Tuesday, December 12, 2017

Bức Chân Dung Thích Tuệ Sỹ hay Trang Sử Sống Của Việt Nam Thời Nay

Suối nguồn xa ngược nước xuôi ngàn - Thơ Tuệ Sỹ

Bức Chân Dung Thích Tuệ Sỹ 
hay Trang Sử Sống Của Việt Nam Thời Nay
Nam Dao

            Từ cổ chí kim hay từ Đông sang Tây, cho dù là giống dân nào ở thời đại nào đi chăng nữa thì chắc đa số trong nhân loại đều đồng ý với nhau ở một điểm liên quan đến nội dung câu nói: “Coi mặt mà bắt hình dong.” Đối với những thầy tướng số thì ánh mắt là nơi bắt mạch gian ác tà thiện của con người. Có những ánh mắt láo liên làm chúng ta cảm thấy e dè bất ổn. Có những ánh mắt gian ác làm chúng ta lạnh người run sợ. Thế nhưng cũng có những ánh mắt từ bi bác ái đem lại nguồn an tịnh cho con người. 
            Trong gian đoạn đen tối của lịch sử Việt Nam hiện nay, sự tà thiện hiện rõ như mực đen trên trang giấy trắng. Chả cần phải là thầy bói, những nạn nhân của trại cải tạo nói riêng và đại khối dân tộc nói chung đều đã mang vào ký ức của cuộc đời họ những ánh mắt tàn bạo một thời đã tàn phá mảnh đời họ đến rách nát. Đối chiếu với những ánh mắt tàn bạo đó dân tộc Việt Nam ngày hôm nay cũng lại cảm nhận được dù chỉ được nhìn qua hình ảnh những ánh mắt từ bi xây dựng tình người của những bậc tù nhân lương tâm tu hành cao cả như Đại Lão Hòa Thượng Thích Huyền Quang, Hòa thượng Thích Quảng Độ, Thượng tọa Thích Tuệ Sỹ, linh mục Nguyễn Văn Lý v.v… 
            Tuy không biết nhiều về bói toán, nhưng khi ngắm nhìn chân dung của những bậc tù nhân lương tâm tu hành nói trên tôi cảm thấy những ánh mắt kia nào có khác chi những bông sen ngát hương thơm từ ái nở trên vũng bùn lầy bạo lực. Tinh thần từ ái đó mạnh đến nỗi tôi không hề thấy hiện trên khuôn mặt quý Ngài một dấu vết dù nhỏ nhoi biểu lộ sự oán giận những kẻ đã đầy đọa cuộc đời quý Ngài. Hình ảnh quý Ngài đã phản ảnh phần nào tinh thần bao dung trong văn hóa Việt Nam có từ ngàn xưa. 
            Trong tất cả những bức chân dung của những vị tu hành, có một tấm hình đặc biệt làm tôi xúc động suy tư để rồi đưa ra một kết luận cho riêng mình: bức chân dung của Thượng tọa Thích Tuệ Sỹ mà tôi được nhìn thấy trên những tờ truyền đơn Niềm Tin Thắng bạo lực, theo tôi đó chính là biểu tượng cho trang sử sống của Việt Nam thời nay, một trang sử pha trộn những nét bi hùng tráng và đen tối những đau thương hấp hối tình người. 
            Phải! Chân dung của Thượng tọa Thích Tuệ Sỹ chính là biểu tượng cho trang sử sống của thời đại Việt Nam ngày hôm nay. Khi nhìn bộ mặt chỉ còn da bọc xương của người tù Thích Tuệ Sỹ bị giam lỏng tôi tránh sao không khỏi liên tưởng đến hình ảnh các trẻ em Phi Châu chờ chết vì đói chỉ vì quê hương các em quá nghèo nàn lạc hậu không đủ sức cưu mang các em. Đối với những người ngoại quốc nào không theo dõi tình hình chà đạp nhân quyền ở Việt Nam thì tấm hình Thích Tuệ Sỹ sẽ làm họ liên tưởng đến một nước Việt Nam khốn cùng không thua gì các xứ Phi Châu chậm tiến. Điều họ nghĩ quả không sai sự thật vì Việt Nam nằm trong danh sách của 10 quốc gia nghèo nhất thế giới. Cho nên khuôn mặt da bọc xương của Thượng Tọa Thích Tuệ Sỹ là biểu tượng cho tầng lớp đại đa số quần chúng Việt Nam không có đủ cơm ăn trong cuộc sống hàng ngày đầy rẫy những tủi nhục lầm than trong bóc lột và áp bức. Dân tôi khốn đốn là thế đó. Trẻ thơ nào có được cắp sách đến trường mà phải lê lết đầu đường xó chợ nhặt từng mảnh giấy vụn đem đi bán hay moi thùng rác tìm thức ăn thừa để cầm cự sống qua ngày. Còn người già thì lấy trăng sao làm nhà, gió mưa làm bạn. Thế mà nhà nước CSVN vẫn cứ khoe khoang thành tích xây dựng Xã hội Chủ nghĩa ngày càng tốt đẹp, vỗ ngực tự hào chuyện chăm lo dân thật tử tế ! Vậy thì bộ xương cách trí của người tù Thích Tuệ Sỹ này hẳn phải là bằng chứng của sự đối xử tàn bạo của chính quyền đối với người công dân vô tội tên Thích Tuệ Sỹ. Thích Tuệ Sỹ xơ xác bởi vì đâu ? Phải chăng vì Ngài đói tự do ngôn luận? Thích Tuệ Sỹ khô đét bởi vì đâu? Phải chăng vì Ngài khát sự đối xử công bằng giữa người và người? Mỉa mai thay, trong cơn đói khát tâm linh đó Ngài lại bị nhồi đến căng bụng bởi những trận đòn khủng bố và những món ăn tự do dân chủ khó tiêu được xào nấu bằng loại dầu mang nhãn hiệu Định hướng theo Cộng Hòa Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam. Loại dầu độc đó đã làm cho người tù lương tâm Thích Tuệ Sỹ giờ chỉ còn da bọc xương. Loại dầu đó không phải chỉ đốt cháy những tế bào tự do nuôi sống xác thân người tù Thích Tuệ Sỹ mà nó đã thiêu hủy cả bầu trời tự do và những giá trị đạo đức tinh thần trong mỗi con người Việt Nam. Ngày hôm nay, nếu có ai hỏi tôi về tự do dân chủ ở Việt Nam tôi chỉ cần đưa họ xem chân dung Ngài là họ tìm thấy liền câu trả lời thật chính xác và thật sống động. Vâng, chỉ mỗi cái đầu còn da bọc xương của nhà học giả tù nhân lương tâm tên Thích Tuệ Sỹ cũng đủ diễn tả trọn vẹn khúc quanh đen tối của lịch sử Việt Nam ngày hôm nay, một trang sử buồn đậm những dòng chữ chà đạp tự do dân chủ và tình người.
            Thi sĩ Nguyễn Chí Thiện đã viết một câu thơ khi ông còn bị giam trong ngục tối: “Trong bóng đêm phục sẵn một mặt trời.” Câu thơ này làm tôi liên tưởng đến một mặt trời đã phục sẵn trong hốc mắt thâm sâu của người tù Thích Tuệ Sỹ là biểu tượng của bóng đêm lịch sử Việt Nam ngày hôm nay. Mặt trời đó chính là ánh mắt từ bi sâu thẳm đang sưởi ấm bóng đêm lạnh ngắt tình người. Mặt trời đó cũng chính là tinh thần bất khuất của dòng giống Tiên Rồng không chịu cúi đầu trước bạo lực, là nguồn mạch ngầm từ ngàn xưa từng luân lưu bất tuyệt trong dòng lịch sử truyền thừa của Phật giáo Việt Nam ngày hôm nay. Nguồn mạch ngầm này đang tiếp tục cuồn cuộn chảy nuôi sống tâm linh Thích Tuệ Sỹ, là sức mạnh tinh thần vô biên giúp cho Thích Tuệ Sỹ đứng trên mọi bạo lực, từ bi hiên ngang hiện hữu trên cõi đời này dẫu xác thân Ngài giờ chỉ còn là da bọc xương.
            Càng ngắm nhìn chân dung Ngài tôi lại càng thấu hiểu câu nói ánh mắt là cửa sổ của tâm hồn. Tâm hồn bất khuất và bao dung của dân tộc Việt Nam có từ ngàn xưa đang bàng bạc phảng phất trong ánh mắt của người tù Thích tuệ Sỹ ngày hôm nay. Qua hốc mắt sâu thẳm đó tôi đã cảm nhận được một dòng suối Từ trong tim Ngài chảy ra, một dòng suối phát xuất từ mạch ngầm tự nghìn xưa đang âm thầm cố gắng xoa dịu những đổ vỡ điêu tàn của dân tộc. 
“Trong bầu không khí được bao trùm bởi trạng thái ứ đọng của vũng nước ao tù, bị cắt đứt với mạch nguồn quá khứ, bị che chắn khuất tầm nhìn tương lai...”, một bông sen Thích Tuệ Sỹ đã trồi lên từ vũng nước ao tù đó. Bông sen ngát hương Bi Chí Dũng làm sống dậy lịch sử hào hùng của những bậc chân tu Trần Hưng Đạo, Lý Thường Kiệt vì lòng từ bi muốn cứu độ chúng sinh thời đó nên đã tạm cởi chiếc áo nhà tu khổ hạnh đi vào đấu tranh để cho đất nước ta được độc lập ấm no và tồn tại cho tới ngày hôm nay. Dòng suối Từ của Đức Trần Hưng Đạo, Lý Thường Kiệt và Thiền sư Vạn Hạnh giờ đây đang luân lưu trong ánh mắt Thượng Tọa Thích Tuệ sỹ và quý Thầy lãnh đạo Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất, là thức ăn tinh thần nuôi sống những tâm hồn vị tha cao cả đó - những Người Lái đò lịch sử đang cố gắng Chèo Con Đò Lịch Sử Việt Nam vượt qua những trận cuồng phong tàn bạo để sớm đưa dân tộc và đạo pháp đến được bến bờ an lạc, hạnh phúc trong nắng ấm của tình người.

