Monday, May 19, 2014

Vườn Thơ Vời Vợi Nghĩa Ân Của Bạch Xuân Phẻ

Book Cover is designed by Uyên Nguyên

Vườn Thơ Vời Vợi Nghĩa Ân Của Bạch Xuân Phẻ

Huỳnh Kim Quang

Cả cuộc đời của chúng ta được nuôi dưỡng bằng vô lượng ân tình. Cha sinh, mẹ đẻ, thầy giáo dạy học, bác nông phu trồng lúa, trâu bò cày ruộng, con chó coi nhà, mặt đất bao dung, không khí hít thở, tình thương khôn lớn, Chánh pháp an lạc, v.v…, nhiều lắm không thể kể hết ân tình mà một đời chúng ta thọ nhận. Tất cả những ân tình đó, nhà Phật quy tụ lại thành bốn ơn lớn gọi là Tứ Trọng Ân, gồm ơn cha mẹ, ơn quốc gia, ơn chúng sinh, và ơn Tam Bảo.
Nói đến bốn ơn lớn này thì xưa nay đã có nhiều lắm, nào là Kinh Phật, nào là luận và văn sám nguyện của chư Tổ, nào là bài viết của chư tôn đức Tăng, Ni và văn thi hữu Phật tử. Bài nào cũng đầy ắp ân tình thiết tha cảm động. Nhưng, tập hợp tất cả những áng văn thơ trong một tuyển tập dày hơn một trăm trang với hàng chục bài thơ, văn, thư pháp, và tranh vẽ chỉ để tưởng niệm và tri ân bốn ơn lớn này thì không thể không nói đến tập thơ “Tưởng Niệm và Tri Ân” của nhà thơ trẻ Bạch Xuân Phẻ có bút danh rất đạo vị là Tâm Thường Định.
Cách nay mấy năm, lần đầu tiên nghe đến bút danh Tâm Thường Định, người viết có ấn tượng đặc biệt về người bạn trẻ chưa quen biết này. Nghe cái tên Tâm Thường Định đã thấy cả một cõi lòng bình an và lắng dịu. Cho đến khi gặp mặt nhau lần đầu trong Khóa Tu Học Phật Pháp Bắc Mỹ lần thứ 2 vào tháng 8 năm 2012 tại San Jose, người viết lại càng hoan hỷ hơn khi biết rằng đây là một nhà thơ trẻ đầy nhiệt huyết và tâm đạo. Điều làm cho người viết lạc quan nhất chính là nhìn thấy được những tài năng của thế hệ đi sau. Họ là tương lai của dân tộc và đạo pháp. Họ là niềm hy vọng tươi sáng của tiền đồ văn học Phật Giáo Việt Nam. Họ là những hạt ngọc quý của nền văn hóa Việt nơi xứ người.
Nói như thế không có gì quá lời mà chỉ là cảm nhận một hiện tượng đáng mừng. Hiện tượng thế hệ văn nghệ sĩ Phật tử trẻ trưởng thành trong văn hóa Mỹ có thể sáng tác bằng hai thứ tiếng Anh và Việt. Điều này cũng có nghĩa là truyền thống văn hóa Việt Nam vẫn còn được ươm mầm và nở hoa trong lòng văn hóa Tây Phương.
Thật vậy, trong  tập thơ “Tưởng Niệm và Tri Ân” của Bạch Xuân Phẻ, người đọc bắt gặp sự kết hợp tuyệt vời của hai nền văn hóa Việt Nam và Tây Phương nở hoa trên những áng văn thơ trong tâm hồn của nhà thơ trẻ gốc Việt. Xin đọc bài thơ Không Đề (Without Title) để thấy điều đó là thật:
“Nắng mai vàng hoe
một áng mây lành
thong dong

Huyền trúc nhẹ lay
in hình mặt đất
vô sanh.

WITHOUT TITLE
A golden sunny ray
a fresh white cloud
freely sauntered

The leaves of bamboo
dancing with the gentle wind
their shadows reflect on the ground
No beginning and no ending.”

Mấy câu thơ tiếng Anh trong đoạn thứ 2 mang đầy tượng hình và sinh động:
“The leaves of bamboo
Dancing with the gentle wind”
Những chiếc lá tre nhảy múa theo cơn gió nhẹ. Và hình bóng của chúng lắc lư trên mặt đất, như có như không. Nói có cũng không đúng. Nói không cũng chẳng nhằm. Là vô sinh vậy. Bài thơ, từ chữ nghĩa đến câu cú, đều giản dị, nhưng chuyên chở cả đạo lý thâm diệu của nhà Phật và tâm thái ung dung tự tại của nhà thơ.
Điều đáng nói ở đây là tâm thức tưởng niệm và tri ân của Bạch Xuân Phẻ. Đọc trong “Tưởng Niệm và Tri Ân,” người đọc sẽ thấy nhà thơ trẻ của chúng ta lúc nào, ở đâu và đối với bất cứ điều gì cũng nghĩ đến ân đức và tình nghĩa. Từ  những vị trưởng lão Hòa Thượng suốt đời hy hiến đời mình cho đạo pháp và dân tộc như cố Hòa Thượng Thích Thiện Minh, cố Hòa Thượng Thích Minh Châu, cố Hòa  Thượng Thích Trí Chơn, cố Hòa Thượng Thích Thiện Trì, rồi đến những bậc cao Tăng thạc đức đóng góp xứng đáng công đức đối với nền văn hóa và giáo dục nước nhà như Hòa Thượng Thích Tuệ Sỹ, cho đến đấng sanh thành phụ mẫu, cô dì, chú bác, anh em, bằng hữu, và chiếc lá, cành hoa, v.v… Đối với Bạch Xuân Phẻ, tất cả đều được trân quý, cảm niệm và tri ân.
Xin đọc bài thơ “Vàng Tựa Hướng Dương” mà Bạch Xuân Phẻ làm để niệm ân Hòa Thượng Thích Minh Đạt.

