Friday, March 28, 2025

HT Thích Nguyên Siêu: 50 Năm Nhìn Lại Một Chặng Đường Đầy Thử Thách (1975-2025)

 

Mở Đầu Cho Một Chặng Đường

Sáng đầu tuần thứ hai, cánh cửa thư viện vẫn im lìm, bất động, không giống như những ngày trước đây. Tiếng gõ máy chữ, tiếng lật trang sách, tiếng mở tủ thư viện… cùng hình ảnh anh em học tăng chăm chú học bài nay đều vắng bặt. Sự im lặng ấy dường như mang theo một điều gì đó bất thường, len lỏi vào tâm thức mỗi người dưới mái trường Cao Đẳng Chuyên Khoa Hải Đức Nha Trang.

Dãy nhà trai đường, Cư Xá Tăng Sinh Viên, từ đầu đến cuối không còn những hình ảnh thân thuộc mỗi sáng. Những ngày trước, khi hiệu lệnh chấp tác vang lên, anh em học tăng liền cầm chổi quét rác trong khu vực của mình, do Ban Lãnh Chúng phân công. Những chiếc lá vàng khô rơi rụng suốt ngày đêm—lá bồ đề lớn bằng bàn tay, lá khế vàng cong quẹo dưới nắng hạ, lá me nhỏ li ti phủ đầy mặt đất—tất cả như những chứng nhân lặng lẽ của thời gian, chứng kiến bao thập niên trôi qua từ ngày thành lập Phật Học Viện Trung Phần Hải Đức Nha Trang.

Giờ đây, thân cây me với lớp vỏ sần sùi, tán lá rộng che mát một góc trời. Quét rác, tưới cây xong là đến giờ ăn sáng, rồi ai nấy ôm kinh sách vào thư viện, lớp học, tuân theo thời khóa biểu quy định. Không ai dám làm gì ngoài chương trình, bởi lẽ lúc nào cũng có Ôn Đỗng Minh thăm hỏi. Dù bận rộn với hãng xì dầu, Ôn vẫn luôn hiện diện trong tâm thức anh em học tăng. Giống như Ôn Già Lam, vị cha già tận tụy chăm sóc đàn con qua bao Phật Học Viện: Bảo Quốc Huế, Phổ Đà Đà Nẵng, Hải Đức Nha Trang, Quảng Hương Già Lam Sài Gòn…

Đó là những ân tình hướng thượng, những tình cảm thiêng liêng trong hành trình đào tạo Tăng tài để phụng sự Tam Bảo, phụng hiến cho đạo pháp và nhân sinh. Một kiếp người—ân đền nghĩa trả—nhiều lương duyên, nhiều hữu hạnh.

Cái bất thường ấy cứ kéo dài từng ngày, cho đến khi có tin Ôn Già Lam – Giám Viện Phật Học Viện – về thăm trường. Anh em học tăng vui mừng khôn xiết, nét mặt ai nấy đều rạng rỡ. Bởi lẽ giờ đây, ngoài quý Ôn, họ còn biết nương tựa vào ai? Sống hay chết, vui hay buồn, tu hành hay hoàn tục—tất cả đều ẩn mình dưới bóng những cội tùng già sừng sững trước thời gian. Dù cuộc đời có giông bão, dù mưa to gió lớn đến đâu, những cội tùng ngàn năm trên núi tuyết vẫn bền bỉ che mưa chở nắng, kiên gan cùng tuế nguyệt, mãi mãi bất hoại.

Ôn về, lời nói được truyền tai nhau, như một sức mạnh nhiệm mầu làm sống dậy tinh thần sau những ngày hiu hắt, im lìm… Tình thầy trò, nghĩa ân sư trở nên gần gũi hơn bao giờ hết. Đặc biệt là khi Ôn Thiện Siêu – Viện Trưởng, Ôn Đỗng Minh – Phó Viện Trưởng, Ôn Tuệ Sỹ – Giám Học Học Vụ và Ôn Trừng San – Giám Sự Viện cùng ngồi chung bàn tại phòng khách hậu Tổ, dùng cơm trong bầu không khí đậm đà, thân thương. Khi ấy, thật thấm thía câu ca dao Việt Nam:
“Lửa thử vàng, gian nan thử sức.”

Chỉ khi trải qua gian nan mới thấy rõ lòng người—ai trung trinh, ai thay đổi, ai một dạ sắt son hay ai nhẹ dạ chạy theo huyễn danh, sắc tướng, những phù hoa tạm bợ của thế gian mộng mị. Điều này càng được khẳng định rõ nét trong buổi họp chúng, nơi đầy đủ mặt từ Ban Giám Đốc đến anh em học tăng.

