Tuesday, March 17, 2020

Thơ Phạm Công Thiện

Tâm Thường Định tiễn tiền bối Phạm Công Thiện - Thư pháp: Uyên Nguyên

Thơ Phạm Công Thiện
Ngày Sanh Của Rắn 

I

tôi đi đông chìm
trời âm u thung lũng khô
nhiều mây chim bay không nổi
tôi đi
dưới kia sụp đổ
núi cấm nổ tôi ra
cửu long ca từ tây tạng
tôi về
tôi hiện
đèn tắt trời gió tắt trăng
chim lạ
kêu tiếng người
hố thẳm ra đời
tôi bay trên biển
II

tôi nằm cho rã chiếu cạp điều
nước chảy lên vùng phố tịch liêu
tôi nhớ một lần cây quế mọc
tôi đứng gọi hương trọn buổi chiều
III

mưa chiều thứ bảy tôi về muộn
cây khế đồi cao trổ hết bông
IV

trời mưa nữu ước cây mọc
nhớ hương trời mưa ngày tháng
nhớ hương đường hoang mái vắng
nữu ước chỉ còn hương trong giấc ngủ
tim anh tràn máu
con chim đã bay về rừng đạn
anh không còn làm tu sĩ
anh chỉ còn hương trong giấc ngủ
anh chỉ còn máu để đổ vào tim hương
đổ vào tám tách cà phê đen anh uống mỗi đêm
tại greenwich village
tại làng thi sĩ
tại đường khói bay
tại hương trong giấc ngủ
tại chiều ba mươi tết ở việt nam
bây giờ anh xa hương đến mấy đại dương xanh
mấy phương trời cỏ mọc
mấy phương trời hương khóc
hương còn ca hát
hương còn phơi áo giữa phố buồn
hương còn cười
mười năm rồi cây quế vẫn mọc trên đời anh
trên mắt anh
môi anh
trên bước chân buồn phố mẹ ngày xưa
trên bước chân chiều phố lạ hôm nay
mưa làm tóc anh thơm
mùi cây quế
giữa hồ
mọc giữa hồ quế hương
tóc anh mọc dài
che chở hương
lúc mưa rơi
lúc đông lạnh
lúc chim chiều đi mất
mưa trên phố đêm
trên quán cà phê ý đại lợi
trên chiến tranh
của quê hương
của quế hương
còn anh
V

rạng đông tôi xin thề thức dậy ba giờ sáng
đợi kinh đào chảy ngược
cửa nhỏ đóng kín
những chiếc cầu tuổi dại
mười sáu năm tôi thức trong đời
mười sáu con kinh đào không bao giờ chảy ngược
đứng ngang cầu pont-neuf
nhìn sông seine tôi thấy cửu long
paris đuổi mất mây mộng hoang đường
đập vỡ cơn điên trên triền đá sương
tôi trốn giặc đời
tắm trong hồn hương
trái đu đủ
trong khu vườn xưa
con rắn nhỏ
VI

tôi chấp chới
đắng giọng
giữa tháng ngày mơ mộng
nốt ruồi của hương
hay nốt ruồi của rigvéda
tôi mửa máu đen
trên nửa đêm paris
tôi giao cấu mặt trời sinh ra mặt trăng
tôi thủ dâm thượng đế sinh ra loài người
cho quế hương nằm ở nhà thương điên của trí nhớ
mặt trời có thai!
mặt trời có thai!
sinh cho tôi một đứa con trai mù mắt
VII

tôi nuốt nọc đen giữa đường guillaume apollinaire
từ xóm saint-germain-des-prés
mọc lên giáo đường hang động
cà phê biến hồn đầu thai
hoá thành một triệu con ma đen
nhảy múa trên núi lửa đầu tôi
tôi mặc đồ xanh
và mang đồng hồ da đen
tôi chứa chấp sáu ngọn lửa điên
trong sáu diêm quẹt còn rớt lại
tôi gọi hương và tôi chết giấc
tôi chạy lên trời làm rắn thâu đêm
máu đổ mưa đen
ồ cây mồng tơi
của thời trẻ dại
tôi gọi thầm
rắn cuộn tròn
tương lai
VIII

mười năm qua gió thổi đồi tây
tôi long đong theo bóng chim gầy
một sớm em về ru giấc ngủ
bông trời bay trắng cả rừng cây
gió thổi đồi tây hay đồi đông
hiu hắt quê hương bến cỏ hồng
trong mơ em vẫn còn bên cửa
tôi đứng trên đồi mây trổ bông
gió thổi đồi thu qua đồi thông
mưa hạ ly hương nước ngược dòng
tôi đau trong tiếng gà xơ xác
một sớm bông hồng nở cửa đông
IX

rắn trườn vỡ trứng chim rừng
tôi nghe tiếng hát hoang đường nửa đêm
khuya buồn tủi nhục môi em
mưa bay nhỏ nhẹ qua thềm bơ vơ
tiếng ru chín đỏ điện thờ
hoang vu tôi đứng đợi chờ chim kêu
tay còn ôm giữ tình yêu
tôi về phố động những chiều hư vô
đời đi trên những nấm mồ
đau tim em hát cơ hồ khăn tang
phố chiều tôi bước lang thang
nuôi con sông nhỏ mơ màng biển xanh
nửa đêm khói đốt đời anh
yêu em câm lặng khô cành thu đông
lời ca ru cạn dòng sông
trọn đời chạy trốn mống vồng cầu điên
bỏ mình nước chảy đồi tiên
theo con chim dại lạc miền thiên hương
về đâu thương những con đường
lê thê phố cũ nghe buồn hè xưa
X

mùa xuân bay thành khói
tôi ca hát một mình
suốt đời không biết nói
nước chảy tràn con kinh
quá khứ bay lên trời
biến thành cánh chim non
tôi quì hôn lá mới
đau khổ trắng linh hồn
hư không đổ ra khơi
kỷ niệm trôi qua cầu
bãi chiều chưa người tới
tình nhỏ quên từ lâu
xuân bay trắng núi đồi
tôi nằm ngủ mơ chim
bỗng hét lên trong tối
ngồi thức dậy bảy đêm
trời cuối năm gác trọ
đèn tắt suốt đêm dài
con chim mười năm nhỏ
bay về đậu nơi đây
hơi thở giết thời gian
bướm nằm chết thang lầu
tiếng chim ru ngày tháng
máu chảy về sông sâu
suốt đời không biết nói
tôi ngồi thức một mình
đốt thuốc lên nhìn khói
đêm rạng điềm hư linh
XI
tôi lái ô tô buýt giữa thành phố new york
mỗi ngày tôi lái ô tô buýt đi trên những con đường không người những con đường chim chết
những con đường của mỗi ngày
từ riverside drive đến broadway đến đại lộ thứ năm rồi đến washington square
công trường nghệ sĩ tóc bay hương hát
từ greenwich village tôi đi về chinatown
mười lăm xu mỗi chuyến
xa hay gần hay mau hay chậm
tôi vẫn lái cuộc đời tôi trên những con đường quen thuộc không mây
mùa lá hay mùa kèn nửa đêm
dong buồm thổi đến honolulu lặng gió
xa việt nam đà lạt và cà phê tùng cuối năm
tôi cúi đầu trong hầm cà phê figaro nữu ước
chuyến ô tô buýt của đời tôi vẫn chạy hoài
trên những con đường mỹ châu trống rỗng
chuyến xe không về harlem đói lửa
vì mỹ châu trống rỗng trên chuyến ô tô buýt chiều nay tóc bay hương khóc
tôi vẫn lái chuyến xe này đi về đêm tối
đêm tối nữu ước là đêm tối nhà xác
tôi đốt đèn cầy để nhìn xác tôi giữa nhà mồ mỹ châu lạnh lẽo mưa đen
đêm qua tôi thấy máu đổ trong hầm xe điện irt
giữa con đường 42nd hay times square
tôi thấy việt nam ngang tàng cho mặt trời vẫn mọc trên rắn lửa
trên mái ô tô buýt chiều thu
XII

buổi chiều mưa đụng tim
mưa đụng máu
đèn đường đổ xuống nước xanh
xin hét lên rừng u minh đầu đông
tử hình trong ngục
nhốt vào trong ngục
suốt đời trong ngục
khói vóc lửa núi
nhóm nước đầu thu
xin đừng nói
lá chuối
lá me non
xanh nhà thương
ngồi trong thành phố
hoa trắng không còn
con chó đứng nhìn xe lửa mỗi ngày
chùm hoa trắng rụng một hai bông rất nhỏ
bông trắng quá nhỏ
buổi chiều ích kỷ
con đường quá dài
những cây trắc bá chùi đầu lên nghĩa địa
một người hoạ sĩ thất tình
nhân loại đều thất tình
nói đi thật nhiều
khoai tây
lang thang ngược vòng những vũ trụ
anh nói gì
tôi không nghe
xuống phố và lên phố
chạy hun hút qua hai nghĩa địa
cây trắc bá
chôn vùi con chó nhà ga

Nguồn:tienve.org

Thơ Cho KhoảngTrống
(trong tập Trên tất cả đỉnh cao là lặng im)

Chim dồng dộc hong thơ trên cửa sài, gái thổ gài tổ chim trên lưng ngựa thồ.

Vùng núi cao thổ phồn sinh sôi nẩy nở phôi châu của ngút ngàn bông đậu tía.

Cơn giông tố rã rượi trên thiên đảnh tuyết sơn, hốt nhiên vùng dậy tung hoành, làm sụp ngã những cây tùng lạc diệp, và bao dong con chim dồng dộc hong thơ trên cửa sài. Tổ chim trên lưng ngựa thồ và rừng bông đậu tía tuyên chiến với tất cả ngôn ngữ loài người, phôi dựng khởi nguyên từ mút cùng cõi đất. Ban đầu là phôi châu, bông đậu tía bên cửa sài, tổ chim dồng dộc được gài trên lưng ngựa thồ của gái thổ, thiên đảnh thổ phồn, dông tố ban đầu, lạc diệp tùng sụp đổ từ mút cùng cõi đất. Ban đầu là phôi châu, thai mẹ, ngôn ngữ việt mường, tiếng nói thai tạng, cha, má, mẹ, mạ, cái, phôi châu bông đậu tía, bông trắng đậu hoà lan ở trước mặt bàn viết, gái thổ, đen và đẹp, gài tổ chim trên lưng ngựa thồ, thổ phồn, lan nhã ngút ngàn bông đậu tía. Ban đầu là giông tố nổi lên từ thiên đảnh tuyết sơn. Ban đầu là chim dồng dộc hong thơ trên cửa sài.