“Vàng thu trời lành lạnh
Lá trên cành vẫn xanh
Thiền môn cõi tinh anh
Thăm Thầy ngày thanh tịnh

Chỉ khi tâm yên tĩnh
Phản chiếu bản chất mình
Nhận thức được tánh linh
Phật vừa cười không tiếng.”

Khi tâm yên tĩnh thì Phật hiện. Và đức Phật trên tĩnh tọa trên tòa sen sẽ cười hoan hỷ, khi nhìn thấy tâm thức của một người Phật tử sinh sau Ngài hơn hai mươi lăm thế kỷ giữa thời đại nhiễu nhương mà vẫn còn thuần khiết như thế!
Và đây, xin hãy đọc bài thơ “Loài Bướm Đêm, Con Sò Và Con Người,” để nghe Bạch Xuân Phẻ mở cõi lòng ra với cả những loài vật bé nhỏ, mong manh như con thiêu thân với định nghiệp oái ăm và con sò với cuộc sống thầm lặng tận dưới đại dương sâu thẳm.

“Xin làm con thiêu thân
cõi cuốn hút điên cuồng
ai thích lao vào lửa
phút huy hoàng mưa tuông

Sáng chói làm ai mất
định hướng của cuộc đời
loay hoay làm ai chết
trong sinh tử tả tơi.

Có nên như con sò
ở đại dương sâu thẳm
vẫn âm thầm tiến hoá
miệt mài cõi xa xăm

Vỏ sò thác âm thanh
Dịu êm như tiếng sóng
ý thức hiện long lanh
tiếng đại dương vang vọng
…”

Trong bài thơ “Vẻ Đẹp Màu Áo Trắng Học Trò,” viết cho Đinh Nguyên Kha và Nguyễn Phương Uyên, khi hai người học trò này bị đưa ra trước vành móng ngựa trong một phiên tòa tại Việt Nam để bị bản án 16 năm tù chỉ vì dám bày tỏ lòng yêu giang sơn tổ quốc trước nạn xâm lăng của Trung Quốc, Bạch Xuân Phẻ đã bày tỏ niềm cảm thông và quý trọng đối với hai người bạn trẻ nói riêng và tình tự quốc gia dân tộc nói chung, một trong bốn ơn lớn. Xin đọc mấy đoạn của bài thơ.

“Chưa bao giờ tôi thấy
Vẻ đẹp áo học trò
Ngay trong vòng móng ngựa
Bất khuất và thanh tao

Càng nhìn em nghẹn ngào
Cho quê hương dân tộc
Bao con tim đang khóc
Cho lãnh đạo Việt Nam

Những việc các em làm
Tỏ lòng yêu nước Việt
Như các em đã biết
Đâu gì bằng quê hương
…..                                                      
Vẻ đẹp áo học trò
Ánh tà dương qua ngõ
Trắng trong ai thấy rỏ
Chân lý trong mắt em.”

Quả đúng như vậy, “Chân lý trong mắt em.” Bằng con mắt trong sáng của trí tuệ thì mọi hành nghiệp sẽ không bao giờ sai lầm, cho nên, hai em dù mới chỉ là những học sinh vẫn thấy được thật rõ điều mà một công dân phải làm là bảo vệ từng tấc đất của giang sơn mà tổ tiên đã dày công kiến tạo.
Cũng bằng con mắt trí tuệ ấy, người Phật tử Tâm Thường Định có thể nhận thức được bản chất của cuộc đời ngay trong những điều chứng kiến hàng ngày. Xin đọc bài thơ “Kính Tiễn Dượng Phạm Dường,” để đồng cảm với Bạch Xuân Phẻ về lẽ vô thường của cuộc sống.

“Người đi như hạt nắng loang
Thiên thu huyễn mộng vỡ toang vô thường
Người đi trăm nhớ ngàn thương
Không gian thanh thoát khói hương vô ngần
Phạm thiên chuông Phật nhẹ ngân
Dường như vô tịch trong ngần thiện tâm
Cuộc đời bao nỗi phong trần
Nay về nhà Phật một lần vãng sanh
Tây phương Tịnh độ sen xanh
Người đi như áng mây lành thong dong.”

Có thể ra đi thong dong như áng mây lành bởi vì lúc sống biết áp dụng lời Phật dạy trong tất cả mọi lúc, kể cả khi “Quét Chùa.”

