Saturday, February 15, 2020

Phật Tử Đối Trị Dịch Bệnh


Phật Tử Đối Trị Dịch Bệnh
Nguyên Giác
Bài này được viết để trả lời một câu hỏi, rằng Phật Tử có cách nào để đối trị dịch bệnh? 
Câu hỏi này đặc biệt được quan tâm trong tình hình hiện nay, trong khi chuyên gia WHO cảnh báo có thể sẽ tới cao điểm là 2/3 nhân loại nhiễm vi khuẩn COVID-19. Nghĩa là sẽ chết rất nhiều, không đếm nổi. Tính tới trưa Thứ Sáu 14/2/2020, từ khi nhận diện bệnh này từ tháng 12/2019 tại Wuhan, Trung Quốc, đã có hơn 64,473 trường hợp nhiễm virus COVID-19 (tên cũ: coronavirus), trong đó 10,627 người bệnh trầm trọng (tỷ lệ 16%), với 1,384 người chết và 7,170 người hồi phục. Theo WHO, tỷ lệ người chết trên số người chết và hồi phục [current ratio of dead / (dead+recovered)]  là 16.2%. Đa số trường hợp là ở Trung Quốc. Riêng Việt Nam đang cô lập một xã 10.000 người để cách ly, thử nghiệm và chữa trị các trường hợp dương tính. 
Dịch bệnh lớn nhất và bao trùm hết là sinh tử luân hồi, như thế câu trả lời là Tứ Thánh Đế (Khổ, Tập, Diệt, Đạo), trong đó con đường thoát khổ là Bát Chánh Đạo nằm trong Đạo Đế. Khi đã có cách đối trị dịch bệnh lớn nhất, tất nhiên là cũng có cách đối trị các dịch bệnh ở tầm khu vực nhỏ hơn.
Dịch bệnh là từ nghiệp sinh ra, do vậy nếu thuận theo pháp để tu, sẽ hy vọng từ từ giải được nghiệp. Trường hợp tu tập mà không thoát được nghiệp, để sẽ phải ra đi vì dịch bệnh, cũng sẽ được tâm xả ly thanh thản, thuận pháp.
Kinh Phật kể về nhiều trường hợp cần tự bảo vệ chính mình. Trong đó có thể liệt kê các trường hợp được bảo vệ là nhờ: Quy y, Thọ giới, Nghe Kinh (Học Pháp), Làm Việc Thiện, Tu Tâm Từ, Tu Niệm Xứ, Niệm Pháp Ấn Vô Thường. Ghi nhận rằng cả nhóm pháp tu vừa dẫn đều là tự dựa vào chính mình, biết sám hối và biết tu. Tuy nhiên cũng có trường hợp tha lực trong Kinh Phật, dựa vào oai lực nghiêm trì giới luật và hạnh nói thật của vị thánh tăng: khi một thai phụ gặp sản nạn được ngài Angulimala cứu cho mẹ tròn con vuông.
Trước tiên, QUY Y là tự bảo vệ chính mình. Kinh SN 2.10 kể về trường hợp một vị thiên, tên là Suriya, bị vua A Tu La bắt giam. Thiên tử Suriya mới tưởng niệm Đức Thế Tôn, nói lên bài kệ niệm lời Quy y (có lẽ, Thiên tử Suriya trước đó đã quy y Phật rồi, khi gặp nạn mới tụng lại kệ quy y, nhưng cũng có thể lần đầu tự tụng lời Quy y; chỗ này kinh không nói rõ). Đức Phật mới nói với vua A Tu La rằng hãy trả tự do cho Suriya, vì vị Thiên này bây giờ là Phật Tử rồi. Vua A Tu La mới trả tự do cho vị Thiên Suriya, và nói bài kệ rằng nếu vua không trả tự do cho Suriya thì đầu vua “sẽ bể thành bảy” phần khác nhau.
Như vậy, chúng ta không biết chắc rằng Quy y có ảnh hưởng gì tới dịch bệnh không, nhưng chắc chắn là có oai lực đối với giới phi nhân ở cõi chúng ta không thấy bằng mắt trần được. Tốt nhất là, hãy mời gọi nhau Quy y, đưa hết cả nhà Quy y Phật, Quy y Pháp, Quy y Tăng.  Kinh SN 2.10 nói về oai lực Quy Y, bản dịch HT Thích Minh Châu có link ở Ghi chú số (1)
Trường hợp đặc biệt kể lại trong kinh điển: một tên trộm chỉ nghe Đức Phật giảng kinh, là đắc quả Dự Lưu. Đó là trong tích truyện về bài Kệ 63 trong Kinh Pháp Cú. 
Bài Kệ 63 với bản dịch của HT Minh Châu như sau.
63. "Người ngu nghĩ mình ngu, Nhờ vậy thành có trí. Người ngu tưởng có trí, Thật xứng gọi chí ngu."
Tích truyện kể rằng có 2 tên trộm đi cùng một nhóm cư sĩ Phật tử tới tu viện Jetavana, nơi Đức Phật đang giảng kinh. Một trong 2 tên trộm chú ý nghe kinh, và đắc quả Dự Lưu. Trong khi đó, tên trộm thứ nhì trộm tiền từ một trong các cư sĩ. Sau bài kinh, hai chàng trộm trở về nhà của kẻ trộmt hứ nhì, người mới trộm được tiền. Vợ của kẻ trộm thứ nhì mới nói giỡn với kẻ trộm thứ nhất: “Anh trí tuệ quá, không có gì để nấu trong nhà của anh đâu.” Nghe thế, kẻ trộm thứ nhất tự nghĩ, “Chị này ngu tới nỗi chị nghĩ rằng chi rất khôn ngoan.” Thế rồi cùng với một số thân nhân, kẻ thứ nhất tới gặp Đức Phật, kể lại. Đức Phật mới đọc bài Kệ 63 nêu trên. Thế rồi tất cả thân nhân của kẻ thứ nhất cùng chứng quả Dự Lưu.
Nghĩa là, nghiệp nặng như kẻ trộm, khi chăm chú Nghe Kinh, cũng có cơ may chứng quả thánh. Thời này, chúng ta có rất nhiều cơ hội nghe kinh giảng trên YouTube, đọc kinh qua các trang web, và bất kể nghiệp lực nặng nhẹ thế nào, hễ chúng ta nghe kinh nếu không dám nói là sẽ chứng quả thì cũng được phần nào giải nghiệp.
Giữ Giới và Làm Việc Thiện cũng là một cách để phòng ngừa các bất trắc của đời. Như tích truyện Kinh Pháp Cú về bài Kệ 30, ghi lời Đức Phật trong Kinh Sakkapanha Suttanta dạy về trường hợp Sakka, Vua của các cõi trời. Trong một kiếp trước của Sakka là một chàng trai tên Magha, cư dân làng Macala. Chàng Magha và 32 người phụ tá của chàng đã xây đường lộ và các nhà cửa cho người cần nghỉ ngoi. Chàng Magha giữ 7 lời nguyện trong suốt đời:  (1) hiếu dưỡng ba mẹ của chàng; (2) tôn trọng người trưởng thượng, người già; (3) nói lời từ ái; (4) không nói xấu hay dè bỉu người khác; (5) rộng rãi bố thí; (6) chỉ nói sự thật; và (7) sẽ tự chế, tránh nổi giận.
Sau đó, Đức Phật nói bài Kệ 30, bản dịch của HT Minh Châu là:
30. "Đế Thích không phóng dật, Đạt ngôi vị Thiên chủ. Không phóng dật, được khen; Phóng dật, thường bị trách."
Nhờ giữ 7 lời nguyện như thế, Magha tái sinh làm Vua Trời Sakka. Khi chàng trai Mahali nghe Đức Phật kê chuyện Sakka xong, liền đắc quả Dự Lưu.
Như thế, chúng ta cũng thấy rằng, Giữ Giới và Làm Thiện Pháp sẽ mang tới quả tốt. Chúng ta không biết chắc dịch bệnh khi lây tới 2/3 nhân loại sẽ xóa sổ bao nhiêu triệu người, nhưng điều nên chuẩn bị bây giờ nên là hãy mời gọi cả nhà, cả xóm rủ nhau: Quy Y, Thọ Giới, Làm Thiện Pháp, và Nghe Kinh (học Pháp).
Trường hợp hy hữu là nhờ oai lực của Thánh Tăng. Đó là trường hợp ngài Angulimala. Nguyên là chàng trai thông minh ở thành Savatthi, ban đầu được Thầy ưa chuộng vì giỏi, nhưng các bạn học ghen tỵ, mới làm cho Thầy không vui với chàng. Nhằm loại bỏ Angulimala, vị Thầy ra lệnh chàng tìm 1.000 ngón tay người để hoàn tất học trình. Angulimala trở thành sát thủ, giết nhiều người để chặt ngón tay, làm nhiều ngôi làng bỏ chạy, di tản. Khi mẹ Angulimala can thiệp, bà cũng suýt bị Angulimala giết. 
Lúc đó, Angulimala đã kiếm được 999 ngón tay của 999 nạn nhân, và mong muốn tìm người thứ 1.000. Khi đi tới rừng Kosala, Angulimala gặp lại mẹ, và được mẹ cho thức ăn. Suy nghĩ, Angulimala muốn giết bà làm nạn nhân thứ 1.000. Khi đó, Đức Phật bước tới, Angulimala mới rút kiếm rượt theo Đức Phật. Nhưng chạy nhanh thế nào, Angulimala cũng không chẹy theo kịp Đức Phật đang bước từ tốn.  Thế rồi Angulimala gọi Đức Phật dừng lại. Đức Phật lúc đó mới nói rằng ngài đã ngừng từ lâu rồi, và Angulimala mới nên ngừng bây giờ. Angulimala hỏi thêm, và được Đức Phật thuyết pháp. Nghe pháp xong, Angulimala sám hối, xin xuất gia, và được nhận vào tu viện Jetavana.
Thời gian sau, Angulimala gặp một thai phụ đang đau đớn vì sản nạn, khó sanh. Nhà sư Angulimala xúc động sâu thẳm cho kiếp người, nên tới Đức Phật hỏi xem có cách gì làm cô kia đỡ đau. Đức Phật bảo Angulimala tới gặp thai phụ kia và nói:
Chị ơi, từ khi tôi được sinh ra, tôi nhớ rằng tôi không từng cố ý làm hại một sinh vật nào. Với sự thật [tôi nói đây] xin nguyện rằng chị bình an, và xin nguyện em bé chào đời bình an.”
Angulimala nói rằng như thế không chính xác, và Đức Phật sửa câu văn lại:
Chị ơi, từ khi tôi được sinh vào dòng Thánh, tôi nhớ rằng tôi không từng cố ý làm hại một sinh vật nào. Với sự thật [tôi nói đây] xin nguyện rằng chị bình an, và xin nguyện em bé chào đời bình an.”
Sinh vào dòng Thánh có nghĩa là xuất gia. Từ khi thành một nhà sư, Angulimala không cố ý làm hại sinh vật nào. Sau khi Anguliamla Tuyên Thuyết Sự Thật như thế, thai phụ sinh con an lành.
Như thế, oai lực nơi đây là vì ngài Angulimala giữ Giới Bất Hại và Giới Nói Thật. Như thế, giới có sức mạnh thần kỳ như thế. Dù vậy, chúng ta không chắc đã có cơ may gặp bậc Thánh tăng trong thời này. Nhưng hàng cư sĩ chúng ta biết chắc rằng, tự mình giữ giới – nếu không giữ trọn 5 giới, thì riêng giới bất hại và giới nói thực cũng sẽ có oai lực.
