Thursday, March 5, 2020

Tuệ Sỹ: Tư Tưởng Là Gì?

Tuệ Sỹ: Tư Tưởng Là Gì?

Tư tưởng không dẫn đến kiến thức như là khoa học;
Tư tưởng không mang lại một sự khôn ngoan có ích cho sự xử thế;
Tư tưởng không giải quyết một bí ẩn nào của Thế giới;
Tư tưởng không trực tiếp mang lại những thế lực cho hành động.
M. HEIDEGGER Qu’ appelle-t-on Penser[1]
Để đi vào lãnh vực thâm sâu và tăm tối mà ở đó câu hỏi trong tiêu đề của bài này được nêu lên, chúng ta hãy lấy thí dụ.
Tạp chí này mang nhãn hiệu Là TƯ TƯỞNG. Và trong những số của bộ mới, mỗi số trình bày một chủ đề. Cố nhiên, tất cả chúng ta đều hiểu rõ rằng mỗi chủ đề đều mang một ý hướng nào đó. Nếu chúng ta có thể nói rõ hơn, thì trên mọi ý hướng, cái ý hướng then chốt là «đặt lại giá trị của…» Nói khác đi, đó là cái ý hướng nhằm phả hủy những giá trị đã cũ của một cái gì đó và mang lại cho cái gì ấy một giá trị mới. Phải chăng giá trị của một sự thể chính là biểu lộ bản tính của sự thể ấy; biểu lộ như là xuất hiện, hiện diện với Hiện tại?
Trong bước đầu của sự đặt lại, cái ý niệm về sự đặt lại đã hàm ngụ rằng vấn đề được đặt ra đã hiện diện, đã gây một ảnh hưởng nào đó trên đời sống tri thức của chúng ta, và nói rộng thêm, trên đời sống thực hành của chúng ta. Cái có thể gây ra một ảnh hưởng như thế chắc chắn là cái xuất hiện với tư cách một chủ thể tác động. Cái làm cho chủ thể tác động có thể xuất hiện để mà tác động được gọi là THỂ tính. Cái đó không là gì cả; chúng ta không thể nhìn thấy nó trong toàn thể tính của nó từ một thời phần hay một phương vị nào đó; nhưng vì điều chắc chắn đối với ta rằng cái đó nó đã gây nên một hiệu quả mà chúng ta có thể nhận ra được, cho nên chúng ta biết rằng có cái đó. Thể tính được biểu lộ bằng tác dụng của nó, nghĩa là bằng dự tính. Và, tác động ấy được nhận ra bằng hiệu quả của nó. Trong chiều hướng này, sự biểu lộ của Thể tính, đối với chúng ta; cũng là sự biểu lộ của cái đã xong, đã tựu thành.
Như vậy, đặt lại giá trị của một cái gì đó cũng có nghĩa là đặt lại một thể tính đã xong. Sự đặt lại như vậy cũng có nghĩa như là sự di chuyển. Chúng ta di chuyển một thể tính đã xong từ vị trí này sang vị trí khác; bởi vì, trước kia nó đã được đặt không đúng chỗ.
Chúng ta gọi cái chưa xong là khả thể và cái đã xong là hữu thể.Thể tính đã xong là hữu thể (étant); đó là thể tính luôn luôn như thế. Chúng ta không bằng lòng về hũu thể đó; chúng ta không bằng lòng về tác động mà nó gây ảnh hưởng trên đời sống hiện tại của mình, cho nên chúng ta muốn sửa đổi nó. Bởi vì nó luôn luôn như thế, nên chúng ta chỉ có thể sửa chứ không thể đổi, nghĩa là chúng ta sửa lại vị trí của nó. Hoặc giả, đổi ở đây cũng mang ý nghĩa thay đổi, tức là thay thế cái này bằng một cái khác, thay thế hữu thể này bằng hữu thể khác.Trong ngôn ngữ thường nhật, khi chúng ta nói rằng: «kẻ ấy đã làm xong cuộc đời của nó», là chúng ta muốn nói rằng kẻ ấy đã chết; bất cứ chết theo nghĩa nào:
Thôi còn chi nữa mà mong.
Đời người đến thế là xong một đời.
(Kiều)
Đời sống được coi là chấm dứt. Cái chưa đến không trông mong gì nó sẽ đến, vĩnh viễn sẽ không đến, cho nên cái đã qua cũng vĩnh viễn qua luôn. Những ngày còn lại là một cuộc phấn đấu cho cái đã qua trở lại, trở lại trong sự phản phục miên trường. Không trở lại như là cái đã xong và đã mất nay trở lại. Nghĩ rằng mình đã chết, nhưng vẫn thấy rằng mình đang sống. Cái gì chứng tỏ cho ý thức rằng dù là đã chết nhưng lại đang sống; cái gì biểu lộ cho một tổng hợp kỳ diệu của đời sống như thế ? Ấy là:
Chữ trinh còn một chút này.
(Kiều)
Tấm lòng trinh bạch thì đã chừa từ lâu, nhưng chữ trinh thì lại vẫn còn mãi mãi. Thể tính tự biểu lộ trong sự khép mở của nó là thể tính của cái đến để mà đi, và đi là đi mất. Thể tính không biểu lộ thì không tồn tại, cho nên vẫn còn ở đó; không phải ở đó trong chiều hướng không và thời gian của tri thức thường nghiệm, mà ở đó là vì ở trong sự phơi mở- phơi mở nhưng không biểu lộ như là xuất hiện – của Thể tính. Nhưng con người đã không cưu mang thể tính trong vực thẳm tịch ngôn của nó; và thể tính bây giờ phải tự biểu lộ trong tư thế khép mở của nó. Từ đó, thể tính là cái xuất hiện một lần là xuất hiện vĩnh viễn. Đấy là thể tính của cái đã xong, cái đã chết.
Sự chết còn biểu lộ một sự hoang vu; chúng ta nói: «phong cảnh chết chóc» chính là muốn nói đến phong cảnh hoang vu. Phong cảnh hoang vu là nơi vắng bặt dấu vết của con người.
Chúng ta đặt lại một sự vụ, chính bởi sự vụ ấy đã và đang tạo nên một phong cảnh hoang vu không có bóng dáng con người trước mắt chúng ta. Chúng ta dời đổi sự vụ ấy đi nơi khác, và thay vào đó một sự vụ mới; dù sao, sự vụ mới mẻ này cũng phải là một sự vụ đã được làm xong, đã được thiết định xong. Chúng ta không ngớt đặt lại vấn đề, ngay cả trong đời sống thường nhật. Chúng ta cần có nhiều dữ kiện mới mẻ để đặt lại vấn đề. Dữ kiện dù có là mới mẻ cũng là cái đã xong. Thế giới của chúng ta được thiết định bằng tất cả những dũ kiện như thế; và như vậy, thế giới mà chúng ta đang sống trong đó là một sa mạc; «Sa mạc lớn dần… khổ thay cho những ai ôm giữ sa mạc.» (NIETZCHE, do Heidegger trích dẫn trong sđd)
Thế giới của chúng ta là một phong cảnh hoang vu không có bóng dáng của con người. Chúng ta sống và chỉ ý thức mình sống trong tương quan với hữu thể; chúng ta xử sự với hữu thể và hữu thể. Chúng ta tư tưởng, nghĩa là chúng ta cưu mang điều gì đó với tư cách là điều đã được thiết định như là dữ kiện.
Có một tấm lòng trinh bạch thì đã chừa rồi, nhưng còn một chữ trinh ở đâu? Chúng ta tư tưởng, nghĩa là cưu mang, cái đã qua. Sự đặt lại của chúng ta là nhắm đến một chủ đích ở phía trước, và cung cách đặt lại của chúng ta là lùi lại phía sau. Thể tính là một vực thẳm mịt mù. Chúng ta như những con chim đêm trước ánh sáng ban ngày. «L’Etre de i étant est le plus brillant, et pourtant nous ne le voyons pas du tout… »(Sdd.. tr. 85)
Tiếp tục thí dụ, chúng ta bước tới bước thứ hai.
