Sunday, January 10, 2021

GĐPTVNHK: Điếu Văn Tưởng niệm Cố Huynh Trưởng cấp Dũng GĐPTVN TÂM VINH - ĐOÀN VĂN LỘC

                    


Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật

 

ĐIẾU VĂN
của Gia Đình Phật Tử Việt Nam tại Hoa kỳ
Tưởng niệm Cố Huynh Trưởng cấp Dũng GĐPTVN

TÂM VINH - ĐOÀN VĂN LỘC

 

Nhớ Linh xưa!

 

Ngọn nến Lam bất diệt

Đã thắp sáng niềm tin

Lan truyền bao thế hệ

Tin yêu vững sắt son

 

Quán trọ giờ vắng khách

Người lữ hành đi xa

Chín mốt năm trụ thế Ta Bà

Bảy bốn năm ươm mầm Lam khắp nẻo

Từ Tịnh Bình xứ Huế

Đến đất nước Miền Tây

Hạt sen anh gieo xuống

Hoa yêu thương đơm đầy.

 

Kính vọng Chơn Linh Anh

TÂM VINH ĐOÀN VĂN LỘC

 

Than ôi!

Anh vừa giũ kiếp Ta Bà,

đương mùa cách ly đại dịch.

Dễ mấy, đàn Áo Lam xum vầy hết thảy?

 

Bốn phương gần, xa,

giờ này đồng niệm Di Đà

tâm hương, phũ phục cúi đầu

bùi ngùi đưa tiễn phút sau cùng này!

 

 Giờ đây

Dây thân ái, tay sắp rời.

Tránh sao hai hàng lệ rơi…

 

Hỡi ơi! Kính vọng Chơn Linh Anh,

Tâm Vinh - Đoàn Văn Lộc

Pháp tự: Phước Hiền

Huynh trưởng cấp Dũng, GĐPT Việt Nam

 

Giờ là lúc giã ly vĩnh biệt. 

Niềm thương còn mãi, vô biên

 

Nhớ xưa,

Kinh Đô - Đất Thần, Anh  sinh trưởng

Giỏi giang học luật, làm giảng viên

Giữa thời chinh chiến chiêu binh,

phận trai chẳng chịu lơ nhìn giang san

Bể dâu Non Nước, nổi chìm

Anh theo nghiệp vận triền miên tội tù.

 

Tâm Anh: Bát chánh 

Trí Anh - Hướng đạo

Từ bi hỷ xả một đời

Như anh trưởng Tâm Huệ

Từ quốc nội đến hải ngoại

Các Anh mang bút mực tải Đạo

Hành chánh nhắc nhớ bao lời Phật ngôn.

 

Hỡi ơi! Nhà Lam bái phục

Anh mang chức vụ từ thấp đến cao,

Từ buổi đầu xây dựng đến mai sau,

Dù ở trong nước hay ra ngoài hải ngoại,

 

Anh luôn ôn hoà

Thương anh em như thể thương mình

Từ buổi bình minh, đến hoàng hôn, và trăng tàn cuộc sống

 

Ôi cuộc đời của anh 

gắn liền trang Lam sử 

Tất cả dành thương yêu:

Cho đàn em thân mến.

 

Cuối đời, anh vẫn luôn trầm tĩnh

Nhẫn nhịn và bao dung

Thương yêu - bồi đắp.

 

Anh là ngọn nến Lam

lẻ loi lời thống thiết

Anh, Tình Lam bất diệt

Bi-Trí-Dũng vô song

 

Vĩnh biệt người vô tranh

Hương tình Lam ngàn sau xông ngát

Anh đi như gió thoảng qua đồi

Từ Bi để lại luân hồi thương yêu!

 

Đàn Áo Lam giờ đây kính nguyện:

 

Tâm sinh Bồ Tát Địa

Mầm non nẩy lộc mới! 

 

NAM MÔ TIẾP DẪN ĐẠO SƯ A DI ĐÀ PHẬT  

Ngày 10 tháng 1, 2021

Gia Đình Phật Tử Việt Nam tại Hoa Kỳ cẩn bút.