Ôn Già Lam cất lời:
“Hôm nay tôi về đây, về thăm viện, thăm quý Thầy, thăm anh em học tăng… Trải qua bao nhiêu thời gian kể từ ngày thành lập Viện Cao Đẳng Hải Đức Nha Trang, tôi vì bận Phật sự nên không thường về được. Trên đã có Thượng Tọa Thiện Siêu – Viện Trưởng trông coi, bên cạnh lại có Thầy Đỗng Minh, Thầy Tuệ Sỹ, Thầy Trừng San Giám Sự, nên tôi cũng yên lòng.

“Nhưng hôm nay, tôi muốn nói điều này để quý Thầy và anh em học tăng hiểu rõ. Bây giờ tôi đã là Hòa Thượng, thì dù tôi có ngồi dưới nhà bếp, quý Thầy vẫn gọi tôi là Hòa Thượng; hay có ngồi trên phòng khách, nơi hội họp để uống trà, dùng cơm như hôm nay, quý Thầy cũng gọi tôi là Hòa Thượng—không có gì sai khác cả.

“Dù hôm nay ở đây, hay mai kia mốt nọ dòng đời có thay đổi, thế sự xoay vần, thiên biến vạn hóa, thì tôi vẫn luôn ở bên cạnh quý Thầy, bên cạnh anh em học tăng để cùng nhau làm đạo. Ở trong nhà Như Lai, tôi sẽ không bao giờ xa cách.

“Với cảnh đời hôm nay, riêng tôi, tôi chấp nhận chịu nhục để quý Thầy và anh em học tăng được sống, được gìn giữ giềng mối của Đạo, của Phật Pháp trước cuộc đổi thay, thăng trầm, dâu bể này.”

“Một lòng tưởng niệm Phật Đà,
Một đời con nguyện ở nhà Như Lai.
Con nguyện mặc áo Như Lai,
Ngồi tòa pháp tọa Như Lai muôn đời.”

Nghe vậy, Ôn Thiện Siêu – Viện Trưởng – cũng cất lời, lời nói thâm trầm trong tư duy và lịch nghiệm của bậc Tôn túc, một thạch trụ vững vàng trong chốn Thiền môn. Giọng Ôn nhỏ nhẹ, ấm áp, nhưng rõ ràng như lúc Ôn giảng bài trong lớp học. Anh em học tăng ngồi dưới lắng nghe, mà trong khoảnh khắc ấy, dường như tâm thức mỗi người ngừng trôi, trái tim ngừng đập, mạch máu cũng như lặng thinh, nín thở.

Người viết lại những lời này, người đọc có thể không tin. Nhưng những ai có mặt trong buổi họp chúng hôm ấy mới thấu hiểu được nỗi lòng của quý Ôn, mới cảm nhận hết những suy tư vô giá, không ngằn mé của anh em học tăng trong giây phút hiện tiền này.

Ôn Thiện Siêu dạy:

“Ở đời, người ta thường nói: Tấn vi quan, thối vi sư. Nhưng suốt đời tui chỉ làm Thầy dạy học, nên tui nghĩ về tự thân mình thế này: Tấn vi sư, mà có thối thì cũng vi sư. Có tiến tới thì làm Thầy, mà có thối lui thì cũng làm Thầy, chứ biết làm gì bây giờ! Vì mình ăn cơm Phật, nên suốt đời chỉ làm việc Phật.”

Đứng trước những thăng trầm, bĩ cực của thế gian, anh em học tăng giờ đây mới thực sự nghe được tiếng hống sư tử trong chốn Thiền môn mà kính phục, mà quy ngưỡng, để nhận ra chính mình là Thích tử Như Lai. Những bậc Thầy trên dòng chảy của lịch sử Phật giáo Việt Nam, muôn đời làm rạng ngời Phật Việt.

Ôn lặng lẽ đưa mắt nhìn khắp anh em học tăng, rồi dừng lại, cúi xuống trong dáng dấp Từ Bi muôn đời của bậc chân tu.

Có tiếng động nhỏ bên cạnh Ôn Già Lam. Anh em học tăng ngước đầu nhìn lên, thấy Ôn Tuệ Sỹ khẽ kéo vạt áo nhật bình bạc màu muôn thuở cho ngay ngắn, rồi chắp tay thưa:

“Kính bạch quý Ôn, từ nãy giờ con lắng lòng nghe quý Ôn dạy mà thầm nghĩ: từ thế hệ của quý Ôn nhìn xuống, vẫn còn có chúng con luôn sát cánh để cùng quý Ôn làm việc. Nhưng từ thế hệ của chúng con nhìn xuống, cho đến bây giờ vẫn chưa thấy ai, hoặc có mà còn đang ẩn núp đâu đó, chưa tìm ra. Vì vậy, mong quý Ôn cứ yên tâm. Bên cạnh quý Ôn đã có chúng con. Dù cho trời long, đất lở, chúng con vẫn luôn hiện diện nơi đây, không bao giờ rời bỏ quê hương và dân tộc, không bao giờ để đạo pháp bị nhiễu nhương, lung lạc bởi thế lực cường quyền, bởi sức mạnh tà ngụy của ma quân.”

