Tuesday, July 24, 2018

Kịch bản - Âm điệu đêm lửa trại

Âm Điệu Đêm Lửa Trại – Nguyên Túc
Tiếng Đêm - Photo: BXK
Âm Điệu Đêm Lửa Trại – Nguyên Túc

Thưa quý anh chị,

Mùa Hè đã tới rồi, những ngày vui trại đang chờ đón các em mình — chắc chắn các anh chị em cũng đang tìm tòi, khám phá những cái mới trong sinh hoạt mang về đất Trại để chia sẽ cùng các em. NTu’c có vài kinh nghiệm chia sẽ với các anh chị em.

Trước hết, Đêm Lửa Trại có thể chia làm 4 phần:

1. Gọi Lửa
2. Nhảy Lửa
3. Quanh Lửa
4. Tàn Lửa

Có 3 nhân vật chính trong Đêm Lửa Trại: Quản Lửa, Quản Trò và Quản Ca;

Quản Lửa: Thầy Phù Thủy của ánh sáng và bóng đêm – vai trò quan trọng của Đêm Lửa Trại.
Quản Trò: Linh hồn của đêm Lửa Trại
Quản Ca: Làm chủ âm điệu của đêm Lửa Trại

Ở đây, Nguyên Túc xin giới thiệu với các anh chị em một bài hát mới có thể dùng trong phần Gọi Lửa của Quản Ca. Có dịp mình sẽ nói nhiều hơn về Quản Lửa và Quản Trò. Cả ba vai trò đều hợp tác ăn ý, đồng điệu … để có 1 đêm Lửa Trại tuyệt vời.

“Đêm đến đã lâu rồi…. sau một ngày trại, vui chơi sinh hoạt bên nhau, đã biết tên nhau, đã nắm tay nhau, cùng nhìn nhau… biết nhau. Giờ ngồi đây…

Giờ ngồi đây, bên cánh rừng xào xạc lá hoàng hôn
Xa xa, lời gió gọi mây… tiếng sóng vỗ bờ… tiếng dế chào đón màn đêm…

Chúng ta ngồi yên lặng trong một vòng tròn, bên cánh rừng đó

Một nửa vòng tròn, bắt đầu gọi nhỏ:

— Bạn Hỡi !

Một nửa vòng tròn trả lời:

— Bạn ơi !

Một nửa vòng tròn, bắt đầu gọi to hơn:

— Bạn Hỡi !

Một nửa vòng tròn trả lời to hơn:

— Bạn ơi !

Những tiếng gọi nhau: Bạn hỡi, bạn ơi … sẽ tạo ra những chuổi tiếng dội kéo chúng ta lại gần nhau hơn; gần thiên nhiên hơn…

Cả vòng tròn đều hát:

— Hãy yên lắng nghe tiếng đêm về ! Hãy yên lắng nghe tiếng đêm về !

Một nửa vòng tròn nghe lá xào xạc và hát trước:

— Kìa tiếng Lá xào xạc trên cây

Một nửa vòng tròn nghe gió vút trời mây và hát theo:

— Kìa tiếng gió gởi lời cho Mây

Một nửa vòng tròn nghe tiếng sóng tự tình với bờ cát và hát :

— Kìa tiếng Sóng rời bờ xa khơi

Một nửa vòng tròn nghe tiếng Dế nỉ non, và hát:

— Kìa tiếng Dế ôm đàn chơi vơi !

Một nửa vòng tròn, bắt đầu gọi lại:

— Bạn Hỡi !

Một nửa vòng tròn trả lời:

— Bạn ơi !

Một nửa vòng tròn, bắt đầu gọi to hơn:

— Bạn Hỡi !
Một nửa vòng tròn trả lời to hơn:
— Bạn ơi !

Và lặp lại đoạn

Hãy yên lắng nghe tiếng đêm về ! Hãy yên lắng nghe tiếng đêm về !
Kìa tiếng Lá xào xạc trên cây
Kìa tiếng Gió gởi lời cho Mây
Kìa tiếng Sóng rời bờ xa khơi
Kìa tiếng Dế ôm đàn chơi vơi
Bạn hỡi ! Bạn ơi!
Bạn hỡi ! Bạn ơi!

Cả vòng tròn:

Hãy yên lắng nghe tiếng đêm về ! Hãy yên lắng nghe tiếng đêm về!
Tiếng đêm thì thầm.. Gọi mời ta CA A A A A
[vào Phần Nhảy Lửa] Lửa Hồng cháy bừng toả hào quang …

Nhạc:

Monday, July 23, 2018

TỦ SÁCH ÁO LAM - ĐẠO TRÀNG LAM VIÊN

TỦ SÁCH ÁO LAM - ĐẠO TRÀNG LAM VIÊN 
Cố Hoà thượng Thích Thiện Minh - Sáng lập viên GĐPT

Lời dẫn: Xin mượn lời của một người bạn Huynh trưởng Huyền Trang IV âm thầm làm việc trong những năm qua. Anh tâm sự, "Mình thích làm việc sau lưng sân khấu, không thích khoe danh tánh... vì không muốn bản ngã lớn theo tên tuổi ☺." Anh tâm sự thêm, "Cần anh em nghiên cứu bộ sách Việt ngữ  và nếu được giới thiệu rộng rãi dùm." Vây xin trân trọng giới thiệu, Tủ Sách Áo Lam cùng với bạn đọc và mong phổ biến rộng rãi. (Trang này sẽ được cập nhật mỗi tháng. Nếu có tài liệu gì quý, xin gởi cho.)


