Tuesday, September 22, 2020

Thích Bảo Lạc: Nhận định phương pháp giáo dục

Nhận định phương pháp giáo dục

Thích Bảo Lạc

I. NHẬN ĐỊNH TĂNG NI

Phật giáo tồn tại cho tới ngày nay, trải qua 2600 năm lịch sử, phải nói là khoảng thời gian dài qua nhiều biến thiên không xuôi thuận. Bởi vì tùy theo mỗi giai đoạn mà Phật giáo phải ứng xử sao cho thích hợp để tự tồn. Đó là nhờ công hạnh truyền pháp của các bậc thầy đi trước. Họ chính là những cây đại thọ vươn mình, đủ sức chịu đựng bao nhiêu thử thách của con người, xã hội, thiên nhiên và ngay cả của nghiệp chướng. Vấn đề giáo dục Tăng Ni, vì thế vô cùng quan trọng đối với Phật giáo nói chung. Thời nào cũng vậy, giáo dục có thể nói là thước đo mọi sự thành tựu ở đời. Có 2 vấn đề thiết tưởng cần triển khai để suy nghĩ, ngõ hầu rút tỉa kinh nghiệm cho tiến trình hành đạo của mỗi hành giả.

A. Cung cách vị Thầy:

Thầy là bậc mô phạm cho đệ tử, học trò noi theo. Tục ngữ có câu: “Thầy nào trò nấy”; đấy là nói tầm ảnh hưởng của Thầy tác dụng lên những người đệ tử của mình. Chẳng hạn tánh tình, cách hành xử, phương pháp làm việc, cách dạy răn, nói năng hay ngay cả lối nhìn, cách suy nghĩ v.v… cũng để lại nơi tâm thức của người học trò không ít. Nhìn vào nền giáo dục cổ đại ngay cả Tăng Viện Phật Giáo phải nói là quá phức tạp và có nhiều vấn đề bất cập, tưởng cần phải chỉnh đốn sửa sai mới mong việc áp dụng được hữu hiệu.

1. Sự giáo dục ngày xưa:

Nếu phải so sánh sự giáo dục trước đây và bây giờ của Phật giáo về phương pháp và hệ quả, là cả một trời khác biệt. Có thể nói nền giáo dục trước kia là nhồi sọ, hay nói một cách khác là cưỡng chế, bắt buộc phải theo một mẫu mực định sẵn, cứng nhắt. Nếu ai không theo kịp là dùng biện pháp mạnh để áp dụng bằng roi vọt, đánh đập, tát tai, nạt nộ, mắng nhiếc, xua đuổi, kể cả “từ”. Người ngoài nhìn vào chứng kiến cảnh này thấy khó có thể chấp nhận được. Thế nhưng người trong cuộc phải trải qua nhiều trắc nghiệm, thử thách, tôi luyện trong môi trường sanh tử này để được tồn tại và trưởng thành. Khi giai đoạn ấy qua rồi, người nào chịu đựng được, là hạt giống chắc. Muốn tìm khung trời cao rộng, và như thế hãy còn may. Nếu người thiếu ý chí, nghị lực, niềm tin Phật giáo hẳn thoái tâm Bồ đề tức khắc.

2. Giáo dục hiện đại:

Từ đầu thế kỷ 20 cho đến nay, sự tiến bộ của khoa học kỹ thuật và nền văn minh của nhân loại đạt đến đích tột đỉnh. Và sự giáo dục nhờ đó ảnh hưởng theo. Vì thế ngày nay việc giáo dục được cải thiện rất đáng quý, nhằm hướng thiện con người theo chiều hướng dân chủ và bình đẳng, có nghĩa người ta không dùng những hình phạt lỗi thời như trước nữa. Ngay cả nơi Tăng viện cũng vậy, hễ tăng ni sinh nào phạm phải điều gì là được Ban Giám luật của trường xử phạt theo Nội quy, chứ không do vị thầy hành xử trước.

B. Vóc dáng người đệ tử:

Giáo dục Tăng ni cũng tùy thuộc vào môi trường xã hội, nhất là ở thời kỳ văn minh khoa học thuần vật chất như trong thế kỷ 21 này. Vì thế, việc giáo dục phải uyển chuyển để duy trì được truyền thống cố hữu, và cũng dung hòa với nền văn minh hiện đại. Nếu không, việc hướng dẫn, đào tạo Tăng ni không theo kịp trào lưu tiến hóa của thời đại.

1. Đồng ấu xuất gia:

Thành phần nhỏ tuổi gọi là đồng ấu, có nghĩa tuổi từ 5 đến 10 chưa có khái niệm thế nào là giải thoát, nhân quả, luân hồi, nghiệp báo… Cho dù họ có xuất gia, thân sống ở chùa, nhưng vẫn chưa có khái niệm gì về con đường tương lai, chỉ trừ một thiểu số có căn duyên sẵn. Người tuổi đời còn ngây thơ, trong trắng xuất gia có được lợi điểm như sau:

  • Ngày tháng còn dài, tương lai mở rộng
  • Trí nhớ nhanh nhẹn, phản ứng lẹ làng
  • Sức khỏe dồi dào, hầu như không cần quan tâm tới vấn đề y tế
  • Chưa bị nhiễm mùi trần lụy
  • Không có những ý nghĩ quanh co lắc léo

2. Trung niên nhập đạo:

Thành phần trung niên hầu hết là những người đã có gia đình, hảo tâm xuất gia, cũng muốn làm một cái gì đó cho Phật đạo, nhưng đó là ý tưởng ban đầu, e cũng khó bắt theo kịp. Nếu họ không có ý chí dũng mảnh, cương quyết dứt khoát, vì vấn đề sinh tử mà xuất gia, hẳn còn vướng một số những trở ngại sau:

  • Những tập khí cố hữu cũng khó mà trừ dứt được ngay
  • Đã làm lớn rồi, giờ đây trở lại làm nhỏ đâu có dễ dàng
  • Tánh đa nghi thường trực, bởi vì đã bị đời sàng sảy lừa lọc
  • Ưa có mặc cảm mình thế này thế nọ
  • Những ngày tháng còn lại không được là bao
  • Trí nhớ kém dần, học trước quên sau
  • Sức khỏe yếu kém, làm việc chậm chạp…

Nhìn chung hai thành phần xuất gia như trên đều có những điểm lợi và bất lợi. Nếu mỗi người biết nỗ lực khắc phục tu tiến, chắc chắn sẽ đóng góp phần mình hữu hiệu xứng đáng trong vai trò phụng sự Tam Bảo một cách đắc lực.

II. ĐỜI SỐNG NƠI TỰ VIỆN

Tự viện là nơi đào tạo Tăng tài nên có phần khác hơn ở những ngôi chùa riêng rẻ. Nói khác hơn ở đây có nhiều khía cạnh như: cách thức điều hành, số lượng Tăng ni chúng, ban điều hành, trường sở v.v… Nói đến từ “viện” mang một ý nghĩa là nơi “giáo dục, đào tạo Tăng ni trở nên người hữu dụng cho Phật giáo và xã hội mai sau”. Những Tăng ni sinh được sống nơi tự viện, Phật học viện, viện cao đẳng, viện trung đẳng, đều là những người phải trải qua một thời gian thực tập thử thách tại chùa Thầy Tổ của mình. Khoảng thời gian thực tập này tùy theo mỗi trường hợp không giống nhau. Tuy nhiên, về căn bản Tăng ni sinh phải học và hiểu 4 cuốn luật: Tỳ ni, Sa di, Oai nghi, Cảnh sách (thật ra Cảnh sách là luận chớ không phải luật). Sau khi đã trải qua một kỳ thi tuyển, nếu đủ điểm đậu học viên mới vào sống hẳn nơi tự viện. Tự viện ngày nay có phần nào dễ dải hơn so với trước kia, trong một số những lãnh vực sau đây:

1. Kỷ luật:

Ngoài giới tuyệt đã thọ như Tỳ kheo, hay Sa di; những học viên Tăng ni còn phải giữ Nội quy nơi tự viện nữa. Tùy theo vị Thầy cả hay Ban Điều Hành của cơ sở đó mà kỷ luật được hình thành ít hay nhiều, phù hợp với hoàn cảnh và điều kiện của chúng. Những điều căn bản Tăng ni cần phải tuân thủ là thức khuya dậy sớm, theo đủ hai thời công phu, giờ giấc chính xác…

Vấn đề thức khuya dậy sớm cũng cần nên suy nghĩ để tránh những hậu quả không có lợi; và bất lợi cho tương lai của Phật giáo ói chung. Có những tự viện quy định giờ giấc quá khắc khe như 3 giờ 30 sáng thức chúng, 4 giờ tọa thiền, 4 giờ 30 công phu… Như vậy những Sư chú, Sư cô hay Đại đức còn trẻ trung sẽ thiếu ngủ làm cho cơ thể yếu đuối, dễ gây nên bịnh hoạn. Đó là chưa nói đến việc ăn uống thiếu dinh dưỡng cũng đủ làm cho Tăng ni sau thời gian học tập, không còn đủ sức để tiếp tục tiến xa hơn. Hoặc như có người ra làm việc bị thất bại do về sức khỏe mà lúc còn trẻ ở trong một môi trường quá chật vật, nghiêm khắc.

2. Công tác:

Những ngôi chùa ở thành phố thường không có những công tác gì nặng nhọc đáng kể. Trừ những vị trụ trì muốn tạo kinh tế tự túc cho chùa như làm nhang, đậu hủ, thức ăn chay, may y phục, phát hành. Những phần việc này một người không thể làm hết được nên cần sự hợp tác của toàn thể đại chúng. Tuy nhiên, công tác phải hợp lý và có phương pháp; không nên bắt chúng làm việc cật lực giống người lao động ở thế gian được. Câu nói: “Thái quá bất cập” (việc gì bị ép uổng quá sẽ bị hụt hẩng). Do vậy, người có trách nhiệm phải biết uyển chuyển phân công việc cho chúng làm theo phiên, ban… để ai cũng đóng góp phần mình vào Phật sự chung hầu duy trì được nếp sống hài hòa và lợi lạc.