“Nhẹ nhàng quét bụi trần gian
Vô minh tràn khắp gian nan cõi đời
Tinh chuyên quét sạch bụi đời
Vườn tâm trong sạch rạng ngời Chân Như.”

Với tâm thức “tưởng niệm và tri ân” thuần khiết của Bạch Xuân Phẻ thì vườn tâm không những “trong sạch rạng ngời Chân Như,” mà còn nở hoa thơm ngát. Từng bài thơ trong tập “Tưởng Niệm và Tri Ân” là từng nụ hoa mãn khai tinh khiết.
Người viết bài này xin “mượn hoa cúng Phật” với những đóa hoa trong “Tưởng Niệm và Tri Ân” để cảm tạ nhà thơ Bạch Xuân Phẻ đã cho đọc những bài thơ ân nghĩa cao quý giữa đời này.
Và cũng xin hoan hỷ giới thiệu đến quý độc giả thi phẩm “Tưởng Niệm và Tri Ân” của Bạch Xuân Phẻ.


Saturday, May 17, 2014

Khúc Ca Cuồng-Nộ

Khúc Ca Cuồng-Nộ 

 Viết cho Trường-Sa yêu dấu

Em hát lên bài trường ca phẫn-nộ.
Nét dịu-dàng chợt biến mất trong em.
Đóa hoa máu từ trời xa nở rộ,
Phương đông hồng còn lại những đêm đen.

Em cứ hát cho hồn anh bốc lửa.
Giận xé trời thành sấm chớp trên cao.
Em hát xong, xin hát thêm lần nữa.
Cho ruộng đồng, sỏi đá phải xôn xao.

Chị viết đi bài thơ hùng giữ nước,
Hàng trăm năm vùng dậy chí chưa sờn.
Chúng ta bước theo cha anh thuở trước
Khi lên đường lấy máu giữ giang-sơn.

Mẹ ru con giữa một trời giông-tố,
Mây Trường-Sa mang nặng những u-sầu.
“À ơi con! Cha đi không khiếp-sợ
Hình bóng người in dấu rõ ngàn sau”

Đường Tổ-Quốc hôm nay như nhuộm máu
Chân ta đi nộ-khí mãi không chùn,
Mang ý-chí đương đầu quân tàn-bạo.
Trăm lần rồi lũ giặc đã tan hoang

Nguyễn Hoàng Lãng Du

Wednesday, May 14, 2014

BẠO LOẠN BÊN TRONG HAY BẠO LOẠN BÊN NGOÀI?

BẠO LOẠN BÊN TRONG HAY BẠO LOẠN BÊN NGOÀI?

Tình hình căng thẳng ở Biển Đông ngày càng cao và những cuộc xuống đường bạo động của các công nhân nhiều nơi trong nước cho ta thấy hạt giống bạo động của chính mình. Vậy chúng ta có nên hay không nên tưới tẩm những hạt giống đó? Bạo loạn thường xuất phát từ sự phẩn nộ, uất hận hay vô minh. Nhưng bạo động không bao giờ là giải pháp tốt cả.  Sáng nay, có đọc fb's note của anh Nguyễn Hưng Quốc có tựa, Nghĩ Về Các Cuộc Bạo Loạn Của Công Nhân. Anh viết:

Những cuộc xuống đường bạo động của các công nhân ở một số tỉnh tại Việt Nam nhắm vào các công ty do người Trung Quốc làm chủ hẳn nhiên là sai. Sai về phương diện kinh tế: họ sẽ là những nạn nhân đầu tiên. Sai về phương diện xã hội: Họ xã hội hóa một cuộc tranh chấp quốc tế, ở đó, kẻ thù từ Bắc Kinh được chuyển sang những người Trung Quốc đang làm việc tại Việt Nam. Sai về phương diện chính trị: biến sự xung đột về lãnh hải giữa hai nước thành một xung đột chủng tộc, từ đó, có thể giúp cho guồng máy tuyên truyền của Trung Quốc và làm hoen ố hình ảnh của người Việt Nam: kỳ thị.

Tuy nhiên, nên chú ý: Mọi phản ứng tập thể và bộc phát của dân chúng bao giờ cũng có lý do. Nhà cầm quyền cần tìm hiểu lý do và giải quyết vấn đề từ những lý do cội rễ ấy. Chỉ sử dụng biện pháp trấn áp: vô ích. Chỉ tuyên truyền hay khuyên bảo: càng vô ích. 

Vậy lý do sâu xa của các cuộc bạo loạn ấy là gì? Chỉ có một: uất hận. Sự uất hận ấy đến từ hai nguyên nhân chính: Một, vì những hành động ngang ngược của Trung Quốc ngoài Biển Đông; và hai, vì chính quyền Việt Nam không cho dân chúng xả bớt những uất hận ấy qua các cuộc biểu tình tự do hay hứa hẹn một quyết tâm tranh đấu thật dứt khoát. Khi bí, sự uất hận ấy có thể bộc phát dưới bất cứ hình thức nào. Đáng trách không phải là công nhân hay dân chúng mà là ở chính quyền! 

Sự uất hận ấy, tự nó, là những thông điệp chính trị. Với chính quyền Trung Quốc: chúng tôi rất căm thù và sẵn sàng chiến đấu để bảo vệ đất nước! Với chính quyền Việt Nam: Đừng nhu nhược! Cần phải kiên quyết và mạnh mẽ hơn nữa! Nước đã tràn tới bờ rồi!

