Showing posts with label HDHP. Show all posts
Showing posts with label HDHP. Show all posts

Thursday, July 8, 2021

07.07.21 - Kính chia sẻ bài vở từ Hội Đồng Hoằng Pháp và Thư Viện Phật Việt


Nam Mô Phật Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni

Kính bạch Chư Tôn Đức Tăng Ni
Kính thưa quý pháp hữu, 
Chúng con/chúng em xin được mạn phép chia sẻ những bài mới của trang nhà Hội Đồng Hoằng Pháp và trang nhà Thư Viện Phật Việt trong tuần đầu tháng 7.
Cuối cùng, để Pháp Phật lan truyền rộng như vết dầu loang, kính mong quý vị "Like" hai trang nhà này, chia sẻ cùng đạo tràng của mình, bạn bè hoặc người thân để FB tính logarithm chuyển tải Giáo lý Phật Đà một cách hiểu quả hơn. 
Chúng con/chúng em xin dự định sẽ chia sẻ những bài như thế này mỗi tuần (nếu có thời gian), nếu không muốn nhận thì cho chúng con hay để lấy ra khỏi email listing.

Trong tuần này chúng con xin trân trọng giới thiệu 2 tài liệu quý mà đang cần dịch thuật qua tiếng Anh để cho tuổi trẻ được lợi lạc, nếu quý Thầy Cô hay quý pháp hữu nào có thể giúp, xin cho con / em hay.

Tiểu sử Đại lão Hòa Thượng Thích Tịnh Khiết, Đệ Nhất Tăng Thống GHPGVNTN

Thích Thiện Minh: Điếu văn tưởng niệm Đức Tăng thống Thích Tịnh Khiết trước khi nhập bảo tháp

https://thuvienphatviet.com/thich-thien-minh-dieu-van-tuong-niem-duc-tang-thong-thich-tinh-khiet-truoc-khi-nhap-bao-thap/
Khi chia sẻ trên các trang nhà khác, xin hãy ghi nguồn xuất phát từ 2 trang nhà HĐHP và Thư Viện Phật Việt.
Nam Mô Hoan Hỷ Tạng Bồ Tát Ma Ha Tát
Tâm Thường Định

1. Tiểu sử và công hạnh Đại lão Hòa thượng Thích Huyền Quang, Đệ Tứ Tăng Thống GHPGVNTN

https://hoangphap.org/tieu-su-va-cong-hanh-dai-lao-hoa-thuong-thich-huyen-quang-de-tu-tang-thong-ghpgvntn/

