Sunday, July 8, 2012

NGHỆ THUẬT SỐNG TRONG THỜI ĐẠI @


                             Reflections - Lắng lòng nhìn lại. Ảnh from Twitter

Dẫn nhập: Hơn nửa vòng trái đất, từ quê hương thân yêu, Thầy Thái Tuệ gởi i-meo nhờ viết bài với chủ đề: "Làm thế nào để sống có hạnh phúc trong thời đợi @." Thật ngạc nhiên nhưng rất vui khi nhận i-meo của Thầy. Ngại lắm, nhưng vì kính trọng Thầy Thái Hoà và Thầy nên nhận lời và xin được cảm ơn Thầy cho con cơ hội này chia sẻ cùng quý độc giả trong nước vài suy nghĩ thô thiển về một cuộc sống hạnh phúc.

NGHỆ THUẬT SỐNG TRONG THỜI ĐẠI @
"Những ai muốn đạt tới an lạc thường nên học hạnh thẳng thắn, khiêm cung, biết sử dụng ngôn ngữ từ ái, những kẻ ấy biết sống đơn giản mà hạnh phúc, nếp sống từ hòa, điềm đạm, ít ham muốn và không đua đòi theo đám đông." Kinh Thương Yêu.

          Khái niệm về thời đại @ là gì? Theo cái hiểu biết của chúng tôi thì đó là thời đại ngày nay. Một thời đại mở cửa kinh tế thị trường, mở rộng thông tin, văn minh và khoa học. Một thời đại có lẽ hơi đua đòi chạy theo vật chất bên ngoài và ảo tưởng. Con người trong thời đại @ đôi lúc quên đi hoặc đánh mất những giá trị cốt lõi. Vì thế mình phải tìm lại những nghệ thuật sống, tìm lại bản tính chân thật, nhân phẩm, thanh tịnh và ưu việt để không bị lầm lạc, không quên bản thể bất hoại hằng hữu của mình. Nghệ thuật sống là tìm lại chính mình, biết mình là ai và đang làm gì, biết những gốc rễ và cội nguồn huyết thống và tâm linh của mình, biết kiểm soát chính mình là bước đầu của hạnh phúc. 

         Vậy hạnh phúc là gì và làm sao có được hạnh phúc an lạc? là một câu hỏi vô cùng quan trọng vì ai trong chúng ta lại không muốn có được một cuộc sống an lành và hạnh phúc. Hãy đọc một bài kinh ngắn về Chân Hạnh Phúc (Maha Mangala Sutta) mà Hoà Thượng Thích Thiện Châu dịch là:
         Như vầy tôi nghe, một thời Thế Tôn ở tại Savatthi, trong rừng Jeta, vườn Anathapindika. Có một thiên nhân, khi đêm gần tàn, với dung sắc thù thắng chiếu khắp rừng Jeta, đi đến Thế Tôn. Sau khi đến, kính lễ Thế Tôn, rồi đứng một bên, thiên nhân ấy nói lên bài kệ trước Ðức Thế Tôn như sau:

''Chư thiên và loài người
Suy nghĩ về hạnh phúc
Ước mong được hạnh phúc
Chân hạnh phúc là gì?

Thế Tôn đáp kệ rằng:

''Kẻ si mê nên tránh
Bậc hiền đức phải gần
Cung kính người đáng kính
Ấy là chân hạnh phúc.

Chọn nơi lành mà ở
Ðời trước đã tạo phúc
Nay giữ lòng thẳng ngay
Ấy là chân hạnh phúc.

Hiểu rộng và khéo tay
Giữ tròn các giới luật
Nói những lời hòa ái
Ấy là chân hạnh phúc.

Cung dưỡng cha mẹ già
Yêu mến vợ /chồng và con
Không vương vấn phiền hà
Ấy là chân hạnh phúc.

Cho và sống đúng cách
Nên giúp đỡ bà con
Hành động không chê trách
Ấy là chân hạnh phúc.

Ngăn trừ điều ác xấu
Dứt bỏ thói rượu chè
Chuyên cần trong Chánh Ðạo
Ấy là chân hạnh phúc.

Kính nhường và khiêm tốn
Biết đủ và nhớ ơn
Tuỳ thời học đạo lý
Ấy là chân hạnh phúc.

Nhẫn nhục vâng ý lành
Viếng thăm bậc tu hành
Tuỳ thời bàn luận đạo
Ấy là chân hạnh phúc.

Trong sạch và siêng năng
Suốt thông các chân lý
Thực hiện vui Niết Bàn
Ấy là chân hạnh phúc.

Tiếp xúc với thế gian
Giữ lòng không sa ngã
Không sầu nhiểm bình an
Ấy là chân hạnh phúc.

Như thế mà tu hành
Việc gì cũng thành tựu
Ở đâu cũng an lành
Ấy là chân hạnh phúc''.

          Nếu chúng ta thực hành bài kinh ngắn trên, chắc chắn chúng ta sẽ có được lợi lạc và hạnh phúc. Về khái niệm hạnh phúc và nghệ thuật sống trong thời đại @, đối với chúng tôi: Khi vừa sinh ra, hạnh phúc đơn giản chỉ là bầu sữa mẹ. Rồi lớn lên dần một chút, hạnh phúc là được đi tắm biển mỗi ngày. Khi ra nước ngoài hạnh phúc đơn thuần là được tự do chọn con đường mình đang đi trong học vấn và trong cuộc sống. Chúng tôi có rất nhiều hạnh phúc mỗi khi đi học về, được mẹ âu yếm và vỗ về; hơn thế nữa là đã có những bữa ăn thịnh soạn khi mẹ không đi làm. Rồi có vợ, hạnh phúc đơn thuần chỉ là những lần chia ngọt sẻ bùi và những thăng trầm trong cuộc sống. Khi có con, hạnh phúc thật giản dị như là khi con biết khóc, biết cười, biết bò, biết đi, biết đứng, biết nói v.v... Nói tóm lại hạnh phúc đang ở trong tầm tay của chính mình. Tuy nhiên, giống như tình yêu, mỗi khi bạn đi tìm hạnh phúc, thì dường như nó càng xa lách bạn.  Thiền Sư Thích Nhất Hạnh thường nhắc: “There is no way to happiness, happiness is the way” xin tạm dịch "Không có con đường dẫn đến hạnh phúc, hạnh phúc chính là con đường." Nó là một quá trình, không phải là một nơi để đến. Tuy nhiên theo kinh nghiệm cá nhân, chúng ta cũng có những nghệ thuật sống để có được hạnh phúc trong thời đại @ này.  Đây là bốn điều tôi đang thực tập và nhận chân được sự an lạc và hạnh phúc trong cuộc sống ở thời đại @ này.


