Tuesday, October 22, 2019

Từ Hội sách San Jose, nghĩ về văn hóa đọc

Từ Hội sách San Jose, nghĩ về văn hóa đọc
Nguyên Minh - Nguyễn Minh Tiến
Bài viết, tiểu luận, truyện ngắn - Từ Hội sách San Jose, nghĩ về văn hóa đọc
Thời gian gần đây, “văn hóa đọc” dường như đã trở thành một mỹ từ thường xuyên được nhắc đến với nhiều bài viết rất tha thiết, rất nhiệt tình cổ xúy chuyện đọc sách giấy, nhất là đối với thế hệ trẻ hiện nay. Thử vào Google và nhập từ khóa tìm kiếm là “văn hóa đọc”, chúng ta dễ dàng tìm thấy hàng loạt các bài viết loại này của nhiều tác giả trong cũng như ngoài nước. Mặc dù vậy, tác động thúc đẩy hay tạo chuyển biến trong thực tiễn dường như chưa được là bao.

Không cần nhìn đến những con số thống kê này nọ liên quan đến lãnh vực này, mà dường như lúc nào cũng “về phe” với những người không mấy khi đọc sách - vì chúng luôn nói lên rằng họ đang thuộc về đa số, chỉ cần tìm hiểu ngay từ các em trẻ tuổi quanh ta, ngay trong gia đình cũng như ngoài xã hội, có phần chắc chắn là quý vị sẽ thấy rằng việc gặp được những em thực sự ham mê đọc sách dường như là hết sức hiếm hoi.

Đã có quá nhiều những phân tích về nhiều nguyên nhân khiến thói quen đọc sách dần dần mai một trong thế hệ trẻ hiện nay, nên bài viết này sẽ không lặp lại. Vấn đề tôi muốn nêu lên ở đây là sự nhìn nhận đúng về thực tế đang diễn ra và cùng nhau bàn đến những phương thức tích cực, hiệu quả để góp phần chuyển biến thực trạng hiện nay theo hướng tốt hơn.

Trong một chừng mực nào đó, chúng ta có thể phải thừa nhận một thực tế là mọi khuynh hướng xã hội đều vận hành theo quy luật tự nhiên của nó, và những gì không còn phù hợp với hôm nay tất yếu phải bị cộng đồng đào thải. Nhìn lại trong lịch sử, khi Nho học bị đào thải bởi sự phát triển của chữ Quốc ngữ, một nhà Nho đã thống thiết kêu lên:

“Đạo học ngày nay đã chán rồi,
Mười người đi học, chín người thôi.”
(Than đạo học - Trần Tế Xương)

Thế nhưng sự đào thải đó là tất yếu và không ai có thể cưỡng lại được. Xét cho cùng, xã hội phát triển được cũng chính là nhờ quy luật đào thải đó.

Tuy nhiên, sự suy thoái của văn hóa đọc lại cần phải nhìn từ một góc độ khác, bởi nó không phải là một sự “đào thải tất yếu” như “cái học nhà Nho” trong quá khứ. Nó là một hiện tượng không đang có mà thế hệ cha anh đi trước cần phải nhận về mình phần trách nhiệm là đã không duy trì được thói quen đọc sách vốn có của thế hệ mình để truyền lại đến thế hệ tiếp theo.

Một số độc giả có thể không tán thành với nhận định này và sẵn sàng đổ lỗi cho Internet, cho khối lượng thông tin ảo khổng lồ mà các em ngày nay có thể dễ dàng tiếp cận mọi lúc mọi nơi. Tôi đồng ý một phần với những lý do này, nhưng xin quý vị một điều là hãy quay nhìn lại chính mình. Trong thời gian con em của quý vị lớn lên trong gia đình, có bao nhiêu lần các cháu, các em được nhìn thấy quý vị say mê đọc một cuốn sách? Và nếu thời gian này không nhiều lắm, xin đừng trách các em vì sao không có được một thói quen đọc sách ngay từ thuở nhỏ.

Nếu có quý vị nào trả lời theo hướng tích cực với câu hỏi trên, tôi xin nghiêng mình bái phục, nhưng trong đa số trường hợp tôi nhìn thấy, thì hầu hết người lớn chúng ta trong những năm qua dường như đã quá bị cuốn hút vào những thay đổi trọng đại trong đời sống. Hoàn cảnh gia đình, môi trường xã hội, định chế sinh hoạt v.v... đã khiến cho những quyển sách dần dần xa rời hẳn tầm tay của chúng ta, không còn giống như khi ta còn trẻ. Đó là một thực tiễn. Và một trong những hệ quả của thực tiễn này là chúng ta đã không truyền lại được thói quen đọc sách cho thế hệ đi sau. Tất nhiên, đây cũng chỉ là một trong nhiều lý do, nhưng tôi muốn nhắc đến vì nó là một lý do mà ta có thể thay đổi được.

Đối với những ai không đồng ý với nhận định trên và vẫn cho rằng văn hóa đọc trong thời đại này thực sự không còn thích hợp, tôi xin trưng dẫn vài con số có tính toàn cầu trong biểu đồ sau đây:

Liên Phật Hội

Như được thấy trong hình (thống kê của năm 2018), bình quân mỗi người dân Ấn Độ hiện nay dành ra gần 11 tiếng đồng hồ để đọc sách trong một tuần lễ. Người Mỹ đứng ở cuối bảng trên, nhưng cũng có gần 6 giờ đọc sách mỗi tuần. Vậy mỗi người chúng ta, sau khi đọc qua những dòng này, hãy tự xét lại trong tuần qua bản thân mình đã có được bao nhiêu thời gian đọc sách? Nếu chúng ta vẫn đồng ý rằng đọc sách là một thói quen tốt và mong muốn con em mình đọc sách, vậy thì tự thân chúng ta không thể không nêu gương trước.

Và một lần nữa, vẫn là những con số thống kê. Người Mỹ đứng cuối bảng trong thống kê về thời gian đọc sách như trên, nhưng chúng ta hãy cùng xem qua các thống kê chi tiết hơn về thói quen đọc sách của họ:

Liên Phật Hội

Theo thống kê này, trong năm 2018 có 74% người Mỹ đã từng đọc ít nhất là một quyển sách và 67% đã đọc từ sách in trên giấy, không phải sách điện tử. Có 77% người Mỹ ở độ tuổi dưới 29 có đi mua sách trong năm 2018. Quả thật đây đều là những con số có thể xem là “lý tưởng” đối với tình hình đọc sách của người Việt chúng ta hiện nay, cho dù chúng ta chưa có được những con số thống kê cụ thể và chính xác về thói quen đọc sách của người Việt.

Như vậy, trong thực tế chúng ta có thể làm được gì để thúc đẩy thói quen đọc sách của tuổi trẻ hiện nay? Một trong những nỗ lực đáng trân quý nhắm đến mục đích này vừa được thực hiện tại San Jose vào ngày 19 tháng 10 vừa qua: Hội sách “Có Mặt Cho Nhau - Lần 2” - giới thiệu hơn 300 tựa sách của nhiều tác giả khác nhau, với số lượng có thể lên đến gần ngàn quyển.

