoạ tầm thường làm hại tới mục đích chung.
Cần làm cho người bị ta hóa hiểu rõ là: Ta hóa họ vì mục đích chung cho cả ta và họ, chứ không phải chỉ vì riêng ta hay vì riêng họ.
Còn việc ta có thể hóa nổi địch hay địch sẽ hóa lại ta thì tất cả vấn đề sẽ tùy thuộc vào lý tưởng hợp lý cho của mỗi bên, trong việc đồng hóa lẫn nhau.
Như ở phần mở đầu đã nói: Tranh đấu là lẽ sống của con người, ở bất cứ địa hạt nào. Mà đã nói tới tranh đấu là phải nói tới thành bại. Nhưng theo triết lí của Phật giáo thì trừ chủ trương tranh đấu với thiên nhiên ra, việc tranh đấu giữa con người với nhau tất không có kẻ thắng người bại. Vì phương pháp tranh đấu của Phật giáo chỉ là để giác ngộ con người từ nẻo tà sang ngả chính, từ chỗ tối ra chỗ sáng. Từ vị trí ma quỷ sang Phật pháp. Cho nên sự thắng trong tranh đấu của nhà Phật là: Thắng bản thân mình, thắng hoàn cảnh, thắng thời gian, thắng không gây tai hoạ cho người và không gây hối hận cho mình: đó là “Vạn Thắng Pháp.” Tôn Tử, một nhà quân sự có tài bách chiến bách thắng về thời Chiến Quốc, có luận về chữ “thắng” ở địa hạt chiến tranh như sau: “Thắng bốn trận thì nguy; thắng ba trận thì suy; thắng hai trận, làm nên nghiệp bá; và thắng một trân thì làm nên nghiệp vương.” Như thế là Tôn Tử muốn nói: Hễ chiến thắng mà nhiều thì kẻ thắng cũng như người bạai đều bị hao mòn sinh lực. Thế nên Tôn Tử mới đánh giá trị kẻ tướng như sau: “Biết mình, biết người, trăm trận đánh, trăm trận thắng, mới là ông tướng giỏi thôi. Còn ông tướng không đánh mà thắng mới thật là ông tướng tài hơn.”
Trong một tài liệu của X.Y. Lý Đông A bàn về sách lược Thống nhất Tổ chức cũng có nói:
– Thượng sách: Thống nhất bằng lí tưởng.
– Trung sách: Tạm thời hợp tác để đối ngoại.
– Hạ sách: Đánh tan ra để thống nhất.
Những nguyên tắc chỉ đạo cổ kim trên đã chứng minh cho ta thấy rõ phương pháp tranh đấu của nhà Phật, bằng vào tuệ kiếm để hoá địch tới chỗ vạn thắng, thật cao độ và hợp lý vậy.
Điển hình cho phương pháp đó là cuốn Tây Du Ký. Cuốn này mô tả thầy Đường Tăng qua Tây Trúc thỉnh kinh, đã phải mang theo ba đệ tử đầy súc sinh tính như: Chư Bát Giới, Tề Thiên Đại Thánh và Sa Tăng. Có thế mới chiến thắng được đủ mọi thứ địch nhân, từ ma quỷ đến thần tiên. Tuy vậy, kết cuộc chẳng có ai được ai thua, ai sống ai chết, trừ Phật tâm và Phật tính đã thắng trong lòng kẻ ma quỷ lẫn vị thần thánh, để rồi tất cả cùng về một mối Đạo.
Hiện nay, trận giặc tư tưởng mà Phật giáo đang phải đương đầu, giữa hai phe Duy Tâm và Duy Vật, rồi đây sẽ kết cuộc ra sao? Số phận của Giáo hội Phật giáo Việt Nam sẽ ra sao? Giữa khi đối phương quanh mình luôn luôn tỏ ra vô cùng cường mãnh?
Câu giải đáp dứt khoát sẽ là: Với ánh sáng giác ngộ địch bằng tuệ kiếm và bằng phương pháp hoá địch thành bạn để cùng nhau đạt tới chỗ viên mãn ở trong từng con người và từng xã hội loài người, Phật giáo xưa cũng như nay, và mãi bao giờ cũng đạt tới cảnh vạn thắng. Bởi vậy trước mọi biến cố nhất thời, chúng ta cũng đừng để con người u mê ở trong hay ở ngoài hàng ngũ Phật giáo hiểu lầm thế cuộc theo nghĩa “Thắng bại thông thường.”
Muốn thế chúng ta cần phải dứt khoát đặt lại vấn đề “Phật là gì?” Kinh kệ và sử dụng sách đều đã chứng minh rằng: Phật chỉ là một “Thể Sống Tối Viên Mãn” lúc nào cũng bàng bạc ở khắp mọi nơi, ở chốn thánh thiện quang minh cũng như ở lẫn với ma quỷ vô minh.