TÀI LIỆU - EM HỌC VIỆT NGỮ

TÀI LIỆU GĐPT

TÀI LIỆU HOA ĐÀM

TÀI LIỆU PHẬT PHÁP

TÀI LIỆU NHẠC SINH HOẠT TRONG GĐPT

TÀI LIỆU NHẠC SINH HOẠT GĐPT CỦA VÕ TÁ HÂN

TÀI LIỆU NHẠC CHẾ LỜI

TÀI LIỆU GÚT


Tài Liệu Băng Giảng  Hay của Ni Trưởng Trí Hải

Kho Sách Quý
Nhạc của Nguyên Túc - Nguyễn Sung 

Sunday, July 22, 2018

Nghĩ Về Án Tử Hình

Nghĩ Về Án Tử Hình
Nguyên Giác

Người con Phật nghĩ gì về án tử hình?
Đứng về phương diện cá nhân, rất minh bạch rằng không Phật tử nào ủng hộ án tử hình. Đứng về phương diện quốc gia, thực tế là rất nhiều quốc gia -- nơi Phật giáo gần như quốc giáo, như Thái Lan, Miến Điện, Sri Lanka… -- vẫn duy trì và thực hiện án tử hình.
Tại Thái Lan, án tử hình dùng để trừng phạt cho 35 tội hình sự, trong đó có tội sát nhân và buôn ma túy. Miến Điện cũng thế. Điểm hay là ở chỗ, hai quốc gia này tuyên án tử hình, nhưng rất ít khi thi hành án tử.
Các quốc gia có đông dân số Phật tử -- như Trung Quốc, Việt Nam, Nhật Bản, Singapore, Đài Loan… -- vẫn áp dụng án tử hình, và thường xuyên thi hành án tử.
Về phía kinh điển, lời dạy rất minh bạch. Kinh Pháp Cú, bản dịch của Hòa Thượng Thích Minh Châu viết:


129. Mọi người sợ hình phạt,Mọi người sợ tử vong.Lấy mình làm ví dụKhông giết, không bảo giết.


130. Mọi người sợ hình phạt,Mọi người thương sống còn;Lấy mình làm ví dụ,Không giết, không bảo giết.


Trong Kinh Trung Bộ 21 -- Kinh Ví dụ cái cưa, Đức Phật nói cụ thể rằng cho dù có bị một bọn cướp cưa tay, rồi cưa chân thì mình cũng đừng bao giờ khởi tâm căm giận, phải luôn luôn mở tâm từ bi hướng về những tên cướp đó. Bản dịch của Hòa Thượng Thích Minh Châu trích như sau:
“…Chư Tỷ-kheo, như những kẻ đạo tặc hạ liệt, dùng cưa hai lưỡi mà cưa tay, cưa chân; dầu vậy, nếu một ai ở đây khởi ý nhiễm loạn, người ấy do vậy không phải là người thực hành giáo pháp của Ta. Ở đây, chư Tỷ-kheo các Ông phải học tập như sau: “Chúng ta sẽ giữ tâm của chúng ta không biến nhiễm; chúng ta sẽ không thốt ra những lời ác ngữ; chúng ta sẽ sống với lòng lân mẫn, với tâm từ bi, với nội tâm không sân hận. Chúng ta sẽ sống bao phủ người này với tâm câu hữu với từ. Và với người này là đối tượng, ta sống biến mãn cùng khắp thế giới với tâm câu hữu với từ, quảng đại, vô biên, không hận, không sân”. Chư Tỷ-kheo, các Ông cần phải học tập như vậy.”
Khó, rất khó vậy. Đó là phương diện tu học. Về phương diện trị nước, là khác. Vì khi quốc biến, người Phật tử phải ra trận, bất đắc dĩ phải phạm nghiệp sát, đó là lúc cần khởi Bồ đề tâm để không lạc tâm vào bất kỳ những niệm dữ nào.
Nhưng, câu hỏi là, án tử hình có hiệu lực trị an, có thể giúp xóa các tội về ma túy, sát nhân, cướp bóc hay không? Đây là cuộc tranh cãi lớn của nhiều thập niên vừa qua. Tất cả các quốc gia đang duy trì án tử hình đều xem đó là giải pháp ngăn cản tội ác hữu hiệu nhất.
Mạng Wikipedia ghi nhận rằng Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc đã thông qua, trong năm 2007, 2008, 2010, 2012 và năm 2014, các nghị quyết không ràng buộc kêu gọi đình chỉ tử hình toàn cầu, nhằm cuối cùng bãi bỏ. Tại các quốc gia thành viên Liên Âu, theo Hiệp ước Lisbon, Điều 2 của Hiến chương các Quyền Căn bản của Liên minh châu Âu cấm hình phạt tử hình. Ngoài ra, hội đồng châu Âu, mà có 47 quốc gia thành viên, cấm các quốc gia thành viên áp dụng luật tử hình. Ngược lại, nhiều quốc gia như Trung Quốc, Hoa Kỳ, Nhật Bản, Singapore... vẫn sẽ duy trì án tử hình với mục đích tạo hình phạt đủ sức răn đe với các loại tội phạm nghiêm trọng, nhằm đảm bảo an ninh chung cho xã hội. Hơn 65% dân số thế giới sống tại các quốc gia nơi có án tử hình, và bốn quốc gia đông dân nhất thế giới (Cộng hoà Nhân dân Trung Hoa, Ấn Độ, Hoa Kỳ và Indonesia) vẫn đang áp dụng hình phạt tử hình và dường như sẽ không xoá bỏ nó trong một tương lai gần.
Tính đến cuối năm 2015, trên thế giới 65 quốc gia vẫn còn luật tử hình, 103 quốc gia đã hoàn toàn bãi bỏ luật này, 6 nước bãi bỏ cho những tội thông thường (chỉ tuyên tử hình với những tội đặc biệt như tội ác chiến tranh), và 30 bãi bỏ trên thực tế.
Có nhiều quốc gia giữ kín các thống kê về án tử hình.
Trong một thống kê về năm 2017, cho thấy Trung Quốc là nơi ra nhiều án tử hình nhất, và thực thi nhiều án này nhất thế giới. Rồi tới các quốc gia Hồi giáo.
Nếu nói rằng quốc gia đông dân, tất có nhiều án tử hình, điều này chỉ đúng với Trung Quốc, Pakistan… Riêng Ấn Độ (dân số: 1.32 tỷ dân trong năm 2016) rất ít dùng án tử hình; kể từ năm 1995 tới giờ, Ấn Độ chỉ thực thi 5 án tử hình.
Bhutan và Nepal là các quốc gia từ bi, đã chính thức hủy án tử hình từ lâu.
Khi nhìn về Khối ASEAN, chỉ duy nhất Cam Bốt là quốc gia duy nhất chính thức xóa bỏ án tử hình trong bộ hình luật. Nước Lào chưa chính thức xóa bỏ án tử, nhưng dường như không thi hành án tử nào.
Trong khi đó, Trung Quốc kêu án tử hình hơn 1,000s trường hợp và thực thi án tử hơn 1,000s trong năm 2017.
Nếu tính các án tử hình thực thi trong năm 2017, nhóm 10 quốc gia thi hành án tử nhiều nhất là (dấu + là ‘nhiều hơn’):