Wednesday, January 6, 2021

Charlie - Cao điểm 1015 | Charlie - The high point of 1015


Charlie - Cao điểm 1015

Xin cầu nguyện cho những ai đã nằm xuống ở các huyện: Sa Thầy, Ngọc Hồi và Dakto trong chiến tranh.

Những nỗi đau chiến tranh mất mát
đã hơn nửa thế kỷ qua
còn nguyên hay vơi đi, gần hay xa
chúng ta, Có Mặt Cho Nhau, về đây
cầu nguyện cho cả đôi bên
siêu thoát
những khổ đau, hận thù và phiền não
bay vèo như gió thoảng mây bay
trên đồi Charlie (Sạc Ly)
Qua đi, qua đi
Cầu xin an lành
Cầu xin siêu thoát

Gate, Gate, Paragate, Para Sam gate Bodhi Svaha.

Yết đế, Yết đế, Ba ra Yết đế,
Ba ra Tăng Yết đế, Bồ Đề Tát Bà Ha.

Ði qua, đi qua. Ði qua bờ bên kia,
Ðã đi qua đến bờ bên kia, reo vui!

Gone, gone. Gone beyond, gone far beyond. Awaken, Rejoice

Bạch X. Phẻ


Charlie - The high point of 1015
Pray for those who died in three districts of Sa Thay,
Ngoc Hoi and Dakto during the Vietnam War.

The pain of war, its enormous loss, and suffering
It has been more than half a century
still lingered, attached and/or eased, near or far
We, Presencing for Each Other, are here
pray for both sides!
Rest in Peace.
Sublimity, in the Pure Land, in the Haven,
or in the presence of God
Hoping and praying for suffering, hatred, and afflictions to ease.
Breezing by like the wind,
or like the floating clouds on Charlie hill.
May all rest at ease
May all rest in peace.

Gate, Gate, Paragate, Para Sam gate Bodhi Svaha.

Yết đế, Yết đế, Ba ra Yết đế,
Ba ra Tăng Yết đế, Bồ Đề Tát Bà Ha.

Ði qua, đi qua. Ði qua bờ bên kia,
Ðã đi qua đến bờ bên kia, reo vui!

Gone, gone. Gone beyond, gone far beyond. Awaken, Rejoice

Phe Bach

Thursday, December 31, 2020

TÌNH EM CHIẾC ÁO NÂU SỒNG



TÌNH EM CHIẾC ÁO NÂU SỒNG 

"Những hẹn hò từ nay khép lại,

thân nhẹ nhàng như mây" TCS


Da em màu nâu sồng

Anh một thời da diết.

Xa em anh hối tiếc

Biết bao giờ gặp nhau?


Mắt em cũng màu nâu

Anh bao thời chới với.

Em ơi, đừng có đợi

Anh lữ khách thong dong!


Gần xa ở tấm lòng

Em một người trung trực.

Xa em lòng rạn nứt

Buồn nào áng mây bay!


Mặn nồng mối tình say

Thôi thì tình đã lỡ

Em ơi! yêu là nợ

Hương phấn sẽ tàn phai.


Tình nghĩa cho ngày mai

Giữ cho nhau em nhé.

Gã cùng tử nhỏ bé

Chìm vào cõi tịch không.


Yêu em ở tấm lòng

Bay vèo trong thu vắng

Tình ta như vạt nắng

Luôn sưởi ấm cho nhau.


Nếu ta có ngày sau

Thuỷ chung này dâng trọn!


Bạch Xuân Phẻ

Viết để tiễn chiếc áo nâu từ thời đại học (in the 90s)


Tuesday, December 29, 2020

Chân Văn Đỗ Quý Toàn: Bức thư Mùa Vu Lan của Hòa thượng Tuệ Sỹ

 Chân Văn Đỗ Quý Toàn: Bức thư Mùa Vu Lan của Hòa thượng Tuệ Sỹ

Tác giả Chân Văn Đỗ Quý Toàn (tức bình luận gia Ngô Nhân Dụng),
Thầy Trí Siêu Lê Mạnh Thát 
và nhà văn Phạm Xuân Đài (Phạm Phú Minh)
~ Ảnh: Uyên Nguyên

 

Có hai nhà sư là bạn cùng tu ở tu viện Thũpãrãma, nằm trong thành phố Anurãdhapura, thủ đô của vương quốc mang cùng tên. Một trong hai ông sư không thích đời sống đô thị, đã từ giã bạn, đi về phía Đông tới một ngôi chùa khác trong rừng, ẩn dật. Ông thầy kia ở lại tu viện.