Trường hợp khác, Đức Phật dạy rằng tu pháp Niệm Xứ cũng sẽ được hộ trì. Kinh Tương Ưng Niệm Xứ SN 47.21 (Sadaka Sutta), trích bản dịch của HT Thích Minh Châu: 
Thế Tôn nói: Này các Tỷ-kheo, như đệ tử Medakathàlikà đã nói với thầy của ông ấy: “Tôi sẽ hộ trì cho mình”, tức là niệm xứ cần phải thực hành. Này các Tỷ-kheo, “Chúng ta sẽ hộ trì người khác”, tức là niệm xứ cần phải thực hành. Trong khi hộ trì cho mình, này các Tỷ-kheo, là hộ trì người khác. Trong khi hộ trì người khác, là hộ trì cho mình.
Và này các Tỷ-kheo, thế nào trong khi hộ trì cho mình, là hộ trì người khác? Chính do sự thực hành (àsevanàya), do sự tu tập (bhàvanàya), do sự làm cho sung mãn. Như vậy, này các Tỷ-kheo, trong khi hộ trì cho mình, là hộ trì người khác.
Và này các Tỷ-kheo, thế nào trong khi hộ trì người khác, là hộ trì cho mình? Chính do sự kham nhẫn, do sự vô hại, do lòng từ, do lòng ai mẫn. Như vậy, này các Tỷ-kheo, trong khi hộ trì người khác, là hộ trì cho mình.
Này các Tỷ-kheo, “Tôi sẽ hộ trì cho mình”, tức là niệm xứ cần phải thực hành. Này các Tỷ-kheo, “Tôi sẽ hộ trì người khác”, tức là niệm xứ cần phải thực hành. Trong khi hộ trì cho mình, này các Tỷ-kheo, là hộ trì người khác. Trong khi hộ trì người khác, là hộ trì cho mình.” (2)
Có nghĩa là, tu Niệm Xứ cũng là giữ tâm kham nhẫn, bất hại, từ và bi. Kinh này không nói rõ là tu Niệm Xứ nào. Có lẽ pháp thích nghi với đa số sẽ là Niệm Hơi Thở, tức là một phần Niệm Thân. Bạn cũng có thể kết hợp pháp Niệm Hơi Thở vào pháp Niệm Pháp Ấn Vô Thường như sau.
Hãy thở rất mực dịu dàng. Khi tỉnh thức niệm hơi thở, bạn cũng đang niệm tâm của bạn. Sau đó, bạn sẽ thấy tâm bạn trở thành một với hơi thở. Khi tỉnh thức niệm thân, bạn cũng đang niệm tâm bạn. Rồi bạn sẽ thấy thân và tâm là một. Nhìn vào tâm bạn, bạn thấy các niệm đến rồi đi, hệt như sóng lên rồi xuống. Hơi thở bạn sẽ dịu dàng, vi tế hơn, và gần như biến mất; rồi bạn sẽ thấy thân và tâm hợp nhất và bình lặng. Khi bạn thở, hãy nhớ rằng không có ai đang thở. Hãy tự xem hơi thở phập phồng trong một nhúm thịt, xương, da, máu, chân, cánh tay, bàn tay, đầu và tóc – túi da này đang dịu dàng thở vào và ra. Thở trong cách này, bạn sẽ dễ dàng nhìn thấy ngay trong hơi thở các đặc tướng vô ngã, vô thường, bất như ý và rỗng không vô tự tánh.
Kinh nói rằng khi bạn thấy toàn thân ngập tràn an định trong hạnh phúc, toàn thân làn da như xoa bột tắm, lúc đó bạn đang vào sơ thiền; thêm nữa, trong kinh SN 36.11, Đức Phật nói rằng khi chứng được Thiền thứ nhứt, lời nói được đoạn diệt, tịnh chỉ. Khi bạn thấy tâm không còn niệm nào, và toàn thân tâm an định ngập tràn trong tịch lặng hạnh phúc, là bạn đang vào nhị thiền; cũng trong kinh SN 36.11, Đức Phật nói rằng khi chứng được Thiền thứ nhì, tầm (đặt tâm vào) và tứ (dán tâm vào) được đoạn diệt, tịnh chỉ. Làm cách nào các niệm biến mất? Đừng ngăn chận niệm; niệm sẽ tự biến mất khi bạn quan sát và thấy bản tánh rỗng không của nó. Nhiều kinh (như, Trung Bộ Kinh MN 52, và MN 64) nói rằng từ sơ thiền hay từ nhị thiền, bạn có thể quan sát và cảm nhận ngọn gió vô thường đang trôi chảy xuyên khắp thân tâm bạn liên tục. Trong trạng thái này, bạn sẽ buông bỏ mọi thứ; tất cả lậu hoặc phiền não sẽ từ từ nhạt đi và biến mất. Đó là từ niệm hơi thở chuyển sang Niệm Pháp Ấn, hay Niệm Thực Tướng.
Nên ghi nhận rằng trong Kinh AN 9.20 (Kinh Velàma), Đức Phật dạy rằng tối thắng, cao nhất, không gì vượt qua chính là niệm vô thường, thứ nhì là niệm từ bi. Ngay cả có ai dâng cúng bố thí  tới Đức Phật và tất cả tăng chúng khắp thế giới cũng không so bằng. Do vậy, niệm Pháp Ấn Vô Thường là tối thắng. Kinh AN 9.20 bản dịch HT Thích Minh Châu, trích như sau:
“…có ai bố thí Như Lai, bậc A-la-hán, Chánh Ðẳng Giác... và có ai bố thí chúng Tỷ-kheo với đức Phật là vị cầm đầu, và có ai cho xây dựng một tinh xá cho chúng Tăng trong bốn phương... và có ai với tâm tịnh tín qui y Phật, Pháp và chúng Tăng... và có ai tâm tịnh tín chấp nhận học pháp, từ bỏ sát sanh... từ bỏ đắm say rượu men, rượu nấu... và có ai dầu chỉ trong một khoảnh khắc vắt sữa bò, tu tập từ tâm… và có ai dầu chỉ trong một khoảnh khắc búng ngón tay, tu tập tưởng vô thường, bố thí này quả lớn hơn bố thí kia.” (3)
Trong các quốc gia theo Phật Giáo Nam Tông, có một số Kinh trong nhóm Tiểu Bộ thường được tụng để làm Hộ Kinh (kinh bảo vệ cho người tụng). Trong nhóm kinh này, phổ biến nhất là Kinh Điềm Lành (Mangala Sutta) và Kinh Lòng Từ (Mettà Sutta). Nhóm kinh này, trong bản dịch của HT Minh Châu, có thể đọc ở link (4).
Trong nhóm kinh này, có lẽ không thích nghi với hàng cư sĩ là Kinh Châu Báu (Ratana Sutta), vì kinh này là thuyết linh, nói với các chúng sinh vô hình, hàng phi nhơn. Và cư sĩ thường không đủ phước đức để nói với các vị phi nhơn. Tương tự, Kinh Ngoài Bức Tường (Tirokudda Sutta), chỉ thích nghi với tu sĩ, là để cúng cho ngạ quỹ.
Kinh Châu Báu có đoạn đầu là (viết theo văn xuôi): “1. Phàm ở tại đời này, Có sanh linh tụ hội, Hoặc trên cõi đất này, Hoặc chính giữa hư không, Mong rằng mọi sanh linh, Được đẹp ý vui lòng, Vậy, hãy nên cẩn thận, Lắng nghe lời dạy này.”
Kinh Ngoài Bức Tường (Tirokudda Sutta) có đoạn đầu là: “1. Ở bên ngoài bức tường, Bọn họ đứng chờ đợi, Giao lộ, ngã ba đường, Trở về mái nhà xưa, Đợi chờ bên cạnh cổng.”
Phổ biến nhất trong các giới Phật tử Hoa Kỳ là Kinh Metta Sutta, thường dịch là Kinh Từ Bi. Duyên khởi của Kinh Từ Bi là khi Đức Phật ngụ ở thành Savatthi, một nhóm 500 nhà sư nhận đề tài tu thiền, vào một cánh rừng nhập khóa hạ. Các vị thầy cây trong rừng không vui, mới quậy phá để các sư đi nơi khác. Các sư phiền não, trình với Đức Phật, và được dạy trì tụng Kinh Từ Bi để gửi tâm từ tới các thần cây, và khu rừng trở nên an ổn. Sau ba tháng an cư này, 500 thầy tỳ kheo đắc quả. Kinh này từ đó về sau, được dùng làm Hộ Kinh.
Sau đây là bản văn Thầy Nhất Hạnh dịch Kinh Từ Bi (Metta Sutta):
Những ai muốn đạt tới an lạc thường nên học hạnh thẳng thắn, khiêm cung, biết xử dụng ngôn ngữ từ ái. Những kẻ ấy biết sống đơn giản mà hạnh phúc, nếp sống từ hòa, điềm đạm, ít ham muốn, không đua đòi theo đám đông. Những kẻ ấy sẽ không làm bất cứ một điều gì mà các bậc thức giả có thể chê cười.
Và đây là điều họ luôn luôn tâm niệm:
Nguyện cho mọi người và mọi loài đươc sống trong an toàn và hạnh phúc, tâm tư hiền hậu và thảnh thơi.
Nguyện cho tất cả các loài sinh vật trên trái đất đều được sống an lành, những loài yếu, những loài mạnh, những loài cao, những loài thấp, những loài lớn, những loài nhỏ, những loài ta có thể nhìn thấy, những loài ta không thể nhìn thấy, những loài ở gần, những loài ở xa, những loài đã sinh và những loài sắp sinh.
Nguyện cho đừng loài nào sát hại loài nào, đừng ai coi nhẹ tính mạng của ai, đừng ai vì giận hờn hoặc ác tâm mà mong cho ai bị đau khổ và khốn đốn.
Như một bà mẹ đang đem thân mạng mình che chở cho đứa con duy nhất, chúng ta hãy đem lòng từ bi mà đối xử với tất cả mọi loài.
Ta hãy đem lòng từ bi không giới hạn của ta mà bao trùm cả thế gian và muôn loài, từ trên xuống dưới, từ trái sang phải, lòng từ bi không bị bất cứ gì làm ngăn cách, tâm ta không còn vương vấn một chút hờn oán hoặc căm thù. Bất cứ lúc nào, khi đi, khi đứng, khi ngồi, khi nằm, miễn là còn thức, ta nguyện duy trì trong ta chánh niệm từ bi. Nếp sống từ bi là nếp sống cao đẹp nhất.
Không lạc vào tà kiến, loại dần ham muốn, sống nếp sống lành mạnh và đạt thành trí giác, hành giả sẽ chắc chắn vượt thoát khỏi tử sinh.” (5)
Tóm lại, trong thời dịch bệnh đang có cơ nguy sẽ lây tới 2/3 nhân loại, người Phật tử nên khẩn cấp khuyến tấn cả gia đình Quy y, Thọ giới, Nghe kinh, Làm việc thiện, Tu niệm xứ, Tu hạnh Từ Bi, Niệm Pháp ấn Vô Thường. Chúng ta không thể biết rằng nghiệp lực sẽ dẫn chúng ta, gia đình và dân tộc tới đâu, nhưng nên thấy rằng nếu dịch bệnh này làm kiệt sức toàn dân là có thể gặp cơ nguy mất nước, và cả cơ nguy Đạo Phật bị xóa sổ tại quê nhà. 
GHI CHÚ:
.