Chưa biết các sự uất hận ấy sẽ dẫn đến đâu và sẽ được nhà cầm quyền khống chế như thế nào. Tôi chỉ biết, từ lịch sử, một điều gần như chắc chắn: Tất cả các cuộc cách mạng đều được xuất phát từ sự uất hận. Chứ không phải từ tình yêu hay từ lý trí.

Tôi đồng tình cùng anh, nhưng nhìn ở một góc độ khác, bạo loạn trong ta hay bạo loạn bên ngoài? Xin tự quán chiếu nhé! Hy vọng chúng ta suy nghĩ, nói năng và hành xử trên nên tảng hiểu biết, thương yêu và can đảm.

Tuesday, May 13, 2014

The First Declaration of Independence of Vietnam!

南國山河南帝居
截然定分在天書
如何逆虜來侵犯
汝等行看取敗虛

(Vietnam General Ly Thuong Kiet - 1077)

The Emperor of the South resides in the Southern Nation:
This is destiny that was written in the Book of Heaven.
How dare you, thugs, invade our beloved motherland?
You shall indubitably suffer miserable pulverization.

Nam Quốc Sơn Hà

Nam quốc sơn hà nam đế cư
Tiệt nhiên định phận tại thiên thư
Như hà nghịch lỗ lai xâm phạm
Nhữ đẳng hành khan thủ bại hư.


Sông núi nước Nam vua Nam ở,
Rành rành định phận tại sách trời.
Cớ sao lũ giặc sang xâm phạm,
Chúng bây sẽ bị đánh tơi bời!

NHỮNG BÀI THƠ YÊU NƯỚC HIỆN TẠI

CON ĐƯỜNG TRƯỚC MẶT

Cường nộ chính sách Trung Cộng
Phẫn nộ lãnh đạo quê ta
Con đường đấu tranh trước mặt
Dùng đầu, nhiệt huyết, bình tâm.

Viet Do

Còn Sống, Còn Ngày Trả Nợ Máu Xương

Tên Anh Bạch Đằng
Tên Chị Mê Linh
Rừng Lam Sơn cỏ úa đau lòng đất
Cát Hoàng Sa vàng màu da dân Nam

Ông Cha ta mở, nay ta giữ
Giữ đất, giữ quê, giữ ngọn cờ
Ngọn cờ phất phới trên Thành Cổ
Ngọn cờ dân tộc trên đảo hoang

Máu xương đổi lấy từng tấc đất
Đất vàng, đất đỏ đất dân Nam
Đất ta ta ở, ta làm chủ
Ai giặc vào đây chết nát xương

Ai giặc vào đây tìm cái chết
Đất thiêng làm mộ chờ chôn thây
Chôn mộng bá vương, chôn phường bá đạo
Đất ta ta giữ, nhà ta ta xây

Tên Em Nam Quan
Tên Tôi Bản Giốc
Đất Cha mất, con Cha chưa chết
Còn sống, còn ngày đòi nợ máu xương

Máu chảy thành sông xương cao thành núi
Máu nhuộm Trường Sa, Máu nhuộm Hà Giang
Máu chảy từ Nam, ngược giòng ra Bắc
Máu từ trời Tây trôi ra biển Đông

Máu chảy từ tim, máu tuôn ra mắt
Lý Sơn, Gạt Ma bão đã nổi lên
Bão gió biển Đông, sóng thần đã dậy 
Ơi! người Việt Nam, tất cả đứng lên...

Ơi! người Việt Nam tất cả rống lên.

Nguyên Lương
15 tháng 5, 2014
  
Trong đêm cuồng-nộ

...   Ta giận ta hề tài hèn mộng lớn
     Ta buồn ta hề sức nhỏ chí cao
     Buổi nay thiên địa nghẹn ngào
     Bốn phương song gió thổi vào cô đơn
    
           NHLD


MỘNG BÁ QUYỀN

Anh em đồng chí, chỉ nôm-na
Tham vọng bá-quyền chiếm nước ta
Sông núi láng giềng mồm ngoạm nuốt
Tài nguyên hàng xóm lưỡi thè ra
Thua đau bảy chín* còn chưa ngái
Thất bại nghìn năm đâu đã xa
Trung cộng biến hình thành kẻ cướp
Ngấm từ máu thịt lũ Chi-Na.