Thể Sống Viên Mãn ấy cứ mỗi ngày một nảy nở theo trình độ giác ngộ của mỗi cá thể, của mỗi tổ chức theo đà tiến của xã hội – nhờ mọi biến chuyển theo đà tiến hóa của lịch sử, mà có người thì: tiên tri tiên giác thấy được trước thiên hạ, có người thì hậu tri hậu giác theo đà tiến của người đã giác ngộ trước và cũng có người thì lại vô tri vô giác nhưng gặp cái thế ứng hóa mà buộc phải giác ngọ theo. Căn cứ vào phép suy luận trên ta thấy ánh sáng của Ðạo Phật chưa bao giờ sáng bằng lúc này. Sáng từ trên đất Việt sáng tỏa ra toàn thế giới, sau khi đất Việt được khắp các cường quốc chọn làm nơi thí nghiệm cả một cuộc chiến tranh tư tưởng rốt ráo và nóng bỏng. Sở dĩ Việt Nam đang là nơi tái diễn cuộc tổng hợp tư tưởng nhân loại là vì trải qua lịch sử, xứ sở chúng ta đã cùng Phật giáo tạo ra mấy cuộc Tập Ðại Thành về ý thức những tự ngàn xưa rồi.
Bằng chứng là: hơn một ngàn năm mâu thuẫn Tam giáo giữa Phật-Lão-Khổng đã đưa đến việc thống nhất tư tưởng vào lò “Tam giáo đồng nguyên”. Rồi sau đó hơn một thế kỷ liền Gia-Tô giáo du nhập vào đất Việt một cách nhọc nhằn để tạo thế đứng để rồi lại phải đương đầu với chủ nghĩa vô thần đang lan tràn như nước lũ vỡ bờ từ hơn hai mươi năm qua. Mà cuộc tranh đấu chính thức giữa Hữu thần Gia-Tô với Vô thần Mác xít về tư tưởng theo quan niệm Phật giáo tất sẽ đi tới chỗ tổng hợp theo tinh thần tổng hợp Tam Giáo thời Lý-Trần xưa và hiện nay tại các quốc gia Âu Mỹ mà thôi. Nhưng còn về mặt thực tế hành động thì Phật giáo chỉ thành công với sứ mệnh của mình: khi nào Thế giới Tự do tách rời miền Bắc khỏi bàn tay xâm lược của Trung cộng. Và khi Phật tính tiềm tàng trong lòng dân miền Bắc sống dậy với ý chí độc lập và tinh thần dân tộc tại miền Nam mới có thể thống nhất quốc gia về một mối. Phật giáo đã không bao giờ là cộng sản thì Phật giáo cũng không bao giờ lại đi theo cộng sản hay chống cộng bằng phương pháp của cộng sản nên Phật giáo cần làm sống lại Phật tính trong lòng người cộng sản để họ trở về với dân tộc hơn là việc đòi tiêu diệt hết bất cứ lớp người nào. Vì như thế không hợp với tinh thần hóa địch của Phật giáo.
Phật giáo đã có một lập trường một lý tưởng và một thái độ rất rõ rệt để cùng với Lão, Khổng xưa mà không bị hóa, tất nhiên Phật giáo vẫn đủ sức sống với tinh thần bất diệt của mình trong đại gia đình dân tộc sau này.
Ðạo Phật lại cũng không coi chỗ khác biệt tư tưởng về tôn giáo mà cho là không thể dung hóa được nhau. Vì chỗ khác biệt đó chỉ là khác về phương tiện chứ không phải khác về mục đích làm tốt đẹp xã hội và đưa con người tới chân lý. Khi mà tất cả đều cho là: Chân lý chỉ có một, lẽ phải chỉ có một.
Ðiều mà người ta đều chê trách Phật giáo cũng như Phật giáo đã tự phê bình mình là: Phật giáo đã quá rộng rãi, quá thương người, thương dân tộc và quá nhiệt thành với vấn đề thống nhất dân tộc, nên rất có thể bị cộng sản lợi dụng. Khuyết điểm này, Phật giáo nhìn nhận là đúng trong giai đoạn khi mà ma quỷ tính còn trà trộn vào Phật tính, nhưng nó sẽ không đúng khi thời cuộc trắng đen đã rõ rệt. Phật tính đã thắng ma quỷ tính do thời gian đem lại.
Ðể kết thúc bài tiểu luận về phương pháp tranh đấu của Phật giáo này, người Phật tử rất tin tưởng ở Phật tính sẵn có trong lòng mỗi người dân Việt. Phật tính ấy sẽ thắng tất cả, bằng Vạn thắng pháp của mình là: thắng bằng lý tưởng Phật,bằng phương pháp và phương tiện của nguồn giáo lý Phật để cùng các đoàn thể bạn tiến tới việc xây dựng một nhân loại văn minh đúng nghĩa.
THÁI ÐẠO THÀNH
(Cố hòa thượng Thích Ðức Nhuận)
(Trích Xây Dựng Nhân Sinh Quan Phật Giáo của Thái Ðạo Thành, tức cố hòa thượng Thích Ðức Nhuận. Ấn quán Ðại Học Vạn Hạnh xuất bản lần thứ nhất 20 tháng 1, 1969)