1. Trung Quốc (1,000s, hiểu là hơn cả ngàn trường hợp thi hành án tử); 2. Iran (507+);3. Saudi Arabia (146+);4. Iraq (125+); 5. Pakistan (60+);6. Egypt (35+);7. Somalia (24);8. Hoa Kỳ (23).

Nếu chỉ tính bản án tử hình nhiều nhất do tòa đưa ra, không đếm việc thi hành án, trong năm 2017, sẽ thấy nhiều nhất là nhóm 6 quốc gia này:

1. Trung Quốc (1,000s);2. Nigeria (641);3. Egypt (402+);4. Bangladesh (273+);5. Sri Lanka (218);6. Pakistan (200+).

Điều ngạc nhiên nhìn thấy, nơi Phật giáo gần như quốc giáo là Sri Lanka, nơi dân số chỉ khoảng 22.1 triệu người, lại kêu án tử hình nhiều thứ 5 thế giới, nhiều hơn cả Pakistan, nơi có 193.2 triệu dân. Nhưng con số án tử hình cho công dân Sri Lanka thực ra rất phức tạp.
Theo một phân tích, trung bình mỗi năm có ít nhất 150 công dân Sri Lanka, hầu hết là phụ nữ, bị xử tử hình. Họ là các phụ nữ xuất khẩu lao động sang Trung Đông (đa số là các nước Hồi giáo) làm tớ gái, bị các tòa kết án vì nhiều lý do, và rồi nằm trong quan tài hồi hương.
Thêm nữa, quốc gia Sri Lanka, sau khi cuộc nội chiến kết thúc năm 2009, trở thành một trung tâm ma túy thế giới. Điều này giải thích cho thấy vì sao Sri Lanka, nơi có nhiều thánh địa Phật giáo này, cũng có nhiều án tử hình. Có răn đe được hay  không cũng là chuyện để tranh cãi.
Điểm để suy nghĩ: nhiều án tử hình được minh oan. Nghĩa là, đã có nhiều người chết oan.
Như tại Hoa Kỳ, một thống kê cho thấy kể từ năm 1973 tới giờ, đã có 153 tử tội được minh oan để xóa án; may mắn, còn có hệ thống tư pháp xét đi, xét lại kỹ như thế. Một phần nữa, vì án tử hình tại Hoa Kỳ để nhiều năm sau mới thi hành án, và các luật sư biết cách kéo dài thủ tục kháng án để đi tìm thêm chứng cớ mới, nhằm cho thấy hoặc lời khai nhân chứng khó tin, hoặc chứng cớ ngoại phạm khả tín, hoặc cảnh sát làm sai thủ tục tố tụng…
Riêng trường hợp Việt Nam, một hồ sơ rất xúc động đang được chú ý: anh Đặng Văn Hiến bị kêu án tử hình và gia đình đang gửi đơn xin cứu xét, xin giảm án…
Báo Người Lao Động ngày 17/07/2018 viết:
Vừa đọc xong bản tin trên Báo Người Lao Động về việc Chủ tịch nước chỉ đạo kiểm tra việc điều tra, truy tố, xét xử vụ án của chồng, bà Mai Thị Khuyên (vợ tử tù Đặng Văn Hiến) bật khóc và nói lời cảm ơn Chủ tịch nước.
Bà Khuyên cho biết mấy ngày qua bà đã tới nhiều cơ quan Trung ương gửi đơn xin cứu xét, giảm án tử hình cho chồng…”(ngưng trích)
Chủ tịch nước Trần Đại Quang sẽ ân xá anh Đặng Văn Hiến hay không, trong khi nhiều ngàn trí thức và các nhà vận động nhân quyền đã kêu gọi ân xá cho anh? Chúng ta không đoán được diễn tiến tương lai. Cũng không thể đoán được phản ứng của ông Chủ tịch họ Trần, người dường như trong gia tộc có nhiều thân nhân là tăng hay ni, nghĩa là những vị chủ trương hiếu sinh.
Bài viết này chỉ xin góp thêm một lời để xin tha mạng anh Đặng Văn Hiến, vì anh chỉ là nạn nhân trong một guồng máy xã hội  vận hành bất toàn như thế.