Anh em học tăng sửng sốt, chỉ biết nhìn nhau, không ai dám thốt lên một lời nào trước sự uy dũng, khẳng khái của Ôn Tuệ Sỹ. Giờ đây, khi hồi tưởng lại, những lời thơ của Ôn trong Giấc Mơ Trường Sơn lại càng thấm thía hơn bao giờ hết:
“Mười lăm năm một bước đường
Đau lòng lữ thứ đoạn trường cha ơi!”

Hay:
“Một lần định như sao ngàn đã định
Một lần đi là vĩnh viễn con tàu.”

Vĩnh viễn con tàu thật rồi, Thầy ơi! Những tiếng cuốc lác nơi núi rừng Vạn Giã, những lời Thầy dặn dò anh em hãy gắng sức dịch Đại Tạng Kinh, những thanh âm dương cầm giờ cũng đã tắt lịm. Còn đâu một thoáng phù du…

Cánh cửa Viện Cao Đẳng Hải Đức Nha Trang từ từ khép lại, khép lại như bao cánh cửa Phật học viện trên khắp mọi miền đất nước. Nhìn vào điện Phật, chỉ thấy tượng Đức Bổn Sư an nhiên ngự tọa trên đài sen—bất động, như nhiên, với đại hùng lực, đại từ bi, đại trí tuệ…

Phật thấu triệt con đường duyên sinh duyên diệt, nên Phật vẫn lặng yên. Ngài an trú trong đại thể vô sinh bất diệt, trong tự tánh Không của sơn hà đại địa, của hết thảy chúng hữu tình cùng vô tình. Và nơi Từ Bi Tâm ấy, tất cả đồng thành Phật đạo.

Định Hình Cho Một Đời Sống Mới

Sau khi viện đóng cửa, không còn tiếp tục học được nữa, anh em học tăng mỗi người một ngả. Người thì quay về chốn xưa, nơi Thầy Tổ, nơi thuở đầu đời cắt mái tóc xanh, khoác lên mình chiếc áo nâu sòng, làm điệu. Từ miền Trung – vùng đất cày lên sỏi đá, nơi chịu đựng nắng lửa, mưa dầm – cho đến miền Tây, miền Nam – nơi cánh đồng cò bay thẳng cánh, sông rạch nước mênh mông – tất cả đều trở về với lý tưởng của người xuất gia: sáng chuông, tối mõ, chuyên tâm tu học.

Số anh em còn ở lại viện thì xuống xưởng xì dầu lao động, nơi mà bấy lâu nay Ôn Đỗng Minh đã chủ trì, xây dựng kinh tế tự túc để nuôi anh em qua bao Phật học viện từ Trung chí Nam. Đây từng là chỗ nương tựa vững chắc nhất, nhưng rồi cũng dần phai nhạt, bị bào mòn theo thời gian, âm thầm hoại diệt như quy luật vô thường. Thật đúng như lời Phật dạy: “Hễ có hình tướng, có danh xưng, thì tất yếu sẽ theo dòng biến dịch của thời gian mà đi đến hoại diệt.” Thành, trụ, hoại, không – đó là quy luật bất biến của muôn sự muôn vật.

Giờ đây, bốn giờ sáng, trăng nước mênh mông, một dải cát vàng trải dài bên bờ Thái Bình Dương. Sóng nước lăn tăn, nhấp nhô như đang đùa giỡn, như đang quyến rũ: “Hãy thả chân xuống nước đi, hãy bơi ra xa bờ! Hãy xa bờ mới có thể vượt bờ! Đừng dính mắc vào bờ nữa, hãy nhanh lên, thời gian không còn nhiều!”

Tiếng nói ấy vang vọng bên tai, lúc gần, lúc xa, như thúc giục, như đẩy đưa. Một sức mạnh vô hình kéo tới, khiến đôi chân phải rời đi, đôi tay quạt nước giữa trời trăng sáng. Sóng nhẹ dập dờn, muôn ngàn ánh trăng lấp lánh trên mặt biển. Xa dần bờ, để rồi đón nhận một con tàu. Lên tàu, nằm xuống, thở nhẹ. Nhìn lên, bầu trời không có sao, vì ánh trăng đã che khuất tất cả.

Đêm lùi dần, ngày dần hiện ra. Mở mắt, chỉ thấy mờ mờ bóng núi đồi, nhà cửa ẩn hiện như sương, như khói. Trong đầu chợt vang lên câu pháp ngữ:
“Hồi đầu thị ngạn” – Quay lại là bờ!