Gài tổ chim trên lưng ngựa!

Tuyên chiến với tất cả ngôn ngữ loài người!

…Mùa lúa chín vàng, chim dồng dộc bay về, luồng gió tuyết sơn thổi hiu hắt về nam phố.

Luồng gió rì rào trên thiên cấm sơn, từ núi cấm thổi về mỹ tho, rồi thổi về đà lạt. Mùa lúa chín vàng, chim dồng dộc bay về nam phố. Giông tố vùng vẫy trên thị trấn cũ ven sông cửu long, giông tố làm sụp đổ những cây sao trên đường phố và tuổi thơ trốn biệt từ mút cùng cõi đất.

Trở về thị trấn ven biển, đâu là hoài phố? Phố Hiến, Hội An, hoài phố, nỗi sầu lãng đãng trên ba trăm năm ở những vùng thị trấn ven biển của quê hương, những cửa sài của vùng lan nhã đất mẹ từ một ngàn năm trước, những con dê con trên vùng núi đầy chim dồng dộc. Ban đầu là dộng cửa sài của lãng sĩ tu hành ẩn dật trên non cao, dộng đầu té lọt vào rừng bông đậu tía, chim dồng dộc bay về mùa lúa chín, lạc diệp tùng sinh sôi nẩy nở, từ mút vùng cõi đất, dông tố thổi về nam phố. Ban đầu là hoài phố! hoài phố! Thị trấn buồn ven biển, ngút ngàn bông đậu tía.

Tuyên chiến với tất cả ngôn ngữ loài người!

Giông tố từ thiên đảnh tuyết sơn trở về bao dong tổ chim dồng dộc. Luồng gió buồn thổi về nam phố, những bông sao rụng trên con đường vắng, trời mưa lất phất, giàn đậu hoà lan trắng xoá, những con chim yểng học nói tiếng người, năm con dê con trên vùng núi đầy chim bói cá.

Người ta đã đốn những cây sao trên đường phố, và tuổi thơ sụp đổ. Giông tố thổi hiu hắt về nam phố. Mùa lúa chín vàng có sao phướn đi qua.

Sao phướn đi qua.

Và có tiếng đóng đinh vào cái quan tài nhỏ bé của tuổi thơ.

Tuổi thơ đem những hột lúa ra ngâm nước trên ngược dòng sông cửu long.

A! Lúa đã nứt mộng! Lô giang và triết sơn? (Lô sơn bảng lảng khói mưa, triết giang con nước triều đưa rạt rào? Sống chưa đến đó nghẹn đau, tới rồi về lại thấy nào khác xưa? Lô sơn bảng lảng khói mưa, triết giang con nước triều đưa rạt rào!) Ban đầu là Nứt mộng! Lúa vừa nứt mọng, khi chim dồng dộc bay về mùa lúa chín vàng và rừng bông đậu tía phất phơ gần bên thị trấn ven biển.

Luồng gió buồn từ tuyết sơn thổi hiu hắt về nam phố. Chim yểng bay đi và chim bói cá trở về trên mặt nước…

Ban đầu là?

Cơn sấm sét chấn động long vỡ cả trời đất.

Không! Sấm hãy còn trong lòng đất vùng núi tuyết sơn. Có người lạ đẽo gỗ trên rừng đậu tía.

Cả khu rừng đậu tía đã bị đẽo sạch, từ mút cùng cõi đất rã rượi, chim dồng dộc vụt bay về làm tổ. Một hạt phong châu bông đậu tía còn sót lại trong lông cổ vàng dợt chim nhỏ. Hạt phôi châu rớt giữa kẽ chân gái thổ, nường bước chậm rãi và giẫm chân đạp mạnh phôi châu lún xuống dưới bóng cây lạc diệp tùng và dương trở lại… dần dần hưng thịnh và nuôi dưỡng tổ chim dồng dộc sinh sôi nẩy nở ngút ngàn bông đậu tía.

Chim dồng dộc lại hong thơ trên cửa sài.

Người con gái thổ lại trở về gài tổ chim trên lưng ngựa thồ.

Mưa rừng cao tưới tắm trên đôi vú đen và đẹp.

Gái thổ bước ra và bước vào hang động tuyết sơn. Sau bảy ngày, ngựa thồ trở về đứng đợi bên giàn đậu hoà lan trắng xoá. Cửa ải thổ phồn đóng kín.

Và kẻ thương lữ không còn lên đường đẽo gỗ, và lãng sĩ ẩn dật núi cao không còn coi xét bốn phương, yên lặng nuôi dưỡng tổ chim dồng dộc phôi dựng trở lại ban đầu.

Gái thổ đi giữa rừng là đầy chim bói cá và trở lại một mình với lan nhã ngút ngàn bông đậu tía. Dê con vừa mới sinh ra đời.

Dộng đầu té lọt vào rừng bông đậu tía.

Luồng gió buồn thổi về nam phố, giông tố vùng dậy tung hoành trên những thị trấn ven biển.

Mùa lúa chín vàng có sao phướn đi qua. Sao phướn đi qua và có người lạ đóng đinh vào quan tài tuổi thơ.
Tuổi thơ ngâm lúa trên mặt nước cửu long. Nứt mộng! Gieo mạ trên vùng núi lô sơn, nhìn ngó nước triều Triết Giang rào rạt, và chim bói cá trở về thị trấn ven biển, hoài phố! Hoài phố! Thị trấn buồn ven biển, ngút ngàn bông đậu tía…

Tuyên chiến với tất cả ngôn ngữ loài người!

Mùa lúa chín vàng có sao phướn đi qua.

Sao phướn đi qua.

Chim dồng dộc hong thơ trên cửa sài.

Gái thổ, đen và đẹp, gài tổ chim trên lưng ngựa thồ. Luồng gió thét gào trên núi cấm. Tuổi thơ trốn biệt từ mút cùng cõi đất. Bầy chim bói cá sinh sôi nẩy nở.

Bông đậu hoà lan trắng xoá trên bàn.

Giông tố nổi lên từ thiên đảnh tuyết sơn.

Những bông sao rụng trên con đường vắng. Con chim yểng học nói tiếng người. Sau nỗi sầu lãng đãng trên ba trăm năm, có còn kẻ thương lữ nào trở lại phố hiến và hội an? Phố phường hoang vắng, có người lạ đóng đinh vào quan tài, và người đàn ông đã lìa bỏ hoài phố và đi đâu biệt tích. Mười năm tuyệt tích giang hồ.

Rồi trở về lại hà hơi trên tổ chim dồng dộc.

…Chim dồng dộc trở về hong thơ trên cửa sài, và gái thổ một mình trở lại gài tổ trên lưng ngựa thồ và luồng gió buồn vẫn thổi hiu hắt về nam phố…

Nguồn: thivien.net

Phỏng vấn Ngô Thế Vinh – người đi dọc 4.800 km sông Mekong


Thay lời dẫn:
Dear Friends of the Mekong,
In the time of the Wuhan covid-19 pandemic, we  will never forget the devastating drought and salinity intrusion in the Mekong Delta of Vietnam 2020. Please  share this Interview by Reporter Lê Quỳnh with Friends & your networks.
"Prescription for the Rescue of the Mekong: Gray Matter with a Voice" 
All the best, 
Ngô Thế Vinh MD 
Học giả Ngô Thế Vinh - Photo: tác giả cung cấp.