Saturday, July 21, 2018

Người Áo Lam: Anh Chị Nghĩ Gì, Làm Gì Khi Đã Một Lần Khoác Chiếc Áo Lam và Cài Hoa Sen Trắng

Người Áo Lam: Anh Chị Nghĩ Gì, Làm Gì Khi Đã Một Lần Khoác Chiếc Áo Lam 

và Cài Hoa Sen Trắng 

Tâm Huy Huỳnh Kim Quang


Cư sĩ Tâm Huy Huỳnh Kim Quang (Ảnh: Uyên Nguyên)

(Bài nói chuyện tại Trại Tình Lam,
Hội Ngộ Cựu Đoàn Viên Long Hoa Liên Châu 2018)


Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật
Kính bạch chư Tôn Đức,
Thưa quý anh chị em,
Thật là niềm vinh dự và nỗi vui mừng lớn lao cho tôi khi gặp lại anh chị em là những người đã từng một thời có duyên lành khoác chiếc Áo Lam và cài Hoa Sen Trắng lên người tại các trại tị nạn Đông Nam Á cách nay hơn 30 năm trong hành trình đi tìm tự do đầy gian nan và nguy khốn.
Chính trong sự gian nan và nguy khốn khôn lường đó mà tôi tin chắc rằng tất cả chúng ta đều thâm cảm được cái giá rất đắt của tự do và do vậy chúng ta đều luôn luôn trân quý sự tự do của mình và của mọi người.
Ba mươi năm là chặng đường dài của đời người. Về mặt xã hội học, đó là thời gian của một thế hệ con người. Ba mươi năm qua, có biết bao đổi thay trong cuộc sống cá nhân của mỗi người chúng ta, trong vận hành lịch sử điêu linh của dân tộc Việt, cũng như trong bối cảnh bất an thường trực của cộng đồng nhân loại.
Nhưng chắc chắn có một điều vẫn chưa hề nhạt phai, đó là những kỷ niệm, tình cảm và ký ức của chúng ta về một thời ở các trại tị nạn, như Pulau Bidong, Sungei Besi, Galang, Baataan, v.v… Chính sự có mặt của đông đảo chư Tôn Đức và anh chị em nơi đây đã nói lên điều đó.
Tuy nhiên, sự hội ngộ của chúng ta hôm nay còn có cái duyên khác nữa, đó là màu Áo Lam, là niềm tin của người Phật Tử đối với Đạo Pháp, là lý tưởng đem Đạo Phật vào Đời của một đoàn sinh hay huynh trưởng Gia Đình Phật Tử Việt Nam. Lý tưởng đó cao đẹp biết bao, nhất là trong bối cảnh của thế giới nhiều bất an và khủng hoảng, trong cuộc sống đầy nhiễu nhương và khổ não như hiện nay!
Hơn 30 năm trước, trong thân phận là người tị nạn từ bỏ quê hương ra đi vì không thể sống được với chế độ cộng sản, chúng ta từng trải qua những đau thương và mất mát trên đường vượt biên, vượt biển. Khi đến được các trại tị nạn, điều mà chúng ta có thể làm được để xoa dịu những vết thương, để tìm đến với nhau trong tình người, tình đạo, và để giải thoát phần nào những khổ nạn mà chúng ta gánh chịu trên hành trình tìm tự do là đến với Đạo Phật, đến với sinh hoạt Gia Đình Phật Tử, bởi vì, Phật Pháp là liều thuốc hữu hiệu giúp chúng ta trị bệnh khổ thân và tâm, và bởi vì sinh hoạt Gia Đình Phật Tử giúp chúng ta lấy lại niềm tin vào con người và mở cánh cửa tương lai tươi sáng cho cuộc đời mình trên bước đi vững chãi của Từ Bi, Trí Tuệ và Dũng Lực.
Trong thời gian ở tại các trại tị nạn tại Mã Lai và Phi Luật Tân vào những năm 1986 và 1987 tôi thấy sinh hoạt Gia Đình Phật Tử lúc nào cũng đông đảo và nhộn nhịp. Những khuôn mặt của anh chị em GĐPT mà tôi gặp lúc bấy giờ đều vui vẻ và bình an, dù ở các trại tị nạn gặp nhiều khó khăn về đời sống vật chất và tinh thần.
Phải chăng, lúc đó chúng ta đã tìm được hướng đi đích thực cho đời mình?
Tôi nghĩ là như vậy. Bởi lẽ, chúng ta từ bỏ thế giới ngục tù cộng sản để đi tìm miền đất hứa tự do và chúng ta đã đạt được điều mơ ước ấy. Và bởi vì, chúng ta đã có cơ duyên tắm gội trong biển Giáo Pháp giải thoát của Đức Phật có khả năng thăng hoa đời mình lên phương trời tự do tuyệt đối để rũ sạch mọi trói buộc của phiền não khổ đau.
Đó là tất cả sắc thái và ý nghĩa dung chứa trọn vẹn trong màu Áo Lam mà một thời tại các trại tị nạn Đông Nam Á anh chị em chúng ta đã có duyên lành khoác lên mình.
Còn bây giờ thì sao? Sau hơn ba mươi năm, anh chị em chúng ta có còn giữ được lý tưởng của Người Áo Lam?
Có thể nhiều người trong chúng ta không có đủ cơ duyên để tiếp tục khoác chiếc Áo Lam và sinh hoạt trong Gia Đình Phật Tử khi được định cư ở đệ tam quốc gia. Không sao hết. Anh chị em đừng ngại, bởi vì đó là hoàn cảnh sống mỗi người mỗi khác nhau.
Điều quan trọng là anh chị em chúng ta có giữ được lý tưởng của Người Áo Lam không?
Nếu không, thì cũng đừng ngại, vì chúng ta vẫn còn có cơ duyên để hâm nóng lại lý tưởng Người Áo Lam ngay bây giờ và tại nơi này.
Có lẽ anh chị em vẫn còn phân vân không hiểu tại sao việc giữ gìn lý tưởng của Người Áo Lam lại quan trọng đến như thế.
Tôi xin đặt lại vấn đề một cách cụ thể hơn để chúng ta hiểu rõ tại sao việc giữ gìn lý tưởng Người Áo Lam lại quan trọng trong đời sống thường nhật của chúng ta.
Có lẽ chúng ta nên phân biệt rõ hơn một chút giữa việc giữ gìn lý tưởng Người Áo Lam và việc sinh hoạt trong các đơn vị Gia Đình Phật Tử. Phân ra như vậy chúng ta sẽ nhìn thấy vấn đề sáng hơn.