Kính Bạch Thượng Tọa Thích Tuệ Sỹ, 
            Con tránh sao không khỏi đau lòng khi chọn chân dung Ngài là bức tranh sống của lịch sử Việt Nam đen tối thời nay. Thế nhưng trong sự đau buồn đó lòng con lại nhen nhúm một niềm hãnh diện về sự kiên cường bất khuất không cúi đầu trước bạo lực lẫn tấm lòng bao dung của dòng giống Lạc Việt đã được thể hiện qua ánh mắt Từ bi Chí Dũng của Ngài. Bức chân dung Thích Tuệ Sỹ nào khác chi một lời huấn từ nhắc nhở con và những ai còn nghĩ mình còn là người Việt Nam rằng trước khúc quanh cực kỳ đen tối của lịch sử Việt Nam ngày hôm nay muôn người như một phải bỏ qua mọi dị biệt, đến với nhau trong tinh thần Hòa đồng, để cùng với đại khối dân tộc lèo lái con thuyền quốc gia sớm vượt qua cơn lốc độc tài đảng trị hầu đem lại những mùa xuân hạnh phúc cho muôn dân. Trên hải trình vạn dặm gian nan lướt con sóng độc tài, con luôn ghi nhớ lời Thầy nhắc nhở phải lắng nghe trong tâm mình “dòng suối Từ vẫn âm thầm tuôn chảy, để xoa dịu những đau thương mất mát, để hàn gắn những đổ vỡ điêu tàn của dân tộc.” Đây mới là điều chính yếu nói lên sự khác biệt giữa những con người thật sự Việt Nam thấm nhuần lòng bao dung của tổ tiên với những con người lãnh đạo Cộng Sản Việt Nam đã bị chủ thuyết ngoại lai phá hủy toàn diện cội nguồn Việt Nam trong tâm hồn họ.