Thursday, February 13, 2020

“Phổ Hương Tình Thầy”, tuyển tập các bài viết của Thầy Từ Lực dành cho GĐPT


Thị Nghĩa Trần Trung Đạo: Giới thiệu “Phổ Hương Tình Thầy”, tuyển tập các bài viết của Thầy Từ Lực dành cho GĐPT


PHỔ HƯƠNG TÌNH THẦY
Tủ Sách Phổ Hòa xuất bản, 2020
ISBN: 978-1-67813-835-6
Trong tham luận nhân dịp hội thảo “GĐPT Giữa Giáo Hội” do Ban Hướng Dẫn Miền Quảng Đức tổ chức cuối năm 2019, Huynh trưởng Huỳnh Ái Tông có nhắc đến một số cao tăng xuất thân là Huynh trưởng Gia Đình Phật Tử (GĐPT) như Cố Hòa Thượng Thích Tâm Thanh, Cố Thượng Tọa Thích Phổ Hòa, Thượng Tọa Thích Từ Lực v.v..
Nếu kể hết, danh sách chắc còn rất dài. Không chỉ bên chư tăng như cố Đại Lão Hòa Thượng Thích Minh Châu mà cả bên chư ni  như Ni Sư Thích Nữ Huệ Tâm tức chị trưởng Lệ Từ Nguyễn Thị Thu Nhi, sư cô Tịnh Ngọc tức trưởng Phạm Thị Hoài Chân và nhiều bậc tăng ni khác đã từng là huynh trưởng. Ngay cả Cố Đại Lão HT Thích Thiện Minh đã từng là cố vấn giáo hạnh sinh hoạt gần gũi với GĐPT từ khi ngài còn là một Đại Đức trẻ vào những năm 1950.
Dù đã xuất gia, chư tôn đức xuất thân từ GĐPT vẫn luôn gắn bó với GĐPT trong nhiều cách. Màu áo lam, chiếc mũ, cái còi, bài hát sinh hoạt v.v.. vẫn sống trong suy tư, thao thức của các ngài.
Nhưng trường hợp của Thượng Tọa Thích Từ Lực đặc biệt hơn cả.
Như Thầy kể lại: “Tôi gia nhập GĐPT lúc 14 tuổi với một Đơn Vị ở cách xa thành phố Huế 20 cây số. Không học hỏi được gì nhiều, chỉ biết khi đến Chùa là các Bác cho ăn xôi, chuối, và nhất là có Bạn để vui chơi. Vậy mà, những kỷ niệm thắm thiết, thân thương thời đó, vẫn còn trong lòng mình sau hơn 50 năm lặng lẽ trôi qua. Mới biết, chính nhờ tình Lam, sự đối xử với thương mến của quý Anh Chị Huynh Trưởng mà những chất liệu Yêu Thương, Tôn Trọng, Vui Vẻ đã nuôi dưỡng đời sống của mình, dù khi xa nhà, trưởng thành và sinh sống ở Hoa Kỳ.”
Thầy không chỉ suy tư thao thức với kỷ niệm trước ngày xuất gia mà còn mang một tâm nguyện được góp phần vào nỗ lực hiện đại hóa GĐPT trong thời đại tin học toàn cầu hóa ngày nay. Thầy sống với anh chị em. Thầy vui với anh chị em. Thầy buồn với anh chị em.
Hầu hết trong 28 bài viết của tuyển tập Phổ Hương Tình Thầy là những bài viết về tuổi trẻ Phật Giáo, GĐPT. Những bài viết hết sức chân thành, không sáo ngữ, không dạy bảo và ngay cả không khuyên răn ai. Đó chỉ là những lời tâm sự. Thầy viết như đang tâm sự với các đoàn sinh đang ngồi trước mặt và thầy viết như đang tâm sự với chính mình.
Thầy nhắc lại những Phật chất mà mỗi chúng ta được trao từ khi phát nguyện vào đoàn và thầy mong chúng ta cố gắng vượt qua mọi dị biệt bất đồng để  chuyển hóa các nội dung Phật chất sẵn có trong con người chúng ta mỗi ngày thêm tinh tấn ngang với tầm thời đại.
Thành thật mà nói. Chúng ta đứng sau quá xa với những gì đang diễn ra trên thế giới. Không ít sinh hoạt của GĐPT trong thiên niên kỷ thứ ba này mà vẫn không thoát ra khỏi những ước lệ, những khuôn khổ của gần một trăm năm trước. Vì thế chưa bao giờ hiện đại hóa GĐPT trở thành một nhu cầu bức thiết hơn hôm nay.
Chúng ta đối diện với nhiều thách thức. Vâng. Đó là một điều không thể phủ nhận. GĐPT đang đứng trước ít nhất hai thử thách, một bên trong nội bộ thiếu vắng tinh thần lục hòa và một bên ngoài vẫn còn đầy chướng ngại cản đường thăng tiến của chúng ta.
Hiện đại hóa là một tiến trình đưa các giá trị truyền thống của GĐPT hội nhập vào dòng sống của nhân loại một cách thích nghi. Hiện đại hóa GĐPT là phương pháp hữu hiệu nhất để cùng lúc vượt qua được cả hai thách thức.
Nhưng giá trị truyền thống của GĐPT là gì?
Thầy Từ Lực nhấn mạnh trong bài “Người Huynh Trưởng: Những Bước Chân Tiên Phong những Tấm Lòng Xây Dựng nhân dịp Trại Vạn Hạnh”, đó là “Bi Trí Dũng, vốn là nền tảng tinh thần vững chắc trong hành hoạt của chúng ta.”
Bi Trí Dũng là uyên nguyên, là đôi cánh để sống và bay lên cao chứ không phải là khẩu hiệu khô khan, rỗng tuếch để hô to và rơi vào quên lãng sau mỗi lần họp mặt.
Bi Trí Dũng cũng không phải là ba chất tố tồn tại độc lập, riêng rẽ mà là một hợp chất của tình thương, trí tuệ và vô úy của Đạo Phật. Chúng ta may mắn biết bao nhiêu so với nhiều triệu người khác không được trang bị tinh thần Bi Trí Dũng đó.
Thầy viết trong “Ai Là Tâm Minh của Thế Kỷ 21”: “Chúng ta sắp sữa bước vào thế kỷ 21 với những tiến bộ quá mau của kỹ thuật, khoa học, trong khi đó, giá trị của đạo đức tâm linh lại theo đà xuống dốc thảm hại.”
Thầy nhấn mạnh: “Thật là may mắn nếu ở trong một tập thể mà có được hình ảnh những Phật tử biết uyển chuyển để có thể chấp nhận những ý kiến bất đồng. Rồi cũng trong chiều hướng vị tha, phóng xả, cố đem hết sức mình dâng hiến cho tổ chức mà họ sẵn sàng ngồi lại để cùng làm việc với nhau thì đó là những viên ngọc vô giá. “
“Uyển chuyển” trong ý nghĩa thầy muốn nói là “tinh thần dung hóa” của Đạo Phật. Tinh thần đó chứa đựng trong kinh điển của đức Bổn Sư. Chính nhờ tinh thần dung hóa đó mà Đạo Phật đã vượt qua khỏi vùng Bắc Ấn Độ nghèo nàn, bị bức hại và đầy phân biệt để trở thành biểu tượng của tình thương và hy vọng cho toàn nhân loại ngày nay. Hạt giống Bồ Đề mọc lên ở Siberia băng giá hay Kenya khô cằn đều giữ được những phật chất giống nhau nhờ tinh thần dung hóa của Đạo Phật.
Thầy Từ Lực nói về “dung hóa”: “lấy tinh thần ‘dung hóa tất cả để làm lợi ích tất cả’ nghĩa là chấp nhận dị biệt để phục vụ cho sự tồn tại chung. Dung hóa, như thế không phải là sự nhượng bộ trá hình hay mưu tính dàn xếp mà là con đường đúng đắn để cộng tác trong bình đẳng và thành thực. Ta không thể tồn tại trong an lành nếu không nhìn nhận sự có mặt của kẻ khác. Do vậy, chúng ta không tin sự thống nhất về mọi mặt là mục tiêu tối thượng của tổ chức trong khi, trên thực tế và về bản chất, những cái dị biệt chỉ khiến cho một thực thể thêm phong phú và đa dạng.”
Suốt dòng lịch sử Việt Nam, như Thầy Từ Lực chứng minh, chư liệt tổ đã dùng tinh thần dung hóa để hóa giải mọi bất đồng, dung hợp một cách hài hòa mọi nguồn văn hóa đến Việt Nam. Đạo Phật không tồn tại bằng sự hủy diệt hay thống trị các tôn giáo khác, các tín ngưỡng khác mà bằng dung hợp. Trong khu vườn văn hóa Việt, các tôn giáo đã tồn tại với nhau, nương tựa vào nhau để làm đẹp khu vườn văn hóa Việt đầy sắc màu rực rỡ.
Trong lúc nhiều thế lực nhân danh tôn giáo đi qua để lại những bãi xương khô, những cánh đồng nhuộm máu, Phật Giáo đi qua để lại những cây xanh và trái ngọt nhờ tinh thần dung hóa.
Nhưng trước hết, dung hóa phải được thực hiện không phải đối với tha nhân mà đối với chính mình và anh chị em mình.
Thầy Từ Lực viết: “Tôi thiết tha nhắc lại hình ảnh của cụ Tâm Minh là để chúng ta, trước hết học hỏi ở một con người lý tưởng, ham phụng sự, sau nữa, chúng ta cần phải nỗ lực hơn nữa trong việc tìm kiếm một hướng đi thích hợp với tuổi trẻ. Chúng ta cần học hạnh khiêm nhường của cụ và học cách nhường nhịn lẫn nhau. Theo tôi, hơn lúc nào hết, bây giờ chúng ta cần có những con người biết hy sinh cho lợi ích chung và có thể dung hòa cho cả hai thế hệ vốn dĩ luôn luôn có sự xung đột, khác biệt. Họ đang ở đâu? làm gì? Nếu có thể đốt nến mà tìm ra được những con người đó thì bạn có chịu đi với tôi để cầu thỉnh, để gần gũi mà học hỏi những đức tính tốt của họ không?”
Chúng ta ra đi mang theo lời phát nguyện khi được khoác chiếc áo đoàn và được gắn huy hiệu Hoa Sen Trắng trên ngực áo. Nhưng chúng ta không đuổi kịp với những đổi thay của thế giới và do đó không tìm ra một hướng đi thích hợp. Lý tưởng với khá đông anh chị không còn là con đường đích thực mà đã trở thành những ước mơ phai dần theo màu tóc, theo làn da, theo tiếng nói lạc dần trong giấc ngủ đêm khuya.
Không. Hãy cố gắng hết sức dù chút hơi tàn vì tương lai của GĐPT. Đừng để cành sen trắng héo úa đi. Đừng để các giá trị cao đẹp quý giá của GĐPT trở thành những cố tật. Dòng sông không chảy không còn là dòng sông nữa mà chỉ còn là những ao tù nước đọng. Chảy đi và cùng chảy với nhau như nhân duyên hiếm quý trong cuộc đời này.
Cám ơn Thượng Tọa Thích Từ Lực và xin trang trọng giới thiệu tác phẩm Phổ Hương Tình Thầy.
Thị Nghĩa Trần Trung Đạo
Thị trấn Kanab, Utah, chiều 11 tháng 2, 2020