3. Học tập:

Tùy theo môi trường và hoàn cảnh mà nền giáo dục của mỗi thời đại khác nhau, để thích hợp với trào lưu và trình độ con người. Do vậy, ở đây tưởng cần chia sự học tập qua 2 thời điểm:

  • Cái học thời xưa khác với cái học bây giờ rất nhiều. Khác về cấp bậc, trình độ. Trước đây chừng 50 năm hay lâu hơn Phật giáo nói chung chưa có trường đại học. Bởi vì cái học của thiền môn cũng ảnh hưởng phần lớn tới hệ thống giáo dục của quốc gia, cho nên nói riêng Việt Nam trong khoảng thời gian gần 100 năm về trước thuộc về hệ thống giáo dục xưa. Theo đường hướng giáo dục này, Tăng sinh đa phần được học tập ngay nơi tự viện, thuần túy kinh điển mà đa phần là chữ Hán. Do vậy, những ai có ý chí và khả năng hẳn tiến bộ thấy rõ, và hiệu quả đóng góp của họ cho nền Phật giáo của 4, 5 thập niên qua là một bằng chứng hiển nhiên.
  • Cái học thời nay có phần thông khoáng hơn nhiều, đó cũng là việc dễ hiểu. Bởi vì nó phải thích hợp theo thời đại tân tiến, nhất là trong thế kỷ 21 này. Vào khoảng hậu bán thế kỷ thứ 20, một số Tăng ni có cơ hội được ra ngoại quốc du học. Thành phần Tăng ni hiếm hoi này đã thành tài và tìm sang các nước khác định cư. Chính họ là những người sớm hội nhập vào các xã hội Tây phương như: Cố Hòa Thượng Thích Thiên Ân, Hòa Thường Thích Nhất Hạnh… Cho tới thập niên 70 – 80 còn có những vị Tăng ni khác du học thành tài, về nước đóng góp cho Phật giáo hay ra hải ngoại hoạt động Phật sự phải nói khá đông. Trong số những vị này là chứng nhân của hai nền giáo dục cổ và tân nên có cái nhìn dung dị; rồi uyển chuyển đem đạo vào đời khá thành công. Tuy nhiên, một số những Tăng ni sinh có cái nhìn quá phóng khoáng không bắt kịp trào lưu tiến hóa của xã hội, đua đòi theo cái học thế pháp nên ít có cơ hội chú trọng về Phật pháp. Cho nên sau khi tốt nghiệp, các học vị cao ngoài đời họ không còn giữ vững được sơ tâm xuất gia nữa. Thế là thiểu số những vị này đã trả lại y pháp cho Thầy tổ và âm thầm lao theo dòng chảy trong việc mưu Đứng về phương diện học thuật mà phân biệt hai lãnh vực cựu tân, nhưng về mặt tu chứng và khả năng hành đạo cũng chưa hẳn thế hệ tân học vượt trội hơn lớp người đi trước. Cho dù ngày nay chúng ta có cấp bực tiến sĩ, thạc sĩ, nếu so với những bậc thầy lớp trước không có học vị như thế. Nhưng so ra họ là bực thầy của nhiều thế hệ Tăng ni, bởi lẽ trước đây người ta nhắm vào phẩm hơn là mảnh bằng cấp, vì đó chưa phải là giá trị thực tiễn của việc giáo dục đúng nghĩa.

4. Tu niệm:

Phương pháp tu tập được ứng dụng vào đời sống đạo cũng rất đa diện, nếu không nói đa dạng thuộc nhiều truyền thống khác nhau. Có ít nhất là 4 truyền thống tu tập đã và đang được áp dụng cho Phật giáo Việt Nam trong và ngoài nước.

  • Thiền tịnh song tu: Những chùa viện thuộc hệ thống các phái thiền Lâm Tế như: Chúc Thánh, Liễu Quán đều ứng dụng pháp tu này. Hay ngay cả Thiền Tào Động, Thiên Thai cũng tu pháp môn tương tự. Ngay trong thời công phu buổi sáng tại mỗi chùa, chúng ta đã thấy có sự dung hợp giữa 3 phái tu Thiền, Tịnh, Mật. Chẳng hạn như Kinh Bát Nhã thuộc về Thiền, niệm Phật thuộc về Tịnh độ và trì những bài thần chú thuộc về Mật tông.

Nói tới pháp tu hẳn những Tăng ni sinh chưa có khái niệm rõ rệt, bởi vì họ còn đang phóng cái nhìn quá cao xa nên không để ý tới một pháp tu nào riêng biệt cho mình cả. Cho tới khi học thành tài hoặc lúc ra trường mới định hướng chọn một pháp môn thích hợp.

III. HÒA NHẬP TRONG TĂNG GIỚI

Nếp sống Tăng đoàn phải nói là rất đẹp. Vì đoàn thể Tăng là hòa hợp chúng như nước với sữa không thể tách rời nhau. Đó là về mặt lý tưởng, trong thực tế ở mỗi một ngôi chùa riêng lẻ, một Tăng viện, một Phật học viện… Chư Tăng ni cũng chỉ là những người mới tập sự đi vào nề nếp, ngõ hầu đạt tới mục đích cao rộng xa hơn. Cho nên tưởng cần đề cập ở đây về những mối đạo tình như:

1. Huynh đệ:

Tăng sinh là những người không cùng huyết hệ, như cánh chim bốn phương quy tựu về dưới bàn tay chăm sóc của vị thầy lãnh đạo. Các Sư chú (Ni cô) này cần được sự chăm sóc, giáo dục cẩn thận mới nên người hữu dụng cho Phật pháp tương lai. Họ là những mầm non rất dễ uốn nắn, rèn luyện theo khuôn khổ của thiền môn. Tuy nhiên, sống giữa chúng phải có sự tương trợ, khích lệ lẫn nhau để mới có thể đủ năng lực trong việc đi xa hơn ngõ hầu tiến bộ về cả 2 phương diện tu và học. Như câu nói “Ăn cơm có canh, tu hành có bạn” mà bạn ở đây là các huynh đệ đồng môn. Mặc dù họ từ 4 phương hướng nhập về một nơi mà ngôi chùa như một tổ ấm thân thương để nhen nhúm ươm mầm tuệ giác cho những chủng tử Bồ đề và những người mới nhập môn là nhân tố không thể thiếu được. Tuổi trẻ thật ra chưa ý thức gì về đường giải thoát hay ngay cả việc sinh tử, luân hồi. Động cơ thu hút họ mạnh mẽ vào chùa tu một phần cũng vì ham vui, phần khác cũng muốn được học để tiến thân trong tương lai. Trong khoảng thời gian đầu đời các Chú (Cô) phải được ở trong môi trường thích hợp: trên có Thầy yêu dưới có bạn mến; nhất là lúc ốm đau, bịnh hoạn cần được sự chăm sóc, khích lệ tinh thần để được an tâm tu học. Mặc dù chúng không cùng một cha một mẹ sinh ra, nhưng cùng chung lý tưởng giải thoát, nên cần phải quý trọng nhau như tình ruột thịt hay tình đạo lữ để được trưởng thành, ngõ hầu đóng góp được phần mình vào ngôi nhà Phật pháp tương lai. Ngoài những pháp lữ sống gần nhau, thân thiết, hiều biết nhau… hơn ai hết Thầy là người quán xuyến để biết tâm lý của từng người mới dễ dàng đào tạo chúng nên người.

2. Sư đệ:

Thầy trò sống chung nhau trong một ngôi chùa, mặc dù khác chi phái và có nhiều dị biệt, nhưng đối với người đệ tử phải nhìn Thầy như bậc cha mẹ. Vấn đề tầm sư học đạo của trước đây và bây giờ cũng đã khác nhau quá nhiều. Theo như tinh thần “trọng cổ”, người học phải chọn cho được minh sư, tức là vị Thầy sáng suốt để đủ tầm vóc bao bọc, chở che cho đệ tử về sau này. Cho nên muốn tìm một vị Thầy như thế, thật quả là thiên nan vạn nan. Có nhiều khi người học trò phải vất vả từ ngày này sang ngày khác, hết tháng này qua tháng nọ, phải lặn suối trèo non tìm tới nơi Thầy cư trú xin bái thỉnh làm sư phụ. Mối đạo tình này có thể kéo dài về sau này cho tới ngày người đệ tử trưởng thành và ra phụng sự Phật pháp mà vẫn nhớ ân đức Thầy. Thế nhưng việc tìm Thầy học đạo ngày nay không còn giữ được cung cách như xưa. Lớp người sau này chỉ biết nhìn trước mắt lại không biết nhìn lui và càng không chịu nhìn sang chung quanh nữa, nên chỉ thấy có mình là quan trọng. Do vậy, giữa Thầy trò như có sự cách ngăn, nếu không muốn nói là dị biệt. Theo hệ truyền thừa trên từ chư Tổ, dưới các bậc tôn sư tiền bối đều theo một hệ thống dọc mới có thể duy trì được Pháp mạch cho tới ngày nay. Nếu người học trò vì một lý do nào đó, không có ý thức trong việc Tôn sư trọng đạo là chính mình tự ý phá lệ, không theo đúng kỷ cương của qui ước. Hơn ai hết Thầy phải giáo dưỡng trò, nuôi lớn pháp thân huệ mạng cho đệ tử trưởng thành về hai mặt: sâu và rộng. Về chiều sâu, Thầy phải hướng dẫn sao cho học trò nắm được cốt lõi Phật pháp và có khả năng trao truyền Phật pháp đến với nhân quần xã hội. Về chiều rộng tức là uy tín, thể diện nên giới đức phải trang nghiêm, thanh tịnh mới làm điểm tựa cho tín đồ hướng về ngôi Tam Bảo để phụng sự Phật pháp. Trong ý nghĩa đó, người đệ tử nên tâm niệm như hai câu thơ sau đây:

“Ơn giáo dưỡng một đời nên huệ mạng
Nghĩa ân sư muôn kiếp khó đáp đền”.

