Một góc Eo Gió, Nhơn Lý, Bình Định Việt Nam. Photo - Loan Tran Kim's fb. |
Việt Nam và Hành trình bảo vệ Mẹ Trái đất
"Chúng ta không
phải kế thừa hành tinh này từ tổ tiên của mình, mà chỉ mượn nó từ con em của
chúng ta." ~ David Brower
Từ vô thuỷ, thiên
nhiên đã hiện hữu. Mẹ thiên nhiên đã đến trước loài người hàng triệu năm. Con
người cần thiên nhiên cho sự sống còn của mình, nhưng rất tiếc là con người đã
và đang tàn phá nó—trực tiếp hủy hoại bản thân mình và những thế hệ kế thừa.
Trái đất Mẹ là nơi chúng ta đang sinh sống và không còn hành tinh nào khác để
chúng ta được sống. Chúng ta là “những đứa con” của tự nhiên và vì thế chúng ta
cần có trách nhiệm bảo vệ đất Mẹ mà trước hết là tìm ra những giải pháp để bảo
vệ tài nguyên thiên nhiên, nếu không chúng ta sẽ phải đối mặt với sự khủng hoảng
hơn là ô nhiễm môi trường và có thể chúng ta đang trượt vào sự tuyệt chủng. Sống
hay không sống trong sự hài hòa với thiên nhiên là lựa chọn duy nhất của con
người với Trái đất Mẹ.
Trong số những nơi
trên thế giới được đề cập đến về thảm nạn ô nhiễm môi trường gần đây, Việt Nam
hay được nhắc đến là nơi có nhiều thảm họa môi trường, thường gây ra bởi những
nguyên nhân có thể phòng ngừa được. Thảm nạn Cá Chết ở Vũng Áng là một điển
hình—có nguồn gốc hoàn toàn do con người tạo nên và chưa có sự can thiệp có ý
nghĩa nào để làm thiên giảm vấn nạn môi sinh ở Việt Nam. Hiện nay tại bờ biển
miền Trung Việt Nam, nơi kế mưu sinh của người dân phụ thuộc vào biển, từ việc
sanh nhai đến du lịch đều bị ảnh hưởng xấu. Chúng ta cần phải bảo vệ, phục hồi
và gìn giữ. Như người Ai Cập cổ đại phụ thuộc vào dòng sông Nile, không có sông
Nile, không có Ai Cập. Biển Đông của Việt Nam cũng vậy. Không có Biển Đông, sẽ
không còn Việt Nam.
Đối với ngư dân, biển
là di sản, là cuộc sống, là tất cả những gì họ đang có. Người dân sẵn sàng bảo
vệ nó. Khi biển bị ô nhiễm độc hại và quyền con người bị chà đạp, thì người dân
không chỉ bảo vệ lẽ sống và nhân bản, mà họ còn gìn giữ nhân phẩm và ý chí anh
hùng dân tộc. Tuy nhiên, khi những gì liên quan đến chính trị những con người
bé cổ thấp họng bỗng trở nên bất lực. Họ đang nhìn thấy biển trù phú của mình đầy
ắp với những rạn san hô và cá mực, nay trở thành ô nhiễm từ chất độc, chất thải
hóa học chưa được xử lý đổ thẳng ra biển từ các công nghệ sắt thép của hãng
Formosa ở Vũng Áng. Sự cay đắng, oái oăm, uất hận hay nước mắt không có bút mực
nào diễn tả hết sức tưởng tượng và giải thích của chúng ta. Tôi đã tìm kiếm những
từ ngữ thích hợp để mô tả nỗi đau của người dân Việt Nam, nhất là những người
Ngư phủ như cha tôi, mà không thể tìm thấy bất kỳ từ ngữ nào thích hợp bởi vì tất
cả chỉ là sự hụt hẫng. Đau. Buồn. Làm sao ta có thể trải nghiệm được sự thống
khổ của họ. Vì vậy, xin đừng lãng phí thời gian còn lại của đời mình mà tìm ra
giải pháp để cứu vãng người dân Việt Nam và trái đất Mẹ.
Đây là những việc
chúng ta có thể làm.
1. Kêu gọi và thúc ép chính phủ phải ngăn chặn sự tàn
phá gây ra bởi nhà máy thép Formosa.
2. Buộc hãng thép Formosa phải tuân thủ các tiêu chuẩn
an toàn đã được quy định, cam kết và chấp thuận.
3. Yêu cầu nhà nước Việt Nam và hãng thép Formosa thực
hiện để làm sạch bờ biển và bồi thường cho những người dân bị ảnh hưởng.
4. Xin đừng tiếp tục sợ hãi. Hãy đòi hỏi và đấu tranh
cho các quyền căn bản của người dân ghi trong Hiến pháp Việt Nam cần được tôn
trọng và thực thi.
5. Tự mình phấn đấu, ý thức và hành động cho lối sống
và cách sống riêng biệt của chính mình, của người dân và của cả nước Việt Nam
Hơn ai hết, chúng ta
đều biết rằng cuộc sống này, quyền được sống, hay sự sống còn không dựa trên sự
đàn áp và khủng bố, mà là trên ý chí tự do, bình đẳng, nhân bản và trách nhiệm
đạo đức của mỗi cá nhân và tập thể.
Nói tóm lại, thảm hoạ
môi sinh toàn cõi Việt Nam hay bất kỳ ở nơi nào trên trái đất, đều có ảnh hưởng
xấu đến sức khoẻ, an nguy, và đời sống của con người. Vì thế chúng ta phải nên
ý thức để bảo vệ và gìn giữ Trái đất Mẹ.
So với dải ngân hà rộng
lớn, Trái đất này là một không gian nhỏ bé, nhưng nó là nơi duy nhất có được sự
sống của con người, vì vậy khi chúng ta sống, hãy để lại di sản tốt đẹp cho thế
hệ mai sau. Việt Nam phải hành động! Người Việt Nam phải hành động nhanh
chóng—làm tới, làm ngay để cứu vãng vấn nạn ô nhiễm môi trường. Chúng ta cần Mẹ
thiên nhiên, nhưng Mẹ thiên nhiên có cần đến chúng ta không? Hãy suy nghĩ và
hành động.
Tâm Thường Định
Mùa Cá Chết
Viết cho Hoa Đàm số 3 – Phật Giáo và Môi Sinh
Tin liên quan:
No comments:
Post a Comment