Bạch Thầy,
            Quý Thầy đã đem lại cho con và đặc biệt cho tuổi trẻ Việt Nam ngày hôm nay niềm tự hào về quê hương dân tộc. Quý Thầy đã dạy cho chúng con một bài học lịch sử hào hùng về ý chí quật cường bất khuất của dòng giống Tiên Rồng, được tiếp nối ngày hôm nay qua cuộc đời tù tội của Quý Thầy. Bài học tự rèn luyện cho mình một tín tâm bất hoại, một đức tính dũng mãnh vô úy để có thể “đứng thẳng trên đôi chân của chính mình bằng đôi mắt của trí tuệ và hùng lực nhìn thẳng không khiếp sợ vào quyền lực xấu ác của thế gian, tự xác định hướng đi cho bản thân để làm những việc cần làm cho chính mình và cho mọi người.”Một bài học tu hành nhắc nhở con và các Phật tử rằng trong giai đoạn Phật pháp lâm nạn ngày hôm nay thì chuyện sống hay chết, vinh hay nhục, sẽ không làm dao động tâm tư của những ai biết sống và chết xứng đáng với phẩm cách của con người, không hổ thẹn với phẩm hạnh cao quý của bậc xuất gia.

Bạch Thầy,
            Dẫu con biết rằng những lời vấn an gửi đến Thầy cũng bằng thừa vì Thầy đã chấp nhận cái chết để đổi lấy tự do hạnh phúc cho muôn dân. Tuy nhiên nơi phương trời xa xăm con vẫn xin mạn phép gửi đến Thầy lời vấn an chân thành nhất của một công dân nước Việt nguyện cố sống với những điều mà Thầy đã giảng dạy:
- Các con hãy tự hào với niềm tự hào trong trắng và vô tư của tuổi trẻ đứng thẳng trên đôi chân của chính mình bằng đôi mắt của trí tuệ và hùng lực mà nhìn thẳng không khiếp sợ vào quyền lực xấu ác của thế gian, tự xác định hướng đi cho bản thân để làm những việc cần làm cho chính mình và cho mọi người.
            Dòng suối Từ cuồn cuộn chảy trong hốc mắt sâu thẳm bất khuất của Thầy đã trở thành tiếng gọi của Hội nghị Diên Hồng dìu dắt con và tuổi trẻ Việt Nam ngày hôm nay vững bước trên con đường đấu tranh đòi lại những quyền tự do căn bản cho dân mình. Ánh mắt Từ Bi Chí Dũng đó cũng đã đưa con đến với Đạo. Đạo làm người với ý nghĩa đúng đắn nhất của nó. 

Nam Dao 
(Adelaide 03-12-01, Úc Châu)

Nguồn:

 TUỆ SỸ ĐẠO SƯ - Thơ và Phương Trời Mộng - Tập 2 của Tác giả: Nguyên Siêu do Ban Tu Thư Phật Học Hải Đức Nha Trang In lần thứ nhất, California - Hoa Kỳ 2006.

Sunday, December 10, 2017

KHÔNG KHÔNG – SUNYATA SUNYATA

Bãi Nồm Xưa! - ảnh NhơnLý's friend

KHÔNG KHÔNG – SUNYATA SUNYATA

Tưởng rằng cõi có là không
Cõi không là có cókhông bạt ngàn
Bây chừ sông núi rõ ràng
An vui tự tại buộc ràng chi mô!

Tuesday, December 5, 2017

Lời giới thiệu - TÂM BÚT BẠCH XUÂN PHẺ


Bìa sách - Uyên Nguyên

Lời Giới Thiệu

Tôi gặp Bạch Xuân Phẻ tại nhà anh ở thủ phủ Sacramento của California vào một buổi chiều dịu nắng, có sự hiện diện của Giáo sư Trần Kiêm Đoàn và Nhạc sĩ Nguyên Quang. Chúng tôi đều biết nhau qua tên tuổi, nhưng đây là lần đầu tiên được trực tiếp gặp gỡ trò chuyện cùng nhau.

Ấn tượng đầu tiên của tôi về Bạch Xuân Phẻ là anh còn khá trẻ so với hình dung của tôi qua những gì được nghe biết về anh: những đóng góp trong ngành giáo dục tại California cũng như nhiều hoạt động liên quan đến tuổi trẻ Việt Nam tại Hoa Kỳ, cùng với sức viết không mệt mỏi qua các đề tài Phật giáo và giáo dục được lưu hành rộng rãi trên các trang mạng Thư Viện Hoa Sen, Hoa Vô Ưu, Quảng Đức... 