Liên Phật Hội

Một góc Hội sách “Có Mặt Cho Nhau - Lần 2”

Theo Ban Tổ chức cũng như những người tham dự, Hội sách đã thành công trong nhiều khía cạnh, từ mục tiêu giới thiệu sách đến với độc giả cũng như tạo điều kiện chia sẻ tâm tình giữa các tác giả với độc giả của mình.

Mặc dù số lượng người đến tham gia trực tiếp khá khiêm tốn so với tầm vóc tổ chức, nhưng “Có Mặt Cho Nhau” đã thực sự thành công đúng như tên gọi của sự kiện vì tạo ra được một không khí ấm áp và thân tình trong suốt buổi chiều diễn ra sự kiện. Các diễn giả đều có cơ hội chia sẻ một phần kinh nghiệm và thao thức của mình đến với độc giả, và tất cả người tham gia đều được dành cho cơ hội để trực tiếp nêu câu hỏi với các diễn giả. Ngoài ra, sau khi chọn được những quyển sách vừa ý, người đọc còn có thể xin chữ ký trực tiếp từ các tác giả, và rõ ràng đây là một cơ hội hiếm hoi mà bất cứ người yêu sách nào cũng đều trân quý.

Liên Phật Hội

Độc giả chụp hình lưu niệm với các tác giả cũng là diễn giả trong Hội sách

Nhìn qua danh sách các diễn giả đều là những nhà văn, nhà Phật học, các giáo sư, tiến sĩ đã khá quen thuộc với độc giả qua hàng loạt tác phẩm đã lưu hành như thầy Thích Pháp Cẩn, Giáo sư Trần Kiêm Đoàn, Tiến sĩ Bạch Xuân Phẻ, Nhà văn Trần Việt Long, Nhà văn Đào Văn Bình, Cư sĩ Nguyễn Minh Tiến, Giáo sư Nguyễn Hồng Dũng v.v...

Ngoài ra còn rất nhiều tác giả gửi sách đến trưng bày giới thiệu tại Hội sách lần này nhưng không trực tiếp đến tham dự được như Hòa thượng Thích Như Điển, 
Thượng tọa Thích Nguyên Tạng, Nhà văn Nguyên Giác, Nhà văn Như Hùng, Nhà văn Vĩnh Hảo, Tâm Huy Huỳnh Kim Quang, Thị Nghĩa Trần Trung Đạo, Nguyễn Hoàng Lãng Du, Hoàng Long, Hoang Phong, Nhuỵ Nguyên, Nhà văn Nguyễn Duy Nhiên, Nhà thơ Hà Nguyên Du, v.v... 

Một số tác giả nổi tiếng từ lâu trong lãnh vực Phật học cũng được giới thiệu trong Hội sách lần này như Thầy Thích Tuệ Sỹ, Thầy Thích Nhất Hạnh, Hoà thượng Thích Mãn Giác (Huyền Không), Hoà thượng Thích Thanh Từ, 
Thầy Thích Từ Lực, Ni Sư Thích Nữ Trí Hải, Ni sư Hạnh Huệ, Ni sư Thuần Bạch, Ni sư Thuận Tuệ, Ni sư Giới Hương, Thích Nữ Khánh Năng v.v...

Dẫn chương trình là Giáo Sư Tiến Sĩ Phan Mẫn, một Giáo sư Khoa trưởng Đại học đến từ Sacramento.

Có thể nói, quy mô của Hội sách tuy không lớn lắm nhưng số lượng sách trưng bày và giới thiệu lần này đã khiến người tham dự phải hết sức ngạc nhiên và thích thú. Những giây phút gặp gỡ và trao đổi thân tình giữa các tác giả với độc giả là những giây phút vô cùng đáng nhớ cho cả đôi bên. Sức mạnh kết nối của những câu chữ, ngôn từ dường như được thể hiện một cách vô cùng cụ thể và sinh động khi những độc giả lần đầu tiên trực tiếp gặp mặt tác giả mình yêu thích nhưng đôi bên đều cảm thấy như vô cùng thân quen và gần gũi.

Liên Phật Hội

Xem sách, chọn sách là niềm vui trong hội sách

Đó là nói về những gì đã thực sự diễn ra trong Hội sách “Có Mặt Cho Nhau” tại San Jose vào ngày 19 tháng 10 năm 2019 vừa qua. Vấn đề còn lại là tiếng vang của sự kiện trong lòng độc giả, những người đến tham dự và kể cả những người không có điều kiện đến tham dự. Liệu những ảnh hưởng tích cực của sự kiện này có thể lượng định đến mức nào và chúng ta có thể làm được gì để cải thiện hơn nữa trong những lần tổ chức về sau?

Theo suy nghĩ chủ quan của người viết bài này, đã tham gia hội sách như một tác giả, thì hạn chế lớn nhất của lần tổ chức này là khả năng tiếp cận với độc giả. Như đã nói, số người trực tiếp đến tham dự hội sách là quá khiêm tốn đối với tầm vóc của sự kiện, xét từ góc độ công phu mà Ban Tổ chức đã bỏ ra để chuẩn bị cũng như từ góc độ quy tụ được các tác giả, diễn giả đến tham gia đều là những nhà văn, nhà nghiên cứu, các giáo sư, tiến sĩ mà tên tuổi đã được khẳng định qua thời gian với những cống hiến của họ cho văn hóa Phật giáo.

Ba ngày trước khi khai mạc sự kiện này, chúng tôi đã có một buổi hội luận nhỏ gồm anh Trần Việt Long (San Jose), Tiến sĩ Bạch Xuân Phẻ (Sacramento), anh Phan Trung Kiên (San Diego) và cá nhân tôi ngồi tại Westminster. Chúng tôi đã trao đổi sơ qua một vài vấn đề liên quan đến hội sách nhằm mục đích giới thiệu đến với người xem ở nhiều nơi. Buổi hội luận được phát trực tiếp qua Facebook cũng như được lưu lại trên YouTube và tính đến hôm nay, khi tôi viết bài này, đã có hơn 1.400 lượt xem. Con số người tiếp cận thông tin này lớn hơn rất nhiều chục lần số người trực tiếp đến tham dự Hội sách.

Liên Phật Hội
Các tác giả tham gia Hội luận trước ngày khai mạc
Điều này nói lên một thực tế trong điều kiện hiện nay. Đó là, việc dành thời gian trực tiếp đến tham gia sự kiện thường rất khó khăn đối với nhiều người, ngay cả khi đó là một ngày nghỉ cuối tuần, nhưng việc tiếp cận thông tin qua mạng Internet thì dễ dàng và hiệu quả hơn rất nhiều. Tất nhiên, chúng ta không thể phủ nhận giá trị thực tiễn vô cùng quý giá của những giây phút trực tiếp gặp gỡ giữa độc giả và tác giả hoặc giữa các độc giả với nhau, nhưng nếu như song song với sự kiện này chúng ta có thể ghi lại đầy đủ diễn tiến của sự kiện và phát đi trực tiếp qua mạng Internet cũng như lưu giữ lại, thì chắc chắn số lượng người tiếp cận thông tin sẽ tăng lên rất nhiều, qua đó hiệu quả quảng bá cũng như sự thúc đẩy tích cực của sự kiện này chắc chắn càng được nâng cao hơn nữa.