3. Môn phái:

Nên xác định danh từ môn phái đây không hàm nghĩa chia rẻ hay phân biệt đối xử mà có tính cách như “bảo vệ và duy trì”. Như ngôi nhà có người duy trì và bảo vệ hẳn được tốt hơn và cũng tránh mọi hậu quả không đáng có. Ở đây, Tông môn hay pháp phái cũng vậy, nhằm bảo vệ nguồn mạch của Tổ Tổ tương truyền.

Tại Việt Nam, Phật giáo lưu truyền trên 2000 năm gồm có các phái như Lâm Tế, Tào Đông, Thiên Thai, Tịnh Độ và sau này có Mật Tông, Nguyên thủy, Khất sĩ v.v…

  • Về Tông môn hay pháp phái do các hàng môn đệ dưới cùng một hệ thống truyền thừa, chăm nom, săn sóc, có lẽ việc phát triển dễ dàng và tiện lợi hơn. Bởi vì ai cũng thấy có bổn phận đóng góp phần mình để làm cho danh đức của Tổ mỗi ngày thêm rạng rỡ, phát triển lớn mạnh hơn. Nhưng không phải vì thế mà người đứng đầu Chi phái chủ trương bất thân thiện với những môn phái hay hệ truyền thừa khác, làm cho uy tín của đạo giáo bị sút giảm. Đó là chưa nói đến có nhiều lúc mối bất hòa này sẽ làm cho dư luận không tốt đối với Phật giáo nói

Riêng tại Việt Nam, các môn phái hoạt động hài hòa từ trước tới nay, chưa thấy có dấu hiệu tranh chấp nào trầm trọng xảy ra. Đây cũng là một ưu điểm mà người đệ tử của các Chi phái khác nên trân trọng, duy trì để làm cho giềng mối đạo cùng tồn tại trong một nguồn mạch như chư Tổ đã trải qua thời gian dài trong lịch sử truyền thừa và thể hiện cho hàng hậu bối noi theo.

4. Đạo pháp:

Tình đạo pháp có thể nói là đạo tình thiêng liêng cao quý giữa 2 chúng đệ tử Phật: xuất gia và tại gia đối với Tam Bảo. Người xuất gia, phải khép mình trong giới luật, hướng dẫn tín đồ tin đúng chánh pháp, không theo tà pháp; phát triển đạo giáo bằng nhiều phương tiện khả hữu để đưa đạo vào đời, hầu cải thiện nhân sinh. Người tín đồ Phật tử phải quy y Tam Bảo, học đạo, tu hành, hộ trì chánh pháp. Người Phật tử cũng có thể góp phần hoằng pháp lợi sanh như người xuất gia không khác, tùy khả năng và tâm đạo.

Nhìn lại hình ảnh xa xưa của Đức Từ Phụ nơi đạo tràng Linh Thứu với số chúng lên đến 1250 người mà vẫn sống hài hòa như nước với sữa. Trên có Thầy sáng lãnh đạo, dưới có bạn hiền giúp đỡ, sách tấn nhau tu học trong một môi trường hòa hợp, an nhẫn. Khung cảnh ấy khó có thể tìm được ở một nơi nào khác, cho nên ngày nay khi muốn đề cập tới mối đạo tình cao cả, ta thường mượn pháp hội Linh Thứu làm điển hình. Như qua bài “Đạo pháp quyện trời Tây” của chính tác giả sau đây cũng nói lên ý nghĩa này:

Linh Thứu đạo tràng xưa
Dáng cha lành còn đó
Chẳng quản ngại nắng mưa
Dõi theo gương hạnh Ngài
Lần bước noi dấu chân

Dù xa cách vẫn gần
Cà sa 3 cánh mỏng
Tháng ngày nhẹ lâng lâng
Nơi nào cần con đến
Phật pháp gọi con đi
Gian nguy nề sá gì
Chiếc thân còm nhỏ bé
Đạo tình xin gắn bó
Ân từ phụ khắc ghi

Đông phương bừng tươi sáng
Đạo pháp quyện trời Tây
Vượt qua bao gian khó
Mới có được ngày nay
Cảm niệm ân đức Thầy
Tình đạo pháp nào phai.
(20-07-2006)

IV. HƯỚNG ĐẾN TƯƠNG LAI

Một người trẻ phát tâm đi tu chưa có khái niệm gì về tương lai cùa mình như thế nào cả, cho tới khi học xong Trung cấp Phật học khái niệm mới bắt đầu nhen nhúm, dự định những việc làm trong tương lai. Có nhiều chọn lựa do ý thích của hành giả để theo đuổi một trong những pháp sau đây:

1. Ẩn tu:

Mới nghe từ ẩn tu ta cứ tưởng như mơ hồ không thực tế. Vì sao phải ẩn tu? Muốn chạy trốn chăng? Sống ích kỷ để tìm sự giải thoát cá nhân chăng? Trong tất cả những nghi vấn đó đều không thích hợp với người có ý hướng chọn lựa pháp tu ẩn mật này. Trước hết phải chọn nơi chốn, theo như trong kinh điển gọi đó là “Lan nhã” tức nơi xa cách xóm làng, phố thị; nhất là khí hậu không quá khắc nghiệt giữa các mùa để việc tu tiến mới thuận lợi. Hoàn cảnh, môi trường cũng là điều cần thiết cho địa bàn nhắm tới, về mặt an toàn cũng vô cùng quan trọng để giữ sự yên ổn cho việc tu tập. Yếu tố thời gian cũng cần phải đặt ra để lượng định sức mình có thể theo đuổi trong ngắn hạn, dài hạn.

Ngoài các yếu tố ngoại vi như vừa nêu dẫn, những yếu tố nội tại mới thật vô cùng quan trọng như:

  • Ý chí kiên cường, dù gặp gian khó, chướng duyên vẫn không chùn bước. Ngược lại, còn biết chia sẻ những khó khăn, trở ngại của người khác, với hoàn cảnh chung Nhờ đó vượt qua được những thử thách dàn bày trước mắt. Làm việc gì cũng vậy, một người nếu thiếu lập chí rất khó thành tựu sự nghiệp ở đời.
  • Lập nguyện sâu, nguyện lực phải thâm trầm, tha thiết. Nếu không thành tựu thì dù tan thân mất mạng cũng phải hy sinh, như khi Thái Tử Tất Đạt Đa đã phát nguyện lúc ngồi tu dưới cội Bồ đề. Đây cũng là thước đo mức độ của một người theo đuổi hạnh nguyện. Không bao giờ bị lui sụt.
  • Tâm vô úy, đại hùng, như vốn có: Đại hùng, Đại lực, Đại từ bi. Đây là tâm kiên định dứt khoát không nao núng trước bất cứ một thế lực nào, cho dù ma vương, ác quỷ, thú dữ, sơn lâm chướng khí v… Có như thế mới vượt qua được những thử thách nội tâm, ngõ hầu dõng dạc thắng lướt trên đường tu tập.
  • Quyết giải thoát; tức là muốn giải quyết đời này cho xong vấn đề hệ lụy, vướng mắc, bận buộc như chùa viện, sự nghiệp, đệ tử, bổn đạo, uy tín… Đó xem như những hình danh sắc tướng không giúp gì được cho tiến trình giải thoát cả. Luôn tâm niệm như thế và cương quyết dứt khoát không bị chi phối những gì người thế gian tham đắm, mắc phải đó là đạt thành tâm nguyện.

2. Trụ trì chùa viện:

Theo như kinh Pháp Hoa đề cập vai trò sứ giả Như lai mà người Tăng sĩ phải hoàn thiện là: Vào nhà Như lai, mặc áo Như lai, và ngồi tòa Pháp không. Vì thế vai trò trụ trì một ngôi tự viện phải là vị có đủ bản lãnh và kinh nghiệm hành đạo mới đảm trách thông suốt được. Theo như định nghĩa của từ trụ trì: Trụ Như lai sứ, Trì Như lai tạng (mạng); có nghĩa là an trụ chỗ của Như lai trụ để duy trì Phật pháp, kinh, luật và luận – hay mạng mạch của Phật. Vì trọng trách quá lớn như vậy nên vị trụ trì phải có tác phong đạo đức, hạnh tu hoặc hạnh nguyện để hài hòa giữa tín đồ, bổn đạo và thập phương bá tánh.