1. Sống có định hướng trong nền tảng từ bi và trí tuệ

            Khi mình có định hướng thì cuộc sống sẽ có mục đích và ý nghĩa.  Nó là năng lượng thúc đẩy ta đến mục đích tốt đẹp mà mình đã định. Tuy nhiên định hướng này phải đặt trong nền tảng của sự hiểu biết và thương yêu. Nói một cách khác, con đường nào mình chọn? con đường nào mình đang đi? Ví dụ, nếu mình muốn gần đến Đức Phật hay một nơi nào đó (tượng Phật chẳng hạn), con đường duy nhất mà mình đi là từ từ tiến đến gần Ngài hay đến tượng Phật đó. Nếu mình không chịu đi hoặc đi lùi lại thì dĩ nhiên là chúng ta càng ngày càng xa nơi mình muốn đến. Và thế là lâu lắm mới đến đích. Phần thứ hai là con đường nào mình chọn, ví dụ như cây viết trước mặt bạn. Nếu bạn nghiên nó về bên phải, chắc chắn nó sẽ ngã về bên phải. Nếu bạn nghiên nó về bên trái, chắc chắn nó sẽ ngã về bên trái. Trong ca dao tục ngữ của người Việt chúng ta: "Gần mực thì đen, gần đèn thì sáng" là vậy. Nhưng điểm đến đó phải có chất liệu thương yêu và hiểu biết thì chúng ta sẽ không lạc đường đến bến bờ mong đợi.


2. Sống cuộc sống cân bằng và hoà hợp

            Chúng tôi đã học và hành trì theo những vị Tôn túc khả kính và có quan niệm rằng, cuộc sống của chúng ta đều có 3 cuộc sống khác nhau: cuộc sống cá nhân (personal/private life), cuộc sống xã hội (public life) và cuộc sống tâm linh (spiritual life).  Con người thường gặp những chán chường, không toại nguyện, khổ đau, thất vọng, sợ hãi và đưa đến tột cùng đau khổ (hay không có hạnh phúc thật sự) là vì họ quá đặt nặng vào cuộc sống cá nhân riêng tư hay cuộc sống xã hội nhiễu nhương, mà quên đi cuộc sống thứ ba, cuộc sống tâm linh của mình. Mình phải biết cách dung hòa (balance) cả ba để cuộc sống của mình cân bằng và thoải mái hơn. Tuy nhiên, theo quan điểm nhà Phật thì mình nên chú trọng vào cuộc sống tâm linh của mình, vì khi mình có nó, thì mình cũng có hai cuộc sống kia. Cuộc sống tâm linh là tìm lại bản tánh thanh tịnh, "bổn lai diện mục", Phật tánh, hay khả năng giác ngộ của chính mình. Vì thế chúng ta nên cố gắng bỏ nhiều thời gian hơn cho cuộc sống tâm linh của mình, cho chính mình và cho gia đình huyết thống và gia đình tâm linh của mình. Vậy hãy cố gắng dành ít thời gian cho chính mình dù chỉ năm mười phúc mỗi ngày để chú tâm đọc một cuốn truyện, nghe một bản nhạc, quan tâm những người thân, sự vật quanh mình hay tụng kinh, tham thiền, hay thực hành chánh niệm. Đó là sự hành trì. Nền tảng của cuộc đời là có một cuộc sống tâm linh trọn vẹn và khi mình có cuộc sống tâm linh cao thượng, mình có tất cả.
            Ngoài ra, mình sống làm sao cho hoà hợp.  Trên thuận dưới hoà, sống yêu thương và đùm bọc lẫn nhau. Một trong những tinh hoa mà chúng tôi học được từ những vị cao Tăng thạc đức là: "Trên kính, dưới thương, và ngang nhường." Hay nói theo tinh thần trong Gia đình Phật tử là "thương già, hiểu trẻ". Nói tóm lại, nếp sống hoà hợp hay hành xử theo tinh thần lục hoà rất cần thiết để có một cuộc sống an lành và hạnh phúc.

3. Sống cuộc đời thiểu dục hay con đường Trung đạo

         Trong Kinh Di Giáo, Đức Phật có dạy: "Tri túc chi nhơn tuy ngọa địa thượng du vi an lạc. Bất tri túc giả thân xử thiên đường diệc bất xứng ý." Có nghĩa là: "Người biết thế nào là đủ, tuy nằm trên đất cũng thấy an vui hạnh phúc. Người không biết thế nào là đủ, tuy thân xác ở trên cảnh giới thiên đường, tâm ý vẫn không thỏa mãn!"
          Ở ngoài đời, cụ Nguyễn Công Trứ có câu:  “Tri túc tiện túc, đãi túc, hà thời túc. Tri nhàn tiện nhàn, đãi nhàn, hà thời nhàn?” - "Biết đủ là đủ, đợi cho đủ thì bao giờ mới đủ. Biết nhàn là nhàn, đợi cho nhàn thì bao giờ mới nhàn?"
          Ở trong đạo chúng ta có “phương pháp đối trị lòng tham muốn quá độ” là Thiểu Dục và Tri Túc. Cố Hoà thượng Thích Thiện Hoa có dạy trong cuốn Phật Pháp Căn Bản là: “Muốn được sung sướng an vui, chúng ta cần phải Thiểu Dục và Tri Túc.” Ðể đối trị lòng tham, Phật khuyên chúng ta phải ‘thiểu dục và tri túc’. Có nghĩa là “muốn ít và biết đủ.” Thầy nhấn mạnh: "Muốn ít là đối với cái chưa có, mà vì nhu cầu, mong cho có… chứ không muốn (những gì) quá sức hay tài chánh của mình." Thầy lại căn dặn: "Biết đủ, gặp hoàn cảnh nào cũng đều an phận tùy duyên. Ðối với việc ăn, mặc và ở, tự thấy mình có đủ dùng rồi, không tham cầu nhiều hơn nữa, mà phải khổ sở về tinh thần" trong đó có ngũ dục (tài sắc danh thực thuỳ) hay là: a) Tham muốn tiền của; b) Tham muốn sắc đẹp; c) Tham muốn danh vọng; d) Tham muốn ăn ngon; e) Tham muốn ngủ kỹ mà người đời tham muốn và thường bị chúng sai khiến.