2. HT Thích Minh Châu (Luận án Tiến sĩ): So sánh kinh Trung A-hàm chữ Hán và kinh Trung Bộ chữ Pàli

Thích Nữ Trí Hải dịch

3. Tuệ Sỹ: Định hướng tương lai với thế hệ Tăng sĩ trẻ ngày nay

4. HT Thích Trí Thủ: Ba tháng an cư


5. TT Thích Nguyên Hiền: Các loại hình nghệ thuật trong nền văn hóa Phật giáo

6. Hồng Dương: Thấy vậy mà không phải vậy…

7. Hạnh Cơ: Việc dịch kinh ở Trung Quốc thời xưa


8. HT Thích Phước Sơn: Tam Tạng Thánh Giáo Nam Truyền

9. Nguyên Giác Phan Tấn Hải: Ảnh trầm hàn thủy

10. HT Thích Trí Quang: Vài đặc điểm của Phật Giáo

11. HT Thích Phước An: Về những bậc Thầy của Phật giáo Việt Nam hiện đại


12. Thích Nữ Trí Hải: Nguồn mạch tâm linh

13. Bhikkhu Cittacakkhu: Món nợ chưa trả cho Ôn

14. HT Thích Như Điển: Tổ Khánh Anh với công việc trước tác, phiên dịch


15. Phật giáo Việt Nam tại Châu Âu

Thư Viện Phật Việt

1. Phật điển phổ thông | Dẫn vào Tuệ Giác Phật: Chương 3: Các phẩm tính của Pháp

2. Phật Pháp Bốn Cấp: Bậc Trung Thiện

3. Thích Phước Sơn: Tam Tạng Thánh Giáo Nam Truyền


4. Thích Thanh Từ: Trách vụ Phật tử tại gia

5. Thích Nữ Trí Hải (Đường về): Trung đạo đệ nhất nghĩa

6. Thích Như Điển: ‘Đôi lời thưa gửi’ về việc xuất bản sách Yết Ma Yếu Chỉ

7. Thích Tuệ Sỹ: Quan niệm về sự kết cấu trong một tác phẩm Đại thừa

8. Sinha | Thích Quảng Độ trích dịch: Tôn giáo và chính trị

9. Lê Mạnh Thát: Góp vào việc nghiên cứu lịch sử Phật giáo Việt Nam thế kỷ thứ Năm (tt)

10. Thích Minh Châu: Mục tiêu và đường hướng của Viện Cao đẳng Phật học

11. Chân Văn Đỗ Quý Toàn (Đứng vững ngàn năm): Giang sơn từ nay mở mặt

12. Tâm Huy Huỳnh Kim Quang: Người Áo Lam, anh chị nghĩ gì, làm gì khi đã một lần khoác chiếc áo Lam và cài Hoa Sen trắng

13. Thích Đồng Trí: Chiếc áo Cà-sa


14. Minh Tánh Nguyễn Duy Nhiên: Vấn đề hạnh phúc
Ngoài ra, có những bài nghiên cứu giá trị bằng Anh ngữ ở đây, tuỳ theo sự chuyên môn từ Phật giáo với tuổi trẻ đến Phật giáo và xã hội học.


With loving-kindness.
Tâm Thường Định

Monday, May 24, 2021

TÂM THƯ của Hội Đồng Hoằng Pháp


TÂM THƯ


Đã nhiều năm rồi, Phật Tử Việt Nam cử hành đại lễ trong niềm hân hoan tự hào về một ngày lễ Vesak trọng đại được xưng danh một cách trang trọng là "Đại Lễ Phật Đản Liên Hiệp Quốc."


 Phật giáo là một trong bốn tôn giáo lớn của nhân loại. Con số Phật Tử dù vậy cũng chỉ khoảng 400-600 triệu. Với con số khiêm nhường đó, tiếng nói của Phật giáo không có ảnh hưởng gì đáng kể trong các quyết định của Liên Hiệp Quốc về vận mạng của các dân tộc trên thế giới. Phật Tử Việt Nam chính thức đón nhận "Đại Lễ Phật Đản Liên Hiệp Quốc" từ năm 2008. Từ đó đến nay, những phát biểu bởi các đại biểu từ nhiều nước tán dương Đức Phật quả là quá nhiều, nhưng chưa có bất cứ đóng góp thiết thực đáng kể nào cho khát vọng hòa bình của nhiều dân tộc bị áp bức, bóc lột bởi chính quyền của nước mình; bị đe dọa bởi tham vọng bá quyền của nước lớn.


Thực tế đang diễn ra như vậy không phải là minh chứng hiển nhiên cho giáo thuyết của Phật viển vông, không giải quyết được những vấn đề nóng bỏng của thời đại, sự thoái hóa của địa cầu. Chính vì những người tự nhận là Phật Tử, tự xưng là Như Lai Sứ Giả, đã không đánh giá đúng mức các giá trị thế tục vốn đã và đang cống hiến cho nhân loại nhiều phương tiện cần thiết để giảm thiểu những đau khổ hành hạ thân xác, và trong một số trường hợp, giảm thiểu những ưu tư bức bách dẫn đến rối loạn tinh thần, bất an, sợ hãi. Mặc dù Kinh điển, Luận thư nói không ít về nguyên lý khế lý và khế cơ. Thế nhưng, trong sự rao truyền giáo pháp hiện tại, khế lý và khế cơ bị che khuất bởi các hiện tượng ma quỷ chập chờn, bởi những khuyến cáo làm sao để được  âm hồn phò trợ, bởi khoa xem tướng để biết người này còn phước nhiều, hay người kia sắp hết phước; những điều mà chính Đức Thế Tôn đã cảnh giác Tôn giả Đại Mục-kiền-liên dù có năng lực thần thông cũng không được nói những điều chính mình thấy cho những người không thể thấy. Nói những điều mà người khác không thể thấy không thể biết, không thể chứng minh nó đúng hay sai; và điều này dẫn đến khả năng lừa gạt những kẻ nhẹ dạ, mù quáng dễ tin, và tất yếu diễn trò yếu ngôn hoặc chúng, nói những chuyện yêu ma quỷ quái để mê hoặc quần chúng.


