Sunday, June 12, 2022

Đạo Sinh: Vô ngã và nhân cách thời đại

 

Vô ngã là một trong những quan niệm đặc hữu của Phật giáo. Nó làm nền tảng cho mọi nhận thức của người Phật tử về chính mình và thế giới. Ngay từ thời đức Phật, quan niệm này đã được sử dụng để loại trừ nhận thức sai lầm về một thực thể hằng hữu trong một chúng sinh, đồng thời được xem như yếu tính quyết định sự tồn tại của nó qua mọi hình thái khác nhau của vòng sinh hóa. Với quan niệm này, Phật giáo mặc nhiên nhìn nhận con người chỉ là một tổ hợp bao gồm các thành phần khác nhau và vận hành theo một qui luật phổ quát: những hoạt động của chính các phần này quyết định cách tồn tại của chúng. Như vậy, mặc dù con người tồn tại như một hữu thể bất định tính, hay nói rõ hơn, mặc dù không có một chủ tể bất biến trong chuỗi tồn tại tương tục như thế, nhưng con người như một tổ hợp kết cấu bằng lực vận hành của chính nó vẫn phải chịu sự luân chuyển trong dòng sinh diệt vô tận.

Khi con người được định nghĩa và mô tả như thế, một sự thật khác đã được mặc nhiên thừa nhận: con người không thể tồn tại như một cá thể độc lập bên ngoài cộng đồng xã hội cũng như tự nhiên. Trái lại, nếu chỉ là một tổ hợp động thì mọi việc làm của con người như một cá thể bắt buộc phải có những tác động nhất định nào đó đối với các cá thể khác và ngược lại. Từ đó quan niệm vô ngã được sử dụng như một quan niệm nền tảng để hình thành những nhận thức đúng của người Phật tử về sự tồn tại của chính mình trong cộng đồng và thế giới. Thành tựu cao nhất của nhận thức này trong dòng phát triển của Phật giáo là sự phát hiện con người không thể cải thiện cách thế tồn tại của mình chỉ bằng vào những nỗ lực đơn phương. Thay vì thế, một cải thiện nào đó, nếu có, chỉ có thể xảy ra trong tương quan với các cá thể khác. Nói cách khác, trong một cơ cấu tồn tại như thế chúng ta khó có thểtìm thấy an lạc thật sự khi những người chung quanh đang đau khổ. Và đây là điều không quá khó hiểu. Khi nói rằng chúng ta đang nỗ lực tìm kiếm một sự an lạc nào đó thì điều hiển nhiên là chúng ta đang tìm kiếm cái đó cho chính chúng ta. Chúng ta nghĩ rằng mình đang đau khổ và vì thế hành động tìm kiếm một sự an lạc là điều rất tự nhiên. Thật ra, khi suy nghĩ và hành động như thế chúng ta không biết rằng mình đang làm một công việc cực kỳ ngớ ngẩn và vô bổ, ít nhất theo cái nhìn của Phật giáo.

Nếu đã không có một chủ tể nhất định thì sự đau khổ hay trói buộc sẽ phải thuộc về một hoặc những thành phần nào đó trong tổ hợp có tên gọi là “người” này; và vì thế sự an lạc hay giải thoát nào đó, nếu có, cũng chỉ có thể xảy ra cho một hoặc những thành phần đó. Thế nhưng, theo quan niệm của Phật giáo, tất cả năm thành phần cấu tạo nên mỗi chúng ta đều có một đặc tính chung là biến dịch. Có nghĩa, mỗi một thành phần cũng chỉ là một tổ hợp vận động; vì thế, tất cả chỉ là một dòng chảy tương tục không ngừng nghỉ. Trong một tình trạng được mô tả như thế, tất cả những gì được cho là đau khổ và an lạc, trói buộc và giải thoát, v.v… chắc chắn sẽ không thể nào thật sự tồn tại như chúng ta tưởng. Như vậy, nếu chúng ta vẫn thấy chúng xuất hiện dưới dạng nào đó thì rõ ràng chúng chỉ có thể tồn tại như một nỗi ám ảnh, một ảo tưởng trong tâm tưởng của chúng ta. Kết quả, cái chúng ta hy vọng và tìm kiếm chỉ là những gì không thực được sản sinh từ chính nhận thức của chúng ta. Nếu thực chất của chúng đã là không thực nhưng chúng ta vẫn không từ bỏ sự nỗ lực tìm kiếm thì điều đó có nghĩa chúng ta đang mong muốn bảo vệ và nuôi dưỡng một cái gì đó trường cửu cho chính chúng ta. Bởi vì một điều chắc chắn là không bao giờ chúng ta chịu bỏ công sức vào cái mà chúng ta biết rõ là không thể tồn tại dài lâu. Trong trường hợp này, điều đó nói lên cái gì? Có phải chúng ta đang tìm cách thay thế cái ātman mà chính đức Phật đã cực lực bác bỏ để thay vào đó một cái ātman nào đó do chính chúng ta tạo ra?