            Vì thế chúng ta cần xét lại, chứ đừng thoả mãn quá đáng ngũ dục đó, thì mình càng thêm khổ. Trong cuộc sống thời đại @ này, thì chúng ta có thể dùng con đường Trung đạo hoặc modification/giảm bớt.  Cái đẹp của tất cả là nằm giữa của hai thế cực. Tục ngữ chúng ta có câu: "No mất ngon, giận mất khôn" là vậy.  Ví dụ, khi chúng ta đi ăn buffet, thì chúng ta không nên ăn cho thoả mãn (ăn cho đả) vì cứ nghĩ là mình đã trả tiền.  Như vậy thì sẽ không còn cảm giác ngon hoặc an lành nữa.



            Nói tóm lại, như cố Hoà thượng Thích Thiện Hoa dạy: "Kẻ ngoài đời và người trong đạo, muốn được hạnh phúc chân thật, thì nên tu hạnh ‘thiểu dục’ và ‘tri túc’. Vì thật sự, những người không quá đòi hỏi về vật chất, thì chẳng hề so sánh với bề trên; do đó, không thấy mình thiếu thốn về vật chất, nên ít khổ. Hơn nữa, họ chỉ so sánh với kẻ dưới, thấy mình khá giả, đầy đủ hơn, nên dễ mãn nguyện. Muốn tránh khỏi tai nạn trong gia đình và xã hội, mỗi người trên thế gian nầy, đều phải giữ phận thủ thường, đừng vượt quá khả năng của mình. Trên thể giới năm châu hiện nay, muốn có hòa bình để mà hưởng lạc thú hoà bình vĩnh viễn, thì cũng không ngoài cái hạnh ‘Thiểu dục’ và ‘Tri túc’ mà được."



4. Sống lạc quan và yêu đời.

           Điều cuối trong bài viết này là mình cần có một cái nhìn lạc quan và yêu đời. Hãy “đem mắt thương nhìn cuộc đời.” Hãy sống lạc quan, yêu đời thì cuộc sống nhẹ nhàng và thoải mái hơn. Trong đó, lối sống "chín bỏ thành mười" thì cuộc sống càng ngày càng hướng thiện và những hành giả thì càng có thêm an lạc và hạnh phúc. Cái nhìn lạc quan đó sẽ mở cửa cơ hội cho một tương lai tươi sáng hơn.  Việc này không những lợi cho mình mà lợi cho người.


            Xin hãy lắng nghe Thầy Thích Chân Pháp Hữu khẳng định: "Tôi năm nay hai mươi bốn tuổi, là một người tu trẻ và hạnh phúc....Tôi muốn nói với những người bạn trẻ rằng đạo Bụt vẫn còn rất tươi mới và thiết thực đối với thế hệ trẻ chúng ta. Đạo Bụt không chỉ dành cho người già và người đã chết, mà có thể trở nên sống động và tràn đầy sự sống. Đạo Bụt có thể dẫn dắt thế hệ mới của chúng ta hướng về một tương lai tươi sáng hơn. Là một người tu, tôi luôn hành trì theo giới luật và uy nghi để bảo hộ cho mình, nhưng không vì vậy mà tôi không được sống như một người trẻ! Tôi vẫn có thể chơi bóng rổ với các sư anh, sư chị, sư em của mình; tôi vẫn có thể hát nhạc rap với các bạn trẻ. Chỉ có điều, tôi làm những điều này với ý thức chánh niệm và với tinh thần xây dựng tình huynh đệ... Tôi cầu mong cho mọi người trẻ trên thế giới này đều tìm thấy cho mình một nơi mà mình có thể trở về để tiếp xúc với gốc rễ của mình, và tiếp xúc với gia tài tâm linh mà tổ tiên đã trao truyền." (Lá Thơ Làng Mai 35, 2012, trang 71-75.) Đó là một sự lạc quan và yêu đời vô giá.

            Nói tóm lại, nghệ thuật sống thế nào để có an lạc và hạnh phúc thì ai trong chúng ta cũng đã biết. Cái quan trọng là ở phần thực nghiệm và hành trì. Vậy xin mời cùng tất cả quý độc giả hãy HÀNH TRÌ và cùng nhau thầm tụng bài kinh Thương Yêu này như để kết thúc bài viết này.

                                  Kinh Thương Yêu *
Những ai muốn đạt tới an lạc thường nên học hạnh thẳng thắn, khiêm cung, biết sử dụng ngôn ngữ từ ái, những kẻ ấy biết sống đơn giản mà hạnh phúc, nếp sống từ hòa, điềm đạm, ít ham muốn và không đua đòi theo đám đông.


Những kẻ ấy sẽ không làm bất cứ một điều gì mà các bậc thức giả có thể chê cười.


Và đây là điều họ luôn luôn tâm niệm:

Nguyện cho mọi người và mọi loài được sống trong an toàn và hạnh phúc, tâm tư hiền hậu và thảnh thơi.



Nguyện cho tất cả các loài sinh vật trên trái đất đều được sống an lành, những loài yếu, những loài mạnh, những loài cao, những loài thấp, những loài lớn, những loài nhỏ, những loài ta có thể nhìn thấy, những loài ta không thể nhìn thấy, những loài ở gần, những loài ở xa, những loài đã sinh và những loài sắp sinh.



Nguyện cho đừng loài nào sát hại loài nào, đừng ai coi nhẹ tính mạng của ai, đừng ai vì giận hờn hoặc ác tâm mà mong cho ai bị đau khổ và khốn đốn.