Hành vi đặt lại của chúng ta bắt nguồn từ một tư tưởng nào đó, nghĩa là chúng ta đang tư tưởng. Chúng ta tư tưởng về hiện trạng thế giới chúng ta, và tư tưởng ấy thúc đẩy chúng ta hãy làm một cuộc sửa đổi thực tiễn; bắt đầu bằng sửa đổi lý thuyết rồi áp dụng lý thuyết vào thực hành.
Nói theo văn mạch kể từ trên thì chúng ta đang tư tưởng trong một thế giới hoang vu vắng bặt bóng người.
Cũng theo văn mạch ấy, và đây là điều có vẻ ngược ngạo, rằng chúng ta không tư tưởng. Chúng ta không tư tưởng vì chúng ta không là con người trong thể tính người. Chúng ta là con người của định nghĩa cổ điển: con người là con vật (có lý tính) L’homme est l’animal non encore déter­miné;l’ animal rationnel n‘ est pas encore mis dans la pléni­tude de son être. (Sdd. tr. 54)
Chúng ta không tư tưởng. không phải vì rằng chúng ta không có cái tư tưởng để mà tư tưởng, nhưng vì cái đó lẫn tránh chúng ta. Bởi vì cái tư tưởng đích thực thì ẩn dấu, lẫn khuất, không biểu lộ; cái biểu lộ chỉ là tác dụng, công dụng, của nó. Chúng ta đặt lại vấn đề; và chủ dích được nhắm đến là hiệu quả của cung cách đặt lại vấn đề sẽ xảy ra như thế nào. Mọi cái xuất hiện cho ta chỉ có ý nghĩa ở cái công dụng của nó, nghĩa là chúng xuất hiện với tư cách là Dung tính (Zuhandensein) chứ không như là Thể tính. Chúng ta tư tưởng, nói thế cũng có nghĩa là chúng ta cưu mang dụng tính, nghĩa là cưu mang tính cách ích dụng mà một sự thể, một vật hay một người, có thể mang lại cho ta. Nói cách khác, chúng ta cần đến những máy móc hơn là cần đến con người trong thể tính người của nó. Nếu chúng ta nói: chúng ta tư tưởng về cái tư tưởng, cố nhiên cái tư tưởng ấy xuất hiện trong thể tính của nó, dù là xuất hiện trong tư thế lẫn khuất, ẩn dấu của nó; nhưng thực sự, cái ấy không xuất hiện như là thể tính mà xuất hiện như là dụng tính, do đó, không phải rằng chúng ta đang tư tưởng mà thực sự là chúng ta đang tính toán.
Đặt lại vấn đề là nhắm đến một chủ đích nào đó ở phía trước, nhưng cung cách đặt lại thì lui về sau. Càng đặt lại, càng lui về sau (régression à l’infini). Ở đây chúng ta đang nói đến sự vắng bóng của con người, nghĩa là đang nói đến cái không-tư-tưởng. Và như thế, nếu nói ở đây chúng ta đang tư tưởng, thì cái tư tưởng để chúng ta tư tưởng là cái không tư tưởng. Đây là một bước nhảy lùi trong cung cách tư tưởng của chúng ta. Bước nhảy lùi ấy cũng nằm trong cung cách đặt lại vấn đề của chúng ta.
Bây giờ chúng ta trở lại thí dụ như trên dể có thể nói thêm về cái không tư tưởng ấy. Cái tư tưởng của chúng ta là cái không tư tưởng, bởi vì chúng ta đến với nó với nhãn hiệu của nó chứ không phải đến với chính nó. Nếu có thể nói rõ hơn, thì chúng ta đến với hiệu quả của nó chứ không với chính nó. Thí dụ của chúng ta là tờ báo TƯ TƯỞNG. Chữ tư tưởng ở đây là một nhãn hiệu, như nhãn hiệu thuốc bổ Révitalose chẳng hạn. Tác dụng của nhãn hiệu là mời gọi, nhưng không cần phải có người mời gọi. Một nhãn hiệu không mang một ý nghĩa nào hết, nhưng nó hứa hẹn một hiệu năng nào đó. Hiệu năng của Révitalose là bồi bổ sức khỏe chẳng hạn. Không có cái-Révitalose đích thực mà chỉ có nhãn hiệu Révilalose. Cũng thế, ở đây không có cái-TƯ TƯỞNG đích thực (authentique) mà chỉ có nhãn hiệu TƯ TƯỞNG. Chúng ta là một nhãn hiệu, một dấu hiệu, không có ý nghĩa. (Sdd. tr. 28 30).
Chúng ta đã đưa ra một thí dụ dài như trên hầu đủ để nhấn mạnh trên điểm nói rằng, như ngay ở lời mở đầu, lãnh vực tư tưởng là lãnh vực thâm sâu và tăm tối. Bởi vì những bước đi của chúng ta trong cung cách đặt lại vấn đề là những bước thụt lùi. Và bởi vì cái tư tưởng ở đây là cái không-tư-tưởng; lãnh vực của tư tưởng ở đây là lãnh vực không-tư-tưởng. Người viết TƯ TƯỞNG, người đọc TƯ TƯỞNG, tất cả đều chứng tỏ rằng nhãn hiệu TƯ TƯỞNG nói lên cái không tư tưởng. Tiến thêm một bước, nghĩa là thụt lùi một bước nữa, chúng ta nói, người đọc TƯ TƯỞNG và người viết TƯ TƯỞNG, tất cả đều mang cái-không-tư- tưởng lại cho TƯ TƯỞNG.
«Làm thế nào để đặt lại…?» Và nói rõ hơn: «Làm sao để đặt lại vấn đề ?» Câu hỏi của chúng ta mang hai khía cạnh: nó được diễn ra trong tính cách biểu lộ của cái được nói đến, và diễn ra trong chính thể tính của cái được nói đến. Tất cả những câu hỏi chỉ có thể hình thành nếu nó diễn ra trên một căn bản thể luận và chỉ được nhận thức bằng nhận thức thể luận (connaissance ontologique).
«Làm sao để đặt lại vấn đề?» Câu hỏi này không mang một hình thức thể luận (questioi ontologique), nhưng chắc chắn là nó được đặt trên căn bản thể luận (ontolgie fonda­mentale): bởi vì, nó là cung cách biểu lộ bằng tác dụng của một mệnh đề thể luận chứ không phải là thể tính của chính mệnh đề thể luận ấy.
Thế nào là một vấn đề, một câu hỏi, nghĩa là vấn đề được biểu lộ như thế nào? Nói một cách tổng quát: Cái ấy được biểu lộ như thế nào? Trên phạm vi vật thể luận (on- tique), Cái ấy được xác định như là hữu thể(étant); nghĩa là, Cái ấy, cái xuất hiện ở đó trong tính cách vĩnh viễn như thế là như thế (vĩnh viễn như bây giờ và ở đây, Nunc stant). Hữu thể ở đây được coi như là tồn thể, l’être-subsistant. Cái (hữu thể) được biểu lộ như thế mới có thể biểu lộ cho tri thức thường nghiệm. Tương quan giữa cái ấy và ta là một tương quan ngoại tại, tương quan giữa cái này nằm cạnh cái kia. Do đó ta như một chủ thể đặt vấn đề, và cái ấy, như là cái được hỏi, cả hai đều là những vật thể cố định; bởi do tính cách xuất hiện đó, cái này cạnh cái kia trong thế giới vật thể, tương quan giữa ta và cái ấy hoàn toàn là tương quan tác dụng; và bởi vậy, mọi câu hỏi của chúng ta đều nhắm đến công dụng của cái được hỏi. Ở đây là tác dụng trong một chiều hướng đã được thiết định xong, cho nên tương quan của nó cứng đọng như tương quan của các bộ phận trong một cái mày. Bởi vì ở đây là thể tính đã thiết định xong, thể tính cố dịnh, cho nên thể tính ấy không dung chứa nổi xúc cảm sâu xa của đời sống; cái xúc cảm biết mình sẽ chết và đang sống :
Tiền bất kiến cổ nhân
Hậu bất tri lai giả
Niệm thiên địa chi du du
Độc sảng nhiên nhi lệ hạ.
(Trần Tử Ngang)