Dù đã có học vị Tiến sĩ và đang làm công tác giảng dạy chính thức trong hệ thống trường công lập của California, Bạch Xuân Phẻ chưa thực sự hài lòng với những đóng góp giới hạn trong phạm vi chương trình giáo dục hiện có. Vì thế, từ nhiều năm qua anh đã nỗ lực rất nhiều để đưa phương pháp giáo dục Phật giáo, đặc biệt là pháp tu Chánh niệm mà chính anh đang thực hành, vào các trường học tại California. Với tri thức, kinh nghiệm và tấm lòng chân thành quan tâm đến sự nghiệp giáo dục tuổi trẻ, anh đã được mời đến giảng dạy về phương pháp đưa Chánh niệm vào nhà trường tại nhiều trường học ở California, và đặc biệt là ở Hội nghị thượng đỉnh Giáo viên California (California Teachers Summit) tổ chức tại trường Đại học Tiểu Bang California Sacramento (CSUS) vào ngày 31 tháng 7 năm 2015, anh là một trong các diễn giả được mời lên thuyết trình trước khoảng 400 cử tọa là giáo viên, hiệu trưởng, hiệu phó của các trường.

Giáo dục là mối quan tâm muôn thuở của bất kỳ xã hội nào, cho dù là phương Đông hay phương Tây, bởi giáo dục luôn là yếu tố quyết định sự đào luyện và định hình thế hệ tương lai, từ đó hình thành mọi phẩm chất tốt đẹp của xã hội. Chính từ quan điểm đó, chúng tôi rất vui mừng khi có cơ hội giới thiệu cùng quý độc giả Việt Nam tập Tâm Bút này của Tiến sĩ Bạch Xuân Phẻ, với rất nhiều những kinh nghiệm và thao thức của anh đối với thế hệ trẻ hôm nay.

Và không chỉ riêng vấn đề giáo dục, Tâm Bút này còn là sự chắt lọc những cảm xúc, suy tư và trải nghiệm của Bạch Xuân Phẻ qua các chủ đề về Quê hương, dân tộc, về Đạo pháp, cuộc sống, cũng như những phân tích và cảm nhận rất sâu sắc của anh trong Văn học nghệ thuật...

Với niềm hân hoan đồng cảm trong tinh thần phụng sự và vị tha luôn thể hiện bàng bạc qua những văn thơ của anh, tôi xin trân trọng giới thiệu tập sách này đến với quý độc giả gần xa. Hy vọng đây sẽ là món quà đầy ý nghĩa cho những tâm hồn rộng mở khắp bốn phương.
Trân trọng,
Nguyễn Minh Tiến

Sunday, December 3, 2017

NHÌN TRĂNG THẤY GÌ?


Trăng treo - Photo from the Internet.

NHÌN TRĂNG THẤY GÌ?

Nhìn trăng ánh sáng tám chiều
Tưởng gần, không phải, mỹ miều rất xa
Tịch lặng Phật tánh trong ta
Trở về tánh Phật rỗng rang nhiệm mầu
Thấy trăng tạp niệm trong đầu
Khởi lên, bỏ xuống dính đâu niệm này
Ánh trăng vằng vặc lung lay
Đều thân hơi thở  mảy may nhẹ nhàng
Trăng vàng cùng gió mùa sang
Từ bi, tĩnh lặng bước ngang tâm mình
Rọi soi Phật tánh lung linh
Thường hằng thanh tịnh lặng thinh mỉm cười.

Thursday, November 30, 2017

BÀI CA CÔ GÁI TRƯỜNG SƠN

"Mẹ Nấm và các con"... Hình: Dân Làm Báo

BÀI CA CÔ GÁI TRƯỜNG SƠN

Nàng lớn lên giữa Quê hương đổ nát
Tay mẹ gầy mà đất sống hoang khô
Đàn em nhỏ áo chăn không đủ ấm
Tuổi trăng tròn quanh má đọng sương thu.

Nửa đêm lạnh tóc nàng hương khói nhạt
Bóng cha già thăm thẳm tận u linh
Tuổi hai mươi mà đêm dài sương phụ
Ngọn đèn tàn tang trắng phủ mông mênh.


Suốt mùa đông nàng ngồi thêu áo cưới
Đẹp duyên người mình vẫn phận rong rêu
Màu hoa đỏ tay ai nâng cánh bướm
Mà chân mình nghe cát bụi đìu hiu


Vào buổi sáng sao mai mờ khói hận
Nghe quanh mình lang sói gọi bình minh
Đàn trẻ nhỏ dắt nhau tìm xó chợ
Tìm tương lai tìm rác rưới mưu sinh.


Từ những ngày Thái Bình Dương dậy sóng
Quê hương mình khô quặn máu thù chung
Nàng không mơ buổi chiều phơi áo lụa
Mơ Trường Sơn vời vợi bóng anh hùng.  

Từ buổi ấy nghe tim mình thổn thức
Nàng yêu người dâng trọn khối tình chung
Không áo cưới mà âm thầm chinh phụ
Không chờ mong mà ước nguyện muôn trùng 

Rồi từ đó tóc thề cao ước nguyện
Nên bàn chân mòn đá sỏi Trường Sơn
Thân bé bỏng dập dìu theo nước lũ
Suối rừng xa ánh mắt vọng hoa ngàn  

Trường Sơn ơi bóng tùng quân ngạo nghễ
Phận sắn bìm lây lất với hoàng hôn
Quê hương ơi mấy nghìn năm máu lệ
Đôi vai gầy dâng trọn cả mùa xuân. 