Phỏng vấn Ngô Thế Vinh – 

người đi dọc 4.800 km sông Mekong

Lê Quỳnh

Thưa, dù đã 17 năm trôi qua, từ những chuyến đi dọc dòng sông Mekong dài 4.800km, bức tranh sống động mà ông “phác họa” về những tác hại khủng khiếp do các con đập thủy điện gây ra cho đời sống người dân lưu vực sông Mekong đến nay vẫn nóng hổi tính thời sự. Từ những dự cảm rất sớm về những hậu quả do các đập thủy điện gây ra trên dòng Mekong và cho ĐBSCL nói riêng, ông nhận định gì về thực trạng hiện nay?
Năm 2000, khi nói “Cửu Long cạn dòng”, nhiều người xem đó là phát biểu “nghịch lý” bởi đó là năm có lụt lớn ở miền Tây. Một vị tu sĩ đang tất bật lo việc cứu trợ, mới nghe tên cuốn sách đã phát biểu: “Đang lũ lụt ngập trời với nhà trôi người chết mà lại nói “Cửu Long cạn dòng” là thế nào?” Nhưng cần hiểu rằng lũ và hạn tương ứng với mùa mưa và mùa khô là chu kỳ tự nhiên đã có hàng ngàn năm trên dòng Mekong và các vùng châu thổ, và đến nay thì mức độ càng trầm trọng và gay gắt. Chúng ta không thể đổ lỗi hết cho “thiên tai”, mà cần can đảm gọi cho đúng tên những yếu tố “nhân tai” bởi do chính con người gây ra qua suốt quá trình phát triển không bền vững và có tính tự hủy từ nhiều thập niên qua, đã làm gãy đổ sự cân bằng của cả một hệ sinh thái vốn phức tạp nhưng cũng hết sức mong manh của dòng Mekong.
Một chuỗi những tai ương do chính con người gây ra đó là: (1) Phá hủy tự sát những khu rừng mưa trong toàn lưu vực. Những khu rừng mưa này có tác dụng như những tấm bọt biển khổng lồ giữ nước trong mùa mưa, xả nước trong mùa khô với chức năng điều hoà lưu lượng nước của dòng sông trong suốt hai mùa khô lũ, thì nay không còn nữa. (2) Xây các con đập thủy điện không chỉ trên dòng chính mà ngay trên khắp các phụ lưu sông Mekong từ thượng nguồn xuống tới hạ lưu, và đáng kể nhất là chuỗi những con đập bậc thềm (Mekong Cascades) Vân Nam của Trung Quốc. Hồ chứa các con đập ấy không những chỉ giữ nước mà còn ngăn chặn phù sa như một dưỡng chất xuống vùng châu thổ ĐBSCL. Nguồn thủy điện cũng đưa tới kỹ nghệ hóa, đô thị hóa với trút đổ các chất phế thải xuống sông gây ô nhiễm nguồn nước sông Mekong. (3) Còn phải kể tới kế hoạch Trung Quốc cho nổ mìn phá các ghềnh thác khai thông lòng sông Mekong để mở thủy lộ từ Vân Nam xuống xa tới Vạn Tượng, Trung Quốc đã làm biến dạng toàn dòng chảy, gây xói lở trầm trọng các khu ven sông. (4) Cộng thêm những sai lầm về các kế hoạch thủy lợi tự phát ngay nơi ĐBSCL như be bờ ngăn đập rồi tới nạn “cát tặc” ngày đêm nạo vét lòng sông…
Tình trạng này gây thảm họa nhãn tiền: nếu lụt thì sẽ rất lớn ngay mùa mưa, hạn hán sẽ gay gắt hơn trong mùa khô và nạn ngập mặn ngày càng lấn sâu vào trong đất liền. Như vậy chủ yếu là do các nguyên nhân nhân tai, nay cộng thêm với biến đổi khí hậu, El Nino… là phần thiên tai cộng thêm vào. Không gọi đúng tên, đổ hết cho thiên tai là một thái độ chối bỏ nguy hiểm của giới chức Việt Nam hiện nay.
Trên dòng chính Mekong, Trung Quốc đã và vẫn tiếp tục xây đập thủy điện trên thượng nguồn, Lào xây đập dưới hạ nguồn, còn Thái Lan dẫn nước từ dòng Mekong vào ngay cả mùa khô… Trong tình hình ấy, điều ông lo ngại nhất là gì?
Bước vào thập niên thứ hai của thế kỷ XXI, sau khi Trung Quốc hoàn tất hai con đập lớn nhất: Nọa Trác Độ (Nuozhadu) 5.850MW và Tiểu Loan (Xiaowan) 4.200MW, về tổng thể Bắc Kinh hầu như đã hoàn thành kế hoạch thủy điện của họ trên suốt nửa chiều dài con sông Lan Thương (Lancang – tên Trung Quốc của sông Mekong). Theo Fred Pearce, Đại học Yale, con sông Mekong nay đã trở thành tháp nước và là nhà máy điện của Trung Quốc. Philip Hirsch, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu sông Mekong thuộc Đại học Sydney nhận định: “Hai con đập khổng lồ Nọa Trác Độ và Tiểu Loan sẽ ảnh hưởng trên suốt dòng chảy của con sông Mekong xuống tới tận ĐBSCL của Việt Nam”. Chỉ với sáu con đập dòng chính hoàn tất, Trung Quốc đã đạt được công suất 15.150MW – nghĩa là hơn một nửa toàn công suất tiềm năng thủy điện của con sông Lan Thương. Với 8 dự án đập còn lại, và có thể sẽ còn thêm nhiều dự án mới nữa, Trung Quốc sẽ dễ dàng dứt điểm sớm trong vòng mấy thập niên đầu thế kỷ XXI.
Chúng ta không thể chỉ dựa vào một con số 16% lượng nước sông Mekong đổ xuống từ Trung Quốc, để bảo rằng ảnh hưởng chuỗi đập Vân Nam là không đáng kể. Xây chuỗi đập Vân Nam, Trung Quốc đã khởi đầu phá hủy sự cân bằng bền vững của toàn hệ sinh thái lưu vực sông Mekong. Dung lượng các hồ chứa Vân Nam ngoài khả năng giữ hơn 30 tỉ mét khối nước còn chặn lại một trữ lượng rất lớn phù sa không cho xuống tới ĐBSCL. Thiếu nước, thiếu phù sa lại thêm ngập mặn với nước biển dâng, cả một vùng đất phì nhiêu ĐBSCL, cái nôi của một nền văn minh miệt vườn, có tương lai trở thành một vùng đất chết do sa mạc hóa.
Điều gì đáng lo ngại nhất hiện nay? Rõ ràng Việt Nam đã mất cảnh giác và thiếu chuẩn bị trong cuộc chiến môi sinh “không tuyên chiến” của Trung Quốc. Lời kêu gọi Trung Quốc xả nước từ hồ chứa Vân Nam để cứu hạn cho ĐBSCL đã nói lên tình thế bị động của Việt Nam. Lẽ ra giới lãnh đạo phải tiên liệu nguy cơ này từ nhiều năm trước. Nay lại thêm 9 dự án đập dòng chính hạ lưu của Lào và 2 của Campuchia sẽ khiến bài toán cứu nguy ĐBSCL khó khăn và phức tạp hơn nhiều, mà Việt Nam thì chưa có một chiến lược đối phó.
Hiệp định Mekong 1995 được xem là một cơ sở kiểm soát bảo vệ dòng Mekong, tuy nhiên Trung Quốc từ chối tham gia. Tương tự, Công ước Liên Hiệp Quốc 1997 về sử dụng các nguồn nước liên quốc gia, Việt Nam thuận ký năm 2014, được biên soạn đặc biệt nhằm bổ sung và hạn chế những bất cập trong các hiệp định lưu vực hiện có như Hiệp định Mekong 1995, cũng thiếu tên Trung Quốc. Trong diễn tiến đó, Trung Quốc nay lại khởi xướng một diễn đàn mới: Hợp tác Lancang – Mekong ra mắt tháng 11.2015. Ông nhận định như thế nào về cơ chế này? Cơ hội của Việt Nam cũng như các nước trên lưu vực tham gia có thể là gì? Theo ông, liệu Trung Quốc có động cơ gì đằng sau đó không?
Uỷ ban Sông Mekong (MR Committee) được Liên Hiệp Quốc thành lập từ 1957, nhưng mọi dự án phát triển hầu như bị tê liệt do cuộc chiến tranh Việt Nam. Sau 1975, bước vào thời bình, con sông Mekong trở lại là mục tiêu khai thác của các quốc gia trong lưu vực. Nhu cầu phục hồi một tổ chức điều hợp liên quốc gia tương tự Ủy ban Sông Mekong trước đây là cần thiết. Ngày 5.4.1995, bốn nước hội viên gốc thuộc lưu vực hạ lưu Mekong đã họp tại Chiang Rai – Bắc Thái, để cùng ký kết Hiệp ước Hợp tác phát triển bền vững hạ lưu sông Mekong và đổi sang một tên mới là Ủy hội Sông Mekong (MR Commission).
Đại diện Việt Nam đặt bút ký vào Hiệp định Mekong 1995 là Ngoại trưởng Nguyễn Mạnh Cầm với chấp nhận một thay đổi cơ bản trong hiệp ước mới: thay vì như trước, mỗi hội viên trong Ủy ban sông Mekong (1957) có quyền phủ quyết bất cứ một dự án nào bị coi là có ảnh hưởng tác hại tới dòng chính sông Mekong, nay theo nội quy mới (1995), không một quốc gia nào có quyền phủ quyết. Phát biểu trong Hội nghị Mekong 1999 tại Nam California (Mỹ), chúng tôi nhận định đây là khởi điểm một bước sai lầm chiến lược của Việt Nam, vì là quốc gia ở cuối nguồn.
Sáu nước lưu vực sông Mekong đang đứng trước nhiều vấn đề bức thiết liên quan đến kinh tế, xã hội cũng như bảo tồn môi trường sinh thái. Tuy nhiên, những khác biệt về yếu tố địa chính trị lại là rào cản không nhỏ trong tiến trình hợp tác, và đặt ra bài toán phải giải quyết hài hòa lợi ích của mỗi quốc gia. Theo ông, diễn biến chính trị ảnh hưởng như thế nào trong vấn đề hợp tác vùng và phát triển vùng trên dòng Mekong? Viễn cảnh phát triển Mekong sẽ là như thế nào trong bối cảnh biến đổi khí hậu?
Nhắc tới sự kiện Trung Quốc mới đây cho thành lập khối Hợp tác Lancang – Mekong, một cơ chế bao gồm 6 nước cùng sử dụng sông Mekong, nhiều người vội lạc quan cho rằng đó có thể là một phương tiện tốt để buộc Trung Quốc quan tâm nhiều hơn đến lợi ích của các nước hạ nguồn. Mối lạc quan đó có thể đúng có thể không. Nhưng cần nhận thức rõ một điều: từ 1995, Trung Quốc chọn đứng ngoài Ủy hội Sông Mekong chỉ gồm 4 nước hạ lưu: Thái Lan, Lào, Campuchia, Việt Nam. Tới nay với 6 con đập dòng chính, về tổng thể, Trung Quốc đã hoàn tất kế hoạch thủy điện trên khúc sông Mekong 2.200km của họ.
Nay nếu có mở ra thêm khối Hợp tác Lancang – Mekong thì đó cũng chỉ là một bước chiến lược của Trung Quốc, tạo cho mình một hình ảnh hữu nghị nhưng thực tế là nhằm tăng cường ảnh hưởng đưa tới khống chế toàn bộ lưu vực sông Mekong. Trung Quốc sẵn có khả năng kỹ thuật, có nguồn tài chính hầu như vô hạn, Bắc Kinh thừa sức để gạt ảnh hưởng của Hoa Kỳ và Nhật Bản ra khỏi lưu vực sông Mekong, cũng như họ đã đánh sập thế thượng phong của Đệ thất hạm đội Hoa Kỳ trên Biển Đông bằng các đảo chiếm của Việt Nam rồi mở rộng xây dựng căn cứ quân sự trên đó.
Tương lai khối Hợp tác Lancang – Mekong ra sao, vẫn tùy thuộc thiện chí rất đáng ngờ của Trung Quốc. Những ai từng theo dõi cách hành xử của Trung Quốc trong bao năm nay, cũng nhận thấy là Bắc Kinh chưa hề có Hồ sơ theo dõi tốt (Good track records).
Nhưng rồi cũng phải kể tới tiềm năng “chất xám” mỗi quốc gia thành viên khi tham dự khối Hợp tác Lancang – Mekong, và quan trọng hơn hết là liệu có được một mẫu số chung đoàn kết của các nước nhỏ hay không. Thiếu một “tinh thần sông Mekong” nơi các quốc gia hạ lưu như hiện nay (vẫn cái cảnh “đồng sàng dị mộng”), lại thêm ác ý như từ bao giờ (Trung Quốc luôn luôn chia để trị), thì khối Hợp tác Lancang – Mekong chỉ là chiếc dù tạo thêm ảnh hưởng quyền lực của Trung Quốc trên mỗi quốc gia hạ nguồn.
Nếu Trung Quốc có thực tâm, phải đòi hỏi Bắc Kinh đi đến một Hiệp ước Lancang – Mekong theo đó mỗi quốc gia thành viên phải được tôn trọng và đối xử bình đẳng, có thể xem đây như một Ủy hội Sông Mekong mở rộng bao gồm thêm Trung Quốc và Myanmar.
Điểm qua tình hình hiện nay: Thủ tướng Campuchia Hunsen gần như hậu thuẫn vô điều kiện chính sách của Trung Quốc; Lào thì bất chấp mọi khuyến cáo vẫn từng bước thực hiện xây 9 con đập dòng chính Mekong (đang xây hai đập Xayaburi và Don Sahong); Thái Lan không ngừng lấy nước từ sông Mekong cung cấp cho các vùng khô hạn của họ; Myanmar thì không phải là yếu tố quan trọng khi chỉ tiếp cận một khúc sông Mekong vùng Tam giác vàng; riêng Việt Nam gần như bị động và chưa có “một chiến lược trên bàn cờ Mekong” khi quyết định tham dự khối Hợp tác Lancang – Mekong.
Điều cần làm ngay, là cấp thiết di chuyển Ủy ban Mekong Việt Nam từ Hà Nội về ĐBSCL để cùng bắt tay hình thành một phân khoa Mekong nơi Đại học Cần Thơ, giúp phái đoàn Việt Nam có một hồ sơ Mekong mang tính chiến lược, có cơ sở pháp lý khi họ tới dự những hội nghị thượng đỉnh Mekong. Mekong Delta SOS phải là ưu tiên số một trong nghị trình của Hội đồng Chính phủ, của Quốc hội và cả của Bộ Chính trị. Thảm hoạ đại hạn nơi ĐBSCL nếu cần phải đưa ra trước Diễn đàn Liên Hiệp Quốc.
Ông đánh giá thế nào về vai trò của tiếng nói cộng đồng, các tổ chức phi chính phủ (NGO) trong bối cảnh các quốc gia lưu vực sông Mekong còn nhiều quan điểm khác biệt? Ở Việt Nam, theo ông, vai trò tiếng nói này hiện nay thế nào, và cần như thế nào?
Khi nhìn chung vào lưu vực 5 nước sông Mekong hạ nguồn (thêm Myanmar), một ký giả ngoại quốc nhận xét: tiếng nói của các cộng đồng dân sự, các mạng xã hội Việt Nam về vấn đề sông Mekong được kể là “khá hiếm” so với những tiếng nói của cư dân Bắc Thái Lan, người dân Lào và ngay cả dân Campuchia. Điều này hầu như lại càng rất hiếm thấy nơi cộng đồng 20 triệu cư dân ĐBSCL. Cũng dễ hiểu, đa số nông dân bị thiếu học với một nền giáo dục thấp hơn cả Tây nguyên, lại thêm bị bưng bít thông tin thì làm sao bảo họ có tiếng nói ngoài thái độ cam chịu. Tiếng nói của những “tổ chức được gọi là NGO” thì luôn luôn luôn bị kiểm soát và định hướng bởi Nhà nước, và những định hướng thiển cận như hiện nay đã triệt tiêu mọi sáng kiến từ các nguồn trí tuệ. Nhưng dẫu sao, quan sát từ bên ngoài, đã thấy ánh sáng cuối đường hầm, đang có những nỗ lực tích cực từ trong nước để hình thành những cộng đồng dân sự xã hội thực sự có tiếng nói, nhưng dĩ nhiên có một cái giá phải trả cho những bước tiên phong ấy. Đó là một tiến trình không thể đảo nghịch và cũng đã đến lúc Nhà nước ý thức được rằng họ không thể tạo nút chặn cho cả một xu thế thời đại.
Cảm nhận của ông như thế nào về vai trò của các nhà khoa học Việt Nam hiện nay trong “bài toán” sông Mekong nói chung và ĐBSCL nói riêng? Họ cần có “cơ chế” gì để tiếng nói thực sự đạt hiệu quả?
Tuy chưa có dịp được gặp hết, chúng tôi vẫn theo dõi sinh hoạt của các nhà khoa học Việt Nam từ những năm qua. Họ đã và đang phải làm việc trong những điều kiện vô cùng khó khăn, nhưng nỗ lực của các anh chị ấy để cất tiếng nói bảo vệ một hệ sinh thái lành mạnh cho Việt Nam, tuy thầm lặng, đã được nhiều người biết đến. Từ bên ngoài, chúng tôi luôn quan niệm “bài toán” sông Mekong và cứu nguy ĐBSCL phải từ các nhà khoa học và giới trẻ trong nước. Việt Nam không hề thiếu chất xám nhưng giới khoa học ấy không có phương tiện, không có tự do hoạt động ngay cả trong môi trường đại học. Có thể đi tới một kết luận: “dân chủ và môi sinh” phải là bộ đôi không thể tách rời.
Tôi cũng cho rằng, cứu vãn được nhịp đập của “trái tim Biển Hồ” là giải pháp khả thi cứu nguy cho các vùng châu thổ Tonle Sap của Campuchia và ĐBSCL của Việt Nam, dĩ nhiên với cái giá rất cao mà Việt Nam không thể không hợp tác với Campuchia đầu tư vào.
Ông có một kho dữ liệu quý về văn hóa, lịch sử, môi trường… liên quan đến 4.800km dòng Mekong, từ Tây Tạng đổ xuống Biển Đông, nơi hơn 65 triệu cư dân sinh sống. Đó là những tư liệu chuyên ngành chẳng liên quan gì đến nghề bác sĩ của ông cả. Nên nếu được tự nói về mình, ông nhận mình là một bác sĩ, nhà văn, nhà báo, hay là một nhà khoa học?
Tốt nghiệp Y khoa Sài Gòn năm 1968, hành nghề y khoa trong nước rồi ra hải ngoại hơn 40 năm, y khoa đã như một phần đời sống không dễ tách rời của tôi. Khi còn là sinh viên, tôi viết văn, làm báo, hoạt động xã hội cùng với những người trẻ đồng trang lứa. Thế hệ chúng tôi không chỉ có học tập mà còn rất quan tâm tới các vấn đề đất nước, riêng tôi về sau này còn có mối quan tâm đặc biệt tới các vấn đề môi sinh, trong đó có con sông Mekong và ĐBSCL. Cùng với nhóm Bạn Cửu Long, chúng tôi đã thực sự khởi đầu hoạt động từ 1995, đến nay cũng đã 21 năm rồi. Tôi đã được gán cho nhiều căn cước khác nhau, nhưng một cách khái quát, nói như ký giả Long Ân, có lẽ đúng nhất tôi chỉ là con người xanh của môi sinh.