Đó là hiện tượng thực tế đang diễn ra, nó xuyên tạc giáo nghĩa mà Đức Thích Tôn đã truyền dạy. Đó là điều mà Đức Thích Tôn đã ví dụ như chiếc thuyền tải đầy vàng đang lướt sóng ngoài khơi không bị chìm bởi sóng gió giông bão mà chìm vì chính trọng tải quá mức của nó.


Và thêm một thực tế lịch sử. Thủa xưa, khi vua tôi binh tướng nhà Trần, từ triều đình cho đến thôn dã, từ lão ông cho đến thiếu niên, đã hy sinh thân mạng vì sự sống còn của dân tộc, thì một số khác, trong đó có rất nhiều hoàng thân quốc thích, phản bội đất nước, chạy theo giặc. Khi hòa bình tái lập, hồ sơ những kẻ phản bội được dâng lên triều đình để trừng trị đích đáng. Vua Trần Nhân Tông tức thì truyền lệnh đốt đi tất cả, để cho dù kẻ thắng hay người bại, dù cho những kẻ phản bội hay những người trung thành, thảy đều là con dân cùng một tổ quốc, hãy quên đi những sai lầm quá khứ, hãy xóa đi dấu vết nghi kỵ, cơ hiềm, cùng nhìn nhau, cùng đối xử với nhau trong tình tự dân tộc. Đấy là ngọn cờ nhân ái, bao dung, không chỉ giương cao trên một đất nước nhỏ bé, mà còn trên đỉnh cao của lịch sử nhân loại tiến bộ trong một nền văn minh nhân ái. 


Tinh hoa ấy của dân tộc đã không được kế thừa. Gần nửa thế kỷ trôi qua từ khi hòa bình thống nhất được lập lại, hận thù dân tộc giữa các anh em cùng chung dòng máu tổ tiên lại không thể bao dung nhau. Và ngay chính trong giới Phật Tử, kế thừa Phật giáo truyền thống Trúc Lâm của Đức Điều Ngự Giác Hoàng cũng không thể quên đi những mâu thuẫn tị hiềm quá khứ, quyết loại trừ nhau. Ta không giải thoát được hận thù trong ta làm sao giải thoát hận thù nơi người. Không thể hòa hiệp vì không thể giải thoát hận thù, hoặc không thể quân phân quyền lợi; đây là quy luật tâm lý học, không thể chối cãi, lại càng không thể biện minh với bất cứ biện luận nào y trên Thánh giáo. 


Thế nhưng, khó khăn cho Phật Tử Việt Nam hiện không có đầy đủ Kinh điển để có thể phán đoán điều gì có hay điều gì không thấy có trong Kinh. 


Chính vì ý thức được điều này, Viện Tăng Thống GHPGVNTN, năm 1973, đã tổ chức hội nghị thành lập Hội đồng Phiên Dịch Tam tạng. Chư Tôn thuộc hàng Giáo Phẩm Trung ương, dưới sự chỉ đạo của Viện Tăng Thống, cùng với sự hỗ trợ của Chư Thượng Tọa Đại Đức đang phụ trách giáo dục tại các trường Cao Đẳng Phật Học và Đại Học, đồng vân tập về Viện Đại Học Vạn Hạnh để thảo luận cơ cấu  tổ chức, chương trình phiên dịch, quy định các quy tắc phiên dịch, phương thức duyệt sách, v.v... cho đến đề án xây dựng cơ sở Pháp Bảo Viện làm trụ sở của Hội Đồng Phiên Dịch.