Và đấy cũng là xúc cảm về một hình ảnh bất định màkhông gian và thời gian trong tri thức thường nghiệm không thể xác định nổi, nhưng chúng ta cảm nghiệm được bằng một tổng hợp kỳ diệu của nhận thức thể luận. Đấy là hình ảnh của một quá khứ bỗng nhiên sừng sững trong hiện lại âm thanh của nó vang vọng từ xa nhưng bóng đáng của nó mông lung như trước mặt:
Dường như bên ốc bên thềm
Tiếng Kiều đồng vọng bóng xiêm mơ màng.
(Kiều)
Cái bất định của một hình ảnh như thế cũng là tính cách bất định của thể tính. Thể tính là cái nhờ đó mà tính cách bất định có thể có, và ta có thể nhận thức được; mà thể tính ấy vẫn còn là một vực thẳm tịch nhiên. Về phía chúng ta, chúng ta chỉ nhìn qua tính cách bất định, rồi mới cảm nghiệm thể tính bất định của tịch nhiên bằng tương quan tác dụng:
Dường nhừ bên ốc bên thềm
Tiếng Kiều đồng vọng bóng xiêm mơ màng
Bởi lòng ghi tạc đá vàng
Tưởng nàng nên lại thấy nàng về đây.
(Kiều)
Nếu ta hiểu tương quan tác dụng ở đây trong lãnh vực giao hoán của xã hội, trong lãnh vực kiến thức khoa học, trong phạm vi xử thế, thì lời thơ ấy chỉ có thể là một lời thơ đẹp, một thứ đẹp hời hợt, không có chất sống. Và nếu phải nói có, thì đấy chỉ có sự sống trong một môi trường cố định. Từ đó, Daseinchỉ có thể hiện-thể trong một không gian ba chiều. Bởi vì, Daseinhiện thể trong một không gian ba chiều nên thể tính của hiện thể Dasein là một hiện thể vật thể. Đây là Dasein xuất hiện như là dữ kiện thường nghiệm, chứ không phải Dasein với tư cách là hiện thực con người xuất hiện trong nguồn suối lưu lộ của Thể tính. Dữ kiện thường nghiệm ấy là một vật thể không có sự sống, và bởi thế cái đẹp ở đây không lộ diện trong ánh sáng của Thể tính. «Cái đẹp là vận mệnh của thể tính chân lý, ở đó chân lý có nghĩa là sự bộc lộ của cái đang lẫn khuất.» (Sid. tr 31) Nhưng, cái đẹp ở đây, cái đẹp của dữ kiện thường nghiệm, không lộ diện trong ánh sáng của Thể tính, cho nên, Thể tính vẫn còn là một vực thẳm xa lạ, xa lạ theo nghĩa kỳ quái, không phải xa lạ theo nghĩa như là huyền thể nguyên sơ. Thực sự, đấy là một thứ hiện thể của hữu thể vật thế. Nghĩa là, bằng tương quan tác dụng được hiểu như vậy, chúng ta chỉ mới có thể nhận thấy được cái hiện hữu (qui, existence), nhưng không thấy được cái ấy hiện hữu bằng cách nào (quoi, subsistauce). Ngay trên bình diện vật thể luận, đối với chúng ta, hiện thể không xuất hiện, do thiếu cách thể xuất hiện của nó dù là xuất hiệnnhư một tồn thể, cho nên chúng ta không thể nhìn thấy hiện thể như là hiện thể  để rồi có thể đi đến nhận thức về Thể tính của hiện thể.(L‘ Être et leTemps, trang. 45).
Trong trình bày như thế, chúng ta cố gắng để nhận thấy rằng vấn đề được đặt lại thực ra chưa được đặt lại gì cả. Bởi vì chúng ta chưa đủ khả năng làm cho cái được đặt vấn đề xuất hiện với khả tính của chính nó.
Vả lại, một vấn đề không phải là một nghi đề. Một vấn đề cần phải có câu trả lời tương xứng, tức là ta làm sao để cho hiện thể tự trả lời. Hiện thể tự trả lời là cái được hỏi, cái ấy không mang một tiền đề ( présupposition) nào cả.
Nói một cách vắn tắt, chỉ trong viễn tượng thể tính, vấn đề mới có thể được đặt ra một cách đích thực. Ở đây, đối với chúng ta, Thể tính vẫn còn là một viễn tuợng mà thôi.
Không ý thức nổi sự vụ như thế, không cưu mang nổi sự vụ như thế, dù chúng ta có tha thiết vấn đề bao nhiêu, đây cũng chỉ là sự tha thiết hời hợt. Bởi vì tham vọng là hướng đến con người, nhưng vấn đề lại được đặt ra trong một thế giới hoang vu không có bóng dáng con người. Trong thế giới hoang vu không người ấy, chỉ có những câu hỏi được nêu lên mà không có một câu trả lời tương xứng nào đáp ứng cả. Với vấn đề được đặt ra như thế, làm sao chúng ta có thể nhận thức được hiện thể trong hiện hữu và yếu tính của nó? «Une question est une recherche qui s’efforce de connaitre l’étant selon son existence et son essence.» (l’Etre et le Temps, 2. La structure formelle de la question du sens de .l’Etre). Đặt lại vấn đề trong một khoảng trời mênh mông; không gò ép mình vào trong một thế giới chật hẹp; nói khác đi, không yên ngủ trong một mớ kiến thức làm bằng những dữ kiện; đấy chỉ là bước đầu để có thể thấy được vai trò hiện tượng luận của Heidegger trong viễn tượng truy tầm Thể tính. Bởi vì, về phía chúng ta, và trong trường hợp của chúng ta ở đây, cái được đặt lại là phenomenonvà cung cách đặt lại là logos; và bởi vì), ở đây, logos được hiểu theo nghĩa của động từ legein; và bởi vì thế, không những chúng ta có thể đặt lại vấn đề mà chúng ta còn có thể nói về sự vụ đặt lại ấy, trong ý nghĩa của leigein: legein ti kata tinos (Platon), = nói gì về cái gì là nêu lên, để xuống hay đặt ra cái gì đó, nghĩa là để cho cái đó tự bộc lộ. Danh mà có là do bởi sự; sự mà được bộc lộ là do bởi Danh. Danh là Lý, và Lý là Luận, đấy là Hiện tượng Luận. Hiện tượng luận ở đây không nhất thiết là nói về cái xuất hiện như là mô tả, không phải là hiện tượng luận theo nghĩa logos của phainomenon, mà theo nghĩa danh nêu lên sự và sự để ra danh, nghĩa là, không những chỉ là logos của phainomenon mà còn là phai- nomenon của logos. Chính ở trong chiều hướng của hiện tượng luận như thế chúng ta mới có thể đặt được một câu hỏi đích thực. Và như thế, chỉ có hiện thể Dasein với tư cách là hiện thực con người mới đủ khả tính và hiện tính để trả lời cho câu hỏi đích thực ấy mà không bị chi phối bởi bất cứ một tiền đề nào cả. Chỉ có con người trong Thể tính người mới đủ khả tính và hiện tính để bộc lộ tính thể con người; do đó, câu hỏi mới có thể có câu trả lời tương xứng.
Bấy giờ thì câu hỏi Tư tưởng là gì? cần phải đổi lại thể điệu của nó để có thể có câu trả lời tương xứng: Gọi tư tưởng là gì? Trong thể điệu mới này, chúng ta muốn gọi tên cái được hỏi; gọi tên, nhưng gọi sao cho xứng hợp với nó, để cho danh nêu lên sự và sự đề ra danh, với cung cách gọi tên như vậy, không những chỉ riêng ta gọi cái ấy đến để mà đặt tên cho nó, nhưng về phía nó, nó cũng mời gọi ta đến với nó trong danh lý (logos) của chính nó, nghĩa là nó mời gọi ta lên đường; bởi vì tư tưởng là con đường. Cũng như con đường mời gọi khách bộ hành đến để mà đi trên nó và do bởi nó được đi lên nên nó được gọi là con đường; cũng vậy, chúng ta cưu mang vận mệnh của hiện thể Dasein và do bởi Dasein tự bộc lộ nên ta mới có thể cưu mang, nghĩa là chúng ta mới có thể tư tưởng.
