Friday, December 22, 2017

MÓN QUÀ TUYỆT VỜI CHO TÔI - Hoàng Ngọc-Tuấn

Trung Tâm Tạm Giam Di Dân - Photo: Tác giả cung cấp.

MÓN QUÀ TUYỆT VỜI CHO TÔI
Hoàng Ngọc-Tuấn

Hôm nay, với tư cách của một nghệ sĩ tình nguyện, tôi vác đàn guitar vào Trung Tâm Tạm Giam Di Dân ở Villawood để giúp vui cho những người tị nạn (bị tạm thời xem như là “di dân bất hợp pháp”) đang ở trong đó. Có những người đã bị tạm giam nhiều năm rồi mà vẫn chưa được xét duyệt xong để được công nhận là người tị nạn. Cuộc sống của họ trong đó tất nhiên rất buồn, và đã có vài người tự tử...

Để được cho phép vào làm công việc từ thiện này, tôi phải mất nhiều tuần lễ để trải qua khá nhiều thủ tục giấy tờ và an ninh, và khi vào trong đó tôi phải bị khám xét rất cẩn thận (kể cả cây đàn guitar cũng bị scan để bảo đảm không có chứa vũ khí hay chất nổ, và họ tạm giữ cái iPhone của tôi, vì không ai được chụp hình trong phạm vi của trại giam). Tôi cũng được các nhân viên an ninh dặn dò rất chi tiết về những gì không nên làm hay không nên nói (để tránh gây kích động hay nổi loạn). Trung tâm đó có khoảng hơn 1,000 người tị nạn (và chỉ có 1 đứa trẻ con), phần đông đến từ Syria, Iraq và một số nước ở Trung Đông và châu Phi, và vài người từ các nước châu Á.

Tôi đã được dặn dò rằng chỉ nên đàn, hát và nói những chuyện lạc quan để mang niềm vui đến cho họ. Vì thế, tôi đã chuẩn bị sẵn một số bài hát và bản đàn vui, và tôi bắt đầu bằng vài lời tự giới thiệu vắn tắt rằng “tôi là một nhạc sĩ, cũng là một người tị nạn từ Việt Nam, đã sống 34 năm ở Úc, hôm nay tôi tình nguyện đến đây để chia sẻ những bản nhạc vui”, rồi tôi đàn bản “Foug Ennakhel” (nhạc Iraq), rồi tiếp theo là bản “Hal Asmar Elloun” (nhạc Syria). Khán giả thích lắm, họ vỗ tay theo nhịp và có vài người đứng lên nhảy múa. Khi mỗi bản đàn kết thúc, họ vỗ tay ầm ĩ rất vui. Thế rồi có một người tị nạn từ Syria đứng dậy hỏi tôi làm sao mà biết những bài dân ca của Syria và Iraq. Tôi giải thích rằng tôi đã từng có nhiều năm tiếp xúc với người Trung Đông ở Úc và tôi đã học thuộc một số bản nhạc Trung Đông. Họ khen rằng “ông chơi đàn guitar mà nghe như đàn al-Oud, nghe rất thích!”

Rồi có một người đứng lên yêu cầu tôi đàn hoặc hát một bản dân ca Việt Nam. Tôi bèn chơi bản “Trống Cơm”, và khán giả rất khoái chí. Bản đàn chấm dứt, họ vỗ tay tưng bừng và yêu cầu tôi hãy hát một bài. Tôi bèn dịch nghĩa lời ca “Qua Cầu Gió Bay” cho họ hiểu, rồi tôi hát. Cứ thế, họ lại tiếp tục yêu cầu, và tôi hát tiếp những bài “Lý Ngựa Ô”, “Người Ơi Người Ở Đừng Về”...

Đang vui như vậy thì bỗng có một người đứng lên yêu cầu tôi kể về hành trình tị nạn của tôi. Một nhân viên an ninh nghe như thế bèn ra hiệu để nhắc nhở tôi đừng kể chuyện buồn thảm. Tôi bèn nói vắn tắt đại khái rằng “Vì không thể sống dưới chế độ Cộng Sản đầy áp bức, bạo ngược, bất công, nên tôi đã phải tìm cách vượt biển rất nhiều lần, và tôi đã từng bị ở tù nhiều lần, trước khi tôi vượt biển thành công từ Việt Nam đến Phi Luật Tân. Cuộc vượt biển cuối cùng ấy rất gian nan, nhưng các bạn của tôi và tôi đã được tàu đánh cá Phi Luật Tân cứu vớt. Sau khi trải qua 7 tháng rưỡi ở trại tị nạn, tôi được nhận vào Úc như một người tị nạn. Tôi đến Úc ngày 23/12/1983, và từ đó tôi bắt đầu làm lại cuộc đời. Tôi đã sống ở Úc với một tinh thần lạc quan và hy vọng. Tôi đã trở lại trường đại học, rồi sau khi tốt nghiệp, tôi đã làm việc như một nhà giáo và một nhạc sĩ trong xã hội Úc. Đồng thời, tôi cũng tiếp tục dùng tiếng Việt để viết văn, làm thơ, vì tôi yêu tiếng mẹ đẻ...”