 

Phật giáo đã minh định nội dung hai phạm trù khổ và trói buộc cho dù chúng được hiểu và khai triển như thế nào trong các cộng đồng Phật giáo khác nhau. Khổ không chỉ bao gồm những gì được cảm nhận qua tri giác mà còn cả những gì qua nhận thức: đó là sự biến hoại và biến dịch của tất cả những gì được cấu thành có điều kiện. Đồng thời, cái đang trói buộc chúng ta không gì khác hơn những phiền não và nhận thức sai lầm của chúng ta. Với một cấu trúc được hình thành trong những điều kiện như đã nói, chúng ta khó có thể hiểu đúng về chính mình và thế giới. Và chính vì sự hiểu sai này, chúng ta liên tục tạo ra hết sai lầm này đến sai lầm khác trong mọi suy nghĩ và hành động của chính mình, ngay cả những suy nghĩ và hành động được cho là phù hợp với giáo lý nhà Phật nhất. Đây là điều chúng ta thường không nhận ra hoặc nếu có nhận ra thì rất khó thừa nhận. Tuy nhiên, một sự thật chúng ta không thể và không phủ nhận được là những giáo pháp của đức Phật chúng ta đã nghe hay đọc được, tất cả đều phải qua sự xử lý của đầu óc chúng ta trước khi trở thành đề tài cho sự suy nghĩ hay một quyết định thực hiện nào đó. Sự thật này cho thấy không có gì bảo đảm cho tính chân thực của những giáo pháp đó sau khi đã trải qua một bộ máy xử lý yếu kém, ì ạch, hạn hẹp, nông cạn, cố chấp như chúng ta đang có. Nếu ai đó trong chúng ta không chịu thừa nhận điều này thì cũng không khó hiểu. Bởi vì ngũ uẩn còn có một tính chất chung khác, đó là tất cả chúng đều nuôi dưỡng tham ái, đồng thời là đối tượng của tham ái. Nói rõ hơn, chúng luôn làm cho tham ái tăng trưởng; và ngược lại, tham ái không bao giờ chịu để cho chúng bị “xúc phạm” hay “hạ thấp”.