Tư tưởng là con đường; và bởi vì tư tưởng là con đường cho nên tư tưởng mời gọi ta hành động; và bởi vậy, do bởi hành vi tư tưởng, cho nên hành động mới mang một ý nghĩa mới. Nếu ta nói hành động là đời sống thì cũng vì thế mà đời sống lại diễn ra trong một chiều hướng mới. Ở đây, điều quan trọng trong hành động không phải là kỹ thuật, nhưng là làm sao để nhìn thấy ánh sáng Thể tính để mà hành động. Nghi-vấn-từ «làm sao» tất nhiên lại yêu cách một kỹ thuật nào đó. Tuy nhiên, tính thể của kỹ thuật lại không phải là kỹ thuật; bởi vì sự phối trí, cung cách phối trí ở đây không như trong một hộp cạt tông. Do đó, sự đặt lại của chúng ta mới không là công việc của chuyên viên người máy, đánh mất tính thể legein nên logos trở thành logique của những bàn hội nghị.
Đối với chuyên viên người máy, cung cách đặt vấn đề của chúng ta là một trò đùa không dẫn tới đâu cả. Với chúng ta, sự vụ ấy dẫn chúng ta lên đường để đến với cái đang mời gọi chúng ta lên đường.
Trong sự biến thiên của các câu hỏi như thế, trên cơ cấu (căn bản) thể luận, chúng ta nói, hiện thể (étant) xuất hiện cho chúng ta với tư cách là hữu thể tồn tại: existenlia có nghĩa lá être-subsistant (L’Être et le Temps, tr.4). Nói cách khác, hiện thể luôn luôn xuất hiện trong chiều hướng không gian không gian là sự xuất hiện của hiện thể. Nhưng do liên quan với Ta, ta như là hiện thể Dasein, mà vũ trụ không phải là một hộp cạt tông phối trí từng sự vật. «Ta ở ngoài vũ trụ, và vũ trụ ở trong ta», nói như Merleau-Ponty chẳng hạn. Chúng ta có thể ví vũ trụ như một quán trọ chứng kiến sự đi và đến của khách bộ hành là ta. Vũ trụ là quán trọ cho nên vũ trụ ởngay trong quán trọ. Nhưng để cho khách bộ hành có thể đến và đi với quán trọ, nên quán trọ chỉ nằm trong một khoảng nhỏ của vũ trụ. Chúng ta nói quán trọ ấy chứng kiến sự đi và đến của lữ khách, nói thế tức là nói rằng chính quán trọ ấy là ta. Lữ khách bấy giờ là hạt bụi từ trời đất mênh mông ngoài kia gió cuốn tạt vào quán trọ trong phút chốc, rồi lại theo gió bay đi. Xúc cảm về một cuộc sống phiêu hốt như thế, ấy bởi vì chính ta là quán trọ, chính ta là hạt bụi và cũng chính ta là cả trời đất nữa :
Thiên địa nhất nghịch lữ
Đồng bi vạn cổ trần.
(Lý Bạch)
Đấy là không gian tính giống như không gian của sự vật trong một tấm kính, và nói như Merleau-Ponty: (bởi vì thể tính của hiện thể chính là sự xuất hiện của nó. Nghĩa là, hiện tính là không gian tính, cho nên) mỗi đối tượng (mỗi sự vật xuất hiện trong tương quan với ta») là tấm gương phản chiếu tất cả những đối tượng khác. Chaque objet est le miroir de tous les autres. (Phénoménologie de Perception, tr.83)
Bởi vậy, theo quan điểm của một tri thức thường nghiệm, ta chỉ có thể như một hiện thể xuất hiện trong không gian cố định của hộp cạt tông, nhưng nếu quan điểm ấy được nâng lên hàng thể luận, và nói rằng chúng ta đứng trong một vị trí không gian là đứng trong tất cả vị trí không gian, thì sự xuất hiện của ta là một tổng hợp kỳ diệu. Ta xuất hiện ở đó mà đồng thời lại ở trong tất cả. Dasein, hiện thể được bộc lộ ở đó ở trong một vị trí của thời-không, mà đồng thời nó lại tự bộc lộ trong tất cả. Đấy là ý nghĩa của Dasein, hiện thể xuất hiện ở đó. Bởi vậy, Dasein, trong vận mệnh của nó, là một tổng hợp kỳ diệu, và chính do bởi tổng hợp này mà Thể luận tìm thấy căn cơ của nó.
Tóm lại, hiện thực con người được gọi là Dasein bởi không gian tính trong tính cách xuất hiện của nó. Dasein và vũ trụ của Dasein là một tổng hợp kỳ diệu. Bởi vì đấy là một tổng hợp kỳ diệu trên nền tảng thể luận, cho nên Thể tính phơi mở. Bởi sự phơi mở của Thể tính, cho nên hiện thể xuất hiện như là Tiếng Gọi. Đấy là Dụng của Thể, là Zuhandensein: Ce qui est zur Hand,c’est-à-dire «sous-la-main », possède une proximité. (L‘Êtrè et le Temps, tr. 102)
Thứ đến, bởi vì Dụng của Thể như là Thời tính chứ không phải là Dụng của Tồn thể, hay hiện thể tổng quát, tổng thể, cho nên sự phơi mở của Thể tính là sự Mời Gọi. Nghĩa là Tư Tưởng. Và bởi thế, thể điệu của câu hỏi Tư tưởng là gì? ở đây lại là Gọi tư tưởng là gì? thay vì Qu’est-ce que la Pensée? thì  đây lại là Qu‘ appelle-t-on Penser?
Thứ đến nữa, chúng đi vào Thể tính bằng Dụng của Thể tính, và nếu ta thực sự đủ khả răng để đi, ở đây đi bằng và đi trên con đường tư tưởng, thì chúng ta cũng cỏ thể có đủ khả năng mang lại cho hành động một ý nghĩa mới: đó là sự tựu thành tất mệnh của hiện thể Dasein trong ánh sáng của Thế tính.
Sau hết, chúng ta không thể trả lời thẳng cho câu hỏi tư tưởng là gì cho nên câu hỏi được đặt lại cách khác: Gọi tư tưởng là gì? Và câu hỏi cuối cùng này đề cập đến cung cách đặt vấn đề, lúc là, nó điển hình trong sự biểu lộ của hiện thể Dasein.
Nhưng, không thể hỏi hành động là gì? mà chỉ có thể hỏi để có câu trả lời tương xứng là hỏi rằng: làm thế nào để hành động? Chỉ có hành động mới trả lời tương xứng cho hành động. Như vậy, tất cả các câu hỏi của chúng ta không thể vượt ngoài yêu sách kỹ thuật, không thể vượt ngoài lãnh vực tư tưởng tính toán. Chúng ta chưa bắt gặp được bóng dáng con người, hỏi vì Dasein chưa xuất hiện trong sự tựu thành tất mệnh của nó. Bởi vậy:
Tư tưởng không dẫn đến kiến thức như là khoa học;
Tư tưởng không mang lại một sự khôn ngoan có ích cho sự xử thế;
Tư tưởng không giải quyết một bí ẩn nào của Thế giới;
Tư tưởng không trực tiếp mang lại những thế lực cho hành động.
Mà tư tưởng là Con Đường – là Đạo và là Tiếng Gọi mời ta lên đường. Chính bằng và trên Con Đường ấy chúng ta mới có thể bắt gặp được bóng dáng con người.
TUỆ SỸ
[1] Theo bản dịch Pháp văn của A. Becker và G. Granel : 2è -ed. PUF, Paris 19-67. Những ghi chú (sđd) ở sau đều chỉ cho tác phầm này.