Sau mười năm, một bữa ông sư trên rừng nghĩ mình nên mời người bạn cũ tới chia sẻ cuộc sống trên sơn cốc thanh tịnh. Ông trở về tu viện ở Anurãdhapura, nghĩ rằng mình sẽ được người bạn đồng tu tiếp đón, các Phật tử hầu hạ, cơm bưng nước rót đầy đủ. Nhưng không có gì cả. Hai nhà sư cùng đi khất thực, cả ngày chỉ được cúng dường một tô cháo loãng.

Vị sư từ rừng núi về bèn hỏi người bạn cũ có phải ngày nào cuộc sống cũng như vậy hay không. Ông thầy ở lại thành phố trả lời rằng thường thường chỉ có thế thôi. Vị khách tăng bèn rủ ông bạn hãy lên sơn cốc, ở trong rừng với mình, cuộc sống dễ chịu hơn. Ông thầy ở thủ đô đồng ý.

Hai người đi tiếp, đi qua cổng thành, ông thầy từ rừng về thấy ông kia quay đi hướng ra ngoài, ngạc nhiên hỏi:

– Thầy tính đi đâu vậy?

– Thầy mới rủ tôi đi về sơn cốc với thầy mà?

– Nhưng thầy không trở về chùa lấy đồ đạc gì sao?

– Tôi chỉ có mỗi cái bình bát này thôi. Còn cái giường, cái ghế là đồ đạc của chùa. Tôi không có gì hết.

Ông thày từ chùa trên rừng về nói:
-Tôi cần trở lại chùa. Tôi còn để ở đó cái lọ dựng dầu đốt, cái túi dép và cây gậy.

– Thầy về đây mấy ngày mà đã có được nhiều thứ nhỉ!

Ông thày ở rừng trở về nhìn người bạn cũ, thú nhận: “Tu như thầy thì chỗ nào cũng là sơn cốc!”

Những đệ tử đầu tiên của Đức Thích Ca phần lớn sống giản dị như ông thày “không có gì ngoài cái bình bát” ở thủ đô Anurãdhapura. Chắc ông sống ở chùa Thũpãrãma không lâu trước hay trong thế kỷ thứ 5, khi câu chuyện được ghi lại. Đạo Phật đã truyền tới hòn đảo Sri Lanka vào thời vua Ashoka, thế kỷ thứ hai trước Tây lịch, cho đến bây giờ nhiều người vẫn còn hành trì, chắc cũng nhờ những vị tăng sĩ như ông thầy trên. Nếp sống thanh tịnh của các vị tu sĩ như ông, thể hiện trong tập thể “tăng già” (sangha) từ hơn 2,500 năm nay khắp châu Á, và trên thế giới, là một nền tảng bền chặt cho đạo Bụt.

Ở Việt Nam, Hòa thượng Thích Tuệ Sỹ mới viết một bức thư, “Thư Khánh Tuế,” gửi đến “Chư Tôn Đức,” và Phật tử, nhân mùa Vu Lan, sau ba tháng an cư. Bức thư viết, “Cùng chung niềm vui của bốn chúng, nương theo uy đức Tăng-già, tôi kính gởi đến Chư Tôn đức lời chúc mừng đã hoàn mãn ba tháng tĩnh tu …”

Trong bức thư trên Hòa thượng Thích Tuệ Sỹ viết, “Trong lịch sử hoằng hóa lâu dài, Tăng-già, chúng đệ tử Phật, tự thể vốn thanh tịnh và hòa hiệp, là cỗ xe vững chắc mà Đức Thích Tôn đã tác thành …” làm công việc truyền bá giáo pháp “chỉ bằng đức từ vô lượng,” và “thể tính thanh tịnh hòa hiệp của Tăng-già.”