Và cũng từ nhận định trên đã đưa chúng tôi đến suy nghĩ rằng, tại sao chúng ta không thường xuyên tổ chức những buổi trao đổi, hội luận thời lượng ngắn với các tác giả, dịch giả, nhà nghiên cứu v.v... để giới thiệu về những quyển sách có giá trị cao, được chọn lọc kỹ? Như trong phần phát biểu của mình tại Hội sách, tôi có nêu rõ nhược điểm lớn nhất hiện nay của truyền thông đại chúng là nó cung cấp cho người đọc một lượng thông tin quá lớn và quá dễ dàng tiếp cận, dẫn đến tính chọn lọc rất thấp và người đọc rất dễ bị mất thời gian vô ích vì những quyển sách kém giá trị. Nếu chúng ta có thể thường xuyên giới thiệu đến người đọc những quyển sách hay theo cách như trên, chắc chắn sẽ có ảnh hưởng tích cực đến việc thúc đẩy văn hóa đọc. Và đây là điều chúng ta hoàn toàn có thể làm được với điều kiện kỹ thuật thông tin trong hiện tại, vì các tác giả, diễn giả có thể ngồi tại nhà để tham gia hội luận vào một ngày giờ định trước mà không phải mất thời gian di chuyển.

Nếu thực hiện theo cách này, số lượng người tiếp cận thông tin sẽ được nâng cao và từ đó giúp cho hiệu quả truyền bá được nâng cao. Và hơn thế nữa, trong phương thức này, mỗi người chúng ta đều có thể góp phần tích cực, chẳng hạn như bằng cách chia sẻ đường link các buổi “giới thiệu sách online” này đến với bạn bè của mình trên mạng xã hội. Với sự góp sức của nhiều người, tính lan tỏa của những sự kiện này sẽ càng được nâng cao hơn nữa. Và đây có thể là phương thức khả thi tốt nhất trong hiện tại.

Một khía cạnh thứ hai cần đề cập ở đây là sự nhận thức chưa đầy đủ về văn hóa đọc. Rất nhiều người hiện nay chưa hiểu hết hoặc chưa trực tiếp trải nghiệm được những khía cạnh tích cực của thói quen đọc sách, do đó mà tự bản thân họ không thường xuyên đọc sách cũng như không quan tâm đúng mức đến việc thúc đẩy, khuyên bảo con em mình đọc sách.

Tuy nhiên, những ai đã tự mình trải nghiệm niềm đam mê đọc sách đều có thể cảm nhận rất rõ ràng sự khác biệt giữa việc đọc một trang sách trên giấy với việc thu thập hàng loạt thông tin trên không gian ảo. Trong khi những thông tin có được từ không gian ảo chỉ nhằm phục vụ cho việc tìm hiểu một vấn đề nào đó, thì việc đọc một trang sách giấy mang lại nhiều sự thú vị tinh tế mà sách điện tử không bao giờ có được.

Khác biệt thứ nhất là về độ tin cậy. Trong khi những thông tin có được từ không gian ảo không hề có được một sự bảo chứng đáng tin cậy nào, ngay cả tên tác giả cũng có thể thường xuyên bị ghi nhầm, thì một bản in trên sách giấy luôn có độ tin cậy cao hơn và thường tạo được sự quen thuộc cho độc giả ngay từ lúc nhìn vào tên tác giả mà mình yêu thích. Mỗi bản sách in luôn được các tác giả nâng niu trau chuốt từ lúc mới hình thành cho đến lúc lưu hành, trong khi đó có rất nhiều bài viết trên mạng chỉ hình thành qua đêm hoặc thậm chí tức thời, ngẫu hứng, nên không bao giờ có thể là chỗ dựa đáng tin cậy để mở mang tri thức.

Khác biệt thứ hai là sự tương giao sống động giữa người đọc và người viết. Một tác phẩm in ấn khi đến tay người đọc, nếu được chấp nhận thì có thể trở thành cầu nối giữa người đọc với tác giả đó. Người đọc luôn có được cảm giác giao tiếp sống động giữa người với người qua từng câu chữ, hoàn toàn khác với những bản sách điện tử vốn chỉ là những tín hiệu vô hồn. Đặc biệt là khi người đọc có cơ hội tiếp xúc, gặp gỡ trực tiếp với tác giả viết sách, thì những quyển sách trong tay họ sẽ không chỉ đơn thuần là quyển sách nữa, mà nó thực sự trở thành một phương tiện tương giao sống động giúp họ cảm thấy gần gũi hơn với những tư tưởng, cảm xúc được tác giả truyền tải trong tác phẩm.

Mối quan hệ tương tác giữa tác giả và độc giả là một điều rất thật mà hầu hết những người viết sách đều đã từng cảm nhận. Trong thực tế, tôi đến San Jose lần này là lần thứ ba và hai lần trước đây là vào năm 2016. Trong cả ba lần ghé lại thành phố này, những người hân hoan chào đón tôi, dành cho tôi những tình cảm thắm thiết cũng như chăm lo việc ăn ở cho tôi chính là những độc giả đã từng đọc sách của tôi. Trước khi được kết nối với nhau qua những quyển sách, chúng tôi là những người hoàn toàn xa lạ, không hề biết đến nhau. Chính những câu chữ, đoạn văn trong sách đã giúp chúng tôi trở thành bạn hữu và dành cho nhau những tình cảm chân thành cũng như sự trân quý lẫn nhau. Điều này chắc chắn sẽ không bao giờ có được nếu như mọi người chỉ biết đến tôi qua các bài viết trên mạng Internet.

Tất nhiên, còn rất nhiều điểm khác biệt nữa mà chỉ những ai có được thói quen và niềm đam mê đọc sách mới có thể nhận biết hết được. Đáng tiếc thay, thói quen hay niềm đam mê quý giá này lại không phải là điều tự nhiên có được, mà thường phải trải qua sự rèn luyện, hun đúc từ thuở nhỏ. Trong khi đó, hầu hết các bậc phụ huynh ngày nay đều không quan tâm đúng mức đến việc dạy dỗ, khuyên bảo hay uốn nắn con em mình ngay từ thuở nhỏ để khi lớn lên chúng có được tài sản quý giá này. Chính vì vậy, việc ngày nay chúng ta lên tiếng ca ngợi và cổ xúy văn hóa đọc đã trở thành một nỗ lực khá muộn màng và thường không mấy hiệu quả.

Điều thứ ba tôi muốn nói đến trong bài viết này là đối tượng nhắm đến khác nhau của từng loại sách. Trong một bài viết ngay sau Hội sách này, anh Trần Kiêm Đoàn có ý “trách nhẹ” việc nhiều tác giả chỉ luôn chú ý đến những “thuyết giảng cao vời”, những điều “quá uyên thâm” hoặc “cao xa vời vợi” mà không nghĩ nhiều đến những nhu cầu gần gũi, dễ hiểu hơn của tuổi trẻ. Trong thực tế, Hội sách này có hơn 20 tựa sách của riêng tôi viết cho tuổi trẻ như Thắp ngọn đuốc hồng, Hát lên lời thương yêu, Đừng đánh mất tình yêu, Hoa nhẫn nhục, Những tâm tình cô đơn, San sẻ yêu thương v.v... Nhưng chính tôi khi dạo tìm cũng rất khó khăn mới nhận ra được những quyển sách này, vì chúng nằm lẫn trong nhiều quyển sách khác thuộc trình độ cao như anh Trần Kiêm Đoàn đã nhắc đến. Nên chăng, trong những lần tổ chức về sau, Ban Tổ chức cần có sự sắp xếp phân loại rõ ràng, khu vực nào là sách nghiên cứu, khu vực nào là sách Phật học chuyên sâu, sách Phật học căn bản, và đặc biệt là những sách dành cho tuổi trẻ. Như vậy sẽ dễ dàng hơn cho độc giả trong việc chọn mua sách.