* Bảy chín tức năm 1979
Kính mời các a/c yêu thơ trên trang "............"Họa cùng cho vui.
Nguyễn Hoàng Lâm Ni



Đối đầu lịch sử & Sôi sục biển Đông

Phần 1: Chống ngoại xâm giành độc lập

1.Đất nước Việt Nam của Việt Nam
Loài Bành lòi mặt kẻ gian tham  
HQ chiến hạm dàn khoan khủng
Sôi sục biển Đông hận uất tràn
2.Đem cả đội quân cướp biển người
Thâm căn nòi cướp vẫn chưa thôi
Máy bay tàu chiến nghênh ngang ngược
Hùng hổ ào sang cướp biển trời
3. Ngàn năm lịch sử mãi còn ghi
Phù Đỗng vươn vai ngựa sắt phi
Tuổi trẻ hào hùng nung khí phách
Diệt Ân giữ nước có màn chi
4. Dẫu là liễu nữ chí anh thư
Nợ nước thù chồng bỏ được ư…!
Chiến tượng vung gươm thù phải trả
Hai Bà hãnh tiến diệt kình ngư
5. Sóng lớn đạp lên cỡi gió to
Nữ lưu hào kiệt tự bao giờ
Bành voi Bà Triệu vung gươm tiến
Tan tác rơi đầu bọn giặc Ngô
6. Hận giặc tham tàn bức hại dân
Lý Bí khởi binh tập hợp quân
Đuổi giặc nhà Lương ra khỏi cõi
Vạn Xuân nước Việt đẹp muôn phần
7. Danh lão anh hùng tướng Phạm Tu
Theo cờ Nam đế diệt Tiêu Tư
Bình Man độc lập cho bờ cõi
Vì nước xả thân khí trượng phu
8. Triệu Quang Phục hận dưỡng nuôi quân
Dạ Trạch đầm lầy tiến thủ an
Du kích chiến tranh tiêu thế giặc
Diệt Lương khôi phục nước nhà Nam
9 .Khởi nghĩa Thúc Loan diệt giặc Đường
Diệt loài tàn ác lũ vô lương
Giết dân thây chất thành gò đống
Nô lệ phá xiềng dậy võ công
10. Thua nhục bao lần vẫn cứ tham
Đem quân cướp nước lũ cuồng gian
Phùng Hưng đuổi giặc ra bờ cõi
Bố Cái Đại Vương giữ phúc an
11. Đình Nghệ Ái Châu vây Đại La
Diệt quân Nam Hán cút chạy xa
Đánh tiêu tiếp viện quân Trần Bảo
Nước Việt hòa bình vui khải ca

Còn tiếp....
Lam Hồng

Monday, May 12, 2014

Tâm Tình Của Một Người Con

Book cover is designed by Uyên Nguyên

THAY LỜI BẠT
Tâm Tình Của Một Người Con

Hai chúng tôi sinh ta từ hai vùng quê nghèo khổ nhất của Quận Tuy Phước, Tỉnh Bình Định, miền Trung. Phẻ lớn lên ở vùng biển, cực Đông, xã Phước Lý. Tôi sinh ra ở vùng núi, cực Tây, xã Phước Thành. Tuổi hai chúng tôi cách nhau gần 2 con giáp, lưu lạc và tình cờ gặp nhau ở xứ người. Cả hai đều có những điểm chung: theo đạo Phật, học khoa học, thích thơ văn thi phú, thích giao du với bằng hữu, và nhất là rất quan tâm đến tình hình và nên giáo dục ở quê nhà. Phẻ làm nghề giáo, cái nghề mà tôi đã chọn nhưng không theo được từ những năm còn ở Việt Nam. Tôi làm việc nghiên cứu khoa học. May mắn nhờ có nhiều cơ hội ở xứ người, cả hai được đi trọn con đường học vấn, thì giờ rảnh chúng tôi nói chuyện thơ văn. Phẻ viết rất khỏe, viết văn, làm thơ, nghị luận cả tiếng Việt, tiếng Anh. Tôi thì lười hơn, chỉ thích đọc thơ văn bằng hữu. Đấy là lý do tôi xin phép Phẻ để được viết những lời tâm tình này cho tuyển tâp Tưởng Niệm và Tri Ân, với một mục đích duy nhất: tôi muốn khen em một lời.

Tôi không khen em ở văn tài, vì trong toàn tuyển tập, không thấy bóng dáng của những câu chữ bóng bẩy, sử dụng những điển tích khó hiểu hay nói bóng gió để đánh đố người đọc. Phẻ lại càng cố gắng không viết theo đúng một thể loại nào, thích gì viết nấy, nghĩ sao viết vậy, viết như hơi thở, như bước đi, như đang tâm tình, như đang kể chuyện. Phẻ kể chuyện nhà, chuyện nước. Em quan tâm đến những người tù lương tâm, những người dân cùng khổ, những cảnh sai trái bất công, tương lai mịt mù bao trùm thế hệ trẻ quê nhà, và trong văn phong đậm chất thật thà, không trau chuốt đấy, Phẻ đã làm cho người đọc rơi nước mắt. Phẻ viết không phải để khoe, hay để che. Em bộc bạch viết như để thay cho lời nói.

Tôi cũng không khen em ở cách hư cấu câu chuyện để mua vui, vì em kể chuyện thật, câu chuyện nhà, những câu chuyện lần đầu em đưa lên trang sách cho mọi người xem: gia đình em là thế đấy, con người em là thế đấy, bạn bè em là thế đấy... tất cả là một tấm lòng giải bày thật trong sáng mà không cần đánh bóng.

Em không là nhà văn, lại không là một thi sĩ. Viết với em là kể chuyện bằng con chữ, gởi gắm những tâm tình cô đọng, trong sâu thẳm Phẻ muốn nói, nhưng không nói được bằng lời, hay ghi lại những lời nói ấy để cho người ở xa không nghe mà biết, không nhìn mà thấy, không chứng kiến mà hiểu hết, vì em không dấu điều gì.