Sông mê thì muôn trùng sóng gió, cuốn chìm bao kẻ thị phi. Nhưng ai đã ngoi đầu lên được, ai đã quay đầu lại, thì đó chính là bờ. Pháp vẫn luôn hiện hữu, ngay bây giờ, ngay tại đây, không xa xôi một tấc, không mất đi trong từng sát na.

Xa bờ, rồi lại gần bờ. Rời bờ, để rồi đến bờ. Thật sự đã đến bờ, để thấy lại sự sống. Những ngày tháng trôi qua, sự sống thật mong manh, không chắc thật. Giữa biển trời vô tận, chẳng biết đâu là bến bờ, như chiếc lá tre trôi dạt giữa đại dương, ai dám chắc mình sẽ có được bình an, hạnh phúc nơi viễn xứ?

Giờ đây, sự sống đã rõ ràng hơn. Hai bữa cơm đều đặn, vào phòng phát cơm tiếp nhận đồ ăn. Rau muống xào, bắp chuối luộc, chút xì dầu, hai vá cơm – chế độ sinh hoạt hằng ngày đơn sơ nhưng đầy đủ.

Xin gửi một lời tri ân – tri ân người đã yêu thương tôi, đã cho tôi một cuộc sống vô cùng quý giá. Chính nhờ đó mà tôi có thể dâng hiến, có thể phụng sự – hôm nay, ngày mai, hay mãi mãi về sau. Xin tất cả chúng ta hãy biết trân quý sự sống này, hãy cùng nhau xây dựng một cuộc đời tốt đẹp hơn. Bởi lẽ, nếu không may đã chết đi như bao người khác, thì hôm nay đâu còn cơ hội để phụng sự, để định hình một tương lai.

Giá trị của một đời sống mới chính là sức khỏe và tư duy, là sự cần mẫn và tích lũy, là sự tiến thân và nhận diện. Chỉ có như vậy, ta mới đạt được các hạnh lành, thiện sự, công đức lợi mình, lợi người.

 

Và cứ thế, cuộc sống dần được định hình. Bao nhiêu người ra đi để xây dựng một đời sống mới, tiếp cận với nền văn minh tiến bộ, với kinh đô ánh sáng vật chất. Còn những người ở lại thì vẫn vậy, sống trong túp lều tranh, nơi vườn khoai mì, khóm chuối. Vẫn chiếc võng lưới cũ kỹ, rách nát, đung đưa dưới mái lá đơn sơ, đọc kinh, học ngoại ngữ. Mỗi ngày học được dăm ba chữ để giao tiếp, vào xóm xin đu đủ, dừa khô, bắp chuối làm lương thực qua ngày. Như câu thơ cổ:
“Người quân tử ăn chẳng cầu no,
Đêm năm canh an giấc ngáy kho kho.
Đời thái bình cửa thường bỏ ngỏ.”

Túp lều tranh, vách lá thì có gì để đóng cửa, nhưng thật sự là thái bình, vì không ai trộm cắp, không ai toan tính điều xấu xa.

Nơi làng xóm có một ngôi chùa nhỏ. Ngày 30, mùng 1, ngày rằm, Phật tử về chùa đông đúc, thắp hương, thành kính cầu nguyện: “Xin cho con sớm được định hình một đời sống mới.”

Và rồi, tất cả ai cũng được ra đi, để lại bao kỷ niệm sau lưng. Chân trời mới dần hiện ra, một đời sống mới được dựng xây từ đôi bàn tay trắng. Không gì khác ngoài sự miệt mài cố gắng, ngoài tinh thần tự lực tiến thân. Ban đầu, mọi thứ đều lạ lẫm: ngôn ngữ ngăn cách, chữ nghĩa chưa quen, ánh sáng đô thị chói lòa, dòng xe bất tận gây choáng ngợp, lòng người vẫn còn rụt rè khi tiếp xúc với dân bản xứ.

Rồi dần dần, tất cả cũng quen. Một nền văn hóa tự lập – không nương tựa cha mẹ, không dựa vào gia tài tổ tiên, mà chính bản thân phải gắng học, phải vươn lên. Ở đây, người ta học từ khi còn trẻ cho đến lúc già, không phân biệt tuổi tác, ai muốn học cũng đều được chấp nhận. Một xã hội mà không ai mù chữ. Một xã hội có điều kiện tiến thân, nơi mà bất kỳ ai chịu khó rèn luyện cũng có thể thành tựu.

Trong làn sóng người ấy, cộng đồng tự viện cũng vươn lên nhờ vào sự hộ pháp của Phật tử. Đây chính là tinh thần hộ pháp ngàn đời của lịch sử Phật giáo Việt Nam. Ở đâu có người Việt, ở đó có tự viện. Một căn nhà đơn sơ cũng có thể trở thành ngôi chùa, một nhóm năm mười Phật tử cũng có thể trở thành một đạo tràng. Và rồi, từ phố thị đến thôn quê, từ nơi đông đúc đến vùng xa vắng, vẫn luôn thấp thoáng bóng dáng áo nâu, vẫn luôn nghe mùi hương trầm quyện trên bàn Phật.