Wednesday, February 12, 2020

Tu học Phật Pháp [1]

Đạo Sinh: Tu học Phật Pháp [1]

Chữ Phạn “siddhārtha” (siddhattha; don grub; 悉達多) có nghĩa là “Người thành tựu mục đích của mình” (He who achieves his goal). Bồ-tát Siddhārtha, sau khi từ cõi trời Đâu-suất hạ sinh vào thế giới này, đã thành tựu mục đích tối hậu trên con đường tu tập của mình là “Vô Thượng Chánh Đẳng Giác” dưới cội cây bồ-đề. Đây cũng là thời điểm ngài nhập “Hữu dư y niết-bàn”, là loại niết-bàn trong đó mọi dấu vết của vô minh và phiền não đã được đoạn tận, nhưng vẫn còn lưu giữ sắc thân để giáo hóa chúng sinh. Từ đó, giác ngộ (bodhi) hay niết-bàn được xem như điểm đến cuối cùng của con đường tu học.
CỨU CÁNH TU HỌC: Niết-bàn là loại cảnh giới vô vi (unconditioned realm), tức không được lập thành bởi các điều kiện, hay nhân-duyên. Vì không có sự hội tụ của nhân-duyên nên niết-bàn không sinh; và vì không có sự tan rã của nhân-duyên nên niết-bàn không diệt. Nếu niết-bàn có diệt, thì khi nhân duyên tan rã, chư Phật sẽ phải trở lại luân hồi. Sự chuyển y từ cảnh giới sinh diệt của luân hồi sang cảnh giới bất sinh bất diệt của niết-bàn được đánh dấu bằng 3 cánh cửa mà bất kỳ người học nào muốn đạt được mục đích cuối cùng này đều phải đi qua:
(1) Không Môn: cánh cửa của tánh Không, mở ra một sự thật là niết-bàn trống vắng mọi thứ tương ưng với một ý thức về Ngã.
(2) Vô Tướng Môn: cánh cửa của sự trống rỗng bất kỳ dấu hiệu, hình thái nào; hiển bày một sự thật là niết-bàn chẳng có gì cho người học nương vào để nhận biết.
(3) Vô Nguyện Môn: cánh cửa của sự trống rỗng bất kỳ thệ nguyện nào, hàm nghĩa niết-bàn chỉ có thể được thể nhập khi người học không còn bất kỳ mong muốn hay đeo bám nào đối với niết-bàn.
Ý NGHĨA TU HỌC: Luận Câu-xá mô tả cấu trúc thân-tâm của Bồ-tát Siddhārtha sau khi giác ngộ và thể nhập niết-bàn như thế là “tịnh ngũ uẩn”, để phân biệt với “thủ ngũ uẩn” của người học. “Thủ” là tự thân phiền não, đồng thời cũng là nhân và quả của phiền não; vì thế “thủ ngũ uẩn” có nghĩa là “năm uẩn nhiễm ô, bất tịnh”. Trên bình diện chuyển y, tu học là tiến trình chuyển dịch từ “nhiễm ô” sang “thanh tịnh”. Đây chính là ý nghĩa của chữ Phạn “bhāvanā” được sử dụng trong nhóm từ “văn-tư-tu”. “Bhāvanā”—được dịch nghĩa trong Hán tạng là 修 (tu)—xuất phát từ động từ căn √bhū, có nghĩa là “trở thành” (to become). Như vậy, tu học trong Phật pháp là hành động trở thành: từ “nhiễm ô” trở thành “thanh tịnh”, từ “phiền não” trở thành “giải thoát”, từ “vô minh” trở thành “giác ngộ”, từ “phàm phu” trở thành “thánh giả”, v.v.
CHƯỚNG NGẠI TU HỌC: Trong quá trình trở thành này, để đạt được mục đích cuối cùng là giác ngộ, người học sẽ phải vượt qua hai chướng ngại chính là phiền não và sở tri. Phiền não chướng là các trạng thái tâm tiêu cực như tham, sân, si, phóng dật, hôn trầm, vô tàm, vô quý, v.v. Sở tri chướng là các kiến thức, nhận thức, quan niệm sai lầm về thực tại, như hữu thân kiến, biên kiến, thường kiến, đoạn kiến, v.v.; trong đó hai loại tà kiến dưới đây được xem như nguồn gốc phát sinh tất cả các chướng ngại nói trên, đồng thời là nguyên nhân của luân hồi sinh tử:
(1) Nhân ngã kiến (pudgalātmagraha, 人我執): là quan niệm cho rằng trong cấu trúc thân-tâm của mỗi người đều có một cái “ta” làm chủ tể, chịu trách nhiệm phát sinh và điều động tất cả các hoạt động của một con người. Theo quan niệm của Ấn giáo, cái “ta” này vốn thanh tịnh, thường hằng, bất biến, nhưng vì bị phiền não và vô minh trói buộc nên mới chịu đau khổ. Vì thế, tu học có nghĩa là nỗ lực làm thế nào cho cái “ta” này ngày càng được thanh tịnh, an lạc, giải thoát, v.v.
(2) Pháp ngã kiến (dharmātmagraha, 法 我執): là quan niệm cho rằng tất cả các hiện tượng con người có thể nhận biết đều có tự tánh riêng của nó, tức tự nó hiện hữu như chính nó, chứ không phải giả hợp, do nhân duyên tạo thành theo cái nhìn của Phật pháp.
Hai loại kiến chấp này nằm trong số các điều kiện hình thành vòng sinh tử luân hồi của người học. Từ sự tham luyến cái “ta” dẫn khởi sự tham đắm, đeo bám, chấp thủ “những gì thuộc về cái ta” (ngã sở). Vì đeo bám, chấp thủ như thế nên người học đã hiện hữu liên tục trong vòng quay của sống-chết từ đời này qua đời khác. ….