Giữ gìn lý tưởng Người Áo Lam tức là đem lý tưởng của một thành viên trong tổ chức Gia Đình Phật Tử mà một thời mình đã gắn bó vào trong cuộc sống của mình từng ngày, từng giờ, từng phút giây.
Vậy thì lý tưởng Người Áo Lam là gì?
Là tự thân chúng ta thực hành Phật Pháp trong cuộc sống đời thường và đem Phật Pháp đến cho mọi người thân trong gia đình cũng như cho cộng đồng xã hội.
Đó chính là lý tưởng được nêu ra từ ban đầu cách nay trên 70 năm của tổ chức Gia Đình Phật Hóa Phổ, là tiền thân của Gia Đình Phật Tử Việt Nam, tức là đem Phật Pháp để chuyển hóa gia đình một cách sâu rộng.
Phật Pháp quý giá như thế nào mà cần được phổ cập trong mỗi gia đình?
Phật Pháp là thần dược trị bệnh thân tâm cho tất cả mọi người. Trên đời này, không ai thoát khỏi đau khổ. Đau khổ có loại thuộc về thể xác, có loại thuộc về tâm thức, đó là thân bệnh và tâm bệnh. Ngày nay, các nghiên cứu y khoa cho thấy rằng trạng thái tâm lý ảnh hưởng rất lớn tới sức khỏe và bệnh tật của cơ thể vật lý con người.
Nhiều nghiên cứu khoa học cũng cho thấy rằng thực hành thiền định đúng cách và đều độ giúp chúng ta giải thoát được những căng thẳng tinh thần và thể xác để có thể trị liệu rất nhiều bệnh tật. Phương pháp Thiền Chánh Niệm (Mindfulness Meditation) đang được phổ biến khắp thế giới và hàng triệu người thực hành có hiệu quả.
Hơn nữa, sự hiểu biết Phật Pháp và thực hành Phật Pháp trong đời thường sẽ giúp chúng ta giải thoát khỏi những trói buộc của định kiến, thành kiến, cố chấp, ngã mạn, kiêu ngạo, đố kỵ, giận dữ, tham lam, thù hận, v.v… Sự an lạc và hạnh phúc sẽ đến với chúng ta nhiều hay ít là tùy thuộc vào sự thực hành Phật Pháp của chúng ta để chuyển hóa những phiền não khổ đau ấy đến mức nào.
Thí dụ, nếu chúng ta nỗ lực thực hành Phật Pháp — bằng nhiều cách như thường xuyên chiêm nghiệm về tính vô thường hay sự mỏng manh của tất mọi thứ trên đời này —  để giảm bớt cố chấp, giận dữ thì khi gặp chuyện gì đó trong gia đình, chúng ta sẽ bình tĩnh để ngồi xuống nói chuyện một cách thân thiện với người thân để tìm hiểu sự việc và giải quyết vấn đề trọn vẹn cả tình và lý. Nếu không thực hành Phật Pháp mà để cho những thành kiến, cố chấp, sân si chế ngự bản thân, thì chúng ta dễ dàng suy nghĩ, nói và hành động lỗ mãn, giận dữ, hung bạo dẫn đến sự đổ vỡ tình thân trong gia đình và không giải quyết được chuyện gì cả.
Tự thân chúng ta có thực hành Phật Pháp thì mới chứng thực được rằng Phật Pháp là thuốc hay để trị bệnh khổ và mới có tự tin để giới thiệu Phật Pháp đến cho người thân trong gia đình, hay cho những người chung quanh. Nếu bản thân chúng ta không thực hành Phật Pháp, không tự chứng thực được Phật Pháp hiệu quả như thế nào thì chúng ta lấy gì để giới thiệu đến cho người khác. Hơn nữa, khi chúng ta giới thiệu Phật Pháp cho con cái và người thân trong gia đình, thì người thân của chúng ta sẽ lấy chúng ta làm thước đo về hiệu quả thực hành Phật Pháp để có quyết định đến với Phật Pháp hay không. Chẳng hạn, chúng ta khuyên con cái đi Chùa, học Phật để bớt khổ đau, nhưng thực tế hàng ngày trong gia đình chúng ta thường xuyên than khổ, thường xuyên bị bức bách vì đủ thứ chuyện, thường xuyên giận dữ, sân si, thì làm sao con cái có thể tin Phật Pháp mà đi theo.
Từ đó mới thấy rằng, khi tự thân chúng ta thực hành Phật Pháp có kết quả và đem Phật Pháp giới thiệu với người thân trong gia đình là cách giữ gìn lý tưởng của Người Áo Lam có ý nghĩa và lợi lạc thực sự.
 Cho nên quý anh chị em đừng nghĩ rằng mình không có điều kiện tiếp tục  mặc chiếc Áo Lam và sinh hoạt trong đơn vị Gia Đình Phật Tử thì có nghĩa là chôn vùi lý tưởng Người Áo Lam.
Không đâu! Lý tưởng Người Áo Lam mà một thời chúng ta đã có duyên thực hành tại các trại tị nạn hay đâu đó cần phải được tiếp tục giữ gìn một cách trân quý để mang lại lợi ích và cuộc sống cao đẹp cho chúng ta và cho những người chung quanh.
Làm được như vậy há không phải là một cách nào đó chúng ta đã thực hiện thành công lý tưởng của tổ chức Gia Đình Phật Tử Việt Nam là đem Đạo Phật vào cuộc sống gia đình rồi hay sao?
Thưa quý anh chị em,
Tôi nghĩ chắc trong này cũng có anh chị em từ đó tới giờ vẫn còn mặc chiếc Áo Lam và sinh hoạt trong Gia Đình Phật Tử. Đó là phước duyên lớn của đời người, bởi vì trong màu Áo Lam dịu dàng ấy tỏa sáng 3 đức tính cao quý của một đoàn viên Gia Đình Phật Tử Việt Nam: Bi, Trí, Dũng.
