Monday, August 17, 2020

Thích Như Điển: Tại sao người Việt Nam bỏ nước ra đi?


Tại sao người Việt Nam bỏ nước ra đi? 

(どうしてベトナム人が外国に出ていくのか)

Thích Như Điển



LTS: Sau đây là bài thuyết trình của Hòa Thượng Thích Như Điển tại Đại Học Teikyo Heisei tại Tokyo Nhật Bản vào tháng 4 năm 2017 được dịch từ tiếng Nhật sang tiếng Việt. Bài nầy cũng được dịch sang tiếng Anh và tiếng Đức (Độc giả có thể tìm đọc trên các trang mạng: viengiac.de; quangduc.com hay hoavouu.org).

1) Nói về tiếng Nhật:

Với tôi, tiếng Nhật là ngoại ngữ thứ 3 mà tôi phải học (sau tiếng Anh và tiếng Pháp) vào năm 1972 khi tôi mới đến Nhật. Lúc ấy hầu như tôi không biết một tiếng Nhật nào cả. Là một Tăng Sĩ của Phật Giáo Việt Nam, năm 1971 sau khi học xong Trung Học Đệ Nhị cấp tại Việt Nam, vì thích đi du học tại Nhật Bản nên tôi liền đến Tòa Đại Sứ của Nhật tại miền Nam Việt Nam để tìm hiểu và nộp đơn xin du học. Kết quả là vào ngày 22 tháng 2 năm 1972 tôi đã đến Nhật.
Đầu tiên tôi phải đi tìm trường dạy tiếng Nhật để học và trường Nhật ngữ tại Yottsuya đã nhận tôi và tôi đã học 9 tháng tiếng Nhật tại trường nầy. Kế tiếp đã thi đậu vào Đại Học. Đó là Đại Học Teikyo tại Hachioji và tôi đã chọn ngành Giáo Dục thuộc về Văn Học Bộ của Đại Học nầy.
Trước khi đến Nhật nếu không có người bảo lãnh thì không thể đến Nhật được. Thuở ấy ông Akiyama đã nhiều lần đến Việt Nam với tư cách là một ký giả của tờ báo Mainichi Shinbum, để quan sát những tình huống tại chỗ và ông cũng đã quen với một gia đình người Việt Nam. Với sự liên hệ nầy, ông đã trở thành người bảo lãnh cho tôi được sang Nhật. Nếu tính ra thì cho đến bây giờ đã là 45 năm rồi đó.
Năm rồi tôi cùng một phái đoàn 38 người từ Âu và Mỹ Châu trở lại Nhật Bản để tham quan và lễ bái các chùa viện tại đây; với cơ hội nầy tôi đã gặp hai ông  bà Akiyama tại chùa Việt Nam ở tỉnh Kanagawaken và ông ta có hỏi tôi rằng: „Lâu nay có liên hệ gì với đại học Teikyo không?“. Và tôi đã đáp lại rằng “hầu như không có; kể từ năm 1977 đến nay, sau khi  tốt nghiệp tại đó tôi cũng không có tin tức gì của đại học nầy cả“. Ông Akiyama nhìn quyển sách của tôi viết về nước Nhật và bảo rằng: “Thôi để tôi sẽ liên lạc với đại học Teikyo“.
Năm nay, lại một lần nữa, tôi trở lại Nhật và sau khi ông Akiyama đã hội kiến với Giáo Thọ Uchino, ngày hôm nay tôi đã đến với các bạn để nói về chủ đề “Lý do tại sao người Việt Nam lại bỏ nước ra đi“. Đã hơn 40 năm rồi, tôi đã không xử dụng tiếng Nhật trong sinh hoạt hằng ngày nữa; cho nên rất giới hạn để nói chuyện với các bạn. Nếu các bạn không hiểu tiếng Nhật của tôi thì các bạn có thể nghe tôi nói
bằng tiếng Anh, tiếng Đức hay ngay cả tiếng Pháp nữa, các bạn có đồng ý không?