Qua tuyển tập Tưởng Niệm và Tri Ân này, tôi muốn khen em: Em đã làm đúng bổn phận của một người con: con của đất nước, con của gia đình và con của Nhà Phật. Em đã đóng trọn vai người sĩ phu thời đại qua tâm tình và mơ ước. Bút thay cho đao kiếm, câu văn thay cho súng đạn, em kêu gọi bao dung lượng thứ, em đòi công lý bình đẳng cho mọi người. Em muốn dùng lời dạy của Phật Tổ để cảm hóa con người, con người đang đắm chìm trong bể khổ của tham, sân, si và ngụp lặn trong thế giới ta bà, hỗn mang đầy tội lỗi. Với lý tưởng thanh cao, trong sáng, Phẻ luôn tìm những giải pháp đẹp nhất cho mọi tình huống, mọi vấn đề. Vấn đề nào, khó khăn mấy, nếu ta có lòng, có tâm, có tài là đều có thể giải quyết được hết một cách tốt đẹp.

Phẻ trân qúi tình bằng hữu, những cái duyên gặp gỡ ngoài đời hay trong thơ văn. Phẻ đến với mọi người bằng tấm lòng bao dung, rộng mở. Luôn tìm tòi, khám phá để trau dồi học hỏi cho dù em đã là một thầy giáo giỏi. Em vẫn tiếp tục học cho dù việc học ở trường đã đi đến đích. Học với Phẻ không phải chỉ để biết cái mới mà học để bổ túc cho cái cũ, để nhìn thấu vào chân trời xa dù chân trời mọi ngày ta vẫn nhìn thấy. Học để nhìn người, để thấy mình rõ hơn. Học, chỉ vì Phẻ ham học, ham đọc, vì đời là ngôi trường không bao giờ đóng cữa, thế thôi!

Chân trời ấy tưởng đã khép lại khi cậu bé ham học năm 12 tuổi không được cắp sách đến trường phổ thông cơ sở địa phương. Rồi may mắn đến với gia đình, năm 15 tuổi, Phẻ cùng gia đình được đến vùng đất tự do, và con chim đã vỗ cánh đại bàng, tung bay, bay vút lên cao. Nếu năm ấy không được ra đi, không biết giờ này nơi vùng biển nghèo khó đó, người thanh niên 38 tuổi đang làm gì nhỉ? Chắc ngày qua ngày, nhìn những cánh buồm lướt sóng, những chiếc ghe máy đánh cá ngược xuôi, Phẻ có nằm mơ cũng không dám nghĩ đến giảng đường đại học, những trung tâm nghiên cứu... ở bên kia bờ Thái Bình Dương, vùng đất hứa cho những người có chí, chịu khó, đem hết nổ lực, lợi dụng hết những cơ hội để đi đến đích và được thành danh. Phẻ dành hết những thành qủa đó cho gia đình, cho công ơn của Mẹ, Cha, của gia đình vợ và người đàn bà đã sát cánh bên cạnh qua bao khó nhọc để em đạt được những mơ ước đời người.

Trong tuyển tập, người đọc sẽ thấy bàng bạt trong đó là chắc lọc những tâm tình đậm sâu mà tác gỉa dành cho người thân thuộc của mình. Trong hơn 150 trang sách, mỗi trang chứa không biết bao nhiêu lời thấm đẫm tình yêu thương, ơn sâu, nghĩa nặng. Viết như gợi nhớ cho  chính mình, không cho phép mình quên, cho bằng hữu hiểu con người mình, và gởi lại cho hai đứa con trai biết về cội nguồn, người thân, quê hương và bằng  hữu. Qua những câu văn, câu thơ ta dễ dàng nhận thấy Phẻ là một người con có hiếu, một người chồng có nghĩa, một người cha có tình, và hơn hết là một công dân có trách nhiệm. Với đất nước cưu mang mình, Phẻ dành những lời tri ân cao cả và nguyện đem hết sở tài làm sở dụng để đóng góp phần mình. Với đất nước nơi sinh ra, Phẻ luôn trăn trở suy tư về hiện tại bất trắc và tương lai mờ mịt.  Phẻ đau nỗi đau của hàng triệu người Việt tha phương, ngày ngày mỏi mắt trông về trời Tây nơi có hàng triệu người dân cùng khổ, cố ngoi lên nhưng đã mất hết hy vọng ở ngày mai. Phẻ nghĩ đến những em học sinh nơi quê nhà, cũng như mình năm xưa, không được cắp sách đến trường.

Viết để trước là để Tưởng Niệm, sau là Tri Ân, và như để đánh dấu một cột mốc trong đời mình. Năm nay ông Nghè Phẻ vừa hoàn thành xong học vị cao qúi nhất, cũng là năm kỷ niệm "10 năm yêu em" với người bạn đời. Nhân dịp này, vợ chồng Anh Chị chúc Chú Em tiếp tục đi đến đích con đường đã vạch, cùng với vợ và hai con. Những lời tâm tình trên đây coi như món qùa tinh thần Anh dành tặng cho Phẻ, một người bạn, một người Em, một thân hữu và hơn hết là người đồng hương Bình Định. Trước khi ngừng ở đây anh xin được gởi tặng Em mấy câu thơ anh đã viết trong bài "Con Đường Các Anh Về"  trong cuốn bút ký "Con Đường Trước Mặt" xuất bản 20 năm về trước:

"... Đêm Huế buồn cỏ cây ngậm ngùi, thổn thức
Chiều Qui Nhơn biển gợi sóng ai về
Anh bước đi, đi lại con đường quê
Cứ đi mãi sẽ có ngày anh đến đích..."

