Friday, July 10, 2020

TÚI XÁCH TỰ DO - KỶ VẬT THUYỀN NHÂN

Thay lời trích dẫn: A little bit of my family history. My father had donated our family's Red Cross bag received during our time as refugees in Bidong, Malaysia for a Vietnamese Boat People Monument - Adelaide, fundraiser last year. I just came across this article about my dad and our family. I grew up with this bag safely tucked away in my parents' closet and always knew of its importance, as my dad kept our Australian Citizenship papers in it.
Ba của TH tặng "Túi Xách Tự Do" này nhân dịp gây quỹ cho Tượng Đài Thuyền Nhân Việt Nam tại Adelaide, Nam Úc vào năm ngoái. Xin được chia sẻ bài viết. ~Thái Hiền

KỶ VẬT THUYỀN NHÂN 
ĐẤU GIÁ TRONG ĐÊM GÂY QUỸ 11/5/2019
– TÚI XÁCH TỰ DO 


Kính thưa quý vị,
Chúng tôi xin được nói về món đồ đấu giá tiếp theo được đặt cho cái tên là “Túi Xách Tự Do”.

Những ai chưa hề biết hoặc nghe đến trại tỵ nạn Pulau Bidong thì chúng tôi xin tóm tắt như sau: Pulau Bidong là một hòn đảo nhỏ, không người ở, của nước Mã Lai. Nơi này đã được dùng làm trại tỵ nạn cho người Việt Nam vượt biển tạm trú, trong khi chờ đợi sự duyệt xét chấp nhận đi định cư tại một nước thứ ba, do Cao Ủy Tỵ Nạn Liên Hiệp Quốc tài trợ trong suốt hai thập niên 1970 và 1980. Cũng như những trại tỵ nạn khác cùng thời trong khu vực Đông Nam Á, Pulau Bidong đã đón nhận hàng trăm ngàn người Việt vượt biển tìm Tự Do, may mắn sống sót đến được bờ biển Mã Lai sau một hành trình thập tử nhất sinh.

Bốn mươi năm trước, tháng 7 năm 1979, ông Phùng Phương Duy, Hội trưởng Giáo Hội Phật Giáo Hòa Hảo tại Nam Úc và một số thuyền nhân được danh sách rời đảo Pulau Bidong đi định cư, khi đó có 1 tàu bệnh viện Cap Anamur của nước Tây Đức cấp cứu thuyền nhân tỵ nạn trên biển đông, may mắn họ được tàu này tặng mỗi người một chiếc túi xách lưu niệm, được trao bởi Hội Trăng Lưởi Liềm Đỏ (Red Cresent) của chính phủ Malaysia. Trên túi xách có in hàng chữ “ Qùa Tặng của Hội Hồng Thập Tự nước Cộng Hòa Liên Bang Đức – Donated By German Red Cross Federal Republic “. Tàu Cap Anamur là con tàu Tình Thương - Nhân Ái, có xuất xứ từ Tây Đức (trước kia là nước Cộng Hoà Liên Bang Đức) do những bàn tay Nhân Ái, đã tình nguyện tự gom góp tài chánh giúp con tàu này, tuần hành trong vùng biển quanh Vịnh Thái Lan, để cứu vớt hằng trăm thuyền nhân Việt Nam, đang lênh đênh trên biển cả mênh mông lại bị nạn vì hải tặc, sóng gió bảo biển.

Bốn mươi năm đã trôi qua sau khi định cư tại thành phố Adelaide này, cái túi xách đó đã được ông Duy cất giữ cẩn trọng, vì nó không chỉ là một kỷ vật lưu niệm hiếm quý tồn tại, mà là một vật chứng cho những câu chuyện về thuyền nhân tỵ nạn gắn liền với nó....đó là những câu chuyện của Hãi Hùng – Hy Vọng – Nghị Lực – Tính Nhân Bản bao la trong kiếp người tỵ nạn. Những mẩu chuyện kiên cường của người Việt tỵ nạn vì sự sinh tồn, đã vươn lên sau những đau thương, mất mát, tuyệt vọng... những câu chuyện đó được lưu truyền qua những thế hệ tiếp nối người Úc gốc Việt, họ không ngừng xây dựng, đóng góp lợi ích cho xã hội Úc.

Hôm nay, chúng ta lại may mắn gặp nhau trong buổi tiệc gây quỹ cho việc xây dựng tượng đài, ông Duy đã quyết định trao tặng món kỷ vật này cho Ủy Ban Xây Dựng Tượng Đài Thuyền Nhân Việt Nam để đấu giá gây quỹ. Thay mặt Ban Điều Hành chúng tôi chân thành gởi lời cám ơn và ghi nhận sự đóng góp của ông Phùng Phương Duy.

Cái túi xách này có thể nhìn rất giản dị, chẳng phải đồ hiệu, chẳng có giá trị vật chất. Nhưng đối với những Thuyền Nhân Việt Nam, những nhà sưu tầm đồ lưu niệm hay viện bảo tàng, thì Túi Xách Tự Do này là một báu vật vô giá. Cái giá trị của nó nằm ở dấu tích lịch sử của thuyền nhân Việt Nam trong suốt hai thập niên 1970 và 1980, việc đấu giá còn mang ý nghĩa hỗ trợ tài chánh để hoàn tất dự án xây dựng Tượng Đài Thuyền Nhân Việt Nam tại Adelaide. chúng tôi hy vọng trong đêm gây quỹ 11 tháng 5 – 2019 sẽ có người hiểu được giá trị của nó mà cho giá xứng đáng.

AUCTION ITEM at the fundraising dinner on 11th May 2019
Dear friends,
At the upcoming fundraising dinner on 11th May 2019 for the Vietnamese Boat People Monument (VBPM) project, we have a rare 40 years old genuine Vietnamese refugee heritage handbag up for auction. As we all know all auction proceedings go towards finishing the Vietnamese Boat People Monument in Adelaide. It is a heritage memento artifact of Vietnamese refugees. It's simply timeless. In the spirit of completing the VBPM, we hope someone will find it valuable, appealing and take an active part in the auction process on the day. Thank you.
;-;-;-;-;-;-;-;-;-;-;-;-;-;-;-;-;-;-;-;-;-;-;-;-;-;-;-

AUCTION ITEM #: 40 Years Old Hand Bag – A Rare Memento Artifact from Pulau Bidong Refugee Camp


Pulau Bidong is one of a number refugee camps set up after 1975 by UNHCR to deal with the tragic exodus of Vietnamese people risking their lives to the seas in search of freedom, known as Boat People back then. Like other camps, Pulau Bidong has received hundreds of thousand survivors given an estimate of 50% survival rate.

Fourty years ago, July 1979 at Pulau Bidong, Mr Duy Phuong Phung, a respectable member of our community in Adelaide, has been allowed to settle in Australia. Like everyone departing Bidong for permanent settlement somewhere in the world on that day, he has received a hand bag as a departing gift from Cap Anamur, the name of a self-funded humanitarian ship from West Germany operating in the water near the Gulf of Thailand to rescue the Vietnamese Boat People. The bag bears the words The Republic of West Germany. Back then Germany was still a divided country between the East and the West.

Since settled in Australia, over the last forty years, Mr Phung has treasured his Cap Anamur bag as a historical artifact, one of a few memento artifacts remained. Symbolically the bag contains stories of Vietnamese Boat People: the journey for freedom, the journey of dreams, the stories of Despair, Frailty, Hope and endless Humanity unfolding; the resilience of the Vietnamese Boat People to live on, rise up after all what have lost. And forty years later, the stories are continued written by the successive generations Vietnamese Australian who are actively enriching this wonderful lucky country Australia. It’s been estimated around one million Vietnamese Boat People have settled around the world back then. That is about one million success stories written and it continues. Mr Phung’s story is one of those. His journey of dreams is associated with this hand bag.

Until now, Mr Phung has kindly donated this precious artifact to the VBPMA for the purpose of raising fund to complete the Vietnamese Boat People Monument in Adelaide. His donation is greatly appreciated. We, collectively the remained living Boat People and successive generations Vietnamese Australian, will complete the monument in order to pay our gratitude to the Australian people as well as we will always remember those who have lost their lives on their journey of dreams, their quest for freedom. In that spirit, we hope that this rare artifact could attract great worthy bidding. Thank you.

Thursday, July 9, 2020

Chánh Niệm Trong Mùa Dịch Covid 19

Chánh Niệm Trong Mùa Dịch Covid 19

THUC TAP THIEN CHANH NIEM
Kể từ đầu năm 2020, cơn đại dịch COVID-19 đã hoành hành tại nước Mỹ, gây ra những hậu quả chưa từng có. Mùa dịch này đã làm đảo lộn mọi thứ trong cuộc sống của người dân Mỹ. Tác hại của nó đến đời sống vật chất và tinh thần của người Mỹ không sao kể hết.