Giá trị sống là Từ Bi, sự nghiệp bền vững là Trí Tuệ – đó chính là cột trụ để định hình một đời sống hôm nay.

Nhớ Về Dòng Lịch Sử Của Lịch Đại Tổ Sư

An cư mới lạc nghiệp, nay khi đã tương đối ổn định, chúng ta phải nghĩ về cội nguồn Tổ Đức. Hãy tưởng nhớ đến công đức của các bậc tiền nhân – những người đã hy sinh để chúng ta có được ngày hôm nay. Là con cháu hậu duệ, không thể lãng quên hương khói tổ tiên, cũng như không thể bỏ quên khám thờ của làng nước.

“Đời người có Tổ có Tông,
Như cây có cội, như sông có nguồn.”

Vậy Tổ Tông của chúng ta là ai? Câu hỏi này đã có sẵn câu trả lời. Tất cả cộng đồng Tăng Ni Tự Viện ở hải ngoại đều là hậu duệ của Thiền phái Lâm Tế, Thiên Thai, Tổ Thiệt Diệu Liễu Quán, Thiền phái Lâm Tế Chúc Thánh (Quảng Nam), Tổ Minh Hải Pháp Bảo, cùng một số Thiền phái khác như Quốc Ân Nguyên Thiều Hoán Bích, Long Động Thiền Sư Chân Nguyên Tuệ Đăng… Dù thuộc hệ phái nào, tất cả đều chung dòng chảy Phật Giáo Việt Nam từ thuở sơ khai đến nay.

Dòng lịch sử được tiếp nối không gián đoạn nhờ vào sự kế thừa của các thế hệ – Tổ Ấn Trùng Quang. Hàng đệ tử tiếp nối sự nghiệp của Thầy Tổ để duy trì và phát triển Phật pháp. Nếu không phát triển, Phật pháp không thể lan tỏa rộng xa, không thể đi sâu vào đời sống. Cũng như một dòng sông cần nguồn nước dồi dào, một cây đại thọ phải có rễ sâu mới có thể đứng vững trước bão giông.

Nhìn về dòng lịch sử chư vị Tổ Sư, Phật Giáo Hải Ngoại cần có cái nhìn thực tế: bảo tồn và phát huy thế hệ trẻ.

Hỗ trợ và phát triển Gia Đình Phật Tử (GĐPT)

Tạo điều kiện để hướng dẫn sinh hoạt đúng theo tôn chỉ.

Giảng dạy Phật pháp, tiếng Việt trong các mái chùa.

Tổ chức tu học để thế hệ trẻ gắn bó với chùa, xem chùa như mái nhà chung.

Quý Thầy Cô phải là người khởi xướng, nuôi dưỡng tổ chức GĐPT vì đây chính là nguồn tài nguyên quý giá của hàng Phật tử tại gia.

Thâu nhận và đào tạo thế hệ trẻ xuất gia

Mỗi vị Thầy cần có ít nhất một đệ tử, nếu nhiều hơn thì càng tốt.

Nếu không có người kế thừa, khi Thầy viên tịch, ai sẽ duy trì tự viện?

Đây là vấn đề cấp thiết của thời đại.

Ấn bản song ngữ ấn hành trên kệ sách Amazon

Khoảng 200 năm trước, Phật Giáo Trung Hoa và Nhật Bản từng phát triển rực rỡ tại Hawaii, xây dựng nhiều ngôi chùa trang nghiêm. Nhưng theo thời gian, vì thiếu người xuất gia, các tự viện dần trở thành viện bảo tàng hay điểm du lịch. Hiện nay, Phật Giáo Việt Nam Hải Ngoại cũng đang đối mặt với bài toán tương tự: Làm sao duy trì và phát triển?

Giải pháp cấp thiết:

  • Các chùa cần mở lớp dạy tiếng Việt cho thiếu nhi Phật tử.
  • Trong các lớp này, có thể khởi duyên để các em phát tâm xuất gia.
  • GĐPT cũng là môi trường gieo duyên cho thế hệ kế thừa.

Xưa kia, trong các chùa miền quê Việt Nam, hình ảnh quen thuộc là hai mái đầu – một già, một trẻ – bên ngọn đèn dầu hột vịt, cùng nhau học Phật pháp. Thầy đọc trước, trò đọc theo sau, từng bước lĩnh hội giáo pháp. Chính những phương thức giản dị ấy đã giúp Phật pháp tiếp nối bền vững qua bao thế hệ.

Ngày nay, nếu không có sự kế thừa, liệu rằng mai này chùa có còn người hương khói? Liệu Phật pháp có còn chỗ đứng nơi đất khách quê người? Đây là trách nhiệm chung của tất cả chúng ta – những người đang gánh trên vai sự tiếp nối mạng mạch của Phật Giáo Việt Nam.