Saturday, July 4, 2020

Suy Nghĩ Về Ngài Tuệ Trung Thượng Sỹ

Ngài Tuệ Trung Thương Sỹ: Photo: https://sakya-vietnam.org/tue-trung-thuong-si/

Suy Nghĩ Về Ngài Tuệ Trung Thượng Sỹ
Nguyên Giác

Bài viết này để bổ túc cho một băng video chủ đề Tuệ Trung Thượng Sỹ trên YouTube (1) do nhóm Wisdom Today thực hiện, trong đó Tiến sĩ Phật học Nguyễn Thúy Loan đã phỏng vấn Hòa Thượng Thích Phước Tịnh và bản thân người viết là Cư sĩ Nguyên Giác. Lý do bổ túc vì lời nói của người viết vốn vụng về, không có khả năng diễn ý minh bạch như chữ viết.
Câu hỏi gửi qua email trước khi trực tiếp phỏng vấn là (thơ sẽ viết xuôi một dòng cho dễ đọc trong tầm mắt):
Mọi người đều biết anh Nguyên Giác nghiên cứu và viết nhiều về Thiền Tông, một trong những bản dịch của anh là Tuệ Trung Thượng Sĩ (TTTS) và Trần Nhân Tông. Xin anh cho biết:
1/ Những điểm nổi bật Thiền của Tuệ Trung Thượng Sĩ;
2/ Bài Thơ của Trần Nhân Tông nói về Thiền của  TTTSĩ trong bài Tán Tuệ Trung Thượng Sĩ:
‘Vọng chí di cao / Toàn chi di kiên / Hốt nhiên tại hậu / Chiêm chi tại tiền / Phu thị chi vị / Thượng sĩ chi thiền.’
Bản dịch của Lý Việt Dũng như sau, một trong bản dịch theo Laura là gần và dễ hiểu:
‘Càng nhắm càng cao / Càng dùi càng cứng / Bỗng nhiên vừa phía hậu / Nhìn lại đã mặt tiền / Ôi đó mới thật là / Thiền của Thượng sĩ!’
Xin anh cho biết ý của anh về Thiền của ngài TTTS trong bài thơ diễn tả của Trần Nhân Tông.
Rất cám ơn anh,
Thúy Loan.” (Hết câu hỏi)
Trước tiên, xin phép nói rằng tôi chỉ là một người học Thiền, không phải chuyên gia về sử học hay Phật học. Cổ ngữ lại kém, do vậy vốn học không sâu. Ngay cả khi dịch các tài liệu về Tuệ Trung Thượng Sỹ (1230-1291) và Trần Nhân Tông (1258–1308) sang tiếng Anh, bản thân tự biết cũng sẽ có nhiều bất toàn; y hệt như một anh Tây Ba Lô sang Việt Nam sống 20 năm hay 30 năm, rồi viết tiếng Việt thì sẽ lộ ra văn phong tiếng Việt không giống ai. Tôi viết tiếng Anh cũng bất toàn như thế, chủ yếu chỉ dùng phần mềm văn phạm miễn phí trên mạng để kiểm tra tiếng Anh, chớ không đưa cho các book editor sửa văn, phần vì sợ tốn tiền, phần vì muốn giữ văn phong kiểu đường phố giang hồ để thế hệ trẻ sẽ thấy rằng có một ông già viết tiếng Anh nhà quê lắm, nhưng cũng ráng viết về Thiền Tông VN, vì có điều muốn nói… Cũng xin nhấn mạnh, những gì tôi nói và viết đều không có thẩm quyền nào hết. Xin sám hối trước như thế.
Trước tiên, tôi sống với Thiền Tông nói chung, với tác phẩm Tuệ Trung Thượng Sỹ nói riêng, hầu hết bằng “tâm không biết” – nghĩa là, bằng một tâm rất đơn sơ như trẻ em, nghĩa là tôi sống với từng khoảnh khắc trong đời bằng trực diện với cái hiện tiền, cái bây giờ và ở đây, cái trôi chảy trước mắt và bên tai, sống với cái chưa từng được biết, còn gọi là “sơ tâm” hay tâm người mới học, rất mực rỗng rang, hay là vô tâm, bởi vì các Thiền sư ngày xưa dạy như thế, thì mình sống như thế. Nếu phải sống theo phương pháp nào hay kỹ thuật nào, các cụ nói như thế là sống với tâm quá khứ, là hỏng, là mất cái hiện tiền trôi chảy vô thường. Với tâm như thế, tôi tiếp cận với ngài Tuệ Trung Thượng Sỹ.
Bạn hỏi về những điểm nổi bật về Thiền của Tuệ Trung Thượng Sỹ, thì xin trả lời rằng rất là mênh mông, đọc hoài về ngài vẫn chưa hết ý. Cứ mỗi bài thơ của ngài là mình có thể nói chuyện cả ngày. Cũng không thể viết kiểu thống kê gạch đầu dòng rồi viết, rồi xuống hàng… Bởi vì học ngài theo kiểu với “tâm không biết” thì mỗi lần đọc lại, là mỗi lần thấy mới ra. Bởi vì khi thân tâm tỉnh thức thọ nhận dòng chảy vô thường, tức là sống cái hiện tiền, là cái “the unknown” --- và cái đó là cái không tên, cái không hình tướng, cái chưa từng được biết, dù có gọi là cái không hay cái vô tướng cũng chỉ là miễn cưỡng gọi --- hiển nhiên là vô lượng, không dò hết được, hễ ngó tới là thấy lại xuất hiện như mới. Do vậy, nơi đây chỉ nói vài điểm cụ thể, có thể dùng làm pháp hành.
Một lần, Trần Nhân Tông hỏi làm sao để chúng sanh hết tội báo, Tuệ Trung Thượng Sỹ đọc hai bài kệ như sau, bản dịch của HT Thích Thanh Từ:
Vô thường các pháp hạnh / Tâm nghi tội liền sanh / Xưa nay không một vật / Chẳng giống cũng chẳng mầm.