Như một bà mẹ đang đem thân mạng mình che chở cho đứa con duy nhất, chúng ta hãy đem lòng từ bi mà đối xử với tất cả mọi loài.



Ta hãy đem lòng từ bi không giới hạn của ta mà bao trùm cả thế gian và muôn loài, từ trên xuống dưới, từ trái sang phải, lòng từ bi không bị bất cứ một cái gì làm ngăn cách, tâm ta không còn vương vấn một chút hờn oán hoặc căm thù. Bất cứ lúc nào, khi đi, khi đứng, khi ngồi, khi nằm, miễn là còn thức, ta nguyện duy trì trong ta chánh niệm từ bi. Nếp sống từ bi là nếp sống cao đẹp nhất.



Không lạc vào tà kiến, loại dần ham muốn, sống nếp sống lành mạnh và đạt thành trí giác, hành giả sẽ chắc chắn vượt khỏi tử sinh. “Kinh Thương Yêu”


                                    Tham Khảo:
1. Làng Mai, Kinh Thương Yêu, trang nhà Làng Mai, www.langmai.org, tải xuống ngày 29 tháng 2, 2012.

2. Nguyễn Công Trứ, Chữ Nhàn, trang nhà http://thuvien.maivoo.com/tho/Nguyen-Cong-Tru/Chu-Nha-n-5230.html, tải xuống ngày 29 tháng 2, 2012.

3. Thích Chân Pháp Hữu, Đạo Bụt trong lòng ng ười Trẻ, Lá Thư Làng Mai 35, trang 71-75.  Làng Mai xuất bản, 2012.

4. Thích Thiện Châu, Kinh Chân Hạnh Phúc (Maha Mangala Sutta), trang nhà Quảng Đức, http://www.quangduc.com/kinhdien/kinhchanhanhphuc.html, tải xuống ngày 1 tháng 3, 2012.

5.  Thích Thiện Hoa, Thiểu Dục và Tri Túc, Phật Học Phổ Thông, Phật Học Phổ Thông (Tập I - Từ khoá một đến khoá 5), trang 240-247. Chùa Khánh Anh, Paris, Pháp Quốc, 2000.

Tâm Thường Định
March 12, 2012.
     Bạn có thể đóng góp ý kiến hay liên lạc tác giả qua phebach.blogspot.com hoặc email: kxbach@yahoo.com.

* (English version) 
Discourse on Loving Kindness (Metta Sutra)
He or she who wants to attain peace should practice being upright, humble, and capable of using loving speech. He or she will know how to live simply and happily, with senses calmed, without being covetous and carried away by the emotions of the majority. Let him or her not do anything that will be disapproved of by the wise ones.
(And this is what he or she contemplates:)
May everyone be happy and safe, and may all hearts be filled with joy.
May all beings live in security and in peace – beings who are frail or
strong, tall or short, big or small, invisible or visible, near or faraway, already born, or yet to be born. May all of them dwell in perfect tranquility.
Let no one do harm to anyone. Let no one put the life of anyone in danger.
Let no one, out of anger or ill will, wish anyone any harm.
Just as a mother loves and protects her only child at the risk of her own
life, cultivate boundless love to offer to all living beings in the entire cosmos.
Let our boundless love pervade the whole universe, above, below, and
across. Our love will know no obstacles. Our heart will be absolutely free
from hatred and enmity. Whether standing or walking, sitting or lying, as
long as we are awake, we should maintain this mindfulness of love in our
own heart. This is the noblest way of living.
Free from wrong views, greed, and sensual desires, living in beauty and
realizing Perfect Understanding, those who practice boundless love will certainly transcend birth and death.
Etena sacca vajjena sotthi te hotu sabbada.
Etena sacca vajjena sotthi te hotu sabbada.
Etena sacca vajjena sotthi te hotu sabbada.
[By the firm determination of this truth, may you ever be well.]
Metta Sutta, Sutta Nipata 1.8
Hanh, Thich Nhat, and the Monks and Nuns of Plum Village. Chanting from the Heart: Buddhist Ceremonies and Daily Practices. Parallax Press, 2007. 269.


                                                                                                      

Friday, July 6, 2012

HUẾ TRONG TÔI

                       Cầu Trường Tiền (Tràng Tiền), Huế  - Ảnh: từ vietdethuong.com
HUẾ TRONG TÔI
  Riêng tặng Trang và những người con xứ Huế
Chưa đến Huế mà hồn tôi rất Huế
Tâm khảm tôi cũng có núi Ngự Bình
Có Trường Tiền sáu vài mười hai nhịp
Có sông Hương và núi Ngự hữu tình
Có chùa cổ tên thật linh Thiên Mụ
Đây Từ Đàm, kia Từ Hiếu nên thơ
Có màu Lam, ôi tuyệt đẹp như mơ.
Màu Lam đó đã quyện trong chùa cổ
Màu mộc mạc, đơn sơ như thố lộ
Nét e ấp của người, Huế vấn vương...
Lam từ bi hỷ xả lại thân thương
Lam thanh tịnh làm quê hương dịu khổ
Ơi hỡi Huế! một lần tôi được đến
Sẽ cùng em trầm lặng nỗi niềm riêng
Ơi hỡi Huế! một đời tôi thầm mến
Huế trong tôi từ lúc nón em nghiêng!

Trích từ tập thơ "Mẹ, Cảm Xúc và Em." (xb 2004) trang 101.
                           Cầu Trường Tiền về đêm, Huế  - Ảnh: từ http://www.huefestival.com/

                                                        Ảnh - Hoa Lộc Vừng lấy từ www.lieuquanhue.vn


Hoa Lộc Vừng - Chùa Từ Hiếu

Hoa Mưng* đỏ thắm mặt hồ
Dệt thành tơ lụa đôi bờ sắc không
Kiếp người sao hết long đong
Tiếng chuông 
               chợt tỉnh 
                       vừa xong giấc nồng.