BS. Ngô Thế Vinh: Tốt nghiệp Y khoa Sài Gòn, làm báo sinh viên Tình thương, y sĩ liên đoàn 81 Biệt cách dù, bác sĩ nội trú các trường đại học New York, hiện là bác sĩ điều trị tại một bệnh viện Nam California, Mỹ. Cửu Long cạn dòng, Biển Đông dậy sóng là một dữ kiện tiểu thuyết liên quan tới môi sinh và phát triển lưu vực sông Mekong và ĐBSCL. Nối tiếp sau đó là ký sự Mekong dòng sông nghẽn mạch ra đời; bên cạnh bản tiếng Việt, ký sự này được dịch sang tiếng Anh, thu hút khá nhiều quan tâm của giới khoa học, nhà báo, nhà hoạt động môi trường thế giới…

 LÊ QUỲNH thực hiện
———-
Người Đô Thị, tháng 4.2016
(*) Tên bài trên bản báo giấy: “Vũ khí giải cứu Mekong: chất xám và tiếng nói”

Đêm Sâu Tuệ Sỹ

Đêm Sâu Tuệ Sỹ

Hoàng Quốc Bảo

Nhạc sĩ Hoàng Quốc Bảo (Ảnh: Internet)
Nghe Tịnh Tâm Khúc của Hoàng Quốc Bảo
Tứ tuyệt
Thâm dạ phong phiêu nghiệp ảnh tùy
Hiện tiền vi liễu lạc hoa phi
Tang bồng tâm sự tân toan lệ
Trí Hải đa tàm trúc loạn ly
(Tuệ Sỹ – Bùi Giáng)
Ðêm thẳm gió đùa trêu bóng nghiệp
Nương về làm liễu lạc hoa bay
Chí lớn trạnh lòng đau đáu lệ
Trúc loạn chưa lìa biển giác ai
(Hoàng Quốc Bảo dịch)
Tuệ Sỹ ngồi đó, chiếc bóng sậy gầy. Sững như một ngọn gió. Ðôi mắt tròn to, long lanh. Mãi long lanh với miệng cười. Như Niêm Hoa Vi Tiết. Bỗng ông bật dậy đi rót cốc nước lọc cho tôi, cho ông. Tôi im lặng dõi theo dáng nguòi nhỏ bé di động, lắng nghe tiếng vạt áo lam phất phất trong căn phòng nhỏ một buổi chiều. Rồi chắp tay cung kỉnh, thưa Thầy khoẻ không?
Miệng cười nở rộ hơn, ánh mắt tinh nghịch hơn, Tuệ Sỹ đáp như reo, anh thấy tôi khỏe không hè? Tôi cười nheo mắt, Thầy khoẻ con mừng.
Trông ông khỏe hơn mấy năm trước thật, lúc mới ra tù được đúng một tháng. Ngày ấy đầu ông như đóng trốc, da bọc sát sọ, mường tượng như Thế thân Thiền sư Vũ Khắc Minh, không ngồi kiết già nhập đại định ở chùa Ðậu nữa, mà đi lại, mà nói cười, nhập vào cơn huyễn mộng.
Nay da đầu đã nhuận thắm, những vết chốc ghẻ biến mất, nhưng cái ót sọ ông vẫn nhô ra quá khổ với thân mình. Quá khổ đối với thế tục. Chắc nó phải cứng, khiến bạo quyền lui lại.
Tuệ Sỹ luôn cười, bằng “đôi mắt ướt tuổi vàng cung trời hội cũ”. Con mắt to tròn rực sáng. Cái miện rộng và hàm răng trắn đều, thẳng tắp. Như gửi gấm cả chân tình vào đó. Ngay đến lúc ông chuyễn vãn, nhẹ nghiên đầu, ngón tay trỏ gầy guộc đưa lên, điểm xuyết cho từng nhận định, ôn tồn, nhu hậu.
Ðược ngồi mãi với Thầy cho đến tối. Khoảng 9 giờ, khi hồi chuông thong thả báo hiệu buổi công phu, cũng là giờ chùa Già Lam đóng cửa chúng tôi mới cáo biệt. Thầy lại hẹn hò. Nụ cười lại Niêm Hoa. Tiếng chuông lênh đênh giữa bóng cây sẫm màu trong vườn. Mấy vần thơ cũ lại hiện ra, như gió thoảng chậm rãi đi ngang qua sân chùa Già Lam.
Thâm dạ phong phiêu nghiệp ảnh tùy
Hiện tiền vi liễu lạc hoa phi…
Nghiệp lực của Bồ Tát, nhòa lẫn vào cộng nghiệp của chúng sanh. Như gió thoảng như mây trôi. Như nghiêm mật như cợt đùa. Giữa đêm sâu và sự tùy thuận. Ðêm càng sâu lòng càng lắng. Gió càng thoảng bóng hình càng phiêu diêu. Trật tự thiên nhiên lên tiếng, trùng trùng duyên khởi gọi mời.
Sự hiện hữu trong giây phút này, trước mặt cuộc đời, là hiển lộ, là mầu nhiệm nhất, nằm trong đường rơi của lá, nét bay của hoa. Không trước cũng chẳng sau. Cái hiện tiền ấy gói trọn cả tam thiên đại thiên thế giới, cả đêm cả ngày, cả hằng sa nghiệp dĩ. Cái tức thời ấy, có khác chi “đình tiền tạc dạ nhất chi mai” của Mãn Giác hôm nào. Vượt ra ngoài thời gian, vượt ra ngoài không gian, mà tóm gọn cả bốn chiều ấy vào làm một. Bất sinh bất diệt. Ấy luôn là lúc:
Ðêm thẳm gió đùa trêu bóng nghiệp
Nên…
Nương về làm liễu lạc hoa bay…
Không trước cũng không sau, lại chẳng không trước cũng chẳng không sau. Nghe ra như hình bóng phất phới của một tiết điệu Bát Nhã. Sắc bất dị Không, Không bất dị Sắc, Sắc tức thị Không, Không tức thị Sắc. Thọ, Tưởng, Hành, Thức, diệc phục như thị. Sắc chẳng khác gì Không, Không chẳng khác gì Sắc, Sắc chính thực là Không, Không chính thực là Sắc, bốn uẩn còn lại kia, Cảm thọ, Tư duy, Tâm hành, nhận Thức ấy cũng đều như vậy cả. Cho nên Nghiệp lực kia, trong sát na nhận thức trong suốt của tánh Không, đã dứt lìa mắt xích. Không còn chỗ bám víu, trầm mịch. Không còn chỗ đắc. Trí Huệ đã biến thành Từ Bi, Nghiệp Lực đã hóa ra Hạnh Nguyện của Bồ tát.
Bồ tát không mong dứt nghiệp mình, mà còn muốn đưa vai gánh vác lấy cộng nghiệp của chúng sinh. Cho nên Bùi Giáng làm Bồ Tát đọa, chịu đày xuống trần gian, lấy vui buồn, tỉnh mê của chốn gió bụi mà thị hiện:
Tang bồng tâm sự tân toan lệ,
Trí Hải đa tàm trúc loạn ly
Bùi Giáng đã thế, mà Tuệ Sỹ cũng vậy. Xin nghiêm nghị đứng nép vào chỗ của Tuệ Sỹ mà tạm dịch:
Chí lớn trạnh lòng đau đáu lệ
Trúc loạn chưa lìa biển Giác ai,
Lấy đau khổ của chúng sinh làm của mình.
Chí lớn trong thiên hạ ấy, sao nguôi được, lúc bao sinh linh còn chìm đắm trong tang tóc, đọa đầy?
Sao nguôi được mà chả đau đáu lệ, chạy ngược vào hồn u uẩn của quê hương?
Nhưng đằng sau dâu trúc khô héo, nghiêng ngả loạn ly kia, vẫn mang mang một biển Giác. Tướng trạng có oan khiên nhưng Tánh Giác vẫn làu sáng, vẫn thanh tịnh. Một người đã bảo một người, cứ phiêu hốt đi qua cuộc đời, lúc nào cũng mỉm cười tựa Niêm Hoa Vi tiếu, cho dù có lúc là đằm đằm ngang qua một đám tang, giữa những kêu gào thảm thiết của nhân thế; có lúc là im lìm lạnh lẽo, giữa bốn bức tường vôi ủ rũ ngục tù. Mà thế nhân có thấy như vậy được đâu.
Có kẻ nói với tôi rằng, không thích cái cung cách bỡn cợt thiếu tôn kính của Thi sĩ họ Bùi nọ đối với một danh Tăng. Quả đấy là cố tật mê thích thần thánh hóa của một số tín đồ muốn đóng khung niềm tin bao trùm lên trên bến giác. Sự sau mê tin tưởng ấy không ít ở một số người, chia bè kết phái, như hai ông Tăng nọ mải mê cãi nhau về cái động. Ông cho rằng phướng động, ông cho rằng gió động. Lục Tổ tạng ngang cười bảo tâm hai ngài động đấy thôi.
Cho nên Thi sĩ họ Bùi có ngạo nghễ bỡn cợt, thì cái bỡn cợt ấy không phải tầm thường, không phải chỗ để cho người trần mắt thịt chúng ta chen chân tìm miếng thị phi. Kẻ nhân nghĩa thấy nơi đâu cũng đầy nhân nghĩa, ngay giữa gươmg giáo loạn cuồng, và ngược lại Nhất là làm Thi nhân, với đôi mắt ở đây mà thấy những đâu đâu, như Bùi Giác đã hồn nhiên thơ dại, như đại sư Tuệ Sỹ vẫn thơ dại hồn nhiên, vượt ra ngoài cái cảm thọ ngắn ngủi, vô thường:
Khổ thọ và lạc thọ
Như mây trời theo gió
Hơi thở là giây leo
Thuyền về nơi bến cũ...
(Nhất Hạnh)
Ta hãy đọc lại bài thơ Tứ tuyệt nọ, hai câu đầu của Tuệ Sỹ, hai câu sau của Bùi Giáng, để thành độc nhất vô nhị một bài thơ, một bài Tứ tuyệt:
Thâm dạ phong phiêu nghiệp ảnh tùy
Hiện tiền vi liễu lạc hoa phi
Tang bồng tâm sự tân toan lệ
Trí Hải đa tàm trúc loạn ly
Có hỏi Tuệ Sỹ thì vẫn nụ cười cố hữu, vẫn là câu trả lời rất mực thành thật, hồn nhiên: Hồi đó chỉ làm chơi chơi vậy mà…
Thì cả cuộc tồn sinh này có lấy gì làm thật? Chẳng là giả tưởng cả đấy sao? Lọ là phải vấn đáp. Hóa ra chỉ là cái cớ, cho những Thi sĩ làm xiếc, đu bay.