Ở hải ngoại không thiếu những ngôi tự viện lớn, có tầm cỡ, với đủ phương tiện vật chất, nhưng lại thiếu đi đội ngũ trẻ, thế hệ kế thừa cho tương lai. Một thời cha ông đã qua, nhưng không ai đứng ra đóng cửa chùa hay duy trì công phu bái sám. Cần phải đặt vấn đề này để cùng nhau tìm ra giải pháp thích hợp, vừa thực tế để hộ đạo, hoằng đạo, vừa tránh trở thành những rào cản tiêu cực cho bất kỳ ai.

Thế hệ đi trước của những thập niên 70-80 giờ đây không còn mấy ai. Họ là những người đã lót đường, tạo cầu nối cho thế hệ sau tiếp tục đi qua và tiến tới. Vậy thì, thế hệ đi sau cũng phải tiếp tục lót đường, tạo điều kiện cho thế hệ kế tiếp vươn lên, gìn giữ, bảo trì và phát huy Phật pháp tại phương Tây. Hãy gieo những hạt mầm tuổi trẻ, hãy dạy các em thiếu nhi, thiếu niên, vì thế hệ này nói tiếng Anh giỏi, chỉ cần trao niềm tin Tam Bảo và giúp các em hiểu đôi chút về Phật pháp, thì tương lai của họ sẽ xán lạn.

Do đó, những người có trách nhiệm hôm nay không nên chần chừ mà phải bắt tay ngay vào công việc, nếu không muốn quá muộn. Công việc hoằng pháp cần được thực hiện với nhiều khía cạnh, mang theo hành trang tâm linh để dấn thân theo nhu cầu của cộng đồng. Hãy tổ chức các đạo tràng tu học cho Phật tử địa phương, mở trường dạy tiếng Việt cho thiếu nhi, tạo nên một làn sóng học Phật pháp từ thế hệ già đến thế hệ trẻ.

Kinh nghiệm từ sự nghiệp hoằng pháp của các vị Tổ sư cho thấy rằng, Hòa Thượng Thích Thiên Ân đã mở trường Đại học Đông Phương, tập trung vào đối tượng hoằng pháp là người dân bản xứ, với nhiều học trò, đệ tử người Mỹ, trong các lĩnh vực Phật pháp, văn hóa, giáo dục… Tuy nhiên, khi Hòa Thượng viên tịch quá sớm, những công trình, đầu tư về kiến thức và khả năng dần lụi tàn vì thiếu vắng một thế hệ kế thừa đủ tầm cỡ để duy trì sự nghiệp.

Trong khi đó, Sư Ông Làng Mai đã đầu tư cho cả một thế hệ, xây dựng và trao truyền cho thế hệ sau những kinh nghiệm, những bước đi vững vàng, và những nghệ thuật sống tươi mới. Nhờ vậy, Tăng Đoàn Làng Mai đã có một sức sống lan tỏa mạnh mẽ, tạo nên một nếp sống tâm linh linh hoạt, đầy năng lượng.

Từ những quan sát này, chúng ta cần nhận thức rõ rằng một tổ chức, một giáo hội, và những người dẫn đầu phải có tâm huyết, hy sinh, và tầm nhìn rộng lớn. Họ phải có khả năng lãnh đạo, tổ chức sáng tạo để truyền thừa Phật pháp qua nhiều thế hệ. Nếu không, mọi công sức cũng chỉ tồn tại trong chốc lát rồi sẽ vụt tắt. Đây không phải là lời nói tiêu cực, mà là sự nhận thức về những thử thách lớn đang chờ đón trên con đường đi, và sự cần thiết phải ý thức về trách nhiệm của bản thân đối với Phật pháp trong hiện tại, thay vì chỉ đứng ngoài cuộc.

Thiền phái Trúc Lâm Yên Tử từ trong nước ra hải ngoại đã tạo nên một sức sống lớn, giúp lan tỏa dòng Thiền Phật giáo Việt Nam ra khắp thế giới, làm rạng danh Phật giáo Việt Nam trong thế kỷ 21. Tuy nhiên, chúng ta cũng phải chú ý đến việc nuôi dưỡng thế hệ trẻ, không được lãng quên họ. Việc xây dựng những Thiền viện lớn, có đầy đủ phương tiện tu tập và truyền bá là rất tốt, nhưng suy nghĩ và quan tâm đến thế hệ trẻ mới là điều tối cần thiết.