*Còn gọi là Hoa Lộc Vừng or Chi Lộc vừng (tên khoa học: Barringtonia acutangula) là một chi thực vật có hoa trong họ Lecythidaceae. Tên gọi phổ biến trong tiếng Việt là lộc vừng. Source - wikipedia.org



ĐI VÀ VỀ VỚI HUẾ
     Thân tặng những người con xứ Huế xa quê

Hương giang nước chảy lững lờ
Tinh mơ hư ảo đôi bờ khói sương
Tha phương nhớ Huế vấn vương
Ngày đi chín nhớ mười thương chưa tròn

Đông Tây chân đã mỏi mòn
Ngày về còn nhớ nước non của mình?
Cuộc đời dâu bể phù sinh
Ra đi chỉ để chữ tình sắc son.

Tuesday, July 3, 2012

MỘNG GIÁC - NGƯỜI VĂN: Tưởng Niệm người Đồng hương Nguyễn Mộng Giác


                                (1940-2012)

                                                  Thư pháp: Võ Việt Tuấn

MỘNG GIÁC - NGƯỜI VĂN
Tưởng Niệm người  Đồng hương Nguyễn Mộng Giác

Mùa Biển Động* giữa hè hanh nắng
Cuộc đời người như vận nước Nam
Những Đợt Sống Ngầm, Mùa Biển Động
Đã vỡ bờ, người đến tự do.

Bộ truyện dài Sông Côn Mùa Lũ
Đất Tây Sơn Bình Định vang lừng
Rồi Bèo Giạt, Tha Hương đất khách
Phút lâm chung về bến Tự do.

Nay Bão Nổi, Tiếng Chim Vườn Cũ
Thương người con xứ Nẫu hào hùng ...

                        *
                      *   *

Mộng là giả cuộc đời hư ảo
Giác là chơn tánh Phật thường còn
Người đi sợi nắng vừa loang
Văn thanh thi tứ vỡ toang vô thường.

Sacramento July 3rd, 2012.
Bạch Xuân Phẻ

* Chữ Nghiêng là tên các tác phẩm của nhà văn Nguyễn Mộng Giác

HÃY GIỮ GÌN TỔ QUỐC


Lại một lần nữa, vừa đọc tin ở BBC Tàu Bình Định bị đâm chìm ở Trường Sa, vì là một người trẻ yêu nước, yêu giống nòi dân tộc, nên xin chia sẻ bài thơ ngắn này. 

                             "Ngư dân Việt Nam đang gặp khó vì căng thẳng ở Biển Đông" - from BBC

HÃY GIỮ GÌN TỔ QUỐC

Hoàng Sa Trường Sa
Đất Việt Nam ta
Ngàn đời vẫn thế
Biết bao thế hệ
Bảo vệ biên thuỳ
Dù có thịnh suy
Giữ gìn sông núi
Phòng thủ biển khơi
Chống quân xâm lược
Nay vì tham vọng
Nước Bắc láng giềng
Hà hiếp ngư dân
Chiếm luôn hải đảo
Chúng nay táo bạo
Khai thác mỏ dầu
Gần bờ biển Việt
Chúng ta nay quyết
Gìn giữ non sông
Bằng cả tấm lòng
Dựng xây tổ quốc.

Monday, July 2, 2012

Vầng Trăng và Núi


                                                  Photo: from Google image
Vầng Trăng và Núi


trời hanh nắng
mây bồng bềnh
lãng du


ngày thanh thoát 
ai nhẹ nhàng
gió yên


và mưa trong nắng
và gió trông chiều
dịu êm


và ai thanh thản
và ai mong chờ
trăng thơ


nàng sao lấp lánh
nhìn nước lả lơi
nhìn ai không nói
đôi lời


thấy ánh bình minh
thấy mưa trong nắng
lắng đọng 
tâm nào


đời yên.


June 30th, 2012.

Sunday, July 1, 2012

VẺ ĐẸP HOÀNG SA, TRƯỜNG SA

VẺ ĐẸP HOÀNG SA, TRƯỜNG SA
(The beauty of Paracel Islands and Spratly Islands of Vietnam)

Đảo Trường Sa Lớn - Photo: Do Hung
lấy từ google image from english.ngoaivuquangnam.gov.vn



Bãi Cát Vàng* đất Việt
Nước xanh ngọc xinh xinh
Ánh tà dương lunh linh
Đêm về bao xao xuyến


Bãi Cát Vàng đất Việt
Ốc Tai Voi*, Gò Nổi*
Đảo Tri Tôn* lả lơi
Hòn Đá* nào vời vợi


Bãi Cát Vàng đất Việt
Nam Yết**, Song Tử Tây**
Ba Bình** chiều vắng mây
Ngất ngây đêm Thị Tứ**


Bãi Cát Vàng đất Việt
Lồng lộng ở Biển Đông
Bồng bềnh và long đong
Biên thuỳ quê ta đó !


Bãi Cát Vàng* Cụ Lê Quý Đôn trong cuốn "Phủ Biên Tạp Lục" dùng để chỉ chung cho cả Hoàng Sa và Trường Sa là lãnh thổ Việt Nam từ đầu thế kỷ 17.

* Địa danh các hòn đá và đảo ở Hoàng Sa
** Địa danh các hòn đá và đảo ở Trường Sa

Friday, June 29, 2012

VẪN - Đời Vô Thường Huyền Diệu

                                                Ảnh: Uyên Nguyên - Người Việt


VẪN - Đời Vô Thường Huyền Diệu 
  Tặng Uyên Nguyên và Pham ThienGiao

Sao anh ngoảnh mặt đi?
Lang thang chi cơn mộng
Đời vắng ai lận đận
Hạt sương gầy long lanh.

Sao ai nỡ quay lưng?
Buồn vui trong bể khổ
Phút giây nào tỉnh ngộ
Mặt trời trong mắt em.

Long đong còn hay mất
Hoa vẫn nở rồi tàn.
Đời vô thường huyền diệu.
Đồi thanh chập chùng xanh.

Ai có còn hay mất
Sương khói chẳng đâu hai.


Sacramento June 22, 2012.

Wednesday, June 27, 2012

NHẠC NHIÊN KHÁCH LẠ

                                                     Ảnh: BKP chụp sau sân nhà mình.