Cái cớ để đề, cái cớ để thuyết.
Cái cớ để du, cái cớ để dịch:
Ðêm thẳm gió đuà trêu bóng nghiệp
Nương về làm liễu lạc hoa bay
Chí lớn trạng lòng đau đáu lệ
Trúc loạn chưa lìa biển Giác ai.
Hóa cho nên cái Bi của bậc đại Từ rộng lớn trùm khắp thiên hạ, tùy thuận vào cái đau chung của thiên hạ, vẫn đau đáu, mà vẫn vô chấp, vô trước. Trí huệ sâu rộng như biển, nên dưới lớp sóng gió loạn cuồng kia, nước vẫn thanh tịnh thể tính. Vẫn vô quái ngại, viễn ly điên đảo mộng tưởng. Thật như thế nên nhiều học Tăng để sống còn, tránh né được sự dần sàng của chế độ, đã chẳng thốt nên thành lời ví cái ông thầy tu gầy ốm yếu nọ không biết sợ quỷ thần, là Kim cang bất hoại rồi… đấy sao.
Một bài tứ tuyệt thì có bốn câu. Có bốn câu nhưng Tứ không tuyệt. Như Bùi Giáng mượn làm “tiền đề” cho câu chuyện Tuệ Sỹ qua mắt Bùi Giáng trogn Ði Vào Cõi Thơ. Cõi thơ ấy, hôm nay chúng ta nghe bằng chính Tuệ Sỹ, cái giọng Nha Trang êm ả, ngoạt ngào. Bài thơ đã làm Bùi Giáng phải khiếp vía, hốt hoảng đến quên ăn, mất ngủ, đến tê cóng cả cõi dạ.
Đó là một buổi chiều khác, vẫn đôi mắt tròn to lấp lánh từ cõi mộng vào cuộc đời thực, đen láy ướt mượt như nhung, cái nụ cười hiền hiền cố hữu trên chiếc cổ cò chênh nghiêng, mảnh dẻ như nụ hoa trắng muốt điểm trên cành mai khẳng khiu, tỏa lan cái ấm áp vào hơi lạnh của cuộc đời tuyết giá, Tuệ Sỹ đọc:
Ðôi mắt ướt tuổi vàng khung trời hội cũ
Áo màu xanh không xanh mãi trên đồi hoang
Phút vội vã bỗng thấy mình du thử
Thắp đèn khuya ngồi kể chuyện trăng tàn
Từ núi lạnh đến biển im muôn thuở
Ðỉnh đá này và hạt muối đó chưa tan
Cười với nắng một ngày sao chóng thế
Nay mùa đông mai mùa hạ buồng chăng
Ðếm tóc bạc tuổi đời chưa đủ
Bụi đường dài gót mỏi đi quanh
Giờ ngó lại bốn vách tường ủ rũ
Suối rừng xa ngược nước xuôi ngàn
Trăng
Nay chúng ta cũng thêm chút tương chao, làm bữa cỗ “tiếp đề” cho cuộc du phương, vào cõi nhạc. Nhạc mà thơ, Chất chứa trong nhau cái tình tự lai láng.
Thêm một buổi chiều khác, trong quán ăn nhỏ mang tên gọi, khiến nhớ về cố quận. Nữ chủ nhân cũng có chỗ quen biết, trọng vọng danh tăng, thừa khéo léo, kín đáo tiếp chúng tôi cùng tăng nhân trên một căn gác riêng tây, để mọi người được phước báu ngồi quây lấy Thầy, được rưng rưng trong im lặng, được sảng khoái nói, được hồn nhiên cười.
Cái hứng đến bất chợt, khiến tôi nhớ bài thơ “Trăng” mới phổ nhạc gần đây, liền hát cho Tuệ Sỹ nghe, nhờ Thầy nhắc lời chỗ tôi không nhớ:
Nhà Ðạo nguyên không khách
Quanh năm bạn ánh đèn
Thẹn tình trăng liếc trộm
Bẽn lẽn nấp sau rèm.
Yêu nhau từ vạn kiếp
Nhìn nhau một thoáng qua
Nhà Ðạo nguyên không nói
Trăng buồn trăng đi xa…
(Tuệ Sỹ)
Tuệ Sỹ lại cười, ông không nói và chớp mắt. Vẫn “đôi mắt ướt tuổi vàng cung trời hội cũ,” thoáng qua trong bài thơ ngũ ngôn, bát cú. Chỉ thế thôi, ngắn ngủi mà lai láng. Thoáng nhìn… lai láng. Tình thơ… lai láng.
Ai bảo Thiền sư là tuyệt tình?
Nhưng cái Tình quả có khác.
Bài thơ quẩn quanh giữa hai người, mối tình quấn quít lấy hai người, hai nhân cách, một thực một mộng: Thiền chủ và Nguyệt nương.
Ta thử ngắm nhìn thật sâu sắc từng nhân vật này xem sao.
Nheo mắt lại, mường tượng ra Ðạo gia, đọ lấy câu đầu:
Nhà Ðạo nguyên không khách.
Một cự tuyệt đấy chăng?
Hay chỉ là một khẳng định, Khách thì có mà lòng đã Không rồi? Khách cứ đến, đi, cứ ra, vào. Thiền chủ vẫn sống, vẫn ăn, vẫn thở, vẫn vào, ra.
“Không khách” nghe ra chẳng cự tuyệt chút nào, mà chỉ là mở nhẹ cánh cửa vào ý thức giải thoát, không còn vướng bận chủ khách nữa, đã ung dung sống trong cảnh giới vô phân biệt, thoát khỏi đối đãi và chấp trước rồi. Dù trăng soi long lanh, hay Nguyệt dãi mơ màng, huyễn ảo cuộc đời đã không còn sôi nổi được nhau thêm nữa.
Cho nên Trăng Nguyệt ơi, đọc thêm câu sau:
Quanh năm bạn ánh đèn
thì xin cũng hiểu cho.
An bần lạc đạo đã thành nếp, vậy đừng khuấy động cảnh sống giản đơn, thanh bạch này mà chi. Tại sao vậy? Ấy bởi ngọn đèn kia đã thắp, đã lan tỏa ấm áp suốt cuộc đời, đã nguyện làm bó đuốc soi tỏ u minh, chuyển hóa thành Tâm đăng rực rỡ. Ngọn đèn ấy không tắt. Phật tánh trong mỗi chúng ta cũng vằng vặc đến nghìn thu.
Nhìn nhau một thoáng qua, như giấc mộng giữa cuộc đời. Nhưng vẫn bằng “đôi mắt ướt tuổi vàng cung trời hội cũ…” Nếu quả như thế thì chẳng “thoáng qua” một chút nào, mà dường như đã trông nhau tự vạn kiếp:
Yêu nhau từ vạn kiếp…
Cái vạn kiếp ấy là gì? mà chẳng rời, mà chẳng lưu luyến đến thế? Con chim kia vụt ngang trời không, trường giang có lưu ảnh? Mà sao in sũng trong đôi mắt buồn đến thế?
Ta đi hỏi vầng trăng vậy.
Bấy nhiêu đã đủ, mối tình xin đuợc ngọt ngào vào nhiên lặng. Nhà đạo nguyên… không nói, vì… hôm nay bạo dạn nói ra mất nửa rồi.
Mà quả có nói thêm nữa cũng không cùng. Vậy bặt ngôn ngữ, một nửa kia học thoái Hồ Tăng, bất khả thuyết.
Ta đi hỏi vầng Trăng, là tùng Tướng. Về cái chỗ không nói của nhà Ðạo nguyên, là nhập Tánh vậy.
Thẹn tình trăng liếc trộm
Bẽn lẽn nấp sau rèm
Từ khi trăng là nguyệt, từ khi em là Tướng sở tri bên ngoài, nên em không thật, nên em bẽn lẽn, nên em thẹn thuồng. Em nấp sau rèm mà liếc trộm bóng anh. Nên bóng anh mờ mờ nhân ảnh, nên Tình ấy nhòa nhạt giữa vô minh.
Yêu nhau từ vạn kiếp…
Vạn kiếp thì đằng đẵng, quẩn quanh trong vô minh kia. Ngay cả lúc tuởng tìm thấy nhau, em vẫn còn bẽn lẽn xa lạ, núp sau rèm, sau một màn vô minh ngăn cách nữa, nên chỉ nhìn được nhau thoáng qua, có thấy, như một lần chớp lóe.
Yêu nhau, ta yêu nhau từ vạn kiếp. Theo nhau, ta theo nhau từ vạn kiếp. Lầm lũi trong vô minh. Anh có lần nhắc với em về Nghiệp dĩ, lấy sanh tử làm chốn đi về. Cái mắt xích khít khao từ Vô minh đến Nghiệp. Nhưng có bao giờ em dám cắt lìa, đối diện với thực tướng ấy. Làm Trăng để em chịu đầy vơi. Làm Nguyệt để em vẫn đi về vạn kiếp.
Yêu nhau từ vạn kiếp
Nhìn nhau một thoáng qua
Nhà Ðạo nguyên không nói
Trăng buồn trăng đi xa
Ðến đi, đầy vơi ấy, trong im lặng một lúc nào, em nghe ra tiết điệu vô thường…
Án trăng thu trong e rực rỡ rồi tàn tạ, duy có đốm lửa trong tim anh là thiết tha, còn sáng mãi.
Tuệ Sỹ im lặng. Tuệ Sỹ cười bằng mắt. Xuyến xao cả cung trời hội cũ, từ đôi mắt chú điệu mở to đen nhánh quanh đuôi tóc xanh muớt vắt bên vành tai khi nghe bản Piano Sonata 14 giữa mùa trăng ấy, đến nay…
Ðếm tóc bạc tuổi đời chưa đủ
Bụi đường dài gót mỏi đi quanh
Giờ ngó lại bốn vách tường ủ rũ
Suối rừng xa ngược nước xuôi ngàn
Từ lúc hỏi vừng trăng lạnh, vân du đến mấy phương trời viễn mộng rồi, cũng theo Tướng mà đi. Khi trở về, yên lặng làm bạn với ánh đèn, vô phân biệt chủ khách, nhập cùng thể Tánh. Ta nên tôn trọng cái giây phút tĩnh mặc ấy, mà thôi khuấy động.
Mà Tướng với Tánh nào phải là hai
Mà trăng với đèn nào khác.
Giữa hồi chuông thu không dìu dặt, giữa nhịp Bát Nhã nhặt khoan lúc đêm về trong sân chùa Già Lam, hãy để cho Tuệ Sỹ nằm im trên võng ngắm vừng Nguyệt bạch.
… Sắc tức thị Không
Không tức thị Sắc…
Vào cho đến khi Trăng xa làm một với ánh Ðèn gần thì…
Trăng ơi, hãy cứ hát ca…(**)
Tháng 5, 2002.
Ghi chú:
(**) Trăng, thơ Tuệ Sỹ, nhạc Hoàng Quốc Bảo.