Nhiều nhà chuyên môn đã tìm cách giúp người dân Mỹ chuẩn bị đời sống tinh thần vững vàng để vượt qua mùa đại dịch. Tiến Sĩ Giáo Dục Bạch Xuân Khỏe là một trong số này. Thực ra, Tiến Sĩ Khỏe không xa lạ đối với cộng đồng giáo dục California. Là một giáo viên trung học tại Sacramento, trước đây anh đã từng có những buổi huấn luyện cho các giáo viên thuộc các học khu California về chủ đề ứng dụng thực tập Chánh Niệm (Mindfulness) tại các trường học, giúp học sinh tăng cường khả năng học tập, và có sức khỏe tâm lý vững vàng hơn.  Trong mùa dịch COVID-19, những buổi hướng dẫn của anh đã được thực hiện theo dạng trực tuyến trên mạng. Đại Học Stanford và The  California Teachers Association (CTA) đã phối hợp tổ chức hai buổi webinar: vào ngày 21 tháng 04 có chủ đề “Mindfulness and Self-Care for Educators in the Time of Pandemic”, và ngày 5 tháng 5 có chủ đề “The Science of Mindfulness and Self-Care”. Hai diễn giả là Tiến Sĩ Bạch Xuân Phẻ và Jason Dilg- Giám Đốc Điều Hành của tổ chức Be Mindful. Cả hai buổi hướng dẫn vẫn còn lưu trữ trên mạng, mọi người có thể vào xem lại để tham khảo:






Cũng như trong các buổi hướng dẫn trước đây, tiến sĩ Khỏe giới thiệu khái niệm về Chánh Niệm, tại sao Chánh Niệm có thể giúp đỡ giáo viên và học sinh vượt qua những khủng hoảng về mặt tinh thần trong cuộc sống. Định nghĩa đơn giản, thực tập Chánh Niệm là việc tập trung sự chú ý đơn thuần vào một đối tượng ngay trong giây phút hiện tại mà không có sự phán xét. Đối tượng tập trung đó được xem như là chiếc neo (anchor) để giữ cho con thuyền tâm ý ở tại ngay bây giờ và ngay ở đây,  không trôi nổi đi khắp nơi trong quá khứ và tương lai. Chiếc neo hữu hiệu để bắt đầu thực tập Chánh Niệm chính là hơi thở. Ai còn sống cũng đều thở. Hơi thở xảy ra ngay trong giây phút hiện tại, và là chiếc cầu nối tuyệt vời giữa thân và tâm. Đại dịch Covid đã đem đến muôn vàn căng thẳng trong đời sống: lo lắng tật bệnh, phải sống cách ly, công ăn việc làm bị đe dọa, tin tức trên truyền thông đa phần là tin kém tốt lành… Trong một môi trường như vậy, nếu không biết cách tự thoát ra khỏi những căng thẳng liên tục, thì tổn thương về sức khỏe tâm lý và vật lý là điều khó tránh khỏi. Thực tập Chánh Niệm, cùng hơi thở trở về với giây phút hiện tại là một cách hữu hiệu để làm giảm những tâm lý căng thẳng. Một vài hơi thở sâu và nhẹ với tâm bình an không lo lắng thực sự là một liều thuốc bổ. Nên bắt đầu thực tập chỉ trong một vài phút, với vài hơi thở, sau đó hãy tăng dần thời gian. Thực tập chánh niệm giống như việc đánh răng, cần thực hành hằng ngày dù không cần kéo dài. Nhiều nỗi lo âu về covid 19 chưa có câu giải đáp, và kéo dài đến chừng nào chưa biết. Thay vì để tâm lo lắng vô ích đến tương lai, ta có thể trở về an lạc trong giây phút hiện tại. Mọi chuyện rồi sẽ qua, mà ta chỉ có thể sống ngay bây giờ. Một hơi thở lành mạnh, một cơ thể chưa tật bệnh là điều ta đang có. Hãy hưởng trọn vẹn nó trong một vài giây phút bình an. Tiến sĩ Khỏe nhắc đến lòng biết ơn như là một liều thuốc bổ cho tâm lý. Đại dịch covid là một tai họa, nhưng nó cũng đem đến một vài điểm tích cực cho đời sống. Chưa bao giờ gia đình lại có nhiều thì giờ gần gũi nhau nhiều như vậy. Đây là lúc mà nhiều người Mỹ sống trở lại với những niềm vui đơn giản thường bị bỏ quên trong cuộc sống bận rộn như đi bộ, làm vườn, thăm hỏi bạn bè…


Để đưa ra một số  điều nên làm trong mùa dịch, Tiến sĩ Khỏe ví tâm thức của người như một tài khoản ngân hàng. Nó chứa những gì mà ta bỏ vào hằng ngày. Thay vì nạp vào tâm thức những điều tiêu cực, hãy dành thời giờ để nuôi dưỡng những suy nghĩ tích cực. Thay vì liên tục nghe và đọc những tin tức đầy lo âu, bất an, hãy dành thời giờ cho những điều làm cho mình lạc quan hơn. Nên giữ những thói quen cho một cuộc sống lành mạnh. Dành nhiều thì giờ để ngủ, để tập thể dục, để đi bộ. Nên dành thì giờ để cầu nguyện cho những nạn nhân của coronavirus. vì lòng thương người có khả năng đem lại bình an cho tâm người cầu nguyện.


Trong buổi hướng dẫn thứ hai, tiến sĩ Khỏe và Jason Dilg đã đi sâu hơn vào khoa học của hoạt động não bộ, để giải thích tình trạng căng thẳng (stress) kéo dài sẽ tác động đến sức khỏe tâm lý ra sao; và thực hành Chánh Niệm giúp hoạt động não bộ phát triển cân bằng như thế nào. Nói một cách vắn tắt, stress,  những cảm xúc tiêu cực làm giảm thiểu khả năng nhận thức, phán xét logic, khả năng thông cảm, yêu thương của chúng ta. Có 4 vùng não bộ liên quan nhiều đến cách hành xử của con người: thùy trán, đồi thị, hồi hài mã và hạch hạnh nhân. Khi có một hình ảnh xuất hiện trước mắt ta, vùng đồi thị (thông tin giác quan) sẽ gởi tín hiệu đến cho vùng hạch hạnh nhân (xử lý ký ức). Nếu đó một là hình ảnh tích cực - thí dụ như một chú chó con, thì hạch hạnh nhân truyền tín hiệu để cho vùng hồi hài mã (vùng lưu giữ trí nhớ, kiểm soát cảm xúc) và vùng thùy trán (vùng nhận thức, logic, ngôn ngữ, yêu thương) cùng hoạt động. Ta sẽ nhớ chú chó con dễ thương ra sao; ta bắt đầu có những hành động thân thiện, yêu thương dành cho chú chó. Nhưng nếu đó là một hình ảnh mang tính tiêu cực, đe dọa- thí dụ như một con rắn độc, lập tức hạch hạnh nhân sẽ đóng lại mọi hoạt động của vùng nhận thức và vùng ký ức. Vùng đồi thị lập tức ra lệnh cho cơ thể phản xạ để sinh tồn: bỏ chạy, giết chết con rắn… Phản xạ để sinh tồn diễn ra nhanh hơn nhiều lần so với hành động trước những cảm xúc tích cực. Đó là bản năng sinh tồn của mọi sinh vật, trong đó có con người. Nó không hoàn toàn xấu xa. Tuy nhiên, nếu phải liên tục tiếp xúc với cảm giác căng thẳng, phải hành động theo kiểu phản xạ bản năng trong một thời gian dài, não bộ sẽ mất dần trí nhớ, khả năng nhận thức, yêu thương, phán xét logic…Những tác hại của stress trong xã hội Mỹ là rất nhiều, kể cả dẫn đến việc tự sát vì không chịu nổi sự căng thẳng, tuyệt vọng.


Chánh Niệm là phương pháp trị liệu hữu hiệu cho tổn thương não bộ do stress gây ra. Thực tập chánh niệm làm tăng khả năng tập trung, nhận thức, trí nhớ, tăng khả năng suy nghĩ logic, phát triển lòng thương yêu. Chánh Niệm chuyển phản xạ (reaction) thành hành động có xuy xét. Khi bị kích thích, ta thường hành động theo phản xạ. Nay nếu giữa sự kích thích và hành động có một vài giây giữ chánh niệm, thì ta có khả năng đáp ứng (response) một cách có xuy xét hơn. Điều này có khi thay đổi cả một đời người. Đã có biết bao nhiêu người hối hận trong tù vì những hành động theo phản xạ không đáng có, thiếu suy xét trong quá khứ. Đã có bao nhiêu người hối hận vì quan hệ hôn nhân tan vỡ, chỉ vì những lời nói tuôn ra trong lúc nóng giận, không còn khả năng suy xét và kềm chế.


Tiến sĩ Khỏe đưa ra một thí dụ dễ hiểu về việc thực tập Chánh Niệm làm thay đổi một phản xạ theo cảm xúc kéo dài trong quá khứ của chính anh. Trước đây anh rất sợ chuột, hễ thấy chúng là hốt hoảng bỏ chạy. Trong một đêm cắm trại ngoài trời, anh thấy một con chuột. Thay vì bỏ chạy, lần này anh quyết định ngồi yên, trở về với hơi thở của mình, và lặng yên quan sát con chuột. Nó chỉ tìm thức ăn, rồi trở lại tổ của mình. Vậy thì chuột đâu có hại mình! Anh quyết định tiến gần đến nó hơn một chút. Nó vẫn như thế, đi ra tìm thức ăn rồi trở lại tổ. Mỗi lúc một gần con chuột hơn, nhưng nó vẫn làm việc của nó, còn anh tiếp tục theo dõi hơi thở của mình một cách bình an. Từ đó, anh không còn sợ chuột nữa.


Những buổi hướng dẫn Chánh Niệm trước đâu của Tiến Sĩ Khỏe thường được thực hiện cho một nhóm vài chục người, và phải ghi danh trước. Nay do mùa đại dịch, hai buổi hướng dẫn của anh được tổ chức trên mạng, và được phổ biến rộng rãi cho mọi người tham khảo. Được biết, các văn phòng thuộc Quốc Hội Hoa Kỳ cũng có những buổi hướng dẫn thực tập Chánh Niệm để giúp nhân viên vượt qua những căng thẳng trong mùa dịch. Thực tập Chánh Niệm đang giúp đỡ về mặt tâm lý cho nhiều người Mỹ ở khắp nơi vượt qua thời điểm khó khăn hiện tại. 