NHẠC NHIÊN KHÁCH LẠ
                Tặng chị Bạch K. Phượng

Chiều về hiu hắt nắng vàng
Bao đôi công đẹp dịu dàng ghé thăm
Ai nhìn đôi mắt chăm chăm
Ngộ ra một kiếp trăm năm cũng chừng.

Vallejo, CA - June 25th, 2012.



Monday, June 25, 2012

KÍNH TIỄN GIÁC LINH ÔN HẠNH ĐẠO



* Thư pháp: Uyên Nguyên


KÍNH TIỄN GIÁC LINH ÔN HẠNH ĐẠO

Thong dong cánh hạc về Tây
Ôn đi như huyễn gió mây vô thường
Thất pháp tài quyện khói hương
Ngàn thu vô tịch chơn thường Phật tâm.

Tâm Thường Định


Trích từ Chánh Pháp để tưởng niệm Lễ Tiểu Tường của Ôn.

Saturday, June 23, 2012

Tiễn Một Người Anh

                                Ảnh lấy từ Kỷ Yếu Huyền Trang IV (xb 2007) - trang 175.

 Tiễn Một Người Anh
Tưởng niệm Htr. Tâm Trình- Nguyễn Đức Thạo
  Chia buồn cùng Htr. Quảng Thành - Giáng Nguyên


Ở miền Đông buốt giá

Anh vun trồng hạt Lam
Anh ươm 
hạt Bồ Đề
Hương Lam bay khắp nẻo


Nay thảnh thơi về ngự

Dưới chân Đức Như Lai
Đến và đi không hai
Tánh Không - Thường - Bất Nhị

Ở miền Đông buốt giá

Tố Liên đã nẩy mầm
Hương sen bay khắp chốn
Hương Thiền bay muôn nơi

Anh nay về nương náu

Dưới chân Đức Như Lai
Đến và đi không hai

Tánh Không người vừa ngộ.

Tâm Thường Định

Sacramento June 23rd, 2012

Thursday, June 21, 2012

LEADING BY EXAMPLE – A BUDDHIST APPROACH IN LEADERSHIP AND ETHICS.

LEADING BY EXAMPLE – A BUDDHIST APPROACH IN LEADERSHIP AND ETHICS.


         In 600 B.C., Prince Siddhartha left his prestige, glorified and loyal life in a quest to search for the answer to ease human suffering. At the end of his six-year-quest and after 49 days of meditation under the Bodhi tree, he reached enlightenment at the age of 35. Buddhism has been flourishing for 2600 years. His teachings are based on the foundation of wisdom and compassion through his life experience. Leading by example is just one invaluable lesson the Buddha taught us. “Leading by example” is based upon our mindful thought, speech, and actions in our daily life.  His teachings have reached and transformed innumerous people from all walks of life. The peaceful development of humanity is in large part due to the enlightened teachings of Buddha. Today, Buddhism can be a possible solution for the human crises. The following seven steps can serve as a solution to many of today’s problems.

1.     Establishing a Moral and Ethical Mindset. First we need to have an idea, a vision in accordance with the spirit of Buddha's right view. What contributes to an established moral and ethical mindset are thought, speech and action that cultivate benefit for yourself and people around you - not only in the present time, but also in the future. Venerable Thich Minh Dat, a Vietnamese Buddhist monk in Stockton shares his mantra:  “If a doctor makes a mistake, he or she can only kill a single person, but if an educator like us makes a mistake, we can kill a whole generation.”  (Thích, 2011).  We ought to acknowledge that we are all educators because sooner or later we are shown to be, husband or wife, brother or sister, grandfather or grandmother, etc. We’ll have our own children and families. Therefore, we need to educate our children and others the best we can.  Likewise, according to U.S. researchers, all good leaders need a moral mindset. But, mindset alone is not enough; we ought to have a skillset.  Beside the valuable skills and knowledge, we also need to have a toolset. For example, a good teacher is the one who takes his or her students wherever they are and moves them forward in a positive direction. The mindset and skillset are vital, but a toolset, such as school supplies in this case, is also important.  Therefore, any educator or leader must have the proper mindset, skillset, and toolset to carry out his or her daily tasks effectively and efficiently.

2.     Understanding and Articulating the Principle of Cause and Effect (Law of Karma):
It can be said that everything we have today is a result of our past actions, and that our present actions, words and thoughts determine our future. Understanding this principle helps us to design our own future and destiny. We are in control of our own emotions and well-being. In other words, we are our own creator; our life is depending upon us. What we are today is the result of our actions in the past, and we can foresee my future as they emerge from our actions today. As Buddha says: Orange seeds can only give oranges and not apples. Therefore, the good or bad deeds (Karma) that we cultivate today will dictate our future.

3.     Think Globally and Act Locally
– making a difference around us first:  Mahatma Gandhi once said: "Be the change that you wish to see in the world."  All these changes are rooted in one's individual first, then the change spreads to the family and finally to the community and society as a whole.  For instance: Trash is almost everywhere. If we are aware that trash can be an eye-sore or pollution, we’ll pick it up and make the environment around us more pleasant. So making changes is just like picking or cleaning up that trash. Taking a closer look, in our country most of the food travels thousands of  miles before it reaches our dinner tables. Going to our farmers or flea markets can make a difference.  Likewise, if you are a Buddhist, you must have a solid foundation of Compassion-Wisdom-Courage, or as a non-Buddhist we must utilize our knowledge, attitude, and skills.

4.     Mutual Respect and Mutual Benefit.  Our tasks and contributions should have the foundation of compassion, wisdom, valor and perseverance to benefit all. We need to acknowledge that the successes of others are also our own successes. The suffering or failure of others is also our suffering and our failure. As a leader, we must see that everything in this world is interconnected and intertwined. Things must co-exist to benefit all communities and societies.  This exists because that exists, that exits because this exists or "when this exists, that exists; when this disappears, that disappears" in the Extraordinary Emptiness Sutra. Our world is more interdependent now than ever before. The earthquake and tsunami in Japan have affected the world market and people’s lives all over the world. The halt in car production in Japan has reduced the labor workforce in the USA. Furthermore, the market in China or the earthquake in Turkey or the Arab Spring in Africa and the Middle East are affecting our financial, political, and economical well-being.  Understanding that everything is interdependent with one another helps us develop empathy, caring and mutual solidarity. Going further, if all of us at all levels in our society put our own organizational and/or community interests and benefits before our personal interests, then our community and the country will flourish further.