  • Chùa do Thầy tổ di chúc: Thầy bổn sư là người hiểu đệ tử hơn ai hết, trong số chúng, dĩ nhiên Thầy chỉ chọn lựa được một người đủ tầm vóc để giao phó công việc truyền trì mạng mạch Phật pháp: đó là thay thế vai trò Thầy bổn sư để duy trì ngôi Tam Bảo. Tùy theo sự sắp xếp của Thầy mà việc di chúc được tổ chức để cho huynh đệ và bổn đạo biết, hầu tiếp tục ủng hộ Thầy tân Trụ trì, trong sứ mạng hoằng pháp lợi sanh để báo đền công ơn giáo dưỡng.
  • Chùa do tín đồ lập: Những Phật tử mộ đạo, bổn đạo giàu có bỏ tiền dựng lập ngôi chùa hoàn thành, thay vì để cho dòng họ duy trì; rồi vì nhiều lý do người Phật tử tín tâm ấy đem dâng cúng chùa cho vị Thầy có uy tín trong địa phương. Thầy có bổn phận bổ nhiệm trụ trì chăm sóc, phụng sự Tam Bảo của ngôi tự viện này. Người mà vị Thầy tin tưởng, bổ xứ tới một địa phương mới, dĩ nhiên cũng phải chọn lọc, xem xét thuận mọi bề mới tiến hành được. Cũng như vai trò trụ trì nơi Tổ đình, tuy nhiên tầm vóc không rộng lớn như vóc dáng ngôi chùa chánh. Miễn vị Trụ Trì có vốn liếng Phật pháp, biết thu phục nhân tâm và nhất là khả năng về hành chánh là điều không thể thiếu được. Nếu hội đủ những điều kiện nêu trên là được bổn sư đề cử nhận lãnh ngôi chùa do tín đồ dâng cúng.
  • Chùa hội: Là những chùa do các hội Phật tử dựng lập, nhưng không có thầy trụ trì. Hội chỉ có Ban Trị Sự điều hành theo cách riêng của họ mà thôi. Nếu thành phần nhân sự trong Ban có nghiên cứu Phật pháp và tôn trọng ngôi Tam Bảo thì công việc điều hành mới trôi chảy được. Trái lại, người Phật tử sẽ không đủ tin tưởng vào khả năng của những vị cư sĩ trong vai trò quan, hôn, tang, tế… Sau một thời gian hoạt động, các Hội Phật tử thấy vai trò của mình không thích hợp nên mời thỉnh một vị Tăng hoặc Ni về trụ trì chùa. Vị Tăng Ni này phải là người lão luyện mới đủ sức vượt qua những khó khăn trong việc đối ngoại, mà trước mắt là Ban trị sự. Hầu hết 99% những vị nhận trụ trì các ngôi chùa Hội đều bị thất bại. Nói như vậy để cho thấy bất cứ Tăng Ni nào muốn lãnh chùa hội nên tự liệu sức mình.
  • Chùa tự xây cất: Vấn đề quả thật mới mẻ đối với Tăng Ni thuộc truyền thống Phật giáo lâu đời, như câu nói: “Chùa chiền”, có nghĩa chùa tiếp nối kế thừa từ thế hệ này sang thế hệ khác, từ chư Tổ đến Thầy, Thầy truyền xuống đệ tử. Chỉ trong vòng 3 thập niên trở lại đây mới có nhiều ngôi chùa do chư Tăng ni Việt Nam tỵ nạn đứng ra xây cất. Vì hoàn cảnh một phần và khả năng cũng như điều kiện không cho phép hay họ không đủ sức nhận lãnh ngôi chùa Hội, chỉ còn cách ra tạo một nơi dù “cải gia vi tự” vẫn là tài sản do mình điều động mà không bị người khác lèo lái.

Vì trụ trì đúng nghĩa phải làm hưng long Phật pháp và đắc nhân tâm đối với mọi tầng lớp quần chúng trong xã hội để mới có thể duy trì ngôi chùa phát triển đúng nghĩa.

3. Theo ngành giáo dục:

Giáo dục được gọi là ngành cao quý hay là nghề lương thiện nhất trong các ngành nghề. Vì vậy người theo đuổi nghề này được gọi là thiên chức, vì nó rất cao trọng trong đời sống. Ở đây không bàn rộng giáo dục tổng quát mà chỉ giới hạn trong phạm vi Phật giáo. Nói đến ngành giáo dục Tăng ni, đây thuộc hệ chuyên môn nên người phụ trách phải hội đủ những yếu tố cần thiết như:

  • Sở thích: Mỗi người có một sở thích như điêu khắc, hội họa, thi ca, văn chương, khoa học, kỹ thuật v… Nếu không có sở thích, một người không thể đeo đuổi được công việc đến nơi đến chốn.
  • Chuyên môn: Giáo dục là một ngành đặc biệt mà trước mắt chỉ có chi mà không thu vào. Nói theo từ kinh tế: chỉ có năng xuất mà không có lợi nhuận. Nhưng giáo dục không thuộc kinh tế thuần túy, nếu nhìn theo khía cạnh ấy chắc hẳn không thể duy trì được chuyên ngành này. Trong Phật học cũng còn chia ra thành nhiều ngành: kinh, luật, luận v… mỗi người cũng chỉ chuyên về một phần trong số đó để phạm vi nghiên cứu được sâu rộng hơn.
  • Tư cách: Người làm giáo dục phải biết phương pháp sư phạm, tức là khuôn phép hay mô phạm của nhà giáo gồm trong các tư cách như: cương – nhu, nghiêm – từ, là những yếu tố không thể thiếu đối với nhà mô phạm. Cương có nghĩa là cứng rắn, dứt khoát về lập trường cũng như tư tưởng; Nhu là mềm mỏng, nhu hòa. Nhu không có nghĩa nhu nhược, mềm yếu mà nhằm khía cạnh tích cực hơn để hỗ trợ và nâng đỡ người khác; Nghiêm là nghiêm khắc giữ đúng cung cách vị Thầy, không đùa cợt, nói năng như người bình thường khác mà ý thức mình là nhà mô phạm; Từ là lòng thương mở rộng đối với tuổi trẻ, không phân biệt đối xử giữa những học trò trong cùng một lớp.

Hai cặp cương – nhu, nghiêm – từ đối nhau trong nghĩa xây dựng cho các thế hệ tương lai.

  • Năng khiếu: Khả năng chuyên môn của một người có được do từ truyền thống gia đình, môi trường, xã hội, học đường, thầy tổ, pháp hữu… Năng khiếu không thể thủ đắc được qua sách vở hay do thầy truyền trao mà phải tự chính bản thân sáng kiến thêm mới tài bồi cho nghiệp vụ của mình ngày càng tinh vi hơn. Người khéo triển khai đúng năng khiếu mình sẽ giúp ích được cho đạo pháp rất nhiều ở hiện tại và tương

Vẫn biết đầu tư trong ngành giáo dục không cần nghĩ tới phần lời, nhưng bất cứ xã hội nào cũng chú trọng tới việc đào tạo cho nhiều thế hệ xây dựng đất nước không thể thiếu được. Trong đạo cũng nhìn theo khía cạnh đó để duy trì ngành giáo dục được phát triển càng nhiều càng tốt.

4. Sáng tác (trước tác), dịch thuật:

Nói đến các lĩnh vực thuộc về văn hóa cần đòi hỏi nhiều năng lực, nhuệ khí và nhất là trí tuệ, cần đầu tư thật dồi dào hay sâu vào mới có thể thành tựu được. Do vậy, một người nắm giữ vai trò sáng tác, dịch thuật, phải ưu tư từ lúc biết nhận định sâu sắc về sự tồn tại của tác phẩm; nhất là tác dụng lâu dài qua nhiều thế hệ. Văn hóa mới nghe tưởng chừng như dễ hình dung, nhưng kỳ thật rất khó định nghĩa. Vì đó là những thành tựu của loài người trong các lãnh vực sinh sống, làm việc, tổ chức và tinh thần. Là sự hiểu biết về  sự vật hay cách xử thế tích lũy bằng việc học tập có hệ thống hoặc thấm nhuần đạo đức. Văn hóa còn được hiểu như các phép tắc lịch sự, xã giao của con người trong môi trường xã hội. Cao trọng hơn tất cả của văn hóa là sự văn minh tiến bộ của xã hội đương đại.

Sáng tác do nhiều bộ môn như: văn chương, thi ca, âm nhạc. Tuy nhiên, trong lĩnh vực đạo giáo chỉ có những tác phẩm văn chương và thi ca giá trị là được lưu hành rộng rãi cũng như sự tồn tại chính nó. Về dịch thuật cũng là một nghệ thuật tinh vi không kém như các ngành: điêu khắc, hội họa, kiến trúc… Mặc dù những ngành vừa nêu khó bắt chước theo những đường nét tinh vi của tác phẩm, nhưng nó thể hiện rõ ràng dễ thấy; trong khi một tác phẩm dịch nếu trung thành nguyên tác, người dịch phải hiểu trọn vẹn ý tác giả mới đảm đương nổi. Do vậy, đối với công cuộc dịch thuật người ta nhắm tới mấy lãnh vực sau đây: phỏng dịch, dịch thoát, trực dịch, dịch chú.

  1. Phỏng dịch: Dịch nhắm chừng (phỏng dịch) không theo ý tác giả, có thể do lời văn khó hay ý không rõ nghĩa lắm nên người dịch tự ý theo điều suy nghĩ của chính mình đưa vào tác phẩm. Cách dịch này bất lợi đối với những tác phẩm lịch sử, văn học, tôn giáo.
  1. Dịch thoát: Dịch không theo nguyên tác mà hoàn toàn theo ý người dịch, chỉ cần nội dung tác phẩm qua mỗi chương, mục là có thể thực hiện được. Việc này không khó đối với người có khả năng, trình độ ngoại ngữ.
  1. Trực dịch: Trung thành với nguyên tác, hay nói cách khác dịch đúng theo ý tác giả đối với tác phẩm. Phần này đòi hỏi nhiều công phu và trí tuệ để thực hiện. Đây là bản dịch rất có giá trị về lâu dài đối với ngành nghiên cứu, thư tịch, không những ở một địa phương mà còn phổ cập khắp nơi trên các hệ truyền thông đại chúng.
  1. Dịch chú: Dịch và chú giải phần đã dịch. Có thể vừa dịch vừa chú thích từng phần từng đoạn hoặc dịch xong nội dung tác phẩm rồi chú thích riêng. Đó còn tùy theo ý người dịch, miễn sao cho người đọc hiểu mới là điều nên suy nghĩ. Công việc thuộc phạm vi văn hóa, thuộc về khía cạnh của vẻ đẹp, không phải ai cũng theo đuổi được, trừ người có khả năng và sở thích cũng như sự trì chí làm việc và điều kiện thuận lợi mới theo đuổi công việc đạt đến thành công.