Điều tất nhiên là vẫn còn rất nhiều việc cần làm và chúng ta có thể chung tay cùng làm để hướng đến một tương lai tốt hơn cho con em chúng ta trong lãnh vực này. Tuy nhiên, một sự kiện như “Có Mặt Cho Nhau” quả thật là rất đáng ngợi khen và khích lệ. Những khuôn mặt trẻ tích cực trong sự kiện này như Bạch Xuân Phẻ, Nguyễn Xuân Hiệp, Phan Mẫn... chắc chắn sẽ là những hạt nhân tốt để tiếp tục quy tụ ngày càng nhiều hơn nữa những tài năng trẻ với thiện chí sẵn sàng đóng góp vì cộng đồng. Và hơn thế nữa, với sự chung tay góp sức của nhiều người, mong rằng trong tương lai sẽ tiếp tục có thêm nhiều sự kiện như vậy với sự tổ chức hoàn thiện hơn, với quy mô lớn hơn và mang lại nhiều hiệu quả hơn.

Xin cảm ơn Ban Tổ chức Hội sách, những người đã âm thầm nỗ lực trong suốt thời gian dài để chuẩn bị cho sự kiện đáng nhớ này. Xin cảm ơn tất cả những độc giả đã đến tham dự cũng như cả những người không đến tham dự được nhưng vẫn luôn dành nhiều tình cảm khích lệ cho những người tổ chức. Và với tất cả sự lạc quan tin tưởng, xin hẹn gặp tất cả mọi người ở “Có Mặt Cho Nhau” lần thứ 3.

Liên Phật Hội

Liên Phật Hội

Liên Phật Hội

Liên Phật Hội

Liên Phật Hội

Liên Phật Hội

Sunday, October 20, 2019

BA THẾ HỆ PHẬT TỬ CÓ MẶT CHO NHAU - CHIA SẺ TÂM TÌNH

BA THẾ HỆ PHẬT TỬ

CÓ MẶT CHO NHAU - CHIA SẺ TÂM TÌNH

Hình ảnh lưu niệm Hội sách Có Mặt Cho Nhau lần thứ 2 tại San Jose
   

 
Quan khách và ban thuyết trình trao đổi ý kiến

Sách của hơn 20 tác giả thuộc cả 3 thế hệ được trưng bày và bán giá tượng trưng

BA THẾ HỆ PHẬT TỬ
CÓ MẶT CHO NHAU - CHIA SẺ TÂM TÌNH 
    Hôm nay, thứ Bảy 19-10-2019, tại Thư Viện Tully thành phố San Jose, California, nhóm Phật tử trẻ do Huynh trưởng Tâm Thường Định Bạch Xuân Phẻ đến từ Sacramento, phối hợp cùng một số Huynh trưởng, Đoàn sinh Gia Đình Phật Tử Việt Nam trong vùng Bắc Cali tổ chức một “Hội Chợ Sách” (Book Fair). Đây là một sinh hoạt tương đối hiếm hoi trong sinh hoạt Văn hóa Phật giáo Việt Nam ở Hải Ngoại với ba thế hệ chung một con đường: Thế hệ Đàn Anh – Đàn Chị (Lão niên), thế hệ Bắc Cầu (Trung niên), thế hệ Đàn Em (Thanh thiếu niên).

Kể từ khi đạo Phật Việt Nam cùng với làn sóng người Việt di dân tỵ nạn ra nước ngoài sau năm 1975, các sinh hoạt Phật sự như xây chùa, dựng tượng, lễ hội, văn nghệ, tiệc gây quỹ... bừng lên và phát triển ngày một rầm rộ trong các cộng đồng người Việt nước ngoài nhưng những sinh hoạt mang tính văn hoá tôn giáo thì ngày càng vắng bóng. Nguyên nhân thì có nhiều mặt, nhưng trực tiếp thì vẫn là do giá trị thực dụng ngắn hạn và lợi nhuận kinh tế làm chủ.

Hội Sách Phật Học “Có Mặt Cho Nhau” lần thứ hai nầy giới thiệu trực tiếp cũng như gián tiếp tác phẩm và tác giả Phật giáo Việt Nam thời cận đại và hiện đại trong vòng 50 qua.
Những tác giả thuộc thế hệ đàn anh như Thích Nhất Hạnh, Thích Thanh Từ, Tuệ Sỹ, Lê Mạnh Thát, Thích Mãn Giác, Nghiêm Xuân Hồng, Phạm Công Thiện… Những tác giả viết về Phật giáo thuộc thế hệ “Bắt cầu” cỡ trung niên – lên lão như Thích Như Điển, Thích Tự Lực, Thích Nguyên Tạng, Thích Thiện Long, Đào Văn Bình, Vĩnh Hảo, Trần Trung Đạo, Trần Việt Long, Huỳnh Kim Quang, Nguyên giác Phan Tấn Hải, Nguyễn Minh Tiến, Nguyễn Hoàng Lãng Du. Ngô Viết Trọng, Trần Kiêm Đoàn…  và các tác giả thuộc thế hệ trẻ như Bạch Xuân Khỏe, Nguyễn Hồng Dũng, Phan Mẫn…
Quan khách và ban thuyết trình trao đổi ý kiến