(Tuệ Sỹ)
Sài gòn 80

Wednesday, November 29, 2017

Bất Động

Tự tại - Ảnh: Uyên Nguyên


Bất Động


Trăng thanh vằng vặc sáng
Giữa núi đồi cỏn con
Tiếng côn trùng nỉ non
Phật ngồi yên bất động

Ta có đi trong mộng?
Hay thánh địa linh thiêng
Rõ ràng chốn thiền viên
Tâm bất sinh bất diệt

Tâm Thường Định

Tuesday, November 28, 2017

Những lời Thầy dạy!

Nhiếp pháp - ảnh Uyên Nguyên

Những lời Thầy dạy!
               Kính tiễn Ôn Già Lam


1.
Xiển dương lý tưởng
Sứ giả áo lam
Dĩ thân tác chứng!

2.
Duy trì truyền thống
Làm đúng chức năng
Hợp Tình, Lý và Sự.

3.
Khắc phục khó khăn
Củng cố nội lực
Tinh tấn siêng năng.

ST và NP sưu Lục: PHÁP NHŨ THÂM ÂN (Ðạo từ của Hòa Thượng Thích Ðức Chơn, Hội Ðồng Cố Vấn Giáo Hạnh GÐPVN, nhân Ðại Hội GÐPTVNTG 2008, 2012 và 2016)

“Ta đến đây để dựng dậy những gì đã sụp đổ, chứ không phải phá sập những gì đang đứng vững.