V. SỰ NGHIỆP HOẰNG PHÁP

Hoằng pháp là sứ mạng của người xuất gia, cho nên có  câu: “Hoằng pháp vi gia vụ” (hoằng pháp là sự nghiệp). Sự nghiệp hoằng pháp rất sâu rộng trong nhiều phạm vi khác nhau như diễn giảng, giáo dục, hướng dẫn tu tập, lập tự viện, văn hóa, từ thiện xã hội v.v… Muốn cho công việc đi tới kết quả, cần đòi hỏi khả năng của người hướng dẫn về một số khía cạnh nào đó như chuyên môn ngoại ngữ, thuyết pháp, tổ chức, sáng tác… Trong suốt cuộc đời hành đạo của Đức Bổn Sư, Ngài dùng cả thân giáo, khẩu giáo và ý giáo để dạy chúng đệ tử. Tùy theo đối tượng mà thọ nhận được lợi ích. Ngày nay người sứ giả hoằng pháp không đơn giản như vậy. Họ gặp không ít những khó khăn trở ngại về hoàn cảnh, điều kiện, phong tục tập quán và nhất là lòng người. Một khi con người quá tự do nên tâm tư bay bổng, phóng khoáng đã là yếu tố thiếu lành mạnh hay trở ngại làm cho công việc hoằng pháp trở nên thiếu hiệu quả. Nói khác hơn chính thành viên hoằng pháp thiếu khả năng chuyên môn. Do vậy, mỗi một người xuất gia ít nhất phải tự nguyện xem mình là một cán bộ hoằng pháp, nhìn trong khía cạnh vừa phải đều có thể đảm trách được. Chẳng hạn như lo việc chuyên tu, giữ gìn đúng quy cách, giới luật, nói năng đúng pháp và sống thiểu dục tri túc, đã là thành phần trong giáo đoàn hoằng pháp. Tuy nhiên, nhìn về chiều rộng và chiều sâu thì công cuộc hoằng pháp phải có cơ sở vững chắc mới duy trì lâu dài được. Những cơ sở đó là: các Đại học Phật giáo, những Cao trung đẳng Phật học, các trung tâm đào tạo giảng viên, đại tạng kinh bằng ngoại ngữ của bản xứ, nghệ thuật, kiến trúc, điêu khắc v.v… đều góp phần không nhỏ vào phạm vi này.

1. Các phương tiện hoằng pháp:

Trong “ngũ minh” của Phật giáo, THANH MINH là môn học cần được đào luyện tinh tế để ứng dụng trong công cuộc hoằng pháp được hữu hiệu. Môn học thuộc về truyền đạt, hay truyền tin, bao gồm nhiều phương tiện như thông tin, các ngôn ngữ, chữ viết và những kỹ thuật tân tiến, trong đó phải kể tới vô tuyến truyền thanh, truyền hình viễn liên, điện thoại, internet. Môn học đối với chúng ta cũng chỉ mới phát triển vào hậu bán thế kỷ thứ 20 và chỉ thông dụng vào cuối thế kỷ trước, nhất là ngành truyền tin, điện toán (computer), xa lộ thông tin (internet). Tuy nhiên, trong kinh A Di Đà, Đức Phật đã chỉ rõ phương tiện hoằng pháp ở 6 phương: nam, bắc, đông, tây, dưới, trên qua câu nói: “ xuất quảng trường thiệt tướng, biến phú tam thiên, đại thiên thế giới, thuyết thành thiệt ngôn, nhữ đẳng chúng sanh, đương tín thị, xưng tán bất khả tư nghì công đức…” (tướng lưỡi rộng dài, trùm khắp 3 ngàn đại thiên thế giới nói lời chân thật: chúng sanh các người phải nên tin kinh tất cả chư Phật cùng chung hộ niệm, khen ngợi công đức không thể nghĩ bàn này).

Chính Đức Phật khuyến khích chúng sanh nên học cách diễn đạt làm sao cho người khác hiểu rõ mình. Muốn được như vậy, người hoằng pháp cần phải trao dồi ngôn ngữ, nhất là tiếng mẹ đẻ; và nếu được nên học thêm các ngoại ngữ khác để truyền đạt và hiểu rõ các sắc dân khác. Ngôn ngữ là chìa khóa mở cửa ngõ vào kho tàng giáo pháp vi diệu của Đức Phật. Cho nên người nào chuyên chú môn học đem áp dụng vào lãnh vực hoằng pháp hẳn được lợi lạc. Ngoài ra chữ viết được sử dụng trong kinh điển trong việc ấn loát cũng là một phương tiện. Những kinh sách được viết bằng ngôn ngữ của chính dân tộc đó để truyền đạt Phật pháp đến mọi người. Vì thế, tiếng mẹ đẻ nếu không am tường hoặc hiểu có giới hạn cũng là vấn đề nan giải không ít. Cho nên sự truyền đạt Phật pháp cũng có thể thực hiện được bằng nhiều phương cách khác như nghệ thuật, hội họa, điêu khắc, âm nhạc, vũ khúc, kịch nghệ v.v…

2. Qua các môn nghệ thuật:

Ngôn ngữ là một cách hoằng pháp, nhưng các môn nghệ thuật khác như hội họa, điêu khắc, kịch nghệ… lại là một cách diễn đạt tinh vi để thuyết phục nhân tâm về với giáo pháp của Đức Phật. Chẳng hạn xem bức hội họa hay hình hội họa, nhất là cuộc đời Đức Phật qua chân dung Ngài tu khổ hạnh còn da bọc xương, nhưng trên gương mặt với thần thái rất tinh thông như không có một dấu hiệu nào ảnh hưởng tới thân xác và tinh thần cả. Điều đó giúp cho người xem rất nhiều để suy xét, quán chiếu thân phận của mình, hầu chia sẻ với những công hạnh mà Phật đã đạt được. Hay một hình hội họa khác là lá cờ Phật giáo 5 màu, với một màu tổng hợp, tượng trưng cho 5 căn (tín, tấn, niệm, định, huệ) và màu tổng hợp tượng trưng

5 lực (tín, tấn, niệm, định, huệ lực). Lá cờ Phật giáo còn biểu trưng cho 5 đại lục: Á, Âu, Phi, Mỹ, Úc; hay 5 sắc dân trên thế giới: vàng, trắng, đen, nâu, đỏ. Chỉ cần nhìn hình ảnh, hình hội họa, điêu khắc là ta cảm nhận ngay được ý nghĩa của nó. Đó là cách đưa Phật pháp lồng vào trong môn nghệ thuật vậy. Những nghệ sĩ, nghệ nhân tài ba góp phần hoằng pháp không nhỏ cho Phật giáo được truyền bá sâu rộng, nếu họ là những Phật tử tín tâm đối với giáo pháp Phật đà. Các môn như kịch nghệ, âm nhạc, thi ca… cũng là phương cách đưa giáo pháp vào lòng người rất tinh tế nên có thể được tiếp nhận thật nhanh chóng và còn ảnh hưởng lâu dài.

Những môn nghệ thuật vừa nêu trên, điêu khắc là tác phẩm còn tồn tại lâu dài nhất mà cũng dễ khắc sâu nơi tâm thức nhiều người qua nhiều thời đại khác nhau. Riêng kịch nghệ, âm nhạc, thi ca chỉ có thể ảnh hưởng liền tại chỗ, nhưng tác dụng của nó có thể kéo dài qua không gian và thời gian.

3. Truyền thông đại chúng:

Phương tiện truyền thông của thế kỷ 21 thật vô cùng tiện lợi, phổ biến nhanh chóng chỉ trong chớp nhoáng, những tin tức có thể truyền tải đi cấp thời tới khắp các chân trời trên hoàn vũ. Như trên đã dẫn chứng phương tiện truyền thông qua kinh A Di Đà mà chính Đức Phật Thích Ca đã dạy người Phật tử tận dụng phương pháp quảng trường thiệt tướng (tướng lưỡi rộng dài) để truyền tiếng nói pháp âm của chư Phật đi khắp trong không gian vô tận. Phương tiện chuyển tải pháp âm ấy ngày nay ứng hợp với truyền tin bằng vệ tinh nhân tạo. Có thể kể những phương tiện truyền thông như: truyền thanh, truyền hình, điện thư (telegram), điện tín (fax), computer, internet, báo chí, viễn thông… Trong vòng nửa thế kỷ trước các phương tiện này chưa được phổ cập và tân tiến như hiện tại. Chúng ta tin chắc các phương tiện truyền thông sẽ được cải tiến vượt bực một ngày không xa, và lúc ấy Phật giáo hãy còn những chuyên viên giỏi triển khai đúng mức để áp dụng trong lãnh vực hoằng pháp hữu hiệu hơn. Đó là việc của tương lai, trong hiện tại có thể nói Phật giáo chưa bắt kịp đà tiến của những phương tiện hiện hữu để cho công cuộc hoằng pháp đạt được hiệu quả đúng mức.

4. Những nhà dịch thuật:

Kinh điển Phật giáo đều nằm trong tiếng Phạn (Sanskrit) hay tiếng Pali, muốn phiên dịch ra ngôn ngữ của nước nào, người dịch phải học ngôn ngữ của nước đó mới có thể đủ khả năng chuyển dịch được kinh tạng.

Theo như sử liệu ghi chép nhà dịch thuật nổi danh vào thế kỷ thứ IV Tây lịch là pháp sư Cưu Ma La Thập (Kumaraciva): (344 – 413). Ngài đến Trung Quốc lúc nhỏ, cha người Ấn Độ, mẹ người nước Quy Tư. Cha Ngài làm quan nên được đổi đi nhiều nơi vùng Tây vực và sau đến nước Quy Tư. Vua nước Tần là Bồ Kiên năm Kiến Nguyên thứ 19 sai Lã quan sang đánh Quy Tư, và duy nhất chỉ muốn bắt La Thập đem về nước. La Thập được đưa về Trường An, sau này vua Diêu Hưng đón tiếp theo lễ Quốc sư, thỉnh Ngài vào viện Tây Minh ở cung Tiêu Dao để dịch kinh sách. Ngài dịch được hơn 380 quyển, năm Hoằng Thủy thứ XI đời Tần, Ngài viên tịch tại Trường An, vào năm Hy Minh thứ V đời Tấn. Nếu phải kể những nhà dịch thuật từ trước sau, chỉ 6 Ngài sau  đây được hậu thế biết đến nhiều hơn. Theo thứ tự thời gian đó là:

  1. Ngài Cưu Ma La Thập đời hậu Tần (thế kỷ thứ IV và đầu thế kỷ thứ V Tây lịch)
  2. Ngài Bồ Đề Lưu Chi (Bodihiruci) đời hậu Ngụy
  3. Ngài Chân Đế, Tam Tạng đời Trần, người nước Ưu Thiền Ni, thuộc Tây Ấn Độ. Ngài sang Trung Quốc năm Đại Đồng thứ XIII đời Lương lúc trên 30 tuổi được vua Lương Võ Đế tri ngộ.