Đúng thế, phát nguyện làm một thành viên của Gia Đình Phật Tử Việt Nam là phát nguyện dấn thân vào con đường đem Đạo Pháp vào gia đình qua phương thức giáo dục và nuôi dưỡng tuổi trẻ. Không có từ bi thì người huynh trưởng GĐPT làm sao thương yêu các em hết lòng để tận tình hướng dẫn. Không có trí tuệ thì người huynh trưởng GĐPT lấy gì và làm sao biết cách giáo dục cho tuổi trẻ. Không có sức mạnh của tinh tấn, kiên trì và nhẫn nại thì làm sao người huynh trưởng có thể tận tụy giúp các em từng bước đi lên trên con đường xây dựng nhân cách và phát huy Phật tính.
Bởi thế, làm một huynh trưởng GĐPTVN vừa là niềm tự hào, vừa là trọng trách tạo dựng tương lai cho Đạo Pháp và Dân Tộc.
Nhưng đối với những anh chị em nào chưa có thuận duyên để tiếp tục mặc chiếc Áo Lam và sinh hoạt trong Gia Đình Phật Tử thì ngoài việc giữ gìn lý tưởng Người Áo Lam trong cuộc sống thường ngày như vừa nói ở trên, chúng ta cũng có thể cố gắng sắp xếp công việc gia đình để đến với Gia Đình Phật Tử tại địa phương của mình để sinh hoạt trở lại, hay để hỗ trợ cho tổ chức Gia Đình Phật Tử Việt Nam qua nhiều lãnh vực mà chúng ta có thể làm được.
Một trong những điều mà anh chị em có thể làm đối với tổ chức Gia Đình Phật Tử Việt Nam là việc góp phần giữ gìn văn hóa truyền thống của dân tộc và Phật Giáo Việt Nam nơi xứ người.
Đây là một công tác vô cùng quan trọng, vì một dân tộc sẽ không còn nếu để mất đi bản sắc văn hóa đặc thù của mình. Điều này dễ thấy khi ta cứ nhìn vào lịch sử của dân tộc Việt Nam trên mấy ngàn năm qua. Nằm bên cạnh một đế quốc luôn luôn có dã tâm đồng hóa và xâm chiếm các lân bang như Trung Hoa mà ông bà tổ tiên của chúng ta có thể dựng nước và giữ nước tới ngày hôm nay là nhờ giữ gìn được nền văn hóa đặc thù của dân tộc Việt.
Giữ gìn văn hóa dân tộc nơi xứ người thì có nhiều cách, trong đó cách cụ thể nhất mà chúng ta có thể làm được là làm sao cho con cháu chúng ta không quên nề nếp, tập tục, lễ nghĩa của ông bà cha mẹ, nhất là không quên tiếng Việt. Cho nên nhà văn hóa lớn của Việt Nam là Cụ Phạm Quỳnh (1892-1945) đã nói rằng, “Tiếng ta còn, nước ta còn.” Tiếng ta ở đây là tiếng Việt. Tiếng Việt khác với tiếng Tàu, tiếng Tây. Cho nên dù bị Tàu đô hộ một ngàn năm hay Tây đô hộ một trăm năm thì nước Việt Nam, dân tộc Việt Nam vẫn còn, bởi vì tiếng Việt còn, văn hóa Việt còn.
Cũng chính vì thế, để giữ gìn truyền thống đa văn hóa mà nhiều chính phủ khuyến khích người di dân duy trì tiếng mẹ đẻ và nền văn hóa đặc thù của mỗi dân tộc nơi quê hương thứ hai. Cộng đồng người Việt tại hải ngoại trong suốt bốn thập niên qua đã ý thức được điều đó nên đã không ngừng nỗ lực giữ gìn văn hóa và tiếng Việt, đặc biệt cho con em.
Quý anh chị em có thể tiếp tay với tổ chức Gia Đình Phật Tử Việt Nam trong công tác giữ gìn văn hóa và tiếng Việt. Chẳng hạn, giúp dạy tiếng Việt cho con em người Việt tại các đơn vị Gia Đình Phật Tử, các Chùa, các trung tâm Việt ngữ, v.v…
Nói là giúp dạy tiếng Việt thực ra công tác này có ảnh hưởng sâu xa hơn nhiều đối với tương lai của người Việt di dân tại hải ngoại. Đó là công tác nuôi dưỡng và giáo dục những mầm non của giống nòi để cho con em chúng ta hiểu biết về nguồn gốc tổ tiên và ông bà cha mẹ từ quê nhà Việt Nam đến quê hương thứ hai. Đó cũng là cách để giúp cho các thế hệ đi sau chúng ta không bị mất gốc.
Nói đến quê hương Việt Nam, nơi mà đa phần anh chị em chúng ta đều sinh ra ở đó trước khi đi vượt biên, thì chúng ta vẫn còn có mối quan hệ gắn bó trong tình cảm thiêng liêng của nòi giống Lạc Việt. Mỗi người trong chúng ta một cách nào đó đều không quên số phận của hàng triệu đồng bào còn đang sống trong môi trường xã hội nhiều bất an vì không có tự do thật sự, và một đất nước đang bị hiểm họa xăm lăng từ Phương Bắc. Hãy làm điều gì đó mà mình có thể làm được để giúp dân tộc được tự do và giúp đất nước được toàn vẹn bờ cõi.
Để đúc kết phần nói chuyện hôm nay, tôi xin nhắc lại một bài ca dao rất ý nghĩa được truyền tụng trong dân gian Việt Nam từ xưa:
“Trong đầm gì đẹp bằng senLá xanh bông trắng lại chen nhụy vàngNhụy vàng bông trắng lá xanhGần bùn mà chẳng hôi tanh mùi bùn.”
Hoa sen là biểu tượng của đức tánh thanh tịnh và cao khiết trong mỗi chúng sinh mà trong Kinh Diệu Pháp Liên Hoa, Đức Phật đã lấy hoa sen làm thí dụ để khai thị về Phật tánh. Đó là lý do tại sao tổ chức Gia Đình Phật Tử Việt Nam lấy hoa sen trắng làm huy hiệu.
Anh chị em đã một lần khoác Áo Lam và cải Hoa Sen Trắng, thì hãy cố gắng sống theo hạnh “gần bùn mà chẳng hôi tanh mùi bùn” như hoa sen. Đó cũng là lý tưởng cao đẹp của người cài hoa sen trắng.
Thành kính tri ân chư Tôn Đức và cảm ơn quý anh chị em.
Kính chúc chư Tôn Đức đạo nghiệp viên thành.
Thân chúc quý anh chị em khỏe mạnh và tinh tấn.
Lakeview Park, Orange, Nam California, Hoa Kỳ, ngày 21 tháng 7 năm 2018
Tâm Huy Huỳnh Kim Quang