ĐẠO TỪ CỦA HỘI ĐỒNG CỐ VẤN GIÁO HẠNH GĐPT VIỆT NAM 

Phật lịch 2552
Quảng Hương Già lam, ngày 2 tháng 10, 2008
Kính gởi các Anh Chị trưởng Gia Đình Phật Tử Việt Nam tham dự lễ hội Gia Đình Phật Tử Việt Nam tại Thái Lan,
Các Anh Chị thân quý,
Thay mặt Chư Tôn đức Cố vấn Giáo hạnh Gia Đình Phật Tử Việt Nam, tôi gởi lời chào mừng đến các Anh Chị trưởng các Ban Hướng Dẫn Trung ương Gia Đình Phật Tử Việt Nam trên thế giới, cùng tất cả thành viên và thân hữu Gia Đình Phật Tử Việt Nam tham dự Đại hội Gia Đình Phật Tử Việt Nam trên thế giới, họp mặt lần thứ 2 tại Thái Lan.
Đến được đây, tôi biết các Anh Chị đã vượt không biết bao nhiêu gian nan hiểm trở, những phản trắc bất thường của thế đạo nhân tâm. Đến được nơi đây là các Anh Chị đã thêm một bước quyết định trong hướng đi lên cao dần theo Chánh đạo. Xin tán thán tâm Bồ đề kiên cố, ý nguyện kiên cường của các thế trẻ Gia Đình Phật Tử Việt Nam.
Các bạn trẻ Việt Nam sinh trưởng tại Hải ngoại có nhiều cơ hội tốt đẹp để nhìn và hiểu xu hướng phát triển Phật giáo trong thế giới hiện đại, đồng thời cũng chứng kiến hoặc tham dự nhiều hình thái sinh hoạt phong phú của nhiều cộng đồng trẻ của nhiều quốc gia và dân tộc khác nhau. Cuộc họp mặt lần này của các Anh Chị trưởng tại Thái Lan là cơ hội tốt để các thế hệ Gia Đình Phật Tử Việt Nam trong nước và ngoài nước, cùng chia xẻ những kinh nghiệm về sự tương giao và hội nhập của các các truyền thống tín ngưỡng và tư duy dị biệt, để từ đó thẩm định hướng đi của bản thân trong bước tiến chung của các cộng đồng nhân loại, để vừa bảo lưu các giá trị truyền thống cá biệt của Dân tộc và đồng thời thâu thái các giá trị phổ quát, thể nghiệm Phật Pháp từ những khám phá trong các sinh hoạt đa dạng của thời đại.
Trong một thời đại như thế, Phật tử Việt Nam, trong nước hay sinh trưởng hải ngoại, thường xuyên bị thôi thúc bởi ước muốn tìm hiểu một thế giới đang mở rộng, bị hấp dẫn bởi mạng lưới thông tin toàn cầu, và cũng bởi đó mà nhiều khi hoang mang mất hướng trước những mâu thuẫn quyền lợi trên quy mô quốc tế thường dẫn đến những xung đột đẩm máu tàn bạo. Vậy nên, quán chiếu thời đại thẩm định hướng đi là các đề mục cần được lưu ý trong các lần họp bạn để trao đổi kinh nghiệm và nhận thức.
Trên một nửa thế kỷ qua, trong những ngày đen tối nhất của lịch sử Phật giáo Việt Nam, bản thân tôi là chứng nhân của trang sử bi hùng của các thế hệ Gia Đình Phật Tử Việt Nam, vốn đã cống hiến cả sinh mạng của mình để giữ tròn khí tiết của người Phật tử, đã lâm vào cảnh khốn cùng vì không chịu khuất phục cường quyền mà từ bỏ lý tưởng của mình. Máu và nước mắt của các thế hệ đã qua, và cũng của chính những người đang sống hiện tại mà thường trực đối diện với mối đe dọa an ninh và nghề nghiệp; đó là chính nghĩa tồn tại của Gia Đình Phật Tử Việt Nam.
Những gì là hận thù, tranh chấp, những gì là vu khống đảo điên, là những điều không thể chấp nhận giữa những người con Phật. Vậy thì, người Phật tử cần có nhận thức chân chính rằng nền tảng để ta học đạo, hành đạo và hóa đạo là Sự thật; và trên nền tảng Sự Thật là sự hoà hiệp. Không còn có đạo lý hay pháp lý nào khác cho lý do tồn tại của Gia Đình Phật Tử Việt Nam, và cũng không còn có nền tảng nào khác ngoài sự thật và hòa hiệp để chấp nhận hay không chấp nhận sự hiện diện của Gia Đình Phật Tử Việt Nam. Gia Đình Phật Tử Việt Nam được khai sinh bằng tâm nguyện học Đạo và hành Đạo, với lý tưởng phụng sự dân tộc và đạo pháp. Không học Đạo mà học đòi giả dối, không hành Đạo mà tâm hành hiểm độc, thì không còn gì để nói là lý tưởng và phụng sự. Như vậy cũng không còn gì xứng đáng để được gọi là Gia Đình Phật Tử Việt Nam.
Ngày nay, màu áo Lam của Gia Đình Phật Tử Việt Nam hiện diện trên nhiều châu lục; tất nhiên các sinh hoạt cũng thường xuyên bị tác động bởi phong tục tập quán và luật pháp tại từng quốc gia khác biệt. Gia Đình Phật Tử Việt Nam tuy trước sau vẫn là nhất thể bất khả phân, nhưng lại sinh hoạt trong nhiều thể chế xã hội khác nhau dưới nhiều hình thái bất đồng, nên thực tế phân hóa vẫn là mối đe dọa thường trực, mà tình trạng phân hóa đã bị đẩy lên đến mức độ gây cấn. Vậy, vấn đề cần được đặt ra ở đây là làm sao để được những người con Phật sống hòa thuận với nhau. Điều tất yếu là cần có nhận thức đầy đủ về ý nghĩa phát triển của Phật giáo trong thế giới hiện đại, và từ đó thẩm định vị trí của mình trong các quốc gia và các cộng đồng, để có thể học Đạo và hành Đạo vừa khế lý vừa khế cơ. Từ đó, tiến đến bước cụ thể là hình thành cơ cấu sinh hoạt mang tầm quy mô thế giới, tạo điều kiện cho các thế hệ gia đình khác nhau đang sống tại các quốc gia khác nhau cùng học cùng tu trong một thế giới đa nguyên và đa dạng. Có thể hình dung đó là một cơ cấu mà trong đó dù đang sinh hoạt tại bất cứ quốc gia nào, chịu chi phối bởi bất cứ hệ thống pháp luật và định chế xã hội khác nhau như thế nào, người Phật tử đều có thể phát huy giá trị phổ quát của Phật pháp đồng thời góp phần mang lại sự phồn vinh và an lạc cho cộng đồng xã hội mình đang sống.
Bằng cơ cấu sinh hoạt như vậy Gia Đình Phật Tử Việt Nam tất thể nghiệm được một cách sâu sắc lời dạy của Đức Phật rằng:
“Ta đến đây để dựng dậy những gì đã sụp đổ, chứ không phải phá sập những gì đang đứng vững.”
Trong ý nghĩ đó, thay mặt cho Chư Tôn Đức trong hội đồng cố vấn Giáo Hạnh, tôi nhất tâm cẩu nguyện toàn thể gia đình Phật tử Việt Nam trong nước cũng như Hải Ngoại, tâm Bồ Đề kiên cố, chí tu học vững bền. Các Anh Chị Trưởng luôn luôn xứng đáng với tin tưởng của Chư Tôn Đức trong sứ mệnh giáo dục các thế hệ trẻ sống phù hợp chánh tín. Các Anh Chị Trưởng cũng xứng đáng với lòng tin yêu và kính trọng của các thế hệ hiện tại và tương lai.
Xin kính chào tất cả trong nụ cười hoan hỷ của mười phương Chư Phật và Thánh chúng.
Sa Môn Thích Đức Chơn,
Chủ Tịch Hội Đồng Cố vấn Giáo Hạnh Gia Đình Phật Tử Việt Nam.
Phật lịch 2552
Quảng Hương Già lam, ngày 2 tháng 10, 2008

ĐẠO TỪcủa Hòa Thượng Thích Đức Chơn
Thượng Thủ Hội Đồng Tăng Già Chứng Minh
ban trong lễ Khai mạc Đại Hội Huynh Trưởng GĐPTVN trên Thế Giới

Nhiệm kỳ 2012 – 2016tại thủ đô Bangkok, Thái Lan – Ngày 28/10/2012.

Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật,
Kính bạch Chư Tôn Đức,
Kính thưa Quý vị Quan Khách,
Thưa toàn thể Đại Biểu Đại Hội quý mến!
Đại Hội Gia Đình Phật Tử Việt Nam Trên Thế Giới lần thứ nhất đã diễn ra tại Bồ Đề Đạo Tràng Ấn Độ năm 2004, mở lớn con đường hành hoạt lý tưởng của người Phật Tử Áo Lam; Đại Hội lần thứ hai tại Thủ đô Bangkok, Thái lan năm 2008, lại khẳng định hướng đi mang tính toàn cầu hóa của Tổ chức Gia Đình Phật Tử Việt Nam và nay Đại Hội Gia Đình Phật Tử Việt Nam Trên Thế Giới lần thứ ba, cũng tại Thủ đô Bangkok, Thái lan nhằm mở ra những phương pháp giáo dục ứng dụng cho những Thanh, Thiếu, Đồng niên mang tính toàn cầu, thích ứng với thời đại, nhưng không lệch với khế lý; thích ứng với căn cơ, nhưng không lệch với Phật đạo.
Nên, trong Đại Hội này tôi yêu cầu Đại Biểu tham dự Đại Hội lưu ý đến 5 điểm sau đây:
  1. Dĩ thân tác chứng: Mỗi Đại Biểu về tham dự Đại Hội, phải đem ba nghiệp thanh tịnh của mình để trang nghiêm Đại Hội và Tổ Chức. Vì vậy, không làm, không nói, và không nghĩ những gì theo cá tính mà phải nói, phải làm và phải nghĩ những gì lợi ích thiết thực cho Tổ Chức theo hướng phát triển toàn cầu, dựa trên nền tảng của Bồ Đề tâm có đầy đủ ba chất liệu là Bi – Trí – Dũng.
  2. Làm đúng chức năng và vị trí: Gia Đình Phật Tử Quốc nội và các Châu lục, phải làm đúng vị trí và chức năng của mình đã phát nguyện trước Tam Bảo, phải biết hoàn cảnh thuận lợi và khó khăn của nhau để hỗ trợ cho nhau mà không giẫm đạp lên vị trí và chức năng của nhau.
  3. Tình, Lý và Sự: Tổ chức Gia Đình Phật Tử trên Thế Giới, Tình và Lý thì chung, nhưng hành sự thì phải tùy theo từng quốc độ mà linh động hành hoạt. Nghĩa là lý tưởng và tình cảm của Người Áo Lam dù ở đâu, lúc nào cũng chỉ là một, và không bị biến thiên, nhưng hành sự phải biết vận dụng giáo lý nhân duyên để đạt tới mục đích hay lý tưởng của Tổ chức.
  4. Tạo thành gốc rễ: Gia Đình Phật Tử đang hành hoạt ở quốc gia nào, thì phải làm thế nào để bén rễ ở quốc gia đó và thực sự có lợi ích ngay trong xã hội đó. Và phải biết vận dụng thế nào để cho những người dân bản xứ hiểu được lợi ích và ý nghĩa của Gia Đình Phật Tử, và tạo cơ duyên để cho những thế hệ Thanh Thiếu Đồng niên của xứ sở đó trở thành những Phật Tử chân chánh, góp phần xây dựng xã hội tốt đẹp theo tinh thần Phật giáo.
  5. Những sứ giả Áo Lam: Các nước Châu Á như Lào, Thái Lan, Campuchia, Miến Điện, Nhật Bản, Triều Tiên, Đài Loan, v.v… ngay cả Ấn Độ, những người Sứ giả Áo Lam phải biết vận dụng và tìm cách liên kết để có Gia Đình Phật Tử sinh hoạt trên các quốc gia này.
Thưa Đại hội,
Với năm điều trên, các Đại Biểu Đại Hội phải bàn thảo kỹ lưỡng và bầu một Tân Ban Hướng Dẫn có đầy đủ Trí tuệ, Từ bi và đảm lực, để có khả năng đi theo những định hướng này, để phát triển Gia Đình Phật Tử trên toàn cầu một cách đúng ý nghĩa, để báo đáp ơn Tam Bảo, ơn Thầy tổ, ơn của các Bậc tiền bối hữu công, ơn của chư anh linh Thánh Tử Đạo và lòng mong mỏi của toàn thể Huynh Trưởng, Đoàn sinh Gia Đình Phật Tử trên thế giới đối với Đại Hội của chúng ta hôm nay.
Kính chúc Đại Hội thành công viên mãn. Trân trọng kính chào liệt quý vị.

Hòa Thượng Thích Đức ChơnThượng Thủ Hội Đồng Tăng Già Chứng minhĐẠO TỪ CỦA ĐỨC TRƯỞNG LÃO HÒA THƯỢNGTHƯỢNG THỦ HỘI ĐỒNG TĂNG GIÀ CHỨNG MINH
BAN TRONG LỄ KHAI MẠC ĐẠI HỘI HUYNH TRƯỞNG
GĐPT VIỆT NAM TRÊN THẾ GIỚI kỳ IV  Nhiệm kỳ 2016 – 2020