Tâm Nhuận Phúc

Nguồn: Việt Báo 

Wednesday, July 8, 2020

Tuệ Sỹ: Thanh Sắc Thi Ca

Tuệ Sỹ: Thanh Sắc Thi Ca

Trích Tuệ Sỹ Văn Thuyển, Tập 3: Văn Học. Hạnh Viên sưu tuyển
Hương Tích Phật Việt xuất bản, 2015

Cám ơn ông hàng xóm
Ngừng mở máy thu thanh
Võng đưa thềm mận chín
Nghe sẻ gọi bình minh.
(Mộng Ngân Sơn)
Niềm vui đơn sơ của nhà thơ ở vào con số 12 đường Bến Chợ là như vậy đó. Tiếng sẻ gọi nhau trong nắng mai thật quá hiếm giữa những âm thanh rộn ràng khác. Trước mặt nhà của nhà thơ Quách Tấn chúng ta, đây là ngôi chợ Đầm của thành phố Nha Trang với lối kiến trúc tân tiến. Nhưng trước kia, chỗ này là một đầm sen. Một cái đầm sen ở ngay giữa thành phố; chúng ta có thể hiểu được tâm sự lạc loài của một nhà thơ nặng tình ấp ủ thiên nhiên như Quách Tấn. Mặc dù vẫn mang những tính chất náo nhiệt của một phố thị kiểu mẫu của thế kỷ này. Nha Trang thỉnh thoảng vẫn trầm mình trong hương sắc diễm lệ của mùa thu. Cho nên nhà thơ của chúng ta vẫn là bóng dáng một lữ khách mùa thu của một thời đại quá khứ còn sót lại giữa những bước chân nhộn nhịp của chúng ta, của thanh niên trưởng thành trong thế kỷ hai mươi:
Áo giũ ngàn sương gió
Lên chùa thăm cố nhân
Non nghiêng thềm bóng xế
Lịu địu bóng nhàn vân.
(Lịu địu, Mộng Ngân Sơn)
Phong cách ấy quả thực có khác với chúng ta trong những thù tạc vãng lai. Chúng ta đến và đi trong âm thanh và tốc độ của cơ khí, ồn ào và vội vã. Do bản chất cơ khí, nghĩa là sự hiện hữu bằng những phản lực bị dồn ép và bị bùng vỡ, mà thời đại chúng ta mang nặng tính chất chiến đấu, bạo động: những nổi loạn trong triết lý, trong văn học; những phong trào quần chúng, những nổi loạn của sinh viên thế giới… Thế thì, thời đại ấy của nhà thơ ấy là thời đại ẩn mình trầm lặng, của một đám mây lơ lửng lồng trong bóng núi nghiêng nghiêng. Là thời đại của một Vương Duy tiễn bạn trong chén rượu Vị Thành, của một Giả Đảo lên núi tìm bạn, hay một Lữ Đường nơi chùa Phổ Lại, một Nguyễn Du trong dãy Hồng Lĩnh?
Đạo dịch nói: ” Thiên nhiên biến động trong bất động. Nếu lửa là biểu tượng cho sự tiến hóa không ngừng, thì núi là biểu tượng cho sự an định, tĩnh chỉ. Cuộc lữ không chỉ duy một mặt là cuộc hành trình vô tận. Nhưng đó là những bước đi trên con đường Đạo – Chân thường vĩnh cửu. Núi có thể được san bằng để cho phố thị mọc lên, biển có thể bị lấp cạn để trở thành xa lộ. Dù đến mức như vậy, mối tương quan bản thể giữa con người và thiên nhiên vẫn tràn đầy trong đồng nhất tính hồn nhiên. Miếng vỏ sò lạc loài trên núi vẫn mang trong bản chất tồn tại của nó một nỗi hoài hương tha thiết, nó mơ về những đợt sóng của trùng dương:
Vỏ sò khô ấp ủ
Niềm băng tuyết đêm sương
Muôn xa bờ bến cũ
Vang vọng sóng trùng dương.
(Ấp ủ, MNS)
Nhà thơ của chúng ta trong một thoáng rung động kỳ diệu nào đó đã đọc ra bản chất tồn tại sâu xa của tạo vật. Cũng chỉ với tâm hồn ấy mới có thể đọc ra những ẩn ngữ ấy trong lớp vỏ vô tri và vô nghĩa ấy.
Tất nhiên nhà thơ vẫn ở trong dòng thác cuộn ào ạc theo bước tiến lịch sử của con người, nhưng trong cuộc hành trình vô tận ấy nhà thơ có thể đạt được tận cùng về bản chất lữ thứ của mình, vì trong tận cùng tâm sự vẫn là một nỗi hoài hương bao la. Quê hương hiện thực của ông ở đâu? Ở trong đất Việt trời Nam này, trong bóng chùa ẩn giữa mây trắng; trong tiếng chuông khuya sớm, những tiếng sáo chiều. Đấy là những hình ảnh, những ” thanh” và ” sắc”, mà thiên nhiên vô hình thực hiện trong cụ thể hữu hình:
Chùa ẩn non mây trắng
Bóng in hàng liễu xanh
Mai chiều chuông đã tạnh
Vòng sóng còn long lanh.
(Tiếng ngân, Giọt Trăng)
Đấy và những gì tương tự như thế đấy, là hình ảnh thiên nhiên đầy tình tự, là khoảng trời xanh tinh khiết còn lại trong đôi mắt long lanh của một nhà thơ trong cảnh xế chiều của chính đời mình, và của cả một thời đại thi ca Việt Nam. Tiếng chuông chùa Hải Đức trên đồi Trại Thủy kia, sát bên thành phố ấy, sớm và chiều vẫn lạc loài, lan xa trong cô độc, trong sự sống của thành phố đang trôi đi dưới những tiếng nổ ròn rã và tốc độ vội vàng của đủ các loại động cơ. Những tiếng chuông lạc loài, một hồn thơ cô quạnh, và còn gì nữa? Những giọt lệ – những giọt lệ đoàn viên trong nỗi hoài thương tha thiết:
Từng giọt châu rơi mắt mẹ hiền
Mừng con lưu lạc trở đoàn viên
Neo thu bến tạnh thuyền sương sóng
In bóng chùa xưa trăng nửa hiên.
(Chuông khuya, Đọng bóng chiều)
Vậy thiên nhiên có nói gì chăng? Thì đấy: bốn mùa đến rồi đi, và rồi lại đến. Nhưng ngôn ngữ của loài người là gì, trên một cung bậc nào đó?

Tuesday, July 7, 2020

Vĩnh Hảo: Tưởng nhớ văn hào Nhất Linh - Nguyễn Tường Tam (1906 - 1963) SỐNG TRONG LÒNG LỊCH SỬ


Tưởng nhớ văn hào Nhất Linh - Nguyễn Tường Tam 
(1906 - 1963)
SỐNG TRONG LÒNG LỊCH SỬ
(Thư tòa soạn số 20, tháng 7.2013)

Nhất Linh – Nguyễn Tường Tam (1906 – 1963) là nhà văn có ảnh hưởng sâu rộng nhất đối với nền văn học Việt Nam cận đại. Ảnh hưởng của ông, qua Tự Lực Văn Đoàn (thành lập năm 1932), cho đến ngày nay, gần một thế kỷ, không thể nói là đã chấm dứt vai trò của nó, mà vẫn còn âm ỉ tác động lên nếp suy nghĩ, cách hành xử, lối viết, lối sống, của nhiều thế hệ cầm bút cũng như độc giả, từ thành thị đến thôn quê; từ những những người cầm quyền cho đến các chính khách đảng phái; từ hàng trí thức khoa bảng cho đến sinh viên, học sinh…

Có được sức ảnh hưởng như thế là bởi ông có viễn kiến: vạch con đường trăm năm của văn hóa, giáo dục, luôn tiên phong, dẫn đạo những khuynh hướng canh tân, cải cách, trong văn học hay trong chính trị xã hội…

Cuộc đời chỉ hơn nửa thế kỷ của ông là cả một pho sách vô giá, để lại nhiều bài học nhớ đời cho hậu thế. Không phải lúc nào cũng thành công, nhưng ông không nản chí, thất vọng: luôn hết lòng, tận tụy thực hiện những gì mình thích và cho là đúng. Viết văn, vẽ, làm báo, xuất bản sách, hoạt động chính trị, hoạt động từ thiện xã hội… không việc nào mà chẳng đam mê, tận tình.

Hai điểm nổi bật trong đời ông là sống mãi với văn chương và, chọn cái chết cho nguyện vọng ích nước lợi dân.
SỐNG: Ngoài các tác phẩm thời danh để lại, tinh thần của Tự Lực Văn Đoàn, là cái sống mãi.
CHẾT: Cái chết do ông chọn lựa, quyên sinh bằng độc dược, là chết để làm bất tử lý tưởng của mình, đồng thời cất lên nguyện vọng của quốc dân. Trong di chúc đề ngày 07.7.1963, ông viết ngắn gọn 71 chữ:
“Đời tôi để lịch sử xử. Tôi không chịu để ai xử tôi cả. Sự bắt bớ, xử tội tất cả các phần tử đối lập quốc gia là một tội nặng sẽ làm cho nước mất về tay cộng sản. Tôi chống đối sự đó và tự hủy mình cũng như Hòa thượng Thích Quảng Đức đã tự thiêu để cảnh cáo những người chà đạp mọi thứ tự do.”