Tuesday, February 11, 2020

Thiền và Thi Ca Thi Kệ


Như Hùng: Thiền và Thi Ca Thi Kệ

Có người nói thi nhân là những thiên thần bị đọa xuống trần gian, nên phải làm thơ để mang yêu thương, ray rứt đến cho đời. Thi nhân là kẻ cố gắng khám phá ra những gì đang bị che dấu, khuất lấp trong thực tại, những gì yên ngủ bấy lâu được thi nhân khơi dậy, trang trải cho đời một khuôn mặt, một cách nhìn mới lạ. Thi sĩ đầy quyền năng sáng tạo, dệt nên thơ bằng đôi tay phù phép của mình, bằng cách vật lên, níu nó lại gần vừa tầm nhìn của đôi mắt, thổi vào đó một làn hơi, thêm vào đó một chút linh hồn, một sự sống, để nó vỗ cánh tung bay, mang đến cho đời những sắc hương, hay nhớ thương đến độ dư thừa.
Dòng sông không những là dòng sông với nước lững lờ trôi về muôn lối, với những chiều nhớ thương đưa tiễn mà còn là bến đò tiễn biệt cho kẻ ở người đi, cho vấn vương, sầu nhớ quyện lại đâu đây, cho nỗi buồn dai dẳng phủ kín không gian xa vắng. Đôi mắt của em không còn là đôi mắt “u uẩn chiều nhớ thương” mà còn là mặt nước hồ cho thuyền anh ghé bến.
“Mắt em là một dòng sông
Thuyền anh bơi lội trong vòng mắt em”
Nụ hôn đầu đời của tình yêu, không những nóng bỏng đê mê, để lại dấu ấn trong tâm hồn, mà còn là một thứ âm thanh vang vang vô tận trên bến bờ sinh tử.
“Lần đầu ta ghé môi hôn
Những con ve nhỏ hết hồn kêu vang”
Trần Dạ Từ
Không phải thi sĩ chỉ mang bấy nhiêu tâm sự đến cho ta, thỉnh thoảng còn mang những nỗi u hoài, giá buốt, khổ đau chồng chất lên nhau nữa.
“Sầu đong càng lắc càng đầy
Ba thu dọn lại một ngày dài ghê”
Nguyễn Du
Có phải đây là bộ mặt đích thực của cuộc đời, mà trong những lần rong ruổi cùng tử sinh, nó đã gắn trọn vào tận cùng tâm thức, bám theo ta trên mọi lối đi về? Thỉnh thoảng đâu đó trong ta một nỗi xót xa, một chút nhớ về, khi bóng hoàng hôn đổ xuống, khi nhớ thương dâng cao chồng chất, ta cứ mãi làm kẻ lang thang lê bước, cắm đầu theo mưa buồn nắng nhớ, chạy theo được mất hơn thua. Rồi những lúc thả hồn cho gió mây gặm nhấm, cho kẻ ở người đi, cho sầu mộng đong đầy, trên mọi nẻo đi về của biệt ly thương nhớ, cho tử sinh tìm về cố quận.
Nhiều lúc ta cảm thấy cuộc đời trở nên vô vị chán chường đau khổ, âu lo theo đó lớn dần và dâng cao khiến ta choáng ngợp, hụt hẫng trong sự phủ vây tứ bề cô quạnh. Cái có với cái không, cái còn với cái mất, cái danh với cái lợi, cái sinh với cái tử, như một bản hòa tấu quyện vào trong tận cùng tâm thức, khiến ta cứ thế mà nổi trôi mà hụt hẫng. Thỉnh thoảng trong ta có một năng lực nào đó muốn đẩy tung nó ra thì nó lại càng bám vào, cứ thế liên tục ta bị đục khoét, đào mòn không lời giải thích hay tiếc thương dù ta thừa biết đây chỉ là sản phẩm của tâm ý và suy tưởng. Ta chỉ có thể hất tung nó ra, khi nào trông thấy trọn vẹn được bản thể không thật của nó như một sự thế vào. Nhưng biết khi nào và bằng cách nào ta khám phá ra được? Không lẽ ta cứ mãi lê lết, rảo bước trong sự bất lực và mờ ảo của nhân sinh, trong sự thờ ơ câm nín và nỗi quạnh đau, phũ phàng của vô thường thổn thức?
Ta thử đọc hai bài thơ “Sơn Phòng Mạn Hứng”, của thiền sư Trúc Lâm Trần Nhân Tông, để thấy sự phi thường ở những con người vượt thoát.
“Ai trói buộc chi tìm giải thoát?
Khác phàm đâu phải kiếm thần tiên
Vượn nhàn, ngựa mỏi, ta già lão
Như trước, am mây chốn tọa thiền”.
“Phải trái rụng theo hoa buổi sớm
Lợi danh lạnh với trận mưa đêm
Hoa tàn, mưa tạnh, non im lắng
Xuân cỗi còn dư một tiếng chim”.
Đỗ Văn Hỷ, dịch Thơ Văn Lý Trần tập 2
(Thùy phọc cánh tương cầu giải thoát
Bất phàm, hà tất mịch thần tiên
Viên nhàn mã quyện nhân ưng lão
Y cựu vân trang nhất tháp thiền).
(Thi phi niệm trục triêu hoa lạc
Danh lợi tâm tùy dạ vũ hàn
Hoa tận vũ tình sơn tịch tịch
Nhất thanh đề điểu hựu xuân tàn).
Bước đi của con người vốn là bước đi trong cô tịch, hoang liêu trên bến bờ sinh tử; lộ trình nào có bước chân con người đi qua đều in dấu trên từng tâm khảm. Thơ được kể như dòng nước tươi mát trên lộ trình đó, và hành trình nào cũng đong đầy những ngang trái, bẽ bàng, cô liêu hay hoa thơm cỏ lạ, đều tùy vào sự khởi đầu hay chung cuộc cho từng bước đi. Đi trong hoàng hôn tái tê, đi trong bình minh ấm áp, hay đi trên lối về của muôn hoa, không còn nằm ở chỗ đi mà đi là gì, làm gì và tại sao? Một bài thơ tuyệt diệu, một tâm thức bùng vỡ đạt đến đỉnh cao, chắc hẳn không đi qua chặng đường suy luận của ý thức sai biệt, của có không, mà từ sự tỉnh thức trong mọi vận hành hoạt dụng, vượt lên trên cõi thông tục, cõi ấy là tâm giác ngộ.
“Giác ngộ thân tâm vốn lặng yên
Thần thông các tướng biến hiện tiền
Hữu vi vô vi từ đây có
Thế giới hà sa không thể lường
Tuy nhiên đầy khắp cõi hư không
Mỗi mỗi xem ra chẳng tướng hình
Muôn đời ngàn đời nào sánh được
Chốn chốn nơi nơi thường rạng ngời”.
Thiền Sư Cứu Chỉ
Thiền Sư Thích Thanh Từ dịch:
(Giác liễu thân tâm bản ngưng tịch
Thần thông biến hóa hiện chư tướng
Hữu vi vô vi tùng thử xuất
Hà sa thế giới bất khả lượng
Tuy nhiên biến mãn hư không giới
Nhất nhất quan lai một hình tượng
Thiên cổ vạn cổ nan tỷ huống
Giới giới xứ xứ thường lãng lãng).
Thiền sư, cũng từ những cánh cửa mầu nhiệm của thơ, nâng quan cảm của mình trở thành sự thể nhập, sự đồng cảm của tâm thức, sống và thở như chính nó, trong sự chiêm nghiệm mãnh liệt của tỉnh thức, để từ đó mở ra cái lẽ biến dịch vô thường của tạo hóa. Bằng lời cảnh tỉnh sáng soi thực ngộ, nhắn gởi đến con người đang sống trong thế giới mộng mị, thống khổ phủ vây. Bên cạnh sự biến đổi của vô thường khổ đau ấy, vẫn còn ý nghĩa đích thực của chân thường, của an lạc giác ngộ.
Không hất tung xô đẩy chuyển hóa cái này thì làm sao cái kia hiển lộ; không thong dong, tự tại, vượt lên buông bỏ, thoát ra, thì làm sao trông thấy bản thể như thật của muôn loài?
“Cõi trần vui đạo hãy tùy duyên
Đói cứ ăn no, mệt ngủ yên
Báu sẵn trong nhà, thôi khỏi kiếm
Vô tâm trước cảnh hỏi gì thiền”.
Thiền Sư Trúc Lâm Trần Nhân Tông
Huệ Chi dịch, Thơ Văn Lý Trần, tập 2 trang 510
(Cư trần lạc đạo thả tùy duyên
Cơ tắc xan hề khốn tắc miên
Gia trung hữu bảo hưu tầm mịch
Đối cảnh vô tâm mạc vấn Thiền).
Thơ, ý nghĩa của sự sống, vận dụng tất cả những hình tượng biến thành biểu tượng, đưa quan cảm tìm tới đích để liên tục gõ nhịp. Đây không thuộc phạm trù tỷ giảo giữa biểu tượng hoặc cảm xúc, bởi lẽ hai thế đó không bao giờ tách rời ra để tồn tại, nó quyện lại với nhau, như hoa với hương, như bóng với hình. Nó là cái đích mà thơ cần phải đạt đến, chứ không phải chặng đường tìm đến, vì khi tìm ta đã lạc lối hoang sơ, đi vào mê lộ, không khác gì khi ta quay lưng lại với đời sống để nhìn vào một lối duy nhất, trong khi cuộc đời vẫn tiếp tục vận hành ở những dạng thái và lối mòn khác nhau. Làm sao ta có thể đưa quan cảm thoát ra, để dệt thành lời thơ trong sự bay bổng tuyệt diệu của tâm thức? Có phải thơ là sự chắp nối của nghệ thuật hoang tưởng, và là sự biến dạng cùng quẫn nào đó của đời sống, hay những tư tưởng nổi loạn bí lối; và có phải đó là sự đè nén, trá hình về một thế giới hình dung tưởng? Có thể những điều này tạo nên sự có mặt của thơ, tuy nhiên trên tất cả thơ là vùng đất nằm thâm sâu trong tâm ý, khi nào đạt đến trạng thái tuyệt cùng thì nàng thơ mới chợt trổi dậy, làm cuộc lên đường đi đến bản thể vô cùng.
Thi ca vốn không có biên giới, không phạm trù ngôn ngữ, chỉ có quyền năng của thi nhân thoát ra bay bổng trên từng hiện hữu, biến tiểu ngã thành đại ngã, biến cái riêng của mình thành chung của vạn hữu, biến cảm xúc của mình thành chất liệu muôn thơ. Thơ thiền khởi đi trong sự thể nhập vô cùng nào đó của tâm cảnh, vượt ra ngoài thời không về nơi có không vô tận.
“Xoay mình một nén vượt ra lồng
Muôn sự đều không, nhập mắt không
Ba cõi thênh thang, lòng sáng rỡ
Trăng Tây vừa lặn, nhú vầng Đông”.
Tuệ Trung Thượng Sĩ
Đào Phương Bình dịch
(Phiên thân nhất trịch xuất phần lung
Vạn sự đô lô nhập nhãn không
Tam giới mang mang tâm liễu liễu
Nguyệt hoa Tây một nhật thăng Đông)
Thiền sư vượt lên tất cả, truy tìm ra căn nguyên cấu tạo của muôn vật, đưa tâm thức thoát ra ngoài tử sinh, phiền não, hạnh phúc khổ đau. Thong dong tự tại đi vào cuộc đời vô thường, biến hiện như đi vào cõi thơ mênh mông sâu thẳm. Thiền giúp ta mở tung từng hiện thể, khiến ta tỉnh thức, thoát ly ra ngoài thực trạng, buông bỏ tất cả để không bận lòng, bước vào vườn hoa Thiền với muôn ngàn vẻ đẹp, linh hiện, hòa nhập cùng đất trời, trong sự tuyệt diệu của muôn hoa.
“Thân như tường vách đã lung lay
Đau đáu người đời luống xót thay
Nếu đạt tâm không, không tướng sắc
Sắc không ẩn hiện mặc vần xoay”.
Viên Chiếu Thiền Sư
Thiền Sư Thích Thích Thanh Từ dịch
(Thân như tường bích dĩ đồi thì
Cử thế thông thông thục bất bi
Nhược đạt tâm không vô sắc tướng
Sắc không ẩn hiển nhậm suy di).
Năng lực của thiền còn giúp cho ta mở ra con mắt trí huệ, một khi có được con mắt này chiếu rọi, tất cả đều phải phơi bày, hiện nguyên hình bản thể như thật. Từ năng lực tàn phá của thời gian đến những hiển hiện phi thực ở trong tận cùng tâm ý. Từ những lôi kéo chạy theo mộng huyễn tử sinh, đến những thể nhập trong vô cùng, đều nhờ con mắt huệ này giúp ta bừng lên ánh sáng tuyệt luân, soi thẳng chọc thủng vào màng đen của vô minh, trong tức khắc của sát na nào đó và ta bùng lên giác ngộ. Công năng của thiền còn mang đến cho ta sự hạnh phúc an lạc, cho dù tác tạo ta vẫn thong dong trên mọi lối đi về của sinh tử, một cuộc sống không có khởi đầu hay kết thúc, bay bỗng ra ngoài suy tư luận bàn nhân thế, đâu đó chỉ có tự tại trong sự tái sinh và chuyển tiếp, trong sự linh hiện vượt thoát ra ngoài càn khôn.
“Đã có gì cũng có
Khi không gì cũng không
Khi có không nhào xuống
Mặt trời mọc đỏ hồng”.
Tông Diễn Thiền Sư .
Nguyễn Lang dịch, Việt Nam Phật Giáo Sử Luận 2, trang 174
(Ưng hữu vạn duyên hữu
Tùy vô nhất thiết vô
Hữu vô câu bất lập
Nhật cảnh bổn đương bô).
Thiền sư, khởi đi từ những âm hưởng mầu nhiệm nào đó của thi ca, thôi thúc gõ nhịp liên tục lên tâm thức nốt nhạc vô thường, sinh tử, khổ đau để đánh thức thực tại, thăng hoa tâm thức giác ngộ của mình. Sống và thở như chính nó, từ đó mở tung cái lẽ biến dịch vô thường của tạo hóa, con người, đau khổ, hạnh phúc, mê mờ, giác ngộ, thành sự thể nhập tự tại trong cõi mênh mang, có không, vô cùng.
“Pháp cũng như vô pháp
Không hữu cũng không không
Nếu đạt được lẽ ấy
Chúng sanh với Phật đồng
Trăng Lăng Già lặng chiếu
Thuyền vượt biển trống không
Không cũng không như có
Định tuệ chiếu vô cùng”.
Thiền Sư Huệ Sinh
Nguyễn Lang dịch, Việt Nam Phật Giáo Sử Luận 1, trang 126
(Pháp bản như vô pháp
Phi hữu diệc phi không
Nhược nhân tri thử pháp
Chúng sanh dữ Phật đồng
Tịch tịch Lăng Già nguyệt
Không không độ hải chu
Tri không không giác hữu
Tam muội nhiệm thông châu).