Dự án vĩ đại này không tồn tại lâu, do tình hình chiến sự căng thẳng dẫn đến ngày 30 tháng Tư. Cho đến nay, trong số 18 thành viên của Hội Đồng Phiên Dịch lần lượt viên tịch, chỉ còn duy nhất  HT. Thích Thanh Từ trong trạng thái bất hoạt. Tâm nguyện của Thầy Tổ có cơ đứt đoạn. 


Những gian nan khổ nhọc trong chiến tranh khói lửa, những ức chế bởi thế lực cường quyền, một thời, Chư Tôn Giả ấy đã viết lên trang sử dày những công trình văn hóa giáo dục, không dày với những đấu tranh bạo lực. Hàng hậu bối, thế hệ tiếp nối, bằng ý chí, bằng tâm đức, bằng trí tuệ, như thế nào để kế thừa di sản cao quý ấy, để phát huy tinh hoa dân tộc ấy?


Nửa thế kỷ đất nước hòa bình, nhưng dân tộc thì không hòa bình. Nửa thế kỷ Đạo Pháp trùng hưng, nhưng Tổ ấn không trùng quang. Làm sao để thực hiện ý chỉ thi thiết giáo luật của Đức Thế Tôn, hóa giải những xung đột trong Tăng bằng biện pháp cuối cùng là "như thảo phú địa"? 


Hy vọng mong manh là một số ít các Thầy Cô trẻ, những vị chưa bị mê hoặc bởi các giá trị thế tục, chưa bị ô nhiễm bởi địa vị vinh quang được thế quyền phong tặng; những vị mà sơ tâm xuất gia chưa biến thành đồng ruộng hoang hóa, tạm đủ để gọi là ruộng phước cho nhiều người; những vị ấy sẽ bằng nghị lực tinh tấn, tự ý thức sứ mệnh của người xuất gia, cùng một thầy học, cùng hòa hiệp như nước với sữa, kế thừa những gì Thầy Tổ tâm nguyện mà chưa hoàn thành, giữ sáng ngọn đuốc Chánh Pháp trong đêm trường sinh tử tối tăm; giữ sáng và thắp sáng ngọn đuốc bao dung, nhân ái, để trao truyền cho các thế hệ tiếp nối, vì sự thanh bình phúc lạc của dân tộc, vì sự hạnh phúc an lạc của nhiều người, của muôn sinh. 


Để cho Đại Lễ Phật Đản được cung kính cử hành trong tâm của mỗi người con Phật, bốn chúng đệ tử hãy cùng dũng mãnh phát khởi Bồ-đề nguyện, quyết định Bồ-đề hành, thăng tiến không thoái chuyển trên Thánh đạo, vì pháp vị tịnh lạc và giải thoát tự tâm, vì sự tăng ích lợi lạc của cộng đồng dân tộc và nhân loại. 


Cầu nguyện Chánh Pháp trụ thế lâu dài, Dân tộc hòa hiệp tương thân tương ái. Cầu nguyện thế giới hòa bình, chúng sanh an lạc.

                   Cẩn chí

Phật lịch 2565,

Tân Sửu, 20-5-2021

Cố vấn Chỉ Đạo HĐHP

Thiện thệ tử Thích Tuệ Sỹ










*1. Cơ-đốc giáo (2.3 tỷ tín đồ); 2. Hồi giáo (1.8 tỷ tín đồ); 3. Ấn-độ giáo (1.1 tỷ tín đồ); 

4. Phật-giáo (500 triệu tín đồ).

Nguồn: https://www.worldatlas.com/articles/largest-religions-in-the-world.html