Ngày ngày khi đối cảnh / Cảnh cảnh từ tâm sanh / Tâm cảnh xưa nay không / Chốn chốn ba-la-mật.” (2)
Trong dòng chảy vô thường này, hễ ai sống được tận lực với dòng chảy xiết đó trên toàn thân tâm, sẽ thấy rằng không hề có gì nắm giữ được. Tức là tâm nào cũng là “bất khả đắc” vì hễ nghĩ  tới hay mở miệng là tức khắc tâm đó biến mất liền. Nhưng hễ khởi tâm nghi, tức tâm dao động về có/không, lành/dữ, đẹp/xấu, ưa/ghét… thì chúng ta mất liền cái hiện tiền, mất cái khoảnh khắc “ở đây và bây giờ” và như thế là tác ý đưa nghiệp dấy lên. Khi nhìn thân tâm chảy xiết vô thường như thế, sẽ thấy toàn bộ thân tâm vốn thực là không, vì là không nên mới chảy xiết như thế. Trong tâm rỗng rang như thế, những gì hiện lên cũng chảy xiết và thực tánh chỉ là vô tự tánh. Gọi là vật này, vật kia chỉ là tạm gọi, nhưng trong dòng sông vô thường, khi vật hiện lên trước mắt và bên tai, lúc đó là hiển lộ trong gương tâm sẽ thấy tưởng như có vật hay có tướng, nhưng thực ra không hề có vật hay có tướng nào. Thực tướng chính là vô tướng. Trong gương tâm, không hề có giống hay có mầm nào hết, vì chẳng gì lưu ảnh được.
Như thế, cảnh hiện ra là trong tâm, và không gọi được là có (hiện hữu) hay không (hiện hữu) vì ngay trong khoảnh khắc vừa sinh là biến diệt liền. Do vậy, hễ thấy như thế là thấy tâm và cảnh trước giờ là không. Và ngay khi đó, nơi nào cũng là giải thoát, cũng là ba la mật, cũng là qua bờ kia. Nhóm Kinh Nhật Tụng Sơ Thời (3) có Kinh Sn 5.14 (Các Câu Hỏi Của Posala), Đức Phật nói rằng ai thấy cả trong và ngoài đều là không thì sẽ giải thoát. Trong và ngoài, tức là tâm và cảnh. Hễ thấy cảnh tức thấy tâm, và nhận ra tâm cảnh đều là không, còn gọi là Thấy Tánh. Vì thực tánh chính là vô tự tánh, và thực tướng chính là vô tướng. Từ đó trở về sau, chỉ cần giữ cái nhìn này. Thấy như thế, còn được Đức Phật giải thích trong Kinh SN 35.246, rằng tiếng đàn được một nhạc sĩ tài năng trình tấu rất tuyệt vời, nhưng chẻ cây đàn làm trăm mảnh hay ngàn mảnh cũng chẳng thể dò ra tiếng đàn – đó là cái nhìn trực nhận pháp ấn vô ngã, và như thế là giải thoát.
Như thế, là không có cửa vào, tức là cửa không cửa, hay Vô Môn Quan. Bởi vì cửa Không lúc nào cũng khó. Dĩ nhiên là rất khó.
Ngài Trần Nhân Tông mới viết tiếp (theo bản dịch của Hòa Thượng Thích Thanh Từ), trích:
"Một hôm tôi xin hỏi Ngài về “bổn phận tông chỉ”, Thượng Sĩ đáp:
“Soi sáng lại chính mình là phận sự gốc, chẳng từ nơi khác mà được.” (Phản quan tự kỷ bổn phận sự, bất tùng tha đắc.) Nghe xong, tôi thông suốt được đường vào, bèn vén áo thờ Ngài làm thầy." (ngưng trích)   
Như thế, Tuệ Trung Thượng Sỹ sau khi nói về pháp môn không cửa vào, liền nói tiếp tới pháp thiền tự quán sát mình, có thể hiểu câu “soi sáng lại chính mình” chính là Niệm Thân hay NIệm Tâm trong Tứ Niệm Xứ. Cũng có thể hiểu bao gồm cả Niệm Thọ, và cả Niệm Pháp. Mình chỉ đoán thôi, vì bốn chữ “phản quan tự kỷ” rộng nghĩa, có thể hiểu là bao gồm cả thân và tâm.
Tuy nhiên, hầu hết các lời dạy của Tuệ Trung Thượng Sỹ là Thiền Đốn Ngộ, tức là không mượn phương tiện nào hết, dù là chỉ hay quán, dù là niệm hay định hay tuệ. Cho nên mới thấy Thiền nhà Trần rất khó truyền dạy, rất khó vào cửa.
Thí dụ, như đoạn đối thoại trong phần Đối Cơ 4, bản dịch HT Thanh Từ trích như sau.
Hỏi: “Không thể dùng trí biết, không thể dùng thức hiểu” thì thế nào? Thượng Sĩ đáp: “Người gỗ vào biển hát vô sanh, gái đá xuyên mây thổi tất lật.” [Kèn của một giống dân xưa, thổi nghe rất buồn.]” 
Trí và thức là những gì chúng ta suy nghĩ biện biệt. Tương tự với mắt và cái được thấy, với tai và cái được nghe… trí và thức cũng như thế. Nếu chưa thấy Tánh Không của các pháp, thì trí và thức (cũng như mắt và cái được thấy, cũng như tai và cái được nghe…) sẽ buộc mình vào sinh tử luân hồi; nhưng khi đã trực nhận Tánh Không thấu đáo, trí và thức trở thành công cụ để mình ứng phó trong đời mà không bị ràng buộc. Do vậy, nói rằng cốt tủy của Thiền, tức là trải qua trực nhận kinh nghiệm về Tánh Không, thì trí và thức tự thân đã rỗng rang, không từ đâu tới và không đi về đâu --- khó chỉ là nhận ra Tánh Không đó. Dùng tư lường biện biệt có thể giải ngộ được phần nào, nhưng kinh nghiệm trực tiếp để sống rỗng rang giải thoát thì sẽ còn xa. Vậy thì, cách nào để vào cửa, khi trí và thức còn gây rối?