5.     Being Present to Each Tther
- (Presencing as in the Theory U).  Vietnamese have a saying "A lonely swallow does not make the Spring."  We need to be there for each other and water the positive seeds of each other to make our world a better place to live.  As Glasl, Lemson and Scharmer said  in the U theory:  a) Individuals and teams move through a whole system integrated planning process involving observation, knowing and visualized decision-making; b) Innovation is integral; c) Policy making (as the elaboration of conscious design principles for the organization) is connected and integrated with the vision of what is to be brought about; d) Relevant to both individual development and practice and organization development and practice, and indeed explicitly connecting these; e) A social technology that contributes to either or both of conflict resolution and social engineering. Or, as Michael Fullan (2008) in the Change Secret Six put it: 1) Love your employees; 2) Connect Peers with Purpose; 3) Capacity Building Prevails; 4) Learning Is the Work; 5) Transparency Rules; 6) Systems Learn.  In other words, we must be there to show our support and our commitment to change. Changes will not come about without our personal commitment.  Therefore, we must take a vow to fulfill our responsibility and obligation both personally and professionally.

6.   The Power of Unity or the Collaboration with other Organizations for Sustainable Change. 


Collaborations with other individuals and organizations that have the moral foresight and the moral core values to change the livelihood of others. Any great revolution needs unity. The changes in Buddhism also need that kind of mutual solidarity. The power of collaboration and networking is needed to create a better change for today and tomorrow.

7.     Be a (Buddhist) Practitioner,  Not Only a Learner.
 

          In his life, the Buddha’s most valuable and practical teachings are his own lived-experience examples. His leadership style is leading by example in his daily practices and actions. The Buddha’s leading by example serves as a guide in our lives. His sutras are only a means and not a solution. Broadly, the sutras are what he wanted to teach us, but the ultimate teaching is something we already know. So please be a worthy practitioner. Thich Dao Quang, a young Buddhist monk at Tam Bảo Temple in Louisiana, has often reminded us that each of us has three lives: personal or private life, public life, and spiritual life. We need to balance them all.  In other words, when we take care of our spiritual life, we will have all three lives. So, let us practice transforming our defiled mind into a pure one, transform our negative and destructive energy into positive and constructive energy.

         In conclusion, the development of technology and economics outpaces our spiritual development. Each of us, a Buddha-to-be, whether ordained or layperson, male or female, young or old, whether involved in the Vietnamese Buddhist Youth Association or not, must learn and practice the art of transforming oneself. Fix that clumsiness or those bad habits and improve your well-being step-by-step. Furthermore, we need to be optimistic, enthusiastic, and responsible in fulfilling our current roles and functions. A great leader, as Covey pointed out, also practices four types of intelligences: mental intelligence, physical intelligence, emotional intelligence and spiritual intelligence. Finally, I use the words of his venerable Thich Minh Dat who gave me his advice about becoming a transformative leader:  He said: 1. Be honest with yourself – benefit all, not just yourself, 2. Be honest with other people, 3. Be honest and sincere with all the work that we propose.
                                                    
References:

1. Covey, C. (2004). The 8th Habit: From Effectiveness to Greatness. New York: Free Press

2. Fullan, M. (2008). The Six Secrets of Change: What the best leaders do to help their organizations survive and thrive. (San Francisco: Jossey-Bass). p. 21.

3. Senge, P., et. al. (2005). Presence: Exploring Profound Change in People Organizations, and Society. New York: Currency Doubleday.

4. Senge, P. et al. (2010), The Necessary Revolution: Working together to create a sustainable world, New York: Broadway Books.

5. Thích, Đạt M. (2011). Góp Nhặt Lá Rơi. Stockton, CA. Quang Nghiêm Temple.

6.  Thích, Hạnh N. (2007). The Art of Power. New York: HarperOne.

Tuesday, June 19, 2012

Biển Thuận An; ĐƯỜNG VỀ QUÊ




                            Biển Thuận An và Biển An Dương - photo google images

 Biển Thuận An

Cửa Thuận An sao rộng dài bát ngát
Gió lộng, trăng thanh biển cát muôn trùng
Hàng dương xanh vi vu ngàn tiếng hát
Khúc ca buồn, nếp sống đẹp vùng quê.
          Làng An Dương, Thuận An, Huế, Việt Nam – Mùa hè 2005.

Trích từ tập thơ Hương Lòng, 2007.

                                    Chênh vênh - bấp bênh - ảnh BXK
                                          Mò Hến - ảnh BXK
ĐƯỜNG VỀ QUÊ

Đường về ngoại có lũy tre xanh ngát
Có kênh xanh, biển cát, gió ngàn
Có trẻ thơ bán dạo lúc chiều sang
Có quán xá nhiều hơn hãng xưởng ở
Có lăng mộ đẹp hơn nhà dân ở
Có tình người nồng thấm duyên quê
Có trăng thanh, gió lộng những vầng thơ
Nhưng có những chuyện, ôi sao mà khó thở
Kênh xanh đẹp làm nơi rác đỗ
Những hẽm không đèn là nơi hò hẹn bình dân
Những cái canh tân dường như là lạc hậu
Nhưng dù sao thì còn có hơn không
Những câu nói rỗng không                                                                               Như: “Nhân dân.... (_________)
    quyết tâm xây dựng môi trường xanh, sạch, đẹp”
Nhưng sao mà…, rác ơi là rác!
Rác nhiều hơn sau cơn Đại Hồng Thủy Á Châu năm 2004.
Rác ngỗn ngang như tâm sự người mang
Mong rác đó hoá thành hoa trong mai một.     
                              
Mùa Hạ, năm 2005.

Trích từ tập thơ Hương Lòng, trang 28, 2007.