Nhìn về quá khứ, sự nghiệp hành trạng của các vị Lịch Đại Tổ Sư thời cận đại là nguồn kim chỉ nam quý báu cho mọi hành động hoằng pháp, tu học và phụng sự. Sáu đời Tăng Thống đã nêu cao đức tính Đại Hùng, Vô Uý, đầy lòng Từ Bi và Trí Tuệ trong công cuộc xiển dương Phật pháp. Một ngọn lửa Từ Bi bừng cháy, một trái tim bất diệt của Bồ Tát Quảng Đức, và các vị Thánh tử đạo đã vì Pháp mà thiêu thân, để bảo vệ Phật Pháp được trường tồn.

Đó là một ý thức Thiện Minh Đại Hùng, bất bạo động, nêu cao tinh thần tự chủ, độc lập, không nô lệ, không khiếp nhược trước cường quyền, bạo chúa. Đó cũng là một ý thức Trí Thủ, như thông điệp tình thương của Mẹ, trao cho đàn con một sức sống mãnh liệt và vô tận. Không cần sự khen chê, tốt xấu, nên hư… Tối thượng, bất khả tư nghì.

Đại Hùng, Đại Lực, Đại Từ Bi, Đại Trí Tuệ của các vị Lịch Đại Tổ Sư Phật Giáo Việt Nam đã viết lên dòng lịch sử bằng máu của chính mình, thắp lên ngọn đuốc thiêng soi sáng bằng chính thân xác của họ. Vô úy quá! Hùng tráng quá! Đầy chất liệu Từ Bi, tình thương nuôi dưỡng Phật Giáo Việt Nam suốt 2000 năm qua.

Phật Giáo Việt Nam Hải Ngoại phải học được bài học ngàn đời này, đó mới chính là cách nhìn đúng đắn về dòng chảy sự nghiệp và hành trạng của các Lịch Đại Tổ Sư. Hiện tại, các chư Tăng Ni đều là thành viên của các Giáo Hội Hải Ngoại, nhất tâm đảnh lễ quý ngài, thương tưởng và gìn vàng giữ ngọc của truyền thống, kỷ cương của mỗi Giáo Hội mình, để không lạc hướng và mất đi những giá trị cốt lõi sau 50 năm nhìn lại chặng đường đầy cam go thử thách này.

Nền Văn Học Phật Giáo Tuôn Chảy Từ Đỉnh Cao

Trước mắt là Đại Tạng Kinh Việt Nam, Thanh Văn Tạng vừa mới được ấn hành bởi Hội Đồng Hoằng Pháp, Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất, qua công trình phiên dịch của các vị Tăng Ni. Nhìn từng quyển kinh, màu sắc, hình bìa còn mới tinh, nét mực chưa nhòa, nhưng người chủ xướng, Ôn Chủ Tịch Uỷ Ban Phiên Dịch Đại Tạng, Hòa Thượng Thích Tuệ Sỹ, giờ đã về với Tây phương, để lại bao công việc ngổn ngang, chồng chất phía sau. Ước gì Ôn còn ở lại với đời thêm khoảng 10 năm nữa, để công trình phiên dịch Đại Tạng này bớt đi nỗi lo âu.

Nhưng không ai ngờ, không ai có thể học được chữ “ngờ”, dù chữ ngờ ấy đã được dạy trong Phật Pháp, trên tiến trình duyên sanh, duyên diệt. Phiên dịch Đại Tạng Kinh giữa quốc nội và hải ngoại chính là nền văn học xương sống, là cây cầu nối hai miền, giúp sự tiếp cận và thừa truyền phát triển từ đỉnh cao giác ngộ trong lời kinh Phật suốt mấy nghìn năm qua. Phật Giáo Hải Ngoại cần phải nguyện tiếp tay cùng với ban dịch sư quốc nội để nỗ lực hoàn thành Phật sự trọng đại này. Làm được như vậy chính là đền đáp ân đức của chư Phật, của chư vị Tổ đức trong công trình phiên dịch Đại Tạng Kinh năm 1973 của Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất, tổ chức tại Đại Học Vạn Hạnh.

Phật Giáo Hải Ngoại may mắn có được phương tiện tự do, không bị chi phối bởi ai, nhưng cần phải ý thức và phát nguyện, không chần chừ. Bởi nếu để sự chậm trễ đánh mất đi bao nhiêu thời gian quý báu, thì đó chính là điều tụt hậu mà chúng ta cần phải nhận thức rõ ràng.

Nền văn học Phật Giáo hải ngoại suốt năm mươi năm qua đã cho ra đời hàng loạt nhà xuất bản, kinh sách, ấn tống, các website, và truyền thông trang nhà Phật Giáo, tuôn chảy không ngừng. Đây là một kho tàng văn học Phật Giáo khổng lồ, luôn có mặt khắp mọi nơi, không ngừng nghỉ. Chính những tác phẩm này tạo nên một thế giới văn học giác ngộ, đáp ứng nhu cầu tu học cho nhiều tầng lớp người hôm nay và ngày mai.