Đa số các nhà xuất bản chuyên đề hay có in ấn các tác phẩm Phật học cũng được giới thiệu ra mắt sách như các nhà xuất bản Lá Bối, Vạn Hạnh, Quảng Đức, Lotus Media Inc., Hương Tích Phật Việt, Việt Ananda Foundation… 
Mặc dầu hình thức sách báo giấy đã bị sách báo mạng online lấn chiếm đến 50, 60% nhưng văn hóa đọc vẫn còn là phương tiện tri thức và tiêu khiển chuyển tải những thông tin văn chương, xã hội đến khoa học, nghệ thuật của toàn thế giới. Theo thăm dò của World Atlas và Văn Hóa Á Châu (Asian Culture Foundation -ACF) về Văn Hóa Đọc (Reading Culture) thì những quốc gia chiếm hàng đầu về thời gian đọc sách làm cho người ta ngạc nhiên. Trung bình số giờ một người dân đọc sách báo mỗi tuần là: Ấn Độ (10 giờ 42 phút), Thái Lan (9 giờ 24 phút), Trung Quốc (8:00 giờ); trong khi Pháp (6:54), Mỹ (4:42), Nhật (4:06), Hàn Quốc (3:06) và Việt Nam (1.2)…
Bên cạnh sinh hoạt giới thiệu tác phẩm và tác giả, buổi sinh hoạt "Có Mặt Cho Nhau 2" cũng tạo cơ hội sinh hoạt chung, để chia sẻ và “truyền lửa cho nhau” thông qua hình thức tâm tình của tác giả và thảo luận một số đề tài văn học nghệ thuật, những thao thức và kinh nghiệm hoằng pháp Phật giáo.
Nội dung buổi sinh hoạt sách “Book fair” chuyển dần từ thoáng ưu tư “Sách vở ích gì cho buổi ấy. Áo xiêm nghĩ lại thẹn thân già…” của kẻ sĩ từ thời Nguyễn Khuyến (1835-1909) trên quê hương đến hôm nay trên đất khách tại các nước Âu Mỹ, vai trò phát huy văn hóa, phục vụ xã hội và tiêu khiển cho đời của sách báo. 
Sự quan hệ giữa việc đọc sách báo tiếng Việt và hiện trạng tổ chức, Gia Đình Phật Tử có một sự tương tác qua lại và ai cũng thấy được điều đó. Ngày xưa, tuổi trẻ Phật tử lớn lên và đượm nhuần tình Đạo trên quê hương qua những tác phẩm văn chương trong vắt của các huynh trưởng như Ánh Đạo Vàng, Thử Hoà Điệu Sống, Mùa Gặt Ác… của anh Võ Đình Cường; Phật Pháp căn bản của quý thầy Thích Chân Trí, Thích Thiện Hoa… Nhưng càng ngày sách báo Phật giáo càng vượt cao quá tầm tay với của tuổi trẻ. Và 50 năm qua, nhất là tại các nước Âu Mỹ thì sách báo và chữ nghĩa tiếng Việt đã thành “Ngoại Ngữ” đối với thế hệ sinh ra và lớn lên tại các nước ngoài. Chín mươi phần trăm đoàn sinh Gia Đình Phật Tử Việt Nam sinh hoạt với nhau bằng tiếng nước ngoài. Sách báo, thuyết pháp, băng giảng, phim ảnh… về đạo Phật hầu hết nhắm vào đối tượng phụ huynh và ít còn quan tâm tới con em. Như tuần nay, kẻ đang viết những dòng này dẫn hai cháu Ái Linh và Tấn Lực đi sinh hoạt tại GĐPT – KQ ở địa phương. Khi hỏi các cháu là có thuộc bài tụng “Đệ tử kính lạy, đức Phật Thích Ca…” không? Thì hai cháu đều thuộc. Nhưng khi hỏi nghĩa tiếng Việt thì các cháu đều không trả lời được và nói là “Chẳng hiểu gì cả!” Hai cháu cũng cho biết là hát các bài hát nhưng chẳng hiểu nghĩa là gì, mặc dầu mỗi buổi sáng sinh hoạt vào thứ Bảy hàng tuần các cháu đều phải học 2 giờ tiếng Việt. Tấn Lực là đoàn sinh Thiếu Nam và Ái Linh là Đội trưởng đội Thiếu nữ. Hai cháu Linh, Lực đều đã sinh hoạt GĐPT 7 năm rưỡi. Chiều nay hỏi các bạn GĐPT của Linh, Lực thì cũng nghe trả lời là “Chẳng hiểu gì cả” như thế!  
Lỗi tại ai?
Thưa chư quý nhân! Đã đến lúc chúng ta cần chấm dứt thói quen tiêu cực là chỉ tay vào nhau mà đổ lỗi cho người vì không ai có lỗi cả. Từ các bậc Tôn Đức đến hàng phụ huynh và Phật tử ai cũng tha thiết muốn cho các mầm non GĐPT và Phật tử tuổi trẻ đều hiểu Đạo và sống Đạo bình thường. Nhưng nguyên nhân và hệ quả ở đây nằm ở Người thì ít mà nằm ở chỗ Phương Pháp Giáo Dục và phương tiện truyền đạt là chủ yếu.
Thế hệ đàn anh – mà nhất là những nhân vật viết lách và thuyết giảng cao vời lý nhà Phật – hầu như quên bẵng các em, các con, cháu quanh mình nên viết toàn những chuyện cao xa vời vợi; thuyết pháp những điều thâm uyên, trong khi tuổi trẻ đang cần những Ánh Đạo Vàng, những Bông Hồng Cài Áo… Hiện tượng áo thụng vái nhau và nhân danh “Phật sự đa đoan” để mãi nghĩ đến cây cành đại thụ, cảnh giới mười phương mà quên mất những chồi non đang nhú dưới cánh tay mình đang làm cho tuổi trẻ xa dần môi trường Phật đạo! 
Khi có quý Sư Cô từ miền Nam California nêu lên câu hỏi làm sao tìm ra giải pháp cho vấn đề là các đoàn sinh GĐPT ngày một thưa dần vì các con, cháu không muốn đến chùa. Trong lúc các vị diễn giả và hội thảo viên còn hăng say trao đổi trong vòng hội luận thì có một vị “phát biểu ngoài luồng” từ dãy ghế sau cùng: “Cả trăm, cả ngàn cuốn sách tiếng Việt hay ho bày trên bàn, trên giá, trên kệ mà có cuốn nào tui mua được tặng cho cháu tui đọc đâu nào. Buồn quá hà!”
Cuộc hội luận còn đi xa hơn khi vấn đề được nêu lên là tại sao chùa to tượng lớn mọc lên nhiều đến thế nhưng không có những mô thức nhà giữ trẻ kiểu “Vườn Trẻ Kiều Đàm” hay trường học kiểu “Tư Thục Bồ Đề” của Phật giáo miền Nam Việt Nam trước 1975 để đưa mầm non hướng về đạo Phật? 
Có chăng một cuộc Hội Luận và Hội Sách lần tới đặt trọng tâm vào tuổi trẻ hướng Phật.
Đã đến lúc người Phật tử Việt Nam, nhất là tại Hoa Kỳ, cần xem lại lịch sử người Tàu và Phật giáo của họ trên đất Mỹ gần 200 năm trước, khi người Tàu ồ ạt vào Mỹ làm thuê trong những cơn sốt tìm vàng (Gold Rush) vào những năm 1800 - 1850. Họ mang Phật giáo Trung Hoa theo và con số chùa chiền cùng tăng đoàn, giáo hội tăng lên theo đời sống kinh tế và dân số sinh sản nhân lên nhanh chóng. Vì không có sự đầu tư cho tuổi trẻ Phật tử gần như chúng ta bây giờ nên khi thế hệ đàn anh đàn chị di dân đầu tiên khuất bóng, thế hệ sinh ra và lớn lên ở Mỹ không còn quan tâm hỗ trợ việc chùa chiền nên vô số chùa viện phải bán đi và những hội Phật giáo giải tán vì vừa thiếu kinh tế hỗ trợ, vừa vắng bóng tín đồ.  
 Phật giáo Tích Lan, Tây Tạng, Nhật Bản, Trung Hoa ở Mỹ đã chuyển hướng. Thay vì xây dựng chùa viện quá nhiều về số lượng, họ tập trung về chất lượng. Tây Tạng, Trung Hoa xây dựng những ngôi chùa đồ sộ với kinh phí hằng chục triệu đô la, thu hút ồ ạt khách hành hương bốn phương cũng như nội địa.
Nói về tình hình Phật giáo Việt Nam hiện nay, từ tầng lớp Phật tử sơ cơ cho đến bậc tôn túc, hàng giáo phẩm… đều thấy rõ sự thoái trào nghiêm trọng đang diễn ra trước mắt: Trong nước thì bị toàn trị - công cụ hóa; ngoài nước thì phân tranh cùng cực, hoàn toàn vắng bóng lãnh đạo. Nhà cháy, lửa bốc cao thì ai cũng thấy. Nhưng chúng ta đang cần phương tiện cứu hóa thích ứng và phương pháp sử dụng phương tiện ấy đúng đắn và hữu hiệu. Lửa cháy! Nếu cứ chỉ tay nhau, đổ lỗi cho nhau, cãi nhau tranh thắng hay la làng la xóm thì có ích gì?!
Cuộc Hội Sách “Có Mặt Cho Nhau 2” mới chỉ là một biểu tượng “mềm” của tinh thần thống nhất văn hóa Phật Giáo trên phương diện  nhân văn. Văn hóa Phật giáo là một tập đại thành của của văn hóa đọc, văn hóa ứng xử và văn hóa tu hành. 
Cám ơn “Có Mặt Cho Nhau 2”. Mong “Có Mặt Cho Nhau 3” sẽ bàn về văn hóa ứng xử để cùng nhau cố gắng lấp cạn dần và thu hẹp lại những hầm hố chia rẽ là vấn đề trước mắt của chúng ta hôm nay.   
                                                             San Jose – Sacramento 19-10-19
                                                                      Trần Kiêm Đoàn