Monday, June 18, 2012

CÂY ĐA CHÙA VIỆT


     Hình sách: Dưới Bóng Đa Chùa Viên Giác - Hoà Thượng Thích Như Điển và Trần Trung Đạo


CÂY ĐA CHÙA VIỆT
      Thân tặng anh Trần Trung Đạo
cây đa bóng mát chùa làng
lạc - thường - ngã - tịnh niết bàn hữu dư.
duy tuệ Thị nghiệp chân như
Đạo - người - tỉnh giác chữ NHƯ tâm người.

Sunday, June 17, 2012

CÁI DUYÊN CỦA MỘT BÀI HÁT - Có Bao Giờ Cha Biết

CÓ BAO GIỜ CHA BIẾT?

Thơ: Bạch X. Phẻ
Nhạc: Phiêu Bồng
Hoà Âm: Nhạc sỹ Nguyễn Hữu Tân
Ca sỹ: Vivian Nhã Trang

(Xin bấm vào cái link dưới để xem qua youtube)
http://www.youtube.com/watch?v=mu6WNL3--WI&feature=youtu.be


CÁI DUYÊN CỦA MỘT BÀI HÁT - Có Bao Giờ Cha Biết
                                           Kính tặng bác Phiêu Bồng
        Nhân dịp lễ Cha - Father's Day, xin mạo muội chia sẻ bài hát này và bài CÁI DUYÊN CỦA MỘT BÀI HÁT - Có Bao Giờ Cha Biết.  Đây là một bài thơ, tình cờ khoảng 2 năm trước, bác Phiêu Bồng - một nhạc sỹ quá thập tuần và đã "gác kiếm", sau khi đọc tập thơ Hương Lòng do chị BKP tặng vì bác là khách hàng dễ thương của chị, bác đã phổ nhạc. Bác tâm sự rằng đã ngồi nhiều giờ để viết bài hát này, rồi nhờ nhạc sỹ Nguyễn Hữu Tân phối âm và hát vì hai đôi tai của bác đã không còn nghe được âm thanh như thuở nào.  

        Làm xong, bác gởi cho chị tôi và bác lại viết "tôi rất mến mộ tác giả BXK, mặc dù là thế hệ trẻ nhưng biết nhiều hiểu rộng và văn thơ dồi dào phong phú.  Hy vọng tác giả sẽ còn tiến xa hơn nữa trên bước đường nghệ thuật VĂN THƠ." Vậy mới thấy tấm lòng cao quý của Bác. Cho nên tôi rất trân quý và kính trọng bác. Tôi có viết thơ cảm ơn Bác Phiêu Bồng thật nhiều, trong đó có hai câu.
                                           Phiêu du một cõi Ta Bà
                                  Bồng lai tiên cảnh về nhà Như Lai.
Bác trả lời là: "Không có chi! Chỉ là chút duyên văn nghệ, tấm lòng mến mộ đối với giới trẻ thông thạo Việt ngữ, không quên cội nguồn dân tộc, và tấm lòng đại hiếu Mục Kiền Liên Bồ Tát..."

           Rồi tôi có chia sẻ với người em, người bạn Nguyễn Huy Hoàng - một ca sỹ có giọng ca thật truyền cảm, đầm ấm và đặc sắc.  Sau đó nhờ em bỏ vào youtube để ca ngợi và cảm ơn những đấng Cha lành như Ba tôi, như Bác Phiêu Bồng, nhạc sỹ Nguyễn Hữu Tân, v.v... Cuối cùng được đầy đủ thuận duyên, em vừa gởi nên xin được chia sẻ tất cả những tấm lòng cao quý này đến với quý vị độc giả.  Kính chúc quý vị một ngày Father's Day luôn bình an và hạnh phúc. 

Lyrics:
CÓ BAO GIỜ CHA BIẾT
Cha ơi cha ! cha là tất cả
Là bầu trời lấp lánh ngàn sao
Là suối ngọt bên rừng già xanh mát
Là điệu hò vang xa khắp phương trời
              Có bao giờ cha biết? con yêu cha thiết tha.
              Có bao giờ con nói, cha thần tượng của con.
              (Và) có bao giờ cha biết? cha tất cả đời con.
              Và bây giờ con nói, con mãi mãi thương cha !
Cha ơi cha! cha là biển cả
Là tâm hồn, khúc hát dịu êm
Là nơi tựa những ngày còn thơ ấu
Là những gì quý giá nhất cuộc đời.

Saturday, June 16, 2012

LỐI VỀ

                                   Ảnh lấy từ google images


               LỐI VỀ

Lối nhỏ chiều nay êm ả quá
Quanh co sường núi những hàng thông
Tiếng reo của lá là lạ quá
Xào xạc ngân nga khẽ tiếng lòng

Chân đi mà đã nghe dừng lại
Chốn cũ mà nay đã lạ xa
Em về hồn có vui trở lại?
Đi ở xa về ta vẫn ta.

Ta vẫn thở gió ru ngàn lá
Ta vẫn đi trời đất thênh thang
Bàn chân nhỏ hôn ai rất lạ
Mà thì thầm xào xạc mênh mang.

Sam McDonald County Park, San Mateo, CA
California Coast, 2009

Thursday, June 14, 2012

SÁU VÌ SAO SÁNG

                                                 Hoa Ưu Đàm Bà La – Udumbara flower.  

SÁU VÌ SAO SÁNG
     Thân tặng các em Rô Quang Thanh Quỳnh Tiên Nhã vừa ra trường.


Sáu vì sao sáng, sáng vì sáu sao
Ai cũng biết anh chị nào là những vì sao sáng.

Kim Quang mở hội tưng bừng
Sáu em tốt nghiệp ăn mừng cử nhân
Cử nhân là chọn người tài
Sống cho phải đạo tương lai nước nhà
Thanh Quỳnh Tiên Nhã Dân Quang
Sáu ngôi sao sáng huy hoàng trời Tây
Các em cẩm tú đông đầy
Lo cho mình trước dựng xây gia đình
Gia đình huyết thống, tâm linh
Phải cho trọn vẹn nghĩa tình sắc son.
Rồi sau chữ hiếu mãi còn
Tề gia trị quốc khải hoàn thân em.

Sacramento 06/07/2011.


Trích từ báo Chu Niên GĐPT Kim Quang số 33.