TÌM HIỂU THƠ THIỀN VIỆT NAM
Tác giả: Như Hùng
Cội Nguồn Tổ Việt và Lotus Media xuất bản, 2020.
Bìa: Quảng Pháp – Uyên Nguyên
Trình bày: Tâm Thường Định và Nhuận Pháp
Copyright © 2020 Như Hùng, Cội Nguồn và Lotus Media. All rights reserved.
Có những lúc ta phải thức khuya dậy sớm không ngủ nghỉ, bắt nhịp theo tâm thức của mình, thơ là điều khởi nên của những bắt nhịp đó. Từ âm thanh màu sắc, những nổi trôi biến dạng, đẹp xấu, thơ mộng, hay thương đau. Nó tựa như dòng nước len lỏi qua từng ngõ ngách, thấm sâu vào từng kẽ hở để trưởng dưỡng nuôi sống muôn loài. Tất cả quyện lại với nhau, đẩy xô, hài hòa với nhau và thơ chợt trỗi dậy cất nên lời ca trong sự thơ mộng cô liêu, hay những ngang trái đong đầy. Điều này hoàn toàn nằm sẵn trong tâm thức của thi nhân trước khi thơ được cất bước hình thành.
Bài thơ được kể như hay, mang nhiều ý nghĩa là bài thơ đứng trước hai đầu, hai nỗi của hạnh phúc hay thương đau, diễn tả trọn vẹn thực thể của hai vấn đề trên, không những chỉ có cảm giác, thức giác mà còn vận dụng đến tâm giác. Đẩy sự rung động không phải chỉ ở trong rung động, mà hóa thân bay bổng ra ngoài, để thi nhân còn cơ hội xúc tác ngắm nhìn nâng niu, trước khi lời thơ cất lên đi về nơi vô tận. Thi nhân là kẻ rung động trước sự rung động của con người, nhưng là kẻ đi sau của mỗi lời thơ gợi nhớ. Thơ không chỉ là những dòng chữ, những lời ca, những điệp khúc, những dệt nên, mà là một linh hồn ẩn chứa, gởi gắm, những yêu thương chan hòa cho con người và muôn vật.
Sự gặp gỡ giữa thiền sư và thi sĩ có chung điểm tương đồng, đó là khơi dậy sự ngủ say của muôn vật, bằng những rung động trăn trở của mình; và hình thành lời thơ là cơn vượt thoát, chấn động tâm não. Quá trình bắt nhịp tạo nên thơ, đều bước qua ngưỡng cửa màu sắc âm thanh, của thời không, của thiên nhiên, đối tượng, con người, của sinh tử và giác ngộ. Từ đó, đắm chìm trong tư duy, để bắt nhịp đi vào cõi thơ nơi vĩnh cửu, để hoa giác ngộ nở rộ trên lối đi về.
Ở đây thơ không những được hiểu như năng lực sáng tạo, mà còn như cảm quan bùng vỡ tuôn trào, đồng lúc với “gảy mỗ” – một thuật ngữ quan trọng trong thiền, một khi sự vật nở tung hiển lộ tròn đầy đồng nhất. Nó không còn nằm ở biên giới giữa cái này với cái kia, giữa đối tượng và con người mà trở thành hợp thể vô phân nguyên vị, không có chủ thể, khách thể, tâm cảnh, sắc không.
“Tuổi trẻ chưa tường lẽ sắc không
Xuân sang, hoa nở, rộn tơ lòng
Chúa xuân nay đã thành quen mặt
Nệm cỏ ngồi yên ngó rụng hồng”.
Thiền sư Trúc Lâm Trần Nhân Tông
Ngô Tất Tố dịch
(Niên thiếu hà tằng liễu sắc không
Nhất xuân tâm tại bách hoa trung
Như kim khám phá đông hoàng điện
Thiền bản bồ đoàn khán trụy hồng).
Ngoài những sai sử, tác động, dệt nên trên lối mòn của ý thức khi nhận định về thơ, khó có dịp ta tìm ra ý nghĩa chung cuộc đúng mức, bởi lẽ có mấy ai thật sự rung động bằng khối óc con tim, bằng sự vượt thoát trên từng hiện hữu, như thi nhân đã từng rung động và nếu có thì chắc gì hiểu trọn vẹn được ý thơ? Tuy vậy chỗ đứng của thi nhân vẫn tuỳ thuộc vào mức độ cảm xúc trong tâm hồn, sự thức tỉnh, giác ngộ trong tâm ý, đó cũng là thước đo khi thơ hiện hình. Ý có dồi dào thơ mới đến đích; tư duy có chín mùi, hồn thơ mới thật sự sống dậy.
Thơ là sự trãi bày dệt nên từ cảm xúc, ta không thể dùng ý thức năng động sai biệt để chuyên chở, như thế hồn thơ sẽ trở nên tức tưởi, đóng khung, nhốt kín theo chiều hướng sai sử, tạo dựng nào đó trong ta. Tuy vậy, ta chỉ là kẻ lần theo dấu vết cảm xúc của thi nhân để bắt nhịp thưởng ngoạn, khi nào chưa biến quan cảm của mình trở thành cảm quan của thi nhân, chưa thể nhập vào vô cùng, chưa vượt thoát ra ngoài biến động nổi trôi, ta vẫn là kẻ lang thang đứng ngoài cuộc chơi, đưa tiễn chính mình về nơi vô tận của có không.
“Muôn pháp về không, không thể nương
Chơn như lặng lẽ hiện tỏ tường
Thấu tột nguồn tâm không chỗ chỉ
Nước tâm bóng nguyệt bặt nghĩ lường”.
Tịnh Giới Thiền Sư
Thiền Sư Thích Thích Thanh Từ dịch
(Vạn pháp qui không vô khả y
Quy tịch chơn như mục tiền ky
Đạt ngộ tâm viên vô sở chỉ
Thủy tâm thủy nguyệt dẫn tâm nghi).
Thi ca ẩn tàng và có mặt trong tất cả mọi sinh thể, dù lặng yên như gỗ đá, hay phơi bày vẻ đẹp trước muôn hoa, nó ở đó chôn mình trong hố thẳm hoang sơ, hay lặng lẽ bồng bềnh theo mây trời lãng đãng. Tất cả được nhà thơ vực dậy, trao cho nó một sức sống, thế là nó bùng lên vỗ cánh tung bay mang hương sắc đến cho đời. Điều khó là làm sao cho nó thức dậy mà không gây thương tổn nào trong tâm thức, và nó trở mình như thế nào trong ý nghĩa cùng tuyệt?
Đây là chặng đường gần giống với thiền, nhằm đánh thức cái tâm giác ngộ tàng chứa trong mỗi chúng ta, nhưng không gây nên sự xung đột, chiến tranh, khủng hoảng tâm lý. Dĩ nhiên cung cách khơi dậy tùy thuộc vào những thôi thúc, những cưu mang, ẩn chứa, thăng hoa của thi sĩ mà thơ mang những âm hưởng khác nhau. Chặng đường của có có, không không, phiền não và niết bàn, khổ đau và hạnh phúc, tất cả rồi sẽ như “bóng nguyệt lòng sông”.
“Có thì có tự mảy may
Không thì vũ trụ này cũng không
Có không: bóng nguyệt lòng sông
Cả hai tuy vậy chẳng không chút nào”.
Thiền Sư Từ Đạo Hạnh
Nguyễn Lang dịch, Việt Nam Phật Giáo Sử Luận 1, trang 127
(Tác hữu trần sa hữu
Vi không nhất thiết không
Hữu không như thủy nguyệt
Vật trước hữu không không).
Con người sinh ra lớn lên, không phải chỉ có đối diện với khổ đau, hạnh phúc, không phải chỉ có đấu tranh sinh tồn, không phải mải mê làm cuộc cách mạng đập phá. Trên tất cả sự có mặt của con người là làm tăng thêm vẻ đẹp thơ mộng thiên nhiên đất trời, cỏ cây hoa lá đã hào phóng ban tặng. Thi ca ghi dấu chặng đường tâm ý, trên hành trình vạn nẻo dong ruổi của tử sinh, trong một giây phút bất chợt cảm tác cao độ nào đó, thi nhân đã bắt nhịp, trao gởi lời thơ đến cho đời.
Dĩ nhiên không phải sự bắt gặp nào cũng thơ mộng, và chặng đường nào cũng đầy hoa thơm cỏ lạ ngập lối đi, và càng không phải tâm tư nào cũng đong đầy yêu thương, hạnh phúc. Nhưng có vẻ đẹp nào không tàn phai theo năm tháng, hình hài nào không in đậm nét thương đau, tâm tư nào không chất đầy trĩu nặng?
Khi nào tâm thức chưa chuyển hóa, khi nào biên kiến tư tưởng chưa phá vỡ, khi nào khổ đau còn phủ ngập trên lối đi về thì tất cả đều trở nên vô nghĩa, như chính sự vô nghĩa nào đó mà đêm ngày ta đang đối diện thở than.