Saturday, October 19, 2019

Sách Mới Của Tâm Thường Định: ‘Tuệ Sỹ - Tinh Hoa Phật Giáo VN’

Sách Mới Của Tâm Thường Định:
‘Tuệ Sỹ - Tinh Hoa Phật Giáo VN’
Nguyên Giác

Người viết hân hạnh được tác giả Tâm Thường Định (Bạch Xuân Phẻ) mời giới thiệu tác phẩm “Tuệ Sỹ - Tinh Hoa Phật Giáo Việt Nam, Vị Thầy Của Bốn Chúng” mới ấn hành, đúng ra là tái bản với nhiều hiệu đính và bổ sung. Không tham dự được Hội Sách “Có Mặt Cho Nhau 2” tại San Jose ngày 19/10/2019, do vậy bài này được viết ra để trân trọng cảm ơn và để hỗ trợ các sinh hoạt hoằng pháp rất mực quý giá như thế.
Tác phẩm viết bằng song ngữ Anh-Việt, ấn hành lần đầu là năm 2017, lần tái bản này năm 2019 với nhiều bổ sung. Bìa là tranh vẽ Thầy Tuệ Sỹ của họa sĩ Đỗ Trung Quân. Đang phát hành trên mạng Amazon ở địa chỉ: https://www.amzn.com/1087801222/.
Duyên khởi để hình thành tác phẩm là, theo Tâm Thường Định viết nơi Lời Nói Đầu: “Nhân dịp sinh nhật của Thầy, chúng tôi mạo muội làm việc nho nhỏ này như một món quà từ phương xa để kính dâng một vị Thầy lớn của Phật giáo Việt Nam, người đang âm thầm hành đạo trong kiên trì và nhẫn nại với tấm lòng từ bi rộng lớn. Trí tuệ của Người là ngọn hải đăng của nhiều thế hệ, trong đó có chúng con.”
Được biết, Thầy Tuệ Sỹ sinh ngày 15 tháng 2 năm 1943. 
Có thể hiểu dễ dàng duyên khởi về sách này, nếu chúng ta biết rõ về tác giả Tâm Thường Định, một huynh trưởng Gia Đình Phật Tử tại California. Tác giả đã trải qua nhiều năm đọc các bài viết của Thầy Tuệ Sỹ, do vậy từng trang sách đều hiển lộ tấm lòng rất mực tôn kính với Thầy. Bản thân Tiến Sĩ Tâm Thường Định cũng là một giáo viên dạy Hóa học tại một trường trung học ở Sacramento, đồng thời đang dạy về Thiền Chánh Niệm (Mindfulness Meditation) tại nhiều học khu California. Đồng thời, tác giả Tâm Thường  Định cũng hoạt động trong nhóm một số Phật tử thiện nguyện vào hướng dẫn Thiền tập và giáo pháp trong nhà tù Folsom State Prison (B-yard) – nơi giam 3.300 tù nhân hình sự.
Người viết không dám bình luận gì về tiếng Anh của tác phẩm “Tuệ Sỹ - Tinh Hoa Phật Giáo Việt Nam, Vị Thầy Của Bốn Chúng” vì trình độ tiếng Anh của người viết phần lớn là tự học, không thể bằng tác giả Tâm Thường Định. Một số bản dịch và bài viết của Tâm Thường Định trong bản tiếng Anh lại có hỗ trợ từ Giáo sư Ngôn ngữ học Nguyễn Văn Thái, do vậy người viết không dám bàn về phần tiếng Anh (ngay cả, khi có thắc mắc).
Lý do phải viết song ngữ chỉ vì giới trẻ, ngay cả trong các đơn vị Gia Đình Phật Tử VN, cũng không đọc được tiếng Việt. Và như thế, các em này hoàn toàn bị đứt lìa với PGVN, không thấy được công trình của các nhân vật đã đóng góp lớn cho PGVN, trong đó có Thầy Tuệ Sỹ.
Nơi đầu sách có Lời Giới Thiệu bằng tiếng Anh của Tiến Sĩ W. Edward Bureau, và phần này do cư sĩ Doãn T. Kim Khánh dịch ra tiếng Việt. Lời này chủ yếu là nhận định của GS Bureau về công việc đi dạy Thiền Chánh Niệm của Tâm Thường Định (Phe Bach) tại các học khu California.
Tiến sĩ Bureau viết, nơi đây trích bản Việt dịch như sau:
Phương cách lãnh đạo có chánh niệm hiện hữu ngay trong thiên nhiên, vừa đúng lúc vừa vượt thoát được khái niệm thời gian. Đó là cốt lõi của phương pháp lãnh đạo luôn có mặt ở hiện tại và chia sẻ hiện tại với người khác. Khái niệm này chính là tâm huyết mà Phẻ trao truyền cho những nhà giáo dục khắp California trong những buổi huấn luyện việc đưa chánh niệm vào lớp học. Làm được như vậy rõ ràng là đem lại cho cả nhà giáo dục lẫn người học sức khoẻ về cả tinh thần lẫn thể chất, đồng thời phương pháp dạy và học trong chánh niệm cũng tạo bối cảnh cho tâm từ bi và an lành.
Tiếp theo, là Lời Giới Thiệu của Thầy Thích Nguyên Siêu (từ San Diego, California), chủ yếu nói về nội dung sách. 
Trong này, Thầy Thích Nguyên Siêu viết về sách của Tâm Thường Định, trích:
Tác phẩm này gồm có hai bài của Ôn Tuệ Sỹ. Bài thứ nhất có tựa đề “Tâm Thư Gởi Tăng Sinh Huế”, nhưng người đọc sẽ thấy rõ ý của Ôn muốn nhắn gởi đến cả thế hệ Tăng Ni trẻ đang sống trong một hoàn cảnh đất nước: “Bị cắt đứt với mạch nguồn quá khứ, bị che chắn khuất tầm nhìn tương lai.” Từ đó, Ôn tha thiết nhắn nhủ: “Cầu mong các con có đủ dũng mãnh để đi bằng đôi chân của mình, nhìn bằng đôi mắt của mình, tự xác định hướng đi cho chính mình…
Bài thứ hai có tựa đề “Suy Nghĩ Về Hướng Giáo Dục Đạo Phật Cho Tuổi Trẻ.” Bằng cái nhìn và nhận định về một thế hệ, Ôn đã đánh thức những tâm hồn của tuổi trẻ Việt Nam: “Tuổi trẻ Việt Nam đang bị bật rễ, do đó có nguy cơ mất hướng, hay thực sự đã mất hướng. Tuổi trẻ của Đạo Phật Việt Nam cũng không ngoại lệ, và không dễ dàng vượt qua tình trạng mất hướng này. Ở đây, tôi nói mất hướng là nhìn từ điểm đứng dân tộc….
Bước qua phần hai là thơ của Ôn Tuệ Sỹ… Qua phần thứ ba là thơ của anh Tâm Thường Định…: Và phần thứ tư cũng là cuối cùng của tác phẩm, đó là bài viết: “Mắt Biếc Trong Thơ Tuệ Sỹ” của Tâm Thường Định, muốn tìm cái nghĩa ẩn dụ của từ “Mắt Biếc” trong bài thơ “Một Thoáng Chiêm Bao”…”
.
Tuyển tập song ngữ “Tuệ Sỹ - Tinh Hoa Phật Giáo Việt Nam, Vị Thầy Của Bốn Chúng” của Tâm Thường Định như thế rất đa dạng. Trong đó, hai bài viết của Thầy Tuệ Sỹ viết cho giới trẻ Việt Nam đều có tầm quan trọng đặc biệt, không chỉ mời gọi định hướng cho thế hệ trẻ xuất gia và tại gia về thái độ tu học trong cương vị mỗi người tự nhìn bằng đôi mắt của mình, mà cũng mời gọi nhìn từ điểm đứng dân tộc để có những hành hoạt tương lai.
Dịch sang tiếng Anh, đặc biệt khi dịch thơ Thầy Tuệ Sỹ, là một nghệ thuật rất mực gian nan. Thí dụ, Thầy Tuệ Sỹ trong bài thơ "Một Thoáng Chiêm Bao" khởi đầu với câu: Người mắt biếc ngây thơ ngày hội lớn... Tác giả Tâm Thường Định và GS Nguyễn Văn Thái nhận định rằng chữ “mắt biếc” rất khó dịch, vì không thuần chỉ màu sắc, mà còn mang ẩn nghĩa “trinh nguyên và ngây thơ.” Thơ của Thầy Tuệ Sỹ hay là một chuyện, nhưng hàm nhiều nghĩa mới là gian nan cho người dịch. Bản Anh dịch đưa ra trong sách này sẽ giúp giới trẻ tại Hoa Kỳ tiếp cận với một nhà thơ lớn của dân tộc Việt Nam đương thời, cũng là một nhà sư đi giữa những gian nan lịch sử với tâm hồn trong trắng như câu thơ Thầy viết, “Như cò trắng giữa đồng xanh bất tận.”