Khán giả im lặng lắng nghe tôi nói. Tôi cố gắng nói tiếng Anh thật chậm rãi, vì tôi biết rằng có nhiều người rất kém tiếng Anh, dù họ được học tiếng Anh trong trại.

Khi tôi nói xong, có một người đứng lên xưng tên là Erkin, chuyên viên điện toán, tị nạn từ Iraq; và với vốn tiếng Anh khá giỏi, anh ta hỏi: “Sau nhiều năm sống ở Úc, ông có còn suy nghĩ nhiều về quá khứ của ông, về quê hương cũ của ông không?”
Tôi đáp: “Có, vì tôi sinh ra ở Việt Nam. Suốt đời tôi vẫn là một người Việt Nam, dù tôi là công dân Úc.”

Erkin hỏi: “Ông vẫn suy nghĩ về quê hương cũ của ông, vậy thì ông đã làm gì cho những ý tưởng đau buồn đó?”
Tôi đáp: “Tôi ra đi nhưng không bao giờ quên thân phận của những người ở lại, và vì thế, tôi luôn luôn tìm cách tranh đấu cho tự do và nhân quyền của họ.”

Erkin nói: “Các nhân viên xã hội làm việc ở đây luôn luôn khuyên bảo chúng tôi rằng hãy quên đi tất cả những nỗi buồn trong quá khứ, hãy lạc quan và sống với niềm hy vọng. Thế nhưng, ông đã là công dân Úc, ông đã là người tự do, mà ông vẫn không quên quá khứ đau buồn, thì làm sao chúng tôi có thể quên đi quá khứ đau buồn để sống lạc quan và hy vọng giữa những bức tường của trại giam này?”

Một nhân viên an ninh liền ra hiệu cho tôi, sợ rằng không khéo tôi sẽ bị lôi kéo vào những chuyện buồn.

Tôi bèn nói: “Erkin và các bạn thân mến, tôi không quên quê hương cũ của tôi, tôi không quên thân phận của những người ở lại, tôi không quên những hình ảnh đau buồn trong quá khứ, và tôi luôn luôn biết rằng Việt Nam vẫn đang là một thảm trạng, nhưng tôi luôn luôn sống và tranh đấu trong một tinh thần lạc quan to lớn, với một niềm hy vọng to lớn, rằng mọi sự sẽ thay đổi, và tương lai của quê hương tôi sẽ tốt đẹp. Không ai có thể sống với những nỗi buồn. Chúng ta chỉ có thể sống trong niềm vui và niềm hy vọng vào tương lai. Nỗi buồn vẫn còn đó, nhưng niềm vui và niềm hy vọng thì to lớn hơn. Nỗi buồn là bóng tối. Niềm vui và niềm hy vọng là ánh sáng. Ánh sáng mang đến sức sống cho muôn loài trên trái đất. Khi tôi nằm trong các trại tù ở Việt Nam, khi tôi đang lênh đênh trên đại dương, và khi tôi còn chờ đợi trong trại tị nạn, tôi vẫn không ngừng nuôi giữ ánh sáng trong lòng. Chính vì tôi đã sống và vươn lên trong ánh sáng, cho nên hôm nay tôi tình nguyện đến đây để mang một thông điệp ánh sáng đến chia sẻ với các bạn. Chúng ta hãy cùng hát. Chúng ta hãy cùng vui. Chúng ta hãy cùng hy vọng rằng ngày mai sẽ tốt đẹp hơn hôm nay. Tôi chúc cho các bạn sớm được tự do để sống trong xã hội Úc và xây dựng một tương lai tươi sáng. Tôi xin Thượng Đế ban phước lành cho tất cả chúng ta.”

Các nhân viên an ninh liền vỗ tay ầm ĩ và reo lên: “Bravo! Bravo!”, và tôi liền đàn và hát lại bài ca vui “Foug Ennakhel”: “... Foug ennakhel foug foug / Yaba foug ennakhel foug / Madri lamah / Khedda yaba madri elgoumar foug...”