Hòa thượng Tuệ Sỹ nhấn mạnh “Tăng-già hòa hiệp sẽ là ngọn hải đăng bất động trước mọi sóng gió;” và kể lại, “Cho đến những ngày tháng cuối cùng, bằng các tâm thư, Đức Đệ Ngũ Tăng Thống (Hòa thượng Thích Quảng Độ) đã thiết tha kêu gọi Tăng-già hòa hiệp.”

Hòa thượng Thích Tuệ Sỹ viết bức thư đã nhắc lại lịch sử Phật giáo Việt Nam gần đây, với việc thành lập Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất năm 1963. Nhưng sau năm 1975 “một Giáo hội mới được thành lập với định hướng Đạo Pháp – Dân tộc – Xã hội chủ nghĩa”… phải theo “định hướng xã hội chủ nghĩa” mà Hòa thượng Tuệ Sỹ thấy là “Một định hướng mơ hồ … áp đặt vào lịch sử Việt Nam, trong quá khứ cũng như hiện tại.” Giáo hội mới đó do “Ban Tôn Giáo Chính phủ trực tiếp điều hành, … từ trung ương đến địa phương.” Họ được “đặt dưới sự chỉ đạo của Mặt Trận Tổ Quốc,” chi nhánh của “một Đảng chính trị chuyên chính…”

Nhưng Đại hội VIII GHPGVNTN năm 1999 “đã đồng tâm nhất trí suy cử bốn vị lãnh đạo: Hòa thượng Thích Huyền Quang, Viện Tăng Thống; Hòa thượng Thích Đức Nhuận, Cố vấn Viện Hóa Đạo; Hòa thượng Thích Quảng Độ, Viện Trưởng Viện Hóa Đạo; và Thượng tọa Thích Tuệ Sỹ, Tổng Thư ký Viện Hóa Đạo.”

Năm ngoái, vị tăng thống sau cùng, Hòa thượng Thích Quảng Độ đã viên tịch. Cho đến nay, nhiều người vẫn thắc mắc không biết Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất đang đi về đâu. Trong bức “Thư Khánh Tuế” mùa Vu Lan này, có mấy điểm quan trọng được Hòa thượng Tuệ Sỹ nêu ra, nên phổ biến cho mọi người cùng biết.

Thứ nhất, Hòa thượng Tuệ Sỹ xác định “Tôi được ủy thác nhiệm vụ kế thừa,”… và đã không ngần ngại “Khâm thừa Ủy thác” theo ý Cố Tăng Thống Thích Quảng Độ. “Để đáp lại… di chúc ủy thác của Đức Đệ Ngũ Tăng Thống”, Thày Tuệ Sỹ  “trông lên Tổ đức uy nghiêm, vô khả nại hà, tôi cúi đầu lãnh thọ.”

Với bức “Thư Khánh Tuế,” Hòa thượng Thích Tuệ Sỹ – Đương kim Xử Lý Thường Vụ Viện Tăng Thống Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất, đã nhắc nhở, giúp cho Phật tử ở trong nước và hải ngoại có thể yên tâm, vì Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất vẫn tồn tại và theo đuổi mục tiêu phục vụ đạo pháp và dân tộc.

Bức thư được gửi tới quý vị lãnh đạo tinh thần trong cộng đồng Phật Giáo ở Việt Nam và thế giới, nhấn mạnh đến lời di huấn Hòa thượng Thích Quảng Độ khi ngài kêu gọi Tăng-già hòa hiệp. Đức Cố Tăng Thống nói, “Một Giáo hội mà không y chỉ trên y xứ Tăng-già hòa hiệp chỉ là một ngôi nhà trên bãi cát, lực tự tồn còn chưa đủ, nói gì đến hoằng pháp lợi sanh.”