Như thế, tuyển tập song ngữ về Thầy Tuệ Sỹ do Tâm Thường Định chuyển ngữ là một công trình lớn, đã thực hiện cẩn trọng qua nhiều năm, và bây giờ tuyển lại để ấn hành. Tác phẩm này cần có trong tủ sách những người quan tâm về Phật Giáo VN nói chung, và về Thầy Tuệ Sỹ nói riêng.
Người viết khâm phục tác giả Tâm Thường Định là chuyện tất nhiên, đương nhiên và hiển nhiên. Chỉ thêm nơi đây, xin đề nghị bạn Tâm Thường Định trong lần tái bản tương lai, nên chiếu rọi thêm một phương diện lớn khác của Thầy Tuệ Sỹ: một vị Bồ Tát xuất gia, và là người tích cực quảng bá Bồ Tát Đạo. Đề tài này sẽ đặc biệt thích nghi với giới trẻ Việt Nam, dù tại Hoa Kỳ hay tại Việt Nam.
Người viết nhận thấy rằng Thầy Tuệ Sỹ là một người ưa sống trầm lặng, xa rời các náo nhiệt thế gian, nhưng lòng luôn luôn thương xót chúng sinh.  
Thí dụ, có lúc nghe tin Thầy Tuệ Sỹ ra ẩn tu ở Khánh Hòa, có lúc nghe tin Thầy về ẩn nơi Bảo Lộc; và ngay khi ở Sài Gòn, Thầy cũng giữ hạnh ẩn tu. Vào năm 2005, khi Thầy Nhất Hạnh tới Chùa Già Lam (Sài Gòn) thăm, mới biết rằng Thầy Tuệ Sỹ đang nhập thất, đã gõ cửa nhưng cũng không thấy ra gặp được. Nghĩa là, Thầy Tuệ Sỹ giữ hạnh ẩn tu, ngay nơi náo nhiệt như Sài Gòn mà vẫn tịch lặng cõi riêng. Dù vậy, khi theo dõi các sách và các bài viết của Thầy Tuệ Sỹ, mới biết rằng Thầy hoằng pháp, quảng bá chánh pháp theo cách riêng.
Thầy Tuệ Sỹ như thế đã sống theo lời dạy của Đức Phật. Cụ thể là lời dạy trong Kinh Trung A Hàm MA-77. Nghĩa là ẩn tu, nhưng luôn luôn thương xót chúng sinh đời sau. Đọc kỹ kinh này, cho thấy Đức Phật cũng khuyên chúng sanh “học theo Như Lai” – phải chăng đó là “học theo Bồ Tát Đạo”? Nếu nghĩ như thế, là từ trong Kinh A Hàm, Đức Phật đã khuyên chúng sinh nên theo hạnh Bồ Tát, tức là theo hạnh Đại Thừa. Thầy Tuệ Sỹ là một nhà sư như thế.
Kinh MA-77 qua bản dịch của Thầy Tuệ Sỹ, trích như sau:
Này A-na-luật-đà, Như Lai chỉ vì hai mục đích sau đây nên mới sống nơi rừng vắng, trong núi sâu, dưới gốc cây, thích ở non cao, vắng bặt tiếng tăm, xa lánh, không sự dữ, không có bóng người, tùy thuận tĩnh tọa. Một là, sống an lạc ngay trong đời hiện tại. Hai là, vì thương xót chúng sanh đời sau. Đời sau hoặc có chúng sanh học theo Như Lai, sống nơi rừng vắng, trong núi sâu, dưới gốc cây, thích ở non cao, vắng bặt tiếng người, tùy thuận tĩnh tọa. Này A-na-luật-đà, vì những mục đích ấy mà Như Lai sống nơi rừng vắng, trong núi sâu, dưới gốc cây, thích ở non cao, vắng bặt tiếng tăm, xa lánh, không sự dữ, không có bóng người, tùy thuận tĩnh tọa”. (1)
Nghĩa là, Đức Phật nói rõ, một vị sư đi tu không phải để riêng tự giải thoát, mà cần nghĩ tới (và thương xót) chúng sanh đời sau, và nếu có ai đời sau học theo Như Lai thì… tự quân bình, vừa ẩn tu, vừa thương xót chúng sanh. Chỗ này có thể nghĩ là, không lẽ Đức Phật tu qua 3 a tăng kỳ kiếp, giúp vô lượng chúng sanh, bây giờ thành Phật, rồi vào Niết Bàn để biến mất luôn? Trong khi hạnh Bồ Tát là không bao giờ rời bỏ chúng sanh. Tuy nhiên, nếu nói rằng có một vị nào mang nguyện Bồ Tát để đời đời tái sanh nhằm cứu chúng sanh là dễ rơi vào chấp Có, nhưng nếu nói biến hẳn luôn là dễ rơi vào chấp Không – đây là nơi, nếu không có Trí Tuệ Bát Nhã là sẽ hỏng cả hai đầu biên kiến.
.
Có một tác phẩm của Thầy Tuệ Sỹ ít được nghe tới (nhiều phần, có lẽ, vì hoản cảnh ẩn tu của Thầy) là cuốn “Du Già Bồ Tát Giới” (Hương Tích Phật Việt ấn tống, 2017) – trong sách này, nơi Chương 1, nói về các “Bồ Tát Tại Gia thời Ðức Phật”… ghi nhận về một số vị cư sĩ Bồ Tát Tại Gia.
Trong Tạng Thanh Văn (Nikaya và A Hàm), hình ảnh Cư sĩ Úc Già (Ugga) hiện ra khác với hình ảnh Cư sĩ Úc Già trong Tạng Bồ Tát.  
Chỉ ngay trong một câu nói của Úc-già Trưởng giả (theo Kinh Đại Bảo tích, quyển 82, hội 19 “Úc-già trưởng giả”) nêu lên để thỉnh vấn Đức Phật cũng cho thấy suy nghĩ cách biệt một trời một vực giữa một ngài Úc Già trong Tạng Thanh Văn và ngài Úc Già trong Tạng Bồ Tát.
Thầy Tuệ Sỹ viết nơi Chương 1, sách Du Già Bồ Tát Giới, trích:
Bản kinh Úc-già Trưởng giả của Đại thừa, để xác nhận chí nguyện của ông Trưởng giả, đã gắn cho ông những lời thỉnh vấn Phật:
“Những thiện nam tử, thiện nữ nhân, vì ích lợi của hết thảy chúng sinh, muốn đưa tất cả vào Niết-bàn an lạc cứu cánh, muốn duy trì Tam bảo tồn tại thế gian không gián đoạn… những vị ấy cần phải làm gì? Giới đức hành xử của Bồ-tát tại gia là thế nào? Làm thế nào mà tuy vẫn sống đời tại gia những vẫn tùy thuận tu hành những điều Như Lai giáo huấn mà không tổn hoại các bồ-đề phần?”…” (2)
Đó là hạnh nguyện Bồ Tát: đưa tất cả chúng sinh vào Niết Bàn, duy trì Tam bảo tồn tại thế gian không gián đoạn… Tư tưởng này hình như không có, hoặc không thấy rõ, trong Tạng Thanh Văn.
Cũng trong Chương 1 đó, Thầy Tuệ Sỹ phân tích về trường hợp Cư sĩ Thiện Sinh và hai bản kinh Thiện Sinh dị biệt trong hai tạng kinh. Tương tự, với một số Cư sĩ khác.
Xin nhắc lại rằng, dịch ra Anh văn các bài viết của Thầy Tuệ Sỹ là một công việc cực kỳ gian nan, không dễ tí nào. Nhất là khi muốn dịch các lý luận phức tạp của Thầy Tuệ Sỹ (như trong sách Du Già Bồ Tát Giới nêu trên) thì lại trăm phần khó hơn nhiều. Nơi đây, người viết (trong cương vị tự xem như học trò của Thầy Tuệ Sỹ) muốn nhắc dịch giả Tâm Thường Định (một học giả uyên bác mà người viết có cơ duyên là bạn thân) rằng, nếu bạn tái bản cuốn sách tuyệt vời này trong tương lai, xin dịch thêm (hoặc dịch tóm lược) các phân tích của Thầy Tuệ Sỹ về Bồ Tát Hạnh. Đó cũng là những phân tích rất mực trí tuệ, chỉ thấy được từ một người đọc kinh với tâm rất mực từ bi, như Thầy Tuệ Sỹ. 
Trân trọng cảm ơn tác giả Tâm Thường Định: tuyển tập song ngữ “Tuệ Sỹ - Tinh Hoa Phật Giáo Việt Nam, Vị Thầy Của Bốn Chúng” là một công trình lớn, về một vị Thầy lớn. Rất mực hy hữu. Xin chúc mừng.
GHI CHÚ:
(2) Chương 1, Du Già Bồ Tát Giới: https://gdptvietnam.org/tue-sy-bo-tat-tai-gia-thoi-duc-phat.gdpt