Nếu thừa nhận những gì nói trên là cái mà Phật giáo muốn đóng góp vào sự cải thiện nhận thức của con người trên trái đất thì chúng ta phải đối mặt với một sự thật bi đát, đó là Phật giáo không thể đáp ứng những đòi hỏi cấp thời của chúng ta như đã nói. Ít ra, với một khẳng định về năng lực hạn chế của một cơ cấu con người như thế thì việc tìm kiếm một cái gì đó thực sự an lạc hay giải thoát chỉ là một ảo tưởng. Và điều đau khổ hơn nữa cho chúng ta là đạo Phật chỉ cung cấp những tri kiến như thực chứ không phải ru ngủ chúng ta bằng những hứa hẹn về một loại hạnh phúc hư ảo nào đó. Mặc dù đức Phật thường được xưng tán như một vị Dược sư trong việc giúp chúng ta chữa trị khổ đau, nhưng Ngài không bao giờ chủ trương việc sử dụng các loại thuốc “giảm đau” hay “an thần.” Người ta thường nói đến hai chữ “phương tiện” ở trong Phật giáo; rồi theo những lý giải riêng của mình họ tự động gán ghép cho Phật giáo đủ mọi thứ theo một cách rất là “phương tiện” của họ. Chúng ta nên nhớ rằng không ai có đủ tư cách nói đến hai chữ này, đừng nói là tìm cách thực hiện nội dung của nó, ngoài các vị Bồ-tát. Trong mười giai đoạn của tiến trình tu tập của một Bồ-tát, chỉ có những vị nào đang ở vào giai đoạn thứ bảy, tức sau khi đã phát tâm cầu giác ngộ, thực hành bố thí Ba-la-mật, đoạn trừ ngã kiến (ở giai đoạn thứ nhất); hoàn thiện giới luật, không còn thối thất, thực hành thiền định (ở giai đoạn thứ hai); liễu ngộ tính chất vô thường của vạn hữu, phát triển kham nhẫn trong sự nghiệp độ sinh, đoạn tận tham sân si, thành tựu tám loại thiền định sắc giới và vô sắc giới, sở đắc năm trong sáu thần thông của đức Phật (ở giai đoạn thứ ba); đốt cháy các tà kiến cuối cùng, phát triển trí tuệ, thực hành tinh tấn Ba-la-mật, hoàn thiện ba mươi bảy giác chi (ở giai đoạn thứ tư); nhập thiền định và quán triệt tứ đế, đoạn nghi, tiếp tục hoàn thiện ba mươi bảy giác chi (ở giai đoạn thứ năm); quán chiếu thực tướng của vạn pháp là vô tướng, vô sinh, bất nhị, thấu đạt lý duyên khởi, siêu việt tâm phân biệt nhờ thành tựu Bát nhã ba-la-mật và thấu triệt tánh Không (ở giai đoạn thứ sáu) thì Bồ-tát đó mới có thể có đủ tri kiến và phương tiện thiện xảo để dẫn dắt chúng ta đến giác ngộ tùy theo khả năng riêng biệt của mỗi người chúng ta.

Từ một số phẩm tánh của tiến trình giác ngộ nói trên của một Bồ-tát, chúng ta có thể nhận ra rằng không phải tất cả những gì đức Phật giới thiệu cho chúng ta đều “an lạc”, “dễ chịu”, hay “thoải mái”. Kinh điển từng mô tả các trường hợp đức Phật đã cảnh báo thính chúng không nên kinh sợ trước những gì Ngài sắp tuyên thuyết hay đã tuyên thuyết. Và ở đây, trường hợp điển hình chính là lý Vô ngã. Nếu người nào trong chúng ta tương đối nhạy cảm hoặc có sự liên tưởng nhanh sẽ cảm nhận được tác động khốc liệt của một sự thật như thế. Đối với chúng ta, từ bỏ luôn luôn là một điều khó khăn, cho dù với những gì ít giá trị nhất. Thế mà ở đây cái được gợi ý từ bỏ lại chính là cái lâu nay đã hình thành nên chính chúng ta. Nếu chúng ta có niềm tin vào Phật pháp, và muốn cải thiện tồn tại của mình theo đường hướng đó thì điều này có nghĩa sớm muộn gì chúng ta cũng phải từ bỏ cái chúng ta yêu quí nhất. Đối với chúng ta, đây không phải là một nuối tiếc mà là một sự tuyệt vọng, bởi vì chúng ta sẽ mất tất cả. Và càng tuyệt vọng hơn nữa là không phải chúng ta mất cái đó mà sự thật là chúng ta được dạy rằng không có cái mà chúng ta nghĩ là mình đã sở hữu lâu nay. Nếu vậy, chúng ta sẽ thu được những gì trên con đường này? Một sự thật hiển nhiên, chúng ta cần phải can đảm nhìn thẳng vào mà nó không run sợ, không tuyệt vọng là chúng ta không thu được cái gì hết, hay nói một cách dễ chịu hơn, chúng ta không bao giờ đáp ứng được những đòi hỏi vô minh của chính chúng ta nếu chúng ta chọn lựa con đường này. Đôi khi vì quá bạc nhược chúng ta đã mơ ước được tái sinh vào một cõi trời nào đó; và chúng ta quên rằng nếu ước mơ này là hiện thực thì đó là tai họa lớn nhất trong chuỗi dài sinh tử của chúng ta. Bởi vì thiên giới là nơi nhận chìm chúng ta trong biển dục lạc chứ không phải là đạo tràng tu tập. Nếu chúng ta không bị sai sử bởi những tham vọng vô minh điên cuồng của chúng ta thì chúng ta có thể trực nhận rằng, chỉ cần với một tiền đề có tính phổ quát như quan niệm vôngã thì tất cả những gì thường được chúng ta mô tả là thành tựu, hoạch đắc, chứng đắc đều không thể t ồn tại. Chúng chỉ là những sản phẩm được hình thành trong quá trình vận hành của ngũ uẩn chúng ta. Làm sao có thể có cái để ta sở đắc khi cứu cánh cuối cùng của Phật giáo là giải thoát. Nói rõ hơn, nếu giải thoát được chúng ta xem như cái mà chúng ta sở đắc thì giải thoát đó thực chất chỉ là sự trói buộc được ngụy trang bằng những từ ngữ tốt đẹp. Dĩ nhiên người ta có thể dẫn chứng từ kinh điển những phát biểu của đức Phật về những thành tựu nào đó dành cho một hành giả dưới những tên gọi như sa môn quả, Phật quả, v.v… Tuy nhiên chúng ta nên nhớ rằng đó chỉ là những mô tả về tiến trình giải thoát. Có nghĩa là nếu một hành giả giải thoát được những trói buộc nào đó thì sẽ được mô tả là “thành tựu” một quả tương đương nào đó. Không có một quả có sẵn nằm đâu đó trong không gian và thời gian để chờ đợi chúng ta hoạch đắc như một địa vị có sẵn trong xã hội, như một ngôi nhà, một chiếc xe, v.v… chúng ta sở hữu được. Tiến trình nỗ lực và thành tựu của Phật giáo là một tiến trình chuyển hóa cơ cấu ngũ uẩn để cuối cùng chúng ta có thể nhìn thấy như thế nào đó, một cái nhìn chấm dứt mọi sự đeo bám vào cái thân ngũ uẩn với đủ mọi thứ sai lầm của nó. Đức Phật là một minh chứng đầy đủ nhất cho điều này. Tất cả những gì đức Phật tuyên thuyết sau khi “đắc” được giác ngộ đều chỉ là một cố gắng tường thuật về những gì Ngài đã nhìn thấy; và điều mong mỏi nhất của Ngài, nếu có, đối với chúng ta là một ngày nào đó chúng ta cũng có thể nhìn thấy được như Ngài.