Saturday, March 14, 2020

Mekong đang chết, Việt Nam “chọn” gì?

Mekong đang chết, Việt Nam “chọn” gì?

Tình trạng hạn hán hạ lưu Mekong ngày càng nghiêm trọng. Việc chặn dòng Mekong với vô số con đập đã được cảnh báo liên tục nhưng sự bức tử Mekong không ngừng diễn ra. Trong năm nay, đập Luang Prabang tại Lào sẽ được khởi công, với sự tham gia của… Việt Nam. Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) đang rền rĩ câu vọng cổ thoi thóp chắc chắn trở nên bi thảm hơn một khi đập Luang Prabang ra đời…

Bức không ảnh chụp ngày 28-10-2019 cho thấy dòng Mekong cách đập Xayaburi hơn 185 dặm (297 km) trong tình trạng khô nước nghiêm trọng (National Geographic)


Những ngày cuối cùng của dòng Mekong hùng mãnh
New York Times (15-2-2020) cho biết, với khoảng hơn 10 con đập trong kế hoạch nằm rải rác hạ lưu Mekong cùng hàng trăm con đập khác tại các phụ lưu, đường sống của 60 triệu người đang bị bóp nghẹn, không chỉ đối với nông dân, ngư phủ mà cả người giàu và những kẻ quyền thế thu lợi từ thủy điện. Sự cạn kiệt phù sa và tình trạng dòng chảy bất thường khiến nông dân dùng nhiều phân hóa học và thuốc trừ sâu hơn càng gây nên vô số nguy hại cho môi trường lẫn con người. Việc vét cát cho các công trình đô thị cũng làm cho hệ sinh thái Mekong bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Brian Eyler, giám đốc chương trình Đông Nam Á thuộc Trung tâm Stimson, tác giả quyển Last Days of the Mighty Mekong, ghi nhận rằng bởi ảnh hưởng của các con đập, hiện tượng biến đổi khí hậu và khai thác cát, mỗi năm có đến 300.000 người Việt phải rời bỏ ĐBSCL trong vài năm gần đây. Nhiều khu vực ĐBSCL, nơi sinh sống của 20% dân số Việt Nam, đang “lún” xuống biển.