Thursday, July 19, 2018

KHÓI CHIỀU QUÊ NGOẠI

KHÓI CHIỀU QUÊ NGOẠI
(Khói Lam Quê Ngoại)
   Thơ Bạch X. Phẻ - Nhạc Ngô Tín. 

Quê Ngoại tôi thơm hoa đồng cỏ nội,

Biển và trăng lấp lánh ngàn sao
Ruộng vườn xưa nay vắng bóng người
Ai bỏ xứ ra đi tìm lẽ sống

Ngày về thăm ngỡ em còn trong mộng

Ngàn lung linh ánh mắt đợi chờ nhau 
Gặp người xưa đến đi như cơn mộng
Thì tiếc gì lận đận một vần thơ.

Dấu tích đó rêu phong ân nghĩa lớn

Người thương ơi! sao nhớ quá đi thôi.
Trong vạt nắng ta thấy mình giọt nước
Đổ về nguồn, thân phận kẻ mồ côi!

Núi Bà xưa kiên trung ngàn năm đợi

Chào bình minh chim hót lộng trời mây
Ruộng vườn xưa, bếp cũ nay không còn 
Người ra đi phương xa biền biệt trôi. 

For English, please click here. Đọc tiếng Anh, hãy bấm ở đây.

Bài này do nhạc sỹ Ngô Tín và ca sỹ Kiều Lệ thể hiện.




Tuesday, July 17, 2018

LỜI NGUYỆN CẦU AN LẠC THÁI BÌNH CHO THẾ GIỚI và TỰ DO DÂN CHỦ, NHÂN QUYỀN CHO VIỆT NAM

Designed by Quảng Pháp

LỜI NGUYỆN CẦU
AN LẠC THÁI BÌNH CHO THẾ GIỚI
TỰ DO DÂN CHỦ, NHÂN QUYỀN CHO VIỆT NAM

Ngưỡng lạy thập phương Chư Phật, Chư đại Bồ-tát, Chư Hiền Thánh Tăng từ bi chứng giám,

Ngưỡng vọng hồn thiêng sông núi,

Ngưỡng vọng anh linh chư vị khai quốc công thần, tiền bối hữu công, hữu danh vô danh, đã hy hiến cuộc đời và sinh mệnh cho công cuộc dựng nước, giữ nước cho giang sơn bền vũng bốn nghìn năm văn hiến của dòng giống Lạc Hồng.

Trong giờ phút trang nghiêm, lắng động này, lòng thành kính và nghị lực của mỗi một cá nhân hiện diện tại nơi đây đã lan toả khắp khuôn viên Như Lai Thiền Tự quyện cùng nhau tạo thành 1 làn sóng đầy hùng lực để chúng ta bắt đầu nghi thức thắp nến cầu nguyện.

Kính thưa Chư Liệt Vị

Mỗi một chúng ta đang tuần tự đón nhận ánh sáng trí tuệ, bình đẳng. Ánh sáng này dù chỉ là một khoảng sáng nhỏ nhoi nhưng đủ soi chiếu vào dòng đời để phá tan màn đêm vô minh si ám mang lại hơi ấm và niềm tin yêu thiết thực cho đời. Ngọn nến lung linh bé nhỏ nhưng đầy Bi Lực, Trí Lực và Dũng Lực đang từ tốn nhẹ nhàng truyền cho nhau và toả sáng khắp không gian này.

Ngọn nến lung linh thật nhiệm màu, tay chuyền tay nhận đẹp làm sao

Quang minh tỏ rạng nơi dương thế, soi sáng nhân gian bớt khổ sầu

Kính thưa hội chúng.