Từ 25 thế kỷ nay, Tăng Già vẫn là nền tảng để giữ gìn và truyền bá Phật giáo. Câu chuyện ngôi hai vị tăng sĩ trong ngôi chùa ở thủ đô Anurãdhapura được kể lại trong Visuddhimagga (Đường Thanh Tịnh) của Buddhaghosa. Vị đại sư này đã từng sống ở tu viện Thũpãrãma kể trên vào thể kỷ thứ năm. Trước đó một thế kỷ, nhà sư Pháp Hiền người Trung Quốc đã đi Ấn Độ và Tích Lan thuật lại rằng tu viện này có ba ngàn tăng sĩ. Vương quốc Anurãdhapura cai trị một phần ba đảo Sri Lanka (Tích Lan) ở miền Bắc, từ thế kỷ thứ Tư trước Tây lịch cho đến thế kỷ 11. Vương quốc đã mở mang hệ thống kênh đào và hồ chứa nước giúp nông nghiệp phát triển. Chế độ bền vững gần 15 thế kỷ một phần cũng nhờ giới tăng già thanh tịnh, hòa hiệp, và khuyến khích dân chúng sống theo giáo lý từ bi, trí tuệ.

Nguồn: BBC

Friday, December 25, 2020

Một Ngày Qua - Thơ Huyền Không; nhạc Dương Xuân Dưỡng

Một Ngày Qua

Thơ Huyền Không (Cố Hoà thượng Thích Mãn Giác)
Nhạc: HTr. Dương Xuân Dưỡng 
Ca sỹ: Hà Thanh (PD: Tâm Tú)


Lời thơ/nhạc: 


Chiều xuống giữa rừng sâu

Chiều xuống giữa rừng sâu

Chân bước đi về đâu?

Tìm cái gì? cái gì đã mất

Không thấy lại hôm sau

Lá xanh đã xám màu

Lá xanh đã xám màu

Thu mình nghe cây đau.

Sức sống mòn, sống mòn dưới đất

giun dế dệt đêm sâu.

Ngày tàn theo gót hoàng hôn. 

Bóng chiều đổ xuống gợi lòng bâng khuâng

Thông xanh rải rắc phấn vàng

Nghe trong gió thoảng cùng đàn biệt ly

Ngày tàn theo gót hoàng hôn.

Khói chiều vương vấn tâm hồn ai đây?

Lá vàng lác đác gió bay.

Còn đâu đây nữa một ngày đã qua!

ĐK: 

Đâu rồi một ngày qua, luyến tiếc nữa chi mà

Giòng đời trôi, đời trôi xuôi mãi

Đưa về chốn tha ma...

Lá xanh đã xám màu

Lá xanh đã xám màu

Thu mình nghe cây đau.

Sức sống mòn, sống mòn dưới đất

giun dế dệt đêm sâu.


Ngày tàn theo gót hoàng hôn. 

Bóng chiều đổ xuống gợi lòng bâng khuâng

Thông xanh rải rắc phấn vàng

Nghe trong gió thoảng cùng đàn biệt ly

Ngày tàn theo gót hoàng hôn.

Khói chiều vương vấn tâm hồn ai đây?

Lá vàng lác đác gió bay.

Còn đâu đây nữa một ngày đã qua!





Mời nghe Hà Thanh ở đây.

Đạo ca Trường Khánh 1 - Ca sĩ Hà Thanh (Thập niên 1980)

Đạo ca Trường Khánh 2 - Ca sĩ Hà Thanh (Thập niên 1980)


Sunday, December 20, 2020

Vĩnh Hảo: Khởi Đầu và Kết Thúc

 

Ai cũng tin rằng tương lai sẽ như vầy, như vầy, đúng như hôm qua và hôm nay đã trù liệu, hoạch định và tiến hành; bởi vì cái nhân gieo xuống với sự trợ duyên của các yếu tố phụ thuộc chung quanh, một cách khoa học và kinh nghiệm, cùng với thời gian vừa đủ để một tiến trình được khai mở, phát triển, chắc hẳn có nhiều phần mang lại kết quả tương xứng, hoặc bội phần, hoặc bội bội phần.