Sự bùng nổ các con đập vẫn là yếu tố quan trọng nhất khiến Mekong bị bức tử. Witoon Permpongsachareon – chủ tịch nhóm bảo vệ môi trường TERRA (Towards Ecological Recovery & Regional Alliance; trụ sở Bangkok) – nói: “Những con đập là mối đe dọa lớn nhất đối với Mekong và sự trong sạch môi trường. Xây một con đập chẳng khác nào bóp kẹp một động mạch trên cơ thể. Nếu máu không lưu thông, hẳn nhiên cơ thể bị tổn thương”.
Vấn đề nghiêm trọng ở chỗ, tất cả nguồn trữ nước của các con đập Trung Quốc đều nằm trên dòng chính của Mekong, trong khi hầu hết quốc gia khác đều xây đập ở những nhánh phụ Mekong. Sự bùng nổ các con đập vẫn là yếu tố quan trọng nhất khiến Mekong bị bức tử. Vấn đề nghiêm trọng ở chỗ, tất cả nguồn trữ nước của các con đập Trung Quốc đều nằm trên dòng chính của Mekong, trong khi hầu hết quốc gia khác đều xây đập ở những nhánh phụ Mekong. Ba con đập lớn nhất Trung Quốc – Nọa Trác Độ, Tiểu Loan, Mạn Loan – đang tác động trực tiếp đến dòng chảy tự nhiên theo mùa của Mekong. Với tổng cộng 11 con đập đang hoạt động trên dòng Mekong, Trung Quốc hiện  kiểm soát gần như tuyệt đối nhịp sống Mekong. Chỉ vài ngày chạy thử khi giảm ½ lượng nước xả từ đập Cảnh Hồng vào đầu tháng 1-2020, mực nước tại vài khu vực hạ lưu Mekong thấp đến mức như thể một số con sông đột nhiên biến mất (National Geographic 31-1-2020). Năm 2019 đã chứng kiến tình trạng tổn hại kinh tế nghiêm trọng suốt 2.390 km dọc hạ lưu Mekong. Mực nước năm 2019 được ghi nhận thấp nhất trong 50 năm (Reuters 6-2-2020). “Sa mạc hóa” Mekong là hình ảnh có thể nhìn thấy trước.

Hệ thống đập chằng chịt làm nghẹn thở dòng Mekong (Reuters)

Đập Xayaburi 1.200 MW chưa đủ, Lào chuẩn bị xây nhiều con đập khác. Vụ vỡ một con đập tại phía Nam Lào năm 2019 khiến ngập lụt diện rộng và làm thiệt mạng vài chục người vẫn không làm nước này chùn tay trong tham vọng trở thành “bình điện” Đông Nam Á. 15 năm qua, tính đến đầu năm 2020, Lào đã xây khoảng 50 đập và ít nhất 50 con đập khác trên dòng Mekong đang trong kế hoạch, chưa kể 288 đập dự kiến dựng tại hàng trăm con sông ở nước này. Nếu tất cả dự án trên hoàn thành, hệ thống đập chằng chịt có thể mang lại 27.000 MW cho Lào, từ 700 MW năm 2005.

Việt Nam “chọn cái ít dở nhất trong những cái dở” như thế nào?
Đáng chú ý nhất thời điểm này là dự án đập Luang Prabang. Chẳng phải tự nhiên mà trong bức thư gửi đại biểu Quốc hội thuộc các tỉnh miền Tây vào tháng 1-2020, chuyên gia đồng bằng sông Cửu Long, ông Ngô Thế Vinh – tác giả quyển Cửu Long cạn dòng, biển Đông dậy sóng – viết: “Chỉ còn hơn ba tháng nữa là hết hạn tiến trình Tham khảo Trước (10-2019 – 4-2020) cho dự án Luang Prabang. Nếu không có hành động tức thời và chuyển biến quyết liệt từ phía Việt Nam, lễ động thổ khởi công xây con đập Luang Prabang sẽ diễn ra vào tháng 4-2020. Đó sẽ là một ngày tang tóc cho toàn thể 20 triệu cư dân 13 tỉnh miền Tây mà vòng khăn tang đó lại do chính Nhà nước Việt Nam tự quấn lên đầu người dân mình”!
Ngày 4-11-2019, Bộ Tài nguyên Môi trường cùng Ủy ban sông Mekong Việt Nam (UBSMKVN) tổ chức hội thảo tham vấn quốc gia về dự án Luang Prabang. Tường thuật sự kiện này, báo Người Lao Động (5-11-2019) ghi: “Đánh giá về tác động của thủy điện này đối với vùng hạ lưu là Việt Nam, UBSMKVN cho rằng tác động của tổ hợp các công trình bậc thang thủy điện vùng hạ lưu sông Mê Kông rất nghiêm trọng… Các tài liệu phía Lào gửi chưa đánh giá toàn diện. Chưa tính toán dòng chảy sau công trình; chưa rõ quy trình vận hành hồ thủy điện cũng như hệ thống giám sát, dự báo; chưa đưa ra biến động dòng chảy hạ lưu và ngập lụt lòng hồ tác động hệ sinh thái ra sao, bảo tồn các loại cá… Việt Nam sẽ kiên quyết yêu cầu chủ đầu tư điều chỉnh thiết kế dự án, hoàn thiện các biện pháp giảm thiểu tác động, xây dựng các chương trình theo dõi, giám sát tác động bảo đảm các yêu cầu kỹ thuật của Ủy hội sông Mê Kông quốc tế trước khi xây dựng công trình”…
Toàn bộ bài báo Người Lao Động không nhắc đến chi tiết chủ đầu tư mà “Việt Nam sẽ kiên quyết yêu cầu” chính là… PetroVietnam. Trên Thanh Niên ngày 13-10-2019 (chín ngày sau hội thảo trên), chuyên gia môi trường Tô Vân Trường đã nói “rành mạch” hơn: “Nếu Việt Nam không thể cấm việc xây dựng thủy điện ở Lào thì nên chủ động tham gia yêu cầu họ từ khâu thiết kế đến quy trình vận hành”…
Cách nói của ông Tô Vân Trường cho thấy, có vẻ như hội thảo “xem xét” và “đánh giá” dự án đập Luang Prabang chỉ là hình thức. Thực tế thì Việt Nam đã “chọn cái ít dở nhất trong những cái dở” (như một câu trong bài viết của ông Tô Vân Trường), bằng việc đưa PetroVietnam tham gia như một trong những chủ đầu tư. Theo báo Tài Nguyên Môi Trường (4-11-2019), chủ đầu tư dự án Luang Prabang là công ty TNHH Năng lượng Luang Prabang của Lào, với hai cổ đông: Tổng Công ty Điện lực Dầu khí Việt Nam góp 38% vốn chủ sở hữu; Công ty TNHH PT của Lào giữ 37%; và Chính phủ Lào sở hữu 25% vốn.

Không chỉ ông Ngô Thế Vinh mới “cực đoan”, như bị chỉ trích khi lên tiếng về dự án Luang Prabang, trên Asia Sentinel (23-12-2019), cựu viên chức ngoại giao Mỹ David Brown cũng viết: “Con đập dự kiến tại Luang Prabang sẽ là một thảm họa chính trị tuyệt đối của Việt Nam”!
Ngay thời điểm này, đồng bằng sông Cửu Long đã không thể “chọn cái ít dở nhất trong những cái dở” vì nó đang chứng kiến những điều “không thể dở hơn”. Tờ Một Thế Giới (14-2-2020) cho biết, những ngày đầu tháng 2-2020, lượng nước Mekong đổ về ĐBSCL thấp hơn trung bình nhiều năm và cùng kỳ năm 2016. Hiện tượng ngập mặn đã xâm nhập vào các kênh rạch nội đồng ven sông Hậu. Bài báo cho biết thêm, “hạn hán và xâm nhập mặn đang gây thiếu nước nghiêm trọng khiến 3.600 hécta lúa ở huyện Long Phú, tỉnh Sóc Trăng có nguy cơ mất trắng. 26.000 hộ dân ở tỉnh này cũng đang thiếu nước sạch sử dụng. Trà Vinh có hơn 10.000 héc-ta lúa đông xuân thiếu nước tưới, khả năng mất trắng 50%. Bến Tre cũng đang bị nước mặn “bao vây”; hoạt động sản xuất và đời sống của người dân bị ảnh hưởng nặng nề…”.
Các biến động khí hậu dĩ nhiên ảnh hưởng ít nhiều đến đồng bằng sông Cửu Long nhưng nguyên nhân Mekong bị bít dòng chảy bởi cơ man con đập là điều không thể phủ nhận. Sắp tới đây, các tỉnh miền Tây Việt Nam như thế nào nữa một khi đập Luang Prabang ra đời, với sự “đóng góp” đầu tư của chính Việt Nam? Những người ủng hộ nói rằng, việc tham gia dự án Luang Prabang sẽ giúp Việt Nam kiểm soát được thiết kế sao cho giảm thiểu tối đa mức độ ảnh hưởng đối với ĐBSCL.