Wednesday, March 4, 2020

Thiền Phật Giáo Phát Triển Trong Xã Hội Thiên Chúa Giáo

Thiền Phật Giáo Phát Triển Trong Xã Hội Thiên Chúa Giáo

Huỳnh Kim Quang dịch


Trong những quốc gia nói tiếng Tây Ban Nha, Phật Giáo nằm ngay giữa bối cảnh lịch sử Thiên Chúa Giáo. Mối quan hệ giữa hai nền văn hóa tôn giáo – Phật Giáo và Thiên Chúa Giáo – phủ lên một hình ảnh bao quát: từ chủ nghĩa bài xích nhau đến đối thoại hiệu quả, chuyển qua các cấp độ đa dạng của sự lãnh đạm nhau. Liên quan đến hai truyền thống tâm linh, Ana Maria Schlüter Rodés biểu hiện những gì bà gọi một cách chính xác là “song ngữ tôn giáo.”

Trong cuộc phỏng vấn với Daniel Millet Gil từ Buddhistdoor Global được dịch sang Anh ngữ và đăng trên trang mạng www.buddhistdoor.net hôm 27 tháng 2 năm 2020, Ana Maria nói về con đường tâm tinh và thực hành Thiền của bà trong bối cảnh Thiên Chúa Giáo.

Ana María Schlüter Rodés sinh ra tại Barcelona vào năm 1935 trong gia đình cha là người Đức và mẹ là người Tây Ban Nha. Bởi vì trong thời kỳ chiến tranh thế giới thứ 2, bà sống tại Đức từ năm 2 tuổi đến 14 tuổi, và tại Tây Ban Nha sau năm 1949. Bà học về triết học và văn chương tại Barcelona, Hamburg, và Freiburgim Breisgau (Đức), tại Nijmegen và Utrecht (Hòa Lan), sau đó bà học tiến sĩ tại Barcelona, với luận án về chủ đề “Why Do Some See and Others Look But Do Not See?” [Tại Sao Có Người Nhìn Thấy và Những Người Khác Nhìn Mà Không Thấy?] Kể từ năm 1958, bà đã là thành viên của tổ chức tôn giáo Women of Bethany, sống tại Hòa Lan, quốc gia mà tổ chức này được khai sinh, từ năm 1958 tới 1965.

Ana Maria là giảng sư về chủ nghĩa hòa đồng tại nhiều trường đại học Tây Ban Nha cho đến năm 1987, được mời bởi một giảng sư tại Viện Higher Pastoral Institute tại Madrid tại một cuộc họp về đoàn kết được tổ chức bởi ký giả Thụy Điển tại Sigtuna vào năm 1968. Lúc đó, bà sống tại một khu ngoại ô của Madrid, duy trì cam kết xã hội sâu sắc, gồm vai trò thư ký cho hiệp hội khu phố của bà.

Ana Maria trở thành phụ tá và thông dịch viên cho Thầy Dòng Tên và Thiền Sư Hugo Enomiya-Lassalle (1898–1990) vào năm 1976. Vào năm 1985, sau một thời gian dài ở tại Nhật, Yamada Kōun Roshi phong bà làm thầy dạy Thiền, và vài năm sau Kubota Jiun Roshi ấn chứng bà làm Thiền Sư. Cùng với nhiều đệ tử, bà sáng lập Trung Tâm Zendo Betania Centre tại Brihuega (Guadalajara của Tây Ban Nha), nơi bà sống kể từ năm 1988. Ngày nay, bà đồng hành cùng với nhiều người trên con đường Thiền tại Tây Ban Nha và Mễ Tây Cơ. Bà cũng phát biểu tại các cuộc hội nghị, đăng các bài viết và ấn hành sách.

Buddhistdoor en Español: Bà là tín đồ sùng đạo Thiên Chúa Giáo mà cũng là người thực hành và dạy Thiền. Xin cho chúng tôi biết về con đường tâm linh đã dẫn đưa một tín đồ Thiên Chúa Giáo trở thành được thừa nhận là một Thiền Sư.

Ana María Schlüter Rodés: Tôi có nhiều kỷ niệm không thể xóa nhòa về thời thơ ấu, như một bông hoa vàng nhỏ bé trong đám cỏ phủ sương mai, trong vườn của ông bà tôi. Và mùi thổ ngơi khi nhặt những hạt dẻ nằm trong những chiếc lá mùa thu rơi rụng trong một khu vườn cây hạt dẻ rậm rạp lấp lánh với những giọt nước, để đổi chúng lấy dầu rau cải. Sự huyền bí của lòng tử tế và mộc mạc, điều mà con người nhận ra trong một cành hoa và khu rừng… Rồi sau này, ký ức về một ngọn núi hoàn toàn bị che khuất trong mây và việc đi bộ trên cao từ sương mù đến một không gian đầy bí ẩn, dãy núi Montserrat. Một cuốn Kinh thánh rút gọn, trong số ít những cuốn sách nằm trên bệ cửa sổ, đã củng cố nhận thức của tôi rằng con người không bao giờ bị bỏ rơi và luôn được che chở, ở giữa mọi thứ, và kèm theo Vị nào đó chúc lành cho họ.

Những nghiên cứu và sự phát triển lý trí của tôi đã dẫn đến một thời kỳ khủng hoảng của “niềm tin đen tối” này, dựa vào kinh nghiệm mà chỉ có lý trí thì không thể giải thích. Cho đến khi tôi hiểu, nhờ Blaise Pascal (Pensées), rằng chức năng cao quý nhất của lý trí là nhận ra giới hạn của nó. Rồi thì, một điều rất sống động và đồng thời, một nhận thức rất đơn giản, vô hình, về Tình yêu của Chúa, có thể xảy ra.

Lúc này, thật là quan trọng trong cuộc đời tôi, dần dần vang lên 2 câu hỏi trong tôi:
1. Làm sao tôi có thể nuôi dưỡng kinh nghiệm này để nó già dặn?
2. Làm sao tôi có thể giúp người khác thức giác đối với hiện thực này?

Điều này dẫn tôi đến Cộng Đồng của Women of Bethany, một đời sống tận hiến giữa thế gian. Ở một phạm vi khác, tôi đã viết luận án tiến sĩ của tôi về đề tài “Tại Sao Một Số Người Nhìn Thấy và Những Người Khác Nhìn Nhưng Không Thấy?” Nhưng tôi đã không hoàn toàn tìm thấy điều mà tôi tìm kiếm cho đến khi tôi khám phá ra Thiền.

Tiếp xúc đầu tiên của tôi là với Thầy Dòng Tên Enomiya-Lassalle, nhà tiên phong trong đối thoại liên tôn giáo. Ông mở đường cho những tín đồ Thiên Chúa Giáo thực tập Thiền và là Thiền Sư Thiên Chúa Giáo được thừa nhận bởi Thiền Sư Phật Giáo Nhật Yamada Kōun Roshi. Ông đã dựng lên trung tâm Thiền được gọi là Shinmeikutsu (Cave of Divine Darkness – Hang Động Của Bóng Tối Thiên Thần). Ông đã đến Tây Ban Nha vào năm 1976, được mời bởi Ignacio Oñatibia, giáo sư thần học tại Vitoria (Xứ Basque) và cộng đồng tôn giáo Reparadoras de Los Molinos tại Madrid.