“Một thân nhàn nhã dứt muôn duyên
Hơn bốn mươi năm những hão huyền
Nhắn bảo các người đừng gạn hỏi
Bên kia trăng gió rộng vô biên”.
Thiền Sư Pháp Loa
Nguyễn Đức Vân dịch
(Vạn duyên tuyệt đoạn nhất thân nhàn
Tứ thập dư niên mộng ảo gian
Trân trọng chư nhân hưu tá vấn
Ná biên phong nguyệt cánh hoàn khoan).
Dù bên cạnh những khổ đau ngang trái chồng chất ấy, thỉnh thoảng trong ta vẫn cảm nhận ra được muôn ngàn vẻ đẹp đang ngự trị, phảng phất đâu đây. Nếu có cơ may trông thấy vẻ đẹp ấy một lần, và từ lần ấy ta quyết nắm bắt duy trì đừng để nó vụt mất, hoặc tạo cơ hội cho những biến động khác chen vào tước đoạt khiến ta phải hối tiếc. Đó cũng là cách ta tiếp cận phần nào sự tỉnh thức an lạc, nếu từ giây phút ấy kéo nó lại gần vỗ về, ôm ấp chiêm nghiệm, hòa cùng với đất trời cây cỏ, phổ nên bản nhạc trần gian. Như có lần thiền sư Không Lộ (?- 1119) cất lên tiếng ca trong tứ bề cô quạnh, làm lạnh cả đất trời, tái tê cõi nhân gian sâu thẳm.
“Kiểu đất long xà chọn được nơi
Tình quê lai láng chẳng hề vơi
Có khi xông thẳng lên đầu núi
Một tiếng kêu vang lạnh cả trời”.
Thiền Sư Không Lộ
Kiều Thu Hoạch dịch
(Tuyển đắc long xà địa khả cư
Dã tình chung nhật lạc vô dư
Hữu thì trực thướng cô phong đỉnh
Trường khiếu nhất thanh hàn thái hư).
Tiếng kêu vang dội khủng khiếp ấy khiến mọi cơ năng, mọi suy tư trong ta ngưng đọng giật mình bừng tỉnh, đâu đó chỉ có núi non trùng điệp chồng chất lên nhau. Đâu đó chỉ có mây trời thong dong lơ lửng trên từng đỉnh đồi sương khói; đâu đó chỉ có âm vang vô tận của sinh tử và niết bàn. Đỉnh cao mà thiền sư Không Lộ bước lên trên muôn vạn núi đồi ấy, có phải đó là đỉnh cao của ý thức, của tâm cảnh đang cưu mang, chất đầy những phiền não trong ta?
Có những lúc muôn ngàn âm thanh quái đản cất lên vẫn chưa làm cho kẻ đối diện run sợ, nhưng có lúc chỉ một tiếng kêu và tiếng ấy xoáy thẳng đánh vào trong tận cùng tâm điểm, khiến ta hoang mang bí lối trước những nổi trôi sinh tử trong cuộc đời, nó làm khô cạn dòng ý thức sinh diệt đang cháy bỏng ở trong ta. Một khi tiếng kêu này cất lên, đẩy lùi sự sai biệt của ý thức, của phiền não tham sân si, tống khứ, xoáy thẳng vào trong tận cùng tâm thức, phá vỡ mộng huyễn tử sinh. Chỉ còn lại âm vang điệp khúc dồn dập, đánh phá liên tục để giác ngộ có cơ may thức dậy.
Bước chân đi về đâu, lên thác xuống ghềnh khi khổ đau, phiền não vẫn còn đè nặng? Làm sao bước đi ấy không còn dọ dẫm, lo sợ bị tước đoạt, đánh mất, và làm sao cất lên là phóng đến đích? Vẫn còn là bí mật phong kín muôn lối, như sự câm nín nào đó ở trong ta.
Bài thơ của Thủy Nguyệt thiền sư dưới đây, như dòng nước thanh lương tưới mát tâm hồn khi đắng cay đang gặm nhấm.
“Núi sông dệt gấm vẽ tranh
Từ nơi suối ngọc chảy thành sữa thơm
Trên bờ oanh hót hoa vàng
Dưới sông cá lội từng đàn thẫn thơ
Ông chài ngủ dưới trăng mơ
Nong tằm phơi nắng hè trưa nực nồng”.
Thủy Nguyệt Thiền Sư
Nguyễn Lang dịch, Việt Nam Phật Giáo Sử Luận 2, trang 173
(Sơn chức cẩm thủy họa đồ
Ngọc tuyền dũng xuất bạch đà tô
Ngan thượng hoàng hoa oanh lộng ngữ
Ba trung bích thủy điệp quần hồ
Nguyệt bạch đường đường ngư phủ túy
Nhật hồng cảnh cảnh kiển ba phô).
Hình ảnh đẹp là hình ảnh ông chài ngủ dưới trăng mơ, ông quên đi tất cả mọi ưu phiền, quên luôn cả việc ông phải làm, ông ngủ một giấc dài không trăn trở, lấy âm vang sóng nước thành điệu nhạc du dương đưa hồn ông vào giấc ngủ bình yên không mộng mị; và trên kia vầng trăng soi sáng, như tấm chăn thời không sưởi ấm hình hài trong sự phủ vây của vô thường sóng nước.
Thiền sư là kẻ nắm bắt đo lường được vận tốc của tư tưởng, làm chủ được cảm xúc, để từ đó nâng lên bình diện cao mà thời gian không đụng đến được. Nhờ vén mở cái tâm thức giác ngộ, không nằm ở giai tầng phân biệt, đối đãi, nên tử sinh phiền não đành chào thua, thong dong tự tại, rong chơi trên mọi nẻo luân hồi.
“Xăm xăm cát bụi bước vào vòng
Vàng óng đầu mi, rướn rướn trông
Bụng ngựa rong chơi, này xóm Bắc
Thai lừa lạc bước, nọ nhà Đông
Trâu bùn chạy tuốt, roi vàng đuổi
Cọp đá lôi về, giây sắt giong
Rồi một ngày mai băng giá hết
Trăm hoa như cũ, gió xuân nồng”.
Tuệ Trung Thượng Sĩ
Huệ Chi dịch, Thơ Văn Lý Trần, tập 2 trang 248
(Thiều thiều khoát bộ nhập trần lai
Hoàng sắc my đầu đỉnh đỉnh khai
Bắc lý ưu du đầu mã phúc
Đông gia tán đản nhập lư thai
Kim tiên đả sấn nê ngưu tẩu
Thiết sách khiên trừu thạch hổ hồi
Tự đắc nhất triêu phong giải đống
Bách hoa nhưng cựu lệ xuân đài).
Thơ, không chỉ có nhịp đập của con tim, sự hoạt dụng của khối óc mà còn phủ vây nhiệm mầu của hơi thở, cảm thọ của sự sống. Cái khó của thi sĩ, làm sao đưa tri cảm kẻ thưởng ngoạn xúc tác được với sự vật, để bắt gặp cung nhịp, như thi nhân đã từng nhắn gởi. Khi nào nhận chân được giá trị tận cùng đích thực của sự sống, cũng là lúc buông bỏ hết mọi ưu phiền, quên đi tất cả sự lừa dối biến dạng của ý thức, trải lòng từ bi trên muôn vật, và truy tìm ra căn nguyên của khổ đau để tìm phương vượt thoát. Làm sao đạt được cái tâm bình thường không đắm nhiễm, không nằm ở nơi được mất hơn thua, cái tâm vô phiền, còn gọi là vô tâm?
“Khi mê thấy không sắc
Khi ngộ hết sắc không
Sắc không và mê ngộ
Xưa nay một lẽ đồng
Vọng hiện tam đồ hiện
Chân thông ngũ nhãn thông
Tâm niết bàn tĩnh lặng
Biển sinh tử ngàn trùng
Không sinh cũng không diệt
Không thỉ cũng không chung
Chỉ cần bỏ nhị kiện
Thực tại lộ hình dung”.
Tuệ Trung Thượng Sĩ
Nguyễn Lang dịch, Việt Nam Phật Giáo Sử Luận 1, trang 293
(Mê khứ sanh không sắc
Ngộ lai vô sắc không
Sắc không mê ngộ giả
Nhất ly cổ kim đồng
Vọng khởi tam đồ khởi
Chân thông ngũ nhãn thông
Niết bàn tâm tịch tịch
Sinh tử hải trùng trùng
Bất sanh hoàn bất diệt
Vô thỉ diệt vô chung
Đản năng vong nhị kiến
Pháp giới tận bao dung).