Nhưng sau gặp quốc nạn Ngài bỏ sang Bắc Tề rồi sang Đông Ngụy. Nhân trong cơ hội lưu lạc này Ngài soạn thuật, phiên dịch nhiều kinh điển gồm 278 quyển. Ngài viên tịch năm Đại Kiến thứ I và thọ 71 tuổi

  1. Ngài Cấp Đa đời Tùy (thế kỷ thứ V)
  2. Huyền Trang pháp sư Tam Tạng đời Đường (618 – 907). Ngài tên Vĩ họ Trần, người đất Uyển Sư. Ngài có người anh xuất gia trước ở chùa Tịnh Độ tại Lạc Dương. Năm 13 tuổi Huyền Trang cũng xuất gia theo anh và tìm học với nhiều bậc thầy như Tuệ Cảnh, Nghiêm Pháp Sư, Ngài Đạo Cơ, Ngài Bảo Thiên v… Năm Vũ Đức thứ V Ngài thọ Cụ túc giới và theo học với các Ngài Tuệ Hưu, Đạo Thâm, Đạo Nhạc, Pháp Trường, Tăng Biện v.v… Dù vậy, Ngài vẫn chưa thỏa mãn nên tìm thầy khắp nơi. Cuối cùng Ngài quyết định Tây du sang Ấn Độ năm Trinh Quán thứ VII (627). Lúc bấy giờ nhà nước có lệnh cấm, không cho bất cứ ai xuất ngoại; nếu trái lịnh sẽ bị xử tử hình. Nhưng với chí đã quyết, Ngài tìm đủ mọi cách để thoát khỏi lãnh thổ Trung Quốc bằng con đường bộ “thiên nan vạn nan”. Ngài trải qua nhiều gian khổ vượt sa mạc Sa hà với bão tuyết và khí hậu khắc nghiệt, có lúc tưởng chừng như bỏ xác nơi hoang địa, thế nhưng với ý chí dũng mãnh lòng tin sắt son Ngài đã tìm được tia sáng để tới xứ Phật. Ngài đến Sikkim và lần tới miền Nam Ấn Độ và Bồ Đề Đạo Tràng. Tại đây vì quá cảm kích trước kim cang tòa của Đức Từ Phụ, Ngài xuất khẩu thành 4 câu thơ tuyệt tác như:

Phật tại thế thời ngã trầm luân Kim đắc nhân thân Phật diệt độ Áo não thử thân đa nghiệp chướng Bất kiến Như Lai kim sắc thân.

Nghĩa là:

Lúc Phật tại thế con chìm trôi
Nay được thân người Phật diệt rồi
Thương thay thân con nhiều nghiệp chướng
Chẳng thấy Như Lai sắc vàng tươi.
(TBL dịch)

Sau đó Ngài đến Đại học Na Lan Đà và gặp Đại luận sư Giới Hiền nhận làm thầy, Ngài này chuyên về Duy thức luận, nên Ngài Huyền Trang theo học và sau này về nước lập Tông Duy thức thuộc Pháp tướng tông tại Trung Hoa. Ròng rả 17 năm trường lưu học tại Ấn Độ và Ngài trở về nước năm 645 và được quần thần cũng như dân chúng đón tiếp vô cùng trọng thể tại kinh đô Trường An. Ngài mang về cả thảy 657 bộ kinh bằng tiếng Phạn mà Ngài sưu tầm được dâng lên triều đình. Lúc bấy giờ vua Thái Tông (Đường) truyền đem dịch sang tiếng Tàu; đến năm Vĩnh Huy thứ III đời vua Cao Tông, Ngài xin triều đình xây tháp lớn theo cách Tây Vực ở chùa Từ Ân. Năm Hiển Khánh thứ IX vua Cao Tông lấy cung Ngọc Hoa để Ngài ở đó dịch kinh. Tất cả những kinh luận Ngài đã dịch suốt 19 năm gồm 75 bộ và tổng cộng 1335 quyển. Pháp sư Tam Tang Huyền Trang viên tịch ngày 5 tháng 2 năm 664. Tang lễ Ngài có cả triệu người tiễn đưa trong vô vàn thương tiếc một Bậc Đại Pháp Sư Tam Tạng trong lịch sử Phật giáo cổ kim.

  1. Pháp sư Nghĩa Tịnh (635-713) đời Chu (Đường – Chu – Đường). Theo Huệ Quang Phật Học Từ Điển ghi: Ngài là bậc cao tăng Trung Quốc sống vào đời Đường, nhưng cũng có thuyết nói đời Chu, (bởi lẽ Ngài sinh ra nhằm thời ký Võ Tắc Thiên trị vì), họ Trương, tự Văn Minh, người huyện Trác Tỉnh Đài Bắc, (có thuyết nói làng Tế Chân tức Lịch Thành, tỉnh Sơn Đông). Ngài xuất gia từ thuở nhỏ, bản tính thông minh, theo học với các bậc Đại đức. Năm 20 tuổi Ngài thọ giới Cụ Túc. Vốn đã ngưỡng mộ các Ngài Pháp

Hiển, Huyền Trang nên Ngài nuôi chí du học Ấn Độ. Năm 671, từ Quảng Châu, Ngài theo đường thủy sang Pelembanly (Sri-Vishaya) để đến Ấn Độ. Sau khi chiêm bái các Thánh tích Phật giáo như núi Linh Thứu, núi Kê Túc, vườn Lộc Uyển, tịnh xá Kỳ Viên. Ngài đến học viện Na Lan Đà tinh chuyên học trong 10 năm. Sau đến đảo Sumatra học thêm 7 năm. Ngài đã đi qua hơn 30 nước và lúc trở về Ngài thỉnh khoảng 400 bộ kinh, luận và nhiều xá lợi. Về đến Lạc Dương, Vũ Hậu (vua) đích thân ra ngoài cửa Thượng Đông nghinh đón và sắc phong cho Ngài trụ trì chùa Phật Thọ Ký. Ngài dịch các kinh: Hoa Nghiêm, Luận Duy Thức, Mật Giáo và nhất là về Giới luật. Trong 12 năm từ 699 – 711, Ngài dịch được 56 bộ kinh, luận gồm 230 quyển. Các bộ luật trong Hữu Bộ Tỳ Nại Da ngày nay được truyền tụng phần nhiều do Ngài dịch. Ngoài việc dịch thuật Ngài còn dạy giới luật cho hàng hậu học tham cứu hành trì. Ngài tịch năm 713, hướng thọ 78 tuổi. Tháp được xây ở Long Môn – Lạc Dương. Những tác phẩm nổi tiếng còn lưu lại như: Nam Hải Ký Quy Môn Pháp Truyện (4 quyển), Đại Đường Tây Vực Cầu Pháp Cao Tăng Truyện (2 quyển) v.v…

Trở  lên là 6 nhà dịch thuật đại biểu nổi bật, ngoài ra còn   cả hàng trăm nhà dịch thuật khác nhưng không chuyên ngành nên chẳng ghi lại tự truyện.

Về phần Việt Nam chỉ tính từ 80 năm trở lại đây (1940) có các vị tam tạng dịch thuật sau đây:

  • Hòa Thượng Thích Trí Tịnh là một trong những dịch giả thâm niên trong lịch sử truyền dịch tiếng Tàu sang tiếng Việt. Những bộ kinh Đại thừa Ngài dịch như:
  • Diệu Pháp Liên Hoa Kinh (bản dịch sớm nhất vào cuối thập niên 40)
  • Kinh Hoa Nghiêm
  • Kinh Bát Nhã
  • Kinh Niết Bàn

Trong sự nghiệp dịch kinh của Hòa Thượng hơn 70 năm này đã dịch được gần cả trăm bộ và số quyển chưa kiểm kê được. Dù tuổi cao (94 tuổi, năm 2010), Ngài vẫn rắn rỏi, minh mẫn và dường như không có chứng bịnh nan y nào đáng lo ngại, chỉ có mỗi mắc bịnh mắt kém mà thôi.

  • Hòa Thượng Thích Thiện Siêu đã viên tịch, chuyên về Luận và Duy thức, nhất là những tác phẩm của Ngài như:
    • Thành Thật Luận
    • Vô Ngã Là Niết Bàn
    • Cương Yếu Giới Luật
    • Ngũ Uẩn Vô Ngã…
  • Hòa Thượng Thích Minh Châu (viện trưởng viện đại học Vạn Hạnh, nay là viện trưởng viện nghiên cứu Phật học Việt Nam), Ngài chuyên dịch kinh tạng Pali như:
    • Bốn bộ kinh A Hàm

Năm 2010 Ngài được trên 90 tuổi mặc dù sức khỏe yếu kém, nhất là trong 3 năm trở lại đây Ngài không đi đứng tự nhiên được, nhưng tâm trí vẫn rất minh mẫn (Nay đã viên tịch).

  • Hòa Thượng Thích Trí Nghiêm (đã viên tịch), Ngài hi hiến trọn đời dịch Bộ Kinh Đại Bát Nhã (600 quyển) trong vòng 8 năm. Đấy là sự nghiệp dịch thuật đồ sộ của Ngài lưu truyền lại hậu thế.

Tuy còn nhiều dịch giả khác, nhưng không chuyên ngành nên xin miễn nêu danh.