2) Vấn đề lịch sử:

Kể từ thời xa xưa đến nay, Nhật Bản, Hàn Quốc và Việt Nam chịu ảnh hưởng rất nhiều bởi Trung Quốc trong hầu hết những sự sinh hoạt như: văn học, tôn giáo, tập quán v.v… Tuy tiếng Nhật trong đó không những chỉ xử dụng Hán tự mà còn cả Hiragana, Katakana và Romaji nữa; kể cả cách đọc theo âm và theo vần nữa. Sự cải cách ấy là do Ngài Kukai (Không Hải); người sáng lập ra Chơn Ngôn Tông đã sáng chế ra thành từ thế kỷ thứ 8. Cho đến bây giờ cũng đã 1200 năm lịch sử của tiếng Nhật được cải cách ấy. Khi người ngoại quốc bắt đầu học tiếng Nhật, họ phải học tiếng Romaji, sau đó là Kanji, rồi Hiragana và Katakana. Trà Đạo, Thơ Đạo, Kiếm Đạo, Nhu Đạo v.v… trong hiện tại của Nhật Bản đều có xuất xứ và chịu ảnh hưởng từ Trung Quốc. Tuy nhiên kể từ năm 1869, thời kỳ của Vua Minh Trị Duy Tân đất nước thì sự học của người Nhật đã thay đổi qua những học thuật của người Âu Châu và ngày nay những kỹ thuật hiện đại nầy của nước Nhật là do những ảnh hưởng đó.
Trường hợp của Việt Nam thì có sự khác biệt ít nhiều. Cho đến thế kỷ thứ 16 vẫn còn dùng chữ Hán và trong những sinh hoạt hằng ngày đều gìn giữ những truyền thống cổ xưa; nhưng sau đó thì người Âu Châu đến Việt Nam và nghe từ cách phát âm của người Việt Nam, họ đã sáng lập ra chữ Quốc Ngữ. Mãi cho đến thế kỷ thứ 19 chữ Hán chỉ còn sót lại trong các chùa chiền mà thôi.
Năm 1904 chiến tranh Nhật Nga bắt đầu và Nhật Bản đã thắng trận. Quê hương Việt Nam chúng tôi thuở ấy bị người Pháp chiếm làm thuộc địa, sự khổ sở không sao diễn tả hết; cho nên Cụ Phan Bội Châu, một nhà cách mạng Việt Nam đã chủ trương phong trào Đông Du, gửi học sinh sang Nhật Bản du học. Sau đó thì Đệ Nhất (1914-1918) và Đệ Nhị thế (1939-1945) đã xảy ra và thế giới ít có nơi nào hòa bình cả. Trong thời đại Showa đã chủ trương chính sách Đại Đông Á và nước Việt Nam cũng bị ảnh hưởng. Đến năm 1945 nước Nhật thua trận và chính sách Đại Đông Á của Thiên Hoàng Showa Hirohito cũng đã bị quên lãng. Không ai trong chúng ta hiểu rõ ràng được mục đích của chiến tranh là gì; nhưng nó đã mang lại sự chết chóc đau thương và không biết bao nhiêu là sự khốn khổ khác cho con người.

3) Quốc Cộng tương tranh:

Ngày 20 tháng 7 năm 1954 qua Hội Nghị Genève, nước Việt Nam đã bị chia đôi. Miền Nam thuộc chủ nghĩa Quốc Gia và miền Bắc thuộc chủ nghĩa cộng sản. Đất nước bị chia đôi như thế không phải chỉ có Việt Nam, mà còn có Đông-Tây Đức hay Nam-Bắc Triều Tiên. Kể từ năm 1954 đến năm 1963, miền Nam Việt Nam dưới sự lãnh đạo của Tổng Thống Ngô Đình Diệm, chịu ảnh hưởng của chính quyền Mỹ không ít. Thế nhưng chính quyền Ngô Đình Diệm lại có chính sách cư xử bất bình đẳng giữa các tôn giáo nên Phật giáo đã bị đàn áp. Sự kiện Ngài Quảng Đức tự thiêu để phản đối đã làm cho thế giới phải quan tâm. Cho nên Hội Đồng Quân Nhân Cách Mạng đã đứng lên lật đổ chế độ và cuộc cách mạng ngày 1.11.1963 đã thành công. Từ đó về sau miền Nam Việt Nam, nền Đệ nhị Cộng Hòa được Tổng Thống Nguyễn  Văn Thiệu tiếp tục lãnh đạo. Cho đến ngày 30.4.1975 miền Nam Việt Nam đã bị Bắc quân thôn tính.
Theo tôi nghĩ thì các bạn có thể làm một sự so sánh giữa Việt Nam với Đông Đức cũng như Triều Tiên thì tốt nhất. Điều ấy có nghĩa là những xứ kia đang theo cũng như ảnh hưởng bởi chủ nghĩa cộng sản. Chính quyền miền Bắc Việt Nam đã được viện trợ mọi mặt của Liên Xô và Trung Quốc để chiến đấu với chính quyền miền Nam Việt Nam. Thế nhưng rốt cuộc rồi chính quyền miền Nam Việt Nam đã thua và vì vậy nên người Việt Nam đã bỏ nước ra đi, cốt yếu chỉ đi tìm hai chữ “Tự Do“.

4) Tại sao sau khi Việt Nam hòa bình, thống nhất, lại tìm cách chạy ra ngoại quốc?