Cuộc đời của người làm văn hóa, làm công việc của trăm năm, ngàn năm, thì các thể chế chính trị nhất thời lấy tư cách gì mà xét xử! Chỉ có lịch sử mới đủ tư cách ấy. Lịch sử đó là gì, là ai? Là những cuốn sử viết theo tài liệu nhà nước ư? Là những sử gia ăn lương các nhà cầm quyền ư? Là những người chịu ơn chính quyền đòi xét xử ông bằng văn từ tạp nhạp viết bằng những ngòi bút bẻ cong chăng? Là những người quí mến ngưỡng mộ hoặc ganh ghét tị hiềm ông chăng? – Không, không phải.

Lịch sử ấy là sự thực. Sự thực thì không bao giờ khác đi theo chuyển dịch của thời thế và hoàn cảnh.

Một con người sống thực với chính mình, sống thực với mọi người thì không bao giờ sợ hãi lịch sử. Ngay khi đang sống, họ đã sống trong lòng lịch sử rồi.

Vĩnh Hảo


Sunday, July 5, 2020

Thái Ðạo Thành (1924-2002): Tuệ Kiếm, Phương Pháp Tranh Ðấu của Phật Giáo


Tuệ Kiếm,  Phương Pháp Tranh Ðấu 

của Phật Giáo

Thái Ðạo Thành (1924-2002)