Tuệ Trung Thượng Sỹ trả lời rằng, hãy sống như người gỗ vào biển sinh tử, thì đó là hát điệu vô sanh (vô sanh là: giải thoát). Người gỗ là người sống tuyệt đối với Nhẫn Ba La Mật, không khởi tâm gì hết, cũng gọi là vô tâm, tức là không sanh tâm lành/dữ, có/không, ưa/ghét gì hết. Còn như cô gái đá, nghĩa là cô này tuyệt nòi giống rồi, không để lưu lại những gì từ thân tâm của cô, chỉ như thế mới xuyên mây để vào cõi không. Cô gái đá còn có nghĩa là Bố Thí Ba La Mật, buông xả hoàn toàn rồi, không sinh con đẻ cháu, hiểu là không sinh tâm khởi nghiệp gì nữa; tương tự hình ảnh Bồ Tát bố thí cả ba mẹ (ba là vô minh; mẹ là tham ái), bố thí cả vợ con (vợ là cái của tôi; con là hiện thân hình ảnh tôi xây dựng), cũng được giải thích bố thí là cắt đứt chuỗi dây duyên khởi (hữu ái), cũng có nghĩa là buông bỏ cả ba thời (ba mẹ là quá khứ, vợ là hiện tại, con là tương lai) --- nghĩa là, không hề nắm gì trong tâm. Lúc đó hiển lộ trước mắt và bên tai chính là các pháp ấn vô thường, vô ngã và niết bàn, sẽ không còn thấy có ta hay có người nữa. Tỉnh thức với tâm rỗng rang, thấy tâm không có chút gì để nắm giữ thì một phút tu là một phút an lạc, một giờ tu là một giờ an lạc, cũng gọi là bố thí sạch hết trong tâm.
Thi dụ nữa, một đoạn khác, được Thầy Thanh Từ dịch trong sách Tuệ Trung Thượng Sĩ Ngữ Lục Giảng Giải, trích như sau:
Hỏi: “Thấy sắc liền biết tâm, ý chỉ thế nào?” 
Thượng Sĩ đáp: “Vào nước lõa thể nên cởi khố, chớ học Hàm Đan quên ngọc đào.” Hàm Đan là kinh đô nước Triệu, người dân ở đây đi bộ rất tài. Những người tuổi trẻ ở nước Yên muốn học đi bộ phải qua Hàm Đan học. Nhiều người nước Yên qua Hàm Đan học đi bộ chưa giỏi, mà đã quên nước Yên nên nói quên ngọc đào.” (ngưng trích) 
Đoạn đối thoại vừa dẫn cũng nói là hãy trở về gốc của tâm mà tu. Thấy sắc liền biết tâm? Thấy gió mát, liền nhận ra tâm, vì nếu không có tâm sẽ không có chuyện mát hay nóng. Thấy hoa vàng ngoài hiên, cũng nhận ra tâm, vì nhận ra hình dáng hoa và màu sắc hoa, và cũng nhận ra khoảng cách không gian ngoài hiên; tất cả đều hiển lộ trong tâm. Đức Phật nói rằng tất cả thế giới này là 12 xứ gồm 6 nội xứ và 6 ngoại xứ (Kinh Iti 1.7 – The All Sutta), như vậy thế giới chính là cái được thấy, cái được nghe, vân vân.
Như thế, giải thoát ở đâu? Giải thoát nằm nơi đâu trong lộ trình tâm?
Giải thoát nằm nơi “cởi khố, chớ quên ngọc đào”… Ngọc đào nơi đây là nước Yên, là quê cũ (bản tâm), rằng chớ lạc mãi ở xứ Hàm Đan. Và “cởi khố” có nghĩa là sống trong thế giới này, hãy “giữ tâm trần trụi” để tiếp cận và đó là giải thoát. Nói “cởi khố” có nghĩa là buông bỏ tất cả ngũ uẩn (sắc, thọ, tưởng, hành, thức), buông bỏ cả ba thời (quá khứ, hiện tại, vị lai), buông bỏ cả 12 xứ (6 nội xứ, 6 ngoại xứ), buông bỏ cả toàn thể 18 giới (6 căn, 6 trần, 6 thức)… 
Hễ tâm buông bỏ được như thế, tức là giải thoát, vì lúc đó, như Kinh DN 11 nói, khi thức sẽ không có đặc tướng (consciousness without feature) và không dính gì vào tứ đại (đất, nước, gió, lửa), tức là vô sở trụ (không chỗ trụ), và lúc đó danh-sắc sẽ kết thúc: "Khi thức diệt, ở đây mọi thứ đều diệt tận.(4)
Điều khó chỉ là “cởi khố” vì chúng ta ai cũng mang theo gánh nặng quá khứ nhiều triệu kiếp của tham sân si… Nói buông bỏ thân tâm thì dễ, nhưng thực hiện được là chặng đường phải mất nhiều năm. Duy có điều hạnh phúc là, bước vào đường đạo là những ngày hạnh phúc tột cùng, một giờ tu là một giờ an lạc, một phút tu là một phút an lạc… 
Nói cởi khố, hay giữ tâm trần trụi, cũng là ý chỉ của Kinh Bahiya, khi nghe chỉ hiển lộ cái được nghe, khi thấy chỉ hiển lộ cái được… và lúc đó sẽ nhận ra không có ai đang nghe hay đang thấy, lúc đó pháp ấn vô ngã hiển lộ trước mắt và bên tai, và ngay đó là không có chỗ cho tham sân si và ngay đó là giải thoát. 