Lý do chính yếu là đi tìm sự tự do. Nếu chính sách ấy là đúng thì người Việt Nam chẳng tìm cách đi đâu cả. Kể từ năm 1975 họ đã lấy chủ nghĩa độc tài, đảng trị cộng sản miền Bắc áp đặt lên chủ nghĩa tự do của miền Nam; nên người miền Nam không chịu đựng nổi và họ đã bỏ nước ra đi tìm tự do vì những lý do tóm lược như sau:
  • Giam giữ những công chức, nhân viên, quân đội, cảnh sát của chính quyền cũ Việt Nam Cộng Hòa vào các trại tù tập trung cải tạo không ấn định ngày về; trong khi đó vẫn cứ tuyên truyền lừa dối „hòa hợp, hòa giải dân tộc“.
  • Bắt buộc thân nhân những gia đình thuộc thành phần của chế độ cũ phải dời đến Vùng Kinh Tế Mới, đó là những vùng rừng thiêng nước độc, là chính sách bắt dân dời ra khỏi thành phố để họ chiếm đoạt nhà cửa;
  • Âm mưu lập chính sách đánh tư sản mại bản, kiểm kê tài sản những cơ sở xí nghiệp, thương mãi để cướp đoạt hết tài sản của người dân;
  • Ngăn cấm sinh viên có lý lịch là con cái của „ngụy quân, ngụy quyền“ không được vào Đại Học;
Vì vậy dân chúng không sống nổi dưới chế độ độc tài, áp bức, bất công, không có tự do nhân quyền, không tự do tôn giáo, nên họ phải tìm cách rời bỏ quê hương ra đi tìm tự do dưới nhiều hình thức:
  • Vượt biển bằng những con thuyền nhỏ mong manh; mà làn sóng thuyền nhân rầm rộ nhất vào thời gian từ 1979 đến 1986. Ước lượng khoảng gần 2 triệu người đến bến bờ tự do; còn khoảng một triệu người chết chìm trên biển cả. Sự kiện này đã gây chấn động cho cả thế giới;
  • Vượt biên giới bằng đường bộ qua ngả Campuchia, Lào đến Thái Lan mà con số tử vong không phải là ít!
Trong hiện tại các bạn nên nhìn tình trạng giữa Nam Hàn và Bắc Hàn thì sẽ rõ. Sự Tự Do dầu có tiền bạc nhiều đến bao nhiêu đi chăng nữa, cũng sẽ không thể nào mua được các bạn ạ! Cho nên người ta hay nói rằng: “Khi người ta sống trong một đất nước Tự Do, ít có ai hiểu rõ về giá trị của hai chữ Tự Do, mà khi sự Tự Do mất đi rồi thì lúc ấy có đi tìm sự Tự Do kia, thì cũng đã quá muộn rồi“.
Trước năm 1975 đã có khoảng 2.000 sinh viên từ miền Nam Việt Nam đến Nhật Bản du học; nhưng thuở ấy chính phủ Nhật chưa có chính sách tỵ nạn; nên đa phần những sinh viên nầy đã đi sang Âu Châu, Úc Châu hay Mỹ Châu. Sau đó từ năm 1980 đến năm 2000 Nhật Bản đã đồng ý nhận người tỵ nạn Việt Nam theo sự thỏa thuận với Liên Hiệp Quốc và Nhật đã tiếp nhận cả mấy ngàn người tỵ nạn như thế. Thế hệ ấy cho đến nay cũng đã 30 năm rồi. Họ đã hội nhập vào xã hội Nhật và họ cũng đã đóng góp phần mình trong xã hội Nhật qua sự làm việc của mình. Với lãnh vực nầy, chúng tôi là những người Việt Nam xin chân thành tạ ân chính phủ cũng như nhân dân Nhật Bản.
Cho đến năm 2017 theo thống kê thì người Việt Nam có mặt khắp nơi trên thế giới trên 3 triệu người. Họ ở bất cứ nơi nào, con em của họ cũng đều thành công trên đường học vấn. Số người Việt ở Mỹ đông nhất. Tuy thế hệ thứ nhất đã hội nhập về tập quán và ngôn ngữ một cách khó khăn; nhưng đến thế hệ thứ hai, thì ngôn ngữ địa phương ấy không có vấn đề.  Bây giờ vấn đề trọng đại là con cái được sinh ra tại đây, chúng không rành tiếng mẹ đẻ (tiếng Việt Nam). Bởi vì chúng dùng ngôn ngữ địa phương (nơi chúng sinh ra) như là tiếng mẹ đẻ rồi; nên cha mẹ của chúng rất là phiền toái. Trong trường hợp nầy thì người Nhật Bản cũng như vậy thôi. Tôi đã có lần gặp và nhìn mặt những người Nhật tại San Francisco, Australia, Ancharachi, Hawaii v.v… và dùng tiếng Nhật để hỏi chuyện họ; nhưng họ chẳng hiểu gì cả; ngoại trừ hai chữ “cảm ơn“ để cảm tạ mà thôi. Họ đã nói  với tôi bằng tiếng Anh rằng: “Nếu ông muốn nói chuyện bằng tiếng Nhật thì hãy nói chuyện với cha  mẹ của chúng tôi vậy! “Trường hợp nầy thì người Nhật và người Trung Quốc cũng giống như vậy.

5) Hãy nhìn về Đông Âu:

Đầu tiên, đó là ngày lịch sử 9 tháng 11 năm 1989. Ngày mà bức tường Bá Linh đã sụp đổ. Chủ nghĩa cộng sản ở Đông Đức đã chấm dứt. Từ năm 1949 đến năm 1989 chỉ trong khoảng thời gian của 40 năm ấy; nhưng mọi sự sống của người dân phía Đông so với người dân phía Tây khác nhau nhiều lắm. Cho đến ngày hôm nay đã hơn 27 năm thống nhất Đông Tây; nhưng trên thực tế từ sự suy nghĩ, cách làm việc cho đến đời sống kinh tế v.v… nó có quá nhiếu cách biệt. Dẫu cho bình đẳng cách nào đi chăng nữa thì sự tư duy có tính cách căn bản ấy giữa hai xã hội Đông Tây đều còn sai biệt. Cho nên, cộng sản là gì? Các bạn hãy nhìn về phía nước Đức thì sẽ rõ.
Ngoài ra ở Đông Âu, trong những nước ấy có cả Liên Xô, kể từ năm 1990 đến nay (2017) cũng đã 27 năm rồi; nhưng sự sống giữa Đông và Tây Âu nếu  làm một sự so sánh, thì sẽ thấy phía Đông còn ì ạch lắm. Lý do chính là họ đã sống với chủ nghĩa cộng sản quá lâu và nguyên nhân chính của Đông Âu là vì chủ nghĩa ấy.
Các anh, chị là người Nhật, theo tôi nghĩ là một hạnh phúc vô cùng. Nghĩa là ở Nhật cái gì cũng có, làm cái gì cũng mang ý nghĩa tự do. Nói một việc gì cũng không sợ ai theo dõi mình. Thế nhưng ở tại Việt Nam hay Bắc Triều Tiên, những việc như thế đều bị cấm đoán. Cho nên các bạn hãy trân quý nó. Đệ nhị thế chiến chấm dứt, người Nhật đã thua người Mỹ. Thế nhưng ngay cả người Đức cũng như người Nhật, nếu không có sự viện trợ của người Mỹ thì ngày nay người Đức cũng như người Nhật sẽ không trở thành được những cường quốc như vậy. Dĩ nhiên trong đó phần chính vẫn là sự siêng năng của người Đức cũng như người Nhật, mà thế giới khi đề cập đến những dân tộc nầy, họ phải cúi đầu. Thật là một vinh dự biết bao!