XAY DUNG NHAN SINH QUAN PHAT GIAO.jpg
XÂY DỰNG NHÂN SINH QUAN PHẬT GIÁO, tác giả Thái Ðạo Thành,
tức Cố Hòa Thượng Thích Ðức Nhuận (Cố vấn Ban Chỉ Đạo Viên Hóa Đạo, GHPGVNTN),
Vạn Hạnh xuất bản, 1969. Lotus tái bản, 2016)
– Nhóm Hoa Ðàm chủ trương
thichducnhuanNgười ta thường nói: “Tranh đấu để bảo vệ sự sống,” nhưng nếu ta quan niệm rằng: “sống tức là tranh đấu,” thì con người bất cứ ở thời đại nào, ở hoàn cảnh nào cũng phải tranh đấu hết. Vì người nào không tranh đấu tức là người đó đã chết, tổ chức nào không tranh đấu, tổ chức đó không thể tồn tại được. Có điều phương pháp tranh đấu của mỗi cá nhân hay đoàn thể thường khác biệt nhau do hoàn cảnh, kĩ thuật và phương châm chỉ đạo mà thôi. Cho nên không phải chỉ những người mang danh chiến sĩ ngoài tiền tuyến mới là tranh đấu, còn những người ở hậu tuyến hay tu sĩ ở chùa, đều không làm nghĩa vụ của một chiến sĩ.
“Sức mạnh của tư tưởng Phật, được phối hợp với tình thương dân tộc, hợp thành một phương pháp tranh đấu để bảo tồn sự sống còn của Đạo pháp và Dân tộc xưa nay.
Phương pháp tranh đấu đó, có thể tóm tắt qua 4 nguyên tắc, gọi là “TỨ DIỆU PHÁP”:
1. TAM KIẾM PHÁP,
2. ĐỐI TƯỢNG TRANH ĐẤU PHÁP,
3. HÓA ĐỊCH PHÁP,
4. VẠN THẮNG PHÁP.
I. TAM KIẾM PHÁP
Tam Kiếm Pháp gồm có: Tuệ Kiếm, Khí Kiếm và Bảo Kiếm.
A. TUỆ KIẾM: Nguyên là bó đuốc sáng của nhà Phật dùng để soi đường cho chúng sinh tìm về chân lí. Nhưng khi áp dụng vào tranh đấu nó là một thứ kiếm để giác ngộ tư tưởng thấp kém của đối phương khiến cho đối phương phải bỏ nẻo tà theo đường chính, chứ không cần phải giết chết mạng sống của chúng. Nã Phá Luân, anh hùng của nước Pháp xưa, cũng đã cảm thấy sức mạnh của tuệ kiếm, nên ông ta mới than: “Giết người có nhiều thứ: súng gươm, giáo mác, nhưng giết tư tưởng người mới đáng sợ.”
Ngoài nhận định trên, Nã Phá Luân còn nói: “Một ngòi bút có sức mạnh bằng trăm ngàn quân” cốt để chứng minh: tư tưởng mạnh hơn vũ khí nhiều.
Tuệ kiếm còn được diễn tả qua nhiều hình thức như: “Mang thân mình làm gương cho người; dùng lời nói, ngòi bút giác ngộ người để cho người tự quay về theo chính nghĩa.”
Do đó Tuệ kiếm có một giá trị về chính trị và chiến lược tuyệt đối.
1. MANG THÂN MÌNH LÀM GƯƠNG CHO KẺ KHÁC PHẢI NOI THEO
Khổng Tử có nêu mẫu mực người “Quân Tử” khi nói ra là thành phép tắc cho thiên hạ tuân theo như khuôn vàng, thước ngọc, khiến cho kẻ ở xa tìm đến và kẻ ở gần không biết chán (quân tử ngôn vì thiên pháp, hành vì thiên hạ tắc, viễn nhi tắc cận, cận nhi bất yếm.)
Người Việt ta có mẫu người “anh hùng” cứu khốn phò nguy, thích can thiệp vào việc ngang trái, tôn trọng lẽ phải, hi sinh mình vì sống còn của đất nước. Nên ta thường nói:
Anh hùng tiến đã gọi rằng,
Giữa đường thấy sự bất bằng mà tha.
Hoặc:
Làm trai cho đáng nên trai,
Xuống Đông, Đông tỉnh, lên Đoài, Đoàn tan.
Khí phách đó của dân tộc ta hiện được giác ngộ tới cao độ bởi lí tưởng Phật, nên từ chủ trương bất bạo động kiểu Thánh Cam Địa bên Ấn Độ, đã thăng hoa đến độ mang thân mình làm bó đuốc đốt lên để cảnh giác địch nhân, và soi sáng cho Phật tử bước lên đường tranh đấu.
Hòa thượng Thích Quảng Đức đã thành công bằng Tuệ kiếm phi thường đó cho nên bó đuốc sáng ngời ở Người đã làm cho các nhà khoa học thế giới phải ngỡ ngàng khi thấy tính phản xạ không còn khiến nổi ý thức nữa. Thân xác Người không vì sức nóng của lửa mà làm mất thế tĩnh tọa cho tận tới lúc chết đi. Lý tưởng Người soi sáng cả cõi vô minh đầy tội lỗi khiến cho những kẻ lầm đường quay về nẻo chính. Người đã vào lịch sử đấu tranh không phải riêng trong việc bảo vệ Phật giáo mà Người lại còn là của cả dân tộc khi hãm chế độ pháp trị nhà Ngô lâm cảnh bị ngọn tuệ kiếm thiêu thành tro bụi, để mở lối thoát cho cách mạng dân tộc tiến lên!
Lý tưởng nào, tôn giáo nào, không vì mục đích chung của dân tộc mà chỉ biết đến có quyền lợi riêng của cá nhân hay đoàn thể, sẽ đi tới thất bại. Hòa thượng Thích Quảng Đức không bao giờ có ý tưởng hẹp hòi như vậy. Cho nên chớ mong bóp méo hay thu hẹp sự nghiệp của Người lại. Có thế sức mạnh của Tuệ kiếm mới còn mãi mãi soi đường cho hậu thế.
2. DÙNG LỜI NÓI VÀ NGÒI BÚT GIÁC NGỘ NGƯỜI TỪ CHỖ VÔ MINH ĐẾN CHÂN NHƯ
Nói điều phải, viết điều hay, để tuyên truyền giác ngộ người vô minh đến chân như, khiến họ không làm điều tội lỗi, gây thành nghiệp chướng về sau, thế cũng là một hình thức của Tuệ kiếm.
a) Nói, là một nghệ thuật tác động quần chúng vô cùng mãnh liệt. Người cộng sản cho rằng: “Không có lý luận cách mạng thì không có hành động cách mạng.” Nên họ nhờ vào miệng lưỡi để sống còn từ 50 năm qua.
Tiếc rằng họ đã nói sai sự thật, sai bước đi của lịch sử, nên mới làm cho đất nước ta chia rẽ tan hoang như ngày nay. Muốn thắng cộng sản chỉ có thứ thần thánh vũ khí bằng những lời nói đúng, nói phải, nói thực, mới xua đuổi được những lời nói sai lạc kia để có thể đưa dân tộc thoát cảnh chia rẽ hiện tại.
Một trong những khuyết điểm của người quốc gia nói chung và của người chiến sĩ Phật tử nói riêng là: “Không chịu khai thác lý luận Phật giáo ở địa hạt Nhân sinh quan hầu giải quyết việc đời.” Nên mới cứ buông thả cho cán bộ CS mê hoặc dân chúng mãi không thôi. Ai dám bảo Phật giáo không có lý luận để giải quyết đời sống con người, khi Phật giáo có cả một kho triết học cao hơn hết tất cả các học thuyết của xã hội đương thời.
Duy Tâm là gì? Duy vật là gì? Những lý lẽ mơ hồ đó, sao bằng được Duy Ngã của Đức Phật. Nếu ta biết khai thác Duy Ngã, từ Tiểu Ngã đến Đại Ngã, tất phải tạo nổi một thế đứng vững mạnh cho một Triết lý Duy Nhân, lấy con người làm căn bản xây dựng xã hội nhân tính hoàn toàn căn cứ trên tinh thần Nhân chủ.
Ai đảm bảo Phật giáo không có xã hội tính và thiếu thực tế, khi chưa giác ngộ loài người qua Thập Pháp giới, từ thấp lên cao, từ dãn man tới văn minh, từ chỗ bất bình đẳng đến chỗ bình đẳng về mọi phương diện. Hãy nói và phải nói, phải viết tất cả những cái gì về phần đời ở Đạo Phật để giải quyết việc đời.
b) Viết, là điều quan hệ không kém gì Nói. Vì Nói với Viết chỉ là một. Nói thế nào Viết cũng phải đúng như thế ấy. Nói để truyền bá tư tưởng qua miệng lưỡi và vào sâu tâm trí người nghe. Còn viết để ghi thành văn trên sách vở lưu truyền sâu rộng mãi về sau…, Nói có nghệ thuật hấp dẫn quần chúng khiến quần chúng phải nghe, phải làm theo ý mình, thì Viết cũng có nghệ thuật làm cho người đọc nhận thức được vấn để rất bền bỉ và mau chóng, nhờ dễ hiểu dễ đọc và không chán.
Lịch sử tranh đấu của Phật giáo, trong những năm qua, đã chứng minh rằng chỉ có nghệ thuật Nói và Viết mới xoay chuyển lại được thời cuộc, một khi đã làm cho người nghe, người đọc phải tin tưởng và bắt tay vào việc, theo lý tưởng xã hội loài người.
3. ĐỂ CHO NGƯỜI TỰ GIÁC THEO MÌNH
Phải lãnh đạo lịch sử nghĩa là phải dùng Tuệ kiếm nhìn xa thấy trước những việc sẽ xảy tới thì mới định rõ được kế hoạch công tác, hoặc giác ngộ người trước khi người lâm nạn, hoặc đợi cho người lâm nạn rồi tự giác tìm về lẽ phải.
a) Với những người có óc tiên phong tiền tiến trông thấy trước ta thì chưa cần giác ngộ, họ đã tự giác rồi; dĩ nhiên là không cần phải nói nhiều.
b) Với những phần tử học cũng không hiểu, nói cũng không nghe, thì chỉ còn có cách chờ cho họ thất bại đến nơi mới giác ngộ được. Với những người “khốn nhi tri chi” đó, Tuệ kiếm vừa phải giác ngộ trước để cho họ biết nẻo tà, chính và cũng là để giác ngộ sau khi họ bị thất bại rồi buộc lòng phải quay về để tìm lối thoát.
Phương thức này, các nhà quân sự xưa nay thường áp dụng bằng cách tạo thế cô lập đối phương, buộc đối phương phải đầu hàng, nếu không muốn bị tiêu diệt. Bởi vì khi đối phương còn tin ở sức mạnh của họ tất không khi nào chịu nhận lẽ phải. Cho nên Tuệ kiếm không thể áp dụng hữu hiệu khi nguy cơ chưa đến trước mắt kẻ ngoan cố và chậm hiểu.
Cái chết của loại này tuy chẳng ích gì cho ai, ngoài sự thỏa mãn tự ái cá nhân cho riêng họ, nhưng không vì thế mà ta không mang Tuệ kiếm ra làm công việc Đại bi, Đại giác để tiết kiệm bớt xương máu của nhân loại mặc dù họ là kẻ không cùng một lý tưởng.
B. KHÍ KIẾM: Khi kiếm hun đúc bởi tinh thần bất khuất của dân tộc đã khiến cho đối phương phải khiếp sợ dân mình xưa nay.