Friday, October 11, 2019

TA VỀ NÚI THÔI


Con trai đầu thơ thẩn - Photo: BXK
TA VỀ NÚI THÔI

Ai thong dong lên núi
Cây cỏ cũng mừng theo
Đời không chi tiếc nuối
Áng mây trời trong veo!

Thơ Bạch Xuân Phẻ

Thursday, October 10, 2019

PAYING GRATITUDE, RESPECT, AND HOMAGE TO ZEN MASTERS THICH NHAT HANH AND THICH THANH TU


PAYING GRATITUDE, RESPECT, AND HOMAGE TO ZEN MASTERS THICH NHAT HANH AND THICH THANH TU


1.
Let's come back, our life is getting shorter
Coming home itself is a present in the realm of emptiness.  


2.
The masters just sat in peace
Joy, hope, and happiness spread beyond the Zen gates
Just sitting silently, the Dharma lessons are taught
Covering discourses and countless sutras.


3.
White mountain-tops are a stunning beauty 
In the back of the sky, the sunset ray is falling
Half of the rainbow is magnificent 
Ah, just three gentle deep breaths!


4.
From the beginning I came here
Learn to understand and love, learn to smile
Suddenly, the soul of the traveler is empty
Looming over the course of life! And then stops dreaming. 


5.
Over ninety years of life
Wait for the student to grow up
Ah, who is still not awaking
In gratitude, raising a salute to the silent teaching

6.
Road dust is still not settled and is unable to return
The masters still sit and smile silently
The suffering and miserable, only we must know for ourselves
The masters asked, “Tell me, is this life, a dream, or what!?”


7.
Promise with all my heart to visit the ancestor land
Experiencing life in the East and in the West
Is it time to come back, the soul-searching traveler?
Your ancestor land has all the seed of wisdom and enlightenment.


8.
Leaving behind the West, ah, this valued piano
A song of dreams is the common love
Coming back to the East, oh, that single-string instrument
Oh, a primitive realm, just like the seas, mountains, and forests.


9.
Coming back the shadows are fading
Grasses trampled on the edge of the sunset rays


10.
The golden sun covered my way home 
Ah, this is truly a lonely country road
The rolling pine hill is dancing with the clouds overhead 
Taking a vacation for the inner mind, fostering calmness
On the shoulders, the moon and the sun, are just an emptiness
Be freely and leisurely strolling the harbor of duality.

11.
This episode, a realm of life, is getting shorter
Coming and going is just the same 
We should be free wherever we truly are.



12.
The masters still sat quietly
Look at their smiling children
Who bowed their heads in respect


13.
Letting go, letting go
Our attachments and thoughts also let go 
The mind, body, and heart are one with the Tathagata


14. 
They are just sitting there
Yet all is calm and at ease
The zen monasteries are purified and beautified
Knowing that everything is just fine the way it-is.