Nền văn học Phật Giáo này đã được phiên dịch ra nhiều ngôn ngữ, nhằm phục vụ cho việc nghiên cứu và tu học của các thành phần tri thức, học giả, bác học. Các nhà tri thức Tây Phương đã đặt chân lên nền tảng văn học Phật Giáo này, tiếp cận sâu sắc hơn nền văn hóa giác ngộ của Phật Pháp. Họ đã trở thành những Phật tử chân chính, truyền bá giáo lý đạo Phật vào xã hội Tây Phương ngày nay.

Dù Phật Giáo hải ngoại có cái nhìn tổng quan như thế nào, nhưng chúng ta phải biết quay về nhìn lại chính mình, để tận dụng từng tấc thời gian. Nếu không, Phật Giáo sẽ bị lãng quên trong một thế giới bao la vô tận. Nền văn học Phật Giáo hải ngoại được hình thành từ cái nhìn và hiểu biết của con người, dù là chủ quan hay khách quan. Tuy nhiên, nền văn học này phải gắn liền và nương tựa vào nền văn học đỉnh cao của hơn 2600 năm trước, phát nguồn từ lưu vực Sông Hằng và đỉnh cao Hy Mã Lạp Sơn. Chính nền văn học này đã tạo dựng hình ảnh: “Này các tỳ kheo, các thầy hãy lên đường, lên đường để mang hương vị giáo ngộ, giải thoát đến cho khắp mọi nơi. Từ thành thị đến thôn quê, từ nhà giàu đến nhà nghèo, từ người tri thức đến kẻ thất học, bình dân… hãy thuyết giảng giáo pháp, tình thương và hiểu biết, để mọi người có thể nghe và chuyển hóa lòng mình. Từ nội tâm sân hận chuyển thành nội tâm an vui, tịch tĩnh. Từ nội tâm tranh chấp, đố kỵ chuyển thành nội tâm kham nhẫn, hỷ xả. Hãy đặt tâm xuống, như đặt một gánh nặng trăm cân từ đôi vai gầy yếu đuối. Vậy, các thầy hãy lên đường, đừng chần chừ, vì thời gian chẳng đợi ai. Vì sự bình an và hạnh phúc chung của con người và chúng sanh.”

Phật Giáo hải ngoại đã và đang lên đường, từ khi có mặt nơi hải ngoại theo làn sóng người di cư. Điều này chứng minh rằng nền văn học Chơn Đế luôn đồng hành với nền văn học Tục Đế, bất kể thời gian và không gian, hai đế vẫn dung thông.

Tóm lại, sau cuộc hành trình 50 năm, giờ nhìn lại, những gì của cha ông một thời đã dang rộng đôi tay nuôi dưỡng một thế hệ thì thời gian đã dần lùi về quá khứ, chỉ còn lại âm hưởng văng vẳng, phản phất qua lá, qua hoa, qua những lối mòn rêu phong nhạt nhòa, giai điệu vô thường, thiên lưu thiên biến, nay đầu gềnh, mai cuối bãi, trời thu thù tạc không ngừng. Nếu bất chợt gặp lại những hình ảnh xưa qua mạng truyền thông, những kỷ niệm một thời như cắp sách đến trường, thì chúng giờ chỉ còn là đổ nát, điêu tàn, nơi những dấu vết đã hiện hữu dưới đôi bàn chân dẫm mòn, lối đi lối về, nơi ngõ vắng chiều truông.

Còn khoảng 50 năm nữa ở hải ngoại, cũng chẳng khác gì như con sóng lớn, sóng ròng của đầu tháng và cuối tháng. Nhưng vì đời người có nhân duyên trong Phật Pháp, nên dù là sóng lớn hay sóng ròng, nhờ nhân duyên ấy mà tất cả chúng ta được nuôi lớn và trưởng thành từ thuở phôi bào đến hôm nay. Thành tựu rồi sẽ tan vỡ, hiện hữu rồi biến mất, nhưng những gì tồn tại thì vẫn tiếp tục tồn tại cho đến nay, như một chứng minh trên dòng chảy của Phật Giáo hải ngoại. Đây là một thử thách lớn, chứ chẳng phải chuyện bình thường, để có thể góp mặt cùng chư vị Tổ Đức của nhà Thiền trên quê hương.

Năm mươi năm nhìn lại để nhận ra quy luật tiến hóa và tụt hậu của loài người trên mặt đất này. Cái gì tiến hóa được thì cứ thế tiến tới, biến hóa thành thiên hình vạn trạng, bất chấp mọi thứ và chẳng kể ai. Còn những gì đã tụt hậu thì dù có níu kéo, đẩy đưa, cuối cùng vẫn chỉ là phía sau. Đây là một triết lý sống văn minh, hỗn độn của một kiếp người phù phiếm và mộng tưởng.

Chùa Long Sơn, San Diego, CA

Ngày 22 tháng 02 năm 2025

Thích Nguyên Siêu

No comments:

Post a Comment