Trong chiến tranh thế giới vừa qua, người ta ca tụng tinh thần yêu nước và lòng hi sinh của dân tộc Nhật Bản “Thà chết chứ không chịu nhục.” Đó là thứ tinh thần đã được bộc lộ qua trận tử chiến tại đảo Xung Thắng, từ kẻ được chết ngoài chiến trận đến kẻ còn sống sót cũng mổ bụng tự sát. Thậm chí đến đàn bà con nít cũng tự tử dần hết. Như thế để nói lên cái tinh thần bất khuất của dân tộc họ hầu tạo thành một “Khí kiếm” mà chính kẻ thắng cũng phải nể sợ. Đem so sánh về Khí kiếm giữa ta và Nhật thì Khí kiếm của ta nào có kém gì dân Nhật, trong bất cứ hoàn cảnh nào. Một Trần Bình Trọng trả lời quân Nguyên: “Thà làm quỷ nước Nam hơn làm vua đất Bắc” cũng đủ làm cho đội quân bách chiến của Hốt Tất Liệt phải rụng hồn. Một Lê Lai chịu chết thay chúa cũng đủ hun đúc lòng dân nổi dậy lật đổ chế độ cai trị tàn ác của nhà Minh.
Rồi đến hiện nay, cái dân tộc nhỏ bé này, chỉ với hai bàn tay và bộ óc đã đánh bại đế quốc Pháp sau chín năm kháng chiến, dù hậu quả của kháng chiến chỉ là một thảm cảnh chia đôi đất nước, Quốc Cộng phân tranh. Như thế nào đã hết, Việt cộng còn bắt một nửa dân tộc miền Bắc, tiếp tục hi sinh chống nhau với Mỹ quốc và cả Thế giới tự do, mục đích không  phải vì độc lập quốc gia, mà chỉ vì một chủ nghĩa ngoại lai vô ý thức. Đến thế mà dân Việt vẫn còn đủ sức chịu đựng để chờ cơ thoát gỡ những lầm lẫn của mình.
Ngoài Bắc thì như vậy, trong Nam này thì trái lại khí kiếm tuy không tụ thành một khối và nhằm vào một mục tiêu tranh đấu, nó tản mát khắp đó đây, tạo thành những mâu thuẫn cá nhân, cá đảng, khiến cho Khí kiếm của dân tộc càng bị suy nhược không đủ sức tạo nổi uy quyền cho một quốc gia độc lập thực sự, lỗi đó chẳng là do sự thiếu giác ngộ của Tuệ kiếm!
Thiết tưởng không thể để mãi như thế được nữa. Khí kiếm của dân tộc không có mục đích và tự hủy mình, như ở ngoài Bắc cứ vùng lên rồi điên cuồng tự đánh mình, đánh bạn, giúp quân thù. Khí kiếm của dân tộc cũng không thể để tản mát quá hóa ra suy yếu như tại miền Nam. Khí kiếm của dân tộc phải được tập trung và đúc lại bằng ánh sáng giác ngộ của Tuệ kiếm, khiến người Việt thoát khỏi vô minh, đã hãm ta và cảnh nhận kẻ xâm lăng truyền kiếp là bạn rồi để tự hủy hoại mình mãi cho đến khi bị tiêu diệt hẳn!
Thiết tưởng không thể để rối ren như vậy được. Ánh sáng của Tuệ kiếm, từ cửa Phật, từ đáy lòng, đáy hồn dân tộc sẽ phản chiếu lên cho người Việt tìm thấy chân lý tự mình và hi sinh đúng chỗ.
Nòi giống Việt đã có cả ngàn năm kinh nghiệm lịch sử tất không mãi vô minh như thế được. Đã đến lúc người Việt phải tập trung Khí kiếm để phụng sự chính nghĩa dân tộc.
Phụng sự bằng cách nào?
Bao năm tranh đấu đã dạy ta rằng: phải phụng sự bằng sự giác ngộ ở tự mình tức là vận dụng Khí kiếm để phát minh chiến lược mới, thực hiện bằng chiến thuật mới như tổ tiên Việt chúng ta đã từng làm. Trong “Binh Thư Yếu Lược” khi Trần Hưng Đạo đánh quân Nguyên. Trong “Bình Ngô Đại Cáo” khi Lê Lợi làm khiếp đảm quân địch, vì “Khí kiếm” trên hành động, đã là tinh thần bất khuất của dân tộc… “Thà chết hơn chịu nhục” thì, trên kế hoạch tranh đấu, Khí kiếm phải là tất cả mọi thủ đoạn đấu tranh bằng sáng tác ra mọi thứ vũ khí tinh thần và vật chất. Có thế mới khỏi phí sức dân một cách oan uổng. Sức mạnh của sự hi sinh của thể xác chỉ có hạn. Sức mạnh của tinh thần phát minh cùng nghệ thuật điều khiển Khí kiếm mới thực là vô tận và quan trọng. Người biết vận dụng cả hai sức mạnh đó tất sẽ nắm phần thành công chắc chắn trong tay.
C. BẢO KIẾM: Sự tích thanh gươm thần của vua Lê Lợi bắt được, dùng trong việc tiểu trừ giặc Minh và trả lại cho thần Kim quy ở Hồ Hoàn Kiếm Hà Nội chứng tỏ thanh thần kiếm tượng trưng ấy chỉ có mục đích đề cao giá trị của tất cả mọi thứ vũ khí vật chất khác, như súng gươm, dáo mác, của toàn dân trong khi chống kẻ xâm lăng mà thôi. Dân Việt lấy đầu Liễu Thăng đuổi Mộc Thạnh về nước, buộc Vương Thông bỏ dáo qui hàng, đâu phải bằng thanh gươm đó, nhưng đích là bằng sức mạnh tinh thần của thanh gươm đó mà đích ra là không bằng tinh thần chiến đấu của toàn dân.
Luận về giá trị của Bảo kiếm trong việc trừ giặc, tuy không hợp với giáo lý nhà Phật, vì phạm luật “giới sát,” nhưng “giới sát” không có nghĩa là ngăn cấm hẳn không cho người Phật tử chống kẻ ngoại xâm để bảo vệ quyền tự do sống còn của dân tộc mình. Không cần bàn chuyện xa xôi, chỉ nhìn thẳng vào cửa chùa chiền tất sẽ thấy “ÔNG THIỆN” lẫn “ÔNG ÁC” đều được đặt ngang nhau. Như thế đủ rõ: Ông Ác cũng có công việc phải làm như Ông Thiện. Ông Ác cầm bảo kiếm để làm gì? Để răn đe ác quay về nẻo thiện. Nhưng cũng có thể Ông Ác sẽ diệt kẻ làm điều ác để cứu người thiện, như người làm vườn bắt sâu bọ đi, hay cắt cành hoa hồng tàn úa, để cho mầm hồng non nảy nở. Điều khó nhất trong việt làm của Ông Ác là phải sáng suốt đừng diệt lầm người Thiện và phò lầm kẻ Ác. Như thế mới là làm đúng nhiệm vụ của mình.
Đọc lịch sử Việt ta thấy thời Lý, thời Tần biết bao nhà sư cầm gươm, lên ngựa, chống ngoại xâm, bảo vệ bờ cõi, biết bao các vị cao tăng như Thầy Vạn Hạnh giúp nhà Lý xây dựng lại xã hội điêu tàn Việt trở thành quốc gia hùng mạnh.
Như vậy, trực tiếp hay gián tiếp, các nhà Sư đó đã có lần cầm “Bảo kiếm” làm nghĩa vụ công dân Việt, bảo vệ nòi giống Việt. Chứ không phải cứ đi tu là bỏ hết việc xã hội hoặc làm ngơ phó mặc cho kẻ ác giết người Thiện, kẻ xâm lược dày xéo đất nước mình; cứ đi là phải tự tiêu hủy sức mạnh của bản thân đi, không cần học võ như các tăng ni chùa Thiếu lâm bên Tàu xưa.
Người Phật tử chúng ta cần phân biệt Lẽ Đạo của thời bình và Lẽ Đạo trong khi biến, như vị giáo chủ Phật giáo Hòa Hảo đã nói:
“Đền xong nợ nước thù nhà,Thiền môn trở gót, Phật đà nam mô.”
Và như nhà chính trị đạo đức X.Y. Lý Đông A có ghi:
“Làm tròn giấc mộng tiền sinh ấy,Trở lại hang sâu nhập Niết Bàn.”
Tuy nhiên người chiến sĩ Phật giáo cũng cần phải luôn luôn nhớ lời răn của Phật là “giới sát”, đừng như những kẻ khát máu điên cuồng giết người không một chút tình thương dân tộc, giết người không vì chính nghĩa để rồi hối hận về sau. Và luôn luôn tâm niệm:
  • Hãy giác ngộ đối phương bằng Tuệ kiếm để hóa địch thành bạn.
  • Hãy tâm phục đối phương bằng Khí kiếm của dân tộc để xua đuổi chúng khỏi đất nước này, như ông cha ta đã làm.
  • Hãy chống trả đối phương bằng Bảo kiếm nếu cả hai kiếm pháp trên không còn hiệu nghiệm nữa.
Người chiến sĩ Phật giáo nên nhớ thêm rằng: “Cầm súng gươm ra trận và kháng địch là một việc làm bất đắc dĩ.” Vì giết người bằng Bảo kiếm chỉ là hạ sách. Các vị Thánh Hiền, cũng như chính trị gia thường nói: “Những thắng lợi trên chiến thuật và chiến đấu ngoài chiến trường không thể giải quyết nổi chiến tranh, nếu không có sự thắng lợi của Tuệ kiếm và Khí kiếm.”
Người chiến sĩ Phật giáo phải thông suốt cả “TAM KIẾM PHÁP” mới xứng đáng là chiến sĩ của thời đại, mới đủ tư cách của một chiến sĩ tranh đấu có lý tưởng.
Chiến tranh này là chiến tranh xâm lược, đội lốt tư tưởng, nên không thắng lợi về tư tưởng, và không động viên nổi tinh thần dân tộc tất không thắng nổi đối phương.
II. ÐỐI TƯỢNG ÐẤU TRANH PHÁP
Ðạo Phật đã căn cứ vào tinh thần Nhân Chủ bổ xung cho Ðịnh Mệnh thuyết (luân hồi) để giải quyết cho con người khỏi bị tự nhiên chi phối. Rồi đưa con người từ địa vị thấp kém của loài súc sinh lên địa vị Con Người chân chính, thành lập xã hội loài người.
Muốn thực hiện xã hội lý tưởng Người ấy, đối tượng đấu tranh của con người vẫn gồm có hai mặt:
– Ðấu tranh với vũ trụ tự nhiên để chế tạo kỹ thuật;
– Ðấu tranh giữa người với người để thành lập một xã hội người tốt đẹp.
a) Phương pháp tranh đấu với vũ trụ gồm hai phần:
1) nhật định về vũ trụ quan: cái khổ trước tiên của con người từ trước tới nay không phải là do chế độ Xã hội loài người gây ra, mà do cõi Tự nhiên đè nén:
Nào ngoại cảnh nắng mưa, gió rét đã tạo ra bao nhiêu tai ương như đại hạn, làm cho đồng ruộng khô; nước lũ mưa dầm làm cho hoa mầu hư thối; giông bão sập cửa nhà… Và còn biết bao oan trái khác, phần lớn do tự nhiên gây nên, bắt con người phải gánh chịu.
Nào nội tâm đau khổ vì sinh, lão, bệnh, tử tiếp diễn như bánh xe luân hồi không dứt. Tất cả những sự việc không hay cho loài người đó chẳng phải do con người muốn có, mà đều bởi “lẽ trời” gây nên. Vậy Tạo hóa vô tình hay bất nhân chăng? Tạo ra loài người như vậy sao?
Tất cả những thắc mắc đó ngày nay đã được nêu ra để tìm câu trả lời bằng hành động của bàn tay và khối óc con người: con người luôn luôn tìm cách cải tạo lại thiên nhiên.
Loài người không sợ hãi tự nhiên nữa; không van xin đấng Tạo hóa nào đó tha tội cho mình, đừng gieo tai họa cho mình nữa. Ði xa hơn “con tim” của loài người còn giác ngộ cái chân lý của Ðạo để giải thoát cho mìn khỏi mọi rang buộc của kiếp sống, mong vươn lên cõi Phật thoát ách luân hồi, còn cố công làm chủ cả vũ trụ ở nơi thượng giới vô hình vô sắc kia nữa.