Nam mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật
Kính bạch chư Tôn đức hiện tiền
Kính thưa quý khách, Cùng toàn thể huynh trưởng GĐPT hiện diện trong Đại hội.
Tôi thay mặt HĐTGCM và HĐCVGHGĐPTVN, có lời tán dương BHD GĐPT các cấp Trên Thế Giới, và toàn thể Huynh trưởng đại biểu hiện diện trong Đại hội này, tất cả đã khắc phục mọi khó khăn để tổ chức Đại hội và tham dự Đại hội.Cầu nguyện Tam bảo gia hộ cho Đại hội thành công tốt đẹp trong sự hòa hợp và thanh tịnh của Tứ chúng đệ tử đức Thế Tôn.
Trong Đại hội này, tôi xin gửi đến quý vị năm điểm như sau:
  1. Phương pháp khắc phục khó khăn: Tôi biết rằng, Tổ chức GĐPT Việt Nam từ Quốc nội đến Hải ngoại, từ Tỉnh/Thị đến các Châu lục/Quốc gia, ngay cả các đơn vị Gia Đình cũng có rất nhiều khó khăn từ khách quan đến nội tại. Vì vậy, để khắc phục những khó khăn này, xin tất cả quý vị hãy thực hành ba pháp quy y, và sống đúng với tâm nguyện đã phát lập trước Tam bảo trong những kỳ Trại Huấn luyện, Thọ Cấp, có như thế thì hạnh nguyện tu học, lý tưởng phụng sự Đạo pháp, Dân tộc, Nhân loại của GĐPT Việt Nam sẽ luôn luôn trở nên sống động, mới mẻ và kiên cường, từ đó mà có thể thắng vượt mọi chướng duyên, biến lý tưởng trở thành hiện thực, biến lời nói tốt đẹp trở thành hành động từ bi vô ngã.
  2. Duy trì truyền thống: Chỉ có truyền thống mới là giá trị mà chúng ta cần nỗ lực duy trì. Khi hành hoạt đúng truyền thống thì chúng ta không lo gì phải tìm cầu pháp lý cho mình. Vốn dĩ truyền thống là chỗ đứng vững chắc cho chúng ta, nó hiện diện ngay trong lòng và đức tin của các anh chị em. Nói cụ thể hơn truyền thống của tổ chức GĐPTVN từ đơn vị nhỏ, đến đơn vị cấp tỉnh, cấp quốc gia và cấp thế giới, đều nằm gọn ở trong châm ngôn Hòa Tin Vui của ngành Oanh, Bi Trí Dũng của ngành Thiếu và năm điều luật của GĐPT Việt Nam. Trí và đức của quý vị không nằm ở nơi học vị của thế gian, mà nằm ngay nơi bốn pháp hạnh Kiên-Trì-Định-Lực, với sự quán chiếu thâm sâu đối với lý Trung đạo ở trong Bát Chánh Đạo. Tổ chức GĐPT thiếu những tố chất này, là thiếu tính truyền thống, thì dù có tìm một pháp lý nào, cũng không có thể đủ phép lạ để bảo chứng và bảo hộ cho Tổ chức GĐPT hiện hữu và phát triển đúng ý nghĩa của nó. Điều này lịch sử và thực tế hiện tại đã chứng minh cho sự tồn tại của tất cả chúng ta hôm nay.
  3. Xiển dương lý tưởng: Hội Đồng Cấp Dũng vừa được kiến lập, biên soạn Nội lệ tổ chức tu học, sinh hoạt cho GĐPT VN dưới sự chứng minh và phú chúc Phật sự của Hội Đồng Tăng Già, đây là một Phật sự phát triển Tổ chức có đường hướng, thể hiện sự duy trì truyền thống Vụ Trưởng GĐPT Vụ. Quý vị cần nỗ lực đem tâm sức, trí tuệ để hoàn thiện Tổ chức về nội dung, kế hoạch mang tầm tính toàn cầu, để sánh cùng và hướng dẫn giáo dục Thanh thiếu đồng niên, trở thành những Phật tử chơn chính, góp phần xây dựng xã hội trong thời đại khoa học hiện đại hôm nay.
  4. Củng cố nội lực: Quý vị phải biết củng cố nội lực để tăng trưởng Giới Định Tuệ, kiện toàn đạo đức tự thân và phát huy nội lực ấy đến với mọi thành phần xã hội. Và qua cảm tình của mọi thành phần xã hội, chúng ta củng cố được tổ chức và phát triển được GĐPT đến được với mọi thành phần xã hội và hội nhập vào mọi sinh hoạt của cộng đồngmột cách có tự chủ và có tự do.
  5. Biến hình thức thành sự tu tập: Chúng tôi mong muốn, quý vị biến châm ngôn GĐPT Hòa Tin Vui và Bi Trí Dũng trở thành hành động “Tinh tấn” một cách thực tế, mà không phải là khẩu hiệu, mỗi khi sinh hoạt đoàn hàng tuần hay mỗi khi Đại hội. Chúng tôi mong muốn quý vị luôn luôn cử bài ca chính thức trong lòng cuộc sống, để tẩy rửa những dơ bẩn chấp ngã của chính mình và tà thuyết, tà kiến của thế gian, để biến thế gian trở thành không gian của khoan hòa độ lượng và biến những tố chất ngũ trược của thế gian thành những đóa sen trắng ngát hương thơm thanh khiết cho đời.
Trong Đại hội này, tôi xin nhắn nhủ và chia sẻ năm điểm như vậy, bằng Tâm nguyện thiết tha của người Huynh trưởng, mong quý vị tiếp nhận và khai triển ngay ở trong Đại hội này và chọn những huynh trưởng có nội lực, có thực lực, có trí lực, có tín lực, có tâm nguyên hy hiến và lòng trung kiên với tổ chức, để bầu vào BHD GĐPTVN Trên Thế Giới, để vạch ra hướng đi đúng bản hoài của các bậc tiền nhân, không phụ lòng đối với những ai đã từng quan tâm hỗ trợ chúng ta và không làm cho những thế hệ tương lai thất vọng đối với chúng ta.
Cầu nguyện Tam bảo gia hộ cho Đại hội thành công.
Kính chúc quý vị vô lượng an lành.
Nam Mô Thường Tinh Tấn Bồ Tát Ma Ha Tát.
Trưởng lão Hòa thượng Thích Đức Chơn