Đây chính là điểm tích cực đầu tiên được rút ra từ quan niệm vô ngã tưởng chừng như quá tiêu cực. Khi không có thật một chủ tể điều động và sai sử chuỗi dài sinh tử tiếp nối của con người thì đó cũng là lúc con người tìm lại được tự do đầu tiên. Chính con người quyết định vận mạng của mình chứ không phải ai khác. Tất cả những ai đã từng trải qua cái cay đắng trong những lúc bị bức bách cùng tột bởi sự khốn cùng, tuyệt vọng trước một “số phận định sẵn” mới có thể tri ân đức Phật về điều này. Phật tử là những con người ngang nhiên thách thức với số phận của chính mình. Bởi vì chính họ là người duy nhất quyết định cách thế tồn tại của họ.

Từ sự tự do đầu tiên này, chúng ta hoạch định một chuyến đi dài trên chính đôi chân của mình. Đây không phải là cuộc hành trình chạy trốn khổ đau hay tìm kiếm an lạc mà là một tiến trình nỗ lực chuyển hóa tâm thức. Và số lượng hành trang quí giá nhất không ai có thể tước đoạt được của chúng ta là sức mạnh ý chí và niềm tin tuyệt đối vào Phật pháp. Sở dĩ chúng ta nỗ lực gìn giữ và phát triển hai điều này mà không sợ gặp nguy cơ phải tiếp tục trò chơi nhàm chán cũ rích là tạo dựng một ảo tưởng về một định tính nào đó trong chúng ta, là nhờ tự thân pháp vốn là cái có khả năng chặt đứt những loại đeo bám như thế và nhờ ý chí là sức mạnh giúp chúng ta duy trì tiến trình chuyển hóa một cách bền bỉ.