Con người đã thực sự có ý thức làm chủ đời sống của họ. Nên đối tượng tranh đấu trước tiên của họ là vũ trụ vậy.
2) giải thoát về nhân sinh quan: Như ở phần Nhận Ðịnh trên, đối tượng đấu tranh thứ nhất của con người là vũ trụ, cốt tìm cách giải thoát cho mình khỏi những khổ não của tự nhiên hầu tự tạo cho mình một đời sống hòa bình và hạnh phúc trên cõi thế gian này. Nếu không ý thức rõ điều đó thì đạo Phật sẽ trở thành một thứ tôn giáo ngu dân, đưa loài người tới chỗ thoát hóa: coi cuộc sống là phi lý để rồi biến xã hội loài người thành một xã hội chết.
b) tranh đấu để thành lập xã hội:
Sau hoặc trong khi tranh đấu với tự nhiên, ở phần hình nhi thượng thì con người vẫn miên tục “trở về với mình” để mang bộ óc, bàn tay ra kiến lập xã hội loài người, ở phần hình nhi hạ, theo quan niệm của con người. rồi qua mỗi thời đại, mỗi bước tiến của lịch sử mà vượt từ thấp lên cao, từ dã man đến văn minh tiếng hóa.
Ðối tượng đấu tranh thứ nhì này của Phật giáo cũng không có gì khác biệt lắm so với chủ trương của nhà xã hội học xưa rầy. Vì nó cùng chia ra hai ngả: là chân như và vô minh, hay nói theo thực tế, là: Phật lành và Ma ác.
Người Phật tử chủ trương làm theo điều lành, tránh xa điều ác, đúng như người quân tử trong đạo Nho cố bỏ điều tà làm điều chính.
Tuy vậy, điều đặc biệt của Phật giáo về phương pháp đấu tranh xây dựng xã hội có hơi khác: với mọi chủ trương cách mạng xã hội là ở chỗ “giới sát” nên về mặt tranh đấu thực tiễn thường đi tới “bất bạo động.” Do đó, đói ngoại Phật giáo thường dùng Tuệ kiếm để giác ngộ người, hơn là dùng khí hay bảo kiếm để tiêu diệt đối phương. Ðối nội, Phật giáo: lấy việc giác ngộ mình hiểu thấu chân lý của sự sống, lẽ sống và cách sống của con người để khi vào hành động không phạm tới nhân đạo, không trái với nhân luân cho khỏi tạo ra những nghiệp quả không hay từ đời này qua đời khác.
Sự thực đã chứng minh, xã hội loài người rối loạn là do con người thiếu giác ngộ chân lý nên mới để thú tính và Atula tính gây ra thảm họa chiến tranh. Chiến tranh càng ngày càng bộc phát một cách quy mô rộng hơn mãi. Chiến tranh có thể hủy diệt loài người, mà lại do chính ngay những tiến bộ về khoa học mà con người đã khổ công bao nhiêu mới đạt tới được. Chúng ta thử hỏi: nhân loại liệu có tuyệt diệt vì chiến tranh nguyên tử đang đe dọa kia chăng? Không thể như thế được! Vì con người còn có Phật tính trong tâm để chế ngự thú tính và ma quỷ tính, nên con người phải giác ngộ ấy đã thể hiện trong bản “Hiến Chương Liên Hiệp Quốc” sau bản “Tuyên ngôn Quốc tế Nhân quyền” công bố sau hai cuộc thế chiến. Lý tưởng Nhân quyền mặc dù còn bị tham vọng của những phần tử chưa giác ngộ, của những thế lực nhất thời ngăn cản, nhưng nhất định nó phải sang tỏ và tiến tới chỗ toàn thiện, theo tinh thần Phật. Có thế nhân loại mới có hòa bình hạnh phúc chung được. Mà đó là tất cả những điều chúng ta từng giác ngộ thấy ở ngay trong mỗi nội tâm mỗi nguời: những điều mà Phật hằng phán dạy từ mấy ngàn năm trước. Chỉ tội nghiệp cho những cường quốc nào thiếu giác ngộ còn mắc bệnh tham sân si trói buộc nên mới tạo nghiệp chướng mãi để rồi phải lãnh lấy những hậu quả không hay. Mà cũng tội nghiệp thay cho cả dân Việt, đã bị chia cắt làm đôi mà vẫn chưa chịu giác ngộ ánh sang Phật để bước theo đà chuyển biến của lịch sử nhân loại và lịch sử dân tộc.
Cả nhân loại đang hướng tâm về mảnh đất này. Lại bao nhiêu thiện chí của các bạn đồng minh đang lo cứu giúp ta nữa. Nhưng nếu tự người Việt không giác ngộ trở về mình, mà còn theo đuổi ánh hoàng hôn của những chân trời xa lạ thì làm sao có thể đem vinh quang xán lạn được lại cho mình.
II. HÓA ÐỊCH PHÁP
Hoá địch là một phương pháp rất cao của Phật giáo. Vì chủ trương hoá địch đòi hỏi ở nơi ta làm sao phải có những điểm hơn địch về lý luận, về kỹ thuật, về đức độ. Khiến địch phải “tâm phục.” Chứ không thể dùng sức mạnh uy hiếp người, bắt buộc người theo mình, hoặc dùng tiền bạc mua chuộc người. Ngược lại, nếu cứ chủ trương hoá địch mà chính ta lại không có ưu điểm gì hơn người thì tất nhiên là sẽ bị người hoá lại mình.
Việc mình hoá địch hay bị địch hoá mình ngụ cả ở chỗ đó. Nếu địch hoá nổi mình, tức là địch đã thắng mình vì địch đúng hơn, phải hơn mình. Lúc đó thì mình không còn có lý do nào mà không để cho địch hoá mình theo lẽ phải? Còn dĩ nhiên là nếu mình hoá nổi được địch thì tức là mình đã đúng hơn, phải hơn địch rồi đó. Phương pháp tranh đấu rất nhân đạo này của Phật Giáo đã làm đảo lộn tất cả mọi trận thế. Vì không còn phân biệt được đâu là ta đâu là địch: Có khi địch ở trong ta và có khi ta lại ở trong địch nữa. Để cho phương pháp hoá địch được thêm phần rõ ràng hơn, có thể chia phương pháp đó ra hai phần:
a) Phần tìm địch: gồm có hai nguyên tắc chính là:
– Địch ở trong hàng ngũ ta.
– Ta ở trong hàng ngũ địch.
Khi bàn về vấn đề tìm địch ở trong hàng ngũ ta, có người đã vội nghĩ ngay đến những tên “địch đội lốt nằm vùng”: như thủ đoạn tranh đấu của gián điệp chờ cơ phá hoại. Đôi khi họ lại chính là những người ở trong hàng ngũ của ta mà đã bị địch dùng danh lợi mua chuộc rồi phản bội lại ta. Tuy vậy, quan niệm xét địch một cách nông cạn như thế chỉ có giá trị ở những tổ chức chính trị tầm thường thôi. Còn đối với Phật giáo nó hoàn toàn vô giá trị. Vì Phật giáo vốn rất tin ở lý tưởng của mình để giác ngộ địch tìm về chân lý. Phật giáo có phương pháp và phương thức để dạy người – dù là kẻ địch – tự tìm tới chân lý.Nhược bằng kẻ địch đó không có lý tưởng, không nhận thấy chân lý, hay không muốn giác ngộ thì đó là điều không cho i chứ không thiệt hại gì cho ta cả. Bởi lẽ “Phật giáo chỉ có cái có, do con người tự giác ngộ mà có thôi” chứ không hề nhằm tới cái gì mà con người ngu tối không sao nhận ra thấy được, không thành đạt tới được. Do đó mà đạo Phật không bao giờ sợ kẻ địch ở trong hàng ngũ mình khi biết mình đã đủ lý do để hoá địch thành bạn. Giả thử có những kẻ giả dối dùng thủ đoạn len lỏi vào hàng ngũ Phật giáo để phá hoại thì chỉ ít lâu sau chính những kẻ đó lại cải tà qui chính cũng quay về nẻo Đạo. Vì thế mà đạo Phật bất chấp cả mọi sự thịnh, suy, hưng, phế của thế cuộc và của cả thời gian nữa.
Bàn về vấn đề ta ở trong hàng ngũ địch.
Thực sự ta không bao giờ đặt thành vấn đề và không bao giờ muốn gây ý nghiệp hay khẩu nghiệp với người thì còn nói gì đến việc hành động của thân nghiệp cốt để hại người nữa. Nhưng có một điều, không thể chối cãi được là chính ngay trong lòng địch nhân cũng vẫn có Phật tâm và Phật tính. Nên nếu gặp hoàn cảnh tốt làm cho những chủng tử Phật (mầm Phật) nảy nở ở trong lòng địch ra thì tự nhiên sẽ chối bỏ ác nghiệp mà quay trở lại theo ta, hoặc giúp đỡ ta chống lại những hành động dã man của loại địch nhân chưa giác ngộ.
Nói tóm lại, cả hai vấn đề “tìm địch ở trong ta” hay “ta trong hàng ngũ địch” đới với Phật giáo, đều là lẽ tự nhiên. Nên đạo Phật rộng bao la, cửa Phật luôn bỏ ngỏ. Kẻ có dã tâm và có đem theo ma quỉ vào đất Phật thì ma cũng được hóa thành Phật hết.
b) Phần hóa địch: Có thể thu tập việc Hóa địch bằng 4 nguyên tắc chính:
Trực tiếp hóa địch
Gián tiếp hóa địch
Cá nhân hóa địch
Tập thể hóa địch
Bàn về việc trực tiếp hóa địch, thì người hóa địch phải biết rõ địch có phản tỉnh và có tinh thần tiên tri tiên giác tới mức độ cnào. Rồi sau đó, mới tìm cách giúp phương tiện cho người giác ngộ một cách trực tiếp. Phương pháp này không thể áp dụng đối với những người có thành kiến bảo thủ, không có óc nhìn xa thấy rộng. Vì họ còn bị ma quỉ tính ám ảnh quá nhiều hay quyền lợi trói buộc. Ðối với hạng người này thì việc giác ngộ trực tiếp đã chẳng có ích gì mà lại còn có hại cho ta nữa. Cho nên, cần tiết kiệm thời giờ và tránh xa để chờ họ tự giác đã.
Bàn về việc gián tiếp hóa địch thì người hóa địch có thể giác ngộ địch bằng cả việc làm lẫn lời nói, và đức độ của mình, sau cho họ tự thấy là đối với chân lý của đạo pháp, họ đã tìm được từ xa tới lại gần thêm, từ chỗ tối lần lần tiến ra chỗ sáng. Nghĩa là ta không cần tìm địch mà địch tự tìm đến ta; ta không cần hóa địch mà địch sẽ tự hóa lấy mình.
Phương pháp gián tiếp hóa địch này tuy chậm chạp nhưng ít bị va chạm với địch. Vì địch không còn cớ để ngộ nhận hiểu lầm ta có ý mưu cầu gì ở họ, rồi tìm cách phá lại ta.