Enomiya-Lassalle đã làm việc với Nghị Hội Vatican Hai trong việc viết văn bản, chứa đựng trong tài liệu của hội đồng Ad Gentes, chương 18, viết rằng, “Cẩn thận xem xét cách tiếp nhận các truyền thống khổ hạnh và ẩn tu trong đời sống tôn giáo của tín đồ Thiên Chúa Giáo, mà hạt giống Thiên Chúa thường xuyên phân tán giữa các nền văn hóa xưa trước khi loan báo Tin Mừng.” Bản thảo đầu tiên đã nói rõ ràng về Thiền và yoga, dù sau đó, ông đã để nó mở ra cho nhiều truyền thống hơn.

Enomiya-Lassalle đã giới thiệu tôi cho Yamada Kōun Roshi và, sau khi trú lại một thời gian dài tại San’un Zendo ở Kamakura, Nhật Bản, ông đã chấp nhận cho tôi làm Thiền sư vào năm 1985.

BDE: Zendo Betania đã ra đời ra làm sao và chức năng của nó là gì?

AMSR: Cùng với các đệ tử của tôi, chúng tôi đã sáng lập ra Zendo Betania tại Brihuega, Tây Ban Nha. Chúng tôi nghiên cứu địa điểm hoàn hảo, được hướng dẫn bởi văn bản về Zazen Yojinki do Keizan Zenji viết rằng: “Trong một thung lũng độc lập… gần dòng nước sạch … gần con sông – dưới khu rừng … cách xa các trung tâm quyền lực và phồn thịnh, cách xa những người muốn đánh đấm và thống trị.” Hơn nữa trong trường hợp của chúng tôi, phải có đủ tài chánh và không cách xa trung tâm thành phố lớn hơn 90 kilômét, để chúng tôi có thể đi lại ở đó với tiện lợi tương đối, không phải là một tu viện nhưng mà là trung tâm Thiền nơi mà các tín đồ có thể đến, những người đã làm việc và sống tại Tây Ban Nha và xa hơn.

Qua tọa thiền, Zendo Betania nhắm mục đích giúp nhân loại hiện đại gặp lại nguồn gốc sâu thẳm của chính họ trong bầu không khí hòa đồng và tôn trọng tất cả mọi người và mọi niềm tin, và trong hòa điệu với niềm tin Thiên Chúa Giáo. Nó dẫn tới các dự án văn hóa và liên kết với những người và các dân tộc bị thiệt thòi, cả trong và ngoài Tây Ban Nha.

Sự gặp gỡ giữa Phật Giáo và Thiên Chúa Giáo là sự kiện lịch sử rất quan trọng trong thời đại của chúng ta. Nó có ý nghĩa cho nền hòa bình và sự tốt lành của nhân loại và Trái Đất.

Như trong tất cả các cuộc gặp gỡ thực sự của con người, đối thoại liên tôn giáo Phật Giáo-Thiên Chúa Giáo thay đổi cả hai bên, không bên nào đánh mất bản sắc của họ. Họ tìm thấy lại nó ở mức độ sâu hơn và nó còn làm cho họ cao thượng hơn. Vì lý do này, Phật tử phải thật sự là Phật tử và nhận ra mình như thế, và tín đồ Thiên Chúa Giáo thật sự là tín đồ Thiên Chúa Giáo, cũng nhận ra họ như thế.

Chỉ từ quan điểm này mới có thể hiểu được cuộc đối thoại giữa các tôn giáo; một cuộc đối thoại giữa hai truyền thống tâm linh trong một con người, như sự thật rằng tại Zendo Betania, những người Thiên Chúa Giáo thực hành Thiền mà không tạo ra một thứ Thiền Thiên Chúa Giáo hay một thứ Thiên Chúa Giáo Thiền.

Sự gặp gỡ giữa Thiền và niềm tin Thiên Chúa Giáo này tạo ra sự chuyển đổi gấp đôi: một mặt, nó làm cho khả dĩ đi vào quan điểm Thiền và, một mặt khác, nó dẫn tới sự khám phá chiều kích sâu hơn của chính niềm tin Thiên Chúa Giáo. Sâu xa hơn, niềm tin kiên định rằng Thần Thánh đang hiện diện trong tất cả con người với sự tốt lành. Những người Thiên Chúa Giáo, được khích lệ bởi Ngài, cảm thấy hạnh phúc vĩ đại mỗi khi họ nhận ra sự có mặt của Ngài trong nhân tính và điều này thức tỉnh trong họ sự ước muốn học hỏi từ mọi người và nhận biết và yêu thương Thượng Đế, Cha của tất cả chúng ta, sâu hơn và sâu hơn.

Nghị Hội Vatican Hai của Giáo Hội Công Giáo, đã được tổ chức vào năm 1965, cổ võ “rằng qua đối thoại và hợp tác với tín đồ các tôn giáo khác, thực hiện với sự thận trọng và lòng yêu thương và làm chứng cho đức tin và cuộc sống Thiên Chúa Giáo, họ nhận thức, bảo tồn, và khuyến khích các việc thiện, tâm linh và đạo đức, cũng như các giá trị xã hội-văn hóa được tìm thấy trong những người này.” (Nostra Aetate 2)

BDE: Bà có thể cho chúng tôi biết một chút về sự hiện hữu của tổ chức Zendo Betania tại Châu Mỹ La Tinh.

AMSR: Vào tháng 9 năm 1990, đáp ứng lời mời liên tục, tôi đã đến thành phố Mexico lần đầu tiên để giới thiệu Thiền, và tôi tiếp tục thăm viếng nơi này cho đến năm 2014. Sau 25 năm, trong thời gian mà Zendo Betania cũng đã được thành lập tại các thành phố khác, tôi đã chỉ định một người thẩm quyền để thay tôi tại các buổi giới thiệu và khóa thiền nhiếp tâm [sesshin] này. 2 người khác giúp những giới thiệu này, tại Mexico City và Nezahualcóyotl, riêng biệt. Lúc này, những liên lạc với tôi tiếp tục bằng Skype với các đệ tử và các nhóm địa phương, chủ yếu tại Mexico City, Nezahualcóyotl (một tiểu bang của Mexico), Monterrey (thủ phủ của tiểu bang Nuevo León) và Torreón (thủ phủ của tiểu bang Coahuila), cũng như lúc đầu tại Tampico. Nhiều đệ tử đã đến Brihuega tại Tây Ban Nha để nhận thêm huấn luyện.

Trong năm 2002, Pedro Flores, một thiền sư của Zendo Betania, đã đến Angentina và tiếp tục thăm viếng hằng năm cho đến năm 2018. Hiện nay Thiền tiếp tục có mặt ở đó, với nhiều nhóm tại Buenos Aires và tại Argentine Patagonia, với 2 người chịu trách nhiệm việc giới thiệu. Cũng có người từ Argentina là người đến Zendo Betania tại Tây Ban Nha. Có một đệ tử của Zendo Betania tại Bogota, Colombia, và những người đến từ nhiều quốc gia Châu Mỹ La Tinh đã tiếp xúc trực tiếp với tôi.

Trong năm 2016, một vị thầy của Zendo Betania, là người đã đến El Salvador, Guatemala, và Ecuador, tách ra từ Zendo Betania sau 30 năm và hiện thuộc dòng Thiền Sanbo.

Tam cá nguyệt san Pasos, được thực hiện bởi Phái Thiền Zendo Betania -- với số báo lưu hành nội bộ -- có nhiều mục tiêu chính về việc kéo dài sự hướng dẫn lộ trình đưa vào nhiếp tâm, và giúp xác lập con đường Thiền trong truyền thống văn hóa Tây Phương và Thiên Chúa Giáo.