  • Hòa Thượng Thích Thanh Từ, Hòa Thượng Thích Nhất Hạnh, Hòa Thượng Trí Quang v… đều là những nhà dịch thuật khả tín đối với giới học giả Phật giáo.

VI. MỘT VÀI SUY NGHĨ

Nhìn xa hơn một chút để thấy rằng cái học ngày xưa và bây giờ khác nhau rất nhiều. Tại sao khác? Vì xưa học theo kiểu khép kín, từ chương; còn bây giờ mở rộng, phóng khoáng. Do vì đóng khung trong giới hạn nên người học không hướng ngoại. Điều này cũng chưa hẳn được vậy, nhưng ít ra trong chốn Thiền gia ngăn cấm không cho Tăng ni sinh được đọc sách báo đời; nhất là tiểu thuyết. Điều này cũng có được điểm lợi là giúp cho tuổi trẻ trau dồi được một ít kiến thức Phật học khả dĩ cho việc hoằng pháp tương lai. Tuy vậy, vẫn không ngăn cản được người có tánh tò mò, ưa tìm hiểu, cứ thế mà lén lút đọc, không kể tới hình phạt, kỷ luật. Còn học từ chương là thế nào? Người học chỉ việc học thuộc rồi trùng tuyên lại hoặc viết đúng như những gì có nơi sách vở, do vậy trí nhớ rất tài, nhưng khả năng kiến thức lại yếu kém, đó là điểm thứ nhất.

  • Học ngày nay gọi là mở rộng đến độ không ai còn kiểm soát được người học hướng tới đâu. Như vậy ta thử suy nghĩ theo đà này có lợi hay có hại? Lợi thì có lợi đấy, nhưng lợi bất cập hại, có nghĩa là hại nhiều hơn lợi. Vì sao nói như vậy? Vì người học tự cho rằng mình có khả năng kiến thức rộng, rồi miệt thị, coi khinh những người đi trước cho dù đó là Thầy mình, huynh đệ và ngay cả những lớp người đi trước. Đây là điểm tệ hại khó mong khắc phục đối với giới Tăng ni trong thế kỷ thứ 21 này. Những ai ưu tư cho tiền đồ Phật giáo, nhất là các vị Trụ trì, Giám viện, ban giám hiệu… không thể không suy nghĩ vai trò giáo dục Tăng ni cập nhật thời đại, là điểm suy nghĩ thứ hai.
  • Tinh thần sáng tạo: Nhờ ảnh hưởng văn minh, khoa học, kỹ thuật v… mà sự giáo dục được cải cách rất nhiều so với xưa, ngày nay học theo một tinh thần mới, đầy sáng tạo, giúp cho người học có cái nhìn tinh tế bén nhạy; cho nên khi bắt tay vào làm tức hợp tính khoa học. Học viên được trao cho quyền quyết định theo quan điểm của mình rồi trình bày trong nhóm hay giữa lớp học để mọi người cùng nghe, rồi nêu ý kiến đóng góp. Thế rồi sau buổi học mỗi người đều nắm được những yếu điểm của vấn đề nêu ra để trao đổi học hỏi. Việc học như thế thật là lợi lạc nhiều mặt, nếu người giàu suy tư hẳn đạt được rất nhiều lợi ích thiết thực cho bản thân và tương lai đối với đạo không ít; đó là điểm suy nghĩ thứ ba.
  • Cái tâm của con người thời đại mang nhiều nổi lo âu lẫn lo sợ, vì dựa vào phương tiện vật chất quá nhiều nên bất an thường trực. Phương tiện vật chất như ta đã biết cũng chỉ là cách nhất thời giúp giải quyết được những việc gọn nhẹ, nhanh chóng, nhưng đã gọi phương tiện dĩ nhiên không thể tránh được những sự rắc rối xảy ra. Chẳng hạn như máy vi tính, điện thoại cầm tay, internet, mạng toàn cầu v… Không những là phương tiện mà phải nói là xảo thuật mới đúng nghĩa. Nó cũng như con dao 2 lưỡi giúp ta thật đó, nhưng liền cũng hại chính ta ngay, nếu người sử dụng không biết kỹ thuật lắc léo của các phương tiện này. Nếu tâm an định thì đâu lo sợ gì. Do vậy, niềm tin con người ngày càng mỏng cạn chăng? Ngày xưa hay trước đây người ta tin cái gì là chắc cái đó, như chiếc phao nổi, nên cố bám víu không rời; đây là điểm suy nghĩ thứ tư.
  • Tiện nghi vật chất quá dồi dào làm cho cái thân ta thành lười biếng không chịu vận động, nên dễ phát sinh nhiều chứng bịnh tưởng chừng như đùa mà có thật. Thật vậy do vật chất cung ứng cho ta đầy đủ nhất là phương diện y khoa. Vì vậy nhiều người thân thể bệ rạc, nếu rời thuốc men hay máy móc ra như thuốc cao máu, tiểu đường, cholesteron, máy lạnh, máy sưởi, trợ thính, trợ thị… Đó là điểm suy nghĩ thứ năm.
  • Sống giữa thời đại văn minh hiện đại, Tăng ni phải đối diện với cả một sự thử thách về nhiều mặt như học hành, phương tiện, du học v.v… Về học hành, ngày nay không còn là một vấn đề khó khăn như trước nữa, tối thiểu người xuất gia phải hoàn tất chương trình Trung học đệ nhị cấp. Mặc dù luật lệ không bó buộc, nhưng về kiến thức phổ thông muốn làm đạo được hữu hiệu, hợp thời đại không thể không xong chương trình bậc Đại học. Về phương tiện ăn ở, di chuyển, trường sở… Không nên quá vượt bực mà đi sai mục đích “an bần lạc đạo” của người học hạnh xuất thế. Về du học ngày nay được xem là “mốt” (mode) thời trang của thời đại. Nhất là Tăng ni quốc nội (Việt Nam), hầu như 10 người đều có khuynh hướng muốn du học nước ngoài cả 10. Điều kiện chưa cho phép, họ vẫn cụ bị sẵn sàng về mặt pháp lý. Riêng về việc cư trú, thành phần Tăng ni trẻ tại các thành phố lớn thường có khuynh hướng thích ở nhà Phật tử. Đây lại là một điểm phát sanh mới khác đối với tổ chức Phật giáo nói riêng và tương lai Đạo pháp nói chung. Riêng ở nước ngoài, một số Tăng ni đi làm thêm kiếm tiền mà họ lấy lý do là giúp đỡ thân nhân hoặc trả lại món nợ vượt biên. Trong khi đi làm họ phải mặc đồ tây (đồ đời) như người thường. Nhìn chung tại quốc nội hay hải ngoại về Tăng ni như vừa nêu trên là cả một vấn đề hết sức khó khăn, phức tạp đối với tổ chức Phật giáo nói chung. Phải thành thật mà nói Tăng ni của thời đại thuộc thế kỷ 21 đang theo một “trào lưu” như trăm hoa đua nở mà trong số có không ít những vị muốn làm cách mạng, có nghĩa là muốn phá vỡ giật sạch hết những cơ cấu cũ để dựng lên thành phong trào như tưởng tượng. Chẳng hạn, chùa chiền không cần theo model cố hữu mà theo mốt (mode); muốn cải tổ luôn Nội quy tại tự viện mà họ đã cùng với Thầy và chư huynh đệ sống chung từ thuở còn thơ ngây, trong trắng. Những Tăng ni có đầu óc cách tân này muốn cách mạng luôn cả nền giáo dục Tăng ni, họ chê Bổn sư kém học, không tốt nghiệp một trường đại học nào và bây giờ là thời buổi cần phải nghe theo lời cải tổ điều hành tân tiến mà theo họ là sẽ thích hợp hơn. Đó là điểm thứ sáu.

Phương pháp giáo dục Tăng ni như được nêu trên cũng chỉ hai cách nhìn không đồng bộ, vì vẫn biết nói dễ nhưng thực hành là cả một sự cân nhắc cẩn thận, thật cũng không dễ dàng. Dù vậy ít nhiều chúng ta cũng phải có mối quan tâm đặc biệt ngõ hầu xây dựng và kiện toàn vẫn tốt hơn.

Sa Môn Thích Bảo Lạc

Thursday, September 17, 2020

Vĩnh Hảo: SAU THỊNH NỘ LÀ LẶNG IM



SAU THỊNH NỘ LÀ LẶNG IM


Vĩnh Hảo


Lửa. Lửa lại bùng cháy trên những cánh rừng bạt ngàn miền tây. Khói cuồn cuộn, lan xa hàng nghìn dặm, kéo qua tận miền đông. Tro bụi mịt mù, bao phủ hết bầu trời, làm cho nền trời lúc giữa trưa mà ửng lên màu vàng cam, có khi đỏ ối như ráng chiều hoàng hôn. Hai vầng nhật nguyệt dường như bị che khuất suốt những ngày cuối hạ. Tro tàn theo gió cuốn đi thật xa, rời bỏ núi rừng, rồi rơi lả tả trên những cánh đồng, sông suối, cỏ cây, nhà cửa, xe cộ... khắp các vùng. Không khí như bị đặc quánh lại với mùi khét lẹt của khói. Lệnh giãn cách xã hội và mang khẩu trang chưa được cởi mở hoàn toàn, lại càng cần thiết hơn trong lúc này, khi con người mong tìm nơi trú ẩn an toàn để thở được không khí trong lành.

Lửa là một trong bốn yếu tố to lớn (bốn đại: đất, nước, gió, lửa), có mặt trùm khắp thế giới vật chất, hữu hình. Không đâu mà không có lửa, cũng như không đâu mà không có đất, nước, gió. Lửa là nhu cầu thiết yếu của loài người từ thời nguyên thủy cho đến ngày nay, để thắp sáng, sưởi ấm và làm chín thức ăn. Từ cuối thế kỷ thứ 7 trước kỷ nguyên, một giáo phái tôn thờ lửa được thành lập gọi là Hỏa giáo (1). Lửa trong kinh Phật thì có khi được ẩn dụ như sự bùng cháy của tâm sân hận (2); có khi được dùng để nói về một nguy hiểm tiềm tàng (3); và trong một thi kệ của Thiền sư Khuông Việt thì lửa được dụ cho Phật tính (4).