Tuy vậy, kinh nghiệm, với những kết quả thực tế của một số sự việc, công trình, cũng cho thấy rằng, không phải lúc nào quả phải theo nhân. Bài học vỡ lòng của nhân-quả dạy chúng ta rằng các yếu tố ngoại tại có khi cũng rất quan trọng để dẫn đến kết quả như ý hay bất xứng ý. Tất nhiên khi nông gia cấy lúa xuống ruộng, đã theo kinh nghiệm lâu năm của cha-ông và nghề nghiệp: biết chọn giống tốt, biết lúc nào gieo mạ, cấy mạ, đưa nước vào ruộng, xả nước khỏi ruộng, xịt thuốc trừ sâu, v.v… Nhưng cũng nông vụ nầy, năm ngoái trúng mùa, năm nay bão giông lũ lụt lại thêm các đập thủy điện xả nước, lúa sẽ bị mất trắng.

Hạt lúa là nhân, cây lúa trổ bông là quả; những điều kiện hỗ trợ, tiếp sức cho hạt lúa nẩy mầm, lớn lên và trổ đòng đòng là duyên. Nhân chỉ có một; quả thường nhiều hơn cái nhân ấy; và duyên thì vô hạn, vô tận. Bởi vì, duyên của một cái nhân này có khi lại là nhân của một cái quả nào đó, hoặc là quả của một cái nhân khác. Chính vì tương quan chồng chéo đan xen như thế giữa các sự thể, nhà Phật gọi là trùng trùng duyên khởi, trùng trùng tương duyên – qua đó, sự sinh khởi của bất cứ sự thể, sự kiện, sự vật nào, từ hữu hình đến vô hình, đều có sự tương trợ và tác thành bởi vô số điều kiện nhân duyên khác. Một sự thể vừa là quả, vừa là nhân, cũng vừa là duyên cho một hay nhiều sự thể khác. Một sự thể vừa là chủ thể, mà cũng vừa là đối tượng của một chủ thể khác. Mỗi chủ thể đều có tác động đồng thời chịu tác động, gián tiếp hay trực tiếp, thuận hay nghịch, từ một hay nhiều, hay vô số đối tượng và chủ thể khác không phải là nó. Vì vậy, thực ra không có sự thể nào tự sinh khởi, cũng không có sự thể nào có tự tính riêng biệt của nó (vô tự tính). Không gì hiện hữu một cách độc lập. Tất cả đều tùy thuộc vào nhau (tương thuộc), hỗ trợ nhau (tương duyên), và làm nhân cho nhau (tương sinh). Cái này có thì cái kia có, cái này không thì cái kia không[1]. Nhưng cũng chính vì tất cả sự thể đều tùy thuộc hỗ tương, không sự thể nào có tự tính độc lập, nên thực sự không có gì là nhân, là duyên, là quả. Từ chỗ này, Đại sư Long Thọ nói: không gì được sinh ra hay diệt đi; không gì thường hằng hay đoạn diệt; không gì đồng nhất hay dị biệt; và không gì đến hay đi[2]. Bát-nhã Tâm kinh cũng nói: “Bởi vì tướng của các pháp là không (tự tính), nên không có sinh-diệt, dơ-sạch, tăng-giảm” là vì thế[3].

Nghiệm sâu từ đó, không phải để chối bỏ thực tại vô thường của thế giới tương đối, hay cố gắng truy tìm thực tại tuyệt đối vượt khỏi biên tế trần gian; mà chỉ để thực tập một cách nhìn vượt khỏi những nhị nguyên, đối đãi.

May ra, ở chỗ tận cùng bế tắc của đường ngôn ngữ[4], có thể thấy thấp thoáng đâu đó chỗ kỳ tuyệt của bản tâm, nơi đó, không có chỗ khởi đầu và kết thúc.

Suy cho cùng, một sát-na, một ngày, một tháng, hay một năm cũng thế. Không có sự bắt đầu hay kết thúc của không gian và thời gian. Không sinh nên không diệt. Vô thủy nên vô chung.

Nơi ruộng đồng kia, lúa nẩy mầm.
Và mùa xuân lại đến.