Giờ này ánh nến đã tràn ngập khắp nơi, ánh sáng của đêm cầu nguyện cho Quê hương Đất Việt đã làm ấm lại những tâm hồn hoang lạnh của những người con dân Nước Việt xa xứ. Ánh sáng tiếp nối ánh sáng, niềm tin tiếp nối niềm tin. Bằng nhiệt huyết cháy bỏng, bằng niềm băn khoăn trắc trở cao tột, những trái tim của những con xa quê tại Hải Ngoại đã hòa cùng chung nhịp đập với hàng triệu trái tim của đồng bào trong nước cất vang lời nguyện cầu Tự Do Dân Chủ, Nhân Quyền, Văn Minh, Bình Đẳng, và Vẹn Toàn Lãnh Thổ, Lãnh Hải cho Đất Mẹ Việt Nam. Mảnh đất mà Tiên Tổ đã hy sinh thân mạng mở mang và gìn giữ trên 4 nghìn năm từ 18 đời Quốc tổ Hùng Vương khai sơn dựng nước, rạng rỡ giống Tiên Rồng, đẹp nền văn hiến ngàn năm. Rồi đến thần uy các vị Quốc Vương từ Triều Đinh, Lê, Lý, Trần, bao đời gây nền độc lập, thiên hạ thái bình, đạo đức thơm lừng 4 hướng, đến oai linh các bậc tướng quân, các vị nhân tài hiền sĩ thao lược am tường binh pháp, trí tại thư phòng, dũng ngoài trận địa, tất cả đồng bảo vệ giang sơn, ngọn núi dòng sông đều nhớ oai phong chư vị. Thế mà ngày nay lại có những kẻ vô ân, khiếp nhược, tự lợi tư thù, đã biến giang sơn thành mảnh đất cho những tham vọng ngông cuồng, những mưu đồ bất chính. Mất đất, mất biển, mất cả sự kiêu hùng của Ông Cha để lại là nổi đau quặn thắc, như cơ thể bị cắt đi từng phần da thịt. Nghẹn đắng, lệ trào, cảm thương cho vận nước điêu linh, dân tình khốn đốn, khổ ải đau thương.

Giờ này chúng con cảm nghe từ tận đáy lòng:

Hương của đất còn thơm mùi đất Mẹ
Vị của nước vẫn mặn chất quê Cha

Nam mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật
Nam mô Đại Từ Đại Bi Quán Thế Âm Bồ Tát

Kính bạch Chư Tôn Đức Tăng Ni,

Kính thưa quý vị Lãnh Đạo các Tôn Giáo, quý Hội Đoàn cùng quý đồng hương, Phật tử

Nguồn suối từ bi đang tuôn chảy hoà cùng tâm thành kính của chính mình trong giờ phút trang nghiêm này, chúng con xin cung thỉnh chư Tôn Đức và toàn thể Đại chúng nâng cao ánh sáng ngọn nến lên trán hướng về Quê Cha Đất Tổ bên kia bờ Thái Bình Dương đồng quán niệm cầu nguyện:

- Nguyện cầu năng lượng Đại Hùng, Đại Lực nơi đây lan toả đến những người hèn yếu, tham tàn bạo ngược biết hối cải quay đầu, hợp sức cùng toàn dân đánh đuổi giặc Tàu, bảo vệ bờ cõi thiêng liêng của tiền nhân để lại.

- Nguyện cầu năng lượng Đại Từ, đại Bi nơi đây lan toả, soi chiếu đến những người si mê, tham quyền danh lợi, biết từ bỏ tham lam, biết yêu thương nòi giống, bao dung và lắng nghe lời hiệu triệu của toàn dân, lời cảnh giác của các hiền tài yêu nước, những nhà đấu tranh nhân quyền để xây dựng một tương lai tươi sáng cho dân tộc Việt Nam.

- Nguyện cầu năng lượng Đại Hỷ, Đại Xả nơi đây được lan toả, chan hoà đến những người bảo thủ, cố chấp, ích kỷ hẹp hòi sớm thức tỉnh hồi đầu, nhìn nhận sự thật mà trả lại tự do cho các nhà đấu tranh yêu nước vì tự do dân chủ, nhân quyền để quyền con người sớm được thực thi trên đất nước vốn nghèo và nhiều thống khổ.

Nguyện cầu hòa bình an lạc sẽ trở về trên quê hương Đất Mẹ Việt Nam để dòng giống con Lạc cháu Hồng có thể sánh vai cùng bạn bè thế giới, cùng chung hưởng giấc mơ văn minh thịnh trị, thái bình an lạc.

Trong giây phút lắng đọng trang nghiêm này, chúng con dâng trọn lòng thành ngưỡng nguyện oai lực Tam Bảo, phúc đức tổ tiên và hồn thiêng Đất Việt hộ trì cho mọi sở nguyện đều được thành tựu trên Đất Mẹ Việt Nam. Đồng thời cầu nguyện khắp năm châu địa cầu mau chấm dứt nạn đao binh chiến tranh, thù hằn khủng bố, tàn phá môi trường và hãy thay thế bằng những chất liệu thương yêu, cảm thông, bao dung và tha thứ để nhà nhà đều được an lành ấm no.

Nam mô tiêu tai giáng kiểt tường bồ-tát ma-ha-tát.
Bửu Thành - Phan Thành Chinh
PTB BHD GĐPT Việt Nam tại Hoa Kỳ

VẺ ĐẸP TỰ THÂN

"Ngồi đây ngồi cội Bồ Đề - Vững thân chánh niệm không hề lãng xao" - Photo: TienZomby 

VẺ ĐẸP TỰ THÂN

Dòng sông bao nhiêu nhánh
Mây cao có mấy tầng
Ai ơi đừng so sánh
Sông mây đẹp muôn ngần!



THE BEAUTY OF SELF

How many branches does a river have?
How many layers does the cloud possess?
Stop comparing and distinguishing

Both the river and the cloud have their own uniqueness and beauty.