Bàn về việc cá nhân hóa địch, tức là việc giác ngộ giữa một người với một người theo phương pháp trưc tiếp. Người hóa địch phải phân định rõ giá trị con người mình định hóa cùng những quan hệ xã hội chung quanh họ. Nếu cá nhân đó có uy tín và nắm quyền lãnh đạo một nhóm ngườ, một đoàn thể hay một quốc gia thì việc hóa một người như vậy, sẽ lôi kéo được bao nhiêu người khác hóa theo. Cho nên trong việc cá nhân hóa địch, điều khó nhất, đối với những nhân vật quan trọng như kia là phải làm sao cho ý kiến những người lãnh đạo ấy được đa số trong tập thể của ta tán thành. Do đó, việc cá nhân hóa địch cần phải đi đôi với tập thể hóa địch, mới có hy vọng thành công tốt đẹp.
Bàn về tập thể hóa địch thì đây là một công việc vô cùng quan trọng, đối với lịch sử tiến hóa của nhân loại cũng như công cuộc hoằng đạo của chúng ta. Vì muốn hóa cả một tập thể theo mình tất cần phải giải quyết mấy vấn đề cơ bản, như:
– Nêu rõ mục đích chung của cả ta lẫn địch đang cùng nhau đi tới, tuy bằng những phương tiện riêng, kể cả lý tưởng riêng của mỗi tổ chức để cùng giải thoát sinh linh, giải phóng nhân loại và dân tộc.
– Vạch rõ nghĩa vụ, và quyền lợi chung của mỗi tổ chức cần phải làm và được phép hưởng để cùng sống và giúp tiếp lẫn nhau, trên con đường phụng sự mục đích chung.
Công việc chung này phải đi đôi với sự giác ngộ lẫn nhau, bổ xung cho nhau theo tinh thần Nhân quả biện chứng hay Hégel biện chứng tức là hai bên tuy có mâu thuẫn nhưng là để đi tới kết hợp chứ không phải mâu thuân để đi tới đào thải lẫn nhau, theo kiểu biện chứng Mác-Xít.
Có như vậy thì việc hóa địch mới tránh khỏi những lỗi lầm thiển cận, do thủ đoạ tầm thường làm hại tới mục đích chung.
Cần làm cho người bị ta hóa hiểu rõ là: Ta hóa họ vì mục đích chung cho cả ta và họ, chứ không phải chỉ vì riêng ta hay vì riêng họ.
Còn việc ta có thể hóa nổi địch hay địch sẽ hóa lại ta thì tất cả vấn đề sẽ tùy thuộc vào lý tưởng hợp lý cho của mỗi bên, trong việc đồng hóa lẫn nhau.
Như ở phần mở đầu đã nói: Tranh đấu là lẽ sống của con người, ở bất cứ địa hạt nào. Mà đã nói tới tranh đấu là phải nói tới thành bại. Nhưng theo triết lí của Phật giáo thì trừ chủ trương tranh đấu với thiên nhiên ra, việc tranh đấu giữa con người với nhau tất không có kẻ thắng người bại. Vì phương pháp tranh đấu của Phật giáo chỉ là để giác ngộ con người từ nẻo tà sang ngả chính, từ chỗ tối ra chỗ sáng. Từ vị trí ma quỷ sang Phật pháp. Cho nên sự thắng trong tranh đấu của nhà Phật là: Thắng bản thân mình, thắng hoàn cảnh, thắng thời gian, thắng không gây tai hoạ cho người và không gây hối hận cho mình: đó là “Vạn Thắng Pháp.” Tôn Tử, một nhà quân sự có tài bách chiến bách thắng về thời Chiến Quốc, có luận về chữ “thắng” ở địa hạt chiến tranh như sau: “Thắng bốn trận thì nguy; thắng ba trận thì suy; thắng hai trận, làm nên nghiệp bá; và thắng một trân thì làm nên nghiệp vương.” Như thế là Tôn Tử muốn nói: Hễ chiến thắng mà nhiều thì kẻ thắng cũng như người bạai đều bị hao mòn sinh lực. Thế nên Tôn Tử mới đánh giá trị kẻ tướng như sau: “Biết mình, biết người, trăm trận đánh, trăm trận thắng, mới là ông tướng giỏi thôi. Còn ông tướng không đánh mà thắng mới thật là ông tướng tài hơn.”
Trong một tài liệu của X.Y. Lý Đông A bàn về sách lược Thống nhất Tổ chức cũng có nói:
– Thượng sách: Thống nhất bằng lí tưởng.
– Trung sách: Tạm thời hợp tác để đối ngoại.
– Hạ sách: Đánh tan ra để thống nhất.
Những nguyên tắc chỉ đạo cổ kim trên đã chứng minh cho ta thấy rõ phương pháp tranh đấu của nhà Phật, bằng vào tuệ kiếm để hoá địch tới chỗ vạn thắng, thật cao độ và hợp lý vậy.
Điển hình cho phương pháp đó là cuốn Tây Du Ký. Cuốn này mô tả thầy Đường Tăng qua Tây Trúc thỉnh kinh, đã phải mang theo ba đệ tử đầy súc sinh tính như: Chư Bát Giới, Tề Thiên Đại Thánh và Sa Tăng. Có thế mới chiến thắng được đủ mọi thứ địch nhân, từ ma quỷ đến thần tiên. Tuy vậy, kết cuộc chẳng có ai được ai thua, ai sống ai chết, trừ Phật tâm và Phật tính đã thắng trong lòng kẻ ma quỷ lẫn vị thần thánh, để rồi tất cả cùng về một mối Đạo.
Hiện nay, trận giặc tư tưởng mà Phật giáo đang phải đương đầu, giữa hai phe Duy Tâm và Duy Vật, rồi đây sẽ kết cuộc ra sao? Số phận của Giáo hội Phật giáo Việt Nam sẽ ra sao? Giữa khi đối phương quanh mình luôn luôn tỏ ra vô cùng cường mãnh?
Câu giải đáp dứt khoát sẽ là: Với ánh sáng giác ngộ địch bằng tuệ kiếm và bằng phương pháp hoá địch thành bạn để cùng nhau đạt tới chỗ viên mãn ở trong từng con người và từng xã hội loài người, Phật giáo xưa cũng như nay, và mãi bao giờ cũng đạt tới cảnh vạn thắng. Bởi vậy trước mọi biến cố nhất thời, chúng ta cũng đừng để con người u mê ở trong hay ở ngoài hàng ngũ Phật giáo hiểu lầm thế cuộc theo nghĩa “Thắng bại thông thường.”
Muốn thế chúng ta cần phải dứt khoát đặt lại vấn đề “Phật là gì?” Kinh kệ và sử dụng sách đều đã chứng minh rằng: Phật chỉ là một “Thể Sống Tối Viên Mãn” lúc nào cũng bàng bạc ở khắp mọi nơi, ở chốn thánh thiện quang minh cũng như ở lẫn với ma quỷ vô minh.
Thể Sống Viên Mãn ấy cứ mỗi ngày một nảy nở theo trình độ giác ngộ của mỗi cá thể, của mỗi tổ chức theo đà tiến của xã hội – nhờ mọi biến chuyển theo đà tiến hóa của lịch sử, mà có người thì: tiên tri tiên giác thấy được trước thiên hạ, có người thì hậu tri hậu giác theo đà tiến của người đã giác ngộ trước và cũng có người thì lại vô tri vô giác nhưng gặp cái thế ứng hóa mà buộc phải giác ngọ theo. Căn cứ vào phép suy luận trên ta thấy ánh sáng của Ðạo Phật chưa bao giờ sáng bằng lúc này. Sáng từ trên đất Việt sáng tỏa ra toàn thế giới, sau khi đất Việt được khắp các cường quốc chọn làm nơi thí nghiệm cả một cuộc chiến tranh tư tưởng rốt ráo và nóng bỏng. Sở dĩ Việt Nam đang là nơi tái diễn cuộc tổng hợp tư tưởng nhân loại là vì trải qua lịch sử, xứ sở chúng ta đã cùng Phật giáo tạo ra mấy cuộc Tập Ðại Thành về ý thức những tự ngàn xưa rồi.
Bằng chứng là: hơn một ngàn năm mâu thuẫn Tam giáo giữa Phật-Lão-Khổng đã đưa đến việc thống nhất tư tưởng vào lò “Tam giáo đồng nguyên”. Rồi sau đó hơn một thế kỷ liền Gia-Tô giáo du nhập vào đất Việt một cách nhọc nhằn để tạo thế đứng để rồi lại phải đương đầu với chủ nghĩa vô thần đang lan tràn như nước lũ vỡ bờ từ hơn hai mươi năm qua. Mà cuộc tranh đấu chính thức giữa Hữu thần Gia-Tô với Vô thần Mác xít về tư tưởng theo quan niệm Phật giáo tất sẽ đi tới chỗ tổng hợp theo tinh thần tổng hợp Tam Giáo thời Lý-Trần xưa và hiện nay tại các quốc gia Âu Mỹ mà thôi. Nhưng còn về mặt thực tế hành động thì Phật giáo chỉ thành công với sứ mệnh của mình: khi nào Thế giới Tự do tách rời miền Bắc khỏi bàn tay xâm lược của Trung cộng. Và khi Phật tính tiềm tàng trong lòng dân miền Bắc sống dậy với ý chí độc lập và tinh thần dân tộc tại miền Nam mới có thể thống nhất quốc gia về một mối. Phật giáo đã không bao giờ là cộng sản thì Phật giáo cũng không bao giờ lại đi theo cộng sản hay chống cộng bằng phương pháp của cộng sản nên Phật giáo cần làm sống lại Phật tính trong lòng người cộng sản để họ trở về với dân tộc hơn là việc đòi tiêu diệt hết bất cứ lớp người nào. Vì như thế không hợp với tinh thần hóa địch của Phật giáo.
Phật giáo đã có một lập trường một lý tưởng và một thái độ rất rõ rệt để cùng với Lão, Khổng xưa mà không bị hóa, tất nhiên Phật giáo vẫn đủ sức sống với tinh thần bất diệt của mình trong đại gia đình dân tộc sau này.
Ðạo Phật lại cũng không coi chỗ khác biệt tư tưởng về tôn giáo mà cho là không thể dung hóa được nhau. Vì chỗ khác biệt đó chỉ là khác về phương tiện chứ không phải khác về mục đích làm tốt đẹp xã hội và đưa con người tới chân lý. Khi mà tất cả đều cho là: Chân lý chỉ có một, lẽ phải chỉ có một.
Ðiều mà người ta đều chê trách Phật giáo cũng như Phật giáo đã tự phê bình mình là: Phật giáo đã quá rộng rãi, quá thương người, thương dân tộc và quá nhiệt thành với vấn đề thống nhất dân tộc, nên rất có thể bị cộng sản lợi dụng. Khuyết điểm này, Phật giáo nhìn nhận là đúng trong giai đoạn khi mà ma quỷ tính còn trà trộn vào Phật tính, nhưng nó sẽ không đúng khi thời cuộc trắng đen đã rõ rệt. Phật tính đã thắng ma quỷ tính do thời gian đem lại.
Ðể kết thúc bài tiểu luận về phương pháp tranh đấu của Phật giáo này, người Phật tử rất tin tưởng ở Phật tính sẵn có trong lòng mỗi người dân Việt. Phật tính ấy sẽ thắng tất cả, bằng Vạn thắng pháp của mình là: thắng bằng lý tưởng Phật,bằng phương pháp và phương tiện của nguồn giáo lý Phật để cùng các đoàn thể bạn tiến tới việc xây dựng một nhân loại văn minh đúng nghĩa.
THÁI ÐẠO THÀNH
(Cố hòa thượng Thích Ðức Nhuận)
(Trích Xây Dựng Nhân Sinh Quan Phật Giáo của Thái Ðạo Thành, tức cố hòa thượng Thích Ðức Nhuận. Ấn quán Ðại Học Vạn Hạnh xuất bản lần thứ nhất 20 tháng 1, 1969)