Cũng như khi mình nghe nhạc, hãy giữ hạnh nghe đơn giản trong thực tướng, hãy thấy nhạc chỉ là âm thanh như các tiếng động khác trong đời, như tiếng xe máy nổ, như tiếng chiên xào trong bếp hay như tiếng người ngủ mớ, thì lúc đó mình biết tất cả, nghe tất cả, phân biệt được tất cả, nhưng không rơi vào sinh tử luân hồi vì tất cả âm thanh sẽ trôi tuột đi tức khắc ngay trong từng khoảnh khắc. Nhưng cũng nên giữ các tương tác hữu vi trong đời, vì nếu mình nói rằng các cô ca sĩ hát nghe như tiếng chiên xào trong bếp thì họ sẽ giận và mình sẽ mất cơ duyên hoằng pháp.
Lời dạy "cởi khố" của Tuệ Trung Thượng Sỹ cũng được dạy trong Kinh SN 22.53 (Upaya Sutta), trích bản dịch của HT Thích Minh Châu:
“…Không có chỗ y chỉ ấy, thức không tăng thịnh, không có hành động, được giải thoát. Do giải thoát nên được kiên trú; do kiên trú nên được tri túc; do tri túc nên không có ưu não; do không có ưu não nên tự mình cảm thấy tịch tịnh hoàn toàn.” (5)
Bản dịch Bhikkhu Bodhi: When that consciousness is unestablished, not coming to growth, nongenerative, it is liberated. By being liberated, it is steady; by being steady, it is content; by being content, he is not agitated. Being unagitated, he personally attains Nibbāna.)
Nói ngắn gọn, khi tâm vô sở trụ, tức là thức không có chỗ y chỉ, không có chỗ bám víu… tức là Niết Bàn hiển lộ ngay trước mắt, ngay trong cõi này.
Nhắc lại, ý chỉ ngài Tuệ Trung Thượng Sỹ là dạy pháp Thiền Đốn Ngộ, chủ yếu không sử dụng phương pháp nào hết, cũng không bận tâm chuyện tập thiền hay tu định với tu huệ. Bởi vì, ý ngài nói rằng, trước mắt và bên tai đã là giải thoát rồi, vì Niết bàn không lìa ba cõi, trích từ Đối Cơ 10:
“- Bồ-đề, phiền não đồng khác thế nào?
 Thầy đáp:  Vị muối trong nước,  Trong sắc màu keo.” (ngưng trích)
Vấn đề khó chỉ là, làm sao nhận ra Niết Bàn trong cõi phiền não này. Tức là, nói Niết Bàn là phiền não cũng có phần đúng, nói không phải phiền não cũng có phần đúng. 
Tuệ Trung Thượng Sỹ nhấn mạnh rằng không cần tu định hay tu huệ (hiểu là: Thấy Tánh, hay nhận ra tánh vô tự tánh, thì tự khắc thấy tâm vốn đã có sẵn định và huệ, vì mài gạch không thể làm ra gương). Cũng trích từ Đối Cơ 10:
Lại hỏi: Ngài Dật-đa (Di-lặc) không tu định tuệ, vì sao thành Phật không nghi?
 Thầy đáp: Đào đỏ trên cây đúng thời tiết / Cúc vàng bên dậu nào phải xuân.
 Lại hỏi: Tọa thiền tập định thì thế nào?
 Thầy đáp: Vua chúa xuống xe chọi ếch nhái.” (ngưng trích)
Khi nhận ra bản tâm vốn đã giải thoát, mà còn tu này hay tập nọ, cũng y hệt ông vua xuống xe chơi trò nhà quê ếch nhái. Vì khi đã thấy cái rỗng rang tỉnh thức của gương tâm, thì lấy gì mà tu nữa, chỉ còn giữ mỗi việc chớ để con trâu bước chệch đạp nhằm lúa mạ. 
Chỗ này Đức Phật cũng nói trong Kinh SN 35.191 (Kotthita Sutta), bản Anh dịch của Thanissaro là, trích:
The eye is not the fetter of forms, nor are forms the fetter of the eye. Whatever desire & passion arises in dependence on the two of them: That is the fetter there. The ear is not the fetter of sounds... The nose is not the fetter of aromas... The tongue is not the fetter of flavors... The body is not the fetter of tactile sensations... The intellect is not the fetter of ideas, nor are ideas the fetter of the intellect. Whatever desire & passion arises in dependence on the two of them: That is the fetter there.” (6)
Xin dịch như sau: “Mắt không phải là xiềng xích của sắc (cái được thấy), sắc cũng không phải là xiềng xích của mắt. Bất cứ tham và luyến nào khởi lên dựa vào hai thứ đó (mắt và cái được thấy): chính xiềng xích là đó. Tai không phải xiềng xích của âm thanh… Mũi không phải là xiềng xích của mùi hương… Lưỡi không phải xiềng xích của vị nếm… Thân không phải xiềng xích của cảm thọ sờ chạm… Ý không phải xiềng xích của niệm, và niệm cũng không phải xiềng xích của ý. Bất cứ tham và luyến nào khởi lên dựa vào hai thứ đó: Đó chính là xiềng xích đó.” 
Nghĩa rất là đơn giản, như đầu bài này đã nói: thấy tâm và cảnh đều không, tức là giải thoát. Tự thân, cõi trước mắt và bên tai chính là Niết bàn, mà không cần tu gì hết. Chỉ khi tâm tham luyến khởi lên là hỏng. Tự thân đã không bị xiềng xích, nếu bị xiềng xích chính là tự mình khởi tâm buộc mình thôi.
Trong Bài Ca Tâm Phật, Tuệ Trung Thượng Sỹ nói rất minh bạch, trích:
Muốn tìm tâm, đừng tìm ngoài
Bản thể như nhiên tự rỗng lặng.
Niết-bàn sanh tử buộc ràng suông
Phiền não Bồ-đề đối địch rỗng.