(... Trên những ngọn cây cau
Cha ơi, trên những ngọn cây cau

Con không biết cái gì đang toả sáng

Khuôn mặt của nàng hay vầng trăng rạng rỡ...)


Tất cả khán giả cùng vỗ tay hát theo, và buổi sinh hoạt kết thúc. Khi tôi chào tạm biệt và bắt tay mọi người, Erkin đến nắm lấy tay tôi và nói: “Cảm ơn ông rất nhiều. Tôi hiểu những điều ông nói. Đó là món quà rất tốt cho chúng tôi.” Erkin nói với một nụ cười rất tươi.

Tôi ôm đàn ra về, mang theo nụ cười của Erkin và nhiều nụ cười của những người tị nạn. Đó là món quà tuyệt vời cho tôi trong mùa Giáng Sinh này.

Sydney, 22/12/2017
Hoàng Ngọc-Tuấn


Thursday, December 21, 2017

Vũ Thanh - Tác giả ca khúc "Đắp Mộ Cuộc Tình" là ai?

C:\Users\Quang\Pictures\ra mat sach fl.jpg
Vũ Thanh - ảnh Nguyên Lương

Vũ Thanh - Tác giả ca khúc "Đắp Mộ Cuộc Tình" là ai?

Nguyên Lương
Một lần xem trên YouTube,  học cách săn sóc cây kiểng Bonsai từ một nghệ nhân người Hà Nội. Đang loay hoay bứng cây ra khỏi chậu, cắt bỏ rễ phụ, tỉa cành lá…rồi cho cây trở lại một chậu lớn hơn, bỏ đất mới vào che rễ, đắp thành ụ. Vừa làm anh ta vừa nói: Tôi đang "Đắp Một Cuộc Tình" cho cây Bonsai đây. Rồi anh ta nghêu ngao hát: "Từng thu thay lá, lá rơi đắp mộ cuộc tình, lá bay chất nặng tuổi đời, nhớ người ta rót ly này…". Giọng hát nhừa nhựa, lê thê anh nghệ nhân bắt chước cách hát của ca sĩ Quang Lập, người có chất giọng giống ca sĩ Trường Vũ, làm tội bật cười thích thú. Quang Lập đang rất nổi tiếng trong nước là một ca sĩ bụi đời, xốc xếch, cóc cần …nhưng riêng ca khúc Đắp Một Cuộc Tình trên YouTube anh đã có hơn 60 triệu lược người xem. Một con số kỷ lục cho một ca khúc mới và một ca sĩ mới nổi. Còn có bao nhiêu ca sĩ nam nữ nổi tiếng khác trình bày bài hát này rất thành công như Lê Sang, Randy… nhưng phải nói người có công đưa ca khúc này đến khán giả đầu tiên là ca sĩ Đan Nguyên, một người bạn của ca sĩ Quốc Khanh, con trai của nhạc sĩ Vũ Thanh, và cho tới hôm nay, theo tôi chưa ai hát ca khúc này hay, trầm buồn và có hồn hơn anh ca sĩ nhạc mùi này.

Tôi may mắn quen biết Vũ Thanh lần đầu qua ca khúc "Qui Nhơn Đôi Mắt Người Xưa" do Quốc Khanh trình bày cách nay gần 5 năm. Còn nhớ lần đầu nghe ca khúc này, tôi chết lặng vì cảm xúc. Chưa bao giờ được nghe một bài hát nào nói về quê hương Qui Nhơn của tôi với tất cả những kỷ niệm cũ thời còn trẻ lại hay đến thế. Tìm hiểu, tôi mới biết thêm về tác giả Vũ Thanh. Viết nhạc với  anh chỉ là nghề tay trái, anh thích người ta gọi anh là nhà văn, nhà thơ hơn. Vũ Thanh đã cho xuất bản hai tác phẩm tiểu thuyết lịch sử đồ sộ dài gần 2000 trang mỗi bộ: Én Liệng Truông Mây và Nhất Thống Sơn Hà. Vũ Thanh còn có một tập trường thi Hòn Vọng Phu và những ca khúc khá nổi tiếng khác như Mẹ Ơi (do Quốc Khanh trình bày), Phượng Vĩ (Hồ Hoàng Yến), Tình Sử Huyền Trân (Hoàng Thục Linh), Phải Chi Em Lấy Chồng Xa (Lê Sang-Diễm Thùy)… Không chính thức nhận mình là nhạc sĩ nhà nghề, cũng không sáng tác nhiều, nhưng bài nào Vũ Thanh viết ra đều được đón nhận nhiệt liệt. Đúng vào lúc cả nước, từ Nam ra Bắc ai cũng thích hát nhạc Boléro, nhạc sĩ Vũ Thanh đánh vào  tâm lý người nghe họ thích những bài hát dễ hiểu, dễ trình bày, và dễ gây cảm xúc mạnh. Lâu nay, nói về nhạc Bolero, ai cũng nghĩ ngay những tác giả nổi tiếng trước năm 75 như nhạc sĩ Trúc Phương, Thanh Sơn, Vinh Sử, Lam Phương, Duy Khánh…nhưng sau 75 ít ai sáng tác thể loại nhạc này, và khán giả thường mỉa mai đây là loại nhạc sến.