Thân qúi,

Nguyên Lương

Horsham, PA, ngày 30 tháng 4 năm 2014

Wednesday, May 7, 2014

A WAY OF LIFE IN LANCASTER COUNTY, PA



The AMISH's way of life. Photos: BXK

A WAY OF LIFE IN LANCASTER COUNTY, PA

The rolling hills -
Green and beautiful
The fresh spring air on Lancaster County
Still plowing soil by horses and living frugal lives
A way of life, the stripped farming
A peace scene with much charming
The message of human being over human doing
Echoing
And reflecting in the universe
Timeless.

Thursday, May 1, 2014

ĐÊM NGUYỆT THỰC

THE  BOAT  PEOPLE  SOULS - " Mảnh Hồn Thuyền Nhân" Oil on Canvas by Xuan Thi
ĐÊM NGUYỆT THỰC
Trăng tháng tư sao ửng hồng như thế
Mắt lệ đã khô nước mắt sông dài
...Quê hương thương yêu nghìn năm muôn thuở
Đến/có và đi/không! vằng vặc một vầng trăng.

Rằm Tháng Tư dương lịch, 2014.

Sunday, April 27, 2014

MỘNG ĐẸP DƯỚI TRĂNG

Redeo Beach, San Francisco, CA - Photo: BXK

MỘNG ĐẸP DƯỚI TRĂNG

Vầng trăng sáng có màu đen trong đó
Có vui/buồn, tròn/khuyết, có hợp/tan
Có tỉnh/mê, ai say đắm, hững hờ
Từng hơi thở, đôi bàn chân thanh thản.

Tháng 4, 2014

Wednesday, April 16, 2014

CHERRY BLOSSOM FESTIVAL

A view from Potomac River - Photo: BXK
CHERRY BLOSSOM FESTIVAL


A golden sunny day with gentle wind,
We walk along the mellow and romantic Potomac River,
Millions of cherry flower blossoms 
amongst countless sparkling smiles.
  
Its scent is flying by,
Stroking and kissing the thin mantles. 
Its petals are soft, white and elegant,
Loving this experience, beauty and attraction,
we sit here with our legs dangling. 
Flutters in the east wind direction, 
Oh, how many realms of gloominess 
dissolve in the emptiness.
  
Cherry flowers 
serve as messengers 
of mutual respect, understanding and love, 
For it’s true beauty and meaning forever-lasting with hope,  
We now ought to plant the seeds of kindness.


Washington D.C., April 12th, 2014.





All pictures are captured by Nguyen Luong
THĂM XỨ HOA ĐÀO WASHINGTON

Trời nắng vàng gió nhẹ
Potomac dịu êm
Triệu hoa đào lấp lánh
Lung linh bao nụ cười

Mùi hương nào bay xa
Vuốt ve tà áo mỏng
Cách mềm trắng kiêu xa
Thương em như trứng mỏng

Ai ngồi đây chân thõng
Ngất ngây theo gió chiều
Bao nhiêu cõi đìu hiu
Hòa tan theo mây khói

Hoa Đào như sứ giả
Kết tình thương yêu nhau
Cho vẻ đẹp ngàn sau
Hãy vun bồi hạnh tốt.




Sunday, April 13, 2014

ĐÊM NẰM NHỚ...






Cherry Blossom Flower Festival in Washington, DC - Photo BXK.
ĐÊM NẰM NHỚ...

Đêm chưa ngủ nghe dòng thác đổ
Nghiêng bờ vai nghe tiếng muôn trùng
Nghe tiếng khóc của bầy con trẻ
Nghe bình minh tràn ngập mùa xuân

Thấy dòng thác là mây là nước
Thấy thời gian biền biệt trôi qua
Nếu cuộc sống dài như hơi thở
Ta làm gì giữa hơi thở trong ta?

Thư Pháp Võ Việt Tuấn


Sunday, April 6, 2014

HÓA THÂN DUY-MA-CẬT

Tranh thiền - Nguyên Giác Phan Tấn Hải

HÓA THÂN DUY-MA-CẬT 
“Người qua tôi cũng đi qua
Người dừng tôi cũng qua loa tạm dừng.” 

Thiên tài* trở lại trần gian
Từ bi hoá độ muôn vàn chân nhân
Trí Bát Nhã đã bao lần
Liễu Không, thuần Giác hiện thân đầu đà
Nụ cười xoa dịu sơn hà
Thiền môn khép kín bao la nhiệm mầu
Bùi Tiên sinh mãi về sau
Cửa không 
Tĩnh
      Tịch 
             Tỉnh 
                    Đau 
Lạ thường.