California, ngày 20.12.2020
Vĩnh Hảo

(www.vinhhao.net)

[1] Kinh Phật Tự Thuyết (Tiểu Bộ I), nguyên lý Duyên khởi được nêu như sau:
“Vì cái này có nên cái kia có
Vì cái này không nên cái kia không
Vì cái này sinh nên cái kia sinh
Vì cái này diệt nên cái kia diệt.”

[2] Bát bất (tám cái không) mà Long Thọ (Nāgārjuna) nêu lên như là tiêu đề cho toàn bộ Trung Quán Luận:

“Bất sinh diệc bất diệt
Bất thường diệc bất đoạn
Bất nhất diệc bất dị
Bất lai diệc bất xuất
Năng thuyết thị nhân duyên
Thiện diệt chư hí luận
Ngã khể thủ lễ Phật
Chư thuyết trung đệ nhất.

Tạm dịch:
Không sinh cũng không diệt
Không thường cũng không đoạn
Không một cũng không khác
Không đến cũng không đi
Tuyên thuyết pháp nhân duyên
Khéo diệt mọi hí luận
Con cúi đầu lạy Phật
Bậc đạo sư đệ nhất.

[3] “Thị chư pháp không tướng: bất sinh, bất diệt, bất cấu, bất tịnh, bất tăng, bất giảm.”
[4] “Ngôn ngữ đạo,” (con đường của ngôn ngữ văn tự), chữ dùng của Đại Trí Độ Luận, trong “Ngôn ngữ đạo đoạn, tâm hành xứ diệt,” nghĩa là cắt đứt con đường ngôn ngữ, dập tắt chỗ vận hành của tâm.

Vĩnh Hảo: Khởi Đầu và Kết Thúc

 Vĩnh Hảo: Khởi Đầu và Kết Thúc

Ai cũng tin rằng tương lai sẽ như vầy, như vầy, đúng như hôm qua và hôm nay đã trù liệu, hoạch định và tiến hành; bởi vì cái nhân gieo xuống với sự trợ duyên của các yếu tố phụ thuộc chung quanh, một cách khoa học và kinh nghiệm, cùng với thời gian vừa đủ để một tiến trình được khai mở, phát triển, chắc hẳn có nhiều phần mang lại kết quả tương xứng, hoặc bội phần, hoặc bội bội phần.

Tuy vậy, kinh nghiệm, với những kết quả thực tế của một số sự việc, công trình, cũng cho thấy rằng, không phải lúc nào quả phải theo nhân. Bài học vỡ lòng của nhân-quả dạy chúng ta rằng các yếu tố ngoại tại có khi cũng rất quan trọng để dẫn đến kết quả như ý hay bất xứng ý. Tất nhiên khi nông gia cấy lúa xuống ruộng, đã theo kinh nghiệm lâu năm của cha-ông và nghề nghiệp: biết chọn giống tốt, biết lúc nào gieo mạ, cấy mạ, đưa nước vào ruộng, xả nước khỏi ruộng, xịt thuốc trừ sâu, v.v… Nhưng cũng nông vụ nầy, năm ngoái trúng mùa, năm nay bão giông lũ lụt lại thêm các đập thủy điện xả nước, lúa sẽ bị mất trắng.