Dù trong ẩn dụ tốt hay xấu, tính năng của lửa là từ một đốm nhỏ có thể làm bùng lên thành một trận lửa to lớn. Nhìn tiêu cực, và cụ thể, lửa thường được ví với sự nóng nảy, giận dữ, sân hận. Như vậy, tâm sân hận dù nhỏ, cũng có thể bùng phát thành cơn thịnh nộ lớn, gây tổn hại cho mình hoặc hủy diệt cả người khác.

Nhìn những cơn bão lửa thực tế đang cuồng nộ gieo rắc kinh hoàng cho con người và muông thú trên các cánh rừng, người thực hành chánh pháp có thể dùng đó làm bài học quán niệm, theo dõi và kiểm soát lòng sân hận của mình. Chỉ một niệm sân nhỏ thôi, cũng cần phải nhận biết, cẩn trọng, xem chừng, đừng cho nó manh động, tăng trưởng. Quán sát sâu xa hơn, có thể nhận ra cội nguồn của tâm sân hận chính là ái ngã, vị ngã — chỉ thích những ai và những gì làm vừa lòng mình; không chấp nhận những ai và những gì làm trái ý mình. Bất mãn, nổi sân, bẳn gắt, khó chịu với người khác cũng chỉ vì yêu thích, cưng chiều, bảo vệ “cái tôi” và “những gì thuộc về tôi” của mình.

Do đó, sự thịnh nộ của bão lửa, dù là thiên tai hay nhân họa, có phần nào được hiểu như là phóng ảnh từ nội tâm con người. Quá vị kỷ sinh ra thù ghét; quá tự tôn sinh ra kỳ thị; quá tư kiến sinh ra thành kiến. Từ đó, phừng phừng đốt lên những ngọn lửa dữ. Chiến tranh tôn giáo, sắc tộc, chủ nghĩa, ý thức hệ, đảng phái... cũng chỉ vì không thể kiểm soát được đốm lửa sân nhỏ. 

Lửa, luôn hữu dụng nếu biết kiểm soát. Người ta có thể cất lửa vào một đầu que diêm, hay nhốt lửa tiềm ẩn trong một cái hộp quẹt. Đốt nhang cúng Phật, đốt củi sưởi ấm, nhen lửa nấu cơm... lửa có hại ai đâu. Hại hay không là do mình biết hay không biết kiểm soát, chế ngự.


Nhưng khi một ngọn lửa chưa bật lên, khi một niệm chưa khởi, thì cái gì, là ai ở nơi ấy?


Tất cả cơn thịnh nộ của địa chấn, cường triều, cuồng phong, hỏa tai... rồi sẽ lắng xuống. Không có gì tự sinh ra, và cũng không có gì sinh mãi không diệt. Lửa không thể cháy mãi. Sóng không thể dâng mãi. Niệm thiện hay niệm ác cũng chỉ là những ba động trên bề mặt bản tâm. Sau cơn thịnh nộ, là im lặng.


California, ngày 16 tháng 9 năm 2020

 Vĩnh Hảo

www.vinhhao.info

_________


  1. Theo Wikipedia: “Hỏa giáo hay Bái hỏa giáo (cũng còn được gọi là Hiên giáo, Hỏa hiên giáo, Đạo Zoroast, Đạo Mazda hay Mazde, Hỏa yêu giáo) là tôn giáo do nhà tiên tri Zoroaster (Zarathushtra) sáng lập vào khoảng cuối thế kỷ 7 TCN tại miền Đông Đế quốc Ba Tư cổ đại. Đây là một trong những tôn giáo lâu đời nhất của nhân loại, với bộ kinh chính thức là kinh Avesta (Cổ kinh Ba Tư) tôn vinh thần trí tuệ Ahura Mazda là thần thế lực cao nhất. Các đặc điểm nổi bật của Hỏa giáo, bao gồm lòng tin vào một đấng cứu rỗi sẽ tới cứu giúp nhân loại, thiên đàng và địa ngục, và tự do ý chí được cho rằng đã ảnh hưởng đến các hệ thống tôn giáo sau đó như: Do thái giáo đền thờ thứ hai, thuyết ngộ đạo, Kitô giáo và Hồi giáo.”

  2. “Một đốm lửa sân có thể đốt cháy cả rừng công đức,” (Kinh Phật).

  3. “Có bốn thứ tuy trẻ nhỏ, nhưng không thể xem thường. Những gì là bốn? Vương tử Sát-lợi, tuổi tuy trẻ nhỏ, nhưng chớ xem thường. Rồng con, tuổi tuy trẻ nhỏ, nhưng chớ xem thường. Đốm lửa tuy nhỏ, nhưng chớ xem thường. Tỳ-kheo tuổi tuy trẻ nhỏ, nhưng chớ xem thường.” (Tạp A-hàm, Tam Bồ Đề, Kinh số 1226. Việt dịch: Thích Đức Thắng; Hiệu đính & Chú thích: Tuệ Sỹ)

  4. Bài kệ của Thiền sư Khuông Việt (933-1011), với ý rằng vì chúng sinh sẵn có tánh Phật nên tu hành mới thành Phật quả; nếu không có tánh Phật thì dù tu hành bao nhiêu đời kiếp cũng không thể thành Phật. Bài kệ đã dùng lửa trong cây làm ẩn dụ: 

“Mộc trung nguyên hữu hỏa,

Hữu hỏa, hỏa hoàn sanh.

Nhược vị mộc vô hỏa,

Toản toại hà do manh.

Dịch:

Trong cây sẵn có lửa,

Có lửa, lửa mới sanh.

Nếu bảo cây không lửa,

Cọ xát làm gì sanh.



Wednesday, September 9, 2020

NorCal sky and our environmental tragedy - Bầu trời Bắc Cali và thảm kịch môi trường


Bầu trời Bắc Cali và thảm kịch môi trường

Hãy chia sầu cùng tôi
Hoa; mặt trời còn đó
Khói bụi bay ngập trời
...
Thở sâu... buông thất vọng


NorCal sky and our environmental tragedy

please share the sorrow with me
the sun; the flower is still there
the smoke and ash are flying everywhere
...
take a deep breath and letting go of our disappointment.

Sacramento, the first week of September 2020.

Phe Bach

Thursday, September 3, 2020

Hoàng Long: Truyện Ngắn Murakami Haruki – Nghiên Cứu và Phê Bình

Truyện Ngắn Murakami Haruki 

– Nghiên Cứu và Phê Bình

 Hoàng Long

Đọc Murakami bao giờ chúng ta cũng cảm thấy nỗi hoang vu buốt giá tuổi xuân thì. Có thể nói Murakami là nhà văn tinh tế nhất viết về nỗi cô đơn. Những câu chuyện nhỏ bé, tỉ tê luôn mang vết dấu của ngấn lệ thoáng qua hồn người. Con người có vẻ từng trải, hiên ngang đi trong gió bụi của đời thực ra lại rất mong manh, dễ chùng lòng vì những điều xưa cũ. Những vết thương tuổi hai mươi dường như không bao giờ lành hẳn, sự vụn vỡ của tình yêu và dư vị cay đắng sẽ theo ta đến suốt cuộc đời. Nhiều khi ta muốn tìm lại, đôi lúc muốn để nhạt phai nhưng không bao giờ quên đi mãi mãi. Dưới mái tóc bạc phơ, đâu ngờ còn điều thổn thức. Vì niềm đau luôn còn đó, trong ta vĩnh viễn u hoài… ~ HOÀNG LONG, trích TRUYỆN NGẮN MURAKAMI HARUKI, NGHIÊN CỨU VÀ PHÊ BÌNH


Tác giả và dịch giả Hoàng Long

LỜI THƯA NHÂN DỊP TÁI BẢN
(Có bổ sung hiệu đính)

Quyển chuyên luận này tuy luôn nằm trong danh mục tham khảo của các công trình nghiên cứu về Murakami Haruki nhưng rất tiếc đã tuyệt bản từ lâu. Theo lời yêu cầu của nhiều độc giả, đặc biệt là các bạn sinh viên, chúng tôi quyết định cho tái bản quyển sách này với một vài thay đổi nhỏ.

Lần tái bản này ngoài việc viết lại cơ bản phần tiểu luận, chúng tôi còn bổ sung thêm bốn truyện ngắn rất thú vị và đặc sắc của tác giả Murakami Haruki là “Vương quốc điêu tàn” (駄目になった王国), “Kẻ lãng du ba mươi hai tuổi” (32歳のデイトリッパー), “Đường bờ biển tháng năm” (5月の海岸線) và “Chim lặn” (かいつぶり). Những truyện này được chúng tôi dịch từ nguyên tác Nhật ngữ, trích trong tập “Một ngày tốt lành đi xem kangaroo” (カンガルー日和) do nhà xuất bản Kodansha ấn hành, tái bản lần thứ 76 năm 2014.

Sau rất nhiều phấn khích và nhận định quá đà, bây giờ bình tâm nhìn nhận lại ta vẫn thấy tầm vóc Murakami Haruki trong sự tinh tế khi viết về nỗi cô đơn và tình yêu tuổi trẻ chứ không phải ở chiều kích tư tưởng. Chính vì vậy mà tác phẩm của ông luôn được yêu thích như là ngấn tích của một thời tuổi trẻ mê say cuồng vọng mà mỗi lần nhớ lại ta đều mỉm cười trong thoáng chút bùi ngùi vì “thơ ngây đi mất trong bước buồn giờ mới hay…” (Trúc Phương).

Sài Gòn, ngày 28/8/2020

Hoàng Long