(Đạo từ của Hòa thượng Thích Thái Hòa, Cố vấn
Giáo Hạnh Ban Hướng Dẫn Trung Ương GĐPTVN, trong Hội nghị khoáng đại giữa nhiệm
kỳ 2012 - 2016 của BHD Thừa Thiên, tại Giảng đường chùa Phước Duyên - Huế, ngày
5/12/ Giáp ngọ, tức ngày 24/01/2015).
Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật
Cùng toàn thể anh chị em huynh
trưởng quý mến!
Trong Hội nghị giữa nhiệm kỳ của
Ban Hướng Dẫn GĐPT Thừa Thiên, tôi có mấy điều chia sẻ đến các anh chị em như
sau:
1- Nguồn nhân sự:
Bất cứ tổ chức nào muốn tồn tại
lâu dài và muốn phát triển mục đích, cũng như tôn chỉ của mình đến với đa số quần
chúng, thì tổ chức đó phải có nhân sự. Nhân sự là một trong những yếu tố quyết
định sự tồn tại và phát triển hay suy vong của tổ chức.
Đào tạo nhân sự thiếu phẩm chất
Bi Trí Dũng, đó là nguyên nhân suy thoái của Tổ chức GĐPT. Đào tạo nhân sự có đầy
đủ phẩm chất Bi Trí Dũng, đó là nguyên nhân tồn tại và phát triển của Tổ chức
GĐPT.
Một huynh trưởng được đào tạo, huấn
luyện có phẩm chất Từ bi, người huynh trưởng ấy không giận hờn, trách móc ai qua
đêm. Họ sẳn sàng hy sinh mọi quyền lợi và danh dự cá nhân cho lý tưởng và tổ chức
GĐPT mà không có bất cứ một điều kiện nào. Họ yêu thương lý tưởng và tổ chức
như chính yêu thương đời sống của chính họ, không kể nguy khó, không ngại gian
lao.
Một huynh trưởng được đào tạo, huấn
luyện có phẩm chất Trí tuệ, người huynh trưởng ấy không ăn nói ba hoa, mà nói
và làm đúng với sự thật. Sự hiểu biết của họ không phải là chuyện trước mắt mà
sự hiểu biết của họ là hiểu biết tường tận đến sự và lý của nhân quả ba
đời. Họ hiểu rõ tánh và tướng, thể và dụng, nhân và duyên, nghiệp và quả của
từng vấn đề. Sự hiểu biết của họ không phải chỉ đóng khung trong một không gian
mà mở rộng đến mọi không gian. Sự hiểu biết của họ không phải chỉ là một đối tượng,
một vật thể mà bao gồm nhiều đối tượng và nhiều vật thể. Sự hiểu biết của họ
không phải bị giới hạn trong một pháp môn, mà biết vận dụng nhiều pháp môn để
tương thích với mọi trình độ và hoàn cảnh của từng đối tượng, từng vùng miền, từng
chủng loại và từng thế giới, để thành tựu sự nghiệp giáo dục và mục đích hoằng
pháp của mình.
Một huynh trưởng được đào tạo, huấn
luyện có phẩm chất Dũng lực, người huynh trưởng ấy có khả năng thực hiện phẩm
chất Từ bi và Trí tuệ ngay trong cuộc sống này. Và có khả năng trao truyền phẩm
chất Trí tuệ và Từ bi đến với mọi thành phần xã hội trong mọi không gian và
trong mọi thời gian.
Như vậy, nguồn nhân sự của GĐPT
là một trong những yếu tố quyết định sự tồn tại hay không tồn tại của Tổ chức
GĐPT, quyết định sự phát triển hay suy thoái của Tổ chức GĐPT.
2- Hệ thống điều hành:
Bất cứ tổ chức nào mang tính khoa
học cũng đều kết cấu theo hai hệ thống ngang và dọc hay hoành và tung. Tổ chức
kết cấu theo hàng ngang để phát triển tổ chức theo chiều rộng, nhắm tới liên kết
quảng đại quần chúng trong xã hội, đưa mọi thành phần trong xã hội hoạt động
cùng hướng về một mục tiêu. Tổ chức kết cấu theo hàng dọc là phát triển tổ chức
theo chiều sâu và chiều cao, nhắm tới ba thành phần trí thức, trí tuệ và tinh
hoa của xã hội tạo thành cốt lõi, nguồn sống và gương mặt lãnh đạo của tổ chức.
Tổ chức Trung ương không đứng ở vị
trí ngang hay dọc mà đứng ở vị trí giao điểm của ngang dọc hay giao điểm của
hai trục tung hoành. Giao điểm của hai trục tung hoành hay ngang dọc, Phật giáo
gọi là Trung đạo hay là Tánh-không. Trung đạo thì không rơi vào một trong hai cực
đoan và tánh-không là cứ điểm điều hành an toàn tuyệt đối của tổ chức và nó là
trọng lực điều hành tổ chức và tổ chức ấy được bảo toàn bởi sự chuyển vận của
hai trục tung và hoành hay ngang và dọc. Tổ chức mang danh Phật giáo, không thiết
lập theo nhị biên mà thiết lập theo trung đạo. Trung đạo là trọng điểm của Phật
giáo. Lìa xa Trung đạo để tu tập và hoằng pháp là tà đạo và tà pháp. Tà đạo, vì
đạo ấy chỉ dạy cho con người về khổ, tránh né khổ, nhưng không dạy cho con người
về nguyên nhân sanh khởi khổ đau, con đường diệt tận khổ đau và hạnh phúc sau
khi mọi nguyên nhân sanh ra khổ đau đã bị diệt tận. Tà pháp, vì pháp ấy dẫn người
thực hành rơi vào một trong hai cực đoan ép xác khổ hạnh và buông lung trong các
dục. Khổ hạnh, khiến cho con người tự làm khổ bản thân mình và hèn yếu trước cuộc
sống. Buông lung trong các dục, khiến cho con người tự làm khổ chính bản thân
mình, đốt cháy và hoang phí đời sống của chính mình bởi những động cơ tham dục.