Thơ bước đi từ ý niệm, từ cảm xúc nhưng nếu cảm xúc đơn thuần không đưa tri giác ra ngoài vùng cấm thì thơ chỉ dừng ở một định ước nào đó, có thể nhờ ảo tưởng nâng cấp mãnh liệt, nên thơ vượt lên bình diện cao mà ta tạm gọi nghệ thuật về ảo tưởng. Điều quan trọng với thiền sư, thi sĩ, từ những gì mà ta cho là hoang tưởng không thật đó biến thành thật, từ mê mờ đưa đến tỉnh thức giác ngộ. Đây là bí quyết nhà thơ có được; những gì ta cho là hoang tưởng, có thể do mức độ tư duy của ta chưa đạt đến tận cùng, tri giác của ta chưa rời vùng cấm, ý thức của ta chưa ngưng tụ, và thường đóng khung trong lối mòn suy luận. Những gì tầm thường nhất cũng có thể cao siêu nhất và những gì cao siêu biết đâu lại tầm thường? Vấn đề ở chỗ, dù tầm thường hay cao siêu, là khi tâm thức của ta có thật sự giác ngộ được cái cao siêu hay tầm thường ấy? Quật tung khoảng cách này lên không phải một sớm một chiều và ai cũng có thể làm được. Chỉ có những thiền sư, những hành giả làm chủ được tâm ý mới đủ năng lực vô cùng đó.
“Nhạn bay ngang trời
Bóng chìm đầm lạnh
Nhạn không có ý để lại dấu tích
Nước không có ý lưu giữ bóng hình”.
Hương Hải Thiền Sư
Nguyễn Lang dịch, Việt Nam Phật Giáo Sử Luận 2, trang 140
(Nhạn quá trường không
Ảnh trầm hàn thuỷ
Nhạn vô di tích chi ý
Thủy vô lưu ảnh chi tâm).
Chiếc bóng chim bay qua sóng nước sẽ chìm khuất trong cõi mênh mông, vô cùng, chim chẳng cần lưu lại dấu, nước chẳng một lần thuỷ chung ôm giữ, tất cả chỉ là mối tương duyên tương hợp của đến đi không nắm bắt. Con người đi qua không biết bao nhiêu núi đồi thung lũng, không biết bao nhiêu cảnh đẹp muôn màu, tâm thức dong ruổi, từ nơi này đến nơi khác, trong từng sát na sinh diệt, nên mãi trôi nổi trong vòng luân hồi đau khổ. Thời gian vẫn là chứng nhân của từng hiển hiện ấy, dù con người khám phá ra vũ trụ, tìm tới đỉnh cao của thiên nhiên, nhưng vẫn bất lực trong việc chinh phục tư tưởng, làm chủ tâm ý và tham sân si, nên mãi cuốn hút vào vòng xoáy của sự biến động trôi lăn trong triền phược. Làm sao ta có thể nắm giữ, làm chủ được chính ta, và thoát ra ngoài vòng luẩn quẩn, để lối vào tâm thức thêm đẹp, và thơ mộng như ý nghĩa uyên nguyên, ban sơ, vô cùng nào đó?
“Ngày tháng xoay vần xuân lại thu
Xăm xăm tóc bạc đáp lên đầu
Giàu sang, nhìn lại một trường mộng
Năm tháng mang theo vạn hộc sầu
Nẻo khổ luân hồi xe chuyển bánh
Sông yêu chìm nổi tợ phù âu
Gặp trường chẳng chịu sờ lên mũi
Vô hạn duyên lành chỉ thế thôi”.
Tuệ Trung Thượng Sĩ
Thiền Sư Thích Thích Thanh Từ dịch
(Tứ tự tuần hoàn xuân phục thu
Xâm xâm dĩ lão thiếu niên đầu
Vinh hoa khẳng cố nhất trường mộng
Tuế nguyệt không hoài vạn hộc sầu
Khổ thú luân hồi như chuyển cốc
Ái hà xuất một đẳng phù âu
Phùng trường diệt bất mô lai tỷ
Vô hạn lương duyên chỉ ma hưu).
Những ngộ nhận, hay đóng khung thiền vào tháp ngà của tư duy, là mốt của thời thượng, là quái thai biến chứng nổi loạn của tư tưởng, là một cái gì đó mà ý thức không bắt kịp, và càng không thể dùng thiền như là một sự bày biện trang sức cho tư tưởng. Những ước đoán đó đều bị thiền khước từ đẩy bung vào hố thẳm tịch liêu. Chưa một ai và sẽ không một ai có đủ thẩm quyền để khoác lên thiền một định nghĩa. Bởi lẽ thiền vốn vô ngôn chỉ có diệu dụng, và sự khai mở trí tuệ, hành mà vô hành, một sự tĩnh lặng toàn triệt, bặt hết nổi trôi của ngôn từ, ý niệm. Thiền khơi mở cho ta ý nghĩa đích thực của tâm thức giác ngộ, chỉ cho ta sự thức tỉnh vẹn toàn, thôi thúc giúp ta gõ nhịp liên tục, để trông thấy bộ mặt như thật của sinh diệt. Từ đó mở ra khung trời tâm linh tươi sáng mà phiền não khổ đau đành chào thua bất lực.
“Hoa nở xuân mới đến
Lá rụng liền biết thu
Đầu cành sương đọng ngọc
Trên lá tuyết thành châu
Buổi sáng trời quang vẩy rồng hiện
Xế trưa mây tạnh có voi chầu
Vằn cọp ngoằn ngoèo một thứ
Phượng bầy thể tính như nhau
Pháp của Đạt Ma có gì lạ?
Lênh đênh mặt biển cánh hoa lau”.
Tông Diễn Thiền Sư
Nguyễn Lang dịch, Việt Nam Phật Giáo Sử Luận 2, trang 174-175
(Hoa khai xuân phương đáo
Diệp lạc tiện tri thu
Chi đầu sương oánh ngọc
Ngạc thượng tiết liên châu
Thanh thần vân tán sản long giáp
Bạch nhật hà quang lõa tượng khu
Báo văn tuy kiến nhất
Phụng chúng thể toàn câu
Đạt Ma tây lai truyền hà pháp?
Lô hoa thiệp hải thủy phù phù).
Con người sáng tạo ra thơ, nhưng đối tượng mới chính là thơ, là chất liệu khiến thi nhân bật dậy cảm xúc. Bởi lẽ sự hình thành bài thơ trước hết phải dùng đến cảm xúc, vay mượn đến ngữ ngôn, đến hình ảnh, thì thơ mới hiện hình. Nhưng với một thiền sư đúng nghĩa, một nhà thơ siêu nghệ thuật, khi nhìn muôn vật tức khắc họ trông thấy ngay cái bản thể linh hiện, tuyệt diệu nằm sẵn ở đó, mà không cần đi qua chặng đường sai sử của ý thức. Nhờ huân tập và nhận chân ra được ý nghĩa ban sơ của vô cùng, từ đó khơi mở, vén lên để nó được hiển lộ tròn đầy, đồng nhất, xuyên qua phương tiện của ngữ ngôn. Bởi lẽ cảm xúc và rung động vẫn bị giới hạn, ngôn ngữ bị vô thường chi phối, ý thức luôn sai sử tác động bởi vô minh, phiền não. Vì thế, ta dễ bị lẫn lộn và phần nhiều ghi lại những biến động hưng khởi của vòng tương duyên, tương hợp.
“Lìa tịch mới bàn câu tịch diệt
Được vô sanh, sau nói vô sanh
Làm trai có chí xông trời thẳm
Chớ dẫm Như Lai vết đã qua”.
Thiền Sư Quảng Nghiêm
Thiền Sư Thích Thanh Từ dịch
Nếu thơ là sự phục hoạt vận hành nào đó của sự vật, thì thiền khơi dậy sự bất biến trong ý nghĩa thường hằng của sự vật. Một bên cố gắng khơi dậy sự ngủ yên của muôn vật, đưa tâm trạng và cảm xúc của mình để hình thành, và dừng lại ở đó. Còn bên kia cũng biến cảm xúc của mình, nhưng mở tung thực thể ẩn chứa sâu thẳm bên trong, lôi kéo, phơi bày ra ngoài để nhìn ngắm, quán chiếu và tìm phương vượt thoát. Vì lẽ đối tượng của thơ thiền là tâm cảnh, tử sinh, giác ngộ, một sự giác ngộ trọn vẹn về thể tánh tàng chứa ở con người và muôn vật.
“Học đạo mênh mang ai có hay
Gạch đem mài gạch nhọc nhằn thay
Cửa người anh hãy thôi nương dựa
Một ánh xuân về hoa đó đây”.
Tuệ Trung Thượng Sĩ
Đỗ Văn Hỷ dịch, Thơ Văn Lý Trần tập 2, trang 233
(Học giả phân phân bất nại hà
Đồ tương linh đích khổ tương ma
Báo quân hưu ỷ tha môn hộ
Nhất điểm xuân quang xứ xứ hoa).
Thơ thiền không nằm ở lằn ranh định mức, không chịu sức ép của tư tưởng và càng không thể dùng tâm phân biệt để định hướng. Nó phá vỡ mọi cấu tạo của ý thức, đập tan những ngăn cách, giới hạn về tư tưởng; là sự bay bổng tâm thức ra ngoài, lật tung xoá nhoà chặng đường dấu vết. Bước đi tận cùng của thi ca là đạo ca, con đường đi đến bản thể như thật. Nhưng tất cả cuối cùng đều trở về uyên nguyên của khởi đầu và kết thúc, một sự lặng thinh bao trùm lên cõi có không vô tận.