Xayaburi chặn ngang dòng Mekong (AFP)


Tuy nhiên, cần tham khảo thêm, chủ đầu tư đập Xayaburi, công ty Thái Lan CK Power, cho biết họ đã chi hơn 600 triệu USD để hạn chế những ảnh hưởng tiêu cực, trong đó có việc dựng các “bậc thang” cho cá và lắp hệ thống cổng để trầm tích có thể lọt qua. Tuy nhiên, ngay sau khi Xayaburi hoạt động (tháng 10-2019), màu nâu chocolate thông thường của Mekong đã biến thành màu xanh dương trong vắt tại các khu vực cực Nam – dấu hiệu cho thấy trầm tích nâu giàu phù sa đã bị biến mất.
Tình trạng như vậy được gọi là “nước đói” (“hungry water”). Do không chứa trầm tích nên “nước đói” có dòng chảy cực mạnh, mang đến sự phá hoại kinh khủng khi nó ăn lở vào bờ và gây sụp lún. “Nước đói” đang dịch chuyển nhanh vào Campuchia. Chẳng phải tự nhiên mà con hồ lớn nhất Đông Nam Á, Tonle Sap, mệnh danh “nhịp đập con tim của Mekong”, đang khô cạn chết mòn. Thông thường, mỗi năm Tonle Sap có thể được khai thác ít nhất 500.000 tấn cá (nhiều hơn tất cả con sông và hồ ở Bắc Mỹ cộng lại). Năm 2019, nước từ Mekong chảy vào Tonle Sap muộn và rút đi rất nhanh đến mức phần lớn hồ chưa kịp đầy. Hậu quả, cá chết tràn lan vì nước cạn và thiếu oxy. Theo một ghi nhận, lượng đánh bắt cá ở Tonle Sap đã giảm 90%! (National Geographic, nđd).
Chừng nào “nước đói” tràn ngập ĐBSCL? Câu chuyện công ty Thái Lan CK Power liên quan Xayaburi có là “kinh nghiệm” cho Việt Nam trong dự án Luang Prabang? Tham gia dự án Luang Prabang, PetroVietnam thu được bao nhiêu, so với bức tranh bi thảm khốc liệt mà hàng triệu người ĐBSCL có thể gánh chịu?

Cửu Long Cạn Dòng Biển Đông Dậy Sóng - Một Chút Riêng Tư

Ngô Thế Vinh: Thay Lời Dẫn Kỳ Tái Bản Lần 2 (CLCD-BĐDS), Một Chút Riêng Tư

Bác sĩ Ngô Thế Vinh (Ảnh: Uyên Nguyên)
Cửu Long Cạn Dòng Biển Đông Dậy Sóng một dữ kiện tiểu thuyết do Văn Nghệ xuất bản lần đầu tiên năm 2000, tái bản năm 2001 và sau đó đã tuyệt bản. Mekong Dòng Sông Nghẽn Mạch một ký sự doVăn Nghệ Mới xuất bản tháng 03-2007 và sau 9 tháng sách được tái bản, cùng với một audiobook với giọng đọc thuần Nam Bộ của Ánh Nguyệt, nhạc đệm của Đoàn Văn nghệ Dân tộc Lạc Hồng, phần hòa âm do Tuấn Thảo phụ trách. Một bản tiếng Anh cũng đã hoàn tất, sẽ ra mắt trong một tương lai gần.
Đây là ấn bản thứ ba 2008 của cuốn CLCDBĐDS với nhiều hình ảnh mới và thông tin cập nhật. Tác phẩm tuy được viết từ trước năm 2000, nhưng vẫn còn nguyên vẹn tính thời sự.
Trung Quốc thì vẫn không ngừng xây những con đập bậc thềm khổng lồ Vân Nam trên một vùng địa chấn không ổn định. Với các trận động đất trên quy mô lớn nơi hai tỉnh Tứ Xuyên và Vân Nam vừa qua, không thể không gây lo ngại về thảm họa một cơn hồng thủy do vỡ đập đối với các quốc gia hạ nguồn.
Rồi lại một kế hoạch không kém táo bạo có tên “Dự án Cải thiện Thủy lộ Thượng nguồn sông Mekong” cũng của Trung Quốc qua việc dùng chất nổ/ dynamite phá vỡ những khối đá trên các khúc sông nhiều ghềnh thác rồi cho tàu vét / backhoe dồn xuống những hố sâu để mở rộng lòng sông từ Vân Nam xuống tới Lào để cho những con tàu trọng tải từ 500 tới 700 tấn chở đầy hàng hóa thặng dư của Trung Quốc dễ dàng di chuyển từ giang cảng Tư Mao xuống tới tận Chiang Khong Chang Sean Thái Lan và xa hơn nữa xuống tới Luang Prabang và thủ đô Vạn Tượng Lào và trên đường về sẽ chở những nguyên liệu và khoáng sản đáp ứng nhu cầu phát triển nhảy vọt của Trung Quốc. Và ngay những bước đầu triển khai kế hoạch đã giết hại vô số loài cá, gây ảnh hưởng nghiêm trọng trên sự cân bằng thủy học với dòng nước chảy nhanh và siết hơn gây xụp lở hai bên bờ sông hủy hoại các loại hoa màu trồng ven sông gây tác hại tức thời trên sinh cảnh và đời sống cư dân hạ nguồn.
Thế rồi chỉ hai ngày trước khi bước sang năm 2007, thêm một sự kiện đã gây chấn động cho các nhà hoạt động bảo vệ môi sinh khi Tân Hoa Xã loan tin, ngày 29-12-2006, lần đầu tiên Bắc Kinh đã hoàn tất hai chuyến tàu tải đường sông chở 300 tấn dầu thô xuất phát từ cảng Chiang Rai bắc Thái lên tới giang cảng Cảnh Hồng tỉnh Vân Nam.
Tiếp theo chuỗi những con đập thủy điện bậc thềm khổng lồ Vân Nam đã và đang gây tác hại trên đời sống của hơn 60 triệu cư dân hạ nguồn, thì sự kiện này được coi như thêm một đòn giáng chí tử trên sinh mệnh của con sông Mekong, khi dòng sông được khai thác sử dụng như một thủy lộ chiến lược vận chuyển dầu khí từ Trung Đông tiếp tế cho các tỉnh vùng kỹ nghệ tây nam Trung Quốc thay vì phải đi qua eo biển Malacca.
Và rồi chỉ mới đây thôi, Biển Đông lại có nguy cơ dậy sóng khi Quốc Vụ viện Trung Quốc ngày 03 tháng 12 năm 2007, đã phê chuẩn việc thành lập huyện Tam Sa trực thuộc tỉnh Hải Nam bao gồm cả hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam. Bắc Kinh đã thực sự khống chế toàn vùng Biển Đông chỉ với lý lẽ của kẻ mạnh. Chính B.A.Hamzak giám đốc Viện Nghiên Cứu Hàng Hải Mã Lai đã là tác giả của một từ ngữ rất gợi hình: “Tây Tạng Hóa Biển Đông” được báo chí và giới ngoại giao sử dụng khi nói tới tình huống các nước Đông Nam Á một hôm thức dậy thấy Biển Đông đã nằm trong tay Hoa Lục giống như cảnh ngộ của quốc gia Tây Tạng vào thập niên 1950.
Với cái nhìn toàn cảnh trong mối tương quan toàn vùng, để thấy rằng cho dù là một dòng sông – sông Mekong, hay Biển Đông với các hải đảo hay là vùng biên giới trên đất liền, thì chủ đề nhất quán của tác phẩm vẫn là “mối đe dọa – như một ám ảnh lịch sử, do tham vọng bành trướng không ngưng nghỉ của nước lớn Trung Quốc”. Và nan đề của Việt Nam bước sang Thế kỷ 21 vẫn là Trung Quốc chứ không phải giữa những người Việt với nhau.
Thêm một chút riêng tư cho lời dẫn kỳ tái bản lần này. Trong chuyến trở lại thăm Đồng Bằng Sông Cửu Long tháng 09/ 2006, tôi có dịp được gặp nhà văn Sơn Nam. Sau lần bị tai nạn gãy xương đùi, tuy đã được phẫu thuật chỉnh hình nhưng sự đi lại của Bác vẫn khó khăn, sức khoẻ thể lực suy yếu nhưng trí tuệ của Bác thì rất minh mẫn. Tuy là lần đầu tiên được gặp, nhưng “văn kỳ thanh” do đã được đọc có thể nói gần toàn bộ những tác phẩm của “ông già người Việt trong xóm Miên – như ý nghĩa bút hiệu Sơn Nam” viết về Miền Tây Nam Bộ. Trong lần gặp ấy, tôi có đem về từ Mỹ bộ DVD phim “Mùa Len Trâu” của đạo diễn Nguyễn Võ Nghiêm Minh phỏng theo một truyện ngắn trong tác phẩm “Hương Rừng Cà Mau” để tặng bác. Bác rất vui và cho biết Bác cũng đã hơn một lần đọc cuốn CLCDBĐDS. Bác cầm trên tay cuốn sách ấn bản lần hai của Nhà Xuất Bản Văn Nghệ với bìa ngoài đã khá cũ. Bác nhắc lại một gợi ý trước đây là nên phổ biến cuốn sách ở Việt Nam và nếu có thể thì tới ở với Bác chừng ít ngày để cùng duyệt lại nội dung cuốn sách. Nhưng rồi đã không có cơ hội đó cho đến ngày bác mất ở tuổi 82 [13-08-2008], Con Chim Quyên Sơn Nam đã cất cánh bay cao và chẳng còn đâu một ông già Nam Bộ kề cà kể Chuyện Xưa Tích Cũ về một vùng đất thời khẩn hoang mà chắc còn nhiều điều chưa kịp viết ra, và các thế hệ sau cũng không bao giờ còn cơ hội được biết tới.
Về cuốn sách CLCDBĐDS, tôi và có lẽ cả nhà văn Sơn Nam cùng hiểu rất rõ rằng với một nội dung nguyên vẹn không cắt xén – như một nguyên tắc, lại đụng tới những vấn đề nhậy cảm nhất là với nước lớn Trung Quốc, tác phẩm ấy sẽ không thể nào xuất bản được ở Việt Nam trong một tương lai gần khi mà bối cảnh chánh trị vẫn không có ổn định và cả chưa có tự do ngôn luận như hiện tại.
Vẫn từ hải ngoại, những giòng chữ viết này cho ấn bản lần thứ ba xin gửi tới nhà văn Sơn Nam như một tỏ lòng tưỏng nhớ, nhớ tới những trang sách viết của Bác về một nền Văn Minh Miệt Vườn tuy với một lịch sử còn rất non trẻ nhưng lại đang có nguy cơ vĩnh viễn trở thành quá khứ.
NGÔ THẾ VINH
California 10 / 2008

Nguồn: Uyên Nguyên