BDE: Bà miêu tả Thiền như thế nào?

AMSR: Hiện tại, tôi hiến dâng tất cả cho công tác “tu luyện mảnh đất tâm,” để nó mẫn cảm và thâm nhập tới chiều sâu thẳm nhất của thực tại.

Tôi tin tưởng sâu sắc vào ánh sáng của tâm thức của tất cả mọi con người. 2 bậc đại nhân đã minh giải điều này rõ ràng, vào những khoảng thời gian rất ra nhau trong lịch sử, cũng là xa nhau về địa lý và trong khuôn khổ văn hóa-tôn giáo: Đức Phật Cồ Đàm Sĩ Đạt Ta và Thánh John của Thập Giá, một huyền bi Thiên Chúa Giáo ở thế kỷ 16. Người thứ nhất tuyên bố lần đầu tiên sự tỉnh thức của ngài, lúc trở thành vị Phật: “Tất cả chúng sinh đều có khả năng giác ngộ, nhưng vì cách suy nghĩ và cố chấp sai lầm đối với chính họ mà họ không nhận ra được điều đó.” Thánh John của Thập Giá đã viết rằng, “Ánh sáng này không bao giờ thiếu đối với linh hồn, nhưng bởi vì các hình thức và mạng che mặt” (Ascent of Mount Carmel II, 13,4).

Con đường nào mà Thiền đề xuất để thành đạt sự thức giác ánh sáng của tâm hay -- được mô tả chính xác hơn trong ngôn ngữ Thiền -- cội rễ hay yếu tính của con người và tất cả các pháp? Theo lời dạy được cho là của Bồ Đề Đạt Ma tóm tắt điều tinh yếu, Thiền là:

Giáo ngoại biệt truyền (truyền riêng ngoài giáo pháp)
Bất lập văn tự (không dựa vào chữ nghiã)
Trực chỉ nhân tâm (chỉ thẳng tâm người)
Kiến tánh thành Phật (thấy tánh thành Phật)

Cuộc đối thoại sau đây đã diễn ra vào thế kỷ thứ 8 tại Trung Hoa: Đại sư Yakusan Igen (Dược Sơn Duy Nghiễm) ngồi Thiền và một vị tăng đến gần hỏi: “Ngài làm gì trong lúc ngồi tĩnh tọa như thế?” Dược Sơn trả lời: “Tôi ngồi trong bất khả tư nghì (fu shiryo tei).” Vị tăng hỏi lại: “Làm sao người ta có thể ngồi trong bất khả tư nghì?” Dược Sơn trả lời: “Không tư nghì” (hi shiryo). Đây là nghệ thuật tinh yếu của tọa thiền: ngồi, không suy nghĩ, trong bất khả tư nghì, vượt thoát tạp niệm. Nhiều thế kỷ sau đó tại Nhật, Thiền Sư Đạo Nguyên thêm vào: “Và cái bất khả tư nghì này giúp tôi.”

Tôi muốn nói thêm rằng Thiền là “con đường trở về nhà,” theo những lời từ Zazen Yojinki bởi Keizen Zenji. Nó không phải là phương pháp hay kỹ thuật, nhưng là nghệ thuật. Một dương cầm thủ phải biết các nốt đàn dương cầm thật rõ, nhưng chính điều này sẽ không làm cho người đó trở thành một dương cầm thủ; người ấy sẽ không bắt đầu thực sự là một dương cầm thủ cho đến khi vị đó không còn nghĩ gì về những nốt đàn -- khi đó chỉ có nhạc mới thật sự hiện hữu. Nói lắt léo, Thiền không phải là thiền, trong thời gian một người tu tập các căn và các trú sở của tâm, nhưng giống như điều Thánh John và Mẹ Teresa nói đến như là sự quán chiếu.

BDE: Làm sao việc thực hành Thiền giúp con người sống kinh nghiệm Thiên Chúa Giáo sâu sắc hơn?

AMSR: Khi tôi từ từ đi sâu hơn vào con đường Thiền, tôi tiếp tục khám phá ra rằng không chỉ tôi đang học hỏi phương pháp mới của việc lặn sâu vào sự kỳ bí – mà vượt qua các giới hạn của tư duy khách quan – nhưng tôi cũng học được một số điều nữa, một số điều mà trước hết tôi đã không thể nào tưởng tượng: một “ngôn ngữ” mới dẫn tôi tới sự khám phá và thể hiện bản thân trong cách mới, mà đã mở ra chân trời mới cung ứng nhiều khả năng mới để liễu giải một số chiều kích của kinh nghiệm. Như thế, dù thực tại tối hậu và bất khả thuyết là một và luôn luôn giống nhau, khuôn khổ tôn giáo mà nó được trải nghiệm ảnh hưởng đến khả tính và phương thức kinh nghiệm nó, cũng như sự diễn giải về kinh nghiệm.

Tất cả khuôn khổ văn hóa và tôn giáo là sự biểu đạt kinh nghiệm và, ngược lại, nuôi dưỡng phương thức đặc biệt của sự nhận thức thực tại và giải thích kinh nghiệm. Một khuôn khổ mới, như Phật Giáo Thiền cho tín đồ Thiên Chúa Giáo, cung cấp khả tính ngôn ngữ mới cho việc giải thích điều gì được kinh nghiệm và cũng tạo ra nhiều khả tính nhận thức mới, cũng như phương tiện mới để giải cứu khỏi sự lãng quên được nhận ra.

Michael Amaladoss SJ gán một ý nghĩa tiên tri cho các tín đồ Thiên Chúa Giáo đến với Thiền hoặc những con đường khác. Không phải là tạo ra một bản sắc tôn giáo thứ ba và siêu đẳng, mà thay vào cuộc sống căng thẳng giữa Thiền và đức tin Thiên Chúa Giáo thì ủng hộ trào lưu đối thoại mà ngày nay cần thiết hơn bao giờ hết để thực hiện sự cân bằng đối với trào lưu chính thống tin tuyệt đối vào Thánh Kinh.

Và đối với Thiền không có sự tỉnh thức hay giác ngộ thực sự nếu nó không dẫn tới từ bi.


Caption 01:
Ana María Schlüter Rodés. (nguồn: Zendo Betania)

Caption 02: Thiền Đường Zendo Betania tại Brihuega. (nguồn: Zendo Betania)


Caption 03: Ghi danh cho Khóa Nhiếp Tâm tại Cuernavaca. (nguồn: Zendo Betania)








Tuesday, March 3, 2020

TUỆ SỸ: SAU LƯNG NGÔN NGỮ CỦA THI CA

Tự tại - Photo: Quang Vu's fb.

SAU LƯNG NGÔN NGỮ CỦA THI CA


TUỆ SỸ


THỆ GIẢ NHƯ TƯ PHÙ? BẤT XẢ TRÚ DẠ!