Bỡi thế, khi Đắp Mộ Cuộc Tình tung ra, mọi người say sưa hát, tò mò tìm nghe vì ca từ trong bài hát như lời một bài thơ tuyệt đẹp, một tuyệt tình thư, một của người nam nhớ về người nữ đã không còn chung đôi của đời mình. Họ có duyên gặp nhau nhưng có phận để ở bên nhau. Sau hai mươi năm người thanh niên lụy tình năm nào, mỗi lần cầm ly rượu trên tay là Nhớ Người Ta Rót Ly Này. Anh say tình, say rượu hay tỉnh táo mà vẫn nghĩ mình say để cố nhớ, hay cố quên hình bóng một thời. Ai lớn lên, trước khi lập gia đình, ít nhiều cũng có những mối tình xanh như khúc hát như trong lời bài hát. Có những mối tình chợt đến chợt đi. Có những mối tình hai mươi năm mà say hoài sầu không vơi. Là một nhà văn, nhà thơ, từng câu chữ trong các tác phẩm âm nhạc của Vũ Thanh sử dụng rất chọn lọc, tinh tế và không lẫn vào đâu, vào ai. Ca từ của Vũ Thnah tha thiết, nhẹ nhàng, trữ tình nhưng thật sâu lắng. Nghe một lần là nhớ, nhớ rồi cứ lẩm nhẩm hát đi hát lại thành thuộc lòng.  Vũ Thanh viết nhiều về kỷ niệm, về những mối tình không vẹn, những mơ ước chưa thành và những hoài bảo không nguôi.  Anh viết cho thế hệ chúng ta, thế hệ của bao đổ vỡ, tang thương. Cái gì trên đời này có cũng đều có thể mất và quên đi, duy chỉ có tình yêu là bất tử, nhất là tình yêu không trọn, không đến được với nhau nên nhớ tới suốt đời.
Vũ Thanh, tác giả bài hát Đắp Mộ Cuộc Tình, không phải là cố nhạc sĩ nổi tiếng Vũ Thanh - Hà Nội (1933-1997) lại càng không phải là nhạc sĩ Vũ Thành (1926-1987) như mọi người trong nước vẫn nghĩ. Vũ Thanh, tên thật là Võ Thanh Quang, sinh năm 1956 ở Qui Nhơn, từng theo học trường TH Cường Để, và đang sống tại Florida, Hoa Kỳ. Vũ Thanh có cuộc sống rất kín đáo, không thích tự quảng cáo mình và không thích nói nhiều về mình. Các ca khúc của anh viết ra với mục đích là giúp cho con trai ca sĩ Quốc Khanh, và con dâu ca sĩ Hoàng Thục Linh có bài mới để diễn. Anh cũng không đăng ký bản quyền hết các tác phẩm nên lâu nay ai muốn hát, muốn làm Video về những ca khúc của anh, anh không cấm họ. Hiện tại trên YouTube có hơn 900 videos của các ca sĩ nghiệp dư có, nhà nghề có… trình diễn bài này, dưới nhiều hình thức khác nhau. Trong nước, những trung tâm ca nhạc lớn và những ca sĩ tên tuổi cũng góp phần đưa ca khúc đã nóng lại càng nóng hơn, đến mọi nẻo đường đất nước, trong một thời gian ngắn, như một hiện tượng chưa bao giờ xảy ra trước đây. Trong các tụ điểm Karaoke lớn trong nước đều có phiên bản bài hát này dành cho khách hát cho nhau nghe. Ngoài đường phố, từ những chiếc xe kẹo kéo, anh hát rong, những quán nhậu bên đường, trong nhà, đám ma, thậm chí đám cưới… đau đâu, nơi đâu chúng ta cũng có thể nghe thấy ca khúc đang được giới mộ điệu gọi là “quốc ca” này vang lên.