Nếu tổ chức chỉ có hàng dọc mà
thiếu hàng ngang hay chỉ có hàng ngang mà thiếu hàng dọc, ấy là một tổ chức què
quặt, bệnh hoạn. Hay một tổ chức mà tung và hoành không tương xứng, thì nó
không thể tồn tại lâu dài, vì nó không thích ứng với đạo lý. Bất cứ cái gì
thích ứng với đạo lý, thì tự thân của cái ấy có giá trị và tồn tại ở trong sự
an toàn và vĩnh cửu. Nó an toàn, vì chính nó vận khởi từ tánh-không và nó chuyển
động từ sự bất động của không-tánh; nó vĩnh cửu, vì nó vô thường trong sự thường
tại vĩnh cửu của Trung đạo.
3- Phương pháp thực hành:
Giao điểm là trọng điểm của ngang
và dọc hay của tung và hoành. Cũng vậy, tâm là trọng điểm của đời sống con người.
Con người phóng tâm theo phiền não, buông lung theo tham dục, thì khí lực suy
tán, dẫn đến bệnh hoạn và mạng sống suy vong. Con người biết quay lại với tâm
mình, buông bỏ tham dục, lắng yên phiền não, khiến tâm trong, ý sáng thì không có điều gì là không minh triệt. Các
cảm giác, tri giác, tư niệm và nhận thức ở nơi tâm của mình không lừa dối được
tuệ giác mình, thì còn ai trong đời có thể lừa dối!
Nên, có ba phương pháp thực hiện
cho một Phật tử hay một huynh trưởng GĐPT có phẩm chất Bi Trí Dũng gồm:
* Không làm các điều ác: Nghĩa là người Phật tử không làm bất cứ điều
ác nào thuộc về thân, khẩu và ý. Thực hành theo phương pháp này tạo ra sinh chất
nuôi dưỡng và phát triển đời sống Từ bi của người con Phật.
* Phụng hành các điều thiện: Nghĩa là người Phật tử nguyện đem thân,
ngữ và ý để thực hành mọi điều thiện. Thực hành theo phương pháp này tạo ra
sinh chất nuôi dưỡng và phát triển đời sống Trí tuệ của người con Phật.
* Tự lắng sạch tâm ý: Nghĩa là người Phật tử giữ gìn sự trong sạch
ngay nơi tâm ý, bằng cách thực hành Ngũ căn gồm: Tín căn, tấn căn, niệm căn, định
căn, tuệ căn để sanh trưởng Ngũ lực gồm: Tín lực, tấn lực, niệm lực, định lực,
tuệ lực, nhằm phát triển đạo lực đưa đến Chánh đạo và thành tựu Phật đạo. Thực
hành theo phương pháp này tạo ra sinh chất nuôi dưỡng và phát triển đời sống,
bao gồm cả ba chất liệu Từ bi, Trí tuệ và Dũng lực của người con Phật.
Phật đạo là tinh hoa của người Phật
tử, Chánh đạo là đời sống của người Phật tử có Chánh kiến, Chánh tư duy, Chánh
ngữ, Chánh nghiệp, Chánh mạng, Chánh tinh tấn, Chánh niệm, Chánh định.
Thực hành theo phương pháp này, gọi
là thực hành Trung đạo. Hoằng pháp thiết lập trên nền tảng Trung đạo, để cho ở
trong đời, ai có mắt thì có thể nhìn thấy; ai có trí thì có thể lãnh hội; ai có
thực hành, thì có thể chứng nghiệm. Với phương pháp thực hành này, chúng ta tạo
ra nguồn nhân sự cho Phật giáo nói chung và Tổ chức GĐPT nói riêng, góp phần
xây dựng xã hội theo tinh thần Phật giáo.
4- Khuyến tấn:
Như vậy, hôm nay BHD Thừa Thiên,
tổ chức Hội nghị khoáng đại giữa nhiệm kỳ với mục đích rà soát lại hai năm đầu
của nhiệm kỳ 2012 -2016, đã thực hiện được những gì của kế hoạch do Đại hội này
thông qua, và những gì chưa thực hiện được, lý do tại sao? Đồng thời thảo luận
đưa ra những phương pháp thực hiện cho hai năm còn lại của nhiệm kỳ.
Tuy nhiên, điểm tôi muốn nhấn mạnh
là nguồn nhân sự , quý vị phải rà xét
yếu tố này, để thực hiện tốt hai năm còn lại của nhiệm kỳ và để chuẩn bị cho Đại
hội của nhiệm kỳ tới. Quý vị cũng phải rà xét lại kết cấu tổ chức và cương vị
lãnh đạo để không bị rời rạt và chệch hướng. Sau cùng, tôi muốn nhấn mạnh đến
quý vị những phương pháp tu tập và hành đạo của người Phật tử nói chung và cho
những huynh trưởng GĐPT nói riêng, biết vận dụng và khai thác "khế lý" để thích ứng "khế cơ và khế thời" trong thời đại
của con người đang sống và chạy đua tiêu thụ đời sống theo nền Văn Minh Tin Học,
để chúng ta có cơ hội đóng góp vào sự nghiệp Phật hóa toàn cầu bằng con đường
Trí tuệ và Từ bi của đức Phật.
Thích Thái Hòa
No comments:
Post a Comment