Trôi hoài biền biệt như vậy sao? Ngày đêm không ngơi nghỉ! Dòng nước Hoàng Hà cứ trôi mãi, mang hết tính chất đời sống của người Trung hoa đổ vào biển. Người ta bắt gặp trong thi ca của họ bàng bạc những cánh nhạn lẻ loi trong bóng chiều tà ý nghĩa biến dịch trở thành mối ngậm ngùi của tuế nguyệt. Trong cuộc lữ; người đi còn có hẹn ước trở về; nhưng năm tháng trôi qua như con chim đã đốt tổ bay đi, không còn cơ hội nào để trở lại nữa:
Nhân hành đo khả phục
Tuế hành na khả truy?
(Tô Đông Pha)
Lòng sông càng lúc càng rộng; lòng người càng lúc càng nhỏ hẹp; nhỏ cho vừa những quy ước giới hạn của ngôn ngữ. Làm thế nào để được như mặt hồ trên đỉnh núi, đem lòng trống ra mà đối đãi với mọi người? Làm thế nào để có thể nói cạn những gì cần phải nói, và sau đó là sống bằng hơi thở của trời đất?
Đấy là những ý tưởng gợi hứng từ Kinh Dịch: cùng lý tận tính dĩ tri vu mệnh.
Nơi đây, người viết chỉ cố ghi lại một vài hình ảnh rải rác trong thi ca của Trung hoa. Đối với họ, thi ca là những khát vọng thầm kín được phát hiện thành lời; phát hiện theo tiết điệu nhịp nhàng của vũ trụ. Điều này cũng được ghi lại trong Kinh Dịch: Thám trách sách ẩn, câu thâm trí viễn, dĩ định thiên hạ chi cát hung. Bươi móc những gì đang lẩn khuất, thăm dò cho thấu đáo những gì trong sâu xa. Qua câu nói ấy, người ta muốn biết bởi sự thúc đẩy nào mà từ thế hệ này sang thế hệ khác, người ta tiếp nối nhau mà nói, nói hoài không thôi; nói đủ mọi cách, và hầu như không cần biết trong những điều được nói có gì mới lạ hay không:
(Mỗi Phùng Thục tẩu đàm chung nhật)
Tiện giác Nga Mi thúy tảo không.
(Tô Đông Pha)
Sau một ngày dài nói chuyện mới hay rằng lời nói của mình như ngọn núi Nga Mi xanh biếc quét mãi bầu trời.
Hình ảnh của ngọn Nga Mi xanh biếc quét mãi bầu trời, hay hình ảnh những dấu chân của một đàn chim bay ngang qua hư không; đó là những hình ảnh biểu tượng cho tác dụng của ngôn ngữ thi ca. Tác dụng của nó như muốn khuấy động thế giới hư vô tịch mịch: tác dụng không vết tích; vì là nơi chốn tận cùng của cuộc lữ. Cuộc Lữ của năm tháng phiêu du; Cuộc Lữ của một hạt bụi lăn lóc:
Sinh giả vi quá khách
Tử giả vi qui nhàn
Thiên địa nhất nghịch lữ
Đồng bi vạn cổ trần.
(Lý Bạch)
Sống là khách qua đường. Chết là kẻ trở về. Trời đất như một quán trọ, cảm thương hạt cát nghìn đời lăn lóc. 
Trong cuộc lữ ấy, một tiếng nói chưa đủ; nói bằng đôi môi “ngọt ngào” chưa đủ; nói cho đến “bốn dây rỉ máu năm đầu ngón tay” cũng chưa đủ, nói cho đến một cánh hoa “thiên kiều bá mị” phút chốc rơi xuống lòng sông lạnh “vô thanh vô tức”, có lẽ cũng chưa đủ:
Tay cầm cung bực xô ngang
Nửa chừng dâu biển lấy ngàn ước mong
(Bùi Giáng)
Và như vậy, trong cõi đời rong chơi của chúng ta, tiếng cười càng lúc càng nhỏ và vắng bặt, chỉ còn lại khoảng trống hiu hắt không nói không cười. Lặng lẽ như từng lớp phấn liễu vơi dần theo cơn gió; để cho hương sắc thanh xuân tản mác vào những cánh đồng cỏ non trên nghìn bến nước. 
Có hai hình ảnh quen thuộc gợi lên ý tưởng biến dịch; như dòng sông và như ngọn lửa bốc cháy trên đỉnh núi. Mỗi hình ảnh lại gợi lên một ý nghĩa tương phản: tác thành và hủy diệt. Trời đất như đã thay loài người nói lên ý nghĩa cứu cánh của sự sống, nói bằng một thứ tiếng riêng biệt: tiếng nói thầm lặng, hay tiếng nói của sự im lặng.
Sức mạnh của con người không nằm trong chính nó. Ước vọng thâm thiết nhất của con người cũng không nằm trong chính nó. Mùa xuân, mùa của sức sống xinh tươi, không đọng lên trên đôi mắt. Qua đôi mắt, người ta tìm thấy khát vọng thanh xuân vì nơi đó phản chiếu bóng mờ những phấn liễu, phản chiếu hình ảnh của một dòng nước lượn quanh. 
Rốt cuộc, cuộc đời của người ta giống như cái gì? Nhân sinh đáo xứ tri hà tợ? (Tô Đông Pha) cũng nên nghĩ là giống như một cánh nhạn bay qua dòng sông, bóng nhạn in vào lòng nước. Bóng, nhạn và dòng sông trong bước tao ngộ tình cờ:
Nhạn quá trường giang
Ảnh trầm hàn thủy
Nhạn vô di tích chi ý
Thủy vô lưu ảnh chi tâm
Một thiền sư Việt Nam trước đây đã nói như vậy.
Tao ngộ tình cờ rồi tan rả và biến mất. Cũng nên nghĩ là biến mất trong cơn nắng chiều mòn mỏi, hay biến mất trong lớp sa mù của buổi sáng (Cao nguyên):
Em về giũ áo mù sa
Trút quần phong nhụy cho tà huy bay.
Một thi sĩ Việt Nam ngày nay cũng đã nói như vậy.
Người không gặp người trong gang tấc “mặt nhìn mặt”. Gặp nhau trong những hẹn ước thiên thu của đỉnh đá trên núi này và một hạt muối trong lòng biển xa xôi kia. 
Và đây cũng là đạo lí tự nhiên: đôi mắt của chúng ta chỉ có thể mở ra để nhìn theo một chiều hướng duy nhất. Muốn thay đổi chiều hướng thì phải thay đổi cả tư thái và vị thế. Quả thật, chúng ta muốn vượt qua những giới hạn cá biệt, để làm gì? Để: “bước đi nhặt cánh sao rơi” ở một đại dương heo hút kia?
Go and catch a falling star
(T. Doun)
Hay để thấy rằng thân thể của mình cũng bao la vô tận như hư không; thấy cả vũ trụ như thấy một quả xoài trong tay?
Nếu chưa vượt qua khỏi những giới hạn cá biệt; cái ước mong này cũng chỉ là một thứ ước mong cá biệt. Giới hạn cá biệt càng lúc càng khép kín.; người ta bỗng cảm khái như một hạt cát lăn lóc trong sa mạc. Những gì cần thấu hiểu phải được phân phối thành thật tự theo quy ước của thế giới cộng đồng.  Chúng phản chiếu lẫn nhau trong thế giới biến động vô cùng vì là tương giao vô tận của một động một tĩnh. 
Thế là vì muốn thấy và hiểu nên cần có phân tích và trật tự của phân tích. Nhưng cũng muốn sống bằng tất cả tâm tình ẩn khuất của mình, nên ước ao nói bằng những lời không nói của vạn hữu. Tất cả những ước muốn đó được kết tụ lại như để phóng tầm mắt, vào một thế giới tuyệt đối. Đằng sau những lời đã nói, chúng ta còn lại một câu hỏi: khát vọng sâu xa nhất trong lòng mình là gì?
Dục thức triều đầu cao kỷ hử
Việt sơn hồn tại lãng hoa trung
(Tô Đông Pha)
Muốn đo chiều cao của ngọn sóng cao được bao nhiêu, thì nên biết, đã từng vượt qua đỉnh núi nhưng lại y nhiên chìm đắm trong những con sóng dạt dào. 



Nhã Luân đánh máy lại từ Trần Đăng Thành's fb - #‎sau_lưng_ngôn_ngữ_của_thi_ca_tuệ_sỹ

Monday, March 2, 2020

AN NHIÊN

An nhiên tĩnh tọa - Photo: Thiên Nhạn

AN NHIÊN
Tặng Thầy Hạnh Viên

An trong cõi bất an
Thường trong cõi vô thường
Hạnh Thầy luôn vẫn một
Viên giác Bồ Đề Tâm!

Bạch X. Phẻ
Inner peace is the essence of an awakening life.