6) Nói về tôi

Với tôi phải nói lên một lời là “tạ ân nước Nhật và nước Đức“. Xuất thân từ Việt Nam. Năm 1964 tôi đã trở thành Tăng Sĩ của Phật Giáo và vừa sống cuộc sống tại chùa vừa đi học tại trường. Được đi ra ngoại quốc thật ra là một nhân duyên vậy. Khi mới đến nước Nhật, tôi dự tính rằng sau khi tốt nghiệp Đại Học hay Cao Học thì quay về cố quốc, đem sự hiểu biết của mình giúp đỡ cho quê hương và Phật Giáo. Theo tôi nghĩ đó là cách tốt nhất. Thế mà không phải vậy. Cho đến bây giờ, ngoài nước Việt Nam và Nhật Bản ra, tôi đã viếng thăm 73 nước trên khắp 5 châu lục rồi. Thế nhưng dẫu cho có đi đâu chăng nữa và làm cái gì đi nữa, khi người ta lớn tuổi, lúc nào cũng canh cánh nhớ quê. Tục ngữ Nhật Bản đã chẳng nói rằng: “Vào làng thì phải làm theo phong tục của làng“. Thế nhưng tiếng mẹ đẻ, cố hương… khi nhớ đến và nghĩ về thì trong tâm khảm của ai cũng còn gợi lại những nỗi nhớ thương!!!
Đối với tôi, khi còn ở Trung học thì tiếng Pháp là ngoại ngữ thứ nhất, rồi tiếng Anh là ngoại ngữ thứ hai. Khi học Đại Học Nhật Bản, tiếng Nhật của tôi phải giống như người Nhật và luận văn tốt nghiệp phải viết bằng tiếng Nhật khi ra trường. Tuy đã xa cách nước Nhật cả 40 năm mà tiếng Nhật vẫn còn nhớ được như thế nầy, thì bản thân tôi cũng rất vui vì trí nhớ của mình vẫn còn khá tốt vậy.
Năm 1977 tôi một mình đi đến xứ Đức nầy. Đầu tiên một chữ nhứt một cũng không biết; thế nhưng bây giờ tôi có thể dùng tiếng Đức để thuyết pháp. Trong khi đi học đại học, tôi vẫn lo công việc chùa (1978-1980) và bắt đầu kiến tạo ngôi chùa Viên Giác tại Hannover. Không phải chỉ riêng cho Phật Giáo Việt Nam, mà còn cho nhiều quốc tịch khác nhau  cũng đến chùa của chúng tôi để tham bái nữa. Hiện tại người Đức rất ham thích học Phật. Cho nên tôi cũng rất là cảm động cho sự việc nầy.
Cho đến năm 2003 thì tôi đã độ cho 45 Đệ Tử xuất gia và khoảng 7.000 Đệ Tử tại gia. Sau 25 năm làm Trụ Trì chùa Viên Giác, tôi đã nhường lại chức vụ Trụ Trì cho các Đệ Tử và tôi trở về ngôi Phương Trượng. Từ khi xuất gia đến nay (1964-2017) tôi đã sống hơn 53 năm cuộc đời người Tăng Sĩ và xử dụng khoảng thời gian ấy để viết cũng như dịch nên 68 tác phẩm và đã được xuất bản. Trong đó có nhiều sách viết bằng tiếng Việt, tiếng Nhật. Từ tiếng Nhật dịch sang tiếng Việt, cũng như từ tiếng Trung Quốc (Hán Văn), Anh Văn, tiếng Đức… có rất nhiều chủ đề khác nhau đã được viết. Đại khái là về Phật giáo, văn học, ngôn ngữ, giáo dục v.v… Dịch sách từ tiếng Nhật  sang tiếng Việt có khoảng 10 cuốn như: Nghiên cứu Giáo Đoàn Phật Giáo thời Nguyên Thủy, Lâm Tế Tông, Tịnh Độ Chơn Tông, Tào Động Tông, Chơn Ngôn Tông, Pháp Hoa Tông, Thiền Tông v.v… và những sách nầy cũng đã được giới thiệu cho người Việt cũng như người Đức. Theo tôi nghĩ dầu đi đến đâu hay ở đâu, tiếng Anh vẫn rất cần thiết, vì vậy cho nên những bạn sinh viên được sinh ra tại Nhật, nên cố gắng học tiếng Anh vậy!
Đức Phật đã từng dạy rằng: “Tất cả các Pháp đều bị Vô Thường, Khổ và Vô Ngã chi phối“. Cái gì có hình tướng, cái ấy hoàn toàn bị vô thường chi phối. Nguyên nhân của Vô Thường là Khổ. Nếu khi quán sát về Vô Ngã thì phải tâm niệm rằng: Đây không phải là tôi, đây không phải là của tôi và đây không phải là bản ngã của tôi. Bất cứ ai mà quán sát được như thế, thì đều có thể hiểu rõ được giáo lý của Đạo Phật.
Như bên trên đã trình bày là do Nhân Duyên mà tôi đi đến được Nhật Bản và sống ở ngoại quốc đã 45 năm rồi; âu đó cũng là cái Duyên vậy. Đức Phật cũng đã từng dạy rằng: “Cái nầy sanh nên cái kia sanh. Nếu cái nầy không có thì cái kia sẽ không có“. Chắc chắn là khó hiểu rồi; nhưng đó là nguyên nhân và kết quả vậy. Tánh Không ấy trong Kinh Bát Nhã đã  có dạy rõ như vậy. Dẫu cho là người Trung Hoa hay người Nhật Bản; người Đại Hàn cũng như người Việt Nam, mà ngay cả ngày nay người Âu Mỹ v.v… họ cũng đều hiểu ý nghĩa như vậy. Cho nên Phật Giáo ngày hôm nay không phải chỉ tồn tại nơi Á Châu, mà còn cả thế giới nầy đã trở nên nổi tiếng.
Cuối cùng, tôi xin cảm ơn Ông Bà Akiyama và Giáo Thọ Uchino của Đại Học Teikyo Heisei rất nhiều.
Cuối cùng các bạn có thể đặt những câu hỏi về đề tài trên. Xin cảm ơn các bạn.
Thích Như Điển
Phương Trượng chùa Viên Giác của người Việt Nam tại Đức
và là Lê Cường, lưu học sinh, của Đại Học Teikyo tại Hachioji niên khóa 1973 đến 1977