Nói chuyện với Vũ Thanh, tôi hỏi anh lấy hứng ở đâu mà viết được một ca khúc phải lòng nhiều người nghe đến thế. Anh bảo: Vũ Thanh sáng tác bài Đắp Mộ Cuộc Tình năm 2006, phỏng theo một đoạn thơ trong bản Trường Ca Qui Nhơn Đôi Mắt Người Xưa và đã đăng ký tác quyền ở Hoa Kỳ năm 2009 dưới tên "Cuộc Rượu Hai Mươi Năm". Trong trường ca Qui Nhơn Đôi Mắt Người Xưa có tất cả 5 bản nhạc và 800 câu thơ. Vũ Thanh đã dựa vào những câu thơ như sau, để lấy ý viết thành ca khúc Đắp Mộ Cuộc Tình:


Em ở đâu, em hỡi em ở đâu?
Nghe chăng tiếng Thu sầu rơi mấy độ
Thu nức nở khóc cho ngày tương ngộ
Trải lá vàng đắp mộ cuộc tình xanh
Giờ cách biệt mới hay vì định mệnh
Định mệnh khắc khe xô em rời bến
Định mệnh đẩy đưa ta đến nơi đây
Duyên lỡ làng còn lại những đêm say
Say chẳng phá sầu xây thành khói dựng
Từng Thu thay lá, lá xanh, lá rụng
Lá rụng quanh sân, lá rụng bên trời
Có bao giờ em nhặt lá rơi
Cho ta gởi những lời ca thống thiết
….
Năm 2013, ca nhạc sĩ Quốc Khanh viết hòa âm cho ca sĩ Đan Nguyên thu âm ca khúc này và xin phép tác giả đổi tên thành "Đắp Mộ Cuộc Tình" cho thích hợp với giòng nhạc mùi đang được ưa chuộng khắp nơi. Và từ đó, Đắp Mộ Cuộc Tình trở thành một top hit, một hiện tượng trong làng nhạc Việt Nam, trong nước và cả hải ngoại.

Tôi đã có viết giới thiệu Vũ Thanh nhà văn qua hai tác phẩm Én Liệng Truông Mây, Nhất Thống Sơn Hà và nhà thơ qua tác phẩm trường thi Hòn Vọng Phu, nay viết bài này giới thiệu Vũ Thanh là một nhạc sĩ, mới biết thêm anh là một người rất đặc biệt, rất đa tài. Ca sĩ  Quốc Khanh thừa hưởng gen di truyền của Bố, đã truyền từ bao đời trong một gia đình danh giá, coi trọng con chữ và nghệ thuật. Vũ Thanh chơi guitar rất hay và thổi kèn harmonica xuất sắc. Anh say mê nghiên cứu lịch sử văn hóa và đạo Phật để tương lai sẽ viết những bộ trường thiên tiểu thuyết về sự tích Mỵ Châu-Trọng Thủy, về Huyền Trân Công Chúa… Trong con người ít nói ấy chứa đựng bao nhiêu hoài bão và tâm tư. Mỗi tác phẩm văn chương của anh là một thông điệp, thông điệp cho dân tộc Việt hiểu và cho thế giới biết về một qúa khứ huy hoàng và một tương lai rộng mở nếu ta biết cùng nhau đoàn kết xây dựng đại cuộc. Viết nhạc tình để tự an ủi khi buồn, khi say nhưng những lúc tỉnh táo nhạc sĩ, nhà văn, nhà thơ Vũ Thanh trong tim óc tràn đầy hy vọng cho một ngày mai tươi sáng. Anh thường bảo: "Chẳng lẽ ta đâu mãi thế này".

Viết bài này về tác giả Vũ Thanh và bài hát Đắp Mộ Cuộc Tình tôi không có mục đích làm cho nóng lên những gì đang rất nóng trong dư luận. Tôi chỉ xin những ai đã viết bài đăng trên Wikipedia gán cho hai nhạc sĩ qua cố Vũ Thanh và Vũ Thành là tác giả ca khúc Đắp Mộ Cuộc Tình thì đính chính lại cho đúng để mọi việc được minh bạch trong tinh thần văn nghệ.
Viết xong tôi tự thưởng cho mình một ly vang đỏ vì chợt nhớ đến một câu trong bài hát: Nhớ Người Ta Rót Ly Này, và các bạn cũng thế nhé.


Nguyên Lương
Horsham, PA tháng 12, 2017
C:\Users\Quang\Pictures\Picture\Picture 021.jpg
Vũ Thanh - ảnh Nguyên Lương