*"Em về trúc thạch mốt mai
Sẽ nhìn thấy mãi thiên tài chết điên." Thơ Bùi Giáng
Trích từ: Chánh Pháp



Friday, April 4, 2014

MỘT NHÀ THƠ VIỆT NAM TRÌNH LUẬN ÁN TIẾN SĨ VỀ HÀNH TRẠNG CỦA CÁC TU SĨ PHẬT GIÁO VIỆT NAM HẢI NGOẠI TẠI ĐẠI HỌC DREXEL

HOA ÐÀM - CHÚC MỪNG TÂM THƯỜNG ÐỊNH

BẠCH XUÂN PHẺ với phu nhân (trái) và các giáo sư trong ngày bảo vệ và chúc mừng luận án tiến sĩ, 4 tháng Tư, 2014. Ảnh: Daniel Gilbert Valencia
MỘT NHÀ THƠ VIỆT NAM TRÌNH LUẬN ÁN TIẾN SĨ VỀ HÀNH TRẠNG CỦA CÁC TU SĨ PHẬT GIÁO VIỆT NAM HẢI NGOẠI TẠI ĐẠI HỌC DREXEL
Hôm thứ Sáu 4 tháng 4, 2014 vừa qua, nhà thơ Bạch Xuân Phẻ đã bảo vệ thành công luận án tiến sĩ với chủ đề nghiên cứu rất đặc biệt: Mindful Leadership - A Phenomenological Study of Vietnamese Buddhist Monks in America with Respect to their Spiritual Leadership Roles and Contributions to Society” (Lãnh đạo bằng chánh niệm -- Một cuộc nghiên cứu có tính hiện tượng về các tăng sĩ Việt Nam tại Hoa Kỳ về vai trò lãnh đạo tâm linh và đóng góp cho xã hội).
Nhà thơ Bạch Xuân Phẻ sinh ngày 7 tháng Sáu, 1976 tại Vũng Nồm, Phước Lý, Quy Nhơn, Bình Định nhưng lớn lên ở Hoa Kỳ từ 1991.
Sau khi tốt nghiệp trung học tại thành phố Lincoln, Nebraska , Bạch Xuân Phẻ theo học nhiều trường đại học tại Mỹ và tốt nghiệp nhiều bằng cấp trong đó có Cử Nhân Khoa Học Sinh Học (Bachelor of Science in Biology with minor in Chemistry/Psychology) tại University of Nebraska, 1998; Cao Học Hóa Học (Master’s Degree Program in Chemistry) tại University of California, Davis, 2001;  Cao Học Giáo Dục về Lãnh Đạo và Nghiên Cứu Chính Sách (Master’s Degree in Education in Leadership and Policy Studies)  tại California State University, Sacramento 2005.
Ngoài ra, Bạch Xuân Phẻ đã hoàn thành rất nhiều nghiên cứu giá trị về khoa học, giáo dục, quản trị và lãnh đạo. Anh đã được thưởng nhiều học bổng giá trị như  Sacramento Leadership Fellowship của thành phố Sacramento, Ronald E. McNair Project Scholarship, Papadakis Public Service Fellowship, UC Davis fellowship. Nhà thơ cũng là tác giả của các thi phẩm Mẹ, Cảm Xúc và Em (2004), Hương Lòng - Perfume of the Heart (2007). Bạch Xuân Phẻ cũng là tác giả của nhiều tâm bút, tiểu luận hướng về tuổi trẻ bằng tiếng Việt và tiếng Anh đăng trên nhiều tạp chí.
Bạch Xuân Phẻ hiện là giáo viên giảng dạy môn hóa học tại trung học Mira Loma High School tại Sacramento từ 2002 và đồng thời là một Huynh Trưởng Gia Đình Phật Tử Kim Quang Sacramento. Ngoài ra, Bạch Xuân Phẻ còn là thành viên tích cực của đề án từ thiện Buddhist Pathways Prison Project,  một tổ chức thiện nguyện nhằm chuyển tải tinh thần từ bi của Phật Giáo đến đời sống đầy bạo động của tù nhân tại các nhà tù California.
Mỗi năm, hàng trăm sinh viên gốc Việt tốt nghiệp tiến sĩ tại các trường đại học danh tiếng Mỹ nhưng có thể nói đây là lần đầu tiên một luận án tập trung nghiên cứu về hành trạng của các tăng sĩ Phật Giáo Việt Nam trên đường hoằng dương Phật Pháp đầy khó khăn và nhiều vấn nạn tại hải ngoại sau 1975. Dù sao, theo nhà thơ Bạch Xuân Phẻ “Sự có mặt và phát triển của Phật Giáo, trong đó có Phật Giáo Việt Nam, đã góp phần quan trọng cho sự hòa bình, hưng thịnh, nhân cách con người và trái đất mẹ”.
Hoa Đàm xin chúc mừng Huynh trưởng Tâm Thường Định và kính chúc anh sớm hoàn thành tâm nguyện mang tinh thần Phật Giáo vào đời sống “bằng Chánh niệm, lãnh đạo bằng thân giáo, bằng hành động, sự dấn thân”.
HOA ĐÀM
Source:
http://www.hoadamnews.com/2014/04/hoa-am-chuc-mung-tam-thuong-inh.html