Đặc biệt, có thể dùng chú giải cho lời thơ Tuệ Trung Thượng Sỹ là Kinh SN 22.64, là chớ nên suy tưởng gì với sắc thọ tưởng hành thức, thì tức khắc là Niết Bản. Trích bản dịch  HT Thích Minh Châu là:
“— Ai suy tưởng, này Tỷ-kheo, người ấy bị Ma trói buộc. Ai không suy tưởng, người ấy được giải thoát khỏi Ác ma.” (7)
Nghĩa là, “không suy tưởng” còn hiểu là vô tâm hay vô niệm, còn có nghĩa là khi mình hồn nhiên sống với tâm “không biết” tỉnh thức ngay ở nơi đây và bây giờ, là tức khắc sống được cái Đức Phật thường gọi là “Dhamma is visible in the here-&-now, timeless…” (Pháp thấy được ngay ở đây và bây giờ, vượt thời gian…) Đó cũng là ngôn ngữ của Tuệ Trung, của Trần Nhân Tông. Nghĩa là, trong cái vô thường (trước mắt và bên tai) đã có sẵn cái vượt thời gian, dùng theo ngôn ngữ luận sư Bắc Tông là cái thường lạc ngã tịnh (nhưng, nếu nhầm cái vô thường là thường thì sẽ hỏng). 
Cái thường lạc ngã tịnh đó – tức là cái “pháp thấy [trực nhận] được ở đây và bây giờ, phi thời gian” dịch theo Thanissaro Bhikkhu là “Dhamma visible here-&-now, timeless...” dịch theo Bhikkhu Sujato là “the teaching is visible in this very life, immediately effective...”  dịch theo Horner là “this Dhamma is self-realised, timeless...”
Cũng phải ghi nhận rằng mặc dù Trần Nhân Tông chủ trương tu gần như khổ hạnh và tận lực tinh tấn tới mức gian nan, Tuệ Trung Thượng Sỹ cho rằng mài gạch làm gương là sai, là không cần thiết, vì có khi tu học say mê với thiền, với định lại là chướng ngại, không giải thoát nổi --- nghĩa là, khởi tâm chấp là hỏng.
Chỗ này chúng ta có thể dẫn ra Kinh Trung A Hàm MA 75, trích bản dịch của Thầy Tuệ Sỹ:
Này A-nan, Tỳ-kheo nào hành như vầy, ‘Không có ta, không có sở hữu của ta; ta sẽ không tồn tại, sở hữu của ta sẽ không tồn tại; những gì có trước kia,’ hoàn toàn xả ly như vậy. Nhưng này A-nan, nếu Tỳ-kheo ấy vui thích với sự xả ấy, đắm trước nơi sự xả ấy, an trú nơi xả ấy, Tỳ-kheo như thế chắc chắn không chứng đắc Niết-bàn...
... “Này A-nan, Tỳ-kheo nào hành như vầy, ‘Không có ta, không có sở hữu của ta; ta sẽ không tồn tại, sở hữu của ta sẽ không tồn tại; những gì có trước kia,’ hoàn toàn xả ly như vậy. Và này A-nan, nếu Tỳ-kheo ấy không ưa thích với xả ấy, không đắm trước xả ấy, không an trú nơi xả ấy, thì này A-nan, Tỳ-kheo thực hành như thế, chắc chắn chứng đắc Niết-bàn...” (8)
Cần ghi nhận, pháp yếu giải thoát theo Tuệ Trung là:
Tâm cảnh xưa nay không / Chốn chốn ba-la-mật.
Hay theo Trần Nhân Tông là: 
Đối cảnh vô tâm chớ hỏi Thiền...
Vậy thì tại sao các ngài nhà Trần nghiên cứu rất uyên bác, như ngài Trần Thái Tông viết nhiều chú giải về Khóa Hư Lục, Pháp Hoa, Bát Nhã, Kim Cang, Sám Hối, Niêm Tụng Kệ (43 Công Án), Niệm Phật, Tọa Thiền, Phát Bồ Đề Tâm, vân vân. Học nhiều thành ra có vẻ dư thừa... Thực ra, không phải thế. Nếu quý ngài thuần túy ngồi góc rừng, thì giữ tâm lìa tham sân si là đủ, không cần nghiên cứu cho mệt. Nhưng lý luận Đại Thừa cần thiết khi phải dung hóa các tín ngưỡng khác, thí dụ như khi gặp đồng bào say mê Đạo Mẫu, các thế hệ nhà sư đầu tiên tại VN phải nghĩ ra bốn vị Đại Bồ Tát: Vân - Vũ - Lôi - Điện (mây, mưa, sấm, chớp), gọi là Tứ Pháp. Cũng như phải nghĩ ra truyền thuyết về Phật Mẫu Man Nương để ông bà tổ tiên mình nghe tích mà ngộ lý. Tương tự, trong thế kỷ 20 và 21, các sư mà kém lý luận thì sẽ bị tà thuyết ngoại giáo chiêu dụ hay đè bẹp. Do vậy, khi vào đời, cần lý luận, nghĩa là phải uyên bác.
Còn câu hỏi số 2, về bài thơ của Trần Nhân Tông nói về Thiền của  Tuệ Trung Thượng Sỹ trong bài Tán Tuệ Trung Thượng Sỹ:
Vọng chí di cao / Toàn chi di kiên / Hốt nhiên tại hậu /Chiêm chi tại tiền /Phu thị chi vị / Thượng sĩ chi thiền.”
Bản dịch của Lý Việt Dũng:  “Càng nhắm càng cao / Càng dùi càng cứng / Bỗng nhiên vừa phía hậu / Nhìn lại đã mặt tiền / Ôi đó mới thật là / Thiền của Thượng sĩ!”
Đó là bài thơ ca ngợi ngài Tuệ Trung Thượng Sỹ. Chúng ta không có nhiều tài liệu để biết hoạt động thường ngày của các vị trong thời kỳ chỉ huy quân Việt ba đợt ra trận đánh bại quân phương Bắc xâm lăng. Tuệ Trung và Trần Nhân Tông đều là võ tướng, hiển nhiên hàng ngày là luyện quân, phải thể dục, chạy nhảy, phi ngựa, lội sông, vân vân. Nhưng bài ca ngợi này có lẽ chỉ nói về Thiền, không nói chuyện khác.
Nội dung bài ca ngợi là càng ngó tới, càng thấy ngài Tuệ Trung ở vị trí rất cao. Càng đọc và ngẫm nghĩ, càng thấy lời dạy của Tuệ Trung tinh vi, kiên cố, như tường đồng vách sắt. Hậu (phía sau lưng mình) là quá khứ, tiền (phía trước) là tương lai. Nghĩ rằng Tuệ Trung là chuyện quá khứ rồi, tưởng rằng mình (Trần Nhân Tông) đã học xong hết, đã học đầy đủ rồi, nhưng càng nghĩ cho kỹ, càng tu cho sâu thì mới thấy rằng Tuệ Trung vẫn còn là kho tàng để mình (Trần Nhân Tông) cần phải học thêm nữa trong tương lai.
Trong Kinh Xuất Diệu có câu: "Xả tiền, xả hậu, xả gian việt hữu, nhất thiết tận xả, bất thọ sanh lão." Nghĩa là, "Buông xả quá khứ, vị lai, hiện tại, buông xả tất cả hoàn toàn, sẽ không sinh già nữa.” (Thực ra, cũng gốc từ nhóm Kinh Nhật Tụng Sơ Thời, với Kinh Sn 4.10 và Kinh Sn 4.15: đừng dính mắc gì tới quá, hiện, vị lai.)
Như thế, chữ tiền trong Kinh Xuất Diệu là quá khứ, là chuyện đã xảy ra, và hậu là vị lai chưa xảy ra. Ngược lại, chữ tiền trong bài ca ngợi Tuệ Trung là không gian trước mặt, là chỉ cho tương lai, và hậu là không gian sau lưng, là chuyện đã xảy ra. Quý ngài Thiền sư có tự điển riêng của họ, nên dựa vào ngữ cảnh mà hiểu. Ngắn gọn bốn câu ca ngợi: ngài Trần Nhân Tông tự nhận được vây phủ bởi ảnh hưởng Tuệ Trung Thượng Sỹ.
Xin nhắc rằng, những ý kiến của người viết không có thẩm quyền gì hết. Xin viết cho rõ ý để mọi người tham khảo thôi. Cảm ơn các bạn Wisdom Today, cảm ơn Tiến sĩ Phật học Nguyễn Thúy Loan.
GHI CHÚ:
(1) Video song ngữ Tuệ Trung Thượng Sỹ: https://youtu.be/L0i6h_8zifM 
(2) Tuệ Trung Thượng Sỹ Ngữ Lục Giảng Giải: https://thuvienhoasen.org/images/file/OlR9p51G0QgQAFN1/tuetrungthuongsi.pdf
(3)  Kinh Nhật Tụng Sơ Thời: https://thuvienhoasen.org/a30590/kinh-nhat-tung-so-thoi 