Dĩ nhiên, bước đầu của cuộc hành trình sẽ rất gian khổ. Tin vào Phật pháp hình như là vốn liếng đã được tích lũy từ lâu trong chúng ta; nhưng còn sức mạnh của ý chí? Chúng ta vốn thường quen chỉ hăng hái trong những nỗ lực nào qui hướng về chính mình; và vì thế thường khó tìm thấy sức mạnh trong những việc làm tưởng chừng như chẳng liên quan gì đến mình. Và điều này có thể trở nên tồi tệ hơn khi chúng ta nghĩ rằng nếu thật sự không có cái làm nền tảng hằng hữu cho chính tồn tại của chúng ta thì thật vô ích để phải tiếp tục những nỗ lực hoàn thiện nào đó. Thật ra, quan niệm vô ngã không hoàn toàn phủ nhận tồn tại của con người trên mặt đất. Nó chỉ giúp chúng ta thoát khỏi ảo tưởng về một thực thể quyết định nào đó trong con người chúng ta. Ngoài ra, sự tồn tại và vận hành của các thành phần khác vẫn là những gì hình thành hiện hữu của chúng ta. Vì thế những nỗ lực đầu tiên của chúng ta sẽ bắt đầu từ chính những thành phần này. Có nghĩa, chúng ta vẫn phải bắt đầu với những gì như chúng ta đã có trước đây; thế nhưng với một nhận thức mới. Cần lưu ý rằng cái chúng ta sẽ dồn hết mọi nỗ lực vào đó chính là sự chuyển đổi tâm thức; vì thế một nhận thức mới như thế về chính tồn tại của chính mình dưới ánh sáng của lý vô ngã có thể xem như “thành tựu” đầu tiên chúng ta đạt được khi vừa mới lên đường. Với niềm tin và ý chí, chúng ta nhìn vào sự vận hành của ngũ uẩn không phải như một cá thể biệt lập với những cá thể khác trong cộng đồng và thế giới mà là trong một quan hệ hỗ tương dung nhiếp. Chỉ với một nhận thức như thế, chúng ta mới có thể bắt đầu và tiếp tục cuộc hành trình này, bởi vì mọi thứ chướng ngại chúng ta có thể gặp phải đều xuất phát từ sự đeo bám của một ý tưởng sai lạc nào đó về “mình”. Có nghĩa chúng ta sẽ phải nỗ lực rất nhiều mà chẳng hy vọng thành tựu được gì cho “bản thân” chúng ta cả. Bởi vì nếu có cái gọi là công đức được thành tựu do những nỗ lực của chúng ta, dù trong một ngày một đêm, thì cái đó sẽ được chuyển giao toàn bộ ho tất cả chúng sinh khổ đau ở khắp mười phương thế giới. Đây quả thật là điều rất khó chịu đựng cho chúng ta. Nhưng chúng ta không thể làm khác hơn. Niềm tin vào Phật pháp sẽ giúp chúng ta làm được điều đó và sức mạnh của ý chí sẽ giúp chúng ta tiếp tục làm được điều đó. Nhờ Phật pháp chúng ta đã biết được thế nào là cảm thọ và những vị ngọt nguy hiểm của nó. Sẽ có rất nhiều điều khó chịu hơn mà chúng ta phải tập làm quen. Chẳng hạn, chúng ta sẽ phải giúp đỡ cho rất nhiều người mà chúng ta không được phép ghi nhớ số lượng của họ; chúng ta sẽ phải nỗ lực trong rất nhiều hoạt động của cộng đồng Phật tử cũng như xã hội; và nhờ những nỗ lực này chúng ta có thể rất nổi tiếng. Tuy nhiên cần nhớ rằng một ngày nào đó khi chúng ta bỗng nhiên cảm thấy “rất dễ chịu” trong ánh sáng ngọt ngào của một vòng hào quang nào đó chung quanh mình thì đó cũng là ngày cáo chung sự nghiệp cầu đạo của chúng ta. Phật pháp là sinh mạng của chúng ta chứ không phải một món đồ trang sức. Chúng ta sẽ phải chấp nhận cuộc sống như một kẻ bần hàn nhất thế giới và sẽ chết như một kẻ vô danh ở một xó xỉnh nào đó chẳng ai hay biết trên trần gian này. Đây quả là điều không dễ chịu đựng. Thế nhưng, có ai trong chúng ta không cảm thấy xót xa khi chứng kiến một lần quay về trước đôi cánh cửa tùng khép chặt!

No comments:

Post a Comment