Hạt lúa là nhân, cây lúa trổ bông là quả; những điều kiện hỗ trợ, tiếp sức cho hạt lúa nẩy mầm, lớn lên và trổ đòng đòng là duyên. Nhân chỉ có một; quả thường nhiều hơn cái nhân ấy; và duyên thì vô hạn, vô tận. Bởi vì, duyên của một cái nhân này có khi lại là nhân của một cái quả nào đó, hoặc là quả của một cái nhân khác. Chính vì tương quan chồng chéo đan xen như thế giữa các sự thể, nhà Phật gọi là trùng trùng duyên khởi, trùng trùng tương duyên – qua đó, sự sinh khởi của bất cứ sự thể, sự kiện, sự vật nào, từ hữu hình đến vô hình, đều có sự tương trợ và tác thành bởi vô số điều kiện nhân duyên khác. Một sự thể vừa là quả, vừa là nhân, cũng vừa là duyên cho một hay nhiều sự thể khác. Một sự thể vừa là chủ thể, mà cũng vừa là đối tượng của một chủ thể khác. Mỗi chủ thể đều có tác động đồng thời chịu tác động, gián tiếp hay trực tiếp, thuận hay nghịch, từ một hay nhiều, hay vô số đối tượng và chủ thể khác không phải là nó. Vì vậy, thực ra không có sự thể nào tự sinh khởi, cũng không có sự thể nào có tự tính riêng biệt của nó (vô tự tính). Không gì hiện hữu một cách độc lập. Tất cả đều tùy thuộc vào nhau (tương thuộc), hỗ trợ nhau (tương duyên), và làm nhân cho nhau (tương sinh). Cái này có thì cái kia có, cái này không thì cái kia không[1]. Nhưng cũng chính vì tất cả sự thể đều tùy thuộc hỗ tương, không sự thể nào có tự tính độc lập, nên thực sự không có gì là nhân, là duyên, là quả. Từ chỗ này, Đại sư Long Thọ nói: không gì được sinh ra hay diệt đi; không gì thường hằng hay đoạn diệt; không gì đồng nhất hay dị biệt; và không gì đến hay đi[2]. Bát-nhã Tâm kinh cũng nói: “Bởi vì tướng của các pháp là không (tự tính), nên không có sinh-diệt, dơ-sạch, tăng-giảm” là vì thế[3].

Nghiệm sâu từ đó, không phải để chối bỏ thực tại vô thường của thế giới tương đối, hay cố gắng truy tìm thực tại tuyệt đối vượt khỏi biên tế trần gian; mà chỉ để thực tập một cách nhìn vượt khỏi những nhị nguyên, đối đãi.

May ra, ở chỗ tận cùng bế tắc của đường ngôn ngữ[4], có thể thấy thấp thoáng đâu đó chỗ kỳ tuyệt của bản tâm, nơi đó, không có chỗ khởi đầu và kết thúc.

Suy cho cùng, một sát-na, một ngày, một tháng, hay một năm cũng thế. Không có sự bắt đầu hay kết thúc của không gian và thời gian. Không sinh nên không diệt. Vô thủy nên vô chung.

Nơi ruộng đồng kia, lúa nẩy mầm.
Và mùa xuân lại đến.

California, ngày 20.12.2020
Vĩnh Hảo

(www.vinhhao.net)

[1] Kinh Phật Tự Thuyết (Tiểu Bộ I), nguyên lý Duyên khởi được nêu như sau:
“Vì cái này có nên cái kia có
Vì cái này không nên cái kia không
Vì cái này sinh nên cái kia sinh
Vì cái này diệt nên cái kia diệt.”

[2] Bát bất (tám cái không) mà Long Thọ (Nāgārjuna) nêu lên như là tiêu đề cho toàn bộ Trung Quán Luận:

“Bất sinh diệc bất diệt
Bất thường diệc bất đoạn
Bất nhất diệc bất dị
Bất lai diệc bất xuất
Năng thuyết thị nhân duyên
Thiện diệt chư hí luận
Ngã khể thủ lễ Phật
Chư thuyết trung đệ nhất.

Tạm dịch:
Không sinh cũng không diệt
Không thường cũng không đoạn
Không một cũng không khác
Không đến cũng không đi
Tuyên thuyết pháp nhân duyên
Khéo diệt mọi hí luận
Con cúi đầu lạy Phật
Bậc đạo sư đệ nhất.

[3] “Thị chư pháp không tướng: bất sinh, bất diệt, bất cấu, bất tịnh, bất tăng, bất giảm.”
[4] “Ngôn ngữ đạo,” (con đường của ngôn ngữ văn tự), chữ dùng của Đại Trí Độ Luận, trong “Ngôn ngữ đạo đoạn, tâm hành xứ diệt,” nghĩa là cắt đứt con đường ngôn ngữ, dập tắt chỗ vận hành của tâm.