Thích Giác Chinh: Official Press of Journal of Buddhist studies/Tạp chí nghiên cứu Phật học

Official Press of Journal of Buddhist studies -

Tạp chí nghiên cứu Phật học

Thích Giác Chinh

Official Press of Journal of Buddhist studies
Tạp chí nghiên cứu Phật học
Tạp chí đã được Thư Viện Quốc Hội Mỹ cấp phép và trao cho Bản quyền ISSN.

Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật,
Nam Mô Phật Pháp Tăng Tam Bảo Thường Trụ Trong Mười Phương,

Kính bạch Chư Tôn Đức Tăng Đoàn,
Kính thưa quý Phật tử, thân hữu Thiền sinh, quý Mạnh thường quân xa gần,

Hôm nay là một ngày an vui khi Nhà Xuất Bản: Dharma Mountain Publishing và Tăng đoàn đã nhận được sự chấp thuận từ Thư Viện Quốc Hội Mỹ cấp phép và trao cho Bản qyền ISSN cho Tạp chí nghiên cứu Phật học – Journal of Buddhist studies:
  • Ấn bản in Journal of Buddhist studies (Print) ISSN 2692-7357
  • Ấn bản online Journal of Buddhist studies (Online) ISSN 2692-739X
Chúng con – Chúng tôi thành kính niệm ơn Tam Bảo, thành kính thông tri đến Chư tôn đức Tăng đoàn và Cộng đồng xa gần.
Cung kính,
An vui!

Official Press of Journal of Buddhist Studies 
Namo tassa Bhagavato arahato Sammā-sambuddhassa
Homage to the Blessed One, the Perfected One, the Completely Selfawakened One
The Honorable venerable in the Sangha, the Journal of Buddhist studies, a journal of the US Sangha for Buddhist studies has a patronage/auspices and is copyrighted from the Library of Congress.
  • Journal of Buddhist studies (Print)
    ISSN 2692-7357
  • Journal of Buddhist studies (Online)
    ISSN 2692-739X
In the Buddhist tradition, the wise instructions from the enlightened teachings of the Buddha have contributed to the peaceful, prosperous life, humanity and morality for society. With gratitude to the Three Jewels for blessing and protecting our faith, we would like to inform and share the press of news of Journal of Buddhist Studies.
The Buddha in our hearts,
Sincerely
Thich Giac Chinh
Founder – CEO
of Dharma Mountain Publishing – Journal of Buddhist studies